Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Giờ G sắp điểm, hai tàu sân bay Mỹ “ra đòn phủ đầu” Trung Quốc tại Biển Đông


VietTimes--Sự kiện Mỹ đưa 2 tàu sân bay vào biển Philippines ngày 18/6 vừa qua được các hãng truyền thông đánh giá là ra đòn phủ đầu đối với Bắc Kinh trước thềm tòa án đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. 
Đắc Quang - /
Mỹ và Philippines sẽ tăng cường ráo riết các hoạt động quân sự trên biển Đông để gây sức ép cho Trung QuốcMỹ và Philippines sẽ tăng cường ráo riết các hoạt động quân sự trên biển Đông để gây sức ép cho Trung Quốc
Cục diện Biển Đông vốn đã dịch chuyển sang mặt trận ngoại giao lại một lần nữa nóng lên. Ngày 19/6, Bộ chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ công bố, mẫu hạm chiến đấu USS John C.Stennis và mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ đã triển khai tập trận phòng không, trinh sát trên biển và tấn công tầm xa tại biển Philippines trong 1 ngày trước đó.
Mỹ thẳng thắn tuyên bố “bảo vệ an ninh và sự phồn thịnh của khu vực Ấn Độ - châu Á- Thái Bình Dương... là lợi ích quốc gia của Mỹ”. Các hãng truyền thông phương Tây khi đưa tin về sự kiện này đã chỉ ra rằng, trước thềm Tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào đầu tháng 7, hai tàu sân bay của Mỹ tập trận tại biển Philippines có thể là hành động bố trí trước để đối phó với nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.
Tàu sân bay USS John C Stennis của Mỹ tiến vào Thái Bình Dương 
Đây là động thái mới nhất của Mỹ tại Biển Đông sau khi 6 chiến đấu cơ Mỹ trực chiến tại căn cứ không quân Clark tiến vào không phận bãi cạn Scarborough vào ngày 23/4/2016  để triển khai “hoạt động nhận biết tình hình trên biển”. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter cũng nhân cơ hội này cảnh cáo Trung Quốc: Không nên khởi động công trình lấp biển xây đảo trái phép ở bãi cạn  Scarborough, nếu khởi công “chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”, Mỹ và các quốc gia khác sẽ bắt tay vào hành động.
Sáu tháng trở lại đây, trong các hành động của Mỹ tại biển Đông, vị thế của bãi cạn  Scarborough ngày càng được thể hiện rõ nét và trở thành tâm điểm giao tranh, đối đầu của hai bên. Ngày 22/3, tại buổi điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã tuyên bố, sẽ có những đáp trả về quân sự và bố trí lực lượng đối với công trình lấp biển xây đảo trái phép của Trung Quốc tại bãi cạn  Scarborough chứ không thể ngồi nhìn Trung Quốc quân sự hóa vùng biển này.
Và từ đầu năm 2016, nhiều tướng lĩnh quân sự của Mỹ đã liên tiếp đưa ra lời cảnh cáo đối với công trình lấp biển xây đảo trái phép của Trung Quốc tại bãi cạn  Scarborough. Một số chuyên gia quân sự còn khẳng định rằng Trung Quốc sẽ lấy bãi cạn  Scarborough làm nền tảng để xây dựng khu nhận diện phòng không trên Biển Đông. Và hành động hai tàu sân bay tiến vào Biển Đông lần này chắc chắn là kết quả trực tiếp của những lời cảnh báo này.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan
Một điều có thể khẳng định là bãi cạn  Scarborough có một vị trí đặc biệt trong số những hòn đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát trên Biển Đông, bãi cạn này cách quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khá xa nhưng đã trở thành một cực trong “tam giác vàng” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cũng là bãi nổi duy nhất giữa vùng biển rộng. Nếu có thể xây sân bay trái phép ở bãi cạn  Scarborough thì Trung Quốc sẽ kết hợp được với hệ thống cơ sở hạ tầng đã xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để hình thành nên hệ thống phòng thủ chiến lược mạnh mẽ, đảm bảo cho Trung Quốc có sự kiểm soát hữu hiệu về mặt quân sự trên Biển Đông, và chắc chắn đây là điều mà Mỹ không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, những tranh chấp trên Biển Đông kéo dài đã lâu, tại sao hai bên Trung Quốc – Mỹ lại cùng chĩa mũi nhọn vào bãi cạn  Scarborough? Câu trả lời có lẽ vẫn ẩn sâu trong vụ kiện biển Đông của Philippines lên tòa án quốc tế.
Vị trí hết sức đặc biệt của bãi cạn  Scarborough trong vụ kiện Biển Đông trước hết được thể hiện ở việc bãi cạn này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực nhất khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện “đường 9 đoạn”. Vụ kiện mà Philippines đệ trình lên PCA tập trung chủ yếu vào tính hợp pháp của "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc ngang ngược "vẽ" ra trên Biển Đông, do những khu vực mà phía Trung Quốc kiểm soát không có hòn đảo nào phù hợp với định nghĩa về “đảo”, mà chỉ là bãi đá hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi.
Theo quy định của Công ước luật biển Liên hợp quốc, những bãi đá hoặc bãi cạn này không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, do đó những bãi đá hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi này chỉ có thể đưa vào phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Bãi cạn Scarborough có vị trí đặc biệt quan trọng trong vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc
“Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
Trong yêu sách “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc, do có vị vị trí địa lý cách quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – mà Trung Quốc tự coi là của mình rất xa, bãi cạn  Scarborough đã trở thành một hòn đảo không được bao trùm bởi vùng đặc quyền kinh tế được tạo ra bởi chủ trương lãnh hải của Trung Quốc. Theo tuyên bố trước đó của Trung Quốc về việc phủ quyết phán quyết của tòa án quốc tề về vấn đề chủ quyền, chỉ cần vùng đặc quyền kinh tế được hình thành từ hòn đảo thuộc chủ trương của Trung Quốc trùng khớp với chủ trương của các quốc gia khác thì tòa án không thể đưa ra phán quyết, tuy nhiên bãi cạn Scarborough lại thiếu biện pháp bảo hộ khách quan này, do đó, vị thế của bãi cạn này đang phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ phía phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế.
Điều này cũng có nghĩa rằng, đối với Trung Quốc, bãi cạn  Scarborough vừa là khu vực đối mặt với tình thế nghiêm trọng nhất hiện nay trong số các hòn đảo trên Biển Đông, là khu vực cần “hành động” nhất. Do đó, Mỹ và một số  quốc gia cho rằng, khi kết quả phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế bất lợi cho Trung Quốc, chắc chắn đầu tiên Bắc Kinh sẽ lựa chọn bãi cạn Scarborough để “ra tay”.
Theo suy luận này, triển khai bố trí lực lượng sớm ở bãi cạn Scarborough là đánh đòn phủ đầu đối với Trung Quốc, đây đã trở thành phương châm then chốt trong các hành động quân sự của Mỹ, Philippines thời gian qua.
Từ tháng 1/2013 – thời điểm Philippines đưa vụ kiện lên tòa án quốc tế, thời gian công bố kết quả của vụ kiện thu hút sự chú ý của cả thế giới này bị kéo dài nhiều lần, không những trở thành quả bom không hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào trong cục diện Biển Đông, và thời gian chờ đợi trường kỳ cũng khiến các nước chạy đua quân sự gay gắt hơn trên Biển Đông.
Hai mẫu hạm Mỹ tham gia tập trận lần này đã tuyên bố sẽ đồn trú tại Biển Đông đến đầu tháng 7, chính là thời điểm tòa án công bố kết quả phán quyết. Một điều có thể khẳng định là, trong thời điểm nhạy cảm này, các hoạt động "đánh đòn phủ đầu" của Mỹ và Philippines đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ diễn ra dồn dập.
Đ.Q
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không còn là "Nga ngố", mà "Ngờ ngợ" rùi!

Đại sứ Nga tại Trung Quốc: “Căng thẳng Biển Đông do các nước ngoài khu vực khơi lên”

VietTimes -- Căng thẳng gia tăng ở vùng Biển Đông là do sự can thiệp vào tình hình từ các quốc gia bên ngoài khu vực. Sputnik dẫn phát biểu của Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov lại lên tiếng ủng hộ quan điểm sai trái của Trung Quốc.
An Công - /
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei DenisovĐại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov
Liên bang Nga ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov tuyên bố.  Ông Denisov nói rằng phần đáng kể, mà có thể là phần quyết định trong căng thẳng ở đây, đã khơi lên một cách nhân tạo. Ở mức độ không kém quan trọng điều đó gắn với sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài khu vực vào việc khắc phục tình hình.
Theo lời ông Andrei Denisov, về tranh chấp liên quan đến vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông, thì lập trường của Nga luôn rõ ràng từ lâu.
"Chúng tôi tán thành giải quyết bất kỳ vấn đề bằng con đường đàm phán giữa các nước thành viên của cuộc tranh chấp. Chúng tôi cho rằng, bất kỳ sự can thiệp từ phía ngoài, dù đôi khi che đậy bởi các kiểu hiệp lực tìm kiếm các giải pháp này khác, đều là phản xây dựng", ông Denisov nói
Đại sứ Nga tại Trung Quốc cũng nhận định rằng cơ sở lập trường của Matxcơva là tiếng nói “của lý trí, tiếng nói của lối tiếp cận khách quan”, tiếng nói của một đất nước hiểu rõ rằng phương thức tiến đến giải quyết tranh chấp lãnh thổ  là tạo lập mối quan hệ giữa các nước thành viên như vậy, mà bất kỳ sự khác biệt đều được đặt trong khuôn khổ yêu cầu thực tế phát triển giao hảo láng giềng thiện chí.
Hồi tháng 4/2106, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ủng hộ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương tranh chấp biển Đông. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi “các quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan”.
Tuy nhiên, ngay lập tức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó nhấn mạnh rằng đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương. Ông Lê Hải Bình nêu rõ còn đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.

Tin liên quan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo Trung Quốc phản đối Mỹ đưa hàng không mẫu hạm đến Biển Đông


Hai tàu sân bay Mỹ John C. Stennis (CVN 74) và Ronald Reagan (CVN 76) tại Biển Đông, ngày 18/06/2016.

Nhân dân Nhật báo hôm nay 22/06/2016 cực lực lên án việc Hoa Kỳ điều hai hàng không mẫu hạm đến vùng Đông Á. Một động thái được nhiều nhà quan sát cho rằng nhằm gửi tín hiệu răn đe Bắc Kinh, vào thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra phán quyết liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. 
Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định: « Mỹ đã nhắm sai mục tiêu khi chơi trò này với Trung Quốc ». Bài viết ký tên « Zhong Sheng » tức « Trung Thanh », đồng âm với từ « Tiếng nói Trung Hoa ». Bút danh này thường được sử dụng để bày tỏ quan điểm của chính quyền Trung Quốc về chính sách đối ngoại. Tờ báo nói thêm : «Đằng sau tư tưởng sai lầm này là nỗi lo âu và sự ngạo mạn của Washington, và là biểu hiện chân thực cho đầu óc bá chủ của Mỹ ».


Hôm thứ Hai 20/6, tư lệnh Hải quân Mỹ tuyên bố việc triển khai các tàu sân bay là dấu hiệu cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ về an ninh khu vực, và hy vọng sẽ ngăn cản được mọi âm mưu gây bất ổn tại Biển Đông. Hai hàng không mẫu hạm John C. Stennis và Ronald Reagan bắt đầu các hoạt động chung với Philippines từ cuối tuần trước, trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết liên quan đến yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Thái Bình Dương (PACOM) nói rằng các hàng không mẫu hạm bắt đầu vào chiến dịch hôm thứ Bảy 18/6, trong đó có cả tập trận phòng không, giám sát trên biển, không chiến và tấn công tầm xa. Cũng theo PACOM, cuộc tập trận gần đây nhất có sự tham gia của hai tàu sân bay Mỹ tại Tây Thái Bình Dương là vào năm 2014, và trước đó năm 2012 hai tàu sân bay Mỹ cũng từng phối hợp hoạt động tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160622-bao-trung-quoc-phan-doi-my-dua-hang-khong-mau-ham-den-bien-dong
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo đảng, đoàn Trung Quốc bôi nhọ Việt Nam "khống chế láng giềng"



  
(GDVN) - Việt Nam không xâm lược hay khống chế bất kỳ quốc gia nào, nhưng đã đánh bại các thế lực xâm lược hoặc tìm cách khống chế mình dù nó hiện hình hay giấu mặt.
Lực lượng nghiên cứu trẻ của Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân Trung Quốc. Ảnh: CCTV 7.
Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 21/6 dẫn nguồn tờ Thanh niên Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc đăng bài viết: "Chạy đua trang bị tàu ngầm làm cho các vùng biển xung quanh nước ta (Trung Quốc) chật chội khác thường" ghi tên tập thể tác giả là Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân, trong đó có những bình luận sặc mùi kích động, bịa đặt bôi nhọ Việt Nam.
Sau 2 mục bình luận về lực lượng tàu ngầm của Mỹ - Nhật - Hàn ở Đông Á, mục thứ 3 viết về lực lượng tàu ngầm của Việt Nam và Singapore, Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân Trung Quốc bắt đầu lồng ý đồ xuyên tạc, bôi nhọ trắng trợn Việt Nam như sau: "Đặc trưng địa chính trị đặc biệt đã tạo thành 2 lối thoát an ninh mà Việt Nam mưu cầu. Một là thông qua xâm lược hoặc khống chế các nước láng giềng xung quanh (?!) để tạo cho Việt Nam chiều sâu phòng ngự chiến lược trên đất liền;"
Dù là bài đăng trên mục Khoa học công nghệ của Nhân Dân nhật báo và nội dung chủ yếu bàn về công nghệ, trang bị hải quân và chiến lược hải quân, nhưng việc người xuất bản báo đảng, báo đoàn Trung Quốc cho Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân nước này lồng ghép những bình luận chính trị sặc mùi kích động, bôi nhọ hình ảnh láng giềng bằng những lời dối trá, bịa đặt là điều không thể chấp nhận được.
Việt Nam không xâm lược hay khống chế bất kỳ quốc gia nào, nhưng đã đánh bại các thế lực xâm lược hoặc tìm cách khống chế mình dù nó hiện hình hay giấu mặt, giật dây muốn xâm phạm lãnh thổ, phá hoại an ninh và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình - PV.
Người Việt luôn mong muốn chung sống hòa bình, yên ổn làm ăn với tất cả các quốc gia láng giềng. Nhưng trong lịch sử đã từng có kẻ xúi bẩy, thao túng, kích động những kẻ cầm quyền bạo ngược ở một nước láng giềng khác tấn công sau lưng Việt Nam buộc người Việt phải tự vệ, cứu mình và cứu chính người dân của quốc gia ấy.
Đến lúc đánh cho những kẻ diệt chủng không còn mảnh giáp, thì gã láng giềng này bất ngờ xua quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc của đất nước họ vẫn gọi là "đồng chí, anh em", gây ra cuộc chiến đẫm máu, nhưng cuối cùng cánh quân xâm lược cũng nhanh chóng bị người Việt đập tan.
Ngày nay, láng giềng phương Bắc vẫn không từ mưu ma chước quỷ cũ, dùng đồng tiền thao túng, giật dây nước khác chống phá Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã và đang thao túng giật dây "cánh tay nối dài" của họ để chia rẽ ASEAN theo đúng ý đồ của Trung Nam Hải.
Lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã xuất ngũ được hạm đội Nam Hải bất ngờ gọi tái ngũ huấn luyện tân binh. Ảnh: 81.cn
Chưa kể những thế lực lăm le gây bất ổn trên tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam hiện nay rất có thể có bàn tay của tình báo Hoa Nam giật dây hòng phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông thành ao nhà cho Bắc Kinh. Do đó việc "xâm lược, khống chế" láng giềng thực chất chính là mưu chước chính ông chủ của Nhân Dân nhật báo, của Viện Nghiên cứu Trang bị Nam Hải đang theo đuổi. Người Việt đã có bài học phải trả bằng xương máu về chuyện này!
Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân Trung Quốc bình tiếp: "Hai là thông qua mở rộng phòng ngự trên biển, thiết lập chiều sâu phòng ngự an ninh trên biển. Việt Nam tự cho rằng với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ hiện có, có thể tận dụng tối đa các đảo này để hình thành phòng tuyến an ninh trên biển, mở rộng chiều sâu phòng ngự trên biển. Biển Đông là vùng biển nước sâu, đặc biệt thích hợp với tác chiến tàu ngầm. Do đó Việt Nam coi tác chiến chống tàu ngầm có vị trí vô cùng quan trọng.
Hải quân Việt Nam có 2 chiếc tàu ngầm lớp Yugo mua của Bắc Triều Tiên chủ yếu dùng cho mục đích huấn luyện. Năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Việt Nam rất hạn chế. Năm 2009, Việt Nam và Nga ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 636MV, hiện Nga đã bàn giao 3 chiếc, 3 chiếc còn lại sẽ được bàn giao nốt trong năm 2016.
Loại tàu ngầm này của Nga được mệnh danh là một trong những dòng tàu ngầm chạy êm nhất thế giới. Ngoài ra, nó còn có đặc điểm quan trắc dưới nước từ xa, vũ khí tác chiến chống ngầm mạnh mẽ.
"Nếu theo tỉ lệ 1/3 số lượng tàu ngầm được dùng cho việc thực hiện nhiệm vụ tác chiến sẵn sàng chiến đấu thì trong tương lại Hải quân Việt Nam sẽ có 2 chiếc tàu ngầm Kilo thường trực sẵn sàng chiến đấu tác chiến chống ngầm trong các vùng biển lân cận (căn cứ). Khi toàn bộ số tàu ngầm này vào biên chế hoạt động sẽ nâng cao đáng kể năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Việt Nam".
Kết luận bài báo này, Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân Trung Quốc cho rằng:"Các nước không tiếc tiền của đổ vào phát triển lực lượng tàu ngầm nhanh chóng, trong đó có tính toán về an ninh quốc gia của nước mình, nhưng đại đa số là vì trong các tranh chấp hoạch định biên giới trên biển và quyền lợi hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được hạm đội Nam Hải gọi tái ngũ tham gia tập trận trên Biển Đông từ 13 đến 17/6 vừa qua. Ảnh: 81.cn
Một số nước bất chấp sự thật lịch sử, vỗi vã phá vỡ hiện trạng, vội vã quốc tế hóa vấn đề, đặc biệt là kể từ khi một số nước lớn nhảy vào làm rối loạn cục diện, điều này tạo thành nguyên nhân căn bản của tình trạng mất an ninh trong khu vực, dẫn tới cuộc chạy đua tàu ngầm".
Quốc gia bất chấp sự thật lịch sử, vội vã phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông chính là Trung Quốc. Cái gọi là "sự thật lịch sử" chính là việc Trung Quốc đã tự nặn ra đường đứt đoạn, còn gọi là đường chữ U, đường lưỡi bò hòng thôn tính Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia trong Biển Đông, mà ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng nhất là Việt Nam.
Cái mà Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân Trung Quốc gọi là "vội vã phá vỡ hiện trạng" thực tế chính là những hành động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa nhanh chóng các đảo nhân tạo một cách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng như ở Trường Sa, cả hai đều thuộc chủ quyền Việt Nam. Đặc biệt là trên 7 bãi đá ở Trường Sa nước này xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ 1988, 1995 đến nay - PV.
Do đó, các nước khác bao gồm Việt Nam phải nâng cao năng lực phòng thủ là điều bắt buộc phải làm trước áp lực bành trướng ngày càng lớn của Trung Nam Hải. Chính âm mưu, thủ đoạn và hành động giễu võ dương oai, xâm lấn lãnh thổ, đe dọa an ninh hàng hải hàng không ở BIển Đông, phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực mà Trung Quốc đã và đang làm mới là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng.
Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân Trung Quốc cũng như tờ Thanh niên Trung Quốc, Nhân Dân nhật báo đang đổ thừa, đang gắp lửa bỏ tay láng giềng.
Sự đổ thửa này chính là cách để Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân Trung Quốc ngụy biện cho tham vọng bành trướng lãnh thổ, độc chiếm Biển Đông mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang theo đuổi, nhưng thế giới văn minh không ai chấp nhận điều đó.
Người Việt quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, cũng như chung tay cùng cộng đồng quốc tế và nhân loại tiến bộ ngăn chặn mọi âm mưu và hành động xưng hùng xưng bá, phá hoại hòa bình và ổn định, đe dọa an ninh và tự do hàng hải cũng như hàng không ở Biển Đông - PV.


Hồng Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quan điểm Nga về Biển Đông


Nguyễn Huy Thiệp: Những đứa con giết cha




(Trích từ Đọc “tôi” bên bến lạ, nxb Hội Nhà Văn & Nhã Nam 2016)
Đoàn Cầm Thi
“Không có người cha tốt. Đó là qui luật.
Jean-Paul Sartre
clip_image001
Có thể gọi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn về gia đình. Thế gian, lịch sử, thời đại,… những đề tài “lớn” đều được nhà văn lồng vào khung cảnh của đơn vị xã hội nhỏ nhất đó. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Huy Thiệp, khi chuyển truyện ngắnKhông có vua sang kịch nói, đã gọi tác phẩm mới là “Gia đình”. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp luôn được đặt lên cán cân của các mối ràng buộc hôn nhân và huyết thống: đạo vợ chồng, nghĩa huynh đệ, tình phụ tử. Đặc biệt, quan hệ cha con – một trong ba quan hệ nền tảng của đạo đức truyền thống Việt Nam – được Nguyễn Huy Thiệp quan sát, phân tích, mổ xẻ không khoan nhượng trong hầu hết tác phẩm của mình.
1. Công cha như núi Thái Sơn?
Phải nói ngay rằng, tình mẫu tử dường như không lôi kéo được sự quan tâm của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu đúng là Nguyễn Huy Thiệp có viết một truyện ngắn mang tên “Tâm hồn mẹ”, thì như một sự trào lộng, người mẹ lại hoàn toàn vắng mặt. Nhân vật chính, thằng bé Đăng mồ côi, chỉ giữ được vài kỷ niệm vô cùng hoang sơ về người đã sinh ra nó. Trong Tướng về hưu bà Thuấn mắc bệnh tâm thần, còn trongTội ác và trừng phạt bà mẹ bị mù. Không có vua cực đoan hơn cả bởi lão Kiền, chủ gia đình, goá vợ.
Trong khi hình ảnh người mẹ gần như mờ nhạt, thì người cha lại chiếm vị trí trung tâm trong nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp viết vào những năm cuối thập niên 1980 (Tướng về hưuKhông có vuaGiọt máuTội ác và trừng phạt). Các nhân vật người cha, dù là ông tướng, là thợ sửa xe, là nông dân, đều có một mối quan hệ kỳ lạ với những đứa con của mình. Dẫu không thiếu yêu thương, tình phụ tử thường mang nhiều trách móc, tranh chấp, thậm chí hận thù. Các ông bố của Nguyễn Huy Thiệp coi kẻ “nối dõi” mình là kẻ hèn nhát (Tướng về hưu), mắng mỏ tàn nhẫn con trai, nhìn trộm con dâu tắm (Không có vua), hiếp con gái (Tội ác và trừng phạt).
Mâu thuẫn giữa các thế hệ trong một gia đình là đề tài thường trực của văn học hiện đại và đương đại Việt Nam. Trong tiểu thuyết Việt những năm đầu thế kỷ 20, nơi cá nhân bắt đầu nổi dậy chống sự kìm kẹp của bộ máy gia đình, các nhân vật vẫn phải hy sinh hạnh phúc riêng để tròn đạo làm con. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách mô tả Đạm Thủy, một trí thức trẻ Hà thành, đã từ chối người mình yêu để chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Điều đáng ngạc nhiên là, dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây, Đạm Thụy không mảy may lên án luân lý Khổng giáo. Lá ngọc cành vàng vẽ chân dung một người cha, vì mù quáng tôn thờ “danh dự gia đình” (thực ra là tiền bạc và quyền lực), đã kiên quyết chà đạp mối tình của con gái với một chàng sinh viên nghèo. Và Nguyễn Công Hoan, cũng như Hoàng Ngọc Phách, không có giải pháp nào khác ngoài cái chết đau đớn của nhân vật nữ. Vài năm sau, trong tự truyện Những ngày thơ ấu, với một thái độ thành thực hiếm có, Nguyên Hồng vẽ lên chân dung cha mình như một kẻ đớn hèn độc ác. Tuy nhiên, chú bé Hồng, dù cảm thấy “uất ức căm giận”, vẫn nằm in chịu trận dưới ngọn roi của kẻ sinh thành.
Trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, cái nhìn có vẻ cách mạng hơn: những ông bố “phong kiến” thường bị xếp vào dòng nhân vật phản diện và bị xung quanh lên án. Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn giữa các thế hệ thường được nói đến, thì vai trò của người cha lại chưa bao giờ bị phủ định. Các tác phẩm thường kết thúc bằng một bức tranh gia đình hòa giải, bình yên, vì đó chính là cái mà nền văn học này tìm kiếm: sự trật tự. Đương nhiên, vốn tận tụy phục vụ lý tưởng, không tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa nào dám hô hào cá nhân nổi loạn, dù chỉ để chống lại kẻ sinh thành. Tóm lại, từ đạo Khổng đến chủ nghĩa Mác-Lê, các hệ thống giá trị của Việt Nam, cũ hay mới, dù khác nhau đến mấy, đều thống nhất ở một điểm: bảo vệ vị trí của người cha trong gia đình, coi đó là nhân tố ổn định xã hội.
Về phương diện này, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã đi rất xa, không chỉ đơn thuần là lời lên án hệ thống phụ quyền. Trong ba truyện ngắn Tướng về hưuKhông có vua và Tội ác và trừng phạt, các nhân vật chính là những kẻ giết cha, như thể bậc sinh thành đang trở thành một loài cần tuyệt chủng và đao phủ chính là những đứa con của họ. Những đứa con hoặc sẽ âm thầm loại trừ cha, dù mong mỏi đó có lẽ chỉ là vô thức (Tướng về hưu), hoặc sẽ biểu quyết giết cha - “Ai đồng ý bố chết giơ tay” (Không có vua), hoặc sẽ lấy rìu bổ vào đầu cha (Tội ác và trừng phạt). Chưa hết, Tuân, cháu ông tướng trong Tướng về hưu, cầm dao dọa đâm bố. Tác giả dường như bị thôi miên bởi thứ tội ác tày đình này. Hai thập kỷ sau, trong Tuổi hai mươi yêu dấu, tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn danh tiếng hiện lên dưới con mắt của đứa con trai du thử du thực như một “người cha xấu”. Cuối truyện, lúc người cha từ giã cõi đời cũng là khi đứa con trai trưởng thành, như thể chỉ cái chết của ông mới mang lại chút ý nghĩa cho tình phụ tử.
Vậy Nguyễn Huy Thiệp muốn nói gì khi mô tả hàng loạt những tội ác này? Đâu là thái độ thực sự của tác giả? Ở phía những người cha bị sát hại hay ở phía những đứa con bất hiếu? Có tồn tại mối liên quan nào giữa sự rối loạn của gia đình và sự bất ổn của xã hội? Đó là những câu hỏi mà bài viết này sẽ cố gắng giải đáp, thông qua việc khảo sát những ràng buộc phức tạp giữa văn học, đạo đức, chính trị và kinh tế trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.
2. Lời của những đứa con
Trước hết, cũng như nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Tướng về hưu và Không có vua ngay từ tựa đề, đã mang một thông điệp nhiều ý nghĩa trong một đất nước như Việt Nam, nơi văn hoá Khổng giáo đã đưa người cha lên vai trò hàng đầu, nơi chinh chiến triền miên đã biến quân đội thành một nhà nước trong nhà nước. Tướng về hưu là cuộc trở về sau 50 năm vào sinh ra tử của tướng Thuấn. Nhìn con trai và con dâu, trong cuộc cơm áo gạo tiền, bàn bạc toan tính đến mất cả lương tâm, ông không khỏi cảm thấy “lạc loài”: Thủy, người con dâu, là bác sĩ phụ sản, dùng “rau bà đẻ” nuôi chó cảnh đem bán làm giàu. Không có vua cũng là sự đổ vỡ đạo đức vì miếng cơm manh áo trong một gia đình bình dân Hà Nội những năm bao cấp: anh em Khảm và Đoài toàn người có học, bàn mưu lấy vợ giàu để “xóa đói giảm nghèo”, nhưng không ai tin ai nên khi Đoài nói sẽ thưởng nếu Khảm mối lái thành công, Khảm đòi Đoài viết “mấy chữ làm bằng”.
Trong cả hai tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đều đặt gia đình trong mối tương quan giữa kinh tế và dân số học. Ta biết rằng năm 1985 - 1987, vào thời điểm xuất hiện các truyện ngắn này, Việt Nam với tổng số 60 triệu dân, phải gánh tới 27 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Nền kinh tế quốc doanh cộng với hai cuộc chiến, chống Trung Quốc ở phía Bắc và Campuchia ở phía Nam, làm cho kinh tế càng thêm trầm trọng. Chưa kể Mỹ cấm vận và gần như cả thế giới tư bản bỏ rơi. Với thu nhập khoảng 100 đôla trên đầu người một năm, Việt Nam lúc đó là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cân bình tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết. Hai truyện ngắn Tướng về hưu và Không có vua, vì vậy, phản ánh nỗi lo âu của mỗi gia đình Việt Nam trong buổi thóc cao gạo kém: muốn tồn tại, nó buộc phải duy trì một số lượng thành viên không đổi. Trong Không có vua, cuộc sống của đứa con Sinh phải đổi bằng hai cái chết: của lão Kiền và cậu Vỹ. Nếu dòng trên thông báo “triệu chứng có thai” của Sinh, thì dòng dưới viết: “Lão Kiền ốm”. Trong cùng một câu, người ta đọc: “Sau hôm giỗ lão Kiền một trăm ngày, Sinh đẻ con gái”. Tướng về hưu cũng được xây dựng trên một sơ đồ tương tự: một sự sinh (đứa cháu gái mới đẻ của ông tướng) và hai sự chết (của mẹ và của cha).
Luân lý Khổng giáo, qua “Nhị thập tứ hiếu”, răn rằng trong những ngày đói kém, Quách Cự và vợ phải chôn sống con trai để dành bát cơm duy nhất nuôi mẹ già (vị mẫu mai nhi). Nhà nước Việt Nam đương thời khẳng định sinh đẻ kế hoạch là điều kiện để dân giàu nước mạnh. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đặt vấn đề ngược lại: người già chết đi dành chỗ cho con trẻ, đó phải chăng không là một giải pháp[1]?
Nhưng trên hết, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là những câu hỏi về thế gian, về thời gian, cuộc sống, cái chết. Qui luật mà Nguyễn Huy Thiệp quan tâm nhiều nhất, là quy luật của tự nhiên. Không có vua gồm nhiều “chương”, chỉ các thời điểm khác nhau trong ngày (chương 2 “Buổi sáng”, chương 4 “Buổi chiều”, chương 6 “Buổi tối”). Cuộc sống luân phiên chảy, nhưng có chu kỳ, được đánh dấu bằng các sự kiện không ngừng lặp đi lặp lại: “Ngày giỗ” (chương 3), “Ngày Tết” (chương 5). Trong truyện ngắn vỏn vẹn 30 trang này, người ta tham dự vào những thời điểm quan trọng nhất của vòng sinh tử: đám cưới, sinh con, hấp hối, chết, giỗ, Tết.
Ở đây, cuộc sống quyết định cái chết, hay nói đúng hơn, cái chết làm nảy sinh sự sống. Sự tiếp nối này làm cho cái chết (của cha của mẹ) vừa là một bất hạnh vừa là một giải thoát, cho người ra đi và cho người ở lại. Trong Tướng về hưu, ở đám ma ông tướng về, con dâu và em trai ông bàn tán cảnh đẹp bên đường. Sau đó, con trai ông nói: “Nếp sống của gia đình tôi trở lại như là trước ngày cha tôi nghỉ hưu”. Chẳng phải nhờ có cái chết của tướng Thuấn mà con trai ông đã cầm bút viết văn? TrongKhông có vua, một trăm ngày lão Kiền mất, đám con ông làm tiệc mừng đứa trẻ mới sinh. Nhận được điện thông báo ông cậu vừa từ trần, Đoài bảo: “Các bác già chết đi có gì là lạ?”. Cái chết của lão Kiền cho phép đám con lão nói đến ngày mai: “Cuộc sống dù khỉ gió nhưng vẫn đẹp tuyệt vời. Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó”. Có lẽ đây là một trong những suy nghĩ táo bạo nhất của Nguyễn Huy Thiệp, ở những năm đầu hăm hở công phá của anh.
Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp thường cho người con quyền phát ngôn. Tướng về hưuđược viết ở ngôi thứ nhất: chuyện tướng Thuấn hoàn toàn do con trai ông kể lại theo cảm quan cá nhân, không bao giờ chúng ta được biết ông thực sự nghĩ gì. Không có vua dành nhiều chỗ cho đối đáp của Đoài, đứa con đòi biểu quyết giết cha. Đoài là kẻ khốn nạn, nhưng lại là nhân vật được Nguyễn Huy Thiệp chăm chút nhất. Tên Đoài xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm (116 lần), trên cả lão Kiền, Sinh, Tốn, Khảm, Khiêm. Những nhận xét của Đoài thường thông minh, hài hước, sắc sảo. Tội ác và trừng phạtcho cô con gái kể lại từng chi tiết cuộc hành quyết ông bố loạn luân, và để nói về kẻ sinh thành ra mình, cô dùng từ “ông ấyKhi câu chuyện mở ra thì ông ta đã bị sát hại, và người đọc không bao giờ được nghe một lời của nhân vật này. Chưa hết, nhân vật người kể chuyện của Tội ác và trừng phạt dùng những dòng thương cảm nhất để khép lại câu chuyện của nữ tội nhân mà anh ta đã đến thăm tận trại giam, lắng nghe lời kể của cô, cảm thông với cô. Nếu Đoài của Không có vua và Thuần của Tướng về hưukhông bao giờ được mô tả về hình thức, thì cô gái này có một gương mặt một giọng nói cụ thể, gợi nhiều thương cảm: “Trước mặt tôi là một cô gái 16 tuổi… Cô phạm một tội rất nặng”. Cuối cùng, anh ta đọc bên mộ cô một bài tụng “vô tường” của Lục tổ Huệ Năng. Như để tiếp lời cho kẻ giết cha, mang lại sự sống mới cho cô, dẫu cô đã ở trong cõi chết. Và đây cũng là một tác phẩm mang nhiều tính tự truyện nhất của Nguyễn Huy Thiệp: nhân vật xưng “tôi” này tự nhận là nhà văn đã sống nhiều năm tại các tỉnh miền núi – “Đã có nhiều bạn đọc đến với tôi, họ kể lể về cuộc đời…Hơn bao giờ hết, Nguyễn Huy Thiệp nói “tôi” để công khai đứng về phía kẻ giết cha.
Viết về tội ác và ý nghĩa của sự trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp rõ ràng thừa nhận ảnh hưởng của Dostoïevski. Không những cho truyện ngắn của mình mang tựa đề tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Tội ác và trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp còn chọn một tuyên ngôn của ông làm đề từ – “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”. Tương tự, câu chuyện năm anh em trai biểu quyết giết cha, với chủ đề bạo lực và loạn luân trong Không có vua không thể nào không làm ta nhớ đến Anh em nhà Karamazov.
Tuy nhiên, dường như Nguyễn Huy Thiệp từ chối quan điểm của Dostoïevski khi anh tìm cách lý giải tội ác. Nếu quả thật trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi đắng cay về thời đại và thế sự, thì qua những suy nghĩ về mối giao hoà giữa tự nhiên và cõi người, về sự sống và cái chết, tác giả dường như muốn đạt tới một cái nhìn tổng quát hơn về nhân gian: không có “thay đổi” cũng không có “cách mạng”, cuộc sống không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Đó là sự chuyển hoá không ngừng giữa đêm và ngày, giữa đông và hè, giữa tĩnh và động, là sự cân bằng giữa thiện và ác, giữa âm và dương.
Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vì vậy gần với những suy nghĩ của François Jullien về sự luân chuyển trong trời đất, khi ông phân tích Vương Phu Chi, triết gia Trung Hoa thế kỷ 17: “Sinh và tử trao đổi với nhau, cái chết tiếp tay cho cuộc sống, luôn là khởi điểm của sự sống hoặc “Nếu sự luân chuyển có tính tuần hoàn, nó đối lập với sự lặp lại cằn cỗi: chính nó cho phép thời cuộc tiếp tục[2].

[1] Vấn đề này cũng được đặt ra trong nhiều xã hội bị cái đói đe doạ. Bộ phim Bài ca Narayama của Nhật (giải thưởng Cành cọ Vàng tại Cannes năm 1983) kể rằng trong một làng nghèo hẻo lánh nước Nhật, người dân có tục đem người già bỏ vào núi, vì họ trở nên “vô dụng”. Tục bỏ rơi người già cũng được dân Esquimaux (tộc Thulé) coi như một phương cách để điều hoà dân số (xem Jean Malaurie, Les derniers rois de Thulé, Plon, Col. Terre humaine, 1976).
[2] François Jullien, Procès et création. Une introduction à la pensée chinoise, Le Livre De Poche, coll. Biblio Essais, 1997, tr. 65 và 27. Nhiều tác phẩm của François Jullien đã được dịch ra tiếng Việt, ví dụ: Xác lập cơ sở cho đạo đức (Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Đà Nẵng, 2000), Bàn về tính hiệu quả (Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Đà Nẵng, 2002).
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thủ tướng Campuchia Hun Sen có thể công khai hỗ trợ Trung Quốc, tẩy chay phán quyết của PCA là quyền của ông ấy và Campuchia, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA. Bởi dù sao Campuchia cũng không phải bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông, trong khi chính Bắc Kinh đang tìm mọi cách chống "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông.

Ông Hun Sen tuyên bố không ủng hộ phán quyết của PCA


  
(GDVN) - Hun Sen có thể công khai hỗ trợ Trung Quốc, tẩy chay phán quyết của PCA là quyền của ông ấy và Campuchia, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến phán quyết.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc như Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, China Daily, China.org.cn và hãng thông tấn Pháp AFP ngày 20/6 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 20/6 tuyên bố, ông sẽ không ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) ở Biển Đông.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: asiancorrespondent.com.
"Tôi xin tuyên bố rằng lập trường của Campuchia là sẽ không ra bất kỳ tuyên bố nào ủng hộ phán quyết của Hội đồng Trọng tài. Campuchia sẽ có tuyên bố của riêng mình", Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc dẫn lời ông Hun Sen nói.
Còn The Manina Times hôm nay dẫn nguồn AFP cho biết, ông Hun Sen đã chống lại phán quyết của PCA với lập luận: "Đây không phải vấn đề pháp lý, nó hoàn toàn là về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của Tòa. Vụ kiện này là một âm mưu chính trị giữa một số quốc gia và Tòa án".​
Hãng thông tấn này cho hay, ông Hun Sen đã tỏ ra "giận dữ" khi các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin, Campuchia cùng với Myanamar, Lào đứng sau việc ASEAN phải rút lại tuyên bố chung về Biển Đông tại Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam tuần trước.
Ông gọi việc này là không thể chấp nhận: "Như thế rất không công bằng với Campuchia. Một số nước đang sử dụng Campuchia để chống Trung Quốc. Họ dùng chuyện này để nguyền rủa chúng tôi."
Người viết cho rằng, càng sát ngày PCA ra phán quyết, Trung Quốc càng ráo riết vận động, lôi kéo sự ủng hộ lập trường phi lý của Bắc Kinh chống lại phán quyết của PCA, nhưng đó vẫn chỉ là những tiếng nói thiểu số và lạc lõng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen có thể công khai hỗ trợ Trung Quốc, tẩy chay phán quyết của PCA là quyền của ông ấy và Campuchia, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA. Bởi dù sao Campuchia cũng không phải bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông, trong khi chính Bắc Kinh đang tìm mọi cách chống "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông.