Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Hà Nội đầu 1975 ( nhật ký chiến tranh)

Loạt nhật ký chiến tranh của tôi đã đưa rải rác trên blog này mấy năm nay và kết lại bằng phần  Những tháng ngày ngột ngạt -- nhật ký Hà Nội 1974 (kỳ II) đưa ngày  5-5 - 2014.  
Sau đây là phần  cuối của cuốn  NHẬT KÝ CHIÊN TRANH  này, phần  bắt  đầu từ 2-1-1975 và khép lại vào ngày 2-5-1975.

Đầu 1975
    2/1
     Hà Nội mùa xuân, bao nhiêu màu xanh rút lại cả cho trời, và bao nhiêu màu đỏ, rút cả vào cho hoa gạo. Tôi đã thấy nhiều hoa gạo, nhưng đẹp nhất vẫn là những khi cành gạo nghiêng nghiêng hướng về phía mặt trời, cái cảnh này tôi chưa thấy bao giờ, và chỉ mùa xuân năm nay, trong cảnh đèo mì chạy gạo về nhà, tôi mới bắt gặp hoa gạo bùng nổ như vậy.

    Mùa xuân là gì? Là những mùa xen kẽ nhau. Sớm mai lành lạnh như trời rét. Trưa trời xanh nao lòng như một ngày hè. Cùng ra vẻ ngày hè là những viên đá rải đường, đá trắng lên sau mưa.
   Mùa xuân khuyến khích tất cả sinh sôi.
   Trên tất cả, mùa xuân là mùa của khả năng, tất cả cái khả năng đều hình thành, và đều hứa hẹn, khiến mỗi chúng ta đều thấy nao lòng. Cả những khả năng tốt lẫn khả năng xấu đều có mặt. Mùa xuân nuôi dưỡng nhưng cũng có thể giết chết chúng ta bởi sự choáng ngợp của nó. Mùa xuân làm chúng ta sướng run lên, nhưng cũng là mùa xuân gây bao nhiêu khốn khổ. Mùa xuân phiền não, bởi mùa xuân quyến rũ.
      Thà cứ như mùa hè mùa đông, nó thách thức bằng cái vẻ cay nghiệt của nó, lại khiến chúng ta bình tâm.
    Thà cứ như mùa thu, ta tiếc nuối một cái gì đã qua  bởi ngần ngại nhìn về phía trước.
    Mùa xuân ngược lại với tất cả những mùa còn lại.
    Sao đôi lúc, tôi cứ sực nghĩ, thấy nhớ lại những kỷ niệm mấy năm qua.
    Cuộc chiến ghê gớm này, chính vì mong muốn qua đi, nên phải xem lại nó một cách cẩn thận. Bài học của kháng chiến chống Mỹ, không ngoài bài học hành động, bài học sống. Sống có phương hướng, sống cả quyết, sống biết bằng lòng với hiện tại, sống thận trọng với những gì đang có nhưng lại biết chuẩn bị cho những ngày tới.
   Nếu hỏi ngay về khu 4, rất lộn xộn, tôi nhớ rất nhiều.
   Nhớ con đường thẳng ở Kỳ Anh (hiếm có nơi nào đường thẳng như vậy). Nhớ đèo Ngang, chỗ mưa chỗ nắng; nhớ cái miếu bên đường, nơi các văn nhân thi sĩ đi qua thường ghé lại.
   Những em bé kéo vó trên phà Ròn, trên Quán Hầu.
   Chiếc xe ô tô lặn lội vượt qua những quãng ngầm gần đèo Lý Hoà.
    Bụi mù trên con đường Đá Mài... Đoạn đường xóc, đường đỏ bụi, từ Vĩnh Linh ra Đồng Hới...
    Miền đông và miền tây của khu Bốn,  bắc và nam của khu Bốn. Có nơi  hoang vắng, tưởng như chỉ là một mảnh đất, để cho những TNXP đi qua bộ đội đi qua. Nhưng bỗng chốc, người dân khu Bốn đó, như một thứ thổ dân kỳ dị, , hiện ra như cây cỏ, như một thảm cỏ dại và  hoa rừng nảy trên mảnh đất cằn.
    Quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến giữa người dân và chiến sĩ, đến với đất khu Bốn, thành ra một thứ quan hệ kỳ lạ: những sự nương tựa vào nhau, những sự bóc lột nhau, vừa thương mến, vừa hành hạ. Đi thì nhớ, ở thì thấy “kỳ “ không quen, bởi không bình thường.
    Những ông già bà già tham lam. Những dải cát dầu dãi.
    Cái trù phú của khu Bốn. Cũng có trù phú đấy chứ, những xóm làng trên kia, trên Hương Sơn... Chiến tranh đã cày xé tất cả.
    Cái cằn cỗi của khu Bốn. Thì hẳn rồi! Cái cằn cỗi khiến cho sự sống được đẩy tới cái ranh giới với cái chết, và chiến tranh thành một lẽ sống.
   Tôi cũng không bao giờ quên được lần đi bộ trên đường số 1.
   Đường ô tô tắc, từ Vinh ra đến Thanh Hoá, có đoạn chúng tôi đi ngay giữa  đường số1. Một buổi chiều lặng lẽ, con đường vắng vẻ, những hàng cây phơi ra trong nắng. Làm gì có chiến tranh ở đây nếu không có những quãng đường bị bom đánh đất đỏ phủ đầy đường?  Không, nó đấy chiến tranh đấy, chỉ có trong chiến tranh mới có những đoạn đường nhựa sạch bong không người qua lại.
   Những quãng nghỉ, gần như chúng tôi có thể nằm bò ra đường được. Nhìn ra chỉ có một ít người dân của mấy làng xóm quanh quẩn ở đấy, và một vài người đi xe đạp.
    Cứ thế, thẳng mãi con đường thông ra đến tận Hà Nội. Nhưng làm gì có chuyện thẳng mãi, nên mới lại cảm thấy quyến luyến với những quãng đường ngắn ngủi này.
   Trở về thăm Hà Nội những ngày sơ tán đôi khi tôi cũng gặp cái cảm giác  thanh vắng vậy. Phố xá sạch sẽ một cách kỳ lạ, sự thanh tĩnh chỉ có trong những năm chiến tranh.

    26/1
    VN khác thiên hạ thế nào?
    Ở các nước ăn chậm đi nhanh, nước mình ăn nhanh đi chậm. Mọi thứ đều đắt, chỉ có người là rẻ.
     Ở các nước, sản xuất mẻ đầu bao giờ cũng là thí nghiệm những mẻ sau sẽ khá hơn. Ở nước mình, chỉ được có mẻ đầu là khá. Những mẻ sau, sẽ kém hơn năng suất hụt, chất lượng yếu đi.
     Người Việt Nam hôn thì hôn bí mật đái thì đái công khai. Nhà như đường, đường như nhà. Cứ xem như giao thông thì biết. Người trào ra đầy đường. Người cản xe đạp, xe đạp cản ô tô. Muốn lách đi, nhiều lúc tốt hơn hết là lách vào trong, chui vào giữa mớ thòng lọng đó...
...
     Tôi còn biết mô tả thế nào khác hơn -- Đó là cái xã hội tôi đang sống.
    Lòng yêu đời không sao phai nhạt  nổi trong lòng. Đọc sách, tôi luôn tìm được những câu nói lạc quan, và tôi hiểu là phải lạc quan. Nhưng nhìn ra đời, lại chỉ thấy bi quan.
   Một phương diện khác, dạo này tôi hay nghĩ ngợi, là cả cái phương Đông này nó vậy. Có lẽ tôi sẽ không nên tìm đọc phương Tây, vì đọc xong đối chiếu, chỉ thấy xã hội phương Đông là ngán ngẩm.
   Một ví dụ tôi mới tìm thấy, là Hàn Tú Anh. Phải chính Hàn Tú Anh nói, là ở phương Đông ở xứ Trung Hoa này, người ta không quan niệm sống là hưởng hạnh phúc.
   Một nhà triết học Mỹ, nói về đời sống tinh thần con người trong chiến tranh.
Không biết rằng về sau này nhân dân sẽ coi các sĩ quan, các quân nhân là những người anh hùng hay là những bọn đểu giả. Phần lớn bọn họ cho rằng hiện nay nên đơn giản thôi, không nên chú ý đến vấn đề nhân tâm đạo đức, quên nó đi được chừng nào hay chừng ấy. Tốt hơn hết là hãy nên để cho lương tâm yên ngủ, người ta làm gì thì mình làm nấy, lệnh bảo sao thì cứ làm như vậy. Còn tương lai ra sao mặc nó. Ai mà biết được tương lai rồi sẽ ra sao? Hầu hết lính tráng trong thời chiến đều cảm thấy họ bị hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc sống họ đang sống, đến nỗi họ đành chịu phó mặc tương lai và ý nguyện của họ cho cấp trên, và chỉ biết sống một cách thoải mái trong cái đám đông vô danh tiểu tốt mà thôi.


     29/1
    Ông Khải:
   -- Ở nước mình bây giờ, chẳng ai có gì tài cả, chỉ có người nói là tài. Như hôm họp ở Nxb QĐND thằng Lựu nói hay quá còn gì? Chỉ có nói thì nhất trí từ trên xuống dưới.
     ---- ...
    -- (nhiều lần) Thật là từ trên uống dưới toàn chữ là chữ, lúc nào cũng thấy chữ.
    --- ...
    -- Ông I vừa  kể chuyện có một người giúp việc. Bà này buôn bán rất giỏi, cứ ra chợ trông thấy cái gì có thể kiếm được là bà ấy mua ngay. Một lần ra thấy người ta bán pin, bà ấy ẵm con bé con vào mua được một đôi, lần sau lột áo mình thay bằng áo đứa trẻ, vào mua được đôi nữa, ra bán lấy tiền.
     Trước cách mạng bà ta cũng đi ở. Sau cách mạng, bà ta cũng đi ở. Chỉ được cái trước người ta gọi là người ở, nay là người giúp việc, và có thể gọi ông chủ bằng cậu, ai đến chơi, cũng cung kính quý mến, người nhiều tuổi gọi bằng bác, người ít tuổi gọi bằng mẹ, thế là phấn khởi rồi. Một người dân thường cũng thích chữ, thích tiếng, còn nói gì ai?
    -- ...
    -- Thật lắm lúc, trông thấy ai cũng chán. Như bên Hội Nhà văn, bà Lê Minh lúc nào cũng thì thà thì thào. “Này, bây giờ ông đi là phải lắm...” Ông Trọng Hứa trêu mình nói vậy. Trông ông Trọng Hứa ngồi sau xe ông Linh Chi, hai anh em đèo nhau đi, cứ như là hai con chim già, tởm không chịu được.
    Chiều nào cũng thấy mấy ông đánh cầu lông mà sốt ruột, không buồn nhìn nữa.... Ông Hữu Mai thì lại lúc nào cũng ra vẻ quan trọng, bí bí mật mật. Nhà văn gì mà lại chỉ lo nên viết về đề tài nào không quân hay xe tăng.


         1/2
        Cái câu thơ hay nhất tôi đọc được trong năm 1974 là của Thi Hoàng
Trời cứ xanh như rứt ruột mà xanh
Cây cứ biếc như vặn mình để biếc.
    Dù sao chăng nữa, vẫn phải nhận là cuộc đời quá đẹp. Trong cái dáng lem luốc của nó, cuộc đời vốn thực là đẹp. Đẹp ở những đôi trai gái đi bên nhau, suốt chặng đường này tới chặng khác, như vốn sinh ra phải như vậy. Đẹp ở những đứa trẻ sạch sẽ, mặc ấm, ẵm nó lên tay, nóng sực cả người. Sao trẻ con bây giờ khôn ngoan vậy, tôi chợt nhận ra trong chuyện với một người bạn. Nhìn chúng lê la ra đường, như cả đất trời này của chúng, cuộc đời này của chúng, tôi cứ thấy cất lên văng vẳng cái khẩu hiệu trong một buổi hội nghị quốc tế nào đó: Chỉ có một trái đất. Chỉ có một cuộc đời.
     ... Phải sống nhiều lắm, người ta mới bằng lòng với im lặng. Còn bình thường ra, sao mà cần nghe một cái gì đấy, tiếp xúc với một cái gì đấy.

    18/3
    Đó là buổi chiều thứ sáu 14/3. Tự nhiên Nghị nói với tôi là em của tôi có thể được đi học ở Đức. Tôi run cả lên, và lặng người đi một lúc... Cảm giác vui có, tôi nghĩ đến cả tương lai của Thư, lẫn những thùng hàng hoá đồ đạc lúc nào đó cậu em mang về cho mình. Nhưng còn những cảm giác buồn bã ngấm ngầm. Giá kể như tôi được đi một chuyến, thì thú vị bao nhiêu. Tôi tự thấy ham học, ham sống và ham hiểu biết, tôi còn có thể làm được bao nhiêu điều hay, mà rồi có lẽ, do chỉ sống ở đây, đời tôi sẽ héo tàn, chẳng làm được việc gì nên hồn cả.
    Những chuyện lặt vặt của đời sống hàng ngày, nó ăn mòn, làm hỏng bao ý nghĩ trong tôi. Hoàn cảnh chung quanh, một cái hậu phương chiến tranh nhốn nháo. Một xã hội sống không còn luật lệ gì hết, mạnh ai nấy sống. Người rất rẻ, mọi chuyện rất nhạt nhèo. Chỉ còn bản năng kiếm sống hoành hành và trở nên hợp lý, đến nỗi trông một kẻ phất lên kiếm chác phát ghét đã đành, cả những kẻ lương thiện gàn quải cũng đáng ghét vô cùng.
    Đó là cái xã hội hôm nay tôi sống. Một người như ông Mạn có lúc phải bảo: Đời nhảm nhí thế nên ngày xưa mới có những người đi tu, đi ở ẩn, đi tự tử. Có gan làm những chuyện khác người  thì làm đi, nếu không thì cũng phải sống như mọi người, hãy biết sống như mọi người.
    Nhưng cái mà gậm nhấm tôi không kém, cũng là cái nghèo, hoàn cảnh gia đình tôi quá nghèo. Biết xoay sở làm sao, đúng là gần như không dám làm gì nữa. Luôn luôn chỉ sợ mất cái nọ, bị lừa cái kia, và phí phao một cái khác. Thế đấy, chẳng nhẽ chỉ còn có cách nghĩ: Thôi, người ta cũng phải có lúc chết, lúc ấy sẽ được giải thoát. Chứ sống nhiều lúc kinh khủng quá.
    Một trong những điều kinh khủng khác riêng có ở tôi, là sự cô độc. Cô độc như một thứ da thịt xé không ra, cô độc như không khí trốn không nổi. Cô độc như một thứ bệnh mãn tính, nhiều lúc tưởng như đã khỏi rồi, vẫn thấy nó đấy. Cô độc đến nỗi thiếu đi tất cả những gì có thể làm cho con người bốc lên, sôi sục lên, do đó cuộc đời càng trở nên buồn tẻ.
    Bởi không có một cuộc sống bình lặng bảo đảm, bởi không có những lúc xả hơi, nên dạo này tôi gần như không làm được việc gì nữa: lúc nào cũng căng thẳng thì còn sống làm sao.
   Người cùng nhà với tôi hiện nay là một gã chuột... Không biết gã hay ả, hồi nọ cứ thấy cắn đủ mọi thứ. Khéo hồi ấy nó chửa cũng nên, vì đúng ngày hôm nay, thấy đâu đến hai chuột con chạy loăng quăng theo đường của chuột lớn. Có một cái gì đó rất khó chịu khi phải nhìn lũ chuột này. Như thế mà cũng là dấu hiệu của cuộc sống ư, cũng là cái gì sinh động, đi về, rồi cũng sinh sôi nảy nở mãi ư? Nếu có một đấng tạo hoá, thì cũng thấy khó hiểu cái ông ấy quá. Ông ấy dung dưỡng cả những cái tốt dẹp nhất lẫn những cái tệ hại nhất.
    Vậy là chỉ có cách quay về  triết lý "sống cho nhiều, cho thoả mãn" của Xuân Quỳnh? 
    Vậy chỉ có cách đóng những vai kịch trong cuộc đời, rồi lại tự xem mình, tự lý giải mọi chuyện?
   ... Không, cũng chưa chắc đâu.
    Khiến tôi bình tâm trong những lúc này, chỉ là một vài số phận khác: Nguyễn Đình Thảo đi Tây Nguyên một năm nay, giờ cưới vợ. Tô Hoàng đau ốm không đi làm được, bố phải đi kèm mỗi lần đi đến đơn vị. Toàn những người không may cả. Tôi còn may mắn hơn họ nhiều. Tội gì mà cứ phải nghĩ về đời trong khi đời chẳng chịu nghĩ về mình gì hết?
     Ngay ở những người chung quanh bất hạnh của cũng không vừa đâu. Ông Khải năm ngoái con chết, ông Khải  phải sống chung với tất cả mọi người, bất hạnh như mọi người - cái ông Khải ấy cũng khổ sở chứ.


      31/3
     Mùa xuân như một khả năng với nghĩa có những ngày nắng đấy, mà lại mưa đấy, mưa lai ra lai rai, không ra làm sao. Có những ngày lúc nào cũng âm u âm u, trời đất như một thứ nước muối, ướt, nhớp nháp, lẩm cẩm, khó chịu. Trông thấy hoa gạo nở bùng lên, lá bàng đâm ra nhọn hoắt mà sợ hãi. Bao nhiêu sâu bệnh nổi lên, bao nhiêu cái hạ cấp trong cuộc đời nổi lên. Nhớ một lần, ai đó nói về Nhị Ca: Ở ông ấy toát lên sức sống của một người đang chết.
    Trời đất bây giờ hình như là như vậy. Sống giữa nó tôi đâm quen, tôi cũng không thích được một cái gì khô ráo, sạch sẽ, tinh tươm. Nó – cái bình thường ấy -- tôi thấy nó xa lạ. Lúc này tôi chỉ ước ao một cái gì bề ngoài như đang chết, đang đông cứng lại, nhưng nó giúp cho những sự sống khác nẩy nở. Sự sống kỳ lạ thế, có lúc nó cần đến cái chết để biểu hiện, chính cái chết, không gì khác, cũng là một thứ có sức biểu hiện -- biểu hiện sự sống.


     4/4
     Chiến thắng bất ngờ như ở chỗ cái gốc gạo khô cằn hôm qua, một đoá hoa nở toé lên, cả một cành hoa  một cây hoa.
    Tôi đã quen hoài nghi, nên tôi chẳng còn nghĩ được gì nhiều. Nhưng phải chăng cuộc đời còn quá nhiều chuyện kỳ ảo? Tôi nhớ lại kết luận đó của Nguyễn Khải, khi nghe chuyện ông Chưởng Cần, một năm trước. Cuộc đời không phải là một cấu trúc lạnh toát, nghiệt ngã. Cuộc đời còn là một cái gì đó rất sinh động, như một cơ thể mềm mại, chứa đựng nhiều khả năng phát triển không sao có thể lường trước. Vậy thì anh đừng bao giờ coi là có giới hạn sức lực của anh, con đường của anh. Anh đừng bao giờ tự hạn chế lại. Muốn hay không muốn, anh vẫn phải sống gắng gỏi trong cuộc đời này. Vậy anh hãy thử phá đi, thử đòi hỏi, thử thay đổi đi, hỏng thì thôi, không sao. Đời có gì đâu mà tiếc?  Còn nếu được, thì hay quá, mà sao lại không được?
...
     Tôi nghĩ về trường hợp của mình: Dẫu sao thì tôi cũng ít gắn bó với cuộc chiến tranh giải phóng. Tôi không hiểu lắm. Chỉ hiểu một ít khía cạnh nào đó.
    Vậy thì hãy nghĩ về tương lai, lúc này đã phải nghĩ tới  đất nước sau chiến tranh. Đó mới là một câu hỏi lớn.


     18/4
      - Cái chiến thắng mà chính những người trong cuộc cũng cảm thấy ngạc nhiên: sao mà lại có thể dễ dàng như vậy?
     Không, chắc chắn rằng chúng ta không ngạc nhiên. Chúng ta biết tất cả thì mới phải.
     - Bởi chúng ta đều là những người chiến trường. Có sự gặp nhau ở trong kia, thì cũng là có sự gặp nhau ở ngoài này. Những người vợ, những gia đình của những người lính làm nên cái hậu phương dày đặc này. Ở đâu lại có thể có cuộc chiến tranh ghê gớm như trên nước Việt.
     - Nhưng cái tâm trạng chủ yếu của ngày hôm nay là gì? Tôi nghe bên cạnh những niềm vui, có những nỗi buồn. Một chút thở phào. Kèm theo một ít đau xót. Có một giáo sư  Đại học y khoa trong kia viết rên báo,  ông không muốn các đồng nghiệp của mình  rơi vào cái cảnh ở miền Bắc. Là cái cảnh, trình độ bác sĩ chỉ bằng trình độ y sĩ.


      2/5
      Người ta vẫn bảo phản ứng của người Hà Nội lâu nay là dè dặt, đến vui cũng lặng lẽ. Chúng ta sống trong một xã hội khép kín... Có thể là như thế nhưng hôm nay thì khác. Chưa bao giờ, có cảm tưởng vui như thế này.
    Sáng 30/4, đã nghe có tin đồn Dương Văn Minh đầu hàng.
    9 giờ sáng, Cục tuyên huấn -- cấp trên của chúng tôi nói: chính thức đầu hàng rồi.
    Mở đài Sài Gòn. Chưa bao giờ được nghe đài Sài Gòn công khai như vậy. Giọng Dương Văn Minh chậm rãi, cố làm ra vẻ bình thản. Người giới thiệu của đài cũng nói bằng một giọng trang trọng, nghiêm túc.
    Lập tức có nhiều tiếng cười đùa réo lên. Nghe xa xa đã có tiếng pháo nổ, đâu ngoài đường phía vườn hoa Hàng Đậu.
   Bia, ngồi tán phét. Nguyễn Minh Châu bảo lúc này lại nhớ khi anh nọ đùn anh kia đi B, mà sao cứ lần chà lần chân, nói chẳng nên lời.
    Nhiều người khác tán chuyện trong cơn say thực sự, và cái say của tình cảm.
   Tôi phóng xe ra đường, khi nghĩ tới bạn bè. Ngỡ đường phố chưa ai biết gì, lại nhớ cái cảm giác những ngày hoà bình 1973, muốn kêu lên mọi chuyện.  Nhưng tôi đã nhầm, chỉ cần ghé vào một hàng nước thôi, đã nghe đủ chuyện. Người ta bảo hôm qua một hợp tác xã thủ công phải thức suốt đêm để may một lá cờ đỏ sao vàng 25m2. Hôm nay, cờ được mang đi rồi.
   Ngồi uống nước, một ông già còn kể chuyện Nam Bộ, một ông khác nói về Thái Lan, Cămpuchia: phen này, mình cứ đứng đây, cho nó bò quanh mình.
    ... 5 giờ chiều, rất may mắn đi ra đường, tôi được chứng kiến cảnh báo tin đầu tiên: “ Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe tin chiến thắng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng.”
     Người ứ lại trên ngã tư Tràng Tiền. Các phóng viên nước ngoài, đã chực sẵn từ bao giờ, quay phim chụp hình rất nhanh. Tôi nhớ nhất cái cảnh một người Việt Nam đang gân cổ nói trước một máy thu thanh của một người nước ngoài. Một gã giáo viên giáo điều nào đó, nói sặc mùi chính trị, trông xa đã ngượng hộ hắn. Hắn nói rai nhanh nhách đến nỗi người phóng viên nước ngoài phải lợi dụng một nhịp hắn tạm nghỉ, để cắt lời hắn.
    Nhưng thôi,  hôm nay ngày vui , hãy để đấy đã.
    Người đã đông thêm chung quanh Bờ Hồ. Tôi chợt nhận ra một nét thuộc về cách sống của người Hà Nội hôm nay: Người ta thích đổ ra đường, chia sẻ niềm vui với nhau. Dù trong bóng tối chiến tranh, người ta đã quen nhìn nhau mà sống.
     Công tác tổ chức tồi quá. Giá kể có bắt người ta đi mít tinh, thì như tôi thấy đây, trông rất lèo tèo, chưa ai nói gì ra hồn. Nhưng cái cảnh người lũ lượt đi trên đường, đã chẳng phải là một thứ mít tinh rồi sao?
      Tôi còn thấy một Hà Nội tấp nập như vậy, suốt đêm 30/4 lẫn sáng 1/5.     Một ngày hai ý nghĩa, hai niềm vui.
     Những đám người xếp hàng mua báo, một cốt cách mới của Hà Nội.
    Mấy lần, tôi bắt gặp một  cụ già đứng chờ bên này đường, cho một đứa cháu nội cháu ngoại gì đấy sang bên kia đường xếp hàng mua báo. Có thể cụ không biết chữ nhưng cụ mua về cho con cái đọc.
    Những đứa trẻ xem báo thì đứng ngay ở bên những cái hố phòng không cũ-- mà tôi vốn rất quen thuộc và còn nhớ tỉ mỉ ngày lấp đi, để đón hoà bình, tết năm 1973. Bây giờ, thì chắc chắn, có thể yên lòng với những cái hố ấy rồi.
     Chung quanh Bờ Hồ, ngày 1-5, còn có nhiều đám mít tinh lẻ tẻ khác. Tôi đồ rằng phản ứng của giới lãnh đạo Hà Nội chưa kịp, cho nên hãy để cho quần chúng tự nguyện làm theo kiểu tự phát cái đã.
    Một người đàn ông đứng tuổi, ra dáng dân Hà Nội gốc, đi trong đoàn người, mà lại ngước nhìn đi đâu. Tôi đoán ông ta đang nghĩ tới một người cùng phố vào Sài Gòn từ cuối 1954.

VTN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mười năm sau chiến tranh: Cả người chết cũng bị lừa (phần 1)


Tiziano Terzani
Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel, số 18/1985
Lời người dịch: Tiziano Terzani (1938 – 2004) là một nhà báo, nhà văn người Ý. Ông đã tường thuật 30 năm trời từ châu Á cho tuần báo Der Spiegel, là một trong những phóng viên nổi tiếng ở Đông và Đông Nam Á. Tiziano Terzani là một người có cảm tình với Việt Cộng. Ông đã từng vào rừng sống chung với Việt Cộng. Tháng 4 năm 1975, ông là một trong số ít nhà báo đã ở lại Sài Gòn, nhân chứng của thời điểm lịch sử đó. “Tôi đã rơi nước mắt”, Terzani nhớ lại. Bài báo này do ông viết nhân dịp kỷ niệm mười năm kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Tiziano Terzani (phải) đi cùng với xe tăng quân đội Bắc Việt trên đường Tự Do của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Hình: Tư liệu Terzani
Tiziano Terzani (phải) đi cùng với xe tăng quân đội Bắc Việt trên đường Tự Do của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Hình: Tư liệu Terzani
Người dân trông mạnh khỏe và vui tươi, họ mặc quần áo chỉnh tề – nhưng chỉ trên các tấm áp phích. Dưới hàng trăm bức hình tưởng tượng khổng lồ nhiều màu đó của công nhân, quân nhân và trẻ em, những người kiên quyết hay mỉm cười nhìn lên bầu trời, là từng ấy con người thật, đói ăn, rách rưới, ốm yếu, dơ dáy nhìn xuống mặt đất. Họ tìm một mẩu thuốc lá thừa, một mảnh giấy hay một cái gì đó ăn được.
Sài Gòn kỷ niệm mười năm chiến thắng của tháng Tư 1975: công sở được quét vôi mới, người bất đồng chính kiến bị bắt giam, ăn mày trên các con đường chính của trung tâm bị đày vào một trại ở ngoại ô thành phố, để họ đừng làm dơ bẩn hình ảnh chiến đấu của Sài Gòn trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Nhưng không gì có thể che đậy được sự chán ngán trên các gương mặt của đại đa số 3,5 triệu dân cư của nó.
“Đó là chiến thắng của họ, không phải của chúng tôi”, một người Sài Gòn thì thào nói với con người xa lạ. “Đối với chúng tôi thì lễ kỷ niệm này chỉ có nghĩa là bắt bớ và cúp điện. Họ cần điện để chiếu sáng chân dung của bác Hồ.”
“Họ” và “chúng tôi” – mười năm sau cuộc chiến, sự chia rẽ giữa người chiến thắng và người thua trận cũng vẫn còn không thể vượt qua được.
Chân dung các anh hùng của Chủ nghĩa Xã hội trong buổi kỷ niệm mười năm ngày chiến thắng. Hình: Philip Jones Griffiths
Chân dung các anh hùng của Chủ nghĩa Xã hội trong buổi kỷ niệm mười năm ngày chiến thắng. Hình: Philip Jones Griffiths
Trước đây mười năm, khi những chiếc xe tăng đầy bụi bặm với lá cờ Việt Cộng chạy ngang qua tòa Đại sứ quán Mỹ tiến tới dinh thự của tổng tống Thiệu bại trận, khi những người lính du kích đầu tiên, gầy gò, rụt rè, trẻ tuổi, kéo xuống đường Tự Do, con số ít ỏi của những người ngoại quốc có mặt trong lúc đó đã khóc vì mừng rỡ: một cuộc chiến tranh tàn bạo đã chấm dứt, Việt Nam dường như đã giành lại được độc lập, một dân tộc tái thống nhất bây giờ sẽ có hòa bình và công lý – thời đó chúng tôi tin là như vậy.
Hòa bình đã không trở lại với Đông Dương. Hàng trăm người Việt trẻ tuổi đã hy sinh trên các chiến trường Campuchia. Không có công lý, nếu như công lý khác với việc lật đổ một xã hội và thay thế một chế độ độc tài bằng một chế độ độc tài khác. Người Sài Gòn, rõ ràng là như vậy, ngày nay sống tồi tệ hơn, phải chịu đựng tình trạng thiếu năng lực và tham nhũng nhiều hơn, sợ cảnh sát nhiều hơn là trước kia.
“Cách mạng đã không thực hiện bất cứ lời hứa nào của họ”, một người bạn nói. “Ngay cả người chết cũng bị lừa.” Trên nghĩa trang cũ ở Biên Hòa, nơi nhiều người lính Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến chống cộng sản được chôn cất ở đó, phần lớn các ngôi mộ đã bị xe ủi đất san phẳng – mặc dù chế độ mới đã tạo một nghĩa trang riêng cho những người anh hùng đã hy sinh cho cuộc cách mạng.
Đối với người sống, lời hứa hòa giải dân tộc còn được thực hiện ít hơn như thế nữa.
Trong tháng Năm 1975, một sĩ quan từ quân đội của Thiệu được lệnh đi “học tập cải tạo”. Ông mang theo mùng, bàn chải đánh răng và gạo cho 30 ngày đi trình diện; và ông cũng như tôi tin rằng sau 30 ngày ông thật sự sẽ trở về.
“Nào phải 30 ngày! Thành 3289 ngày”, bây giờ ông nói; ông còn có may mắn. Nhiều người lính, sĩ quan và nhân viên trước kia của chính quyền bại trận đã chết trong các trại cải tạo. Nhiều người vẫn còn ở trong những trại trong rừng đó, những trại mà các quan chức cộng sản ngày nay trong những khoảnh khắc bất cẩn đã gọi chúng là “trại tập trung”.
Một lớp học tập cải tạo tại Tây Ninh, 1976. Hình: Marc Riboud
Một lớp học tập cải tạo tại Tây Ninh, 1976. Hình: Marc Riboud
Còn bao nhiêu người Việt Nam bị giam cầm ở đó? Chính phủ đưa ra con số 7000. Có người ước đoán tới 100.000. Trong năm 1975, chế độ mới hứa hẹn cho mỗi một người Việt Nam một nhiệm vụ trong cuộc tái xây dựng đất nước đã bị tàn phá này. Ngày nay, hàng ngàn người trở về từ những trại cải tạo đó đều không có một cơ hội nào.
Cái tội lỗi thuộc về một “chế độ bù nhìn” là không thể rửa sạch được. Còn ngược lại, nó giống như một căn bệnh được di truyền từ cha sang con: không có công việc làm cho những “tên bù nhìn”, không có chỗ cho con của họ trong các trường trung học hay đại học.
Trong khi nhân viên cộng sản, toàn bộ đều từ miền Bắc, dọn vào ở trong các khu biệt thự và nhà riêng của giới thượng lưu Sài Gòn cũ thì xã hội Việt Nam bị quẳng ra đường phố và lang thang vất vưởng khốn khổ ở đó như một bộ tộc đi lạc, bị nguyền rủa phải tuyệt chủng.
Sau chiến thắng của họ ở Campuchia, tên cộng sản thời đồ đá Pol Pot và Khmer Đỏ đã phân người dân của họ ra thành hai loại: những người dân đã sống dưới sự thống trị của cộng sản trước 1975, vì vậy mà có thể tin tưởng được; và những người kia, những người đã không được hưởng lợi thế này, tức là phải chiến đấu chống lại hay còn phải tiệt trừ hoàn toàn nữa. “Những gì diễn ra ở đây trong Việt Nam cũng giống như Pol Pot quay chậm”, một người bạn ở Sài Gòn nói.
“Chúng tôi đã chết rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn có thể bước đi. Tôi có cảm giác mình giống như một bóng ma từ một thời gian khác”, một phi công trước đây của không quân nói, người có hơn tám năm trại cải tạo ở phía sau mình và bây giờ có nhà của mình ở trên một băng ghế do Lions Clubs tặng ở dưới tượng đài kỷ niệm Trần Hưng Đạo.
Nghĩa trang máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt, một trong những phi trường bận rộn nhất của thế giới trước kia. Hình: Philip Jones Griffiths
Nghĩa trang máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt, một trong những phi trường bận rộn nhất của thế giới trước kia. Hình: Philip Jones Griffiths
Sài Gòn vui sống ngày xưa đầy những bóng ma từ quá khứ như thế. Có thể nhìn thấy họ ở khắp nơi: tóc dài, quần áo dơ bẩn, nhiều người có vết thương hay ung nhọt không được băng bó, có người đi tha thẩn lạc lỏng, những người khác làm các công việc khốn cùng: thiếu niên đi lang thang qua thành phố với một cái kẹp và bao tải, để nhặt giấy vụn và bao nilon. Người trung niên với vẻ mặt trí thức dùng ống tiêm bơm mực mới vào những cây bút bi cũ. Những ngưởi khác ngồi cạnh một cái nón lính đổ đầy nước và vá xe đạp.
Ở Sài Gòn có 40.000 xe xích lô. Phần lớn người lái là lính và sĩ quan cũ. Họ ngủ trên những chiếc chiếu ở trước tòa nhà quốc hội cũ và ở cạnh những đài tưởng niệm của thành phố. Họ chui vào trong công sự có từ thời chiến tranh để tránh mưa. Họ thường xuất thân từ những gia đình xưa, khá giả, ở Sài Gòn và bây giờ thì thất nghiệp và vô gia cư, trở về từ “vùng kinh tế mới”, nơi mà họ bị ép buộc phải đi tới đó.
Năm 1976, người ta có thể tới thăm một vùng kinh tế mới lớn ở phía bắc của thủ đô, nơi hàng ngàn gia đình Sài Gòn cần phải biến miền đất hoang vu thành đồng ruộng dưới ngọn cờ đỏ đang bay phấp phới. Không có nước lẫn cây cỏ. Sau mười năm cố gắng, cuộc thử nghiệm đó được tuyên bố là vô vọng, người dân chạy trốn trở về thành phố. Từ đó, không còn ai nói về vùng kinh tế mới nữa. Chế độ của miền Bắc không thành công trong việc lấy được thiện cảm của người dân miền Nam. Vì thế mà mười năm sau ngày giải phóng, hai Việt Nam vẫn còn sống thù địch và nghi ngờ bên cạnh nhau.
Mười năm này cũng không mang lại sự hòa thuận cho những gia đình bị cuộc nội chiến chia cắt, tái đoàn tụ qua giải phóng. “Người anh em cộng sản của tôi đã tố cáo tôi là tư sản để cướp tài sản của tôi”, một người quen thuật lại, người trước kia đã từng sở hữu một quán ăn. “Khi tôi trở về sau ba năm ở trong tù, tường nhà tôi đầy lỗ vì hắn nghĩ rằng chúng tôi giàu lắm và đã cất dấu vàng, thứ mà hắn muốn tìm cho ra.”
Sài Gòn, Việt Nam 1985: chờ mở cửa. Hình: Philip Jones Griffiths
Sài Gòn, Việt Nam 1985: chờ mở cửa. Hình: Philip Jones Griffiths
Ở Sài Gòn, bất cứ chức vụ quan trọng nào trong hành chánh đều nằm trong tay của người Việt từ miền Bắc – bắt đầu từ người cảnh sát đứng ở ngã tư và nhân viên bưu điện, người giám sát việc bán tem thư. Đứng trước chính sách nhân sự này, người ta tự hỏi liệu chế độ cộng sản của miền Bắc có thật sự muốn hòa giải dân tộc hay không, điều mà họ đã hứa hẹn trước đây mười năm, hay là, thật lâu trước khi chiếm Sài Gòn, họ đã quyết định đánh giá toàn bộ người dân miền Nam là không thể tin tưởng được.
Người ta cũng tự hỏi, liệu Hà Nội có ý thật sự nghiêm chỉnh với việc “cải tạo” hay không, hay đó là một mưu kế để đánh đổ bộ máy quân sự và dân sự của chế độ trước đây chỉ với một cú đánh. Cuối cùng, người ta tự hỏi, rằng kế hoạch của những vùng kinh tế mới có thật sự xuất phát từ ý định tạo công việc làm mới cho dân cư thất nghiệp của thành phố hay không; hay đó là một biện pháp rẻ tiền thì nhiều hơn, để xua đuổi hàng ngàn gia đình Sài Gòn ra khỏi nhà ở của họ và trao chúng về cho các gia đình từ miền Bắc.
Thật sự là vào năm 1975, ở Nam Việt Nam có hàng ngàn kỹ sư, người tốt nghiệp đại học và người đã qua đào tạo sẵn sàng làm việc cho chế độ mới, rằng chế độ mới này đã khước từ sự cộng tác của họ: một sự lãng phí lòng nhiệt tình, khả năng và nhân tài hết sức to lớn.
Năm 1975, ở Sài Gòn có trên 2000 bác sĩ. 800 người đã ra đi với người Mỹ, phân nửa số người lúc đầu còn ở lại đã rời bỏ đất nước trong vòng mười năm vừa qua.
“Tôi không sợ nghèo khổ”, một người nói, người đã chịu đựng được và không than phiền về việc từ năm 1975 không ai trong gia đình ông đã có thể mua được một cái áo mới. “Nhưng thật khó mà chịu đựng được cái cảm giác mình là người thừa.” Ngày nay, ông kiếm tiền bằng cách dạy tiếng Anh cho người Việt đang chuẩn bị chạy trốn.
Trên một triệu người Việt đã rời bỏ đất nước của họ từ 1975, nhiều người đã liều tính mạng của họ trên biển như là “boat people”. Cả cho tới ngày nay, hàng tháng trung bình có khoảng 2000 người Việt cố gắng bỏ trốn.
(Còn tiếp)
Tiziano Terzani
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 18/1985: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-13514174.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái chết từ từ’ của Đồng bằng Sông Cửu Long


Kaeng Khut Khu là một khu du lịch nằm bên bờ sông Mekong. Với người Thái Lan ở tỉnh Loei, mùa khô nhất hàng năm, dân làm cá vẫn bộn tiền mùa du lịch. Nhưng giờ đây, du lịch cũng “đói” khi con sông quẫy mình theo… thủy điện.
Trước đây, về mùa khô, khu vực này luôn đông khách du lịch với những chòi tạm lãng mạn cất trên mực nước hiền hòa. Giờ thì mọi căn lều đều có thể bị phá hủy chỉ vì nước đổ về chớp mắt
Trước đây, về mùa khô, khu vực này luôn đông khách du lịch với những chòi tạm lãng mạn cất trên mực nước hiền hòa. Giờ thì mọi căn lều đều có thể bị phá hủy chỉ vì nước đổ về chớp mắt

Con nước cướp miếng ăn

Ông đánh cá tên Prayun San-ae nói: “Bình thường nước lên xuống theo mùa, biết được nước cạn, nước về, chúng tôi đánh bắt cá. GIờ không đoán được lúc nào nước về nữa.”
Mỗi ngày, để nổ máy thuyền bơi ra Mekong đánh cá, ông Prayun đã tiêu hết 100 baht tiền dầu máy. Cá sông Mekong bắt được, ông bán được chừng 200 baht/kg (khoảng 140.000đ/kg). Trưa hôm ấy, ba con cá của ông đánh được người trên bờ mua lại, mỗi con to đến hơn 3kg. Nhưng Prayun không vui.
Ông nói: “Cá nhỏ lắm rồi. Vài năm trước, cá dưới 6kg là cá nhỏ. Nhưng giờ tụi tôi chỉ đánh được những con chừng 3kg. Cô nhìn thấy cỏ xanh trên kia không? Chỉ bốn ngày trước, nước cao ngập luôn trên đó.” – Ông nói và chỉ lên cao sát bờ sông, có lẽ phải hơn vị trí chúng tôi đứng gần 2m. Trong buổi chiều gặp ông, nước sông Mekong xuống thấp tận đáy, đám trẻ con lội bộ ra tận giữa dòng chơi. Chỉ mới vài năm gần đây, con sông quen thuộc với ngôi làng hàng trăm tuổi của họ mới trở nên khó hiểu đến vậy.
Như thông lệ, đến mùa Tết té nước Songkran, nước trên đoạn sông này sẽ thấp, nhưng ngập lấp xấp cẳng chân. Người ta dựng những trại nhỏ trên mặt nước như lán sàn, cho du khách đến chơi ra giữa sông ăn uống, nghỉ ngơi.
Nhưng vài năm gần đây, những lều trại du lịch thình lình bị quét sạch sau một đêm, khi con nước bất thần từ thượng nguồn đổ về, ngay giữa mùa khô cạn nước. Hàng chục lán trại trong những tờ rơi quảng cáo du lịch chỉ còn lại vài trại tạm bợ ít ỏi cuối cùng.
Sự bất thường của nước sông đồng nghĩa với cả một mùa khô đói kèm của dân vùng này.
Không thể kiếm tiền từ du lịch, không thể bắt cá, ông Vachira, một người đánh cá, nói: “Bây giờ, ban ngày tôi đi làm công nhân xây dựng. Ban đêm mới đi đánh cá. Hàng xóm của tôi phải đi hát rong trong khu du lịch, đi bán hàng để kiếm thêm tiền vì không còn cá.”
Những ngư dân như ông Prayun hay Vachira đã nghe về một cửa nước và những đường hầm tương lai sẽ xuất hiện ngay bên nguồn sinh sống của họ. Khi tôi hỏi, ông nghĩ liệu cửa nước sẽ gây ra điều gì, ông nói: “Tôi không biết rõ, nhưng có lẽ cá sẽ ít đi hoặc mất đi hẳn. Vì sông Loei là chỗ cá đẻ trứng, nước lặng, cá lớn và đi vào sông Mekong.” – Prayun không tin mình sẽ được hưởng gì khi sông Mekong mất đi dòng nước lớn.

‘Cái chết từ từ’ của Đồng bằng sông Cửu Long

Ngồi trên thuyền đi cùng, nhà nghiên cứu Yuttana Vongsopa tại Chiang Khan nói: “Tôi cùng ngư dân ở đây thực hiện các nghiên cứu về nguồn cá và nước. Trên sông Mekong ở đây, chúng tôi đã thống kê có đến sáu loài cá biến mất hoàn toàn kể từ khi các đập thủy điện nhiều lên. Con cá to nhất cuối cùng mà ngư dân ở đây đánh được là 130kg, đã từ năm 1989.” – Yuttana Vongsopa cũng là người theo sát những biến động của dòng nước sông trong những năm bất thường gầy đây.
Một phần của việc bị xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long được cho là vì vùng đất này dần sụt lún
Một phần của việc bị xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long được cho là vì vùng đất này dần sụt lún
Nói với BBC Tiếng Việt từ Cần Thơ, Tiến sĩ Dương Văn Ni- một chuyên gia về nguồn nước tại Đại học Cần Thơ cho biết những dự án thủy điện và cả đảo dòng sông Mekong ở thượng nguồn là “cái chết từ từ của Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Ông Ni giải thích chế độ thủy văn của sông Mekong bị thay đổi như “xây thủy điện chặn ngang dòng sông, đào thêm kênh mương, hồ trữ, dẫn nước từ Mekong qua các lưu vực sông khác” đều sẽ gây ra “ảnh hưởng trầm trọng” vì sông Mekong không chỉ đưa phù sa hay nước, mà còn đưa 160 -170 triệu tấn cát về miền Tây Việt Nam, để “giữ cho mặt đất dưới này không sụt xuống”.
“Nếu thiếu cát, sỏi, sạn thì dầu chúng ta có rất nhiều sét, thịt, bùn thì nó không giữ lại được, không định hình được đất đai và đẩy hết ra biển.”
“Mọi người, nhà báo, truyền hình ai cũng nói tới thiếu nước. Nhưng thiếu nước ngọt, ta có thể lấy chỗ này bù chỗ khác, thiếu nước tưới, ta có thể chở từ nơi khác bù vào chỗ thiếu này. Nhưng nếu Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát, thiếu phù sa, mặt đất sụt hàng ngày, không lấy đâu ra phù sa bù lại được. Đồng bằng sẽ chìm xuống, ngập mặn.”
Ông Ni cũng giải thích: “Ngay cả Thái Lan rất chú trọng đào các hồ lớn, dẫn nước sông Mekong vào nhưng tất cả nếu có ai làm một nghiên cứu cặn kẽ để đánh giá sẽ thấy nó không giải quyết được bao nhiêu vấn đề họ cần, mà nước vẫn mất đi, thậm chí từ bằng tới cao hơn vì cả một vùng khô hạn thì không thể trữ được nước chỗ nào mà không bốc hơi được. ”
Khi ông Ni nói với tôi những điều này, cuộc hạn hán và ngập mặn ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam đã tới đỉnh điểm phá hủy của nó, khi những cánh đồng đã cháy trắng vì mặn và nước không còn trên đồng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang