Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

TPP, cú đá hậu vào Bắc Kinh



Nhiều thị trường mới sẽ mở ra cho ngành giày xuất khẩu VN sau khi TPP được ký kết.

Liên quan đến TPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương đã kết thúc thành công hôm thứ Hai sau 8 năm đàm phán gay go giữa 12 nước trong đó có Việt Nam, phụ trang kinh tế của nhật báo Le Figaro hôm nay 05/10/2015 nhận định « Hiệp định xuyên Thái Bình Dương, một cú đá giò lái cho Bắc Kinh ».


Đỉnh điểm của chiến lược xoay trục mà Tổng thống Barack Obama mong muốn, thỏa thuận về hiệp định TPP tại Atlanta, theo ví von của Les Echos, là một hòn đá ném vào sân sau của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bị sa lầy trong tiến trình cải cách và xác định lại mô hình kinh tế, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ qua mặt.

Không chỉ có việc không phải là thành viên của khối 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới, mà Washington còn kiến tạo những trao đổi tương lai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lên tiếng hoan nghênh hiệp định, ông Obama nhấn mạnh đến tính chất đối trọng với Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ nói : « Khi mà trên 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới, chúng ta không thể để cho những nước như Trung Quốc áp đặt những quy định cho kinh tế thế giới. TPP tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ tại một khu vực mang tính sống còn trong thế kỷ 21 ».

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại còn dấn sâu hơn khi khẳng định Nhật Bản, đại địch của Bắc Kinh ở châu Á sẽ « xúc tiến tăng trưởng khu vực, thịnh vượng và ổn định thông qua việc đào sâu quan hệ với các nước cùng chia sẻ những giá trị như tự do dân chủ, nhân quyền và Nhà nước pháp quyền ».

Các lời bình này càng làm Bắc Kinh thêm tin tưởng TPP là công cụ để kìm hãm ảnh hưởng Trung Quốc, cường quốc kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cố vớt vát sự thiếu vắng phản ứng của Bắc Kinh trong kỳ nghỉ, Tân Hoa Xã cho rằng « hiệp định thiếu minh bạch ». Cuối cùng Bộ trưởng Thương mại cũng lên tiếng cho biết « mở cửa cho mọi cơ chế có thể củng cố sự hội nhập kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương ».
.
Một nhà máy sợi ở Hà Nam, 07/10/20105.
Ngay cả Việt Nam cuối cùng cũng mở cửa

Ngoài Nhật Bản, TTP gồm cả một số đối tác khác của Trung Quốc như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Úc, Brunei. Với hiệp định này, nước Việt Nam cộng sản sẽ mở cửa không gian mạng và xuất khẩu vào khu vực tự do mậu dịch này với thuế suất ưu đãi, còn giá lao động hiện chỉ bằng 60% so với các tỉnh miền đông Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình, vốn đã dành ưu tiên cho việc vẽ ra bức tranh của thương mại thế giới trong tương lai, chủ yếu qua sự thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và một khối mậu dịch tự do có tầm vóc khiêm tốn hơn, như vậy đã phải lãnh một cú rờ-ve.

Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia sáng lập TPP, do phải cải cách rất nhiều nếu muốn gia nhập, đặc biệt là phải tự do hóa lãnh vực tài chính. Vấn đề là cuối cùng Bắc Kinh có gia nhập khối TPP hay không. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là phải khẩn cấp thực hiện những cải cách đang bị hoãn lại do kinh tế sa sút, và sự chống đối của các tập đoàn quốc doanh độc quyền cũng như phe bảo thủ trong đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Le Figaro, đó là cái giá phải trả nếu Bắc Kinh muốn chuyển đổi từ mô hình công xưởng thế giới thành một trung tâm sáng tạo, một nền kinh tế dịch vụ và tiêu dùng. Trong khi chờ đợi, Tập Cận Bình phải chịu đựng một sự hạ nhục : nghe địch thủ Shinzo Abe « lên lớp ». Thủ tướng Nhật bày tỏ mong muốn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đạt được việc cải tiến các quy định để có thể gia nhập TPP.

Điều an ủi duy nhất cho Bắc Kinh, là Tổng thống Mỹ còn phải tập hợp được những người ủng hộ thuộc cả hai đảng để hiệp định được Quốc hội thông qua. Một sự đánh cược vào đúng thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống.

.
Nông dân Canada đổ sữa và dẫn bò biểu tình phản đối TPP, 29/09/2015. 
TPP và Obama: Thành công của chủ trương « xoay trục »

Cũng về TPP, phụ trang kinh tế của Le Monde trong bài « Thương mại : Mỹ và châu Á ký kết một hiệp định lịch sử » sau khi kể ra những thử thách cuối cùng phải vượt qua về bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm sinh học, sản phẩm sữa và phụ tùng xe hơi ; đã nhấn mạnh đến chiến lược xoay trục của ông Obama.

Ván bài TPP hết sức rộng lớn. Trước hết, khi hài hòa các chuẩn mực và hạ mức thuế quan, TPP nhằm đẩy mạnh thương mại giữa 12 nước. Các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ được đẩy lên theo quan điểm phương Tây, bên cạnh đó là chấp nhận mở rộng internet kể cả tại Việt Nam, nơi mà chính quyền cộng sản từ trước đến nay vẫn phản đối. TPP cũng dành hẳn một chương cho việc cấm buôn bán động vật hoang dã, khai thác quá mức môi trường.

Với TPP, 18.000 sắc thuế do 11 đối tác đánh vào hàng xuất khẩu Mỹ trong các lãnh vực máy công cụ, công nghệ thông tin, hóa học, nông sản sẽ được dỡ bỏ. Một chương được dành cho việc nâng các tiêu chuẩn về quyền của người lao động tại những nước như Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Về mặt ngoại giao, đối với Hoa Kỳ TPP là kết quả chiến lược xoay trục, qua việc siết chặt quan hệ thương mại với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nhằm đối phó trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây là một thành công cho ông Barack Obama. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh: « TPP gồm các cam kết mạnh mẽ nhất về lao động và môi trường chưa bao giờ đạt được trong một hiệp định tự do mậu dịch, và những cam kết này là bắt buộc thực hiện, khác với những hiệp ước trước đây ».

Tuy nhiên Le Monde nhắc lại những cản ngại chưa phải là chấm dứt cho TPP, vì còn phải được Quốc hội của mỗi nước thông qua, trước hết là Quốc hội Mỹ. Đã có những tiếng nói quan ngại : dân biểu Mitch McConnell, lãnh tụ phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện tỏ ra thận trọng ; còn cánh cực tả của phe Dân chủ như Bernie Sanders thì cực lực tố cáo TPP chỉ mang lợi lộc cho Wall Street và các tập đoàn lớn.

Tờ báo nói thêm, một số đại biểu Dân chủ vẫn còn bực tức về hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ (Alena), thương lượng năm 1994 dưới thời Bill Clinton, cho rằng đã đẩy một số ngành kỹ nghệ của Hoa Kỳ chạy sang Mêhicô, làm mất đi 700.000 việc làm. Tập đoàn xe hơi Ford « khuyến cáo Quốc hội không thông qua TPP dưới hình thức hiện nay, để bảo đảm tính cạnh tranh tương lai của công nghiệp xe hơi ». Các tổ chức phi chính phủ, các nghiệp đoàn cũng sẽ tham gia phản đối trong những tuần lễ sắp tới.

.
Khách Trung Quốc mua sắm tại Nhật Bản.

Bắc Kinh tuyên truyền chống Nhật, dân Hoa lục vẫn đổ xô du lịch Nhật Bản

Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến hiện tượng « Du khách Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản ». Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, số khách du lịch từ Hoa lục đến tham quan đất nước hoa anh đào năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Tờ báo cho rằng đây là cả một sự nhạo báng đối với bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh vốn luôn lặp đi lặp lại những tội ác trong quá khứ của quân phiệt Nhật : ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc sang thăm nước láng giềng Nhật Bản. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài từ ngày 1 đến 7 tháng Mười càng khẳng định thêm xu hướng này, chủ yếu là do chênh lệch tỉ giá giữa đồng yen và nhân dân tệ.

Theo con số đặt chỗ của Ctrip, công ty du lịch trên mạng hàng đầu Trung Quốc được báo chí chính thức dẫn ra, Nhật Bản là hướng đến đứng trên cả Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Macao và Hoa Kỳ, những lựa chọn truyền thống của du khách Hoa lục trong kỳ nghỉ quan trọng thứ nhì chỉ sau Tết âm lịch. Tổng cục Du lịch Trung Quốc ước tính khách trong nước sang Nhật Bản du lịch tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nỗ lực không ngơi nghỉ của Bắc Kinh nhằm kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã vấp phải một thực tế phũ phàng: lợi dụng đồng yen sụt giá, dân Hoa lục sang Nhật chủ yếu để shopping hơn là thưởng thức vẻ đẹp của xứ sở hoa anh đào. Tờ China Daily chọn đăng tấm ảnh kết quả mua sắm trên mạng của một cô gái Trung Quốc ở khu phố Akihabara, Tokyo.

Các món hàng hiệu tại Nhật nay đã rẻ hơn tại Hồng Kông hay Macao, và tất nhiên mang lại niềm vui cho chủ các khách sạn ở Nhật, đầy kín khách. Hồng Kông bỗng nhiên thiệt thòi, trong khi Hàn Quốc dần hồi phục sau nạn dịch SARS. Hoa Kỳ thì vẫn thu hút một lượng khách du lịch Trung Quốc đáng kể nhờ thủ tục cấp visa dễ dàng hơn.

Ngược lại những ai chọn lựa ở lại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ này, có thể sẽ phải hối hận. Từ tối Chủ nhật cho đến nay, thủ đô Trung Quốc bị chìm trong màn sương mù ô nhiễm dày đặc, khiến tầm nhìn bị hạn chế trong vòng vài mét. Chỉ số chất lượng không khí do đại sứ quán Mỹ công bố đã vượt qua ngưỡng 400 trong khu vực nguy hiểm.

.
Phó giám đốc nhân sự Air France, Xavier Broseta bị bao vây hôm 05/10/2015.

Air France có trụ được qua khủng hoảng ?

Sau vụ bạo động tại trụ sở Air France, mà cảnh tượng hai nhà lãnh đạo công ty hàng không này - áo sơ mi bị xé rách, phải mình trần vượt hàng rào thoát thân trước đám đông biểu tình giận dữ -được truyền đi khắp thế giới, gây tổn hại cho hình ảnh nước Pháp. Le Monde cho rằng « một sự sụp đổ là khó thể tránh khỏi ».

Hoặc là hội nhập, hoặc phải biến mất. Thời gian càng trôi qua thì sự tồn tại của Air France càng bị đe dọa. Sau hãng PanAm rồi đến TWA trong thập niên 90 và những năm 2000, hay mới đây là Swissair, Malev hay Sabena, công ty hàng không uy tín của Pháp có thể nối dài danh sách các công ty bị đóng cửa hay bị một đối thủ cạnh tranh nuốt chửng. Mối đe dọa mà cách đây vài tháng được ban giám đốc nêu ra để thúc đẩy nhân viên nỗ lực hơn trong thương lượng, nay có thể thành hiện thực : ngay cả những tên tuổi lớn cũng có thể bị chìm đắm.

Một lãnh đạo Air France ngậm ngùi : « Nếu trong vòng hai mươi năm qua, ban giám đốc không ‘‘mua’’ lấy sự yên tĩnh đối với nhân viên, thì đã không có ngày hôm nay ». Trong thời kỳ đó Air France rất năng động, đến năm 2004 còn mua lại hãng KLM của Hà Lan, được xếp hàng đầu thế giới.

Nhưng rồi trên bầu trời xuất hiện các đối thủ cạnh tranh : các công ty hàng không giá rẻ trên các tuyến đường ngắn và trung bình, các hãng vùng Vịnh trên tuyến đường dài. Air France bị tấn công tại cả hai thị trường chính, và chi phí hiện nay cao hơn các đối thủ ở châu Âu từ 20 đến 25%. Vụ đình công kéo dài hai tuần lễ của các phi công tháng 9/2014 để chống lại việc thành lập chi nhánh giá rẻ Transavia Europe đã gây thiệt hại nặng cho hãng.

Tuy chỉ trích hành động này của giới phi công, nhưng Nhà nước Pháp đang nắm 17% vốn, theo Le Monde cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Trong nhiều năm trời, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, chính quyền luôn muốn dàn xếp cho qua để tránh các cuộc đình công thay vì tính đến tầm vóc và nguy cơ của khủng hoảng. Và như thế, một khi Air France lọt vào tay nước ngoài, sẽ là một thất bại cay đắng cho Nhà nước Pháp.

Bài viết liên quan: 

Đàm phán TPP kết thúc tốt đẹp, Obama nhấn mạnh tương lai khu vực Thái Bình Dương
Washington xác nhận đạt thỏa thuận TPP sau cuộc đàm phán gay go
Quốc hội Việt Nam gián tiếp xác nhận « chấp nhận công đoàn độc lập » ?
 
Nguồn: Blog Thuy My.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

thắp riêng mình ngọn nến hắt hiu

Đang khuya,
Cơn sốt bỏng da. ngọn lửa tím
Hung hãn gào thét tiếng còi tàu đay nghiến ngoài bến cảng
Tắt liễu
Tắt cơn mộng đang rỡ ràng trên tóc trên môi
Tôi bừng thức trong mơ hồ cảm biết một điềm triệu
Tôi lắng nghe lời bạn thống thiết từ phía bên kia trái đất
facebook. facebook
và một dòng thơ không lẫn vào đâu được (...)
 
Đang khuya,
tôi trườn lên. giục giã
và không sao cản mình trôi xuôi trên bàn phím
tiếng chữ rơi từng hạt li ti xa vắng
lúc lạ
lúc quen
lúc khốn đốn...
một cơn mưa sầm sậm nhoá mầu lơ lửng...
 
Đang khuya,
Tôi bỗng co rụt lại (?)!
Như người bệnh động kinh lòng đầy cam khó. Tôi không thể!
Tôi không thể và tôi rụt lại vì bạn gợi lên trong tôi hình ảnh bi tráng của nàng thị lộ và nguyễn trãi. đầu tôi cô xiết khi nghe họ kêu gào đến xước máu cả bầu trời trước những oan khiên kinh người phải gánh chịu cùng mối tình trầm thiết thơ mộng như một huyền truyện. tôi rụt lại và tôi cúi xuống nhìn đời mình bé mọn biết bao nhiêu! tôi thấy tôi lầm lụi và lam lũ trơ vơ dưới cơn mưa chữ ốm đau và bất lực. tôi thấy tôi chẳng hơn gì hòn đất thó ngờ nghệch và chểnh mảng ngày đêm rì rào chuyện vãn vu vơ với cây cỏ chim muông nông nổi...
 
Đang khuya,
Tôi ném tôi vào vốc tối
Những cườm sao lạnh lẽo lẻ loi
Tôi đất thó trở mình cuối sân vườn cỏ dại
Và bạn ơi
xin hãy tín thành lòng tôi
Rằng đây là đêm đầu tiên tôi thực sự nếm trải được vị đắng của niềm hiu quạnh. Cũng là lần duy nhất hoát nhiên tôi được giải ngộ câu thơ của thiên tài Bertolt Brecht. câu thơ đã không hề nương tay đã lạnh lùng chém sả vào linh hồn mỏng manh tôi không hề thương xót. câu thơ bao ngày đêm ám nghẹt và nhấn chìm tôi hơn nửa thế kỷ sống đời ngơ ngác trong ưu uất phiền đau. người thy sỹ ấy thẳng tay phán quyết (dù trong hờ hững) nhưng tối thượng và tàn nhẫn khốc liệt: “trò chuyện với cỏ cây là một điều tội lỗi.” [*] Ôi! nhẹ nhàng mà sắc lẹm làm sao! một linh hồn bỏng rộp trong tôi sao có thể khứng chịu hết được nhát chém êm đềm hung bạo ấy?!
Và đang khuya,
Tôi chỉ còn biết quỳ xuống bái niệm trước hình ảnh đôi tình nhân vạn xuân ấy và cúi lạy tạ ơn lời giải ngộ với sương rơi...
 
Đang khuya,
Tôi đọc thơ bạn không lẫn vào đâu được
Tôi khắc tâm hình ảnh nồng nàn mà uy dũng của tiền nhân đang tráng xanh cả bầu trời
Tôi hít thở tràn hai lồng ngực cùng người thy sỹ phương xa
Tôi dấy động mình, và đánh thức những tế bào đang mê ngủ
Tôi từng bước thắp lại ngọn đèn tưởng đã lụn tắt từ lâu trong những giấc mơ rách rưới...
 
Đang khuya,
Tôi viết tiếp trang nhật ký ố vàng
Một vài chữ thơ le lói tội nghiệp cuối chân trời
Cùng câu chuyện những thiên tài tôi biết được
Chuyện của nhà thơ lỗi lạc miền băng giá Boris Pasternak khi chàng viết gửi một dòng thơ ngọt ngào đến cho người tri âm vĩ đại Rainer Maria Rilke xong, chàng liền bước ra ngoài sân vườn và ngước nhìn lên bao la vũ trụ. chàng thầm hỏi: khi một nhà thơ nhắn gửi đến một nhà thơ khác thì đất trời sẽ chuyển hoá ra sao?
Tôi nhỏ bé và chẳng sao nghe hiểu được
Lời hồi đáp chỉ truyền đi những tia chớp loè rực sáng của sấm động man thiên...
 
Đang khuya,
Tôi lặng lẽ quay về
Giam nhốt mình trong nhà tù không tường vách
thắp riêng mình ngọn nến hắt hiu
Và tôi cũng thầm gạn hỏi với cao xanh:
Khi một nhà thơ vừa được giải ngộ phút giây
Là y đang sống
                          hay là
                                              y đang chết?
 
Bundoora, Mel.
khuya 23/09/15
 
_________________________
[*]Lần đầu tiên, thời sinh viên, những năm 60, chỉ được đọc bản dịch rút gọn của cố giáo sư Đỗ Long Vân, gây nên một trận khiếp hoảng! Mãi đến sau này mới có được bản gốc trong bài AN DIE NACHGEBORENEN (GỬI NHỮNG NGƯỜI Ở MAI SAU): Thời thế gì / mà nói đến cỏ cây / khác nào đã phạm vào tội ác / Vì thế là... của thi hào BERTOLT BRECHT(1898-1956).
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có thực cô Nguyễn Phan Quế Mai bị vu khống ?



'Tổ quốc gọi tên mình' bị tố đạo thơ, Nguyễn Phan Quế Mai khẳng định bị vu khống


Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (phải) và nhà văn Hòa Bình trong buổi ra mắt tập thơ "Tổ quốc gọi tên mình" hồi tháng 7
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 28/9, một tác giả tên là Ngô Xuân Phúc lên tiếng yêu cầu tác giả Nguyễn Phan Quế Mai “trả lại” bài thơ Tổ quốc gọi tên mình (hay Tổ quốc gọi tên), vốn nổi tiếng sau khi được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc thành bài hát. Phản hồi sáng 2/10, tác giả Quế Mai khẳng định mình bị vu khống.

Điều đáng chú ý là sự sai khác giữa hai tác giả: Ngô Xuân Phúc gọi bài thơ là Tổ quốc gọi tên mình, trong khi theo Nguyễn Phan Quế Mai, bài thơ gốc tên là Tổ quốc gọi tên, khi được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc mới được thêm chữ “mình” phỏng theo một câu thơ trong bài.
Xuất hiện thư ngỏ đòi “trả lại” bài thơ
Viết trên trang cá nhân hôm 28/9, Ngô Xuân Phúc (một tác giả sinh năm 1980, sống ở Vinh, Nghệ An) cho biết: “Tôi chính là tác giả của bài thơTổ quốc gọi tên mình. Bài thơ này năm 2008 đã được tôi chia sẻ ở blog cá nhân trên Google, trên trang cá nhân ở mạng xã hội MySpace và một vài trang mạng xã hội khác”. 

Một phần bức thư ngỏ ngày 28/9 của Ngô Xuân Phúc tố Nguyễn Phan Quế Mai đạo thơ, tác giả đã xác nhận với Thể thao & Văn hóa về nội dung bức thư
Ngô Xuân Phúc khẳng định, anh làm bài thơ khi còn là một quân nhân, là giáo viên văn học trong Quân đội tại đơn vị ở Sơn Tây, Hà Tây, nay là Hà Nội. Anh cũng cho biết, sau này, “vì lí do đặc thù công tác và vì chuẩn bị chuyển công tác nên tôi mới xóa các blog, trang cá nhân. Nhưng ở thời điểm tôi đăng bài thơ này thì có khá nhiều người vào đọc và khen hay”.
Cuối thư, anh Phúc cũng viết thêm: “Tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Vinh nên sách vở, giấy tờ thất lạc nhiều, bài này có cả bản viết tay nhưng không biết đã mất ở đâu, Hà Nội hay Vinh, còn các bản lưu máy vi tính thì máy hỏng đã mất hết”. Như vậy, căn cứ để tác giả Xuân Phúc khẳng định bài thơ là của mình đã không còn.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (phải) và nhà văn Hòa Bình trong buổi ra mắt tập thơ "Tổ quốc gọi tên mình" hồi tháng 7
Theo tác giả này, năm 2013, tôi có được xem chương trình ca nhạc có bài hát Tổ quốc gọi tên mình, được gợi nhớ đến bài thơ của mình nên anh bắt đầu tìm kiếm thông tin. Đến năm 2014, anh đọc được loạt bài báo giới thiệu tác giả thơ là Nguyễn Phan Quế Mai. Xuân Phúc cho biết, anh liên hệ với Quế Mai từ năm 2014 nhưng không nhận được phản hồi.
Nay, khi viết thư ngỏ công khai trên trang cá nhân, tác giả Xuân Phúc yêu cầu nhà thơ Quế Mai “sớm có phản hồi và cùng tôi thu xếp việc công bố trả lại quyền tác giả đối với bài thơ Tổ quốc gọi tên mình cho tôi”.
Nguyễn Phan Quế Mai: “Thấy mình bị xúc phạm kinh khủng”
Thể thao & Văn hóa liên lạc với Nguyễn Phan Quế Mai sáng 2/10. Nhà thơ cho biết, tác giả Ngô Xuân Phúc cũng liên lạc với chị ngay hôm 28/9 sau khi đăng thư ngỏ lên Facebook.
“Tôi cần phải thanh minh vì cảm thấy bị mình xúc phạm kinh khủng” – Quế Mai nói với Thể thao & Văn hóa. Liền đó, sáng 2/10, chị công bố bức thư ngỏ gửi các phương tiện truyền thông về vụ việc. Trong thư, nhà thơ gọi thư ngỏ của tác giả Ngô Xuân Phúc là “những lời buộc tội và vu khống vô căn cứ”.
“Phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam” - chị viết.
Bản viết tay bài thơ của Nguyễn Phan Quế Mai ngày 15/6 năm nay, dùng để in trong tập thơ "Tổ quốc gọi tên mình
Về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, Quế Mai cho biết: Tháng 6/2011, khi được nhà báo Hòa Bình, khi đó đang làm việc tại báo điện tửVietnamnet, phỏng vấn chị với chủ đề “văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo”, khi đó vừa có sự kiện tàu Bình Minh bị cắt cáp. Bài phỏng vấn có câu hỏi “chị có sáng tác mới nào về chủ quyền biển đảo hay không?”. Nhờ cảm hứng đó, trên chuyến bay từ Hà Nội đi châu Âu, chị viết những câu thơ của bài thơ Tổ quốc gọi tên (chứ không phải Tổ quốc gọi tên mình): “Tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng sa dội vào ghềnh đá…”.
Chị hoàn thành bài thơ khi đang ở trên máy bay. Theo Quế Mai, khi đến hạ cánh xuống Franfurt, Đức, chị gửi bài thơ cho nhà báo Cao Hải Giang của báo Hà Nội mới, vào “lúc 23h21 ngày 20/6/2011”. Sau khi báo in, chị gửi bài phỏng vấn cùng bài thơ Tổ quốc gọi tên cho nhà báo Hòa Bình. Ngày hôm sau, ngày 27/6/2011, bài thơ Tổ quốc gọi tên được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet (có ảnh chụp mản hình).
Ảnh chụp màn hình bài thơ "Tổ quốc gọi tên" đăng trên Vietnamnet ngày 27/6/2011

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa sáng 2/10, nhà báo Cao Hải Giang xác nhận thông tin Nguyễn Phan Quế Mai đã gửi cho chị bài thơ Tổ quốc gọi tên, do lệch múi giờ giữa Đức và Việt Nam nên thời điểm trong thư điện tử của chị là “13h21 ngày 21/6/2011”. Sau đó, chị và nhà thơ Quế Mai đã trao đổi rất nhiều qua thư điện tử để biên tập bài thơ và thống nhất chọn ra phiên bản cuối cùng để đăng tải.
“Liệu ông Ngô Xuân Phúc có biết rằng bài thơ gốc tôi viết ra, có một số từ đã được biên tập và chỉnh sửa? Chỉ có tôi và những người trong cuộc mới biết rõ và tôi còn lưu lại tất cả các thư từ về quá trình biên tập” – Quế Mai viết.
Nữ nhà thơ yêu cầu tác giả Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi chị trước ngày 10/10, nếu không chị sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện tác giả này về tội vu khống. Khi Thể thao & Văn hóa liên hệ hỏi về yêu cầu này của nhà thơ, tác giả Ngô Xuân Phúc cho biết anh đang bận và sẽ phản hồi sau.


Trích thư ngỏ của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: “Lá thư của ông Phúc ngày 28/9 đề cặp đến bài thơ Tổ quốc gọi tên mình. Ông ấy có bỏ qua một chi tiết vô cùng quan trọng mà chỉ có người trong cuộc mới biết. Bài thơ của tôi mang tên Tổ quốc gọi tên chứ không phải Tổ quốc gọi tên mình. Khi phổ nhạc bài thơ này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, dựa vào câu thơ của tôi trong bài thơ, đã đặt tên ca khúc là Tổ quốc gọi tên mình”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái hốt rác chỉ là chuyện nhỏ, thiếu nhiều thứ lắm, bạn chưa biết đó thui!

 
Xã hội Việt Nam thiếu một thứ rất quan trọng


Tôi là người gốc Việt. Mặc dầu sống ở nước ngoài đã lâu và có nhiều văn hoá Tây Phương trong người nhưng tôi vẫn yêu nước Việt Nam và luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho đất nước này.
Bài viết dưới đây được thực hiện vì mục đích làm một điều gì tốt đẹp đó.

Tôi đã ở Sài Gòn hơn sáu tháng và hay có thói quen chạy xe vòng vòng quan sát tìm hiểu cuộc sống của mọi người. Khi lang thang như vậy tôi khám phá ra nhiều điều lý thú và ngạc nhiên (ví dụ như mấy chú xe ôm có thể nằm ngủ trên chiếc xe bên lề đường rất thoải mái mà không bị té). Tôi thấy nhiều điều hay nhưng cũng có nhiều điều không đẹp.

Một trong những khám phá của tôi là có nhiều người quét rác từ trong nhà ra ngoài, quét rác trước cửa nhà, hoặc trên sân trước nhà. Tuy nhiên, mặc dầu có rất nhiều người quét rác như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ thấy họ sử dụng một cái hốt rác (sử dụng ngoài nhà). Tôi đã cố gắng quan sát, tìm kiếm trong sáu tháng qua, nhưng vẫn chưa thấy. Và tôi nhận ra rằng xã hội Việt Nam là một xã hội thiếu cái hốt rác. Tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này.

Trước tiên tôi tự hỏi mục đích của việc quét rác là gì. Dĩ nhiên, mục đích của việc này là làm sạch.

Sau đó tôi lại hỏi, “Vậy có sạch không?”

Nhưng câu trả lời là “Không sạch.” Quét rác như vậy không sạch. Bụi, rác nhỏ, rác lớn chỉ được đẩy ra khỏi nhà, khỏi sân, ra phía trước hoặc hai bên nhà; hoặc đôi khi được gom thành một đống nhỏ mà thôi. Nhưng chỉ mấy phút sau đó, khi một vài cơn gió bay , hoặc người đi bộ và xe cộ qua lại đưa đẩy thì bụi, rác lớn, rác nhỏ, rác cũ, rác mới lại hiện diện đầy trước sân, trước nhà. Tức là bao nhiêu bụi, rác cứ bay vòng vòng trước nhà bạn, trước nhà hàng xóm, và chạy qua chạy lại giữa nhà bạn và nhà hàng xóm mà thôi. Kết quả là muốn sạch nhưngkhông sạch. Bụi và rác chỉ đơn giản chạy vòng vòng trong thành phố từ nơi này đến nơi khác, vẫn ở trong thành phố, và thành phố vẫn dơ.

Có người sẽ gom rác lại với suy nghĩ nhân viên vệ sinh sẽ hốt chúng đi. Nhưng từ khi gom rác tới khi nhân viên vệ sinh đến thì những người đó vẫn phải sống với rác ngay trước nhà; hoặc gió, xe cộ và người đi bộ sẽ làm nỗ lực gom rác bị tiêu tan chỉ trong vài phút. Tại sao không hốt và bỏ vào thùng rác ngay mà phải chờ nhân viên vệ sinh tới?

Sau đó tôi còn suy nghĩ thêm về những vấn đề khác có thể liên quan đến việc quét rác này.

Thứ nhất, nó cho thấy cái lười của con người. Vì lười nên làm qua loa, cho xong, và không bỏ công.

Thứ hai, nó cho thấy sự ẩu tả và dễ dãi trong làm việc. Làm cho nhanh, không cần biết việc làm có tốt không, chất lượng công việc thế nào. Hoặc biết chất lượng xấu nhưng vẫn mặc kệ.

Thứ ba, nó cho thấy tầm nhìn rất ngắn hạn của con người. Chỉ cần sạch trước mắt, sạch vài phút là được rồi. Không cần biết và không quan tâm sau vài phút đó tình hình sẽ ra sao.

Một đặc tính nữa là sự nông cạn. Làm nhưng không suy nghĩ, phân tích nhiều về việc làm. Hoặc thấy người khác làm thì làm theo mà không suy nghĩ, không cần biết việc làm đó đúng hay sai, tốt.

Tạm bợ là đặc tính thứ năm. Cũng như trên, làm hời hợt, không quan tâm đến chất lượng, không quan tâm đến kết quả lâu dài. Chỉ cần sạch trong vài phút.

Điều thứ sáu cho thấy sự mất vệ sinh. Muốn quét cho sạch nhưng sự việc này lại làm lộ ra bản chất mất vệ sinh và không quan tâm đến vệ sinh của con người.

Thứ bảy, nó cho thấy sự ỷ lại, sự chừa, đẩy việc cho người khác. Có thể có một chút hy vọng nhỏ nhoi người hàng xóm sẽ hốt rác. Khả năng điều này xảy ra là 0% vì người hàng xóm cũng nghĩ y hệt như vậy. Hoặc ỷ lại nhân viên vệ sinh sẽ hốt rác. Tại sao chờ người khác trong khi bản thân mình làm được? Hoặc trông chờ gió, mưa, nước sẽ mang bụi rác đi một nơi khác và xuống cống. Điều này tác hại tới môi trường rất lớn.

Đặc tính kế tiếp là vô trách nhiệm. Coi việc hốt rác là trách nhiệm của ai đó chứ không phải bản thân mình mặc dầu rác trước nhà mình hoặc từ trong nhà mình được quét ra (trong một số trường hợp). Vô trách nhiệm với bản thân công việc, chất lượng công việc và kết quả công việc. Vô trách nhiệm với những người chung quanh, với cảnh quan, và với môi trường. Đặc điểm thứ chín là tính vô kỷ luật. Làm ẩu tả, không kỷ luật trong công việc, không kỷ luật với bản thân. Không cần biết rác đẩy ra ngoài sẽ đi đến đâu. Không quan tâm đến tác hại của công việc đối với mọi người, môi trường.

Điều cuối cùng là sự không công bằng và gian manh vặt. Điều này xảy ra khi rác được gom lại trước sân nhà hàng xóm, hoặc một nơi có vẻ giữa hai nhà nhưng gần nhà hàng xóm và xa nhà mình hơn một chút.

Tôi tin việc quét rác này phản ánh, nếu không tất cả thì cũng phần lớn, những tính chất trên. Những điều này rất quan trọng vì tính cách, tầm nhìn, và cách làm việc của con người được hình thành từ từbắt nguồn từ những việc nhỏ hàng ngày như quét rác. Sau đó những đặc tính đó sẽ được con người áp dụng trong cuộc sống, trong các công việc lớn hơn, và trong giao tiếp với mọi người. Chỉ tưởng tượng tới điều đó thôi cũng thấy thật đáng sợ.

Xã hội phát triển nhờ vào sự loại bỏ các đặc tính trên.

Ở trên tôi đã nói mong muốn những điều tốt đẹp cho Việt Nam. Vậy các bạn cùng giúp tôi làm việc này nhé. Sau khi đọc xong bài viết này, và nếu đồng ý, bạn hãy chạy ngay ra chợ mua cho mình một cái hốt rác và mua thêm một cái nữa cho bạn bè.

Không cần biết những người xung quanh, những người hàng xóm có hốt rác hay không, bạn cứ hốt rác. Nếu bạn thấy đúng, thấy tốt thì cứ làm... cứ tự làm... ngay bây giờ. Chúng ta cùng quét rác với một cái hốt rác trong tay nhé.

Theo: Dân Luận
Hiển thị bớt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Chí Thiện – một mẩu chuyện đời by anle20

(Ghi lại vài dòng tặng các bạn yêu thơ Nguyễn Chí Thiện, để các bạn biết thêm một mẩu đời cay đắng của nhà thơ, 
nhân dịp nhớ ba năm ngày mất của ông)
Nguyễn Chí Thiện
Hồi cuối thập niên 70, sau khi được thả ra khỏi nhà tù tôi phải làm đủ thứ việc để sống: dịch thuê, viết mướn, làm thợ cán cao su, đi theo Lê Sĩ Thiện làm tay phanh xe đạp bằng gang dẻo, làm bột nở cho các bà bán cháo quẩy… Và nhiều thứ khác nữa, kể không hết, tức là bất kỳ cái gì đến tay, hoặc nghĩ ra.
Tôi quen Lê Sĩ Thiện trong thời gian ở khoá 6 trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn, khi anh là giảng viên thông tin. Sau năm 1954, anh làm giám đốc nhà máy điện Lào Cai, rồi nghỉ hưu, từng làm đủ thứ và cũng thất bại đủ thứ. May, anh là con dao pha, phàm cái gì thuộc kỹ thuật ứng dụng anh đều biết không nhiều thì ít, làm việc gì cũng có sáng kiến.
Nguyễn Chí Thiện ở tù cùng với tôi tại trại Phong Quang. Tôi ra tù trước anh vài tháng, hoặc nửa năm, tôi không nhớ chính xác, với điều kiện ký hợp đồng tạm tuyển công nhân bốc vác ở Công ty cung ứng vật liệu xây dựng Hà Sơn Bình (tức là Hà Đông, trong cái tỉnh mới gộp chung với Sơn Tây và Hoà Bình, theo lệnh của tổng bí thư Lê Duẩn). Tuy nhiên, tôi không ở nhà tập thể của công ty, mà vẫn về nhà mình ở Hà Nội cho đến khi được nhập hộ khẩu trở lại. Thiện về sống ở Hải Phòng, ở đấy anh còn bà chị. Thỉnh thoảng anh lại lên Hà Nội thăm tôi, Trình Hàng Vải, Vĩnh Đại Uý, Văn Thợ Mộc, Dũng Con…, là những bạn tù cũ.
Được thả về, tuy không bị kiểm soát ngặt nghèo, nhưng không thể nào kiếm được việc gì để làm. Các cơ quan, xí nghiệp nhà nước lướt qua lý lịch mấy lần tù của anh là xua anh như xua tà. Anh sống vắt mũi bỏ miệng, lúc đói lúc no. Có lần Trình Hàng Vải mách kế cất hàng đũa xe đạp về bán ở Hải Phòng, anh nghe, đi được vài chuyến trót lọt, đã kiếm được chút đỉnh. Chẳng may, vào một ngày mùa đông, gặp một viên thuế vụ xét nét, thấy Thiện mặt gày quắt, mà áo bông lại to xù, hắn đè ra khám, tịch thu hết mọi bó đũa đeo quanh người. Chuyến ấy Thiện mất cả vốn lẫn lãi.
Thấy Lê Sĩ Thiện và tôi sản xuất bột nở, bán chạy, Thiện muốn lấy một ít về Phòng bán thử. Mặt hàng này tụi tôi làm đúng lúc, gặp thời – trước kia toàn nhập của Tàu, nay hai nước lủng củng không có hàng về nữa, cái quẩy lúc này chỉ to bằng ngón tay. Các bà bán cháo quẩy rất hoan nghênh mặt hàngcủa chúng tôi. Nhờ nó cái quẩy lại phồng to như cán búa.
Thiện muốn lấy về một ít bán thử, nhưng anh nói không có tiền trả hàng mẫu.
Không hiểu vì lẽ gì, sau vài lần gặp Nguyễn Chí Thiện ở nhà tôi, Lê Sĩ Thiện dành cho người bạn cùng tên một tình cảm đặc biệt.
Anh gãi đầu, rồi quyết:
- Cậu cứ lấy. Bao nhiêu cũng được. Bán rồi, trả sau.
Lê Sĩ Thiện là đàn anh của tôi. Anh mà đã quyết thì cấm cãi.
Vào thời gian ấy chẳng ai trong chúng tôi coi Thiện là nhà thơ, mặc dầu không ít thì nhiều chúng tôi đều thuộc những bài thơ nôm na anh cho chúng tôi nghe trong những buổi tối của đời tù đằng đẵng. Lê Sĩ Thiện không ở tù ngày nào, tất nhiên chẳng biết bài thơ nào của Nguyễn Chí Thiện. Anh cũng không yêu thơ. Anh yêu con người chất phác, đôn hậu của Nguyễn Chí Thiện.
- Câu này có một tâm hồn thật trong sáng – anh nói – Nhưng quá ít nói.
Thí nghiệm làm bột nở xong, chúng tôi chẳng có đồng vốn nào. Chạy khắp Hà Nội, gõ mọi cửa, mới vay được năm chục bạc, bằng lương kỹ sư một tháng. Được cái sự sản xuất này không đòi hỏi thiết bị lôi thôi, làm ra nhanh, thu hồi vốn cũng nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã rủng rỉnh đồng ra đồng vào. Nguyễn Chí Thiện nhờ buôn mặt hàng này mà trang trải được nợ nần, thậm chí còn dư chút đỉnh giúp họ hàng ở quê. Ấy là Thiện nói, tôi mới biết.
Thiện rất sòng phẳng. Sau khi bán được nhiều rồi, đã tích được lãi làm vốn rồi, anh lấy hàng lần nào trả ngay lần ấy, không dây dưa. Một lần, anh dồn tất cả tiền có được để mua một lượng hàng lớn theo yêu cầu của người đặt hàng. Hoá ra ở miền Nam bấy giờ rất thiếu bột nở cho cao su để làm dép Thái Lan. Lái từ miền Nam ra, nghe nói Hải Phòng có thứ đó, mua thử mang về, thấy tuy chất còn kém nhưng có thể dùng được, liền đặt mua. Người khách quen của Thiện thấy có lợi, bảo Thiện lên ngay Hà Nội, mang về được bao nhiêu anh ta lấy bấy nhiêu. Thiện nghe theo, tính rằng sẽ lãi to, ai ngờ thất bại nặng. Tất cả số bột nở anh mang về đều bị phòng thuế tịch thu.
Vụ ấy tôi hoàn toàn không biết. Chỉ thấy Thiện vắng mặt lâu, không thấy lên lấy hàng.
Đùng một cái, Trình Hàng Vải đến báo: “Thiện bị bắt lại rồi!” Anh bàn với tôi góp tiền đưa cho chị của Thiện đi tiếp tế. Chúng tôi, những người tù số lẻ cũ, không thể và không nên thò mặt ra trong việc này. Thì ra thời gian Thiện vắng bóng là lúc anh âm thầm chép lại toàn bộ thơ làm trong tù, để rồi đột nhập đại sứ quán Anh, nhờ họ chuyển ra nước ngoài. Tập thơ đầu tiên của Thiện có tữa “Hoa Địa Ngục”. Chi tiết vụ này mọi người đều đã biết.
Mãi về sau tôi mới được nghe kể chuyện gì đã xảy ra trong chuyến đi lấy bột nở mang về Hải Phòng lần chót của Thiện.
Người bạn của Thiện, đại uý Bảo chính đoàn cũ, nay đạp xích-lô, một buổi tối vắng khách mới rẽ vào thăm Thiện. Đẩy cánh cửa không bao giờ khoá vào nhà, anh thấy nhà tối om. Bật lửa lên soi thì thấy Thiện nằm co trên giường. Anh đang ngủ. Sờ soạng tìm công tắc bật điện, vẫn tối om. “Điện đóm sao thế này?”, anh hỏi. Thiện lúc ấy mới ngỏng đầu lên, đáp: “Bán rồi!”. “Bán rồi là thế nào?”, anh hỏi tiếp. “Bán rồi là bán rồi, chứ còn là thế nào”.
Thì ra sau vụ bị bọn thuế vụ tịch thu tất cả số bột nở trên tàu, Thiện chẳng còn đồng nào trong túi. Về được đến nhà, bụng đói, cật rét, soát lại chẳng còn gì đáng giá, ngoài cái bóng điện 15 watts. Thiện bèn tháo cái bóng đèn, mang đi đổi được một bơ gạo (bơ, tức cái vỏ hộp sữa đặc, một thời được dân chúng coi là đơn vị đo lường ờ miền Bắc VN) về nấu cháo. Ăn cháo xong thì đắp chăn ngủ.
Anh đại uý đạp xích lô bảo Thiện:
- Cậu có khai với chúng nó là bột nở không đấy?
- Không.
- Cậu khai sao?
- Bảo tôi không biết, người ta thuê mang thì tôi mang.
Anh đại uý thở phào:
- Thế thì có cơ cứu vãn. Chúng nó mà biết là bột nở thì xong phim. Chúng nó sẽ đem bán để chia nhau. Nghe đây, tớ có quen bọn ấy, ta có thể xin lại được.
- Nhất rồi. Có phải hối lộ gì không? Tớ không còn xu nào dính túi đấy nhá.
- Không phải hối lộ. Nhưng phải đãi chúng nó một chầu.
- Tớ nói rồi – không còn xu nào đâu.
- Việc ấy tớ lo. Sau cậu trả lại cũng không muộn.
Hôm sau anh bạn đại uý tổ chức một bữa chén thết bọn thuế vụ. Chúng thu bất cứ thứ gì trên tàu mà không có hoá đơn chứng từ kèm theo, chẳng cần biết đó là hàng gì. Thiện được trả lại toàn bộ hàng bị thu vì là bạn của bạn, vì bạn đã có lời xin lại.
Thiện không bao giờ uống rượu. Đơn giản vì phần lớn thời gian của đời anh là ở trong tù, nơi không thể có rượu uống, trừ những người tù vì lẽ này hay lẽ khác được đưa vào một toán (hay đội) đặc biệt gọi là tự giác. Những người này cũng chỉ thỉnh thoảng mới được một lần say sưa nhờ đổi chác với dân ở các làng bản gần trại.
Tôi hỏi Thiện chuyện này khi chúng tôi sống cùng nhau trong một căn hộ tại Strasbourg, một thành phố miền Bắc nước Pháp.
- Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu đấy, ông ạ – Thiện nói – Trước đó cũng có lần nhấp một tí, trong một đám giỗ, chẳng thấy ngon lành gì. Cay xè.
- Say thế làm sao về? – tôi hỏi.
- Ông này buồn cười, cái anh đại uý bạn tôi chở tôi về chứ. Anh ta có cả một cái xích lô mà.
10.2015
Theo FB Vũ Thư Hiên

Bà Phạm Chi Lan: TPP sẽ gặp phải sự chống đối của các nhóm lợi ích ở VN



Người lao động làm việc tại một xưởng may ở ngoại ô Hà Nội. Nhiều nhà sản xuất nổi tiếng như Lever Style, có nhiều thân chủ có uy tín như nhãn hiệu Hugo Boss và J. Crew đã bắt đầu chuyển khâu sản xuất của họ từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam trong mấy năm gần đây.
Người lao động làm việc tại một xưởng may ở ngoại ô Hà Nội. Nhiều nhà sản xuất nổi tiếng như Lever Style, có nhiều thân chủ có uy tín như nhãn hiệu Hugo Boss và J. Crew đã bắt đầu chuyển khâu sản xuất của họ từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam trong mấy năm gần đây.
Khánh An/ VOA
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan cho rằng Hiệp định TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) vừa đạt được giữa 12 quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện ‘cuộc cải cách lần 2’, và theo bà, cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối từ các nhóm lợi ích, buộc Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích của các nhóm này với lợi ích của đông đảo người dân. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng vấn sau đây giữa Khánh An của Ban Việt ngữ đài VOA với bà Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam.
VOA: Thưa bà Phạm Chi Lan, khi TPP thành công, bà có nghĩ rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất không? Tại sao?
Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nói rằng khi tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP…Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.
Việt Nam có được tỉ lệ cao chủ yếu là bởi vì Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Ví dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người, trong 12 nước thành viên TPP. Cho nên Việt Nam có thể có tốc độ tăng cao so với chính mình, nhưng ngay cả có tăng với tốc độ cao thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước thành viên khác của TPP vẫn còn rất lớn. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với các nước thành viên TPP khác.
Cho nên tôi cho rằng khi nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất thì cần phải nói rõ là ‘nếu so sánh về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất’ và cần phải nói thêm một vế nữa là ‘do Việt Nam có điểm xuất phát thấp nhất trong các nước thành viên TPP’ để tránh ngộ nhận là vào TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
VOA: Ngoài cái lợi như cơ hội về kinh tế, FDI đổ vào nhiều hơn, có luồng dư luận nói rằng nguy cơ ‘chết’ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP là có?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên là hoàn toàn có. Nhưng có vượt lên được hay không và ai thắng, ai thua thì nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực bản thân các doanh nghiệp Việt Nam.
Một khía cạnh khác nữa mà tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là đối với đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội thắng thua còn phụ thuộc vào một phần không kém quan trọng là môi trường kinh doanh mà họ đang có ở đất nước Việt Nam. Điều tôi lo ngại là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tốt.
Một điều rất rõ từ trước tới nay là Việt Nam luôn luôn có một hệ thống chính sách, trong đó ưu tiên số 1 dành cho các doanh nghiệp nhà nước, thứ 2 là cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước thì chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp. Thành ra tôi lo cho doanh nghiệp Việt Nam là ở cái vế môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thay đổi được như mong muốn. Do đó, nó gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ đã tương đối yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó có thể làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam không những không nắm được cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, mà họ lại chịu sức ép ngay trên ‘sân nhà’, tức là ngay ở thị trường Việt Nam.
VOA: Bà có nhắc đến vấn đề cải cách, theo bà, khả năng ràng buộc của TPP đối với vấn đề cải cách ở Việt Nam là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi, điều số một ý nghĩa của TPP đối với Việt Nam là chuyện cải cách thể chế. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Nói chung ai cũng biết TPP yêu cầu về nhiều mặt chứ không phải chỉ thương mại. Nó đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi khá nhiều các điều luật, quy định, chính sách hiện có trong nước. Thay đổi này cũng là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên đối với Việt Nam, TPP là cơ hội đầy ý nghĩa là nó đặt ra cho Việt Nam thêm yêu cầu về cải cách thể chế, không chỉ là làm cho thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo cách thị trường Việt Nam, mà nó đòi hỏi Việt Nam phải theo chuẩn mực chung của kinh tế thị trường theo quan niệm như các nước thành viên khác của TPP hiểu và đã đưa vào cam kết của hiệp định. Tôi cho đó là thuận lợi.
Nhưng thách thức nằm ở chỗ những điều kiện đó là những điều kiện rất khó đối với Việt Nam. Cải cách để có được thể chế kinh tế thị trường đầy đủ được nhiều chuyên gia coi là một cuộc đổi mới lần 2 mà Việt Nam cần tiến hành. Tuy nhiên, cuộc đổi mới lần 2 này muốn tiến hành hoàn toàn không dễ dàng vì nói gặp phải hàng loạt rào cản các mặt, kể cả tư duy, nhận thức của những người quyết định chính sách hoặc quyết định khuôn khổ luật pháp ở Việt Nam, đặc biệt có sự trở ngại của các nhóm lợi ích ở Việt Nam.
Trước đây khi Việt Nam bắt đầu cải cách cách đây 30 năm thì đổi mới đạt được sự đồng thuận cao bởi vì tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới. Nhưng bây giờ, khi Việt Nam cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên họ sẽ chống lại chứ không dễ dàng chấp thuận việc cải cách vì lợi ích chung của cả nền kinh tế hay vì lợi ích của đông đảo người dân.
VOA: Bà vừa nói đến các nhóm lợi ích ở Việt Nam, nhiều người xem TPP là một sân chơi mà Việt Nam mới gia nhập, bà dự đoán lối chơi của Việt Nam sẽ như thế nào trong điều kiện mà đội chơi của Việt Nam như bà nói là sẽ có sự phản kháng từ phía các nhóm lợi ích?
Bà Phạm Chi Lan: Mong muốn cải cách ở các nước, nhìn chung, là để cho đông đảo người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên thế nào cũng có những nhóm nhất định bị tác động tiêu cực, họ bị ảnh hưởng, họ coi là họ bị thua thiệt trong cải cách. Nhưng như vậy là buộc phải đặt lợi ích của đông đảo người dân lên trên, lợi ích của toàn thể nền kinh tế lên trên để thực hiện được cải cách. Việt Nam cũng không loại trừ khỏi quy luật đó. Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác. Nếu không vượt qua được thì chính Việt Nam không phát triển nổi chứ chưa nói đến chuyện tham gia TPP một cách đầy đủ hơn.
VOA: Vâng. Người ta nói Hoa Kỳ dùng TPP như là một cách để ‘xoay trục về châu Á’, ‘đối trọng kinh tế với Trung Quốc’. Thế thì Việt Nam ở giữa 2 cường quốc lớn, theo bà, đường lối khôn ngoan của Việt Nam nên thực hiện là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam với tư cách là một nước nhỏ, trong quan hệ với các nước lớn thì luôn luôn phải coi trọng quan hệ với từng nước lớn một, cố gắng làm sao để giữ quan hệ hòa hiếu, tốt đẹp với họ. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần phải quan sát các nước lớn đang quan hệ với nhau như thế nào, đang chơi với nhau như thế nào, để giữ quan hệ của mình hợp lý hơn. Việt Nam không chỉ có TPP, trước khi kết thúc việc đàm phán TPP, Việt Nam đã kết thúc được đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu, với Nga. Đấy cũng là những đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Việt Nam. Ở đây, sự khôn ngoan của Việt Nam là biết chơi với nhiều nước khác nhau để tạo cho mình một vị thế tốt trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
VOA: Vâng. Cám ơn bà Phạm Chi Lan đã dành thời gian cho đài VOA.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có ai biết vì sao không?

 Đỗ Đức dongngan 

Bến tắm hồ Tây Đây là bến của những siêu nhân Sao lại là siêu nhân thì hãy nghe kể tiếp Từ sớm tinh mơ những siêu nhân đã lục tục kéo đến bến tắm Họ đi bằng nhiều phương tiện Xe ô tô 4 chỗ Xe thương binh Xe máy đủ dạng phân khối Và cũng có cả xe đạp địa hình. Không có ai đi bộ Lớp tuổi thì đều từ ngoài năm mươi trở lên. Không có thanh niên, trung niên. Nhưng sự phong phú của bến tắm hồ Tây tương đương với sự phong phú của bãi biển. có khi còn hơn vì có siêu nhân Này đây Có vị đỗ xịch ô tô, mở cốp lôi ra một đống, qua là sương sớm chỉ thấy bùng nhùng đen đỏ. Sau vài phút, vị ấy loay hoay rồi nhấp nhổm nhịp nhàng …thì ra đó là cái xuồng cao su có cánh buồm đỏ thắm. Bơm đầy hơi, lúc ấy vị mới âm thầm hạ thủy con xuồng, đẩy ra khơi xa rồi nằm tênh hênh, để thuyền dập dềnh trên sóng hồ ngắm đất trời… Có vị đến đấy tụt quần áo vứt đâu đó, rồi độc cái quần xịp bằng vải mộc nhuộm đen tự may có dây buộc bên hông, da cháy nắng khét lẹt, chân tay mảnh khảnh, chả có gì đáng khoe, hoặc chính xác hơn là toàn khoe thứ bẩn mắt…hai tay khép nách chặt như người có ma gà, cũng xoay xở đánh nhịp tới lui chạy khan trên bờ dường như muốn để thiên hạ ngắm mình hơn là rèn luyện sức khỏe.. Có mẫu hậu da thiết bì, áo hở lưng rộng như tấm phản, bụng bom tấn, đội mũ bơi, tập thể dục như tập tạ, và nhất quyết không lội xuống nước. Một ông lão râu bạc cả chùm bên má như rễ si ám khói, dáng đi lòm khòm… ngày nào cũng ra. Ông đến đây tập cho có không khí chứ chẳng quen ai, chẳng nói chuyện với ai. Bên ngoài chiếc quần đùi đen đang mặc, để chắc chắn ông trùm thêm cái xi- líp. Đúng là siêu nhân trong ca từ cháu tôi vẫn hát “ Siêu nhân, siêu nhân, mặc xi líp ta ngoài quần dài…”Ông là siêu nhân có tuổi, hết lịch bịch tập chạy, ông lại moi ra đôi dây cao su dài khoảng chục mét móc lên tường rào, còn đầu kia ông khoác vào vai như mắc ách cho con bò, rồi ra sức chạy lên kéo dây căng hết cỡ, rồi lại giật lúi, trông như trời đầy mà không ra thể thao. Có một vị nữa cởi trần quần xịp, đi đi lại lại như mộng du, tay trái cầm iphol và kèm theo xấp giấy A4 chữ ken đen chi chít như đàn kiến, tay phải nhịp nhàng với duy nhất ngón chỏ chỉ huy, ông lẩm bẩm lúc rồi hát rống lên như nhạc sĩ đang son phe tìm nhịp… có lúc lại ô ô oa oa giống ca sĩ đang tập luyện khẩu hình suốt buổi mà rồi cũng không hạ thủy. Lạ thật, trang phục thì cứ như tắm rồi!. Ngoài mẫu hậu đen, có mẫu hậu trắng, được đức vua mang theo bình nước lọc 20 lít, tắm nước hồ xong lên bờ vội căng vải che che, dội nước để trút sách cái uế tạp của nước hồ. Sau đó e thẹn thay áo tắm , mắt liếc ngang ngó dọc cảnh giác(!). Cánh đàn ông cũng thế, vừa dội vừa vỗ cho nước tung tóe mặc xác cho nước bắn người đi đường. Trông họ lúc ấy giống hệt cái xe phun nước của Bộ anh anh Thăng, ngổ ngáo chả thèm để ý gì đến xung quanh! Cảm giác nhớp nháp và nhèo nhẽo da thịt rão thấy chán chết, chứ không căng mọng hấp dẫn như ở bãi biển Cạnh đó Lại một nhóm vài chục bà, có thêm mấy đàn ông xen vào như mấy củ lạc trong nắm xôi lạc Cũng đến bến nhưng không tắm Họ tập nhảy kiểu E- RÔ- BÍCH theo nhạc nhịp nhàng phát ra từ cái radio xách tay chạy pin Mấy đàn ông cụng ẻo lả huơ chân tay trông rất lại cái Tập chán họ tụ lại lôi cái ăn cái uống ra nhâm nhi. Có lúc họ chụm đầu hát về nước Nga Ca chiu sa Chiều Matxcova Tình ca ximonop Hình như đây là hội từng du học, và ít ra là đi lao động tại Nga. Nối âm thầm nhớ nước Nga được hé lộ ở bến tắm hồ Tây. Bến tắm hồ Tây Còn nhiều chuyện nữa Bến bé nhưng là bé hạt tiêu Nhưng thôi, để ai có dịp ra còn phát hiện tiếp Vui đáo để Và thư giãn cực! Sáng nay, 8/10/2015
Read more at: http://www.dongngandoduc.com/2015/10/thu-gian-cuc/

Phần nhận xét hiển thị trên trang