Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

"Kẻ thù nguy hiểm" của đảng Cộng sản Trung Quốc tái xuất



  
(GDVN) - Tập Cận Bình đã lường trước được hậu quả nếu G.Soros ra đòn nên một cuộc chiến giữa Trung Nam Hải với “nhà đầu tư đại tài” đã diễn ra rất gay gắt.
Nikkei Asian Review ngày 10/6 đưa tin, nhà tài phiệt người Mỹ - tỷ phú George Soros đã tái xuất trong bối cảnh giới đầu tư đang ngày càng lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ Brexit khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sắp diễn ra.
Tờ báo của Nhật Bản cho rằng “nhà đầu tư đại tài” G.Soros quay trở lại công việc kinh doanh đồng nghĩa với việc thúc đầy hoạt động đầu cơ chứng khoán và chắc chắn sẽ gây khó chịu cho nhiều thực thể kinh tế - chính trị toàn cầu.
“Mặc dù Soros được coi là nghỉ hưu thực tế kể từ năm 2011, nhưng giới truyền thông Hoa Kỳ đã thông báo rằng doanh nhân người Mỹ này hiện đang chỉ đạo giao dịch tại Soros Fund Management khi ông cho rằng, khủng hoảng kinh tế đã có thể nhận diện được.
G.Soros từng đưa ra nhiều ý kiến ​​bi quan về nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm đến nay, trong đó có một cuộc hạ cánh cứng là không thể tránh khỏi”.
Nhà tại phiệt Mỹ George Soros 85 tuổi, được giới đầu tư xem là “chuyên gia tạo khủng hoảng” khi được nhận định là có vai trò trong 3 cả cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính gần đây nhất.
Đó là cuộc khủng hoảng của đồng bảng Anh năm 1992, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và cuộc khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008. Đặc biệt G.Soros đều làm cho mình giàu qua tất cả các cuộc khủng hoảng nêu trên.  
Nhà đâu tư đại tài George Soros – người có thể gây nguy hại cho Bắc Kinh trong lần tái xuất này. Ảnh: dcclothesline.com.
Ông G.Soros cũng được xem là ‘thiên tài bán khống”, có thể “một tay che cả bầu trời” và khiến cho thị trường nhiều phen chao đảo. Ông kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá, bắt đầu từ những động thái được xem là “mượn tạm” tài sản và sau đó bán đi, với nghiệp vụ “mua rẻ bán đắt” rồi trả nợ và hưởng lợi qua chênh lệch giá.
Vì vậy, nhiều người cho ông là kẻ dã tâm khi khiến nhiều nền kinh tế chao đảo, nhưng không ai có thể phủ nhận Soros có bộ óc của một thiên tài.
Là nhà tiên phong của ngành công nghiệp quỹ đầu cơ, ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, Soros không xa lạ gì với giới doanh nghiệp Trung Quốc. Soros đã được mời tham dự Diễn đàn Châu Á Bác Ngao diễn ra tại đảo Hải Nam năm 2013.
Tuy nhiên, khi Soros đã đưa ra nhận định một cuộc hạ cánh cứng không thể tránh khỏi cho những khó khăn của kinh tế Trung Quốc, ông đã gây nên cuộc khẩu chiến ác liệt với Bắc Kinh.
Tờ Nhân Dân Nhật báo ngày 30/1 lên án Soros đã trở thành một kẻ thù nguy hiểm của đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, lần tái xuất này của George Soros sẽ khiến cho Bắc Kinh đối diện với nhiều nguy cơ khi nhà tài phiệt này ra đòn và nhắm tới Trung Hoa đại lục. 
George Soros có thể tấn công vào sự bất ổn của thị trường tài chính, làm cho đồng nhân tệ mất giá, khiến kinh tế Trung Quốc teo lại, dẫn đến nguy cơ sụp đổ
Có thể thấy rằng, khi tái cơ cấu lại nền kinh tế của Tập Cận Bình phát huy hiệu quả thì cũng đồng thời khiến cho quy mô nền kinh tế Trung Quốc co lại khi các chỉ số của nền kinh tế hầu hết suy giảm, từ xuất khẩu, nhập hẩu đến giá trị sản lượng kinh tế nội địa, khiến cho tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Đây là hệ quả của việc chuyển nền kinh tế từ lớn sang mạnh, sự phát triển bùng nổ sẽ chuyển sang phát triển bền vững.
Việc co lại của quy mô kinh tế Trung Quốc được thể hiện ở việc giảm mức tăng trưởng, quy mô không lớn nhanh như trước nữa và thậm chí có thể không lơn bề ngoài, nhưng mạnh bên trong qua tỷ trọng của các thành phần kinh tế trong GDP.
Việc tỷ giá đồng nhân dân tệ được điều chỉnh trong những biên độ có kiểm soát, nhằm mang lại lợi ích cho kinh tế Trung Quốc qua công cụ tài chính này.
Song nếu G.Soros có ý định và thực hiện thành công ý định của mình, khiến cho kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng bắt đầu từ tiền tệ thì quy mô kinh tế Trung Quốc không còn co lại có điều tiết theo ý đồ của Bắc Kinh.
Ngược lại, nó sẽ bị teo lại một cách nhanh chóng và thể hiện ra là nền kinh tế nhỏ đi ở quy mô GDP, thâm hụt trong tất cả các chỉ tiêu kinh tế và sức mạnh nền kinh tế có thể tụt lại hàng chục năm.
Hình minh họa, nguồn: The Telegraph.
Có thể thấy điều ấy qua các phương trình kinh tế sau đây. Giả thiết là đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá 10%.

Thứ nhất, ta tính là thiệt hại về GDP của Trung Quốc khi nội tệ mất giá:
Năm 2016, GDP của Trung Quốc = 71.608 tỷ CNY = 10.907 tỷ USD (theo tỷ giá của Trung Quốc)
                                                      = 10.798 tỷ USD (theo thị trường ) (*)
Khi CNY/ USD giảm 10% thì (*) teo lại chỉ còn = 10.798 x 90/100 = 9.718 tỷ USD

Thứ hai, ta tính thiệt hại về gia tăng nợ công của Trung Quốc khi nội tệ mất giá:
Năm 2016 nợ công của Trung Quốc tính bằng CNY  = 71.608 x 2.49    = 178.304 tỷ CNY.
Nếu 30% là nợ của nước ngoài = 178.304 x 30/100 = 53.491 tỷ CNY(**). 
Khi CNY/ USD giảm 10% thì (**) sẽ tăng lên  = 53.491 x 110/100 = 58.840 tỷ CNY.
Và lúc đó % ngân sách phải trả nợ nước ngoài là: = 58.840/178.304 x100 = 33%

Vậy là khi CNY mất giá 10% thì kinh tế Trung Quốc thiệt hại ít nhất là 13% (gồm 10% GDP teo lại + 3% nợ nước ngoài tăng thêm).
Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trung bình 6,5% thì chỉ cần đồng nhân dân tệ mất giá 10% sẽ kéo kinh tế nước này tụt lùi tới hai năm, gây ra rất nhiều hệ luỵ cùng với những hậu quả khó lường, ảnh hưởng tới ổn định xã hội. 
Trong khi giả thiết đưa ra là rất khiêm tốn, nếu so với việc mất giá của những đồng tiền tại Châu Á trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997.  Với Thái Lan thì năm 1996, 1USD = 25,61 bath, đến năm 1997, 1USD  = 47,25 bath và năm 1998, 1USD = 58 bath, nghĩa là đồng tiền của Thái Lan mất giá tới 44,16%.
Còn với Hàn Quốc thì năm 1997, 1USD = 1.000 won, đến năm 1998, 1USD = 1.700 won, nghĩa là đồng tiền của Hàn Quốc mất giá gần 42%, theo BBC Timeline.
Quả là ác mộng với Bắc Kinh nếu “chuyên gia tạo khủng hoảng” Soros tấn công vào thị trường tiền tệ nước này. Tập Cận Bình đã lường trước được hậu quả nếu G.Soros ra đòn nên một cuộc chiến giữa Trung Nam Hải với “nhà đầu tư đại tài” đã diễn ra rất gay gắt.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thuỵ Sĩ hồi đầu năm 2016, nhà tài phiệt Mỹ đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho tương lai của kinh tế Trung Quốc, theo Nikkei Asian Review ngày 6/2.
Có lẽ George Soros sẽ ra đòn với Bắc Kinh trong lần tái xuất này, bởi khi nhà tài phiệt này xuất hiện nghĩa là ông đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền của mình và như ông cho biết đó là nguy cơ Brexit và khó khăn của kinh tế Trung Quốc.
Theo người viết thì có thể nhận diện 3 hiệu ứng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến cho“thiên tài bán khống” hành động và sẽ thành công.
Thứ nhất, gần đây Bắc Kinh liên tục bơm thêm tiền vào thị trường, chứng tỏ thị trường tài chính Trung Quốc vẫn còn bất ổn, cụ thể là niềm tin của giới đầu tư vẫn chưa được củng cố lại, vẫn phải cần tới cú hích của chính phủ.

Việt Nam có thể khai thác được gì từ cạnh tranh thương mại Trung - Mỹ?

Trong khi đó Bắc Kinh vẫn điều tiết đồng nội tệ theo biên độ có lợi cho kinh tế Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ vai trò của nhà nước quá lớn, đồng nghĩa khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn rất yếu và đây chính là yết hầu cho Soros xuất chiêu.
Thứ hai, tình hình bế tắc sau cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung kết thúc, khiến cho làn sóng đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc có thể gia tăng.
Giới đầu tư lúc này hướng về Trung Hoa đại lục chủ yếu là hướng vào thị trường vốn, khiến cho nguồn cung tăng trong khi người sử dụng vốn lại giảm.
Ứ vốn trên thị trường là một trong những dấu hiệu đầu tư sản xuất suy giảm. Cung tăng, cầu giảm sẽ là cơ hội cho chiêu thức mua rẻ và sẽ bán đắt của G.Soros.
Thứ ba, cả Abenomics lẫn Modipolicies đều đã tìm ra đột phá khẩu cho mình và điều đó đồng nghĩa với mũi chiến lược kinh tế dịch vụ - nhất là dịch vụ tài chính – của tái cơ cấu giảm đi rất nhiều công hiệu.
Trong khi Hong Kong không sáng sủa bởi ảnh hưởng từ chính trị sẽ khiến cho Soros té nước theo mưa, kéo luôn cả Thượng Hải vào vòng bất ổn. Từ đó việc tung đòn tâm lý hoang mang sẽ gây nên tình trạng hỗn loạn trên thị trường và đó là điều mà Soros chờ đợi.  
Đặc biệt nguy hại là khi Bắc Kinh ngấm đòn bởi kinh tế Trung Quốc teo lại, sức mạnh của nó suy giảm, sự tác oai tác quái từ những công cụ của Tập Cận Bình giảm công lực thì những đối tác, đối thủ của Trung Quốc có thể miễn nhiễm với “những cơn ho suyễn” từ Bắc Kinh.
Đó là sự lợi hại của chiêu trò mà G.Soros thực hiện và cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã chứng minh cho sự lợi hại ấy, khi nó chỉ gây thiệt hại cục bộ với một số nền kinh tế mà thôi.

George Soros có thể tấn công vào “gót chân Asin” của chiến dịch “đả hổ đập ruồi” và gây bất ổn cho xã hội Trung Quốc
Người viết từng phân tích, nền kinh tế Trung Quốc có những nét riêng có của nó, thể hiện rõ nhất là sự tồn tại cả “của chìm” lẫn “của nổi” và điều đó khiến cho thị trường chứng khoán không phải là phong vũ biểu chân thực của nền kinh tế này.
Những nét riêng cùng với sự can thiệp sâu của chính phủ vào quá trình vận hành của nền kinh tế, khiến cho kinh tế Trung Quốc có thể miễn nhiễm với những tác động trái chiều của nhiều quy luật của thị trường tự do.
Điều đó cũng khiến cho nhiều sự trừng phạt của các định chế hay thực thể kinh tế trên toàn cầu không diễn ra theo hiệu ứng tất yếu và đã gây bất ngờ cho giới phân tích.
Tuy nhiên, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền đã thực hiện chiến dịch “đả hổ đập ruồi” trong cuộc chiến chống tham nhũng, với việc làm trong sạch bộ máy lãnh đạo đảng và chính quyền từ cấp cơ sở tới cấp trung ương. Chiến dịch thanh lọc này đã gây nên sự chuyển biến trong toàn xã hội.
Song bên cạnh những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng là củng cố quyền lực của người lãnh đạo, thì cùng với đó nó cũng gây nên nhiều hiệu ứng bất lợi cho sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Đó là sự kiềm chế hiệu quả chính sách kích cầu nội địa – một trong ba mũi nhọn chiến lực của tái cơ cấu lại nền kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình và đây chính là “gót chân Asin” của chiến dịch “đả hổ đập ruồi”. 
Có thể thấy rằng, lực lượng có khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm – trọng tâm của kích cầu nội địa – là tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội, trong đó có gia đình và người thân của cán bộ công chức - đối tượng quan trọng nhất trong chiến dịch “đả hổ đập ruồi” của Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: BBC.
Tuy nhiên, sự quyết liệt của chiến dịch chống tham nhũng đã khiến cho việc mua sắm của gia đình và người thân quen cán bộ đã trở nên hạn chế rất nhiều. 
Có lẽ việc “chỉ mặt gọi tên” với tội danh vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của đảng không những đã làm cho những kẻ tham nhũng khiếp sợ mà còn khiến cho những người trung thực cũng ngán chiến dịch này.
Điều đó khiến cho họ không dám thể hiện sự sung túc trong đời sống vật chất và thế là một lực lượng rất lớn những ngưởi có khả năng tiêu dùng những không dám tiêu xài. Do vậy, chỉ số CPI của Trung Quốc không gia tăng mạnh, dù được chính phủ kích thích.
"Khách hàng Trung Quốc của chúng tôi vốn chi tiêu nhiều nhất, trong đó có những người công chức hay người nhà của họ vẫn thường mua ngọc trai tốt nhất của chúng tôi làm quà tặng.
Nhưng bây giờ, tất cả họ đều sợ hãi ông Tập, bởi lẽ trong chiến dịch chống tham nhũng, không ai muốn được nhìn thấy mang đồ trang sức đắt tiền", BBC ngày 11/3 dẫn lời một người chủ cửa hàng bán ngọc trai tại Bắc Kinh.
Điều đó khiến cho đại gia không biết khi nào mới hết phải giả ăn mày và “của chìm” không biết khi nào mới trở thành “của nổi”. Tất cả những gì thuộc về “của chìm” sẽ phải mãi là của để dành mà ông bà, cha mẹ để dành cho con cháu.
Tuy nhiên, khoản “phúc đức” tích luỹ được ấy sẽ có thể chẳng còn bao giá trị nếu đồng tiền mất giá. Và đó chính là điều mà George Soros có thể hướng tới để gây bất ổn cho xã hội Trung Quốc.     
Theo The Guardian ngày 9/6: “Trong một email gửi cho The Wall Street Journal, Soros cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo chính trị và điều đó tạo nên bởi sự phức tạp trong khả năng đối phó với các vấn đề tài chính”.
The Guardian cũng cho biết, Soros Fund Management đã tăng đầu tư vào vàng, xem như là một tài sản khá an toàn khi khủng hoảng tài chính. Vậy là Soros đã có những động thái rất nguy hiểm với Bắc Kinh.
Giới đầu tư Hoa Kỳ vốn không hài lòng với Soros vì những rủi ro mà ông tạo ra cho chứng khoán nước này trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Song có lẽ lần này Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Soros, như Trung Quốc cáo buộc “Soros, chính phủ Hoa Kỳ và các công ty Mỹ đã bắt đầu tấn công tổng lực vào nền kinh tế Trung Quốc”, theo Nikkei Asian Review ngày 6/2.  
Tóm lại, việc tỷ phú George Soros tái xuất lần này có thể khiến cho kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại rất lớn nếu ông ta thể hiện đúng tính cách của mình và đúng với vị thế của một “kẻ thù nguy hiểm của đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Soros không thể gieo bão cho Bắc Kinh nếu như Tập Cận Bình và giới lãnh Trung Nam Hải không tự làm yếu mình qua những hành động không hợp lý gần đây và để lộ “gót chân Asin” cho “nhà đầu tư đại tài” có thể tấn công và hưởng lợi.
Ngọc Việt
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chạy luân chuyển


BÁ TÂN (nhà báo)
           Ngày xưa có chuyện cưới chạy tang. Họa hoằn lắm mới làm như vậy.
           Thời nay, cái sự chạy đa dạng lắm. Phổ biến đến mức muốn làm quan, đã làm quan đều phải chạy. Tài đức cũng bằng thừa, nếu không chịu chạy.
           Chạy chức. Chạy tội. Chạy dự án. Chạy luân chuyển vv và vv.
           Chính ông Nguyễn Phú Trọng, trong lần phát biểu tại một hội nghị xây dựng đảng, đề cập dư luận xã hội nêu vấn đề chạy luân chuyển. Ông Trọng đặt câu hỏi: có hay không chuyện chạy luân chuyển, ai chạy, chạy ai?
           Tận bây giờ ông Trọng mới nêu chuyện chạy luân chuyển.
           Người dân và  những cán bộ chân chính, đã lên tiếng lột mặt nạ chạy luân chuyển từ lâu, ngay từ khi sinh ra chủ trương này.
           Nhìn vào từng trường hợp luân chuyển, dân chúng dễ dàng nhận ra đáp số chạy hay không chạy.
            Cũng là luân chuyển nhưng có chạy hay không sẽ cho đáp số hoàn toàn khác biệt.
            Luân chuyển, nếu không chạy, là xuống thang, phải đến những nơi đầu thừa đuôi thẹo. Sau khi luân chuyển chỉ ngồi chơi, xơi nước.
            Chạy để được luân chuyển bằng giá cao, giống như vào siêu thị tự chọn, thích gì được nấy.
            Vị trí nơi được luân chuyển tỷ lệ thuận với khoản tiền dùng để chạy. Dĩ nhiên ở đây còn có sự bổ trợ của phe cánh, lợi ích nhóm.
             Nếu không chạy, ông Trịnh Xuân Thanh nằm mơ cũng không có được cái chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
             Phải chạy. Chạy nhiều cửa. Chạy bằng mọi giá. Đó là đầu vào, để có được đầu ra Phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
              Ai chạy? Chạy ai? Phải vạch mặt và trừ khử cả hai. Nhưng đầu sỏ, phải khử đầu tiên, là bọn nằm trong nhóm "chạy ai".
              Bè lũ chạy ai nắm trong tay quyền sinh quyền sát. Chúng là kẻ buôn vua. Chúng đưa ra quyết định, luân chuyển ai, luân chuyển đến đâu, trước hết và chủ yếu dựa vào tiền và... tiền. Bộ máy hư hỏng là do bọn này.
             Nguyên là chủ tịch HĐQT Công ty Xây lắp dầu khí (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh làm cho doanh nghiệp này tan nát, thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Trong núi tiền không cánh mà bay của PVC, chắc chắn có một khoản không nhỏ đưa vào “hạng mục” chạy luân chuyển để ông Trịnh Xuân Thanh được hất lên Bộ Công Thương, sau đó chạy tiếp về địa phương với chức vụ tương đương thứ trưởng.
             Chạy và chạy. Luân chuyển và luân chuyển. Sau mỗi lần luân chuyển bằng chạy, ông Trịnh Xuân Thanh được trao cho chức tước cao hơn.
            Những kẻ lập nghiệp bằng chạy thường có cách sống ngỗ ngược, coi trời bằng vung. Họ mua được cấp trên, hành xử với cấp trên theo kiểu chào thầy trước mặt, trật cặc sau lưng. Với cấp dưới và dân chúng, họ coi như… dưới dép.
            Có những người chê ông Trịnh Xuân Thanh dại. Bởi vì dại nên sử dụng xe siêu sang Lexus (trị giá gần 5 tỉ đồng). Xe cá nhân lại mang biển số xanh cũng là dại. Nhưng, chẳng phải là dại. Người có thâm niên chạy luân chuyển như ông Trịnh Xuân Thanh đâu có dại. Cái mà người đời tưởng là dại, với ông Trịnh Xuân Thanh, thực chất đó là thói sống ngỗ ngược, coi trời bằng vung của kẻ chạy luân chuyển mua chức bằng mọi giá.
            Không cần kiểm tra cũng biết được ông Trịnh Xuân Thanh có sai phạm nghiêm trọng sử dụng xe ô tô hay không. Sai phạm này chỉ là giọt nước làm tràn ly.
            Điều sai phạm cần làm rõ đối với ông này không phải chuyện ô tô mà chính là chạy luân chuyển.
            Chạy ai? Câu trả lời hiện hữu trong thực tế, không thể chối cãi. Liên quân kiểm tra, bao gồm các ngành chuyên trách của trung ương, có dám công khai vạch trần sự thật xuất xứ từ chạy luân chuyển?
            Xử lý sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh là quá dễ.
            Nhưng lôi ra ánh sáng những khuyết tật sinh ra từ luân chuyển, hậu quả của nó, không để tái diễn, đó là gốc của vấn đề. Việc này quan trọng hơn nhiều.

   Bá Tân
Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI QUÁ BỐ LÁO!


 
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: 
'Báo cáo thế nào là việc của tao' ? 

Một Thế Giới
13.06.2016
 
Khi chúng tôi gọi vào số máy di động của ông Thăng, người nhận là ông Thăng nói: “Cái việc của tao nói là việc của tao chứ không phải báo chí bình luận được những cái lời như thế, nhá”. 

Liên quan tới việc Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng báo cáo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội không đúng sự thật mà Báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh; sau nhiều lần gọi điện liên lạc với ông Thăng, chiều 13.6, PV đã liên lạc được với ông.

Chúng tôi gọi vào số máy 090395888X, người nghe máy tự nhận là ông Thăng. Sau khi nghe giới thiệu là PV Báo điện tử Một Thế Giới, người đàn ông này buông ngay câu nói: “làm sao?”.

Chúng tôi nhắc lại việc thực hiện 2 dự án đường dây điện 500KV và 220KV được cấp chồng lấn lên khu nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ở 2 xã Đồng Quang và Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, khi chưa nói hết lời, người đàn ông nhận là ông Thăng buông tiếp câu hỏi: “Thì làm sao?”.

PV nói tiếp về việc các doanh nghiệp phản ánh rằng họ không đồng ý như bản báo cáo của ông Thăng tại văn bản số 149/BC-SCT do ông Thăng ký ngày 2.6.2016. Tiếp tục không cho PV nói hết ý, người đàn ông này ngắt lời: “Mày bảo Giám đốc Sở Công Thương là nói không đúng với lại Chủ tịch hả? Tao sẽ làm cho nó ra chuyện. Cái việc của tao nói là việc của tao chứ không phải báo chí bình luận được những cái lời như thế, nhá”.

PV đề nghị người đàn ông này không nên xưng mày tao thì ông tiếp tục: “Nhưng mà nói trên báo chí mà động đến Giám đốc Sở Công Thương í, mày còn nói tồi tệ hơn như thế, nhá. Tao nói để mày biết như thế đấy”.




Văn bản báo cáo do ông Lê Hồng Thăng ký được cho là không đúng bản chất sự việc.

Sau đó, người đàn ông nhận là ông Thăng đã tắt máy.

Như đã phản ánh, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội báo cáo không trung thực với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cụ thể, ngày 27.5.2016, Sở Công Thương triệu tập một cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Thăng. Sau cuộc họp, dù không có biên bản cuộc họp với sự biểu quyết hay ký xác nhận của những thành viên tham gia, ngày 2.6.2016, ông Lê Hồng Thăng đã ký công văn số 149/BC-SCT báo cáo lãnh đạo UBND TP.Hà Nội về việc xây dựng đường dây 220KV và 500KV đi qua khu nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ở xã Đồng Quang và xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Trong văn bản này, ông Thăng đã báo cáo lãnh đạo TP.Hà Nội nội dung: “Sau khi Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Bắc báo cáo vướng mắc và tiến độ thực hiện dự án, ý kiến thống nhất của đại diện các nhà đầu tư Dự án nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao…, hội nghị thống nhất phương án để chủ đầu tư dự án tiếp tục xây dựng công trình đường dây 220KV…”.

Nói về việc tại cuộc họp đại diện các nhà đầu tư đã có ý kiến như thế nào, ông Đỗ Lai Luật - Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: “Trong phần phát biểu của mình, đại diện các nhà đầu tư khẳng định họ có đầy đủ văn bản pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch dự án, họ cũng đã bỏ kinh phí rất lớn để chi phí cho dự án như giải phóng mặt bằng… vì vậy không ai đồng ý cho đường dây diện chạy cắt ngang dự án của mình. Vì vậy các nhà đầu tư vẫn đề nghị di dời đường dây điện ra khỏi bên ngoài dự án”.

Nam Phong
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ thơ thôi liệu có được gì?

CHÙM THƠ MỚI NHẤT CỦA CÔ GIÁO TRẦN THỊ LAM VÀ 2 ĐỒNG NGHIỆP


Trần Thị Lam
11.06.2016

ĐỐI THOẠI LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ

Lời nàng Âu Cơ

Trần Thị Lam

Lạc Long Quân chàng hỡi có hay
Biển nổi sóng và lòng em quặn thắt
Trèo lên đỉnh non cao để thu vào tầm mắt
Những sông núi biển bờ từng ghi dấu đôi ta.

Chàng đã đi biền biệt phía khơi xa
Lời ước hẹn "khó khăn hãy gọi ta"chàng còn có nhớ
Thiếp phận nữ nhi yếu mềm như cỏ
Con dại cái mang muôn sự cậy nhờ chàng.


Đất Phong Châu xưa kia mờ mịt khói Cam Tuyền
Khi vận nước gian nan mà lòng người li tán
Nhìn con cháu hôm nay lòng thiếp buồn vô hạn
Dám mong chàng nhờ cậy bóng tùng quân.

Nếu bão nổi lên từ phía biển Đông
Tiếng trống Đống Đa có vang lên trong lòng hậu thế
Ai buồn khổ với mưa nguồn chớp bể
Ai vun vén riêng tư ôm giấc mộng kê vàng.

Lạc Long Quân chàng ơi, thiếp ngóng trông chàng...



Lời Lạc Long Quân

Tuyet Trinh Thu

Ta đã nghe, nàng ơi, và không chỉ tiếng nàng
Mà còn tiếng của trăm con, vạn cháu
Ta đã nghe những căm hờn ứa máu
Ta sẽ về, cùng sóng triều dâng

Ta từng nghe các con hô " Đánh" chẳng phân vân
Tin các con chẳng dửng dưng nhìn rừng khô biển chết
Bao cái ác phương Bắc phương Tây đều cúi đầu trước con dân đất Việt
Nàng cứ yên lòng tin con cháu, nàng ơi

Ta cũng nghe các con lo âu: "Tổ Quốc nhìn từ biển"
Bất ổn mênh mang, không cửa đóng then cài
Ta sẽ về, không mang theo vạn phép thần thông
Mà mang triệu niềm tin: cháu con mình sinh từ trứng, lớn thành người...
Tự trọng!

P/s: Cô Trịnh Thu Tuyết nguyên là giáo viên văn, 

Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.


NỖI OAN NÀNG MỴ CHÂU


Nguyễn Thanh Huyền

Đất nước mất rồi tội đổ xuống Mỵ Châu
Người con gái ngây thơ biết làm sao mưu sâu kế độc
Người con gái ngây thơ chỉ khát khao hạnh phúc
Chỉ muốn được yêu thương, gắn bó, sum vầy.

Nước không mất từ khi Triệu Đà xua quân sang đây
Mà mất lúc An Dương Vương nhờ nỏ thần thắng giặc
Chiến thắng lẫy lừng lại gieo mầm bất trắc
Khi vận nước treo vào cái lẫy nỏ vô tri.

Nước không mất vì nỏ thần Trọng Thủy mang đi
Mà vì An Dương Vương lơ là cảnh giác
Để giặc vào nhà tội ai to nhất?
Mỵ Châu lỡ sai lầm là bởi từ đâu?

Giặc đến sát chân thành còn chuốc rượu cùng nhau
Đất nước lâm nguy cùng con lên lưng ngựa
Khi giặc đuổi cùng đường không thể quay lại nữa.
Chém đầu con rồi biền biệt đáy biển sâu.

Có ai thấy oan không những giọt máu Mỵ Châu?
Ai ngờ ngợ vệt đường lông ngỗng rớt
Dấu chân ngựa bụi đường còn lấp hết
Mà gió cuộn khói bay lửa cháy ngập trời...

Mỵ Châu xưa đã bị chém đầu rồi
Tượng đá mang đớn đau ngàn năm chưa hết
Xin đừng thêm những Mỵ Châu chịu lời oan nghiệt
Vì gánh tội thay cha bên bờ biển mai này.
 

P/s: Tác giả Nguyễn Thanh Huyền còn có bút danh khác là Nguyễn Lam Điền, Thiền Nguyễn. Hiện nay, cô là giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương.
-------------------



Đào Tiến Thi
Thi Dao Tien

"NỐI ĐIÊU" BA CÔ GIÁO ĐỒNG NGHIỆP

CÔ GIÁO NGUYỄN THANH HUYỀN:


Nước không mất vì nỏ thần Trọng Thủy mang đi
Mà vì An Dương Vương lơ là cảnh giác

"Nước không mất vì nỏ thần Trọng Thủy mang đi
Mà vì An Dương Vương lơ là cảnh giác"
Cô giáo ơi đâu phải vua lơ là cảnh giác
Mà bởi nghênh ngang ngôi báu rượu li bì
Cậy có nỏ thần, đuổi Cao Lỗ đi
Lúc cùng đường thánh thần nào giúp được?
Chém con gái, cầm sừng tê rẽ nước
Hay ho gì chôn hận đáy biển sâu?
Lúc thái bình miếu đường phè phỡn với nhau
Khi hoạn nạn mặc xác dân đen cùng con đỏ
Rùa vàng ơi từ nay xin trao lẫy thần đúng chỗ
Cơ nghiệp họ Hùng chỉ còn chút làm ghi.


P/s: Tác giả Đào Tiến Thi là Thạc sĩ Ngôn ngữ học, Nhà giáo, nguyên Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Hiện công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục. (Tễu Blog chú thích).
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bí mật kinh hoàng khi "bật nắp" ngôi mộ của Tào Tháo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

SUÝT NGỒI TÙ VÌ SỐNG ĐỨNG ĐẮN


Nguyễn Khắc Phê
Thứ hai ngày 13 tháng 6 năm 2016 5:54 AM


(Trích tiểu thuyết “Những ngọn lửa xanh” NXb Phụ nữ, 2008 - Giải thưởng VHNT Cố Đô 5 năm 2003-2008”.)
…Từ khi Vinh mới bị nhốt trong phòng, lắng nghe những lời đối đáp với giọng điệu giễu cợt không gợn một chút lo âu của nó, Hảo đã chợt đoán ra phương sách giải thoát của thằng em trai. Rất đơn giản. Nó còn một chiếc chìa khoá trong phòng. Chỉ có ông Mạo vì vội đi họp và quá an tâm với chiếc chìa khoá trong túi nên đã không nghĩ tới. Nhưng Hảo lại bị bất ngờ vì những chuyện khác.
Vào lúc bà Mạo xây xẩm mặt mày phải về giường nằm, Hảo lấy thuốc an thần nhẹ cho mẹ uống, buông màn quạt muỗi cho mẹ rồi nhẹ bước đến phòng Vinh. Vừa ghé mắt qua khe cửa, Hảo đã phải bước lui. Mùi thối hoắc từ trong phòng xông ra nồng nặc. Dù sao thì cũng phải biết chuyện gì đã xảy ra trong phòng, Hảo ghé mắt nhìn lại thì ra Vinh đang ngồi ị giữa phòng. Hảo đành phải lên tiếng gọi nhỏ:
- Vinh! Mày có chìa khoá đưa tao mở ra cho.
Vinh giật thót, giọng lúng túng như kẻ ăn vụng bị bắt quả tang.
- À…ờ, anh Hảo à ?... Có… Anh chờ một chút.
- Sao mày không gọi mà phải làm trò mèo thế?
- Em… em tưởng anh đi đâu… Anh về phòng đi, để em tìm đã… Dù sao em cũng phải nhờ anh.
Vinh nói lấp lửng, Hảo thì tưởng là cậu chàng còn phải tìm chìa khoá nên bước ra phòng ngoài chốt chặt cửa ra vào, kẻo lỡ ông Mạo bất thần về sớm thì rách việc. Quay trở lại, Hảo bảo:
- Tìm ra chưa? Chuồi qua khe cửa đây này.
- Ờ ờ … Anh chờ cho lát nữa đã…
Hảo linh cảm có điều bất thường, lại ghé mắt nhìn vào. Thì ra cậu chàng đang chùm hum, tay cầm đôi đũa bới tìm gì đó trong đống uế vật vừa thải ra! Hảo quay mặt, gắt lên:
- Mày làm trò khỉ gì thế Vinh? Tởm quá!
- Nói nhỏ chút anh. Anh không hiểu được đâu. Rồi anh sẽ biết. … Đây rồi! May quá! Em xong rồi đây… Chìa khoá đây anh, mở dùm em.
Hảo mở cửa, nhưng không bước vào phòng vội. Cái cảm giác ghê ghê từ mấy ngón tay cầm chìa khoá và mùi hôi trong phòng ngăn bước anh. Lúc này, đứa em ruột rà, căn phòng thân thuộc đối với anh đều khả nghi. Cũng phải đợi Vinh thu dọn, xoá vết tích cái “trò khỉ” đã.
Vinh trở lại phòng, vừa lau tay, vừa nói, nét mặt rạng rỡ:
- Cảm ơn anh. Hôm nay, hai lần anh là vị cứu tinh của em. Lấy danh dự một công dân vừa được tự do, em hứa với anh: món tiền anh cho mượn đưa tay lái xe, em sẽ trả gấp ba.
Thấy Hảo vẫn lặng thinh, mắt mũi nhăn nhíu vẻ khó chịu, Vinh chợt “à” một tiếng rồi vừa “xin lỗi” vừa lấy lọ nước hoa vẩy khắp phòng.
- Nước hoa Pháp thứ thiệt - Made in France, chứ không phải hàng dổm đâu anh. Ít ra thì anh em mình cũng phải bàn cách đóng tiếp vở bi hài kịch như thế nào chứ?
- Tao không đóng kịch với mày. Mày cũng đừng dở giọng như đã mua chuộc được tao. Chẳng qua tao không đồng tình cách cư xử thô bạo của bố… Và dù sao cũng là tình anh em. Nhưng kiểu cách của mày… tởm quá!
- Em không hề có ý định quyến rũ anh từ bỏ quan niệm sống cao thượng của mình, nhưng xin anh đừng quá bận tâm và phỉ báng cách sống của em.
- Sống bừa bãi như mày mà cũng dám mở miệng nói “cách sống”!
Vinh khẽ nhếch môi cười và nói:
- Dù là con chó cũng có cách sống của nó chứ anh? Còn thằng em này… Hình như anh chưa hiểu em từng sống như thế nào…
- Có gì mà không hiểu. Mày được nuông chiều, rồi ỷ thế bố làm càn. Mày hãy suy nghĩ lại đi. Cố gắng thử sống đứng đắn một thời gian. Không khó lắm đâu.
- Anh lầm! Lầm to rồi! Anh không biết là trước vụ này, em đã một lần suýt ngồi tù vì sống đứng đắn sao?
Từ nãy, Hảo như coi khinh và còn ghê tởm cái “trò khỉ” của Vinh, tuy đã bước vào phòng, nhưng không thèm nhìn mặt đứa em. Câu nói khác thường của Vinh đã buộc anh dướn to mắt hướng về đứa em mà mỗi phút một thấy lạ lùng. Cả khuôn mặt Vinh như cũng đổi khác, chẳng phải vì cậu chàng vừa mới rửa mặt gột sạch được lớp bụi đường trường. Một mạch sống trong lành bấy lâu chìm lắng chợt trào dâng, toả lên khuôn mặt anh một chất men - không phải thứ sơn phết tạo dáng bên ngoài mà là thứ men dậy từ bên trong, có sức đánh bạt cái vẻ lì lợm, khinh đời của Vinh. Cái bộ ria mép thường làm Hảo mất cảm tình, nay anh nhìn nó cứ thấy ngồ ngộ, cứ muốn nhìn cho ra dưới lớp lông đen đúa ấy tàng ẩn những gì. Và quả là cặp môi Vinh đang động cựa, đôi mắt ngước nhìn Hảo loé ánh sáng trong trẻo khác thường.
- Anh không tin à?... Ừ, anh em mình đã có lúc nào tâm sự dài dài với nhau. Anh có bận đi đâu không?
- Không… À, nhưng không sao…
Hảo như đang ở vị thế quan toà, ít ra cũng là người bề trên ban ơn, bỗng ấp úng chẳng khác chi kẻ vừa làm điều vụng trộm. Anh chợt nghĩ đến Kim Chi, đến dự tính sáng nay nhất quyết sẽ ghe qua thư viện tìm gặp cô và cũng muốn hỏi thử Vinh xem có biết gì chuyện “ngày xưa” khiến hai gia đình không thể làm bạn với nhau. Nhưng trong tình thế oái oăm này, gợi chuyện tình cảm ra xem chừng lạc điệu. Hảo không ngờ là chỉ qua một thoáng nhìn bộ điệu lúng túng của ông anh, Vinh bỗng chậc lưỡi rồi nói:
- Em biết anh đang rối ruột vì “người đẹp”. Bỏ qua đi, vướng bận làm gì…
- Sao mày biết?
- Cả thành phố này ai chẳng biết cô ấy…
- Mày đừng vội xúc phạm người ta…
- Anh hiểu lầm rồi. Ý em nói là cô ấy duyên dáng, dịu dàng như thế, thằng con trai nào chẳng mơ. Chính thằng em của anh cũng muốn. Nhưng nó gần như là một bông hồng có gai. Đành nhìn từ xa, nhịn thèm…
Hảo vẫn muốn nghe Vinh nói thêm, may chi anh chàng hé lộ điều gì trong màn bí mật mà anh đang cố vén mở, nhưng “hắn” xem Kim Chi như một món hàng khiến anh phải ngắt lời:
- Mày bỏ cái giọng đểu cáng ấy đi! Không phải ai cũng chơi bời như mày…
- Thì em xin lỗi anh vậy. Ai đang yêu cũng muốn đưa người tình lên bàn thờ. Nhưng nói vắn tắt để anh biết: với cái đám ấy, không bao giờ anh đi đến đích.
- Nhưng vì sao chứ?
- Điều ấy thì may ra chỉ một mình bố biết. Thế nên em mới bảo “bỏ qua” đi cho nhẹ người…Anh cho xin điếu thuốc.
Hảo rút bao thuốc lấy một điếu châm lửa rồi đẩy cho Vinh. Điếu thuốc cháy đỏ rồi, làn khói trắng lửng lơ toả khắp phòng rồi mà Vinh vẫn ngồi lặng. Lúc này Hảo mới nhớ thằng em vừa định thốt lộ bầu tâm sự với anh, khẽ hắng giọng để “chuyển làn”, rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Mày đang định kể chuyện gì kia mà?
Vinh lại chậc lưỡi, ra vẻ bất đắc dĩ:
- Chuyện của em thì…Thôi, anh nghe lại thêm buồn đời.
- Có buồn có vui mới là đời. Tao cũng không hiểu vì sao…
- Thực ra cũng không có gì khó hiểu…
Vinh kể, chậm rãi, như là giọng của một người nào khác. Quá khứ chưa xa, nhưng có lẽ Vinh đã nguyện từ bỏ nó và cuộc sống hiện tại đã phủ lên nó một lớp bụi dày, nên rất khó tạo dựng lại. Vinh như cũng hơi ngỡ ngàng, như cảm thấy điều mình sắp kể lạc điệu với khung cảnh hiện tại và thoáng một chút bâng khuâng khi những kỷ niệm cũ, những năm tháng sống sôi nổi chợt hiện về…
Những năm tháng ấy, Hảo đang đi học xa và Vinh cũng đang công tác ở một miền xa - nơi Tổ quốc cần. Anh được giao phụ trách một nhóm đi điều tra, nghiên cứu lập luận chứng để xây dựng một nhà máy. Suốt mấy tháng ròng dầm mưa dãi nắng khảo sát thu thập tài liệu địa chất, thuỷ văn, dân cư, nguồn nguyên liệu, khả năng khai thác, Vinh đã rút ra kết luận là nhà máy đó không nên xây dựng vì sản xuất không hiệu quả. Cách tốt nhất là giúp đỡ kỹ thuật, cho phép một số tư nhân và hợp tác xã mở rộng và trang bị lại cơ sở sản xuất hiện có. Vinh không biết là ngay lúc anh đang góp nhặt từng con số đầu tiên thì người ta đã ký nhận máy móc với nước ngoài và những hợp đồng, giao kèo mua bán vật tư, xây dựng “hai bên cùng có lợi” đã được sắp đặt đâu vào đó. Tất nhiên là người ta buộc Vinh phải chế biến các số liệu, viết lại bản luận chứng để kết luận cuối cùng xoay ngược 180 độ.
Vinh không chịu. Người ta khuyên răn, dụ dỗ không xong, liền ngả giá mua chuộc. Lần đầu trong đời, Vinh mới những két luận “khoa học” tưởng là chân lý khách quan đáng phải tôn trọng hoá ra cũng có thể chứa đựng sự tráo trở bẩn thỉu; cũng lần đầu Vinh biết cái giá của những con số bịa đặt và lời lẽ gian dối. Không chỉ là ý thức về đạo đức liêm chính và tinh thần phản kháng những việc làm tồi bại đã giữ cho anh không sa ngã. Chính cái cảm giác ghê gớm, giống như lần đầu anh thấy mẹ lộn trái cái mề gà phơi bày các thứ nhơ nhớp cặn bã bên trong mới là yếu tố đầu tiên giúp anh cách ly được miếng mồi béo bở. Anh càng thất vọng sâu sắc khi nhận ra khuôn mặt những kẻ đã bao lần rao giảng đạo đức liêm chính và tinh thần trách nhiệm cho anh, cả khuôn mặt thằng bạn giúp việc cho anh nữa, cũng có mặt trái dơ bẩn của chiếc mề gà. Chính thằng bạn đó đã sao chép rồi chế biến xoay ngược chiều bản luận chứng và nộp cho những kẻ chuyên rao giảng đạo đức để lĩnh thưởng. Lập tức, đề án được duyệt và xe ủi được điều đến, sắt thép, xi măng ùn ùn tuôn về. Đến lúc này thì tinh thần phản kháng trong Vinh mới thật trỗi dậy. Anh lấy tiêu chuẩn nghỉ phép hàng năm, lặng lẽ mang tài liệu lên cấp trên tìm người can thiệp. Anh gặp may, gõ đúng cửa, được ủng hộ, một tốp cán bộ liền được cử về thẩm xét công trình. Anh hí hửng tưởng rằng chân lý đã thắng và đã quá vội, quá liều lĩnh nữa, khi tuyên bố với bạn bè rằng những kẻ làm càn, vụ lợi sẽ bị kỷ luật, phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước và trả lại những thứ đã đánh cắp và nhận hối lộ. Không ngờ công trình vẫn được triển khai, kịp chào mừng một sự kiện trọng đại của địa phương. Còn anh, sau mười ngày phải bó chân ngồi trong phòng tổ chức viết kiểm thảo, sau ba trận được tập thể “xây dựng đấu tranh”, đã bị quy tội “liên kết với phần tử bất hảo về chính trị nhằm nói xấu lãnh đạo, chống lại đường lối công nghiệp hoá, cung cấp bí mật địa phương cho kẻ xấu và có ý đồ phục hồi chủ nghĩa tư bản”. Cái phần tử “bất hảo về chính trị” chính là người đã dẫn Vinh tới gõ cửa “cấp trên”. Anh ta là một kỹ sư rất giỏi, nhưng hồi còn là sinh viên bị coi có liên quan đến vụ gọi là “Nhân văn” vì đã hào hứng khen ngợi bài báo, bài thơ nào đó. Tuy không được đề bạt, tăng lương, nhưng vị cán bộ “cấp trên” vẫn thường dựa anh ta khi giải quyết những phương án kỹ thuật phức tạp. Anh ta nghe Vinh trình bày sự việc, liền sốt sắng dẫn Vinh đến nhà vị cán bộ “cấp trên” nọ. Để tăng thêm dũng khí cho Vinh, anh ta đã đọc mấy câu thơ: “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai cầm dao doạ giết / Cũng không nói ghét thành yêu / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét”(*). Người ta theo dõi biết Vinh liên hệ với anh ta, biết rõ cả chi tiết Vinh thích thú chép mấy câu thơ này. Trong cuộc đấu để quy tội Vinh, kẻ thường rao giảng đạo đức cho Vinh đã cao giọng thắt buộc: “Anh có biết mấy câu thơ đó của ai không? Của một tên phản động đã bị bắt đi lao động cải tạo! Vậy mà về đơn vị còn truyền đọc cho anh em nghe”.
Với những “tội trạng” ấy, nếu không phải là con ông Mạo thì đương nhiên Vinh đã bị tù. Anh đi kêu oan nơi này, nơi khác, ai cũng tỏ ra thông cảm với anh, nhưng không dám ra mặt bênh anh vì sợ trái ý thượng cấp. Cũng như đã bao nhiêu người được nghe luận chứng của anh, dù hiểu là anh có lý, vẫn ngậm tăm. Cả con người mà anh tin cậy đến gõ cửa cũng không dám theo đuổi lẽ phải đến cùng vì sợ buộc về hưu sớm hoặc bị đẩy đi xa với cớ “sắp xếp tổ chức và giảm biên chế”. Về sau anh mới biết cái nhà máy ấy được xây nên không phải vì “Tổ quốc cần”, cũng chẳng phải vì “hạnh phúc nhân dân” như mấy kẻ giỏi rao giảng đạo đức cho anh thường tuyên bố. Thực ra nó chỉ là một “quả cân” sẽ quyết định phần thắng cho cuộc đua giữa hai thế lực ở địa phương. Và ở “cấp trên”, người anh đến gõ cửa cũng thua cuộc đấu - một cuộc đấu giành thế lực giữa hai “Vụ” vừa bị sát nhập làm một nhưng thực ra thì cũng chỉ vì những món lợi lộc và tiền của tước đoạt của nhân dân. Cũng mãi về sau, anh mới biết điều này. Cái tốp chuyên viên về thẩm xét công trình, ngoài những bữa tiệc ê hề, mỗi người ra về còn mang theo một “phong bì” dày cộp và một gói quà “đặc sản” xách lệch cả một bên vai. Người mạnh thế hơn ở cấp trên thì phong bì còn dày hơn và gói “đặc sản” thì to hơn, quý hơn…
Vinh ném điếu thuốc lá cháy gần hết xuống nền nhà, di cho tắt ngấm, giọng uất ức và mệt mỏi:
- Thế đó! Bọn chúng chỉ vì tranh giành thế lực và rút cục chỉ để kiếm tiền. Những người có chút lương tri thì vì miếng cơm manh áo, vì đồng tiền lương và sức trói buộc của tổ chức nên sợ hãi đủ thứ. Những kẻ gọi là trí thức thì chỉ có hai con đường: hoặc là cam phận làm tay sai hoặc là bị gạt ra, bị tiêu diệt. Thôi, nói anh biết thêm nhọc lòng chứ được gì.
Cái mạch chuyện của Vinh như là một dòng thác vừa dữ dội vừa đầy chất uế tạp đến ghê người. Hảo kinh ngạc và không đủ sức ngăn lại, cứ chong tai nghe, bỏ quên điếu thuốc tắt ngấm trên mặt bàn. Vinh dứt lời, Hảo vẫn như còn bị dòng thác ấy cuốn theo một quãng, sững sờ hỏi:
- Thế rút cục, cái nhà máy ấy thế nào?
- Còn thế nào nữa! Nó được xây dựng xong, khánh thành cờ quạt khen thưởng vượt mức um sùm. Nhưng nay thì bỏ hoang, bên ngoài cho cỏ dại bao phủ, bên trong bị gỉ ghét gậm mòn mà hình như chẳng có ai xót xa tiếc nuối gì, vì có ai bỏ tiền túi của mình ra góp vào đó đâu. Ngược lại, những ai có công đẻ ra nó thì đều đổi đời. Người đang ở nhà tranh thì làm nhà ngói, người đã có nhà ngói thì xây lầu, nhân viên loại bét như tay thủ kho cũng bỏ xe đạp lên được chiếc cúp. Chúng nó ăn cướp của Nhà nước, của nhân dân như thế mà anh bảo em cố gắng sống đứng đắn, cung cúc phục vụ cho chúng nó à? Còn lâu! Em phải tìm con đường sống cho em.
Hảo không còn bị cái dòng thác kia cuốn đi nữa, nhưng có cảm giác như một người đi đường đã mệt mỏi đứng trước một trái núi trọc chặn ngang. Nó trần trụi, lồ lộ ra đó, không chối bỏ được, cũng không có một bóng râm để trú tạm. Chỉ còn biết ngửa mặt nhìn trời thở dài. Quả là từ nãy Hảo đang ngồi khom mình, nay ngước nhìn Vinh thở hắt ra và cố vớt vát:
- Chú mày nhìn đời đen tối quá! Một cái nhà máy ấy bỏ hoang, chứ bao nhiêu nhà máy, công trình khác đã xây dựng thành công, sản xuất có hiệu quả.
- Xin anh cứ giữ cái lạc quan tất yếu dẫn đến bi kịch ấy. Đúng là anh chưa bao giờ lộn trái cái mề gà. Đúng là có nhà máy sản xuất hiệu quả, nhưng tiền của bỏ ra đáng lẽ xây được hai nhà máy, chúng nó đã xà xẻo chia chác hết một cái đó anh ơi! Đến cái bức tượng người anh hùng liệt sĩ thiêng liêng là thế mà chúng nó cũng đục ruỗng để ăn xài kia… Anh tưởng em bịa à? Anh không biết là bọn em đã được món lời to nhờ mua số đồng ăn bớt từ bức tượng đó!
- Thật không thể tưởng tượng được!... Thế chẳng lẽ không ai đấu tranh à?
- Thế anh chưa biết cái câu “đấu tranh thì tránh đâu” à? Mà thực chất là người tốt thường đơn độc rồi tất yếu thất bại vì chúng nó là cả một băng ổ, tầng tầng lớp lớp. Chúng nó không có sức mạnh của chân lý, đạo lý, pháp lý, nên phải kết thành băng, phải liên minh, móc ngoặc đủ bề. Thế anh mới hiểu vì sao em dám bảo với bố là mình chẳng làm gì nên tội…
- Thôi đi! Có hay ho gì việc đi buôn lậu.
- Nhưng vẫn còn sạch sẽ hơn khối người khác. Em đã quyết phải có nhiều tiền, nhưng nhất thiết không cướp bóc làm hại ai. Thế thì chỉ có cách đi buôn lậu. Có nhiều tiền sẽ có tất cả, muốn ngủ với ai cũng được, muốn đi xe sang thế nào cũng có, mà chẳng cần dựa đặc quyền đặc lợi gì. Anh có thấy chiếc xe chở em về sang hơn xe của bố không? Còn cái khoái nữa là không e sợ gì hết. Tiền của mình, mình tiêu, mình chơi chứ đâu phải thụt két tham ô, hối lộ.
- Ít ra thì chúng mày cũng sợ thuế vụ và công an.
- Anh thật là ngây thơ! Có nhiều tiền là mua được hết! Vài ngày nữa, em sẽ đưa mấy đứa bạn đang bị nhốt về chào anh thì anh mới tin… Anh kinh ngạc lắm hay sao mà nhìn em ghê thế?... À, cho anh xem cái này để anh kinh ngạc luôn thể.
Vinh rút gói giấy nhỏ trong túi, mở xòe trên tay đưa cho Hảo xem. Một viên đá nhỉnh hơn hạt ngô mầu mận chín lấp lánh dưới ánh điện.
Vinh thoáng đưa mắt nhìn ra phía cửa, hạ giọng:
- Em tin anh. Anh đừng nói với bất kỳ ai nhé. Chưa mấy ai biết giá trị của nó đâu. Anh làm nghiên cứu văn hoá cũng nên biết. Nó là vật chất quý vô giá - có thể vài chục, cũng có thể là vài trăm triệu, nhưng nó cũng là một giá trị văn hoá.
- Mày lấy ở đâu ra vậy?
- Em mua bằng cả gia sản bấy lâu tích góp được, nhưng vừa phải tạm giấu nó vào đây, nên mới phải làm cái trò khỉ mà anh vừa thấy đó… Anh sợ bẩn à?... Thôi, đưa em. Với “hạt ngô” này, em sẽ thành Tôn Ngộ Không; khe hở nào cũng chui lọt, tầng cao nào cũng bay đến.
- Mày nói toàn những điều khó tin. Thôi, kệ mày. Bây giờ tính sao đây, chứ ông cụ về lại ầm nhà cửa.
- Em sẽ đi ngay bây giờ.
- Mày đi đâu?
- Thì em đã bảo là sẽ đưa mấy đứa bạn về chào anh… Ờ, nhưng em chưa đi ngay được đâu. Em bới tìm kỹ thế, chắc không thể sót. Còn một viên trong này nữa - Vinh chỉ tay vào bụng mình rồi tiếp - Anh kiếm dùm thức gì cho em ăn tạm để tống nó ra, chứ đi dọc đường bất tiện lắm. Có thể gần sáng em sẽ đi.
- Rồi tao sẽ bảo với ông cụ thế nào?
- Tuỳ anh. Nhưng em đã nghĩ cách không làm liên luỵ đến anh đâu. Anh cứ coi như không biết gì hết, mặc em.
Hảo bàng hoàng, người như mất cả cảm giác và không biết phản ứng ra sao nữa. Anh chẳng còn tâm trí nào để nghĩ đến chuyện riêng của mình, quên hẳn ý định sẽ hỏi vặn Vinh lần nữa những điều liên quan đến Kim Chi và gia đình ông Thức. Anh chỉ còn biết buông xuôi tay, lắc đầu:
- Tuỳ mày!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có nên nói?

Chuyện công an

Ở xứ mình, điều tôi muốn đề cập có nhẽ chỉ thua xứ Nga la tư là cùng. Bên ấy từ lâu rồi, dạo còn Liên Xô liên xiếc, mấy ông đứng đầu công an, tình báo, KGB, an ninh đã lên làm tổng bí thư, tổng thống vùn vụt. Hiện giờ, tổng thống là ông Putin, một sĩ quan KGB gộc. Hết nhiệm kỳ, rất mưu mẹo và trắng trợn, đúng chất an ninh, đảo qua đảo lại, làm tổng thống dễ như lấy món đồ trong túi.
Dù An Nam lâu lắm rồi mới có ông thượng thư bộ Hình lên làm nguyên thủ, đứng đầu nước này nhưng cần phải nói rằng bộ máy nhà nước đã bị chi phối bởi công an từ tám hoánh, dư luận gọi là "công an trị". Nói không ngoa, quyền của công an là vô cùng vô tận. Chính vì thế, làm công an mà đã leo lên đến tướng, tá thì tha hồ ăn nói, chả sợ bố con thằng nào. Không tin ư, coi nè: 

1. Dư luận đang lùm xùm vụ trung tướng công an Nguyễn Hữu Ước đòi kiện ông luật sư Trần Đình Triển, liên quan đến mấy cái dự án nhà đất của báo Công an nhân dân. Ông Ước tức lắm, ông bảo với bọn ký giả báo Vietnamnet rằng:
“Tôi là người tướng ra trận thì lúc cấp bách phải ra quyết định, sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ, Tổng cục sau”. (trung tướng Hữu Ước nói về việc trả dự án nhà ở của báo CAND, khi nhà báo hỏi tại sao lại tiền trảm hậu tấu, không chịu báo cáo cho cấp trên mà tự ý làm trước).
Thời @ ở giữa thủ đô dây điện nhằng nhịt như mạng nhện, cột phát sóng tua tủa quá cọc sông Bạch Đằng mà nghe cứ như thời Tam quốc, muốn báo tin phải chạy ngựa trạm. Bất giác liên tưởng chuyện Tư Mã Ý cầm quân giáp đất Xuyên, cách Hứa Đô hơn 2 nghìn dặm, bảo với bộ tướng rằng tướng quân tại ngoại, cứ đánh bắt phản tặc Mạnh Đạt đã, rồi gọi dây thép về báo cáo Ngụy chủ Tào Phi sau. Nếu đợi xin ý kiến xong, được chúa thượng đồng ý mới đánh thì đối tác Mạnh Đạt nó chạy mẹ nó mất mất.
Nghe tướng Ước chém gió phần phật vậy, mình chỉ biết nhận xét: Tử sinh liều giữa trận TIỀN/Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.

Trích thêm đoạn này của báo Vietnamnet hôm 13.6: "Ở dự án 5.000m2 tại Xuân Đỉnh, Báo đã hỗ trợ cho chính quyền xã Xuân Đỉnh tivi, máy móc, nhà văn hóa thôn… tương đương hơn 200 triệu đồng. Cá nhân ông Chi bỏ ra hơn 280 triệu.
Khi đối tác mới tiếp nhận dự án này, họ phải thanh toán lại cho Báo khoản tiền hơn 200 triệu mà báo đã đầu tư cho xã; trả chi phí hơn 280 triệu mà anh Chi đã bỏ ra. Báo đã đứng ra làm chứng về việc này. Như vậy, dự án thứ nhất (hơn 5.000m2) đã chấm dứt và rạch ròi” – ông Ước cho hay".
Ối giời, thế mà gọi là hỗ trợ. Nói chính xác là đút lót, mua chuộc, hối lộ công khai. Không xong thì đòi lại. Hết bình luận. 

2. Đường đi hay tối, nói dối hay cùng.
Hai ông sĩ quan cấp trưởng phòng, đại tá Võ Chí Thanh (Trưởng phòng CSGT- PC67), trung tá Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn) Công an tỉnh Hậu Giang để chạy tội việc tùy tiện, vô pháp luật cấp biển số xanh cho xe của ông Phó chủ tịch tỉnh Trịnh Xuân Thanh đã bao biện giải thích rằng đó không phải là cấp mà chỉ... cho mượn tạm gắn vào, biển số đó là biển cũ tồn kho... Nghĩa là công an làm đúng, không có lỗi gì.
Chả biết ngành công an có quy định cho mượn tạm biển số hay không nhưng pháp luật vào tay mấy ông này thì lộn tùng phèo. Tạm là bao lâu, sao không cấp luôn mà lại tạm... Một cái xe gắn biển số nhưng không cần giấy tờ xác nhận hợp pháp kể cũng lạ. Phải coi đó là biển số giả chứ ở đó mà ngụy biện. Ở nước này còn nơi nào làm ăn tùy tiện kiểu như vậy, phớt pháp luật như vậy.
Dân chúng mua cái xe, chưa kịp lấy biển số, gắn tấm bảng "xe xin số" nếu chạy thì bị các ông phạt, vậy ai phạt các ông?
Giả dụ chiếc Lexus ấy nó gây tai nạn, nó vứt mẹ cái biển xanh đó đi, đeo lại biển trắng vào, các ông làm gì được nó.
Tổng bí thư đã chỉ đạo điều tra vụ việc, nhưng rõ ràng các ông coi không ra buồi gì, kiểu rằng cứ giả nhời thế đấy, làm gì được nhau.

3. Chuyện công an xứ này, càng bàn càng nản. 
(Nhà em xin lỗi bác Phạm Chuyên và bác Đào Lê Bình cùng ông em rể Nguyễn Công Kha).

Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang