Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Cũng có người gọi đó là "thời thổ tả". Nhưng gọi sao thì gọi, cuộc đời vẫn đáng sống, đáng hy vọng và đáng yêu _ Cho dù có những lúc nó không như lòng mình muốn!

“Thời tôi sống”, viết để trả nợ người...

* ĐẶNG HÙNG
Đọc “Thời tôi sống” chợt nghe lòng mình như cuộn chảy nỗi niềm, thoáng nghĩ nghiệp văn chương đúng là cái nghiệp đời, một khi đã bám dính vào ai thì khó gỡ ra được. Nhưng có những con người dám chấp nhận cái nghiệp đời đó, trong đó có nhà văn Võ Bá Cường.
           Với ông, sau hàng chục tác phẩm trình làng, được bạn đọc khen chê đánh giá nhiều chiều, đến “Thời tôi sống” (NXB Hội Nhà văn Việt Nam), tôi tin rằng bút lực của Võ Bá Cường thể hiện rõ ông là một nhà văn theo đúng nghĩa. 
Hồi kí “Thời tôi sống ” của nhà văn Võ Bá Cường được chia làm 3 phần. Phần đầu là sự hồ hởi, háo hức của chàng thanh niên – nhà giáo trẻ Võ Bá Cường ra huyện đảo Vân Đồn với biết bao trải nghiệm về nhân tình, thế thái của đời người xa gia đình, xa bạn bè, ở nơi bốn bề là biển cả. Phần hai là thời kì ông trở về cố hương gia nhập làng văn tại cơ quan Hội VHNT tỉnh Thái Bình. Đây là thời kì ông phải lo toan cơm áo gạo tiền cho anh em ở trong Hội, với chức danh “Ông chánh” văn phòng Hội. 
Nhà văn Võ Bá Cường
Nhưng có lẽ sống động và tâm huyết nhất là phần thứ ba, đó là khi “cái nghèo đeo đuổi”. Nhưng ông vẫn dấn thân vào với nghiệp văn chương, đi khắp chân trời góc biển. Khi ở rừng núi, lúc ở đồng bằng… tìm hiểu và viết, viết để trả nợ đời, trả nợ tình người nơi ông đã đi qua và ông viết để khẳng định mình.
Khởi đầu của cuốn hồi kí là kí ức về “Thím năm Coỏng và phố cụt cái rồng”. Càng đọc càng thấy hấp dẫn bởi cách kể chuyện sinh động, lôi cuốn, giàu hình ảnh, gây cảm xúc: “Phố cụt cái rồng, hai bên là những gian nhà ghép gỗ hai tầng, chật hẹp, lụp xụp, lợp ngói máng. Có chiếc cầu thang bé tí tẹo. Bàn chân người đặt lên phát ra tiếng cót két. Nước lên thường lùa vào tận nhà” và “lúc dạo phố thú nhất nghe tiếng nước chảy róc rách vào ang từ sườn núi cao đổ xuống, theo máng tre bắc từ rừng vào từng gian bếp nồng nặc khói”. Quả là sự quan sát tinh tế có chiều sâu của nhà văn đối với phố thị cái rồng – thủ phủ huyện đảo Vân Đồn vào những ngày cuối năm của thập kỉ 60, khi Tết đến xuân về. 
Năm 1957, mới 17 tuổi, anh giáo trẻ Võ Bá Cường ra đảo. Năm 1960 được điều về làm cán bộ văn hóa huyện, năm 1965 vào Đảng. Đến năm 1971 được đề bạt làm trưởng phòng văn hóa. Gần 15 năm sống với sóng gió biển đảo Vân Đồn và với “sóng gió trần đời” khắc nghiệt, biết bao buồn vui, thăng trầm; với những lần say sóng, say tình người ở nơi xa quê hương, mà mỗi khi xuân về “hoa đào đỏ từ sườn núi xuống bạt ngàn, cây đào chiếm đất sát ra mép biển, đào nở trong vườn… núi đá trên mặt vịnh Bái Tử Long thấp thoáng có bóng đào lẫn trong bụi cỏ ràng răng” và “chập chờn với sóng một đêm, sáng ra thấy mọi người bảo nhau: “Sáng qua Cống Đông suýt chết vì cơn gió mé, may mà không gãy cột buồm” (Ra đảo). Kỉ niệm đời người ai dễ quên nhưng để viết lại thành những dòng hồi kí như Võ Bá Cường trong cuốn sách này thì đâu phải ai cũng làm được.
Ngôn từ trong từng bài viết của Võ Bá Cường rất riêng biệt, thể hiện rõ sự hiểu biết về ngôn ngữ của người dân biển: “Nước vỗ sàn sạt vào khe đá, chèo khua bùm bũm va nhau. Thuyền nối đuôi chen nhau đen thui như trâu lùa vào bãi” và “Tiếng chèo khoáy nước, thuyền như đứng lại. Nước từ Cống Đông lùa ra đẩy ngược lại, nước ngược chèo quanh”. Bây giờ tôi mới hiểu và thật sâu sắc, tinh tế khi anh viết: “Cây cột buồm gỗ gụ trên tán cột, tiện núm tròn quả găng! Người Cú Sú Chảy mỗi khi nhìn thấy thuyền ấy gọi là “Pặc xường”. Đúng là thuyền quan lạn đất Vân Đồn nó khác với thuyền Cát Hải, đỉnh cột tán bẹt như một cái đĩa sắt” (Vào đảng).
Võ Bá Cường hồi hương khi quê lúa đang cần những người làm công tác sáng tác văn học nghệ thuật. Chuyện làng văn đất quê lúa không bao giờ thiếu những buồn vui, những bi kịch tréo ngoe. Dù đã là “Ông chánh” văn phòng Hội nhưng gặp phải những cảnh cười ra nước mắt bởi khi đó anh còn “sáng tác chui”; chưa được giới cầm bút địa phương liệt vào đội ngũ các “văn nhân tôn quý”, anh làm đủ các loại việc: “Tôi hiểu ý các anh và được giao cho chở gạch, tôi vôi, xây nhà, lợp hố xí, đào hố rác. Lúc liên hoan họ gọi: “Ông Cường ơi, ông ôm rơm về thui chó”, lúc ăn miếng dồi không ngon họ bảo: “Ông Cường quên lá mơ lông”. Ngay cả việc hố xí tập thể bẩn, mất vệ sinh thì người ta cũng khoác lên vai ông: “Việc này là của ông Cường. Anh em sáng tác không có thì giờ để bàn cãi” (Về quê).
Không phải lúc nào Võ Bá Cường cũng lạc quan, vui vẻ sống, chấp nhận cuộc đời xô đẩy để sống. Phải về hưu ở cái tuổi “ trẻ chưa qua, già chưa tới”, ông cũng day dứt nỗi lòng trước cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy thế ông vẫn không bỏ được nghiệp sáng tác. Thời kì này ông làm rất nhiều thơ. Sau chuyển sang viết văn xuôi. Vốn là người xông xáo, chịu đi, chịu săn tìm tư liệu, vì thế khi có chuyện của nông dân Quỳnh Hoa đòi hỏi sự công bằng (Cứt cá lá rau – tr 273) ông đã xuống tận nơi để tìm hiểu và tiểu thuyết “Ở làng lắm chuyện” ra đời, đã gây được tiếng vang trong làng văn và được bạn đọc đánh giá cao. Cứ thế cái nghiệp bút – nghiệp đời đã đun đẩy cái duyên cho ông được gặp gỡ các vị lãnh đạo có tên tuổi của Trung ương và địa phương: Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Ngọc Trìu, tướng Trần Độ…
            Sau khi tướng Trần Độ qua đời, Võ Bá Cường quyết tâm tìm hiểu về cuộc đời của tướng Trần Độ. Ông lăn lộn khắp nơi từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi tới miền ngược, để gặp những người bạn từng quen biết, chiến đấu với tướng Độ để lấy thông tin. Sau 6 – 7 năm đôn đáo ngược xuôi, cuối cùng tác phẩm “Chuyện tướng Độ” cũng ra mắt bạn đọc. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, bạn đọc có người khen, chê; nhưng xét cho cùng đó cũng là tâm huyết, là nén nhang mà người viết tỏ tấm lòng thẳng thắn của mình tri ân, cảm phục tướng Trần Độ. Viết về tướng Độ thật khó, ngay chính Võ Bá Cường cũng phải thừa nhận: “Ông tướng (Trần Độ) là một chất liệu nghệ thuật quý và hiếm để trở thành nhân vật của dân; chỉ tiếc người viết như tôi không đủ “tài” và “tầm” để dựng lại nhân vật lịch sử đó (Rét lộc –tr 332). Nhưng dù sao “Chuyện tướng Độ” cũng là một thành công của nhà văn Võ Bá Cường, thành công của cây bút có tâm với đời, với nhân vật mà ông luôn kính trọng.
Có lẽ ông trời gắn cho Võ Bá Cường cái số phải luôn luôn “thiên di” nên ít khi thấy ông ngồi một chỗ. Sau “tướng Độ”, ông lặn lội đi tìm hiểu về Nguyễn Hữu Đang, một nhân vật mà tên tuổi đã gắn liền với Đại lễ Quốc khánh 2/9/1945. Ông muốn làm sáng tỏ để minh oan cho nhân vật đáng kính này. Không chỉ có vậy, được sự giúp đỡ của Bộ Công an, Võ Bá Cường đã đi hầu khắp các trại giam từ Quảng Ninh đến Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An rồi đến rừng tràm U Minh, sau đó quay về tìm Út Nhân – ông giám thị “cơm nhà áo vợ” nhưng ông đã nhìn ra Út Nhân là một con người rất nhân văn, rất đổi mới trong việc cải tạo, giáo dục phạm nhân: “Tôi nói với mấy đứa dưới quyền mình: “Cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền đâu phải thay máu cộng sản cho họ; mình phải làm cho họ tin mình, yêu mình, đi theo mình (Chuyện khó nói – tr 367).
Ông đi Lũng Cú, Hà Giang tìm tới vùng “chảo lửa”, vào Nghệ An, Thanh Hóa, theo chân những người lính chống ma túy ở Điện Biên, Lai Châu. Cuộc đời của người cầm bút thật gian nan nhưng ông không nản chí vì ông hiểu rõ công việc mình làm và cần phải làm. Ông vẫn đi và viết, như thể không đi, không viết được thì có lẽ ông không thể sống.
Tuy vậy, “Thời tôi sống” không phải là không có những vết sạn. Ở một số bài viết đôi khi tác giả quá ham với “đống” tư liệu ngồn ngộn của mình mà mắc phải lối viết dàn trải kéo dài… làm cho người đọc bị phân tâm, đôi khi khó hiểu. Nhưng “Thời tôi sống” là cả một không gian, thời gian năm tháng đầy tâm huyết mà tác giả đã từng trải với đời, với chính mình; nên tác phẩm đã đạt được giá trị cao về nội dung, về phương pháp viết. Nhà văn Võ Bá Cường quả không hổ với lời đề tặng của nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn: “Nhà thơ là người của những chân trời”. 
Đ.H/Báo Tin tức
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc nhờ Mỹ hỗ trợ chống các phần tử cực đoan Tân Cương?


Dân trí Bộ ngoại giao Trung Quốc vừa cho biết đã đề nghị phía Mỹ hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo vũ trang tại Tân Cương, và cho rằng đây cũng là mối đe dọa với các lợi ích của Mỹ.

ap-china-miltary-315a8
Cảnh sát Trung Quốc bắt các phần tử cực đoan tại Tân Cương (Ảnh: AP)
Giới chức Bắc Kinh cho rằng Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đang tuyển mộ những người Duy Ngô Nhĩ từ cộng đồng người Hôi giáo thiểu số tại Tân Cương, và huấn luyện họ tham gia các hành động cực đoan tại Syria, Iraq. Sau đó, những người này được đưa trở lại Trung Quốc để tiến hành thánh chiến.
Trong khi đó nhiều chuyên gia nước ngoài đã tỏ sự hoài nghi liệu ETIM có thực sự là một nhóm có tổ chức rõ ràng như tuyên bố của Trung Quốc.
Mối đe dọa khủng bố đang “ngày một phức tạp và nghiêm trọng hơn từng ngày”, Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định trong thông cáo hôm 4/8, sau cuộc họp giữa thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping, đại sứ lưu động của Cục chống khủng bố, Bộ ngoại giao Mỹ.
“Trung Quốc đã nhấn mạnh mối đe dọa nghiêm trọng của ETIM và các tổ chức khủng bố Đông Turkestan khác với Trung Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế, và yêu cầu Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ, hợp tác với Trung Quốc trong các nỗ lực tấn công các lực lượng khủng bố Đông Turkestan”, thông cáo viết.
Hàng trăm thậm chí hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ thời gian qua đã vượt biên trái phép từ Trung Quốc sang Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua các quốc gia Đông Nam Á.
Các nhóm nhân quyền cho rằng dòng người di cư này đang chạy trốn tình trạng bạo lực sắc tộc tại Tân Cương, cũng như sự kiểm soát của Trung Quốc đối với tôn giáo và văn hóa của họ. Bắc Kinh vẫn bác bỏ cáo buộc này.
Trong 3 năm qua, hàng trăm người đã thiệt mạng trong các vụ bạo động tại Tân Cương, mà theo giới chức Trung Quốc thủ phạm là các chiến binh Hồi giáo. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa cung cấp được bằng chứng thuyết phục cho thấy bạo lực có liên quan tới ETIM, tổ chức bị Washington xem là nhóm khủng bố kể từ sau các vụ tấn công ngày 11/9/2011.
Sau những vụ tấn công đẫm máu vừa qua, đặc biệt là vụ tấn công bằng dao tháng 3/2014 tại một ga tàu hỏa ở Côn Minh làm 31 người thiệt mạng, Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng bố.
Cảnh báo cũng được nâng lên trước thềm một sự kiện thể thao quốc tế tại Bắc Kinh trong tháng 8 này, và cuộc tuần hành mừng 70 năm kết thúc Thế chiến II trong tháng tới.
Thanh Tùng
Theo RT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuba không thể trông cậy vào Obama mà phải tự cứu


HT
 * Hugo Chavez, Fidel Castro, Raul Castro - Chỉ thiếu Obama *


Khi suy ngẫm lại về những lợi hại của 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, người ta có thể nhìn ra triển vọng sắp tới của Cuba trong tiến trình tái lập bang giao với Hoa Kỳ. 


Cuba Ở Đâu


Nhìn từ bờ biển Hoa Kỳ, Cuba là hải đảo nằm ở vị trí chiến lược, chắn ngang Vịnh Mễ Tây Cơ, giữa Yutacan Channel và Eo biển Florida và trên dòng hải lưu hàng hóa từ vùng biển miền Đông của nước Mỹ đưa xuống kênh đào Panama. Đây là ngả giao lưu ngắn nhất, chỉ có chừng 140 cây số, giữa các hải cảng miền Đông với miền Tây nước Mỹ. Về địa dư thì vậy. Về lịch sử, Cuba từng là thuộc địa của Đế quốc Tây Ban Nha rồi đất bảo hộ của Hoa Kỳ sau khi nước Mỹ đánh thắng Tây Ban Nha. Với Hoa Kỳ, Cuba là nơi mà không cường quốc nào có thể sử dụng làm lợi thế gieo họa vào sân sau của nước Mỹ trên Vịnh Mễ Tây Cơ.

Về kinh tế thì như nhiều quốc gia Châu Mỷ La Tinh, Cuba sống nhờ sản xuất và xuất cảng nguyên liệu và thương phẩm như đường, lá thuốc lá, rượu mạnh cất từ đường và kền (nickel). Không có gì là ghê gớm nhưng cũng khá giàu có và tân tiến khi còn nằm trong quỹ đạo bảo trợ của Hoa Kỳ.

Cuộc Cách mạng cộng sản do Fidel Castro tiến hành vào năm 1959 trước sự bất ngờ của Hoa Kỳ đã đưa xứ này qua hướng khác. Kinh tế thì theo kiểu tập trung kế hoạch của xã hội chủ nghĩa, và tự lụn bại sau khi đã từng là một xứ khá tiên tiến vì chính sách quốc hữu hóa sản xuất, cào bằng xã hội và tái phân lợi tức. Cũng do kinh tế lụn bại vì chính sách tai hại ấy, về chính trị, Cuba trở thành chư hầu của một xứ cộng sản ở xa là Liên bang Xô viết.

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Cuba là đứa trẻ mồ côi và đói rách vì mất luôn nguồn năng lượng được Liên Xô viện trợ với giá trợ cấp và mất thị trường xuất cảng nông sản và lương thực. Khi giá mía sụt giảm trong thập niên 1990, kinh tế xứ này bị suy thoái. Vì vậy, Fidel Castro cũng lại “đổi mới”: mở cửa đón nhận du khách nghèo và cho ngoại quốc đầu tư nhỏ giọt, trong khi thực tế chấp nhận việc dân chúng xài đồng Mỹ kim làm phương tiện giao hóa. Chẳng khác gì Việt Nam!

Sau khi quốc hữu hóa kinh tế, trục xuất doanh nghiệp Mỹ và Tây phương, sống bám vào Liên Xô như tiền đồn xã hội chủ nghĩa, xứ này chết đói vì sự phá sản về ý thức hệ. Nhưng còn may là có một xứ sở ngu hơn mình. Cuba trở thành khách hàng và khách nợ của xứ Venezuela có dầu khí và có chế độ cộng sản với màu sắc quốc gia dân tộc từ nhân vật Simon Bolivar sau khi Hugo Chavez nắm quyền. Đổi lại, Cuba là đàn anh về lý luận cộng sản và tổ chức tình báo. Cuba có hệ thống tình báo tinh vi và đã từng xâm nhập vào thượng tầng chính trị của Hoa Kỳ.

Khi Hugo Chavexz qua đời vào năm 2013 và dầu thô sụt giá, Venezuela lâm vào khủng hoảng và Cuba chết đói. Vì vậy, không có Barack Obama và chủ trương hợp tác với các chế độ hung đồ chống Mỹ, thì Cuba cũng phải đổi mới và cải cách thật. Là việc Chính quyền Raul Castro phải miễn cưỡng tiến hành. Raul là em của Fidel. Nhưng bên trong thì chế độ không hề nới lỏng hệ thống kiểm duyệt và còn gia tăng đàn áp.


Tìm Mỹ Để Mõi Tiền


Cuối năm 2013, nhân tang lễ của ông Nelson Mandela tại Nam Phi, Obama mở đường giải vây cho Cuba khi bắt tay Raul Castro và đôi bên khởi sự nói chuyện. Đức Giáo hoàng Francis, một người Nam Mỹ theo khuynh hướng thiên tả, cùng nhiều quốc gia Nam Mỹ đã kín đáo yểm trợ các cuộc tiếp xúc này. Một năm sau, Tháng 12 năm 2014, mọi sự bắt đầu chuyển động.

Chế độ Castro trả tự do cho một Mỹ kiều bị họ giam giữ là Alan Gross và được phía Obama đáp lễ bằng cách phóng thích ba người Mỹ, trí thức và công chức cao cấp, đang ngồi tù vì là điệp viên của Cuba. Sau đó việc đàm phán được công khai hóa dần dần với quyết định do Obama và Raul Castro cùng thông báo: bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tái lập tòa Đại sứ của hai nước vào ngày 20 Tháng Bảy.

Phía Hoa Kỳ cũng nới lỏng những hạn chế của lệnh cấm vận, cho tư bản được chảy vào Mỹ ngoài khoản tiền hai tỷ đô la mà kiều dân gốc Cuba vẫn gửi về cho thân nhân. Mức chuyển ngân từ 500 đô la mỗi tam cá nguyệt được tăng gấp bốn. Các ngân hàng Mỹ cũng được phép thanh toán các thẻ tín dụng giao dịch tại Cuba. Du khách Hoa Kỳ dễ thăm viếng xứ này và có phương tiện thanh toán dễ dàng hơn.

Nhờ các biện pháp giải tỏa ấy, kỹ nghệ du lịch Cuba hồi sinh, tăng 15% so với năm ngoái, với khoảng một triệu 700 ngàn du khách đã tìm vào một xứ hoang dã khá mới lạ so với nhiều xứ Trung Nam Mỹ khác. Kinh tế Cuba cũng có dấu hiệu khởi sắc, với đà tăng trưởng là 4,7% cho sáu tháng đầu năm sau hai năm suy sụp liên tục.

Cuba dễ thở hơn nhờ có nguồn tiền và chánh sách giải vây của Obama.


Tương Lai Dài Hạn


Người ta thường nhầm tương quan nhân quả, lầm nguyên nhân với hậu quả, khi lý luận rằng kinh tế sở dĩ Cuba lụn bại là vì chánh sách cấm vận của Hoa Kỳ. Chế độ tập trung quản lý kế hoạch của Cuba mới là nguyên nhân chính, nhưng được khỏa lấp khi Chính quyền Castro còn được Liên Xô hay Venezuela viện trợ. Khi mà hai nguồn viện trợ ấy đều cạn, Chính quyền Castro được Hoa Kỳ tạm cứu bằng một số biện pháp giải tỏa cấm vận có hạn chế. Lệnh cấm vận ấy chỉ chấm dứt sau này qua quyết định của Quốc hội.

Cuba nay có thể dễ thở hơn nhờ một số biện pháp còn hạn chế của Obama. Nhưng sau một vài năm khỏi chết đói, xứ này phải cải cách toàn bộ cơ cấu kinh tế thì mới có tương lai. Tức là phải có quyết tâm chính trị của lãnh đạo.

Nếu thật sự muốn đổi mới, Chính quyền Castro hay người kế nhiệm sẽ phải cải cách toàn bộ cơ chế kinh tế. Đây là những lý do:

Cuba có vị trí địa dư thuận lợi, với nhiều hải cảng tại một trung tâm giao liên quốc tế, và có dân số đông, nhân công rẻ và trình độ học vấn không tệ. Xứ này còn một ưu thế khác là những tiến bộ về y học và sinh học nên có thể thu hút các doanh nghiệp chế tạo dược phẩm. Nhưng nhược điểm rất dễ hiểu là xứ này có hệ thống chính trị độc tài và bộ máy thư lại cồng kềnh với các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng, hang ổ của tham nhũng mà vẫn giữ vị trí chủ đạo nhân danh chủ nghĩa cộng sản và tinh thần độc lập dân tộc có hàm ý chống Mỹ.

Đã vậy, thực tế quái đản thời “đổ mới nửa vời” của Raul Castro khiến xứ này có hai hối suất trong một chế độ hối đoái phi cầm phi thú: đồng Peso nội địa được tính theo Mỹ kim bản vị - bằng tiền Mỹ - trong các ngành du lịch hay xuất nhập cảng, chứ vẫn có giá trị riêng, và rất thấp trong việc thanh toán lương bổng và mua bán nội địa. Với chế độ hối đoái này, Cuba khó mời chào các doanh nghiệp ngoại quốc! Chưa nói đến đạo luật đầu tư thì vẫn có nội dung kỳ thị nước ngoài, vẫn nhân danh chủ nghĩa dân tộc.

Obama không thể cứu được Cuba nếu xứ này không tự cứu. Và Quốc hội Hoa Kỳ thật ra vẫn còn thẩm quyền để theo dõi từng bước cải cách của Cuba mà nới dần những biện pháp cấm vận. Tức là giải tỏa có điều kiện theo những chuyển hóa thật về chánh sách và về chính trị. Tiến trình ấy sẽ mất nhiều năm.

Rút kinh nghiệm của Hoa Kỳ với Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ có thể sẽ thận trọng và chặt chẽ hơn, khi Barack Obama cũng không còn làm Tổng thống nữa.

_____

Kết luận ở đây là gì?


Trong ngắn hạn, nên du lịch Cuba với đồng tiền rất có giá để chứng kiến biên cương cuối cùng của xã hội chủ nghĩa. Trong dài hạn, đừng vội đầu tư vào Cuba.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Hữu Đang qua ghi chép của Võ Bá Cường


Hai vị là đồng hương của nhau.

Một vị khác, cũng là đồng hương, đã viết về Nguyễn Hữu Đang vào tháng 12 năm 2014, tức nhà văn công an Thái Kế Toại, ở đây. Bác nhà văn này, như đã nói ở entry trước, là gặp cụ Đang khá muộn.

Tôi biết nhà văn Võ Bá Cường từ khi còn bé xíu và cũng đã bắt đầu tập viết văn. Tuy vậy, vẫn bất ngờ khi gần đây ông viết về Trần Độ. Rồi bây giờ là Nguyễn Hữu Đang.

Trần Độ cũng là đồng hương với ba vị trên (Nguyễn Hữu Đang, Thái Kế Toại, Võ Bá Cường).

Dưới đây là bản viết về Nguyễn Hữu Đang của Võ Bá Cường, vừa được công bố trên tờ Dân sinh. Blog này sẽ cập nhật theo bên đó.

Từ đây trở xuống là nguyên văn của Dân sinh (trật tự ảnh của nhà văn Võ Bá Cường thì có bố trí lại)

Bắt đầu từ 20g ngày 5/8/2015, baodansinh.vn sẽ khởi đăng tư liệu nhiều kỳ “Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng”. Dự kiến có khoảng 30 kỳ với tư liệu, hình ảnh và bút tích về Nguyễn Hữu Đang – Nhà báo, nhà hoạt động cách mạng, người dựng Lễ Đài Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình ngày 2/9/1945 và những năm tháng bi thương và cay đắng của cuộc đời.


Khởi đăng tư liệu nhiều kỳ: “Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng” - Ảnh 1
Nguyễn Hữu Đang có một số phận đặc biệt: Từ người dựng lễ đài, Trưởng ban tổ chức Lễ Độc Lập, để ra mắt quốc dân đồng bào Chính phủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, là người đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Lễ đài, nâng ấn kiếm của chế độ phong kiến lên cho Cụ Hồ để Cụ Hồ tuyên bố: “Lưỡi kiếm này để trừng trị những tên hại dân, phản quốc”, vậy mà sau đó, Nguyễn Hữu Đang lại “vướng” vào vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, bị kết án tù 15 năm, ra tù tiếp tục bị quản thúc hơn 15 năm nữa. Cuối đời, Nguyễn Hữu Đang được phục hồi chế độ “Lão thành cách mạng”. Câu chuyện Nguyễn Hữu Đang mang đến cho chúng ta rất nhiều chiêm nghiệm và những bài học thấm thía…
Tư liệu ““Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng” sẽ đến với bạn đọc Baodansinh.vn hàng ngày vào lúc 20g.
Trân trọng giới thiệu và kính mong bạn đọc đón xem!
baodansinh.vn
http://baodansinh.vn/nguyen-huu-dang---bi-thuong-va-cay-dang-d14325.html


Nhà văn Võ Bá Cường





05/08/2015 19:51

Nguyễn Hữu Đang (1913-2007); quê: Thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Vũ Tiên (nay là huyện Kiến Xương), Thái Bình; là một nhà báo, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm; hai lần bị đế quốc bắt vào tù (1930, 1944); tham gia sáng lập Hội Truyền bá quốc ngữ và Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào, được bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa 8/1945; Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Trưởng ban tổ chức Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 và trực tiếp là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập. Ông đã lần lượt giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc, Trưởng ban Tuyên truyền xung phong Trung ương, Trưởng ban Thanh tra bình dân học vụ...
Tháng 4/1958, Nguyễn Hữu Đang bị bắt cùng một số trí thức, văn nghệ sỹ liên quan trong vụ "Nhân văn - Giai phẩm". Tháng 1/1960, ông bị kết án 15 năm tù, ra tù ông tiếp tục bị quản thúc tại quê nhà hơn 15 năm.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Nguyễn Hữu Đang dần dần được minh oan và phục hồi danh dự, được coi là "Lão thành cách mạng", được hưởng chế độ hưu trí (1990). Từ năm 1993, ông sống tại Hà Nội trong một căn hộ do Nhà nước cấp. Ông qua đời tháng 2/2007.
Trong bối cảnh bi tráng của lịch sử lập quốc Việt Nam thời kỳ hiện đại, chính quyền công nông non trẻ vừa thành lập, chấm dứt 100 năm đất nước dưới ách nô lệ thực dân và đế quốc, đã phải đương đầu với biết bao nhiêu thù trong giặc ngoài; rồi đi vào kháng chiến gian khổ "Chín năm làm một Điện Biên" và tiếp tục làm một cuộc trường chinh 30 năm chiến đấu giành lại non sông thống nhất, không khỏi có những số phận rơi vào bi thương và cay đắng như Nguyễn Hữu Đang. Lý giải điều này, một mặt là do "quán tính" của cuộc cách mạng vĩ đại. Mặt khác, cũng có cả lý do chủ quan của cá nhân, như Nguyễn Hữu Đang đã từng thổ lộ: "Viết đến đây, tôi không nghĩ về tôi; tự thương mình đã rơi vào cái hố duy ý chí từ tuổi mười lăm, rồi cứ thế càng ngày càng cuồng tín, hợm mình, tham thắng, khi biết đến cái bí quyết sống "tri  túc" lấy làm đủ của đạo học thì đã muộn". (Trích thư của Nguyễn Hữu Đang, ngày 1/6/1990, gửi Dương Thu Hương, nhà văn bất đồng chính kiến, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài).
Chiêm nghiệm từ câu chuyện Nguyễn Hữu Đang, chúng ta càng nhận ra những bước đi vĩ đại của quá trình phát triển cách mạng, nhận ra vẻ đẹp tiết tháo của người trí thức và nhận ra cả những kinh nghiệm sống trong đóng góp và phản biện cho hiện tại và tương lai...
Baodansinh.vn xin giới thiệu với bạn đọc tư liệu về Nguyễn Hữu Đang rút từ cuốn sách "Người đeo lục lạc" của Nhà văn Võ Bá Cường - một nhà văn cùng đồng hương Thái Bình đã có nhiều công sức tìm hiểu, chắp nối và nghiên cứu về Nguyễn Hữu Đang. Tư liệu sẽ được giới thiệu hàng ngày với khoảng gần 30 kỳ.
Rất mong nhận được phản hồi, góp ý và chia sẻ của bạn đọc!
Nguyễn Thành Phong


Kỳ 1: Mưa thanh xuân

Chiều đông ảm đạm, xám xịt màu tro bụi: "Đông, xuân nào có khác gì/ Bầu trời chỉ thấy đen sì những mây/ Đường quê mọi nẻo mọi lầy/ Lần vào đến tận ngách này… còn trơn". Những câu thơ đầy tâm trạng bất giác làm già Đang ngậm ngùi. Nhưng, lạ thật, chiều nay lòng già còn có thêm cái gì chộn rộn, phấp phỏng … Như một linh cảm. Ngoài cửa tam quan, một bà già khoác áo bông to sụ, ôm khư khư cái tay nải rách, đứng chôn chân ngó vào. Bà đứng dưới mưa bụi, như tự đày đọa mình, không cất tiếng gọi, cũng không hề có một động thái nhỏ nào, chứng tỏ mình chỉ là người đi qua muốn dừng chân ngắm ngọn tháp cổ. Bà nhìn trân trân vào người Nguyễn Hữu Đang. Bà chờ đợi cái giây phút này bao năm rồi nhỉ? Hai người nhìn nhau trong mưa, ở cái tuổi ngoài bảy mươi vẫn cứ hồi hộp xao xuyến, thoáng một chút gì lo sợ và tự hỏi: Liệu có ai nhìn thấy không? Già Đang chống gậy đứng dậy, dò dẫm bước đi trong tiếng kêu xủng xoẻng của cái "lục lạc" kết bằng các mảnh sắt vụn đeo quanh người. Ông già dừng lại, cất tiếng ôn tồn hỏi: "Bà tìm ai?". Bà lặng thinh không nói, trong bà đang tìm lại bóng dáng chàng trai cách đây gần năm mươi năm bà đã gọi là "chồng". Khó khăn lắm bà mới cất lời:
- Ông không nhận ra tôi nữa hay sao? Già lắm rồi phải không?
- Quả tình, tôi không nhớ được nữa!
Bà chép miệng:
- Buồn thật, thế mà tôi vẫn nhớ như in, ngày tôi về làm dâu nhà cụ Tổng Huyên, làm vợ anh Đang cơ đấy!
Ông già đứng chết lặng dưới mưa bụi, lúc sau lập cập như muốn sụp xuống cảm ơn bà đã tìm đến với mình trong lúc hoạn nạn. Gió càng về tối càng lạnh, đường quê chiều đông không một bóng người qua lại, cảnh chùa chiền càng thêm u tịch. Già Đang rùng mình đón những cơn gió lạnh vô tình. Bà nhìn ông, cái nhìn chất chứa sự chờ đợi bao nhiêu năm.
Bà khẽ cất tiếng:
- Chả nhẽ ông không mời tôi vào nhà ư?
- Tôi làm gì có nhà mà mời bà? Chỉ ở nhờ góc nhà Tổ, cái nhà quay ngang kia kìa - Tay già Đang run run chỉ vào ngôi nhà rêu phong với những cánh cửa gỗ ảm đạm.
- Thì ông cứ cho tôi vào một lúc để nói với nhau câu chuyện… Mấy chục năm nay…
- Thế bà không sợ liên lụy ư? Tôi lo cho bà sau khi ở cổng chùa nơi cửa Phật từ bi vừa bước ra tức khắc bị người ta truy chụp tội "liên quan với một tên chống Đảng".
- Tôi không biết liên quan liên dân gì hết. Chống ai, hay không chống ai tôi không cần biết. Tôi là vợ ông, có cưới xin hẳn hoi, tuy chưa được ở với nhau một đêm, chưa một lần cầm tay nhau. Vì ông mà tôi mang tiếng đã qua một đời chồng, để sau này phải đi lấy lẽ ông Phó Phu làng Nguyệt Giám bên Kiến Xương. Sao ngày ấy ông đanh thép cứng cỏi thế, giờ nhu nhược thế? Ông "sợ" à, mà "sợ ai cơ chứ"?
Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng - Ảnh 2

Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng - Ảnh 3Bức ảnh chân dung của mình và "người đẹp" Huyền Nhiên được Nguyễn Hữu Đang ghép lại thành hai mặt đóng trong khung để trên bàn làm việc của ông những năm tháng cuối đời

Hai người già nua cũ kỹ líu ríu bước theo nhau vào gian nhà Tổ. Bà Nhuận tìm một chỗ thật thuận tiện ngồi xuống để quan sát nơi già Đang ở. Bà nhoài người kéo cái chăn chiên rách gấp lại để ngay ngắn trên đầu giường chép miệng:
- Ông ăn ở luộm thuộm quá.
- Cuộc sống của tôi nó là thế! - Già chỉ từng thứ trong gian nhà chật hẹp như để thanh minh cho cái sự luộm thuộm không đáng có của mình - Đây là hũ gạo, lọ mắm, đây là chai nước cáy. Mấy cái rổ rách hôm qua mới ngồi buộc lại, nếu không hôm nay bà nhìn thấy nó bung vành tuột cạp lại chê tôi đoảng.
Bà già nhìn quanh, thấy đống sách vở xếp ngay ngắn trên kệ tường liền hỏi:
- Ông còn đọc sách à?
- Nó là cái nghiệp của đời mình. Cũng chỉ vì đống sách kia mà tôi phải ra tù vào tội.
Cạnh chỗ bà ngồi là mấy vỏ bao thuốc lá, mấy mảnh giấy xi măng, miếng nhỏ bằng hai ngón tay, miếng to bằng bàn tay, bà cúi xuống định vo viên đem đốt. Già Đang vội kêu lên:
- Chớ! Giấy để tôi viết đấy.
- Tù tội thế này rồi, ông còn viết lách cái gì nữa?
- Thì nghĩ được điều gì, viết ra điều đó, cái nó chợt đến rồi chợt đi ngay, nên tôi phải ghi lại. Tôi ghi toàn những điều bàn đến đạo đức của con người, lẽ sống của con người, có lợi cho con cháu.
Bà Nhuận như không muốn nghe chuyện ấy, bà giở tay nải buộc chéo khoe bộ quần áo cưới mà chưa một lần xỏ tay. Bà cười bảo:
- Đây là bộ quần áo thầy mẹ anh may cho em. Hôm cưới chờ anh về để mặc. Anh cũng tệ lắm, đã không ngó ngàng gì lại từ hôn người ta.
Bà Nhuận nói xong những câu như rứt ruột ra rồi ngó trân trân già Đang. Cả hai người đầu óc quay cuồng ôn lại chuyện cũ, như thước phim quay chậm để hai người già quay lại hình ảnhnhững ngày tháng 1938:
Cụ Tổng Huyên ốm nặng rồi mất. Hồi ấy già Đang dạy học ở Hà Đông, hay ở Thanh Hóa thì phải, ở nhà các cụ đã cưới chạy tang bà Nhuận trước đó mấy ngày. Khi già Đang về nhà lo xong lễ tang cho bố, khẽ nói với bà Nhuận:
- Giờ tôi nay đây mai đó, không biết sống chết thế nào? Biết bao giờ mới được về quê sum họp. Nhiệm vụ của người thanh niên khi việc nước còn đè nặng lên đôi vai thì chưa thể nghĩ đến điều riêng tư được. Vì thế, nếu cô ở đây sẽ lỡ làng cả cuộc đời người con gái. Hãy thông cảm với hoàn cảnh khó khăn này.
Cô Nhuận đêm ấy chỉ ngồi khóc, nước mắt đẫm hết chiếc khăn. Con gái một gia đình gia giáo, tử tế có tiếng trong vùng, chỉ biết lặng lẽ cúi đầu nghe theo chàng trai có chí lớn. Hôm sau ôm khăn gói theo chồng về bên Nguyệt Lâm để thưa lại chuyện với hai cụ.
Người con gái có dáng đầm, da trắng ở vậy mấy năm, sau đi làm lẽ ông Phó Phu. Buồn thế! Bà Nhuận sinh hạ được mấy người con, có anh giờ làm ở huyện Công an Kiến Xương, Thái Bình.
Mấy chú ngóe lọc sọc trong cái giỏ đeo gần đấy, bà Nhuận thấy động hỏi:
- Con gì trong ấy?
- Mấy con ngóe bắt được lúc chiều chưa kịp băm chả.
Bà trợn mắt hỏi:
- Ông ăn ngóe à?
- Cả cóc, cả rắn nữa bà ạ. Vớ được bữa chả rắn ăn vào nhẹ mình mẩy lắm - Nói rồi, trông ra trời chiều tối âm u, già Đang liền bảo - Thôi bà về đi, kẻo tối.
- Ông đuổi tôi à?
- Tôi đâu có dám, bà về muộn sợ con cháu nó lo.
- Chúng nó có việc chúng nó, mình có việc của mình. Hôm nay tôi ở lại đây giặt giũ cho ông, khâu vá lại đám quần áo rách cho ông. Nghe người ta nói ông ốm, tiếng ông còn nặng lắm chưa khỏe đâu.
Già Đang cười rớt cả nước mắt:
- Nghĩa là bà ngồi tù cùng tôi hay sao? Việc tù đày ai nào có thích gì?
- Thôi thì cái phận của tôi nó là thế, nhưng dù ông có ngồi tù thì tôi đến giúp đỡ không được hay sao?
- Bà không sợ người ta theo dõi à!
- Tôi chả sợ ai, chỉ sợ ông không chấp nhận sự giúp đỡ của tôi. Hay tôi không xứng với ông? Ông đã có người khác ở trong lòng?
- Đúng vậy bà ạ! Ngày tôi ở Hà Nội, tôi có quen biết một cô gái tên là Huyền Nhiên, cô sinh ra trong một gia đình trung lưu, mới có mười chín tuổi, khi đó cô ta chưa học hết bậc thành chung, con người ấy cũng nết na thùy mỵ đoan trang như bà. Cô chỉ có một người bạn gái cùng trang lứa, đôi bạn ấy sống với nhau rất chân thực, tuy là gái Hà Nội nhưng không đua đòi - Ông tâm sự với bà Nhuận - Nhớ lại ngày đầu làm quen cô ấy, tôi có đọc cuốn văn học Pháp E. Renan đã lấy bút ghi lại một câu vào trang sổ tay của mình "Sắc đẹp của phụ nữ là ân huệ của thượng đế ban cho loài người. Chúng ta có nghĩa vụ kính trọng người phụ nữ đẹp". Tôi quý Huyền Nhiên theo lẽ đó cho nên tới nửa năm quen nhau mà vẫn không dám chạm tay vào người Huyền Nhiên, dù chỉ cầm tay thôi tôi cũng cho đó là sự xúc phạm, còn nói gì đến… Tôi đã mang đến không ít tặng phẩm đều bị nàng từ chối. Tại sao? Cuối cùng tôi đem cho nàng cái vòng “sơ men” bằng bạc, coi đấy là vật giao ước kết hôn. Nàng nín thở ngồi xem, mắt hơi nhắm lại, rưng rưng lệ, rồi nàng lại bỏ vòng vào hộp, đóng nắp lại đưa trả cho tôi. Tôi hỏi nàng dồn dập, vì sao? Và không phải không có câu khiên cưỡng. Nàng xua tay sợ hãi nói:
- Đừng anh! Đừng nghi ngờ như vậy! - Rồi Huyền Nhiên nghiêm chỉnh ngồi im, một lúc sau nàng nhỏ nhẹ - Thế này anh Đang ạ. Em chỉ ước ao được gặp Cụ Hồ, được đứng gần Cụ, mà anh thì đến chỗ Cụ luôn. Anh cho em theo đến chỗ Cụ một lần. Chỉ một lần thôi cũng được.
- Thật là khó khăn, tại sao em cầu kỳ vậy?- Tôi hỏi.
- Cầu kỳ ư? - Mắt nàng hơi nhướn lên nhìn tôi - Có lẽ nhân dân cả nước này cầu kỳ. Em cứ cầu kỳ đấy! Bạn em chúng nó bảo thế nào anh chả tìm cách đưa vào gặp Cụ Hồ được. Ví như đưa quà biếu. Em nhớ có lần người gửi cam biếu Cụ. Cụ chẳng những vui lòng nhận mà còn viết thư cám ơn nữa.
-Thế rồi sự "cầu kỳ" ấy cũng được đáp ứng bà ạ! - Già Đang nhớn mắt nhìn bà Nhuận tìm lấy sự đồng cảm của bà trong việc ứng xử của già với Huyền Nhiên.
Đó là một buổi sáng Cụ Hồ tiếp đoàn đại biểu "Mùa đông binh sĩ" do ông Ngô Tiến Cảnh, nhà tư sản ở Bắc Giang này đã quen trong phong trào chống nạn thất học, đề xuất biếu Cụ tấm áo trấn thủ mới may được, gọi là "áo trấn thủ đầu tiên mùa đông binh sĩ" trong một vạn chiếc. Huyền Nhiên được tôi bố trí đi cùng đoàn đại biểu. Thật là cơ hội hiếm có mở đường cho cô ấy đến gặp Cụ Hồ. Tới giờ hẹn, tôi đã dùng xe hơi đưa Huyền Nhiên về trụ sở "Mùa đông binh sĩ" rồi vào Bắc Bộ Phủ. Cụ Hồ tiếp ở phòng khách lớn. Khi ông Cảnh nói đến câu: "Xin kính biếu Chủ tịch tấm áo trấn thủ đầu tiên may được", Huyền Nhiên bước nhanh đến bên Cụ Hồ, nâng khay ngang mặt, dáng điệu uyển chuyển cung kính. Cụ cầm áo xem xét kỹ lưỡng rồi khen "Tốt lắm" sau đưa cho ông Vũ Đình Huỳnh. Cụ không quên quan tâm đến người con gái đang đứng ở cạnh đó. Cụ Hồ đặt tay lên đầu Huyền Nhiên, vỗ nhẹ vào mái tóc uốn, nói giọng ấm áp: "Bác cám ơn cháu. Cháu sẽ rủ các bạn của cháu giúp đỡ bộ đội nhiều hơn, đem lại cho họ những món quà của tình thương yêu đồng bào".
Trên đường về, tôi với cô ấy cùng im lặng, bởi có người lái xe. Mãi đến khi bước vào nhà, Huyền Nhiên mới trao phần thưởng cho tôi… Đó là nụ hôn nồng thắm. Từ đấy bộ vòng "sơ men" lấp lánh trên cổ tay nàng. Sau ngày 14/11/1946, Pháp đánh Hải Phòng, rồi khiêu khích đánh lên Hà Nội. Tình hình trở nên nghiêm trọng, Huyền Nhiên theo gia đình tản cư. Trước khi đi Huyền Nhiên có gửi tặng tôi chiếc xe đạp cô vẫn dùng kèm theo lá thư ngắn: "Anh dùng chiếc xe xấu xí này như Quan Vân Trường dùng ngựa Xích Thố, và mỗi khi ngồi lên xe anh vẫn coi như có em ngồi sau lưng"…
Sự xa cách ấy là mãi mãi. Đến 1954 sau chiến thắng Điện Biên, tôi trở về Hà Nội làm việc ở báo Văn Nghệ, hăm hở đi tìm nàng mà không thấy. Sau này nghe tin nàng sống ở xa, với một gia đình đầm ấm, sinh hoạt đầy đủ, hình dáng có khác xưa nhưng sức khỏe thì sút kém. Tôi thông cảm với hoàn cảnh mà nàng lựa chọn. Nàng vẫn chỉ là một dáng tiên ẩn hiện trong tôi, không có tuổi và không bao giờ mất…
Già Đang hơi gục mặt xuống, trông vóc dáng càng thảm hại, xấu xí. Con mèo từ đâu chạy vào đòi ăn, nó chũi chũi vào chân già. Già thò tay vào gầm giường lôi ra cái bát mẻ, vét nốt thìa cơm đổ cho nó, không quên dằm cho nó con rốc kho vừa gắp ở niêu đất ra. Già Đang nói với giọng lừ khừ như tiếng mèo rên với bà Nhuận:
- Nó là con mèo hoang trong làng, đêm đêm đi tìm giống khác rồi lạc vào đây, không nhớ đường về với chủ nữa. Có nó cũng vui, đêm đêm nghe tiếng mèo gọi nhau thảm thiết thê lương lắm. Những lúc như thế thường là nghĩ đến thân phận mình. Hồi này nó đã quen, rét thế nào cũng rúc vào chăn rách của tôi mà ngủ. Nằm ngủ có nó ấm ra phết! Có đêm tôi nói với nó như nói với một con người: "Mày tưởng tao sướng lắm à? Tao cũng cảnh cô quẫn, đơn độc không gia đình vợ con, không bè bạn thân thích. Mày còn tìm đến đồng loại để nô đùa khúc khích với nhau, rỡn cợt nhau. Sau này biết đâu lại chẳng có lũ mèo con, được người chăm sóc tử tế. Bữa ăn lại được ăn trước, thức ăn để trong bát đĩa, chủ giành riêng cho mày. Chả bao giờ mày phải "nhạt miệng". Còn tao, ăn cơm tù, bốc trên lá, uống nước ống, cơm mốc cơm thiu cũng cố mà nuốt. Vừa ăn vừa nghe người ta chửi bới, lắm khi miếng ăn kề miệng còn bị người ta hất đi. Nuốt chưa khỏi cổ, người ta bắt nhả ra, cũng phải cố mà nôn ra cho đủ.
Bà Nhuận rưng rưng:
- Ôi dào, tôi nghe não cả ruột, đời ông khổ thế là cùng, cô đơn cô quả thế là cùng. Thế mà nhiều lúc tôi trách lầm ông. Cả cuộc đời ông không biết được tình cảm chồng vợ, chăn gối, buồng the như thế nào? Năm 1958, 1959, ông đã đi tù rồi, tù đến hôm nay. Bao nhiêu năm sống độc thân, giờ thành ông già lụ khụ. Giá ngày ấy ông cho tôi một đứa con rồi bỏ mặc tôi ở quê đi theo cách mạng, nay gặp lại cũng còn vợ còn chồng. Tự ông đánh mất tất cả, làm lỡ làng tất cả.
Già Đang đưa tay gạt đám quần áo cũ vào góc giường nhẹ nhàng nói:
- Thôi bà đào xới chuyện cũ lên làm gì, làm khổ cả hai người, khổ cả Huyền Nhiên. Biết đâu, ở một nơi nào bây giờ cô ấy cũng đang nghĩ về tôi.
Già Đang tiễn bà Nhuận ra cổng chùa thì dừng lại. Hai người bịn rịn mãi. Bà Nhuận nghẹn ngào: "Nỗi oan của ông khác nào Thị Kính, khi làm vợ mang tiếng thất tiết giết chồng, lúc giả trai trốn vào cửa Phật bị Thị Màu đổ tội trăng hoa. Chỉ đến lúc về cõi Phật người ta mới biết nỗi oan của nàng. Còn ông, người ta vu cho chống Đảng. Tù tội suốt mấy chục năm, về làng người đời xa lánh. Trẻ con giơ tay chửi "tên chống Đảng". Nó xói xỉa ông, đày đọa ông. Cửa Phật liệu có biết nỗi oan cho ông. Đời ông lúc đi nắng lửa, khi về gió táp, chả lúc nào yên. Cũng chỉ vì tính nết cứng đầu cứng cổ và đống sách mục trong nhà. Chữ nghĩa làm gì cho khổ? Cứ ngu như tôi đây có hơn không?
Bà khẽ cúi xuống nhặt bông hoa đại thơm nhét vào bàn tay ông. Già Đang nhanh tay ngắt bông hoa "dâm bụt" dắt vào mái tóc bà, cả hai nhìn nhau cười mà như khóc… Nhìn bông hoa đại trắng thơm ngát, nồng nhiệt, nằm trong lòng tay mình, bỗng ông già nghĩ: Trong cuộc đời có nhiều người xúc động vẩn vơ, có khi không cắt nghĩa nổi. Lâm Đại Ngọc là một nhân vật trong Hồng lâu mộng, đơn độc trong tình cảm lại yếu đuối, hay mau nước mắt, hay thương cảm cho đời cho mình đến mức như mắc một căn bệnh. Có lần buồn quá, cô nhặt hoa đem vùi dưới đất xong rồi lại khóc "Chôn hoa người khóc ngẩn ngơ / Đến khi ta chết ai người chôn ta". Đọc thầm hai câu thơ ấy trước bà Nhuận, bất chợt ông nghĩ đến cái phận mình lúc chết, không biết ai là người chôn đây? Có lẽ ông sẽ chọn chỗ dưới gốc tre làng để chết, khỏi phiền đến ai chôn cất.
Sau này nghe người làng Vũ Công bảo: "Không biết có phải cửa Phật từ bi động lòng trắc ẩn thương cảnh oan khuất của già Đang mà chỉ đường cho bà Nhuận lui tới trông nom ông trong những lúc ốm đau liệt giường liệt chiếu. Khi khỏe, già Đang sang làng Nguyệt Lâm tìm nhà bà Nhuận ăn cơm, chụp ảnh cùng con cháu bà ghi lại mối tình đầu thiêng liêng bà giành cho ông mà ông không biết.
Thế là ông Nguyễn Hữu Đang hai lần từ bỏ mối tình của hai người con gái đi làm việc nước. Một lần do gia đình tạo dựng, một lần do ông… Lại thêm một chuyện tình nữa cũng đầy phiền muộn và nước mắt.
Trước lúc gặp Huyền Nhiên, chàng trai Nguyễn Hữu Đang ở nhờ một gia đình người công chức cũ. Căn nhà đó trông sang trại lính Pháp, có một cô gái rất trẻ mới ngoài hai mươi tuổi ở với một ông già. Xét trong cách ứng xử mọi lẽ, không tìm thấy tình cảm bố con, nhưng tình chồng vợ chưa tới. Thời gian ở đấy người cách mạng trẻ tuổi nhận được ở cô gái mối tình ấm áp. Mỗi khi đi công tác về, tự tay cô rót đưa cho anh cốc nước, tự tay trải lại cái chiếu, hoặc giặt bộ quần áo cho anh. Nguyễn Hữu Đang rất có cảm tình với cô gái đó. Từ ánh mắt đến nụ cười… Càng tìm hiểu quan hệ giữa ông già và cô gái mọi chuyện càng như được đóng kín. Sau này qua tâm sự với cô, Nguyễn Hữu Đang đã hiểu được thân phận của con người chìm nổi. Cô bé đó vốn là đứa trẻ ăn mày, được ông bà nhặt về nuôi dạy. Càng lớn, duyên càng thắm, sắc càng tươi, lại ở một gia đình có học thức, nên lời ăn tiếng nói, đi đứng vào ra "thuần" Hà Nội. Lúc bà mất có cầm tay cô trăng trối: "Cháu ở lại trông nom săn sóc ông, làm vợ ông, trông nom lấy cái gia đình bé mọn này vì ông bà không có con”.
Họ là vợ chồng, chung nhau trong cái buồn của tuổi tác. Cô ấy lại muốn có con. Nhưng khốn thay ông già đó không thực hiện được. Lúc phát hiện ra sự phiền muộn đó, ông Đang rất rung động và tìm cách trốn chạy. Chuyện này ông kể với Kiều Duy Vĩnh người bạn tù từ Yên Bái lên hang đá Hà Giang. Hai ông ở với nhau suốt mười lăm năm tù ngục, có lúc cùng chung một cái khóa tay. Câu chuyện đẫm nước mắt là thế… Ông Đang bảo: Nếu không được giáo dục, không có ý chí của người làm cách mạng và không có cuộc kháng chiến thúc đẩy sức chiến đấu của thanh niên thời ấy thì ông sẽ trở thành người "phạm tội".
(Câu chuyện trên tôi được đích thân ông Kiều Duy Vĩnh kể lại cho nghe vào hồi hai giờ chiều ngày 10/6/2007 tại nơi ông Vĩnh, ở ngõ 447 số nhà 469 Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội. Hôm ấy nóng tới 39-40oC- Võ Bá Cường viết thêm).
Nguyễn Hữu Đang là người không vợ, không con, không nhà không cửa, không một lần chung chăn chung chiếu với người mình yêu và người yêu mình, cũng là người duy nhất ở Việt Nam không nghe thấy tiếng máy bay, tiếng bom Mỹ, không biết ở bên ngoài có cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì lúc đó ông nằm liệt trong hang đá ăn mắm dòi, gạo mục, uống nước suối. Chỉ riêng sức chịu đựng không có người đàn bà nương tựa về tâm hồn trong lúc ông bị đánh tơi tả ấy phải chắp tay vái "cụ" ba vái. Và chúng ta tự hỏi: "Trên thế gian này có ai cô đơn hơn Nguyễn Hữu Đang không?" chỉ thấy nổi lên ở ông điều cay cực, oan trái mà ông vẫn bình thản ngồi đọc sách, dịch sách, tìm thấy trong Lão Tử, Trang Tử điều gì để thanh thản sống bám lấy cuộc đời thô nhám này. Ông biết chịu đựng và sống có chừng mực. Ông bảo: "Đời là cuộc chơi nhưng chơi không cay cú" nên lúc ông bị đày đọa, ông coi đó là cuộc chơi nên cũng không hề hé răng hé lợi kêu than, tố khổ. Cái đáng quan tâm nhất trong cuộc đời cô đơn của ông, công việc gì thuộc phạm trù tư tưởng ông cố làm được tất cả, thắng tất cả với cá nhân mình. Nhưng cái đáng sợ nhất ở ông sau khi chịu tù 30 năm về ông không biết sợ cái gì cả…
Tối ấy già Đang ngồi "lê la" trước bãi cỏ cửa chùa, già thấy không mùi hoa gì thơm hơn hoa cỏ dại. Già như người ngơ ngác bâng khuâng trong cái cảm giác lúc chia tay bà Nhuận ra khỏi cửa tam quan. Gặp lại bà chẳng khác nào như lúc nắng hạn gặp mưa xuân, con cá đang nằm phơi mình trên lạch cạn gặp được dòng sông chảy. Rất vui ý nghĩ hai người có nhiều sự giống nhau, đôi bên đều được giãi bày nỗi lòng mình và tỏ ra thích thú. Chỉ có thời gian là ngắn nhất. Già ngửa mặt nhìn trời, bỗng có ngôi sao đánh "xẹt" một vệt sáng đến tận chân trời rồi biến mất. Trời mùa xuân mưa bay lớp lớp cũng ít vì sao le lói. Cảnh tượng đó làm già xúc động. Đã gần bảy chục tuổi rồi, biết đâu ngày nào đó già cũng như ngôi sao kia tự dưng biến mất vĩnh viễn không còn tồn tại trên mặt đất này. Một ngôi sao trước khi biến mất còn để lại cho đời một vệt sáng… Vậy già này đâu chịu lẳng lặng ra đi, phải làm một việc gì đó cho có ý nghĩa lúc cuối đời mình. Âu cũng là một bước đi định mệnh đầy oan khuất.
(Còn tiếp)
VÕ BÁ CƯỜNG
Giao blg
Phần nhận xét hiển thị trên trang