Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Viện Trợ Chính Thức – Và Mặt Trái

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa

Diễn đàn Kinh tế 

Ngoại viện là con dao hai lưỡi - một lưỡi là ngoại thuộc, lưỡi kia là tham nhũng
000_Hkg10242954 
* Cầu Nhật Tân nhìn từ bờ Nam sông Hồng tại Hà Nội hôm 6/1/2016, là cây cầu được xây dựng bằng nguồn vốn từ chính phủ Nhật Bản. AFP photo *
 


Với viễn ảnh không xa là Việt Nam sẽ hết được viện trợ theo thể thức ODA, người ta bắt đầu nói đến những khó khăn sau đó, khi kinh tế vẫn cần huy động vốn mà phải vay theo điều kiện của thị trường kể từ Tháng Bảy năm tới. Chuyện ấy là gì và có hậu quả ra sao, mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu qua phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, gần đây, giới chức của Bộ Tài Chính Việt Nam có trách nhiệm về quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết là Việt Nam có thể không còn được vay nợ theo điều kiện viện trợ chính thức mà chuyển sang nguồn vay theo điều kiện thị trường. Hai định chế tài trợ quốc tế là Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu cũng xác nhận chiều hướng ấy. Ông nghĩ sao về việc này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đây là tin vui vì Việt Nam như một đứa trẻ đã lớn, nay sắp đến lúc cai sữa và sẽ được ăn cơm rồi chập chững đi. Tôi chỉ không hiểu là tại sao người ta hốt hoảng vì sự chuyển hóa ấy đã được dự báo từ lâu, khi lợi tức đồng niên của một người lên tới mức trung bình là hơn một nghìn đô la một năm kể từ năm 2009. Tôi cũng xin được nhắc lại là Tháng Hai vừa qua, Ngân hàng Thế giới và Việt Nam vừa hòan tất công trình nghiên cứu về những gì phải làm để đưa Việt Nam lên trình độ có lợi tức trung bình cao, là trong 20 năm nữa từ lợi tức hai nghìn một người vào năm  2014 phải lên tới bảy nghìn vào năm 2035. Có lẽ người ta hốt hoảng vì đứa trẻ chưa được chuẩn bị cho ngày khôn lớn mà giới hữu trách lại còn vay quá nhiều vốn ngắn hạn trong các năm 2011-2013 rồi nay phải lo trả nợ nhiều và đi vay với điều kiện đắt đỏ hơn.


Nguyên Lam: Thưa ông, người ta hay nói lãnh đạo là tiên liệu thì sự kiện lãnh đạo Việt Nam một mặt nói đến sức tăng trưởng mạnh để lên tới đẳng cấp lợi tức trung bình, rồi lại lo sợ là ở vào trình độ ấy thì sẽ phải huy động vốn theo những điều kiện mới. Vì vậy, xin đề nghị ông trình bày lại toàn bộ tiến trình viện trợ cho Việt Nam từ khi kinh tế xứ này được cải cách để thính giả của chúng ta nhìn thấy chặng đường đã qua và những thử thách sẽ tới.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi thật sự đổi mới kinh tế vì Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991 thì kể từ 1992 trở về sau, Việt Nam bắt đầu được các nước viện trợ về cả tài chính lẫn kỹ thuật hầu có thể tự túc phát triển trên nền tảng vững mạnh hơn. Về khuôn khổ viện trợ, ta chủ yếu có thể thức viện trợ phát triển chính thức ODA do 28 nước giàu mạnh tiên tiến đảm nhiệm qua các cơ quan viện trợ của họ hay qua các tổ chức tài chính quốc tế.

- Ba tiêu chuẩn viện trợ là thứ nhất chính thức, thứ hai nhắm vào mục tiêu phát triển và thứ ba là qua ngả tài chính với ưu đãi. Chẳng hạn như hàng năm, Việt Nam vẫn có hội nghị của các nước cung cấp viện trợ, tôi xin gọi tắt là “cấp viện”, và các định chế tài chính quốc tế, đứng đầu là Ngân hàng Thế giới để cứu xét yêu cầu và mục tiêu của các dự án phát triển có lợi cho Việt Nam. Đấy là hình thức nâng đỡ khi Việt Nam còn nghèo và kết quả là kinh tế có tăng trưởng với lợi tức cao hơn xưa.


Nguyên Lam: Ông nói đến viện trợ tài chính với ưu đãi thì thực tế của chuyện ấy là gì? Thế nào là ưu đãi và ưu đãi đến mức thế nào, thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một quốc gia chỉ phát triển khi thực hiện các dự án yểm trợ tăng trưởng sản xuất và các dự án này phải mất nhiều năm thực hiện thì mới có kết quả. Đấy là dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất như cầu đường, sông ngòi hay xã hội như trường học, nhà thương và chợ búa.

- Viện trợ kỹ thuật là tiến trình nghiên cứu từ bước kế hoạch qua chương trình đến các dự án. Viện trợ tài chính là tài trợ việc thực hiện các dự án có tính cách lâu dài. Vì vậy, người ta cho nước cầu viện vay tiền với các điều kiện dễ dãi là 1/ dài hạn, kỳ hạn di vay có thể ba bốn chục năm; 2/ với thời gian ân hạn dài, là trong năm bảy đầu thì chưa phải trả vốn mà chỉ trả lãi; và 3/ với lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường, có khi chỉ là một phần trăm một năm mà thôi. Căn cứ trên ba tiêu chuẩn ấy, người ta có thể tính ra một con số tổng hợp về mức ưu đãi, gọi là “grant element” hay “yếu tố tặng dữ”.

- Về kỹ thuật thì khi đi xin viện trợ, người ta tùy dự án mà thương thuyết tiến trình giải ngân hay tháo khoán theo nhịp độ thực hiện dự án, thương thuyết về kỳ hạn trả nợ dài hay ngắn, về thời gian ân hạn là bao lâu và lãi suất là bao nhiêu so với lãi suất trên thị trường và dự toán về lạm phát, rồi dùng một chiết khấu suất để tính ra hiện giá của cả dự án trong mấy chục năm tới và so với mệnh giá thì có số bách phân gọi là yếu tố tặng dữ hay grant element. Theo thể thức ODA thì mức tặng dữ phải trên 25% mới gọi là viện trợ. Nôm na là vay 100 bạc trong 30-40 năm mà sau cùng thì trả có 75 đồng thôi. Trong thực tế thì mức tặng dữ ấy còn cao hơn nhiều, chứ không chỉ ở khoảng 25%.


Tiêu chuẩn ưu đãi của viện trợ


Nguyên Lam: Nguyên Lam được biết ngày xưa, ông đã từng thương thuyết viện trợ và là cố vấn về ngoại viện cho chính phủ Sàigòn trước năm 1975. nên đã quen với cách tính ấy. Sau này, ông còn là tư vấn kinh tế cho các tổ chức cấp viện đi thực hiện dự án phát triển cho các nước cầu viện cho nên có thể nhìn vấn đề từ hai giác độ khác nhau, ông nhận xét thế nào về tiêu chuẩn ưu đãi của viện trợ?

000_Hkg2245789-400
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Matsuo và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tại buổi lễ ký kết ODAcủa Nhật cho Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 3 năm 2009. AFP photo


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin có bốn nhận xét sau đây về chuyện khá phức tạp ấy.

- Thứ nhất, các nước chuyển hướng kinh tế từ chế độ cộng sản thường có tư tưởng lệch lạc, là sở dĩ các quốc gia cấp viện, toàn là Tây phương cả, phải viện trợ cho các nước nghèo vì ngày xưa họ là thực dân đế quốc! Vì tư tưởng lệch lạc lại nhuốm mùi đấu tranh lạc hậu ấy, người ta dễ có tinh thần vô trách nhiệm khi nhận viện trợ, coi như ăn của địch để đánh địch, thậm chí để đánh tư bản chủ nghĩa! Vô hình chung đi xin viện trợ mà chả khai thác được gì cho quốc gia chỉ vì lý luận hàm hồ ấy của nhiều người trong đảng.

- Thứ hai, nếu thật sự có tầm nhìn xa thì khi nhận viện trợ là phải nghĩ đến ngày hết cần viện trợ, càng sớm càng hay. Không thể nào là quốc gia phú cường khi cứ ngửa tay cầu viện và xin được ưu đãi càng nhiều và càng lâu càng hay. Với tinh thần tự chủ đó thì trong vài chục năm cả nước cần thắt lưng buộc bụng để phát triển hầu ra khỏi thời kỳ phải có ngoại viện. Một số quốc gia đã bước vào trình độ tiên tiến có lợi tức cao, như Nam Hàn hay Đài Loan, là nhờ đã quyết chí chấm dứt sự lệ thuộc vào ngoại viện ngay từ khi khởi phát, cất cánh.

- Thứ ba, nếu bộ máy nhà nước lại kém khả năng, là trường hợp Việt Nam, thì mức lợi tức trung bình biểu kiến ở trên vẫn che giấu khác biệt quá lớn ở dưới. Nôm na là bất công xã hội giữa thiểu số giàu có tại thành thị và đa số còn quá nghèo ở thôn quê. Rồi từ nay, kinh tế phải chật vật hơn khi cần huy động vốn cho yêu cầu rất lớn của xã hội, như Ngân hàng Thế giới mới cảnh báo gần đây. Kết cuộc thì người nghèo lại càng khó được ngân sách trợ giúp trong thời gian tới khi nhà nước đến ngày trả nợ.

- Thứ tư, việc cung cấp viện trợ chính thức với điều kiện ưu đãi là phải qua cơ chế nhà nước. Nếu bộ máy nhà nước lại thiếu liêm chính thì khoản nợ ấy dẫn đến hiện tượng mà giới kinh tế và luật pháp gọi là “món nợ ghê tởm”. Đó là khi một thiểu số có chức có quyền lại vay nợ cho lợi riêng và chất lên một núi nợ mà người dân hay đời sau phải trả. Việt Nam có gặp hiện tượng ấy với các dự án đi vay mà chẳng nghĩ đến ngày trả, điển hình là vụ Vinashin đã được báo động từ năm 2008, khi Việt Nam bắt đầu có mức lợi tức trung bình.


Nguyên Lam: Với khoản nợ từ các nguồn viện trợ đã lên tới tám tỷ đô la Mỹ, mà đô la nay còn lên giá nên khi trả sẽ đắt hơn xưa, và mai này Việt Nam lại phải đi vay trên thị trường tự do với điều kiện đắt đỏ hơn, thưa ông, rồi tình hình rồi sẽ ra sao?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, Việt Nam không chỉ nợ có tám tỷ đô la thuộc diện ODA mà còn nợ gấp bội nếu đếm số nợ ưu đãi của Ngân hàng Thế giới theo thể thức IBRD và từ quỹ phát triển IDA, nay đã lên tới 13 tỷ rưỡi, và còn nợ Ngân hàng Phát triển Á châu ADB khỏang bảy tỷ đã giải ngân trong tổng số viện trợ khoảng 14 tỷ đã nhận từ năm 1993 cho tới sau này.

- Từ chín năm trước, Hà Nội đã xin Ngân hàng Thế giới cho thêm một giai đoạn chuyển đổi tiệm tiến mà sau đấy vẫn không chuẩn bị gì và tiếp tục đi vay vô tội vạ. Khi ấy, ta phải tự hỏi là những ai đã vay vô tội vạ từ cấp trung ương đến địa phương, từ các tập đoàn kinh tế nhà nước đến các doanh nghiệp được gọi là quả đấm thép nay chìm trong nợ? Tôi trở lại hình ảnh của đứa trẻ, khi chập chững biết đi thì thể nào cũng có lúc ngã. Lúc đó đã tới và là lúc này, khi Việt Nam sẽ hết được vay Ngân hàng Thế giới theo quy chế viện trợ từ Tháng Bảy năm 2017 rồi hết được Ngân hàng Phát triển Á châu cấp vốn vay ưu đãi từ cuối năm 2018.


Nguyên Lam: Thưa ông, câu hỏi chính mà nhiều người quan tâm là rồi đây tình hình sẽ ra sao khi Việt Nam hết được vay tiền theo điều kiện ưu đãi của 25 năm vừa qua?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng tất nhiên tình hình sẽ khó khăn hơn trước, nhưng mọi người từ trên chí dưới đều phải ý thức được điều ấy mà tiến hành hai chương trình cải cách.

- Thứ nhất, về hành chính công quyền thì phải gia tăng biện pháp kiểm soát để khỏi gây thêm vấn đề. Cụ thể là từ trung ương đến địa phương, phải có chế độ giám sát và kiểm tra chặt chẽ hơn và Nhà nước phải xác nhận trách nhiệm giải trình ngân sách, dùng bao nhiêu cho việc gì. Nhà nước không thể đại diện người dân đi vay tiền cho tay chân của nhà nước  làm việc khuất tất rồi bắt dân trả nợ.

- Thứ hai, trong kế hoạch cải cách doanh nghiệp, là cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước, thì phải đặt ra yêu cầu tư nhân hóa, là bán tài sản của xí nghiệp quốc doanh lấy tiền về trả nợ và đồng thời mở ra không gian sinh hoạt cho tư doanh sớm thoát khỏi cảnh ngộ “chết lâm sàng” như hiện nay.

- Lời kết ở đây là nên rút tỉa bài học của 25 năm đi xin ngoại viện: viện trợ là con dao hai lưỡi, nó chẳng giúp gì cho việc xóa đói giảm nghèo nếu nhà nước thiếu năng lực hành chính, bộ máy quản lý lại không liêm chính mà chẳng chịu trách nhiệm gì trước quốc dân. Một trong các dự án viện trợ đâu tiên cho Việt Nam là cải cách hành chính, được đề xướng từ năm 1992 mà chẳng có kết quả xứng đáng chỉ vì vai trò quá lớn của đảng và các đảng viên trong bộ máy nhà nước. Không có pháp quyền nhà nước thì người dân chỉ có quyền đi trả nợ cho tay chân của nhà nước.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lý do tăm tối của tình yêu con người


heartbeat art & design heart
Tim bạn đập nhanh hơn, các tuyến tiết ra các giọt mồ hôi nhỏ xíu và cơ thể bắt đầu tạo ra hóoc môn làm bạn hơi lâng lâng và ấm áp trong lòng.

Đó là một vài trong số những quá trình sinh học xảy ra khi bạn bị xô vào sự dằn vặt ban đầu của tình yêu, tức sự say đắm, khó mà diễn tả được cái gì như thế nào.

image
Tình yêu là một phần lan tỏa của loài người mà nghệ thuật và văn hoá có đầy những dẫn chứng về tình yêu chiến thắng và tình yêu thất bại. Thư viện có vô vàn sách truyện tình.

“Tình yêu không ngốc dại về thời gian,” Shakespeare viết trong thơ tình 116: “Tình yêu không thay đổi theo giờ và tuần ngắn ngủi / Nhưng thậm chí đưa nó đến bờ vực tận số.”

Có vẻ như Shakespeare chính xác hơn người ta tưởng. Khi nghiên cứu kỹ sự tiến hóa của tình yêu trong thế giới động vật ta thấy rõ ràng tình yêu đã có sự khởi đầu từ rất lâu trước khi loài người xuất hiện. Hơn thế nữa, tình yêu có thể được sinh ra từ một cái gì đó rất ác hiểm.

love sexy kiss zac efron amor
Hành trình để tới tình yêu như ngày nay mở đầu bằng tình dục là một trong những thứ đầu tiên mà cuộc sống trên trái đất đã nghĩ ra. Tình dục mới đầu là một cách để chuyển tiếp gien của một sinh vật sang thế hệ sau.

Để tới tình yêu, cuộc sống cần một bộ não để điều khiển cảm xúc. Phải mất một vài tỷ năm sau khi cuộc sống bắt đầu thì bộ não mới bắt đầu tiến trình hình thành. Thoạt đầu nó chỉ là một cụm tế bào.

image
Tình yêu đã có từ lâu trước khi có loài người
Tua nhanh cho tới khoảng 60 triệu năm trước đây khi mà những thành viên đầu tiên của gia đình chúng ta (loài linh trưởng) xuất hiện. Thêm hàng triệu năm tiến hóa nữa, một vài loài linh trưởng tiến hóa với bộ não càng lớn hơn để cuối cùng tạo ra loài người hiện đại.

Nhưng có một vấn đề. Khi bộ não chúng ta lớn lên thì những đứa trẻ phải được sinh ra sớm hơn sự phát triển của nó, nếu không đầu chúng quá to và không qua được đường sinh sản.

Vì thế, con mới đẻ của loài khỉ đột, vượn tinh tinh và con người gần như hoàn toàn bất lực, buộc bố mẹ phải chăm sóc chúng thêm một thời gian nữa.

Thời gian này kéo dài sẽ có thêm rủi ro mới.

Ở nhiều loài linh trưởng hiện nay, một mẹ có con còn đang phụ thuộc thì không sẵn sàng giao phối cho đến khi vượn con rời mẹ. Để tiếp cận với vượn mẹ, vượn bố trước hết phải giết vượn con. Kiểu giết con non có ở nhiều loài, kể cả khỉ đột, khỉ và cá heo.

image
Giống người Homo erectus có não lớn hơn tổ tiên
Điều này đã gợi ý cho Kit Opie, ở University College London và đồng nghiệp của mình đưa ra một một ý tưởng gây ngạc nhiên. Gần 1/3 số linh trưởng có quan hệ một đực một cái, và năm 2013 Opie cho rằng cách hành xử này đã tiến hóa để ngăn ngừa việc giết con non.

Đội ngũ của ông đã tìm tòi gia hệ của loài linh trưởng để thiết lập xem cách hành xử như giao phối và chăm sóc của bố mẹ đã thay đổi như thế nào trong quá trình tiến hóa. Những phân tích của họ cho thấy việc con non bị giết là động lực để tạo ra chế độ một đực một cái trong 20 triệu năm bởi vì nó luôn đi trước chế độ này trong quá trình tiến hóa.

Những loài khác lại tìm ra các giải pháp khác, và cũng là lý do vì sao không phải tất cả các loài linh trưởng là một đực một cái. Thí dụ vượn tinh tinh và bonobo đã giảm thiểu việc con non bị giết bằng cách lang chạ bừa bãi. Các con đực không giết con non vì nó không biết con nào là con nó.

Nhưng ở những loài mà con đực và con cái bắt đầu gắn kết với nhau thì khả năng sống sót của con non nhiều hơn vì có thêm sự chăm sóc của con đực. Kết quả là chế độ một đực một cái được quá trình tiến hóa ưu tiên chọn lọc.

Quá trình này có thể là một quá trình một chiều, Robin Dunbar ở đại học Oxford- Anh nói. Có thể nó đã đưa đến những thay đổi lớn trong bộ não “để giữ cho cặp đôi gắn kết với nhau suốt đời”. Điều này bao gồm sự ưu tiên cho đối tác của mình và chống lại địch thủ khả dĩ.

image
Những phần có từ lâu trong não sẽ hoạt động khi chúng ta đang yêu.
Điều này lại có thể là “cú hích” làm thay đổi sự tiến hóa của loài người, Opie nói. Sự chăm sóc bổ sung của người đàn ông đã hỗ trợ cho xã hội sơ khai của loài người phát triển và thịnh vượng, và “cho phép bộ não chúng ta lớn hơn não những loài khỉ gần nhất”.

Có những bằng chứng cho việc này. Khi bộ não lớn lên thì sự hợp tác và quy mô nhóm cũng lớn theo. Chúng ta có thể thấy xu thế là nhóm lớn hơn và sự hợp tác nhiều hơn ở loài người đứng thẳng (Homo erectu)s sống gần 2 triệu năm trước đây.

Hơn nữa, hình như những hình thái tình yêu là tùy thuộc vào các vùng trong bộ não mà chúng chỉ mới xuất hiện gần đây trong lịch sử tiến hóa của chúng ta.

Stephanie Cacioppo của trường đại học Chicago Illinois, Mỹ, đã lục tìm những tài liệu khoa học nghiên cứu ảnh chụp cộng hưởng từ (fMRI) về các phần của não liên quan đến tình yêu. Bà đã thấy tình trạng tình yêu mạnh mẽ nhất và “ảo” nhất phụ thuộc vào một phần của bộ não được gọi là nếp uốn ở góc.

Điều này được coi là quan trọng đối với một số hình thái của ngôn ngữ, thí dụ như phép ẩn dụ . Điều này dễ hiểu vì nếu không có ngôn ngữ phức tạp thì chúng ta không thể diễn tả được những hình thái tinh tế và mãnh liệt của cảm xúc.

Có thể hình dung được là nếp uốn ở góc của não Shakespeare đã hoạt động khi ông viết vần thơ về tình yêu.

image
Tình yêu lâu bền có nguồn gốc cổ xưa.

Nếp uốn ở góc chỉ có ở các loài vượn lớn và con người.

Chúng ta thực tế không biết nó đóng vai trò gì trong cảm xúc ở loài khỉ, Cacioppo nói, vì những thử nghiệm bổ sung chưa được thực hiện ở khỉ”. Do vậy chúng ta không biết vượn tinh tinh có cảm xúc thế nào trước bạn tình. Rõ ràng là khỉ không làm thơ, nhưng phần lớn con người cũng vậy.

Nhưng những phát hiện của Cacioppo cũng hỗ trợ phần nào cho ý tưởng là não phát triển đã giúp cho tình yêu nẩy nở.

Tuy nhiên ý kiến của Opie về việc giết con non đã kích hoạt quá trình này thì còn nhiều tranh cãi.

Nhiều người không nhất trí như nhà nhân loại học Robert Sussman của trường đại học Washington ở Missouri, Mỹ. Ông nói cả chế độ một đực một cái và việc giết con non là những hành xử bất thường và có thể không có liên quan.

Có những giải thích khác. Một nghiên cứu năm 2014 cho rằng chế độ một đực một cái là tiến hóa của việc “giữ bạn tình”.

image
Tình yêu ở ngay quanh ta nhưng nó bắt đầu từ đâu? Love is all around us but where did it begin?
Một năm sau, một nghiên cứu khác thiết lập sự tiến hóa của một nhóm vượn cáo cho thấy rằng việc tranh chấp vì bạn tình có thể đã khuyến khích tạo ra việc cặp thành đôi.

Opie không đồng ý vì những phương pháp của việc nghiên cứu này “không thể được sử dụng để xác định việc chuyển đổi sang chế độ cặp đôi”.

Điều chắc chắn đúng là nhiều loài vượn vẫn sống bình thường mà không cần cặp đôi và không có bạn tình thân thuộc. Nhưng có một điểm chung cho tất cả các loài linh trưởng là sự gắn kết mạnh mẽ giữa mẹ và con.

Điều này đúng “ngay cả với loài vượn đêm sống cô độc,” Sussman nói. Ông cho rằng quy trình của bộ não để xử lý quan hệ mẹ con đã bị “chiếm đoạt” để tạo ra tình yêu lãng mạn.
Có bằng chứng trong thần kinh học cho thấy rằng ông đúng.

Thật khó định nghĩa về tình yêu nhưng các nhà thần kinh học đồng ý rằng có nhiều giai đoạn gối đầu nhau.

image
Tình yêu có thể khó mà định nghĩa
Giai đoạn thứ nhất là sự đòi hỏi tình dục. Ta thích ai đó và vuốt ve làm tiết hoóc môn, ta có có cảm giác mãnh liệt muốn ở bên nhau.

Một số phần trong hệ thống limbic (mạng thần kinh não) hoạt động mạnh ở giai đoạn này, trong đó có tùy não là nơi xử lý các cảm xúc mãnh liệt. Phần nhân não hoạt động mạnh. Nó là trung tâm của hệ thống thưởng của não, khi ta trông thấy một khuôn mặt đẹp thì nó kích hoạt, nghĩa là ta được thưởng.

Khi ham muốn chuyển sang giai đoạn tiếp theo (tình yêu lãng mạn) thì hệ thống limbic đóng vai trò chính. Nó bơm ra dopamine sảng khoái và oxytocin hoóc môn làm con người gắn kết với nhau.

Sự tiến triển này thể hiện rằng những thích thú mạnh mẽ của ham muốn tình dục có thể dẫn đến tình yêu, Casioppo nói. “Tình yêu có xu thế phát triển từ ham muốn. Ta không thể yêu say đắm người mà ta không ham muốn.”

Đồng thời những vùng khác cao cấp hơn của não bị lấn át, thí dụ như những phần của vỏ não ở trán bị dừng hoạt động. Vùng này là vùng để đưa ra quyết định hợp lý.

Ở giai đoạn này chúng ta bị thực sự “say tình”. Người đang yêu không xử lý thế giới quanh họ, Thomas Lewis nhà thần kinh học ở Đại Học California, Mỹ, nói. “Họ không đánh giá người một cách kỹ càng hoặc sáng suốt.”

love friends sad story channing tatum
Serotonin, là chất thường làm ta bình tĩnh, cũng bị lấn át. Điều này dễ hiểu khi ta thấy ta bị chi phối đến mức nào khi yêu. Lượng serotonin trong não cũng thấp đối với những người có bệnh tâm thần.

“Sự tiến hóa muốn rằng hai cá thể ở với nhau thật lâu, làm sao để tạo được thai nhi,” Lewis nói.

Nhưng một khi việc làm đã xong thì cặp đôi không còn gắn kết ở trạng thái mạnh mẽ nữa. Sau nhiều tháng, đôi khi chỉ sau một thời kỳ “trăng mật” trung gian, thì giai đoạn thân tình bắt đầu.

Bây giờ thì mức serotonin và dopamine trở lại bình thường. Nhưng vẫn còn tình cảm gần gũi do có thêm chất oxytocin. Nếu ta ép giảm mức oxytocin ở những loài một đực một cái, như loài chuột đồng, thì chúng không còn cặp đôi nữa.

“Sự gắn kết giữ con người với nhau không do chất dopamine điều khiển hoặc do sự phấn chấn mạnh mẽ,” Lewis nói. “"Có phần thưởng, song nó ôn hòa hơn.”

Điều này đưa ta trở lại với ý kiến của Sussman là tình yêu lãng mạn tiến hóa từ sự gắn kết mẹ-con. Sự gắn kết lâu dài giữa các cặp đôi là tương tự như sự gắn kết mẹ-con và phụ thuộc vào các quá trình hoóc môn tương tự.

Ở cả động vật và con người, nghiên cứu cho hay là sự chia ly với cá thể mình yêu gây ra những cảm xúc đau khổ tương tự.

Những tình cảm này ăn sâu bám rễ trong lịch sử tiến hóa.

love film kiss feelings emotions
Hệ thống mạng não limbic đóng vai trò chính trong giai đoạn của tình yêu. Nhiều loài có vú khác, thậm chí cả loài bò sát, có hình thái nào đó của hệ thống này. Vùng này của não đã có từ lâu trước loài vượn đầu tiên.

“Những khu vực có từ lâu đời nhất của não có tham gia vào sự gắn bó, kết đôi, và các khu vực này được kích hoạt ở nhiều loài,” Cacioppo nói.

Nói cách khác, não động vật đã khởi nguồn những hình thái nào đó của tình yêu trong hàng trăm triệu năm.Trong quá trình tiến hóa, các yếu tố khác đã làm cho tổ tiên chúng ta có não lớn hơn, nó cho phép tình yêu lãng mạn khống chế chúng ta.

Cho dù là việc giết con non hay việc gắn kết mẹ-con đã đẩy chúng ta lại gần với nhau thì chúng ta có thể cám ơn những gì đã xẩy ra. Phần lớn những thành công mà loài người có được là nhờ ở cái nhỏ bé được gọi là tình yêu.



Melissa Hogenboom

black and white couple kissing young forever

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bắc Kinh muốn thay thế ông Kim Jong-un



  
(GDVN) - Kim Jong-un hoàn toàn không phải "vững như bàn thạch" như tuyên bố của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh có thể "lật thuyền" bất cứ lúc nào.
Đa Chiều ngày 4/2 cho hay, cùng ngày tờ Sankei Shimbun Nhật Bản bình luận, chính quyền Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hoàn toàn không phải "vững như bàn thạch" như tuyên bố của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh có thể "lật thuyền" bất cứ lúc nào.
Tờ báo này cho rằng, Trung Quốc đã có ý hy vọng thay đổi bộ máy cầm quyền ở Triều Tiên từ lâu. Họ tin tưởng điều này không phải không có khả năng mà vấn đề nằm ở chỗ thực hiện.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Reuters.
Tuy nhiên mục tiêu của Bắc Kinh vẫn là bảo vệ sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên. Để làm được điều này, Bắc Kinh đã xây dựng một phái thân Trung Quốc trong chính quyền Triều Tiên. 
Trong khi về mặt quân sự, Trung Quốc có thể điều động lực lượng đặc nhiệm, đặc chủng của mình để ngăn Mỹ - Hàn can thiệp quân sự. Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối về địa lý nên chiến lược và hành động của họ rất rõ ràng. 
Một khi trạng thái đình chiến trên bán đảo Triều Tiên bị phá vỡ, quân đội Nhật Bản cũng có thể tham gia hành động quân sự ở Triều Tiên cùng với lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở các căn cứ khác trong khu vực. Đây là kịch bản Bắc Kinh tránh không để xảy ra.
Nhưng nếu Triều Tiên xảy ra "nội chiến", Mỹ sẽ kiềm chế trong hành động quân sự của mình với ưu tiên giữ nguyên hiện trạng bán đảo bởi lẽ Mỹ đang còn bận rộn ở quá nhiều điếm nóng khắp Trung Đông, châu Âu mà không thể can thiệp, kế hoạch "lật thuyền" mới có thể xảy ra.
Bất chấp những đồn đại và bình luận tương tự như thế này, hôm qua Triều Tiên tiếp tục phóng đi một tên lửa họ tuyên bố là tên lửa phòng không, trong lúc Mỹ - Nhật - Hàn đang nhóm họp tìm cách đối phó, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung cũng tìm cách ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên dường như đã "miễn nhiễm" với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, bao gồm Trung Quốc. Vấn đề còn lại là khả năng "miễn nhiễm" của CHDCND Triều Tiên sẽ kéo dài được bao lâu trong thế giằng co giữa các cường quốc khác.
Hồng Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc thuê ngư dân ra Trường Sa 27 ngàn USD 1 tàu, không cần đánh cá



 
(GDVN) - Chính phủ đã trả 180 ngàn nhân dân tệ (khoảng 27 ngàn USD) cho mỗi chủ tàu để họ đi đến quần đảo Trường Sa. Chúng tôi phải ở đó 2 tuần..
The Straits Times ngày 5/4 đưa tin, làng chài Đàm Môn ven biển phía Nam đảo Hải Nam đã trở thành tuyến đầu của việc Trung Quốc sử dụng ngư dân nước này vào mục đích "bảo vệ (cái gọi là) vùng biển truyền thống tổ tiên".
Đặt chân đến Đàm Môn, người ta có thể thấy những tấm pa-nô, áp phích khổ lớn in hình ông Tập Cận Bình về thăm làng chài này năm 2013 khi vừa nhậm chức. Đồng thời những phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng được in thành khẩu hiệu khẳng định cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình thăm làng chài Đàm Môn ngày 8/4/2013, ngay sau khi nhậm chức không lâu. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chuyến thăm diễn ra ngày 8/4/2013 với mục đích chính trị giữa lúc gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền - hàng hải trên Biển Đông. Bắc Kinh rất coi trọng làng chài Đàm Môn và lấy các hoạt động đánh bắt cá (bất hợp pháp) của làng chài này để chứng minh cho yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) của họ trên Biển Đông.
Làng chài này còn trở thành điểm du lịch bởi Tập Cận Bình đã từng đến đây. Chính quyền trung ương Trung Quốc cuối tháng 11 năm ngoái đã quyết định rót 1 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 0,15 USD) để xây dựng "bảo tàng Biển Đông" ở Đàm Môn, dự kiến sẽ mở cửa năm 2017.
Ngư dân Trung Quốc Lin Guanyong cho hay, việc đánh bắt của ông ở Biển Đông rất nguy hiểm, không chỉ là thời tiết. Lin Guanyong đã từng bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ năm 2011 cùng với 20 ngư dân khác vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.
Tàu cá vi phạm được đưa vào bờ xử lý và họ phải nộp phạt 2500 USD và được thả sau 2 tuần. Lin Guanyong thừa nhận tà cá của mình đã vượt biên vào vùng biển láng giềng, nhưng nói rằng ngư dân các nước khác cũng nhảy sang "vùng biển Trung Quốc".
Trong khi ngư dân Trung Quốc hiện diện ở nhiều tỉnh ven biển như Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây thì Đàm Môn lại là làng chài "quan trọng nhất về chính trị", vì được Trung Quốc sử dụng làm vũ khí chứng minh "yêu sách chủ quyền" đối với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Zhang Hongzhou, một học giả từ trường Nghiên cứu Quốc tế Rajratnam, Singapore nói với The Straits Times: "Hoạt động đánh bắt cá và hồ sơ của họ là một trong những bằng chứng chính mà Trung Quốc đưa ra chứng minh cho yêu sách "chủ quyền lịch sử" nước này tuyên bố ở BIển Đông".
Một số ngư dân Đàm Môn đang tích cực tham gia hoạt động tranh chấp lãnh thổ, hàng hải với láng giềng, bao gồm sự kiện giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
Trong nhiều năm qua, ngư dân Đàm Môn được chính phủ cung cấp nguồn tài chính để duy trì sự hiện diện (bất hợp pháp) của họ ở những tiền đồn Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa. Lin Guanyong gia nhập hoạt động này năm 2012.
"Chính phủ đã trả 180 ngàn nhân dân tệ (khoảng 27 ngàn USD) cho mỗi chủ tàu để họ đi đến quần đảo Trường Sa. Chúng tôi phải ở đó 2 tuần. Họ không quan tâm chúng tôi có đánh bắt hay không. Họ chỉ muốn chúng tôi ở đó", Lin Guanyong nói với The Straits Times.
Lin Guangyong tâm sự: "Tôi rất ít học, đó là lý do tại sao tôi đi đánh cá. Tôi sẽ làm việc này thêm 10 hoặc 20 năm, nhưng tôi hy vọng con cháu tôi không phải theo nghề cha".


Hồng Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vũ khí đổ về châu Á vượt cả Trung Đông, Biển Đông thành thùng thuốc súng


(GDVN) - Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự và áp đặt chính sách bành trướng Biển Đông, thúc đẩy các nước ven Biển Đông tăng mạnh chi tiêu quốc phòng

.
Thời báo Tự do Đài Loan ngày 6/4 và Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 5/4 cho hay, năm 2015 các khu vực trên toàn cầu liên tiếp xảy ra xung đột, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) Thụy Điển ngày 4/4 công bố báo cáo thường niên cho biết, tổng mức chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2015 là 1,67 nghìn tỷ USD, tăng 1% so với năm 2014. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng kể từ năm 2011 đến nay.
Tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
SIPRI cho hay, khu vực tăng chi tiêu quân sự chủ yếu ở các khu vực như Đông Âu (chịu ảnh hưởng từ Nga), Trung Đông (do xung đột vũ trang) và châu Á (do Trung Quốc bành trướng). Mặc dù chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, với mức 596 tỷ USD, nhưng, đã giảm 2,4% so với năm 2014.
Đáng chú ý, Trung Quốc, quốc gia đang tiếp tục áp đặt yêu sách bành trướng ở Biển Đông, chi tiêu quân sự năm 2015 tăng 7,4%, đạt 215 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới.
Do ảnh hưởng từ chính sách bành trướng của Bắc Kinh, chi tiêu quốc phòng của Đài Loan và cac nước Đông Nam Á cũng tăng trưởng so với năm 2014.
Các nước Đông Nam Á nhất là các nước ven Biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đã tích cực tăng chi tiêu quốc phòng để tăng cường thực lực chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.
Chẳng hạn, chi tiêu quốc phòng của Philippines năm 2015 tăng 25,5%, Indonesia tăng 16,5%, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan lần lượt tăng 7,7%, 7,6% và 6,5%. Còn chi tiêu quốc phòng của Đài Loan năm 2015 cũng tăng 0,7%.
Máy bay chiến đấu J-11BH và J-11BSH của một trung đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tổ chức huấn luyện cường độ lớn vào ngày 10/3/2016
Bình luận về xu thế này, Financial Times ngày 6/4 cho rằng, một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã làm thúc đẩy chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng trưởng lần đầu tiên trong 3 năm qua, bất chấp giá dầu sụt giảm.
Chi tiêu quân sự ở châu Á tăng 5,4% trong năm 2015, vượt qua cả khu vực Trung Đông tăng trưởng 4,1$. Căng thẳng càng leo thang ở châu Á, ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu lại thu về những khoản lợi nhuận kếch xù do xu hướng này tạo ra. 
Mặc dù báo cáo của SIPRI chỉ rõ Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới chạy đua vũ trang trong khu vực, nhưng nhà nghiên cứu Trương Quân Xã từ Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc lại quen thói đổ lỗi cho Mỹ như thường thấy.
Trương Quân Xã cho rằng, tăng chi tiêu quân sự toàn cầu chủ yếu là do Mỹ thúc đẩy. Mỹ hiện diện quân sự trên toàn cầu, có cam kết quốc phòng với các đồng minh, cũng yêu cầu các đồng minh tăng cường sức mạnh quân sự để phối hợp với vai trò “cảnh sát thế giới” của họ.
Biện hộ cho chính sách bành trướng của Bắc Kinh, Trương Quân Xã cho rằng: “Trung Quốc áp dụng thái độ ‘bảo vệ chủ quyền chính đáng’, còn Mỹ luôn thông qua sức mạnh quân sự tiếp tục duy trì vị thế bá chủ toàn cầu, đây mới là điều không hợp thời”.
Cho dù ông Trương Quân Xã có biện hộ thế nào thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông. Trung Quốc cất quân xâm lược, nhảy vào tranh chấp và ra sức quân sự hóa Biển Đông rõ ràng đang gây chạy đua vũ trang trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực - PV. 
Tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới Zubr Trung Quốc mua từ Ukraine, xuất hiện trong cuộc tập trận đổ bộ nhiều binh chủng ở Biển Đông trong tháng 7/2015
Đông Bình