Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Đối thoại Shangri-la và những cơ hội bị bỏ lỡ


Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (thứ hai, trái) 
sau cuộc gặp các quan chức Trung Quốc 
bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore ngày 3/6. Ảnh: AFP/TTXVN
* Ts. TRẦN CÔNG TRỤC
Những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông cần phải lên án và chống lại, điều đó không có nghĩa là "chống Trung Quốc".
LTS: Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, diễn đàn an ninh khu vực quan trọng nhất vừa kết thúc chiều qua 5/6. Diễn đàn năm nay để lại nhiều dư âm xung quanh những căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là phát biểu của trưởng đoàn Trung Quốc ông Tô Kiến Quốc, cũng như hoạt động của đoàn này trong khuôn khổ đối thoại.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử bài phân tích của ông về sự kiện này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Vài năm trở lại đây, Biển Đông luôn là chủ đề nóng bao trùm các kỳ Đối thoại Shangri-la vì những hành vi leo thang, phiêu lưu quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các siêu cường, năm nay cũng không có gì khác. Trước khi Đối thoại Shangri-la diễn ra, đã có những học giả nhận định lập trường của Trung Quốc sẽ không có gì thay đổi.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ảnh do ông cung cấp.
Do đó mọi sự chú ý đổ dồn về phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong đó nổi bật nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản - hai quốc gia đặc biệt quan tâm, lo ngại trước hành vi chà đạp luật pháp quốc tế, phiêu lưu quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đồng thời dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến lập trường của Việt Nam với tư cách bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp toàn bộ và một phần, đang bị Bắc Kinh quân sự hóa nhanh chóng thành các pháo đài quân sự kiên cố.

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh

Theo dõi bài phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và là trưởng đoàn tham gia Đối thoại Shangri-la năm nay, kể cả trong phát biểu chính thức lẫn trả lời báo chí, người viết nhận thấy nổi lên mấy điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là những căng thẳng leo thang trên Biển Đông theo đánh giá của đoàn Việt Nam là do những khác biệt về lợi ích, tham vọng và cạnh tranh chiến lược theo hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp; Nói một đằng làm một nẻo, sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp; Cách hành xử áp đặt vì lợi ích vị kỷ hẹp hòi, không tính đến lợi ích các nước khác cũng như khu vực và quốc tế.

Thứ hai, ông Vịnh đã làm rõ hơn quan điểm vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc trong việc đảm bảo hòa bình ổn định, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông. Đài BBC ngày 5/6 bình luận: "Có lẽ đây là một trong những lần đầu tiên cụm từ ‘đấu tranh’ được đặt bên cạnh 'hợp tác' trong bài phát biểu của người đứng đầu ngành đối ngoại quốc phòng của Việt Nam."

Lần đầu tiên tại một kỳ Đối thoại Shangri-la, trưởng đoàn Việt Nam đã làm rõ hơn lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông, tranh chấp song phương thì có thể giải quyết bằng đàm phán song phương. Còn các tranh chấp đa phương, bắt buộc phải giải quyết thông qua cơ chế đa phương với sự có mặt của tất cả các bên liên quan.

Đây là một bước mới cụ thể hóa các nguyên tắc xử lý tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông mà Việt Nam chủ trương.

Quan trọng hơn là ông Vịnh nhấn mạnh, dù hợp tác hay đấu tranh cũng phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và lấy đó làm chuẩn mực để giải quyết tranh chấp, bất đồng, giảm nguy cơ xung đột.

Tướng Vịnh khẳng định, nước nào cũng đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở (pháp lý) vững chắc và cần đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các nước khác, khu vực và quốc tế.

Người viết đánh giá cao nhận định này. Vấn đề còn lại là làm sao để triển khai, áp dụng hiệu quả vào thực tế.

Trả lời báo điện tử Zing ngày 5/6, tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: "Trong đấu tranh Việt Nam phải giữ vững quan điểm chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc là tiên quyết. Cơ sở để đấu tranh là luật pháp quốc tế, trên tinh thần xây dựng và tìm ra giải pháp các bên chấp nhận được."

Thứ ba, nhấn mạnh khía cạnh hợp tác với Trung Quốc. Trong bài phát biểu chính thức ông Vịnh cho biết: "Vẫn phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan nhằm xây dựng và củng cố lòng tin, tìm ra những điểm chung trong lợi ích chiến lược, đồng thời thẳng thắn đấu tranh trên tinh thần xây dựng."

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời báo chí quốc tế bên lề Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, ảnh: BBC.
Trả lời phỏng vấn báo điện tử Zing, tướng Vịnh nói rõ hơn: "Chúng ta hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề trên bộ, biên phòng, hợp tác trao đổi nghiên cứu chiến lược, hợp tác về đào tạo, gìn giữ hòa bình…

Việt Nam và Trung Quốc cũng hợp tác tuần tra chung về hải quân và cảnh sát biển trên vùng Vịnh Bắc Bộ là vùng biển đã được phân định. Đây đều là những hợp tác hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cả 2 bên."

Tuy nhiên, người viết còn cảm thấy băn khoăn rằng làm sao để hợp tác không triệt tiêu đấu tranh hoặc ngược lại, bởi lẽ Trung Quốc thì muốn chỉ tập trung vào các vấn đề hợp tác, còn lại đưa tranh chấp Biển Đông về đàm phán song phương với từng nước, gạt ASEAN cũng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước có lợi ích ở Biển Đông ra ngoài.

Đối thoại Shangri-la là một diễn đàn an ninh mở có sự tham gia của hầu hết các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các cường quốc toàn cầu. Bởi vậy cá nhân tôi cho rằng đây là môi trường cực kỳ thuật lợi cho đối thoại, cho chúng ta triển khai các hoạt động "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".

Đây cũng là diễn đàn quan trọng cho các bên thể hiện lập trường của mình, lắng nghe quan điểm các nước khác trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo vệ hòa bình ổn định, tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Nhưng đã có những cơ hội bị bỏ lỡ.

Thứ nhất, Đối thoại Shangri-la đã bỏ lỡ cơ hội đối thoại, tranh luận về cách diễn giải luật pháp quốc tế.

Tướng Vịnh cho biết: "Hiện nay, ai cũng nói về luật pháp quốc tế, nhưng vì sao nó không được thực hiện? Lý do đầu tiên nằm ở cách hiểu và diễn giải luật pháp khác nhau, có thể do vô tình, nhưng thường là do cố ý diễn giải để có lợi cho mình."

Người viết cho rằng nhận định này rất chính xác. 

Trung Quốc họ vẫn khăng khăng nói rằng, các hành động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và thậm chí kéo vũ khí ra Hoàng Sa, Trường Sa là "hợp pháp, chính đáng trong khu vực chủ quyền" của họ, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ mới là bên gây căng thẳng ở Biển Đông.

Theo tường thuật của đài VOA ngày 4/6, ông Giả Khánh Quốc, một học giả Trung Quốc đã phát biểu tại Đối thoại Shangri-la cùng ngày:

"Chính nước Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đã làm cho căng thẳng leo thang qua việc đưa máy bay quân sự và chiến hạm tiến vào khu vực gần lãnh thổ của các nước khác dưới danh nghĩa “tự do hàng hải".

Tại sao lại tập trung chú ý vào Trung Quốc trong lúc các nước khác cũng có những hoạt động lấp biển lấy đất tại những hòn đảo có tranh chấp?"

Câu hỏi của ông Khánh về việc tại sao dư luận tập trung lên án Trung Quốc về hành vi bồi đắp đảo nhân tạo mà không phải các nước khác thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, tướng Nguyễn Chí Vịnh và nhiều học giả quốc tế đã trả lời, xin không nhắc lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-la năm nay. Ảnh: AP.
Nhưng lập luận của ông Khánh về cái gọi là việc đưa máy bay quân sự và chiến hạm tiến vào khu vực gần lãnh thổ của các nước khác dưới danh nghĩa “tự do hàng hải" thì chưa thấy ai làm rõ.

Tạm gác vấn đề "chủ quyền, lãnh thổ" của các thực thể này thuộc về nước nào sang một bên, Hoa Kỳ nên giải thích rõ căn cứ pháp lý của các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông thời gian qua để Trung Quốc và dư luận thấy rõ, Trung Quốc họ đã vi phạm điều khoản nào trong luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Lâu nay Trung Quốc vẫn cố tình nhập nhằng, đánh tráo khái niệm "yêu sách chủ quyền" với "yêu sách hàng hải".

Những vấn đề Mỹ và khu vực đang đề cập đến trong Đối thoại Shangri-la lần này là thuộc phạm trù áp dụng, giải thích UNCLOS, đặc biệt là quy chế các vùng biển áp dụng cho những thực thể tranh chấp ở Biển Đông có hay không lãnh hải 12 hải lý, có hay không vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, tàu chiến máy bay quân sự qua lại những khu vực này theo quy định nào...

Tất cả không liên quan gì đến "yêu sách chủ quyền, lãnh thổ". Tiếc rằng điều này đã bị bỏ qua.

Thứ hai, bỏ lỡ cơ hội bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, bảo vệ UNCLOS và phán quyết của PCA

Các bên đều nhấn mạnh sự cấp bách và cần thiết của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Vậy thì vụ kiện của Philippines và phán quyết của PCA tới đây sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc áp dụng, giải thích UNCLOS ở Biển Đông, thu hẹp đáng kể tranh chấp. Phán quyết của PCA có ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện Biển Đông, cần những cuộc đối thoại và làm rõ.

Tuy nhiên Đối thoại Shangri-la lần này đã thiếu những tiếng nói mạnh mẽ và thuyết phục bảo vệ UNCLOS, bảo vệ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế trong bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông hết sức phức tạp, diễn biến khó lường.

Cá nhân người viết cho rằng, Đối thoại Shangri-la là diễn đàn rất tốt cho Việt Nam, Philippines và các bên liên quan nêu bật ý nghĩa, giá trị, vai trò và ứng dụng của UNCLOS ở Biển Đông.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng các học giả quốc tế phân tích ý nghĩa, vai trò của các biện pháp xử lý, giải quyết tranh chấp trong việc áp dụng và giải thích UNCLOS bao gồm giải quyết thông qua cơ quan tài phán, trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS của các thành viên Công ước, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội này.

Rõ ràng Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm vụ kiện từ "giải thích và áp dụng UNCLOS" sang "tranh chấp chủ quyền", rõ ràng Trung Quốc chà đạp UNCLOS bằng yêu sách đường lưỡi bò với lập luận về "quyền lịch sử", một khái niệm mơ hồ không có trong luật pháp quốc tế.

Tại những diễn đàn an ninh khu vực quan trọng như Đối thoại Shangri-la, các bên cần phải tự mình làm rõ, đồng thời yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách đường lưỡi bò.

Mặt khác đó cũng là cơ hội để phản bác các lập luận sai trái của họ, đặc biệt là Việt Nam với tư cách là một bên liên quan bị tác động và ảnh hưởng trực tiếp bởi việc này.

Giải pháp trọng tài quốc tế và cụ thể là vụ kiện của Philippines cũng như phán quyết của PCA không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà còn có lợi cho cả khu vực và cộng đồng quốc tế trong việc áp dụng, giải thích UNCLOS để xử lý tranh chấp, thu hẹp đáng kể tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội quý.

Thứ ba, bỏ lỡ cơ hội làm rõ hành vi leo thang quân sự hóa, phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông

Tại Đối thoại Shangri-la năm nay cá nhân người viết thấy rằng mới chỉ có những câu trả lời mang tính nguyên tắc chung từ Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và tướng Nguyễn Chí Vịnh xung quanh lập luận của Trung Quốc rằng, các bên yêu sách ở Trường Sa cải tạo trước, họ làm sau, tại sao lại chỉ lên án Trung Quốc.

Ông Tôn Kiến Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-la năm nay, ảnh: Reuters / BBC.
Tuy nhiên bản chất những hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông như bồi lấp đảo nhân tạo ở Trường Sa tạo thành các tiền đồn quân sự, phá hủy nghiêm trọng hệ môi trường sinh thái, đe dọa an ninh hàng hải hàng không, đe dọa không gian an ninh quốc gia và phòng thủ của các nước ven Biển Đông thông qua việc kéo máy bay, tên lửa, ra đa quân sự cao tần ra các thực thể này thì chưa được quan tâm đúng mức.

Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông, chúng ta vì lý do nào đó chưa dám nói thẳng chính Trung Quốc gây ra các hành động này, trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước không có yêu sách trực tiếp ở Biển Đông lại chỉ rõ Trung Quốc là thủ phạm, đó là sự thật mười mươi.

Điều này về mặt đối nội sẽ khiến dư luận băn khoăn không biết chúng ta sẽ "đấu tranh" với Trung Quốc như thế nào khi những vấn đề hết sức cụ thể, nóng hổi và cấp bách lại không được đề cập, nước nào quân sự hóa Biển Đông không được chỉ rõ.

Về mặt đối ngoại, điều này có thể làm cho các nước muốn hợp tác với chúng ta để bảo vệ hòa bình ổn định, tự do hàng hải hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, hoạt động gắn liền với lợi ích sát sườn của Việt Nam, phải lăn tăn, không biết chúng ta suy nghĩ và tính toán như thế nào.

Cũng xin khẳng định rõ, Việt Nam không theo nước này chống nước kia, Việt Nam không chống Trung Quốc.

Việt Nam cũng như bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới có trách nhiệm phải bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế trong khu vực, ở đây cụ thể là Biển Đông.

Những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông cần phải lên án và chống lại, điều đó không có nghĩa là "chống Trung Quốc". Điều này được phản ánh quá rõ trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.

Phê phán đúng đối tượng và hành vi một cách khách quan, xây dựng trên tinh thần luật pháp quốc tế thay vì nói chung chung thiết nghĩ đó mới là biểu hiện cụ thể nhất của phương châm "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".

Chúng ta không để hợp tác triệt tiêu mất đấu tranh vì điều đó chính là cái bẫy Trung Quốc đang muốn chúng ta hướng tới, nó có thể dẫn đến những bất lợi cho chúng ta như tướng Vịnh cũng đã lưu ý.

Còn ai đó lo ngại rằng, hiện nay các nước mới chỉ nhấn mạnh đấu tranh với Trung Quốc mà quên mất hợp tác, cá nhân người viết cho là chưa phản ánh đúng thực tế.

Việt Nam vẫn hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực hai nước có chung quan tâm và lợi ích, Hoa Kỳ với Trung Quốc cũng vậy. Biểu hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ quốc tế ngày nay là khá rõ nét. Không quốc gia nào có thể một mình một chiếu, đóng cửa không chơi với ai.

Trong vấn đề Biển Đông, biểu hiện của hợp tác cũng rất rõ ràng, đó là những hoạt động đối thoại song phương giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ, hay Trung Quốc với các bên liên quan, Hoa Kỳ với các bên liên quan làm sao để tránh xung đột đối đầu, tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp và chống leo thang, chống bành trướng.

Đối thoại Shangri-la hay các diễn đàn đối thoại khác trong khu vực về Biển Đông là một ví dụ tiêu biểu cho hợp tác.

Bỏ lỡ cơ hội thứ tư, bác bỏ chính thức yêu sách "chủ quyền" phi lý và chiêu trò đánh tráo khái niệm của Trung Quốc

Trong phát biểu chính thức tại Đối thoại Shangri-la, tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: "Trong bối cảnh tình hình phức tạp như vậy, Việt Nam kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất."

Tuy nhiên trước thông tin Trung Quốc cho người phát tờ rơi là một tập tài liệu mỏng bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc về các dữ kiện lịch sử mà nước này nhiều lần nêu ra để chứng minh cho yêu sách "chủ quyền" của họ với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội phản bác và làm rõ âm mưu đó, bất luận ai rải truyền đơn.

Tướng Vịnh trả lời BBC về việc này rằng: "Tôi chưa nghiên cứu và cũng chưa biết chắc ai làm việc này, nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không làm như thế vì đây [Đối thoại Shangri-La] là diễn đàn mở, công khai minh bạch và tất cả các nước đều lắng nghe nhau một cách tôn trọng."

Theo ông: "Nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ của mình thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch trước cộng đồng thế giới, tốt hơn là phát các tờ rơi, nhất là các tờ rơi gây tranh cãi".

Người viết chia sẻ với tướng Vịnh rằng, hành động phát tờ rơi ấy là không đàng hoàng, không phù hợp, không minh bạch. Thậm chí cá nhân tôi tin là, có thể nhiều người Việt Nam chúng ta coi đây là hành động "tiểu nhân", không đáng mặt nước lớn, hay "không thèm chấp".

Tuy nhiên trên bình diện quan hệ quốc tế người viết cho rằng, trong trường hợp này Việt Nam cần lập tức có tiếng nói phản đối ngay tại Đối thoại Shangri-la với 2 nội dung:

Một là Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phản đối nội dung nêu trong tờ rơi, bất luận do ai tung ra cho các đại biểu dự hội nghị. Những nội dung tờ rơi này là bịa đặt, xuyên tạc sự thật và không có giá trị.

Hai là, Đối thoại Shangri-la là diễn đàn an ninh quan trọng của khu vực, thậm chí là toàn cầu, là nơi các nước chia sẻ lập trường của mình, lắng nghe quan điểm của các nước khác về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông và nóng nhất cũng là Biển Đông.

Tuy nhiên, nội dung, đối tượng cần làm rõ về Biển Đông tại Đối thoại Shangri-la hay các diễn đàn tương tự, không phải là tranh chấp chủ quyền, mà là việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, giải thích và áp dụng luật pháp.

Do đó bất kỳ nước nào tranh thủ các diễn dàn này để tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền là không phù hợp, làm rối trọng tâm thảo luận và không tìm ra được chìa khóa giải quyết vấn đề.

Người viết cho rằng, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" hiệu quả với Trung Quốc, bảo vệ được hòa bình và ổn định, đồng thời đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán và nói chuyện đúng trọng tâm, tránh được cái bẫy tảng lờ, đánh tráo khái niệm của họ.

Thiết nghĩ đó cũng là cách chúng ta bảo vệ quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung một cách văn minh nhất, hiệu quả nhất mà không gây phương hại tới các lợi ích khác.

Đó cũng là cách thiết thực nhất để tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân về chiến lược, sách lược bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Tổ quốc trên Biển Đông.

Tất nhiên đó cũng mới là cách để bạn bè khu vực và quốc tế hiểu đúng về chúng ta, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Ts Trần Công Trục/(Giáo Dục)/TTHN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỮNG CẢNH BÁO NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY PHẢI BIẾT



Nguyễn Quang Thiều

NHỮNG CẢNH BÁO NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY PHẢI BIẾT
(khẩn)

Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các “ tiền giáo sư và hậu tiến sỹ” Việt Nam, thì để không đánh mất bản sắc dân tộc, mỗi người Việt Nam phải biết rõ những việc sau :

1/ Khi đem quần áo của người dưới xuôi hoặc thiết kế của người nước ngoài cho người dân tộc thì về lâu dài người dân tộc sẽ đánh mất bản sắc

2/ Dạy các cháu dân tộc học tiếng Kinh sẽ biến các cháu thành rất ....kinh

3/ Đưa giáo viên dưới xuôi lên miền núi dạy dọc là dần dần biến miền núi thành miền xuôi và để miền xuôi thành miền núi.

4/ Nếu bản làng nào bị thiên tai thì không được trợ giúp bằng mỳ tôm omachi mà phải nấu nếp nương nếu không chúng ta sẽ biến dân bản thành người Nhật.

5/ Mặc com-lê, đi giày da và đeo ca-ra-vát lâu dài người Việt Nam sẽ biến thành người Pháp.

6/ Dùng thịt bò cô-bê Nhật lâu dài sẽ hóa thành người Nhật.

7/ Đi xe Đức lâu dài sẽ biến thành người Đức.

8/ Ăn bánh mỳ Nga lâu dài sẽ biến thành người Nga.

9/ Sử dụng chăn ga gối ga đệm và xem phim tình ái sướt mướt Hàn Quốc chiếu suốt ngày tên VTV sẽ trở thành người Hàn.

10/ Cho con cháu học đàn dương cầm sẽ biến chúng thành người Ý.

11/ Ăn mỳ vằn thắn và vịt quay Bắc Kinh nhiều sẽ có nguy cơ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

12/ Đọc sách dịch Trung Quốc nhiều có nguy cơ giống bản chất Đặng Tiểu Bình

13/ Dùng nhiều rượu whisky sẽ sẽ quên lịc sử Việt Nam mà thuộc lòng lịch sử Scotland

14/ Uống rượu vang Chile trong mọi bữa tiệc như bây giờ sẽ quên tiếng Việt mà chỉ nói tiếng Tây Ban Nha

15/ Các cháu nhỏ uống sữa Hà Lan quá nhiều lớn lên sẽ xin nhập quốc tịch Hà Lan.

16/ Đeo kính đen trong những ngày nắng như mấy hôm nay và kéo dài trong nhiều năm sẽ dễ trở thành găngxtơ Mỹ.

17/ Uống bia lạnh quá nhiều mà không uống nước vối là yêu Đan Mạch mà ghét Việt Nam.
........
 
Và còn nhiều nguy cơ khác. Theo điều tra xã hội học hiện nay cho thấy hầu hết quần áo, phương tiện, nhà cửa, đồ gia dụng....đến thực phẩm và đồ uống rồi phim ảnh...hầu hết là sản phẩm của nước ngoài. Vì thế, nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc là vô cùng to lớn. Khi đánh mất bản sắc dân tộc thì nguy cơ mất nước đã cận kề.
 
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Về phát biểu của Vương Nghị (Thư giãn)



Đêm nằm nghe sóng vỗ
Nghe như tiếng thở dài
Khát vọng nào cho ta!
Mỏi mòn không bến đỗ!

Cách đây mấy hôm, tôi đang ngồi uống cà phê, thấy một con sóc vàng đang bò trên đầu bờ tường, bèn khen nó ‘dễ thương’, bà chủ quán nói ‘nghe nói nhà có sóc là hên lắm, không biết có đúng hay không nữa!’… Rồi nghe tiếng ‘tắc-kè… tắc-kè… tắc-kè…’, anh Đ - vốn là ‘Phật tử’ (người theo đạo Phật), ngồi gần đó - mới nói rằng ‘Sư bảo khi nào nghe tắc-kè kêu nhiều là trời sắp có mưa, nó còn đánh nhau với chuột và giết/ăn thịt chuột, nên nhà nào có tắc-kè thì chuột phải ẩn trốn, vì thế, nó rất có ích’, ‘ừ, nhà nào có tắc-kè vào là hên, tôi rất thích nghe tiếng tắc-kè kêu, thấy vui, nên thương nó và thích có nó ở trong nhà’, tôi nói.
Rồi có cụ T là ‘học sinh trường Miền Nam’*, bộ đội phục viên, năm nay tròn 70 tuổi, trờ đến. Bốn người bọn tôi mới chém gió đủ thứ chuyện thời sự, kể cả chuyện đời thường, nhưng ấn tượng nhất là ‘chuyện Vi Ngượng’.
Tôi không rõ cụ nhắc đến Vi Ngượng là có ý gì! Và dưới đây là câu chuyện.
1
Cụ nói ‘nó’ có họ Vương, làm cụ nhớ tới Vương Thông, sang cướp nước ta, bị Lê Lợi đánh cho mấy trận ỉa… cứt trong quần, ‘tháng 12/1427, về đến kinh đô nhà Minh, Vương Thông bị triều thần luận vào tội chết, bị tống vào ngục và bị tịch thu hết gia sản (wikipedia); còn ‘nó’ có tên Nghị làm cụ nhớ tới Tôn Sĩ Nghị, sang cướp nước ta, mà rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 30/1/1789), Nghị (và Lê Chiêu Thống*) bị Nguyễn Huệ đánh cho không kịp đi…toilet mà chạy qua cầu phao Thăng Long, để cho nó biết thế nào là ‘Nam quốc anh hùng chi hữu chủ’. À, Vi Ngượng là Vương Nghị: thế là đã rõ ý cụ!
Rồi cụ nhắc đến Vi Tiểu Bảo… Cụ làm tôi nhớ đến tên họ Vi trong ‘Lộc Đỉnh Kỳ’ của Kim Dung này - tán gái rất giỏi và ăn nói khá dễ thương, phải chi mà cái gã Vi Ngượng này là cháu của Vi Tiểu Bảo thì hay biết mấy!, hay của Địch Long - có khuôn mặt hơi giống họ Vương, nhưng tính lại hiền lành, ước gì y được như họ Địch!
Nhưng, tiếc thay, y lại là họ Vương chứ không phải họ Địch, càng không phải họ Vi, nên ăn nói rất là ‘thô lỗ’, không biết nói triết lý, mà lại nói ‘lý sự chổi cùn’*, nên bị thế giới xì nẹt cho hàng loạt bài viết* có nội dung tương đương, như: ‘Ngoại trưởng TQ ‘thô lỗ’ khi nạt nộ nữ phóng viên Canada’ (New York Times), ‘Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop đã thể hiện thái độ tức giận trước người đồng cấp…’ (Reuters), ‘Ngoại trưởng Úc chỉ ra hành động tráo trở…’ (Reuters), thậm chí blogger Trần Gia Hồng Anh* bảo là ‘Hỗn láo là đặc tính cố hữu của khựa’ (!) …
*
Rồi cụ lấy cái Smart-phone ra và chỉ cho tôi xem…
Đó là câu hỏi của phóng viên dành cho Ngoại trưởng Canada, Amanda Connolly của tờ iPolitics:
-Có quá nhiều  nỗi lo lắng về thành tích nhân quyền của TQ. Thí dụ, việc giam giữ bất hợp pháp những người bán sách tại Hồng Kông. Vợ chồng Garratts nguời Canada bị buộc tội làm gián điệp mà không có bằng chứng. Chưa kể đến tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông, quân sự hoá vùng biển này. Đó là những quan ngại lớn. Tại sao Canada lại theo đuổi chính sách thân thiện với TQ? Với vai trò là Ngoại trưởng Canada, ông định làm gì để cải thiện tình trạng nhân quyền và an ninh trong vùng Đông Nam Á? Ông có đặc biệt đưa trường hợp giam giữ Garratts ra bàn thảo với Ngoại trưởng TQ hôm nay không?”.
Vi Ngượng liền kê cục gạch vào… mồm Ngoại trưởng Canada để cướp quyền trả lời:
-Tôi muốn trả lời câu hỏi này mà phóng viên vừa nêu lên mối quan tâm về TQ. Tôi nói thẳng rằng, câu hỏi của bà là kỳ thị chống lại TQ với thái độ kiêu ngạo mà tôi cũng không biết nó đến từ đâu. Câu hỏi này không thể chấp nhận. Bà có hiểu tý gì về TQ không? Bà đã tới TQ chưa? Bà có biết rằng TQ từ một quốc gia lạc hậu nhưng đã đưa 600 triệu người thoát cảnh đói nghèo. Bà có biết rằng giờ đây TQ là cường quốc kinh thế thứ hai thế giới với thu nhập bình quân 8000 Mỹ kim đầu người/năm. Nếu chúng tôi không bảo vệ nhân quyền, liệu TQ có thể đạt được thành tựu vĩ đại này không? Bà có biết rằng TQ viết rõ quyền con người vào trong Hiến pháp không? Tôi nói cho bà biết. Chỉ có người TQ, chính người TQ mới hiểu rõ thành tích nhân quyền của họ. Không phải bà. Bà không có quyền để nói về vấn đề này. Bởi vậy, làm ơn đừng nêu ra những câu hỏi vô trách nhiệm nữa. TQ nghe những ý kiến xây dựng, nhưng chúng tôi phủ nhận tất cả những cáo buộc không có cơ sở’, ông Vương hằn học nói.
Và dưới đây là một ít tư liệu:
Hãng tin The Canadian Press xác nhận một nữ phóng viên của trang tin iPolitics đã đưa ra câu hỏi này, nhưng không công bố danh tính. The Canadian Press, iPolitics cùng một số hãng tin khác thỏa thuận chia sẻ câu hỏi này và nội dung trả lời. Trong khi đó, cựu đại sứ Canada tại TQ cho rằng quan chức nước này luôn sẵn sàng hành xử cứng rắn thậm chí thô lỗ. ‘TQ phải học hỏi từ các nước khác rằng có những chuẩn mực nhất định về ứng xử khi làm việc với các quốc gia khác’, ông Tony Clement khẳng định. ‘Tôi nghĩ thật xúc phạm khi ông ta đặt chân lên đất Canada và hành xử một cách đầy thiếu tôn trọng với một phóng viên Canada, người đưa ra một câu hỏi hoàn toàn thỏa đáng’. ‘Nếu chúng ta đến Bắc Kinh, với tư cách các bộ trưởng hay nghị sĩ, chúng ta luôn được nhắc rằng có những khía cạnh văn hóa hoặc lịch sử của TQ mà chúng ta phải chú ý và tôn trọng. Thế nhưng ông ta lại tới đây và tỏ ra thiếu tôn trọng các giá trị của chúng ta. Điều đó là không thể chấp nhận’, ông Clement nhấn mạnh.
Sau vụ này (xem đường dẫn bên dưới), Ngoại trưởng và tân chính phủ của Thủ tướng Canada bị dư luận nói quá trời!
2
Vi Ngượng hỏi gặn: ‘Có đến TQ bao giờ chưa?’…
‘Tôi có đến rồi’, cụ T nói.
-Khoảng năm 2001, tôi có qua TQ, thấy: 1) Trông cây rừng rất tốt (phủ xanh đất trống đồi núi trọc), 2) Đường sá hầu như không có bóng người đi lại vào giờ hành chính (do họ đi làm, hay do quy hoạch cụm dân cư tốt!), 3) Nghe nói hối lộ/đưa ‘phong bì’ thì bị phạt gấp đôi… Nói chung là kể từ dạo ấy, xã hội của họ có kỷ cương có thể nói là… tốt.
Nhưng, từ khi hết nghe chuyện Biển Đông, chuyện Trường Sa-Hoàng Sa, chuyện ‘giàn khoan 981’, rồi chuyện thương lái Tàu…, tôi bắt đầu kiểm tra lại thực hư của cái được gọi là ‘xã hội giàu văn hiến’ của TQ, rồi đặc biệt là nghe Dương Khiết Trì (cũng vần ‘ương’!) hay Hồng Lỗi (cũng gần gần đó, vần ‘ông’) phát biểu trên ti-vi, đọc Hoàn Cầu thời báo (vần ‘oàn’, đáng lẽ là ‘Thời báo Hoàn Cầu’, cái gì cũng nói ngược, hi…), vụ ‘công ty Foọc-ma-ra (Formosa, vần ‘oọc’)… mà mấy cái vần ‘ương, ‘ông’, ‘oàn’ và ‘oọc’ này nghe rất ‘chói tai’, nói chung cái gì cũng dở dở ương ương như rùa, cũng uyền oàng như ếch, cũng làm phách như cha ông, kêu òng oọc như heo bị chọc tiết…, từ đó tôi bắt đầu cảm thấy không ‘thít’ TQ (!).
*
Vi Ngượng hỏi ‘Cô không có quyền phát biểu về vấn đề này (nhân quyền). Người dân TQ (mới) có quyền phát biểu’!!!!!
Cụ quất liền 5 cái dấu than một lúc!
Nghị bào chữa cho hai chữ ‘nhân quyền’ bằng cách nói rằng TQ xưa nay (từ 1949!) đã giảm nghèo được cho 600 triệu người TQ, cứ trừ hao đi, cho là 400 triệu đi, thì cũng là tốt rồi!; rằng nay có GDP bình quân trên đầu người là 8.000 usd/năm, cứ cho là 6.000 đi thì cũng là khá rồi! Nhưng có điều là y đã nhầm lớn:
-Có tiền và ‘nhân quyền’ là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, nói như y thì không lẽ ai có nhiều tiền thì người đó tôn trọng nhân quyền!!!!
Mà chắc gì dân nước y đã có nhiều ‘chiền’, ví dụ, xét về cái khoản GDP bình quân trên đầu người của TQ… vĩ đại thì chỉ bằng cái gót chân của chú Singapore bé hạt tiêu, tức là chỉ bằng 1/8, thậm chí là 1/10 so với Sin (61.567 USD/người*, số liệu 2015), thế thì thử hỏi:
-Theo ông Ngô Thừa Ân (tác giả ‘Tây du ký’) thì người Tàu phải tu… 1550 kiếp nữa thì mới có hy vọng đuổi kịp thượng đế Singapore về cái khoản này!
*
Nhưng cụ cằn nhằn nhất là câu ‘Đa số người dân TQ hiểu rõ vấn đề nhân quyền, chỉ có cô mới là người không hiểu’…
-Vậy theo ngu ý của y, chỉ có người TQ mới hiểu được vấn đề nhân quyền, chứ dân của các nước khác không hiểu!, tức là hơn 6 tỉ người dân trên thế giới chả hiểu gì sất!, kể cả dân… Việt Nam!, hèn chi mà nghe gã cứ nằng nặng đòi qua VN để ‘giáo dục dân ta’, ha..ha..ha…
Lưu ý rằng dân số thế giới nay gần 7,5 tỉ người, trong đó TQ là 1,35 tỉ*, còn dân số Ấn Độ là 1,3 tỉ - có thua gì ai đâu!, thế mà ngoại trưởng Ấn đâu có hiu hiu tự đắc như gã họ Vương!
Rồi cụ nhớ là dân Tàu có câu ‘Cao nhân tắc hữu cao nhân trị’, trời ơi, đến cả văn hóa Tàu mà Nghị cũng không hiểu nổi, thế mà y huyênh hoang thách đố những người khác là: ‘Cô có hiểu TQ không?’, chắc chỉ có một mình y mới hiểu!!!!!
Cụ lại quất luôn 5 cái dấu than một lúc!
Nhưng cụ không dám nói quá đáng rằng y mất học hay mất dạy, y làm đến chức Ngoại trưởng cơ mà, nên cụ cho rằng:
-Y có nhai lại vài kiến thức viễn vông ở trường… đảng, nhưng chỉ có chút xíu kiến thức đời thường về ‘Nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên’, thế thì y cũng không đủ tầm để hiểu!
*
Vẫn còn chưa tiêu với câu của Vi Ngượng: ‘Tôi nói cho bà biết. Chỉ có người TQ, chính người TQ mới hiểu rõ thành tích nhân quyền của họ’, kèm theo câu của GS Cao Huy Thuần:
-Người Hoa thuận lợi trong mối gắn bó của họ với đất mẹ vì họ cùng nhục cùng vinh với người cầm quyền trên đất ấy. Cái nhục mà họ đã nuốt là cái nhục mà Mao, mà Đặng đã cùng nuốt, cái nhục bị Tây phương xẻ thịt. Cái vinh mà họ hưởng là cái vinh mà Giang, mà Hồ đã mang lại cho họ, cái vinh của một nước bá vương’ (Dân tộc khộng có sông Ngân),
mà nghe nói là một nhà nghiên cứu Phật học lỗi lạc từ năm 1963!, ông Thuần đã bị một hai lúa là ‘Vinhle Huy’ bửa cho một cú ‘Giáng long thập bát chưởng’ tơi bời hoa lá, là:
-Những phát biểu của giáo sư (Thuần) cho thấy đó là những vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết của ông. Thuần nói trong cơn mê sảng của cảm hứng ngôn từ, bất cần biết điều mình nói có hợp lý hay không.
https://www.facebook.com/vinhhuy.le/posts/959601794136958
Đồng ý với ‘Vinhle Huy’, và đồng thời nghĩ về tên Nghị, cụ nói:
-Ông Thuần già rồi lẩm cẩm, nên ăn nói méo mó (!)

***
Trước khi chia tay…
Cụ có kể thêm một câu chuyện làm quà ‘bye bye’, đó là cụ đã có cơ may gặp một số người Tàu ở Singapore, mà cứ 10 người thì đến hết… 10 người phản ứng khi được hỏi là:
-Are you Chinesse? (Anh/chị có phải là người Tàu không?)
Họ liền từ chối và nói ‘No’ cả tràng dài như… trái đất:
-No, no, no…, I’m Singaporian.
Tức là: ‘Không, không, không…, tôi là người Singapore’.
Ha..ha..ha…

Đúng là cái tính cách gia trưởng lạc hậu thời trên cả phong kiến vẫn còn đó!
Đúng là cái bản chất ‘độc quyền về chân lý’ vẫn còn đó!
Đúng là phát biểu cái giọng ‘bố’ người ta vẫn còn đó!
Không những kết luận Vi Ngượng như trên, cụ còn liên hệ vòng vo Tam Quốc đến cái cầu ông Bố ở Sài Gòn giáp Bình Dương, và nói là:
-Y theo ‘chủ nghĩa Cầu Ông Bố’!
Rồi cụ biến mất.

(HẾT)
---------

Chú dẫn:
1-Dân số thế giới nay gần 7,5 tỉ người, trong đó TQ là 1,35 tỉ (chính xác hơn là 1.343.239.923, số liệu cuối năm 2014), nên nhớ là dân Ấn Độ là 1,3 tỉ. (haiphong.gov.vn)
2-Hỗn láo là đặc tính cố hữu của khựa, xem:
https://www.otofun.net/threads/hon-lao-la-dac-tinh-co-huu-cua-khua.1049198/
3-Lê Chiêu Thống (1765-1793): Tháng 7/1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi… Do áp lực của tôn thất nhà Lê đối với Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đành thu xếp cho Lê Duy Kỳ lên ngôi vua, đó là Lê Chiêu Thống…. Tháng 4/1788, Lê Chiêu Thống đã bỏ kinh đô đi lưu vong, …chạy sang Tàu, cầu viện hoàng đế nhà Thanh là Càn Long. Cuối năm 1788, Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 20 vạn quân Thanh (và 10 vạn dan binh, vị chi là 30 vạn) hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa ‘phù Lê’, vào chiếm đóng Thăng Long… (wikipedia). Sau khi Nguyễn Huệ tiến chiếm Thăng Long, Thống theo Nghị bỏ chạy sang Tàu, ở luôn bên đó và làm ma Tàu.
4-‘Lý sự chổi cùn’, xem:
http://nhagomlabang.blogspot.com/2016/06/829-chu-nghia-banh-ba-thu-gian-cuoi-tuan.html
5-Ngoại trưởng TQ nổi nóng - Chính phủ Canada lãnh đủ’ (Trần Gia Hồng Ân), xem:
http://bongbvt.blogspot.com/2016/06/ngoai-truong-trung-quoc-noi-nong-chinh.html
6-Ngoại trưởng TQ ‘thô lỗ’ khi nạt nộ nữ phóng viên Canada, xem:
https://cyberworldmiscellaneousland.wordpress.com/2016/06/03/ngoai-truong-trung-quoc-tho-lo/
7-Ngoại trưởng Úc chỉ ra hành động 'tráo trở' của TQ ngay tại Bắc Kinh: Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop đã thể hiện thái độ tức giận trước người đồng cấp Vương Nghị vì hành động quân sự hóa biển Đông của TQ trong thời gian gần đây. Xem:
http://alobacsi.com/thoi-su/ngoai-truong-uc-chi-ra-hanh-dong-trao-tro-cua-trung-quoc-ngay-tai-bac-kinh-a20160220103836912c160.htm
8-Singapore có dân số khoảng 5 triệu người - bằng 1/18 của VN, và diện tích là 718 km
2 - bằng 1/21 của VN, nhưng lại có GDP gấp đôi VN!; hơn nữa, họ lại có GDP bình quân trên đầu người trên năm gấp 8-10 lần một người TQ.
9-Trường học sinh Miền Nam: là một trường ở Hải Phòng trước 1975, dành cho con em cán bộ tập kết ra Bắc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu là gương thì gương sẽ bẩu: Gương mờ đừng soi thưa đ/c Ruồi!


Các "Tấm gương"
*
“Giám đốc sở XD Hải Phòng cất nhắc con trai sai qui định" (do thiếu Bằng LL trung cấp ctrij; ko thông qua đởn ủy) ! nhiều báo giật tít quá !
Cái mảnh bằng “Trung cấp lý luận ctrij” ý thì nghĩa lý gì ? Các Trường chính trị từ tỉnh đến huyện mọc lên như nấm; các thầy giáo thì đang “mất dạy” (ít học viên; tính ứng dụng Bằng thấp). Mảnh bằng này đáng mấy cò ?
“Việc cất nhắc kia không thông qua đảng ủy” ! Đồ báo chí lá cải !
Đến các Phó GĐ cũng ko dám cưỡng lại nếu Nó họp thông qua nhá ! Là GĐ, phân công việc là nó; cưỡng lại GĐ, nó phân công phó GĐ sở mà chỉ phụ trách chuyên môn 1 mảng của 1 phòng nghiệp vụ thôi, ko bằng thằng trưởng phòng thì lấy bổng + lộc ở đâu ra; lắc đầu ko đồng ý con trai Nó để thất nghiệp à ?!
đởn ủy là cái gì ?! Nó-GĐ sở phớt bước này là phù hợp thực tế, nhá !
Xưa, đã TRỨNG kiến việc: Sắp kỳ đại hội, GĐ 1 sở còn lôi 1 Ngài đang làm ở 1 trường về sở; ko cần thi tuyển với đào tạo, bổ nhiệm thẳng làm Phó chánh thanh tra sở; như vậy, chưa là công chức, chưa là Thanh tra viên đã làm …lãnh đạo thanh tra !
...Nó (GĐ) làm ào đi, lá phiếu của Thường vụ là chồng của NGÀI kia, sẽ "ủng hộ" Nó !
với vài chiêu nữa, quả thật sau kỳ đại hội, GĐ sở nọ đắc cử "Quan phụ mẫu" !
Thật là, Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ, còn thì mặc kệ...
Tộc Việt sẽ còn bay cao bay xa, bởi các “Tấm gương” kia đang ôm vô lăng cầm lái trên bầu trời dân Việt !
(NLĐO)- Ông Đỗ Trọng Đạt, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, đã ký quyết định bổ nhiệm con trai làm phó 1 phòng trong Sở do mình lãnh đạo sai quy định, quy trình.
NLD.COM.VN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cũng là "mềm nắn, rắn buông" thui mờ!

Trung Quốc bất ngờ nhượng bộ Philippines 
ở bãi cạn Scarborough 
11:06 AM - 06/06/2016
.
 Một nhóm nghị sĩ Philippines cắm cờ ở bãi cạn Scarborough năm 2012, trước khi bãi cạn này bị Trung Quốc chiếmAFP 

Trung Quốc vừa cho ngư dân Philippines đánh bắt ở gần bãi cạn Scarborough, động thái được cho là muốn lấy lòng Tổng thống tân cử của Philippines, theo South China Morning Post ngày 6.6. 


Tàu cá của Philippines đã quay trở lại bãi cạn Scarborough từ hơn 3 tuần qua mà không bị tàu hải cảnh Trung Quốc gây khó dễ, South China Morning Post dẫn các nguồn tin từ một cố vấn quân sự Philippines và từ hải quân Trung Quốc. 

Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển Philippines khoảng 230 km, Trung Quốc chiếm bãi cạn này từ tay Philippines hồi năm 2012. 

“Một dấu hiệu tích cực (việc Trung Quốc để ngư dân Philippines vào đánh bắt) đang diễn ra”, Giáo sư Rommel Banlaoi, giám đốc Trung tâm tình báo và nghiên cứu an ninh quốc gia, một tổ chức phi chính phủ của Philippines, phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La vừa kết thúc hôm 5.6. 

Ông Banlaoi cho biết Bắc Kinh tỏ ra nhượng bộ không phải vì cảm thấy yếu thế trong việc ngăn cấm tàu tuần tra và ngư dân nước khác hoạt động trong vùng Biển Đông mà vì muốn lấy lòng Tổng thống tân cử Rodrigo Duterte của Philippines. “Tổng thống tân cử cũng đã gặp Đại sứ Trung Quốc ở Manila”, giáo sư Banlaoi nói.

Ông Banlaoi còn cho biết Hải quân Philippines đã đưa tàu đến bãi Cỏ Mây và không bị tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản. Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc lâu nay gia tăng tuần tra ở Biển Đông, ngăn cản tàu cảnh sát biển của nước khác hoạt động và không cho ngư dân nước khác đánh bắt cá. 

.

Quân đội Philippines tại một tiền đồn là chiếc tàu há mồm rỉ sét ở bãi Cỏ Mây, 
trên Biển Đông Reuters

Một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang muốn “xuống giọng, tử tế” với Manila trong khi chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (trụ sở ở The Hague, Hà Lan) đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. 

Trong khi đó, Andrei Chang, người sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence có cái nhìn khác, cho biết Trung Quốc trở nên thận trọng hơn đối với Scarborough kể từ khi Lầu Năm Góc cảnh cáo sẽ "hành động" nếu Bắc Kinh tiếp tục cải tạo và lấn chiếm thêm khu vực Scarborough. 

"Scarborough có vị thế đặc biệt so với những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa vì nó rất gần với các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines", ông Chang nói. Hồi đầu năm 2016, Manila tuyên bố mở cửa ít nhất 8 căn cứ quân sự cho Mỹ thuê, trong đó có 2 căn cứ không quân ở Pampanga, cách Scarborough 330 km. 
Minh Quang
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư ngỏ gửi người VN & các bạn Mỹ của bà Tôn Nữ Thị Ninh



Bản thân tôi sẵn sàng gặp lại Bob Kerrey để trao đổi về những việc góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt, bà Tôn Nữ Thị Ninh viết thư ngỏ đề ngày 6/6.

VietNamNet giới thiệu bức thư ngỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh với tựa đề: "Thư ngỏ gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ".


Tôn Nữ Thị Ninh

TPHCM, 6/6/2016


Thư ngỏ gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ


1. Ngày 1 tháng 6, tôi đã bày tỏ cô đọng quan điểm về việc ông Bob Kerrey (BK) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tín Thác (Board of Trustees - BOT) Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Nay tôi xin gửi thư ngỏ đến người Việt Nam và các bạn Mỹ quan tâm đến vấn đề này với mong muốn diễn giải rõ hơn, đầy đủ hơn quan điểm của tôi.


2. Trước hết, tôi xin nêu một số thông tin để làm rõ hơn về nguồn tài chính và vai trò Hội đồng Tín Thác của một đại học kiểu Mỹ như FUV:


2.1. 20 triệu USD vốn ban đầu cho việc xây dựng FUV được nhắc đến như đóng góp mới của chính phủ Mỹ. Thực tế là: đó là khoản 20 triệu USD còn lại từ chương trình VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam - đã được thực hiện từ năm 2000, trích 5 triệu USD/năm trên tổng số 100 triệu USD cho chương trình học bổng) là món tiền chính quyền Sài Gòn nợ chính quyền Hoa Kỳ trước 1975, mà nhà nước CHXHCN Việt Nam thống nhất nhận trả phía Mỹ theo thông lệ quốc tế. Nói cách khác, thực chất đây là việc chuyển một món tiền có sẵn – từ mục đích cấp học bổng hàng năm sang mục đích tài trợ ban đầu cho FUV – chứ không phải do BK mới gây quỹ đặc biệt cho FUV.


2.2. Đối với một đại học kiểu Mỹ như FUV, vai trò của một Hội đồng Tín Thác và người đứng đầu Hội đồng không đơn giản bó hẹp trong nhiệm vụ gây quỹ mà là quyết định định hướng chiến lược của trường, và đề ra chủ trương với hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến những bên có lợi ích khác nhau trong xã hội. Chính Hội đồng lựa chọn và bổ nhiệm Hiệu trưởng. Điều này để phủ định ý kiến cho rằng đây là vị trí với vai trò hạn hẹp, hàm ý không đáng để dư luận quan tâm, tranh cãi.


3. Tôi không đồng tình với ý kiến muốn trấn áp sự phản đối việc bổ nhiệm ông BK đứng đầu BOT/FUV bằng cách gắn việc này với chuyến thăm của Tổng thống Obama. Tôi không tin Tổng thống Obama sẽ đồng ý việc kết hợp này nếu biết trước việc bổ nhiệm BK sẽ gây tranh cãi, mở lại quá khứ đau buồn, đi ngược với định hướng chủ đạo của chuyến thăm là đồng thuận hướng về tương lai.


4. Tôi cũng không tán thành kiểu khép những người phản đối việc bổ nhiệm BK là bảo thủ không hướng về tương lai, “không ủng hộ hòa giải”. Ví dụ như, tôi theo quan điểm phản đối nhưng bạn bè Mỹ của tôi không hề kết luận là tôi không hướng về tương lai, “không ủng hộ hòa giải”. Ủng hộ hòa giải, hướng về tương lai không phải là độc quyền của những ai ủng hộ BK làm Chủ tịch BOT/FUV. Nếu BK không có quá khứ nặng nề đối với nhân dân Việt Nam, thì chắc không ai bình luận gì. Nếu người được bổ nhiệm là cựu chiến binh như cựu Hạ nghị sĩ, Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson hoặc là chính ông Thomas Vallely, cũng là cựu chiến binh, là người có công lớn nhất trong việc thành lập FUV thì không ai sẽ có ý kiến gì.


5. Tôi không hiểu tại sao nhất thiết phải bổ nhiệm BK vào vị trí quan trọng của FUV trong giai đoạn mở đầu mang ý nghĩa biểu tượng cao? Những người Mỹ đã bày tỏ quan điểm với tôi (trong đó có cựu chiến binh) hoặc công khai trên báo chí và các mạng xã hội đều không tán thành, thậm chí phê phán thẳng thừng. 


Chẳng hạn như PGS. Jonathan London được BBC trích dẫn ngày 2/6: “…đó là một quyết định phải nói là vô trách nhiệm. Muốn thành lập một đại học mới ở Việt Nam thì ít nhất phải nhạy cảm với lịch sử của hai nước. Tôi nghĩ đây là một sai lầm hết sức buồn.” Hay là TS. Mark Ashwill, chuyên gia giáo dục, sống và làm việc lâu năm tại Việt Nam, trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 3/6, nhận xét đây là “một nỗi hổ thẹn (disgrace)”. BK nên “từ chức ngay lập tức. 


Chắc chắn Fulbright có thể tìm được lãnh đạo tốt hơn những người như BK, một biểu tượng của quá khứ đen tối”. Lẽ nào người Việt Nam chúng ta tỏ ra bình thản hơn cả người Mỹ đối với một biểu tượng của quá khứ đen tối?


6. Trước một số không nhỏ công dân mạng kêu gọi “hãy rộng lượng, bao dung, tha thứ, hãy hướng về tương lai, vì tương lai của Việt Nam…”, tôi muốn nói rõ như sau:


6.1. Việc tha thứ hay không tha thứ cho vai trò của BK trong vụ thảm sát ở thôn Thạnh Phong là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, có thể tha thứ nhưng đồng thời không tán thành việc BK giữ vị trí lãnh đạo một trường ĐH tại Việt Nam (việc ông lãnh đạo một ĐH của Mỹ bên Mỹ là chuyện khác).


6.2. Tôi cũng khẳng định chúng tôi phản đối không phải vì chỉ xuất phát từ cảm xúc, cảm tính, không phải vì thiếu “lý trí tỉnh táo và sáng suốt”. Ngược lại, vì tỉnh táo và sáng suốt mong muốn cho đại học Fulbright có một khởi điểm lành mạnh, đồng thuận, suôn sẻ và một con đường phát triển bền vững, chúng tôi mới lên tiếng. Lẽ ra những người quyết định mời BK đảm nhiệm vị trí lãnh đạo FUV nên “tiến lên phía trước ở Việt Nam nhưng ghi nhớ những bài học của Việt Nam” trong đó bài học thứ ba là “biết từ tốn khi nghĩ rằng đã hiểu biết văn hóa nước khác” (Bài xã luận trên New York Times ngày 23 tháng 6, 2016).


7. Chúng ta đang chứng kiến một dạng kêu gọi nhau thi đua bày tỏ “vị tha, cao thượng”. Nhân dân Việt Nam không còn phải chứng tỏ, chứng minh một lần nữa tính nhân văn của mình trong quan hệ với kẻ thù trước đây mà dư luận quốc tế, đặc biệt bản thân các cựu chiến binh Hoa Kỳ, đã công nhận từ lâu. 


Tôi ngạc nhiên về những tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm của BK với “những lời thốt ra từ gan ruột”, ca ngợi ông “rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay”! Trong khi đó, tôi nhớ đến lời của một người ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi đang trưng bày chứng tích về vụ thảm sát ở Thạnh Phong, thương xót cho các nạn nhân chưa hề được người có tội trở về thắp cho họ một nén hương.  Người đó không thể tưởng tượng cảnh hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam Đại học Fulbright sẽ gọi ông BK một cách tôn kính là “Thầy” theo phong tục Á Đông và đặc biệt ở Việt Nam. Và tôi lại nghĩ, đến một ngày nào đó, ảnh của ông BK sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường!


8. Tôi nghĩ đến nay đã có thể kết luận là việc chọn ông BK làm Chủ tịch Hội đồng Tín Thác Đại học Fulbright Việt Nam đã thành một vấn đề gây tranh cãi thay vì tạo nên sự đồng thuận cần thiết cho dự án quan trọng này cất cánh thuận buồm xuôi gió.


Hiện giờ quả bóng đang nằm về phía nhóm sáng lập Đại học Fulbright. Vì đây là một dự án giáo dục với ý nghĩa và hệ lụy sâu rộng, tôi hi vọng nhóm sẽ nghĩ lại và cùng ông BK đưa ra giải pháp ổn thỏa: chọn một người khác đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Hội đồng Tín Thác FUV.


Bản thân tôi sẵn sàng gặp lại Bob Kerrey, người cựu chiến binh Mỹ, để trao đổi về những việc góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt vì lợi ích nhân dân hai nước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang