Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập


Dân trí Hôm nay 10/5, một tàu hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.
 >> Trung Quốc đang "lục địa hóa" Biển Đông
 >> Học giả quốc tế chỉ trích các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông
 >> Trung Quốc sợ điều gì ở Biển Đông: Tử huyệt


Tàu khu trục USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ. (Ảnh: AP)
Tàu khu trục USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ. (Ảnh: AP)
Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết, tàu khu trục USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ hôm nay đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập "để thách thức tuyên bố hàng hải thái quá của một số bên ở Biển Đông".
“Những tuyên bố chủ quyền tham lam này không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về luật biển, do nó hướng đến hạn chế quyền tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác”, ông Urban nói. Ông cho biết thêm, hoạt động tuần tra này của tàu khu trục USS William P. Lawrence là hoạt động định kỳ.
Hoạt động tuần tra của tàu hải quân Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng bật lại các chỉ trích quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Tin tức về cuộc tuần tra của tàu khu trục USS William P. Lawrence đã khiến Trung Quốc "nóng mặt". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lớn tiếng nói rằng hoạt động tuần tra này là "trái phép" và "đe dọa hòa bình và ổn định khu vực".
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trung Quốc đã xây dựng ở đây nhiều cơ sở hạ tầng, trong đó có một đường băng dài 3km. Washington lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng đường băng này để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Giới chức Hải quân Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch bắt đầu cải tạo và xây dựng tại bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm đóng trái phép của Philippines năm 2012. Lầu Năm Góc tháng trước đã hối thúc Trung Quốc tái khẳng định cam kết không triển khai máy bay quân sự đến Trường Sa sau khi Bắc Kinh đáp một máy bay quân sự xuống đá Chữ Thập để cấp cứu công nhân tại đây.
Ông Ian Storey, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nhận định: “Đá Chữ Thập khá nhạy cảm bởi trong tương lai nó có thể bị lấy làm trung tâm hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc đã xây dựng ở đây nhiều cơ sở hạ tầng, trong đó có đường băng dài 3km và một cảng nước sâu”.
Để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã tiến hành nhiều đợt tuần tra “tự do hàng hải” ở khu vực. Đây là đợt tuần tra tự do hàng hải thứ 3 của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong vòng chưa đầy 1 năm.
Tháng trước, Mỹ cũng đã điều các máy bay tuần tra quanh bãi cạn Scarborough. Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ cũng triển khai 2 máy bay ném bom B-52 tầm xa tới gần các cơ sở Trung Quốc xây dựng trái phép ở đá Châu Viên thuộc Trường Sa.
Minh Phương
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn hóa cao



TBT Nguyễn Phú Trọng dẫn TT Mỹ Obama đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm.
Dừng lại cạnh Tháp bút, TBT Nguyễn Phú Trọng khoe với TT Mỹ Obama: “Người VN rất coi trọng văn hóa. Đây là biểu tượng ‘viết vào trời xanh’ của nền văn hóa chúng tôi”.
TT Mỹ Obama tỏ vẻ khâm phục, ngắm Tháp bút to đùng, rồi lễ phép đáp: “Bây giờ tôi mới hiểu, tại sao ở VN các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều hơn cả ở Mỹ!”./.
NTS.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Ông Vũ Khoan: Trung Quốc miệng nói hữu hảo với Việt Nam nhưng lại đi chiếm lãnh thổ


VietTimes -- "Chúng ta không khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng cũng phải nhìn lại xem phía Trung Quốc đã cư xử với chúng ta như thế nào. Miệng họ nói hữu hảo, nhưng họ lại đi chiếm lãnh thổ của chúng ta", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ quan điểm của ông với VietTimes.
Lê Thọ Bình - /
Nguyên Phó thủ tướng Vũ KhoanNguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan
Ông Vũ Khoan đã thẳng thắn nhận định về quan hệ Việt-Mỹ trước thềm chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tháng 5 này, tình hình Biển Đông và một số vấn đề nóng khác...
Nhiều vấn đề quan trọng sẽ được bàn thảo
Nhiều người cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 5 này sẽ mở ra một triển vọng hợp tác mới. Tuy nhiên, có người lại cho rằng, đây chỉ là chuyến thăm xã giao vì ông Obama đã ở cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ rồi. Là nhà hoạt động ngoại giao lâu năm, lại từng là quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước, theo ông Việt Nam hy vọng gì ở chuyến thăm này?
- Thật ra những chuyến thăm ngoại giao cấp cao thường có tính biểu tượng rất cao, cho dù nó không đưa đến một thỏa thuận cụ thể nào. Bản thân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã nói lên tầm quan trọng của nó rồi. Chuyến thăm này nằm trong khuôn khổ của một tính toán chính trị, hay nói đúng ra là tính toán chiến lược rất quan trọng của Mỹ.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang chuyển hướng chiến lược xoay trục sang Châu Á- Thái Bình Dương (TBD). Mà trong Châu Á- TBD thì Việt Nam luôn có vị trí địa chính trị, địa kinh tế cực kỳ quan trọng.
Điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh đến tính biểu tượng của chuyến thăm này. Thứ nhất, nó thể hiện chính sách của Mỹ coi trọng Châu Á-TBD trong đó coi trọng Việt Nam. Thứ hai,nó đánh dấu một bước phát triển thêm nữa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, vì nếu nhìn lại 21 năm vừa rồi thì mối quan hệ đó được tịnh tiến từng bước: năm 1993 Tổng thống Bill Clinton bắt đầu bãi bỏ cấm vận, đến 1995 thì thiết lập quan hệ ngoại giao, đến 2000 mới ký Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA), rồi 2006 mới kết thúc đàm phán WTO và ông George W.Bush lần đầu tiên thăm Việt Nam, rồi tiếp sau đó là năm 2005 Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm chính thức Hoa Kỳ, tiến lên một bậc cao là năm 2015 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ, vào nhà Trắng- tất cả những chuyện đó đánh dấu những bước phát triển mới. Việc Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam lại đánh dấu thêm một bước tiến mới nữa.
Điều thứ hai tôi muốn nói tới là tính thực tế của chuyến thăm. Tại cuộc gặp cấp cao lần này, hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đề ra đường hướng đẩy mạnh phát triển quan hệ giữa hai nước. Có thể có người lo ngại rằng, ông Obama sắp hết nhiệm kỳ đến nơi rồi, ông ấy đề ra đường hướng gì nữa. Chúng ta cần hiểu rằng, với nước Mỹ, bất kể ai cầm quyền thì chính quyền đó đều phải đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu. Mà như tôi đã nói, khu vực châu Á-TBD là khu vực chiến lược có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược toàn cầu của nước Mỹ.
Theo ông, trong chuyến thăm Việt Nam lần này hai bên sẽ trao đổi cụ thể những vấn đề gì?
- Về kết quả của những vấn đề cụ thể còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề quan trọng đang chờ hai bên và chắc chắn lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ phải trao đổi. Ví dụ vấn đề TPP, hai nước cùng là thành viên TPP thì sẽ phê chuẩn thế nào? Sẽ thực hiện thế nào? Rồi Mỹ cần giúp đỡ Việt Nam thế nào để thực hiện TPP… Tôi chắc đấy sẽ là vấn đề mà hai bên sẽ dành nhiều thời gian để trao đổi.
Vấn đề thứ hai mà Việt Nam và Mỹ quan tâm nữa là hợp tác quốc phòng. Lĩnh vực hợp tác này cũng đã có những bước tiến rất dài rồi, nhưng hiện vẫn còn một vướng mắc là Chính phủ Mỹ mới gỡ bỏ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Ngày càng có nhiều tiếng nói của dư luận Mỹ đòi phải bỏ lệnh cấm vận ấy đi đối với Việt Nam. Tôi chắc đó cũng là đề tài mà hai bên sẽ đàm phán.
Đề tài thứ ba là vấn đề Biển Đông. Lập trường của chúng ta về vấn đề này thế nào thì ai cũng biết và lập trường của Mỹ thế nào ai cũng rõ. Vì hai bên cùng đều có mối quan tâm chung nên chắc cũng phải trao đổi tìm ra giải pháp nhằm giữ ổn định tình hình ở Biển Đông. Rồi thì vấn đề tự do hàng hải, an toàn hàng hải cũng là những cái cần phải trao đổi, thỏa thuận.
Vấn đề thứ 4 là ASEAN. Mỹ rất coi trọng khối ASEAN. Cuộc gặp của Tổng thống Obama với lãnh đạo 10 nước ASEAN vừa rồi ở Sunnylands, California cho thấy Mỹ đánh giá ASEAN rất quan trọng, mà Việt Nam lại là thành viên tích cực của ASEAN. Vì vậy, tôi nghĩ đề tài Mỹ - ASEAN sẽ là vấn đề mà hai bên có thể trao đổi được, hay đề tài Mỹ và sông Mê Kông. Mỹ có một diễn đàn với các nước sông Mê Kông hoạt động nhiều năm nay rồi, trong bối cảnh mới hạn hán, biến đổi khí hậu như thế, tôi nghĩ đề tài hợp tác chống biến đổi khí hậu hoặc hợp tác trên sông Mê Kông cũng là một đề tài để mà thảo luận.
Đừng kỳ vọng ai cứu nếu mình không tự cứu
Vậy cách nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào với tư cách là một nhà lãnh đạo ngành ngoại giao kỳ cựu?
- Thái độ của tôi là coi trọng những việc như vậy. Tuy nhiên làm được đến đâu, và làm như thế nào thì tùy thuộc rất nhiều nhân tố, mà trong đó nội lực của chúng ta là cực kỳ quan trọng. Nội lực ở đây là cả nội lực vật chất, nội lực tinh thần. TPP có đấy nhưng chúng ta có tận dụng được lợi ích mà nó mang lại hay không là do chính chúng ta, chứ không phải “trên trời” rơi xuống, nên đừng có tư tưởng “há miệng chờ sung”.
Thưa ông, như chúng ta nhận thấy, quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đang từng bước phát triển lớn mạnh. Theo ông thì liệu Việt Nam và Mỹ có thể nâng tầm quan hệ lên mức chiến lược, thậm chí là đồng minh như quan hệ Mỹ với Nhật Bản, Mỹ với Hàn Quốc không?
- Trước tiên phải nói rằng, tên gọi của mối quan hệ cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là thực chất của mối quan hệ đó. Xét trên thực tế thì thấy, chúng ta có những mối quan hệ tầm chiến lược, rồi quan hệ đặc biệt với nước này, nước kia, nhưng thực chất không mang lại nhiều hiệu quả lắm. Trái lại, quan hệ của chúng ta với Mỹ, tuy chỉ là quan hệ đối tác toàn diện thôi, thấp hơn quan hệ đối tác chiến lược, nhưng nó sôi động hơn, mang lại nhiều hiệu quả hơn. Ví dụ, buôn bán chẳng hạn, với Mỹ năm 2014 lên tới 36 tỷ USD. Trong khi đó với hàng chục đối tác chiến lược khác, thì chỉ chừng vài tỷ thôi. Vì thế chúng ta hãy quan tâm đến thực chất, còn vấn đề nâng lên mức như thế nào, ra làm sao, thì hai nước phải tính toán, xuất phát từ lợi ích của bản thân mình, rồi bàn cờ chiến lược trên thế giới, rồi khả năng hiện thực v.v. Tính toán rất nhiều mặt, cũng không nên quá tâm tư về chuyện đó, mà hãy nhìn vào thực chất của các mối quan hệ.
Nhân đây, tôi cũng phải nói là hiện có một số người kỳ vọng quá mức vào mối quan hệ với nước này, nước kia. Mình phải biết được vị thế của mình đang ở đâu. Phải rất thực tế, xuất phát từ lợi ích trước mắt và lâu dài của dân tộc mà tính toán, xem xét các mối quan hệ, chứ không phải ngẫu hứng được. Phải dựa vào nội lực của mình là chính, đừng trông đợi vào người này, người kia che chở cho mình. Trong quá khứ Việt Nam đã từng nằm trên bàn cờ chiến lược của nước này, nước kia rồi. Vì vậy, nếu có nằm trên bàn cờ thế giới thì cũng phải  là con xe, con pháo, con mã, chứ không thể biến mình thành con tốt được.
Đừng có kỳ vọng là ai đến cứu mình nếu mình không tự cứu mình. Trước hết chúng ta phải tự mình thay đổi mình. Ví dụ: về kinh tế, nếu mình không khắc phục những cái khó khăn nội tại đi, đổi mới thể chế đi, làm ăn cho tử tế đi… Nếu bản thân mình không phát triển được thì chả ai cứu được mình đâu. Quan hệ quốc tế là điều kiện cần, rất cần, nhưng chưa đủ. Mà cái đủ phải là nội lực kia. Mình hãy đi trên đôi chân của mình và suy nghĩ, tính toán bằng cái đầu của mình, cái đầu mình không tỉnh táo, cái chân mình không vững thì chắc chả ai cần đến mình đâu và chắc chả ai cứu được mình đâu.
Gin hay quốc lủi đều là rượu cả!
Trong đàm phán quốc tế, các bên đưa ra những điều kiện cũng là chuyện bình thường. Trong chuyến thăm sắp tới chắc Tổng thống Mỹ cũng sẽ có những điều kiện và một trong những điều kiện lâu nay họ vẫn đưa ra là “vấn đề nhân quyền”. Thưa ông,  liệu đây có phải là vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quan hệ Việt Nam với Mỹ hay không?
- Đây là một vấn đề khác biệt. Tuy nhiên tôi không nghĩ là vướng mắc lớn nhất, chí ít thì, trong chuyến thăm Mỹ hồi năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong tuyên bố chung, đã có một câu rất quan trọng có thể nói là “cái đinh” của vấn đề. Đó là “hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. “Tôi” quý “anh”, mặc dù  hai bên có thể khác biệt vì sự lựa chọn thể chế. “Tôi” không chống lại chế độ của Mỹ, chuyện đó là của nước Mỹ, của nhân dân Mỹ quyết định. Thế thì của “tôi” thế nào thì “anh” cũng đừng can gián vào chứ. Chuyện thể chế của Việt Nam là do người Việt Nam quyết định. Điều cốt lõi như thế đã được cam kết rồi.
Quyền sinh ra, quyền sống và quyền được mưu cầu hạnh phúc là quyền thiêng liêng nhất của con người. Đó là giá trị chung của nhân loại, chứ không phải là câu chuyện của riêng ai. Chúng ta đấu tranh, rồi đổ bao nhiêu xương máu cũng là để đạt được điều đó. Trong Tuyên ngôn độc lập Bác đã nói như thế nào, mọi người đều nhớ rất rõ. Thế rồi trong Hiến pháp năm 1946 được minh định như thế nào? Hiến pháp năm 2013 ghi thế nào? Đâu có phải là chúng ta đi ngược lại giá trị nhân quyền của nhân loại. Tuy nhiên nó đi từng bước, phải phù hợp với truyền thống, trong từng thời điểm, ở những điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Nhiều người nước ngoài cũng hay hỏi về vấn đề này. Tôi nói, người Mỹ thích uống rượu Gin, người Nga thích Vodka, trong khi đó người Việt Nam lại thích uống rượu quốc lủi. Rượu nào cũng là rượu cả, đều có chất cồn. Khác nhau là mỗi người uống theo một kiểu thôi. “Tôi” không chống “anh” thích Gin, thì “anh” cũng không nên bài xích “tôi” thích quốc lủi. Rồi thì thức ăn cũng đều là thịt, cá, mì, gạo, rau cả, nhưng mỗi nước có kiểu chế biến, xào nấu khác nhau, thành ra các món ăn khác nhau thôi.
Vấn đề nhân quyền cũng vậy thôi, chính câu trong Tuyên ngôn độc lập của Tổng thống Jefferson viết Bác Hồ đã trích dẫn lại trong bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đấy thôi. Như thế là gặp nhau ở giá trị chung, còn thể hiện nó như thế nào thì mỗi nước một hoàn cảnh. Vì vậy, khi người Mỹ người ta đưa ra yêu cầu đó cũng là chuyện bình thường và chúng ta bình tĩnh đối thoại với họ để đi đến hiểu nhau hơn.
Tôi hơi ngạc nhiên khi có quan chức cứ hỏi tôi: “Mình phải đối phó với vấn đề này như thế nào?”. Ơ, lạ nhỉ? Sao lại là đổi phó? Đấy là chuyện tự mình thấy phải phấn đấu cho nhân dân mình được hưởng những quyền đó chứ. Chẳng lẽ mình không muốn cho nhân dân được hưởng nhân quyền à? Mình đưa vào Hiến pháp rồi. Thậm chí gần đây chúng ta đã có những quy định rất tiến bộ như quyền “im lặng” chẳng hạn, thì đó là những cái tự mình làm chứ có phải bị ai ép làm đâu. Chuyện Mỹ áp đặt là chuyện của họ cứ làm, chuyện của mình thì mình phải phấn đấu cho nhân dân được hưởng quyền tự do, dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc- đó là mục tiêu của chúng ta cơ mà.
Mỹ không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm
Hiện nay có một luồng ý kiến cho rằng sở dĩ Trung Quốc có những hành động hết sức phiêu lưu và đang từng bước tiến tới khống chế Biển Đông là vì họ căn cứ vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, đó là họ cho rằng Việt Nam đang “lừng khừng” trong việc lựa chọn quan hệ. Thứ hai, nhiệm kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến rồi, nước Mỹ đang tập trung cho đối nội, ít dám tăng cường sức lực tại Biển Đông. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Trước hết, không thể nói Việt Nam đang “lừng khừng” không biết mình đang làm gì và đang đứng ở đâu trong mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, Việt Nam- Trung Quốc.  Đây là sự tính toán, cân nhắc kỹ càng chứ đừng gọi cái đó là “lừng khừng”. Làm ngoại giao không ngẫu hứng được đâu, mà trong các mối quan hệ quốc tế thì phải tính toán làm sao để có lợi nhất cho mình. Có những điều tính toán không thể nói rộng ra được, vì thế mới có những người lợi dụng vào đó để kích động, nói là Việt Nam không dám bày tỏ quan điểm của mình.
Làm thế nào để bảo vệ được độc lập, chủ quyền, bảo vệ được sự ổn định để phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay là bài toán cực kỳ khó, phải cân nhắc rất kỹ chứ đâu có phải chuyện “lừng khừng” hay “không lừng khừng”. Suốt ngày họp lên họp xuống, tính toán đủ các nhân tố có thể thế này, có thể thế kia, chứ đâu chỉ ngồi mà “lừng khừng” đâu.
Vấn đề thứ hai, có đúng là Mỹ đang phải tập trung vào vấn đề đối nội như bầu cử Tổng thống mà không tỏ thái độ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay không? Tôi khẳng định là không! Chả thấy họ “lừng khừng” gì cả. Quốc hội Mỹ cũng tỏ thái độ. Thượng viện cũng tỏ thái độ. Hạ viện cũng tỏ thái độ. Phía chính quyền thì Tổng thống Obama cũng tỏ thái độ, Ngoại trưởng cũng tỏ thái độ, Bộ trưởng Quốc phòng cũng tỏ thái độ... Rồi họ tính đến điều này, điều kia, đi chỗ này đi chỗ kia để tuyên bố, để bày tỏ thái độ cứng rắn với các hành động đe dọa nghiêm trọng an ninh Biển Đông.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama cũng là biểu hiện mối quan tâm của họ. Họ có tính toán chiến lược của họ, còn họ làm đến đâu thì họ phải cân nhắc kỹ lưỡng tới lợi ích rộng lớn của họ. Nên nhớ rằng, Mỹ là cường quốc số 1 trên thế giới và lợi ích của họ là lợi ích toàn cầu chứ không phải lợi ích riêng với  Việt Nam.
Thưa ông, chúng ta không khuyến khích tư tưởng cực đoan, càng không có chủ trương kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng đang có một thực tế là hiện nay người Việt Nam rất “dị ứng” với người Trung Quốc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đường lối ngoại giao của chúng ta với Trung Quốc là rất rõ ràng: hai nước láng giềng hữu nghị với nhau, cùng nhau hợp tác phát triển. Không thể khác được, dù có thế này, thế khác thì chúng ta vẫn phải sống cạnh Trung Quốc, giống như sống với Lào và Campuchia thôi. Láng giềng, làng xóm cho dù có lủng củng, có lúc “ném rác” sang nhà nhau thì rồi cuối cũng cũng phải dàn xếp với nhau mà sống chứ.
Chúng ta cũng hiểu được nước ta so với Trung Quốc là nước nhỏ. Thế nên ông cha ta ngày xưa, mỗi lần quân Trung Quốc sang xâm lược, đánh đuổi giặc xong rồi chúng ta lại sang giàn hòa ngay. Đấy là cái khôn khéo của một nước nhỏ cạnh một nước lớn. Hàng ngàn năm nay chúng ta đã cư xử như vậy. Chúng ta bây giờ cũng như vậy, muốn cuộc sống hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, chúng ta phấn đấu rất nhiều, cố “nghiến răng” lại quên đi những đau xót do chiến tranh gây ra. Chiến tranh biên giới năm 1979 không đau xót hay sao? Chiến tranh Tây Nam không đau xót hay sao? Nhưng rồi chúng ta phải gác chuyện đó lại để phát triển quan hệ hữu nghị với họ vì sự phát triển của dân tộc ta.
Còn tâm lý của nhiều người Việt Nam bây giờ hễ cứ nhắc tới Trung Quốc là người ta “dị ứng”. Đó là điều có thật, mặc dù không ai muốn như vậy cả. Chúng ta thử đặt vấn đề thế này: tại sao người Pháp, người Nhật xâm lược nước ta, ta chiến thắng, ta cư xử với tù binh, bệnh binh của Nhật, Pháp rất nhân đạo, tử tế. Rồi với phí công Mỹ bị bắt chúng ta cũng cư xử nhân đạo, mặc dù họ ném bom sát hại nhiều người dân thường Việt Nam. Nhưng chiến tranh kết thúc, quan hệ được thiết lập, người Việt Nam đâu có “thù ghét” người Pháp, người Nhật, người Mỹ.
Thế thì cái gì nó cũng có hai mặt của nó. Chúng ta không khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng cũng phải nhìn lại xem phía Trung Quốc đã cư xử với chúng ta như thế nào. Miệng họ nói hữu hảo, nhưng họ lại đi chiếm lãnh thổ của chúng ta. Vì vậy Trung Quốc cũng phải có một chính sách như thế nào đó để tôn trọng dân tộc chúng ta, tôn trọng chủ quyền của chúng ta, nếu không thì làm sao ai cấm được người dân Việt Nam cứ “dị ứng” khi nhắc đến Trung Quốc.
Xin cám ơn ông!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xanh



Tôi không tin cường quyền, kẻ ác, kẻ xảo quyệt mãi sống nhởn nhơ
Tôi tin vệt nắng hồng cuối ngày ửng bức tường trăm năm
Tôi không tin kẻ ăn bám và lạnh lẽo mãi phởn phơ
Tôi tin vệt nắng vàng sớm mai ruộm sóng biển triệu năm
Tôi không tin những đặt điều dối trá mãi có chốn dung thân
Tôi tin vào luồng sóng ấm của những cái nắm tay lặng im vô hạn
Tôi không tin vào những lời nói của người hoảng loạn
Tôi tin vào ánh mắt xanh tin cậy rót lên mắt không đáy
Tương lai của một cuộc đời
Tương lai của một quốc gia
Chỉ có thể dựa trên sự trung thực
Chỉ có thể dựa trên sự mẫn cảm
Chỉ có thể dựa trên sự sáng suốt

Chỉ có thể dựa trên niềm tin.
Không còn niềm tin
Là hết.
Tương lai của một cuộc đời
Tương lai của một quốc gia
Dựa trên những người dám nghĩ dám làm
Dựa trên những người dám chịu trách nhiệm với việc mình làm

Chỉ có thể dựa trên niềm tin
Không còn niềm tin
Là hết.
Thật tiếc thay cho kẻ không nhận chân được ai thực là bạn ai giả làm bạn
Thật tiếc thay cho kẻ sợ bạo cường
Thật tiếc thay cho kẻ sợ bị cười chê mà phải sống giả dối bội tín
Thật tiếc thay cho kẻ dễ dàng bị thao túng bởi phường xảo trá giả danh chiến hữu trung trực ái nghĩa
Thật tiếc thay cho kẻ sống trên niềm tin của mọi người.
Thật tiếc thay cho kẻ trên vạn người mà tin dùng tiểu nhân lấy tiểu nhân làm trọng
Thật tiếc thay!
Tôi tin vệt nắng hồng cuối ngày ửng bức tường trăm năm.
Tôi tin vệt nắng vàng sớm mai ruộm sóng biển triệu năm.
Tôi tin vào luồng sóng ấm của những cái nắm tay lặng im vô hạn.
Tôi tin vào ánh mắt xanh tin cậy rót lên không đáy
bầu trời
cả bầu trời này
xanh cho mỗi tôi nhìn
cả bầu trời này
đang nhìn tôi xanh xao

chỉ có thể
lảm nhảm
một mình.
LHL
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thiên đường quá xa, kẻ thù quá đông và quá gần, đi đằng nào đây?

Má con cá lìm kìm lên tiếng

Con ơi là con, mầy tào lao quá đi.
Bây giờ hong lo lánh nạn ở đó mà trả thù với mượn thù.
Mầy chích được một thằng – để làm gì – hàng đống hàng đống kìa, mần sao chích hết. Cái kim của mầy mần đách gì được, nó mà quăng 1 lưới là họ hàng cả giòng đi tong, tao còn sống mấy lăm hơi nữa đâu. Làm ơn cho tao bình yên những ngày cuối cùng!
Hàng đống hàng đàng chết sắp lớp, VŨ KHÍ HÓA HỌC của tụi nó quá khủng khiếp đã tràn lan, ôi thật bẻ bàng, mau mau bơi ra xa thật xa con ơi.
Nhưng hỡi ơi!
Sức yếu thế cô, thấp cổ bé miệng ở đâu cho thoát?
Trên trời, mặt đất, dưới biển, cả ngoài đảo xa xôi đâu đâu cũng đầy kẻ thù nguy hiểm. Mạng người còn chưa thấy gì huống chi mạng cá chúng ta.
Cho nên
Mầy làm ơn câm họng cho má mầy nhờ!
Chúng ta lủi mau.
………
NHƯNG BƠI ĐƯỜNG NÀO ĐÂY HỠI TRỜI?????

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Đất nước" qua luận bàn bằng văn thơ


Những năm chiến tranh, cái nhìn về đất nước có sức gợi và động viên lòng người thật lạ. Những bài thơ có tên Đất nước (hoặc một ý tứ tương tự, luôn luôn là những áng thơ hay, được nhiều thế hệ con người thời chiến đón nhận với mọi cấp độ tình cảm, hầu hết là ngợi ca, là muốn truyền cảm hứng để lòng yêu quê hương đất nước càng thêm cất cánh...

Nhưng rồi công cuộc xây dựng đất nước sau đó không phải việc gì cũng làm được. Người ta thấy sức ỳ, thấy những khó khăn chồng chất, thấy hết những mặt trái tiêu cực của sự nghiệp xây dựng đất nước, đặc biệt là thấy nảy nòi một tầng lớp người mượn đà xây dựng và đổi mới để cướp trắng những thành quả của nhân dân,. Đó chính là bọn người biến chất, những quan gian tham và bọn người mang danh nghĩa kinh doanh nhưng thực chất là những hang ổ lợi dụng mối quan hệ, những trò đánh quả, chia chác với quyền lực. Nó đã và đang làm thui chột các thành tựu mà hồi đầu xây dựng đất nước và đổi mới đã đạt được, giờ đây tệ hại hơn nữa là liên minh ma quỷ giữa 2 thế lực trên đã tàn phá đất nước này ghê gớm.

Chính vì lẽ đó, khi bùng lên câu chuyện "bãi biển miền Trung bùng lên chuyện cá chết", rồi "đồng bằng Nam Bộ khô kiệt nhiễm mặn", kế tiếp "thực phẩm bẩn đe dọa khắp nơi", cùng là "một môi trường sống của đất nước hầu hết bị các nhóm lợi ích núp sau tàn phá"..., tất cả dội lên thành một khung cảnh, một lý do để xuất hiện của nhiều tác phẩm văn nghệ, có thơ ca, ca dao hò vè... trong số đó có bài thơ nhanh chóng nổi tiếng thế giới mạng của một cô giáo tỉnh Hà Tĩnh.

Nhận thấy đây không còn là một bài thơ hiểu đơn thuần nữa, mà nó mang một dấu ấn của tâm trạng con người, tâm trạng của đất nước trong thời điểm hiện nay. Đó là khi những người có lương tri không thể bàng quan với hiện tình đất nước, không thể cho qua những trăn trở khúc mắc trong tâm tư mỗi khi "tự vấn" về tình tự, tình yêu đối với đất nước và nhân dân của mình...

Xin đưa laik đây bài thơ "nguyên thủy" của cô giáo Trần Thị Lam cũng như những bài viết xung quanh sự kiện có bài thơ trên. Tại đây, như vấn đề của bất cứ sự kiện gì, nhất là về văn học nghệ thuật, có ý kiến xuối và ý kiến không xuôi (ngược). Tôn trọng mọi ý liến, chủ blog tôi xin đưa cả lên để rộng đường dư luận.

Vệ Nhi

------
     

Về bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" & những câu chuyện xung quanh


Bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" của cô giáo Trường năng khiếu Hà Tĩnh Trần Thị Lam được đăng trên trang Facebook của cô, đã nhận được sự chia sẻ mạnh mẽ của cộng đồng mạng. Nhận thấy có nhiều ý kiến trái chiều, cô giáo đã tự khóa Tài khoản, gỡ bài, sau đó mở lại trang Fb. Tuy vậy, đã có nhiều lời đồn thổi về việc cô bị "xử lý".


Trong khi cô vẫn đi dạy học, vẫn lên Fb, thì có tin đồn cô bị kỷ luật, bị nghỉ dạy học. Theo Báo Infonet, cô Lam thừa nhận bài thơ đó do cô sáng tác theo cảm hứng nhất thời chứ không nhằm mục đích gì khác. 


Về dư luận đồn thổi sau khi cô Lam đăng tải bài thơ trên bị công an tỉnh điều tra, nhà trường kỷ luật, Thầy Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT năng khiếu Hà Tĩnh cho biết: ''Mấy ngày nay, trên mạng xã hội cho rằng, cô Lam bị kỷ luật. Thực tế không phải thế, cô vẫn đi dạy bình thường. Bài thơ cô viết là quyền cá nhân, riêng tư của cô, nhà trường không can thiệp. Nhà trường không có lý do gì kỷ luật cô Lam hết'' .


Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh, ông Phan Tấn Linh, cũng nói: “Hiện tại không có chuyện xử lý kỷ luật đối với cô giáo Làm như lời đồn đại. Tôi cũng khuyên mọi người nên cẩn thận, chọn lọc trước khi nghe tin tức, tránh những tin tức kích động, gây bạo lực”.





Bức ảnh trên, do cô giáo Trần Thị Lam đăng trên trang Fb của mình vào khoảng 18 giờ ngày 28/4 năm 2016. Kèm theo, có một số bình luận về bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" như sau:


Ly Cà Phê Đắng

Chẳng có gì là quá đâu em
Loạn thông tin kền kền xưng bá
Ngư dân ta đã bao ngày vất vả
Cá chết thiệt 10, đồng loại giết 100.

Đất nước mình lạ quá phải không em
Thông tin thiếu nên dễ dàng bị dắt
Đám truyền thông tha hồ bày đặt
Để bao người giận giữ bởi tin điêu


... À em ơi đất nước không lặng im
Sẽ lên tiếng và sẽ cùng tranh đấu
Mất niềm tin là mất đi cuộc sống
Trước mắt kẻ thù sau cát trắng thay cơm


Phạm Minh Hương

Ông cha minh không có lỗi đâu em
Trong lịch sử 4000 năm dựng xây đất nước
Bao nhiêu máu và mồ hôi đã mất
Để có những ngày ta sống tự do

Cha ông minh không có lỗi đâu em
Lỗi tại quan tham, tại những người làm ăn bất chính
Gieo tai ương xuống cuộc sống con người

Em đừng trách cha ông
Bởi cha ông đã nuôi em khôn lớn
Thành cô giáo trường làng dạy những điều hay


Nguyen Ky Nam
Đọc những thông tin trên mạng lo ngại cho em, thử tìm trang xem còn không nhưng đã thấy...

Sông Lam Núi Hồng 
Sau bài thơ của em, có lẽ những bánh Chưng , bánh Tét ( nặng hàng tạ , hàng tấn ) ko còn nữa - Thật hợm hĩnh.

Phan Khắc Nam (Bài này Đào Thu Hương đăng trên trang của mình trước ý kiến này 4 giờ)
Chẳng có gì là ngộ quá đâu em
Một dân tộc đứng dậy từ bùn đen
Vẫn rạng ngời trong phong ba bão tố…
Và cuộc sống quanh ta là ẩn số
E biết rồi mà vẫn hỏi tại sao?

Dù đất nước qua bao cuộc binh đao
Nhưng lẽ phải luôn rạng ngời chân lý
Hãy yên tâm và vững bền ý chí
Lao động hết mình và thiện chí thương nhau
Cùng chung sức vượt qua mọi nỗi đau

Xây đất nước vững bền từ ý chí
Vững lập trường cùng xã hội ngả nghiêng
Trong xã hội giờ lắm anh ” hùng iêng”
Miệng gào thét” hô mưa và gọi gió”
Họ có thể biến nhiều không thành có

Mộng xa vời và ảo tưởng triền miên
Cây đang thẳng mà nói rằng bị nghiêng
Người đang sống mà kêu rằng đã chết
Thật là buồn có phải vậy không em?

Dù vất vả mặt mũi có lem nhem
Tâm trong sáng thì lo gì sự thật
Cuộc sống kia vẫn muôn vàn tất bật
Hãy vững lòng và chia sẻ cùng anh

Một bầu trời sẽ vẫn mãi trong xanh
Mặc ai đó vẫn cho là nó tối
Và chân lý sẽ đưa đường chỉ lối
Đón anh về và hạnh phúc bên em..



Trước đó, vào ngày 26 tháng 4 năm 2016, trên trang Fb của mình,  Nguyen Thi Hanh Loan đăng bài thơ như sau:

TRƯỚC BIỂN

Nếu ngày mai giặc có đến từ biển Đông
Thì ai sẽ tòng quân lên đường giữ biển
Hay sẽ hiện nguyên hình những "anh hùng bàn phím"
Giong trống, mở cờ sau lá chắn những hàng quân

Hỡi những ai đang đau đáu cho giang san
Có ngẫm mình đã làm gì cho đất nước
Có nghĩ ta lắm khi cũng bê tha, lười nhác
Cũng khó ở trong lòng khi gà hàng xóm gáy vang
Cũng nhỏ nhen, cơ hội, luốc lem
Cũng thấy cái bất bằng, trái ngang mà làm ngơ ngoảnh mặt
Cũng thờ ơ đi qua một người ăn mày tội nghiệp
Cũng cười thấy may khi tai ương rơi vào ai mà không rớt xuống đầu mình
Cũng mê ghế cao, cũng thích đếm tiền
Cũng muốn có tấm bằng thơm tho để chờ thời cơ được đưa vào cơ cấu
Cũng năm ngón tay chỉ người này tốt, xấu
Nếu dám bua xua làm trái ý mình.

Rồi ta cũng đi vái tứ phương, lạy khắp chùa chiền
Giẫm đạp lên nhau chỉ để cầu mình may hơn một ngàn lần kẻ khác

Có lúc nào nghĩ mình chỉ là hạt cát
Bên đại dương bãi biển của muôn người
Sao không tung hoành khắp bốn phương trời
Dám bỏ bút nghiên để đi trồng rau sạch
Dám thành tỷ phú nhà nông mà không cần bằng cấp
Miễn xanh ngát cây đời bao thế hệ mai sau

Hơn 40 năm đất nước chẳng ngớt binh đao
Anh ạ, em chỉ muốn bình yên bên mâm cơm nhỏ
Sáng đi làm, chiều đón con, tối dạo chơi đầu phố
Xương máu cha ông đánh đổi quá đủ rồi
Và anh sẽ cùng em ngắm bình minh lộng lẫy biển khơi
Sẽ thấy đại dương mãi bao dung và độ lượng
Sẽ thấy mình nhỏ nhoi hèn kém
Nếu chẳng làm gì cho đất nước hôm nay...

26/4/2016.


Tham khảo một số bài thơ đáp lại

EM LÀ AI?
-Trọng Tín=

Sao em bảo: Dân ta không chịu lớn?
Em là ai, trên đất nước chúng ta?
Dân tộc mình đã vượt mọi phong ba
Rũ bùn đen, đứng dậy, chói lòa*
Đánh tan tác bao nhiêu quân xâm lược
Dựng xây nên cuộc sống bình yên!
Có bao giờ em tự hỏi em
Đã lớn chưa? Đã làm gì cho đất nước?
Con đường đi, luôn luôn phía trước
Dù gập ghềnh, và lắm chông gai
Vậy cho nên cần lắm những con người
Có niềm tin, biết hướng đi, dấn bước…
__________
* Ý thơ Nguyễn Đình Thi


Thảo Nguyên 
Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng sục sôi với bài thơ của cô giáo Lam về cái "Ngộ" của đất nước mình. Tôi tự hỏi, với những trăn trở trong cách "nhìn" của cô giáo Lam như vậy thì cô sẽ dạy các em học sinh những gì đây? Không phải chỉ riêng cô giáo Lam mà có vô vàn cô giáo khác cũng đang cổ suý và vô tình làm cho học trò của mình "ngộ độc" thông tin, rối ren thêm tình hình đất nước trong lúc khó khăn này. Và rất có thể địch chưa đánh mà ta đã thua vì chính dân ta tự đánh dân ta. Vậy là ta trúng kế, trúng âm mưu thâm độc của kẻ thù rồi. Rất mong bạn bè và những người thân yêu của tôi hãy cảnh giác trước mọi thông tin và bình tĩnh suy xét kỹ. Đừng vô tình tiếp tay cho kẻ địch....
Xin mượn lời thơ của các văn nghệ sỹ gửi tới cô giáo Lam và những người thân yêu của tôi. Mong mọi người hãy nâng cao tinh thần cảnh giác!...
VÔ ĐỀ
Nếu đất nước ngàn năm không chịu lớn
Thì bây giờ em chẳng thể gọi tên
Nếu dân tộc đớn hèn như em nghĩ
Thì còn đâu dải bờ cõi nối liền

Em đã quên những bài ca bất hủ
Cha ông ta ba lần thắng quân Nguyên
Em đã quên máu trào Điện Biên Phủ
Để Việt Nam trên thế giới có tên

Em đã quên hàng triệu người trong đất
Để hôm nay Tổ Quốc ngẩng cao đầu
Em đã quên bao linh hồn bất tử
Đang vật vờ đâu đó giữa biển sâu

Em đã quên và đã quên nhiều quá
Lời em kêu sao buồn đến rụng rời
Sao không hỏi mình làm gì đi nhỉ
Mà lại trao câu hỏi ấy cho người

Dân tộc này không bao giờ chết được
Nếu diệt vong chỉ có lũ sâu thôi
Những đứa con dù sống hay đã chết
Vẫn ngàn năm quấn quít trái tim Người."

- (Nguyễn Hữu Thao) -
====
 


ĐẤT NƯỚC MÌNH CÓ GÌ NGỘ ĐÂU EM!
(Fb Trần Đức Cường - Trả lời cô giáo Lam)
Đất nước mình có gì ngộ đâu em!
Bốn ngàn tuổi – bốn ngàn năm văn hiến
Bốn ngàn tuổi - bốn ngàn năm chinh chiến
Máu ông cha thấm đẫm núi sông này.

Đất nước mình có gì lạ đâu em!
Dâng bánh chưng tưởng nhớ về tiên tổ
Dự án, tượng đài nước nào chả có
Sinh mạng con người tùy ở trí mình thôi.

Đất nước mình có gì buồn đâu em!
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng trùng điệp và biển xanh thao thiết
Những con thuyền vượt sóng tới trùng xa...

Đất nước mình có sầu thương đâu em!
Mỗi đứa trẻ sinh ra ấm vành nôi, ngọt sữa
Di sản cho mai sau được bảo tồn, gìn giữ
Đứng trước năm châu không hổ thẹn, cúi đầu...

Đất nước mình rồi sẽ chẳng về đâu
Sẽ đứng vững dù can qua, bão tố
Yêu đất nước, em chuyên cần dạy dỗ
Góp sức mình xây đất nước phồn vinh.
====
 


 SAO EM BUỒN MÀ HỎI ĐẤT NƯỚC VỀ ĐÂU?
- Phúc Trần -
Đất nước mình không ngộ lắm đâu em
Ai đi xa luôn dạt dào nổi nhớ
Là dân Việt lòng ai không trăn trở
Ai không người nặng nợ với non sông

Em có biết đất nước về đâu không ?
Khi lòng người vẫn nhỏ nhen ganh tị
Đem thù hận, đớn hèn và ích kỷ
Gieo vào lòng thế hệ trẻ hôm nay 

Người Việt mình sao không tỉnh cơn say
Sao lắm kẻ mãi ăn mày dĩ vãng
Sao không hiểu muốn quốc gia xán lạn
Cần mọi người cùng góp sức, chung tay

Đất nước mình không ngộ lắm đâu em !
Anh vẫn nhớ những đói nghèo, khốn khó
Chuyện áo cơm nên dang dở học hành
Của ngày đầu đất nước thoát điêu linh

Đất nước này không buồn thế đâu em
Đói khổ, đắng cay qua rồi năm tháng
Em hãy tin một ngày mai xán lạn
Sánh vai cùng bốn bể, năm châu
Sao em buồn và hỏi đất nước đi về đâu?
Blog NG.V
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bản Đá Bia, nét đẹp của một vùng hoang sơ


Bản Đá Bia thuộc xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Chỉ cách trung tâm Hòa Bình khoảng 100km, nơi đây là địa điểm lý tưởng cho những du khách muốn tạm xa ồn ào của đô thị, khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu về đời Nếp sống văn hóa của dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mường nói riêng.

< Đường vào bản Đá Bia.

Bản Đá Bia là một điểm đến phù hợp với nghỉ dưỡng đơn thuần, hội tụ đầy đủ yếu tố thiên nhiên, văn hóa người bản địa và là nơi đem lại cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị.

< Cung đường trekking Suối Móng.
Dulichgo
Bản Đá Bia gần lòng hồ Sông Đà, từ bản Đá Bia có thể đi tới nhiều điểm tham quan khác như Oi Nọi, Bè Cá Sông Đà, suối Móng – nơi được mệnh danh là Hạ Long trên núi,… Tại đây, du khách có thể xuống thuyền tham quan lòng hồ, trekking, đạp xe sang các bản gần đó.

< Cô chủ Nhềm đang chuẩn bị bữa tối cho khách.

Bên cạnh việc trải nghiệm cuộc sống của dân tộc Mường, du khách còn cảm thấy thích thú với những phiên chợ tạm như chợ Ké (xã Hiền Lương), chợ Hạt (xã Yên Hòa), chợ Tràng Ang (xã Vầy Nưa), chợ Cửa Nánh ( xã Suối Nánh), chợ Mọc (xã Đồng Nghê) và cuối cùng là phiên chợ Oi Nọi của xã Tiền Phong. Đặc điểm của những phiên chợ tạm này là thường họp vào sáng sớm và kéo dài chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ.

< Phòng cho khách.
Dulichgo
Anh Nguyễn Giang Nam, Giám đốc Công ty Du Lịch Asia Pacific cho biết: “Dịch vụ ở đây đa dạng vì điểm đến này có đủ núi, sông, văn hóa, ẩm thực phong phú nên cũng vì thế có nhiều cách để khách du lịch có thể trải nghiệm. Chất lượng các dịch vụ có thể coi là đủ đáp ứng du khách khi tới lưu trú”.

< Đến bản Đá Bia, du khách được chìm đắm trong thiên nhiên hoang sơ.

Giữ được nguyên vẹn những gì thuộc về tự nhiên là một điểm thu hút đặc biệt của bản Đá Bia đối với du khách đam mê khám phá. Thật tuyệt vời khi du khách có thể cảm nhận được cái lạnh của núi rừng, cảm nhận được từng áng mây trắng bồng bềnh quấn quanh đỉnh núi và cả tiếng chim hót vang cả một vùng trời.

< Du khách có thể xuống thuyền tham quan lòng hồ.
Dulichgo
Hiện bản Đá Bia đang được tổ chức AFAP của Australia mở mô hình thí điểm Homestay với 2 cơ sở là Ngọc Nhềm và Đình Thu. Điểm đến này hứa hẹn sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những du khách muốn tìm kiếm và trải nghiệm những vẻ đẹp tự nhiên còn hoang sơ.

Theo Báo Hải Quan
Du lịch, GO!
Phần nhận xét hiển thị trên trang