Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Đặng Thân – “điển hình của văn học hậu-Đổi mới”


(Ghi chép Tọa đàm về “Dị-nghị-luận|Đồng chân dung” của Đặng Thân, L’ESPACE – HÀ NỘI 9/1/2013)

SYLVAIN FOURRIÈRE – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) khai mạc:
Chúng tôi xin mời quý vị đến với buổi tọa đàm về tác phẩm Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung của Đặng Thân. Tọa đàm này được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách của Đặng Thân, do Công ty sách Thái Hà xuất bản, và cũng là đơn vị đồng tổ chức sự kiện hôm nay. Tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến Công ty sách Thái Hà.
Tôi không biết là liệu có cần phải giới thiệu nhà văn Đặng Thân với các quý vị nữa không bởi vì đây là một nhà thơ, nhà văn rất nổi tiếng; nổi tiếng ở Việt Nam nhờ vào rất nhiều yếu tố, và một trong những yếu tố đó là đặc biệt là anh có một giọng văn rất độc đáo và phong cách nổi loạn, và các tác phẩm của anh được đánh giá là điển hình của văn học hậu-Đổi mới. Trong tác phẩm Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dungĐặng Thân đưa ra cho chúng ta một cái nhìn mới về các nhà văn đương đại, các tác giả đương đại của văn học Việt Nam. Cách tiếp cận của anh vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật.
Và bây giờ thì tôi xin hân hạnh được giới thiệu các diễn giả của buổi tọa đàm hôm nay với các quý vị.
Trước hết xin giới thiệu PGS.TS La Khắc Hòa (tức nhà phê bình Lã Nguyên) đến từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (cử tọa vỗ tay)
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học. (cử tọa vỗ tay)
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cán bộ Viện Văn học, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, và sẽ là người dẫn chương trình của buổi tọa đàm hôm nay. (cử tọa vỗ tay)
Và cuối cùng, chính là nhà văn Đặng Thân, tác giả của cuốn sách. (cử tọa vỗ tay)
Tôi xin trân trọng cảm ơn các diễn giả đã nhận lời đến tham gia tọa đàm hôm nay, và xin trân trọng cảm ơn Công ty sách Thái Hà đã đồng tổ chức cho sự kiện này. Cảm ơn các nhà báo, và đặc biệt là cảm ơn các quý vị đã đến tham dự chương trình, và xin chúc quý vị có một buổi tối thú vị và thành công! (cử tọa vỗ tay) Xin trân trọng cảm ơn! 
 LÃ NGUYÊN: Cái mới trong lối viết của Đặng Thân
Cuốn Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung của tác giả Đặng Thân là một tuyển tập, như tôi đọc thì đây là một cuốn sách hay. Trong ấy có những bài theo tôi nghĩ là rất hay. Tất nhiên nói là hay hoặc dở thì đó là định giá chủ quan theo kinh nghiệm và thị hiếu của cá nhân, cho nên mới có chuyện “Lỗ mũi mười tám gánh lông / Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho.” Và người phương Tây thường có câu là trước mùi vị và màu sắc thì không có đồng chí… Cho nên là thế này: tôi không dám áp đặt cái ý thích chủ quan của tôi lên cử tọa.
Nói đến Đặng Thân là người ta nghĩ đến một nhà văn hậu-Đổi mới, vậy thì tôi xin phép nói về cái mới của quyển sách này thôi. Cái mới là có thể nói ra được, và có thể giúp chúng đến với một sự đồng thuận nào đấy, hơn là bàn đến cái hay của cuốn sách. Cái hay hay cái mới cũng có nhiều chuyện để nói, nhưng câu chuyện tôi muốn nói ở đây là cái mới trong lối viết của Đặng Thân, hay là cái mới trong cách diễn ngôn của Đặng Thân. Mỗi thời đại, như nhà văn Nguyên Ngọc đã trình bày theo Roland Barthes, có một cách viết… Nghệ thuật thực chất là giao tiếp nghệ thuật, mà giao tiếp nghệ thuật thực chất là diễn ngôn. Thế cho nên bàn về cái mới trong cách viết của Đặng Thân thì chủ yếu tôi bàn về chuyện diễn ngôn. Có ba cơ sở để bàn về diễn ngôn:
1. Chủ thể lời nói.
2. Các thể loại diễn ngôn.
3. Vốn từ vựng được sử dụng để thực hiện thể loại diễn ngôn đó. 

Chắc nhiều quý vị đã biết đến một thuật ngữ quen thuộc của Michel Foucault, mỗi thời đại có một trường trí thức chi phối, cho nên mỗi thời đại có một lối viết, một loại hình diễn ngôn. Và nếu ta quan sát từ đầu thế kỷ XX đến nay, hẹp hơn thì chỉ cần quan sát ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay, chí ít ta nhận ra có ba lối viết, ba loại hình diễn ngôn, lần lượt thay thế nhau và tiếp tục phát triển. Cho đến nay có một-hai lối viết chồng ghép lên nhau, cùng song song tồn tại. Và trong ba lối viết này thì Đặng Thân, theo tôi là đại diện cho một lối viết. Trước và cùng với Đặng Thân có một lối viết khác, trước nữa có một lối viết khác… Mỗi một lối viết thì có một chủ thể diễn ngôn; chủ thể này phi cá nhân, phi cá thể. Thứ hai nó có cái thể diễn ngôn. Thứ ba nó có lớp từ người ta sử dụng để diễn ngôn.
Theo tôi, mỗi thời đại đều có loại diễn ngôn/lối viết thì nó có chủ thể của lời nói. Từ đầu đến giữa thế kỷ XX, khoảng những năm 1950; ở Việt Nam thì muộn hơn, khoảng từ 1945 đến quãng 1970, thì ở ta tôi thấy xuất hiện một chủ thể lời nói mà tôi đã viết trong bài “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình giao tiếp nghệ thuật”; và tôi gọi chủ thể lời nói ấy thực chất là chủ thể chủ nhân xã hội người chiến thắng. Lúc bấy giờ người ta phát ngôn với tư cách người chiến thắng, với tư cách là một ông chủ. Ai cũng nghĩ xã hội này là một xã hội sáng tạo… Ở ta từ 1945, đặc biệt là từ năm 1960, mỗi khi phát ngôn trong việc sáng tác tác phẩm cụ thể thơ, văn, kịch hay lý luận phê bình thì đều phát ngôn với tư cách người làm chủ xã hội – người chiến thắng… Phát ngôn với tư cách nắm rất chắc chân lý ở trên tay; phân tích thế giới thành các loại ta-địch, chúng nó là vật, ta đây là người, trong chúng ta có đồng bào đồng chí… trong một trật tự diễn ngôn mà người nói đứng ở một vị thế rất cao, vị thế của người làm chủ, người chiến thắng.
Giai đoạn thứ hai ở trong văn học Việt Nam (bắt đầu từ 1975, trên thế giới thì bắt đầu từ những năm 1950-1960) có một chủ thể diễn ngôn khác, bắt đầu xuất hiện rải rác trong một số tác phẩm chính thức được in ở miền Bắc. Ví dụ như “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu… Theo sự quan sát của tôi, tôi gọi cái chủ thể diễn ngôn này là chủ thể bị chấn thương, sau một thời kỳ đặt hết niềm tin vào vị trí người làm chủ của mình để rồi ngộ ra là không phải… Giai đoạn này thường thấy giọng cứ tin là mình đúng mà rồi thấy không phải, không đúng nữa; đi từ niềm tin của ông chủ sang chấn thương, chỗ nào cũng sai. Kêu giời lên đọc “lời ai điếu cho một thời văn chương minh họa”. Nói nhầm nữa. Lý thuyết lúc bấy giờ đều nói chuyện bị nhầm, trắng tay. Trong diễn ngôn thì ta thấy các sáng tác văn học từ Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng… đặc biệt là sau này trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp với cái motif “người đi tìm” rồi thảm bại ê chề hoặc trớ trêu. Con người của chấn thương. Trong sáng tác của Phạm Thị Hoài bao giờ cũng có người phụ nữ ngồi chờ mà chả được cái gì cả… Tôi không hiểu làm sao mà Đặng Thân cũng khá gần với thế hệ chấn thương, [với thế hệ chúng tôi], tôi thì cũng đã từng là người chiến thắng, rồi sau này tôi cũng phát ngôn với tư cách người chấn thương (chấn thương lý thuyết)… [thế mà anh ấy lại khác]… […]
Giờ tôi thấy xuất hiện có một hệ hình tư duy kiểu khác, vượt ra khỏi anh chiến thắng và anh thất bại. Theo tôi với quyển Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung này, thực ra là bắt đầu từ Ma Net và 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], thì tôi thấy Đặng Thân đại diện cho một chủ thể phát ngôn mới, một chủ thể diễn ngôn hoàn toàn mới. Tôi chưa biết gọi tên chủ thể này là gì, dù hiện nay tôi đã nghĩ ra nhiều cách để định danh cho cái chủ thể phát ngôn sau cái chủ thể chấn thương, tôi tạm mượn cái thuật ngữ của Mikhail Bakhtin là “trào tiếu trang nghiêm”. Trước kia ta có cười, có khóc, cái gì cũng trang nghiêm. Đã cười là không thể trang nghiêm được… Tôi mượn Bakhtin thuật ngữ đó để chỉ cái loại hình chủ thể phát ngôn sau chủ thể chấn thương, tức là cái chủ thể trào lộng/ đùa bỡn trang nghiêm. Anh vươn ra khỏi thế giới của cái sự nghiêm túc ấy để anh có thể đùa bỡn được tất cả, tức là sang một cái cõi khác, sang một thế giới khác, nhưng đừng tưởng không trang nghiêm… Ví dụ nếu quý vị đọc trong cuốn sách này quý vị sẽ thấy có lẽ không có bài nào nghiêm túc với âm hưởng ngợi ca hơn là bài Đặng Thân viết về Hoàng Ngọc Hiến, một bài cực kỳ rưng rưng cảm động dào dạt cảm hứng ngợi ca, nhưng đừng tưởng trong đó không đùa bỡn. Có một chi tiết đùa bỡn mà tôi thích vô cùng, như trường hợp nhà thơ trào phúng Tú Xương bỡn cả thiên hạ, vậy thì ta cũng hèn gì không bỡn với ông ấy; nhưng tôi đảm bảo chắc chắn không có ai dám bỡn với vợ ông Tú Xương cả. Không ai dám, Đặng Thân dám. Thế mới thú […]… Nhưng cũng đừng tưởng giỡn như thế là không trang nghiêm. Thế nên tôi cho rằng một trong những cái rất mới trong cách diễn ngôn, trong lối viết của Đặng Thân, là tạo ra một chủ thể phát ngôn khác. Chủ thể này đại diện cho cái phạm trù văn hóa khác, so với những phạm trù đã qua mà chúng ta đã biết, nó hiện hình ở trong văn chương như những thực thể, giống như những thực thể chứ không phải là những thực thể đã được ký hiệu hóa. Theo tôi, cái mới đầu tiên mà tôi cảm nhận được từ cuốn sách này của Đặng Thân, cũng như là những cuốn tôi đã đọc, là tạo ra chủ thể diễn ngôn mới. Do tạo ra được chủ thể diễn ngôn mới thì chắc chắn là Đặng Thân sẽ tạo ra thể loại diễn ngôn mới. Khi ta nói ta đều theo một thể loại nào đó. Ông Bakhtin nói học nói tức là học thể loại, học nói tức là học cách viết. Mỗi một thể loại lại giúp ta hình thành cả nội dung, cả mảng từ vựng, phong cách và hình thành cả công thức để nói (Cho nên có nhiều người nghiên cứu khoa học rất uyên bác đến lúc tán gái lại không mở miệng được. Không phải họ nói không giỏi, không phải họ bí từ, mà họ không thuộc cái thể loại nói, cho nên bất lực. Cho nên học nói chính là học các thể loại lời nói…). Vậy theo tôi, ba loại hình của chủ thể diễn ngôn sẽ tạo ra những hệ hình của thể loại diễn ngôn khác nhau. Theo dõi văn học của ta từ 1945 đến 1975 tôi thấy chỉ có bốn thể diễn ngôn mà thôi:
– Thể thứ nhất là “thệ”, tức là thề. Từ ấy là một tập thơ thề. “Việt Bắc” là một bài thơ thề.
– Thể thứ hai là “hịch”, kêu gọi.
– Thể thứ ba là “cáo”; người chiến thắng phải “đại cáo”.
– Thể cuối cùng là “ca thi”, nhiều nhất trong lịch sử văn học của ta.
Các thế hệ chống Pháp và Mỹ thì thế này: Viết “hịch”, viết “cáo” thì có các vị cao tuổi như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Viết “ca thi” thì thế hệ trẻ hơn như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… rất giỏi.
Chủ thể chấn thương thì thì thể diễn khôn nó khác. Từ cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 đến bây giờ thì tôi thấy cực kỳ thịnh hành hai thể diễn ngôn là “hoán” và “nộ”. Thử xem văn Nguyễn Minh Châu hay Nỗi buồn chiến tranh cũng vậy, không thể quy vào “hịch”, “cáo” được.
Đến thời của anh Đặng Thân thì anh ấy đại diện cho một chủ thể diễn ngôn khác, đó là “đùa bỡn trang nghiêm”, tạo ra một thể diễn ngôn khác. Tôi xin lấy chữ của một bà người Nga với ý là: sau Dostoevsky văn học chỉ có thể phát triển, thể hiện tâm trạng thời đại theo hai hình thức là phân tích đến tận cùng và giễu nhại trong hình thức carnaval. Diễn ngôn “giễu nhại” chắc chắn là một trong các thể diễn ngôn của Đặng Thân, kể cả trong Ma Net, trong 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], và đặc biệt là trong Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung.
Trong một bài giới thiệu Đặng Thân thì tôi nói anh ấy thạo nhất dùng một mạch từ rất quan trọng [tôi sẽ nói kỹ sau; do anh ấy giễu nhại] mà chủ thể chấn thương và chủ thể người chiến thắng không biết. Suốt từ 1945 đến 1975 kể cả trong sáng tác lẫn phê bình có được ba-bốn loại ngôn ngữ.
– Thứ nhất là ngôn ngữ nhà binh. Ví dụ: mặt trận, ra quân, đánh (chén/ giấc…).
– Thứ hai là ngôn ngữ dòng tộc.
– Thứ ba là ngôn ngữ đình đám.
Sau năm 1975 ba loại ngôn ngữ này lập tức thay đổi […], bây giờ nổi lên ngôn ngữ thương nhân/ con buôn hay ngôn ngữ bài bạc, ngôn ngữ đường phố. Ví dụ: thương hiệu… Đó không phải ngôn ngữ ở bậc cao mà chính là ngôn ngữ ở dưới thấp nó đã ào vào diễn ngôn của thế hệ sau, thế hệ bị chấn thương. Tôi gọi là thế hệ của những người “vong gia”, “thất thổ”, “lạc loài”. “Lạc loài” chính là chữ của Nguyễn Huy Thiệp trong “Tướng về hưu”… Thế là cái diễn ngôn khác thì ngôn ngữ nó khác.
Toàn bộ ngôn ngữ của các thế hệ trước tôi gọi là ngôn ngữ đơn nhất. Còn cái ngôn ngữ đến Đặng Thân thì do thể loại diễn ngôn khác, anh ấy dùng mảng từ vựng khác, mà tôi gọi là dùng loại từ dùng với lớp nghĩa connotation, tức là cái nghĩa mở rộng ra, chứ không phải là cái nghĩa độc điệu, đơn nhất nữa. Câu chuyện của tôi tạm dừng ở đây, có gì tôi sẽ nói tiếp. (cử tọa vỗ tay) 
PHẠM XUÂN NGUYÊN:
Xin giới thiệu thầy La Khắc Hòa với quý vị. Một thầy giáo đại học mà nói được hay như thế này, là bậc anh của chúng tôi, nghiên cứu rất sâu. Nhưng mà như lúc đầu chúng tôi có nói, thì nhà lý thuyết tìm được một nhân vật để chứng minh cho lý thuyết, kể ra từ khi mà gặp được Đặng Thân, thì nhà lý thuyết Lã Nguyên rất say mê. Anh đã viết về 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], và những điều anh vừa nói, thì hôm nay tờ Nghệ Thuật Mới số 12 này mọi người hãy tìm đọc bài anh lý giải rất là trên cơ sở khoa học những lý thuyết các chủ thể diễn ngôn, các thể loại diễn ngôn qua ba thời kỳ […] Anh đã đặt những sáng tác đã được công bố của Đặng Thân vào trong chủ thể thứ ba, phát ngôn kiểu “nghiêm trang cười cợt”, hay ta gọi là “nghiêm cợt” đi, nó chơi lại cái “nghiêm cẩn”. Có ai có phản ứng gì hoặc là trao đổi gì với PGS La Khắc Hòa không ạ?
Vâng, xin mời nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành.
NGUYỄN VĂN THÀNH:
Tôi xin hỏi chứ tôi không nói gì cả. Tôi nghe được rất là vắn tắt thôi, tác giả Đặng Thân đặt tên cuốn sách của mình là Dị-nghị-luận, tức là anh ấy nói cái khác. Bản thân cái chữ “dị” là khác, nhưng mà trong những lời nói của anh La Khắc Hòa thì anh ấy lại nói rằng là anh ấy thích thú cuốn sách này ở cái mới của nó. Thế thì tôi đề nghị anh Đặng Thân trả lời anh quan niệm thế nào là cái khác, và tại sao anh lại đặt tên cho cuốn sách của mình hơi có vẻ trêu tức hoặc là gần như thế. Đấy là câu hỏi cho anh Đặng Thân. Và câu hỏi cho anh La Khắc Hòa, thế thì tại sao anh lại không thấy cái khác mà anh lại thấy cái mới, hay là anh quan niệm cái mới đấy là cái khác. Xin hai anh trả lời. (cử tọa vỗ tay)

 ĐẶNG THÂN:
Cảm ơn anh Nguyễn Văn Thành. Được biết anh là một chuyên gia về sân khấu, nên chắc là anh rất quan tâm tới hình thức cuốn sách nên anh mới phải quan tâm tới cái nhan đề như vậy. Tâm sự của tôi thì giản dị thôi. Tôi đưa ra cái nhan đề Dị-nghị-luận trước hết là xuất phát điểm từ một vài những tầng nghĩa của nó. Cái nghĩa thứ nhất đó là tôi cũng muốn nói nó là một cái nghị luận khác. Thực sự là nó không giống các hệ thống nghị luận mà mọi người đang được thấy ở trong các môi trường hàn lâm hay là môi trường báo chí hay các môi trường học thuật. Tôi nghĩ, chắc chắn tôi có những góc nhìn khác vì thế tôi khẳng định đó là một cái nghị luận khác. Cái điều thứ hai là nó còn một nghĩa, một cái tầng nghĩa khác của cái nhan đề đó, đó là luận về sự dị nghị, luận về những điều dị nghị, những vấn đề dị nghị. Tất nhiên nó còn nhiều tầng khác, tôi không muốn mất thời giờ, tôi chỉ gợi mở ít nhất có hai tầng nghĩa trong cái nhan đề thứ nhất.
Nhan đề thứ hai là tôi dựng chân dung của khá nhiều các tác giả Việt Nam và một số tác giả nước ngoài mà tôi yêu thích. Quan niệm của tôi về dựng chân dung thì trên đời này không có ai dựng được chân dung của ai cả, cho nó đến thật hoàn mỹ. Bởi vì nếu cho tôi dựng chân dung của tôi thì tôi nghĩ rằng tôi cũng không dựng cho hoàn mỹ được. Vì thế tôi chỉ dám đồng hành cùng với các chân dung đó, cho nên gọi là đồng hành trong cái nghĩa Đồng-chân-dung, chứ không nhất thiết nó là giống (tất nhiên, cũng có cái nghĩa là một chân dung giống). Thứ hai, cái cuộc đồng hành đó tôi cũng có một phần tôi trong chân dung của cái người tôi dựng, chứ không phải chỉ có một mình chân dung đó. Tôi nghĩ anh Đỗ Lai Thúy có nhận xét rất hay ở chỗ này, các anh các chị có thể đọc trong cái bài giới thiệu đăng trên báo Tiền Phong. Đó là một cái lịch sử chân dung có nhiều tầng lớp chân dung. Tóm lại, tôi xin có hai điều như vậy. Và tôi tin chắc rằng sau đây quý vị sẽ được nghe sự giải thích hay ho hơn nhiều từ PGS.TS La Khắc Hòa. (cử tọa vỗ tay)
LÃ NGUYÊN: Cái mới và cái không mới nhưng rất khác người của Đặng Thân & lối “vẽ rồng trong mây”
Tôi rất cảm ơn anh Thành đặt câu hỏi […] Trước hết là tôi nói về cái mới. Vì cái mới chắc chắn phải là cái khác, tất nhiên là tương đối thôi. Tôi có hai ý, trước là nói về cái mới, sau là về cái khác mà không mới. Bản thân cái mới đã là cái khác rồi. Tất nhiên, mới cũng là tương đối thôi […][…] Đặng Thân đã tạo ra được cái mới, tức là anh ấy đã tạo ra được cái khác so với những gì mà những người đi trước anh ấy đã làm, chứ không phải so với những gì anh ấy chưa làm được… Có những cái anh Đặng Thân làm không mới nhưng rất khác người. Rất khác nó gắn với chữ “dị” ở đây […][1]
Nếu để ý cách đặt tên sách của Đặng Thân Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung thì tôi không để ý lắm đến các chữ “dị”, “đồng”. Cái tôi quan tâm là các chữ “nghị-luận” và “chân-dung”. Trước đấy Đặng Thân có tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] thì thấy anh ấy mỗi khi đặt tên một tác phẩm được tạo ra một mô hình biểu nghĩa mà tôi tạm gọi đó là mô hình một thế giới nhất thể lưỡng nghi. “Nghị-luận” và “chân-dung” là lưỡng nghi của một nhất thể, nhưng phi đẳng cấu. Một bên là tư duy logic, một bên là tư duy hình tượng; một bên là tư duy gọi số, một bên là tư duy huyền thoại. Hai chuyện rất khác nhau. Đây là một mô hình biểu nghĩa nằm trong tư duy triết học truyền thống của ta, một cấu trúc biểu nghĩa rất truyền thống. Khi đọc cuốn sách này ta sẽ thấy “nghị-luận” và “chân-dung” không tách rời nhau. Cũng như ở trong tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] anh ta vừa có một mô hình truyện được viết theo lối phúng dụ làm khung của truyện kể, nhưng đồng thời toàn bộ lớp nghĩa, cái ngoại đề nó lại có sự thay thế cho chủ đề, làm thành một quyển từ điển bách khoa mở. Cũng như vậy, trong cuốn này, “nghị luận” và “chân dung”, tôi hiểu chữ “dị” và chữ “đồng”, nó vừa có chân dung nhưng lại là chân dung và nghị luận, có nghị luận nhưng lại nghị luận bằng chân dung.
Cho nên, một trong những điểm tôi thấy anh Đặng Thân vẽ chân dung rất độc đáo, mà nhà phê bình Đỗ Lai Thúy gọi là “bầu trời trong giọt nước”, tôi thì gọi cách phê bình, cách vẽ của Đặng Thân là “vẽ rồng trong mây”. Rất nhiều bài tôi thấy anh ta chẳng vẽ chân dung đâu cả, con rồng khi ẩn khi hiện ở trong mây. Khi thì rồng hiện ra ngoài như bài viết về Hoàng Ngọc Hiến; khi thì con rồng nó ẩn đi và đến cuối cùng nó mới xuất hiện, lấp lóa hiện lên ở cuối bài viết, như là bài viết về Nguyễn Quang Thiều. Đây là những cách rất khác so với người ta tuy không phải là cái mới (ví dụ “vẽ rồng trong mây”), và tôi tâm đắc nhất với cách viết chân dung của anh Đặng Thân trong cuốn sách này. (cử tọa vỗ tay)

 ĐỖ LAI THÚY:
Thực ra tôi thấy anh Đặng Thân cũng là một trong những người rất có tài trong chuyện đặt đầu đề. Những cuốn sách của anh Đặng Thân thì thứ nhất là đặt đầu đề rất hấp dẫn. Thứ hai là nó chứa đựng rất là nhiều ý nghĩa. Nhiều khi nó cũng giống như một thứ chìa khóa có thể gợi ý người ta đi vào tác phẩm. Vì thế cho nên là trong cái đầu đề Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung thì các anh cũng nói hết rồi, tôi cũng khó có cơ hội nói thêm một điều gì khác nữa. Tôi cũng chỉ nói thêm một chút nữa về chỗ “dị”. Cái “dị” ấy là khác, và nó khác với tất cả những nghị luận mà nó đang phổ biến, đang lưu hành, đang trở thành một định kiến nào đó, thì bây giờ anh ấy đưa ra một cái khác, khác với những cái nghị luận mang tính chất định kiến, vững chắc, rắn chắc. Thế còn chữ “đồng” thì tôi cũng nghĩ rằng, chữ “đồng” ở đây ngoài cách giải thích rất hay của anh Đặng Thân tức là “đồng” trong cái nghĩa “cùng”… Tôi muốn nói thêm một khía cạnh khác của cái chữ “đồng”, tức là khi anh ấy vẽ chân dung thì nó hiện ra nhiều chân dung… Như vậy, đọc Hoàng Ngọc Hiến chẳng hạn thì có thể thấy rất nhiều Hoàng Ngọc Hiến ở trong chính cái văn bản ấy, và đồng thời mỗi một người đọc có thể có một Hoàng Ngọc Hiến riêng của mình do văn bản đó gợi ra. Thế cho nên chữ “đồng/cùng” này còn là “nhiều” chân dung trong một chân dung. Đồng thời khi chắp lại hai chữ “dị nghị luận” và “đồng chân dung” thì ta thấy ở đây có sự giao thoa với nhau, trong “nghị luận” có “chân dung”, trong “chân dung” có “nghị luận”. 
Vì thế cho nên đấy cũng là một điều khó […], nó đánh vào lối đọc quen thuộc… Khi gặp phải cái không quen thuộc thông thường là có một tâm lý kháng cự lại… Nhưng mà tôi nghĩ rằng cái cách viết này là thuộc về cách viết hậu hiện đại, và ở ta thì chưa quen cách viết này nhiều. Hy vọng rằng dần dần chúng ta sẽ quen, và càng quen sẽ càng thấy hay hơn. Và càng thấy hay hơn thì khi đọc được những cuốn sách tiếp theo của anh Đặng Thân thì càng thấy hay nữa. (cử tọa vỗ tay)

NGUYỄN BẢO CHÂN:
[…] Theo tôi thì anh Đặng Thân đã tìm được cái chìa khóa, cái quan trọng nhất, để mở cửa đi vào thế giới của những người đọc của anh ấy, trong đó có tôi. Và tôi hy vọng rằng anh ấy đi vào rồi thì anh ấy ở lại… 
Quả thật đọc văn Đặng Thân thì phút đầu tiên là sốc, rất sốc, bởi vì là anh ấy không có từ một “thủ đoạn” nào để chọc ngoáy độc giả. Anh ấy bằng cái láu lỉnh của mình, bằng cái vốn hiểu biết của mình, bằng cái tài ngoại ngữ của mình, và bằng cái tài “copy & paste” của mình, anh ấy khiến cho tất cả rơi vào ma trận, một cái ma trận của trí thông minh, của kiến thức của anh ấy; và sau tất cả là điều tôi nhìn nhận được ở văn của Đặng Thân là một nỗi buồn vô tận. Hay là đó là do tôi là một nhà thơ nên tôi nghĩ như vậy.
Hôm qua thì anh Đặng Thân có nói là tôi phải nói một điều gì đó… Anh ấy nói: “Anh rất là tin vào trực cảm của một nhà thơ.” […] Đọc văn của anh ấy xong, sau cái giễu nhại, sau cái cười cợt, là một nỗi buồn vô tận… Tôi hình dung anh như là một chiến binh dũng cảm, cao ngạo và hoang dã. Giống như một chiến binh thời cổ đại. Xin cảm ơn! (cử tọa vỗ tay) 

NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP: Mỹ học của cái thanh & mỹ học của cái tục
Khi nhìn vào cuốn sách tôi có một cái để ý là có nhiều người hỏi tôi rằng cái nhan đề của quyển này có cái gì. Chỉ riêng câu hỏi ấy đã cho thấy cách đặt nhan đề của tác phẩm này nó không là một người xa lạ […] “Tôi là một kẻ khác!” Chỉ khi chúng ta bắt đầu thiết lập một cái khác thì mới hy vọng có cái mới. Bắt đầu một cái mới trước hết hãy khác. Còn không khác thì đừng hy vọng có cái mới. Điều đó có nghĩa không phải cứ khác là sẽ mới, nhưng muốn mới thì dứt khoát phải khác.
Thứ nhất, Đặng Thân trình bày thế này không phải là một cách đánh đố, nhưng tôi để ý đến mấy cái gạch nối ở đây. Cũng có thể anh ấy viết mấy chữ “dị nghị luận” mà không cần dùng mấy cái gạch nối này… Nhưng tất cả đang diễn ra như một quá trình, mà hậu hiện đại luôn luôn là một quá trình, hậu hiện đại không biết đến sự yên tĩnh. Quyển sách này là một sự không yên tĩnh. Không yên tĩnh ngay từ bây giờ. Tôi dám chắc rằng người đọc và các nhà phê bình sau này còn bàn nhau chán xem nó thuộc thể loại gì. Đương nhiên nó là nghị luận. Nhưng khi thì tôi nhìn thấy đó như một tùy bút khoa học; khi tôi nhìn thấy nó như một tiệp ký; khi tôi nhìn thấy nó như một phê bình tùy hứng và ngẫu hứng. Vậy thì cái việc xóa nhòa ranh giới nghị luận giữa các tiểu loại trong phê bình văn học là cái đang thách đố của Đặng Thân. Và Đặng Thân bây giờ có giải thích cho tôi tôi cũng không nghe, vì xin lỗi Đặng Thân, “tác giả đã chết”. Bây giờ là tiếng nói của người đọc. Roland Barthes có một câu nổi tiếng là “Tác giả đã chết.” Tức là khi anh viết xong tác phẩm ấy, đứa con ấy đã thuộc về người đọc, không còn thuộc về anh nữa. Cho nên tôi vừa tin vào tác giả tôi vừa không tin… Tôi chỉ biết anh Đặng Thân trên quyển sách này.
Thứ hai, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa định được danh nó là gì. Tôi có một cảm giác thế. Con người có một điều rất lạ là yêu ai thì thấy nó cứ mờ mờ, ghét ai thì nhớ rất rõ mặt người ấy… Khi yêu thực ra rất nhòe mờ. Khi ghét chân dung của kẻ đáng ghét cực kỳ rõ. Nguyễn Du viết về Kiều thì nó cứ mờ mờ, viết về Hoạn Thư thì nhát nào ra nhát đấy… Tôi có cảm nhận về tác phẩm này ở chỗ này: khi tôi đọc 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân thì tôi chia sẻ ý của nhà phê bình Lã Nguyên là nó có lời diễn, vai diễn, văn bản kể và văn bản lời bàn, hai cái đó hợp thành một cấu trúc văn bản. Ở quyển sách này Đặng Thân cũng như thế, ông ấy tạo ra rất nhiều văn bản sống trên một văn bản. Cái này tôi chia sẻ với nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, rất tinh, ở chỗ là Đặng Thân viết những mắt lưới trong quyển sách này. Không có những lý giải tuyến tính, không có những lý giải trong một ngành nghề nghệ thuật nhất định mà ông ấy có thể nói về triết, ông ấy có thể nói về văn, có thể nói về khảo cổ, có thể nói về lịch sử… tạo ra những mắt lưới. Và nếu người đọc không biết lần những mắt lưới thì dễ bị, như câu chuyện cảnh sát giao thông bây giờ quăng lưới để bắt xe. Và trước Đặng Thân một chút là “giăng lưới” để Nguyễn Huy Thiệp “bắt chim”. Không biết là Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Thân giăng mắt lưới để bắt cái gì, thì có giời mới biết được. Tôi chỉ thấy trong quyển này nói rất nhiều bướm và Trang Tử. Có lẽ là giăng lưới bắt… Trang Tử chăng?
Ý ấy sẽ dẫn đến ý thứ ba của tôi: Đặng Thân lý giải những câu chuyện của mình không chỉ bởi mỹ học của cái thanh, mà bằng mỹ học của cái tục. Ơ hay! Tôi nhìn thấy dân số Việt Nam sắp tới 90 triệu rồi, đâu đứng thứ 13 hay 16 thế giới. Như vậy tốc độ đẻ của Việt Nam cực kỳ nhanh, thế mà người Việt Nam vẫn bịt mũi trước những gì nói đến tục. Tại sao đẻ nhanh thế? Như vậy là ban ngày thì ông cứ nói về cái thanh còn đêm thì ông cứ lần mò cái tục. Vâng, ca dao rất quái: Ban ngày quan lớn như thần / Ban đêm quan lớn lần mần… linh tinh. Tôi muốn nhại một chút bằng ngôn ngữ của tôi, nhà phê bình. Như vậy nhại không chỉ có trong sáng tác, mà nhại có ngay trong ngôn ngữ phê bình. Đặng Thân chơi giễu nhại trong môn phê bình. Đó là điểm thứ ba.
Điểm thứ tư tôi sẽ nói rất gọn. Trong quyển sách này, trong kết luận của tôi (gần như cuối cùng thôi bởi vì chắc tôi còn nghĩ về nó) thì tôi thấy một điều này: anh Đặng Thân khi nói về mỹ học của cái thanh và cái tục, thế là anh ấy cũng nói đến cái lấn chồng giữa trung tâm và ngoại vi. Hóa ra có những lúc mình nhớ về một ký ức không phải là mình nhớ đến cái thanh, mà lắm lúc mình nhớ đến cái tục. Cái tục trở thành một mật mã giữa một người này với một người khác, giữa một nhóm người này với một nhóm người khác. Cho nên, cái thời chúng ta đang sống là thời của tiểu thuyết. Ngày xưa tiểu thuyết thuộc thể loại hạ đẳng, bây giờ nó trở thành nhân vật chính trên sân khấu. Cho nên những cái này, những cái hôm nay nó là mầm, là nụ; những cái hôm nay dẫu chưa thật hoàn mỹ, ngày mai biết đâu nó lại thành chủ thể trong một sân khấu khác. Cho nên, tôi và các anh, các chị, các bạn ở đây, chúng ta là một chặng trên hành trình của quá trình ấy.
Tôi nghĩ tôi đã đọc Đặng Thân như thế. Xin cảm ơn! (cử tọa vỗ tay) 

NGUYỄN HỒNG NHUNG (dịch giả – Hungary):
[…] Tất cả số sách mà Hamvas Béla để lại đều là những sách về huyền học, về tâm linh. Có một cuốn mà chắc chắn tôi sẽ phải dịch ra tiếng Việt bởi vì có rất nhiều bạn trẻ quan tâm, tức là cuốn giải thích về khía cạnh tâm linh của 22 con bài Tarot. Dưới khía cạnh tâm linh thì chìa khóa mà Hamvas Béla để lại chính là con người phải quay lại truyền thống, con người phải quay lại văn hóa cổ thì mới hiểu văn hóa ngày nay. Và Hamvas Béla đã quay ngược lại văn hóa trước Công nguyên… với những nền văn hóa rất lớn độc nhất vô nhị. Điều đó để nói rằng tất cả chúng ta trong vô thức chúng ta đều biết một cái gì đấy; những điều nhắc đến là hiểu ngay lập tức mà chẳng cần ai giải thích cả… Văn hóa cổ nó nằm trong người chúng ta. Đấy chính là tâm linh của thế kỷ XXI. Trong các bài viết tôi dịch của Hamvas Béla có bài “Anh Hề”, chính là để giải thích quân bài Anh Hề trong bộ bài Tarot. 22 quân bài trong bộ bài đó đều có tên và có số, nhưng riêng Anh Hề không có số và không có tên. Đặng Thân là một “Anh Hề”. Anh Hề là tiêu biểu cho con người, vì người ta nói rằng trong thế giới hữu hình chỉ có con người vượt qua bản thân nó, vượt qua tất cả mọi thứ và chiến thắng. Và con người lĩnh số phận ở dưới quả đất để hoàn thành chính sứ mệnh mình. Nếu phải nhận xét gì về Đặng Thân thì tôi mong muốn các bạn hãy đi xa hơn một chút, hãy đi vào những cái tâm linh, những cái vô hình, và một thế giới không nhìn thấy, các bạn sẽ hiểu được những điều đang nhìn thấy. Văn của Đặng Thân có một hình ảnh như thế để người ta diễn tả. Thôi thì chúng ta cứ cho rằng trong thời đại nào cũng có một Anh Hề. Vua Lear không thể sống nổi nếu thiếu Anh Hề. Anh Hề không coi tất cả ra cái gì hết, thành trò cười hết. Và có một nhà thơ vừa nói rằng văn của Đặng Thân rất buồn. Đấy là chị đã nhìn thấy cái khía cạnh buồn, mặt trái của sự hài hước, bởi vì Anh Hề luôn luôn là kẻ rất buồn, có đôi mắt vô cùng buồn. Là người buồn nhất trên thế gian. Thế cho nên tôi nghĩ rằng với một trực giác nào đấy nhà thơ nữ ấy đã tìm ra điều đó. Và nếu chị đã tìm ra điều đó thì điều ấy có nghĩa rằng là… chúc mừng Đặng Thân! (cử tọa vỗ tay) 

PHẠM XUÂN NGUYÊN: Một thách thức có tên gọi Đặng Thân
1. Tôi rất bực cái gã có tên là Đặng Thân. Gã không để tôi yên. Gã làm khổ tôi từ những cái viết của gã, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, rồi lại tiểu luận phê bình. Không giống ai. Nhiều khái niệm đã quen, nhiều quan niệm đã xong, nhiều định nghĩa đã ổn, nhiều thể loại đã gọn, gã xới tung cả lên, gã xoay trở, lật ngang lật ngửa, rối rít tít mù. Gã bày ma trận chữ: chữ ta chữ tây (Việt Nga Anh Pháp rậm rạp thừa thãi), chữ trong ngoặc chữ ngoài ngoặc, chữ phiên âm chữ phiên tự. Gã lập mê lộ nghĩa: đọc gã một lần đố hiểu gã nói gì. Tôi thì cứ nói thẳng là tôi không hiểu gã nói gì vì gã cứ nói những điều đơn giản thành phức tạp, dễ hiểu thành khó hiểu, bình thường thành bất thường (hay là ngược lại nhỉ, giống như câu thơ của Hoàng Chương họ Vũ “đời kiêu bạc không dung hồn giản dị” cũng được, cũng có thể là “đời giản dị không dung hồn kiêu bạc” cũng xong). Nhưng có thế mới là Đặng Thân chứ lị. Gã mở cuộc chơi văn chương của gã như một cuộc đỏ đen sấp ngửa và mời gọi mọi người vào chơi. Nhiều người thấy thích, vào, nhưng cầm chắc nhà cái là gã thắng cuộc. Vì đó là cuộc chơi chỉ có gã mới chơi được.
2. Cho nên tôi cực lực phản đối những ai coi Đặng Thân là nhà viết hậu hiện đại nhất-nhất của văn học Việt Nam hiện nay. Tôi, kẻ đã dịch cuốn sách nền tảng của lý thuyết hậu hiện đại thế giới – cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại (Jean-Francois Lyotard), tôi không coi Đặng Thân là hậu hiện đại gì sất. Gã là gã, vậy thôi. Gã như gã chính thực hiện nay mà ra đời một thế kỷ trước, nửa thế kỷ trước, tóm lại là sống ở vào một cái thời khác nay, thì do cái tư chất, khí chất, cái temperament trời cho ấy mà gã sẽ viết vậy thôi. Viết không giống ai. Viết rối rắm, phức tạp đối với người đọc vào chứ còn gã viết ra thì thấy rất chi là đơn giản, nhẹ nhàng, còn rõ ràng, khúc triết nữa. Như Nguyễn Huy Thiệp đó, khi viết truyện ngắn lịch sử “Vàng lửa” ông đâu có biết gì đến hậu hiện đại, càng không biết luận điểm nổi tiếng của Lyotard “hậu hiện đại là hoài nghi các đại tự sự”, nhưng bằng ba cái kết khác nhau đưa ra ở cuối truyện, nhà văn khi ấy mới xuất hiện trên văn đàn đã làm rúng động cả giới văn chương, sử học và xã hội về việc đặt lại cái nhìn lịch sử dân tộc thời cận đại. Vậy rồi mọi người lao vào tranh cãi cách đọc văn Nguyễn Huy Thiệp. Hậu hiện đại đấy, ngoài ý muốn của chính tác giả. Vậy rồi, có kha khá người viết học theo hoặc bị cuốn theo Nguyễn Huy Thiệp viết truyện có nhiều cái kết nhưng lại chẳng thành ra hậu hiện đại chút nào. Ở đây tôi nhớ ai đó đã nói, hình như Umberto Eco thì phải, rằng thời nào cũng có hậu hiện đại của mình. Nên trời đã sinh ra một Nguyễn Huy Thiệp như thế thì thế tất văn là thế. Trời đã sinh ra một Đặng Thân là thế thì tất thế văn như thế. Thêm một dẫn chứng nữa mà mười năm trước tôi đã dẫn ra. Ðó là Nguyễn Công Hoan. Trong hồi ký viết văn của mình, ông có nêu lên mấy kinh nghiệm viết truyện, trong đó có kinh nghiệm tìm hình thức trình bày truyện: “Trong đời tôi, ít được đọc ngoài, tôi rất lấy làm tự hào vì đã tìm ra một vài lối kể chuyện mà tôi cho là mới, là khác thường.” Ông kể ra truyện “Thế là mợ nó đi Tây” chỉ là những bức thư lẻ tẻ của người vợ đi du học bên Pháp viết cho chồng. Nhưng toàn thể là một câu chuyện tả sự hy sinh của người chồng được đền bù bằng lòng bạc bẽo của người vợ.” Ðặc biệt đáng chú ý là truyện “1930 – 1932” mà ông nói là “tôi không phải viết một chữ nào.” Hãy nghe lời ông kể: “Tôi đã cắt những mẩu báo đăng về một sự việc diễn ra trong hai năm này, với trình tự thời gian hẳn hoi, rồi dán lại, thành một truyện có đầu có đuôi xảy ra vì sự việc ấy.” Thế tức là Nguyễn Công Hoan đã làm truyện “cắt dán” (collage) từ rất lâu trước các nhà viết truyện hậu hiện đại. Không biết cái truyện “1930 – 1932” này bây giờ ở đâu, trong tuyển tập Nguyễn Công Hoan không thấy có, chưa chừng là người tuyển chọn không coi nó là truyện ngắn nên đã bỏ đi. Không dừng lại đây, Nguyễn Công Hoan còn “muốn thử viết những truyện mà cách trình bày khó khăn hơn: một truyện mà từ đầu đến cuối kết hợp bằng toàn những cảnh không liên quan với nhau; một truyện mà chủ động không phải là một người, mà là một tập thể; một truyện mà chỉ có lời nói của một người đương nói qua điện thoại.” Ông đã không thực hiện được dự định của mình, nhưng những cách viết ông muốn thử đã xuất hiện trong truyện hậu hiện đại, mặc dù chắc ông không hề nghĩ đến một “chủ nghĩa” nào, chỉ là những suy nghĩ tìm tòi của một người viết cốt sao cho cách trình bày truyện lạ, hấp dẫn. Thí dụ cách viết “một truyện mà từ đầu đến cuối kết hợp bằng toàn những cảnh không liên quan với nhau”, đấy chính là thủ pháp “gián đoạn” (discontinuity) các nhà văn hậu hiện đại ưa dùng.
3. Trở lại Đặng Thân. Nói gã không phải hậu hiện đại là tự thân. Chứ còn cái viết của gã ở thời nay thì bị phân loại hậu hiện đại không oan chút nào. Tiểu thuyết như 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] thì thách đố người đọc. Phê bình như Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung thì thách đố người viết. Trùng điệp trích dẫn. Trùng điệp liên văn bản. Ai ít đọc sách, đọc nhiều mà ít nhớ, nhớ nhiều mà ít thuộc, thuộc nhiều mà ít suy, nên cẩn thận khi đọc/xem Đặng Thân kẻo dễ điên đầu, tẩu hỏa nhập ma. Mà vẫn theo Lyotard, kẻ viết hậu hiện đại ở vị thế nhà triết học, viết bất quy tắc, viết xô đổ những lệ luật cũ, vừa viết vừa tạo giới hạn cho mình, thì Đặng Thân chính là kẻ đó. Ngẫm thực ra luận một cách khác (“dị nghị”), cũng là cách hình dung cái thực/thật ai cũng tìm kiếm (“đồng chân”).
4. Nhưng ai đọc/nghe bài này bảo tôi chối bỏ Đặng Thân là sai. Sai hoàn toàn. Sai một trăm phần trăm. Tôi quý gã. Vì gã không giống tôi. Vì gã khác nhiều người. Cái khác luôn bắt đầu từ cái lạ và luôn là sự khởi đầu cái mới. Thì cứ đọc Đặng Thân mà xem. Tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là thách thức cách đọc. Tiểu luận phê bình Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung là thách thức cách viết. Chạm vào những văn bản này của gã người đọc/xem sẽ tức điên vì: À, thì ra có một thứ văn tiểu thuyết như thế, có một thứ văn phê bình như thế, đọc/xem khó hiểu, lâu hiểu, nhưng cứ phải đọc.
Và đó là thách thức có tên gọi Đặng Thân.
Và đó là thách thức Đặng Thân đặt cho mình
Và đó là lí do khiến tôi vừa yêu, vừa ghét gã.
Trong tình yêu chán nhất là không còn gì để nói.
Lời khuyên của tôi: Đọc cuốn này của Đặng Thân nên đọc đầu tiên bài về Từ Chi để có hứng đọc tiếp, còn như đọc bài về cuốn sách Đỗ Lai Thúy thì nên tìm đọc cuốn sách đó trước khi đọc bài của Đặng Thân.
Xin phép. (cử tọa vỗ tay)

Xin bộ phận ánh sáng bật đèn. Mời các quý vị nghe bài thơ “Búi Jàng: 1 bó cỏ trời” có trong tập sách này ở trang 477.
 BÚI JÀNG: 1 bó cỏ trời

lòng muốn bỏ khôn về chốn jại
jật mình te tái nỗi miên điên
jàng một búi ngậm ngùi juồi bái
thượng khí thanh này lên thiên tiên

lửa tam muội lâng jâng phiền
ju côn tĩ tã đã nghiền tồn liên
hồn thì gửi gắm một miền
thân thì vất vưởng đồng tiền te tua

sống như thác như khạc jải bùa
lùa đàn jê văng ngôn văng ngọc
điên rồ rực rỡ đê mê lắm
lẫy lừng con tâm tê tái tê

jục lòng vượt khỏi bến mê
jìu ba đào ấy sang bề bên kia
bình sinh mộng tưởng jầm jề
xin jọt nước tiểu yên bề trăm năm

rằng tình đời cứ nghĩ mà căm
con tim hót tiếng kẻ cà lăm
jê bò lộn xộn ngôn ngồn ngộn
chúng muốn muôn năm trẫm muốn nằm

kê bô tí xí đêm rằm
ki ba rí xí tôi nằm jưới em
diamond jưới monroe
jưới lan trên khánh ai ngầu hơn ai

nhớ ai hoàng hậu đẹp thong jong
thật tiếc hoàng ja chẳng lòng thòng
ai đẹp thoải mái ai cởi mở
trí biển trời sao hẹp cõi lông

cái đầu sao nhặng như ong
càn khôn khắc khoải vắt jòng mù sa
tồn lưu trắng bạch nước nhà
cồn lau phấp phới ngọc ngà cồn lê

tồn lí tí ngọ rát bề hê
lưu tồn tan nát cả tứ bề
lọt cồn trận jó đi hoang jại
lửa bốc tan đi cảnh não nề

15 năm vũ chăn jê
có phê bằng lúc thằng bê chăn bò
nghĩa đời trời jảng hay ho
tiếc cho chúng nó như vò hũ nút

nguyễn ju công cút đẻ ra kiều
may nhờ có jáng đỡ vai xiêu
đâu jâm đâu tặc đâu vằng vặc
một bóng nguyệt kinh một jặc kời

lỡ từ lạc bước chân trời
chết từ sơ ngộ ngôi lời bỏ bê
chỉn e lỡ một lời thề
phong tình cổ lục dặm về tử sinh

weil sartre lình xình heidegger
ngôn từ các bác thật lẳng lơ
tống vào bao bố như lũ chó
vắt vai ăng ẳng rõ gợi tình

bình minh cũng chính hoàng hôn
nhớ nhau em gửi cái hồn cho ta
hồn nằm jưới một lớp ja
mà vang vó ngựa tận ngoài thiên nhai

thài lài phố huế jọng bài nhài
núi ngự lên sông những kiếp jài
jạ thưa vĩ jạ vâng còn jại
ái ngại chi ai vượt jặm bằng

thơ ca chữ nghĩa lăng nhăng
ta jìu buồn thực qua đằng mộng vui
ngôn từ bộc phá đã vùi
nổ tung lên cả một trời u mê

ấy mộng đời đi với mộng người
trời ơi trăng rớt ngó trăng rơi
ai làm nên cảnh ma trơi ấy
chuồn chuồn châu chấu biết cho ta

các học jả hãy tránh xa
thơ ta là để chiêm bao trong hồn
bên bờ bỉ ngạn liên tồn
jấc mơ thơ jại jữa tồn liên thôi

hỡi ôi một jấc mơ hoa ấy
trên cánh chuồn chuồn bay cánh bay
lãng đãng thơ về tuôn vạn chữ
ai tải lên trời khúc tự jo

mặt người cong cớn như mo
nhìn cu lại thấy lò xo lù xù
trọc đầu ai bảo không tu
chẳng thiền mà lại sặc mùi đười ươi

vang vang trời mặt mũi cả cười
chiêm bao hội thoại người bớt đau
tờ mộng lửa lò đốt xanh jâu
tái tửu thân ju hoan hỉ địa

người điên ngôn ngữ điệp trùng
jở chừng như mộng jở chừng như mê
thưa em ngôn ngữ quặt què
làm sao nói được nghiệp nghề người điên
điên mà rũ hết ưu phiền
sa mạc phát tiết xuất miền tiêu ju
một đời mở hội lu bù
thiên đường nhường ấy sao ngu mà từ
mưa nguồn đổ lá hoa cồn
12 con mắt nặng hồn rong rêu
ngàn thu rớt hột phiêu jiêu
mùi hương xuân sắc mĩ miều chiêm bao
khung cửa hẹp mở bao ngao
nhà sư vướng lụy chẳng vào đường tu
ngộ nhận mà ngộ mặc jù
thi ca tư tưởng bú jù nhân tâm
hòa âm điền jã lâm nhâm
ánh trăng châu thổ lặng thầm long xuyên
gái lục tỉnh có luyên thuyên
nhưng không lậu như thuyền quyên chợ lớn
jẫu cõi thế có làm ta phát ớn
những muốn về ai cũng phải đi qua
nếu muốn tìm lấy một màu hoa
trên ngàn ấy ngàn năm tha thiết
trước cái chết của bao năm tử biệt
sao vẫn thấy đời thơ vô tận vui
bùi jáng ơi có bùi ngùi
báng jùi đã tiến chẳng lùi phù sa
bàng júi jặt jẹo như ma
đười ươi thi sĩ cũng là trung niên
một đời chẳng lụy chẳng phiền
chỉ mê mỗi cái của tiên thôi mà
vầng hào quang tỏa mù sa
đếm là jiệu tưởng đo là nghi tâm
mẹ thằng nào bảo ông hâm
hâm mà ông lại làm thơ như thần
điên mà dzui dzẻ thập thành
còn chúng nó tỉnh mà đành buồn thiu
viết đến đây nhẹ cả bìu
bài thơ bất tận rạng ngời như hoa
úp môi ôm mặt khóc òa
cồn lê lên miệng là ba bốn lần
kìa ai bấn jữa màu đêm
còn ai chết jữa người quên mặt người
kể từ cá sống phiêu bồng
ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
ai tai tai i hi hi
(cử tọa vỗ tay)


NGUYỄN VĂN THÀNH:
Tôi rất là sốt ruột. Các anh như là dọn cỗ đến nhưng mà cho chúng tôi ăn mầm đá. Tức là các anh khen rất hay; những lời nói hay nhất thì đã có ở đây… Bây giờ tôi có một câu hỏi cuối cùng mà tôi nói theo một số người đồng cảm. Đề nghị anh Đặng Thân cho chúng tôi một cái giọt “dị-nghị-luận” hay nhất, anh đọc ra cho chúng tôi… (vỗ tay)
Tôi cũng đã đọc anh Đặng Thân cái cuốn sách trước rồi, thì tôi có cảm giác như người bị hóc xương… Có tác giả nói anh phải ném cái xương ra cho người ta nhai vỡ xương, hút được cái tủy. Vậy xin anh Đặng Thân cho chúng tôi một giọt “dị-nghị-luận-chân-dung”. Xin anh đọc cho, một giọt thôi nhé.


ĐẶNG THÂN:
Cảm ơn anh Thành quá, bởi vì anh là người duy nhất trên thế gian này đã tạo điều kiện cho tôi được đọc tác phẩm của tôi cho độc giả. Xin cảm ơn anh. Thế thì tôi xin sẵn sàng đọc ngay một bài ở trong cuốn sách này thôi. (Nhiều cử tọa đồng thanh: “Một giọt thôi!”)
Thế cái giọt “Bùi Giáng” thì quý vị đã được nghe, có hai người trình diễn để quý vị cảm thụ cái không gian Bùi Giáng. Thế bây giờ thì tôi sẽ giới thiệu về một nhân vật. Nhân vật này thì không có tên trong văn học sử, nhưng lại rất có tên trong lịch sử Việt Nam. Đó là ông Đặng Mậu Lân. Và theo quan điểm của tôi, đây là một “nhà văn hóa”, không chỉ là văn hóa mà còn đa văn hóa. Ông Đặng Mậu Lân như sau, đây là “chân-dung” của ông:
Văn học sử hiện đại phải xét lại con người này, mặc dù hắn càn quấy, bạo ngược và hiếp gái giữa ban ngày. Người xưa bảo tại hắn ỷ thế bà chị Đặng Thị Huệ. Đâu hẳn thế, vì Huệ thiếu gì thằng em mà chỉ có mỗi Lân là lưu danh thiên cổ. (có tiếng cử tọa cười) Trong một xã hội hủ lậu, trì trệ, thối nát và duy tâm khi người ta chỉ biết có mỗi một chủ nghĩa duy nhất giáo điều khủng khiếp thì Lân là người phản kháng quyết liệt bằng hành động. Các nhà phân tâm học hiện đại thấy ở Lân một con người đa nguyên cấp tiến. Trong Lân có đủ bản chất của một con người “hiện sinh”: Lân thường xuyên muốn vượt qua chính mình bằng cách làm ngược lại những định chế luân lý của xã hội; Lân không tin vào Trời hay luật “nhân-quả” vì tin rằng “Thượng Đế đã chết”, vậy Lân theo thuyết “siêu nhân” của Nietzsche; trong khi xã hội ươn hèn mà Lân tàn bạo như một đối lực với tất cả, vậy Lân tin vào thuyết bạo lực cách mạng; Lân đi trước Freud nên đề cao “thị dục huyễn ngã” và “tình dục bản năng”; đã ngàn đời mọi người đề cao lối sống thanh bần mà Lân lại ưa “thực dụng” ham tiền bạc và quyền lực. Tóm lại Lân là một thằng đực.
(cử tọa cười & vỗ tay)


HỒ HƯƠNG GIANG (nhà báo – VietNamNet):
Khi chú vẽ chân dung người khác thì có cả chân dung của mình. Xin hỏi cụ thể: cái tôi của chú lớn hay nhỏ? Lớn với ai và nhỏ với ai? Có hay không?
ĐẶNG THÂN:
Có lẽ là tôi chưa bao giờ được nghe một câu hỏi tương tự. Và cái câu hỏi này tôi cũng xin thưa thật là nó bị ám ảnh của một cái hệ thống đào tạo nào đó, tức là cứ nói đến văn học là phải nói đến cái tôi. Thế không có “tôi” thì sao? (Nhà báo hỏi: “Thế nghĩa là không có đúng không?”)
Tôi không bảo là không có. Nhưng tôi đề nghị các đồng chí đừng có để bị ảnh hưởng của một hệ thống giáo dục cứ suốt ngày động đến văn học là cái tôi. Không có tôi thì sao? (Nhà báo nói đệm: “Không làm sao.”)
Cho nên là gì, tôi sẽ trả lời câu này riêng. Tôi nói thật, cái tôi luôn luôn có, nhưng đề nghị các đồng chí phải hiểu nó ở góc độ khác, không phải dưới góc độ của các loại giảng đường ba lăng nhăng chi khươn trên đời.
HỒ HƯƠNG GIANG (nhà báo – VietNamNet):
Cháu không hỏi dưới góc độ văn học mà hỏi dưới góc độ triết học ạ.
ĐẶNG THÂN:
Lại một câu hỏi nữa nó gắn bó với giảng đường. Có lẽ là bạn nên hỏi các giáo sư.
(cử tọa vỗ tay)
PHẠM XUÂN NGUYÊN:
Trả lời như vừa rồi là một cách trả lời đấy. Hương Giang ạ, bạn cứ tương câu trả lời này lên VietNamNet cho người ta ném đá cho Đặng Thân không biết “cái tôi” là gì. Xin mời nhà thơ dân gian Bảo Sinh. (cử tọa cười & vỗ tay)



NGUYỄN BẢO SINH (nhà thơ dân gian):
Tôi xin tự giới thiệu, tôi là người:
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà
Anh Đặng Thân anh ấy viết trên mạng anh ấy gọi tôi là thế này. Anh ấy gọi tôi là:
Bảo Sinh đứng trên quả địa cầu
Sủa gâu gâu
Đấy là chân dung của tôi.
Ở đây nghiêm trọng quá, thế thì đang bàn cái “đồng” và “dị” thì tôi lên tiếng thế này. Thực ra “đồng” và “dị” là hai thứ của một bản thể… Thế là cái cũ, mới cũng là một:
Những cái nghĩ mãi mới ra
Đều là những cái người ta nghĩ rồi
Những cái nghĩ mãi trên đời
Khi ta nghĩ lại khác người nghĩ ra
Không có gì là mới và không có gì là cũ cả. Cái chuyện chúng ta đang ngồi bàn với nhau ở đây thì cách đây gần ba nghìn năm người ta đã bàn rồi. Thế nhưng mà chúng ta bàn bây giờ hoàn toàn là mới. Đấy là cái ý thứ nhất tôi nghĩ là mới với cũ là một.
Còn ý thứ hai thì tôi nghĩ thế này. Tôi nghĩ rằng về huyền học thì tôi nghĩ thế này:
Thiền là tìm lạ trong quen
Tìm lạ trong lạ là điên Trâu Quỳ
Anh tìm cái lạ ở trong cái quen, nếu anh tìm cái lạ trong cái lạ anh phải điên. Thứ nhất theo tôi là như thế. Thứ hai nữa tôi nghĩ thế này:
Lý của vũ trụ không lời
Sách là sai đúng của người viết ra
Không có quyển nào viết ra mà không ăn đòn. Sách là sai của người viết ra, nên là:
Không đọc sách không thành ta
Nếu không xé sách không ra con người
Thứ ba thì tôi xin bàn cũ mới như thế này:
Vợ lấy vừa xong thành đồ cổ
Thơ hay không cũ bao giờ
Ý rằng là không bao giờ có cũ mới. Tiếp theo xin có ý kiến thế này:
Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì
Tôi xin hết.
(cử tọa vỗ tay) 

HUY THĂNG (nhà báo – báo Nhi Đồng):
Tôi là một bạn đọc của anh Thân ạ. Chỉ hỏi một câu mang tính chất cá nhân thôi ạ. Thì anh thấy trong những chân dung, đại loại là anh viết về các chân dung thì anh thấy là anh giống nhân vật nào nhất ở trong ấy ạ. Có phải là anh giống Đặng Mậu Lân không ạ? (cử tọa cười)
ĐẶNG THÂN:
Xin cảm ơn nhà báo Huy Thăng, từ báo Nhi Đồng (cử tọa cười). Thì tôi cũng nói rồi, chân dung nào cũng có tôi trong đó. Còn cái chân dung của anh Lân ấy thì chẳng qua vì là chân dung ngắn nhất trong tập, được mang ra đọc để phục vụ anh Nguyễn Văn Thành. Thế còn nó giống tôi bao nhiêu phần thì, tôi nghĩ, nó cũng tùy lúc. Có thể lúc này nó giống tôi rất ít, nhưng mai tôi lại giống 100% thằng cha ấy cũng nên. Thực ra con người ấy mà, ở bầu thì, đúng không, ở bầu trì tròn, ở ống thì dài. Ai mà biết ngày mai mình dài hay tròn, tại sao mà cứ phải khẳng định mình giống ai, thưa thế có phải không hả báo Nhi Đồng? (cử tọa cười & vỗ tay)

 DƯƠNG TƯỜNG (nhà thơ, dịch giả):
Trước hết là tôi xin chúc mừng Đặng Thân với tác phẩm mới này. Tôi nghĩ hiện nay có hai người mà tôi cho là đậm chất hậu hiện đại khá rõ và quyết liệt, nam thì là Đặng Thân, còn nữ là Nguyễn Thúy Hằng… Cả hai người đó thì tôi phải nói thật sự là tôi chưa thích, nhưng mà tôi quý và tôi trọng. Quý ở cái chỗ là bao giờ họ cũng tìm cái khác. Tôi nghĩ rằng lịch sử nhân loại cho đến bây giờ vẫn là một quá trình đòi được khác, đòi quyền được khác. Cái quyền được khác ấy, chúng ta đã sống qua rất nhiều thập kỷ mà không có cái quyền được khác […][…] Tôi cho rằng Đặng Thân thuộc về cái hệ mà trời sinh ra vốn là khác, cho nên không thể nào Đặng Thân là một… Phạm Xuân Nguyên chẳng hạn… Đã sinh ra thế thì đến chết vẫn thế. Cái thứ hai tôi quý ở Đặng Thân là một cái thứ mà ở văn học ta rất hiếm, tức là cái humour, cái cười… Và tôi nghĩ rằng có thể gọi văn Đặng Thân như một thứ văn 3D. (cử tọa vỗ tay)
Tôi xin nói thêm. Tôi chợt nhớ ra có cô bé hỏi Đặng Thân về cái tôi ấy, thì tôi xin tặng Đặng Thân mấy câu thơ của tôi, viết nhân dịp sinh nhật tôi 32 tuổi. Mấy câu thế này:
Em ơi
Ba mươi hai năm
Ba mươi hai lối chân đưa lầm lũi
Tôi vẫn phi-tôi
Tôi vẫn phi-tôi
(cử tọa vỗ tay)

LÊ QUỐC CHÂN:
Thưa các độc giả của nhà văn Đặng Thân. Tôi là Lê Quốc Chân, là bạn thân của anh Thân mấy chục năm nay rồi. Tôi không nói nhiều về vấn đề văn học, bởi vì vấn đề văn học nó hơi xa lạ với tôi, nhưng tôi nói về vấn đề con người, mà dường như là khi mình làm văn thì văn thể hiện người. Và khi tôi có điều kiện để đọc văn anh Thân thì tôi thấy ở trong người anh Thân có hai con người. Một con người theo bản năng và nó rất thị dục…, nhưng ngược lại, một con người anh Thân khác là con người có tâm đạo, và anh ấy phủ định, cái tâm của anh ấy phủ định lại cái con người của thị dục. Nên mọi người khi đọc thơ văn của anh ấy thì sẽ thấy rằng là cái sâu thẳm của anh ấy là nói tục, nhưng thực chất là anh ấy đã dùng một cái tâm để phủ định cái con người bản ngã bản năng. Tôi chỉ có mấy ý kiến thế thôi. (cử tọa vỗ tay) 

MỘT SINH VIÊN (Đại học Mỹ thuật):
Cháu xin chào bác Đặng Thân. Cháu xin giới thiệu cháu không phải là một độc giả trung thành của văn học, mà cháu là sinh viên trường mỹ thuật. Nhưng mà cái điều luôn thu hút cháu đến đây là bởi vì trong cái buổi tọa đàm này thì nó “đồng-chân-dung: bầu trời trong giọt nước” là rất gần với ngôn ngữ của mỹ thuật. Thứ hai là có một hình ảnh có sức hút rất là kỳ lạ với cháu đó là “bầu trời trong giọt nước”. Một cái hình ảnh bầu trời rất là rộng lớn không định hình nó lại nằm trong một cái hữu hạn, một cái nhỏ bé như là giọt nước, thì cháu muốn bác có thể giải thích cho cháu về cái cảm quan đó. Và cháu xin đưa ra một cái ý nghĩ của mình, tức là bác là một nhà văn, dòng trường phái hậu hiện đại, tức là người đi về cái văn chất đương đại, nhưng mà với hình ảnh “bầu trời trong giọt nước” cháu có cảm nhận bác là người rất không khác gì với cái triết lý của phương Đông, hình ảnh “bầu trời trong giọt nước” ấy cũng cho cháu liên tưởng tới câu về cái vô hạn trong hạt cát… […]
ĐỖ LAI THÚY:
Những gì cần nói tôi đã nói hết trong bài viết “Bầu trời trong giọt nước” rồi. […][…] Thế còn khi anh Đặng Thân lấy năm chữ này ra ở đây thì anh ấy có định gài cái ý gì cao xa hơn thì tôi không biết.
ĐẶNG THÂN:
Vâng, phải vô cùng cảm ơn nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã đưa ra cái bài “Bầu trời trong giọt nước”, là cái bài viết đầu tiên về cuốn sách của tôi. Và từ đó, chính cơ quan làm sách là Thái Hà phối hợp cùng L’Espace đã lấy cái tiêu đề của bài để làm tiêu đề của cuộc tọa đàm hôm nay. Đây là cái gốc gác của câu chuyện. Thế còn bạn nam vừa rồi hỏi là một câu rất hay. Thực ra khi bạn hỏi xong thì bạn cũng đã trả lời mất rồi, đấy là lý do làm cho anh Thúy cũng không nói thêm được nhiều. Bởi vì bạn đã lý giải rất hay câu hỏi của mình, và tôi nghĩ đấy là một sự cảm xúc thực sự, vì tôi biết bạn mới là sinh viên năm thứ nhất. Bạn đã nói được một câu hỏi, bạn đã diễn tả một điều mà tôi rất xúc động với một sinh viên năm thứ nhất, với một câu hỏi như vậy thì tôi vô cùng xúc động. Và tôi lại càng phải tự tin rằng là tương lai vẫn nằm trong tay các bạn sinh viên này này; và tôi vẫn tin rằng độc giả của tôi vẫn phải là cái thế hệ đó trở đi. Tôi không có gì để nói nhiều nhưng tôi nghĩ rằng: cảm ơn anh Thúy đã cống hiến cho buổi tọa đàm một cái tiêu đề hay, để cho có người nhìn thấy để còn hỏi một câu hỏi rất hay. Và, anh Lã Nguyên cũng có một cái quan niệm rất hay, đó là cái “vẽ rồng trong mây”, mà có lẽ lúc nẫy anh chưa kịp nói rõ. Hy vọng, tương tác với anh Đỗ Lai Thúy “bầu trời trong giọt nước” thì chúng ta được nghe anh Lã Nguyên nói kỹ hơn về thế nào là “vẽ rồng trong mây”.
LÃ NGUYÊN:
Tôi định danh cái cách vẽ chân dung của Đặng Thân là “vẽ rồng trong mây” là thế này. Nói chung, trong việc vẽ chân dung hiện đại (chưa đến hậu hiện đại) thì nó không vượt qua bốn chữ: thứ nhất “tả tâm”, thứ hai “tả vật”, thứ ba “tả thần”, thứ tư “tả chân”… Tôi gọi “vẽ rồng trong mây” bởi vì anh ấy vẽ “thần”, chứ không vẽ “chân”. Thậm chí có chân dung anh ấy “hư cấu” thôi, lấy cái “thần” là chính. Mà cách vẽ “thần” của anh ấy lại rất khác cách vẽ thần hiện đại nói chung ở chỗ nổi bật lên trên bề mặt của cái bức chân dung “thần” là lớp chi tiết cực kỳ rậm rạp, vô cùng rậm rạp. Khi đọc ta thấy một mạng lưới chữ nghĩa rậm rạp vô cùng […] Nhiều lúc tôi liên hệ, hay là như lúc ban nãy nhà thơ Nguyễn Bảo Chân và dịch giả Nguyễn Hồng Nhung nói đọc văn anh Thân dẫu hài vô cùng mà cứ lẩn khuất nỗi buồn vô tận, nhiều lúc tôi liên hệ văn của anh Thân giống như khi ta nghe nhạc jazz, ở trên bề mặt của nó là lớp âm thanh vô cùng hỗn loạn, nhưng ở đằng sau có một cái “thần”, hoặc nhiều khi tôi muốn biện luận tôi cứ muốn kéo văn của Đặng Thân lại phía baroque, cũng có lớp bề mặt vô cùng rậm rạp. Và tôi hiểu cái cách tả rồng trong mây chính là như thế. Trong lớp chi tiết cực kỳ rậm rạp như đám mây rất là nhiều loại, nhiều lớp ta thấy nổi lên cái “thần” của chân dung. Ví dụ như ông Hoàng Ngọc Hiến có một cái “thần”: con sư tử hống – “thần”. Các bài chân dung đều rất dài, thế nhưng như bài về Hoàng Ngọc Hiến thì chỉ nhắc đến tên Hoàng Ngọc Hiến hai-ba câu thôi. Rõ ràng là kiểu vẽ thần sau lớp chữ nghĩa dầy đặc ở trên. Nên tôi gọi như vậy. Có bức chân dung thì hiển lộ rất rõ ở trên mây, có lúc thì nó chứa ở bên trong những lớp ý nghĩa cực kỳ thâm thúy mà ta không hiểu hết được, ví dụ như là những bức chân dung về các nhà thơ như là Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Quang Thiều… Ở đây cái “thần” bị lẩn đi ở trong mây chứ không hiện lên lồ lộ. Tôi hiểu cách vẽ chân dung trong những lớp chữ nghĩa của anh Thân là như thế. (cử tọa vỗ tay) 
MỘT CỬ TỌA:
Tôi có đọc qua các bài viết của anh Thân, vì không có thời gian tôi chỉ xin hỏi, tôi muốn quan tâm là có một số chi tiết trong tác phẩm của anh mà tôi không thấy có ở đâu cả. Ví dụ như anh viết về Nguyễn Trãi, anh viết về Hoàng Phúc, anh viết về Nguyễn Thị Lộ… Cái bài viết ấy chứa đựng rất nhiều thông tin, thì tôi rất muốn hỏi anh rằng có những thông tin nó ngược lại với lịch sử. Thì tôi rất muốn hỏi anh rằng anh dùng phương pháp nào để tiếp cận với những thông tin hiện lên trong bài viết mà nó khác với những gì có trong lịch sử?
ĐẶNG THÂN:
Xin cám ơn câu hỏi của anh. Cũng thưa lại với anh là nó không có gì khác lịch sử. Ở trong bài về Nguyễn Trãi tôi dùng Đại Việt sử ký toàn thư; thế còn những vấn đề về phong thủy, về địa lý thì đúng là nó không có ở sách nào thật. Nó thuộc về trong giới địa lý, phong thủy. Cái này thì mong được bác sinh hoạt một vài buổi với anh em địa lý, phong thủy thì ta mới hiểu cái thông tin đó nó thế nào. Thế còn những cái gì về sử thì thưa rằng tôi không làm cái gì ngược sử, toàn là Đại Việt sử ký toàn thư hay là những cuốn từ Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, hay Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin chẳng hạn. Không có gì là ngược hay là trái cả. Chỉ có những thông tin về âm dương, ngũ hành, về Kinh Dịch, về phong thủy thì tôi thưa rằng nước ta chưa có đủ tài liệu, vì thế mà tôi có thể có những thông tin mà người ta chưa có phổ biến, chứ không có gì là ngược. Đấy là tôi nói thật với anh thế ạ. 
ADAM TRƯƠNG TƯ (Việt kiều Canada):
Tôi đọc của Đặng Thân cũng khá nhiều, nhất là những bài ở trong cuốn Dị-nghị-luận này… Tôi cũng có đồng cảm như chị gì lúc nẫy nói, là đọc xong tôi cũng có cảm giác Đặng Thân rất là cô đơn, và nhiều cái như là hoang dã. Tôi muốn tặng anh Đặng Thân mấy câu thơ như thế này (thơ không phải của tôi):
Bao nhiêu tiếng trống rừng đánh lên trong máu tôi,
Và tất cả những trăng nồng hoang dại của rừng sâu sáng lên tận đáy hồn tôi!
Tôi sợ cái văn minh này lắm
Cái văn minh sao khe khắt?
Sao bạo cường?
Sao lạnh giá?
Xin hết. (cử tọa vỗ tay) 
PHẠM XUÂN NGUYÊN:
Đến giờ này trong khán phòng này mà vẫn còn đông đủ thế này đã là sự động viên rất lớn cho người viết. Tôi biết chúng ta còn phải trao đổi nhiều nữa nhưng thời gian không cho phép. Chúng ta hãy ra về với một cuốn sách của tác giả để đọc, đọc mà quên đi tất cả những diễn giả đã nói cái gì, đọc bằng cái độc lập của mình, để tìm ra cái khác của mình. Vì ở đây chúng ta biểu dương cái khác như anh Dương Tường vừa nói… Vậy cái khác, nghĩ khác, cảm khác là sự khởi đầu cho một cách sống, một cách tư duy khác. Chúng ta có cái chữ “dị” ở đây, chúng ta cảm ơn anh Đặng Thân, một người cũng làm việc tự do, anh dạy học… anh phải mưu sinh, nuôi vợ nuôi con, nhưng anh đọc rất nhiều. Anh biến cái đọc đó thành cái viết không giống ai… Kết thúc là một lời cảm ơn tất cả các anh chị và các bạn… Xin cảm ơn tất cả! 
 Dương Thế ghi
9/1/2013

Nguồn: Bản tác giả gửi phebinhvanhoc.com.vn. Copyright © 2013 – PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Phần nhận xét hiển thị trên trang