BÙI VIỆT THẮNG
Tôi không thuộc loại người hay bi quan, nhưng cũng không đến mức lạc quan tếu khi nhìn nhận một vấn đề, sự việc dù ở tầm vĩ mô hay vi mô. Cái khó đến với người viết là rất lớn khi nhìn lại văn chương một năm trên một đất nước đang ở vào thời khắc chuyển mình mạnh mẽ nhất nhưng cũng từ đó phát lộ ra những mâu thuẫn gay gắt nhất, những khó khăn và thách thức chưa bao giờ có trên con đường phát triển bền vững. Chúng tôi nghĩ, nên nhìn vào những cái đã làm được hơn là ngồi than vãn về những điều mong muốn chưa được hiện thực hóa vì muôn vàn lý do khách quan và chủ quan. Bài viết của chúng tôi về văn chương Việt Nam năm 2015, xin được thưa trước với Quý vị, cũng chỉ là một góc nhìn, một cách nhìn rất chủ quan. Những sự kiện và lĩnh vực nêu trong bài viết, theo cách nhìn của chúng tôi, là những nốt nhấn chính của một năm văn chương Việt Nam.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ IX (diễn ra tại thủ đô Hà Nội, tháng 7-2015), theo chúng tôi, là sự kiện có tầm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động sáng tạo văn chương nước nhà, không chỉ trong năm 2015, mà xuyên suốt một khoảng hạn ít nhất là 5 năm. Tính đến năm 2015, tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là 1.114, như báo cáo của Ban Kiểm tra Hội. Con số không hề là vô tri vô giác. Nhìn vào “con số biết nói” này thấy có vẻ như chúng ta chỉ mới quan tâm về số lượng mà chưa thật chú trọng đến chất lượng. Đại hội lần này chí ít có nhiều cái mới như các phương tiện truyền thông đã chuyển tải. Tinh thần sáng tạo và đổi mới bền vững thể hiện rất rõ không chỉ trong báo cáo về phương hướng nhiệm vụ mà còn thể hiện trong thực tiễn hoạt động. Riêng tôi thấy sự gọn nhẹ của Ban Chấp hành mới của Hội NVVN khóa IX đã tạo nên sự năng động, hiệu quả. Nhỡn tiền thấy trang website của Hội NVVN hiện nay do nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó chủ tịch Hội) làm TBT cùng với những cộng sự thiện chiến tác nghiệp. Tuần vừa rồi mở đọc đã thấy khởi sắc. Tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ và Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm đang tìm lối ra để đến được với đông đảo công chúng nghệ thuật. Củng cố và hoàn thiện các hội đồng chuyên môn và các ban công tác của Hội đã cho thấy quyết tâm vào trận mới của BCH Hội NVVN. Tin tưởng, tại sao không? Nhiều người cho rằng “đại hội” thì phần “hội hè” là chính. Nói vui thì được, nói nghiêm túc thì có lẽ hơi quá đà chăng? Được vinh dự tham gia Đại hội, tôi thấy bầu không khí dân chủ trong Hội NVVN từ đây (và có thể về sau) sẽ cởi mở, rộng rãi hơn. Vai trò của Hội NVVN, nếu không thiển nghĩ thì, không chỉ là một cấp hành chính, thuần túy điều hành bằng các công văn giấy tờ. Bản chất của Hội NVVN là một tổ chức đoàn kết lực lượng, thúc đẩy và nâng cao chất lượng sáng tác để văn chương thực sự đồng hành cùng sự nghiệp lớn của đất nước. Hội NVVN là ngôi nhà chung của tất cả các nhà văn có tình yêu văn chương và tâm nguyện sáng tác ngày càng thành công hơn.
TỪ NĂM 2015 ĐÃ HÉ LỘ TIỀN ĐỒ VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM TẤT YẾU SẼ NHẬP VÀO BIỂN LỚN NHÂN LOẠI. Tất cả nhà văn Việt Nam, chúng tôi nghĩ, đều có cái tâm niệm, thiện ý về một tiền đồ tươi sáng của văn chương nước nhà đến một ngày nào đó sánh vai cùng các cường quốc khác. Tất cả đều hi vọng trong tương lai chúng ta không phải là một quốc gia “nhập siêu” mà sẽ là “xuất siêu” văn chương. Quyền được hi vọng, tại sao không? Cách đây hơn 70 năm, trong kiệt tác Đời thừa (1943) nhà văn Nam Cao đã trao cái quyền mơ ước viết một tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương cho một nhà văn nghèo có tên Hộ. Cho đến tận hôm nay vẫn chưa đạt tới nhưng cần phải biết hi vọng và có khát vọng sáng tạo. Vào đầu năm 2015, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 2 sự kiện lớn nhằm khuyếch trương thanh thế, uy tín văn chương Việt Nam ra thế giới: Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ III, Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ II. Vài năm gần đây khi Tổ chức văn học Á – Phi được tái thành lập, Việt Nam là một thành viên tham gia tích cực (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Phó Chủ tịch). Năm 2015, Việt Nam có 2 nhà văn (Nguyễn Ngọc Mộc và Cao Xuân Thái) nhận Giải thưởng văn học Sông Mê Kông lần thứ VI, 1 nhà văn nhận Giải thưởng văn học Đông Nam Á (Trần Mai Hạnh với tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75). Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã mang thơ Việt Nam đến với bè bạn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Danh sách tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại được dịch và giới thiệu ở nước ngoài đang ngày càng dài ra: Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Duy, Dương Hướng, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Hồ anh Thái, Mai Văn Phấn, Phong Điệp,…Đã có Trung tâm dịch thuật của Hội NVVN. Vạn sự khởi đầu nan. Không phải không có những người tâm huyết và tài ba kiến tạo một chương trình hành động hữu hiệu để đặng giới thiệu tinh hoa nhân loại trong sự đón đợi tiếp nhận của công chúng Việt, đồng thời làm cho bè bạn năm châu bốn biển thưởng thức đặc sản văn chương thuần Việt.
VĂN XUÔI – MẶT TIỀN VĂN HỌC – ĐANG TỰ PHÁT LỘ TRONG NĂM 2015. Dư âm Cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 của tạp chí Văn nghệ quân đội còn đậm đà trong lòng độc giả thì tiếp nối Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của tuần báo Văn nghệ (Hội NVVN) tổ chức, đã đi được nửa chặng đường. Mỗi số báo có vài truyện ngắn đọc được, đã là sự cổ vũ lớn cho một thể loại vốn được coi là “nhỏ” nhưng có công năng nghệ thuật lớn. Mỗi truyện ngắn hay sẽ tạo nên những ám ảnh nghệ thuật lâu bền. Truyện ngắn luôn được xem là “trinh sát viên”, đóng vai trò xung kích trong việc áp sát đời sống, nhanh nhạy phát hiện vấn đề. Truyện ngắn đã từng được xem là thể loại có công đầu trong văn học Đổi mới (từ 1986, hoặc có thể nói sớm hơn nữa với đóng góp của Nguyễn Minh Châu và nhiều nhà văn khác). “Top” 10 truyện ngắn hay báo Văn nghệ năm 2015 như là một món quà Xuân Bính Thân đến với mọi nhà, mọi người. Ngoài tên tuổi gạo cội như Ma Văn Kháng, hoặc đã quen thuộc với độc giả như Đỗ Tiến Thụy, lần này báo Văn nghệ đã phát hiện và giới thiệu thêm những tên tuổi mới, nhiều nội lực như Vũ Thị Huyền Trang, Tống Ngọc Hân, Vũ Thiên Kiều, Vivian Nguyễn, Đặng Nguyên Sơn, Đinh Ngọc Lâm, Dương Giao Linh, Trần Huy Minh Phương. Ban Biên tập báo Văn nghệ phối hợp với nhà xuất bản Thanh niên đang chuẩn bị bản thảo cho một tuyển tập truyện ngắn sẽ ra mắt bạn đọc trong quý I năm 2016 (hơn 100 truyện được giới thiệu trên báo Văn nghệ trong năm 2015). Tạp chí VNQĐ đã trao tặng thưởng 2015 cho truyện ngắn Lòng biển của Kiều Bích Hậu. Đọc những tác phẩm như thế tự trong lòng độc giả có cái lòng tin vào truyện ngắn – một thể loại có tiền đồ trong văn chương. Báo Văn nghệ trong cuộc thi của mình như đã nói ở trên, hàng tháng có bình chọn truyện ngắn hay. Đấy cũng là một cách thức tôn vinh truyện ngắn.
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam đã kết thúc, kết quả đã được công bố trên tuần báo Văn nghệ số 51 (ra ngày 19-12-2015). Cuộc thi lần này Ban Tổ chức nhận được 170 tác phẩm của 144 tác giả. Có 12 tác phẩm được giải, gồm 3 giải B (Người thứ hai của Tô Hải Vân, Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ, Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền) và 9 giải C ( Bác sỹ trưởng khoa của Vũ Oanh, Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ, Thạch trụ huyết của Nguyễn Trần Bé, Hát của Trần Nhã Thụy, Dư chấn 3,5 độ richter của An Bình Minh, Gã Tép Riu của Nguyễn Bắc Sơn, Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam, Seo sơn của Vũ Quốc Khánh và Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như). So với ba cuộc thi trước thì cuộc thi lần thứ IV không có “đỉnh” (kiểu như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh,Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, Dòng sông mía của Đào Thắng, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn,…), nhưng cái “nền” khá rộng, thể hiện cái “phổ” tiếp xúc của tiểu thuyết với “cái hiện tại chưa hoàn thành” là rộng rãi và cập nhật. Con người thời đương đại với những số phận khác nhau hiện lên khá rõ. Chưa có sự đổi mới thi pháp thể loại nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, khoa học và công bằng. Nhà văn vẫn chủ yếu viết theo tinh thần “nệ thực”. Nhưng nhiệt hứng của nhà văn với cuộc đời và con người thì hiển hiện, đáng ghi nhận. Trong bài Phía trước của tiểu thuyết(in trên báo Công an nhân dân, số ra ngày 21-12-2015), chúng tôi đã đặt niềm tin của công chúng vào một thể loại được coi là “máy cái” của văn chương. Nhưng có lẽ tất cả còn đang ở phía trước.
Nói đến “mặt tiền văn chương” 2015 phải kể đến một số tiểu thuyết và truyện dài có tiếng vang trong năm như Hỗn độn của Nguyễn Khắc Phục, Người thợ mộc và tấm ván thiên của Ma Văn Kháng, Thị Lộ Chính Danh (tiểu thuyết lịch sử) của Võ Khắc Nghiêm, Tình cát của Nguyễn Quang Lập, Thông reo Ngàn Hống (tiểu thuyết lịch sử) của Nguyễn Thế Quang, Vỡ vụn của Nguyễn Bắc Sơn, Phách lạc hồn xiêu của Vũ Huy Anh, Hai người đàn ông trong cuộc đời chị của Bùi Việt Sỹ, Sương mù tháng giêng (tiểu thuyết lịch sử) của Uông Triều, Phùng Vương (tiểu thuyết lịch sử) của Phùng Văn Khai,Những kẻ giời hành của Đặng Vương Hưng, Thiên đường ảo vọng của Nguyễn Trí, Tiếng sáo lạc và Đáy giếng của Phạm Thị Bích Thủy, Con hoang của Lê Hồng Nguyên, Chỉ còn bốn ngày là hết tháng tư của Thuận, Chúa đất của Đỗ Bích Thúy, Quân khu Nam Đồng (truyện dài) của Bình Ca (có thể coi đây là một hiện tượng văn chương của năm, nó đáp ứng cái nhu cầu nhìn lại quá khứ và bản thân có lẽ ngày càng lớn hơn trong khuynh hướng nhận thức lại thực tại), Về cô gái này (truyện dài) của Nguyễn Ngọc Thuần, Ga ký ức của Phong Điệp, Huyết ngọc của Tống Ngọc Hân, Hoa xuyến chi nở muộn của Trần Lưu Sa,…
Một số tập truyện, tập truyện ngắn đáng đọc trong năm 2015 như Dưới rêu phong của Văn Chinh,Bùa yêu của Như Bình, Người lính kèn về làng của Trần Quốc Huấn, Hành trình của người lính của Lê Hoài Nam, Cạm bẫy ngọt ngào của Nguyễn Tuấn, Ám ảnh của Nguyễn Thị Ngọc Hà, Ngày đông có nắng của Thùy Dương, Viên kim cương bị bỏ rơi của Nguyễn Thị Vân Anh, Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh, Tiếng kèn Pílè của Bùi Thị Như Lan, Miền vô thực của Tống Phú Sa, Không hẹn mùa côm cốm của Trần Quỳnh Nga, Những nẻo đường tu của Y Mùi, Trời làm lụt lội của Hoàng Ngọc Sơn, Bão đỏ của Thế Đức, Vệ đê trong đêm trăng của Lê Thị Bích Hồng, Chân trời tuyết phủcủa Nguyễn Tiến Lộc,…
Một số tản văn, tạp bút xuất bản trong năm 2015 rất đáng đọc như Tạp bút của Bảo Ninh, Giấc hoacủa Lê Hà Ngân (một cây bút mới toanh, có một lối văn rất trong sáng, nghiêng về cái Đẹp), Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt của DiLi (hài hước, sinh động, cập nhật), Lạc trong đêm Liêu trai của Nguyễn Thị Ngọc Hà,…
Nói đến văn xuôi Việt Nam năm 2015, thiết nghĩ, không thể không nhắc đến Sống lửa của Nguyễn Thiện Đạo. Đọc và thấy một kiểu văn xuôi đượm chất “Liêu trai”. Không phải là ký, không phải là truyện ngắn, nó là một thứ văn xuôi nuôi dưỡng điện ảnh, theo cách viết của Nguyễn Thụy Kha thì: “Dọc theo chiều thứ năm không gian, văn xuôi Nguyễn Thiện Đạo hôn phối với nghệ thuật thứ bảy để ngỏ một kịch bản cho điện ảnh. Hay và lạ”. Một nhạc sỹ có tài năng viết văn, tôi nghĩ, văn của người này chắc chắn là độc đáo nhưng quả thực kén độc giả. Tôi biết tác phẩm này của Nguyễn Thiện Đạo không được PR, nó lặng lẽ đến với những “con mắt xanh” cả trong công chúng, cả trong giới phê bình một cách khiêm tốn. Có lẽ văn chương hiện hình cả trong những bề nổi và cả bề chìm của nó chăng?
Nói đến văn xuôi Việt Nam năm 2015, thiết nghĩ, không thể không nhắc đến Sống lửa của Nguyễn Thiện Đạo. Đọc và thấy một kiểu văn xuôi đượm chất “Liêu trai”. Không phải là ký, không phải là truyện ngắn, nó là một thứ văn xuôi nuôi dưỡng điện ảnh, theo cách viết của Nguyễn Thụy Kha thì: “Dọc theo chiều thứ năm không gian, văn xuôi Nguyễn Thiện Đạo hôn phối với nghệ thuật thứ bảy để ngỏ một kịch bản cho điện ảnh. Hay và lạ”. Một nhạc sỹ có tài năng viết văn, tôi nghĩ, văn của người này chắc chắn là độc đáo nhưng quả thực kén độc giả. Tôi biết tác phẩm này của Nguyễn Thiện Đạo không được PR, nó lặng lẽ đến với những “con mắt xanh” cả trong công chúng, cả trong giới phê bình một cách khiêm tốn. Có lẽ văn chương hiện hình cả trong những bề nổi và cả bề chìm của nó chăng?
NHÌN SANG THƠ VIỆT NAM NĂM 2015 THẤY SỰ TRỤ VỮNG ĐÁNG MỪNG CỦA TRƯỜNG CA. Nhà thơ Khuất Bình Nguyên trong tiểu luận Trường ca nửa sau thế kỷ 20 đã ghi nhận: “Nửa sau thế kỷ 20. Thơ Việt Nam được mùa trường ca. Nhất là sau năm 1975. Chỉ trong vòng trên dưới 50 năm có tới 164 trường ca của 102 tác giả. Chưa kể đến gần 30 truyện thơ và hàng trăm bài thơ trường thiên khác” (Báo Văn nghệ số 1+2 ra ngày 2-1-2016). Trường ca là “trọng pháo” của thơ cũng như tiểu thuyết là “máy cái” của văn chương vậy. Ai đó nói có vẻ chí lí. Năm 2015, riêng thể loại trường ca, tôi thấy, có dư ba nhất là Long mạch của Hoàng Trần Cương, Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo, Thức với biển của Nguyễn Đình Tâm (Giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học 70 năm ngành Giao thông vận tải do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải tổ chức năm 2014-2015). Thực sự là tin vui với làng văn, đặc biệt những nhà thơ có ý đồ sáng tác trường ca. Trong một bài giới thiệu trường ca Long mạch của Hoàng Trần Cương chúng tôi có viết, đại ý, tác phẩm này được viết bằng một cảm hứng mang tinh thần “đại khí” văn chương, khác hẳn cái lối viết chỉ dựa vào “tiểu khí” nhằm ám chỉ, vạch vòi, nói cho sướng miệng của một số ít người cầm bút tự nhận mình là nhà văn. Đọc những trường ca này thấy ấm nóng tình yêu Tổ quốc, Nhân dân và con người Việt Nam đang vươn lên từng ngày, từng giờ để viết thành lịch sử thời đại. Nói theo cách của Nguyễn Đình Thi thì, đó là tác phẩm có khả năng thổi lên gió bão của đời sống mới.
Tôi muốn dành đôi dòng cho trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của tác giả Hữu Đạt. Ông là nhà giáo – nhà văn (công tác tại trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong trường ca này ông đã ứng dụng một hình thức “hình họa” bởi: “Thơ hình họa thực chất đã phá bỏ một nguyên tắc phổ biến là tính hình tuyến của ngôn ngữ trong quá trình tạo lập văn bản (…). Vừa đọc, vừa xem đó chính là cách tiếp cận thơ hình họa” (Lời nói đầu). Cứ xem đây là một thể nghiệm và thái độ của chúng ta là bình tĩnh đón chờ hiệu ứng nghệ thuật của một mô thức mới đang xâm nhập vào thực tiễn sáng tác thơ nói chung, trường ca nói riêng. Riêng tôi biết, để hoàn thành trường ca này Hữu Đạt đã ấp ủ và viết trong vòng mấy năm trời. Đúng như người ta nói, lao động văn chương chữ nghĩa là một thứ lao động khổ sai, cô đơn luôn luôn như đối diện với “pháp trường trắng”.
Không ít người bi quan về thơ Việt Nam hôm nay. Cái lí lẽ mà họ đưa ra là sở dĩ thơ không hay vì nhà thơ không được nói thật lòng mình. Nghe có vẻ có lí. Nhưng như cổ nhân nói “vạn cái lí không bằng một tí cái tình”. Nhà thơ phải xem lại cái tình của mình đã đủ chín chưa, đã đủ sâu chưa, hay chỉ mới phơn phớt? Đọc thơ dự thi trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2015, riêng tôi thấy, không có gì đáng phải bi quan cả. Thơ có những bước đi riêng của mình, thơ có những tiêu chí đánh giá khác với các thể loại văn chương cùng tồn tại trong một không gian và thời gian cụ thể. Chúng tôi quan sát thấy nhà xuất bản Phụ nữ trong năm 2015 vẫn mạnh dạn in cùng lúc hai tập thơ của Nguyễn Việt Chiến Tổ quốc nhìn từ biển và Hoa hồng không vỡ. Buổi giới thiệu hai tác phẩm mới của Nguyễn Việt Chiến ở Bảo tàng Phụ nữ rất đông độc giả tham dự và mua sách, lắng nghe chăm chú và trao đổi rất sôi nổi. Trường hợp một nhà thơ một năm in hai tập thơ phải kể thêm Đặng Cương Lăng với Khoảng trống và vì sao và Hạt lúa phận người (người thơ này trong vòng 6 năm – từ 2009 đến 2015 – đã in 8 tập thơ, ai đó gọi đây là “một tín đồ thơ” cũng không ngoa chút nào), Trần Hùng với bộ đôi Vườn khuya, Thảm thắc chứng tỏ vẫn còn nhiều duyên nợ, sống chết với thơ. Tôi tự nhận mình không phải là người “sành” thơ. Nhưng năm qua đã đọc nhiều tập thơ khá như Minh triết đất đai của Nguyễn Vũ Tiềm, Dặm xa tìm về của Nguyễn Thanh Kim, Chia ngũ cốc của Nguyễn Quang Hưng, Ngọn nến cháy của Thuận Vy, Trong veo nước suối nguồn của Quang Hoài, Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng của Hoàng Việt Hằng, Lục bát tôi của Đặng Nguyệt Anh, Cảm tạ cuộc đời của Hoàng Cát, Cãi vã với linh tinh của Trần Cao Sơn, và tùy bút thơ Người đi đã trở về của Lê Tuấn Lộc,…Vậy nên riêng tôi thấy không hề có văn chương nói chung, thơ nói riêng lâm nguy như ai đó đã tung ra một báo động giả.
NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC 2015 vẫn âm thầm và bền bỉ như chính cách thế tồn tại của nó trong văn chương hôm nay. Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du ((được coi như một hoạt động lớn nhất của đời sống văn chương trong năm), ngoài phần lễ, có nhiều hội thảo khoa học trên toàn quốc. Tinh túy của các công trình nghiên cứu được tập hợp trong 2 bộ sách lớn Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại (do NXB Khoa học xã hội ấn hành) và Đại thi hào dân tộc – Danh nhân văn hóa Nguyễn Du (do NXB ĐHQG. Tp HCM ấn hành). Nhân Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NVVN lần thứ IX, một cuốn sách đầy đặn đã đến tay toàn thể các hội viên như một món quà có ý nghĩa: Tuyển tập lý luận phê bình văn học 1945-2015. Đây là dạng sưu tập, một thứ cẩm nang rất tiện dụng cho văn giới. Một sự nhìn lại thành tựu chặng đường 70 năm lý luận phê bình văn học bởi sự kế tục và đóng góp của nhiều thế hệ. Một bộ sách đẹp của Đinh Xuân Dũng Văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại (2 tập, 890 trang) được trân trọng giới thiệu tại Thư viện Quốc gia. Tác giả nguyên là đại tá, công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là những công trình có tính chất tổng kết. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Bá Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội) với công trìnhToàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975 đã đánh một dấu mốc quan trọng trong nghiên cứu thơ Việt Nam hiện đại nửa sau thế kỷ XX. Riêng tôi nghĩ, cuốn sách này sẽ tạo nên tranh luận học thuật thú vị vì những vấn đề được nghiên cứu được coi là mới mẻ và táo bạo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện có Văn chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận đi vào một hướng mới – lý thuyết tiếp nhận – vốn còn rất mới mẻ ở ta. Công trình tập thể (Trần Khánh Thành, Nguyễn Thanh Tâm, Vũ Lan Anh) Khuynh hướng tượng trưng và siêu thực trong thơ Việt Nam hiện đại là một chuyên luận có cái nhìn khá mới mẻ về thơ hiện đại Việt Nam từ góc độ thi pháp thể loại. Nghiên cứu viên Cao Kim Lan (Viện Văn học) có công trình nghiên cứu thú vị Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết. Là một người trẻ nhưng chị có cái nhìn khá sâu về văn xuôi đương đại Việt Nam. Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Thanh Tâm (công tác tại Viện Văn học) ra mắt chuyên luận Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932-1945. Một công trình có tiếng vang và được tìm đọc. Anh còn là đồng tác giả (cùng Ngô Hương Giang) của chuyên luận Mai Văn Phấn & hành trình thơ vào cõi khác. Tác giả Nguyễn Thanh Tâm cùng trang lứa với Đoàn Ánh Dương, Ngô Hương Giang, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Đoàn Minh Tâm,…đang gieo niềm hi vọng về một thế hệ kế cận trong lĩnh vực khó khăn nhất như người ta thường nói.
Mảng sách phê bình – tiểu luận cũng khá phong phú, không như ai đó do không chịu khó sưu tầm và đọc nên có cảm giác là “không có gì đáng nói”!? Nguyễn Đức Tùng tận tít tắp Canada vẫn hào hứng góp vào đời sống văn chương Việt trong năm bằng tác phẩm mới của mình Thơ cần thiết cho ai. Chu Giang (Nguyễn Văn Lưu) vẫn hừng hừng khí thế với Luận chiến văn chương (Quyển ba). Có người khen, người chê nhưng thiết nghĩ đây là một giọng phê bình khá đặc biệt vì tinh thần “xung thiên” của sự viết. Bích Thu với Văn học Việt Nam hiện đại – Sáng tạo và tiếp nhận vẫn tỏ rõ là cây bútt nữ viết phê bình có duyên, cái duyên mặn mòi của người trải nghiệm và tinh tế. Lý Hoài Thu với Văn nhân quân đội bày tỏ thịnh tình của mình với các nhà văn mặc áo lính và văn học viết về chiến tranh. Cách viết của tác giả trong tập sách đẹp này là mềm mại hóa những vấn đề tưởng chừng khô cứng và nhất thời. Tập phê bình thơ Âm thanh của tưởng tượng của Lê Hồ Quang, riêng chúng tôi nghĩ, là nổi trội nhất trong năm. Tác giả là giảng viên khoa Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Vinh. Tôi biết chị có làm thơ nên có thể đi vào thế giới nghệ thuật thơ một cách rất tinh tế và sâu sắc. Lê Thị Bích Hồng với Những người tự đục đá kê cao quê hương một lần nữa xóa tan định kiến về một cán bộ Tuyên giáo, quen “ăn sóng nói gió”, nay khá mềm mại uyển chuyển khi viết về các nhà thơ, nhà văn các dân tộc ít người Việt Nam thời hiện đại (Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Y Phương, Pờ sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu và Cao Duy Sơn). Có vẻ như một năm “âm thịnh” của phê bình chăng? Nhà thơ Trần Quang Quý ngẫu hứng với Đốt đèn tìm lửa thơ (Những suy cảm về thơ), thêm một bằng chứng về tiềm năng viết phê bình thơ của các nhà thơ từ Chế Lan Viên, Xuân Diệu đến Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Vũ Tiềm… Đặng Hiển (thuộc thê đội U80 vẫn cần cù, nhẫn nại viết phê bình). Văn chương người cùng thời (dày hơn 500 trang) khiến người đọc tâm phục khẩu phục về lao động chữ nghĩa của ông. Nguyên An trung thành với thể loại chân dung, tiếp tục trình làng Người thường gặp. Lối viết nhẩn nha, nghiêng về phác thảo chân dung đôi khi cũng gây thú vị cho độc giả thấy tiếp tục phải bổ sung những gì chưa thỏa mãn trong sách mình đọc.
MỘT VÀI KỶ LỤC VĂN CHƯƠNG CỦA NĂM 2015. Cuốn hồi ký của một diễn viên điện ảnh nổi tiếng được in ở một nhà xuất bản có thương hiệu, với số lượng “khủng” (10.000 bản), giá khá đắt. Nhưng chúng tôi không coi đó là kỷ lục văn chương của năm, nó thuộc phạm trù thị trường, văn hóa đại chúng. Nhà văn Ma Văn Kháng (sinh 1936), năm 2015, theo cách tính tuổi ta thì ông 80, thuộc hàng “bát tuần”. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Khải có viết một ý về “văn già văn trẻ”. Ông gọi thế hệ mình là “gừng càng già càng cay”. Ở tuổi đáng lẽ chỉ có nghỉ ngơi, vui chơi với con cháu, nhưng tôi thấy nhà Ma Văn Kháng vẫn cứ cặm cụi bên bàn viết. Có khi là viết mới, có khi là chỉnh sửa, có khi là tập hợp sáng tác. Năm 2015 nhà văn đã ra mắt độc giả bốn tác phẩm: Người thợ mộc và tấm ván thiên (tiểu thuyết), Nhà văn anh là ai (tiểu luận), Bông hồng vàng (truyện ngắn mi – ni), Bài ca trăng sáng (gồm 4 truyện vừa). Nhiều người còn nhớ trong buổi giới thiệu sách Chuyện của Lý (tiểu thuyết) tại nhà xuất bản Hội Nhà văn, khán thính giả có vẻ ngậm ngùi, nuối tiếc khi nhà văn Ma Văn Kháng tuyên bố từ nay sẽ “rửa tay gác kiếm”. Ấy thế mà từ bấy đến nay vẫn cứ thấy ông cho “ra lò” đều đều. Người ta vẫn kêu ca là thơ thời nay dễ in nhưng khó bán (chỉ để tặng!?). Vậy nhưng các trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo đã in tới 4000 bản, Thức với biển của Nguyễn Đình Tâm đã in tới 3000 bản. Ai dám bảo thơ chỉ “cho không biếu không”. Trường hợp Quân khu Nam Đồng (truyện dài) của Bình Ca cũng có thể coi là một kỷ lục văn chương của năm. Trong vòng chỉ chưa đầy một năm đã tái bản lần thứ ba (mỗi lần 2000 bản), có thể xếp vào loại sách bán chạy, nhưng vẫn giữ được chất văn như là “một cuốn sách khiến ta khó rời mắt trước khi lật đến trang cuối cùng”. Nữ nhà văn trẻ DiLi in mới và tái bản tất cả 9 cuốn trong năm 2015, trong số đó có tập tản văn rất ngộ nghĩnh Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt, bán chạy. Thừa thắng xốc tới, ngày 18-1-2016 DiLi tiếp tục ra mắt tác phẩm mới Câu lạc bộ số 7 (tiểu thuyết trinh thám) tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội./.
Hà Nội, tháng 1 năm 2016
* Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, số Tết Bính Thân 2016
* Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, số Tết Bính Thân 2016