Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Trích Luận ngữ Tân thư

Phạm Lưu Vũ
Tục nhân lỡ một người thầy thì ôm hận suốt đời. Thánh nhân lỡ một người thầy thì ôm hận nghìn thu. Tục nhân ôm hận vì không gặp cơ hội được trên người. Thánh nhân ôm hận vì cảm thấy có lỗi nặng với những đời sau. Việc hôm nay, té ra có nguyên do từ bao đời trước nữa. Ví dụ cái chuyện thật, giả của muôn đời. Muôn đời,thật thà là món trang sức rẻ tiền của dối trá, dối trá là chủ nhân đích thực của thật thà. Than ôi! cái đạo nói thật chẳng phải tầm thường. Đến thánh nhân cũng muốn cầu còn chẳng được. Thế gian xưa nay vẫn leo lẻo đấy, cứ tưởng mọi chuyện rồi sẽ rõ như ban ngày. Vậy mà rốt cuộc, tìm mãi có thấy tí sự thật nào đâu. Chung quy cũng tại một bận lỡ làng của bậc Vạn Thế Sư mà sinh ra cả…
Vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:
Khổng Tử có lúc dạy tới ba ngàn học trò. Vậy mà vẫn lũ lượt người đến xin học. Vì thế mới đặt ra lệ phải kiểm tra, phỏng vấn trước khi nhận, đại khái cũng hao hao như thi đại học hoặc cao đẳng bây giờ. Phụ trách khâu tuyển sinh này gồm các thầy Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ, Tử Thâm, Tử Thượng, Tử Hạ. Toàn những thầy mà đời sau xếp vào bậc Tiên hiền cả. Từ khi đặt ra lệ ấy, thiên hạ càng đua nhau đến xin nhập học, công việc giáo dục phát đạt lên trông thấy. Bận rộn nhất là các thầy Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ. Các thầy thay nhau bán hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, kiểm tra thí sinh bằng mồm, bằng mũi, bằng mắt, cả bằng tay… nữa. Kẻ thì cho nhập học, kẻ thì đuổi thẳng cổ. Chung quy cái việc thi tuyển thì xưa nay đều có trong, có đục cả, không có gì đáng chép lại. Chỉ xin chép ra đây mấy chuyện lạ xảy ra trong lúc tuyển sinh ấy. Không hiểu sao lại chỉ rơi vào các thầy Tử Thâm, Tử Thượng và Tử Hạ.
Một hôm, có một lão già nom hơi cổ quái, gương mặt tuy gồ ghề song hai mắt rất long lanh, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát đến gõ cửa xin nhập học. Tử Thâm được phân công ra tiếp. Tử Thâm hỏi:
“Cụ già thế này, sắp xuống lỗ rồi còn học làm gì nữa cho mệt?”.
Lão kia trả lời:
“Lão chẳng học cái gì khác. Song trước khi xuống lỗ cũng muốn học cho được mỗi cái cách nói thật đó mà thôi”.
Tử Thâm ngạc nhiên hỏi lại:
“Tại sao cụ phải học cách nói thật?”.
Lão kia trả lời:
“Lão từng nghe cổ nhân truyền lại rằng, nói thật một câu sẽ kinh động đến cả trời đất, quỷ thần. Vậy mà lão sống ngần này tuổi đầu rồi, tuyệt chẳng bao giờ thấy trời đất, quỷ thần động lòng gì cả. Điều đó phải chăng vì thiên hạ toàn kẻ nói dối. Tất nhiên trong đó có cả lão nữa. Vì thế lão mới phải đến đây để học cái đạo nói thật. Rất mong Phu Tử chiếu cố chỉ giáo cho, dẫu lão nói thật được một câu rồi chui xuống lỗ cũng hả lòng”.
Tử Thâm nghe ra bèn bảo:
“Rất tiếc ở đây chỉ dạy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Không dạy nói thật. Cụ đi tìm nơi khác mà học thôi”.
Lão kia nghe Tử Thâm nói thì có vẻ hơi thất vọng, song vẫn cố vớt vát:
“Lão nghe tiếng Phu Tử nức nở cả thiên hạ. Vậy ngoài Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ra, Phu Tử còn dạy cái gì nữa?“.
Tử Thâm trả lời:
“Dạy đủ lục nghệ. Từ làm chính trị đến đi buôn, từ làm hàng thật đến hàng giả, từ chế đồ xịn đến đồ lô… Học đến đâu sáng ra đến đó. Cứ gọi là vua ra vua, tôi ra tôi. Bố ra bố, con ra con. Chồng ra chồng, vợ ra vợ. Thầy ra thầy, trò ra trò. Trên đời này động đến môn nào Phu Tử cũng tuyệt đối tinh thông cả. Duy có cái môn nói thật ấy thì bản sự đây quả chưa nghe nói đến bao giờ”.
Lão kia nghe thấy thế thì thất vọng quá, bèn thở dài một tiếng rồi than:
“Thế mà lão phu đây cứ tưởng bở. Ôi! Đến cửa này cũng không học được cách nói thật nữa thì lão đành nói dối cho trọn kiếp cùng với thiên hạ thôi”.
Than xong, lão ta vái Tử Thâm một cái rồi đi ra. Tử Thâm bèn vào kể lại toàn bộ đầu đuôi với Khổng Tử. Khổng Tử nghe kể đến đâu ngạc nhiên đến đấy. Nghe xong, Ngài trầm ngâm một lát rồi bảo:
“Ngươi chưa nghe nói đến cái môn nói thật bao giờ cũng phải. Học thuyết của ta toàn thị là chính trị. Mà đã gọi là chính trị thì cần gì phải biết cách nói thật. Thời thế này mà vẫn còn người muốn học cái đạo nói thật ư? Thì chính ta cũng đang muốn tìm thầy để học cái môn đệ nhất ngu ngốc ấy mà chưa tìm ra đấy”.
Một hôm khác, có người ăn mặc sang trọng ra dáng một vị quan to, xe cộ rình rang, tiền hô hậu ủng đến xin học. Tử Thượng được phân công ra tiếp. Tử Thượng lễ phép hỏi:
“Dám xin hỏi ông làm chức quan gì?”.
Ông kia trả lời:
“Chức gì lớn nhất mà thầy có thể nghĩ tới được”.
Tử Thượng hỏi tiếp:
“Vậy ông còn muốn học Phu Tử để làm gì nữa?”.
Ông kia trả lời:
“Ta học để bịt mõm thiên hạ”.
Tử Thượng nghe thấy hơi lạ tai. Bèn hỏi tiếp:
“Thế nào là bịt mõm thiên hạ?”.
Ông kia trả lời:
“Thầy còn giả đò không biết ư? Ta vốn xuất thân làm nghề hoạn lợn, song từ khi thành đạt thì chẳng thiếu thứ gì. Tước vị, bổng lộc, quyền hành, vây cánh… đủ cả. Chỉ phải cái bọn kẻ sĩ trong thiên hạ thấy ta không học hành gì, cứ chửi vụng ta là đồ thượng đẳng vô học. Ta thì không thèm chấp, song vợ con, cháu chắt ta thì không khỏi có lúc phiền lòng. Nay ta đến đây cốt để bù cái chỗ khiếm khuyết duy nhất ấy của mình mà thôi, để chúng nó không còn chửi vào đâu được nữa”.
Tử Thượng nghe ông ta nói, lưỡng lự không biết giải quyết ra sao. Cũng đành phải vào thưa lại với Khổng Tử. Khổng Tử thản nhiên phán ngay:
“Kẻ ấy đâu có cần học hành gì. Hắn đến đây chỉ cốt cho thiên hạ trông thấy hắn cũng từ cửa ta mà đi ra giống như những kẻ sĩ khác đó thôi”.
Tử Thượng nghe thầy nói chợt tỉnh ngộ, bèn lập tức trở ra. Quả nhiên thấy ông kia cùng đám lâu la, xe cộ đã rầm rĩ quay ra đến cổng, vừa đi vừa quảng cáo oang oang, cố tình cho thiên hạ chú ý. Chẳng thèm nói gì đến chuyện xin học nữa. Tử Thượng phục Khổng Tử quá, chỉ biết vừa nhìn theo vừa lẩm bẩm:
“Ta ở ngay trong nhà thầy, đọc sách thầy, nghe thầy giảng… Mà đến bây giờ mới hiểu được ý nghĩa của hai chữ: Cửa Khổng”.
Lại một hôm khác, có người đội nón tơi, đi chân đất, dáng như ăn mày đến xin nhập học. Cố nhiên là Tử Hạ được phân công ra tiếp. Tử Hạ hỏi:
“Anh muốn làm học trò của Phu Tử với mục đích gì?”.
Bất ngờ người ấy không trả lời mà hỏi lại:
“Thầy hãy cho tôi hỏi trước. Thầy học Phu Tử để làm gì?”.
Tử Hạ thấy thế thì hơi cáu, song vẫn nhã nhặn trả lời:
“Bình sinh ta học Phu Tử chỉ cốt để làm người”.
Người ấy hỏi tiếp:
“Thế đã làm người được chưa?”.
Tử Hạ vẫn cố gắng nhã nhặn:
“Tất nhiên là chưa. Vậy cho nên vẫn đang phải học tiếp”.
Người ấy bảo:
“Thì ra thiên hạ đều cùng một giuộc cả. Kẻ nào cũng chỉ được cái leo lẻo cái lỗ mồm. Có biết đâu rằng làm người mà dở dang thì chi bằng làm vật quách cho rồi. Còn tôi muốn làm học trò của Ngài chỉ cốt được ăn thịt”.
Tử Hạ tròn mắt ngạc nhiên, bởi chưa nghe ai trả lời như thế bao giờ. Bèn hỏi tiếp:
“Tại sao anh lại nghĩ rằng làm học trò của Phu Tử thì sẽ được ăn thịt?”.
Người ấy trả lời:
“Tôi nghe nói Phu Tử thịt thái không vuông thì không ăn. Mà con lợn, con gà, con dê, con bò… có con nào vuông đâu. Thế thì dứt khoát sẽ có nhiều chỗ phải bỏ đi. Tôi chỉ xin được chén những chỗ bỏ đi ấy mà thôi”.
Tử Hạ nghe nói cảm thấy hơi có lý. Song cũng chẳng biết quyết định ra sao, đành phải vào thưa lại nguyên văn với Khổng Tử. Khổng Tử ngẩn người ra một lát rồi mừng quớ lên bảo:
“Kẻ ấy chính là thầy ta đó. Ta vốn đã để ý dò tìm bấy lâu nay mà chưa tìm thấy. Ngươi mau mau ra mời y vào đây, để chính ta phải làm lễ bái sư”.
Tử Hạ vội vàng chạy ra thì người kia đã bỏ đi đâu mất. Làm cho không những Khổng Tử, mà những đời sau, cho đến tận bây giờ, ai nghe đến câu chuyện này cũng than thở, tiếc rẻ mãi.
Về sau, cũng nhân chuyện này, có ông Mục công người đất Kinh còn bình luận một câu đại ý: “Chỗ bỏ đi hay là phần còn lại. Thế gian này, trừ thánh nhân ra, chính cái phần còn lại ấy của thiên hạ mới là thầy của thánh nhân vậy”.
P. L. V.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đổi mới mà sao khổ thế này?

VOV.VN –Tuyển sinh đại học 2015 chưa đến hồi kết nhưng một kỳ thi với nhiều đổi mới đã khiến mọi thứ đảo lộn, nhiều thí sinh và gia đình lo lắng kéo dài.
Sau khi biết điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT đã dành cho các thí sinh 20 ngày để “ngắm nghía”, nghiên cứu để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Sự rộng rãi ấy của Bộ Giáo dục-Đào tạo tưởng đâu sẽ tạo điều kiện “ngày rộng, tháng dài” cho các thí sinh nhưng đây thực sự là một sự “tra tấn” tinh thần mà hàng nghìn gia đình thí sinh đang gánh chịu.
tuyen sinh dai hoc 2015: nguy co vo tran hinh 0
Lo thi đã mệt, giờ các thí sinh lại tiếp tục “đấu trí” như buôn chứng khoán.
Nếu như ở những kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng trước, tháng 8 là giai đoạn thí sinh thảnh thơi chờ kết quả xét tuyển của các trường; thì trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm nay, sau khi biết điểm, các em phải bắt đầu cuộc đua nguyện vọng 1.
Mới đi qua 10 ngày, nhưng với nhiều gia đình thí sinh là cả một quãng thời gian dài dằng dặc và nặng nề. Ngày nào họ cũng phải dõi theo thông tin cập nhật tình hình tuyển sinh của trường đại học mình đã và sẽ nộp hồ sơ.
Từ trước đó, nhiều chuyên gia giáo dục đã khuyến cáo tình trạng thí sinh “ém hồ sơ” rồi “chạy nước rút” để rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng, rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT tỏ ra khá bình tĩnh và cho rằng sẽ không có chuyện đó xảy ra.
Nhưng những gì mọi người lo lắng cả tháng trước đã xảy ra trong những ngày qua. Nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng đến rút hồ sơ, nhiều trường xảy ra tình  trạng thí sinh ồ ạt đến rút hồ sơ khiến những người làm tuyển sinh trở tay không kịp, còn các thí sinh khác thì hoang mang. Vì những diễn biến đang xảy ra sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng điểm số trong “bảng xếp hạng” của trường. Sự hoang mang ấy không phải chỉ xảy ra ở trường bị thí sinh rút hồ sơ mà “lây lan” sang cả các trường khác. Thí sinh các trường khác lại lo sợ các bạn rút hồ sơ sẽ nộp cùng chỗ và tình hình lại tiếp tục biến động. Hiệu ứng “domino” đang xảy ra và cuối cùng chỉ khổ cho các thí sinh và các trường.

Đổi mới mà sao khổ thế này?
Những năm trước, vừa mới năm ngoái chứ chẳng phải xa xôi gì, thí sinh thi xong, biết điểm là biết đỗ hay trượt đại học rồi. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh, dù có phải tổ chức 2 kỳ thi, tốn kém hơn 1 kỳ thi nhưng tiền bạc bỏ ra để “mua” sự an tâm thì chả ai tiếc cả. Tốn kém một chút, đưa con đi thi nhưng ai cũng thấy thoải mái. Thi xong nửa tháng là biết đỗ hay trượt. Giờ này mọi năm, nhiều gia đình đã tổ chức ăn mừng vì con đỗ đại học, nhưng năm nay, chưa ai dám động tĩnh gì, dù con có điểm thi khá cao.
Mà nếu như Bộ GD-ĐT nói là việc tổ chức 1 kỳ thi chung tiết kiệm chi phí cho các gia đình cũng chưa chắc đã đúng. Anh Nguyễn Hải Đăng (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đi thi năm nay chia sẻ: Con tôi thi được 24,5 điểm, nộp hồ sơ vào khoa “hot” của Đại học Ngoại thương từ những ngày đầu tháng. Đến hôm nay (12/8) thì đã không còn hy vọng vào được khoa này. Còn vào các khoa khác của trường thì con tôi lại không thích. Thế là vợ chồng tôi đành làm theo cách “ăn chắc hơn”, sẽ nộp hồ sơ vào khoa Báo chí của ĐHKHXH-NV và nộp trước các loại học phí, bảo hiểm… khoảng gần 2 triệu đồng. Nộp hồ sơ và các khoản tiền này trước chỉ để khẳng định đây là nguyện vọng 1 nhưng chắc chắn con tôi sẽ không học trường này mà chỉ đặt cọc cho trường hợp xấu nhất là không đỗ vào Đại học Ngoại thương”.
Trường hợp của con anh Nguyễn Hải Đăng có thể thấy, dù thí sinh đã nộp tiền để khẳng định sẽ vào học nhưng vẫn là “ảo”. Và tiêu chí tiết kiệm hơn trong kỳ thi này đã không đạt vì gia đình anh đã chấp nhận mất số tiền 2 triệu đồng nộp cho 1 nguyện vọng để làm phao cứu sinh.
Còn một điểm nữa, với cách làm năm nay, những gia đình ở xa “chết tiền” đi lại, và tốn phí công sức để nộp hồ sơ, rút hồ sơ. Gần nửa tháng qua, thí sinh và gia đình đều ăn ngủ không yên, chầu trực bên máy tính, suốt ngày vào mạng để cập nhật tình hình. Và mấy ngày gần đây lại đổ về các thành phố lớn để rút hồ sơ, nộp hồ sơ và lại chờ đợi kết quả. Tốn kém và lãng phí vô cùng, thậm chí gây bức xúc nhưng không biết có ai hay?
Sau những ngày tiếp nhận hồ sơ, nhiều trường đại học đã rút ra những thực trạng mà Bộ GD-ĐT chưa lường hết. Cụ thể:
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường đại học theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Quy định này dẫn đến tình trạng nguyện vọng “ảo” ở các ngành, khoa của một trường, gây khó khăn cho việc theo dõi hồ sơ và dự báo cơ hội trúng tuyển. Lo lắng này đã được đặt ra trước đó nhưng Bộ GD-ĐT khẳng định là lượng thí sinh ảo sẽ rất ít và thuận lợi cho việc xét tuyển nguyện vọng 2, vì sau khi xét xong nguyện vọng 1 thì các trường đã tuyển “hòm hòm” chỉ tiêu.
Để nhanh chóng cập nhật thông tin hồ sơ xét tuyển, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, sắm mới nhiều trang thiết bị, tăng cường gấp đôi đội ngũ nhân lực so với mọi năm, nhiều trường còn thiết kế luôn một phần mềm tuyển sinh riêng. Thế nhưng những đơn vị này vẫn không thoát khỏi những xáo trộn trong quá trình xử lý dữ liệu thí sinh.
Và một lo lắng nữa là sự mất cân đối giữa số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu tuyển. Nếu chênh lệch này quá lớn sẽ dẫn đến việc rất nhiều thí sinh không trúng tuyển được. Khi đó, hoặc là các em phải bỏ nguyện vọng một, hoặc phải rút hồ sơ trong thời hạn quy định.
Kỳ thi năm nay, không ai dám đưa ra lời khuyên chắc chắn nào cho các thí sinh và gia đình các em. Tất cả chỉ dừng lại ở “khuyến cáo”. Các thầy ở các trường khuyến cáo các em cân đối điểm để rút hồ sơ. Bộ GD-ĐT khuyến cáo các em nên thường xuyên cập nhật thông tin… Tất cả 12 năm đèn sách, đến giờ tưởng đã được “xả hơi” nhưng đa phần các em vẫn sống trong lo âu, thấp thỏm.
Sang năm, theo GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vẫn phải thi theo cách này, nhưng phải thay đổi rất nhiều thứ, từ cách làm, việc tổ chức thi đến công bố điểm./.
Vũ Hạnh/VOV.VN


Phần nhận xét hiển thị trên trang

trò chơi flycam


Cộng đồng chơi flycam VN ngỡ ngàng với thông báo áp dụng cấp phép là nghị định dành cho loại hình bay không người lái nói chung, ra đời năm 2008, thời điểm chưa có trò chơi flycam.
Công văn của Bộ Quốc phòng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý, cấp phép quản lý đối với các loại máy bay không người lái, máy bay siêu nhẹ, trò chơi flycam (thiết bị chụp ảnh, ghi hình từ trên không), theo nghị định 36 năm 2008 của Chính phủ.
Cần ít nhất ba người phối hợp để điều khiển tốt flycam.
Cần ít nhất ba người phối hợp để điều khiển tốt flycam.
Theo nghị định này, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu có thẩm quyền cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại mô hình bay; cấm tổ chức các hoạt động bay khi chưa cho phép bay.

Theo Bộ Quốc phòng, các hoạt động bay của flycam tiềm ẩn nguy hiểm cho những hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, nhất là vào các dịp cao điểm như lễ, tết.
Tuy nhiên, theo cộng đồng chơi flycam, không nên đánh đồng các loại tàu bay này với flycam, thậm chí năm 2008 là thời điểm chưa ra đời flycam ở Việt Nam.
Kiểu nào cũng vi phạm
Là người có thâm niên chơi flycam, anh Trường (TP HCM) phân tích: Quy định Nhà nước đưa ra là hợp lý nhưng chưa sát với thực tế. Lúc nghị định 36 ban hành thì chưa có flycam. Các thiết bị không người lái khi ấy chỉ là máy bay mô hình, họ bay biểu diễn lạng lách để có những cú bay đẹp nên rất nguy hiểm.
"Flycam có đặc tính hoàn toàn khác. Flycam dùng để sáng tác, ghi hình nên những cú bay rất chậm, rất an toàn, không bay giật, bay như cướp”, anh Trường nói.
Ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu khẳng định: “Khi đối chiếu với quy định hiện hành, tất cả hoạt động bay của flycam hiện nay trong khu vực nội ô đều sai, đều vi phạm”.
Flycam được sử dụng để quay phim tại một lễ hội ở Bình Thuận.
Flycam được sử dụng để quay phim tại một lễ hội ở Bình Thuận.
Ông Nam cho biết thêm việc một số người chơi lấy những bản đồ thuộc hệ thống của flycam để phản biện là không có cơ sở vì bản đồ này không có giá trị pháp lý. Bản chất của những bản đồ này là ý thức tự kiểm duyệt của nhà sản xuất nhằm đề phòng những rủi ro có thể xảy ra khi bay vào các vùng được đánh dấu nguy hiểm.
Hãng DJI nổi tiếng về flycam cung cấp bản đồ bay trong đó tất cả các sân bay của Việt Nam đều được chấm dấu đỏ, có nghĩa là người chơi không được bay qua những điểm này. Bên cạnh đó, khi nằm trong vùng này, thiết bị sẽ không thể kích hoạt, không thể khởi động và vì vậy không bay.
Mặt khác, flycam khi xuất xưởng chỉ bay đến độ cao 400 feet, tức 120 m, một độ cao quá an toàn. Bản thân người chơi flycam trước khi bay đều xin phép địa phương.
Phải đợi đến khi nào?
Tương tự xe máy, flycam cũng có nhiều loại, vì vậy theo anh Trường, nên có sự phân biệt rõ ràng để áp dụng những quy định phù hợp cho từng loại với kích thước lớn nhỏ, tầm bay cao thấp, xa gần khác nhau chứ không thể quy định chung như vậy.
Là dân chơi flycam, bạn Thuận Dương (TP HCM) băn khoăn: "Phải đợi những quy định mới đến khi nào?. Quản lý chặt nhưng cần mở lối thoát ra cho người chơi flycam. Bây giờ, nếu làm việc, tác nghiệp những phân cảnh ngắn cũng phải làm công văn gửi ra tận Hà Nội thì thật rườm rà và những vùng cấm bay hoặc hạn chế bay vẫn không được thông tin rõ ràng. Chưa kể gửi công văn đi nhưng không biết bao giờ được nhận lại".
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: “Nghị định 36 ra đời khi chưa có flycam nên có lẽ các trình tự thủ tục chưa phù hợp với loại hình đang được phổ biến rộng rãi này. Chúng tôi cùng với Cục Tác chiến sẽ báo cáo lên bộ để làm sao ra được quy trình quản lý chặt nhưng tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phải xin giấy phép”.
Một dạng thiết bị ghi hình, chụp ảnh trên không (flycam/drone).
Một dạng thiết bị ghi hình, chụp ảnh trên không (flycam/drone).
Cùng quan điểm, ông Lương Hoài Nam cho rằng: “Trong thời gian này, các hội nhóm phải kiến nghị hội viên ngừng bay để thể hiện sự nghiêm túc, để cơ quan nhà nước tin rằng các bạn có trách nhiệm để cùng ngồi lại tìm giải pháp. Còn quy định đã như thế mà mình vẫn tiếp tục bay thì không tôn trọng ý kiến của cơ quan quản lý, cách xử sự như thế là không nên”.
Theo ông Lại Xuân Thanh, có thể người dân chưa thông thạo về những hoạt động của Bộ Quốc phòng nên cảm thấy việc xin giấy phép khó khăn. Tuy nhiên, một khi đã có quy định thì Bộ Quốc phòng cũng sẽ có những hình thức phù hợp đáp ứng nhu cầu của nhân dân, lâu dần mọi người sẽ quen.
Ông Thanh cho rằng hướng tới nên hình thành các câu lạc bộ. Câu lạc bộ được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm về quản lý và an toàn kỹ thuật của phương tiện. Việc cấp phép cũng nên thông qua đầu mối ấy, người làm thủ tục cũng dễ dàng hơn.
Có đúng là cấp phép trong 5 ngày?
Theo nghị định 76 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 36/2008/NĐ-CP, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu sẽ cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.
Ngược lại, cơ quan này sẽ từ chối cấp phép nhằm bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn hàng không khi chưa được cung cấp đủ thông tin trong nội dung đơn đề nghị cấp phép bay. Việc từ chối cấp phép bay được trả lời bằng văn bản. Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo nhiều người chơi flycam, trên thực tế thời gian để được nhận giấy phép phải tính bằng đơn vị tháng?!
Theo Đặng Tươi - Mạnh Khang - Tài Phong/Tuổi Trẻ 
http://news.zing.vn/Nhieu-khe-voi-tro-choi-flycam-post569576.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang