Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Tài liệu tuyệt mật của CIA về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989


 

Đội quân tiên phong bị giải thể trong Chương trình Cải cách Quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Quân đoàn 27, sự kiện gây chú ý vì đây là đội quân chính gây ra vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
Trang tin Next Magazine ở Hồng Kông gần đây đã đăng bài viết tiết lộ thông tin về hồ sơ mật của Nhà Trắng (Mỹ), theo đó tình báo Washington từng thu thập được tài liệu của nội bộ Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó có 10.454 người bị giết.
Trong cuộc thảm sát này, Quân đoàn 27 là thủ phạm chính. Sau vụ thảm sát, ông Giang Trạch Dân được ông Đặng Tiểu Bình tín nhiệm và cho thay thế ông Triệu Tử Dương. Ông Giang được chọn là vì đã thẳng tay trừng phạt “Báo Kinh tế Thế giới” và biết nghe lời lãnh đạo ra tay đàn áp phong trào dân chủ tại Thiên An Môn.
 Thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 
Trong “Nhật ký Lý Bằng” cũng khẳng định, ông Giang là “kẻ lãnh đạo và quyết định” đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn.
Khác biệt về số lượng thương vong trong tài liệu mật
Có nhiều số liệu khác nhau liên quan đến số người thương vong trong sự kiện Thiên An Môn. Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, số người chết từ 2.600 ~ 3.000 người.
Vào ngày 16/6 năm đó, Tổng Lãnh sự quán Mỹ trú tại Hồng Kông đã chia sẻ một thông tin có được từ tài liệu nội bộ của chính quyền ĐCSTQ, theo số liệu này thì từ ngày 3 – 4/6, tại Thiên An Môn và phố Trường An có 8.726 người bị giết; từ ngày 3 – 9/6, vùng ngoại vi Thiên An Môn thuộc nội thành Bắc Kinh có 1.728 người bị giết.
Như vậy, tổng số người chết là 10.454 người, còn số người bị thương thì lên đến 28.796 người. Người Mỹ khẳng định, thông tin tình báo của họ đáng tin cậy, cho dù hiện không có cách nào kiểm chứng được thông tin trong tài liệu gốc này.
Theo truyền thông Hồng Kông, tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn và những chi tiết liên quan đến Quân đoàn 27 gây tội ác thảm sát mà người Mỹ thu thập được là chưa từng được biết đến.
Theo Next Magazine, tin tình báo của Mỹ có được qua tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số người thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó 10.454 người bị giết.
Chứng cứ này trái ngược hoàn toàn với công bố công khai của chính quyền ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế rằng “không có người chết trong Sự kiện Thiên An Môn 1989.”
Quân đoàn 27 gây ra vụ thảm sát là đội quân mù chữ
Tối ngày 9/2 năm nay, chương trình “Tin tức Quân sự” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, Quân đoàn 27 đã từ Thạch Gia Trang chuyển tới Sơn Tây.
Vào tháng 12 năm ngoái, tờ Minh Báo của Hồng Kông đưa tin, Quân đoàn 27 thuộc Quân khu Bắc Kinh bị giải thể, vào tối ngày 29/12 đã chuyển một bộ phận quân đến doanh trại xe tăng tại quận Giao, thuộc Thái Nguyên – Sơn Tây, đổi tên Sư Lục Quân đoàn 27, Tổng bộ trú tại Thạch Gia Trang – Hà Bắc được chuyển đến Ban Lục quân Chiến khu Trung bộ.
Vụ thảm sát Thiên An Môn 
Next Magazine chia sẻ thông tin theo hồ sơ mật của Washington, Quân đoàn 27 là đội quân chính ra tay thảm sát khiến nhiều người thiệt mạng tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6.
Vào sáng sớm ngày 4/6, đội quân này mang theo vũ khí tiến vào Quảng trường Thiên An Môn thực hiện cuộc thảm sát, trong những người bị giết hại có cả lính của những đơn vị khác, vì thế mà tại đây còn xảy ra một cuộc chiến trong nội bộ lực lượng quân đội Trung Quốc.
Theo lời của gián điệp Mỹ, Quân đoàn 27 là đội quân được tín nhiệm và luôn biết phục tùng, tướng chỉ huy là Yang Jianhua, em trai cựu Chủ tịch nước Dương Thượng Côn, còn Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó là con của tướng Dương Bạch Băng, còn gọi là Dương Thượng Chính.
Nhưng nhân vật bí ẩn này không thấy có bất cứ tài liệu nào nhắc đến, không thể tìm được tên gốc bằng tiếng Trung Quốc.
Theo thông tin, Quân đoàn 27 là đội quân đặc biệt được tuyển từ những nông dân vùng hẻo lánh, có đến 60% là mù chữ.
Doanh trại Quân đoàn 27 ở Thạch Gia Trang, cách Bắc Kinh khoảng 4 tiếng chạy xe, trước ngày vào thành Bắc Kinh họ được thông báo tới Bắc Kinh để huấn luyện. Trên đường đi vào thành Bắc Kinh, lại được thông báo được cho đi tham quan, ai nấy đều thích thú.
Vào ngày 20/5, sau khi Bắc Kinh thực thi lệnh giới nghiêm, họ mới biết “có lực lượng làm loạn.” Khi đó tiến vào Bắc Kinh còn có đội quân của Thẩm Dương và Thành Đô, nhưng chỉ có Quân đoàn 27 mang theo vũ khí chiến đấu, bao gồm: xe tăng, xe thiết giáp, sung ống đạn dược…
Hồ sơ nhắc đến vụ thảm sát diễn ra vào sáng ngày 4/6, vụ thảm sát xảy ra tại Lục Bộ Khẩu (Liubukou) ở phía tây Trung Nam Hải. Khi người dân cản trở đường đi của quân nhân, đội quân mù chữ Quân đoàn 27 đã chạy xe tăng lao thẳng vào các quân nhân và người đi đường, những họng súng cũng nhắm thẳng vào người dân khai hỏa.
Quân đoàn 27 đã nhận được mệnh lệnh: “Không được cho bất cứ ai chạy thoát, không được cho bất cứ ai sống sót.” Khi xe bọc thép chạy vào Quảng trường Thiên An Môn đã chuyển sang lao vào các học sinh, sinh viên, phụ nữ và trẻ em, giết đến đâu thì dùng máy ủi gom thi thể đến đó và dùng lửa hỏa thiêu.
Bọn lính man rợ được thông báo có khoảng 1000 học sinh trốn ở gần khách sạn Bắc Kinh, khu đường Chính Nghĩa, khi những học sinh này vừa kéo vào thì bị lính mai phục chờ sẵn và nổ súng càn quét. Ngay cả xe cấp cứu của Quân đoàn 27 đến Thiên An Môn chi viện cũng bị chính những tên đồng đội điên cuồng này xả súng vào.
Gián điệp của Mỹ nằm trong Quân đoàn 27 còn cho biết, bọn chúng ra tay khủng khiếp như thế là hoàn toàn là phục tùng mệnh lệnh của cấp trên.
Nhưng hồ sơ của Nhà Trắng còn kể lại tình hình nội bộ trong quân đội Trung Quốc khi đó, ví dụ như một quan chức trong đội quân ở Thẩm Dương sau khi biết tin bạn mình bị Quân đoàn 27 giết hại liền đến trước xe bọc thép của Quân đoàn 27 chửi mắng và lập tức bị một phát súng vào đùi; một quân nhân Thẩm Dương về quê nhà lấy vũ khí rồi trở lại Bắc Kinh liều chết với Quân đoàn 27.
Quân đội ở Tân Cương, Giang Tây, Sơn Đông cũng đến Bắc Kinh đối đầu với Quân đoàn 27.
Giang Trạch Dân được chọn vì “công lao” tắm máu người dân tại Quảng trường Thiên An Môn
Nhiều người đều biết, ông Giang Trạch Dân được lên nắm quyền lực tối cao sau sự kiện Thiên An Môn. Hồ sơ mật của Nhà Trắng cũng đề cập, Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm Giang Trạch Dân được xem là kẻ được lợi nhiều nhất nhờ công tắm máu tại Thiên An Môn.
Năm 1989, ông Giang là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, vào trung tuần tháng 5/1989 làn sóng dân vận lan tới Thượng Hải, mũi nhọn dân chúng chĩa vào ông ta, thời điểm đó báo Kinh tế Thế giới ở Thượng Hải là tờ báo ủng hộ cải cách, vì đăng bài viết tưởng nhớ ông Hồ Diệu Bang nên đã bị Giang đến chỉnh đốn và bị đình bản.
Sau sự kiện Thiên An Môn, người Mỹ mới biết rằng, khi thực hiện lệnh giới nghiêm vào ngày 20/5 tại Bắc Kinh, ông Giang đã được ông Đặng Tiểu Bình hứa sẽ cho lên thay ông Triệu Tử Dương. Ông Giang được chọn là vì mạnh tay xử lý Báo Kinh tế Thế giới, và hùa theo bài Xã luận 426 trên Nhân dân Nhật báo.
Trong đó, sự kiện của Báo Kinh tế Thế giới là tâm điểm dẫn đến Phong trào Dân chủ Học sinh Sinh viên năm 1989.
Giang Trạch Dân bước lên đỉnh quyền lực sau sự kiện Thiên An Môn 
Trong “Nhật ký Lý Bằng” viết, trong đêm xảy sự kiện Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân ở ngay gần Thiên An Môn để chỉ huy “chiến trường”.
Cuốn Nhật ký còn chỉ ra, ngày 3/6/1989, ông Đặng Tiểu Bình đã phê chuẩn phương án đàn áp phong trào vào tối hôm đó, ông Giang “trú tại lầu 4 tòa nhà của lực lượng Cảnh vệ, có thể quan sát mọi động thái tại Quảng trường Thiên An Môn qua cửa sổ.”
Tháng 1/2011, nhà đấu tranh nhân quyền Ngụy Kinh Sinh sống lưu vong ở ngoài Trung Quốc Đại Lục đã có bài viết tiết lộ, nhiều người không biết, trước sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Giang Trạch Dân đã được xem như là Tổng Bí thư, vì thế mới có thể vào thành Bắc Kinh chỉ huy cuộc tàn sát. Tội ác của ông Giang trong vụ thảm sát này là rõ như ban ngày
Cùng với việc ông Giang lên nắm quyền, ông Triệu Tử Dương vì phản đối đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 nên đã bị mất chức, sau đó bị giam lỏng tại số 6 Hồ Đồng, Phú Cường, Bắc Kinh, đến năm 2005 thì qua đời ở tuổi 85.
Vào năm 2002, khi ông Giang mãn nhiệm kỳ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông ta đã đưa ra một số quy định cho các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có quy định là “không được lật lại vụ án tại Quảng trường Thiên An Môn.”
Nguyên nhân của Quy định này là vì chính ông ta là nhân vật chủ mưu và cũng là kẻ giành được lợi ích nhiều nhất.
(Petro Times)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

15 năm trước Bob Kerrey thú nhận tội ác của mình thế nào?


08/06/2016 (VTC News) - Trải qua hơn 30 năm im lặng về những gì mình và đồng đội gây ra năm 1969, năm 2001, Bob Kerrey thú nhận tội ác của mình sau khi New York Times và CBS News công bố loạt điều tra về vụ thảm sát này.
Bob Kerrey hồi còn trong lực lượng Seals 
của hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Ngày 18/4/2001, Thượng nghị sỹ Bob Kerrey khi đó có bài phát biểu tại Học viện quân sự Virginia. Trong bài phát biểu của mình, lần đầu tiên cựu binh SEAL thừa nhận sự liên quan của mình tới vụ thảm sát năm 1969 tại làng Thạnh Phong, Bến Tre trong chiến dịch do ông chỉ huy. Theo New York Times, những người sống sót sau vụ thảm sát nói có 20 thường dân thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em và phụ nữ đang mang thai.

Chương trình Here & Now của Đài phát thanh Boston đã trích dẫn một phần bài phát biểu này của Bob Kerrey tại Học viên quân sự Virginia, trong đó ông nói:

"Cho phép tôi được kể về một câu chuyện buồn về bản thân và những quyết định mà mình đưa ra khi làm nhiệm vụ tại Việt Nam.

Tháng 2/1969, tôi dẫn đầu toán biệt kích SEAL 7 người thực hiện cuộc tấn công vào một ngôi làng ở Việt Nam nhằm tiêu diệt du kích. Phía tình báo nói cả đội có thể gặp nguy hiểm nhưng tôi vẫn quyết định đi.

Chúng tôi vào làng sau khi mặt trời lặn khoảng 2 tiếng, đêm đó trời không có trăng.



Các thành viên trong biệt đội của Kerrey tham gia vụ thảm sát: Tucker, Klann và Ambrose

Đó là nhiệm vụ nguy hiểm nhất do tôi chỉ huy trong thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam. Nỗi sợ hãi lớn nhất đối với tôi khi đó là sai lầm của mình có thể dẫn đến cái chết của đồng đội. Vì vậy, những quyết định sau đó được đưa ra đúng với những gì tôi được huấn luyện, chúng tôi sẽ ra tay khi có nghi ngờ.

Khi bị bắn, chúng tôi nổ súng đáp trả. Nhưng khi tất cả dừng lại, chúng tôi nhận ra rằng mình chỉ hạ được người già, phụ nữ và trẻ em. Đó không phải là chiến thắng quân sự, đó là một bi kịch và tôi đã ra lệnh làm điều đó.

Tôi không thể tìm kiếm được sự bình yên bên trong bản thân mình sau những gì xảy ra đêm hôm đó. Tôi luôn bị ám ảnh trong suốt 32 năm qua.

Những suy nghĩ rằng những nạn nhân có thể không thù ghét đối phương, vụ nổ súng là do các du kích khơi mào hay cả đội đã làm đúng như những gì được đào tạo không giúp tôi cảm thấy khá hơn.

Tôi kể với các bạn (học viên trường quân sự Virginia) câu chuyện này vì tin rằng một phần trong khóa đào tạo ở đây sẽ dạy các bạn cách đối phó với nỗi kinh hoàng của chiến tranh cũng như những quy chuẩn đạo đức và điều được phép làm trong chiến tranh."

Tùng Đinh (Nguồn: Here & Now)
http://www.vtc.vn/15-nam-truoc-bob-kerrey-thu-nhan-toi-ac-cua-minh-the-nao-d260551.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngành du lịch Việt Nam đi về đâu?


beach ocean radiohead daydreaming radiohead music video
Một khách du lịch đi dạo trên bãi biển. 

Một người bạn của tôi cùng gia đình vừa đi du lịch Nha Trang về quả quyết nói rằng sẽ không quay lại thành phố biển này nữa vì có cảm tưởng như “lạc đường sang Trung Cộng” trước cảnh quá nhiều khách du lịch Trung Cộng. Những tưởng việc du khách nước ngoài đến sẽ làm tăng thu nhập kinh tế cho người dân nơi đây, và ngành du lịch Việt nhưng ngược lại, phía hưởng lợi lại chính là Trung Cộng. Rất nhiều nhà hàng, khách sạn và các hoạt động du lịch khác hiện nay tại Nha Trang, Khánh Hòa do người Trung Cộng xây dựng, tổ chức và chỉ phục vụ cho khách Trung Cộng. Tất nhiên, những người chủ của các cơ sở kinh doanh đó núp bóng đằng sau người Việt Nam công khai đứng tên. Du khách Việt không thể đặt chỗ tại nhiều khách sạn và mua sắm ở một số cửa hàng trong khu vực du lịch.

image
Sự kiện người Trung Cộng lũng loạn ngành du lịch ở nước ngoài đang là một vấn đề nóng không chỉ riêng đối với Việt Nam. Tại Hàn Quốc, sau khi có chính sách cấp thẻ xanh cho các nhà đầu tư du lịch trên đảo Jeju, đất nước này đã rơi vào trạng thái “đứng ngồi không yên”. Hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng được Trung Cộng xây dựng ồ ạt trên hòn đảo hút khách du lịch bậc nhất xứ Nam Hàn này.

image
Mặc dù các nhà đầu tư vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và trả thuế đàng hoàng cho chính phủ nước sở tại, người dân Hàn vẫn tỏ thái độ vô cùng giận dữ bởi sự thao túng của người Trung Cộng đang dần biến Jeju trở thành mảnh đất của Trung Hoa đại lục.

Đối với Việt Nam, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi những người chủ Trung Cộng đang làm giàu miễn thuế trên mảnh đất này. Cuối năm 2015, Việt Nam nới lỏng thủ tục cấp thị thực cho người Trung Cộng với mức phí giảm xuống một nửa. Các chuyến bay thẳng từ các sân bay quốc tế Trung Cộng tới Cam Ranh cũng được thiết lập đầu năm nay nhằm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, dưới hình thức thị thực du lịch, nhiều người Trung Cộng đến Nha Trang với mục đích chính là kinh doanh chui. Bên cạnh việc mua lại các nhà hàng, khách sạn, họ còn tổ chức nhiều tour du lịch kín. Rất nhiều mặt hàng kém chất lượng từ Trung Cộng được “tuồn” vào các khu phố, gắn mác “Made in Vietnam” và bán với giá cắt cổ khiến hình ảnh đẹp của thành phố Nha Trang từ trước đang bị phai mờ trong mắt du khách bản địa cũng như từ nhiều nước khác. Thậm chí, họ còn chỉ nhận trao đổi tiền mặt bằng đồng Nhân dân tệ (đây rõ ràng là một hành động vi phạm luật.) Hậu quả là đồng tiền được sinh lời một cách xoay vòng trên chính đất Việt trong khi nước ta không hưởng được hưởng chút lợi nhuận nào.

image
Tình trạng này mới đây đã được đề cập trên một số phương tiện truyền thông nhỏ như các trang báo mạng không chính thống, nhưng chưa có một vụ vi phạm nào bị khởi tố. Giới hữu trách tại thành phố này nắm bắt được thông tin nhưng nói rằng chưa có bằng chứng cụ thể để điều tra những vụ việc vừa kể.

image
Trong những năm gần đây, tiềm năng phát triển du lịch tại Việt Nam là rất lớn, do đó việc đưa ra một số chính sách nhằm thu hút khách du lịch và đẩy mạnh ngành doanh nghiệp không khói này là việc làm đáng khuyến khích. Nhưng sự lộng hành và coi thường Việt Nam của các thương nhân Trung Cộng khiến chính chúng ta phải đặt câu hỏi về khả năng quản lý doanh nghiệp tại đất nước mình. Thẳng thắn mà nói, nhà chức trách Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc quản lý doanh nghiệp nội địa, các cơ sở kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào đều được đặt dưới sự kiểm tra định kỳ, không chậm trễ ngày nào, có khi còn kèm thêm những đợt thẩm tra bất thường.

image
Các doanh nghiệp Việt phải gánh chịu biết bao nhiêu khoản phạt từ trên trời rơi xuống như không treo biển hiệu kinh doanh, hay biển hiệu to quá mức quy định lấn đường chật phố, trong khi cố gắng hoạt động một cách minh bạch và đóng thuế đều đặn.

image
Tại các nước bạn trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, việc vận hành và quản lý du lịch rất có hiệu quả. Có thể vẫn còn những bất cập phổ biến tại hầu hết các nước đang phát triển, nhưng rõ ràng là không thấy sự lộng hành từ phía nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Cộng. Có lẽ nào Việt Nam mình không làm như thế được mà cứ mãi để mặc cho một quốc gia khác tự do ngông cuồng vi phạm chủ quyền của mình một cách trắng trợn?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÀO MỪNG QUYẾT ĐỊNH TRỤ LẠI CỦA ÔNG BOB KERREY


Ông Bob Kerrey. Ảnh: internet



Trần Quí Cao
8-6-2016

Tôi chào mừng quyết định này của ông Bob Kerrey bằng câu tự hỏi: Tại sao ông quyết định trụ lại? Chắc phải có những lý do tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ hai lý do dưới đây có thể có vai trò lớn.


1) Lý do thứ nhất: Sự bài xích của bà Tôn Nữ Thị Ninh

Hai bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh (1) và (2) xuất hiện trong vòng vài ngày với văn phong khiến nhiều người cảm nhận là hằn học. Bài sau hằn học hơn bài trước.

Cả hai bài cho thấy một sự bài xích ông Kerrey với các lý do không vững chắc, một sự triệt buộc không xứng tầm. Bởi thế nên chúng có một số lập luận và chứng cớ vòng quanh chứ không đi thẳng vào chủ đề. Lập luận đó, nói một cách thẳng thắn, là không trung thực! Những sự việc có thật được nêu lên để ủng hộ cho lập luận không trung thực.

Luận cứ chính của hai bài chỉ là lôi sự việc hiện nay trở về thảm kịch trong chiến tranh nửa thế kỷ trước! Tinh thần hòa giải hiện nay lại bị trói chung với hận thù năm xưa! Việc làm xây dựng trong hòa bình hiện nay lại bị trói chung với tàn phá trong chiến tranh năm xưa!
Người đọc có thể không đồng ý với giải pháp được bà Ninh đề nghị là ông Kerrey từ chức, nhưng có thể cảm thông với cảm xúc của một người còn bị ám ảnh bởi tấn thảm kịch năm xưa. Bà Ninh càng viết và càng bài xích kịch liệt, khổ thay, người đọc không cảm nhận bà đau khổ, lại thấy bà cay cú vì cái chức danh Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV! Ngoài ra, người ta còn cảm nhận có một cái gì đó sâu xa hơn ở đằng sau hậu trường…

Một tầm vóc từng trải như ông Kerrey làm sao không cảm nhận hết các điều này? Dễ gì ông để mình và sự nghiệp của mình bị dắt dẫn bởi những việc nhỏ mọn và không trung thực? Dễ gì ông để mình bị dẫn dắt bởi các khiêu khích về lòng tự trọng tầm thường?

2) Lý do thứ hai: Lòng ủng hộ của dân Việt

Lòng dân Việt Nam hướng về mở rộng bang giao với Hoa Kỳ được thể hiện quá rõ qua việc họ chào đón Tổng thống Obama.

Hoa Kỳ đã đem lại cho dân Việt cơ hội trang bị vũ khí tối tân. Hoa Kỳ đã đem lại cho dân Việt viễn cảnh kinh tế thoát khỏi sự lệ thuộc nguy hiểm trước Trung Quốc đang xâm chiếm từng phần lãnh thổ tổ quốc. Hoa Kỳ đã đem lại cho dân Việt cơ hội tạo dựng xã hội rộng mở, khai phóng làm nền cho đất nước ấm no, hùng cường và tự chủ. Tầm nhìn xa, tri thức cao và tác phong trẻ trung thân mật của Tổng thống Obama cùng ngoại trưởng Kerry đem lại cho dân Việt một sự so sánh trực tiếp về sự khác nhau giữa chính quyền của chính thể dân chủ tự do so với chính thể chuyên chính…

Người dân đã chủ động đổ ra đường chào đón cái mà họ đang thiếu, đang khao khát. Sự chào đón diễn ra một cách văn minh, trật tự và thật lòng, thật sự đã chạm vào tình cảm của ông Obama và nước Mỹ.

Lòng dân cũng được thể hiện qua các bài trên các trang mạng tự do lên tiếng ủng hộ ông Kerrey và phản đối lập luận của bà Tôn Nữ Thị Ninh. Lòng dân cảm phục ông Kerrey biết nhận trách nhiệm, biết kiên trì tiến hành các dự án giúp Việt Nam trong lãnh vực giáo dục đem lại lợi ích khai phóng và nâng cao dân trí dài lâu…

Lòng dân đó cho các ông Kerrey, ông Kerry và ông Obama thấy sự ủng hộ của Việt Nam vào hệ thống tự do dân chủ, thấy Việt Nam thực sự xứng đáng được đầu tư cho phát triển về hướng tự do.

Một đất nước càng xứng đáng thì xác suất bị bỏ rơi càng ít.

Quyết định trụ lại của ông Kerrey càng cho thấy tầm vóc trí tuệ và đạo đức của ông khác xa của bà Tôn Nữ Thị Ninh và của những người đứng sau lưng bà.

_____

THAM KHẢO:

____
.

Tại sao nên là Bob Kerrey?

8-6-2016

Tại vì khi chiến tranh, việc thường dân vô tội bị giết oan là điều không tránh khỏi, nhất là khi CSVN lại núp trong dân, dùng dân làm phên dậu.

Tại vì BK có tham chiến và có giết thường dân và BK có THỰC SỰ đau khổ, xin lỗi nhiều lần và cố gắng đóng góp cho giáo dục VN để phần nào thể hiện trách nhiệm, đóng góp hơn hai thập niên qua để cố gắng giúp đỡ giáo dục và hình thành đại học Fullbright nầy.

Và quan trọng nhất, tại vì Hoa Kỳ muốn CSVN THỰC SỰ bỏ qua quá khứ, hàn gắn để tiến tới tương lai. Chấp nhận BK là chứng tỏ điều này, bằng không chấp nhận BK thì CSVN là kẻ thù dai, và đừng hòng mà có chuyện THỰC SỰ hoà giải với những người sống duới chế độ VNCH cũ.

Khi bắt đầu bang giao năm 1995, ông Pete Peterson là đại sứ đầu tiên, ông có đánh giặc ở VN, có bị thương. Trong danh sách short list đi làm đại sứ ở VN lúc đó thì ông Jim Kimsey (vừa qua đời) đứng thứ nhì. Jim là bạn trong nhóm think tank BENS, chúng tôi hay gặp và đi chung nhiều nơi, có lần Jim hỏi tôi có biết tại sao là Peterson không? Tôi bảo không. Jim nói tại vì Peterson bị thương, còn Jim thì không. Nếu một người chết trận ở VN đi làm đại sứ được thì đại sứ đầu tiên chắc không phải là Peterson. Có như vậy thì việc bang giao mới có ý nghĩa.

Tương tự, việc bình thường hoá bang giao hai nước sau 20 năm đã hoàn tất và bây giờ bước qua một giai đoạn mới là giai đoạn hoà giải để hướng về tương lai với niềm tin trọn vẹn giữa hai dân tộc, chứ không phải giữa hai chính quyền như trong hai thập niên qua.

Câu hỏi tại sao là Bob Kerrey nên được hiểu rằng: Nếu không phải Bob Kerrey thì việc hoà giải sẽ không có ý nghĩa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƠ LƯU MÊLAN

Ngôi nhà thân thương của nhà văn


họ trở về nhà
họ trở về nhà
họ chạm bàn tay vào nhà
họ ôm nó
họ khóc
họ ngập ngừng

rồi họ bỏ chạy khi có tiếng kêu ai đó
mang tên của họ.

07/2010


Ðiều kì diệu của viết

đó là viết hoài cũng chẳng bao giờ hết được
trong khi điều viết nó tạo ra ta không ngừng.
và vì thế ta cũng không thể ngừng viết

thế giới thì tái tạo chính nó ngoài kia
nhanh, sâu và đẹp.

30/07/2010


Làm thơ, những suy nghĩ, sự lừa dối

có lẽ tôi đã được hứa hẹn một điều tuyệt vời
trước khi sinh ra
vì vậy mà lòng tôi đầy kinh hoàng và hận thù  đến thế.

*

Trong bầu trời hay thế giới đầy lũ thiên thần này
Tôi thấy toàn máu

*

mặt trời là một khối lửa
ném thẳng vào màn đêm những kẻ khát máu
đe doạ và khiêu khích.

mặt trời không bao giờ có thực[1]

*

cảm nhận đầu tiên của tôi về cái chết
là khi có một ai đó đi ngang qua mình.

*

người ta sẽ cho bạn gươm, vài vũ khí, một đống kiến thức sai lầm
mà không cho bạn sự cần thiết nhất để chiến đấu:
sự căm thù
một cái đẹp đã tan nát.

 10/10/2010

_____________________________
[1] tác phẩm của Phạm Công Thiện.


Xã hội

người ta chỉ có thể trở thành thú
vì xã hội này không dành cho người
tội ác thì bị con người nguyền rủa
khi họ mất khả năng cảm nhận nỗi đau.

*

ở cuối ranh giới một nhà tù
có những những song sắt để người ta có thể ngó ra một nhà tù khác
trong đó không chứa người
trong đó chứa một con voi
đọc sách.

 10/10/2010


Ma quỷ, thánh thần, nhà thơ


Sống

dưới chân thánh tượng này
chúng ta chỉ thấy sự dối trá trong ta
như một cái giá cho sự tiếp tục sống.

Thế giới

thế giới
luôn cần được chôn sống.

Nước mắt

nước mắt
thật kì lạ
nó kích động máu.

 Sự bình yên

sự bình yên là nấm mồ êm cỏ
mỗi khi đau
tôi nằm xuống.

 Khi ngủ

khi ngủ
tôi thấy linh hồn mình bị đuổi đi
và những linh hồn khác
lần lượt thay vào

chúng hỗn loạn và điên rồ đến mức
làm tôi tỉnh dậy.

 *

ngôi nhà hiện hình trong bóng đêm
sự vĩnh cửu của nó
khi nó
biến mất khỏi ta

mọi cám dỗ đều thật mãnh liệt trong bóng tối.

Cái chết

tôi sẽ nói với cái chết rằng
nó thật đặc sắc và
sự kiên nhẫn của nó
xứng đáng cho bất cứ ai chơi với nó suốt cuộc đời.

5/2010

(Rút từ tập “Thánh đường dễ sụp đổ” – Lưu Meela
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cá tuy là vật nhỏ, ta cũng nên đề phòng, tránh xa bọn nịnh thần


Chuyện về cá và các hãnh thần (bọn thần hãnh tiến, nịnh bợ). 


Nguyên là một câu thơ của vua Thiệu Trị nhà Nguyễn.

Sách Đại Nam thực lục có ghi chuyện như sau.


1. Thời Nguyễn có riêng đội Ngư Hộ chuyên làm nhiệm vụ đánh bắt cá (thủy hải sản) để phục vụ các bữa ăn cho nhà vua và hoàng gia.

2. Đội này thường đánh cá trên Sông Hương.

3. Vào mùa hè năm 1841, vua Thiệu Trị có đi thị sát việc xây lăng Minh Mạng, trở về bằng thuyền rồng, có dừng lại để xem đội Ngư Hộ đánh cá trên Sông Hương.

4. Đội trưởng Ngư Hộ là Trần Công Phúc thông đồng với quan thị vệ (lính đi theo hầu đức vua), đã ngầm thả cá sẵn rồi kéo lưới. Khi kéo lưới, cá nhảy lên lao xao. Nhà vua biết là giả dối, bảo bọn theo hầu rằng: "Hộ đánh cá úp sẵn, đánh lừa ta ở chỗ ta chính mắt trông thấy. Ta xem việc đánh cá đủ biết bọn nịnh thần là đáng ghét". Bèn làm thơ để ghi nhớ.

5. Trong bài thơ, có câu: "ngữ tiểu tu trừng viễn hãnh thần" (có nghĩa: cá tuy là vật nhỏ, ta cũng nên đề phòng, tránh xa bọn nịnh thần).

6. Bọn Phúc bị phạt mỗi người 40 gậy, đóng gông giải về.

Giao Blog
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hôm nay, "tết giết sâu bọ", đọc thơ về Khuất Nguyên:

Thơ Trần Mạnh Hảo.
“Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt
Sở vương đài tạ không sơn khâu”
( Giang thượng ngâm- Lý Bạch )
( Lý Bạch ca ngợi Khuất Nguyên "cũng tên là Khuất Bình" : Thơ Khuất Nguyên còn sáng mãi như mặt trời mặt trăng / Cung điện vua Sở tan hết cả bên trời xanh cỏ...)
Tóc bạc cả nồi cơm
Ta biết làm gì với chòm râu rơm rác
Với vòm trời úp xuống như nơm
Cây ngô đồng bạn ta mùa thu ăn gần hết
Nước Sở ơi
Đừng bắt ta nhìn người lịm chết
Hạc bỏ trời
Tùng bách cũng mồ côi
Cả một triều đình bị điếc
Tai Sở vương làm thối lưỡi ta rồi
Sao chuột không khoét mắt ta đi ?
Đời ngủ cả chỉ thức toàn mắt lá
Ta đang nhìn thấy gì ?
Vua tin dùng chó má
Hoạn quan đi đầy đường
Hiền nhân vào ngục đá
Sao loài lươn không vấy bùn vào hồn ta ?
Đời đục cả chỉ còn trong nước lã
Hay ta mặc áo giấy vào đi theo ma ?
Cái xứ sở toàn đeo mặt nạ
Con cáo ngồi thương đứt ruột con gà
Hỡi xác chết trôi làm thuyền cho quạ
Tro trấu nào trang điểm mặt mày ta ?
Ta thương triều đình trong tay nghịch đảng
Thuyền độc mộc quốc gia bơi một mái chèo
Mái chèo mang hình lưỡi kẻ nịnh hót
Chó kiêu ngạo nhảy chồm lên bàn độc
Muốn yên thân phải sống thật đói nghèo
Con bò thông minh hơn nhà bác học
Thơ phú nào cũng rặt bọn ăn theo…
Sở từ, Sở từ
Khúc Ly Tao hát đứt cổ
Thơ viết rụng từng đốt tay
Ô i nước Sở
Sao chỉ toàn mật vụ với ăn mày ?
Muốn nghĩ một điều gì lại sợ
Đêm nhìn lên trời cũng nổi da gà …
Chừng như gió cầm tù hai ốc tai ta
Khi hôn quân còn vờ làm minh chúa
Thì đất này còn lắm khúc Mịch La
Như vệt nhăn trên vầng trán nước Sở
Nghe sông nấc tiếng tù và
Xin vĩnh biệt mặt trời đoan ngọ
Sao kiếp người lại buồn hơn kiếp ma ?
Ta gửi lại một vòm trời hình sọ
Để trầm mình trong chính khúc thơ ta …
Sài Gòn 1982
Trần Mạnh Hảo
Phần nhận xét hiển thị trên trang