(Thời biến đổi gien)
Kỳ 17
Bùi Ngọc Tấn
Tôi đi Hà Nội một mình mà không kèm theo sách, giờ đây danh nghĩa là sách của tôi mang về Hải Phòng định bán, chứ không phải sách của Luyến. Còn phải lên gặp Luyến, gặp Ngợi trực tiếp bàn bạc trao đổi đã. Đồng hồ báo thức để 5 giờ nhưng vợ chồng tôi đều thức giấc trước đó. Lụi hụi với các phép tính tới khuya, đặt mình là tôi đánh đồng thiếp. Còn vợ tôi mất ngủ, một dấu hiệu ít thấy ở người suốt ngày quần quật với công việc nội trợ, với lo nghĩ. Vợ tôi bảo: Em mất ngủ quá. Đêm thức chán lại ngồi dậy. Ngồi mãi.
Trời còn tối. Tất cả im lặng. Tất cả vẫn đang ngủ. Nhìn qua cửa kính ra ngoài cửa sổ chỉ thấy ánh điện vàng vọt. Rất khẽ làm những công việc thường nhật của buổi sáng. Không muốn hàng xóm biết để rồi người ta nói nhà ông Tấn có việc gì mà dậy sớm thế. Phải giữ bí mật cả những chuyến đi.Lai vô ảnh, khứ vô hình. Vệ sinh cá nhân. Đun nước pha trà. Đang ngồi hút thuốc lá uống trà, tự cho phép mình hưởng thụ cuộc sống một cách xa xỉ như vậy thì trên gác lửng vợ tôi gọi: Anh ơi. Lên đây! Tôi lên. Vợ tôi đã thắp hương. Ba nén hương đỏ hồng trên ba bát hương. Thế giới của vợ tôi. Niềm tin và hy vọng của vợ tôi. Ảnh bố mẹ tôi sau làn khói hương. Vợ tôi đang khấn. Bao nhiêu năm rồi, vợ tôi theo hết đền này phủ nọ, cầu xin bình an may mắn sức khoẻ cho chồng cho con, điều lành đem đến điều dữ mang đi. Tôi ngồi xuống cạnh. Tôi cũng thì thầm nhỏ to cầu xin tổ tiên, ông bà, bố mẹ cho chuyến đi của tôi được may mắn.
Rồi chúng tôi xuống sàn. Vẫn còn sớm lắm.
Chúng tôi khẽ khàng trong mọi cử động. Trời bỗng đổ mưa. Nghe rõ tiếng nước từ mái nhà rỏ giọt qua lần cửa kính. Không biết làm gì, vợ tôi ra ngồi cạnh giường thõng hai chân xuống sàn. Im lặng. Tôi xót vợ, xót mình. Những năm mới yêu nhau đâu ngờ rồi lận đận khốn khổ suốt cả đời. Không nhớ đã có bao nhiêu buổi sớm như thế này. Dậy sớm. Khẽ khàng trong mọi cử động. Không biết nói gì với nhau. Không biết an ủi động viên nhau như thế nào. Bất trắc hiểm nguy rình rập. Cuộc đời chúng tôi là lặp đi lặp lại những buổi sớm cảm thấy hết cái vất vả, cô đơn, sự đe doạ đến với một đời người. Và chúng tôi, hai sinh linh bé nhỏ, sắp đi hết kiếp, cảm thấy tất cả sự vô lý của kiếp mình, sự tráo trở của cuộc đời và cái số phận cay đắng vất vả chúng tôi phải chịu. Chúng tôi càng thấy gắn bó với nhau, nương tựa vào nhau chống đỡ mọi gió bão cuộc sống. Tôi muốn ôm lấy vợ. Vẻ mặt vợ tôi lúc đó là sự im lặng nhẫn nại, cố giữ thản nhiên. Nhưng tôi biết Bích đang rất lo, rất thương tôi. Trước lúc tôi đi, nàng còn quàng cho tôi tấm ni lông và tôi đã ôm nàng. Tôi định đóng cửa bếp rồi xuống thang, nhưng vợ tôi bảo: Anh cứ để đấy. Chốc nữa em còn hoá vàng cơ mà. Hoá vàng xong vợ tôi sẽ đi lễ ở Minh Đức. Hai hôm trước vợ tôi vừa đi lễ ở Hà Nội. Năm nay tôi sao Thái Bạch. Vợ tôi rất lo. Tôi cũng lây cái lo của vợ.
Đường 5 bây giờ là con đường đẹp nhất, tốt nhất trong cả nước. Xe ô tô mười lăm phút một chuyến. Ngồi trên ô tô tôi nghĩ đến thân phận mình và bật ra được một câu văn: “Tôi luôn bất hoà với chính quyền.” Và cười chua chát. Bất hoà với vợ cũng đã khốn nạn rồi. Lại còn bất hoà với chính quyền thì đời mờ rồi, Tấn ơi! Rồi mỉm cười đính chính lại: Chính quyền luôn bất hoà với tôi. Đúng vậy. Tôi có làm gì họ đâu. Tôi theo họ. Cả nhà tôi theo họ. Tự nhiên họ bắt tôi bỏ tù. Hơn ba năm định thả nhưng lại tống tôi đi tù tiếp. Chán chê rồi thả ra. Rồi theo dõi. Hết năm này sang năm khác đến tận bây giờ. Tôi chỉ viết về chuyện họ tự nhiên bắt tôi bỏ tù chứ có bịa đặt vu cáo gì họ đâu. Bỗng nghĩ đến Henri Charrière. Nghĩ đến người tù khổ sai trước tôi mấy chục năm. Bây giờ chắc ông ta đã chết rồi. Đã xuôi tay, đã rũ hết đắng cay, đau khổ, sục sôi căm giận rồi. Tôi nghĩ đến tập tiểu thuyết Papillon của ông. Tôi nghĩ đến những hình phạt ông đã chịu. Nhưng nghĩ nhiều hơn đến tập sách của ông, đúng hơn nghĩ đến cách, đến việc ông cho in tập sách đó.
Henri Charrière, người đã không chịu thua, người tù khổ sai vượt ngục đến Venezuela sinh sống, trở về Pháp, đất nước của ông, đất nước đã đày đoạ ông, với quyển tiểu thuyết tố cáo nền công lý của nước Pháp, phơi bầy toàn bộ sự thật khủng khiếp về cuộc sống của những tù nhân Pháp trong những nhà tù Pháp, ông Henri Charrière ấy đã được nước Pháp chào đón như một anh hùng. Sự trở về của ông, quyển tiểu thuyết của ông làm xao xuyến nước Pháp. Những đoạn trích trong quyển tiểu thuyết của ông đăng tải trên báo làm mọi người quên cả cuộc vận động bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào giai đoạn gay go quyết định nhất.
Ôi! Truyền thống văn hoá Pháp. Nền dân chủ đã ngấm vào máu của dân tộc Pháp. Nghĩ về ông, tôi buồn cho mình, cho dân tộc mình. Cũng phải nói thêm rằng: Bản án đối với Henri Charrière là sai, là không đúng, là oan. Nhưng chỉ oan trong án đó. Còn Henri Charrière không hoàn toàn trong sạch. Ông chính là một thành viên của giới tội phạm.
Trên ô tô tôi triền miên với những suy nghĩ đó. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Tới địa phận Gia Lâm trời tạnh. Nhưng vẫn rét cóng. Không khí trong veo dưới nền mây xám quánh như có ai cầm một cái bay thợ nề khổng lồ miết vào nền trời, lớp nọ chồng lên lớp kia.
Tám rưỡi tôi đến nhà Lê Bầu. Bầu đang ngồi ở cửa chữa bệnh, nghĩa là cầm một con ong mật cho nó đốt vào chỗ đau. Anh cứ bị đau luôn, khi ngón tay cái, khi ngón tay trỏ, khi vai. Đau đâu anh cho ong đốt ở đấy. Vỉa hè trước cửa nhà là cô bán nước mía, là cô bán bia hơi, luôn thu hút lũ ong. Ong vo ve bay tới đậu xuống hút nước mật mía hay uống bia là anh chộp. Anh chộp rất thiện nghệ. Chộp mà nó không đốt được. Cái ngòi vẫn còn nguyên để tiêm vào đúng chỗ đau. Chộp được nhiều anh cho đốt nhiều. Chộp được ít đốt ít. Những chỗ sưng u ở chân tay, ở người biến hết.
Bầu bao giờ cũng là liều thuốc paracetamon của tôi. Nhức đầu, mệt mỏi tiêu tan. Thấy tôi, anh vất con ong đã mất ngòi ra vỉa hè, kéo tôi vào nhà và vẫn với giọng vui vẻ sôi nổi cố hữu của anh:
– Mọi sự đã xong. Đúng như quy định. Cái Luyến nó láu lắm. Vừa nhấc điện thoại nghe mình nói, nó đã bảo: “Anh Tấn bảo em gửi quần áo cho anh ấy chứ gì? Bây giờ anh có nhà không. Em bảo cháu nó mang đến ngay đây.” Hai bao dứa căng. Khâu rất cẩn thận.
Tôi hình dung ra hai bao sách ấy. Tôi đã xe những bao như vậy từ nhà Đình Kính về. Chật căng. Vuông thành sắc cạnh. Chỉ những người đóng gói chuyên nghiệp mới làm được như vậy.
– Mày có biết tao gọi điện cho nó báo tin đã nhận được sách như thế nào không. Luyến đấy à? Bầu đây. Lê Bầu đây. Đã nhận nhuận bút rồi. Mà nhận được nhuận bút thật. Nhuận bút Chân dung Nhà giáo ưu tú. Nhà chật quá. Để ở buồng trong rồi. Tí nữa vào xem.
– Tôi mất tên rồi. Điện thoại tới tấp. Toàn ông Lê Bàn — Lại cười sảng khoái. Để tao nói mày nghe. Hôm họp đại hội nhà văn Hà Nội, họp xong anh em ngồi lại ở cái bàn để ấm chén với bánh kẹo. Tất cả đều nói về mày. Cái Trần Thị Trường mới “láo” chứ. Nó bảo tất cả những người làm lãnh đạo đều phải đọc quyển này. Tôi mà làm lãnh đạo tôi mua cho mỗi người một bộ. Có cả bà Hà, Bằng Việt, an ninh văn hoá ngồi đấy nữa chứ.
Chuyện ấy tôi đã biết. Vũ Bão đã viết thư cho tôi, những bức thư đánh máy làm ra vẻ điện tín đầy stop của anh.
– Cái Trường nó bảo anh Tấn viết một chữ cũng có văn hoá. Ông phải viết đi. Viết một tập: Tôi đã viết và in Chuyện Kể Năm 2000 như thế nào.
Bầu nói đúng ý tôi. Nhiều người xui tôi như vậy. Sau này gặp Vương Trí Nhàn, Nhàn nói hình ảnh hơn:
– Mao Trạch Đông nói súng đẻ ra súng. Anh em mình thì sách đẻ ra sách. Anh viết một tập Hậu Chuyện kể năm 2000 đi.
Lê Bầu pha trà. Đến lúc ấy anh mới pha trà. Vì còn quá sôi nổi với những thông tin. Những thông tin bung ra vào cái lúc nhiều người đã nghe về quyển tiểu thuyết của tôi, đã tìm và đã đọc.
– Tôi là đại diện toàn quyền của ông ở đây rồi. Điện thoại liên tục hỏi ông Lê Bàn. Mình bảo Lê Bầu đây thì chúng nó cứ đòi gặp ông Lê Bàn cơ. Còn không, ông để cho tôi mấy bộ. Còn không ông để cho tôi một bộ. Thằng Phú, không phải Ngô Văn Phú đâu, Nguyễn Đỗ Phú cơ, mò đến, mình bảo không có. Nó cứ đứng thần ra: Bây giờ kiếm ở đâu được một bộ nhỉ. Thằng Trần Chinh Vũ thì đến hỏi ông có không. Tao bảo tất nhiên là phải có chứ. Ông đọc xong chưa. Xong rồi. Đọc từ hồi còn là bản thảo. Thế ông cho tôi mượn. Không được. Người khác mượn mất rồi. À, còn nàng Tuyên. Điện thoại reng reng. Nhấc lên. Tôi là Tuyên đây. Tôi gặp ông Lê Bàn. Nàng Tuyên ở bộ phận đầu tư sáng tác Hội Nhà Văn ấy, mày biết không nhỉ. Thằng Xuân Thiều thì không điện thoại. Chiều nào cũng tới đây. Hỏi về mày. Rủ tao đi uống bia. Nó bảo mày lên thế nào cũng phải gọi điện cho nó.
Anh reo to:
– Ông Dương Duy Ngữ! Dê Dê Ngủ! Ông đại tá trưởng trại sáng tác Đồ Sơn nữa. Ông Lê Bàn đấy à? Hắn đã lên chưa? Bùi Ngọc Hắn đã lên chưa. Hắn lên thì gọi điện ngay cho Dê Dê Ngủ nhé. Lại còn bà Hà với thằng Hồ Anh Thái cứ hỏi Lê Bình trong truyện là ai. Tao bảo là thằng Nguyên Bình. Nó đang ở Hà Nội ấy. Thế là hai người cứ bắt tao đưa đi gặp thằng Nguyên Bình.
Tôi kêu đói. Chưa ăn sáng. Đi sớm quá. Lại mưa. Lại gặp ô tô ngay. Mày ngồi đây. Tao đi mua cái gì ăn. À, bún đây này. Bún gì ấy nhỉ. Bún ốc. Bún gà hết rồi. Nhìn ra hàng bún sát vỉa hè trước cửa chỉ thấy những con ốc nhồi và rau sống, mấy con ruồi bay lên đậu xuống làm tôi ngần ngại:
– Tao không ăn được ốc.
– Để tao đi mua bánh mì.
Bầu ra phố và cầm về cho tôi một cái bánh mì to cặp pa-tê, dưa chuột thái mỏng. Tôi nhai. Giòn. Ngon. Lâu lắm tôi mới ăn kiểu bánh mì này, từ hồi còn đi làm, lênh đênh trên tầu cá tới Sài Gòn buôn bột mì, ngô, sữa hộp, vải thiều… Bầu nhìn tôi ăn và tiếp tục câu chuyện với giọng sôi nổi của anh:
– Ra được là thắng rồi. Chúng tao bảo nhau là phải ổn định tư tưởng cho chúng mày dưới ấy. Nhất là Bích. Bích có lo không. Cái hôm họp đại hội nhà văn Hà Nội tao bảo thằng Tấn nó có Châu Âu bảo đảm rồi. Ha ha ha..
Anh nói bóng gió tới cái giấy mời tôi của Parlement International des Ecrivains hai năm trước đó.
– Trong hội nghị, nàng Trần Thị Trường cứ hỏi tao về mày. Tao bảo nó trúng đại biểu chính thức rồi — đại biểu dự đại hội nhà văn. Nếu Trường với tôi cùng trúng đại biểu, họp đại hội tôi xin hứa thế nào cũng giới thiệu cô với nó.
Thật xúc động. Tôi không chờ đợi những điều tốt đẹp như vậy. Những người tâm huyết vẫn còn rất nhiều. Hơn thế người ta còn công khai bầy tỏ tình cảm với quyển tiểu thuyết bị cấm của tôi, bầy tỏ tình cảm với tôi. Cái bóng đen vẫn lừng lững hù doạ mọi người không còn thiêng nữa. Người ta đã có thể nói to ý nghĩ của mình mà không sợ hãi. Nó chứng tỏ mọi người đã chán ngấy cái trật tự xã hội dựa trên sự giả trá và muốn chấm dứt nó.
– Trần Thị Trường. Hình như làm đại diện một tờ báo nào trong Nam ấy phải không?
– Trước nó làm phóng viên báo Tuổi Trẻ thường trú ở ngoài này. Bây giờ chuyển về báo Người Công Giáo. Nhanh nhẹn. Xinh lắm. À, nó còn bảo anh Tấn anh ấy viết thế bọn chúng nó đang nhẩy xếch lên kia kìa.
Tôi gọi điện cho Mạc Lân, ông Vũ Mạc của tôi, người lính me của tôi, thông báo rằng cái việc tôi nhờ ông ấy bán sách vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vì trước đó tôi đã gọi điện từ Hải Phòng lên cho Lân nói rằng việc tôi nhờ Lân là không cần thiết nữa. Đó là một lần Lam Luyến chẳng biết nghe đâu vô cùng phấn khởi gọi điện cho tôi báo tin sách đã được phát hành bình thường, làm tôi reo lên:
– Có thế chứ. Anh tin rằng bây giờ cũng có những cái đầu sáng suốt chứ. Chẳng lẽ cứ đặc sệt như đầu anh phó cối hay anh hoạn lợn mãi!
Hôm ấy tôi đã reo như thế với Luyến.
Còn hôm nay tôi gọi điện cho Lân:
– Một trăm bộ tôi nhờ ông, ông đã bán hết chưa. Nếu còn thì ông tập trung lại để tôi mang nộp. Tôi đưa ông ngày mồng 6 Tết. Tôi chỉ lấy bốn mươi nghìn một bộ. Ông bán hết rồi hở. Ông bán ở đâu. Ngay vỉa hè à? Liệu rồi thu xếp cho tôi xin tiền nhé.
Đầu dây kia, tiếng Lân vẫn với cách phát âm quen thuộc kéo dài âm tiết ở những tiếng cuối câu:
– Tôi bán hết rồi. Cám ơn ông đã thương tôi nghèo. Tôi cũng kiếm được chút ít. Này. Thế bây giờ vẫn cần phải như thế à? Lại phong thánh à?
Ý Lân muốn nói lại tịch thu, lại cấm à? Còn khoảng sáu, bẩy phút là đến giờ. Giờ tôi gặp Luyến ở quán cà phê quen thuộc phố Ngô Văn Sở. Việc hẹn gặp Luyến cũng phải qua Bầu. Bầu giục: Đi đi. Tao đã thông báo với nó rồi. Xe ôm đầu đường ấy. Đến giờ J rồi đấy.
Mũ Nin-da. Áo Phổ Nghi. Quàng túi. Đi xe ôm. Đúng chín giờ tôi có mặt ở phố Ngô Văn Sở. Ngó vào hiệu cà phê. Vắng tanh. Không khách. Không chủ. Có thể Luyến đến chậm. Rét quá. Trở về nhà xuất bản, hỏi người thường trực.
– Chị Luyến đến rồi. Vừa đi ra ngoài xong. Đi bộ.
Lại đi. Nin-da lại đi. Quán cà phê vẫn không khách. Nhưng đã có chủ. Cô chủ quán đang ngồi cộng cộng trừ trừ gì đó ngẩng lên nhìn. Từ sáng đến giờ cô Luyến chưa đến đây bác ạ.
Lại sụp mũ ra phố rét buốt. Lại Nin-da. Ngoái tìm chung quanh. Một chiếc ô tô lùi thẳng vào tôi. Vội tót lên vỉa hè, vượt qua chiếc ô tô đang de đuôi vào sát hè, chỗ tôi đứng. Người ta có thể gây ra một vụ tai nạn giao thông lắm chứ. Lại về nhà xuất bản. Vừa nhô ra phố Bà Triệu thì có tiếng người gọi phía sau. Luyến. Anh chờ em một tí. Em đang làm việc với một nhân vật. Anh cứ vào quán ấy đi. Quán ấy hay quán bên cạnh cũng được. Chờ em. Tí nữa em sang.
Tôi quay lại. Luyến vận bộ đồ đen đi trước tôi. Nhanh nhẹn. Gọn gàng. Tôi đi sau Luyến một quãng. Luyến vào một hiệu cà phê giải khát ngay ngã ba, phía bên kia đường, nơi tôi vừa đi qua tìm Luyến. Làm như không để ý đến Luyến, tôi vào hiệu cà phê đã hẹn. Lột mũ Nin-da. Nhâm nhi một cốc Lipton. Ngóng nhìn qua cái rèm hơi cuộn lên ngoài cửa sổ. Chờ Luyến. Không biết cuộc thảo luận ở quán cà phê bên kia đang diễn ra như thế nào. Chắc chắn là chung quanh tập sách của tôi. Thế rồi Luyến đến. Anh em mình sang ngồi bàn bên này. Anh uống gì? Lipton à? Sao anh không uống cà phê nâu? Anh uống thêm một tí nhé.
Luyến phổ biến cho tôi những tin tức tôi đang nóng lòng. Thứ nhất là số sách phải nộp. Tôi giữ năm trăm bộ, đưa cho Luyến ba trăm bộ. Cộng lại là tám trăm. Tôi rất mừng vì con số 800. Thêm một trăm bộ. Luyến vừa làm việc với thư ký của tướng Phạm Chuyên, giám đốc công an Hà Nội. Đưa biếu anh ta một bộ. Em muốn gỡ. Có hai khả năng. Một, thu trắng. Hai, sửa chữa rồi cho phát hành. Nếu thu thì Cao Giang sẽ về hưu sớm ba năm. Bùi Văn Ngợi và Phạm Đức sẽ mất chức và bị kỷ luật. Em phải đứng ra ngoài cuộc. Càng xa càng tốt. Danh nghĩa anh in chứ không phải em. Em sẽ đưa cái hoá đơn đỏ cho anh. Không biết em để đâu, tìm chưa ra. Tí nữa em sẽ phôn cho cháu tìm đưa đến ngay. Hoá đơn thanh toán với nhà in. Chiều nay là có. Anh chỉ ký vào bên cạnh. Em ký trước rồi. Thì anh nhờ em quen việc in ấn. Quyển này nhà xuất bản từ chối in A. Tác giả tự in, in B. Nguyên tắc in B là nhà xuất bản phải cử người giám sát theo dõi. Nhà xuất bản cử em. Do đó em đứng tên biên tập. Anh nhờ em với anh Đình Kính việc in ấn. Vì anh Kính cũng đang in quyển Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20.
Đến bây giờ tôi mới biết ngóc ngách đầu đuôi của việc tác giả tự in, in B là như thế và cố gắng nhớ trình tự như Luyến dặn.
– Thế nhé. Còn người em nhờ để có thể sửa chữa một số đoạn rồi cho phát hành là phó phòng Bộ. Anh ta rất nhiệt tình. Anh ta cũng bảo em phải đứng xa vụ này ra. Hướng của anh ấy là sửa chữa rồi cho phát hành. Được như thế là tốt nhất. Không ai việc gì. Em đã lấy được tập sách A25 đánh dấu những đoạn phải sửa. Anh ta nói sẽ giúp đỡ được năm mươi phần trăm. Nhưng anh Ngợi, anh Phạm Đức rất căng. Không chịu sửa. — Lại thêm một lý do nữa để tôi yêu quý hai anh Bùi Văn Ngợi và Phạm Đức.
Tôi tán thành việc tôi nhận mình tự in. Nhưng không thể chung chung như thế được. Phải rất cụ thể. Cụ thể đến từng chi tiết. Để có thể trả lời rành rọt, khớp khi ngồi trước bàn hỏi cung. Chỉ một chi tiết vênh thôi là đủ hỏng tất cả. Tôi đã bị bắt tù, bị hỏi cung, tôi biết. Các ông chấp pháp và cán bộ điều tra xúm nhau lại nghiên cứu từng câu trả lời và dễ dàng tìm ra ngay những sơ hở.
– Anh nhớ là anh nhận sách vào chiều 26 Tết.
– Nhưng mình không biết nhà in ở đâu.
– Chỗ trường Nhạc.
– Trường Nhạc ở chỗ nào mình có biết đâu. Thôi được. Chốc nữa mình thuê xe ôm lên nhà in để biết đường đi lối lại. Bởi chỉ cần họ hỏi nhà in ở đâu, mặt mũi nó ra sao là mình chết cứng, không trả lời được.
– Thôi thì em lấy sách hộ anh, em nhận sách từ nhà in chứ không phải anh.
– Nhưng sau đó anh nhận sách ở đâu, từ tay ai?
Luyến nói tên một hiệu sách, số nhà, đường phố. Tôi đoán là hiệu sách của con trai Luyến. Tôi cũng chẳng biết đường phố đó là đâu. Nói chung, thành phố Hà Nội với những tên phố mới, những khu mở rộng, tôi chẳng biết mô tê gì.
– Vậy anh nhận sách ở nhà em. Em thuê ô tô chở sách từ nhà in về thẳng nhà em.
Chúng tôi thống nhất đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi lấy sách ở nhà Luyến buổi chiều mồng 6 Tết. Ô tô xí nghiệp in chở. Chở thẳng về nhà Bầu gửi ở đấy. Em phải dặn lái xe hộ anh. Là chở sách từ nhà in về nhà Luyến rồi từ nhà Luyến về nhà anh Bầu phố Phùng Hưng. Thanh toán với lái xe là em, hết bao tiền anh không biết. Tôi nhớ Lê Bầu về Bắc Giang ăn Tết đến mồng 4 mới ra Hà Nội. Vậy mồng 6 Tết tôi chở sách đến nhà Bầu là hợp lý.
Tưởng đã hòm hòm công việc bỗng Luyến hỏi:
– Anh nhận thêm cho em ba chục bộ được không?
Tôi gật đầu ngay tắp lự. Bởi tôi đã cắt đi số lượng của nhiều người. Bảo họ nhận lại không khó.
Lại một ý kiến mới toe nữa:
– Em gửi năm mươi bộ vào Sài Gòn. Trong ấy công an điện ra: Có sách bán ở hiệu và đã bán hết rồi. Anh phải nhận đã gửi vào Sài Gòn hộ em.
Tình huống quá bất ngờ đối với tôi. Tôi thừ người. Sao hôm nay Luyến mới nói với tôi? Trong ấy công an báo cáo ra. Bất khả kháng. Tôi mừng vì sách của tôi đã vào tới trong ấy. Năm chục bộ chỉ là con số tối thiểu, tượng trưng. Chắc chắn Luyến phải gửi vào đó hàng trăm. Bên cạnh niềm vui là một cái gì bất ngờ gần như phật ý. Chỉ không thể giấu được, Luyến mới nói cùng tôi. Vậy chắc chắn tirage không chỉ là 1500 bộ như ghi trên trang signé. Nhưng niềm vui át đi tất cả. Sách của mình đã đến được với nhiều người. Ai? Ai có thể giúp tôi “mang sách” vào trong ấy được nhỉ? Tôi nghĩ chưa ra. Phải tìm được một người bạn đem sách của mình vào bán ở Sài Gòn. Người ấy phải vì mình mà xác nhận việc đó trước công an. Chưa nghĩ ra thì cũng cứ phải nhận thôi. Chẳng đẩy cho ai được. Để Luyến nhận nghĩa là một kỷ luật nặng sẽ đến với Luyến. Cái gánh này Luyến không kham nổi. Phải đỡ cho Luyến.
Vẫn chưa hết:
– Còn bốn bộ ở nhà xuất bản Kim Đồng nữa.
Tôi thừ người.
Nhưng Luyến đã nghĩ sẵn phương án hộ tôi:
– Bốn bộ này anh bảo anh Bầu nhận. Người của nhà xuất bản Kim Đồng đến nhà anh Bầu. Sách chưa được phép bán. Nhưng họ có giấy giới thiệu. Anh Bầu bán theo giấy giới thiệu. Giấy vất đi đâu mất rồi. Bán đúng giá bìa. Anh đừng lo. Có người nhận cấp giấy giới thiệu. Giới thiệu từ lúc sách còn chưa có vấn đề gì cơ mà. Anh cứ bảo anh Bầu thế hộ em.
Tôi thống nhất lại với Luyến mọi chi tiết và ghi vào một tờ giấy, kể cả giờ lái xe chở sách đến nhà Bầu vào lúc sáu, bẩy giờ tối, rồi từ đấy chuyển đi cho bè bạn ở Hà Nội và chở về Hải Phòng.
Một ý nghĩ mới nẩy sinh trong tôi. Tất cả những chuyện này là để đối phó với công an, đối phó với chính quyền. Còn với Bùi Văn Ngợi thì sao. Ngợi thừa biết Luyến đứng ra in và phát hành. Số sách đang trong tay Luyến. Chẳng cứ Ngợi. Cả Cao Giang, Phạm Đức. Cũng như cả nhà xuất bản đều biết như vậy.
– Anh sẽ nói với anh Ngợi như thế nào vì anh Ngợi biết rõ không phải anh in, cũng không phải anh đã bán đi bẩy trăm bộ. Nếu các anh ấy muốn mình nộp thêm nữa thì sao.
Ngẫm nghĩ một lúc, Luyến bảo:
– Cứ một kịch bản thôi anh ạ. Phải giữ đúng một kịch bản. Đề phòng những trường hợp xấu nhất.
Tất nhiên tôi nghe Luyến, nhưng trong lòng thật buồn. Có lẽ bài học trong cuộc sống hôm nay là như vậy. Cứ một kịch bản, dù trái ngược với thực tế, dù gây khó khăn cho bè bạn. Chỉ một kịch bản để mình giữ đằng chuôi, để đề phòng mọi diễn biến xấu nhất có thể đến với mình. Luyến không cho tôi nghĩ ngợi lâu:
– Bây giờ em về nhà xuất bản. Anh bảo với anh Ngợi sáng nay anh lên à? Thế thì tí nữa, nửa tiếng nữa anh đến. Anh Ngợi nói với em hôm nay anh lên mà.
Tôi nhẩy xe ôm về Phùng Hưng với Lê Bầu. Thuật lại cho Bầu nghe mọi chuyện.
– Ông nhớ tôi chở sách đến ông chiều tối mồng 6 Tết. 1100 bộ.
– Bao nhiêu bộ tôi không biết. Chỉ biết rằng nhiều lắm.
– Ông phải nhận thêm cho tôi ba mươi tư bộ.
– Ba mươi tư bộ chứ năm mươi tư bộ cũng được. Vì còn thằng Hoà Vang. Nó bảo sách của anh Tấn mà em không bán được à? — Cho tới lúc ấy tôi không quen biết cũng như chưa một lần gặp mặt Hoà Vang nên câu nói ấy làm tôi rất quý trọng anh. Kỳ trước mày bảo tao, tao đã phân cho nó ba mươi bộ. Nó đồng ý ngay. Sau mày lại bảo cắt của nó. Tao cắt. Bây giờ chỉ gọi điện nói hợp đồng vẫn còn nguyên giá trị là xong thôi.
Tôi gọi điện cho Bùi Văn Ngợi từ nhà Bầu.
Tiếng Ngợi reo vui:
– Anh đang ở đâu thế? Đang ở Hà Nội à? Mời anh đến đi. Đến ngay cũng được. Tí nữa đến cũng được.
Tôi đến Ngợi ngay. Lại xe ôm. Chú lái xe ôm đầu phố có cái áo bu-dông ca-rô đỏ tía như áo Hemingway trong bức tranh Thọ Vân vẽ tặng treo ở nhà tôi trước khi tôi bị bắt, vừa chở tôi đến gặp Luyến lúc nẫy. Trời tạnh. Đường khô dần. Nhưng gió vẫn thông thốc. Không khí càng trong veo vì rét.
Đang định bước vào thang máy nhà xuất bản thì có tiếng gọi: Bác đến chỗ mẹ cháu ạ. Cậu con trai Luyến. Cháu đưa bác cái này. Cái hoá đơn đỏ đút trong một túi ni lông dầy. Rất cẩn thận.
Đi thang máy lên hành lang tầng bốn, tôi còn ngồi xổm ở phía cầu thang bê tông, giở túi xách ra xem lại cái hoá đơn đỏ — lần đầu tiên tôi trông thấy cáihoá đơn đỏ — thì có tiếng Luyến ngay bên:
– Anh vào gặp giám đốc đi.
Chưa vào phòng Ngợi ngay. Tôi còn vào phòng biên tập văn học. Gặp lại các anh, tôi cảm thấy mình là người có lỗi. Mọi người ngừng hết công việc nhìn tôi, nhìn vào người đã làm xao động nhà xuất bản, làm giám đốc, tổng biên tập, các biên tập viên, cả những người hành chính, phát hành nhao nhác lao đao. Sinh hoạt, làm việc của nhà xuất bản đang vận hành trơn tru đều đặn bỗng bị lay đến tận gốc.
Phạm Đức, Cao Giang, Lê Hùng xiết tay tôi thật chặt. Cái xiết tay của các anh nói với tôi rằng tình hình rất gay go nhưng chúng ta tin rằng chúng ta đã làm một việc tốt và quyết đứng vững. Vừa uống xong chén nước, cửa phòng biên tập bật mở. Một phụ nữ cao lớn, áo bành tô không cài khuy bước vào. Tôi chưa gặp chị bao giờ còn chị tươi cười chào tôi rất thân mật:
– Em chào anh Tấn.
Tôi đứng lên bắt tay chị. Chị ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Hoàn toàn cởi mở như đã quen tôi từ lâu, như mọi người đang có mặt trong phòng là gia đình chị:
– Anh còn bộ nào không? Để cho em một bộ.
Tôi hơi hoang mang về cách đặt vấn đề hồn nhiên của chị ngay trong nhà xuất bản đang yêu cầu tôi nộp lại toàn bộ số sách bị nhà nước cấm mà danh nghĩa tôi đang giữ:
– Tôi hết mất rồi chị ạ.
Vẫn hồn nhiên như vậy, chị nói:
– Em có người bạn bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra chỉ để mua bộ sách của anh mà không mua được lại bay vào. Người ta nhờ em kiếm cho một bộ.
Rồi lắc đầu cười:
– Không biết ông ta có bao nhiêu tiền mà ghê thế.
Đó là chị Hoàng Việt Hằng, vợ nhà văn Triệu Bôn. Cái ông “không biết có bao nhiêu tiền mà ghê thế” này ngẫu nhiên tôi cũng đã gặp. Phải năm, sáu năm sau. Đó là “ông” Nguyễn Trọng Chức, thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ. Một hôm, tôi đang ở nhà vợ chồng Hải Yến, con gái tôi tại thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được điện thoại của Nguyễn Duy mời đến nhà uống rượu với Nguyễn Quang Sáng và mấy bạn đọc Việt kiều. Lát sau, một người cao lớn râu ria đi chiếc xe máy kềnh càng đen chũi đến nhà làm xe ôm. Người xe ôm này phóng xe với tốc độ kinh hoàng, luôn nhầm đường, phải quành đi quành lại. Tôi bảo anh đi chầm chậm thôi. Anh cười, dọa dẫm:
– Đèo anh, em đi thế là chậm rồi. Chốc nữa đưa anh về, em sẽ đi xe một bánh thôi cho nhanh, để chị đỡ mong.
Người lái xe ôm đó là Nguyễn Trọng Chức.
Chức bảo tôi:
– Hỏi anh không được, chị Hằng đã gặp Lam Luyến, mua được một bộ gửi cho em rồi. Chị Luyến đang đưa sách cho chị Hằng thì anh Ngợi đến.
Hôm ấy Hoàng Việt Hằng cứ nằn nì tôi mãi. Chị tủm tỉm nhìn tôi như báo trước cho tôi biết câu chuyện chị sắp nói rất thú vị:
– Hôm nọ có thằng cháu em đến chơi. Em xuống bếp làm thịt bò cho nó ăn. Em bảo cháu chịu khó chờ cô một tí. Rồi em đọc đoạn bà Bượng chửi cho nó nghe. Anh có nhớ đoạn bà Bượng chửi không nhỉ.
– Có. Tôi có nhớ.
– “Hôm nay 14 tháng 6 năm Bính Thìn chủ nhật bà nghỉ.” Nó bảo cô đọc sai rồi. Hôm nay 14 tháng 6 năm Bính Thìn phẩy chủ nhật chấm bà nghỉ.
Chị cười. Ôi! Tiếng cười của chị mới vui tươi sảng khoái làm sao. Thật sung sướng khi thấy mình đã mang lại tiếng cười như vậy cho người khác. Chị lại hỏi:
– Anh ơi. Ông Ngụy Như Cần còn sống không?
Tôi trả lời, câu trả lời những câu hỏi loại này tôi đã nghĩ sẵn rồi:
– Đây chỉ là nhân vật tiểu thuyết thôi, chị ạ.
Chị “thế à” một cách đầy nghi hoặc rồi chào tôi và mở cửa bước nhanh ra ngoài nhỏ to gì đó với Lam Luyến ở hành lang đối diện. Cao Giang tranh thủ nói với tôi một số tình hình. Ngoài những điều Luyến đã nói, tôi biết thêm mấy chi tiết nữa. Nhà xuất bản mới gửi hai bộ cho bí thư thứ nhất và bí thư thường trực Trung Ương Đoàn để hai vị này đọc và giám định. Cả Dương Xuân Nam. Cũng một bộ. Vì Nam là tổng biên tập báo Tiền Phong nhưng lại là thường vụ phụ trách khối báo chí xuất bản, văn hoá tư tưởng. “Cậu ấy nói cũng có biết anh, biết anh trước đây làm báo Tiền Phong.”
Rời phòng văn nghệ, tôi sang phòng giám đốc. Trên quãng hành lang ngắn ngủi ấy, nhiều người nhìn tôi. Mấy cánh cửa đóng kín bỗng bật mở, những cặp mắt hướng cả vào tôi, thấy tôi nhìn lại, làm như nhìn đi chỗ khác. Khó định nghĩa cái nhìn ấy. Kiểu nhìn một con thú lạ.
B.N.T.(Xem tiếp kỳ sau)
Phần nhận xét hiển thị trên trang