Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Võ Phiến, một tài năng lớn, đã ra đi

NHQ
(photo: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn) đã qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Hai 28 tháng 9 năm 2015, thọ 90 tuổi.
Đó là một cái tang lớn không những đối với gia đình của ông mà còn đối với văn học Việt Nam nói chung: Một tài năng lớn đã ra đi.
Nếu hiểu nhà văn chuyên nghiệp là người dành toàn bộ thì giờ lao động cho việc viết lách và sống nhờ hẳn vào việc viết lách, tức là người coi việc viết lách như một nghề nghiệp theo cái nghĩa kinh tế học chúng ta thường dùng thì Võ Phiến chưa bao giờ là nhà văn chuyên nghiệp: suốt đời ông là công chức. Ở Việt Nam, ông làm công chức; sang Mỹ, ông cũng lại làm công chức. Viết lách, với ông, chỉ là nghề tay trái, đúng nghĩa tay trái: ông viết trong những ngày lễ, ngày nghỉ, viết giữa hai công việc trong sở, v.v... Vậy mà, nhìn lại số tác phẩm ông đã xuất bản, chúng ta không thể không kinh ngạc: hơn 40 đầu sách. Không phải ít. Chưa nói về chất lượng, chỉ kể số lượng, với hơn 40 đầu sách ấy, Võ Phiến rõ ràng là một trong những nhà văn có năng suất cao ở Việt Nam, không thua gì những người suốt đời sống bằng nghề cầm bút hay gần gũi với nghề cầm bút như dạy học hay quản lý các sinh hoạt văn học nghệ thuật, chẳng hạn.
Một đặc điểm nữa cũng cần chú ý: hơn 40 đầu sách ấy phân bố khá đều trong cuộc đời của Võ Phiến. Nghĩa là không có giai đoạn nào ông hoàn toàn bế tắc. Trong nước, ông viết khá đều. Di tản sang Mỹ, giữa lúc mọi người đang rã rời tuyệt vọng hoặc “qui ẩn” hẳn hoặc chỉ viết cầm chừng, uể oải, ông, một mặt hì hục đi làm kiếm sống, mặt khác vẫn viết, hết Thư gửi bạn (1976) đến Lại thư gửi bạn (1979), hết Ly hương (1977) lại đến Nguyên vẹn (1978). Nếu Thư gửi bạn là tập tuỳ bút đầu tiên thì Nguyên vẹn lại là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại sau cuộc đổi đời 1975.
Chưa hết. Từ năm 1990 trở lại đây, thời kỳ rất nhiều người coi là “khủng hoảng” của nền văn học Việt Nam tại hải ngoại với hiện tượng nổi bật là hầu hết những cây bút chủ lực, cả cũ lẫn mới, đều đâm ra mệt mỏi, ngọn lửa nhiệt tình cứ hiu hiu nguội dần, sức sáng tác ngày một thưa thớt, thì Võ Phiến, một trong những nhà văn cao niên nhất, sức khoẻ kém nhất, ngược lại, cứ lặng lẽ viết và in đều đều: năm 1991 hai quyển; năm 1992 hai quyển; năm 1993 ba quyển; năm 1994 nghỉ để năm 1995 in một lần bốn quyển kể cả một quyển vốn là tái bản nhưng có bổ sung bài viết mới: Truyện thật ngắn. Dường như Võ Phiến không hề bị ảnh hưởng bởi những dao động từ xung quanh. Ai cụt hứng: mặc; ai nghĩ là nhà văn mà rời khỏi đất nước tức là chấm dấu chấm hết cho sự nghiệp sáng tạo của mình: mặc; Võ Phiến cứ viết. Ngòi bút ông vẫn miệt mài, vẫn thuỷ chung với trang giấy.
Có thể nói, tại Việt Nam, Võ Phiến là một trong vài người hiếm hoi mà sự nghiệp cầm bút kéo dài cả đời. Thường, chỉ có một thời, thời hoa, sau đó là lá, có khi lá cũng héo quắt. Sau 1954, ở cả hai miền Nam và Bắc, hiếm có nhà văn, nhà thơ nào nổi tiếng trước 1945 còn giữ được nhịp độ và chất lượng sáng tác như cũ. Sau 1975, trong nền văn học tại hải ngoại, trừ Mai Thảo quay sang làm thơ và khá thành công trong lãnh vực thơ ca, và trừ Võ Phiến, tất cả những “đại thụ” tại Miền Nam lúc trước đều chỉ còn là vang bóng của một thời. Phần lớn họ tồn tại như những ông/bà thành hoàng trong đình, trong miễu chứ không phải như một nhà văn, nhà thơ đang cầm bút thực sự.
Vấn đề không phải là viết nhiều, viết đều. Vấn đề còn là ở chỗ: Võ Phiến bao giờ cũng song hành với thời đại. Về phương diện nghệ thuật, không lúc nào người ta coi ông là “mới”, thế nhưng, ngược lại, có điều oái oăm là: không lúc nào người ta thấy ông “cũ” cả. Văn chương Võ Phiến như đứng ngoài thời gian, bất chấp những trào lưu, những thị hiếu thời thượng của xã hội. Rồi cũng lại thú vị nữa hiện tượng: gần 70 tuổi, trong cảnh hưu trí, với Truyện thật ngắn (1991 và 1995) và Viết (1993), Võ Phiến lại là người tiên phong trong việc đặt ra vấn đề tìm tòi một cách viết mới cho... thế kỷ 21.
Hơn nữa, nhìn lại sự nghiệp của Võ Phiến như một tổng thể, chúng ta dễ phát hiện ra một điều: tính chất đa dạng. Lâu nay, nghĩ đến sự đa dạng trong tài năng của những người cầm bút, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những người như Nguyễn Đình Thi ở Miền Bắc và Thanh Tâm Tuyền ở Miền Nam, những người vừa làm thơ hay vừa viết truyện hay, viết kịch hay, thỉnh thoảng viết lý luận, viết phê bình: cũng hay nữa. Chúng ta quên mất Võ Phiến: trừ kịch, ông tung hoành ngang dọc trong rất nhiều thể tài khác nhau, và trừ thơ, ở thể tài nào ông cũng đạt được những thành tựu xuất sắc, có khi hơn hẳn hai người vừa được nhắc.
Trong cuốn chuyên khảo Võ Phiến, xuất bản năm 1996, để nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật ấy của Võ Phiến, để xoá tan cái ngộ nhận phổ biến lâu nay chỉ quen nhìn Võ Phiến như một nhà tiểu thuyết hoặc một nhà tuỳ bút cũng như, quan trọng hơn, để cố gắng phác hoạ diện mạo văn học của Võ Phiến một cách tương đối đầy đủ, ít nhất trên những nét lớn, tôi đã giới thiệu Võ Phiến trong nhiều kích thước khác nhau: một nhà lý luận văn học, một nhà phê bình văn học, một nhà tạp luận, một nhà tuỳ bút, một người viết truyện (cả truyện dài lẫn truyện ngắn), và bao trùm lên tất cả là một phong cách văn học độc đáo, một niềm trăn trở không nguôi, lúc nào cũng khắc khoải đổi mới để theo kịp thời đại, người phần nào vượt qua những giới hạn của chủ nghĩa hiện đại để đối diện với những yếu tố mới trong thời hậu hiện đại.
Nhìn Võ Phiến từ nhiều khía cạnh khác nhau như vậy, tôi bỗng phát hiện một điều: một nhà văn lớn không những lớn mà còn giàu vô tận; mà không những giàu, họ còn có thể san sẻ sự giàu có của mình cho nhà phê bình: viết về họ thật thích, ngỡ như không bao giờ hết chuyện.

------------
Chú thích: Đây nguyên là lời “Dẫn nhập” in trong cuốn Võ Phiến của tôi được nhà xuất bản Văn Nghệ tại California ấn hành vào năm 1996. Có sửa lại một ít.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những ký ức vụn / cuộc đuổi bắt ảo ảnh

Cuộc đời ông bác ruột tôi là cả một hiện thực không tài nào hiểu hết luôn ám ảnh nhận thức của tôi. Có quá nhiều những cách thế sống, nhưng cách sống của bác tôi đã để lại cho tôi những ấn tượng vừa mang tính thi ca vừa vô cùng bí hiểm.
... Quá khứ bao gồm cả bầu trời và mặt đất, bao gồm cả những núi non sông hồ, bao gồm cả những nắng mưa bão táp, bao gồm cả những con người đã sống và những con người đã chết... Nhưng tại làm sao con người lại không thể diễn đạt một cách đầy đủ và chân thật về quá khứ nhỉ?
[sách ngôn ký của bác tôi]
Bác tôi đọc nhiều, đi nhiều, vừa đi vừa viết ngôn ký, rồi tới tuổi năm mươi lăm bỗng quay về làng, lập am thần, nhưng chẳng phải để thờ thần. Những phút giây bác vẫn sống cuộc đời đơn độc là những cuộc trò chuyện và tranh luận cùng các vị thần. Trò chuyện và tranh luận là để làm lộ ra những ý nghĩ mới mẻ về thế giới.
... Mùa thu ta gặp những người cày ruộng của làng đã chết những trăm năm trước. Bây giờ thì các người đã ở bên ngoài những qui luật của nhận thức. Không còn có những cảm thức về mưa nắng. Không còn có những cảm thức về hy vọng, về hạnh phúc và khổ đau. Những người đang sống nói rằng các người đã rơi vào cõi chết tăm tối. Nhưng sự thực, từ khi rời khỏi cuộc sống thì các người đã ra khỏi biên cương của ánh sáng và bóng tối. Ta nói. Những người cày ruộng ở làng ta đã chết những trăm năm trước mỉm cười, nhìn ta, vẻ hồ nghi.
[sách ngôn ký của bác tôi]
Trong nhận thức của tuổi thơ tôi là cả một sự hồ nghi về sự hiện hữu của bác tôi. Từ khi trở về làng lập am thần ngay cạnh nhà cha mẹ tôi, trừ những thời giờ cho việc ăn uống tắm rửa bên nhà cha mẹ tôi, hầu như cả ngày đêm bác tôi giam mình trong căn nhà rộng thênh thang nhưng có vẻ không còn đủ chỗ cho đám tượng bằng thạch cao có, bằng gỗ có bằng xi măng có, những vị phật sống, những vị bồ tát, những vị thần mặt đen mặt đỏ, mà mỗi lần lén ghé mắt dòm thử tôi lập tức rơi vào cảm giác sợ hãi, một thứ sợ hãi thật khó diễn đạt. Một người cả ngày lẫn đêm sống với hình bóng các vị thần và các vị phật, thỉnh thoảng lại nghe hét lên những lời kỳ lạ trong căn nhà kỳ lạ ấy, thì có còn là bác tôi nữa hay không?
... Mùa đông. Nằm nghe mưa rơi. Những bước chân mơ hồ của tạo tác. Ta lần dò về phía quá khứ nghìn năm. Này, ta nói cho các ông biết, sử chép các ông là những vì vua tàn bạo bởi triều đại của các ông đã tồn tại trên máu và nước mắt của đám dân chúng lầm than. Những ông vua cũ nhìn ta với ánh mắt mơ hồ, nếu không nói là có vẻ vô cùng thản nhiên. Ừ, thì ta biết thời gian có thể làm cho những sai lầm không còn là sai lầm, nếu không nói là có thể trở nên chân lý. Một kẻ sát nhân, ta biết đấy là một kẻ sát nhân bởi rất nhiều những vệt máu còn khô đọng trên áo anh ta, kẻ ấy cứ theo hỏi ta bây giờ là thuộc về thời nào, bây giờ anh ta thuộc về loài giống nào, đang nói thứ tiếng nói nào... Ừ, thì ta biết thời gian đã làm cho người ta quên mất mình là ai, nếu không nói là quên mất tất cả.
[sách ngôn ký của bác tôi]
Tôi đọc sách ngôn ký của bác tôi, thấy ông luôn đắm mình trong những cảm thức siêu việt: Ông trò chuyện với quá khứ và bước đi trong thời gian theo cách của các vị thần. Ông có vẻ như không còn muốn chấp nhận thứ quan niệm thông thường về thời gian: quá khứ là cái đã qua, và tương lai là cái chưa đến. Có vẻ như bác tôi muốn đặt chân lên miền đất vốn mãi mãi mịt mờ trong cảm thức con người, ông muốn đặt chân lên đấy, và bình thản bước đi như thể đó là chốn quê hương thân thuộc của mình, thỉnh thoảng dừng chân trò chuyện cùng ai đấy, tâm sự mấy lời, rồi lại bước đi, không có năm tháng, không có ngày đêm, không có xa gần, có vẻ như ông muốn qua lại giữa những tầng lớp, giữa những nhịp độ, qua lại giữa những miền, những cảnh, thường gọi là không gian, thời gian. Này tôi nói cho anh biết là tôi đã sống ở đây tự nghìn năm trước đấy, dường như ông đã nói với ai đó, ở một nơi chốn nào đó, trong cuộc hành trình vô định của ông. Không biết ông có thực sự trò chuyện được với quá khứ chưa? Và có thực sự trải nghiệm những điều ông nói? Nhưng quả tình sách ngôn ký của bác tôi luôn đánh động trong tôi những suy nghĩ ngợi về thế giới.
... Nhưng tại làm sao con người lại không có những năng lực của các vị thần nhỉ? Biết ta cứ băn khoăn mãi về sự hạn chế trong nhận thức của loài giống con người, các bạn hữu của ta, các vị bồ tát và các vị thần, nhìn ta mỉm cười.
[sách ngôn ký của bác tôi]
Đấy là một ngày mùa đông. Mưa như trút nước. Bác tôi mặc quần áo lụa trắng, mang dép da, đội nón lá lao ra ngoài mưa. Ta đã có cách sang sông rồi, ta đã có cách... Vừa chạy trong mưa, ông vừa la thật to. Cha con tôi đuổi theo ông. Nhưng không còn kịp nữa. Từ xa, tôi trông thấy bác tôi ngửa nón, thả nón xuống sông, rồi ngồi lên nón. Nhưng chỉ thoắt một cái, con nước lũ đã nhận chìm bác tôi.
Cha tôi mất. Tôi phải thay cha tôi chăm nom am thần của bác tôi. Mỗi lần mở cửa am để lau dọn bụi bặm, tôi nhìn thấy các vị bồ tát và các vị thần mặt đen mặt đỏ như đang nhìn tôi mỉm cười. Còn tôi thì nhìn thấy bác tôi, hình ảnh một người đang lao vào cuộc đuổi bắt ảo ảnh.

Giã 17PM 10/9/2015



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nói phải củ cải mới nghe được..

Quá buồn với chiêu trò của các quan tham. Không làm thì nói thẳng là không cần chống tham nhũng chứ tài sản ở đâu mà có, tuồn vào ngõ ngách nào ai chả biết mà cứ viện hết lý do nọ lý do kia để lòe dân. Chống ai và ai chống? Tất cả đều có tài sản bất minh thì còn chống cái gì? Làm gì có CQ nào trong sạch mà bảo cần có CQ độc lập để kiểm soát tham nhũng? Nói ít đi mà làm lấy vài việc thiết thực từ đống tài sản kếch xù của môt vài quan tham xem có cảnh báo răn đe được ai không? Có làm cho lòng dân yên tâm hơn không? Cứ hội nghị, hội thảo mãi tốn tiền thuế xủa dân lắm rồi mà chả làm cho tham nhũng chùn tay đâu!
(Công lý) - Sáng 8/12, Ban Nội chính TW phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo “Tăng cường hiệu quả thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng - kinh…
PAGEGIAITRI.COM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

KẺ TỬ ĐẠO CUỐI CÙNG - KỲ 10 NHÀ SƯ CỤT TAI, THÙ HẬN VÀ SÁM HỐI

*
Khi Ðắc ra đến bãi biển thì đã thấy có nhiều người tụ tập dưới chân núi, anh len lỏi trong đám đông tìm cách leo lên. Ðám đông thanh niên nam nữ đứng rải rác quanh đây, bàn tán cười nói, có người lộ rõ vẻ lo âu xầm xì cùng nhau những gì không rõ. Một vài người nhận ra Ðắc, họ vây lấy anh, bắt tay anh và nói:
- Chưa đến nỗi nào. Anh đã nhìn thấy chỗ bị đập phá chưa?
- Chưa. Ðắc nói. Tôi vừa đến đây tức thì.
Mấy người thanh niên dẫn Ðắc đến sát chân tượng và anh nhận ra ngay cái tượng nhỏ của mình đã bị đập phá. Nó cụt đầu, trầy trụa khắp thân mình, mảnh vỡ vươn vãi dưới đất. Kẻ phá hoại dã dùng một một cái búa đóng đinh để đập vì thế mà cán búa đã bị gãy, vứt ngay dưới chân tượng. Ðắc nhìn quanh, có ý tìm cái đầu của pho tượng mình nhưng một cô gái đã mở túi xách ra và đưa cho anh một gói giấy. Anh không mở gói giấy ra nhưng anh biết là mặt mũi đã nát bét cả. Anh cất gói giấy vào túi quần của mình, nói cám ơn người thiếu nữ nọ và ngửng lên quan sát pho tượng lớn, nó chưa hề bị một vết xây xát nào, vẫn lồng lộng và phô hết vẻ duyên dáng quyến rũ và huyền ảo của mình trong nắng mai vàng rực. Anh nhận thấy có nhiều người cũng đang lặng người đi, đăm đăm nhìn pho tượng khi đám mây vừa bay qua và nắng dọi xuống rực sáng cả núi đồi, lộng lẫy trên biển xanh ngát.
Ðắc đi quanh pho tượng, những người hâm mộ đi theo sau lưng anh. Anh vừa đi vừa suy nghĩ xem có nên tạc lại cái tượng nhỏ của mình không, cuối cùng anh quyết định xóa bỏ nó. Anh lấy đồ nghề ra và bắt đầu đục sạch cái khối đá nhỏ nham nhở kia. Một người thanh niên bước đến bên Ðắc, hỏi:
- Sao anh không làm lại bức tượng nhỏ?
- Vì nó cũng sẽ bị đập phá nữa mà thôi.
- Nhưng tụi em sẽ thay phiên nhau bảo vệ nó.
Ðắc ngừng tay, bảo mọi người:
- Không được đâu. Kẻ phá hoại này không hành động được ban ngày thì nó sẽ làm ban đêm. Tôi biết rằng nó sẽ làm cho đến cùng.
Và anh quay lại, cắm cúi đục tiếp. Khi những mẩu đá sần sùi đã được đục sạch thì mặt trời cũng đứng bóng, anh dẫn các bạn trẻ xuống núi. Ở dưới đường, đám đông thưa dần. Một nhóm người đến xin chữ ký, Ðắc lau mồ hôi và cười với họ. Chàng ký vào những cuốn sổ tay, những bức ảnh chụp chân dung chàng và cả những bưu ảnh chụp pho tượng BIỂN TRÊN CAO. Sau đó họ vừa đi vừa trò chuyện, kéo nhau về thành phố.
Xế chiều Ðắc mới về đến nhà, anh vừa tắm rửa xong thì nhà văn Lê Ðạo đến, anh thảy trước mặt Ðắc một bức thư viết nguệch ngoạc mấy dòng:
Gởi ông Lê Ðạo,
Nội cái chuyện ông và hai người bạn của ông dám yêu Hồng đã là một tội ác không thể tha thứ được rồi, vậy mà ông lại cả gan viết một cuốn sách để khoe khoang những chuyện mê gái nhảm nhí và lố bịch của các ông để mê hoặc thanh niên, để làm cho hàng trăm ngàn người khác cũng yêu Hồng, thì tội của ông sẽ bị trời tru đất diệt. Hãy ghi nhớ, đây là lời cảnh cáo cuối cùng.
Ký tên
TRẦN HỒNG SƠN
Ðắc thả bức thư xuống bàn, không nói gì. Anh lặng lẽ pha cà phê, đem hai cái phin ra đặt ngoài bàn đá trong vườn rồi mời Lê Ðạo ra ngồi ở đó.
Nhà văn hỏi:
- Cậu nghĩ sao về bức thư này?
- Hãy trình bày tất cả mọi việc với công an. Chúng ta là những nghệ sĩ, chúng ta không có thì giờ để đối phó với những điều kỳ quặc như thế này. Buồn cười nhỉ. Hắn nhân danh cái gì để đe dọa, cấm đoán chúng ta?
- Chính vì hắn liều nên chúng ta phải đề phòng. Nhất là khi hắn biến mất khỏi đường phố, sáng sáng không còn đi khất thực nữa. Và tiếp theo đó là những vụ phá hoại. Bức tượng ở thành phố Vũng Tàu như thế nào rồi?
- Hắn chỉ đập cái tượng nhỏ của tôi thôi. Tôi có đến báo công an và người ta bảo rằng kể từ khi pho tượng bị tấn công, hàng đêm vẫn có đội tuần tra biên phòng kết hợp bảo vệ pho tượng. Không biết Phạm Hưng có gặp rắc rối gì không.
Ngay lúc ấy Phạm Hưng đến, anh đẩy cổng bước vào, đến ngồi cạnh các bạn mình, mặt mày ủ rũ.
- Có chuyện gì vậy? Lê Ðạo hỏi.
- Tối qua khi tôi đi biểu diễn ở nhà hát thành phố về thì thấy trong nhà đèn sáng, mở cửa vô thì tan tành cả.
- Tan tành cái gì?
- Cây đàn piano Yamaha mới tinh của tôi bị đập phá tan nát, dây đứt tung, sommier xiêu vẹo, table d’harmonie bể nát, giàn búa bị bẻ gãy vứt bừa bãi xuống nền nhà. Tôi đứng chết điếng giữa nhà, rụng rời tay chân, nhìn kỹ thấy trên nắp đàn có đính một tờ giấy ghi mỗi một câu: LỜI CẢNH CÁO CUỐI CÙNG bên dưới ký tên Trần Hồng Sơn.
Ðắc ném mạnh cái ly xuống đất vỡ tan tành:
- Quá lắm rồi. Không thể chịu nổi nữa. Phải cho nó một trận mới được.
Lê Ðạo trầm ngâm nói:
- Không thể coi thường chuyện này đâu. Nó sẽ giết đấy. Chúng ta phải đi báo với công an thôi. Hưng có đem theo cái thư hăm dọa đó không?
Hưng thảy mảnh giấy trên bàn rồi với lấy bao thuốc, rút một điếu.
*
Trong câu chuyện tình lạ lùng này thì người nổi tiếng nhất, được bàn tán xôn xao nhất vẫn là Trần Hồng Sơn. Có dư luận lên án anh là kẻ ích kỷ, kẻ bị ẩn ức, bị dồn nén đang trong cơn bùng nổ điên cuồng, một phần tử nguy hiểm của xã hội. Nhưng cũng có dư luận ca ngợi anh là một người tình lý tưởng dám xả thân vì yêu. Yêu như thế mới gọi là yêu, chứ tình yêu mà mờ nhạt, mà rụt rè, mà tính toán thiệt hơn thì chỉ làm nhục cho tình yêu mà thôi.
Có người đem câu thơ “Yêu là chết ở trong lòng một ít” ra so sánh và bình luận rằng nếu yêu chỉ là chết một ít thôi thì yêu làm quái gì cho mang tiếng. Yêu là phải yêu như Trần Hồng Sơn, yêu là chết, chết tươi, chết queo, chết khô, chết đứng, chết bất đắc kỳ tử. Yêu là thua, là cháy túi, là tán gia bại sản, là tan nát cuộc đời, là chết đầu đường xó chợ. Ðã yêu còn kể quái gì cuộc đời này. Và người nọ đề nghị sửa câu thơ trên thành: “Yêu là chết, và không thèm sống nữa”. Tất nhiên vấn đề này không được lăng- xê trên báo vì báo chí thường nói những chuyện nghiêm chỉnh hơn, tuy vậy cái cách yêu đương của Trần Hồng Sơn cũng đã tự nhiên thành hình trong giới trẻ hai phe đối nghịch nhau, họ tranh cãi trong quán cà phê họ thảo luận trong cơ quan sau giờ làm việc, họ khích bác nhau trong quán nhậu, trên đường phố. Ðã có vài vụ xô xát lớn đến nỗi công an phải kéo cả một trung đội đến can thiệp.
Nhưng riêng Sơn thì bây giờ anh chỉ còn là một cái xác không hồn. Anh không còn đi khất thực nữa, anh đi lang thang nay đây mai đó, lúc ngủ vỉa hè lúc ngủ gầm cầu, bến sông hay trong các công viên vắng vẻ, lúc biến lúc hiện không biết đâu là lường.
Có lúc anh làm phu khuân vác ở chợ Cầu Muối, lúc lại đi lượm bao ny- lông, có khi người ta bắt gặp anh đang đứng giữa đường dưới nắng thiêu đốt của trưa hè oi ả.
Ðêm đến, bây giờ anh không ngủ trong thùng gỗ của lão thợ giày nữa mà thường mò vào quán cà phê bỏ không của Hồng. Anh leo vào trong bếp, lục tìm một chút gì đó của Hồng còn sót lại, một cái cuốn tóc, đôi dép da đứt quai, cái khăn tay cũ mèm. Sơn gom những thứ đó lại bỏ trong một cái bao ny lông rồi cột túm lại, đeo nơi cổ như người ta đeo thánh giá.
Cứ thế anh đi lang thang trong phố cho đến khuya, khi sương bắt đầu xuống và đường phố vắng tanh không còn người đi, không còn xe cộ. Anh ngồi một mình nơi vỉa hè lấy cái đuôi bánh mì khô cứng ra gặm và nhìn suốt theo chiều dài của những con đường. Những dãy phố dài đóng cửa im ỉm, những ánh đèn trên lầu cao cứ tắt dần, tắt dần như những đôi mắt cuối cùng của đêm và của phố phường khép lại, không nhìn anh. Không còn ai trên đời này nhìn anh nữa, anh thực sự chỉ còn một mình giữa đêm mênh mông, lặng im và se lạnh. Những người ngủ vỉa hè thường cựa mình và ho khan lên mấy tiếng, có khi giữa những tiếng ho ấy có lẫn những tiếng trẻ khóc trong đêm vang trên hè phố nghe đơn độc, não lòng.
Sơn ngồi im như con thú rinh mồi trong đêm. Nhưng anh không rình mồi, anh rình nghe những động tĩnh chung quanh, anh rình nghe tiếng khóc trong lòng mình, nghe sự bất hạnh và nỗi cô đơn đang gặm mòn từng giờ từng phút trái tim mình. Sơn không tìm cách ngăn chặn sự xói mòn ấy mà anh bình tĩnh đợi nó, lắng nghe nó, xem nó phá phách anh cho đến bao giờ mới thôi, nó ăn ruỗng anh cho đến khi nào thì rữa nát. Anh ngồi chờ nó từng đêm từng đêm như anh đã từng ngồi chờ xem ngón tay mình cháy lên như ngọn nến và cũng tàn lụi dần như ngọn nến. Anh ngồi chờ một cách kiên nhẫn trong những buổi chiều hoang vu lộng gió trên bờ sông Sài gòn, anh chờ cái chết hiện đến và anh đã thoảng nghe tiếng nó đi, bằng những bước nhẹ, xao xác, rụt rè. Tiếng chân nó như con thú đen, mỗi lúc mỗi đến gần và bóng tối lạnh giá đi theo phía sau lưng nó, há cái miệng hun hút sâu đầy những tiếng hú man rợ ra, hướng về phía anh. Thế nhưng con thú đen ấy vẫn chưa chạm vào anh, nó cứ lẩn quẩn thấp thoáng trong đầu anh, nó nhấp nhô trên mặt sông, nó là đà, chao lượn trên những vòm cây nơi công viên, hay có khi trỗ một tràng cười dài rải theo đường phố vắng hoe. Sơn giật mình thức giấc và thấy lạnh cóng.
Anh vẫn chưa chết. Anh chưa thể nào chết được. Anh phải là người chết cuối cùng. Anh sẽ dẫn con thú đen ấy đến và lùa từng thằng một vào trong cái mõm sâu hun hút kia, sau đó sẽ đến lượt anh, anh sẽ chạy đuổi theo chúng để đánh trận cuối cùng nơi cái địa ngục quái dị ấy cho đến khi thực sự không còn gì nữa, không còn xác mà cũng không còn hồn, không còn cả địa ngục nữa, cả thiên đường nữa. Anh muốn hủy diệt đến tận số không, đến hư vô, đến mông muội, như cái thời vũ trụ còn hỗn mang mờ mịt kia, để rồi lại bắt đầu cái vòng tròn luân hồi của sinh, lão, bệnh, tử của thập nhị nhân duyên mà vô minh là chỗ khởi hành. Lúc đó ta sẽ ở đâu nhỉ, anh cười một mình tự hỏi, và giọt nước mắt ứa ra lúc nào không hay. Anh cứ để nó chảy xuống như giọt sương khuya rơi trên cỏ cây.
Giọt nước mắt ấm đã an ủi anh.
Xế chiều ngày hôm sau Sơn đến thăm nhà sư già tu thiền trong một ngôi chùa cổ. Ðó là nhà sư đã dạy anh phép nhịn ăn và phép ngồi thiền với những mẩu trầm hương cháy nghi ngút khói trên đầu. Nhà sư già đã rất ngạc nhiên về sức chịu đựng và khả năng tập trung tư tưởng của anh. Anh nói:
- Con đã đốt một ngón tay và ngồi nhìn nó cháy cho đến khi lửa tắt. Thế thì con có thể tự thiêu được không?
Nhà sư già đáp:
- Con hãy tự hỏi con điều đó.
- Con đã tự hỏi rồi và bên trong có tiếng đáp: Có.
- Thế thì tại sao con còn đến đây hỏi ta?
- Ðể chia sẻ nỗi cô đơn. Con không sợ chết nhưng con sợ phải đi vào cõi chết với nỗi cô đơn. Làm sao để xóa tan nỗi cô đơn ấy, bạch thầy?
Nhà sư đáp:
- Ngày nào còn cảm thấy cô đơn, ngày ấy còn lòng dục.
- Nhưng con có còn ham muốn gì trên đời này đâu. Cả cái mạng sống này đối với con bây giờ cũng chỉ là bèo bọt.
- Ta biết con chẳng còn tha thiết gì đến sự sống nữa nhưng mối tình của con vẫn nặng như núi Thái Sơn, lòng thù hận của con thì sâu như biển, thế thì làm sao con có thể thanh thản để đi vào cõi chết.
Sơn quỳ mọp dưới đất:
- Xin thầy hãy dạy tiếp.
- Ta khuyên con hãy từ bỏ lòng thù hận, từ bỏ nỗi đam mê nhan sắc, bởi không có cái gì trên đời này phù phiếm và hư ảo cho bằng nhan sắc. Con hãy tưởng tượng sau đôi mắt xinh đẹp kia là hai hốc mắt sâu đen ngòm, sau nụ cười rực rỡ kia là hàm răng trắng nhỡn của chiếc đầu lâu. Tất cả mọi nhan sắc rồi cũng sẽ trở về với cát bụi.
Vẫn phủ phục dưới chân thầy, Sơn nói:
- Nhưng con yêu nàng đến nỗi nếu con có trên tay chiếc đầu lâu xương xẩu của nàng con sẽ tưởng tượng ra nơi hai cái hốc mắt đen ngòm kia là đôi mắt đẹp tuyệt vời của nàng, nơi những chiếc răng lởm chởm trắng nhởn kia hiện ra đôi môi đỏ tươi, ngọt ngào và kiêu hãnh của nàng. Con sẽ có thể tưởng tượng cát bụi thành nhan sắc.
Nhà sư nói:
- Nếu con có thể tưởng tượng cát bụi thành nhan sắc thì con cũng có thể tưởng tượng ngọn lửa sẽ thiêu đốt con kia là cơn mưa lành xóa sạch cho con bao nỗi đắng cay phiền muộn, xóa sạch cả nỗi cô đơn. Ðó chính là lẽ uyên nguyên của thiền.
- Nhưng con lại nghĩ rằng đó là tình yêu.
- Tình yêu là một sự cám dỗ. Nó là ngọn lửa còn thiền là ánh sáng. Nhưng cũng chính vì ngọn lửa có ánh sáng nên có khi tình yêu mang gương mặt thoát tục của thiền. Và cũng chính vì thứ ánh sáng ấy phát ra từ ngọn lửa nên nó phá phách, nó thiêu đốt và hủy diệt. Ta biết lòng con bây giờ bất định, khi thì tĩnh lặng như sa mạc, khi thì cuồng nộ như hỏa sơn, thế thì làm sao con có thể tham thiền được?
- Thầy bảo thiền là ánh sáng. Nhưng nếu không có ngọn lửa thì ánh sáng từ đâu phát ra?
- Cái nguồn sáng tĩnh tại ấy gọi là ngộ. Chưa ngộ thì chưa hiểu được thiền.
- Bạch thầy. Cái ý niệm về ngộ của thiền cao siêu quá, còn con thì chỉ muốn hiểu ngộ như là gặp. Chính vì thế mà ngộ mang đầy tính ngẫu nhiên và bất trắc. Con có thể ngộ lúc con yêu nàng nhưng con cũng có thể ngộ lúc ngọn lửa trùm lên thân xác con hay ngay cả lúc con bắn vào kẻ khác bằng một khẩu súng hãm thanh. Cứ gì là ngộ lúc tham thiền.
Nhà sư già nói:
- Con hãy đứng dậy, hãy cùng ta đi dạo trong hoa viên chốc lát. Những lời con vừa nói đã làm lòng ta rúng động. Há chẳng phải con đã hiểu thiền hơn ta sao?
Sơn đứng lên xá thầy ba xá rồi nói:
- Xin thầy đừng chấp những lời xằng bậy vừa rồi của con trẻ.
Nhà sư cũng xá chàng trai ba xá và tiễn chàng ra cửa:
- Ta nhớ xưa Khổng Tử đi tìm Ðạo Chích để khuyên răn. Ðến chiều ngài trở về, các học trò hỏi kết quả thế nào thì ngài đáp: Ði một ngày mà học được Ðạo thì chết cũng vui lòng. Vì thế mà bây giờ ta không có gì để khuyên răn con nữa. Con hãy sống theo những gì con cho là phải. Vĩnh biệt con.
Khi chàng trai bước chân ra khỏi cổng chùa thì gà đã gáy sáng.
ĐÀO HIẾU
(Còn tiếp)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bên trời thêm một người sang



Trời, già Hy chơi kỳ, sao lại bay lúc nửa đêm, lúc bạn bè ông đang theo đuổi những giấc mộng nhập nhoạng của riêng mình, sao cứ lẳng lặng không thèm e hèm kêu ê nhỏ Tư, ta đi trước à nghen. Trong đầu chỉ nghĩ mỗi ý nghĩ đó, lúc hay tin ông Tư mất.

Hết cơn choáng váng, nghĩ lại, đi kiểu vậy mới đúng điệu già Hy, giống y mấy chục năm trước, bạn nói “đi chỗ khác chơi” là đi một nước, bỏ chốn eo sèo về vườn nghe bẹ dừa rụng ngó bông cau rơi. Từ chối tới lui chỗ văn giới hội hè, mà ông gọi là “bẹo hình bẹo dạng” .

Và giờ, thêm một lần nữa ông Tư sống đúng như chữ của mình, quyết liệt hơn, đi chơi trời khác. Cho đến cuối cùng, ông Tư cũng thuyết phục được nhiều bạn đọc, rằng có những nhà văn (ít thôi), chữ là người. Và ông cũng giữ đúng giao kèo với tôi, thấy vắng tức là đã đi, khỏi dựa cửa ngó theo, khỏi vẫy tay ngậm ngùi, kiểu mà tôi kêu ớn.

Với tôi, có quý ông Tư cỡ nào, có giả bộ quên sống chết lẽ thường, thì mỗi lần thăm thấy bạn yếu đi, giọng nói khó nghe dần, không thể lần vách ra bàn trà đặt ngoài chái để ngồi chơi, khách đều nghĩ đến ngày ông bay, và từ giã lần này có khi lần chót, dù lần nào ông cũng rủ, “ê nhỏ, lần sau ghé chơi”. Lời hẹn mà lần đầu nghe tôi đã phì cười “ông già tám mấy tuổi mà tự tin hết sức”.

Từ buổi ấy tới giờ cũng gần mười lăm năm, nghĩa là có quá nhiều thời gian để tôi và ông Tư có những cuộc giã từ tử tế, mà không thấy ấm ức khi một trong hai rời đi. Những gì cần nói, đã nói. Kể cả đem cái chết ra cà rỡn, kiểu như “chừng chú ra vườn, mấy anh đạo tì rinh khoẻ re, nhẹ quá mà”. Chữ nhẹ đa nghĩa, thân  xác nhẹ như chiếc bình đựng một tâm hồn cũng nhẹ tênh, không bị danh lợi, tham vọng níu ghì. Chỉ chữ nghĩa nằm trong những sách kia thì nặng, và chúng thì ở lại, xa thân.

Chuyến đi này của ông Tư, tôi coi như một người bạn sắp dọn ở chỗ xa chắc lâu lắm mới gặp lại (chắc chắn sẽ gặp lại, tin vậy). Mà chúng tôi cũng đã dặn nhau rồi, không gọi điện nói chuyện, không ghé thăm cũng không có nghĩa là không nhớ tới nhau. Quy tắc này, ứng vô người âm kẻ dương vẫn hợp. Tiếc, là tiếc ông viết ít quá, để lại chỉ vài ba cuốn sách, đọc không đã. Mà miền tây kiếm đâu ra kiểu văn thuỷ tinh ấy, tồn tại qua nửa thế kỷ vẫn sáng và sang. Hồi ông Ba Chim Trắng còn sống, ông bảo con Tư phải làm mọi cách bắt ông Tư đem bản thảo hồi xưa ra, “thằng chả còn giữ, nhưng giấu”. Nhiệm vụ ông Ba giao tôi không hoàn thành. Nhưng hai ông chơi với nhau lâu năm, chắc ông Ba sẽ hiểu bạn mình, không khoe tác phẩm (nếu chưa thất lạc sau mấy bận chuyển nhà), chắc phải có lý do, nhất là bạn ông Ba lại là người chưa bao giờ dễ dãi, chưa bao giờ thôi nghiêm cẩn với chữ.


Ờ, mà bây giờ có khi hai ông đã gặp nhau, đang ngồi cạnh tôi mà tội nghiệp cho con nhỏ vẫn còn lặn ngụp trong mớ chữ mớ đời. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN TRANG THẾ HY!


Nhà văn Trang Thế Hy đã qua đời vào hồi 0h50, ngày 8.12.2015 (nhằm ngày 27 tháng 10 năm Ất Mùi) tại nhà riêng ở phường Phú Tân - thành phố Bến Tre, hưởng thọ 92 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu vào lúc 9h ngày 8.12 tại phường Phú Tân - thành phố Bến Tre. An táng vào lúc 13h ngày 10.12 tại đất nhà phường Phú Tân - TP. Bến Tre. 

Thành kính chia buồn với gia đình và cầu nguyện nhà văn thanh thản ở cõi vĩnh hằng

nguyễn miên thảo - lê dân - lê hoàng dũng -viêm tịnh - cáo huy khánh - từ hoài tấn - vũ hồng - trần bảo định - nguyễn liên châu - hồ trường - kim ba - nguyễn minh chiếm - đặng nhật thắng - đâng văn chơn - hoàng lộc - dức phổ - ngô dình hải - Ngố 180'..

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao quan chức Mỹ khó có cơ hội tham nhũng?


Tác giả: Đường Dũng (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet
Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ
(US Office Of Government Ethics, OGE) chỉ là một cơ quan nhỏ trong bộ máy chính phủ Mỹ nhưng lại lập thành tích nổi bật trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước này. Có người gọi nó là “Thanh gươm Damocles ngăn chặn tham nhũng”. Vừa qua tôi đã đến thăm OGE。
Thuê phòng làm việc, mỗi năm 1,3 triệu USD
OGE tọa lạc tại số nhà 1201 đại lộ New York vùng tây bắc thủ đô Washington. Đây là một tòa nhà văn phòng cho thuê. Lên đến tầng 5, ra khỏi thang máy tôi đã thấy tấm biển logo của OGE đập vào mắt: đầu một chú chim ưng trắng mắt sắc như dao nằm giữa hàng chữ “Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ” ôm vòng xung quanh, khiến người ta có cảm giác con mắt ấy đang săm soi từng vị công chức, ngăn chặn họ có những hành vi phi đạo đức.
Đúng giờ hẹn, một phụ nữ ở phòng đối ngoại ra đón tôi. Trong câu chuyện xã giao, bà nói, dịch tên gọi OGE thành “Cơ quan Đạo đức” không thích hợp lắm, vì trong tiếng Anh, “đạo đức” (morals) và “luân lý” (ethics) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đạo đức chủ yếu nói giá trị quan và tín ngưỡng của một người, mà OGE lại không quản lý chuyện ấy. Nhưng trước đó tôi đã tìm hiểu thấy là trong tiếng Trung Quốc hai từ này thường dùng lẫn lộn, vì thế tuy dịch OGE là “Cơ quan Đạo đức” thì không chính xác song từ này lại được dùng rất phổ biến, hãy tạm thời công nhận trước khi tìm được từ khác chính xác hơn.
Sau vài câu xã giao, tôi được dẫn tới phòng làm việc của Giám đốc OGE – ông Robert I. Cusick.[1] Chủ nhân nhiệt tình dẫn khách đi xem các phòng làm việc thuộc OGE. Trên tường phòng của ông Cusick treo nhiều chứng chỉ và các huy chương. Tôi để ý tới tấm biển có viết câu “Hãy để cuộc đời của bạn nói thay bạn” (Let Your Life Speak) – có lẽ đây là câu châm ngôn tự răn mình của chủ nhân. Trên tường còn treo ảnh Sir Thomas More tác giả cuốn “Utopia”, nhà không tưởng chủ nghĩa nổi tiếng người Anh thời Văn nghệ phục hưng. Vì sao ngài Giám đốc OGE lại quan tâm đến More?
Cusick giải thích: Thomas More từng làm luật sư, nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hạ viện và Chánh Tòa Tối cao Anh Quốc, có thời là nhân vật số hai chỉ sau vua Anh. Nhưng do trong công việc ông luôn kiên trì quan điểm của mình, không chịu nhẫn nhịn nên vua Henry VIII rất bực mình. Năm 1532, khi xử lý việc hôn nhân của vua Anh với cung nữ Anna Paulin, ông không chịu đi ngược niềm tin của mình mà từ chức Chánh Tòa Tối cao, điều đó đã chọc tức Henry VIII. Hậu quả là năm 1535 ông bị xử tử với tội “phản quốc’. Trên đoạn đầu đài, ông tỏ ra vô cùng dũng cảm, trước khi lưỡi dao đao phủ hạ xuống đầu, ông còn cẩn thận vuốt bộ râu đồ sộ của mình ra khỏi cái thớt chặt đầu. Có người nghe thấy châm biếm nói: “Bộ râu này mà cũng bị chặt thì tiếc quá nhỉ, nó chưa bao giờ phạm tội phản quốc mà!”  Cusick nói, trước cường quyền, More không tiếc hy sinh tính mạng mình để giữ được lương tâm và tiết tháo, “Trên thế giới hiện nay có rất nhiều người, nhất là các luật sư, đều coi More là tấm gương của đạo đức và lương tâm”.
Nói rồi Cusick đi vào câu chuyện chính, giới thiệu về Cơ quan OGE của mình. Ông cho biết tất cả các phòng làm việc đều thuê, toàn bộ tầng 5 rộng thênh thang này là của OGE, tiền thuê hàng năm khoảng 1,3 triệu USD. Cusick dẫn tôi đi thăm các phòng mất mấy tiếng đồng hồ. Tại một phòng, có thấy các tủ đựng hồ sơ mở toang cửa. Ông bảo, đây là những bảng khai báo tài sản của các quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ nộp lên, trong đó dĩ nhiên có “của Tổng thống Bush và phó Tổng thống Cheney”. Khi ấy vì đã hết giờ làm việc nên không có cán bộ để lấy cho tôi xem hai bản khai thú vị đó. Tại phòng họp tôi thấy dán đầy biếm họa. Cusick nói, đây là một dự án giáo dục đạo đức cho cán bộ chính quyền; để tăng sức thu hút, các nhân viên OGE làm một loạt tranh cartoon (hoạt hình), dùng hình thức chuyện cartoon để giải thích quy phạm đạo đức một cách hình ảnh.
OGE có cấp bậc tương đương FBI nhưng chỉ có 70 cán bộ
Trở lại phòng làm việc, ông Cusick giới thiệu sơ qua lịch sử của OGE. Được thành lập theo “Luật Đạo đức chính quyền Mỹ năm 1978”, mới đầu OGE thuộc Tổng cục Quản lý Nhân sự Chính phủ Liên bang, năm 1989 tách ra thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ Liên bang. OGE có chức trách chính là:
  • Soạn thảo Quy phạm hành vi đạo đức của nhân viên làm thuê trong các cơ quan hành chính;
  • Xét duyệt các quy tắc phụ về hành vi đạo đức do các ban ngành hành chính đặt ra;
  • Giám sát tình hình thi hành khai báo tài sản công khai và bí mật của các quan chức chính quyền;
  • Thẩm xét lý lịch những quan chức được Tổng thống bổ nhiệm (cuối cùng phải được Quốc hội phê duyệt) xem họ có va chạm lợi ích kinh tế (với chính quyền) hay không.
Cusick cho biết Giám đốc OGE do Tổng thống bổ nhiệm, nhiệm kỳ 5 năm, phải được Quốc hội phê chuẩn. Giám đốc OGE chịu trách nhiệm trước Tổng thống; nếu không được Quốc hội đồng ý thì Tổng thống không có quyền bãi miễn. Cho tới nay chưa một Giám đốc nào của OGE bị Tổng thống miễn chức. “Tôi từng đi lính, đã làm ở văn phòng luật hơn 30 năm, được Tổng thống Bush đề cử, tháng 5/2006 được Thượng viện phê chuẩn. Về cấp bậc, OGE thấp hơn Bộ nhưng tôi ngang cấp với Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang FBI (thuộc Bộ Tư pháp) và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang”, ông nói.
Cusick cho biết OGE có 5 cơ quan:
  • Văn phòng Giám đốc (Office of the Director, OD), chủ yếu bảo đảm OGE hoàn thành nhiệm vụ được Tổng thống và Quốc hội giao phó;
  • Vụ Viện trợ quốc tế và sáng kiến Chính phủ (The Office of International Assistance and Governance Initiatives, OIAGI), chủ yếu phụ trách các dự án hợp tác quốc tế của OGE, tấn công tham nhũng và nâng cao trình độ liêm khiết của chính quyền các nước trên phạm vi toàn cầu ;
  • Vụ Tư vấn luật pháp và chính sách pháp lý (The Office of General Counsel and Legal Policy, OGC & LP), chủ yếu biên soạn và giải thích các quy phạm đạo đức liên quan, xây dựng hệ thống quy chế đạo đức chính quyền thống nhất trong cơ quan hành chính Liên bang, …;
  • Vụ Chương trình cơ quan chính phủ (The Office of Agency Programs, OAP), chủ yếu giám sát tình hình vận hành chương trình đạo đức chính quyền của các cơ quan lớn thuộc Chính phủ Liên bang và cung cấp dịch vụ cho họ; dưới vụ này còn có Phòng Dịch vụ dự án, Phòng Giáo dục đào tạo và Phòng Thẩm duyệt dự án;
  • Vụ Quản lý hành chính và thông tin (The Office of Administration and Information Management, OAIM), chủ yếu cung cấp hậu cần và dịch vụ kỹ thuật giúp cho việc vận hành mọi dự án của OGE.
Giám đốc Cusick cho biết toàn bộ OGE chỉ có 70 nhân viên, trong đó có 15 luật sư; ngân sách hàng năm là 12 triệu USD. Chính phủ Mỹ có rất nhiều cơ quan lớn. Cơ quan lớn thứ hai trong Chính phủ Liên bang là Bộ Cựu chiến binh (Dept. of Veterans Affairs) có 250 nghìn nhân viên. So với họ “Chúng tôi đúng là bé quá!”, ông nói.
Cusick nhấn mạnh, các bộ ngành trong Chính phủ đều có đặt Văn phòng đạo đức công chức, Giám đốc Văn phòng đó do bộ trưởng bổ nhiệm. OGE dùng phương thức thẩm duyệt định kỳ để giám sát sự vận hành của các chương trình đạo đức của các bộ ngành. Theo cơ chế tam quyền phân lập, OGE chỉ có quyền quản lý các cơ quan hành chính.  Quốc hội và Tòa Tối cao có riêng cơ quan quản lý đạo đức của họ. Các bang và phần nhiều các đô thị đều có cơ quan tương tự, họ không chịu sự quản lý của OGE.
Giám đốc OGE có quyền yêu cầu các quan chức cấp cao phải tiếp nhận đào tạo một thầy một trò
Tuy Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ OGE có cấp bậc không cao, số nhân viên không nhiều, cũng không quản lý Quốc hội, Tòa Tối cao, chính quyền các bang và chính quyền các cấp, nhưng OGE có quyền lực thực tế rất lớn. Theo thống kê, số công chức Chính phủ Liên bang do OGE quản lý là 3,6 triệu người, kể cả Tổng thống, phó Tổng thống, các bộ trưởng.
Cusick cho biết, cứ 4 năm một lần, OGE lại cử cán bộ thẩm tra đến các cơ quan Chính phủ tiến hành kiểm tra tình hình thi hành quy phạm đạo đức. OGE có nhiều cán bộ thẩm tra, mỗi người phụ trách 3-4 cơ quan chính phủ. Thẩm tra xong, họ gửi báo cáo thẩm tra tới Ủy ban đạo đức của đơn vị sở tại. Nếu phát hiện vấn đề gì trong thẩm tra thì Giám đốc OGE có quyền ra lệnh cho đơn vị đó sửa chữa khuyết điểm trong một thời hạn nhất định, và trong 60 ngày phải báo cáo tình hình sửa chữa. Trong vòng 6 tháng sau khi gửi báo cáo thẩm tra, OGE phải tiến hành tái thẩm tra tình hình chỉnh sửa của đơn vị đó. Nếu đơn vị nào có vấn đề gì nghiêm trọng về đạo đức thì OGE có thể tiến hành thẩm tra bất cứ lúc nào, không cần chờ 4 năm một lần.
Cusick cho biết, ngoài Văn phòng đạo đức ra, các bộ còn có Văn phòng Chánh Thanh tra, phụ trách xử lý các vụ vi phạm trong bộ. Nếu phát hiện quan chức nào phạm luật, OGE có quyền thông báo cho Chánh Thanh tra của đơn vị có quan chức đó và yêu cầu điều tra.  Nếu yêu cầu này bị từ chối thì OGE có thể báo cáo thẳng lên Nhà Trắng. “Cho tới nay chưa Chánh Thanh tra nào từ chối yêu cầu của chúng tôi”, Cusick nói.
Trường hợp vấn đề nghiêm trọng liên quan tới phạm tội hình sự thì OGE giải quyết ra sao? Cusick cho biết khi ấy OGE sẽ chuyển hồ sơ tới Vụ Liêm khiết công thuộc Cục Hình sự Bộ Tư pháp hoặc FBI để họ điều tra và khởi tố.
Là một cơ quan phòng chống tham nhũng, OGE còn có chức năng giáo dục và đào tạo. Thí dụ các viên chức mới tuyển dụng dù ở cấp bậc cao thấp thế nào đều phải tiếp thu đào tạo huấn luyện; cương vị khác nhau thì thời gian đào tạo khác nhau, nhưng ít nhất không được dưới một giờ. Những quan chức cần khai báo tài sản công khai hoặc bí mật hàng năm còn phải tiếp thu đào tạo thêm ngoài quy định. Bình thường OGE còn tiến hành đào tạo trên mạng cho các công chức phổ thông. Ngoài ra hơn 1.200 quan chức cấp cao của Chính phủ còn phải tiếp thu đào tạo đối diện trực tiếp một thầy một trò. Việc giáo dục đạo đức liêm chính trên mạng tiến hành mỗi năm ít nhất một lần, thông thường chủ yếu giáo dục về các chuẩn mực và quy tắc luật pháp hành vi đạo đức. Nói chung đều dùng cách trả lời trên mạng để kiểm tra kết quả học tập. Ai chưa tiếp thu sát hạch trên mạng thì sẽ tiếp thu phụ đạo một thầy một trò, đối diện trực tiếp, cho tới khi đạt yêu cầu sát hạch mới thôi. Để tăng cường hiệu quả đào tạo, sau mỗi điều quy phạm về đạo đức đều có thí dụ vụ án điển hình được lựa chọn công phu, như vậy học viên hiểu sâu hơn quy phạm đó. Cusick nói cứ cách 12 đến 18 tháng, OGE lại tổ chức một đại hội toàn quốc, hơn 600 cán bộ phụ trách công tác đạo đức trên cả nước về dự.
Qua phần trình bầy ở trên có thể thấy công việc chủ yếu của Cơ quan đạo đức chính quyền Mỹ OGE là giám sát hướng dẫn, đào tạo và thẩm tra. Nó không can thiệp quá nhiều vào vụ án cụ thể, song cũng hợp tác với các ban ngành khác trong việc phạt các quan chức có vi phạm nặng. Thí dụ John Frederick là quan chức phụ trách các công trình xây dựng của Hải quân Mỹ, có nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành hợp đồng một dự án xây dựng của chính phủ do công ty DMI thầu. Vị quan chức này đã nhiều lần ngỏ ý với lãnh đạo công ty DMI là muốn kiếm một ít bổng lộc. Thế là DMI bèn chia một phần công trình mình thầu cho công ty do Frederick lập ra. Frederick không báo cáo việc này lên trên. Trong vòng chưa đầy một năm, công ty ông này kiếm được thu nhập 26 nghìn USD, Frederick trích một phần thu nhập này “lại quả” cho lãnh đạo DMI. Như vậy John Fredrick đã vị phạm quy định đạo đức cấm nhân viên nhà nước lợi dụng chức quyền để giúp cho cá nhân hoặc tổ chức khác giành được lợi ích kinh tế. Kết quả John Frederick bị kỷ luật 6 năm theo dõi, 6 tháng giam lỏng quản chế, lao động phục vụ cộng đồng 100 giờ và nộp phạt 12.000 USD.
Ca ngợi Vụ Liêm chính HongKong có quyền điều tra
Trong quá trình phỏng vấn, tôi có nhắc tới Vụ Liêm chính Hong Kong.[2] Ông Cusick vui vẻ nói: “Tôi biết cơ quan ấy. Họ làm việc rất cừ! Theo tôi Vụ Liêm chính Hong Kong là cơ quan có uy lực lớn nhất trong số nhiều cơ quan đạo đức chính quyền của các nước trên thế giới. Họ có 1.300 nhân viên, có quyền điều tra, có đội ngũ chấp pháp của riêng họ. So với họ, chúng tôi chủ yếu chỉ làm công việc có tính phòng ngừa; cũng có chút quyền điều tra nhưng rất hữu hạn.”
Như vậy sau này liệu OGE cũng có quyền điều tra như Vụ Liêm chính Hong Kong không? Cusick trả lời: “Có thể sẽ như vậy! OGE được thành lập theo Luật đạo đức chính quyền liên bang. Hiện nay quyền điều tra của chúng tôi rất hữu hạn. Nếu Quốc hội thông qua luật mới thì có thể thay đổi tình trạng này.” Nhưng ông nói hiện nay cơ chế của OGE vận hành rất tốt, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Chánh Thanh tra của các Bộ, vì thế chúng tôi chưa muốn thay đổi hiện trạng.
Hầu hết các vấn đề luân lý đạo đức “đều nằm trong dự đoán”
Cơ quan đạo đức chính quyền Mỹ OGE có mối liên hệ khăng khít với cơ quan tương đương của các nước khác tới mức tôi rất ngạc nhiên. Ông Cusick cho biết hầu như tuần nào cũng có phái đoàn nước ngoài tới thăm OGE. Các đồng nghiệp Israel và Vụ Liêm chính Hong Kong từng tới đây. Riêng trong năm tài chính 2006, OGE đã tiếp 134 người Trung Quốc đến tham quan. Nửa đầu năm 2007 có 46 khách Trung Quốc đến thăm OGE, trong đó có quan chức Bộ Giám sát Trung Quốc. Cusick cho biết mấy năm trước OGE đã giúp Argentina lập Cơ quan đạo đức của chính phủ nước họ. OGE còn giữ liên lạc mật thiết với các nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và Cơ quan Liêm chính của EU.
Cusick nói, tuy các nước khác nhau về văn hóa và tình hình nội bộ nhưng vấn đề luân lý đạo đức của quan chức thì lại “giống nhau kinh khủng”, có thể nói hầu hết các vấn đề đó đều “nằm trong dự đoán”.
Giám đốc Cusick cho biết, tuy thỉnh thoảng có các quan chức tham nhũng sa lưới luật pháp, nhưng may sao nước Mỹ chưa xảy ra nạn tham nhũng có hệ thống, quy mô lớn. Số lượng vụ án quan chức phạm luật phải chuyển sang Bộ Tư pháp khởi tố mấy năm qua giữ ở mức độ ổn định, không tăng. Nhiều cuộc điều tra theo thư nặc danh cho thấy phần lớn quan chức đều tự giác tuân theo quy phạm đạo đức. “Điều đó khiến chúng tôi rất tự hào”, ông nói.
Dĩ nhiên nói thế không có nghĩa là OGE có thể yên tâm. “Làm thế nào để các quan chức cấp cao có thể ghi lòng tạc dạ các chuẩn tắc đạo đức – đây là thách thức lớn nhất của chúng tôi!” Cusick giải thích: đó là do các quan chức cấp cao bận nhiều việc nên sự quan tâm đến chuẩn mực đạo đức rất dễ bị các công việc khác can nhiễu. Khi tôi nhắc tới một số vụ bê bối gần đây bị báo chí làm ầm ỹ, Cusick nói: “Thế là tốt! Báo đài càng vạch trần đầy đủ sự việc thì mọi người càng thận trọng suy nghĩ, các quan chức càng nhạy cảm hơn đối với vấn đề đạo đức!”
Nguyễn Hải Hoành biên dịch và chú thích từ nguồn world.people.com.cn.

____

[1] Từ 9/1/2013 là ông Walter M. Shaub, Jr.  Xem: http://www.oge.gov
[2] Independent Commission Against Corruption (ICAC 廉政公署). Ngân sách ICAC tài khóa  2008–2009  là 756, 9 triệu HK$.    Xem: http://www.icac.org.hk/en/home/

Share this:

Phần nhận xét hiển thị trên trang