Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Cũng như vô số chuyện TABILUA cả thôi, có gì đâu mà òm?

CÂU CHUYỆN VỀ BẠCH MAO NỮ VỐN RẤT QUEN THUỘC VỚI NHIỀU NGƯỜI TRUNG QUỐC CHO ĐẾN CẢ HOA KIỀU TRÊN TOÀN THẾ GIỚI, THẬM CHÍ CÓ NHIỀU NGƯỜI KHI GẶP PHẢI ÁP LỰC QUÁ LỚN TRONG CÔNG TÁC CÒN GỌI ĐÙA ÔNG CHỦ CỦA MÌNH LÀ “HOÀNG THẾ NHÂN”, MỘT NHÂN VẬT LIÊN QUAN, ĐỂ ẨN Ý VỀ SỰ “CHÈN ÉP”. TUY NHIÊN, TẤT CẢ HỌ ĐỀU ĐÃ BỊ LỪA.

Trung Quốc, Mao Trạch Đông, Lý Mãn Thiên, Hoàng Thế Nhân, Hoa Kiều, Dương Bạch Lao, Bạch Mao Nữ,
Ảnh: Internet
Hàm nghĩa về sự “chèn ép” này là do vở diễn “Bạch Mao Nữ” xuất hiện mấy chục năm nay, đã gieo tư tưởng “xã hội cũ biến người thành quỷ, xã hội mới biến quỷ thành người” vào lòng người.
Tuy nhiên, điều mà rất nhiều người không hề hay biết chính là: Bạch Mao Nữ vốn chưa từng phải chịu áp bức gì cả, mà Hoàng Thế Nhân thật sự là một địa chủ cần cù lao động, thích làm việc thiện.
Trước hết hãy nói nguồn gốc của đề tài này. Theo khảo chứng của tác gia Lưu Sa Hà, khu vực Tấn Sát Kí mấy trăm năm nay mãi lưu truyền câu chuyện “Bạch Mao tiên cô”. Dân gian tương truyền rằng trong một hang động của huyện Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc, có một tiên cô toàn thân tóc trắng như tuyết cư ngụ. Tiên cô pháp lực vô biên, có thể trừ ác khuyến thiện, duy hộ chính nghĩa, xua đuổi tà ác, nắm giữ hết thảy họa phúc của nhân gian. Vì vậy mọi người đều đến đó bái lạy.

Bởi vì ở căn cứ địa Tấn Sát Kí trong những năm kháng chiến, buổi tối mọi người thường hay đến cúng bái Tiên cô, vì vậy “đại hội đấu tranh” thường không tiến hành được. Nhà văn Thiệu Tử Nam trong đoàn phục vụ chiến địa Tây Bắc ngay từ đầu đã chú ý đến đề tài này, vì cần thiết trong phối hợp “đấu tranh”, lôi kéo dân làng từ trong miếu Tiên Cô về phía mình, ông đã chế tác ra một tác phẩm dân gian truyền kỳ giả mạo, lấy chủ đề là “phá trừ mê tín, phát động quần chúng” làm chỉ đạo sáng tác, đây là nguyên mẫu của “Bạch Mao Nữ”.
Tháng 5/1994, Lý Mãn Thiên là kí giả của “Nhật báo Tấn Sát Kí” viết thư cho Chu Dương, đã giảng nói về câu chuyện này. Năm 1945, một số người của học viện nghệ thuật Lỗ Tấn ở Diên An sau khi đã trải qua cuộc vận động chỉnh phong Diên An, theo chỉ thị của viện trưởng Chu Dương, họ đã dựa vào câu chuyện truyền thuyết này và tình huống địa chủ Hà Bắc, sáng tác ra ca kịch “Bạch Mao Nữ”, và biến nó thành món quà tặng hướng đến “Đại hội toàn quốc lần thứ bảy”.
Nội dung chủ yếu trong ca kịch “Bạch Mao Nữ” là: tá điền Dương Bạch Lao bởi không hoàn trả nổi món nợ cho địa chủ Hoàng Thế Nhân mà bị bức ép đến chết, con gái Hỷ Nhi của ông bị dùng để trừ nợ, bị ép đến nhà Hoàng Thế Nhân làm công, rồi bị Hoàng làm nhục. Về sau cô chạy trốn vào rừng sâu, lót dạ bằng trái cây cúng trong miếu để sống qua ngày, đầu tóc vì vậy trở nên bạc trắng, bị người dân mê tín trong làng tôn xưng là “Bạch Mao tiên cô” (nàng tiên tóc trắng). Về sau, cô đã được Đại Xuân vốn là người yêu ngày trước của mình, giờ đây đã tham gia bát lộ quân cứu thoát, hai người cùng đi xuống núi, triệu khai đại hội đấu tranh, phân chia đất đai, đánh đổ địa chủ.
Nghe nói, Mao Trạch Đông còn đích thân tỏ ý đoạn kết trong vở kịch cần phải phản ứng chuyển biến trong chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tức “ruộng đất phải chia hết, Hoàng Thế Nhân phải bị bắn chết”. Bởi kháng chiến phải kết thúc, chính sách “giảm tô giảm tức” và “đoàn kết địa chủ” lại cần được thay thế bằng “cách mạng ruộng đất” và “đánh đổ giai cấp địa chủ” . Hiển nhiên dễ dàng thấy được rằng, chủ đề của “Bạch Mao Nữ” chính là muốn làm nổi bật sự “vĩ đại” của Trung Cộng, kết thúc một Trung Quốc “cũ”, bắt đầu một xã hội “mới”.
Vì để có được sự yêu thích của mọi người trên phương diện nghệ thuật, “Bạch Mao Nữ” không chỉ trên tình tiết mượn khuôn mẫu oan oan tương báo, giai nhân gặp nạn và anh hùng cứu mỹ nhân trong văn học dân gian, hơn nữa về mặt âm nhạc phần nhiều dùng nhạc điệu của hát dân gian lưu truyền rất lâu đời của Hà Bắc, Sơn Tây, lấy nhạc điệu và cải biến lại lời hát, ví như: “Gió bắc thổi” và “Quấn khăn đỏ” đều là luận điệu được sao chép lại.
Ca kịch “ Bạch Mao Nữ” đã trải qua hình thức nghệ thuật dưới lớp vỏ ngoài cao thượng đẹp đẽ sau khi lên trình diễn ở “khu giải phóng”, đã sinh ra kết quả không thể ngờ đến được: khơi dậy khát khao của mọi người đối với xã hội “mới”, và căm thù đối với chế độ xã hội “cũ”, cái tư tưởng “xã hội cũ biến người thành quỷ, xã hội mới biến quỷ thành người” bất tri bất giác đã được mọi người tiếp nhận —– dẫu cho bên cạnh mọi người vốn không hề nhìn thấy “Hoàng Thế Nhân” và “ Hỷ Nhi” gì cả.
Từ sau những năm 1949, sau khi ĐCSTQ cướp đoạt chính quyền thành công, những người làm công tác nghệ thuật này không chỉ đã diễn bộ phim “Bạch Mao Nữ”, còn biên soạn “Bạch Mao Nữ” với hình thức nghệ thuật kinh kịch, kịch múa ba lê. “Bạch Mao Nữ” trở thành một trong những hình tượng hư cấu quen thuộc nhất đối với người Trung Quốc.
Sau khi lớn lên tôi còn nghe những người già nói rằng, vào những năm Cách mạng Văn hóa, cứ mỗi năm vào đêm trừ tịch, trong lúc mọi người xếp thành từng hàng từng hàng dài để đi lấy một ít hàng tết được cấp dựa theo số người một cách nghiêm ngặt, trong các đài phát thanh, đài truyền hình đều sẽ chiếu lên “Bạch Mao Nữ” hư cấu này, mục đích chính là để mọi người chớ có quên đi “xã hội cũ muôn vàn đau khổ”, vậy nên cần phải trân quý cảm ơn “cuộc sống hạnh phúc hiện tại”.
Có lẽ có người sẽ phản bác, tuy “Bạch Mao Nữ” là hư cấu, nhưng Hoàng Thế Nhân không phải là tồn tại chân thật hay sao? Thực tế, theo cuộc khảo sát của một kí giả nào đó ở huyện Sơn Bình tỉnh Hà Bắc quê hương của Hoàng Thế Nhân: Hoàng Thế Nhân còn oan hơn cả nàng Đậu Nga năm xưa.
Hoàng Thế Nhân rốt cuộc bị oan ở chỗ nào? Theo điều tra của vị kí giả này, chúng ta trả lại một Hoàng Thế Nhân chân thật. Ông nội của Hoàng Thế Nhân là Hoàng Vận Toàn, vốn là một bần nông thật thà, trải qua một đời tằn tiện đã mua được 15 mẫu đất cằn cỗi khi vào tuổi bốn mươi, sau đó chăm chỉ lao động đầu tắt mặt tối cuối cùng mua được 105 mẫu đất để lại cho con trai duy nhất của ông là Hoàng Khởi Long. Hoàng Khởi Long học qua trường tư thục vốn là người thấu tình đạt lý, nghe theo giáo huấn tổ tiên thừa kế gia nghiệp, khiêm tốn làm người. Mấy chục năm nay, mở rộng gia nghiệp người cha để lại thành nghìn mẫu ruộng tốt, đồng thời có năm người con trai tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Năm người anh em Hoàng gia đều có danh tiếng tốt trong vùng.
Hoàng Thế Nhân là con trai cả, tự nhiên đã tiếp nhận sự nghiệp của cha. Ông là người thiện lương, thường hay cứu giúp người nghèo, hành thiện tích đức, trong vùng nổi tiếng là Hoàng đại thiện nhân. Hoàng Thế Nhân có một vợ bảy thiếp, con cháu thành đàn, gia đình hòa thuận. (Thời đó cho phép một chồng nhiều vợ).
Còn cha của Dương Bạch Lao là Dương Hồng Nghiệp là đại vương đậu phụ nổi tiếng trong vùng, mọi người xưng là “Dương đậu phụ”. Đậu phụ nhà họ Dương vừa ngon vừa rẻ nên rất nổi tiếng. Dương Bạch Lao và Hoàng Thế Nhân từ nhỏ đã kết bái huynh đệ. Dương Hồng Nghiệp 41 tuổi qua đời, còn Dương Bạch Lao sau khi kế thừa nghiệp cha, bởi không chăm chỉ làm ăn, thêm vào đó đã nhiễm thói cờ bạc thuốc phiện, từ đó khiến cho gia nghiệp suy bại. Người dân trong vùng đều rất xem thường ông ta.
Về sau, khi Dương Bạch Lao thua bạc mắc nợ một khoản tiền lớn không cách nào hoàn trả được, Hoàng Thế Nhân đã cho ông ta mượn 1000 đồng bạc, đồng thời cũng thu nhận cô con gái Hỷ Nhi chưa đến tuổi thành niên của ông ta. Dương Bạch Lao trốn nợ bên ngoài không còn mặt mũi nào để nhìn mặt người đời, cuối cùng đã tự tử mà chết. Lại là Hoàng Thế Nhân hậu táng Dương Bạch Lao, rồi nhận nuôi Hỷ Nhi.
Sự thật cho thấy những người sáng tác “Bạch Mao Nữ” trong các loại hình thức nghệ thuật đã đảo lộn sự thật, đã triệt để phá hủy hình tượng vốn có của Bạch Mao Nữ, Dương Bạch Lao và Hoàng Thế Nhân, để đạt được mục đích truyên truyền hận thù trong nhân dân của họ mà thôi.
Tác giả: Lâm Huy
Tiểu Thiện dịch từ NTDTV

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghi phạm giết người vụ án oan ông Nén trốn chạy ra sao?

TTO - Quá trình lẩn trốn của Nguyễn Thọ - nghi phạm giết bà Lê Thị Bông đã được công an tỉnh Bình Thuận làm rõ mặc dù nghi phạm này đổi tên thành Nguyễn Khanh.
Nghi phạm Nguyễn Thọ - Ảnh tư liệu do ông Nguyễn Thận cung cấp
Nghi phạm Nguyễn Thọ - Ảnh tư liệu do ông Nguyễn Thận cung cấp
Bán nhẫn vàng cướp được lấy lộ phí đi đường
Sau khi Nguyễn Thọ (sinh năm 1976, ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân) bị bắt, lực lượng công an đã làm rõ việc sử dụng thời gian của Thọ từ thời điểm gây án vào đêm 23-4-1998 cho đến nay.
Nội dung đơn tố giác của ông Nguyễn Phúc Thành (ông Thành là bạn giang hồ với Nguyễn Thọ) cũng được cơ quan công an đối chiếu, phục vụ điều tra.
Trong đơn tố giác của ông Thành viết vào năm 2000, ông Thành trình bày vào năm 1998 ông không nhớ rõ ngày tháng, tại xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh), sau một đêm bà Năm Tép (bà Lê Thị Bông) chết, Thọ có kể cho ông nghe.
Khoảng thời gian đó, ông Thành chơi thân với nhóm Nguyễn Thọ, Hồ Văn Việt, Cường, Trang.
“Chúng tôi thường tụ tập hút bồ đà, nhậu nhẹt, quậy phá đánh lộn. Do ăn chơi không có tiền nên thường bàn nhau đi cướp. Trong số đối tượng tôi, Thọ, Việt, Cường, Trung để ý có chị gái nhỏ con bà Năm Tép vì chị đeo nhiều vàng nữ trang”, ông Thành cho hay.
“Thọ nói với tôi bà Năm Tép chết rồi. Tôi nói Thọ xạo, hồi hôm tao ở bên quán chị gái tới hai giờ sáng có thấy gì đâu và tôi nói bà ấy chết thì mày giết chứ ai. Thọ thú nhận với tôi là Thọ giết bà Năm”, ông Thành nhớ lại.
Theo lời ông Thành, Nguyễn Thọ kể cho ông biết vào ban đêm khoảng từ 11g đến 12g, Thọ cùng Việt vào nhà chị gái (con bà Lê Thị Bông) âm mưu giết chị để cướp số nữ trang trên người.
Thọ vào bếp lấy hai con dao, Thọ đưa cho Việt một cây dao, Thọ cầm một cây dao ra giếng cắt đoạn dây dài 1 mét. Cả hai vào nhà bếp nằm chờ chị gái đi bán về nhưng cả hai ngủ quên vì ngấm rượu.
Lúc đó bà Năm đi đâu về, thấy hai tên nằm trong nhà bà Năm gọi dậy và đuổi đi. Khi bà quay lưng đi vào nhà chính thì Thọ dùng dây siết cổ bà cho đến chết và lấy một nhẫn vàng. Việt đứng ngoài chạy vào lôi Thọ đi.
“Lúc ấy tôi không tin, Thọ có đưa tôi xem nhẫn vàng và mấy vết máu trên lai quần Thọ. Thọ nói máu tay bà Năm lúc Thọ tuốt nhẫn. Kể xong Thọ nói muốn trốn đi Đắk Lắk làm ăn và kêu tôi đi kêu giùm xe ôm. Tôi kêu xe ôm giùm Thọ, về Thọ rủ tôi đi căn cứ 3 (Xuân Lộc, Đồng Nai) mua bẫy (bẫy thú rừng). Anh chạy xe ôm là Nghĩa cũng là bạn tôi và Thọ.
Trong lúc Thọ kể tôi nghe thì Việt nằm cạnh trùm mền ngồi dậy nói: “Tôi bảo nó đừng giết bà Năm mà nó không nghe”, ông Thành trình bày.
Cả ba (Thành, Thọ, Việt) lên xe đi về căn cứ 3, đi đến căn cứ 4 Thọ kêu ngừng xe. Thọ vào tiệm vàng bán nhẫn vàng xong quay ra rồi cả nhóm tiếp tục đi về căn cứ 3. Sau khi mua bẫy xong Thọ đưa cho Thành hai chục ngàn đổ xăng.
Ông Thành với Nghĩa (xe ôm) về lại căn cứ 6 (Hàm Tân, Bình Thuận). Thọ đi đâu từ đó đến nay ông Thành không rõ.
Thay tên “làm lại cuộc đời”
Về lai lịch của Nguyễn Thọ, nguồn tư liệu mà Tuổi Trẻ có được cho thấy vào cuối những năm 1990 Thọ nằm trong băng hút bồ đà gồm có Nguyễn Phúc Thành (người tố cáo Thọ giết bà Bông), Hồ Văn Việt, Mai Thanh Phong, Trần Duy Khánh, Nguyễn Khắc Trang…
Băng nhóm này thường xuyên tụ tập ăn nhậu, trộm cắp, uống rượu say sưa gây rối trật tự công cộng. Một vài lần đánh lộn dùng hung khí như dao, mã tấu…
Năm 1997, công an xã Tân Minh đã lập hồ sơ xét duyệt để tập trung đưa nhóm “phá làng phá xóm” này đi trường giáo dưỡng.
Sau vụ án bà Lê Thị Bông bị giết, UBND xã Tân Minh nắm bắt tình hình dư luận và thăm hỏi gia đình thì được biết Nguyễn Thọ rời địa phương bỏ đi làm ăn xa ở đâu không rõ. Tuy nhiên qua một số nguồn thông tin đáng tin cậy cho biết Thọ đang trốn tại Cần Thơ làm nghề sản xuất kem ký cùng người cậu ruột.
Đối với Hồ Văn Việt (Chín Điếc), ngày 8-9-2000 Việt cùng với 2 đối tượng khác gây rối tại quán Sao đêm. Các đối tượng này dùng hung khí là vỏ chai bia đánh vào đầu một cán bộ lâm trường gây thương tích. Do sợ bị bắt, gia đình đã đưa Việt đi trốn tại Quảng Nam, tạm trú tại nhà chị ruột. Việt qua đời vào năm 2001.
Một người thân của Nguyễn Thọ sinh sống tại thị trấn Tân Minh thỉnh thoảng rời khỏi địa phương đi đâu không rõ, thời gian rời khỏi địa phương kéo dài nhiều ngày và người này sau đó được đưa vào “tầm ngắm” của lực lượng chức năng.
Lực lượng công an đến nay đã xác định địa điểm Nguyễn Thọ lẩn trốn là ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Biết bản thân khó thoát được “lưới trời lồng lộng” nên Nguyễn Thọ đã đến cơ quan công an địa phương đầu thú khi thông tin về vụ án oan Huỳnh Văn Nén rộ lên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với công an tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận Nguyễn Thọ tại địa bàn xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự. Sau đó Nguyễn Thọ được công an tỉnh Bình Thuận đưa về TP Phan Thiết để phục vụ điều tra vụ án giết bà Lê Thị Bông.
Trong thời gian sinh sống tại huyện Hồng Ngự, Nguyễn Thọ đổi tên thành Nguyễn Khanh và cưới vợ vào đầu năm 2015. Qua nắm tình hình lực lượng công an được biết Nguyễn Thọ lo làm lo ăn, sống hòa nhã với chòm xóm khi lẩn trốn tại huyện Hồng Ngự, do đó không ai nghi ngờ gì về thân phận của nghi phạm này.
Nguyễn Phúc Thành (phải), một người trong giới giang hồ, đã lên tiếng góp phần minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén - Ảnh: H.Đ.
Nguyễn Phúc Thành (phải), một người trong giới giang hồ, đã lên tiếng góp phần minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén - Ảnh: H.Đ.
NGUYỄN NAM - HOÀNG ĐIỆP

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Long đong các siêu dự án lọc dầu tỷ đô

Long đong các siêu dự án lọc dầu tỷ đô







Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những dự án lọc dầu nhiều tỷ USD đang có vấn đề về tiến độ đầu tư. Trong khi đó, dự án lọc dầu Dung Quất lại liên tục xin hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ và các bộ, ngành.

Chậm trễ
Một trong những dự án lọc dầu có số vốn hứa hẹn đầu tư cao nhất ở Việt Nam là dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Với số vốn 22 tỷ USD, dự án của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã thu hút sự chú ý của dư luận ngay từ những ngày đầu công bố kế hoạch đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, siêu dự án này sẽ được cấp phép đầu tư vào tháng 6-2015, nhưng đến nay, điều này vẫn chưa được hiện thực hóa.
Một đại dự án lọc dầu khác là Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn làm chủ đầu tư cũng không thuận lợi khi triển khai thực hiện.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn do nhà đầu tư Nhật rót vốn 9,9 tỷ USD ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Tính đến hết tháng 8-2015, tiến độ thực hiện hợp đồng EPC của dự án mới đạt 63,9%, chậm 6,24% so với kế hoạch.
Trong khi dự án lọc dầu Nghi Sơn còn đang trong quá trình xây dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị phải bao tiêu sản phẩm cho nhà máy đã tính toán rằng, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000 m3, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư khoảng 849.000 m3.
Tình hình này khiến PVN cho rằng việc thực hiện bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn là “khó khăn rất lớn đối với PVN”. Vì vậy, PVN kiến nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp quota NK sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất để đảm bảo cho các nhà máy lọc dầu này được tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đảm bảo an ninh năng lượng.
Sản phẩm lọc hóa dầu ùn ứ không phải là nguy cơ chỉ xảy ra ở Nghi Sơn. Ngay cả nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đang đi vào hoạt động là Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng rơi vào tình cảnh sắp hết chỗ chứa hàng tồn kho. Theo PVN, hiện mức thuế NK cho sản phẩm của lọc dầu Dung Quất vẫn cao hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt quy định trong các Hiệp định thương mại tự do.
Theo tính toán của PVN, giả sử nửa cuối tháng 12 khách hàng không lấy hàng theo lịch và đẩy lùi sang tháng sau thì lượng hàng tồn kho dự kiến khoảng 190.000 m3, trong khi sức chứa tối đa của nhà máy là 150.000 m3 cho dầu DO. Như vậy, công ty sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Trước tình thế này, PVN kiến nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh giảm mức thuế NK mặt hàng DO giảm về mức 7% cho những tháng cuối năm 2015. Về dài hạn, PVN muốn biểu thuế áp dụng cho BSR năm 2016 là biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và tăng mức giá trị ưu đãi cho mặt hàng xăng của BSR.
Cân nhắc phát triển lọc dầu
Trao đổi với phóng viên, TS. Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, cần hết sức cân nhắc các ưu đãi, hỗ trợ cho những dự án lọc dầu. TS. Ngô Minh Hải nói: Cần tránh tình trạng khi lập dự án báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt thì “ngon ngọt” rằng dự án có hiệu quả, làm xong “kêu” khổ, thừa không bán được lại “kêu” Nhà nước hỗ trợ.
Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, là bước đột phá phát triển kinh tế miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Cho nên khi làm nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chính phủ mới cho hưởng nhiều ưu đãi, nhưng khi các dự án lọc dầu đang ngày càng nhiều ở Việt Nam, các chính sách ưu đãi nên siết lại.
“Việc các dự án lọc dầu như Dung Quất xin thêm ưu đãi là có vấn đề, không bình thường. Quan trọng là cơ quan quản lý phải “bẻ” được các vấn đề nhà đầu tư kêu ca...” - TS. Ngô Minh Hải chia sẻ.
Chia sẻ với báo giới, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài từng nhấn mạnh: Chính phủ nên thận trọng, cân nhắc trong phát triển công nghiệp hóa dầu và nên để dành đất đai đó, tiềm năng con người đó phát triển các ngành công nghiệp tương lai như công nghiệp điện tử, công nghiệp vi sinh… Về lợi ích của các dự án lọc dầu, tôi đảm bảo là Việt Nam không được bao nhiêu.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng cho rằng, càng kéo dài ưu đãi càng làm cho nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể có sức cạnh tranh.
“Các nhà máy lọc dầu khác cũng phải xem lại chính sách ưu đãi. Phải tuân theo cam kết và thông lệ quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của ta. Chủ trương xây dựng nhiều nhà máy lọc hóa dầu vừa qua và hiện nay là không phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bây giờ trót làm rồi thì đành chịu, từ nay phải thay đổi. Đó chính là cơ cấu lại kinh tế để chuyển đổi mô hình tăng trưởng” - TS Lưu Bích Hồ nói.
Theo Lương Bằng
Báo Hải quan


Dự kiến hơn năm nữa (1-7-2017), Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB).


Không thể trì hoãn "tốt nghiệp" vay vốn ưu đãi
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: WB là nhà tài trợ đa phương hàng đầu cho Việt Nam, kể từ 1993-2015 (tính đến cuối tháng 5-2015) WB đã cung cấp 148 dự án với tổng số vốn cam kết lên tới 20,103 tỷ USD. Trong đó vốn vay IDA (vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc nhóm WB) cam kết vào khoảng 17,32 tỷ USD. Phân bổ vốn tập trung vào các ngành giao thông, đô thị, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, y tế và cải cách chính sách.
Giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của WB cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi.
Tại cuộc họp Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - tổ chức trực thuộc nhóm WB tại Pháp vào năm 2013, WB đã xem xét việc tốt nghiệp IDA cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ có sự vận động tích cực của Việt Nam, việc tốt nghiệp IDA của Việt Nam đã được lùi lại để xem xét tại kỳ họp giữa kỳ IDA17, tổ chức vào cuối năm 2015.
“Xét các điều kiện tốt nghiệp IDA và thực trạng phát triển của Việt Nam, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA vào kỳ IDA 18 tới, tức là từ 1-7-2017” – theo tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự kiến Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA sau khi kết thúc tài khóa 2017, khi đó chính sách của WB đối với các nước tốt nghiệp IDA như Việt Nam sẽ thay đổi.
Báo cáo nghiên cứu những thay đổi về chính sách viện trợ cho Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nêu rõ: Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9,5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.
Việc trả nợ này sẽ thực hiện theo hai phương án. Ở phương án 1, Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh gấp đôi tốc độ trả nợ, tức các khoản vay 25 năm sẽ phải trả trong khoảng 12-15 năm. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lãi suất có phần ưu đãi là 2%;
Còn nếu chọn phương án 2 là giữ nguyên thời gian trả nợ, khi đó lãi suất áp dụng sẽ là lãi suất đang vay (khoảng 2%) cộng thêm 1,4-1,5%, tương đương điều kiện vay với lãi suất 3,4 -3,5% trong thời hạn 25 năm.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2017, tổng số vốn vay ưu đãi phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh và thuộc phạm vi tính toán tác động khoảng 18-19 tỷ USD. Bao gồm tổng dư nợ IDA tính đến ngày 31-12-2014 khoảng 11 tỷ USD. Bên cạnh đó, các khoản vay IDA đã ký nhưng chưa giải ngân đến ngày 30-6-2015 khoảng 4,2 tỷ USD. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2015 khoảng 300-500 triệu USD và dự báo các năm 2016-2017 khoảng 3-3,5 tỷ USD (cho đến khi tốt nghiệp IDA vào 1-7-2017).
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan về vấn đề này, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam chia sẻ: Việc tốt nghiệp IDA của Việt Nam rõ ràng là sự kiện quan trọng đã được kỳ vọng một thời gian. Việt Nam lẽ ra đã tốt nghiệp IDA nhưng được kéo dài vì các giám đốc IDA vẫn thấy nhu cầu của Việt Nam cần nguồn vốn này.
“Hiện nay các điều khoản tốt nghiệp IDA của Việt Nam vẫn chưa chốt. Chính phủ Việt Nam đang thảo luận các giám đốc IDA xem đâu là điều khoản cho sự tốt nghiệp IDA của Việt Nam” – ông Sandeep Mahajan cho biết.
Việt Nam không phải lo
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu Việt Nam tốt nghiệp IDA từ tháng 7-2017, việc chấm dứt hoàn toàn nguồn vốn này sẽ là một cú “sốc” đối với các lĩnh vực, các đối tượng đang ưu tiên sử dụng nguồn vốn này trong giai đoạn trước đây: Giáo dục, y tế, công bằng xã hội, giảm nghèo đặc biệt cho đối tượng vùng sâu, vùng xa và phụ nữ.
Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch vận động WB có một bước “đệm” với nguồn vốn vay IDA ưu đãi để giảm “sốc” cho các lĩnh vực nói trên.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn WB dự kiến phân bổ cho Việt Nam cho giai đoạn IDA 18 hiện vẫn chưa xác định. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là mức độ ưu đãi sẽ giảm hơn trước.
Ông Sandeep Mahajan cho biết: Khi tốt nghiệp IDA, Việt Nam sẽ chuyển từ vay IDA của WB với mức lãi suất bằng 0% cộng với phí dịch vụ sang vay từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) – một đơn vị trực thuộc WB.
“Thực tế với tình hình kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự phục hồi, mức lãi suất trên toàn thế giới vẫn ở mức thấp nên vay IBRD không khác nhiều lãi suất IDA. Điều này gần như không tác động gì đến Việt Nam xét về chi phí lãi suất Việt Nam phải chịu. Có thể lãi suất IBRD vẫn có ưu đãi nhưng khó dự báo lãi suất sẽ như thế nào" – đại diện WB nói.
Ông Sandeep Mahajan trấn an: Những nước chuyển từ thu thập thấp sang thu nhập trung bình đều phải trải qua giai đoạn này. Điều này cho thấy thành công của Việt Nam, mức độ tín nhiệm của Việt Nam đã sẵn sàng khai thác nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Qua đó, Việt Nam sẽ tăng tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế.
“WB sẽ sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tiếp cận này. Và Việt Nam phải có khung vĩ mô nhất quán bền vững, tăng trưởng kinh tế mạnh để tiếp cận thị trường vốn quốc tế” – đại diện WB lưu ý.
Theo Lương Bằng
Báo Hải quan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hiền tài đi dễ khó về


Bản đồ chảy máu chất xám. Ảnh: internet
Bản đồ chảy máu chất xám. Ảnh: internet


Năm 1946, cụ Hồ trong một chuyến sang Pháp đã mang về đội ngũ trí thức trẻ như Đặng Văn Chung, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa…. Sau này, họ trở thành những cán bộ đầu ngành, đặt nền móng khoa học cho nước nhà. Một thời chất xám từng chảy về đất Việt.

Chảy máu chất xám

Thời tôi du học Ba Lan (1970-1977), trước khi đi chủ tịch tỉnh gặp và dặn dò, các em đi học, nhớ quay về xây dựng quê hương. Ra Hà Nội tập trung mấy tháng học chính trị cũng nguyên câu đó, ra đi nhớ hẹn lời thề. Và hầu hết chúng tôi về thật, ai ở lại coi như vong ơn bội nghĩa.
Nhưng về được mấy năm trước thảm cảnh cơm áo gạo tiền, nhiều người tìm đường quay lại chốn cũ dưới vỏ bọc nghiên cứu sinh, thực tập sinh, phiên dịch lao động xuất khẩu, thậm chí đi làm công nhân trong nhà máy. Cơm áo không đùa chỉ với khách thơ.
Sau này đã khác, do hội nhập, điều kiện chính trị đã thay đổi, học sinh Việt Nam du học khắp thế giới từ Nga sang Trung Quốc, từ Pháp sang Mỹ, tới cả Úc hay châu Phi, do nhà nước chi, do gia đình tự túc, do tự đi tìm đường cứu…thân. Tiến trình toàn cầu hóa và thế giới phẳng đã làm cho chất xám lửng lơ tìm nơi tối ưu cho mình, không còn bị ràng buộc bởi đạo đức với tổ quốc như thời của tôi.
Cổ nhân đã dạy “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, quyết định sự tiến hay lui của dân tộc. Không có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện để nhân tài phát triển thì nguyên khí sẽ bay đi. “Đất lành chim đậu”, một qui luật tự nhiên của dòng chảy chất xám từ quê ra tỉnh, từ miền núi xuống đồng bằng, từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, lịch sử cả ngàn năm nay.
Từ thế kỷ 18 đã có làn sóng chất xám chảy từ châu Âu sang châu Mỹ. Những năm 1930, một dòng chảy từ Đức sang Anh và Mỹ vì ở Đức không được tự do ngôn luận, các nhà khoa học Do thái rất giỏi nhưng bị ngược đãi. Những năm 1950 người Anh nhắc tới  “Brain Drain” (chảy máu chất xám) do nhiều nhà khoa học của Anh quốc tìm đường sang Mỹ vì đồng tiền bát gạo và điều kiện làm việc tốt hơn.  Một quốc gia như Đức vẫn có tới 140 ngàn trí thức ra đi vì …tiền. Đông Âu tan rã, hàng triệu người có trí tuệ bỏ xứ sở ra đi. Hàng trăm giáo sư, viện sỹ Liên Xô tìm đường cứu mình trước khi Elsin hay Putin tới cứu.
Ra đi vì nhiều lý do
Họ ra đi vì nhiều lý do, bất đồng với lãnh đạo, không có môi trường phát triển, nhưng tựu chung là lý do kinh tế. Mỗi người sinh ra đều có giấc mơ về tiền bạc, danh vọng, địa vị, có người mơ mình có tri thức hơn người như các bạn thi chương trình lên đỉnh Olympia. Trí thức không là ngoại lệ vì họ cũng là con người.
Thế giới nay đã phẳng lại càng “phẳng” đối với người tài. Nơi nào lương cao, chế độ ổn định, môi trường làm việc thân thiện lại có điều kiện vươn lên tại sao nhân tài không chọn “tạm” làm quê hương mới.
Bạn đọc thử phỏng vấn giáo sư Ngô Bảo Châu và hỏi tại sao ông ở lại Pháp và sau này sang Mỹ định cư, nhờ đó mà ông được giải toán học Fields tương đương với giải Nobel trong toán học. Có người sẽ nghĩ với cái bút chì và tờ giấy, ông ở lại Việt Nam vẫn có thể thành đạt như thường.
Đúng là nghiên cứu toán không cần tới phòng thí nghiệm hàng triệu đô la như hóa hay lý nhưng môi trường xung quanh vô cùng quan trọng đối với người say mê nghiên cứu.
Giao thông Hà nội
Giao thông Hà nội
Giả sử giáo sư Châu về một viện ở Hà Nội làm việc vì lòng yêu tổ quốc. Bên cạnh là một tiến sỹ toán lo buôn xe máy cũ từ Nhật về, xa tý nữa là một giáo sư chuyên chạy áp phe đất cát, viện trưởng suốt ngày họp hành, chẳng nghĩ ra được phương hướng gì cho anh em.
Trên đường về nhà bằng chiếc xe máy tồng tộc, đường bụi bặm, nóng nực, mưa chút là ngập lụt. Đón con ở nhà trẻ về thấy mặt sưng do cô giáo tát, tới ngày 20-11, lễ tết vẫn phải phong bì. Ra vào cửa quan khúm núm. Làm giấy khai sinh cho đứa con mới đẻ, gặp cô bé ở phường bằng tuổi cháu, toàn nói trống không, chỏng lỏn mắng người già như mắng người ở…
Trong một dịp đi công tác nước ngoài người ta bỗng thấy mình…tài, mời ở lại, trả lương đủ cho cả gia đình sống gồm tiền nhà, tiền điện nước, tiền đi lại, có xe hơi, con cái được học nơi chất lượng ngang quốc tế tại Việt Nam. Môi trường sống trong lành, có bảo hiểm y tế, làm lâu có lương hưu tới lúc nhắm mắt xuôi tay, mình chết vợ được hưởng nốt lương hưu cho tới khi gặp mình ở âm ty, thử hỏi giáo sư có ở lại không.
Thảm họa cho nước nghèo
Đối với nước nghèo chảy máu chất xám rất tai hại, nhất là nơi có chế độ nhà nước trợ cấp cho ngành giáo dục cao và đại học như Việt Nam. Bỏ bao tiền của đào tạo, người tài đủ lông đủ cánh, nước khác giầu “rước” về với những quyền lợi khó từ chối.
Bên nghèo mất chất xám đã đau nhưng vì phát triển lại phải thuê chất xám về giúp, giá thành đội lên gấp bội. Hàng năm châu Phi mất khoảng 4 tỷ đô la Mỹ hàng năm để thuê 150 ngàn chuyên gia nước ngoài đến làm việc vì nơi đây tỷ lệ chất xám bỏ tổ quốc ra đi vào loại cao trên thế giới. Ở Mỹ La tinh, Jamaica và Haiti vẫn nghèo vì đến 80% chất xám ở nước ngoài.
Trong một bài viết cách đây mấy năm, tôi có nhắc về việc nắn dòng chảy chất xám.
Quốc gia lớn thu hút chất xám chính bằng sức mạnh kinh tế. Người Mỹ rất thành công trong việc nắn dòng chảy chất xám tự nhiên vào nước họ. Sau chiến tranh những nhà khoa học Đức vĩ đại như Wernher von Braun hay Einstein đã được mời về với một sự ưu đãi đặc biệt. Đó là chìa khóa đi đến thành công của chương trình vũ khí nguyên tử hay tên lửa hành trình sau này của Hoa Kỳ.  Rất nhiều nhà khoa học được giải thưởng Nobel tại Mỹ nhưng không phải sinh ra ở đó.
Thảm họa của nước nghèo. Ảnh: Internet
Thảm họa của nước nghèo. Ảnh: Internet
Ấn Độ và Trung Quốc khá thành công trong việc cử người đi học, khuyến khích ở lại làm thêm một thời gian tại nước sở tại để có kinh nghiệm và tiền bạc rồi quay về. Nhà nước có ưu đãi lớn cho kiều dân, chính sách visa và quốc tịch mềm mỏng, cộng thêm một vài lợi thế khác.
Chính phủ Trung Quốc dành cho các chuyên gia Hoa kiều cao cấp được hưởng chế độ lương đặc biệt, con cái được học trong những trường lớp tốt nhất để họ có cảm giác không thấy sự khác biệt lớn giữa làm việc ở nước ngoài hay tại quê nhà.
Chất xám Việt Nam liệu có bị chảy máu?
Những năm 60-70, hàng chục ngàn trí thức trẻ được đào tạo ở các nước XHCN cũ đã quay về xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chất xám một thời đã ra đi và quay về mà không cần một lời kêu gọi. Họ về cội nguồn vì nghĩa lớn đó là tình yêu đất nước.
Ngày nay, với xu thế toàn cầu hoá đã có trí thức Việt nam ra đi nước ngoài làm việc. Số đó cũng chỉ chiếm khoảng 1-2% toàn bộ những người được đào tạo đại học và trên đại học, con số quá nhỏ bé so với Trung Quốc (5%), Ấn Độ (7%), Châu Phi (50%) hay Mỹ La tinh (60%).
Nếu như phần trăm kia cao chút nữa thì hẳn chúng ta có lý do để tự hào vì phần trăm càng lớn nghĩa là trí thức càng có giá. Để làm việc ở môi trường quốc tế, trí thức phải giỏi thực sự, có trình độ cao về ngoại ngữ.
Thay vì lo chất xám chảy đi, nên nhìn những “trí ngủ” đang ngồi tại các viện nghiên cứu không biết làm gì ngoài vài đề tài khoa học phi thực tế, với đồng lương và trợ cấp đề tài còm cõi mà đồng tiền ấy lại do dân nghèo đóng thuế. Có bao nhiêu “tiến sỹ giấy” đang “ăn bám” đất nước, “nguyên khí ảo” đang ngồi than cơ chế.
Để nhân tài đất Việt ra đi là một phép thử tốt. Nếu đủ tự tin vào làm việc tại các công ty nước ngoài, liên doanh đa quốc gia hay các viện nghiên cứu quốc tế để xem mình có là “ai”. Sau vài năm công tác, va chạm trong cạnh tranh khốc liệt sẽ học được thêm nhiều, tự hoàn thiện bản thân và quay lại giúp đất nước vẫn vừa. Giáo sư Ngô Bảo Châu ngồi bên Mỹ vẫn giúp ngành toán Việt Nam phát triển. Nếu ông về Hà Nội đi xe máy chen lấn thì chắc ông sẽ quên mất bài toán thế kỷ.
Việt Nam có đội ngũ trí thức kiều dân khá lớn, nhiều người có trình độ cao, hiểu biết luật pháp quốc tế và mối quan hệ rộng rãi, chính là kho báu chưa khai thác.
Chất xám trẻ của VN. Ảnh: internet
Chất xám trẻ của VN. Ảnh: internet
Việt Nam là nơi “đất lành” thì “chim sẽ đậu”, cả chim nội lẫn chim ngoại. Cần có chính sách tốt về kiều dân, visa hay quốc tịch mềm dẻo, sở hữu tài sản công bằng, luật về đầu tư nước ngoài thông thoáng có tính đến yếu tố người Việt, không phân biệt nguồn gốc, đánh giá con người qua khả năng hơn là lý lịch.
Đôi lúc cần lắng nghe sự khác biệt – lý do chính của việc ra đi – sẽ thu hút được chất xám ngoại, giữ nguyên khí không bay đi. Thấy họ đọc tin nước Việt, lên tiếng về những bất cập thì đó tín hiệu đáng mừng hơn là đáng lo vì diễn biến hòa bình.
Nhiều trí thức hải ngoại vẫn mong ngày nào đó quay về cố hương. Tất cả phụ thuộc vào khả năng nắn dòng chảy chất xám hướng về đất Việt như ông Hồ đã từng làm cách đây 70 năm.
Hiệu Minh. 7-12-2015
Bài đăng trên SOHA Giáo sư Châu không thể có bổ đề cơ bản nếu đi xe máy chen lấn ở Hà Nội
_______

Hiệu Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hòa Bình: HÀNG TRĂM NGƯỜI DÂN TIẾP TỤC BIỂU TÌNH CHẶN XE


Chậm giảm phí, 
dân tiếp tục chặn xe qua trạm BOT Hòa Bình
Thứ hai, 7/12/2015 | 15:49 GMT+7
Phản đối mức thu phí cao, hàng trăm người dân thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) tiếp tục chắn lối kiểm soát vé trạm thu phí Hòa Bình trong những ngày qua. 

Đề xuất giảm 60% mức phí qua trạm BOT Hòa Bình cho người dân / Người dân lân cận phản đối mua vé qua trạm BOT Hòa Bình

Sáng 7/12, hàng chục người dân thị trấn Lương Sơn đã tụ tập tại trạm thu phí Hòa Bình phản đối mức phí cao khiến tỉnh này phải huy động hơn 80 công an, cảnh sát cơ động chốt chặn, phân luồng để không làm ùn tắc trên đoạn đường này.

Cao điểm vào sáng 6/12, hàng trăm người dân đưa xe tải, xe con và mang ghế ngồi chắn ngang lối soát vé lưu thông xe, khiến tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình tê liệt nhiều giờ trong ngày. Hàng chục công an địa phương được điều đến hiện trường để vận động người dân giải tán, điều tiết giao thông trên tuyến. 

.
Người dân tụ tập phản đối thu phí tại trạm BOT Hòa Bình. Ảnh: T. Phúc

Theo một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình, những người tụ tập gây rối tại trạm thu phí phần lớn bị một số doanh nghiệp trên địa bàn kích động vì phương tiện của doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm phí. 
Việc người dân tụ tập phản đối xảy ra từ khi trạm thu phí BOT Hòa Bình đi vào hoạt động cuối tháng 10, gây ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 6. Người dân kiến nghị nhà đầu tư tuyến đường phải giảm phí toàn tuyến hoặc cho nộp phí theo khoảng cách 2-3 km trong khu vực Xuân Mai, Lương Sơn mà không phải trả phí cả 30 km đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình. 

Trước phản đối của người dân, trong tháng 11 Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đã họp bàn và đề xuất điều chỉnh giảm 60% mức phí (vé tháng, vé quý) đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và xe chở hàng dưới 4 tấn của người dân sinh sống trên địa bàn tại thị trấn Lương Sơn và các xã Lâm Sơn, Trường Sơn và Tân Vinh (thuộc huyện Lương Sơn). Tuy nhiên, cho đến nay quyết định chính thức việc giảm phí vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền đưa ra.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, phương án giảm phí 60% cho phương tiện của người dân khu vực Lương Sơn chưa được Bộ Tài chính thông qua vì cơ quan này cho biết không đủ thẩm quyền quyết định và không thể sửa Thông tư về mức thu phí đã ban hành. Do đó, các ngành chức năng đang tìm giải pháp khác hợp lý hơn.

"Sau cuộc họp khẩn tại tỉnh Hòa Bình sáng 7/12, liên ngành Giao thông, Tài chính đang giao cho UBND tỉnh Hòa Bình và chủ đầu tư nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cơ quan chức năng xem xét các phương án giảm phí để hài hòa lợi ích của người dân", đại diện Vụ Tài chính cho biết.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có điểm đầu là km 38 thị trấn Lương Sơn, điểm cuối là thành phố Hòa Bình, dài 33 km, theo hình thức BOT, đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ 30/4. Giữa tháng 10, Bộ Giao thông có quyết định cho phép thu phí tại km 42+730 quốc lộ 6 để hoàn vốn cho dự án này, thời điểm thu phí từ 20/11.

Theo Thông tư của Bộ Tài chính, mức phí thấp nhất từ 25.000 đồng/vé/lượt và cao nhất là 180.000 đồng/vé/lượt với xe có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 fit.

Đoàn Loan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hết khôn dồn ra dại, các pác làm cái gì này?

Tp.HCM đề xuất có đặc khu kinh tế, được thuê đất 99 năm

Nguyễn Hồng Kiên
4 giờ ·
SAU KHI ĐỒNG CHÍ XHCN TRUNG HOA THU HỒI CÁC TÔ GIỚI HỒNG KÔNG, MA CAO MÀ BỌN PHONG KIẾN PHẢN ĐỘNG đã bán có thời hạn NGOẠI BANG, RỒI SIẾT CHẶT KIỂU QUẢN LÝ "1 nhà nước 2 chế độ" THÌ VN ĐANG CÓ CAO TRÀO NGƯỢC LẠI:
"Sau Kiên Giang và Quảng Ninh, đến lượt Tp.HCM cũng muốn có đặc khu kinh tế với mục đích thử nghiệm các chính sách mới, đột phá thể chế và tạo động lực phát triển cho thành phố." 
Theo đề án, đặc khu kinh tế trải rộng trên địa bàn quận 7 và 3 huyện: Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ...
vneconomy.vn
________
 
Tang thoi han thue dat den 99 nam tai dac khu kinh te nam Sai Gon
Bản đồ khu vực dự kiến hình thành đặc khu kinh tế. (Ảnh Internet)
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang