Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Cựu Đại sứ Việt Nam: Không có Mỹ, khó kiềm chế được Trung Quốc ở Biển Đông


 “Chừng nào còn kiềm chế được Trung Quốc thì Biển Đông vẫn còn an toàn. Vấn đề Biển Đông là vấn đề quốc tế, vấn đề cân bằng lực lượng và vấn đề giữ nguyên trạng. Để làm được cái đó, nếu không có Mỹ, không làm được” - Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng nói.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng
                                           Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng

Bỏ cấm vận vũ khí và thực hiện TPP

Ông hy vọng gì ở chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama?

- Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, theo tôi, Tổng thống Barack Obama nên làm 2 việc quan trọng nhất. Thứ nhất, ông cần tuyên bố bỏ cấm vận buôn bán vũ khí với Việt Nam. Thứ hai, ông phải tuyên bố dứt khoát là hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công TPP. Nếu làm được hai việc đó thì coi như chuyến đi thành công.

Theo ông thì việc giải quyết cả hai việc này cùng lúc, như ông nói, có còn khó khăn gì nữa không?

- Đây là những vấn đề còn có những khó khăn nhất định. Ví dụ, việc bỏ cấm vận buôn bán vũ khí chẳng hạn. Người Mỹ nói: “Các ông phải làm cái gì đó để cải thiện nhân quyền chúng tôi mới có lý do để bỏ cấm vận vũ khí được chứ”. Nói như vậy để thấy quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đấy nhưng vẫn còn có những vấn đề cần phải tính toán riêng.

Việc bỏ cấm vận vũ khí có tầm cỡ sức nặng của nó. Nó có tính răn đe. Báo chí Trung Quốc gần đây bày tỏ rằng Trung Quốc đang rất lo ngại nếu Việt Nam mua máy bay của châu Âu, như của Pháp, của Thụy Điển, những loại mà Trung Quốc không có. Đó là tính răn đe. “Anh” có định làm gì với “tôi” thì “anh” cũng phải nâng lên đặt xuống còn chán.

Nhiều người lo ngại rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, nếu bà Clinton, ông Donald Trump, hay một nhân vật nào đó lên cầm quyền thì chính sách mới của họ có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Việt Nam. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

-Theo dõi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhiều năm nay, tôi thấy đây là vấn đề chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - TBD. Đã là chiến lược thì ai lên cầm quyền cũng vậy thôi, không thay đổi. Chẳng thế mà ông John Kerry thuộc Đảng Dân chủ, ông John McCain thuộc Đảng Cộng hòa, nhưng vẫn cùng nhau bảo vệ chính sách chuyển trục sang châu Á - TBD đấy thôi.

Chúng ta cũng thấy, với vấn đề Việt Nam thì cho dù các Tổng thống trước đây như ông Bush, ông Clinton, hiện tại là ông Obama, hay sau này hoặc là bà Hillary Clinton hoặc là ông Donald Trump, thì chắc chắn chính sách của Mỹ ở châu Á - TBD vẫn như thế. Vì Trung Quốc vẫn hiện diện ở đó, vẫn thách thức quyền lợi của Mỹ. Ông này hay ông kia lên, cho dù giọng điệu có thể thay đổi một chút, hành động có thể ôn hòa hay dữ dội hơn một chút, nhưng về cơ bản, chiến lược của họ là không thay đổi.

Trong cuộc bầu cử sắp tới nếu bà Clinton lên, tôi nghĩ bà ấy hiểu Việt Nam quá rồi và ấy cũng có cảm tình với chúng ta. Chúng ta rất nhớ là năm 2010 tại Hà Nội, bà ấy tuyên bố về vấn đề Biển Đông và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Còn đối với ông Donald Trump thì có thể cũng có những vấn đề khó khăn hơn đôi chút. Chẳng hạn, hiện nay ông ấy được nhiều phiếu của tầng lớp da trắng mà đang bị nghèo khó đi, bị mất việc. Vì vậy người ta lại đang nói chính ông Trump này lại đang đại diện cho trường phái nghèo khó Mỹ, còn bà Clinton lại đang đại diện cho tầng lớp giàu có của Mỹ. Vì các tỷ phú, các công ty đa quốc gia đa phần ủng hộ bà Clinton. Vì vậy, nếu ông Trump lên cầm quyền sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề phát triển kinh tế. Ví dụ như TPP sẽ có ảnh hưởng.

Biển Đông chỉ yên khi kiềm chế được Trung Quốc

Xin được chuyển cuộc trò chuyện sang vấn đề căng thẳng ở Biển Đông. Thưa ông, ông nhìn nhận vấn đề biển đông hiện nay như thế nào?

- Từ năm 2010 đến nay tình hình Biển Đông trở nên cực kỳ căng thẳng. Bởi vì so sánh lực lượng của Việt Nam, Philippines, kể cả Mỹ ở khu vực Biển Đông là thua kém Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc mới có thể “xưng hùng, xưng bá” được. Để ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Quốc thì “phương trình” ít nhất  cũng phải cân bằng lực lượng. Tức là Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phải hợp tác với Việt Nam, Philippines và các nước khác trong khu vực đủ lực lượng để đối trọng lại với Trung Quốc thì vấn đề Biển Đông mới yên được.

Còn một khi cán cân lực lượng vẫn lệch về phía Trung Quốc thì căng thẳng sẽ vẫn xảy ra.

Thế thì bây giờ chiến lược của chúng ta phải như thế nào? Chúng ta phải tập hợp lực lượng. Tôi nghĩ rằng từ năm ngoái đến năm nay sự tập hợp đó là tương đối tốt. Ví dụ như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Mỹ tuần tra ở Biển Đông, rồi thì họ lên tiếng và kiên quyết giữ quan điểm về tự do đi lại cả dưới nước và trên không. Tóm lại, chừng nào còn kiềm chế được Trung Quốc, vô hiệu hóa được mưu đồ của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông thì Biển Đông vẫn còn an toàn. Vấn đề Biển Đông là vấn đề quốc tế, vấn đề cân bằng lực lượng và vấn đề giữ nguyên trạng. Để làm được cái đó, nếu không có Mỹ, không làm được.

Thưa ông, hiện nay Trung Quốc đang tập trung vào bãi cạn Scarborough. Nếu Trung Quốc đổ đất xây đảo nhân tạo ở đấy thành công thì sẽ cực kỳ căng thẳng và chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra khủng hoảng ở khu vực Biển Đông. Việc làm này có ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam chúng ta?

- Việc Trung Quốc có dám tiếp tục liều lĩnh lấn biển, xây đảo ở bãi cạn Scarborough nữa hay không thì còn phải chờ quan sát. Điều cần nhấn mạnh là Philippines là đồng minh quân sự của Mỹ, đồng thời đang tăng cường quan hệ quân sự chặt chẽ với Nhật Bản hơn bao giờ hết, nên họ sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn điều đó xảy ra. Chúng ta nên phối hợp, chia sẻ gánh nặng này với Philippines.
Hiện nay Mỹ và Philippines đang cố giữ sự cân bằng lực lượng. Vì vậy, bên ngoài Mỹ cũng làm căng, hàng tuần đòi ra khu vực bãi cạn Scarborough vài ba lần. Bên trong Mỹ cũng đối thoại, dùng sức ép để Trung Quốc không thực hiện điều đó. Vì bãi đó cách căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines khoảng 200km. Nếu không giữ được thì chiến lược của Mỹ ở Biển Đông sẽ bị phá vỡ.

Về phía Việt Nam, theo ông, phải làm gì để duy trì ổn định, hòa bình ở Biển Đông?

- Tôi nghĩ rằng các đồng chí lãnh đạo của ta biết rõ và đã cân nhắc kỹ lưỡng, biết phải làm gì và hành động đến mức độ như thế nào thì Trung Quốc họ dừng. Còn nếu mà mình cực đoan, hành động quá mức cần thiết thì rất nguy hiểm, tạo ra cái cớ để Trung Quốc họ hành động liều lĩnh hơn.

Có những tính toán ngoại giao không thể nói hết ra được. Người ngoài không nhìn thấy được nên cứ tưởng lãnh đạo Việt Nam không làm gì. Khi tôi còn làm việc thì cũng báo cáo Bộ Chính trị nghe mãi rồi, về quan hệ với Mỹ, rồi với Trung Quốc, “nâng lên đặt xuống” mãi rồi. Các mối quan hệ này cho đến nay cũng không thể đi với bên này chống lại bên kia. Nó vẫn phải từng bước, từng cấp bậc và vẫn phải nhìn vào mục tiêu của chúng ta là hòa bình để phát triển kinh tế và giữ vững an ninh đất nước.

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014

Nhưng theo ông liệu chúng ta có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như cách mà Philippines đã làm không?

- Bây giờ thì các cơ quan có thẩm quyền của chúng ta đang tính. Nếu Trung Quốc làm căng, ta sẽ đưa ra kiện. Mà kiện cũng tốt. Làm cho Trung Quốc đau đầu chứ. Nếu Philippines mà không kiện thì làm gì có chuyện Vương Nghị phải chạy vạy đến Brunei, Lào, Campuchia để vận động, rồi lại quay về Nga nhờ vả “ông” Nga phát biểu ủng hộ cho một câu.

Mấy hôm trước tôi có nói chuyện với Đại sứ Mỹ, ông ấy bảo: “Chúng tôi sẽ cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế về ngoại giao trong vấn đề Biển Đông”.

Qua đây tôi muốn nhấn mạnh một điều, rằng mọi động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đang biến khu vực này thành “đấu trường” trong cạnh tranh quân sự và chiến lược với các cường quốc lớn, mà điển hình là Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải hiểu rằng chiến lược độc chiếm Biển Đông sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả như mong đợi.

Bởi lẽ, Biển Đông không phải là “ao nhà” của Bắc Kinh, khiến chính quyền này ngang nhiên đưa ra những chính sách phi lý hay triển khai những động thái quân sự đầy vẻ hung hăng, khiêu khích. Hơn nữa, quyền lực kinh tế hay quân sự không thể giải quyết được tranh chấp chủ quyền, mà mọi giải pháp đều phải dựa trên tinh thần đàm phán, thương lượng hòa bình và không bên liên quan nào được quyền ngoan cố.

Xin cám ơn ông! 

Hải Văn - Lê Thọ Bình 

(VietTimes)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ bảo kê, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu


Thế Kha

Dân Trí - “Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.

Nhận định trên được Bộ Tư pháp đưa ra trong văn bản số 101/BC-BTP Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Bộ Tư pháp, đây là những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học-Công nghệ) và hiện đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại những điểm nóng trong dư luận xã hội.

Bắt hàng chục cán bộ tiếp tay cho buôn lậu

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ Tư pháp cho rằng công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, toàn diện, chủ động giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực với các cơ quan có thẩm quyền chung.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin, hiệp đồng đấu tranh giữa các địa phương, các lực lượng chức năng chưa tạo thành hệ thống đồng bộ, chưa có tính đột phá trên diện rộng, do vậy việc triển khai các kế hoạch đấu tranh vẫn còn mang tính đơn lẻ, cục bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Trong khi hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, chồng chéo, bộc lộ nhiều bất cập.

Tổng hợp báo cáo của các bộ ngành, địa phương cho thấy, tính đến ngày 15/11/2015 các bộ ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 187.000 vụ việc vi phạm (tăng gần 6,5% so với cùng kỳ năm 2014), số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, truy thu thuế ước đạt trên 11.535 tỷ đồng; khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng.

Điển hình, lực lượng Bộ đội biên phòng bắt giữ 160 bánh heroin tại Sơn La, bắt gần 2.900 lít tinh dầu cần sa và 3,5 tấn tiền chất ma túy tại Hà Tĩnh; bắt giữ 30kg tiền chất ma túy và 36 tấn thuốc lá tại Lào Cai; bắt giữ 30kg thuốc nổ và 100 kíp nổ tại Quảng Ninh; bắt giữ 45 khẩu súng săn tại TPHCM; bắt giữ 1.000 tấn dầu FO tại Bà Rịa Vũng Tàu...

Lực lượng cảnh sát biển bắt giữ, xử lý hành vi vận chuyển và mua bán trái phép gần 3.900 tấn than và buôn lậu 82.500 bao thuốc lá điếu tại Quảng Ninh; vận chuyển trái phép trên 703.000 lít dầu DO trên vùng biển Sóc Trăng...

Lực lượng thuế đã tổ chức, thanh tra 60.070 doanh nghiệp; tổng số thuế thu qua thanh tra, kiểm tra gần 9.200 tỷ đồng. Điển hình, Thanh tra Tổng cục Thuế đã tiến hành thanh tra tại Công ty TNHH Metro & Carry Việt Nam; kết quả đã điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu số tiền 507 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức, người có thẩm quyền có nhận thức yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý; tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành hàng có lợi nhuận lớn.

Dẫn chứng cụ thể nhất là việc Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lê Dũng - nguyên Giám đốc Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn và đồng phạm về tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Trong số 43 bị can bị đề nghị truy tố có 31 cán bộ hải quan của TPHCM và An Giang bị khởi tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm...

Ngoài ra, tháng 1/2016, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 bị can về tội “Buôn lậu”, trong đó có Lê Nguyễn Thị Ái Trâm (SN 1978, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người có nhiệm vụ kiểm hóa hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch. Trâm đã ký không trên tờ khai hải quan cho 13 kiện hàng, thực hiện trót lọt phi vụ nhập lậu 844 chiếc máy tính bảng và điện thoại di động các loại (trong đó có 714 chiếc iPhone) với tổng giá trị trên 9 tỷ đồng từ Hong Kong về Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất vào tháng 1/2015.

Trước đó, tháng 6/2015, Công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Toanh (đội trưởng), Hoàn Văn Trọng (tổ trưởng) thuộc Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng về hành vi “Nhận hối lộ”. Khoảng tháng 10/2014, hai cán bộ này đã phát hiện Công ty TNHH Quang Minh (trụ sở tại xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng) sản xuất giày dép giả các thương hiệu lớn để bán ra thị trường. Ông Toanh và ông Trọng đã không lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà đã nhận hàng trăm triệu đồng của chủ doanh nghiệp để bỏ qua hành vi sản xuất hàng giả...

“Sự phối hợp giữa các lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ Trung Quốc đến cơ sở chưa tốt, chưa gắn kết thường xuyên, kịp thời trong trao đổi, chia sẻ thông tin. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và nhân dân (đặc biệt cư dân vùng biên giới) chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”- Bộ Tư pháp khẳng định.

Louis Vuitton, Gucci, Dolce&Gabbana, Chanel bị làm giả nhiều

Bộ Tư pháp nhận định, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm có dấu hiệu ngày càng phức tạp, có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng ở cả các cửa khẩu và nội địa; tổ chức hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trong và ngoài nước.

Ngoài các thủ đoạn thông thường như chia nhỏ, xé lẻ, lợi dụng cơ chế chính sách như chính sách mặt hàng, ưu đãi đầu tư, ưu đãi khu kinh tế cửa khẩu, dùng hóa đơn nhà nước phát hành quay vòng, hợp thức hóa việc nộp thuế để vận chuyển hàng lậu, có nơi các đối tượng buôn lậu lợi dụng thương bệnh binh để bảo vệ và vận chuyển hàng nhập lậu.

Những vụ việc bắt giữ đa số là người vận chuyển thuê, nghèo, không có tài sản nên trong xử lý không có điều kiện đảm bảo thi hành, vì vậy không có sức răn đe, phòng ngừa. Những vụ việc bắt giữ hàng hóa số lượng lớn thì đối tượng bỏ trốn, khó thu thập chứng cứ, không đảm bảo lực lượng truy xét dẫn đến hạn chế bắt xử lý những đối tượng đầu nậu.

Hoạt động gian lận thương mại, hàng giả trong thị trường rất đa dạng, mặt hàng, mẫu mã, chỉ có nhà sản xuất hoặc qua kiểm nghiệm mới phát hiện được. Trong khi đó, quy định pháp luật về công tác kiểm tra, xử lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường còn chồng chéo, không rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, thị trường hàng giả đã nội địa hóa bằng phương thức nhập linh kiện bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn, mác mới thành sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.

Lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã xuất hiện những đối tượng đặt hàng từ Trung Quốc làm giả hàng trong nước sản xuất để kinh doanh. Ví dụ bóng đèn, phích nước sản xuất tại Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông Việt Nam.

“Hiện nay, hàng giả không chỉ sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch. Đặc biệt là các loại hàng hóa nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo thời trang Louis Vuitton, Gucci, Dolce&Gabbana...; mỹ phẩm, nước hoa BVL, Chanel...” - báo cáo nêu rõ.
***

Mặc dù được xác định là lĩnh vực nóng, cần tạo sự chuyển biến trong quá trình thực hiện pháp luật nhưng Bộ Tư pháp cho rằng, việc xây dựng và triển khai kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương còn chậm, cá biệt có địa phương không tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực này, gồm: Gia Lai, Hà Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình.

Quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực nêu trên tại một số địa phương bộc lộ sự lúng túng, hình thức theo dõi còn đơn điệu, chủ yếu dựa trên báo cáo của các cơ quan nhà nước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thỏa hiệp: Bài học của Myanmar dành cho Thái Lan

thailand-politics

Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “A Role Reversal for Myanmar and Thailand”, Project Syndicate, 02/05/2016.
Biên dịch: Hoàng Thu Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Hiếm có những quốc gia láng giềng nào nhanh chóng thay đổi định hướng chính trị theo chiều hướng trái ngược nhau như tại Thái Lan và Myanmar trong những năm gần đây. Sau hơn nửa thế kỷ nằm dưới chính quyền độc tài quân sự, Myanmar đã khôi phục lại chế độ dân chủ, và hiện có một chính phủ dân sự được dẫn dắt bởi cựu tù nhân chính trị Aung San Suu Kyi và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà. Trái lại, trong thập niên vừa qua, Thái Lan đã hai lần chuyển hướng từ chế độ dân chủ sang chế độ độc tài quân sự do các cuộc đảo chính xảy ra vào năm 2006 và năm 2014. Điều gì đã khiến cho hai quốc gia này đảo ngược định hướng chính trị của mình?
Myanmar bắt đầu chuyển hướng sang chế độ dân chủ vào năm 2003 khi chế độ độc tài quân sự đưa ra một lộ trình bảy bước. Ban đầu, người ta nhạo báng rằng kế hoạch này lại là một lời hứa sáo rỗng từ chính quyền quân sự hung bạo của nước này. Và thực sự là các tướng lĩnh đã tống giam những người bất đồng chính kiến, bắn súng vào những vị sư biểu tình và quản thúc tại gia bà Suu Kyi cùng các lãnh đạo khác của đảng NLD trong sáu năm sau đó.
Tuy nhiên, rõ ràng là các nhà cầm quyền đã đọc được các thông điệp. Họ không thể tiếp tục duy trì quyền lực của mình thông qua bạo lực và sự đàn áp vì nếu làm như vậy chính phủ sẽ sụp đổ do sức ép từ sự trừng phạt và cô lập của quốc tế. Điều họ không lường được chính là tốc độ phát triển của sự tự do hoá chính trị và kinh tế. Ngay khi những cải cách kinh tế và chính trị thực sự được thực hiện vào năm 2011, quân đội Mayanmar sẽ phải trả một cái giá cao quá mức tưởng tượng nếu đảo chiều những nỗ lực này.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đảng NLD đã giành thắng lợi áp đảo. Bà Suu Kyi không được nắm chức tổng thống do có thành viên gia đình mang quốc tịch nước ngoài, nhưng bà vẫn giữ vai trò là “cố vấn quốc gia” (state counselor)  để giám sát các vấn đề của chính phủ. Tổng thống Htin Kyaw là cố vấn thân thiết của bà Suu Kyi.
Quân đội vẫn giữ 25% số ghế trong cơ quan lập pháp theo sự đảm bảo của hiến pháp (trong khi để thay đổi hiến pháp cần đạt đa số 75% chấp thuận) và nắm quyền kiểm soát bộ nội vụ, bộ quốc phòng và bộ biên phòng. Tuy vậy, cho đến nay, các tướng lĩnh trong quân đội vẫn giữ lời hứa và cho phép bà Suy Kyi cùng đảng NLD tự do hành động.
Trọng trách đặt lên bà Suu Kyi hiện nay là thực hiện những công việc cần thiết để đảm quân đội chỉ đóng vai trò bên trong ranh giới các doanh trại. Điều này có nghĩa là những bước đi của bà cần phải cẩn thận trong khi bà cố gắng tìm kiếm ít nhiều công lý cho những vi phạm của quân đội trong quá khứ và giải quyết vấn nạn tham nhũng. Nếu bà mạnh mẽ công kích các nhóm lợi ích, sự chung sống giữa phe quân đội và chính quyền dân sự có thể bị phá huỷ. Nói cách khác, bà Suu Kyi sẽ phải chấp nhận một bài học tương tự như các tướng lĩnh đã từng trải qua: cách tốt nhất để duy trì quyền lực thường là thỏa hiệp.
Giới cầm quyền ở Thái Lan có thể cũng nên học điều đó. Trong hơn một thập niên, chính phủ Thái Lan đã bị tê liệt bởi sự đối đầu giữa những người thuộc bộ máy đảng dân túy của cựu Thủ tướng đang lưu vong Thaksin Shinawatra và các đối thủ bảo hoàng và bảo thủ. Bằng cách làm suy yếu trật tự chính trị lâu đời tập trung vào quân đội, chế độ quân chủ và bộ máy quan liêu, các lực lượng của ông Thaksin đã sử dụng quá trình dân chủ hóa để giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.
Tuy nhiên các hoạt động kinh doanh của ông Thaksin đã khiến ông bị cáo buộc về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vào tháng 9 năm 2006, những cuộc biểu tình trên đường phố diễn ra hàng tháng trời nhằm phản đối Thaksin đã lên đến đỉnh điểm bằng một cuộc đảo chính quân sự. Các tướng lĩnh sau đó cố gắng hạn chế quyền lực bầu cử của ông Thaksin. Họ dự thảo một hiến pháp mới trong đó quy định một nửa số ghế tại thượng viện là được bổ nhiệm và chuyển giao nhiều quyền lực hơn cho nhánh tư pháp. Họ giải tán đảng của ông và cấm các nhà chính trị thuộc đảng đó hoạt động. Bản thân ông Thaksin bị buộc phải sống lưu vong khi những cáo buộc hình sự chống lại ông đã được đưa ra.
Tuy vậy, lực lượng ủng hộ ông Thaksin chủ yếu đến từ vùng nông thôn nghèo một lần nữa lại giành chiến và châm ngòi cho những cuộc biểu tình mới của phe áo vàng. Chỉ đến năm 2008, khi toà án hiến pháp ra quyết định giải tán đảng của ông Thaksin, lúc này đang dưới một tên gọi khác, thì bên đối lập mới có thể lên nắm quyền. Và họ lại nhanh chóng đánh mất quyền lực khi em gái của ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, đắc cử vào năm 2011.
Ông Thaksin muốn có tất cả để rồi kết thúc trắng tay. Vào tháng 10 năm 2013, chính phủ của bà Yingluck đưa ra một dự luật ân xá trong đó xóa tất cả những cáo buộc hình sự chống lại ông và lật ngược một án tù được tuyên trước đó, từ đó cho phép ông có cơ hội trở về nước. Nhiều cuộc biểu tình trên đường phố lại diễn ra lần nữa, hệ quả là một cuộc đảo chính quân sự khác diễn ra vào tháng 5 sau đó.
Từ đó, các tướng lĩnh của Thái Lan, dưới sự dẫn dắt của đại tướng Prayut Chan-ocha, không dám có bước đi mạo hiểm nào, đã cai trị trực tiếp và chỉ định một số ít các nhà kỹ trị tham gia bộ máy chính phủ. Hội đồng Quốc gia vì Hoà bình và Trật tự (NPCO), một hình thái khác của chế độ độc tài quân sự trước đây, đã dự thảo một bản hiến pháp lâm thời trong đó trao toàn quyền cho ông Prayut.
Prayut đã thiết lập một cơ quan lập pháp có ít thực quyền, một hội đồng ‘ủng hộ cải cách’, một ủy ban soạn thảo hiến pháp và một nội các được điều hành bởi không ai khác ngoài chính ông. Vài trăm người bất đồng chính kiến đã bị giam giữ tại các doanh trại quân đội trong khoảng một tuần. Những nhà ủng hộ nhân quyền đã bị đe doạ và các nhà báo thường xuyên bị quấy nhiễu.
NCPO hiện giờ đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 8 về dự thảo hiến pháp mà nếu được chấp thuận thì các cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào năm 2017. Tuy nhiên, dự thảo hiến pháp bao gồm quy định thượng viện gồm 250 ghế do quân đội bổ nhiệm và có nhiệm kỳ năm năm trong thời gian chuyển giao, và sẽ có quyền hạn đáng kể trong việc hạn chế hành động của các quan chức dân cử. Dự thảo hiến pháp cũng quy định rằng thủ tướng không cần phải là đại diện dân cử, chính vì thế người được bổ nhiệm bởi quân đội hoàn toàn có cơ hội ngồi vào vị trí này.
Không có gì ngạc nhiên khi các đảng phái chính trị và xã hội dân sự phản đối bản hiến pháp rõ ràng phi dân chủ này. Thậm chí những người đã ủng hộ sự can thiệp của quân đội nhằm khôi phục lại luật pháp và trật tự hoặc để duy trì sự ổn định trong khi quá trình kế thừa hoàng gia còn chưa rõ ràng, cũng đã suy xét lại. Với việc các tướng lĩnh Thái Lan đang tìm cách kéo dài sự cai trị của mình và không cho phép các ý kiến bất đồng về vấn đề này, con đường phía trước của Thái Lan chắc chắn sẽ không bằng phẳng.
Những gì Thái Lan cần là một sự thỏa hiệp và chung sống lẫn nhau giống như tại Myanmar. Chỉ khi tất cả các bên công nhận rằng không ai có thể giành được tất cả, thì thoả thuận và đàm phán mới thay thế được cho sự phân hoá và khủng hoảng chính trị. Chính quyền quân sự tại Myanmar đã mất gần năm thập kỷ để đạt được điều đó. Người ta hy vọng rằng Thái Lan sẽ mất ít thời gian hơn để đạt được điều này.
Thitinan Pongsudhirak là Giáo sư và Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, Đại học Chulalongkorn.
Copyright: Project Syndicate 2016 – A Role Reversal for Myanmar and Thailand
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/05/19/thoa-hiep-bai-hoc-myanmar-thai-lan/#sthash.y4NI3oHO.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ xem ảnh Trung Quốc chụp từ vệ tinh cũng đủ khiến bạn rùng mình


Mới đây một ảnh vệ tinh chụp lãnh thổ Trung Quốc từ google earth cho thấy đây là một miền đất “trơ trụi” theo đúng nghĩa đen.
Trong tấm ảnh có thể thấy ở phía phía Bắc của bản đồ Trung Quốc, phần lãnh thổ nước Nga vẫn là một mảng xanh mơn mởn, nhưng trong phạm vi bản đồ Trung Quốc thì toàn là màu vàng (màu của sa mạc).
Nguyên do vì đâu mà Trung Quốc lại trở lên như vậy?
Có lẽ ô nhiễm ở Trung Quốc đã đạt mức … tận thế.
Theo điều tra, diện tích sa mạc hóa của Trung Quốc hiện nay đã lên đến 1,74 triệu k m² ( gấp 5 lần diện tích lãnh thổ Việt Nam) , chiếm 18,2 % diện tích quốc gia, mà mỗi năm diện tích đất bị sa mạc hóa đều tăng thêm 3.436 k m² (diện tích này tương đương với Thủ đô Hà Nội) .
Trong  60 năm gần đây, môi trường ở Trung Quốc đã trải qua 3 lần bị phá hoại:
“ Lần thứ nhất là trong thời kỳ Đại nhảy vọt, lần thứ 2 là trong thời kỳ Hợp tác xã Nông nghiệp, lần thứ 3 là sau khi Cải cách mở cửa “.
Bão cát kinh hoàng xảy ra hằng năm ở thủ đô Bắc Kinh, nguyên nhân do quá trình sa mạc hóa tăng nhanh
Chính sách phá rừng bán gỗ mà hiện nay Trung Quốc đang thực hiện cùng với vận động “ đô thị hóa “, có thể nói là lần phá hoại môi trường thứ 4.
Chính là vì môi trường ở Trung Quốc phải chịu 3 lần phá hoại trong 60 năm trở lại đây, nên đất thổ nhưỡng nước này chịu ảnh hưởng nặng nề.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ảnh : Thảm họa Cách mạng Văn hóa Trung Quốc cách đây 50 năm (2)


Cách đây 50 năm tại Trung Quốc, « Thông tư ngày 16 tháng Năm » của Mao Trạch Đông đã khởi động « Đại cách mạng văn hóa vô sản », mở đường cho mười năm thanh trừng đẫm máu và tàn phá đất nước. Tuần báo L’Obs đưa chúng ta trở lại với bước ngoặt lịch sửvẫn là một khoảng tối không được bộ máy tuyên truyền Trung Quốc đề cập đến dù nửa thế kỷ đã trôi qua (tt).

Hình 10 (AFP): Ngay từ đầu phong trào, Mao Trạch Đông bổ nhiệm bà vợ thứ tư là Giang Thanh (Jiang Qing) đứng đầu« Nhóm Cách mạng Văn hóa » trong Trung ương Đảng. Đây là cơ hội cho cựu diễn viên khao khát nổi tiếng, thanh toán ân oán với tất cả những ai dám ít nhiều chống lại bà ta. Kể từ năm 1967, Giang Thanh tung ra « chiến dịch làm trong sạch nghệ thuật », cái cớ để trả thù nhiều nghệ sĩ. Bà áp đặt những vòng kim cô tư tưởng siết rất chặt. Chỉ có tám « chương trình biểu diễn kiểu mẫu » đúng đắn về ý thức hệ được cho phép diễn, trong đó có hai vở múa ba-lê là « Hồng sắc nương tử quân » và « Bạch Mao Nữ ». Trong ảnh, Giang Thanh đeo kính, đứng giữa cùng với nhóm múa, tháng 4/1967.

Hình 11 (Bridgeman Images): Cách mạng Văn hóa lan rộng, vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Các phe nhóm Hồng vệ binh đối địch tấn công lẫn nhau, dù tất cả đều lớn tiếng khoe trung thành với Mao. Tại một số nơi, đã trở thành một cuộc nội chiến thực sự. Tình hình hỗn loạn cho đến nỗi Mao Trạch Đông phải yêu cầu tổng tham mưu trưởng quân đội Lâm Bưu tái lập trật tự kể từ 1967. Sau khi lợi dụng giới thanh niên để lật đổ những kẻ thù trong Đảng, Mao bèn tống khứ họ. Những « kẻ nổi loạn », bị kết án là đồng lõa với tư sản, bị hành quyết công khai và hàng triệu Hồng vệ binh bị đày về nông thôn để « được quần chúng cải tạo ». Ảnh chụp tháng 8/1968.

Hình 12 (Tân Hoa Xã/SIPA) : Những cuốn « Mao chủ tịch ngữ lục », thường được gọi là Hồng bảo thư (Sách quý màu đỏ), được xuất bản trước khi diễn ra Cách mạng Văn hóa. Với tính thực dụng, Đảng tuy đã tước quyền Mao sau thất bại của Đại nhảy vọt, cho rằng sẽ làm cho Mao bớt tức giận bằng cách thúc đẩy quần chúng tôn thờ cá nhân Mao chủ tịch. Sau khi Cách mạng Văn hóa được khởi động, những cuốn sách đỏ này trở thành một thứ Kinh thánh mà mỗi người dân đều phải học thuộc lòng. Lâm Bưu ra lệnh quân đội phải tổ chức những buổi học bắt buộc (trong ảnh là các phi công quân sự, chụp năm 1969), sau đó phổ biến ra tất cả các cơ quan hành chính.

Hình 13 (AFP) : Nhân Đại hội Đảng lần thứ 9 năm 1969, Lâm Bưu được ca ngợi là « người bạn chiến đấu thân thiết nhất của Mao chủ tịch » và « người kế nghiệp được toàn thể nhìn nhận ». Nhưng Mao nghi ngờ phó thống soái của mình tìm cách qua mặt. Sự thất sủng của Lâm Bưu là một trong những chương nhiều nghi vấn nhất của thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Theo thông tin chính thức, thì ngày 13/09/1971, Lâm Bưu bỏ trốn sang Liên Xô sau khi âm mưu lật đổ bị vạch trần. Chiếc máy bay chở ông cùng với gia đình và những người thân tín bị rơi xuống Mông Cổ, không có ai sống sót. Trong bức ảnh chụp vào tháng 9/1970, Lâm Bưu đứng phía sau Mao Trạch Đông.

Hình 14 (AFP) : Lâm Bưu đã bị trừ khử, thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) được Mao cho phép phục hồi nền kinh tế, giáo dục và hành chính. Do bệnh nặng, Chu Ân Lai được người dưới quyền thân tín vừa được phục hồi danh dự là Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) trợ giúp. Các nhà tư tưởng cực đoan do Giang Thanh cầm đầu, bèn tung ra chiến dịch « đả kích Khổng Tử ». Cuộc chiến mới đánh vào các giá trị truyền thống thực ra nhắm vào Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình, bị lên án là muốn kết liễu cách mạng và đẩy Trung Quốc vào con đường tư bản chủ nghĩa. Cuộc chiến giữa hai phe kéo dài cho đến khi Chu Ân Lai mất rồi đến lượt Mao Trạch Đông năm 1976. Trong ảnh là một vở múa phê phán Khổng giáo, năm 1974.

Hình 15 (AFP) : Mao Trạch Đông qua đời ngày 09/09/1976. Ngày 10/10, người kế vị được chỉ định là Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) được quân đội ủng hộ, đã bắt giam Giang Thanh và các đồng minh của bà ta. Tin này được mọi người hồ hởi đón nhận. Ngày 01/11, một cuộc diễu binh (ảnh) được tổ chức để chào mừng tân lãnh tụ. Nhưng Hoa Quốc Phong trị vì không được bao lâu : do phản đối mọi thay đổi về chính trị, ông bị Đặng Tiểu Bình tước bỏ quyền hành vào tháng 12/1978.

Hình 16 (AFP) : Sự sụp đổ của « Tứ nhân bang » tức « bè lũ bốn tên », nhóm tư tưởng cực đoan do Giang Thanh cầm đầu đánh dấu hồi kết của Cách mạng Văn hóa. Bị kết án đã đàn áp 730.000 người và làm cho 35.000 người chết, họ bị lãnh những bản án nặng nề năm 1980. Phiên tòa xử « bè lũ bốn tên » được truyền hình tường thuật, giúp lên án Cách mạng Văn hóa mà không đặt lại vấn đề về di sản của Mao cũng như tính chính danh của Đảng. Ảnh chụp các bị cáo trước tòa ngày 27/11/1980, gồm Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Vương Hồng Văn (Wang Hongwen), Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan).

Hình 17 (AFP) : Bị toàn thể mọi người căm ghét, Giang Thanh chỉ lên nắm quyền được là nhờ sự hỗ trợ của Mao, và duy trì được vị thế nhờ nương theo những xu hướng cực đoan nhất. Khi Mao Trạch Đông chết, bà ta tìm cách nắm trọn mọi quyền hành, khiến cả tổ chức Đảng và quân đội phải liên minh để chống lại. Trong khi các trợ thủ im lặng hoặc thú tội, Giang Thanh là người duy nhất phẫn nộ phản đối trong phiên tòa xử« bè lũ bốn tên » năm 1980. Bị lãnh án tử hình treo rồi chuyển thành án chung thân, Giang Thanh tự sát năm 1991. Trong ảnh là Giang Thanh trong phiên tòa ngày 25/01/1981.

Hình 18 (AFP) : Đặng Tiểu Bình và vợ thứ ba là Trác Lâm (Zhuo Lin) (bên phải trong ảnh) năm 1969. Bị thất sủng thời Mao năm 1968, được Chu Ân Lai triệu hồi, giao quyền và sau đó lại bị thất sủng lần nữa khi Chu qua đời năm 1976, Đặng Tiểu Bình xuất hiện trước mắt Đảng và dân chúng đang bị khủng hoảng như một người cứu rỗi, có thể lật qua trang sử đẫm máu của Cách mạng Văn hóa. Các cải cách cơ bản đưa ra tháng 12/1978 đã chấm dứt các thập kỷ sai lầm chính trị khiến đất nước lụn bại. Bùng nổ kinh tế do Đặng châm ngòi đã đẩy Trung Quốc lên vị thế các cường quốc hàng đầu thế giới. (Cũng chính Đặng Tiểu Bình đã khởi động cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979).


Ảnh : Thảm họa Cách mạng Văn hóa Trung Quốc cách đây 50 năm (1)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ sắp dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí Việt Nam?

Mỹ sắp dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí Việt Nam?

(Quốc phòng Việt Nam) - Theo The Diplomat, Mỹ có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới đây.
VN mong Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí
Tín hiệu mạnh mẽ việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí VN

Bước tiến lịch sử

Trong khi ông Obama chuẩn bị đến thăm Việt Nam vào tháng tới, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đang được thảo luận bởi cả hai bên, báo Vnexpress dẫn nguồn tin từ The Diplomat cho biết.

Các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn im lặng về động thái này, một phần vì việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đòi hỏi phải có quyết định chính sách từ Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi thảo luận liên ngành và tham khảo ý kiến ​​quốc hội.

Các quan chức Việt Nam và Mỹ am hiểu quan hệ quốc phòng cho biết, ngay cả khi dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, có thể mất nhiều thời gian để hai bên tiến hành các hợp đồng quốc phòng và chuyển giao lớn, vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Một trong các yếu tố có thể là Việt Nam phải làm quen với thủ tục mua sắm từ Mỹ, tương đối khác so với các đối tác quốc phòng truyền thống như Nga.

The Diplomat đánh giá rằng, nếu khả năng này trở thành hiện thực, đây sẽ là bước đi lịch sử trong quan hệ quốc phòng nói riêng và quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ nói chung. Các quan chức Việt Nam từ lâu đã cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quan hệ hai nước đã hoàn toàn bình thường.

Quan hệ Việt - Mỹ được tăng cường dưới thời chính quyền ông Obama. Hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 10/2014 và ký kết tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.

Đoàn cán bộ sĩ quan Hải quân Nhân dân Việt Nam thăm máy bay P-3C Orion của Mỹ.


Việt Nam quan tâm vũ khí gì?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bước đầu, Mỹ có thể sẽ chưa bán cho Việt Nam các loại vũ khí tiên tiến (máy bay, tàu chiến, pháo, xe tăng). Tuy nhiên, việc dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương có thể giúp Việt Nam mua các loại phụ tùng, linh kiện để hồi phục, duy trì các trang bị vũ khí do Mỹ chế tạo mà quân đội ta thu giữ được sau năm 1975.

Hiện nay, vẫn có hàng trăm chiếc M113 phục vụ tích cực trong Quân đội Nhân dân Việt Nam mặc dù có những khó khăn về vấn đề phụ tùng. Nếu được dỡ lệnh cấm vận, quân đội ta sẽ có điều kiện đảm bảo hoạt động chiến đấu tốt hơn cho M113, cũng như nâng cấp chúng thích nghi với chiến tranh hiện đại.

Bên cạnh việc khôi phục, nâng cấp M113, Việt Nam cũng có thể tái sử dụng lại các loại xe tăng, pháo tự hành do Mỹ chế tạo, thu giữ được sau năm 1975. Ngoài ra còn có các loại xe tăng M41, M48, pháo tự hành M107 do Mỹ chế tạo lưu trong kho bảo quản. Dù các loại vũ khí này được chế tạo từ cách đây vài chục năm, nhưng trên thế giới nhiều quốc gia vẫn còn sử dụng chúng.

Trong trang bị không quân, Việt Nam có thể mua được phụ tùng, hoặc đặt hàng nâng cấp trực thăng đa năng UH-1 đang được trang bị hạn chế trong Không quân Nhân Việt Nam (khoảng 12-15 chiếc). Ngoài ra, theo một số tài liệu, không quân ta còn đang lưu giữ nhiều chiếc UH-1 khác và đang chờ ngày phục hồi hoạt động.

Trong trang bị hải quân, Việt Nam có thể hi vọng việc Mỹ sẽ đồng ý cung cấp máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion hiện đại. Trước đó, phát biểu tại triển lãm An ninh và Quốc phòng Quốc tế (LAAD 2013) tại Brazil, Giám đốc chương trình tuần tra biển Clay Fearnow cho hay.

Hải quân Việt Nam đang quan tâm tới việc mua 6 máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion dư thừa (Mỹ không dùng tới) để bảo vệ đường bờ biển dài gần 3.500km và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có diện tích 1.396.299km2.

“Hải quân Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm tới P-3 và chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ để thương vụ này phát triển tốt”, ông Fearnow nói. Theo ông Fearnow, Tập đoàn Lockheed Martin cũng “khuyên” Việt Nam lựa chọn biến thể mới nhất P-3C Orion. Vì chúng tiên tiến hơn và có số giờ bay thấp hơn.

Mặc dù hiện chưa có thông tin gì thêm về việc này, nhưng chúng ta có quyền hi vọng sau khi Mỹ chính thức dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam có thể mua được P-3 Orion góp phần tăng cường khả năng tuần tra, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tương lai, chúng ta cũng có quyền hi vọng rằng người Mỹ sẽ sẵn sàng bán cho Việt Nam các loại vũ khí hiện đại nhất, như máy bay chiến đấu, tàu chiến, tên lửa, pháo…


FA-50 sẽ thay thế MiG-21 Việt Nam?


Thùy Dung
Phần nhận xét hiển thị trên trang

TS.Nguyễn Văn Khải: “Tôi biết có nhiều Tiến sĩ dởm”


NGỌC QUANG 05/05/16 (GDVN) - TS.Nguyễn Văn Khải nói thẳng, đối với ông học vị Tiến sĩ không có ý nghĩa gì nếu không có đóng góp cụ thể cho đời sống xã hội. Trong đời sống xã hội có đầy rẫy những thứ gian dối, nhưng đã là khoa học thì không thể dối trá”.

TS. Nguyễn Văn Khải: "Học vị Tiến sĩ không có ý nghĩa gì nếu không 
có đóng góp cụ thể cho đời sống xã hội". ảnh: Ngọc Quang.
Đào tạo qua loa, học qua loa = tiến sĩ dởm 
Những ngày vừa qua, dư luận xã hội liên tục dậy sóng với câu chuyện đào tạo tiến sĩ tràn lan, mà cụ thể là chỉ riêng Viện khoa học xã hội có chỉ tiêu cho “ra lò” tới hơn 600 tiến sĩ chỉ trong 2 năm. Một đất nước có nhiều tiến sĩ theo lẽ thường phải là điều đáng mừng, tuy nhiên khi kế hoạch “sản xuất tiến sĩ” bị lộ thì xã hội mới tá hỏa vì nhiều vị có cái danh xưng này thực ra chỉ để làm bình phong phục vụ mục đích cá nhân.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Văn Khải nói rằng: “Quá nhiều Tiến sĩ nhưng chẳng góp ích gì cho xã hội là bởi vì người ta không học thật sự và nơi đào tạo thì cũng làm qua loa đại khái chứ không đào tạo nghiêm túc. Làm cho xong thủ tục rồi phát bằng chứ không nghiêm túc thì làm sao có những Tiến sĩ giỏi thực sự được”.

TS. Nguyễn Văn Khải chia sẻ, thời kỳ ông còn học ở Ba Lan, khi làm nghiên cứu sinh phải có 2 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới.
Nếu không đảm bảo điều kiện này thì không bao giờ được bảo vệ. Khi các bài báo của tác giả được đăng nghĩa là đề tài của họ được chấp nhận, qua đó người ta cũng biết được rằng đề tài ấy có ăn cắp của những người đã nghiên cứu trước không.

“Tiến sĩ ở Việt Nam nhiều như vậy mà động vào lĩnh vực nào cũng thấy ì ạch thì thật đáng buồn và người dân có lý khi đặt ra câu hỏi các vị đó có phải Tiến sĩ thật hay không.

Tôi phải nói thẳng là chuyện gian dối bằng cấp không phải bây giờ mới có mà nó xuất hiện từ cả chục năm trước rồi, nhưng khéo che đậy nên chưa bị lộ ra thôi.

Nhưng ở thời buổi khoa học công nghệ phát triển như bây giờ thì không thể nói dối được, chỉ có làm khoa học chân chính thì mới được xã hội ghi nhận”, TS Khải chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Khải kể ra thí dụ về một buổi bảo vệ cấp bằng Thạc sĩ mà ông từng chứng kiến. Người này trình bày đề tài về trắc quang một loại bóng điện.

Sau khi kết thúc buổi bảo vệ đề tài và thí sinh đạt loại khá, Tiến sĩ Khải hỏi một câu: Vậy loại bóng đèn mà anh nhắc tới trong đề tài nó có hình quả nhót hay hình chày? Thí sinh này không trả lời nổi.

TS. Khải chia sẻ: “Kiểu thạc sĩ như vậy và kể cả tiến sĩ có rất nhiều trong xã hội, bởi vì người ta chỉ cần cái danh xưng để phục vụ cho các mục đích cá nhân chứ không phải vì đam mê nghiên cứu khoa học. Lẽ ra những người đó phải thấy xấu hổ khi được gọi là tiến sĩ, thạc sĩ, bởi vì thực chất họ không xứng đáng”.

Trong khoa học không có chỗ cho sự dối trá

Sau thời gian ngắn bước vào nghiệp khoa học, TS. Nguyễn Văn Khải đã sớm được trao hai bằng sáng chế quốc tế là “Đầu thu laser CO2” năm 1982 và “Vật liệu quang dẫn sử dụng năng lượng mặt trời” năm 1991.



Viện "lò tiến sĩ" muốn có quy hoạch toàn quốc về đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ

Ông luôn quan tâm tới những đề tài có khả năng áp dụng vào thực tế, đó là: bảng không loá màu xanh lá cây, đèn học đường...

Sau này, ông còn hợp tác với một số nhà khoa học Trung Quốc đã cho ra đời bóng đèn compact huỳnh quang làm sạch không khí (nguồn sinh các nguyên tử oxi là 0,1w) đã đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2006.

Ông cũng sáng chế ra máy sản xuất nước ozon (có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng, siêu vi trùng, nấm và bào tử nhưng không gây tác hại cho người và động thực vật) để giúp nông dân bảo quản hoa quả tươi lâu, mang lại lợi ích kinh tế khá lớn được ông coi là sản phẩm tâm đắc nhất trong sự nghiệp nghiên cứu.

Kể từ đó, TS. Nguyễn Văn Khải được nhiều người dân quý mến gọi là “ông già ozon”.

TS. Khải chia sẻ: “Mỗi người có một quan điểm khác nhau về đời sống, nhưng đã là khoa học thì phải chính xác, không thể có các kết quả khác nhau được. Đối với tôi, Giáo sư hay Tiến sĩ chẳng có ý nghĩa gì nếu những người đó không có đóng góp gì đáng kể cho xã hội, cho đất nước.

Nhiều người không biết nên chỉ nghĩ rằng tiến sĩ ở trong nước mới dởm, nhưng tôi biết thực tế có nhiều người đi học nước ngoài về cũng dởm. Họ có cái bằng, nhưng trình độ thì yếu kém, cứ kiểm lại những người đã đi học thì thấy.

Họ là dạng được cho đi học bằng ngân sách, bằng sự hợp tác giữa các cơ quan nước này với nước khác, cho nên yêu cầu đặt ra cũng đơn giản. Hầu hết những người đi học kiểu này đều vào các trường công lập, còn ở các trường tư thì yêu cầu lại rất chặt chẽ, do đó chất lượng cũng tốt hơn”.

Với cá tính thẳng thắn của một người làm khoa học, TS. Nguyễn Văn Khải cũng đã rất nhiều lần bóc mẽ những mánh khóe của một số người được “gắn mác” là nhà khoa học, thậm chí còn chỉ thẳng vào một vị Giáo sư công bố chiếc máy đo địa bức xạ là “trò bịp bợm”.

Ông nói: “Tôi không tranh cãi với các vấn đề cá nhân, cái mà tôi nói luôn là các vấn đề khoa học, là những gì có thể đem lại sự sống tốt đẹp cho người dân. Tôi sinh ra ở Hà Nội, cả cuộc đời làm khoa học nhưng luôn gắn bó với người nông dân ở khắp mọi miền đất nước. Họ là những con người rất khổ sở, họ lao động vất vả và hy vọng cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, điều đó rất đáng trân trọng.

Nhưng trong lúc ấy lại có những kẻ tìm cách tiến thân bằng vài ba tấm bằng, đó là những chuyện không thể chấp nhận được. Nhà nước cần phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn những chuyện này.

Trong đời sống xã hội có đầy rẫy những thứ gian dối, nhưng đã là khoa học thì không thể dối trá”.

Ngọc Quang
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/TSNguyen-Van-Khai-Toi-biet-co-nhieu-Tien-si-dom-post167608.gd
Phần nhận xét hiển thị trên trang