Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Ba điều còn ít đấy đ/c Thông ợ!

Sau bữa cơm tối, nghĩ những 3 điều

1.Quốc ca là thiêng liêng, là tài sản của dân tộc, quốc gia. Chính vì thế, muốn sửa một chữ, một âm, một lời cũng phải được đưa ra quốc hội bàn bạc, trao đổi (vì chính quốc hội thông qua quốc ca) và công khai cho toàn dân biết. Với quốc ca không thể tùy tiện xem như tác phẩm âm nhạc bình thường. Vậy mà tôi vừa coi cái cảnh lễ sơ duyệt mít tinh, diễu binh mừng quốc khánh có cả phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự, ở tiết mục hát quốc ca, người ta tự động hát câu cuối thành "nước non Việt Nam ta tiến lên" trong khi nguyên văn là "nước non Việt Nam ta vững bền". Hết sức tùy tiện. Tôi đề nghị ông bà nào là cán bộ chức việc nhà nước, nhất là các anh A87 hay chiếu cố FB, blog của tôi phản ảnh ngay lên cấp có trách nhiệm vấn đề này. Đừng coi những vấn đề tầm quốc gia như chuyện làng xã, muốn nhí nhố thế nào cũng được.

2. Ngày 1.9 tới, dân chúng lại được ăn thêm món kênh truyền hình Nhân Dân của báo Nhân Dân, phát 24/24 mỗi ngày. Tất nhiên là ngân sách bao cấp hoàn toàn.
Lại sực nhớ hồi tháng 3, dư luận um lên về bản quy hoạch báo chí đã được thủ tướng phê duyệt, rằng sẽ tinh gọn hệ thống báo chí truyền thông, cho về vườn những tờ báo lá cải, tốn tiền thuế của dân, thấy bảo là sẽ rốt ráo thực hiện trong tháng 5. Giờ đã sắp sang tháng 9, mất hút con mẹ hàng lươn, chả thấy động tĩnh gì, chỉ thấy thêm râu ria này nọ. Đúng là không tin được, dù đó là chủ trương đúng, dù ở cấp nhà nước. Thế thì còn biết tin cái gì bây giờ.


3.  Nếu cái cậu Lê Trương Hải Hiếu 34 tuổi ấy không phải con ông đương kim bí thư thành phố Lê Thanh Hải thì chắc chả ai tò mò ý kiến ý cò. Theo tôi, nếu đương sự giỏi giang, đạo đức thì chả cứ chủ tịch quận, cho làm chủ tịch nước cũng được. Hồi xưa thời phong kiến, mới vài ba tuổi, bắt mũi chưa sạch, các cháu còn làm vua được cơ mà, mà thời này khác gì thời phong kiến, con ông cháu cha tập ấm công khai, vậy nên bà con dành thời gian lo việc... quốc tế đi, đừng lo quốc sự nữa.

26.8.2015
Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hay là "cứ gậm chân ăn dần", câu chuyện của ông Bình vôi?

GẶM NHẤM QUÁ KHỨ KHÔNG PHẢI CON ĐƯỜNG TRỊ QUỐC

Tuần Việt Nam

“Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác” – GS Trần Ngọc Vương.












Tuần Việt Nam xin giới thiệu kì cuối tọa đàm nhân dịp 70 năm thành lập nước với chủ đề “Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ, nghĩ về Việt Nam giàu mạnh” với sự tham gia của GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG, Hà Nội và GS Trần Ngọc Vương, Giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Nhà báo Lan Anh: Trong 70 năm qua, chúng ta có thể chia ra làm hai giai đoạn: trước đổi mới và sau đổi mới. Từ những bài học thực tiễn hiện nay thì theo các vị, tầm nhìn và sự quyết đoán của lãnh đạo đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển của dân tộc trong việc mang lại hạnh phúc cho người dân?
GS Vũ Minh Giang: Tầm nhìn và quyết đoán là hai phẩm chất có quan hệ chặt chẽ với nhau của người làm lãnh đạo. Tầm nhìn là sự lường tính những điều chưa xảy ra để tính toán các khả năng sẽ diễn ra trong tương lai gần. Muốn có được nó, ta phải biết được quy luật phát triển và vận động của xã hội.
Tính quyết đoán liên quan đến phẩm chất khác của người lãnh đạo. Phân tích được thực trạng trước một diễn biến nào đó, từ đó đưa ra các phương án khác nhau và chọn một phương án phù hợp nhất.
Khi nhìn lại 70 năm, việc phân chia làm hai giai đoạn trước và sau đổi mới cũng là hợp lí.
đổi mới, tư duy, cải cách, nghiên cứu, bẫy thu nhập, độc lập, chủ quyền, khủng hoảng, tầm nhìn, lãnh đạo
Gs Vũ Minh Giang: "Cần có cái nhìn tỉnh táo về bạn và thù". Ảnh: Phạm Hải
Giai đoạn trước đổi mới, năng lực về tầm nhìn của người lãnh đạo trong việc dự báo những tình huống quân sự để đề ra những chủ trương, đường lối kháng chiến có thể nói là rất xuất sắc và đã đưa ra được những quyết định táo bạo. Chúng ta đã chấp nhận tiến hành một cuộc đối đầu với siêu cường số một thế giới mà phần thắng cuối cùng đã thuộc về Việt Nam. Chiến thắng anh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã khẳng định những quyết sách ấy là đúng đắn.
Tuy nhiên, cũng chính trong thời kì đó, tầm nhìn của chúng ta về mô hình kinh tế, về tổ chức xã hội có thể coi là yếu.
Chúng ta đã dồn sức xây dựng khu gang thép Thái Nguyên bằng tư duy ưu tiên phát triển công nghiệp nặng với hi vọng sẽ có một nền công nghiệp đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế, trong khi đời sống nhân dân còn đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Kết quả là, ta đã không có nền luyện kim ra hồn.
Chúng ta đã không làm được như Hàn Quốc. Chỉ với vài trăm triệu đô la được bồi thường chiến tranh của Nhật Bản, họ đã xây dựng được POSCO, một tập đoàn thép ngang tầm thế giới.
Một câu chuyện khác về tổ chức mô hình đưa các nước tiến nhanh tiến mạnh lên sản xuất lớn trong nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh quá trình tập thể hóa nông nghiệp. Chúng ta tưởng rằng làm ăn lớn như thế, sản xuất lớn như thế thì sẽ dư giả lương thực thóc lúa. Khi cả nước tiến lên nền sản xuất lớn trong nông nghiệp theo hướng xậy dựng các hợp tác xã cấp cao (quy mô lớn) và các nông trường quốc doanh. Kết quả là ta lâm vào khủng hoảng và đói nghèo.
Đổi mới do Đảng khởi xướng chính thức từ năm 1986 lại là một thí dụ khác về tầm nhìn. Lãnh đạo của chúng ta đã nhìn ra những khuyết tật và hạn chế để quyết tâm đổi mới.
Nhân đây tôi muốn nói về những đánh giá mới của giới học giả về tầm quan trọng của cải cách, gắn với tầm nhìn. Tôi từng tham dự một hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 200 năm cách mạng tư sản Pháp. Tại đây giới sử học đưa ra một luận điểm mới và lạ. Họ đánh giá cao những cuộc cải cách trong lịch sử, trong đó cải cách Meiji được phân tích rất nhiều. Thậm chí họ còn cho rằng con đường cải cách là cách đi thông minh và cần tới tầm nhìn của giới lãnh đạo, biết mình lạc hậu để cải đổi. Cách mạng bùng nổ ra khi chính quyền cản trở sự phát triển, không chịu đổi thay nên bị lật đổ.
Đổi mới ở Việt Nam là một cuộc cải cách sâu sắc.
Năm 2009, tôi lại có một cơ may khác, được diện kiến Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ông đến Việt Nam. Điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều khi ông nói rằng Việt Nam là nước có hai nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là nhân lực và cơ hội. Nhưng thật đáng tiếc, theo ông, Việt Nam lại là nước lãng phí hai nguồn tài nguyên này vào bậc nhất thế giới. Lãng phí tiền bạc cũng xót xa, nhưng lãng phí cơ hội một đi không trở lại, còn lãng phí nguồn lực con người thì không bao giờ bứt phá vươn lên được.
GS Trần Ngọc Vương: Cá nhân tôi có cách nhìn hơi khác một chút về khái niệm đổi mới như cách mà mọi người vẫn nói lâu nay.
Thời bắt đầu đổi mới, lúc đó ta làm theo cách trả lại sự vật, để nó đi vào quỹ đạo vốn có, quỹ đạo tự nhiên của nó.
đổi mới, tư duy, cải cách, nghiên cứu, bẫy thu nhập, độc lập, chủ quyền, khủng hoảng, tầm nhìn, lãnh đạo
Gs Trần Ngọc Vương: "Nhìn lại lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ thấy, các giai đoạn quan trọng, nếu không có vĩ nhân ra tay thì hiệu quả sẽ rất thấp." Ảnh: Phạm Hải
Hồi đó, người nông dân làm ra thóc gạo nhưng lại không giao đất cho họ. Với cách làm kiểu hợp tác hóa như cũ, kiểu cấm chợ ngăn sông thì cả nước sẽ không có gạo mà ăn, dân đói khổ. Vì vậy, trả lại sự vật theo quỹ đạo của nó tức là trả lại ruộng đất cho người dân, hàng hóa được lưu thông. Từ đó, mọi chuyện khác hẳn.
Chúng ta từng có lúc duy ý chí, từ đó áp dụng sai quy luật và đã lãnh đủ hậu quả. Rồi ta phải trả lại sự vật theo đúng trạng thái tự nhiên vốn có của nó.
Đổi mới đích thực là cách tân, và hiểu theo nghĩa rộng hơn nữa là sáng tạo. Đổi mới có thêm hàm lượng nhân vi, con người bằng ý chí và nỗ lực để đưa trí tuệ vào đó để sự vật không chỉ thực hiện theo quán tính của nó.
Nếu chúng ta chỉ đổi mới bằng cách trả lại trạng thái quán tính của sự vật thôi thì các nước trên thế giới phát triển đến một ngưỡng nào đó là mất đà, rơi vào“bẫy thu nhập trung bình”.
Nhà báo Lan Anh:Điều gì khiến các vị suy nghĩ và trăn trở nhất trong bối cảnh đất nước hiện nay?
GS Vũ Minh Giang:Thứ nhất, tôi đau đáu và lo ngại khi thấy tình trạng có người dân bị oan và bị đối xử bất công như báo chí đang nêu ngày càng nhiều. Trong suốt 70 năm qua nhân dân chúng ta luôn phải gồng mình lên để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Giờ đây, vấn đề cấp bách này đang đặt nặng lên vai các vị lãnh đạo. Đại hội Đảng XII sắp tới chắc chắn phải giải quyết triệt để vấn đề này, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là yêu cầu của người dân.
Thứ hai, là bẫy thu nhập trung bình. Theo các tiêu chí thuần tuý kinh tế thì còn lâu nước ta mới đạt tới trình độ của một nước có thu nhập trung bình (3.000-5.000 đô/người). Nhưng nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo sớm rằng, nếu không biết lo xa thì việc Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi.
Bài toán cần giải quyết lúc này là khơi thông các nguồn lực để tạo bước đột phá, đưa đất nước phát triển. Nếu chúng ta cứ loanh quanh mãi ở đường băng mà không cất cánh được thì sẽ thất bại, sẽ mãi là nước nghèo.
Thứ ba, cần có cái nhìn tỉnh táo về bạn và thù. Điều đơn giản như một chân lý là: trong chính trị không có bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù truyền kiếp, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là trường tồn. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách thực tế bạn và thù để có những quyết sách đúng đắn.
GS Trần Ngọc Vương: Hãy nhìn lại câu chuyện của nước Nga thời Stalin. Người ta đã nói rất nhiều đến mặt trái của ông ấy, nhưng cũng cần phải nhìn nhận, ông ấy cũng làm được một số thành tựu lớn cho Liên Xô cũ. Bởi khi nói đến những thành tựu lớn nhất của Liên Xô cũ, chủ yếu người ta nhắc đến thời kì của Stalin.
Tôi có đọc trong một tư liệu kể lại rằng, khi kết thúc thế chiến thứ hai một tuần, Stalin mời các vị nguyên soái và các nhà lãnh đạo quân sự đến họp bàn. Ông đã đề nghị họ đứng ra thay ông tiếp quản tất cả các vấn đề quân sự, ông hoàn toàn không đóng vai trò đại nguyên soái nữa. Tiếp sau đó, ông triệu tập hội đồng các thị trưởng họp để kiến thiết quốc gia và tái phục hồi năng lực quốc gia, đồng thời giúp đỡ các quốc gia mới ở Đông Âu.
Hẳn ông phải có một cái nhìn rất tỉnh táo đối với sứ mệnh của mình nên ông mới làm được điều đó.
Do đó điều tôi đang quan tâm trăn trở hiện nay là:
Thứ nhất, tầm nhìn của lãnh đạo. Nhìn lại lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ thấy, các giai đoạn quan trọng, nếu không có vĩ nhân ra tay thì hiệu quả sẽ rất thấp.
Thứ hai, người lãnh đạo phải đại diện cho lương tri cộng đồng.
Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện. Nếu không có những yếu tố đó, mọi sự đổi mới đều bị kìm hãm, bị đánh lạc và bị chuyển sang một quỹ đạo khác.
Nhà báo Lan Anh:Một vị lãnh đạo đã nói rằng nếu chúng ta cứ sống mãi trong qúa khứ thì chúng ta sẽ bỏ lỡ tương lai và chúng ta phải dám quên những thắng lợi của quá khứ thì chúng ta mới bước ra thế giới được. Các vị có chia sẻ gì?
GS Trần Ngọc Vương: Quá khứ không nên quên nhưng ta cũng không nên bị ám ảnh và càng không nên để nó chi phối tương lai. Nếu quên quá khứ có nghĩa là ta đã quên mất một mệnh đề của đạo lí. Ta nên khai thác phương diện lành mạnh của quá khứ để tiếp tục phát triển.
Giống như khi người ta chuyển nhà, cũng phải để lại một số thứ vẫn còn hữu ích, huống hồ chúng ta tiến hành một cuộc viễn chinh với một hành trình rất xa. Không ai có thể vứt bỏ di sản, có điều phải sử dụng nó một cách thông minh, đúng nghĩa là di sản để nhìn lại, để đối chiếu, để học hỏi.
GS Vũ Minh Giang: Hạ Tăng Hựu, một nhà sử học có tiếng ở Trung Quốc từng nói: Người trí thức không có gì vĩ đại hơn là biết được tương lai, nhưng tương lai chưa xảy ra, làm sao biết được. Chẳng qua tất cả mọi chuyện đều dựa vào cái đã xảy ra mà dự đoán (cứ vãng dĩ suy) đấy thôi.Vì vậy, không nên đặt vấn đề phải biết quên quá khứ. Vì quá khứ không phải chỉ là chuyện của ngày đã qua mà còn có giá trị để hiểu hiện tại và dự báo tương lai.
đổi mới, tư duy, cải cách, nghiên cứu, bẫy thu nhập, độc lập, chủ quyền, khủng hoảng, tầm nhìn, lãnh đạo
"Trí tuệ và cái tầm của giới lãnh đạo chính là điều mà nhân dân, đất nước này luôn quan tâm tìm kiếm và tha thiết mong xuất hiện". Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Tuy nhiên, đúng là vẫn còn cách tư duy không nghiên cứu phân tích toàn diện, khách quan mà chỉ thích “nhấm nháp” những vinh quang trong quá khứ theo kiểu “ăn mày dĩ vãng”. Đây là thói quen cần phải loại bỏ.
Trong kinh tế học hiện đại, người ta đưa ra khái niệm “nhân tố phượng hoàng” (phoenix factor) để chỉ những hiểu biết có được nhờ phân tích thất bại. Theo truyền thuyết châu Âu có hình ảnh con chim phượng hoàng đẹp đẽ bay lên từ đống tro tàn. Hình ảnh ấy được các nhà kinh tế học mượn để ví với những kinh nghiệm quý báu rút ra từ việc phân tích những thất bại trong quá khứ. Đó chính là cách mở đường để đi lên.
Thời buổi bây giờ chỉ khoe khoang thành tích trong quá khứ thì sẽ ngủ quên trong hào quang quá khứ và sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. “Ăn mày dĩ vãng” không phải là con đường đưa đất nước đi lên và chắc chắn đó không phải là điều chúng ta mong đợi.
Nhà báo Lan Anh: Thực tiễn đất nước đang đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới. Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng, cần một cuộc đổi mới 2, người thì bảo phải làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ, quyết đoán như hồi năm 1986…. ý kiến của các các vị thế nào? Chúng ta cần phải làm gì trong tình thế hiện nay?
GS Vũ Minh Giang: Tôi không ủng hộ quan điểm cần phải có cuộc đổi mới này hay cuộc đổi mới khác.
Liên quan đến sự phát triển của một quốc gia, trong thời đại ngày nay người ta thường khái quát bằng ba chữ R.
Review, nghĩa là luôn luôn phải xem xét lại những việc đã qua. Chúng ta thường xuyên nhìn lại chứ đừng để đến lúc nó trì trệ rồi mới tiến hành đổi mới. Có một thời kì mà chúng ta đã rất lúng túng trong việc xử lí các vấn đề. Luôn để những tư duy cũ đem bám và bản thân bị trói buộc bởi những hệ thống lý luận cũ kĩ.
Research, nghĩa là nghiên cứu. Khi đề ra một quyết sách cần có cơ sở khoa học và luận chứng đàng hoàng.
Reform, nghĩa là cải cách. Ta đừng để nó tích tụ rồi mới giải quyết. Tính đổi mới thường xuyên liên tục dựa trên cơ sở nghiên cứu và tìm ra căn nguyên để giải quyết phù hợp. Phải cải cách liên tục.
Nhiều người coi ngành sử học như “gương chiếu hậu”. Nhưng như các bạn thấy đấy, ngay cả chiếc xe hơi đắt tiền nhất cũng cần phải có gương chiếu hậu, thậm chí còn có cả camera sau xe.
Dẫn ví dụ thế để thấy, nếu ai đó nói rằng cần phải có một cuộc đổi mới lần thứ hai thì cũng là một cách diễn đạt. Nhưng theo tôi cái trước nhất ta cần làm lúc này là ta phải có một tổng kết nghiêm túc về chặng đường chúng ta đã đi kể từ lúc chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới,
Tôi nghĩ hơi khác giáo sư Vương một chút. Nếu nói Đổi mới chỉ là trả lại cái vốn có của nó thì cũng không hẳn đúng. Bên cạnh việc “cởi trói”, nghĩa là để cho kinh tế phát triển tương đối tự nhiên thông qua điều tiết của thị trường, công cuộc đổi mới thực sự có nhiều yếu tố mới, nhất là việc mở cửa tiếp nhận những giá trị nhân loại trong thời đại toàn cầu. Trên phương diện này nhiều bước phát triển nhờ Đổi mới, đất nước đã vượt xa những gì ta có trong giá trị truyền thống.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, ba cái chữ R mà tôi vừa nhắc tới phải là thường trực, luôn luôn phải xem xét lại những gì đã qua, tiên lượng được tương lai sẽ tới, để từ đó liên tục đổi mới, làm mới mình thì mới bắt kịp tiến trình phát triển của nhân loại.
Tuần Việt Nam

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TIẾP TỤC CẢNH CÁO NHÀ THẦU TRUNG QUỐC



Đường sắt Cát Linh–Hà Đông: 
Tiếp tục cảnh cáo phía Trung Quốc

Đất Việt
Thứ Sáu, 28/08/2015 07:20

TGĐ Ban quản lý dự án đường sắt vừa cảnh cáo tư vấn giám sát, tổng thầu, nhà thầu phụ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 27/8, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho biết: "Ban quản lý vừa ra văn bản cảnh cáo Tổng thầu EPC, tư vấn giám sát (TVGS) và nhà thầu phụ trực tiếp thi công hạng mục ga Hà Đông.


Lý do là những đơn vị này để xảy ra sự cố rơi thanh thép xuống ô tô vào ngày 25/8 tại công trường Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông".

Trong khi đó, PMU đường sắt khẳng định dự án đã xảy ra nhiều sự cố mất an toàn lao động, gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và uy tín của PMU Đường sắt, Bộ GTVT.

PMU đường sắt cảnh cáo: Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh và Viện Khoa học và Công nghệ GTVT ( TVGS Dự án); Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc (Tổng thầu EPC của Dự án); Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Toàn Phát - Topaco (nhà thầu phụ thi công hạng mục ga Hà Đông) do để xảy ra sự cố rơi thép bật vào đầu ô tô lưu thông bên dưới trong quá trình tháo dỡ ván khuôn.

Bên cạnh đó yêu cầu toàn công trường nâng cao công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ theo các chỉ thị của Bộ GTVT đã ban hành trước đây.

Yêu cầu tổng thầu EPC xử lý nhà thầu phụ (Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Toàn Phát- Topaco) để xảy ra sự cố và có hình thức xử lý kỷ luật, điều chyển, thôi việc, thay thế đối với các cá nhân, chỉ huy công trường vi phạm của tổng thầu EPC, nhà thầu phụ.

Yêu cầu Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh và Viện Khoa học và Công nghệ GTTVT có hình thức kỷ luật, điều chuyển thay thế TVGS phụ trách nhà ga Hà Đông và các cá nhân có liên quan.

Hiện trường vụ rơi thanh sắt trúng nóc ô tô

Mặt khác, ông Thành cho biết thêm: "Chúng ta vẫn phải kiểm tra, giám sát tiếp tục, thường xuyên, yêu cầu Tư vấn giám sát, Tổng thầu Trung Quốc làm tròn trách nhiệm của mình giám sát các đơn vị thi công để đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn, lao động, vệ sinh môi trường".

Ông Thành cũng yêu cầu Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát nghiêm túc thực hiện và có báo cáo gửi về Ban QLDA Đường sắt trước 17h ngày 28/8.

"Bên tôi đã cảnh cáo và sẽ vẫn tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, phải yêu cầu các cán bộ quản lý ra ngoài hiện trường đốc thúc các bên làm cho chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Phải làm sao để xây dựng an toàn hơn, tốt đẹp hơn để cho người dân, cộng đồng sử dụng", ông Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm với báo chí, ông Thành cho biết, Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã xảy ra nhiều sự cố mất an toàn lao động, gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và uy tín của Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT.

Do vậy, Ban QLDA đường sắt yêu cầu toàn công trường dự án phải nâng cao công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Trước đó, khoảng 10h15 phút ngày 25/8, tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Hà Đông trên đường Quang Trung (Hà Đông, TP.Hà Nội) thuộc Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, công nhân đã làm rơi thanh thép thừa xuống cạnh hàng rào bảo vệ công trường và bật vào đầu xe ôtô con đang lưu thông.

Ông Thành cho biết, tại khu vực nhà ga này, do làn đường lưu thông chật hẹp không thể mở rộng hàng rào ra hết phần đà giáo đỡ xà mũ nên bắt buộc vẫn phải để phương tiện lưu thông một phần phía dưới.

Trong quá trình tháo dỡ, tuy có đầy đủ cảnh báo ở dưới nhưng do sơ ý, công nhân đã làm rơi thanh thép thừa xuống, rất may không có thiệt hại về người.

Điều đáng bàn, tại cuộc họp về tiến độ thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã quyết định cử Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Trưởng đoàn sang làm việc với Lãnh đạo Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chốt lại tiến độ.

Theo đó, ngày 30/6/2016 sẽ phải đưa đoàn tàu vào khai thác thương mại; đồng thời kiểm tra việc chuẩn bị đoàn tàu mẫu trước khi đưa về Việt Nam.

Thế nhưng, theo các chuyên gia giao thông nhận định thì chưa thể chốt được thời điểm đưa vào khai thác thương mại vì phải đưa đoàn tàu vào vận hành thử, kiểm tra an toàn, lái tàu, thẩm định an toàn, thời gian chốt tiến độ là khó khả thi.

Bảo Hân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một bản án làm xôn xao dư luận

Luật sư Nguyễn Tấn Thi

 ·
Ông Nguyễn Văn Đồng vui mừng sau khi được trả tự do. Ảnh: Nhất Nguyên
Chiều ngày 24/8/2015 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên ông Nguyễn Văn Đồng không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã luận tội và đề nghị án chung thân. Người giữ vị trí chủ tọa phiên tòa là một thẩm phán còn rất trẻ, thẩm phán Nguyễn Văn Nhân. Phán quyết này đang gây chấn động dư luận và là phán quyết, có thể nói là đầu tiên của nền tố tụng hình sự Việt Nam. Theo Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, các thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa là một công chức dưới quyền của lãnh đạo tòa án, gồm có các phó chánh án và chánh án. Ngoài ra các thẩm phán cũng là một đảng viên, thuộc cấp ủy, được lãnh đạo của Bí thư đảng ủy, thường là Chánh án. Mà Bí thư đảng ủy tham gia đảng bộ địa phương thường không nằm trong thường vụ, lãnh đạo công an lại là người trong thường vụ của đảng bộ địa phương. Xét về vai trò, vị trí thì các vị chánh án không có tiếng nói bằng lãnh đạo ngành công an.
Khi xét xử một vụ án, thường các thẩm phán phải thực hiện chế độ báo cáo án cho lãnh đạo tòa án để "thỉnh thị" đường lối xét xử. Đối với những vụ án hình sự và đặc biệt là những vụ án hình sự lớn trước khi truy tố và xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng gồm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thường họp với nhau để thống nhất đường lối xét xử, gọi là cơ chế phối hợp liên nghành. Đặc biệt là các vụ án bị khởi tố và truy tố với khung hình phạt cao.
Trong vụ làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn, nhiều người tiến hành tố tụng đã bị khởi tố, trong đó có cựu thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, người được dư luận và đồng nghiệp đánh giá là hiền lành trong sạch, một người cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Chiêm. Vị cựu thẩm phán Nguyễn Tuấn Chiêm đã thốt lên đầy chua sót "không chết vì bom đạn mà chết vì thủ đoạn của công an" khi biết mình bị khởi tố.
Vụ cựu thẩm phán Nguyễn Tuấn Chiêm bị khởi tố chắc chắn đã làm thức tỉnh đại bộ phận các thẩm phán, những người đã được Hiến pháp và pháp luật trao vào tay mình quyền nhân danh nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại phiên tòa. Thế nhưng buồn thay, ít thẩm phán nào có đủ can đảm, lòng tin để sử dụng thẩm quyền và trách nhiệm mà pháp luật giao cho mình.

Trong quá trình xét xử, nếu thấy chưa đủ căn cứ buộc tội, tòa án thường trao đổi với Viện kiểm sát để đề nghị làm rỏ các vấn đề liên quan và thường trả hồ sơ điều tra bổ sung trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhiều trường hợp đã điều tra bổ sung nhưng không có gì mới, Viện kiểm sát vẫn truy tố thì tòa án phải đưa vụ án ra xét xử.
Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định Tòa án từ chối đưa vụ án ra xét xử theo truy tố của Viện kiểm sát nhưng tòa án có quyền tuyên bị cáo không phạm tội nếu việc truy tố là không đủ cơ sở. Đây là quyền tối cao của tòa án hay nói cụ thể là của Hội đồng xét xử. Tuy vậy đáng tiếc rằng từ trước tới nay rất ít, có thể nói là rất hiếm có Hội đồng xét xử nào tuyên bị cáo không phạm tội khi bị Viện kiểm sát truy tố. Thông thường tòa án sẽ tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung chứ ít khi có đủ "can đảm" tuyên không phạm tội. Và khi tuyên trả hồ sơ điều tra lại thì việc tiếp tục hay đình chỉ việc giải quyết vụ án thuộc trách nhiệm của của Viện kiểm sát và cơ quan điều tra, khi đó tòa an không còn trách nhiệm gì nữa. Những phán quyết này bị giới luật sư cho là những phán quyết thiếu can đảm và thiếu sự nhận thức về quyền lực của Hội đồng xét xử mà Hiếp pháp và pháp luật đã trao cho.
Nay có một thẩm phán trẻ, cùng Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã phá vỡ "lời nguyền" mà bấy lâu các thẩm phán và Hội đồng xét xử đã bị "trù yếm". Niềm vui đang "vỡ òa", pháo hoa đang tỏa sáng trên "bầu trời" tố tụng Việt Nam.
_____________


26/08/2015 Viện kiểm sát sẽ kháng nghị vụ tuyên vô tội ông Nguyễn Văn Đồng 
Xem lại:

Được tuyên vô tội dù bị VKS đề nghị án …chung thân 
24/08/2015 21:42 GMT+7
TTO - Chiều 24-8, sau 3 ngày nghị án, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên vô tội, đồng thời trả tự do tại tòa đối với ông Nguyễn Văn Đồng (65 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).

Ông Nguyễn Văn Đồng vui mừng sau khi được trả tự do. Ảnh: Nhất Nguyên
Ông Nguyễn Văn Đồng vui mừng sau khi được trả tự do. Ảnh: Nhất Nguyên
Đây được xem là một quyết định bất ngờ và khá hi hữu khi trước đó, vào chiều 21-8, trong phần luận tội, ông Đồng bị Viện KSND Bình Phước đề nghị mức án chung thân về tội “giết người”.
Vụ án “giết người” của ông Đồng cũng được xem là một vụ “kỳ án” ở Bình Phước khi cả ba lần đưa ra xét xử trước đó tòa án đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, vào 10g ngày 28-1-2013, ông Đồng đến nhà ông Trần A Ửng (50 tuổi, ngụ cùng xã Đức Liễu) chơi, sau đó tổ chức uống rượu và đánh bài ăn tiền. Lúc này vợ ông Ửng cùng một người con rời nhà đi mua đồ, trong nhà còn lại hai con ông Ửng: cháu Trần Ký Thảo (7 tuổi) và Trần Ký Cường (gần 3 tuổi).
Thấy con khóc nên ông Ửng ngưng đánh bài để dỗ con nhưng Đồng không chịu do đang bị thua tiền, từ đó cả hai xảy ra cự cãi.
Ông Đồng cầm gạch và khúc cây đánh ông Ửng làm rách da đầu, chảy máu. Sau khi bị đánh, ông Ửng đi ra ngồi cạnh giếng, cách nhà khoảng 11m thì ông Đồng xông tới đánh tiếp rồi đẩy xuống giếng. Gây án xong, ông Đồng lên xe đi về nhà.
Khi vợ ông Ửng về đến nhà thì phát hiện chồng đã tử vong dưới giếng.
Tại thời điểm xảy ra án mạng, có một cặp vợ chồng đi làm rẫy, đến vườn cao su gần nhà ông Ửng thì thấy ông Đồng chạy xe máy ngược chiều. Chạy đến gần nhà ông Ửng thì thấy hai con ông Ửng đang khóc.
Từ chứng cứ thu thập và lời khai của một số người liên quan, ngày 29-1-2013, Đồng bị công an bắt khẩn cấp sau đó bị khởi tố và truy tố về tội giết người.
Tại các phiên tòa, đại diện Viện KSND Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội bị cáo Đồng và đề nghị mức án chung thân. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng nhân chứng duy nhất trực tiếp trong vụ án là cháu Trần Ký Thảo. Cháu Thảo là người chứng kiến vụ án và xác nhận hung thủ gây án là ông Đồng.
Viện kiểm sát khẳng định quá trình điều tra, truy tố hoàn toàn khách quan, chứng cứ thu thập được hoàn toàn phù hợp với diễn biến của vụ án. Cháu Thảo tuy còn nhỏ nhưng khi tiến hành thực nghiệm hiện trường cháu vẫn chỉ đúng vị trí mà bị cáo Đồng gây án. Ngoài ra trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, lời khai của nhân chứng phù hợp với hiện trường, thời điểm xảy ra án mạng. Việc truy tố bị cáo Đồng về tội giết người là đúng người, đúng tội.
Trong khi đó, ông Đồng một mực kêu oan, không đồng ý bản cáo trạng. Trong quá trình điều tra ông Đồng cũng không thừa nhận mình đánh và đẩy ông Ửng xuống giếng. Ông Đồng cho rằng giữa hai người không hề có mâu thuẫn hay cãi cọ gì và cũng không có động cơ để giết ông Ửng.
Ông Đồng nói giữa ông và ông Ửng nhận nhau là anh em kết nghĩa, điều này ai cũng biết. Hôm đó ông đến nhà ông Ửng chơi, sau khi hai người uống rượu thì có đem bộ bài ra chơi với nhau, chơi xong cả hai còn ăn cháo rồi ông Đồng mới ra về. Khi ra về ông còn thấy ông Ửng bế cháu Cường trên tay còn cháu Thảo đu trên cổ ông Ửng.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng trong quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan chức năng đã vi phạm nghiêm trọng Luật tố tụng. Các chứng cứ, lời khai đều mâu thuẫn, không rõ ràng, thiếu cơ sở buộc tội đối với ông Đồng. Các tang chứng, vật chứng không thể hiện việc đã được niêm phong. Việc giám định dấu vân tay cũng không được tiến hành và không có văn bản.
Ngoài ra các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ để buộc tội bị cáo. Do đó hội đồng xét xử đã tuyên ông Nguyễn Văn Đồng vô tội và trả tự do ngay tại tòa.
Hội đồng xét xử cũng yêu cầu các cơ quan liên quan bồi thường mọi tổn thất về vật chất, tinh thần, đồng thời khôi phục danh dự cho ông Đồng theo đúng quy định của pháp luật.
NHẤT NGUYÊN
Nguồn: Tuoitre 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biên tập viên Tân Hoa xã phản đối "thành phố Tam Sa": Bước đi phi pháp để hiện thực hóa "thành phố Tam Sa"


Thu Thủy TP - Biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc.

Biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã

Biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã.

Gần đây, khi tình hình Biển Đông căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc có những bước đi ngang ngược, bất chấp lẽ phải và sự thật như khẳng định yêu sách về “Đường Lưỡi bò”, lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa”, biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa”...
Nhà báo Chu Phương sinh năm 1960, Cử nhân Anh văn (1982), Thạc sỹ Báo chí truyền thông (1989), từ 1989 đến nay là biên tập viên công tác tại Ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã.
Ông là nhân vật nổi tiếng có quan điểm thẳng thắn trong làng báo Trung Quốc, hồi tháng 3 năm nay [2012?], từng gây chấn động dư luận bởi là người viết những bài đầu tiên đăng trên Blog Sina.com phê phán Bạc Hy Lai và “mô hình Trùng Khánh” ngay từ khi nhân vật này còn đang trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực.
Ngày 17-7, ông cho đăng bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”.

Trong đó ông viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế... Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải (Biển Đông).
Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay Chính phủ và các học giả nước ta (Trung Quốc) cũng không giải thích rõ được”.
Trước đó, ngày 29-6, Chu Phương viết bài: “Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”. Bài này đã được nhiều diễn đàn mạng đăng lại.
Chu Phương viết: “Nhiều người dân nước ta đến giờ vẫn không hiểu Nga tại sao lại lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự lớn Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Kỳ thực, đó chính là sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước hành động thiết lập “thành phố Tam Sa” đi ngược lại luật quốc tế và vô trách nhiệm của Trung Quốc.
Nếu giai tầng lãnh đạo Trung Quốc đến giờ vẫn không đọc hiểu được thứ ngôn ngữ quốc tế chung đó thì sẽ kéo nhân dân Trung Quốc sa vào một cuộc chiến tranh không thể thoát ra.
Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là một trò cười quốc tế điển hình. Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa chữa sai sót.
Bản thân tôi mạnh mẽ kêu gọi: hãy lập tức hủy bỏ “thành phố Tam Sa”, triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông), dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Nam Hải, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Chu Phương viết: “Trung Quốc đã trải qua kiểu hành động tùy tiện thời “Cách mạng văn hóa”, đã tự mình nếm trải thời kỳ “chính trị thống soái”, cần phải nhận thức được mình là thành viên của đại gia đình quốc tế, cần phải tuân thủ các chuẩn tắc và quy phạm mà cả cộng đồng quốc tế tuân theo.
Trong xử lý công việc quốc tế, nhất là xử lý các vấn đề phức tạp, tồn tại tranh chấp nghiêm trọng giữa các quốc gia, tuyệt đối không được tự mình hành động một mình theo quan niệm giá trị, quan niệm lịch sử và lập trường của mình, chỉ nói điều mình nghĩ; như thế không những không giúp gì cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế, mà còn làm tình hình xấu thêm, gia tăng thêm quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước xung quanh.
Đồng thời cũng làm tổn hại đến hình ảnh và địa vị quốc tế của Trung Quốc, làm suy yếu tiếng nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Trong vấn đề ngoại giao, trong xử lý công việc quan hệ quốc tế, chúng ta cần phải có thêm nhiều nhà ngoại giao, nhà chiến lược quốc tế và những chính trị gia thực sự có tầm để tham gia vào việc quyết sách; quyết không nghe theo tiếng gào thét của những “cuồng nhân chiến tranh” hay để cho quân sự chỉ huy chính trị. Kinh nghiệm lịch sử của tất cả các quốc gia cho thấy rõ: quân nhân can dự chính trị chỉ đem lại tai họa cho đất nước”.
Về việc Chính phủ Trung Quốc vội vàng tuyên bố lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm toàn bộ vùng biển trong “Đường biên giới 9 đoạn” mà họ tự vạch ra một cách vô căn cứ, Chu Phương thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông), khiến cả quốc tế chê cười những nhà quyết sách Trung Quốc thiếu kiến thức về luật quốc tế muốn thông qua việc thiết lập “thành phố”, ngang nhiên đưa công hải (vùng biển quốc tế) vào lãnh hải của nước mình.
Cách làm sai trái ấy không chỉ tạo ra tiền lệ quốc tế, mà còn trở thành trò cười quốc tế, tất sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Quá trình thiết lập “thành phố Tam Sa” thể hiện sự nóng vội và cẩu thả, rõ ràng là quyết định được đưa ra thiếu luận chứng khoa học và không sáng suốt.
Hành động này không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà cũng trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình phù hợp mà Trung Quốc cần có”.
Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Cách làm sai trái ấy không chỉ tạo ra tiền lệ quốc tế, mà còn trở thành trò cười quốc tế, tất sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc
Ông phân tích: “Hành động sai lầm nguy hiểm vô trách nhiệm của một số người trong việc thiết lập “thành phố Tam Sa” đang đẩy nhân dân Trung Quốc sa vào miệng hố chiến tranh. Nhân dân Trung Quốc cần hòa bình, không cần chiến tranh. Trong việc xử lý vấn đề quốc tế và xử lý vấn đề quan hệ với các nước, Trung Quốc cần phải tỉnh táo, không được cuồng nhiệt. Trung Quốc cần làm một dân tộc có trách nhiệm, đứng thẳng giữa khu rừng các dân tộc thế giới; quyết không thể làm một “cô nhi thế giới” hành động ngang bướng. Trong việc giải quyết công việc quốc tế, Trung Quốc cần phải học cách tuân theo quy tắc trò chơi đã được cả quốc tế công nhận, tránh một mình một kiểu, mình khen mình hay, đừng để trở thành Triều Tiên thứ hai”.
Chu Phương thẳng thắn đề xuất ý kiến cá nhân: “Đối với vấn đề “thành phố Tam Sa”, Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận ra sai lầm lớn lao của mình, xin đừng ngại mất thể diện mà bỏ lỡ thời cơ. Trung Quốc cần sớm hành động, sửa chữa sai sót...
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy, một Trung Quốc cô lập sẽ không có tiền đồ. Việc Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự Thái Bình Dương vẫn chưa khiến một số chính khách và quân nhân của ta tỉnh ra.
Trong thế giới ngày nay, sự phát triển của một quốc gia càng cần có sự quan tâm, tham dự và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Đừng nói gì Trung Quốc đang tự coi mình là “quốc gia đang phát triển”, mà ngay cả Mỹ, “Siêu cường quốc duy nhất thế giới” hiện cũng đang ngày càng biết cách lợi dụng và dựa vào cộng đồng quốc tế để đạt được mục đích của mình”.
Ông kết luận: “Thiết lập “thành phố Tam Sa” là hành động tự cô lập mình của Trung Quốc, là một sai lầm chiến lược to lớn cần phải nhanh chóng sửa chữa!”.
T.T.
Theo Sina.com, Zhoufang.blshe.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình còn muốn làm "sạch" chính phủ hơn nữa và sẽ không có ai là an toàn

Bắt TBT Nhân Dân nhật báo điện tử vì đưa tin sụp đổ thị trường chứng khoán

Nguyễn Hường 
(GDVN) - Tổng Biên tập tờ Nhân Dân nhật báo điện tử đã bị bắt. Thông tin này ngay lập tức tạo ra một cơn chấn động ở Trung Quốc vì không chỉ một nhân vật quyền lực...
Tờ Business Insider hôm 28/8 đăng bài phân tích của tác giả Linette Lopez nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thay đổi mọi "luật chơi" ở Trung Quốc và gây ra nỗi lo sợ cho tất cả mọi người với mục tiêu tập trung quyền lực về tay mình.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, một nền kinh tế đang chậm lại, và 145 người thiệt mạng trong vụ nổ ở Thiên Tân vào đầu tháng này đều có thể trở thành cái cớ khiến các nhân vật quyền lực vốn được xem là trung thành bị xử lý.
​Ngày 27/8, truyền thông Trung Quốc loan tin cho biết, Liệu Hồng - Tổng Biên tập tờ Nhân Dân nhật báo điện tử đã bị bắt. Thông tin này ngay lập tức tạo ra một cơn chấn động ở Trung Quốc vì không chỉ một nhân vật quyền lực nữa ở nước này bị hạ bệ mà còn vì đó là một người được xem là rất trung thành với chính phủ.
Tổng biên tập Nhân Dân nhật báo điện tử, Liệu Hồng.
Theo tác giả bài viết, vụ bắt giữ này có thể liên quan tới việc Nhân Dân nhật báo đưa tin về năm ngày sụp đổ thị trường chứng khoán của nước này.

Động thái trên của chính phủ Bắc Kinh đã dấy lên tin đồn trên các trang mạng xã hội Trung Quốc rằng các nhà báo và biên tập viên của tờ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ nước này cũng có thể trở thành các đối tượng điều tra tiếp theo.

Có báo cáo cho rằng ông Tập Cận Bình đang nuôi ý định làm suy giảm quyền lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong bối cảnh gần đây đang rộ lên các tin đồn rằng ông là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Ngày 12 tháng 6, thị trường chứng khoán Trung Quốc có dấu hiệu sụt giảm. Cùng thời điểm đó, ông Lý Khắc Cường bắt đầu bị đổ lỗi rằng sự can thiệp mạnh tay của ông đã không giúp làm bình ổn thị trường mà ngược lại còn khiến nó tồi tệ hơn.

"Các nhà chức trách đã tham gia quá nhiều vào thị trường chứng khoán và bây giờ họ đang cố gắng đổ trách nhiệm cho người khác," Hu Xingdou, một giáo sư kinh tế học tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, nói với Bloomberg về nguyên do dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Trung Quốc.

"Trong thực tế, họ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng thị trường. Đó là các nhà chức trách đã cố gắng hành động như một trọng tài, nhưng lại như một người chơi cùng lúc", ông nói thêm.

Theo tác giả Lopez, Tập Cận Bình đã cố gắng thâu tóm nhiều quyền lực hơn nữa bằng cách làm suy yếu quyền lực của Thủ tướng bằng cách tạo ra "tiểu tổ lãnh đạo" do ông Bình làm Tổ trưởng phụ trách một loạt vấn đề vốn nằm trong khuôn khổ quyền hạn của chính phủ, đảm trách những công việc của các cơ quan khác thuộc chính phủ.

Hôm Thứ Ba, Bắc Kinh cho biết đã đến lúc cần phải "làm sạch" thị trường chứng khoán. Điều này đồng nghĩa với việc một số lãnh đạo ngân hàng sẽ bị mất chức. Người đứng đầu một trong những ngân hàng mạnh nhất Trung Quốc, Citic Securities, đang bị điều tra vì có liên quan tới Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc và Caijing, một tạp chí kinh tế tài chính uy tín hàng đầu của Trung Quốc. Tất cả đều bị cáo buộc  kinh doanh trái phép và phát tán thông tin sai lệch.

Đối với các vụ nổ gần đây ở Thiên Tân, 12 quan chức đã bị bắt hôm thứ Năm vì những cáo buộc tham nhũng và thiếu trách nhiệm.

Đó không phải là các vụ bắt giữ và điều tra cuối cùng. Tập Cận Bình còn muốn làm "sạch" chính phủ hơn nữa và sẽ không có ai là an toàn, tác giả Lopez nhấn mạnh./.
Nguyễn Hường
 
Nguồn: Giaoduc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyên tử tù Liên Khui Thìn: Sau “Hoàn Lương” là giấc mơ cao lương đổi đời những người mãn hạn tù



  

(LĐ) - Số 194 Đăng Hải - 10:36 AM, 25/08/2015 Ông Liên Khui Thìn, người từng bị kết án tử hình liên quan đến vụ án kinh tế Epco-Minh Phụng

Ông Liên Khui Thìn, người từng bị kết án tử hình liên quan đến vụ án kinh tế Epco-Minh Phụng, trải qua hơn 4.380 ngày trong
tù, trong đó có hơn 1.000 ngày bị biệt giam. Sau khi được đặc xá, ông cùng những người bạn tù lập ra Quỹ Hoàn Lương (nay là Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng - HN&PTCĐ) tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.
Sau 4 năm hoạt động, đến nay, Quỹ HN&PTCĐ đã giúp đỡ, làm thay đổi cuộc đời hàng trăm số phận từng mang án tù.

Đổi đời từ xe bánh mì 
Sáng, chiều hai buổi, anh Nguyễn Ngôn  (tên nhân vật trong bài đã được thay đổi) cùng vợ lại đẩy xe bánh mì cộng đồng ra cạnh một ngôi trường THCS nằm gần đường Hồng Bàng (quận 6, TPHCM). Mỗi ngày, vợ chồng anh bán được gần 100 ổ, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận còn lại bình quân khoảng 180.000 đồng.
Anh Ngôn tâm sự: "Xe bánh mì của vợ chồng tôi chủ yếu bán cho các cháu học sinh nên đắt hàng từ thứ hai đến thứ bảy, còn ngày chủ nhật chỉ bán cho vui. Nhờ biết dành dụm, gói ghém chi tiêu, sau hơn hai năm bán bánh mì, chúng tôi cũng để dành được một số vốn nhỏ.
Mới đây, vợ chồng tôi dùng số vốn tích lũy đó sang lại được một quán nước vỉa hè gần với nơi đặt xe bánh mì để kiếm thêm, nên cuộc sống bây giờ cũng ổn định".

xe bánh mì của gia đình bà Thanh 
Cùng với vợ chồng anh Nguyễn Ngôn, gia đình bà Thái Thị Thanh (phường Bình Trưng Tây, quận 2) là 1 trong 114 gia đình có người thân đã chấp hành xong án phạt tù và gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn được tặng xe bánh mì từ chương trình “Xe bánh mì cộng đồng” của quỹ HN&PTCĐ.
Bà Thanh kể: “Ngày đón con trai ở tù về, gia đình mừng hết lớn. Nhưng vui cũng chỉ được thời gian ngắn, lại thấy lo. Lo vì con mình không có việc làm, ăn chơi ngồi suốt ở nhà, chân tay ngứa ngáy thể nào cũng lại tụ tập bạn bè và mắc tiếp sai lầm.
Nghĩ vậy, tôi động viên con và cùng nó mang đơn đi xin việc làm, nhưng khổ nỗi, con mình mới ra tù lại không nghề ngỗng gì nên đến nơi nào xin việc, người ta cũng lắc đầu không nhận”.
Bà Thanh quay sang chiếc xe có dòng chữ "Bánh mì cộng đồng", nói tiếp: “Cuộc sống của gia đình tôi đang rất khó khăn thì được các anh công an trên phường, quận tới động viên và giới thiệu về chương trình xe bánh mì cộng đồng. Sau đó, các anh lại giúp vợ chồng tôi làm đơn gửi lên quỹ HN&PTCĐ để xin được hỗ trợ. Vài ngày sau thì có người của quỹ đến khảo sát và tặng cho gia đình tôi chiếc xe bánh mì trong mơ này”.
Xe bánh mì của gia đình bà Thanh bán ngay đầu một ngôi chợ truyền thống trên đường Nguyễn Duy Trinh nên khá đắt khách. Bà Thanh nhẩm tính, mỗi ngày trừ hết chi phí, tiền lời thu về từ xe bánh mì được hơn 200.000 đồng.
Khi đã có thu nhập ổn định vào đầu năm 2013, bà Thanh cho cậu con trai đi học sửa máy bơm, máy phát điện ở một cửa tiệm bên quận 9. Trong thời gian vừa học việc và làm thợ ở đây, do chịu khó, chăm chỉ học nghề và phụ việc, anh Nguyễn Sơn (con bà Thanh) được ông chủ thương gả con gái cho.
Đầu năm 2015 gia đình bà Thanh đã rất hạnh phúc khi đón thêm một thành viên mới, đứa cháu nội - con của vợ chồng anh Nguyễn Sơn. "Từ khi vợ sinh con, để tiện việc chăm sóc con, thằng Sơn xin nghỉ làm ở tiệm của bố vợ và chuyển vào làm bảo vệ, kiêm thợ sửa điện nước tại một công ty gần nhà, mỗi tháng thu nhập cũng được gần 5.00.000 đồng. Công việc ổn định, sáng đi làm chiều về nhà cùng bà nội trông con cho vợ tiếp tục theo học năm cuối đại học" - bà Thanh vui vẻ khoe với chúng tôi.
Giấc mơ cây cao lương
Quỹ Hoàn lương được thành lập từ năm 2010, nay đổi tên thành Quỹ HN&PTCĐ. Với khoảng thời gian 4 năm, Quỹ đã trao tặng được hơn 100 xe bánh mì, xe cà phê cộng đồng giúp những người mãn hạn tù và người thân của họ có công ăn việc làm ổn định, hòa nhập với xã hội.
Bên cạnh tặng xe bánh mì, xe cà phê, Quỹ còn tổ chức tư vấn pháp lý, phát quà từ thiện, khám chữa bệnh… cho người nghèo, người mãn hạn tù và thân nhân của họ. Hiện, Quỹ đã được một tổ chức của  Australia nhận tài trợ 1.000 xe bánh mì, dự kiến đầu năm 2016 sẽ tổ chức trao tặng cho gia đình và người mãn hạn tù.
Ông Liên Khui Thìn, người đàn ông 62 tuổi, từng trải qua hơn 4.380 ngày ăn cơm tù, nhớ lại: “Sau khi được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân xá,  giảm án từ tử hình xuống chung thân, tôi được ra trại bên ngoài sau hơn 1.000 ngày ở trong khu biệt giam tử tù Chí Hòa. Khi nhập trại bên ngoài, tôi gặp ngay đoàn người khá đông nhập trại.
Qua tìm hiểu, tôi biết, trong số đó có không ít thanh niên do định kiến của xã hội, gia đình không đón nhận, ra tù không biết phải làm gì nên lại con đường phạm pháp, tù tội. Đó là thực trạng hiện nay và thực trạng này rất đau lòng. Ý nghĩ đó cứ theo tôi đến khi ra tù. Tôi nghĩ, phải làm cái gì đó để những người đã từng ở tù không tái phạm nữa”.
Sau khi mãn hạn tù, ông Liên Khui Thìn lập quỹ Hoàn Lương để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ 
Sau một thời gian thụ án và cải tạo tốt, ông Liên Khui Thìn được giảm án và đặc xá dịp Quốc khánh 2.9.2009. Khi thoát cảnh tù tội, ông Thìn đã tìm đến bạn bè, người thân vận động, thuyết phục họ tham gia thành lập quỹ HN&PTCĐ. Nhận thấy ý tưởng của ông mang tính nhân văn, một số người ủng hộ, song không ít người lại nghi ngờ, đặt câu hỏi: “Ông Thìn có ý đồ gì khi tập hợp những người mãn hạn tù?”.
“May mắn tôi đã gặp được luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM. Tuy mới quen nhưng ông Tạo rất nhiệt tình giúp đỡ tôi trong mọi hoạt động. Quỹ HN&PTCĐ ra đời với số vốn ban đầu khoảng 600 triệu đồng, đa phần là từ sự đóng góp của bạn bè, người thân” - ông Thìn chia sẻ.
Theo ông Liên Khui Thìn, có ba yếu tố tạo nên thành công ban đầu của Quỹ: “Thứ nhất là sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội. Thứ hai là hình thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, thu nạp, phân phối đúng đối tượng, rõ ràng, minh bạch. Thứ ba là phải làm sao để cơ quan nhà nước và nhất là tổ chức kinh tế tham gia hỗ trợ cho quỹ thực sự.
Hơn nữa, mình là người đã từng phải ngồi tù, hiểu hơn ai hết công ăn, việc làm đối với người mãn hạn tù là rất quan trọng. Tuy nhiên, một số mạnh thường quân từng tham gia tài trợ cho Quỹ từ ngày đầu thành lập, gần đây làm ăn không có lãi nên đã chia tay quỹ..."
Nhưng không chịu bó tay, đầu năm 2014 ông Liên Khui Thìn thành lập doanh nghiệp và lấy lại tên gọi cũ - Epco. Mục đích thành lập doanh nghiệp của ông không phải để làm giàu cho bản thân, mà kinh doanh nhằm lấy lãi phục vụ lại cho quỹ tạo công ăn việc làm cho người mãn hạn tù.
Ông Thìn cho biết: "Hiện, tôi đang có dự án thành lập nông trường để trồng cây siêu cao lương. Thời gian cho thu hoạch của loại cây này chỉ 3,5 tháng, năng xuất, chất lượng và giá trị kinh tế rất cao. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của cây cao lương sẽ được một doanh nghiệp của Nhật Bản bao tiêu hết".
Hiện Cty Epco đã cho trồng thử nghiệm hơn 3 ha cây cao lương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và thấy cây phát triển rất tốt. Sau khi thử nghiệm, đánh giá kết quả cụ thể doanh nghiệp sẽ triển khai trồng đại trà. Cty Epco cũng đang có ý tưởng sẽ phối hợp với công an và các cơ quan chức năng để phát triển trồng cây cao lương ngay tại những khu đất còn trống trong các trại giam để người đang thụ án có cơ hội được làm việc, cải tạo tốt hơn.
Theo ông Thìn, chính những phạm nhân đang thụ án và người đã mãn hạn tù họ sẽ là lực lượng lao động có kỷ luật nghiêm, tâm huyết lớn, sẽ gắn bó làm việc lâu dài với nông trường, Cty Epco.
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Liên Khui Thìn gần như không cười, từ chối tất cả những câu hỏi liên quan đến bản thân bởi “tất cả đã thành quá khứ”. Chỉ khi đề cập đến về dự án cây cao lương, ông Liên Khui Thìn mới cười tươi.
“Ngày trở về với xã hội, những người mãn hạn tù sẽ là những xã viên cơ hữu của nông trường thuộc Cty Epco với mức thu nhập ổn định. Chúng tôi xây dựng mô hình này gần giống với hợp tác xã vì mọi người lao động sẽ có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau" - ông Liên Khui Thìn chia sẻ về ước mơ của mình.

Nguồn: Laodong

Phần nhận xét hiển thị trên trang