Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Lạc đà là loài thích sống ở thành phố..nhưng đặc biệt ngu và điên!

Thu hồi sách viết lạc đà là loài chim lớn nhất

V.V.TUÂN

TTO - “Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà”. Đó là thông tin được đưa ra trong cuốn sách "Mười vạn câu hỏi vì sao?", khiến nhiều người ngạc nhiên.

Sách Mười vạn câu hỏi vì sao của tác giả Đức Thành, do NXB Hồng Đức ấn hành tháng 9-2015, với đối tác liên kết xuất bản là công ty TNHH văn hoá Minh Tân - nhà sách Minh Thắng, in 2000 cuốn.

Chiều ngày 8-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Việt Bắc - giám đốc NXB Hồng Đức thừa nhận cuốn sách Mười vạn câu hỏi vì sao do NXB Hồng Đức ấn hành, đồng thời nói rằng: việc sách viết lạc đà là loài chim lớn nhất thế giới là do có sự nhẫm lẫn.

“Chúng tôi đã dừng phát hành cuốn sách này từ ngày 7-4, đồng thời yêu cầu các nhà sách thu hồi được 1.600 cuốn (trên tổng số 2000 cuốn) để sửa chữa chi tiết này. Trong những ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục thu hồi sách” - ông Bắc nói.

Nhầm lẫn này được các facebooker phát hiện từ sáng 7-4 và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. 

Tại trang 71, trả lời câu hỏi "Loài chim lớn nhất trên thế giới là loài nào?", cuốn sách viết: “Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà. Lạc đà không chỉ có hình dáng to lớn, mà tốc độ chạy cũng rất nhanh. Nó đã là chim, vậy vì sao lại chạy nhanh mà không phải là bay? Đó là vì lạc đà không biết bay do thân thể nó quá nặng, cánh cũng bị thoái hoá rồi”.


Sách cũng giải thích thêm về loài “chim lạc đà”: “Trong các loài lạc đà, lạc đà châu Phi là nổi tiếng nhất, hơn cả lạc đà châu Mỹ và lạc đà châu Úc. Lạc đà châu Phi có thân thể cao lớn, giỏi chạy, thích hợp sống ở sa mạc và các vùng hoang dã, trong đó lạc đà đực lớn nhất cao tới 2,75 mét, dài khoảng 2 mét, nặng 160kg.

Lông cánh và lông đuôi của lạc đà châu Phi đều màu trắng, màu long của các bộ phận khác thì không hề giống nhau. Lông của phần đầu thưa, còn của phần cổ thì đa phần là trơ trụi, vẻ ngoài trông rất xấu.

Hai chân của lạc đà rất dài, to khoẻ, tuy hai cánh bị thoái hoá nhưng chạy nhanh như bay, lại thêm lông phụ phát triển có thể đập vỗ để trợ lực cho cánh, cho nên mỗi bước chạy có thể dài tới 8 mét, trong 15 phút hoặc chưa đầy nửa tiếng đồng hồ có thể chạy xa 50km, mỗi giờ có thể chạy được 70km”.

Kết thúc phần này, sách một lần nữa khẳng định lạc đà là loài chim:

“Lạc đà quen sống thành bầy, bốn năm chục con cùng chung sống. Khi sinh sản luôn luôn là một con đực và nhiều con cái, đồng thời để trứng trong một tổ, thông thường một con cái mỗi lần đẻ được 8 trứng, mỗi trứng nặng khoảng 1300g.

Chim cái sau khi đẻ trứng xong thì đã hoàn thành nhiệm vụ của người mẹ, còn các công việc khác như ấp trứng, nuôi dưỡng chim non sẽ do chim đực đảm nhiệm”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Mong Chính phủ mới không đầu tư vào công nghệ lạc hậu của TQ'


Hoàng Đan

SOHA - Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chính phủ mới cần tập trung vào công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới chứ không nên đầu tư vào công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Chính phủ phải đóng vai trò "bà đỡ" cho doanh nghiệp

Sau khi Quốc hội thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, chúng tôi đã ghi lại một vài chia sẻ của các ĐBQH về mong muốn của họ với Chính phủ mới.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) bày tỏ sự hoan nghênh các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn.

Theo ông, việc phê chuẩn 21 thành viên Chính phủ mới cho thấy có một sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cũng như thể hiện sự kế thừa, có quy hoạch từ trước, bởi đều là những người đã giữ chức cấp phó rồi được bầu lên cấp trưởng.

Ví dụ như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều là những đồng chí rất trẻ, nhưng được quy hoạch từ trước.

Từ đó, những vị này sẽ có được sự chắc chắn để có thể thực hiện hết nhiệm vụ của mình.

Vị Tiến sỹ Kinh tế này cũng bày tỏ, Chính phủ mới phải là một Chính phủ hành động và đổi mới trên 3 phương diện, bao gồm đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đổi mới trong quản lý kinh tế và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

“Chính phủ phải đóng vai trò là bà đỡ cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Trên tinh thần đó có thể đối đầu giải quyết vấn đề gì, trong đó quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm", ông Lịch nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhìn nhận, Chính phủ kiến tạo và hành động là xu thế chung trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Song, để làm được điều đó, Chính phủ cần rút kinh nghiệm và xây dựng bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực sự phục vụ nhân dân.

“Trước hết, về mối quan hệ xin - cho còn tồn đọng trong xã hội, ta cần chuyển sang một Chính phủ dịch vụ, phục vụ theo đúng nghĩa.

Chắc sẽ còn một thời gian dài và cải cách hành chính là giải pháp tốt nhất để giải quyết trực tiếp mối quan hệ người dân với chính quyền. Vì vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình này”, ông Quốc cho hay.

Giữ vững chủ quyền, lãnh thổ

Cùng trao đổi với chúng tôi, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng hy vọng Chính phủ mới trên cơ sở nguyện vọng và thực tế, phấn đấu đưa đất nước phát triển trong thời gian sắp tới.

Đặc biệt, Chính phủ mới phải cương quyết hơn nữa trong việc đấu tranh chống tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng vốn là những ung nhọt trong xã hội.

"Chính phủ mới phải xây dựng nền kinh tế đất nước của chúng ta bền vững, tự chủ, không lệ thuộc vào nền kinh tế của bất kỳ nước lớn nào. Điều này rất quan trọng.

Đất nước ta ở kế bên Trung Quốc là một nước lớn. Những năm vừa qua, kinh tế của ta lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Nhập siêu ngày càng tăng. Các công trình Trung Quốc trúng thầu ở ta thường bị kéo dài tiến độ, chất lượng không tốt.

Tôi cho rằng về đầu tư, Chính phủ cần tập trung vào các công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới chứ không nên đầu tư vào công nghệ lạc hậu của Trung Quốc", ông Tùng nhấn mạnh.

VỊ ĐBQH này cũng đặt kỳ vọng Chính phủ phải làm sao bảo vệ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, đặc biệt ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

"Điều này đòi hỏi Chính phủ phải cương quyết, vững vàng, trên cơ sở ý nguyện của nhân dân. Tôi tin rằng nhiệm kỳ này Chính phủ sẽ có những bước tiến, là một Chính phủ hành động, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân cả nước", ông Tùng nói thêm.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) mong muốn trong chính sách phải làm sao có sự hòa nhập giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế, phải có sự mở cửa của chính doanh nghiệp trong nước sẵn sàng liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài.

Trên cơ sở đó chúng ta mới tồn tại.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Trần Đăng Tuấn: TỰ ỨNG CỬ CƠ HỘI TRÚNG CỬ LÀ KHÔNG NHIỀU



Ông Trần Đăng Tuấn đạt 100% sự ủng hộ 
của cử tri nơi cư trú

Hoàng Đan
Soha
11/04/2016 17:04

Theo thông tin của chúng tôi, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14 Trần Đăng Tuấn đã nhận được 100% cử tri nơi cư trú dự họp biểu quyết ủng hộ.

Ông Trần Đăng Tuấn ngạc nhiên về chuyện “tất cả cùng đúng”
Ông Trần Đăng Tuấn ứng cử ĐBQH: GS Thuyết, ông Quốc đều mừng
Từ quyết định phút chót của ông Trần Đăng Tuấn

Trong tối thứ 7, ngày 9/4, tại khu dân cư tòa nhà 34T, Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội đã diễn ra buổi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14 Trần Đăng Tuấn và một số ứng cử viên khác.


Tham gia buổi lấy ý kiến có 77 cử tri đại diện cho nhân dân tại khu vực cư trú của ông Tuấn cùng đại diện các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Tại buổi lấy ý kiến, tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc ông Trần Đăng Tuấn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.

Kết thúc buổi lấy ý kiến cử tri, ông Trần Đăng Tuấn và một ứng cử viên đại biểu Quốc hội khác do Văn phòng Quốc hội giới thiệu ứng cử đã được 100% người dự họp biểu quyết ủng hộ.

Theo dự kiến, trong tuần này, sẽ diễn ra Hội nghị hiệp thương lần 3 để thống nhất danh sách chính thức đối với các ứng viên ứng cử ĐBQH khóa 14.

Trước đó, nói về lý do đưa ra quyết định tự ứng của ĐBQH, ông Tuấn cho rằng, đúng là không cần vị trí nào vẫn có thể làm điều hữu ích.

"Nhưng nếu là Đại biểu Quốc hội, sẽ có nhiều điều kiện để làm những điều đúng, điều hữu ích cho cộng đồng hiệu quả hơn", ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, nếu sau hiệp thương, tên ông có trong danh sách để bầu thì cơ hội trúng cử của một người tự ứng cử, khách quan mà nhìn nhận, là không nhiều.

"Dù vậy, tôi quyết định tự ứng cử, vì giờ đây tôi nghĩ rằng, lấy lý do xác suất thành công quá nhỏ mà không làm điều gì đó cần làm, thường chỉ là cách biện hộ cho sự yếu đuối.

Hướng đến mục tiêu trúng cử, nhưng tôi không bị áp lực bởi chuyện trúng hay không trúng cử. Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ làm những việc hữu ích lớn.

Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiên thực thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ. Thiết nghĩ: Cơ hội bao giờ cũng có, quan trọng là thái độ của chúng ta với các cơ hội mà thôi", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957 tại Nam Định và từng có hơn 20 năm công tác tại Đài truyền hình Việt Nam.

Ông được xem là người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chiến lược Đài truyền hình Việt Nam giai đoạn 1996 - 2000 và 2001 - 2010. Ông cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng kênh VTV3 từ năm 1996.

Tháng 8/2010, ông gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin chuyển công tác khỏi VTV. Đến tháng 11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho ông thôi chức Phó Tổng giám đốc VTV.

Sau đó, ông chuyển về làm việc tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình. Từ năm 2011, ông là Tổng giám đốc Truyền hình An Viên (AVG).

Sau khi rời VTV, ông Tuấn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp trẻ em vùng cao tới trường thông qua chương trình "Cơm có thịt" từ năm 2012.

Theo Trí Thức Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

G7 ra tuyên bố phản đối hành động khiêu khích ở Biển Đông


Tuổi trẻ
11/04/2016 18:54 GMT+


TTO - Hội nghị ngoại trưởng các nước G7 ra tuyên bố Hiroshima, kêu gọi thế giới không vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Các ngoại trưởng G7 đặt vòng hoa tại công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima
Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, chủ tọa hội nghị, cho biết các ngoại trưởng G7 nhấn mạnh quan điểm phối hợp các nỗ lực nhằm hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. 


Tuyên bố Hiroshima lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 1-2016 cũng như các vụ thử tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây. Các ngoại trưởng G7 nhất trí yêu cầu Triều Tiên có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Về vấn đề an ninh hàng hải, G7 nhấn mạnh an toàn và tự do hàng hải là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), kêu gọi các quốc gia tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Các nước G7 cam kết nỗ lực để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại các vùng biển cũng như đảm bảo các hoạt động hợp pháp trên biển được quốc tế công nhận như đi qua vô hại, quá cảnh và sử dụng các lộ trình hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.
 
Các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời phản đối các hành động đơn phương mang tính khiêu khích hoặc gây sức ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng.

Tuyên bố kêu gọi các nước kiềm chế các hành động bồi đắp trái phép quy mô lớn, xây dựng các cơ sở cũng như sử dụng chúng phục vụ mục đích quân sự.

Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến hành việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chính sách của Việt Nam sẽ không thay đổi dưới dàn lãnh đạo mới


Hoài Hương
Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức thủ tướng tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 7/4/2016. Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức thủ tướng tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 7/4/2016. Photo: AP
Sau khi Việt Nam hoàn tất những thay đổi nhân sự ở các cấp cao nhất vào cuối tuần qua, truyền thông quốc tế đang dồn sự chú ý vào những thay đổi chính sách dưới dàn lãnh đạo mới.
Các hãng tin quốc tế cho rằng chính sách của Việt Nam khó có thể thay đổi trong tương lai.
Hãng tin Reuters hôm 10/11 chạy hàng tít: “Nhiều khuôn mặt mới trong chính phủ, nhưng khó có thay đổi về mặt chính sách”.
Bài báo viết rằng trong khi cuộc chuyển tiếp quyền lực đầy kịch tính đã kết thúc hôm thứ Bảy vừa rồi với 21 khuôn mặt mới, nội các được giao nhiệm vụ cải cách một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tư hữu hoá và đối phó với những vấn đề về nợ công.
Tân chính phủ Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc lên nắm quyền sau một năm tăng trưởng kinh tế mạnh, với tỷ lệ tăng 6,7% và một nền kinh tế 200 tỉ đôla, cùng với mức đầu tư nước ngoài cao kỷ lục.
Ba Phó Thủ Tướng mới gồm nguyên Chánh án Toà Án Nhân Dân Tối Cao Trương Hoà Bình, và ông Vương Đình Huệ, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,
Ông Lê Minh Hưng được bổ nhiệm vào chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thay thế ông Nguyễn Văn Bình.
Một số nhân vật quan trọng trong chính phủ tiền nhiệm từng cổ vũ một nghị trình ủng hộ các hoạt động kinh doanh, vẫn được lưu nhiệm gồm có Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng và các Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh, còn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Bản tin của Reuters nói rằng dù cho cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật đầy thế lực từng ủng hộ cải cách kinh tế, đã ra đi nhưng chính phủ mới theo dự kiến sẽ duy trì các chính sách tương tự.
H1Dàn lãnh đạo mới sẽ lãnh đạo quốc gia cho tới năm 2020, đứng đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Reuters
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng tải một bài viết hôm 10/4, đại ý cho rằng các nhà lãnh đạo mới tại Hà Nội sẽ duy trì các chính sách cũ.
Tờ báo này chỉ trích giới truyền thông là thường dùng các từ như “bảo thủ, cải cách, thân Trung Quốc, hay thân Mỹ” khi nói tới các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhưng đó chỉ là một cách để tạo sự chú ý mà thôi.
Theo tác giả bài báo, một nhà nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các quan điểm chính trị của giới lãnh đạo Việt Nam không khác nhau bao nhiêu, họ đều là những nhà cải cách, mặc dù có một số người thận trọng hơn, nhưng tất cả đều chia sẻ ước vọng là duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh là Việt Nam có một chính sách đối ngoại rõ rệt là duy trì các quan hệ hữu nghị với tất cả các cường quốc, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ, trong khi không ngả về bất cứ nước nào.
Bài báo kết luận rằng bất kể những thay đổi nhân sự sâu rộng tới chừng nào, chính sách ngoại giao mà tác giả cho là đã chứng tỏ là rất thành công ấy sẽ không thay đổi đáng kể.
H1Mặc dù cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật đầy thế lực từng ủng hộ cải cách kinh tế, đã ra đi nhưng chính phủ mới theo dự kiến sẽ duy trì các chính sách tương tự. Ảnh: Reuters
Về cuộc tranh chấp trên Biển Đông mà tờ báo cho đang là thử thách lớn nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội, trong bối cảnh các cường quốc thế giới, kể cả Mỹ và Nhật Bản, đang ve vãn Hà Nội, tờ báo nói rằng Việt Nam hiểu rất rõ về tầm quan trọng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong 12 năm liên tiếp. Và với sự trỗi dậy tiếp tục của Trung Quốc, Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc hơn vào nước này về mặt thương mại và kinh tế. Tờ báo còn nêu ra những ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Tử đối với nền văn hoá của Việt Nam.
Reuters trích dẫn tập đoàn Albright Stonebridge, một công ty tư vấn có trụ sở ở Hoa Kỳ, cho rằng mặc dù Thủ Tướng Dũng là khuôn mặt được biết đến của các sáng kiến cải cách kinh tế và thắt chặt các quan hệ với Washington, các chính sách này được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung.
Theo bản tin, chính phủ mới sẽ phải cật lực làm việc để củng cố sự hồi phục còn mong manh của ngành ngân hàng, và đẩy mạnh việc tư hữu hoá các công ty quốc doanh, và kiềm chế món nợ công lớn được ước lượng lên tới 60% GDP.
Theo Báo Việt nam Đầu tư, quốc hội mới đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức từ 6,5% tới 7% trong thời gian từ năm 2016 tới 2020, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2011-2015 là 5,9%.
GDP của Việt Nam tính trên đầu người được dự báo sẽ ở vào khoảng từ 3,200 tới 3,500 đôla, so với con số của năm ngoái là 2,109 đôla.
Báo Việt nam Đầu Tư dẫn lời tân thủ tướng Việt Nam nói rằng “Trọng tâm trong thời gian tới là tập trung cải cách hành chính, tạo ra một môi trường thuận lợi cho kinh doanh, củng cố dân chủ, củng cố kỷ luật trong hệ thống hành chính và xã hội nói chung”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghị trình Obama tại Việt Nam?



Châu Bảo Nguyễn thực hiện/ bbc
Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng Bảy 2015
“Trong chuyến thăm này, phía Việt Nam muốn Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương.”
“Phía Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, nhà nước không can thiệp vào thị trường cũng như có một đồng tiền có thể quy đổi. Tính hợp tác có điều kiện là điều thường gặp trong quan hệ quốc tế, cũng như quan hệ song phương Việt-Mỹ”.
Đây là dự đoán của ông Murray Hiebert, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSIS) ở Hoa Kỳ, về chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam sắp diễn ra vào cuối tháng 5 năm 2016.
Trong năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống, ông Barack Obama đang tiến hành các chuyến thăm quốc tế nhằm đánh dấu di sản đối ngoại của mình.
Chuyến thăm Cuba hồi tháng 3 năm 2016 có ý nghĩa như vậy.
Lần cuối cùng một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Việt Nam cách đây 10 năm (2006) dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Trao đổi với BBC, ông Murray Hiebert cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy thể chế hóa quan hệ song phương Việt - Mỹ. Đây là nền tảng một mối quan hệ lâu dài, tiếp nối thành tựu đã đạt được trong những chuyến thăm trước đó của Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang (năm 2013) và đương kim Tổng bí thư ông Nguyễn Phú Trọng (năm 2015).

Hợp tác kinh tế

Về hợp tác kinh tế, chuyến đi này của ông Obama được kỳ vọng thúc đẩy việc thực thi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tăng cường thương mại và cơ hội đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Việt Nam sẽ là nước có lợi nhất trong 12 nước tham gia Hiệp định TPP. Đặc biệt hiệp định này sẽ khiến sản phẩm may mặc và giày thể thao của Việt Nam hưởng thuế quan thấp hơn tại thị trường Mỹ. Điều này giúp cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với Trung Quốc, Campuchia và Bangladesh,” ông Hiebert bình luận.
Ông đưa ra dẫn chứng từ một nghiên cứu của World Bank, cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 8% trong những năm tới nhờ vào vị thế là thành viên của Hiệp định TPP.
Mặt khác, trong chuyến thăm này, ông Obama và những người đồng nhiệm có thể sẽ bàn thảo về việc triển khai đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, hiện đang tích cực đẩy mạnh hiện thực hóa đường bay này, giúp cho việc đi lại của thương nhân, khách du lịch hay du học sinh giữa hai nước được thuận lợi hơn.
Image copyrightGetty
Image captionĐại sứ Mỹ đương nhiệm tại Việt Nam Ted Osius
Một vấn đề quan trọng khác có thể bàn bạc trong chuyến đi của ông Obama là việc Việt Nam muốn Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Như một điều kiện để gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), Việt Nam trước đó đã chấp nhận danh nghĩa là nền kinh tế phi thị trường cho đến năm 2018. Dưới danh nghĩa này, các công ty Việt Nam dễ bị doanh nghiệp Mỹ cáo buộc bán phá giá sản phẩm giá rẻ vào thị trường này. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng muốn Mỹ chấm dứt một số biện pháp bảo hộ đối với sản phẩm cá da trơn có nguồn gốc từ Việt Nam.
Để Việt Nam được công nhận kinh tế thị trường, Quốc hội Mỹ đã đưa ra khá nhiều điều kiện mà Việt Nam phải đáp ứng. Trong đó bao gồm nhà nước không can thiệp vào thị trường, cũng như Việt Nam phải có một đồng tiền có thể được tự do chuyển đổi cho loại tiền tệ khác hoặc vàng mà không cần sự cho phép của các ngân hàng trung ương.

Lệnh cấm vận vũ khí

Ông Murray Hiebert nói lãnh đạo hai nước có thể bàn về vấn đề Biển Đông, cũng như hợp tác đối phó biến đổi khí hậu và môi trường. Sẽ không ngạc nhiên nếu Tổng thống Obama tuyên bố tăng ngân sách cho các dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam, theo ông Hiebert.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ yêu cầu phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương. Lệnh cấm này đã được dỡ bỏ một phần vào năm 2014 nhằm giúp Việt Nam nâng cao sức mạnh an ninh hàng hải.
Quốc hội Mỹ đã yêu cầu để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí này, Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, đặc biệt là việc giam giữ các blogger và người bất đồng chính kiến.
“Trong quan hệ quốc tế, tính có điều kiện trong thương lượng song phương là điều thường gặp,” ông Hiebert nói với BBC.
Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có thể bàn bạc hợp tác về lực lượng gìn giữ hòa bình. Bắt đầu từ việc phía Mỹ thể cử chuyên gia đến làm việc tại Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam. Tuy nhiên điều này có thể chưa kịp hoàn thành trong chuyến thăm của ông Obama, theo ông Hiebert.
Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng là cơ quan chuyên môn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin các sĩ quan Việt Nam đầu tiên nhận sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi từ tháng 4/2014, và tại Nam Sudan từ tháng 6/2014.

Gặp giới trẻ?

Image copyrightGetty
Image captionTổng thống George W Bush thăm TP. HCM năm 2006
Ông Murray Hiebert dự đoán là ngoài Hà Nội, Tổng thống Obama có thể ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam. Nếu thời gian cho phép, ông Obama có thể gặp mặt một số lãnh đạo kinh tế, đặc biệt là những người trẻ để tăng cường hình ảnh và sự kết nối của nước Mỹ với thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam.
Nếu ông Obama thăm thành phố Hồ Chí Minh, ông Hiebert cho rằng có thể ông Obama sẽ tham dự khánh thành Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố này.
Đây là đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội Mỹ đầu tư một phần kinh phí. Dự án Đại học Fulbright Việt Nam lần đầu được đề cập trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ngày 25/7/2013.
Theo ông Hiebert, Trung Quốc sẽ không trực tiếp bình luận về chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barrack Obama.
Tuy nhiên nếu có hiệp định liên quan đến an ninh chính trị được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam, rất có thể Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động của mình tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Murray Hiebert hiện là phó giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của CSIS tại thủ đô Washington Hoa Kỳ. Trước khi gia nhập CSIS, ông là giám đốc khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ. Từng làm việc cho Tạp chí Wall Street Journal Asia và Far Eastern Economic Review, ông Hiebert là tác giả của hai quyển sách về Việt Nam có tên Chasing the Tigers (Nhà xuất bản Kodansha năm 1996) và Vietnam Notebook (Review Publishing xuất bản năm 1993).

Điều ĐẶC BIỆT trong nội các của ông NGUYỄN XUÂN PHÚC


1, Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam có 6 Ủy viên Bộ Chính trị gồm ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng), Phạm Bình Minh (Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao), Trương Hòa Bình (Phó thủ tướng), Vương Đình Huệ (Phó thủ tướng, Tô Lâm (Bộ trưởng Công an), Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chính phủ thời ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ có 4 vị: Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Xuân Phúc (Phó thủ tướng), Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an), Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng). Trong khi đó Bộ Chính trị Việt Nam khóa XII là 19 vị, tăng 3 vị so với cuối nhiệm kỳ XI – 16 vị.

2, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – sẽ tiếp tục đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế khi không là Ủy viên Trung ương Đảng. Trong khi các thành viên còn lại 26/27 đều là Ủy viên Trung ương khóa XII.

3, Mặc dù được Quốc hội khóa XIII bầu và có tới 21 vị mới và được điểm nhiệm vị trí cao hơn. Nhưng Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn là Chính phủ của nhiệm kỳ 2006-2011. Tới tháng 7/2011, tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội sẽ một lần nữa bầu lại nội các này và ông Nguyễn Xuân Phúc lại tuyên thệ trước Quốc hội.

4, Ông Lê Minh Hưng được bổ nhiệm vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở tuổi 46, Thống đốc Ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Ông Hưng là con trai của Thượng tướng Lê Minh Hương (3 tháng 10, 1936 - 23 tháng 5, 2004) là Bộ trưởng Bộ Nội vụ 1996-1998, Bộ trưởng Bộ Công an 1998-2002.

5. Thống đốc Ngân hàng NN Lê Minh Hưng con trai ông Lê Minh Hương, nguyên Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Công thương Trần Anh Tuấn là con trai của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

6. Bộ trưởng Lao động & Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ được Quốc hội phê chuẩn với tỷ lệ 60,73%. Trước đó, ông Đào Ngọc Dung - Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn đã vi phạm quy chế thi cử trong kỳ thi tiến sĩ và bị kỷ luật Đảng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang