Lễ hội cuối thu trên hồ Thái Tĩnh (Sóc Sơn).
TIẾNG RU
Trước hết, xin nói ngay 1 điều cũ rích, rằng người ta từng định nghĩa nhiều về THƠ. Song tôi thấy chả có định nghĩa nào đi tới tận cùng cái sự thật về THƠ cả. Vì vậy cứ xin đưa ra 1 định nghĩa cuối cùng. Nói là cuối cùng, bởi từ nay, nếu có ai tiếp tục đưa ra thêm những định nghĩa nào mới, thì các vị cứ xếp hết chúng ở phía trên cho tôi nhé.
Vậy THƠ là gì? Thơ là nhân duyên, do nhân duyên mà hiện ra, nhờ nhân duyên mà tồn tại, đồng thời cũng vì nhân duyên mà diệt mất tiêu. Tóm lại không có nhân duyên thì không có cái gì gọi là THƠ cả. Vậy THƠ là KHÔNG.
Chính vì THƠ là Không, nên mới có thi sĩ, có độc giả… thơ mới vô cùng, bởi Không là vô cùng.
Nếu THƠ là Có thì không có ai làm thơ cả, bởi nó vốn có từ vô thỉ rồi. Và cũng không có ai đọc thơ, bởi người ta sinh ra, đã thấy nó bên cạnh rồi. Cũng như hư không. Có ai nghĩ tới chuyện làm thêm 1 hư không nữa hay không? Và cũng có ai “đọc” được hư không hay không?
Lý sự bấy nhiêu cho vui thôi. Giờ nói cái món THƠ do “nhân duyên” ĐHA làm ra.
Một tình huống trùng hợp khá thú vị, nhân vụ Bạch Lộ với BS của 2 nhà thơ nữ, bỗng phát hiện ra 1 điều, rằng hình như đối với các nữ thi sĩ, thời gian sợ nhất… tiếng chim.
“Bất chợt tiếng chim rơi ngang
Như lưỡi dao lạnh vô hình
Cắt buổi chiều làm đôi...” – Khoảnh khắc
Vì sao?
Nghĩa là thời gian của HA như 1 miếng bơ
“Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh”
Nghĩa là thời gian của 2 nữ sĩ kia như bong bóng xà phòng
Nhưng đoạn sau đấy thì rất ấn tượng tuy có hơi điệu đà:
“Một nửa nghiêng xuống nước xanh màu lá cây
Loang loáng những làn mây trắng
Một nửa rơi vụn xao xác
Trong những cánh cò ùa về lệch trời”
Tới đây thì ta đã hiểu, có 1 thời gian dưới nước và 1 thời gian… trên giời.
Bài “Khoảnh Khắc” này nhẽ ra đến đây có thể kết được rồi. Nhưng HA vốn quá ham, bèn kéo thêm 1 đoạn còn điệu đà hơn nữa:
“Những cánh hoa trĩu nặng
mật ngọt ươm từ gió
và mặt trời
Chợt hiện lên trong bình minh
như nỗi nhớ thẳm sâu, nhức nhối
Của đất đen u buồn
mơ hôn lên trời xanh.”
Chưa hết. Nàng còn gặm nhấm cho thật đã đời cái cảm giác thiền lặng của buổi chiều không có bến bờ đó:
“Rơi xuống đáy buổi chiều
Tôi biết rằng yên lặng là một bài ca
Như là bóng mây
run khe khẽ dưới nước hồ loang nắng
Như là ký ức chợt lướt làn môi dịu ngọt
trên vệt rêu xanh cuối thềm
Như là những giọt nước mắt xa xưa
hát về chặng đường đi tìm nụ cười
Như là giọt rượu cuối cùng trong ly đã cạn
Chợt ngời lên màu sắc cầu vồng
bay qua trời xanh
Rơi xuống đáy những nhịp tim vọng về mải miết
Tôi biết rằng yên lặng là đại dương
... không có bến bờ”
Tôi nói “thiền lặng”, bởi tất cả những cảm giác đó vốn chỉ diễn ra trong… 1 niệm (khoảnh khắc).
Tập thơ có tên “Tiếng ru” gồm 4 phần: ĐỘC THOẠI, ĐỐI THOẠI, TỰ NGẪM VÀ THOÁNG HIỆN. Toàn những đề mục tổng quát và khó. Khó bởi rất dễ rơi vào 1 trong 2 sự lặp lại đáng sợ của sự sáng tạo: lặp lại mình và lặp lại người khắc. Chúng ta hãy xem ĐHA vượt qua cái đề mục này như thế nào?
Nhưng nói đến TIẾNG RU, tưởng cũng nên nhắc lại 1 bài thơ rất hay ở tập trước của ĐHA, bài “Lời của cánh diều”.
Bài thơ “Lời của cánh diều”
“Trên kia là khát vọng, dưới này là yêu thương
Trên kia là tự do, dưới này là quá khứ
Đất ơi đất cứ âm thầm níu giữ
Không cho ta bay đến với trời xanh
Ta là chiếc lá lẻ loi không cành
Ta là con thuyền lang thang không bến
Ta chở tiếng sáo đi mà không đến
Vương về mặt đất những lời trăng sao...
Ta mong cơn bão cho mây thét gào
Ta mong gió giật dây lòng ta đứt
Một nửa yêu thương thả về mặt đất
Ta cười với chớp...
tan vào thinh không”
Tôi coi đây là 1 tuyên ngôn nghệ thuật của ĐHA khi sắp đặt những “nhân duyên” ngôn ngữ thành thơ.
TIẾNG RU mở đầu bằng 14 chữ có tên “đời người”:
Bước đi
Trên con đường trắng
Những mặt trời rơi
lả tả
trên tay.
Bài thơ vỏn vẹn 14 chữ mà thừa hẳn ra 6 chữ đầu. Thực ra định nghĩa đời người chỉ cần đến 8 chữ sau: “Những mặt trời rơi / lả tả / trên tay” thì hay tuyệt”. Tôi nghĩ ĐHA có cảm nhận này trong lúc nhập định chăng?
Rồi các bạn sẽ thấy bài MỞ CỬA là 1 bài hay. Có những câu thơ rất hay, ví dụ:
“Mở cửa mùa xuân
Những cành khô đã gãy thở than”
Tuy vẫn có câu rất ngượng:
“Mở cửa đêm
Những giấc mơ rên khóc”
Bài tiếp theo “BẾN BỜ” là 1 triết lý im lặng giữa những âm thanh khóc, cười, gào, thét. Tiếc rằng triết lý này mới chỉ cho ta thấy sự lạ lùng mà chưa nói lên điều gì đáng kể lắm. Giá mà ĐHA đã từng tụng phẩm DIỆU ÂM trong kinh Pháp Hoa thì sẽ viết bài này hay hơn rất nhiều lần.
ĐHA làm thơ luôn có điệu nhạc trong đầu. Tôi nghĩ nàng “hát” ra thơ, đó là cách nàng làm thơ. Người khác thường vò đầu mỗi khi làm thơ. Đó là cách… vò ra thơ. Có người làm thơ còn đỏ mặt tía tai, sùi bọt mép. Đó là cách… gân cổ thơ. Thơ này cực đại ngôn, ví dụ TMH: “Xin cho 1 chấm trong giời đất / để vịn qua chiều tôi dắt em…”. Vì Hát ra thơ, nên thơ trùng trùng duyên khởi tưởng chừng không có kết. Mầy bài “Như là”, “Như”… trong phần này là những ví dụ. Bạn nào yêu nhạc Càn Thát Bà đọc sẽ rất thích. Những thơ này nếu không hát được thì… tụng cũng chẳng sao.
Phần ĐỐI THOẠI với những câu hỏi cỏ, cây, hoa lá… làm tôi hơi giật mình, bởi Hữu Thỉnh từng mang cái án đạo thơ trong bài hỏi cỏ gì đấy.
May mà cái “hỏi” ở đây không giống như thế. Hỏi cỏ của HT là 1 dạng triết lý, đọc lên nặng mùi đạo đức giả dạy đời. Thơ ấy làm cốt để chui vào Giáo khoa thời nay. Còn ở đây, thơ nằm sẵn ngoài đời.
Tại sao nói thơ nằm sẵn ngoài đời? Chúng ta có 1 thói quen, rằng chỉ có những cái gì từ trong ý nghĩ của ta buột ra, chẳng hạn 1 câu hát, một cảm xúc… thì ta mới coi chúng là “tâm”. Còn những thứ bên ngoài, chẳng hạn cỏ cây, bìm bìm, hoa hồng, cho đến mây trời, đêm tối, trăng sao… thậm chí cả sông núi, nước non… thì ta coi như chúng là “khách quan”, chúng không phải tâm ta.
Đó là sai lầm cố hữu của con người. Kì thực tất cả chúng đều là “tâm” của ta cả. Mở mắt ra, ta bắt gặp “tâm” của mình. Nếu không phải “tâm” ta, làm sao ta có thể nhận biết được chúng? Bạn bay từ HN vào SG, xuống sân bay, trước mắt bạn là khung cảnh, con người với những âm thanh… của SG. Bạn tưởng mình đem cái thấy, cái nghe… của mình theo để nhận biết những điều đó chăng? Không phải đâu. Những khung cảnh, con người với những âm thanh… của SG ấy chính là từ trong “tâm” bạn mà hiện ra, nó chờ sẵn bạn ở đó, tựa như những người thân ra đón bạn vậy. Vì vậy tất cả ngoại cảnh đều có ngôn ngữ, có trạng thái, có tư duy của… chính ta. Trong nghề LLPB có 1 thật ngữ buồn cười, gọi là “nhân cách hóa”. Tại sao lại “nhân cách hóa”? trong khi mọi thứ bên ngoài vốn chính là nhân cách của ta rồi. Bạn nhìn đồng loại như thế nào? Bạn nhìn bầu trời như thế nào? Bạn nhìn thế gian như thế nào?... Tất cả đều là nhân cách của bạn.
Chỉ cần bỏ qua lối tư duy về cái gọi là “thủ pháp” “nhân cách hóa” tối tăm đó của các nhà phê bình, bạn sẽ đọc phần ĐỐI THOẠI này với 1 sự thú vị hơn hẳn. Cái đó gọi là muốn tìm cái mới trong thơ, xin hãy làm mới mình trước khi đọc.
ĐHA đã tiếp cận với cái “tâm” bên ngoài của mình. Bằng chứng là phần TỰ NGẪM đã nói lên điều đó. Tiếc là nàng chưa đạt đến sự chứng nhập chúng 1 cách hoàn toàn, vẫn coi chúng là của TẠO HÓA làm cho câu thơ cũ đi, mòn đi. Ví dụ câu thơ sau đây:
“Mưa có lẽ là những giọt lệ của Tạo hóa khóc thay cho biết bao tuyệt vọng của trần gian…”
Giá như viết:
“Mưa là giọt lệ của Tâm, khóc thay cho kiếp trần gian của mình…” thì thú biết bao.
Hay là ví dụ câu thơ sau đây:
“Niềm vui, nỗi buồn đi qua, lời ru của những người ta gặp trên đường đời đọng vào ánh mắt thăm thẳm lòng trắc ẩn”
Nếu bỏ đi 6 chữ dễ dãi ban đầu, còn lại:
“lời ru của những người ta gặp trên đường đời đọng vào ánh mắt thăm thẳm lòng trắc ẩn” thì sẽ rất thú, khi ta hiểu rằng tất cả những cảnh vật, cỏ cây, hoa lá… mà ta gặp chính là “lời ru”, là “tâm” của “những người ta gặp trên đường đời…”
Đoạn kết của bài này chạm tới cái “tâm” bên ngoài như thế:
“Ru trong gào thét
Ru trong đắng cay
Ru trong lỗi lầm
Ru trong sinh sôi và tận diệt
Ru trong bừng nở và tàn lụi
Ru trong say đắm và hận thù
Ru trong mênh mang yên lặng
Ru trong lòng đất đen thẳm sâu những mạch nguồn nối tiếp không ngưng nghỉ.
Ru trong trời xanh không tận cùng không giới hạn không dấu vết.
Xin để dành những lời ru, như cây để dành mùa, như sương để dành lệ, như nắng để dành hoa, như đất trời để dành hơi ấm giữa hư không.”
Sở dĩ nói ĐHA đã “chạm” tới cái “tâm” bên ngoài của mình bởi phần THOÁNG HIỆN cuối tập thơ đã nói lên điều đó, như 1 lời hẹn cho sự thăng hoa tiếp theo, thăng hoa bởi sự CHỨNG NHẬP…
Phần thơ thánh thót sao, trăng núi và mùa... cái TÂM từ sâu thẳm hiện lên, hòa vào cảnh, vào người. Phần thơ này rất lung linh. Chỉ đôi khi vấp phải vài chữ mòn, ví dụ “run run”, hay “lệ bỏng”... chẳng hạn. Tại sao lại cứ phải “run”, phải “bỏng” mới được nhỉ?
Đến đây, ta lại bắt gặp tiếng chim. Nhưng nó không phá vỡ thời gian như ban đầu nữa, mà tan vào thời gian:
“Tiếng chim tan chảy
trong nắng
Chạm vào khe núi xanh xa”
Thậm chí tiếng chim vọng ra từ tiềm thức, như đánh dấu 1 điều gì đó vừa tỉnh ngộ:
“Có tiếng chim khuya
vừa tỉnh mộng
sau rừng”
Sự tỉnh ngộ ấy trở nên một thực thể vững chắc, trở thành 1 thứ “đà la ni”, đến nỗi có thể “mắc võng” vào được, tuy vẫn rất chòng trành thi sĩ:
“Ai mắc võng tiếng chim chiều
trên hai đầu núi
Đung đưa những vết thơ bay”
Thơ ĐHA hồn nhiên mà man mác, suy ngẫm mà vẫn dịu dàng, tuy có đôi chỗ hơi dễ dãi. Nhưng sự đằm thắm, hết mình trong thơ ĐHA làm ta liên tưởng tới XQ. Chỉ có thể ví với XQ, bởi đa số các nữ sĩ trẻ hiện nay thích… làm tình, làm tội, hơn là làm thơ.