Văn nghệ sĩ và “nhân cách con người”!
|
Đọc lướt nhan đề “ Văn nghệ sĩ và việc tham gia xây dựng nhân cách con người ” của Đinh Dũng trên báo Nhân Dân (12.10.2015) tôi tò mò tìm hiểu thêm từ các đường dẫn trên mạng.
Bài viết này xuất phát từ “một cuộc hội thảo khoa học quan trọng” mang tên “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”, do Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương (HĐLL PBVH NT TƯ) tổ chức tại Sài Gòn trong 2 ngày 3 và 4 tháng Mười.
Tin tức trên báo chí nhà nước cho hay hội nghị đã “thu hút sự quan tâm của dư luận” và “thành công tốt đẹp”: chỉ riêng việc các quan chức cao cấp đến dự cho thấy tầm cỡ và sự thành công của hội nghị: cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư, PGS.TS Hồng Vinh (Chủ tịch HĐLL PBVH NT TƯ), GS.TS Đinh Xuân Dũng, PGS.TS Đào Duy Quát, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Vũ Hạnh. [2]
Ngoài các tên tuổi này còn có “gần 150 nhà nghiên cứu, văn hoá trên toàn quốc”.
Theo một đường dẫn khác, tôi gặp bản tin “ Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam ” trên trang web của đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, thuật lại “cuộc trao đổi” với PGS – TS Đào Duy Quát - Phó Chủ tịch thường trực HĐLL PBVH NT TƯ về nội dung của “Hội thảo khoa học” này.
Phóng viên trích dẫn “kỳ vọng” của Phó giáo sư Quát về hội thảo:
“Cơ quan, đơn vị quản lí hoặc bản thân của văn nghệ sĩ phải tự thấy trách nhiệm làm thế nào để sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật thật hay, dựng được những hình tượng về nhân cách sinh động để sau hội thảo sẽ góp phần truyền bá điều đó. Ở đây có trách nhiệm của cả lãnh đạo, cơ quan quản lí, bản thân văn nghệ sĩ và cả báo chí.”
Nghe vẫn thiêu thiếu cái gì đó!
Phải chăng là do Phó Giáo sư Quát quên phần trách nhiệm của “cậu đánh máy”?
Vì đây là cuộc hội thảo của HĐLL PBVH NT TƯ, tôi xin nhắc lại chuyện bên lề của Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần II vào tháng 10 năm 2006 tại Đồ Sơn.
Chín năm đã trôi qua kể từ đó.
“Chín năm làm một Điện Biên” (Tố Hữu) không biết giới nghệ sĩ chúng ta đã làm nên một “vành hoa đỏ” hay “thiên sử vàng” hay cho nhân cách của mình hay chưa? Ở đây tôi xin nhắc lại mấy “nụ hoa héo” hay “trang sử xám” về nhân cách của các văn nghệ sĩ ta xem như một dấu mốc để các vị nhìn lại mình, xem mình đã tiến bộ đến đâu.
Đầu tiên là câu chuyện mà Trương Nhân đã kể lại trên mục “Đời sống văn nghệ” của tạp chí Sông Hương tháng 11 năm 2006 [4].
Hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ hai tổ chức tại Đồ Sơn đã thành công rất chi là mỹ mãn.
Chiều 5/10 các đại biểu chia tay nhau, ai cũng nhủ rằng sẽ hẹn gặp ở hội nghị lần thứ ba và mọi việc rồi cũng vẫn như thế.
Đoàn nhà văn Hà Nội trở về trên 3 xe: 1 xe 16 chỗ, 2 xe 45 chỗ. Không biết do ông Trời sắp đặt hay sao mà nhà Nghiên cứu phê bình Đào Thái Tôn và nhà tiểu thuyết cự phách Bùi Bình Thi lại cùng lên một xe 16 chỗ ngồi. Đào Thái Tôn lên trước một chút. Lúc đó là 14 giờ. Thấy hàng ghế đầu có Trần Thị Trường, Đào Thái Tôn reo lên: “Thế là lại được ngồi cạnh người đẹp!” Trần Thị Trường mở ghế phụ liền kề. Tôn tiên sinh cảm ơn mà rằng: phải đợi mọi người vào ngồi hết các ghế phía sau mới ngồi cho đỡ phải... “nhấp nhổm khi tâm sự” và ngài cứ đứng như thế chừng dăm ba phút, quay xuống tán chuyện với mọi người.
Đang lúc chuyện trò rôm rả, một tiếng quát vang từ cửa xe bên trái: “Tránh ra, tránh ra.” Đó là tiếng quát của đại ca Bùi Bình Thi. Không nhìn về phía tiếng quát, Đào tiên sinh nhỏ nhẹ: “Nhà văn nên ăn nói cho lịch sự. Cho tôi nhờ một tí chẳng hạn.”
Chưa kịp dứt lời thì Bùi Bình Thi đã len được vào xe. Và... ra đòn ngay! Đào tiên sinh gục xuống trước quả đấm của Bùi đại ca. Mọi người không kịp phản ứng gì. Họ Đào không nói một lời, từ từ đứng dậy. Không ngờ, một quả đấm của họ Bùi lại khiến ông gục xuống như cây đổ. Sự việc xẩy ra nhanh đến nỗi cả xe không ai kịp can ngăn.
Lúc này - sau khi lấy lại thăng bằng, sau cái loạng choạng do tấm thân hàng tạ thịt của Bùi đại ca xô hích - Đào tiên sinh hướng về mọi người, nghiêm chỉnh: “Thưa các anh các chị. Vừa rồi các anh chị đã chứng kiến sự cư xử của anh Bùi Bình Thi đối với tôi. Bây giờ tôi xin phép dạy cho nó một bài học.” Nói rồi, Đào Thái Tôn quay lại, nhanh như chớp tung một chưởng vào giữa mặt Bùi đại ca như trời giáng. Bùi đại ca đổ gục xuống. Hoá ra cái thân hình đồ sộ của họ Bùi là thân khổng lồ chân đất sét. Trong chốc lát Bùi cố gượng dậy. Lại một chưởng nữa được tung ra. Bùi Bình Thi lại đổ gục như cây ở Đà Nẵng trong cơn bão XangSane vừa qua...
Như vậy là cho và nhận đều nhau rất công bằng. Tức là Đào tiên sinh nhận hai quả đấm của Bùi đại ca thì cũng cho lại Bùi đại ca hai quả.
Khi đứng dậy, Bùi Bình Thi liền ôm lấy Đào Thái Tôn. Lại một ngạc nhiên nữa, Đào tiên sinh quật sấp Bùi đại ca xuống sàn xe, ngồi lên lưng, thụi thêm mấy quả và ghé sát tai họ Bùi to đùng to đoàng dạy dỗ những lời gì không rõ. Chỉ lọt ra ngoài mấy tiếng “đừng đùa với tao”. Đến đây, mọi người mới kịp xông tới can ngăn tách bằng được hai người ra như tách hai con trâu trong sới chọi Đồ Sơn!
Hoàng Quốc Hải không cho Đào tiên sinh ngồi cạnh người đẹp nữa, mà kéo ông xuống ngồi ở hàng ghế thứ tư, cách ly người khổng lồ Bùi Bình Thi (ngồi ghế ngay sau ông tài)
Sau khi an toạ, Đào tiên sinh rủ rỉ nói với Nguyễn Khắc Phê (cạnh đó là Inrasara, và nhiều người khác): “Hôm nay, nếu em không cư xử như vậy thì không bao giờ rửa được cái nhục do Bùi Bình Thi gây ra. Nếu em có con dao thì chắc đã giết nó mà không bị xử nặng, vì có ba tình tiết giảm án: 1. Nó ra đòn khiêu khích trước. 2. Tôn phòng vệ chính đáng. 3. Vừa ăn cơm trưa tại Hội nghị, vẫn còn thoang thoảng hơi men.” Nhà văn xứ Huế cũng rủ rỉ: “Không cần nói nữa. Tôi hiểu. Và nhiều người hiểu.”
Xe sắp chạy thì Hoàng Quốc Hải lấy cặp bước xuống, sang xe 45 chỗ ngồi. Hỏi vì sao ông nói thấy đánh nhau tôi hãi lắm, mà đường từ đây về Hà Nội còn dài.
Sang xe 45 chỗ, ông Hoàng liền kể lại câu chuyện nhà văn dụng võ như vừa kể trên. Ai nấy mắt tròn mắt dẹt vì cái vĩ thanh của hội nghị LLPB không ngờ lại “Đậm đà bản sắc dân tộc” đến thế.”
Hoàng Quốc Hải kể nốt chi tiết cuối: “ Các vị biết không, khi Đào tiên sinh tung chưởng đầu tiên thì cái túi xách nilon trên tay Bùi đại ca rơi ngay xuống sàn xe, để lộ ra một bí mật rất thú vị. Đó là... 6 chai bia Hà Nội...” Hoàng Quốc Hải ngừng lời đưa mắt nhìn mọi người.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi người nhỏ nhưng đại thanh: “ Bia ăn cắp ở hội nghị?” Hoàng Quốc Hải cướp lời: “Câu nói đó là của anh. Tôi không chịu trách nhiệm đâu nhé. Tôi chỉ nói khi bị đấm, túi anh BBT rơi xuống, lăn ra 6 chai bia. Tôi xin được giữ tác quyền về câu chuyện vừa kể.”
Khi xe đưa các văn nhân về gần HN, Đào tiên sinh một mặt nháy điện thoại sai con đến trụ sở Hội Nhà văn đón mình; mặt khác, rút thắt lưng ra. Khi xuống xe (16 giờ 30) ông khôn ngoan cầm phía đuôi thắt lưng để cái khoá hướng ra phía ngoài, giấu tay sau lưng đứng ngóng con. Lại Nguyên Ân vì lên xe chậm, hỏi chuyện Đào Thái Tôn. Đào tiên sinh đang kể rành rẽ đầu đuôi sự tình với bạn, thì Trần Thị Trường lo lắng can: “Thôi, đừng nói nữa. Ông ấy đang nhìn sang kia kìa.” Vẫn giấu tay đang cầm thắt lưng sau lưng, Đào Thái Tôn thủng thẳng: “Yên trí, quân tử phòng thân.” Chuẩn bị cả rồi. Đến lúc ấy mà họ Đào vẫn không quên tán gái: “Trường ơi! Trước người đẹp như em mà nó xử sự thô bỉ thế, nếu anh không cho nó một bài học thì sao còn dám ngắm nhìn em nữa!.”... Vừa “tán” dứt lời thì người đẹp hất hàm: “Con gái đến đón kìa.”
Đào tiên sinh chào mọi người. Trước khi cầm tay lái đèo con, ông cuộn tròn chiếc thắt lưng để lên giỏ xe. Con bé trợn mắt hỏi: “Sao bố lại rút thắt lưng ra?”- “Muốn biết thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ. Về nhà bố kể cho nghe.” Đào tiên sinh trả lời con như vậy, rồi với “tay lái lụa” ông đèo con gái khuất vào phố đông giữa giờ cao điểm.
Cũng phải nói thêm rằng ông Đào Thái Tôn và ông Mai Quốc Liên (MQL) mấy tháng nay kiện nhau và lôi nhau ra toà vì chuyện đạo văn. Ông Bùi Bình Thi lại mới tái hồi làm phó giám đốc Trung tâm Quốc học cho ông MQL. Trước đây ông Thi đã là phó cho ông Liên nhưng không rõ có chuyện gì mà cắt đứt quan hệ. Nay Bùi đại ca lại làm phó cho ông Mai Quốc Liên. Có người bình luận vì ông Tôn kiện nên ông Liên cần có thêm đồng minh cho mình như tre ấm bụi bèn lại mời ông Thi làm phó. Nếu Bùi đại ca không làm phó cho Mai Quốc Liên thì không có cuộc tỷ thí giữa một nhà tiểu thuyết to lớn hoành tráng, đầu trọc râu dài và nhà Hán nôm nhỏ con như con cá phơi được nắng.
Bùi đại ca to đùng thế mà không ngờ bị Tôn tiên sinh tý hon dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay trước các văn nhân khả kính. Lại nghe nói Tôn tiên sinh còn đánh “rụng” cái Giải thưởng Nhà nước về Văn học của ông MQL. Tôi không tin. Thế mới biết cái sự to và bé cũng không lấy gì mà cân đong đo đếm, giữa lượng và chất cũng chẳng biết đâu mà lần. Trong dân gian có câu châu chấu đá xe không ngờ có cơ sở thực tế.
Dù gì đi nữa thì kẻ ghi lại lời của Tiên sinh Hoàng Quốc Hải và có chèn vào đôi câu bình luận hết sức khách quan, cũng lấy làm buồn. Loài người đang trong Thế giới phẳng, đang hoà nhập, đang từ đối đầu sang đối thoại mà các văn nhân chúng ta lại chuyển từ đối thoại sang đối đầu, từ chữ nghĩa tranh luận sang chân tay đấm đá. Hay là cái truyền thống thượng võ của dân ta lúc nào cũng thường trực trong mỗi nhà văn chúng ta?
Khỏi nói, câu chuyện vừa khôi hài và... đau đớn này ít nhiều cũng để trong giới cầm bút khác những dư vị cay đắng.
Nhân chuyện sáu chai bia trong túi đổ ra, tôi xin nhắc một chuyện khác liên quan đến chất cồn: Nghệ sĩ và... rượu Tây, do nhà thơ Nguyễn Duy kể lại,
Chuyện này đã được Nguyễn Duy kể lại và được nhà báo Huy Đức trích dẫn trong cuốn Bên Thắng Cuộc, Chương XIV “Khoảng cách Linh - Kiệt”.
Chai rượu tây hạng xoàng và đám nghệ sĩ nhốn nháo
Cũng làm cách mạng, nhưng một người tạo lập uy tín chính trị theo nguyên tắc giữ “cần kiệm liêm chính”, một người làm chính trị theo kiểu chịu chơi của “anh Hai Sài Gòn”. Cung cách ứng xử này đã làm cho ông Kiệt và ông Linh càng thêm khác biệt. Ông Võ Văn Kiệt không được văn nghệ sỹ tung hô như thời ông Nguyễn Văn Linh kêu gọi cởi trói. Nhưng với phong cách “anh Hai”, ông Võ Văn Kiệt lại kiến tạo được những mối liên hệ cá nhân bền lâu.
Nhà thơ Nguyễn Duy kể: “Tôi gặp ông Kiệt lần đầu vào giữa năm 1981, trong buổi tổng kết cuộc sinh hoạt chính trị kéo dài mười ngày căng thẳng để chuẩn bị đại hội thành lập Hội Nhà văn Thành phố. Cuối đợt kiểm điểm, Thành uỷ cho ít tiền liên hoan, ông Kiệt mang đến một chai rượu. Mãi sau này chúng tôi mới biết chai rượu ấy cũng xoàng, nhưng lúc ấy thấy rượu Tây là nhiều anh nhốn nháo”.
Theo Nguyễn Duy: Trong buổi liên hoan đó, nhiều người đọc thơ tặng ông Sáu. Ông Nguyễn Duy cũng đứng lên nói: “Hôm nay Bí thư Thành uỷ mang rượu đến đây, nối rượu cho nhà văn thì cũng như nối giáo cho giặc, tôi xin phép đọc mấy bài thơ mới làm”. Ông Bảo Định Giang khéo léo ngăn lại: “Thôi đã mười một giờ, khuya rồi để anh Sáu nghỉ”. Nguyễn Duy khi ấy đã có hơi men, nói: “Anh Bảo Định Giang ngồi xuống, đây không có anh năm, anh sáu gì hết, chỉ có bí thư. Tôi là đảng viên phải để đảng viên nói với bí thư”. Ông Kiệt lên tiếng: “Cứ để anh em tự nhiên, tôi đã đến đây là chơi tới cùng”.
Nhà thơ kể, nhà báo trích lại, tất cả đồng nhấn mạnh đến phong cách Nam bộ của ông Võ Văn Kiệt và sự gần gũi của ông với giới văn nghệ sĩ.
Ở đây, liên quan đến đề tài trên, tôi chú ý đến điều khác: nhân cách của văn nghệ sĩ.
Tôi nhớ nhà văn Nguyên Hồng bị bắt kiểm thảo trong vụ Nhân văn – Giai phẩm, đã cương quyết không nhận mình sai, không nhận mình có khuyết điểm, bỏ tất cả để quay về sống tại vùng rừng núi Bắc Giang.
Còn trong câu chuyện trên?
1. Các văn nghệ sĩ trải qua “cuộc sinh hoạt chính trị kéo dài mười ngày căng thẳng”, thực chất là kiểm điểm như nhà thơ thú nhận: “cuối đợt kiểm điểm”.
2. Dĩ nhiên là đợt kiểm điểm này rất mỹ mãn, rất đẹp lòng cấp trên, do đó mới được Thành uỷ “cho ít tiền liên hoan”.
3. Đích thân Bí thư thành ủy đến dự, mang theo chai rượu Tây hạng xoàng, nhưng vì chưa thấy và chưa nếm rượu Tây bao giờ, nhiều văn nghệ sĩ “nhốn nháo” cả lên.
Tiếc là nhà thơ Nguyễn Duy không tả lại cảnh các nghệ sĩ nhậu rượu Tây lần đầu ấy.
Họ có nhốn nháo không nhỉ?
Tự dưng tôi rất nghi ngờ tác dụng thực sự của cái hội nghị “Văn nghệ sĩ xây dựng nhân cách con người” nói trên, nghi ngờ các tham luận đọc trong hội nghị.
Một chuyện quan trọng không kém là nhân cách của các chức quan bệ vệ trong cái hội nghị ấy.
Chúng ta đã nghe rất nhiều qua các lời xầm xì sau các đại hội nhà văn, qua việc hội hoàn toàn dửng dưng và câm miệng khi chủ quyền tổ quốc bị xâm phạm, dân tộc bị sỉ nhục và tính mạng người Việt Nam bị tước đọat!
Nhân cách Vũ Hạnh như thế nào?
Chúng ta đã biết qua vụ Vũ Hạnh đánh Phạm Xuân Nguyên năm 2007!
Trước khi bàn đến chuyện “Văn nghệ sĩ và việc tham gia xây dựng nhân cách con người” thì phải lo việc “xây dựng nhân cách văn nghệ sĩ”.
Rồi còn phải xây dựng nhân cách cho ông quan quản lý văn nghệ sĩ nữa!
Phần nhận xét hiển thị trên trang