Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Trả lương không theo năng lực và cống hiến thực tế, lại theo "bằng cấp", dẫn đến việc chạy đua chất lượng giả mạo về bằng cấp:

GS Trần Văn Thọ: Quá nhiều nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ


Học tiến sĩ không phải để đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo; luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Bài này tôi viết để đóng góp vào Đề án cải cách giáo dục Việt Nam do một số trí thức trong và ngoài nước thực hiện vào năm 2008. Toàn bộ nội dung của Đề án được đăng trên Thời đại mới số 13, tháng 3/2008.
gs-tran-van-tho-qua-nhieu-nhan-thuc-sai-lam-ve-bang-tien-si
GS Trần Văn Thọ.
Một số nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ:
1. Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng tiến sĩ. Bằng tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
2. Nghiên cứu sinh không cần phải có ý kiến mới để được nhận vào chương trình tiến sĩ, nhưng nghiên cứu sinh phải có đủ trình độ để từ quá trình học, nắm được phát triển lý thuyết cơ bản và kiểm chứng lý thuyết bằng thực tiễn trong ngành trên thế giới, từ đó biết được vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp và từ đó có đóng góp mới về mặt học thuật.
3. Luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa ba vụ. Luận án tiến sĩ phải có tính học thuật (academic), triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả lý luận, kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Quan trọng nhất luận án phải có tính độc sáng (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.
Từ những nhận định trên bài viết bàn về yêu cầu thẩm định lại trình độ của giáo sư hướng dẫn, và các trường, viện đào tạo hiện nay, chấm dứt ngay những cơ sở không có tư cách cấp bằng.
Một trong những căn bệnh trầm trọng mà chế độ giáo dục đào tạo của Việt Nam trong mấy mươi năm qua gây ra cho xã hội ta là làm lạm phát văn bằng tiến sĩ, là đưa chuẩn mực của học vị cao nhất trong khoa học này xuống mức thấp ngoài sự tưởng tượng của người làm khoa học nghiêm túc. Nhiều người, kể cả người viết bài nầy, đã cảnh báo, phê phán vấn đề này từ rất sớm và đã có nhiều đề nghị cải cách rất cụ thể và khả thi. Thế nhưng vấn đề này không được cấp lãnh đạo cao nhất quan tâm, còn các cơ quan quản lý trực tiếp, chủ yếu là Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì hầu như bất lực.
Gần đây nhà nước có vẻ đã thấy không thể không hành động trước tình trạng đã quá trầm trọng. Cụ thể là vào tháng 1/2008 Bộ Giáo dục đã công bố bản Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ (dưới đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là lần đầu tiên vấn đề đào tạo tiến sĩ được đặt ra tương đối nghiêm túc. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo có nhiều điểm không khả thi, và nhiều điểm cho thấy người đặt chính sách chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc đào tạo bậc tiến sĩ và yêu cầu của luận án tiến sĩ.
Mặt khác, Dự thảo chủ yếu nói đến việc xây dựng quy chế cho những cơ sở đào tạo mới và không đề cập đến việc xử lý những văn bằng tiến sĩ sản sinh trong quá trình vàng thau lẫn lộn vừa qua, cũng như không nói rõ vấn đề cải tổ, thanh lọc những cơ sở đào tạo ra đời trong bối cảnh bê bối hàng chục năm qua. Vì đã có nhiều dịp phát biểu ý kiến về vấn đề đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, dưới đây tôi chỉ nêu lại một số vấn đề xét thấy cần đặt lại hoặc viết thêm trong giai đoạn hiện nay:
Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là gì?
Thế nào là một luận án tiến sĩ?
Tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn và cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Việc đánh giá và cấp bằng tiến sĩ nên làm như thế nào?
Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là gì?
Trong kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ (đến năm 2020), suy nghĩ của người làm kế hoạch khá đơn giản và không thực tế. Ngoài tính bất khả thi, ta thấy nhà nước có suy nghĩ rất đơn giản, để phục vụ nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần phải có một đội ngũ những nhà khoa học, cụ thể là đội ngũ của những người có học vị tiến sĩ. Không biết từ bao giờ đã có một quan niệm sai lầm rằng bất cứ người làm trong ngành nào, kể cả quan chức và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người có học vị càng cao càng “lãnh đạo” giỏi.
Do quan niệm sai lầm này, nhà nước đã cấp kinh phí cho quan chức đi học (làm nghiên cứu sinh) tại chức để lấy bằng tiến sĩ, và xem văn bằng này là một trong những tiêu chuẩn để đề bạt lên chức vụ cao hơn. Do vậy quan chức tranh nhau đi học để lấy bằng và nạn học giả lấy bằng thật trở thành phổ biến. Quan điểm và chính sách này đã làm lãng phí nguồn lực xã hội và gây ra nạn lạm phát văn bằng tiến sĩ. Quan niệm sai lầm và chính sách chạy theo số lượng trong khi các tiền đề xây dựng cơ sở đào tạo chưa được xác lập đã hạ thấp (một cách kinh khủng) chuẩn mực văn bằng tiến sĩ là hệ quả đương nhiên.
Do đó hơn bao giờ hết cần xác định mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Đó là tạo ra một đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện ở đại học hoặc các viện nghiên cứu của cơ quan nhà nước hoặc của doanh nghiệp (nhất là nghiên cứu ứng dụng), nhưng người thuần tuý quản lý doanh nhgiệp hoặc quản lý hành chánh không cần văn bằng tiến sĩ. Dĩ nhiên có trường hợp một số quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có bằng tiến sĩ.
Đó là trường hợp những người nguyên đã có dự định theo con đường nghiên cứu hoặc giảng dạy ở đại học nhưng sau đó tìm thấy khả năng của mình ở lãnh vực quản lý doanh nghiệp hoặc nhà nước. Cũng có trường hợp họ không thành công trong dự định ban đầu. Ở Nhật hay ở Mỹ người có bằng tiến sĩ khó tìm việc ở cơ qụan hành chánh nhà nước hoặc doanh nghiiệp hơn là người chỉ có bằng đại học (dĩ nhiên trừ trường hợp xin vào các viện nghiên cứu của doanh nghiệp hoặc của nhà nước).
Thế nào là một luận án tiến sĩ?  
Mới đây Bộ trưởng Giáo dục tuyên bố một câu được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Nếu không tìm được vấn đề gì mới thì đừng đi học tiến sĩ”. Tôi ghi nhận chủ ý tích cực của câu tuyên bố này. Bối cảnh của tuyên bố này là tình trạng có nhiều luận án tiến sĩ chỉ là sự sao chép hoặc tổng kết các nghiên cứu của người khác và cần phải chấm dứt tình trạng này. Nhưng câu tuyên bố này khó hiểu đối với người làm khoa học, nhất là đối với người phụ trách đào tạo tiến sĩ nghiêm túc.
Ta có thể đặt lại vài câu hỏi sau: Thứ nhất, một người định thi vào bậc tiến sĩ (thi làm nghiên cứu sinh) có cần phải có sẵn một đề tài mới? Hay là đề tài mới chỉ được phát hiện trong quá trình học tập vất vả, phải biết vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp? Thứ hai, thế nào là “mới”? Có thể là mới trong một thực tiễn nào đó nhưng chẳng có ý nghĩa gì đối với khoa học. Chẳng hạn, làm sao để huy động vốn trong dân ở tỉnh A hay tại một thành phố B có thể là mới vì chưa ai nghiên cứu vấn đề cụ thể này nhưng đề tài tự nó chưa nêu ra được điểm gì mới về học thuật. Cần nói thêm là các đề tài luận án tiến sĩ kinh tế trong hơn 10 năm qua ở Việt Nam phần lớn có tính cách thưc tiễn và thiếu tính học thuật như vậy. Tôi đã víết khá chi tiết về điểm này trên Tia sáng (9/2003). 
Vậy trình độ của người được cấp bằng và chuẩn mực khách quan của luận án tiến sĩ là gì? Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Người được cấp bằng tiến sĩ do đó phải am hiểu các lý luận cơ bản, các khung phân tích trong ngành mình và nắm vững các khái niệm, các khung phân tích, các lý luận và những tiến triển nghiên cứu mới trong ngành chuyên môn hẹp của mình. Những kiến thức cơ bản này được trang bị từ các cấp bậc đại học và thạc sĩ, nhưng ở bậc tiến sĩ phải được tiếp tục ở trình độ cao hơn và nhất là phải có cơ chế kiểm tra nghiêm túc để bảo đảm cho ứng cử viên học vị này hội đủ các điều kiện đó.
Trình độ của ứng cử viên tiến sĩ được thử thách và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ phải có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là tính học thuật (academic) trong đó vấn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai là tính độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới. Cái “mới” trong khoa học là như vậy.
Cần nói thêm rằng đòi hỏi chính của luận án tiến sĩ là sự đóng góp về mặt lý luận và luận án là bằng chứng cho thấy ứng cử viên tiến sĩ có trình độ nghiên cứu độc lập, chứ không đòi hỏi phải giải quyết một vấn đề thực tế (dĩ nhiên nếu kết quả nghiên cứu góp phần giải quyết một vấn đề thực tiễn thì càng tốt nhưng đó là thứ yếu). Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tùy theo nhu cầu công tác lúc đó mới cần nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tại Việt Nam, chí ít là trong lãnh vực kinh tế, hình như đa số hiểu sai về ý nghĩa của luận án tiến sĩ. Các đề tài của một luận án tiến sĩ kinh tế học ở Việt Nam thường là "Những giải pháp để…” (chẳng hạn, những giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ chiến lược công nghiệp hoá). Những vấn đề này dĩ nhiên có thể được chọn là đối tượng nghiên cứu nhưng đó chỉ là trường hợp được chọn để kiểm chứng một vần đề có tính cách lý luận chứ không phải nhằm để giải quyết một vấn đề thực tế.
Ở Việt Nam, được biết nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ tốn hàng tỷ đồng và huy động hàng chục nhà nghiên cứu nhưng ít có công trình trực tiếp giải quyết vấn đề thực tiễn mà tại sao lại kỳ vọng ở công trình của một nghiên cứu sinh? Các đề tài này chẳng nêu ra được những câu hỏi có tính lý luận nên chẳng có giá trị về mặt học thuật, và về mặt thực tế cũng chẳng thấy cơ quan nào của nhà nước đã tham khảo các luận án ấy. Thật ra một người tốt nghiệp đại học thuộc loại giỏi chỉ cần vài tháng là có thể hoàn thành một bản báo cáo về những đề tài như vậy. Trong thời gian qua ở nước ta các bản báo cáo như vậy vẫn được gọi là luận án tiến sĩ. Chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam quá thấp là vì vậy.
Cũng do quan niệm sai lầm ở Việt Nam về việc “ép” nghiên cứu sinh phải chọn một đề tài về mới về thực tiễn (dù không có giá trị về học thuật) mà trong quá khứ một số đề tài liên quan đến an ninh, quốc phòng, được phép bảo vệ không công khai. Bản Dự thảo nói trên cũng có quy định về những trường hợp không công khai việc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Theo tôi, mọi luận án tiến sĩ đều phải được công khai. Nếu vì an ninh hoặc quốc phòng thì không cho nghiên cứu sinh chọn những đề tài như vậy. Như đã nói ở trên, mục tiêu đào tạo tiến sĩ là xây dựng những con người khoa học có trình độ nghiên cứu độc lập và đảm trách việc giáo dục đại học chứ không phải là nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế. Những đề tài thực tiễn và cấp thiết như vậy thì nên giao cho người đã có khả năng nghiên cứu độc lập, kể cả người đã lấy bằng tiến sĩ.
Ông Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật Bản du học. Ông lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin, Tokyo. Từ năm 2000 đến nay, ông làm giáo sư kinh tế Đại học Waseda, Tokyo.
Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của thủ tướng Nhật, ông Thọ là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời thủ tướng Nhật.
GS Trần Văn Thọ
Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tai họa biển miền trung chưa chấm dứt:

Cá biển lờ đờ lại ào ạt vào bờ, 
cá nuôi chết hàng loạt


Người lao động
03/05/2016 18:28

(NLĐO)-Nhiều loại cá biển trôi dạt vào bờ ở cửa biển Thuận An và phá Tam Giang (Thừa Thiê- Huế) trong tình trạng lờ đờ. Trong khi đó cá nuôi của người dân ở khu vực này lần đầu tiên bị chết hàng loạt.

Chiều 3-5, Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng chính quyền chức năng đã tiến hành thu gom được 1,1 tấn cá nuôi của 23 hộ dân thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang để đưa đi tiêu hủy sau khi bị chết.

Thu gom cá nuôi bị chết tại thị trấn Thuận An

Đây là những loại cá do người dân nuôi ở cạnh cửa biển Thuận An phía bờ Nam, trong đó hộ bị nặng nhất có trên 3 tạ cá chết, cá nặng từ 0,3-1,2 kg. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá nuôi chết tại địa phương này. Ông Trương Viết Phương, một hộ dân có gần 1 tạ cá vẩu bị chết, cho biết: “Vào sáng sớm, sau khi thủy triều lên thì cá tôi xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ như thiếu ô xy, vài giờ sau thì chết chìm xuống đáy lồng”.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số lượng cá chết từng hộ dân

Trong khi đó, phía bờ Bắc cửa Thuận An thuộc thôn 2 xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) tình trạng nhiều loài cá biển trong trạng thái lờ đờ, ào ạt dạt vào bờ và phá Tam Giang cũng xuất hiện khá nhiều vào cùng thời điểm. Hiện tượng cá vẩu, cá chẽm nuôi cạnh cửa Thuận An của người dân Hải Dương cũng bắt đầu chết.
Đưa cá nuôi bị chết tại thị trấn Thuận An đi tiêu hủy chiều 3-5

Ông Nguyễn Châm, một hộ nuôi cá tại đây, cho biết vào buổi sáng 3-5 thì cá vẫn ăn bình thường, ít lâu sau xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ và chết.

Cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Trần Duy Tuyến, Bí thư Thị ủy Hương Trà cùng nhiều cơ quan chức năng đã về xã Hải Dương kiểm tra tình hình.
Đào hố chôn cá chết tại thị trấn Thuận An

Ông Tuyến cho biết trước đây tại xã Hải Dương tình trạng cá biển chết chỉ rải rác, cá nuôi không bị, nhưng đến thời điểm này lại ảnh hưởng rất nặng nề, trong đó có khoảng 70 kg cá biển trong tình trạng lờ đờ được chính quyền địa phương thu gom, tiêu hủy. “Hiện tượng này xuất hiện sau khi thủy triều lên. Nhiều lồng cá nuôi cũng bị như vậy, một số đã bị chết nhưng chưa thể thống kê chính xác số lượng” - ông Tuyến cho biết.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền thị xã Hương Trà đã tiến hành thu mua lại của người dân số lượng cá biển trôi dạt vào với giá 10.000 đồng/kg đưa đi tiêu hủy, tránh tình trạng mang đi bán. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cử người túc trực 24/24 giờ tại cửa biển, khu nuôi cá để thu góm cá chết.

Hiện, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành lấy mẫu cá và nước tại các khu vực này để phân tích các chỉ số.

Trước đó, các mẫu nước lấy ở các cửa biển ngày 30-4, đưa đi phân tích đã cho kết quả nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển vùng ven bờ, và đảm bảo cho mục đích nuôi trồngthủy hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước. Tuy nhiên, không hiểu sao bây giờ cá lại chết.
Quang Nhật
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái này thì ngay từ hôm qua, đài Tàng hình đã đưa tin:

Tàu du lịch Mỹ đầu tiên đến Cuba sau nửa thế kỷ

Tàu du lịch Adonia cập bến La Habana, 02/05/2016.

Một chiếc tàu du lịch hôm qua 01/05/2016 đã từ Hoa Kỳ lên đường đến Cuba. Đây là chiếc tàu Mỹ đầu tiên đến đảo quốc từ nửa thế kỷ qua, nhờ quan hệ giữa Washington và La Habana nay đã tan băng.
Chở theo 700 hành khách, tàu Adonia của hãng Fathom, chi nhánh tập đoàn Mỹ Carnival, đã nhổ neo vào 16 giờ hôm Chủ nhật tại cảng Miami, bang Florida, nơi tập trung cộng đồng người Cuba ở Hoa Kỳ. Hôm nay tàu mới đến La Habana, điểm đầu tiên trong chuyến du hành kéo dài một tuần ở đảo quốc cộng sản.


Công ty Fathom dự định tổ chức hai chuyến tàu du lịch mỗi tháng, với mục đích xúc tiến trao đổi văn hóa giữa hai nước. Tuy nhiên công ty này phải vượt qua nhiều trở ngại về thủ tục hành chính. Mãi đến tuần trước, chính quyền Raul Castro mới dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng đối với người Cuba muốn đi hoặc đến Mỹ bằng đường biển.

Ban đầu Carnival từ chối cho người Mỹ gốc Cuba đặt chỗ, nhưng do bị chỉ trích, tập đoàn du lịch đường biển đứng đầu thế giới đã chấp nhận bán vé cho những người sinh tại Cuba. Sau đó, chính quyền La Habana đã tháo gỡ tiếp những rào cản có từ thời chiến tranh lạnh.

Kể từ nay, người Cuba có thể lên tàu đến hoặc rời đảo quốc, với tư cách hành khách hay thủy thủ đoàn của tàu hàng hay tàu du lịch. Những người Cuba sang Mỹ định cư trước năm 1971 cần phải xin visa đặc biệt, nhưng những người đi sau chỉ cần có hộ chiếu Cuba là đủ.

Công dân Mỹ có thể đến Cuba, dù lệnh cấm vận kinh tế từ năm 1962 của Hoa Kỳ quy định phải đáp ứng các tiêu chuẩn đối với 12 loại hoạt động được cho phép, chủ yếu liên quan đến tín ngưỡng, giáo dục đại học, thể thao, văn hóa.

Chiếc Adonia dự kiến có những hoạt động văn hóa tại nhiều cảng. Hôm nay tại La Habana, thứ Năm 5/5 tại Cienfuegos và thứ Sáu 6/5 ở Santiago, diễn ra các cuộc gặp gỡ với các nghệ sĩ, nhạc sĩ, dạy khiêu vũ, hướng dẫn tham quan.

Carnaval là tập đoàn đầu tiên được cả Mỹ và Cuba cho phép tổ chức du hành giữa hai nước, kể từ sau cách mạng Cuba năm 1959. Mỗi hành khách phải trả 1.800 đô la, và hạng sang nhất lên đến 7.000 đô la.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160502-tau-du-lich-my-dau-tien-den-cuba-sau-nua-the-ky
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ-Ấn bàn việc chống tàu ngầm xâm nhập vì lo ngại Trung Quốc



Ấn Độ và Hoa Kỳ đang thảo luận về việc giúp đỡ lẫn nhau truy lùng các tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. Reuters hôm nay 02/05/2016 dẫn lời các viên chức quân sự cho biết như trên. Việc hợp tác này có thể giúp siết chặt quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn trước tình hình Trung Quốc tăng cường các hoạt động dưới đáy biển.
Cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đang hết sức quan ngại trước tầm vóc và tham vọng của Hải quân Trung Quốc, hiện đang ngày càng hung hăng hơn tại Biển Đông đồng thời thách thức vị thế hiện nay của New Delhi ở Ấn Độ Dương. Sau nhiều thập kỷ do dự không muốn ngả về phía Mỹ, rốt cuộc tháng trước Ấn Độ đã chấp nhận mở cửa các căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ, để được chuyển giao công nghệ vũ khí nhằm rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc.


Hai bên cũng cho biết Hải quân Mỹ-Ấn sẽ bàn thảo về việc chống chiến tranh tàu ngầm (ASW), một lãnh vực kỹ thuật quân sự nhạy cảm và về mặt chiến thuật, chỉ có các đồng minh gần gũi mới chia sẻ cho nhau. Các viên chức Hải quân Ấn Độ nói rằng tàu ngầm Trung Quốc được phát hiện trung bình bốn lần mỗi ba tháng. Một số được trông thấy gần các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, nối với eo biển Malacca, ngõ vào Biển Đông mà hiện trên 80% số nhiên liệu cung ứng cho Trung Quốc phải đi qua.

Hoa Kỳ và Ấn Độ đã tiến hành tập trận hải quân chung, đều sử dụng kiểu phi cơ P-8 mới, nên có thể chia sẻ dễ dàng hơn các thông tin siêu nhạy cảm về các hoạt động của tàu ngầm. P-8 là vũ khí săn tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị các bộ cảm biến có thể truy tìm và nhận diện tàu ngầm bằng sóng siêu âm và các phương tiện khác.

Phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ từ chối đưa ra lời bình luận, nhưng một nguồn tin khác cũng của binh chủng này nói với Reuters là mục tiêu sắp tới của cuộc tập trận chung sẽ diễn ra ở phía bắc Biển Philippines vào tháng Sáu tới là nhằm chống tàu ngầm xâm nhập. Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ và cũng đang truy lùng tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, cũng sẽ tham gia.

Theo các chuyên gia, có hai nhân tố liên quan đến việc hợp tác. Viễn cảnh các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc tuần tra đã khiến các nước phải giám sát các hoạt động xung quanh căn cứ tiềm thủy đĩnh của nước này ở đảo Hải Nam. Trong khi đó Ân Độ đang chuẩn bị khai trương tàu ngầm tự đóng đầu tiên, trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân.

Nếu tàu ngầm tấn công của Mỹ truy tìm các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc ở Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh cũng dự kiến điều nhiều tàu ngầm tấn công hơn đến Ấn Độ Dương để theo dõi các động tĩnh của New Delhi.

Hoa Kỳ hiện dẫn đầu thế giới về việc chống tàu ngầm xâm nhập, và theo các chuyên gia, việc hợp tác có thể mở rộng với Úc, một đồng minh khác của Mỹ vừa đặt mua 12 chiếc tàu ngầm tiên tiến.

Được hỏi về vấn đề hợp tác Mỹ-Ấn, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh « hy vọng sẽ là sự hợp tác bình thường, có ý nghĩa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-tq-hk-ad-tau-ngam-qt-qs
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Tại sao trang không mở được?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

QUAN ĂN CÁ, QUAN ĐI TẮM BIỂN, DÂN NGHĨ GÌ?



ĐỪNG XÚI DẠI DÂN


Nguyễn Quang Lập

1. Rất hoan nghênh các lãnh đạo dám liều mình tắm biển, ăn cá vùng biển nhiễm độc. Đảng cần ghi điểm 10 cho các vị này. Nhưng đang khi Nhà nước chưa có một tuyên bố nào về thảm trạng biển Miền Trung ngộ độc là do đâu và bao giờ thì chấm dứt, đang khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông báo: “Chưa rõ vùng nào có thể khuyến cáo ngư dân đánh bắt được" và “Không biết ăn rồi có ảnhhưởng gì không?”. thì việc làm của quí vị lợi bất cập hại, trước là hại quí vị, sau là hại dân.

2. Dùng từ "cá có nguồn gốc" nghe rất bùi tai. Nhưng cá có nguồn gốc ở đâu thì không ngộ độc? Báo Người Đô Thị đăng tin KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, cảnh báo: "Nguồn độc có khả năng lan xuống tận Phú Quốc". Có thể nói biển Việt Nam đang không an toàn, bất kì ở đâu thuộc vùng biển Việt Nam, gần bờ hay xa bờ đều nằm trong tầm nguy hiểm. Các vị cổ xúy dân ăn cá có nguồn gốc ở những nơi xa Vũng Áng trên biển Việt Nam nhất thời không thấy gì nhưng xin quí vị nhớ cho, chất độc một khi ngấm vào cơ thể nó có thể hủy hoại dần dần một dân tộc. 

3. Xin các nhà báo đừng vội tin những thông báo kiểm định vu vơ được tung lên mạng, hãy chấm dứt ngay việc cổ xúy cho những trò dại dột của lãnh đạo. Thương nhau như thế bằng mười hại nhau.



Trương Duy Nhất
Hôm qua lúc 12:33 ·

NGU QUÁ MỨC CẦN THIẾT

Trấn an dư luận. Bằng cách ngồi nhai cá và cởi quần lao xuống biển, trong lúc chưa xác định được thảm hoạ môi trường do dâu, vì đâu cá chết- là hành động ngu quá mức cần thiết.

Vấn đề, cũng không phải ở việc chi tiền mua hết cá cho dân. Bởi mua xong, bán cho ai? Càng không phải, ngồi chồm hổm ăn cá biểu diễn để kêu gọi. Ăn vào toi mạng, ai chịu trách nhiệm? Xúi dân nuốt thuốc độc à?

Ý thức quan chức. Trong chuyện này, không phải là ngồi nhai cá, hay cởi áo tụt quần lao xuống biển.


Toàn loại… đầu đất! Hay nói theo cách bọn trẻ giờ: ngu quá mức cần thiết!
Vấn đề cốt lõi là phải trả lời ngay, rõ ràng cho dân biết: vì sao cá chết. cá chết do đâu?
___________

Đặng Bích Phượng

Chuyện về mấy ông lãnh đạo Đà Nẵng, Hà Tĩnh xuống biển tắm, ăn cá, để chứng minh biển và cá an toàn cho sức khỏe người dân, nhà em xin kể chuyện này.


Một ông giáo sư chết ko rõ nguyên nhân. Mặc dù đã chôn rồi, nhưng người thân của ông yêu cầu khai quật tử thi để xét nghiệm, vì họ nghi ngờ ô bị bà vợ đầu độc.

Khi xét nghiệm, họ phát hiện ra chất phóng xạ trong người ông (ko nhớ cụ thể là bộ phận nào). Sau một thời gian điều tra, bà vợ (vốn là một tiến sĩ vật lý) đã thú nhận đầu độc ông, bằng cách thức ăn hàng ngày của ông được đưa qua máy chiếu phóng xạ. Hàm lượng này rất ít, nhưng cứ như thế trong một thời gian, thì ông qua đời. Vụ đầu độc này đc cho là đắt nhất hành tinh.

Các ông lãnh đạo 2 tỉnh tắm biển 1 ngày, chắc chất độc hại chưa đủ làm các ông toi ngay tức thì. Cá các ông ăn bố đứa nào dám lấy cá ko rõ nguồn gốc.

Thế nên các ông hãy nhanh chóng tìm ra thủ phạm (đâu có gì khó), và tìm biện pháp hỗ trợ ngư dân đi, thay vì biểu diễn kiểu cưỡi ngựa xem hoa thế.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư gửi Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường

Dear Anh Trần Hồng Hà,


Trên cương vị Bộ trưởng Bộ TNMT, vừa qua anh trả lời báo chí, nhất là trên tờ Tuổi trẻ liên quan đến vụ cá chết ở duyên hải miền Trung và Formosa thể hiện trách nhiệm của mình là điều độc giả cần ghi nhận. Tuy nhiên, đứng trên góc độ của người làm công tác khoa học và nhà báo công dân, tôi muốn làm rõ những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm để giúp anh có thêm thông tin, tham khảo.

Nhận thức chung

Tôi cũng như mọi người dân nước Việt rất bức xúc và lo lắng trước thảm họa cá chết dải ven biển miền Trung. Cho đến nay, cả Chính phủ và giới chuyên môn các cấp đều chưa khẳng định (hoặc bác bỏ) những điều cơ bản làm căn cứ để lên án ai đó và đề xuất biện pháp xử lý. Đó là do thái độ vô trách nhiệm, bao che, che giấu sự thật, hay do tính khó khăn về khoa học của bản thân vấn đề hay do các nguyên nhân khác? Phê phán sự phản ứng chậm trễ của cá nhân và cơ quan là đúng, nhất là những động thái của lãnh đạo cao cấp đến thăm Formosa trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” lại không ngó ngàng gì đến thảm cảnh điêu linh của người dân và cá chết trắng biển ở Hà Tĩnh.

Loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm ra thủ phạm chính gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miện Trung. Nghi vấn đang tập trung vào Formosa, một đối tượng đã bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới đưa vào “danh sách đen” và đã nhập về sử dụng gần 300 tấn hóa chất để tảy rửa đường ống. Nhưng nghi vấn thôi thì chưa đủ! Có vẻ như các nhà quản lý của chúng ta đã rất bị động và lúng túng trong vụ viẹc này. 7 bộ ngành liên quan đến bảo vệ môi trường, trong gần 1 tháng vẫn chưa thống nhất để đưa ra những đánh giá kết luận “định lượng” nguyên nhân của vụ việc.

Thảm họa này thực chất là gì? Tôi và nhiều bạn hữu thật sự không thích những cách nói “có thể”, rồi tiếp cận một “cái có thể” nào đó như là một hiện thực. Tuy nhiên, trong khi chưa có kết luận cụ thể thì có thể cung cấp cho quần chúng những kiến thức khoa học về tác hại trước mắt, lâu dài của những “cái có thể” đó, để họ có một cái nhìn khái quát và định hướng tìm hiểu vấn đề.

Thảm họa này có nguồn gốc từ đâu? Đây là vấn đề rất hệ trọng, ai đó có thể phát ngôn ý kiến riêng, nhưng yêu cầu nhà cầm quyền phát ngôn, khi chưa có trong tay đầy đủ bằng chứng và số liệu cần thiết thì không thích hợp, rất dễ bị “hố” hay “hớ”, sai ly đi một dặm!

Chỉ khi làm được như vậy mới có thể đề xuất các biện pháp và kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan trong nước và quốc tế. Thúc đẩy và giám sát Chính phủ và các quan chức của nó thực hiện các việc cần làm và các điều họ đã cam kết là việc các cá nhân và giới khoa học nên làm, nhưng nghĩ rằng có thể “cứu” lấy biển độc lập với Chính phủ, (đối lập với nó, thậm chí xem nó như một phần của những đối tượng), thì vừa sai về cách tiếp cận, vừa không thực tế.

Vì sao ta phải kêu gọi đầu tư nhà máy thép

Tổng Công ty Thép VN (VSC) được nhà nước giao cho phát triển mỏ Thạch Khê từ lúc khởi thủy (kế thừa) và nhà máy thép liên hợp (sử dụng quặng sắt Thạch Khê). Nhưng vì mỏ Thạch Khê phức tạp, Thủ tướng lại giao cho TKV chủ trì. VSC không có tiền nên phải liên doanh với Tata Ấn Độ. Tata yêu cầu có 30 % cổ phần trong Thạch Khê để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, nhưng TKV không đồng ý, vì TKV cũng muốn xây dựng nhà máy thép.

Đất vốn dành cho nhà máy thép liên hợp (mong muốn có từ thời ông Lê Duẩn) thì Hà Tĩnh lại dành riêng cho Formosa, lối ra biển cũng bị dự án thép Formosa chặn mất. Vì thế liên doanh giữa VSC và Tata sụp đổ, đương nhiên còn những yếu tố khác. Còn Thạch Khê vẫn nằm tềnh hềnh ra đó, TKV không thể ‘kham nổi’ xét về độ phức tạp của khai thác và vốn liếng.

Ngày 15/01/2008 từ Đài Bắc Formosa mới có thư trình Thủ tướng về dự án thép thì ngày ngày hôm sau 16/01/2008 từ Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự đã có thư trình Thủ tướng “cho phép” (mặc dù Formosa không hề gửi thư này cho Hà Tĩnh)? Thẩm quyền của tỉnh chỉ cho phép thuê đất đến 50 năm, nhưng Hà Tĩnh vượt quyền cho Formosa thuê đất kéo dài đến 70 năm? Formosa, một công ty nổi tiếng với giấy chứng nhận “hành tinh đen” do hủy hoại môi trường, lại được ưu ái lạ thường. Đừng trách người dân có quyền suy luận chỉ có tư duy nhiệm kỳ và “kim ngân” mới đủ sức mạnh lôi cuốn người ta liều lĩnh quyết định bất chấp mọi hậu quả đến thế!

Trước đó, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, có tầm nhìn xa, trông rộng, không đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt để xâm hại an ninh môi trường đã dũng cảm từ chối nhà máy thép “tỉ đô” Vân Phong, nhưng tiếc thay bài học sáng gía này không được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lĩnh hội.

Cần hiểu đúng Luật bảo vệ môi trường

Trong Luật Bảo vệ môi trường không có cấm xả thải xuống biển, mà chỉ cấm xả thải các chất độc hại xuống biển. Luật quy định trước khi xả thải ra môi trường, các chỉ tiêu hoá, lý, sinh phải đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường. Trên thực tế, nước nào cũng vậy thôi, nước thải từ sản xuất hay sinh hoạt sau khi xử lý đều đổ ra sông, ra biển (chứ đổ vào đâu?).

Luật cũng không cấm đặt ổng thải ngầm ở biển và luật cũng không buộc phải đặt các ống thải nổi. Quan trọng là các biện pháp kiểm soát khối lượng, chất lượng nước thải thông qua các biện pháp quan trắc môi trường.

Những ngày qua, nhờ có vụ cá chết hàng loạt ở duyên hải miền Trung, người dân mới phát hiện ra sự buông lỏng kiểm tra, giám sát việc xả thải của Formosa ra môi trường biển và sự lúng túng, chậm chạp trong xử lý của các cơ quan hữu trách từ trung ương đến địa phương. Nhân dân đòi hỏi chính quyền các cấp phải tập trung mọi nguồn lực xác định nhanh chóng thủ phạm, chứ không phải biện pháp xử lý “nửa vời”!

Không hiểu ai tư vấn cho Bộ trưởng để viện dẫn suy luận từ Điều 101, khoản 2, Luật Bảo vệ môi trường “Bất cứ đường ống nào nhất là đường ống xả thải đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng” để ra lệnh cho Formosa phải đưa 1,5 km đường ống xả ngầm, nổi lên mặt biển? Bất cứ một quyết định nào của một vị hữu trách ngành cũng đều phải có lý, có tình, có nghiên cứu luật lệ quốc tế, nếu có khác, thì phải có lý do chính đáng.

Tôi đọc các sách liên quan đến luật, hiểu rằng trong quá trình quản lý chỉ được viện dẫn luật, không được suy diễn theo hướng có lợi hoặc bất lợi cho đối tượng áp dụng. Ở đây, không có quy định đặt ngầm trong Điều 101 thì không thể suy diễn từ tạo điều kiện kiểm tra, giám sát thành không cho phép đặt ngầm. Trên thế giới, nhiều nước vẫn cho đặt đường ống ngầm xả thải ra biển nhưng có quy định kiểm soát chặt chẽ giám sát chất lượng nước xả kể cả trạm giám sát tự động và kiểm tra thường xuyên.

Vấn đề ở đây cần làm rõ là tất cả hệ thống xả thải không phải là ngầm. Trên bề mặt nổi, dễ kiểm soát là ngay ở “bể hở” nơi xử lý nước thải, sau khi đạt tiêu chuẩn mới đưa vào đường ống ngầm. Ngay ở cửa vào này, theo Nghị định 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu ghi rõ ở Điều 39 “Các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở tài nguyên và môi trường”.

Theo tôi biết để giảm tác động của việc xả thải đến sự ổn định của đáy biển, giảm độ đục của nước biển khu vực gần bờ (vì vận tốc xả thải theo thiết kế là 3,5m/s) nên chọn điểm xả cách bờ 1,3km, đường kính ống xả 1,2 m, dọc ống có 9 lỗ xả với đường kính 0,3m.

Trước khi thải ra biển, nước thải phải được xử lý đạt QCVN và được giám sát, quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Sở TNMT Hà Tĩnh. Ví trí giám sát tại hố/bể chứa nước thải sau xử lý trên bờ, cách điểm xả cuối 1,3km.

Vấn đề là phải đảm bảo trước khi xả thải thì các chỉ tiêu của nước thải phải đạt yêu cầu. Vì vậy phải giám sát được tại bể chứa sau xử lý (trước khi xả ngầm). Cơ quan quản lý phải vừa có biện pháp chủ động giám sát vừa bắt buộc chủ nhà máy phải lắp thiết bị quan trắc/giám sát truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan quản lý chứ đừng chỉ trông mong vào sự tự giác hoặc hợp tác của chủ nhà máy.

Nếu làm theo lệnh của Bộ trưởng, không thể hình dung được nếu Formosa phải xây hệ thống giàn đỡ các ổng xả dài 1,5 km trên biển như thế nào và hệ thống ống này cản trở giao thông biển ra sao? Đừng quên, trong khu vực biển Vũng Áng còn các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và cảng phục vụ xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị. Với việc cấm xả theo đường ống đặt sát đáy biển, sẽ rối loạn toàn bộ các hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn khác trong cả nước chẳng hạn như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đều xả thải đáy, theo đường ống ra biển vv…

Những việc cần làm ngay

Từ Formosa, nhìn ra cả nước, người dân có quyền đặt câu hỏi với những vị lãnh đạo cấp cao quản lý đất nước:

– Đã có nhiều lo ngại về mặt an ninh quốc gia liên quan tới vị trí Vũng Áng, căn cứ Nam Hải và số lao động gốc Hoa khoảng 2 sư đoàn + quy chế riêng, kiểu tô giới thì lãnh đạo giải thích thế nào? Đặt trong bối cảnh đó thì việc kiểm tra chất xả thải làm sao có thể độc lập được?!

– Thép là mặt hàng đang và sẽ ế ẩm trong nhiều năm tới, do đó Formosa chắc chắn không muốn chi thêm để bảo vệ môi trường khiến sản phẩm không mang tính cạnh tranh.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một số vị quan chức gương mẫu ăn hải sản và tắm biển. Điều đó cũng tốt thôi nhưng không có sức thuyết phục về khoa học. Nguy hiểm không phải là những con cá chết (vì chết nên không ăn). Nguy hiểm chính là những con cá nhiễm độc nhẹ, vẫn sống, vẫn phát triển nhưng chứa độc tố. Và con người bị nhiễm độc mãn tính thông qua nguồn thức ăn này.

Thay vì chuyện “gương mẫu” trên, chúng ta phải tập trung các nguồn lực phân tích một số độc chất phổ biến trong các mẫu nước, mẫu trầm tích, các loại tôm cá, loại đã chết, loại đánh bắt gần bờ, loại xa bờ và công bố các số liệu này. Việc này đâu có khó, nhiều phòng phân tích của VN đủ sức thực hiện. Ngoài các phòng phân tích của Viện khoa học hàn lâm VN, các phòng phân tích dioxin của Tổng cục Môi trường, Phòng phân tích dioxin của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga vv… đều có đủ trang bị hiện đại nhất, có chuyên gia và đã được kiểm tra chéo với một số cơ sở phân tích hiện đại ở Đức, Nhật.

Yêu cầu Formosa phải tạo điều kiện dễ dàng để các cơ quan chức năng thường xuyên giám sát các chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn VN, nối ngay số liệu ở trạm tự động với Sở TNMT. Cần thống kê các loại chất thải của các nhà máy trong khu công nghiệp Formosa để làm cơ sở lắp đặt các đầu dò thích hợp cho các trạm quan trắc tự động, chứ không phải chỉ giới hạn ở 6 chỉ tiêu thông thường hiện nay như nhiệt độ, pH, COD, SS, tổng ni tơ, và lưu lượng thải.

Rà soát đánh giá lại các quy chuẩn của VN, kể cả quy chuẩn QCVN 52:2013/BTNMT, cột B với hệ số Kf = 0,9; Kq = 1,3, đường ống xả có đường kính trong 1,2 m, cách mặt biển 12 m, có 9 lỗ xả dọc theo chiều dài đường ống xả, đường kính mỗi lỗ 0,3 m?

Về việc đặt đường ống xả ngầm (đúng ra phải dùng thuật ngữ xả đáy), kể cả thải xuống sông với lượng nước lớn cũng phải đặt họng xả sát đáy và xa bờ, để đảm bảo khả năng phát tán nước thải, kể cả có đạt tiêu chuẩn thì rõ ràng nước thải sau xử lý vẫn không thể giống hoàn toàn nước trong môi trường tiếp nhận. Bởi vậy, cần phải phát tán nhanh để giảm thiểu nguy cơ gây sốc đối với thủy sinh khi thải lượng nước lớn. Và dĩ nhiên, việc giám sát sẽ thực hiện ở ngay miệng xả vào đường ống, tức là miệng xả sau hệ thống xử lý.

Ngay cả khi không kết luận được thảm họa này do Formosa gây ra, thì việc giám sát của Việt Nam đối với toàn bộ việc thi công và hoạt động của nó theo những tiêu chuẩn và quy phạm Việt Nam (cũng như tất cả các doanh nghiệp trên đất nước ta, bất kể thuộc thành phần nào) cũng đều phải được tôn trọng và thực hiện ngay. Chấm dứt tình trạng khép kín “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như đã từng xẩy ra.

Nhiều vấn đề liên quan khác, tôi đã đề cập đến trong bài viết “Từ hiểm họa đến vực thẳm”. Xin nhấn mạnh lại, vấn đề trọng yếu nhất hiện nay là cần khẩn trương xác định rõ ai là thủ phạm gây nên cá chết ở duyên hải miền Trung. Nếu tìm ra thủ phạm là Formosa thì phải xử lý rất nặng, chứ không phải chỉ dựa vào Khoản 2, Điều 101 để xử lý theo cách viện dẫn suy luận như trên.

Thay cho lời kết

Về cách xử lý “khủng hoảng” (cả về mặt sự cố môi trường, và mặt truyền thông) của các cơ quan nhà nước: không thể chối cãi quá lúng túng, trống đánh xuôi kèn thổi ngươc, không chỉ giữa các Cục trong VEA, giữa Cục quản lý tài nguyên nước và Tổng cục môi trường, giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng TNMT, mà cả giữa Bộ TNMT và Bộ NNPTNT, giữa các Viện của Viện KHVN, giữa thông tin đưa trên truyền thông đại chúng với thông tin từ các cơ quan trách nhiệm liên quan.

Nguyên nhân chính là do không giám sát kịp thời thì Bộ trưởng TNMT nhận lỗi rồi, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là sự chồng chéo, không đồng bộ thậm chí mâu thuẫn về trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan từ địa phương đến trung ương. Kết quả là ở VN hầu như quy định luật pháp nào cũng có, nếu không có chuyện xảy ra thì cơ quan nào cũng đòi quản lý (chỉ chết doanh nghiệp và người dân với đủ loại thủ tục, giấy phép!!!), còn khi xảy ra chuyện thì lại “trách nhiệm tập thể “hoặc” trách nhiệm của những người lãnh đạo nhiệm kỳ trước. Cuối cùng hậu quả, chỉ có doanh nghiệp và người dân chịu trận.

Sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và thật sự khoa học sẽ giúp giải quyét tận gốc những vấn nạn và lùng nhùng lâu nay về môi trường. Có thể nói vụ cá chết ở ven biển miền Trung là điển hình, là phép thử sức mạnh hệ thống chính tri- xã hội của chúng ta trước các mối đe dọa không chỉ về môi trường mà còn về chủ quyền đất nước nữa!

Tôi viết hơi dài, mong có thể phần nào góp vào suy nghĩ chung nên có của những người nặng lòng với đất nước trong tình huống ngặt nghèo hiện nay.

Kính chúc Bộ trưởng mạnh khỏe, bình tâm, biết lắng nghe những lời nói phải, vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn đầy thử thách này.

Tô Văn Trường
Phần nhận xét hiển thị trên trang