Nhân viên y tế phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
Số lượng người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam lớn, ước tính chiếm khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người bị rối nhiêu tâm trí. Theo số liệu khảo sát, số người tâm thần nặng ước tính khoảng 200.000 người, trong đó số người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng khoảng 154.000 người.
Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 13/8 tại Hòa Bình.
Tại hội thảo, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, hiện nay có 200.000 người mắc bệnh tâm thần nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Cả nước đã có 31 trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Do thay đổi về lối sống, sự phát triển kinh tế, thiên tai, ô nhiễm môi trường và sự hạn chế của hệ thống dịch vụ công tác xã hội nên số người bị rối nhiễu tâm trí, người bị tâm thần gia tăng. Đến năm 2020, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính khoảng 10% dân số, trong đó có 2,5% bị tâm thần nặng thuộc diện bảo trợ xã hội.
Hiện nay, việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễn tâm trí còn gặp khó khăn do mạng lưới các cơ sở thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Các cơ sở bảo trợ xã hội thiếu các dịch vụ tư vấn, trợ giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.
Trong bối cảnh, số lượng người rối nhiễu tâm trí ngày càng gia tăng thì việc phát triển hệ thống, dịch vụ trợ giúp xã hội ngày càng cần thiết. Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020 và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăn sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 50 cơ sở phục hồi chức năng, chăm sóc chuyên biệt và cung cấp dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng./
|
Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015
Khoảng 10% dân số Việt Nam đang bị rối nhiễu tâm trí
XH Không suy đồi thì nên gọi là gì?
Phóng sự – Tận mắt “phòng nhì” của các quý bà lắm tiền |
Đó là một phụ nữ U60 nhưng trông vẫn còn rất sung mãn. To lớn, bệ vệ, tay đeo đầy hột xoàn, hột nào hột nấy bự như cái trứng chim câu, nhìn bà nổi bật giữa ánh đèn nhấp nháy của vũ trường Bottoms Up Beer Club - Cao Thắng, phường 12, quận 10, TP HCM. Nhưng món trang sức gây sốc nhất của bà lúc này không phải là hột xoàn, mà là một anh chàng tuổi chừng 26, 27, đẹp trai đến ngây ngất, lúc nào cũng chờ chực để đưa khăn lạnh khi bà vừa ăn xong hoặc rút hộp quẹt zippo châm lửa sẵn khi bà vừa mân mê bao thuốc lá.
Bản lĩnh "playgirl"
Bà tên là Vân - Teresa Vân, Việt kiều Mỹ - một cái tên quen thuộc nơi vũ trường, quán bar đình đám chốn Sài thành như Cheer Beer Club, OMG Rooftop, MTV… Bà là một đối tượng rất hấp dẫn đối với tôi và may mắn thay, việc tiếp cận bà không khó khăn như tôi tưởng.
"Bà nghĩ gì khi người ta gọi bà là một playgirl?". Cầm trên tay li rượu sóng sánh màu hổ phách, bà nhún vai: "Chẳng nghĩ gì cả" - Rồi bà đưa điếu thuốc lên môi, rít sâu một hơi - "Thật ra, tôi biết trong giới đi chơi người ta đặt cho tôi những cái tên nghe còn kinh khủng hơn, dữ dội hơn rất nhiều. Nhưng tôi đâu có chết vì những lời nói của họ! Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều. Nếu lúc này, tôi không sống theo ý thích của mình, thì còn đợi đến bao giờ?".
Trong câu chuyện của mình, nhiều lần bà đề cập đến những cụm từ như: "hàng hiệu, hàng cao cấp, hàng đặc biệt"… nhằm để chỉ những "món hàng" sống mà bà hứng thú. Bà chịu chơi và rất chịu chi. Tất nhiên, nét hấp dẫn của bà ở trong mắt những chàng trai chính là tiền, còn bà đến với họ để vui chơi. Chơi chán, bà lại đi săn những con mồi mới.
Nhưng có điều lạ lùng là không ít anh chàng lại hụt hẫng, đau khổ khi bị bà bỏ rơi, dù đó là điều bà luôn nói với họ khi bắt đầu mối quan hệ. Mới đây thôi, tại vũ trường Saigon Vibrations Reggae Bar nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, người ta chứng kiến cảnh một chàng trai phơi phới khóc ròng, quỳ dưới gối bà và gào lên thảm thiết: "Em đừng bỏ anh". Trước thái độ sướt mướt của anh chàng, bà Teresa Vân lạnh lùng kêu bảo vệ mang anh chàng ra xe. Còn bà ngồi lại, tiếp tục chơi rất vui cho đến tận khi vũ trường đóng cửa.
"Tại sao đàn ông có tiền đi chơi gái, đi mát xa, đi bia ôm, bao bồ nhí… thì người ta cho là chuyện bình thường? Còn phụ nữ như thế thì lại bị cho là trác táng. Chúng ta cũng là con người mà" - bà Teresa Vân lớn giọng. "Thế con gái lớn của bà có ý kiến gì về cuộc sống của bà không?" - khi nghe tôi hỏi vậy, playgirl không trả lời và hình như bà cũng không có ý định trả lời câu hỏi đó.
Kẻ lụy tình
Hiếm người phụ nữ nào có thể sòng phẳng và làm chủ cuộc chơi một cách hoàn hảo như bà Teresa Vân. Có không ít phụ nữ lại rơi sâu vào trong chiếc bẫy tình do chính mình tạo ra. Lúc này, những ông chồng "bé" thật sự chiếm hết tâm trí của họ, đến nỗi họ quên mất rằng mình đang còn một người chồng "lớn" khác đang ngày đêm đi về, sờ sờ ở bên cạnh.
Tại điểm Hát với nhau 133 Hai Bà Trưng, quận 1, tôi đã có dịp tiếp xúc với một trường hợp như thế. Người phụ nữ ấy chỉ khoảng trên dưới 40. Trong chiếc áo đầm 2 dây đỏ boọc-đô dài đến gối, nhìn chị cũng khá hấp dẫn. Lúc này, chị ngồi sát vào người một chàng trai trẻ hơn chị rất nhiều. Thỉnh thoảng, họ cũng dìu nhau ra nhảy và bất cứ lúc nào, ở đâu, người phụ nữ ấy đều ôm rất chặt người tình.
Thế rồi đang trong một bài nhảy, bất ngờ, anh chàng gỡ tay chị ra và quay về chỗ ngồi, bỏ chị lại một mình. Người phụ nữ liền líu ríu về bàn, giọng tha thiết: "Sao thế mình?". Và chính tôi, nãy giờ âm thầm theo dõi màn diễn của hai người cũng giật mình khi người tình trẻ kia gắt lên một cách thô bạo: "Không thích! Đi thôi". Người phụ nữ ngoan ngoãn kêu phục vụ tới và trách nhiệm thanh toán đương nhiên thuộc về chị.
Hôm sau, tôi lại vào đó và lại gặp người phụ nữ ấy. Lúc này chị ngồi uống bia một mình. Thỉnh thoảng, chị đưa mắt nhìn những đôi dìu nhau trên sàn nhảy. Đôi mắt của chị lem luốc nhòe nhoẹt vì nước mắt làm chảy hết mascara bôi trên hàng mi.
Chị giới thiệu mình tên Nga, 41 tuổi, có hai căn nhà lớn nằm trên đường Điện Biên Phủ và Bùi Đình Túy - Bình Thạnh. Chị đã có chồng. Có lẽ cuộc sống nhàn rỗi của một người đàn bà dư thời gian và tiền bạc đã khiến chị dễ dàng rơi vào chiếc bẫy mang tên tình yêu. Tình nhân của chị thua chị 12 tuổi, ngày xưa là khách thuê nhà của chị trên đường Điện Biên Phủ. Đó là một anh chàng đẹp trai và cũng là một tay đào mỏ chuyên nghiệp. Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi anh ta "mở chiến dịch", chị đã hoàn toàn ngã gục.
Chị Nga quyết định lập phòng nhì, tìm một căn nhà khác trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình để thuê ở. Chị không từ chối anh chồng bé bất kỳ điều gì. Nhưng rồi ông chồng lớn bắt đầu nghi ngờ và tự tay đứng ra quản lý tài chính. Chị có một khoản tiền riêng giấu chồng, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và đưa cho chồng bé 250USD. Ngân sách hao hụt, anh chồng bé đầu tiên còn ráng chịu đựng với hy vọng chị sẽ nắm lại tài chính. Thời gian trôi qua, tình hình vẫn chẳng khá hơn, lúc này gã bắt đầu giở quẻ, chửi mắng, xa lánh mỗi khi chị tìm tới và gần đây, hắn còn đánh đập chị mỗi khi hắn nóng giận.
Các quý bà cũng không thiếu những ham muốn (ảnh minh họa). |
Vật thế thân nguy hiểm
Vì yêu chồng, mà lại có chồng bé! Điều đó thoạt nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng lại là chuyện thật một trăm phần trăm. Nghi chồng mình có bồ, Trần Phương Thu - một phụ nữ 29 tuổi, cư ngụ tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp nhờ người hàng xóm là anh Nguyễn Văn Tuấn chở đi theo dõi chồng. Tuấn cũng đã có vợ, một con và là dân chợ trời, phe phẩy.
Trong quá trình đi "theo dõi", cả hai đã có dịp gần gũi nhau, cuối cùng, Phương Thu đã chủ động lao vào vòng tay của Tuấn với ý nghĩ: "Mình phải có người đàn ông khác để trả thù việc ông xã mình có bồ nhí", mặc dù bồ nhí của ông xã tên gì, ở đâu, chị ta vẫn chưa thể lần ra dấu vết.
Phương Thu đã trao thân gửi phận cho một gã đê tiện. Chồng bé của cô thuộc dạng ưa "nổ". Bao nhiêu chuyện, từ việc cô sắm sửa cho gã đồng hồ xịn, quần áo mới, ti vi đầu máy… cho đến cả việc hai từng người lén lút với nhau, thậm chí từng nốt ruồi nhỏ nhất trên thân thể của cô cũng đều được gã đểu cáng này đem ra miêu tả tỉ mỉ với đám bạn nhậu. Gã hạ đẳng ấy không ngờ được rằng những tin tức giựt gân như thế có sức lan truyền rất nhanh. Những gã bạn nhậu kia sau khi nghe chuyện thì về kể lại cho vợ. Một đồn mười, mười đồn trăm… cuối cùng thì nó cũng lọt vào tai Thu.
Cô nàng nổi giận đùng đùng. Sự đam mê lúc này đã biến thành lòng thù hận. Phương Thu viết một lá thư tố cáo dài như sớ táo quân, kể việc gã chồng bé buôn bán đĩa lậu, buôn bán xe gian… ra sao, và gửi lên Công an phường. Lập tức gã được triệu lên phường nhưng vì chưa có đầy đủ chứng cứ phạm pháp nên gã lại được thả ra.
Uất ức vì con nhỏ dám giỡn mặt mình, gã trả đũa bằng cách liên tục nhắn những tin tục tĩu vào máy điện thoại của Thu để khủng bố. Thu cũng "không phải dạng vừa đâu", cô đi ra chửi một câu, đi vào chửi một câu làm cho những người dân cư ngụ trong xóm không ngày nào được yên. Cuối cùng, công an phường phải can thiệp bằng cách gọi cả hai người lên vì tội vi phạm luật hôn nhân thì cả hai mới bắt đầu ngậm miệng.
Tâm sự của những chồng bé
"Chỉ vì gia đình nghèo quá nên mới như vậy". Người nói lời tâm sự rất có vẻ thật ấy là Cao Cường, một trai nhảy. Không được học hành, cũng chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ có mỗi cái vẻ bề ngoài thật bảnh cùng cái miệng dẻo quẹo, Cao Cường chọn cho mình cái nghề trai nhảy và chưa đầy hai tháng từ khi bước vào nghề, Cao Cường đã nhanh chóng trở thành chồng bé của một bà giàu có.
Cao Cường được "vợ" sắm xe, điện thoại di động xịn và cho tiền để anh chàng đi chơi. Nhưng rồi bà nhà giàu nọ đột nhiên cắn rứt lương tâm, giã từ vũ trường, giã từ những cuộc chơi quay về với chồng con. Cao Cường lại bơ vơ quay về sàn nhảy và hàng ngày vừa dìu hết bà này đến bà kia trong ánh đèn màu, vừa câu rê. Thỉnh thoảng, anh chàng cũng bắt được vài độ nhỏ, tức mấy bà không muốn bao trai, mà chỉ muốn ăn bánh trả tiền. Nhưng anh chàng vẫn kiên trì bám víu vào vũ trường với hy vọng: Biết đâu, một ngày nào đó…
Thông qua Cao Cường, tôi có dịp làm quen, trò chuyện với một số trai nhảy khác và nghe họ kể khổ về nghề nghiệp của mình. Nhiều người trong số họ lại là người thuộc thế giới thứ 3! Họ tuy e dè trước người lạ, nhưng khi đã khơi nguồn cảm hứng rồi, thì họ lại rất thích tâm sự.
"Đừng thấy chúng tôi có vẻ nhàn nhã, bảnh bao mà tưởng bở. Nghề này nhìn vào lúc nào cũng bóng bẩy, nhưng cũng chua cay lắm" - Đức - một thành viên chơi chung nhóm với Cường cho biết. Có hai điều làm cho họ sợ nhất, một là trúng phải những bà có máu ghen, hai là trúng phải những bà có chồng lớn hay ghen, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sẽ có ông xách dao tới đòi… xẻo lỗ tai, xin tí huyết!
Một lần, Đức cặp với bà Tư Hải - một bà thuộc hàng trùm cho vay tiền góp ở khu chợ Bến Thành. Bà ta sắm cho Đức chẳng thiếu thứ gì, nhưng lại khiến anh chàng ngộp thở vì ghen. Hai người ngồi ăn với nhau, Đức vô tình liếc mắt một chút qua bàn đối diện có vài cô gái trẻ đẹp đang ngồi, là bà ta sẵn sàng quẳng cả đĩa thức ăn xuống đất hầm hầm ra về.
Khi đã nguội cơn ghen, bà sẽ chuộc lỗi bằng cách tưới đẫm anh chàng trong những cái vuốt ve, những lời xin lỗi và cả những món quà. Thế nhưng… đền được vạ thì má cũng sưng! Những trận tra tấn tinh thần lẫn thể xác của người đàn bà hay ghen khiến Đức quá đỗi kinh hãi đến nỗi anh chàng phải lẳng lặng ra đi, mặc dù bụng vẫn tiêng tiếc vì cái hầu bao rủng rẻng kia vẫn sẵn sàng mở ra một cách hào phóng cho chàng.
Đối thủ mà các trai nhảy ngại nhất, chính là những nhân vật tiếng tăm, như: người mẫu, ca sĩ, diễn viên kịch nói, diễn viên điện ảnh… Trên thực tế, không ít anh chàng trong số đó cũng sẵn sàng bán mình làm chồng bé, khi có người ra giá hợp lý. Thậm chí, có nhiều người từ hạng nhàng nhàng, đã trở thành ngôi sao vì gặp được "vợ" là một nhà tài trợ lớn.
Sau nhiều năm làm chồng bé, Đức, Thiều, Cao Cường giờ đây vẫn chỉ là một anh trai nhảy sắp hết thời. Những đồng tiền kiếm được quá dễ dàng thì tiêu đi cũng dễ không kém. Họ đốt nó trong rượu, trong những vũ trường, trong thuốc lắc và trong cơn khát sắm sửa của những người tình là bạn gái, bạn trai mà họ cảm thấy rung động. Giờ đây, họ chỉ còn hai bàn tay trắng cùng tấm thân bóng bẩy nhầy nhụa chất chứa kỷ niệm chẳng mấy đẹp đẽ về những lần lén lút, thập thò, những làn da nhăn nheo, những sự chịu đựng về thể xác lẫn tinh thần khi làm chồng đối tượng mà họ chẳng chút yêu thương, nếu không muốn nói là ghét bỏ…
Vương Liễu Hằng / Anninhthegio
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015
Hung hãn và hèn nhát
HH – Về cơ bản mình đồng ý với quan điểm chung của tác giả. Mình chỉ cảm thấy một vết gợn trong bài viết này – đó là tác giả dường như gói tất cả “xã hội Việt Nam” vào chỉ có “2 phe”, đồng thời dường như đặt riêng mình ra ngoài (hay lên trên) cái “xã hội” ấy để phán xét và chỉ trích. Một số ngôn từ được sử dụng trong bài viết tuy chưa đến mức “hung hãn” nhưng cũng có hơi hướng đả kích có thể dễ dàng dẫn đến … đánh nhau (nếu tranh luận ở ngoài đời) hay có thể kích thích những “ngôn từ bạo lực” từ cả “2 phe” kia :) (nếu tranh luận trên mạng). Thiết nghĩ những ngôn từ dù chưa hung hãn nhưng có thể kích động sự hung hãn thì nên tránh dùng trong một bài viết mà một phần chủ đề của nó cũng là lên án cái sự “hung hãn” và bạo lực, trong đó có bạo lực về ngôn từ…
Xã hội Việt Nam đang rất sôi động. Một sức sống như đang bừng bừng trẻ trung với bề ngoài của nó. Hào nhoáng. Chộn rộn. Mỗi ngày, khi trên báo chí hay truyền hình ra một đề bài lá cải, khắp nơi nhộn nhịp tham gia bàn tán như các cô cậu học sinh mùa thi được thử thách tâm sinh lý. Ở các ngã tư đường, các quán nhậu, các diễn đàn facebook… đâu đâu người ta cũng bàn tán về đề thời sự mới nhất. Một ông già hom hem ngấu nghiến hôn cô gái trẻ được báo chí ghi lại, lập tức trở thành quốc sự. Nền dân chủ lý sự tầm ruồng phất cao ngọn cờ ngời sáng với 2 phe: một bên thì đập ngực đem tất cả vốn liếng đạo đức để chỉ trích, một bên thì chống nạnh, viện dẫn mọi tư duy cấp tiến để nói rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí đáng yêu.
Quốc sự về nụ hôn của một cụ già trỗi máu xuân tình dĩ nhiên không quên bàn về nước dãi của cụ còn để lại trên gò má căng phính lông tơ của cô gái trẻ. Quốc sự về hình ảnh đó cũng có đủ mọi lời bảo vệ bằng cách đưa ảnh một vị lãnh tụ khác cũng hay hôn phụ nữ, đàn ông và trẻ con như một truyền thống đáng noi theo. Dĩ nhiên, khi đã tranh luận, mỗi phe càng nói càng hăng. Ngôn ngữ mỗi lúc một mạnh bạo, thậm chí rất hung hãn.
Sự hung hãn của một dân chủ xã hội đầy sôi động đó cũng được mô tả bằng bản tin hơn 5000 người Việt đánh nhau đến nhập viện trong một mùa xuân cầu mong yên lành. Sự hung hãn được chỉ định bằng việc giết heo trong lễ hội theo lối yêu trảm (chém ngang lưng) du nhập từ đời nhà Tần phương Bắc sang Việt Nam. Sự hung hãn được xác nhận như phần cần thiết của lễ hội mua thần bán thánh, từ miệng của một quan chức cấp cao, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân Dân Sóc Sơn “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường”. Loại câu nói đủ biết hạng người nào, tri thức kiểu gì đang đứng trên đầu dân chúng.
Một khi chuyện hôn hít của một ông già, chuyện đánh nhau vỡ đầu giành lộc, chuyện hung hãn đánh nhau giữa đường rồi cùng nhập viện… nay đã trở thành quốc sự hạng một, chiếm lĩnh mọi sự quan tâm của quốc dân, thì đó cũng là một chỉ dấu của con đường đến mạt vận.
Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong những chuyện tự do ngôn luận dân chủ tầm ruồng, bỏ quên hay tránh né về những điều nguy ngập khác, rằng Trung Cộng đã dựng xong sân bay, pháo đài… trên biển, có thể đánh chiếm Sài Gòn trong 24 giờ. Thế nhưng tướng quân đội Việt Nam thì tâm tư tha thiết kêu gọi dân chúng không nên ghét bỏ kẻ đang lăm lăm cướp – giết tổ quốc mình.
Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong cách dùng mọi học thuật để chứng minh đối phương đồi bại hay tiến bộ trong những điều chỉ đáng liếc qua và lãng quên, nhưng giỏi cười qua loa với chuyện các dự án bauxite thua lỗ trầm trọng mà vẫn phải tiếp tục, ngày đêm giao nộp sang biên giới, giỏi giả lơ khi giá xăng được tuyên hô sẽ lên giá không cần lý do, khi dầu thế giới chỉ có giá 50 USD/ thùng – mức giá thấp nhất từ trước đến nay.
Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn chém con heo ra nhiều mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã man, nhưng hèn nhát câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức tham nhũng đang đục ruỗng tổ quốc mình. Người ta im lặng hèn nhát khi nghe những kẻ như Trần Văn Truyền chỉ bị kỷ luật giơ cao đánh khẽ, còn những người tố cáo cái ác như ông Cao Kim Hoa, báo Người Cao Tuổi, đang lao đao giữa trùng vây vô lại.
Cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa.
Hung hãn và hèn nhát, hai mặt đối lập của số đông trong một nước, cho thấy sự sục sôi của chủ nghĩa duy lợi đang lây lan như một loại virus trọng bệnh, mà tỷ lệ nghịch với làn sóng đó, là sức sống còn cho một quốc gia.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Đa số các cụ chỉ là loại vô tích sự à?
Hà Văn Tiện
(Tác giả gửi Blog Hahien)
(Tác giả gửi Blog Hahien)
Nhân gần đây các quan chức quản lý văn hóa nước mình có nhiều hành động, lời nói lạ (ví dụ bộ trưởng bế cháu gái mới chưa đầy năm, trên trán có cái băng đỏ viết tiếng Anh vô te bay bay gì đó gửi e-mail bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thế giới, hay phát ngôn của quan cấp tỉnh về các lễ hội, về xây dựng tượng đài, quan chức ngành thể thao thao thao bất tuyệt phủ dụ bàn dân thiên hạ trước trận bóng đá với câu lạc bộ nước ngoài, nghệ sĩ nhân dân cho rằng việc tấu nhạc Tầu trong buổi lễ lớn là bình thường thôi…)chợt nhớ lại một chuyện có từ hơn 10 năm trước .
Từ lâu đã có nhiều cuộc thi tài cho các cháu bé ngoan học giỏi, các cô mẫu giáo dạy giỏi, cho các mẹ trẻ nuôi con khỏe dạy con ngoan, cho các anh chị thợ xây thợ tiện thợ dệt khoe bàn tay vàng…, đều là các phong trào có ý nghĩa cả. Tiếp đến, phú quý thì sinh lễ nghĩa, phong trào thi hoa hậu nở rộ các kiểu từ miền xuôi đến miền ngược, từ núi cao ra biển rộng, từ Thủ đô, thành phố về đến huyện xã v.v… Thuyền đua thì lái cũng đua, chẳng biết vì sao Sở Văn hóa Hà Nội (ngày ấy chưa nhập hai ngành du lịch và thể thao vào chung một rổ) vỗ đùi nghĩ ra cuộc thi “Lão khỏe, Lão đẹp-Lão có ích” cho các cụ tranh tài. Lại còn mời được Phạm Tiến Duật làm MC nữa (qua việc này mình vẫn yêu thơ của anh nhưng kém yêu anh đi một tí. Anh cũng thành người thiên cổ rồi, người viết không có ý trách cứ gì anh).
Cuộc thi chia làm ba phần. Phần thứ nhất thi “Lão khỏe”, các cụ người thì biểu diễn Thái Cực Quyền, người cử Vovinam, người múa võ gậy…, có chấm điểm, ghi lại để cộng thành tích chung với hai phần sau. Sau đó các cụ thi môn “Lão đẹp”, tuy không đo 3 vòng như thi hoa hậu, nhưng cũng có biểu diễn thời trang và các thứ làm đẹp khác phù hợp với tuổi già. Phần cuối thi “Lão có ích”, có cụ chọn môn kể chuyện, có cụ hát quan họ, có cụ biểu diễn những việc giúp con cháu trong nhà, tham gia công việc xã hội khối phố v.v…
Cuộc thi thành công tốt đẹp, trong số nhiều cụ tham dự tranh tài chọn được một Cụ Lão Hậu, một Cụ Lão Á Hậu 1, một Cụ Lão Á Hậu 2, các cụ khác chắc chỉ được khen nhưng không có danh hiệu .
Chiều hôm ấy mình lững thững ra Hồ Tây hóng mát. Thấy dưới bóng liễu rủ ven hồ, trên cái ghế đá có hai cụ đang ngắm nhìn trời xanh nước biếc, đến gần nhận ra vợ chồng hai cụ xóm trên. Các cụ tươi cười gọi đến, mời ngồi cạnh chuyện phiếm cho vui. Đánh bạo, mình hỏi hôm nay HTV truyền trực tiếp cuộc thi về các cụ, không thấy hai cụ tham gia, hay là các cụ ở nhà xem TV thôi.
Chợt thấy mình dại quá. Cụ ông sầm mặt cho một tràng “Tuổi già kéo đến, sức khỏe các cụ suy tàn dần là chuyện thường tình. Cũng chẳng còn đẹp với ai nữa, nhăn nheo lụ khụ hết cả rồi. Tổ chức thi khỏe với đẹp thì đã là ngu rồi, nhưng thi “Lão có ích” thì hỗn láo quá thể. Các cụ đã cống hiến cả đời cho con cháu, cho xã hội, bây giờ có quyền ngồi không để xã hội, con cháu chăm sóc, sao lại còn thi có ích là thế nào. Cứ cho là có một trăm cụ đi thi, chỉ có ba cụ được giải “có ích” thì hóa ra chín mươi bảy cụ kia chỉ là giống ăn hại, là loại vô tích sự à! Sao dám đem tuổi già ra mà diễn trò, thật là vô phúc.”.
Cụ bà thấy mình xấu hổ sượng sùng, mới đỡ lời rằng “không phải ông nói cháu đâu, ông mắng là mắng cái bọn làm văn hóa là cái đồ vô văn hóa đấy thôi”.
H.V.T
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Mỹ đột ngột giáng "đòn đau" vào dầu mỏ Nga
Đỗ Quyên (Theo Reuters, RT)
(NLĐO)- Ngay sau khi Mỹ tuyên bố bổ sung các hoạt động thuộc lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga tại mỏ dầu Yuzhno-Kirinskoye, vào danh sách lệnh trừng phạt, Moscow hôm 7-8 lên tiếng chỉ trích đây là động thái càng hủy hoại quan hệ giữa hai nước.
Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin khẳng định: “Bất hạnh là kiểu đối thoại vẫn giữ theo lối ngôn ngữ trừng phạt này chỉ càng hủy hoại quan hệ song phương”.
Bình luận của ông Peskov đưa ra sau khi Washington tuyên bố mở rộng trừng phạt nhằm vào các dự án năng lượng của Nga, bao gồm mỏ dầu Yuzhno-Kirinskoye ở khu vực bờ biển viễn đông của Nga.
Theo lời người phát ngôn này, Nga coi các biện pháp trừng phạt của phương Tây là những chiêu trò thiển cận và Moscow tự tin rằng nền kinh tế của mình đủ sức chống chịu áp lực đó.
“Nền kinh tế (Nga) đã thể hiện sự vững chãi, thế nên tôi không nghĩ rằng chúng tôi cần lo ngại về bất cứ tác động hệ thống nào từ những trừng phạt đó. Chúng tôi không coi những lệnh trừng phạt đó là biện pháp hợp pháp và tất nhiên cũng không phải điều thể hiện sự nhìn xa trông rộng” – ông Peskov nhấn mạnh.
Theo tuyên bố đăng tải trên trang web Federal Register (Sổ bộ Liên bang) của Mỹ hôm 7-8, mỏ khai thác Yuzhno-Kirinskoye nằm ở biển Okhotsk, ngoài khơi Siberia vốn thuộc sở hữu của nhà sản xuất khí đốt hàng đầu tại Nga-Gazprom, đang được bổ sung vào danh sách cấm vận vì Mỹ nhận thấy nó có trữ lượng dầu và khí đốt đáng kể.
Mỏ Yuzhno-Kirinskoye được phát hiện vào năm 2010 và Gazprom cho biết nó sẽ đi vào sản xuất từ năm 2018. Hiện phía Gazprom chưa đưa ra bình luận về động thái mới nhất nói trên của Mỹ.
Theo luật sư Douglas Jacobson, chuyên gia về thương mại quốc tế tại Washington, biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu và tái xuất khẩu của Nga. “Động thái mới vượt xa các biện pháp trừng phạt Moscow hiện nay, trong đó cấm một số mặt hàng xuất khẩu sang Nga khi chúng được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thăm dò, sản xuất dầu và khí đốt bên trong nước Nga”- ông Jacobson cho biết.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Bắt khẩn cấp Thượng nghị sĩ chủ mưu chống phá biên giới Việt Nam-Campuchia
HongSokHour (bên trái ngoài cùng) - Ảnh: Phnom Penh Post
Hồng Thủy
(GDVN) – Thủ tướng Hun Sen ra lệnh bắt khẩn cấp Hong Sokhour vì ông ta đã tải một “điều ước quốc tế giả” liên quan đến biên giới Việt Nam – Campuchia lên Facebook.
The Cambodia Daily ngày 13/8 đưa tin, Thượng nghị sĩ phe đối lập CNRP Hong Sokhour đã bị bắt tại trụ sở chính của đảng này ở Phnom Penh sáng hôm nay, chỉ một giờ sau khi Thủ tướng Hun Sen yêu cầu cảnh sát bắt giữ khẩn cấp ông ta.
“Tôi có thể xác nhận rằng Hong Sokhour đã bị bắt giữ tại trụ sở chính của CNRP ở xã Chak Angre Loeu một vài phút trước đây”, Kong Korm, Chủ tịch đảng Sam Rainsy (vẫn tồn tại vì lý do pháp lý mặc dù đảng Sam Rainsy đã sáp nhập vào CNRP) nói với The Cambodia Daily.
“Ông ấy đã bị đưa ra khỏi trụ sở CNRP nhưng chúng tôi không biết ông ta bị đưa đi đâu. Chúng tôi có thể nói rằng việc bắt giữ được thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các cơ quan chức năng bắt giữ ông ấy”, ông Kong Krom đồng thời cũng là một Thượng nghị sĩ xác nhận.
Hong Sokhour đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch gần đây của CNRP vu cáo Việt Nam xâm phạm biên giới Campuchia sau khi đi du lịch Paris để thu thập các bản đồ nhằm chứng minh rằng, bản đồ chính phủ Campuchia đã dùng đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam là “giả mạo” bản đồ hiến pháp và “nhượng đất cho Việt Nam”.
Kep Chuktema, một nhà lập pháp của đảng CPP cầm quyền viết trên Facebook cá nhân sáng nay rằng, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh bắt khẩn cấp Hong Sokhour vì ông ta đã tải một “điều ước quốc tế giả mạo” lên tài khoản Facebook cá nhân mình.
Tuy nhiên theo tường thuật của tờ The Phnom Penh Post ngày 13/8, mặc dù có tin Thủ tướng Hun Sen ra lệnh bắt khẩn cấp vì tội phản quốc, nhưng Hong Sokhour vẫn còn ở một nơi an toàn, Teav Vannol, một Thượng nghị sĩ đối lập cho biết. Cũng giống như Chủ tịch đảng CNRP Sam Rainsy, Hong Sokhour mang hai quốc tịch Campuchia và Pháp.
“Tôi không chắc chắn về vị trí, nhưng tôi biết ông ấy chưa bị bắt, giờ này ông ấy đang ở một nơi an toàn. Tôi đã nói chuyện với vợ ông ấy, bà này nói rằng chồng bà vẫn đang ở một nơi an toàn”, Teav Vannol cho biết. Thủ tướng Hun Sen ra lệnh bắt khẩn cấp Hong Sokhour vì ông ta đã tải một “điều ước quốc tế giả” liên quan đến biên giới Việt Nam – Campuchia lên Facebook.
Phát biểu tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen gọi Hong Sokhour là kẻ phản quốc. “Chính phủ phải có hành động đối với kẻ phản quốc này”, The Phnom Penh Post dẫn lời ông cho biết. Hun Sen ra lệnh cho tướng Neth Savoeun – Ủy viên Cảnh sát quốc gia bắt khẩn cấp Hong Sokhour, đồng thời chỉ thị Bộ trưởng Tư pháp đề nghị Thượng viện bãi miễn tư cách Thượng nghị sĩ của ông.
Hun Sen cũng ra lệnh cho sân bay quốc tế Phnom Penh ngăn chặn Hong Sokhour bỏ chạy, đồng thời yêu cầu tất cả đại sứ quán các nước ở Campuchia không được can thiệp vào vụ này. Người phát ngôn của đại sứ quán Pháp Nicolas Baudoin nói rằng Hong Sokhour không có mặt tại cơ quan này.
“Sân bay Pochentong phải đóng cửa tất cả các trạm kiểm soát đối với người đàn ông đó. Các đại sứ quán xin vui lòng không chấp nhận (dung túng) người đàn ông này. Đây là một hành vi phạm tội thực tế và ông ta phải bị bắt ngay lập tức. Đại sứ quán các nước không nên can thiệp”, ông Hun Sen được dẫn lời cho biết.
Theo đài RFI, ngay sau khi có lệnh bắt khẩn cấp Hong Sokhour, lực lượng an ninh Campuchia đã có mặt ngay trước cổng các đại sứ quán nước ngoài, đặc biệt là đại sứ quán Mỹ, đại sứ quán Pháp đề phòng viên Thượng nghị sĩ này bỏ trốn.
( Nguồn: Báo GDVN)Phần nhận xét hiển thị trên trang
HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 25
Bùi Ngọc Tấn
Đến bao giờ mình mới không phải là nhà trọng điểm, bao giờ mới có thể sống bình thường? Cả hai chúng tôi đều khát khao cuộc sống của người bình thường. Tác giả Vĩnh Xương trong một bài giới thiệu Chuyện kể năm 2000, dù chưa một lần gặp tôi, đã viết rất chính xác rằng: Bùi Ngọc Tấn không thích đấu tranh, ông chỉ mê văn chương chữ nghĩa. Tôi rất phục Vĩnh Xương. Chỉ đọc văn tôi mà ông hiểu được tính tình tôi. Tôi rất sợ sách nhiễu, những cuộc gọi hỏi, những cuộc thăm viếng, những cuộc khám xét, những cuộc tranh luận cãi vã chính trị, cãi vã đời sống, những cuộc thanh minh hoặc đôi co. Tôi cũng sợ những kẻ khiêu khích công khai cũng như những kẻ vu cáo ẩn danh. Nếu những chuyện như vậy đến với tôi, tôi sẽ im lặng. Bởi nó sẽ ngốn rất nhiều thời gian, sức lực, thần kinh. Mà tôi lại cần nhiều thời gian thần kinh sức lực để làm việc, và cả để nghỉ ngơi. Cũng đã xẩy ra chuyện đặt điều theo một kịch bản nào rồi đấy, tôi im lặng, tin rồi mọi người sẽ hiểu.
Thần kinh tôi đã chịu tra tấn gần 60 năm! Không biết có ai bị lâu như tôi không. Các tiền bối thuở ấy như Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang… đều đã qua đời.
Còn ai từ năm 1967 ấy tới nay 2014 vẫn bị theo dõi như tôi không? Tôi không giấu giếm sự mệt mỏi của tôi, nhất là sự mệt mỏi của vợ tôi vì lấy tôi mà khổ cả đời. Đã hơn nửa thế kỷ chúng tôi căng thẳng rã rời cùng một niềm uất hận vì oan khuất. Nhưng không có nghĩa tôi đầu hàng. Tôi có cách phản kháng của tôi, niềm ham thích nhất của tôi: Yên lặng, miệt mài trên bàn viết. Viết để lưu giữ cuộc sống này, trật tự xã hội này, sự giả dối trắng trợn này trên giấy trắng. Tôi đã nói với Kiên và Dũng khi chúng tôi gặp nhau ở khách sạn Thái Dương:
– Các anh cứ theo dõi tôi đi. Các anh sẽ thấy tôi là người cực kỳ lương thiện. Tôi ngồi viết văn. Sách của tôi in có địa chỉ. Có giấy phép của cục xuất bản, có người chịu trách nhiệm. Tôi không tự in ấn rồi tán phát như danh từ các anh thường dùng. Hành động có thể coi là thoái hoá biến chất đối với tôi là thỉnh thoảng nhấm nháp vại bia hơi vỉa hè. Thế thôi.
Trong thời gian Hậu Chuyện kể năm 2000 chắc chắn đã có một sự chỉ đạo thống nhất nhằm bôi nhọ tôi. Cháu Hà Như Hải, người đánh máy bản thảoChuyện kể năm 2000 giúp tôi khi còn là sinh viên nay làm cho một xí nghiệp liên doanh với nước ngoài. Hai mẹ con cháu đến nhà tôi với vẻ mặt rất lo lắng vì trong một cuộc họp ở xí nghiệp, cháu Hải nghe cấp trên nói rất nhiều đến Chuyện kể năm 2000, một quyển sách phản động do một tên phản động đã mãn hạn tù viết ra.
Người ta lên án tôi ở cả một xí nghiệp liên doanh với nước ngoài! Còn đây là thông tin từ Vũ Trọng Thuần. Thuần là bạn học. Anh học dưới tôi một lớp và tham gia thành uỷ Hải Phòng đúng khoá ông Trần Đông làm bí thư. Anh đã nghỉ hưu với cương vị một giám đốc xí nghiệp. Nghĩa là anh là người trong hàng ngũ chức sắc.
– Tôi mới họp chi bộ xong. Ông chi uỷ nói về ông, về Chuyện kể năm 2000. Tôi cứ ngồi im xem họ nói năng ra làm sao. Ông đại diện chi bộ nói: Có một thằng cha phản động đi tù về vẫn không chịu hối cải, mới viết một quyển sách phản động, nói xấu đảng, chửi từ trung ương trở xuống, không từ một ai. Chửi đảng, chửi chế độ, chửi lãnh tụ, chửi cả lãnh đạo thành phố. Biết nó nói về ông rồi. Tôi mới giả cách nhổm lên hỏi: Bắt chưa? Bắt chưa? Chưa. Sao một phần tử như thế mà không bắt. Vẫn để nó ở ngoài xã hội à? Phải tóm ngay chứ! Mấy ông ấy nói: Chắc sớm muộn rồi cũng bắt thôi. Ác cái là thằng ấy lại ở ngay phường mình. Thế mới gay chứ. Làm đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch phường mất ăn mất ngủ.
Thuần cười:
– Tôi mới bảo: Chắc gay lắm nhỉ. Khéo ốm thì gay. Rồi tôi hỏi ông chi uỷ đang đứng nói: Thế các ông đọc chưa đã? Rồi. Thật không? Thật. Tên quyển ấy là gì? Chuyện kể năm 2000. Nội dung là gì ông nói tôi nghe xem nào. Không ông nào nói được. Tức là chưa đọc. Chưa đọc nhưng trên bảo thế nào thì cứ thế hót. Tôi mới bảo các ông ạ. Tôi đọc quyển ấy rồi. Tất nhiên là bản phô-tô thôi — Bản ông ký tặng tôi, tôi phải cất đi chứ. Cất kỹ. Nhà có máy phô-tô. Tôi phô-tô hai bản. Tha hồ đọc, tha hồ cho mượn, không sợ mất. Nhà tôi có. Ông nào muốn đọc đến lấy đọc. Các ông đã đến nhà anh Bùi Ngọc Tấn là người viết ra cuốn sách chưa? Tôi đến rồi.— Tôi không nhận ông là bạn học của tôi. Tôi đến nhà anh Tấn rồi. Gặp cả chị vợ anh ấy nữa. Văn hoá lắm. Nhất là chị vợ. Những người như thế không thể là những kẻ chửi bới vô văn hoá được. Tôi rất ít đọc sách văn nghệ. Thế mà tập này tôi đọc suốt đêm. Có nhà tôi đây này, các ông cứ hỏi nhà tôi mà xem. Chả là nhà tôi cũng hưu rồi, cũng sinh hoạt chi bộ đường phố, nằm trong chi uỷ. Bà ấy hơn tôi. Chi uỷ cẩn thận. Bà ấy cười bảo: Đúng. Vớ được tập sách, nhà tôi đọc cả đêm. Tôi bảo: Tập sách ấy tôi có. Ông nào muốn đọc đến tôi cho mượn. Bản phô-tô thôi.
Thuần nhìn tôi cười rất đắc ý:
– Từ bấy đến nay tôi chờ, nhưng không ai đến mượn cả ông ạ. Thì ra cứ nói như con vẹt thế thôi, chứ các bố không quan tâm, các bố không đọc.
Thuần ở Lương Văn Can, gần nhà tôi. Thỉnh thoảng sang chơi. Dăm ba câu thế sự như những người về hưu khác. Đầu năm 2003 nghĩa là mùa xuân năm Quý Mùi, đã ba năm sau khi in Chuyện kể năm 2000, câu chuyện tôi là tên phản động trong phường vẫn còn nguyên tính thời sự. Thuần cười ngặt nghẹo. Cười rất lâu rồi mới nói được thành lời:
– Tết xong, phường họp toàn thể cán bộ đảng viên. Đông. Ông bí thư phường lên nói nhiều chuyện trong đó có chuyện phường ta đón xuân thắng lợi an toàn. Ông ấy bảo phường ta có một điểm nóng. Nên phường rất lo. Phải phân công trực ngày đêm. Đề phòng trường hợp xấu nhất. Nhưng may, không có gì xẩy ra.
Nói đến đây Thuần lại cười ngất khiến tôi lờ mờ đoán được chuyện gì. Và tôi đã không nhầm.
– Điểm nóng ấy ở số 10 Điện Biên. Nhà ông Bùi Ngọc Tấn. Ông này bị đưa đi cải tạo năm năm. Về viết tập Chuyện kể năm 2000 nói xấu chế độ, chửi Đảng, chửi Nhà Nước. Mà giao du vô cùng phức tạp. Người ra người vào, Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Người nước ngoài. Mỹ, Pháp đủ cả. Đến mồng 3 Tết thấy không xẩy ra chuyện gì chúng tôi mới yên tâm.
Thuần vừa kể vừa cười giàn nước mắt.
Tôi cũng cười:
– Tức là Bùi Ngọc Tấn không giật mìn phá Nhà Hát Lớn! Mà khách đến nhà ông Tấn cũng không có ai là al-Qaeda!
Thuần lau nước mắt, kể tiếp:
– Tôi bảo bà cụm trưởng. Bảo bà cụm trưởng thôi. Ông bí thư còn đang đứng nói. Tôi là bạn học với ông ấy. Bà có muốn đến nhà ông Tấn tôi đưa đi. Người hiền như đất. Người ấy không thể làm điều ác điều xấu. Mà cũng chẳng thể làm phản động được. Chẳng biết cái gì ngoài văn chương chữ nghĩa. Ông ấy có nói với nhiều người rằng ông ấy yêu nước không kém bất kỳ một người Việt Nam nào kể cả tổng bí thư. Tôi tin. Nhà tôi có một bộChuyện kể năm 2000. Hay lắm. Các ông các bà muốn đọc, đến tôi, tôi cho mượn.
Thuần lại cười với cái điệp khúc quen thuộc của anh:
– Vẫn chẳng vị nào đến ông ạ.
Tôi nghĩ phần lớn những người lên án tôi, lên án tập sách đều là những người độc ác một cách hồn nhiên như vậy. Không đọc, không biết nội dung, nhưng nghe trên phổ biến cứ thế là nói. Thành thật. Thiết tha. Chẳng muốn tìm hiểu vì có người tìm hiểu sẵn cho rồi. Chẳng muốn suy nghĩ vì có người suy nghĩ sẵn cho rồi. Không muốn khởi động và không làm sao khởi động được bộ não trì trệ của mình, bộ não không suy nghĩ bởi đã có người suy nghĩ hộ. Tôi không trách họ. Chỉ buồn: Đấy là những người được coi là ưu tú nhất trong nhân dân, những người lãnh đạo dẫn dắt nhân dân, cầm cương nẩy mực, thức tỉnh Nhân Dân! Buồn hơn nữa vì người ta đã thành công trong việc tạo ra những lớp người kế tiếp nhau như vậy để thông qua họ cai trị Nhân Dân. Một Nhân Dân bị lừa dối, chịu quá nhiều đau thương đã trở nên mệt mỏi, cam chịu, phục tùng, luôn nghĩ rằng chẳng thể nào thay đổi được.
Tháng 6 năm 2004 ban tổ chức Festival Thơ Huế định mời tôi tham dự. Cũng là tạo điều kiện cho tôi thăm Huế và gặp những bạn đọc Huế yêu quý tôi. Nhưng rồi ban tổ chức nhận được một ý kiến của TRÊN: Anh Bùi Ngọc Tấn vào xẩy ra việc gì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Không ai dám mời tôi. Và nếu có được mời, tôi cũng “không dám đâu.” Đường từ đây vào Huế dài lắm, dài hơn đường 5 của vợ chồng Lưu Quang Vũ cả mấy chục lần!
Trong những tháng năm căng thẳng sống trong không khí vu cáo thù địch, tự giam mình trong nhà, vùi đầu vào công việc viết lách cho quên đi sự tù túng, nhớ đường phố, nhớ cây, nhớ vại bia vỉa hè trong những cuộc “tụ bạ”, một hôm tôi được giấy mời ra bưu điện nhận bưu phẩm: Một hộp sắt tây cũ, băng keo bao kín, kẹp chì bảo hiểm. Đúng tên, đúng số nhà. Đúng cả số điện thoại. Nhưng người gửi thì lạ hoắc. Nguyễn Văn Vận. Một cái tên tôi chưa nghe thấy bao giờ. Địa chỉ: Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh — tôi đã quên mất số nhà tên phố. Hộp không nặng, chỉ khoảng một ki lô. Tôi lắc khẽ: Có tiếng lục cục bên trong. Trở về nhà tôi đặt món quà lạ lùng không mong đợi, được niêm phong rất kỹ, phải ra tận bưu điện ký nhận này trên sàn gỗ, giữa buồng. Vợ tôi biết có bưu phẩm, bước đến. Hai chúng tôi nhìn nhau, không nói nhưng hiểu ý nghĩ của nhau. Và ngồi nhìn cái hộp im lặng như chúng tôi im lặng.
Tôi cầm hộp lên xem, đọc lại lần nữa tên người nhận, tên người gửi, tên bưu cục. Và lục lại trí nhớ. Không. Tôi không quen ai có cái tên Nguyễn Văn Vận. Người này là ai? Sao lại gửi cái hộp này cho tôi? Nhằm mục đích gì? Có gì bên trong? Tôi lại lắc nhè nhẹ. Rồi đưa cho vợ tôi. Vợ tôi cũng giơ lên tai khẽ lắc — Tôi rất sợ một tiếng nổ lớn vang lên ngay thái dương vợ tôi, sẽ tan nát hết cả hai chúng tôi, tan nát cả cái buồng này! Chúng tôi cùng thống nhất nhận định: Hộp đựng nhiều vật rắn, còn nhiều khoảng trống, chưa đầy. Nhìn vết xoắn của mối bảo hiểm được kẹp chì mà hoang mang. Chỉ cần lấy kéo cắt mối dây, tháo lớp băng keo khoanh tròn nắp hộp là biết bên trong có gì, là biết người ta gửi gì cho tôi, là biết tôi nhận được cái gì. Nhưng không thể. Trước tiên tôi không quen một ai có tên Nguyễn Văn Vận ở thành phố Hồ Chí Minh để gửi cho tôi món quà này. Cái tên chưa từng nghe thấy chứ đừng nói một người quen. Lại càng không thể có người quen nào gửi hộp bưu phẩm kỳ cục bí hiểm mà không báo trước. Trên hộp có ghi chính xác số điện thoại của tôi, sao không gọi? Điều gì sẽ đến khi lưỡi kéo chạm phần lõi của dây? Cứ cho là vẫn chẳng có điều gì xảy ra. Nhưng còn lớp băng keo, sau khi đã liều mạng bóc lớp băng keo an toàn, chắc chắn tôi không dám cậy mở nắp hộp. Một bí ẩn chết người đang nằm trong đó. Một tiếng nổ đang nín lặng trong đó. Một khối lửa chờ bùng lên đang thu mình trong đó. Một sự tàn phá nằm hiền lành trong đó. Một xé toang lồng ngực, đổ sập nhà cửa phục sẵn trong đó. Tôi đã chứng kiến vụ đánh mìn ở phố Trần Khánh Dư gần nhà tôi, rung chuyển gian gác tôi ở, khói bụi cuồn cuộn, từ cửa sổ nhìn sang rất rõ…
Tôi gọi điện vào thành phố Hồ Chí Minh cho Hải Yến, hỏi vợ chồng con gái tôi có quen ai tên như vậy, ở số nhà như vậy không? Hải Yến điện hỏi chồng đang làm việc ở cơ quan rồi trả lời cả hai không quen ai tên Vận. Tôi bảo Hải Yến hỏi cho tôi số điện thoại cái bưu cục đã nhận chuyển hộp quà rồi tôi gọi điện tới.
Một giọng nữ trong trẻo đầu dây bên kia:
– Nguyễn Văn Vận à? Anh chờ cho một xíu… Người gửi nói là thuốc bắc.
Thuốc bắc! Tôi có quen ai ở Nhà Bè và nhờ người ta mua thuốc bắc đâu. Mà tôi có ốm đau gì đâu! Nghĩ ra rồi! Không nghi ngờ gì nữa! Thuốc bắc có nghĩa là tẩm bổ, là kéo dài tuổi thọ. Thằng khốn nạn nói đểu đấy. Phải hiểu ngược lại là chết, chết ngay tức khắc. Không lừa được bố mày đâu, đồ chó đẻ! Tôi khẽ đu đưa cái hộp sắt và lắng nghe. Vẫn tiếng va đập nhè nhẹ nhưng tôi như đã nghe thấy tiếng nổ. Người tôi bị ép nhừ. Căn buồng sập. Bụi mù mịt…
Tôi đã quyết định. Dù bên trong hộp có là vàng tôi cũng không mở. Phải tống khứ ngay lập tức. Một phút một giây còn để trong nhà là một phút giây nguy hiểm. Tôi gọi điện cho cậu con út Bùi Quang Dũng. Dũng đi xe máy tới đèo tôi lên cầu Lạc Long. Cầu cho trên đường đi nó đừng phát nổ. Hai tay tôi nâng niu cái hộp trên lòng, tránh mọi va đập mạnh. Đã đến chân cầu. Đã đến giữa cầu. Tôi xuống xe, vịn lan can cúi nhìn dòng nước đục phù sa trôi dưới chân cầu và buông tay thả cái hộp sắt xuống sông Tam Bạc. Chờ một tiếng nổ rung chuyển, một cột nước dựng cao, mặt cầu rạn vỡ, người đi trên cầu hoảng hốt kêu thét vì trúng thương vì sợ hãi. Và sẵn sàng nhẩy lên xe máy phóng đi để khỏi bị bắt vì tội phá cầu. Hoặc chỉ là một cột khói bốc lên, không gây tác hại gì và tất cả quay lại nhìn tôi như nhìn một tên gián điệp. Nhưng không có tiếng nổ nào, không có cột khói nào. Mọi người xuôi ngược qua cầu chẳng ai thèm nhìn tôi vừa thả một vật gì xuống sông, Chiếc hộp nổi. Trôi. Trôi trên mặt nước giữa sông. Trôi giữa những khóm bèo tây, những mảnh xốp, những vỏ bòng, những rác rến lúc nào cũng rải rác lềnh bềnh mặt sông. Nghiêng nghiêng trôi. Im lặng trôi. Về phía cửa sông nơi hội với dòng sông Cấm.
Chắc nước chưa ngấm vào hộp nên ngòi nổ chưa được kích hoạt. Nó vẫn trôi. Phải mau chóng thoát khỏi nơi này, tôi bảo Dũng quay ngược xe xuống dốc cầu.
Tối, theo dõi báo đài không thấy đưa tin về một vụ nổ nào. Mấy hôm sau, Bùi Ngọc Hiến đến nhà hỏi tôi:
– Bố có nhận được hộp thuốc hoàn thằng Vận tầu Việt Xô 07 gửi ra cho con không?
Hộp thuốc hoàn giá bốn triệu của con tôi đặt người ta làm. Đến lúc ấy tôi mới biết. Hiến ở một ngõ thuộc đường Thiên Lôi, sợ khó tìm nên đã bảo bạn gửi về địa chỉ của tôi ở trung tâm thành phố, gần ngay bưu điện, mà không nói cho chúng tôi bởi thấy không cần phải nói. Còn chúng tôi, quen sống trong lo lắng, luôn nghĩ tới và đối phó với những âm mưu hãm hại nhưng không cho con cái biết, để chúng bớt đi một điều nghĩ ngợi. Chuyện cứ như là của những kẻ tâm thần. Vâng. Chính là chuyện của những kẻ tâm thần. Chúng tôi là những kẻ tâm thần chính hiệu. Những kẻ tâm thần một trăm phần trăm. Sống trong hoàn cảnh như vậy không bị tâm thần mới là chuyện lạ.
*
Có lẽ chúng tôi chỉ mắc chứng tâm thần thôi mà không điên bởi đã được tôi luyện trong gần hai nghìn ngày lao tù rồi cả vạn ngày hậu tù tiếp theo kinh khủng không kém gì tù tội. Hơn thế, hôm nay không còn là cô đơn gậm nhấm oan khuất, âm thầm chịu đựng, tiếp tục thói quen nuốt tiếng thở dài vào bụng, lặng lẽ nghiền ngẫm tiêu hóa nó. Rất nhiều bạn đọc đến với tôi, đem đến cho chúng tôi sự động viên rất lớn, tăng cường sức bền cho hệ thần kinh vốn suy nhược của chúng tôi.
Những người khách đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi. Đi xe máy. Đi ô tô. Đi bộ. Đi xe đạp. Máy ảnh. Chân chống vác trên vai. Những vị khách người nước ngoài, những đàn ông da đỏ au cao mét chín, hai mét với camera, với đèn chiếu sáng, những đàn bà tóc bạch kim quần soóc, ôm những bó hoa tươi. Có tốp hai ba người, có đoàn lên tới gần hai mươi người, quay phim chụp ảnh từ đầu ngõ vào cho tới khi lên gác. Tất cả cùng một nét mặt hân hoan, một nụ cười tươi tắn, hơn cả lời nói chúc mừng.
Một nhạc sĩ đang công tác ở nước ngoài về Hải Phòng nhờ Vũ Cao Quận đưa đến thăm vợ chồng tôi.
Giữa trưa. Chúng tôi đang ăn cơm. Người bạn đọc ấy nói:
– Tôi biết anh chị đang ăn cơm. Nhưng tôi chỉ gặp anh một tí thôi. Tôi đến chỉ để vái anh một vái.
Người khách đứng chắp hai tay vái tôi và tiếp:
– Anh đã làm một việc nhân đức. Bộ sách của anh có sức mạnh bằng mấy sư đoàn. Nhiều người sẽ cám ơn anh. Nhiều gia đình sẽ cám ơn anh. Tôi đang nghiên cứu đạo Phật. Anh sẽ được Phật Tổ Như Lai phù hộ độ trì. Cứu một người phúc đẳng hà sa. Tập sách của anh chắc chắn không chỉ cứu một người. Anh chị sẽ được Đức Phật che chở, được hưởng ân phúc của Đức Phật.
Nói rồi anh đi, sau khi đã trao cho tôi cái các vi-dit và hẹn gặp lại. Chúng tôi cứ đứng ngớ ra, không kịp cả rót nước mời anh.
Rồi một chiến sĩ tên lửa thời chống Mỹ. Một vị tướng về hưu — cũng đã trải qua vòng lao lý oan sai —xách đến cho tôi một can mắm tép nhà làm. Mấy ông đại tá bị tù oan. Một thầy giáo già trên bẩy mươi tuổi vừa cắt mật mổ gan trong bệnh viện tới gặp tôi chỉ ao ước có Chuyện kể năm 2000 để đọc mà không dám hỏi. Anh lái xe Nguyễn Vĩnh Cường lái xe cho công ty kiểm toán ở Hà Nội đưa cán bộ đến làm việc ở đâu là nhờ nơi ấy in tiếp vài chục trang Chuyện kể năm 2000 trên mạng, mỗi khi về Hải Phòng lại cầm đoạn đang đọc dở đến nhà tôi xin chữ ký với lời nói về mình rất tự hào: “Cháu là lái xe nên có văn hóa đọc chú ạ. Trong khi anh em làm việc cháu nằm trên xe đọc chú.”
Nhà báo Nguyễn Duy Tâm râu dài cuồn cuộn như râu anh hùng Núp rầm rầm lên thang. Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh theo đoàn đua xe đạp xuyên Việt và đội bóng Công An thành phố Hồ Chí Minh ra thi đấu tại sân Lạch Tray. Nhưng anh không xem đấu bóng. Anh xách một bịch to những cốc, những ấm pha trà đến làm quà cho tôi. Anh nói anh mượn được của “anh chị Diệu” bộ sách của tôi. Mãi mới mượn được. Nhiều người mượn quá. Anh bấm di động để tôi nói chuyện với anh chị Xuân Thu trong Sài Gòn, nguyên mẫu anh chị Diệu trong tiểu thuyết. Tiếng chị Diệu ngoài đời reo vui bên kia đầu dây:
– Chị đọc của chú rồi. Viết về chị thế, đọc cũng mát ruột.
Đi Pháp về, Hoàng Hưng cùng vợ đến nhà. Chào người hùng. Sang bên ấy mới thấy tầm vóc người hùng, thơm lây vì có quen người hùng. Nhưng phải viết một cái gì nữa đi. Khác hẳn quyển này. Châu Diên tuyên bố: “Tao cũng sẽ ra một tập.” Điều ấy thật bất ngờ và làm tôi sung sướng. Anh bỏ viết văn lâu quá rồi. Anh là người thông minh và tài năng. Tôi rất mong anh viết trở lại. Cũng như thật vui mừng biết bao khi Nguyên Bình từ Hà Nội về tươi cười:
– Thằng khốn nạn ạ. Đọc mày tao lại muốn viết.
Nguyên Bình cũng đã hàng chục năm nay không viết. Anh đang nghiên cứu một thứ tập luyện nào đó, và đã trở thành một bậc “đại sư” “thượng thừa” như nhiều người nhận xét, nó giải quyết cho anh cả những vấn đề triết học chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta đi tới đâu và đã hơn một lần anh nói với tôi: Tao đi theo cái này hay quá. Biết nó hay nên chỉ muốn giúp bạn. Mày tập đi. Tập đến một lúc nào đó thì mày sẽ không muốn viết nữa. Thế mà bây giờ Bình bảo tôi: Đọc mày tao lại muốn viết. Làm sao tôi không sung sướng.
Trung tướng Trần Độ trước khi vào nhà, dừng lại ở cửa hỏi tôi: Những điều anh viết về chị ấy trong Chuyện kể năm 2000 là thật hay “văn nghệ” thêm ra đấy? Khi được trả lời là tôi viết còn dưới sự thật, những chuyện vợ tôi sống trong thời gian tôi đi tù, tôi có dám hỏi đâu, ông cười, bông đùa như những người bạn đã quen từ thuở nào rồi:
– Thế thì tôi ghen với anh.
Rồi ông khoác vai cả hai vợ chồng tôi cùng ông bước vào nhà. Cùng đi với Trần Độ, nguyên phó chính ủy quân giải phóng miền Nam, nguyên phó chủ tịch Quốc Hội, nguyên trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương một vị lão thành cách mạng nhưng nổi lên như một người chống đối bị giám sát chặt chẽ là một đoàn tháp tùng và tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, người mới bị bộ Công An bắt giam hơn hai tháng. Hai ông từ Hà Nội về thăm tôi, thăm tác giả Chuyện kể năm 2000. Nói về những chuyện chung quanh tập sách của tôi, ông bảo:
– Cứ hô hào vận động viết tiểu thuyết hay. Nói dối cả đấy. Có tiểu thuyết hay là cấm. Không có tự do làm sao có tiểu thuyết hay được.
Ông hỏi những người cùng đi:
– Các ông đã đọc Những Người Rách Việc của ông này chưa? Tập ấy đọc cũng thú lắm. Đọc Một Thời Để Mất thấy cả nước nói dối. Đọc Những Người Rách Việc thấy chẳng ai làm việc gì cả. Toàn vớ vớ vẩn vẩn…
Lúc ấy tôi mới biết ông đã đọc tất cả sáng tác đã in của tôi. Chao! Giá như Bộ Chính Trị có lấy năm bẩy người như Trần Độ. Thì đất nước này đã đổi khác rồi. Chắc chắn nhân dân sẽ có cuộc sống dễ thở hơn. Tiếc thay phần lớn những bộ mặt dù cố làm ra cao cả nhưng mọi người vẫn nhìn thấy những gì ẩn giấu bên trong họ. Nhìn họ xuất hiện trên tivi, lại cứ nhớ đến Nietzsche: Ta biết quá rõ những kẻ giống với Thượng Đế…
Tôi xin phép thuật lại một cuộc gặp trong rất nhiều cuộc gặp cảm động với những người đọc sách của tôi, những cuộc gặp khiến thần kinh bị đầu độc chết cứng của tôi tươi nở lại. Một cuộc gặp thật hiếm xẩy ra đối với một nhà văn như tôi.
Một hôm nhạc sĩ Duy Thái và đạo diễn Quang Long đến nhà, nằn nì:
– Anh phải đi đằng này với chúng em. Không phải đi ăn đâu.
Cái nhìn của tôi nói với hai người rằng tôi không muốn đi đâu vào lúc ấy. Đã mấy lần tôi theo các anh tới nhà bạn các anh vốn rất muốn gặp tôi “ăn một bữa cơm gia đình, ăn là phụ mà chủ yếu là trò chuyện.” Dù tôi rất vui được gặp những bạn đọc yêu quý mình, nhưng các anh nhanh chóng phát hiện ra tôi thường bị mệt ở những chỗ đông người, tôi chẳng uống được bia rượu, còn hàm răng của tôi gần như hỏng hết, chỉ ăn được những thứ mềm và cũng chẳng ăn được bao nhiêu. Hai anh thấy cần nói rõ hơn:
– Có một ông bác sĩ bị ung thư nằm chờ chết đọc anh và rất muốn gặp anh.Đi anh. Ngay ngõ chợ Tám Gian thôi.
Chỉ vậy cũng đủ để tôi thay đồ, xuống thang đi ngay
Bác sĩ Hoàng Ngọc Thắng là phó khoa ngoại bệnh viện Hữu Nghị Việt – Tiệp. Một bác sĩ có tài, có lương tâm thầy thuốc đã cứu nhiều người khỏi lưỡi hái thần chết. Anh khoảng trên dưới năm mươi tuổi, nghĩa là tài năng đang độ chín, cái tài năng cứu nhân độ thế. Lưỡi dao mổ của anh đang đạt tới độ chính xác, hiệu quả cao. Anh bị ung thư di căn. Lần này lưỡi dao mổ của anh, của đồng nghiệp anh hoàn toàn bất lực.
Đang nằm trên giường, thấy chúng tôi vào, anh nhỏm dậy, nhưng đó là một cố gắng vượt quá sức, anh chỉ nghiêng được người và hơi nhấc đầu lên chào chúng tôi. Tôi nắm chặt tay anh. Bàn tay ẩm ướt hâm hấp nóng. Bàn tay người bệnh. Tôi đã có hai người bạn chết vì ung thư. Minh Đà không biết mình bị ung thư nên vẫn tin tưởng sẽ vượt qua bệnh tật cho đến lúc hôn mê. Dương Hùng biết mình bị ung thư, đã chạy xạ, khối u đã teo đi, tóc đã mọc trở lại, đã nhuộm tóc và đi xe máy, những tưởng tai qua nạn khỏi nhưng rồi bệnh lại tái phát. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, anh khóc. Khóc một mình lặng lẽ cũng như mỗi khi có bạn đến thăm. Khóc không giấu giếm. Bởi vì sao trong khi bạn bè sống khoẻ mạnh thế kia, anh lại bị căn bệnh quái ác này. Để anh phải chết.
Tôi giữ bàn tay bác sĩ Thắng khá lâu. Anh để yên tay anh trong tay tôi. Tôi khe khẽ:
– Anh có đau lắm không?
Anh gật đầu:
– Đau.
Ung thư là đau. Minh Đà cũng ung thư gan như anh. Minh Đà vật vã trên giường bệnh, lúc tung hết chăn ra và đòi bật quạt, lúc lại kéo chăn đắp kín người. Minh Đà đã cầm truyện ngắn Người Chăn Kiến của tôi vào tận Nghệ An, đưa cho Thanh Quế, được Thanh Quế công bố lần đầu tiên trên tờ Sông Lam… Sao lại có một thứ bệnh dã man như thế. Y học rồi phải khống chế được nó, không cho nó tác oai tác quái, không cho nó tuyên án tử hình con người để con người nằm chờ cái chết đến từ từ, nghe nó lại gần mình, từng bước, từng bước… Anh rời tay tôi ra và cố gắng ngồi dậy. Tôi đỡ anh. Lần này anh ngồi dậy được. Anh thở mạnh nhưng cười rất tươi:
– Cám ơn anh đã đến thăm tôi. Đọc anh, tôi ngỏ ý với Duy Thái, Quang Long là muốn được gặp anh…
Anh lại nắm tay tôi. Đôi mắt long lanh, cái long lanh của người đang sốt và cả vẻ long lanh của người bất chấp số phận, không quan tâm đến bệnh tật, vẫn sống yêu đời:
– Anh đã giúp tôi rất nhiều. Tôi hiểu rằng con người không được phép bi quan, không được phép đầu hàng. Tập sách của anh đã nâng đỡ tôi sống những ngày còn lại. Còn một ngày cũng sống cho ra sống…
Tôi cảm thấy gai người. Trong đời viết văn long đồng lận đận nguy nan của tôi, tôi không chờ đợi một điều to lớn như thế.
– Cám ơn anh.
Tôi nói mà thấy tự hào. Từ đáy lòng, tôi cám ơn anh, không phải những lời xã giao cửa miệng. Và bỗng thấy giữa tôi và anh có một sợi dây liên hệ gần gũi như những người bạn quen nhau đã lâu rồi, hơn thế, giống những người ruột thịt, những người chung huyết thống đang nói cùng nhau những lời vĩnh biệt khiến người tôi nổi da gà.
– Đọc anh xong, muốn gặp anh quá. Duy Thái, Quang Long hứa sẽ đưa anh đến. Cám ơn anh đã tới thăm tôi.
Từ buồng trong, vợ con anh ra chào tôi. Thằng con nhỏ chắc đang học lớp năm lớp sáu gì đó. Chị vợ xin phép chúng tôi đưa con đi có việc. Như vậy lát nữa khi chúng tôi ra về, anh sẽ ở nhà một mình. Một mình với bệnh tật. Tôi hiểu rằng anh bệnh đã lâu, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp tục với tất cả bận bịu vất vả lo toan, mọi người trong gia đình chấp nhận điều khủng khiếp là rồi đây sẽ mất anh như chấp nhận cuộc sống.
– Tôi muốn lại anh chơi quá. Tôi muốn gặp chị, gặp các cháu, xem căn buồng của anh, cây xoan trước cửa buồng anh. Nhưng thôi, được gặp anh như thế này là tốt lắm rồi.
Đã có một bạn đọc từ Hà Nội về đòi tôi dắt đến cửa sổ chỉ cho anh nơi cây xoan đã in bóng lên tường. Và hai bạn đọc nữ hỏi tôi về tập Anna Kareninacòn không? Những câu nói làm tôi xúc động. Duy Thái, Quang Long người pha nước, người giúp anh uống thuốc.
– Cuộc sống thật muôn hình muôn vẻ. Anh vẫn tiếp tục dòng suy nghĩ. Thật khó khăn phức tạp… Tôi có cầm cự giỏi lắm cũng chỉ mấy tháng nữa thôi. Thú thật, nhiều lúc chán lắm nhưng rồi tôi gặp một người bạn…
Anh chỉ tay vào bộ sách của tôi đặt bên gối:
– Tập sách của anh rất cần thiết cho cuộc đời này. Cần lắm đấy. Bao nhiêu điều người ta vẫn nghĩ mà không nói được ra. Anh đã nói hộ. Trong hoàn cảnh khó khăn đến thế anh vẫn không chịu thua. Cho nên quyển sách của anh lại càng cần đối với những người như tôi.
Và hình như bỗng nhớ tới nghề nghiệp và cả căn bệnh của mình nữa:
– Bây giờ là phải dùng dao mổ. Ung thư mà cứ dùng mãi bê một để từ đời nào rồi. Làm sao khỏi được. Lưỡi dao mổ của anh sắc lắm.
Ông bác sĩ ngoại khoa cười hóm hỉnh. Tôi cũng lây cái vui của anh:
– Còn thua xa lưỡi dao mổ của anh trước đây.
– Tôi không sống được bao lâu nữa. Lời nói của tôi là chân thành: Những người như anh rất cần cho cuộc đời nay. Quyển sách của anh cũng vậy. Rất cần cho cuộc đời này.
Tôi rưng rưng vì những lời anh nói, vì cách nói không cho cãi lại của anh. Và tự nhủ sẽ cố gắng để có ích cho cuộc đời này, để cần cho cuộc đời này như anh nói. Dù có gặp hiểm nghèo, dù có bị coi là phó người, túng thiếu, vất vả kể cả lại sa vào vòng lao lý.
Người bác sĩ ngoại khoa ung thư đã mất. Không ai báo cho biết, nên không được dự buổi đưa tiễn anh. Nhưng thật may, tôi đã kịp có mặt trong lễ tang trung tướng Trần Độ.
Trung tướng Trần Độ về thăm tôi cuối năm 2000 và qua đời vào giữa năm 2002. Không thể không lên Hà Nội. Không thể không lên vĩnh biệt vị tướng được cả nước yêu thương, người đánh đổi cuộc sống vương giả cộng sản siêu hạng lấy sự trù dập, bị theo dõi săn đuổi, bị bôi nhọ ở mọi nơi mọi chỗ, chỉ vì muốn đất nước, nhân dân được hạnh phúc. Không thể không lên vĩnh biệtngười bạn đọc già đã chia xẻ cùng tôi.
Ông chết đã nhiều ngày người ta mới công bố. Công bố tối hôm trước, sáng hôm sau tổ chức tang lễ ngay. Để những người yêu quý ông khắp cả nước khó đến dự. Được tin tối hôm trước trên tivi, sáng hôm sau tôi đi tầu hoả lên Hà Nội ngay. Lên người không rồi sẽ kiếm một vòng hoa vào viếng — Nhà tang lễ ấy tôi biết. Tôi đã lên đó đưa tang bà Tề, vợ ông Vũ Đình Huỳnh, mẹ Vũ Thư Hiên bạn tôi. Thật không ngờ. Tới ga, tôi gặp anh Hữu Tiến và anh Sơn, những người Hải Phòng bị công an theo dõi gắt gao, những người đã cùng tướng Trần Độ đến nhà tôi. Chúng tôi đổi vé cho những hành khách khác để có thể ngồi chung một chỗ trò chuyện. Thì ra đại tá Vũ Cao Quận đã lên Hà Nội ngay tối hôm trước và đã đặt vòng hoa ở trên ấy. Anh Hữu Tiến lấy trong túi xách ra cái băng sẽ cài lên vòng hoa. Một cái băng mầu xanh. Và dòng chữ: Vô cùng kính trọng Trung Tướng Trần Độ. Những người bạn đồng hành Hải Phòng. Hữu Tiến rất đắc ý với dải băng xanh chứ không phải giải băng đen. Nó nói rằng Trung Tướng Trần Độ vẫn sống với chúng tôi. Lại còn dòng chữ nữa. Tiến bảo: Vô cùng thương tiếc là đối với người đã chết. Còn Vô cùng kính trọng là Trần Độ vẫn sống.
Nhưng sự đời luôn đầy những bất ngờ.
Xuống tàu, ba chúng tôi gọi tắc xi. Vừa đến cửa nhà tang lễ, xe dừng, chúng tôi mở cửa bước xuống, một phụ nữ mặc bà ba đen, giọng miền Nam bước lại hỏi tôi:
– Anh là anh Bùi Ngọc Tấn?
Tôi chào chị. Chị nói tiếp:
– Anh Nguyên Ngọc không đến được. Anh Ngọc đang dự một hội nghị về văn hoá ở miền Trung.
Ngừng một lát chị nói:
– Trông anh khoẻ hơn béo hơn bức ảnh ở bìa sách. Bức ảnh ấy trông anh gầy quá.
Tôi biết ngay chị là vợ anh Nguyên Ngọc. Nhưng chưa kịp hỏi chuyện, mấy ca-mê-ra đã đến chĩa ống kính vào chúng tôi. Chà chà. Chu đáo quá. Ghi hình ngay cả ở ngoài đường phố. Một người nữa chạy đến:
– Bùi Ngọc Tấn! Phạm Quế Dương đây!
Phạm Quế Dương. Người tôi đã gặp hôm đưa tro hài cốt Vũ Huy Cương vào chùa. Người được giải Nhân Quyền Hellman – Hammett cùng tôi. Người tôi đã đến nhà mấy lần nhưng không gặp. Tôi muốn hỏi Phạm Quế Dương về chuyện giải thưởng, nhưng nhiều ca-mê-ra đã chĩa vào chúng tôi. Thật là mẫn cán. Những người dám đến đây đều phải cảnh cáo bằng cách ghi hình. Nữa là Bùi Ngọc Tấn và Phạm Quế Dương. Chúng tôi phải tản ra. Thì lại một người nữa bước tới. Lê Hồng Hà. Chúng tôi chỉ bắt tay nhau, và đều hiểu rằng mình đang là tiêu điểm của sự chú ý nên chẳng thể ghé tai thì thầm những điều cần hỏi. Bây giờ mới là Vũ Cao Quận. Anh kéo chúng tôi ra nhận vòng hoa anh đã đặt. Những hai vòng hoa. Một cho Những người bạn đồng hành Hải Phòng, một cho riêng anh, Người lính già Vũ Cao Quận. Chúng tôi kẻ trước người sau khiêng hai vòng hoa bước vào khu tang lễ. Vừa qua cổng, chúng tôi đã được hướng dẫn vào phòng kiểm tra. Tôi đã dự nhiều đám tang nhưng đây là lần đầu tiên có một phòng kiểm tra như vậy. Chúng tôi phải giơ cao vòng hoa lên. Một người đeo phù hiệu Ban Tổ Chức cầm một cái gậy bên trên gắn một cái gì loe ra giống một chiếc đĩa nhỏ mầu đen hơ hơ vào những bông hoa, như người ta hơ chung quanh hành khách mỗi khi bước vào phòng chờ máy bay vậy. Thật khôi hài hết cỡ. Và trơ trẽn đến thế là cùng. Bởi dưới ánh nắng mặt trời, những cánh hoa những đài hoa gần như trong suốt, chẳng thể giấu trong đó một quả mìn tự tạo rồi cho phát nổ.
Hiển nhiên trò khôi hài này chỉ là cái cớ dẫn tới một việc khác mà đây mới là việc chính. Chúng tôi được mời vào trong nhà. Một người đàn ông trạc năm mươi tuổi to khỏe như một võ sĩ giu đô, dáng là sếp ở đó ôn tồn giải thích cho chúng tôi là phải thay băng chữ trên vòng hoa. Rằng băng chữ không thích hợp. Trước tiên là băng vải phải mầu đen. Mà băng vòng hoa to, vòng hoa của cả đoàn lại mầu xanh. Phạm quy. Hai nữa, tất cả các băng đều không được có chữ “thương tiếc” hoặc “kính trọng.” Mà băng của cả đoàn lại có chữ kính trọng. Chúng tôi xúm lại đấu tranh. Chúng tôi viết thế vi phạm ở chỗ nào? Có điều luật nào cấm không? Chúng tôi làm sai hiến pháp ở chỗ nào? Hiến pháp chỉ quy định chung còn trong những trường hợp cụ thể, nhà nước có những quy định riêng. Bộ Chính Trị, Chính Phủ đã quyết định như vậy.“Người lính già” Vũ Cao Quận hăng hái nhất: Anh cho chúng tôi xem bản quyết định ấy. Tôi nói là đủ. Chúng tôi không tin anh. Nguyễn Khoa Điềm là cái thứ gì. Là con cháu Trần Độ thôi chứ là gì? Hình như người đối thoại với chúng tôi đã được dặn dò rất kỹ là kiên quyết nhưng phải mềm mỏng, không để xẩy ra một sự cố nào. Anh ta lắc đầu: Lệnh trên là các băng không đúng quy định đều phải thay. Mà các bác không phải làm gì cả. Cứ ngồi đây. Đã có người thay cho các bác. Các bác cũng không phải trả tiền. Vũ Cao Quận nghiêm trang: Thế thì các anh cho một cái quy định đi. Vì sau đây chúng tôi còn đi nhiều đám ma. Đám nào được thương tiếc, được khóc. Đám nào không thương tiếc. Đám nào cười.
Cuộc thương lượng rất căng thẳng. Và trong khi đấu khẩu, các ca-mê-ra lại châu vào chỗ chúng tôi. Gí tận mặt từng người. Xè xè quay. Cạnh đó là những chiếc ghế băng ngồi kín những thanh niên choai choai ngực đeo phù hiệu Ban Tổ Chức làm ra vẻ thờ ơ với cuộc cãi vã, vô công rồi nghề mà tôi tin rằng đấy là những Hồng Vệ Binh đang ngứa ngáy chân tay, sẵn sàng tung ra những miếng võ học được trong các trường đào tạo công an. Ngôi nhà đối diện phía bên kia cổng cũng rặt những thanh thiếu niên “vô công rồi nghề” như vậy, người nào cũng mang phù hiệu Ban Tổ Chức, nhiều người với chiếc ca-mê-ra trong tay.
Nói thì nói thôi, chúng tôi đều hiểu cái người đối thoại với chúng tôi đây — chắc chắn là một mật vụ có hạng — chẳng có quyền gì. Anh ta chỉ là một cỗ máy, thực hiện nhiệm vụ của Đấng Tối Cao. Một rô-bốt đã được lập trình, cứ thế mà vận hành. Cuối cùng thì vòng hoa lớn, vòng hoa của cả đoàn được mang đi và được mang trả lại rất nhanh với băng vải đen in dòng chữ như mọi vòng hoa khác: Kính viếng ông Trần Độ. Chúng tôi bước khỏi phòng kiểm tra ra sân. Người đàn ông béo khoẻ đang ngồi bỗng đứng bật lên chạy theo chúng tôi. Lần này là vì vòng hoa riêng của Vũ Cao Quận. Yêu cầu bác quay lại thay băng đã. Vẫn không dừng lại, mặc anh ta lải nhải, chúng tôi chầm chậm vào sân. Vũ Cao Quận nói như quát trong “hành tiến”:
– Tôi không quay lại. Vừa nẫy các anh bảo chỉ thay một băng. Còn băng của tôi thì được. Bây giờ các anh lại bảo thay là thế nào? Các anh mời những nhà ngôn ngữ học lại đây xem băng của tôi có gì sai. Kính viếng Trung Tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận. Có gì sai, các anh nói đi. Ông Trần Độ có là trung tướng không? Tôi năm nay ngoài 70 tuổi làm liên lạc cho ông ấy từ những năm đầu cách mạng có được là người lính già không? Hay vẫn là người lính trẻ? Các anh nói đi.
Vũ Cao Quận đã thắng. Chúng tôi bước vào nhà tang lễ. Quan tài ông đặt trước một tấm vải mầu sẫm — đang ở ngoài nắng bước vào nhà tối, tôi không kịp phân biệt xanh hay đen — trên đó là vỏn vẹn 5 chữ kiểu ba tôngkhông có chân, cắt bằng giấy trắng Lễ tang ông Trần Độ. Bôi bác đến thế là cùng. Những chữ tiêu đề hội nghị ở Quốc Doanh đánh cá Hạ Long mà thằng thi đua là tôi cũng không dám làm cẩu thả như vậy. Đó là chưa kể lời điếu của Vũ Mão kể tội ông. Lòng tôi sôi lên. Thật không ngờ người ta có thể táng tận lương tâm đến mức ấy. Còn Nguyễn Thanh Giang thì nhận xét: Họ sợ Trần Độ khi còn sống và sợ cả khi Người đã chết. Một đám tang không được nói tiếc thương. Mà chính Trần Độ là người đã góp công sức tạo dựng nên ngai vàng của họ!
Chúng tôi đi một vòng quanh quan tài và nhìn ông qua tấm kính trên nắp ván thiên. Bị bảo quản trong nhà lạnh quá lâu, khuôn mặt ông phù nề, sưng lên. Chỉ lát nữa thôi, ông sẽ thành tro bụi. Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi… Tất cả chúng ta đều sẽ thành tro bụi. Nhưng cũng có nhiều loại tro bụi. Cũng như ông và nhiều người khác, tôi nghĩ tro bụi của ông không thể để bên cạnh, lại càng không thể “sống” hoà hợp được với tro bụi chung quanh! Tro của ông được đưa về quê, theo ý nguyện của ông. Vĩnh biệt ông mà tôi cứ nghĩ đến lời giối giăng của ông với con với cháu: Hãy trở thành người tử tế. Thành người tử tế trong xã hội này thật khó khăn biết bao. Mà tử tế chỉ là tiêu chuẩn sơ đẳng của việc làm người! B.N.T. ( Kỳ sau in tiếp)
Nguồn:VV
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Tôi đọc và ước ao được một lần nhìn thấy nhà văn, nhưng tôi biết, tôi chả là cái gì để gặp ông cả, chỉ là một bạn đọc cấp thấp, có tìm ông chỉ làm ông khó chịu thêm thôi.
Nhưng đọc "Hậu chuyện kể năm 2000"; Tôi chợt nhận ra, giá như mình mạnh dạn một tý, có lẽ được gặp ông, được cầm tay ông, được chứng kiến đôi mắt đầy yêu thương và cũng đầy đau khổ của ông. Chao ôi! Kiếp người, một kiếp người lao tù ngay khi đã được trao trả tự do. Có lẽ tôi cũng là một một bộ phận trong cái nhà tù rộng lớn ấy, trong cỗ máy muốn nghiền nát mọi ý nghĩ tự do, mọi ý tưởng độc lập...
Mỗi ngày, tôi vẫn phải nói, phải suy nghĩ theo những gì người ta đã chuẩn bị sẵn, tuân thủ nguyên tắc :Nói, viết, hành động đều phải chuẩn bị, phải duyệt.
Than ôi! Biết đến bao giờ