Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Đọc sách đừng vội!

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)
  Kỳ 14
  Bùi Ngọc Tấn
Ngồi với các bậc huynh trưởng, Hằng Thanh mỏng mày hay hạt, bẽn lẽn như một thiếu nữ, chỉ biết cười. Chúng tôi ký vào vỏ chai uýt-xki đã cạn và giao cho Luyến đem về làm kỷ niệm. Chúng tôi tra hỏi Hằng Thanh về đề tài luận văn thạc sĩ của Hằng Thanh. Hằng Thanh nói:
– Em làm về Kiều.
Chẳng biết Tạo nói hay rượu nói:
– Luận văn về Kiều của em phải nói đến bao cao su. Không có là thiếu. Đấy, Kiều lăn lóc là như thế nhưng có mang bầu đâu.
  Phải đến ba giờ chiều bữa ăn mới kết thúc. Trở về Hải Phòng tôi càng mong sách ra hơn lúc nào hết và lại cố quên thời gian bằng cách viết tiếp, cầy tiếp bài viết về Nguyên Bình, cố vượt qua đoạn khó nhất: Bình hoàn toàn từ bỏ công việc viết lách và cả chuyện ái ân, như một tu sĩ rời bỏ cõi đời, đi vào một lĩnh vực mà tôi mù tịt, với những thuật ngữ như khí công động, khai mở luân xa, chữa bệnh từ xa, rồi khơi dậy những tiềm năng của con người để sống, để tự chữa bệnh… Nhất định không nghĩ đến tập tiểu thuyết của đời mình chắc giờ đây đang được vận hành trong dây chuyền của nhà in, và lúc nào cũng nơm nớp một sự cố nào đó xẩy ra, một tin tức rụng rời nào đó sẽ đến. Thì lại có điện thoại. Chuông reo. Chuông reo vào lúc mười giờ đêm. Chuông reo lúc đêm khuya bao giờ cũng làm tôi giật mình.
– Em đây.
Đã thuộc giọng Luyến, tôi càng hoảng. Chắc chắn tin tức chẳng lành. Mà chẳng lành thật.
– Em đánh mất ảnh của anh rồi. Cả hai ảnh. Em đưa xuống nhà in. Bây giờ người ta để đâu tìm không thấy.
Tôi nghĩ ngay đến chuyện khác còn quan trọng hơn ảnh. Không có ảnh, chẳng sao:
– Đoạn trích in ở bìa bốn còn không?
Tôi hỏi mà lòng lo ngay ngáy. Bởi vì đó là những dòng chữ đã được giám đốc Bùi Văn Ngợi ký duyệt và tôi sợ rằng khó được duyệt lại lần thứ hai.
– Còn. Em vẫn giữ đây. Cả chữ anh Ngợi ký. Để có sách sớm, sáng mai em phải có ảnh xuống nhà in. Chín giờ mai em chờ anh ở nhà xuất bản.
Tôi chấp hành lệnh Luyến vô điều kiện. May. Ảnh dự trữ tôi vẫn còn và vẫn nhớ nơi cất giữ. Sớm hôm sau tôi lên. Đó là một sáng Thứ Bẩy trước tết Canh Thìn. 23, 24 tháng Chạp gì đấy. Lại ô tô. Đường 5 đã là con đường đẹp nhất cả nước. Gió lọt qua khe cửa mở hé phía sau hất ngược lên. Buốt gáy. U cả đầu. Phải quay lại bảo người ngồi ghế sau đóng chặt cánh cửa kính. Trong ô tô “chất lượng cao” tôi cũng phải trùm cái mũ len tím than mới mua ở cổng nhà máy Len, kín mũi kín mồm kín tai chỉ để hở hai con mắt. Xe ôm năm đồng — nghìn. Thả tôi xuống 62 Bà Triệu. Lại mưa lắc rắc. Càng rét. Tôi lễ phép lột mũ, hỏi anh thường trực: Thưa anh, chị Lam Luyến từ sáng đến giờ đã đến đây chưa ạ thì được trả lời là chưa. Nhìn đồng hồ. 9 giờ kém 10. Cái đồng hồ của tôi có thể nhanh vài ba phút. Rét tím tái, run lập cập, tôi tạt vào một ngõ gần đấy tránh gió và hỏi bà hàng nước vỉa hè một chén nước trà nóng. Cầm chén trà, run. Nước sánh cả ra tay. Rét quá. Gió bấc thông thốc vào ngõ. Chén nước nóng trào xuống áo khi tôi đưa nó lên miệng. Không sao giữ yên được chén nước. Tay run. Chân run. Người run.
– Bà cho điếu ba số.
Tôi mới cai thuốc. Cai lần thứ bao nhiêu rồi. Đã quyết không hút lại nữa rồi lại hút. Điếu thuốc cũng chẳng làm ấm lên bao nhiêu. Đường Bà Triệu đã tấp nập hoa đào. Năm ấy đào nở sớm trong những ngày giữa tháng ấm áp, nên dù cuối tháng giở giời giá buốt Hà Nội vẫn đầy ắp hoa đào. Đào năm nay rẻ. Bà hàng nước nói vậy. Một người bán đào ghé vào quán nước trong hẻm chào tôi:
– Bác mua cho em. Hai mươi nghìn cây này. Em lấy rẻ cho bác. Đào này đào thế, có cả gốc. Bền lắm. Hết tết chưa tàn. Chơi tết xong đem ra vườn trồng, sang năm lại có hoa…
Tôi cười. Cám ơn người bán đào. Tôi lòng dạ nào chơi hoa. Tôi đang chờ một người. Gặp người ấy xong là tôi về Hải Phòng ngay. Tôi đang đánh một canh bạc. Tôi sắp thắng. Thắng hay bại như lần trước.
Hút tàn điếu thuốc, tôi lại đến nhà xuất bản. Anh bảo vệ nói Lam Luyến vẫn chưa đến. Nhưng cứ vào cơ quan thôi. Không lang thang ngoài phố nữa. Rét lắm.
Không đi thang máy, tôi leo từng bậc thang xây cho ấm người. Tới tầng 3, tầng dành cho nhà xuất bản Kim Đồng, tôi dừng lại vì có nhiều người đang làm việc ở hành lang. Định nói khó với họ, xin gọi điện nhờ tới Lam Luyến, nhưng ngần ngại. Tính tôi vậy. Rất ngại làm phiền người khác. Ngại nói khó với người khác. Cứ lên tầng trên, tầng 4, tầng của nhà Thanh Niên chờ Luyến cái đã. Tôi lên. Các phòng tầng 4 đều khoá im ỉm. Lại nhìn xuống hành lang tầng 3. Nhiều người đang đóng sách vào những bao dứa. Tôi lững thững đi quanh hành lang. Có tiếng nói phía sau:
– Anh chờ em lâu chưa?
Luyến. Luyến gọn gàng xinh đẹp trong chiếc áo da đen, má đỏ ửng vì rét. Tôi đưa Luyến hai tấm ảnh và cùng Luyến xuống thang.
– Anh ăn sáng chưa?
– Rồi. Ăn bánh mì trên ô tô rồi.
Tôi nói cho Luyến đỡ ái ngại:
– Anh định đến thăm anh Dương Tường một tí, nhưng thôi, bây giờ anh em mình đi uống nước rồi em đưa anh ra bến xe.
Luyến đèo tôi. Vào hiệu cà phê phố Lý Thường Kiệt. Hai màu nóng. Và ba số. Lại hút. Ấm. Hỏi tình hình in ấn. Luyến cho biết tập tiểu thuyết của tôi do kỹ thuật “vào gáy” nên chỉ in được bốn tờ một thôi. Không như tập Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20. “Tập của anh phải huy động nhiều máy làm. Anh yên tâm. Đang in tập hai rồi. Bìa chỉ in một đêm là xong thôi.” Luyến khẳng định có sách trước Tết Nguyên Đán. Khi nào anh Đình Kính lên lấy sách Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20, em sẽ gửi anh Kính mang về cho anh luôn. Cả hai quyển cùng một nhà in mà. Hiện nay tập một của anh đã đóng xong rồi. Tập hai đang in. In nhanh lắm. Anh không hình dung được đâu. Bây giờ anh về ngay à? Em đèo anh ra bến xe. Rồi em xuống thẳng nhà in.
Tách cà phê đặc được tôi và Luyến giải quyết rất nhanh. Chỉ mấy cái sụp. Luyến ấn cả gói thuốc ba số hút dở vào túi áo Phổ Nghi ngự hàn của tôi rồi đèo tôi ra bến. Lại găng tay. Lại mũ len kéo xuống tới cổ chỉ để hở đôi mắt nin-da. Trên đường Luyến bảo:
– Sao anh không vào thăm anh Dương Tường một tí.
Làm như vậy thì cái việc tôi đi Hà Nội vất vả, rét mướt không chỉ vì Luyến đánh mất ảnh mà còn là một chuyến đi thăm bạn. Tôi nói vui để phá tan nỗi áy náy của Luyến:
– Lấy chồng thôi Luyến ạ. Kẻo lại đánh mất hai chiếc ảnh này của anh là gay lắm đấy. Hết ảnh rồi.
Luyến cười:
– Lấy chồng nhưng có ai lấy mới lấy được chứ. Anh yên tâm. Đưa anh tới bến là em phóng thẳng xuống nhà in, làm bìa ngay. Chỉ đêm nay xong bìa.
Đang phóng xe chợt Luyến dừng lại. Lấy trong túi ra điện thoại di động đưa lên: “Tôi nghe”. Và:
– Vâng. Ảnh có đây rồi. Mười lăm phút nữa mang đến.
*
Một trăm bộ Chuyện Kể Năm 2000 đã nằm trên sàn gỗ căn phòng gác 2 của tôi, chấm dứt mọi nỗi lo. Thôi không lẩm bẩm câu thơ Trần Dần như một kẻ tâm thần nữa: “Chẳng cuộc tôm-bô-la vui nào mở trúng tên tôi.” Lẩm bẩm để chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận thất bại. Để có thể nói một hai câu, kiểu như: Mình đã biết trước mà. Cái sự khốn nạn này chẳng đến với mình thì đến với ai. Nhưng tôm-bô-la vui lần này đã mở trúng tên tôi! Tôi đã trúng số! Điều mình nghĩ không bao giờ sẽ xẩy ra đã xẩy ra, đã biến thành sự thật. Mọi lo âu chấm dứt. Bộ tiểu thuyết của tôi đã được in. Không phải quyển tiểu thuyết mà bộ tiểu thuyết. Non một nghìn trang! Hai tập! Ngày xưa khi mới vào nghề, xếp những quyển tiểu thuyết bộ ba như bộ Con Đường Đầu Khổ của Alexis Tolstoi mà khao khát biết bao giờ mình có trilogie, tiểu thuyết bộ ba như thế này. Không hiểu Con Đường Đầu Khổ của A.Tolstoi có chân thực không khi ánh sáng dẫn dắt văn chương thời đại ấy là hiện thực xã hội chủ nghĩa và bây giờ có còn ai đọc nó nữa không khi cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga, một cuộc thí nghiệm tốn nhiều thời gian, tốn nhiều mạng người đã thất bại. Tiểu thuyết của mình chắc chắn không dưới sự chủ đạo của bất kỳ lý thuyết nào ngoài lý thuyết Hãy thật giản dị và chân thực.
Hai trăm quyển Chuyện Kể Năm 2000 để dưới sàn ngay cạnh giường nằm của vợ chồng tôi khiến tôi hoàn toàn mất ngủ. Sáng 26 Tết, biết Đình Kính ngày hôm sau sẽ đi Hà Nội nhận sách, tập Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20 của Hội Văn Nghệ Hải Phòng, tôi đã nói với anh cho đi nhờ xe để nhận Chuyện Kể Năm 2000. Nhưng rồi anh xin được một chuyến xe ngay trưa hôm đó và đi, không thể chờ tôi.
Tất nhiên Kính sẽ chở sách về cho tôi nhưng tôi muốn được nhìn thấy hình dung diện mạo nó, muốn được chạm tay vào nó ngay trong nhà in, khuân nó từ nhà in lên ô tô sớm lúc nào hay lúc ấy. Và biết đâu cho đến phút cuối cùng xẩy ra sự cố gì đó, mình có mặt trên ấy cũng kịp nhìn thấy nó, kịp chạm tay vào nó, và giấu đi được mấy quyển — bằng bất kỳ giá nào cũng phải giấu đi được mấy quyển.
Suốt ngày 26 Tết năm Canh Thìn ấy tôi không liên lạc được với Kính mà chỉ gọi cho Luyến được thôi. Luyến động viên tôi:
– Chắc chắn anh Kính phải gặp em. Anh yên tâm. Em sẽ gửi anh Kính về cho anh 100 bộ.
Tất nhiên Kính sẽ chở sách về cho tôi. Kính luôn hiểu những thiệt thòi của tôi và muốn tôi sẽ được bù đắp một phần dù rất nhỏ. Chính anh đã kéo tôi đi dự trại sáng tác Quân Đội Đồ Sơn và cũng chính anh giục tôi đưa bài viếtThời Trai Trẻ Đã Qua, sản phẩm tôi viết trong trại lên dự thi cuộc vận động sáng tác 2 năm 1998–1999 Viết Trước Giao Thừa Thiên Niên Kỷ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và tôi đã đoạt giải thưởng. Nhưng bồn chồn. Chẳng biết làm gì. Quanh quẩn. Lại gọi điện cho Luyến. Lần này câu trả lời của Luyến làm tôi reo lên.
– Khoảng bẩy, tám giờ tối nay anh đến Hội Văn Nghệ Hải Phòng nhận sách.
Chỉ còn một khúc đường rất ngắn nữa thôi. Cầu sao mọi việc suông sẻ. Cơm tối xong, tám giờ tôi đạp xe lên Hội Văn Nghệ bởi tôi nghĩ nhanh nhất cũng phải giờ ấy Kính mới về đến Hải Phòng. Đường phố giá buốt gió bấc ào ào từng đợt như những lưỡi dao cạo bào trên da mặt nhưng vẫn rất đông người đi sắm tết. Đào, quất, hoa các loại đã ngàn ngạt hai bên đường Trần Hưng Đạo, suốt từ vườn hoa Kim Đồng tới tận Nhà Hát Lớn. Tết đến thật nhanh. Bao nhiêu cái Tết đã qua rồi. Lặp đi lặp lại. Cuộc sống con người là lặp đi lặp lại. Tập dần những thói quen. Thói quen mơ ước. Thói quen hy vọng. Thói quen thất vọng. Thói quen nói dối. Thói quen nghe nói dối. Thói quen sợ hãi. Thói quen gãi tai. Thói quen già đi. Thói quen tiếp nhận cái chết…
Dửng dưng với tất cả, người cũng như hoa, tôi lách qua những cành đào, tới cái cổng sắt đang đóng im ỉm của trụ sở hội. Đạp cánh cửa rầm rầm thay cho tiếng gọi bác bảo vệ đêm. Cũng chỉ định nhờ nếu sách về thì bác gọi điện cho tôi. Nhưng bác bảo vệ cho biết điện thoại không để ngoài. Điện thoại đặt trong phòng văn thư khoá chặt. Về nhà. Rồi lại lên. Lại về. Chẳng thấy xe, chẳng thấy người, chẳng thấy sách.
Mãi chín rưỡi mới nhận được điện thoại của Kính: Anh sang ngay nhà em lấy sách. Vội sang nhà Kính chênh chếch bên kia đường. Và rồi một xe xích lô sách đã nằm kề bậc tam cấp ngôi nhà tôi ở. Chia tay Kính không kịp nói một lời cảm ơn, một cái bắt tay. Chỉ im lặng hùng hục vác những bao tải với tốc độ nhanh nhất.
Lại im lặng khuân sách lên thang. Không thể vác cả bao mà khuân từng dây sách. Những dây sách bọc kín vuông thành sắc cạnh như những hộp gỗ cứng. Rất muốn bóc một dây ra xem nhưng thôi hãy bê lên gác đã. Bê càng nhanh càng tốt. Bê như những món hàng lậu có thể bị làm khó dễ bất kỳ lúc nào. Cùng khuân với vợ chồng tôi còn có Hải Hà, thằng cháu mới học lớp một của tôi. Nặng cong người nhưng cháu chạy rất hăng. Chúng tôi để cháu bê những dây sách thơ Dại Yêu của Lam Luyến nhẹ hơn — Luyến gửi tập thơ mới in về Hải Phòng bán. Nhưng cháu đâu có chịu. Cứ một lần ôm một dâyDại Yêu mà cháu nói Dại Yêu này là một lần cháu ôm dây sách của ông cháu, miệng nói Chuyện Kể Năm 2000 này.
Tất cả đã xong. Hải Hà đã về nhà ngủ. Đóng chặt cửa, tôi và vợ tôi hồi hộp rỡ hai dây sách. Dây tập một 15 quyển. Dây tập hai 20 quyển. Bây giờ mới được nhìn mặt sách. Chúng tôi và sách gặp nhau. Lần đầu tiên chúng tôi và sách gặp nhau. Lần đầu tiên tôi trông thấy vóc dáng, hình khối, mặt mũi của nó. Tôi im lặng và sách cũng im lặng. Một im lặng bình đẳng tự tin của sách. Nó không còn là bản thảo để tôi chữa, tôi gạch, tôi thêm, tôi ngoằng lên móc xuống, nó không còn là từ tim óc tôi, từ thân thể tôi, tay tôi kéo dài ra nữa. Từ nay nó có một cuộc sống riêng, độc lập với tôi. Nó đã bước vào đời. Nó hiện diện trên cuộc đời này, nó sẽ có mặt ở nhiều nơi hơn tôi và chắc chắn sống lâu hơn tôi.
Tôi không nhớ có ngửi thấy mùi mực in hay không, nhưng rõ ràng có hương vị của nguyên sơ và hạnh phúc từ hai trăm tập sách. Người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là Nguyễn Công Nam, người đã chia xẻ sự mong đợi của tôi mấy hôm nay. Cú điện muộn làm anh hoảng. Nhưng anh đã reo lên trong máy. Chỉ một cú điện ấy thôi. Rồi úp máy. Sợ có sự cố gì chăng. Điện thoại lúc nào cũng bị nghe lén.
Ước nguyện của tôi đã thành sự thật. Cuối cùng sau bao năm tháng chờ đợi, cặm cụi lần giở đọc đi đọc lại chồng bản thảo viết bút bi, mơ ước đến lúc sách được in, được xuất bản để tự động viên mình, vượt qua bao mệt mỏi, kiên nhẫn bò từng chữ, ngẫm ngợi từng từ, từng ý, từng câu, vượt qua chính mình để có thể đưa được cuộc đời vào trang sách đến với mọi người.
Cầm bộ sách, tôi lật trang bìa một, trang bìa bốn. Tôi lật trang đầu, sau trang bìa lót. Trắng tinh. Ở trang này trong bản thảo của tôi là những dòng đề tặng:
Kính dâng cha mẹ giờ đây khuất núi
Tặng: vợ con
các anh chị
bè bạn
Tôi lấy bút ghi lại lời đề tặng của tôi với song thân tôi đã khuất vào một bộ. Bố tôi mất đã mười lăm năm. Mẹ tôi, mười năm. Mẹ mất hơn một tháng tôi bắt đầu viết văn trở lại để mấy tháng sau khởi công viết bộ sách này. Tôi đề tặng vợ tôi, người mà nếu không có nàng thì cũng chẳng có cuộc đời tôi như vốn có và cũng chẳng thể có bộ tiểu thuyết này.
Và đề tặng ông Hoàng Hữu Nhân, người mà tất cả những gì gia đình tôi, nghĩa là vợ chồng tôi, các con tôi có được đều gắn với sự giúp đỡ của ông,người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi ([1]), nhưng ông không còn nữa. Ân nhân của tôi. Ông mất đầu tháng 10 năm 1999. Tôi lên Hà Nội dự ngày truyền thống Đội Thanh Niên Xung Phong tiếp quản Thủ Đô thì nghe tin ông mất. Quá đột ngột. Lần gặp ông hai tháng trước tại nhà ông, ông còn khoẻ mạnh. Vũ Tín một chân thật, một chân giả đèo tôi trên chiếc Chaly đến gặp ông. Ông nghỉ họp chi bộ để tiếp chúng tôi. Ông vẫn rất linh lợi ở cái tuổi 79 khi ông ra đi — Cha tôi cũng mất ở tuổi 79. Ông kể về những kiến nghị ông gửi Bộ Chính Trị, gửi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, gửi tổng bí thư Lê Khả Phiêu đề nghị bỏ ngay “cái quyết định kỳ quái 19 điều cấm đảng viên mà anh Phạm Thế Duyệt ký…” Ông nói vụ — nổi lên của nông dân — Thái Bình là cái phúc của đảng. Nó báo động cho đảng tình trạng cường hào, mất dân chủ ở nông thôn… Ông nói cuộc đấu tranh tư tưởng trước thềm đại hội 9 còn căng hơn đại hội 6 rất nhiều. Chúng tôi hiểu rằng có bao nhiêu người như ông dù đã hưu trí nghỉ ngơi nhưng vẫn đầy tâm huyết với Dân, với Nước. Chính ông cũng đã có lần nhẩy lầu tự tử. Một cuộc khủng hoảng trong ông? Sức khoẻ ông suy sụp. Mắt ông mờ. Không đọc được. Nhưng ông vẫn nhận ra tôi. Và khi biết mức lương hưu của tôi quá thấp, ông vẫn viết một bức thư dài gửi chủ tịch thành phố đề nghị nâng lương cho tôi — tất nhiên đề nghị của ông không được giải quyết. Trong lần trò chuyện cuối cùng với ông, tôi rất vui mừng thấy mắt ông đã sáng trở lại, sức khoẻ ông phục hồi trở lại. Ông kể cho chúng tôi nghe thời gian ông làm bí thư tỉnh uỷ Nam Định, kết hôn với chị Hoàng Thị Chí vợ ông bây giờ là người công giáo, Hồ chủ tịch không những đồng ý còn bảo phải làm lễ ở nhà thờ, và ông theo đạo thì càng tốt. Thế là ông theo đạo. Tôi hỏi:
– Tên thánh của anh là gì?
– Tên thánh của mình là Phê-rô.
Tôi và Vũ Tín cùng thốt lên:
– Phê-rô Hoàng Hữu Nhân!
Cả ba chúng tôi cùng cười. Ông kể chuyện đám cưới của ông vừa ở trụ sở Uỷ Ban vừa ở nhà thờ có đông đủ các đồng chí lãnh đạo, các đoàn thể, cha cố và các con chiên… Chúng tôi như cùng sống lại thời tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, thời mà Dương Thụ đã nói một cách rất dễ hiểu làthời Việt Minh chứ chưa phải thời Việt Cộng. Cái thời cách mạng trứng nước, phải rất mềm dẻo để tập hợp thêm lực lượng. Cái thời đảng không thể thực hiện chuyên chính vô sản như bây giờ. Cái thời dân là vô cùng quan trọng, trí thức là vô cùng quan trọng… Cũng may còn được gặp ông cả buổi chiều hôm ấy. Chưa bao giờ chúng tôi chuyện với nhau lâu như thế. Và thành thật như thế. Tôi bảo ông:
– Nói thật với anh, nhân dân không quan tâm đến đại hội đảng của mấy ông bàn những gì đâu. Tôi ở cơ sở tôi biết. Họ đặt tên cho các ông làNguyễn Y Vân, vẫn y nguyên đấy. Những điều cấm đảng viên anh vừa nói có vi phạm hiến pháp không? Chính đảng đã cấm đảng viên không được thực hiện hiến pháp.
Và nhắc lại nhận xét của tôi về ông:
– Anh như con gà giữa đàn vịt. Đứng đâu cũng trơ ra.
Biết đám tang ông được theo dõi rất chặt chẽ và không muốn xuất hiện ở những nơi đông đúc, nơi có nhiều yếu nhân, tôi đến viếng ông tại nhà.
Chị Chí vẫn nhận ra tôi. Tôi thắp hương trước ảnh ông — lúc đó chưa lập bàn thờ — nói lời vĩnh biệt ông, khấn ông phù hộ cho bộ tiểu thuyết của tôi được xuất bản. Ngày ấy chưa ký hiệp định thương mại. Ngày ấy tôi vẫn còn chờ…
Cầm bộ Chuyện Kể Năm 2000, tôi nhớ lại tất cả và ghi lời đề tặng ông trên trang bìa trong: Kính tặng anh Hoàng Hữu Nhân, ân nhân của tôi. Kính tặng chị Hoàng Thị Chí và gia đình.
Sau đó là liên miên đề tặng. Trước tiên là những người bạn quen ở Hà Nội để nhờ Đỗ Quang Hạnh cầm lên sớm mai — Thật may có Đỗ Quang Hạnh từ Hà Nội về. Anh mang cho tôi quyển Đêm Tháng Mười, tập truyện ngắn của tôi in năm 1962 có chữ tôi ký tặng nhà văn Đỗ Quang Tiến, thân phụ anh, người bạn vong niên đã mất của tôi. Và những bạn ở Hải Phòng. Rồi không ghi nữa. Nhìn sách. Nhìn nhau và ôm lấy nhau. Rồi tắt đèn đi nằm vì không bao giờ được để chung quanh biết nhà mình có việc thức khuya. Suốt ngày với công việc nội trợ, chỉ lát sau vợ tôi đã ngủ. Tôi nắm nhẹ tay vợ, thì thầm trong óc: Anh đã làm được một việc phải làm trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nhớ lại thời gian chúng tôi sống cùng nhau trước khi bị bắt. Mười năm đầu tiên chung sống thật hạnh phúc và cũng thật ngắn ngủi, chỉ là một cái hôn dài giữa chúng tôi. Tôi nhớ lại những ngày đêm, tháng, năm tăm tối ghê rợn trong tù như mới vừa trải qua, còn bỏng dẫy sau lưng. Tôi như nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé của vợ lang thang các chợ dọc đường dạm bán chiếc bút Trường Sơn được cơ quan phân phối và mấy bành thuốc lào bố mẹ cho để thêm tiền đi tiếp tế cho tôi.
Tôi ước ao cha mẹ còn sống để đỡ buồn về thằng con út là tôi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình là một đứa con bất hiếu. Tôi nhìn thấy cha tôi ngồi trên phản khi tôi còn bé tí. Tôi ngồi trong lòng cha. Trời mưa. Mưa chéo. Gió thổi rạp ngọn tre. Lá tre lá bòng bay trên sân ướt đẫm nước. Sấm chớp ầm ầm. Cha tôi nắm hai bàn tay tôi vái vái và tôi nói theo cha: Cháu lạy ông Giời, ông đừng sấm ù nữa. Lớn hơn tí nữa, là giọng ngâm thơ của cha tôi: Bác Dương thôi đã thôi rồi / Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta. Và những câu đối khiến tôi cứ nghĩ mãi về những người đầu óc tuyệt vời chỉ trong giây lát đã sắp xếp những lời nói bình thường bên nhau hay đến thế: Bạch tửu hồng nhân diện / Hoàng kim hắc thế tâm. Hay Nghển cổ cò trông bảng không tên trời đất hỡi văn chương xuống biển / Lủi đầu cuốc về nhà gọi vợ mẹ đĩ ơi tiền bạc lên giời. Còn Gió dựa tường ngang lưng gió phẳng / Trăng nhòm cửa sổ mắt trăng vuông làm tôi kinh ngạc về con mắt nhìn gió nhìn trăng của các cụ ngày xưa. Hay vế câu đối Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi bên cửa sổ song song cứ vương vấn mãi trong đầu óc non nớt của tôi, nó khiến tôi lờ mờ cảm được vẻ đẹp và sự uyển chuyển của ngôn ngữ từ những ngày xa xưa ấy.
Tôi nghĩ đến những ngày trong tù ăn cơm với muối vì rau muống chưa được hái vỡ còn su hào đã hết từ lâu mà nhớ đến cha. Cha tôi gọi rau muống làcố tri thảo, thứ bạn cố tri của người, rất ít khi vắng mặt. Thế mà bạn cố tri ấy cũng bỏ chúng tôi. Cha tôi gọi thịt bò là quân tử vị, chỉ ngày tết chúng tôi mới được trại cho ăn quân tử vị dù nó là thịt trâu già ốm. Ăn mà nhớ đến giọng nói của cha khi mẹ lên tận chợ Thanh Lãng mua thịt bò về nấu rau cần: Bữa nay lại có quân tử vị. Rồi những lời dạy của cha tôi mà tôi đã đưa vào tiểu thuyết: Trung ngôn nghịch nhĩ. Hoạ tự khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Cả những câu thông thường, những kinh nghiệm cuộc sống hằng ngày: Đăng cao viễn chiếu, Thủy bất cận thư…
Nếu bố mẹ còn sống đến hôm nay… Đã có lần lâu lắm rồi, khi tôi còn trong tuổi hai mươi, từ Câu Tử đạp xe sang Hải Phòng thăm tôi, qua phà Bính, nhìn thấy một người đang cầm tập sách của tôi đứng trên phà, cha đã kiêu hãnh, niềm kiêu hãnh thầm lặng về tôi…
Tôi quặn lòng nghĩ đến mẹ, khi đưa tiễn cha trở về nhà, áo xô khăn xô côi cút, sang nhà anh Châu tìm mẹ — mẹ đã được đưa sang đấy khi tổ chức tang lễ bố — thấy mẹ ngồi một mình trên giường, tay ôm mấy chiếc quần áo nâu cũ sờn bạc thấm mồ hôi của bố. Thằng cháu Thái, con anh Thành tôi nắm tay bà, an ủi bà:
– Đám ông to lắm bà ạ. Cả huyện đến đưa ông.
Hai giọt nước mắt lăn trên má mẹ.
Và tiếng mẹ nhẹ như tiếng gió:
– Đám to mà làm gì. Người có còn đâu…
Tôi nghĩ đến bờ tre nhà tôi khi tôi còn bé và đau đớn vì mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mảnh đất của tuổi thơ thần tiên ấy đã thuộc về những người xa lạ khi cải cách ruộng đất và khao khát đến buốt lòng một lần được tha thẩn trên mảnh đất như là xương máu đó. Đứa bé con quanh quẩn trên mảnh đất, trong bờ tre ấy đã lớn lên, đã đi ngang dọc đất nước mà nó yêu say đắm, đã chịu mọi đắng cay và trở thành nhà văn đang thao thức đêm nay với tác phẩm của đời mình… Gần như suốt đêm không ngủ và khi thấy trời rạng dần, tôi trở dậy lấy túi ra đóng gói, mang sách đến khách sạn Hữu Nghị trao cho Đỗ Quang Hạnh đang chuẩn bị ra tầu. Có vẻ như đã có một dư luận về tập tiểu thuyết của tôi, hứa hẹn một “thành công đặc biệt” như Hứa Văn Định dự đoán khi anh còn sống.
Nhận sách của tôi từ tay Đỗ Quang Hạnh mang về Hà Nội, Thụy Kha đọc xong trước giao thừa và viết ngay một bài thơ tặng tôi, một bài thơ khai bút viết liền một hơi:
tôi ăn một cái tết Bùi Ngọc Tấn
sột sệt những miếng đời ngây trong
sột sệt những miếng tù lờm lợm

thật kinh sợ một thứ tù không án
không án xà lim không án ngoài đời
thật phi thường chịu đựng

phi thường những con người ác hơn cái ác
nhẫn nhục tồn tại phi thường những con người
những con chữ anh như xương hóc

không tồn tại làm sao nói được với hôm nay
về một thời không án
con người cầm giữ nhau trong ảo tưởng vòng vây

không tồn tại làm sao biết mình đã sống như chết
và từ cái chết hồi sinh
làm sao biết cõi nhân gian bé thế
làm sao tin không có gì giết chết niềm tin
những con chữ anh từ quá vãng bùn lầy nở cùng
hoa ngày tết
đỗ quyên hồng đào hồng dơn hồng
bỗng dơn trắng như không…
Khai bút năm Canh Thìn
Viết tặng anh Tấn
NGUYỄN THỤY KHA
Và sau đó là thư Lại Nguyên Ân:
Hà Nội ngày 17 tháng 2 năm 2000
Anh Tấn quý mến,
Rất cám ơn vì được anh cho sách, mà lại là cuốn gan ruột của anh. Đang đọc, rất thích, vội ghi vài dòng chia vui với anh về sự lọt-lòng-chào-đời tác phẩm rất thích này. Cầu mong tình thế chung khá hơn để cái đời chính thống cũng biết chấp nhận cuốn sách này.
Xin lỗi anh vì viết ngắn cho anh.
Mừng quá, mừng lắm. Và thích lắm, dù mới chỉ đọc một đêm xong quyển 1. Chúc anh chị và các cháu sức khoẻ, hạnh phúc.
Tiếc là không được gặp anh, chắc anh vui lắm. Niềm vui rất lớn, không phải chỉ của anh mà còn của chung nhiều anh em cùng chí hướng, tâm huyết với văn hoá dân chủ nước nhà.
Tin là anh sẽ đứng vững nếu sau buổi chào đời, cuốn sách có thể gặp nhiều sóng gió. Một lần nữa cảm ơn Anh. Cảm ơn Chị. Có lẽ nhờ có Chị mà mọi điều “vô ngôn” đã thành lời, qua ngòi bút anh đến với mọi người.
Cảm ơn Anh, cảm ơn Chị, và cả các cháu con anh chị nữa. Mong cả nhà vui trọn vẹn niềm vui này.
Thân kính
LẠI NGUYÊN ÂN.


Lại Nguyên Ân. Một người tôi vẫn nghe tên và quý mến. Trong những lần đến nhà xuất bản Hội Nhà Văn nơi anh làm việc, gặp anh, chào anh nhưng chưa một lần trò chuyện. Nhưng tôi biết anh là người tâm huyết, thiết tha với từng bước nhích lên của nền văn học nước nhà, là một nhà nghiên cứu phê bình văn học rất có trách nhiệm với công việc của mình. Bức thư anh dù rất ngắn, viết rất tức thời, chỉ là ghi vội cảm xúc khi mới đọc xong một nửa tập sách, vẫn cứ trào lên niềm vui kìm nén, niềm vui rất lớn, không phải chỉ của anh, mà còn của chung nhiều anh em cùng chí hướng, tâm huyết với nền văn hoá dân chủ nước nhà. Anh hiểu đằng sau tập sách không chỉ là tôi mà còn cả vợ tôi. Có lẽ nhờ chị mà mọi điều “vô ngôn” đã thành lời, qua ngòi bút anh đã đến với mọi người. Có biết bao điều vô ngôn. Những điều vô ngôn trùm lên tất cả, len vào từng tế bào thần kinh nhức nhối khiến ai cũng thấy cần phải nói ra nhưng chưa được nói ra. Anh không chỉ cảm ơn tôi, vợ tôi mà cảm ơn các con tôi nữa. Anh hiểu đằng sau những con chữ của tôi là máu là nước mắt của vợ con tôi.
Mong cả nhà vui trọn vẹn niềm vui này.
Đúng là chúng tôi đã có mấy ngày vui trọn vẹn. Lại Nguyên Ân đã lường trước những khó khăn sóng gió và cầu mong tình thế chung khá hơn để cáiđời chính thống cũng biết chấp nhận cuốn sách này.
Cái đời chính thống là thế nào chúng tôi đều biết.
Lại Nguyên Ân biết. Tôi biết. Ai cũng biết cái “tình thế chung” “cái cuộc đời chính thống.” Nên lo. Lo nhưng vẫn hy vọng. Cố hy vọng. Gạt mọi lo lắng đi mà hy vọng. Nghĩ đến những vận động, những bước đi lên của cuộc sống mà hy vọng. Vui được ngày nào cứ vui. Cái gì đến sẽ đến. Lo nghĩ trước mà làm gì. Cho đến bây giờ đã có một niềm vui không ai tước đi được của tôi: Niềm vui được chia xẻ. Niềm vui sức lao động của mình, suy nghĩ của mình, tư tưởng của mình đến với mọi người.
Dương Tường đã đọc một lần khi nó còn là bản thảo. Giờ đây, đọc lại một lượt cả hai tập, anh ôm tôi hôn và nói:
– Ông đã hoàn thành nhiệm vụ trước bản thân, trước vợ con, bố mẹ gia đình, trước văn học, trước các bạn tù, trước bạn đọc, trước dân tộc rồi.
Hoàng Hưng từ thành phố Hồ Chí Minh gọi điện ra. Chỉ nghe giọng nói cũng đủ biết anh mừng như thế nào:
– Đọc rồi. Một mạch. Chúc mừng. Nhiều chỗ khóc. Đến dòng cuối cùng bút lực vẫn như dòng đầu tiên. Solzhenitsyn xách dép([2])
Ngay sau đó là giọng chị Mười, vợ Hoàng Hưng cũng vui không kém:
– Em một tập nằm trên đi văng. Anh Hưng một tập nằm dưới sàn. Đứa này thấy đứa kia cười rinh rích lại ngừng đọc, hỏi cái gì mà cười thế. Thế là lại đọc lại cả đoạn để cùng nghe. Chốc lại một đứa cười, lại bảo nhau đọc lên nghe cùng.
Hoàng Hưng đã qua ba năm tù không án hẳn là thông cảm với tôi. Anh đọc tập sách với kinh nghiệm của một người đã nằm xà lim, đã đi tập trung cải tạo, gí cái bọp như ngôn ngữ của chúng tôi. Qua điện thoại xa hàng nghìn ki-lô-mét, tiếng Hoàng Hưng đầy phấn hứng:
– Đọc sách của anh, nhiều người bảo tôi: Viết tiểu thuyết đi ông Hưng ơi. Tôi bảo chịu thôi. Mình quen với kiểu suy nghĩ của một người làm thơ, không tích cóp được nhiều chi tiết như ông Tấn viết văn xuôi. Chỉ mơ mơ màng màng thôi. Làm mấy câu thơ vớ vẩn thì được. Viết tiểu thuyết thì chịu.
Sao lại mấy câu thơ vớ vẩn. Tôi thầm cãi lại Hưng. Có khi một câu thơ của Hưng đánh đổ hàng chục trang tiểu thuyết của mình. Mình đã cố diễn đạt cảm giác sau năm năm tù trở về xã hội. Lạc hậu. Lạc lõng. Xa lạ với tất cả. Lớp trẻ đã lớn lên. Mà lớp trẻ con xuất hiện sau này khi mình đi tù về không chơi những trò chơi của lớp trước nữa, chúng chơi những trò chơi khác, nói những câu cửa miệng khác. Khi mình đi tù chưa có cái quần bò, áo bò, thứ quần áo Nguyên Bình giảng cho mình là phải đem mài cho nó sờn rồi mặc. Khi mình đi tù chưa có từ “trấn lột.” Bây giờ đâu đâu cũng nói “trấn lột.” Những bài hát phổ biến đã thay đổi. Những câu hát xuyên tạc của trẻ con cũng đã khác. Mình thấy rất lạc lõng. Chỉ mấy chữ của Hưng thôi nói được tất cả điều mình nghĩ: Tù về lạc thế kỷ.
B.N.T.
  ([1]) Tên một bài thơ của Chế Lan Viên.
(2) Tôi đã thay chữ xách dép bằng chữ giả về tiền trong lần nháp đầu tiên. Nhưng rồi thấy tốt nhất nên ghi lại đúng như Hoàng Hưng gọi điện. Nó phản ánh sự vui mừng bồng bột lúc ban đầu của anh. Với Quần Đảo Goulag, một tập sách tổng hợp về tình trạng phản dân chủ, về các trại tập trung, các nhà tù Xô Viết, Solzhenitsyn sừng sững trước mặt tôi như biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của một nhà văn với nhân dân, với con người, với cuộc sống.
(Xem tiếp kỳ sau)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGỘ SỊ PÁO CHÙ

 
                                                       ( TAO SẼ BÁO THÙ )
  Truyệnngắncủa NguyễnTrí                                                                      

    
       Tiến là bạn của Danh, thân lắm. Nói về gia cảnh nhà Tiến thì ai cũng cám. Cha chết, mẹ lấy chồng khác. Anh chồng nầy không dám ở với anh em nhà Tiến. Ba thằng, mặt mũi bặm trợn, lầm lầm lì lì. Thằng Thanh, anh lớn tham gia trộm cáp điện bị kêu năm năm tù giam. Thằng kế tên Tú lấy vợ được hai đứa con, thằng nầy lười có tiếng, con vợ đi làm công ty lẹo tẹo với tổ trưởng sao đó bị bể ổ. Tú chưa rõ đầu cua tai nheo gì liền xáng bạt tai và đuổi con lăng loàn đi. Con vợ chắc cũng bị thằng kia ngọt nhạt nên bỏ chồng con cuốn gói theo. Ai ngờ thằng tổ trưởng họ Sở, nó quất ngựa dông mất. Con nhỏ ôm gói về má ruột. Ở nhà hai đứa con nhớ mẹ khóc như ri, đổ bịnh cùng một lúc, bà ngoại nghe vậy liền lên bệnh viện thăm cháu. Má vợ rủ rỉ rù rì sao đó Tú đồng ý cho vợ về lại, xem như gương vỡ lại lành, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

      Trở lại chuyện Tiến bị tù. Là vầy… Ông Cưng là cha của Danh. Cha nội nầy trên dưới sáu mươi rồi nhưng hư hao lắm. Tục truyền rằng, thuở trẻ Ba Cưng lẫy lừng lên tuổi khoản quậy quọ và rượu trà gái gú. Hôm đó gã bị bắt về tội nhậu xong phá quán. Ngay trụ sở Ủy ban mới tiếp thu từ chính quyền triều cũ có một cái Conex. Cái hộp sắt nầy trước đó quý ông cảnh sát dùng để nhốt du côn và trốn lính. Ba Cưng bị nhốt vô hộp chung với một mớ hàng buôn lậu bị tịch thu. Nào rượu, nào thuốc lá cùng các thứ linh tinh. Nói chung là các món nhậu đủ mặt. Cưng bị tống vô lúc năm giờ chiều. Sáng hôm sau người nhà lên thăm, du kích đập Cưng dậy nhưng say quá Cưng không mở mắt nổi, đến lúc tỉnh thì can rượu năm lít bị tịch thu vơi hết một phần ba. Tội đè tội, Cưng bị phạt hành chánh kha khá tiền. Nhưng tao đâu có tiền – Cưng kể vậy.
       - Rồi làm sao qua?
       - Con bồ tao nó cho tiền nộp phạt.
       - Ông cũng có số được đàn bà nuôi há?
        - Khà khà… tao đẹp trai mà mậy. Nhưng mà tao không nộp.
       Sau đó Ba Cưng bị lôi cổ đi lao động công ích hết mười ngày vì tội ngoan cố. Cưng kể:
         - Con bồ cho tao mười đồng, tao dấu vô lai áo hai đồng. Lên xã tao xin bớt hai đóng tám nhưng xã buộc phải đúng mười. Về, tao vô quán nhậu uống beng hết tiền trong lai áo. Hôm sau tao lên xin đóng sáu đồng… Năm bữa sạch bách… vậy là ôm gói đi công ích.
     Đó là thành tích bốn chục năm trước, chả hay ho chi nhưng Cưng kể hoài ra vẻ đây chả sợ ai. Vụ thằng Tú cho con vợ về, chả biết nghĩ sao Cưng xách một chai ba xị ghé Tú lai rai đỡ buồn. Tú không nhà nên Tiến tiếp khách. Thoạt tiên Tiến dạ dạ vâng vâng lễ phép lắm. Nói chung là ba của bạn thân ta phải lịch, hơn nữa khách mang rượu mang mồi đến ta phải kính chớ. Kẹt cái rượu vào nó mau huề đồng lắm. Anh anh tôi tôi rồi mày tao liền một khi. Già Cưng ra cái cha chú bày đặt khuyên răn nầy nọ, Tiến điên lắm nhưng nhịn, đến lúc Cưng lôi chuyện cu Tú bị cặm sừng ra bàn. Cưng nói vầy:
          - Cái dòng họ nhà mày ăn cái quần một ống hay sao mà ngu vậy. Thằng cha mày trên bàn thờ che sao cho hết cái nhục cắm sừng? Anh em mày bao nhiêu cái ngu dành hết không chừa cho ai chút nào.
     Cái nầy chẳng qua có rượu Cưng nói bậy và Tiến không bị ma men hành thì đâu nên nổi. Điên quá Tiến xách cái chai phang vô trán Ba Cưng một phát. Người ta xách mé nhà mình vậy mà nhịn là phật chớ đâu phải người. Tuy nhiên, đánh người gây thương tích đến chuyển viện thì anh cũng bị chuyển lên tuyến… huyện. Vô nhà đá ngon lành hơn nhà lá nhiều. Tuy thương tích của Cưng chỉ mười mũi khâu, nhưng Tiến bị án là do tiền sự hơi nhiều. Tiến bị kêu đúng một cuốn lịch và bồi thường cho Ba Cưng hết một mớ cơm thuốc nhưng Tiến có chi ngoài cái tút đạn. Toà xử xong Ba Cưng nói với Tú:
       - Mày phải lo đền cơm thuốc cho tao à
     Tú văng đủ thứ không đáng văng chỗ toà án:
       - Có cái củ thìu biu. Ông chờ nó trả cho, mắc mớ chi đến tui.
     Danh can thiệp:
       - Thôi bỏ đi ba ơi, chuyện nhỏ mà.
       - Nhỏ cái bà nội mẹ mày. Tao bị bạn mày đánh cho mẻ trán mà mày còn theo phe nó hả mậy?
       - Ai biểu ba nhậu với con nít làm chi?
       - Câm họng lại. Mầy là thằng khốn nạn…
    Ba Cưng hăm he tao làm đơn xin thi hành án thử coi trả không cho biết. Tú rằng ê già dịch ông làm như thằng Tiến vị thành niên mà gia đình phải chịu dân sự cho nó. Nó hai mốt rồi chờ đến tết cônggô đi há, có về thằng Tiến cũng không trả đâu. Nó cho ông thêm cái chai nữa thì có.
     Nói vậy chớ ngày tháng vùn vụt trôi. Nháng cái, Tiến về. Về nhưng Ba Cưng bỏ qua chuyện đền bồi. Không phải sợ chi ai, đơn giãn là nhà Cưng đã đánh sập được cái nghèo. Hên quá, toàn bộ đất đai nhà ở nằm trong giải toả trắng làm cao tốc. Cưng được đền bù hơn tỉ bạc, được cấp một lô tái định cư. Cưng cất cái nhà bề thế hết ba trăm mét vuông đất, có cổng có rào. Vợ Cưng xưa nay buôn bán rau củ quả. Nay có vốn liền ra luôn cái đại lý bỏ mối cho các nơi. Nghiệp nầy phải có cái xe mới mau lên. Vậy là Danh ta ôm vô lăng  lên chủ cái xe tải năm tấn.
     Ăn nên làm ra nên Ba Cưng quên mất triệu bạc đền bồi toà phán. Tiền tỷ trong tay thì ba cái lẻ tẻ sá gì. Chỉ có một cái mà nếu quên luôn được thì hay quá, nghiệt ngã thay cái nầy càng có tiền càng lâm luỵ. Đó là con ma tên Men, Cưng chuyển tông từ rượu đế sang bia. Cái tủ đá lúc nào cũng chục lon ken ướp lạnh, hể lon nầy bật nắp thì lon kia thế chân. Kệ đi, làm ra không xài thì chết có mang theo được đâu. Có tiền nên Cưng ra vẻ lắm, sáng sáng mang giày đi bộ vòng quanh khu dân cư, hai con chó cảnh cũng lủn củn chạy theo chủ. Đời vậy là đẹp hết thế.
      Dãy dân cư nơi nhà Cưng ngự trị áng chừng năm mươi lô thổ, nhưng mới mười căn lộ diện với đời nên hơi thưa thớt. Có một căn sống bằng tạp phẩm. Chủ nhân của nó không phải dân bị giải toả mà là dân có tiền, thấy khu dân cư đẹp nên hắn mua ở cho vui. Tay nầy cũng bảnh. Sáng nào cũng thể thao. Lâu lâu còn na thêm máy ảnh. Ba Cưng ghét tay tạp phẩm nầy lắm, hắn không biết sống. Tha phương gặp người cố cựu mà không  chào.  Gặp nhau trên đường gã tho lỏ mắt, mặt lạnh tanh. Cưng nói với vợ:
 - Nhìn cái mặt thằng đó muốn xịt chó cắn.
 - Ông đừng có nhiều chuyện quá ông Cưng à. Thằng Tiến nó nện cho cái chai ông chưa hoảng sao?
  Tưởng vậy là thôi. Ngờ đâu chuyện xẩy ra nó kỳ cục một cái hết biết luôn. Sáng đó Cưng dẫn chó đi dạo. Trên đường, dân xe đạp, chạy bộ xôm tụ lắm. Ưng lên một con cún của Cưng lao theo một xe đạp, cái dòng chó cảnh bố láo táp vô gã xe đạp một phát. Gã xe đạp bị dính đòn liền dừng xe, đúng lúc tạp phẩm đi bộ cũng vừa tới. Ba Cưng biết chó mình cắn người, lý ra đứng lại giải quyết sự cố nhưng đi luôn. Xe đạp hỏi nên tạp phẩm trả lời rằng con chó của cha nội đang đi đó. Xe đạp liền gọi:
- Ê… ông già…. Con chó của ông cắn tui nè…. Đứng lại nói chuyện cái coi.
Ba Cưng quay lại. Lý ra cũng nên xoa dịu kẻ bị chó táp đôi câu ngòn ngọt lấy lòng, ở khu dân cư, nói chung, ai cũng kha khá, đâu ai buộc anh đền bồi chi, đằng này Cưng ta gọn lỏn:
- Không sao, chó tui không dại đâu mà sợ.
 Kiểu nói của Cưng thằng khùng còn bực nói chi tỉnh. Xe đạp gằn giọng:
- Ai biết dại hay không ông?
- Thì ông cứ chích ngừa, bao nhiêu tiền tui lo cho.
       - Ai cần đồng bạc của ông… cà chớn tui đập con chó chết à.
       - Mày ngon đập tao coi.
     Điên gan xe đạp chạy theo con chó, nhưng con quỷ con nầy nhanh như sóc. Thấy vậy tạp phẩm liền lên tiếng:
       - Chó anh cắn người anh nên xin lỗi một tiếng…
    Cưng cướp lời:
       - Mắc mớ gì tới mày? Đồ nhiều chuyện…
      Đến đây thì tạp phẩm rút êm. Mặc kệ đôi bên muốn sao đó thì muốn. Chuyện tưởng qua ai ngờ nó chuyển hướng theo một kiểu xấu xí nhất trần đời.
    Đêm ấy, đang mơ màng trong giấc, bổng nhiên cả nhà Cưng đồng loạt thức giấc vì có mùi lạ mà quen. Quen nhưng chả ai dám vơ vào nhận họ. Cái mùi thối um của chất thải loại một, nhà cửa kiếng kín bưng mà nó len vô đến khứu giác từng thành viên thì tưởng tượng nó gớm ghê đến cỡ nào? Vùng dậy. Điện được bật từ trong ra ngoài. Mẹ cha ơi, thằng khốn kiếp nào phang vô ngay cổng rào một chai thuỷ tinh, dấu tích còn vương lại là miểng văng tứ tán. Có thể hiểu là ôn dịch đã cho một chai đầy phân người và nước tiểu tục goi bom bẩn thân ái tặng nhà Ba Cưng. Chuyến nầy chết chắc.
     Sân nhà Ba Cưng đầy rau củ quả mà chiều trước đó vừa mới đưa từ Đà lạt về nguyên một tải năm tấn. Nào su hào, súp lơ, cà rốt, khoai tây, cà chua, bắp cải… có cả hoa nữa mới chết. Mùi ăm mô ni ắc vương khắp nơi, đâu cũng nghe. Sự cố được cả nhà Ba Cưng giải quyết bằng cách chửi đổng. Có bao nhiêu từ bụi đời tục tỉu không có trong từ điển được lôi ra mà phang cho nhau nghe. Hàng xóm tuy xa, nhưng nhờ khuya vắng nên lộng theo không khí mà tới. Được một lát dân thể dục chạy ngang, vậy là mớ hàng lê ghim nhà Cưng có nước đổ xuống sông, có cho cũng không ai thèm cái đồ dính “kít”. Kẹt cái xứ này không có sông. Mang đi đâu mà đổ hả trời cao?
***
      Cả nhà xúm vô đổ tội lên đầu Ba Cưng. Mấy chục triệu bạc đem quăng thử hỏi ai không tức? Thời buổi kiếm ra đồng bạc chua như chanh… Trời ơi tức quá:
        - Cũng tại ông – bà xã lớn tiếng – bày đặt dục với thao, đêm nào cũng rượu bia thì thao dục làm  gì… Bữa nay đừng hòng có ken với tai gơ cho ông nghe… tai tai tai vô cái mặt ông.
 
Cái nầy phải thông cảm cho bà Cưng. Dân chợ búa tất nhiên điên lên trời còn chửi nói chi chồng. Đằng nầy chồng hư quá mà. Chó cắn người ta mà còn nói giọng giàu, nó quăng cứt vô nhà là phải quá. Bầy con cũng bực bội, nhứt là thằng Danh:
   - Ba sao mà đủ chuyện hết ba ơi. Ông bỏ nhậu cho tui nhờ được không?
    Bà xã còn nhịn chứ con cái mà mè nheo là đâu có cửa với cha. Cưng chửi inh sình trời đất. Chửi lây cả mấy thằng khốn dám chơi ông? Bà mẹ nó thằng nào, thù nầy ông quyết trả? Ai? Thằng bị chó cắn ư? Cũng có thể… nhưng mà… không phải nó đâu. Hôm qua mình đã xin nó cho qua rồi mà. Hay là anh em thằng Tiến Ròm, Thanh Bụi mời tù về? Dám lắm. Dám thằng Tiến trả thù vụ mười hai tháng tù lắm à. Nhưng mà hôm kia thằng Tiến, thằng Thanh với thằng Danh nhậu ngoài quán cầy tơ đây mà. Bạn bè ai chơi dơ vậy? Đúng không? Không phải hai thằng nầy vậy thì ai vô? Ai? Và trong đầu Ba Cưng xuất hiện thằng tạp phẩm lắm mồm nhiều chuyện. Đúng rồi. Hôm qua mình có mắng vô mặt nó. Nó ghét nên chơi trò bẩn. Nó chứ không ai vô… Được rồi… tao sẽ trả thù. Ba Cưng hét lớn bằng tiếng tàu Ngộ Sị Páo Chù… Đang rối bầy con và bà xã tưởng Ba Cưng nổi cơn khùng  nên im thít.
      Được rồi - bên lon ken ướp lạnh - Cưng trầm tư tính kế. Mày chơi tao sao tao chơi lại vậy cho mày biết lễ độ. Oán lên tận đỉnh và dồn dập bởi cái mùi khốn kiếp nó không chịu hoai. Dù đã bơm, đã xịt cả ty tỷ tấn nước cũng chịu sầu. Vậy rồi làm sao mà ăn uống hả thằng khốn? Mày ác vừa thôi… chơi như vầy thì đừng trách tao nghe… Hãy đợi đấy. Tao sẽ cho mày nếm cái chính mày cho tao xơi.
          Kể cũng khá là công phu khi chế tạo bom bẩn. Khu dân cư đời mới kiếm ra cái chất thải loại một ở bụi bờ là không có à. Thiệt đó, Cưng đi cả buổi mà đành phải về và tự mình cho mình cái mình cần. Nói gọn cho nhanh là cho vô tô cả nước lẫn cái, quậy cho đều rồi trút vô chai. Phải gan. Phải can đảm. Phải chó lắm mới mới cho ra một chai ba xị đầy. Và một ngày đâu có đủ, phải hai ngày cơ bạn ạ. Đầy rồi, đủ rồi mới tính đến phương án là quăng bom vào lúc nào. Một hai hay ba giờ sáng. Ba Cưng là dân nhậu, ngủ ít lắm nên biết giờ nào thiên hạ chết trong mơ. Hai giờ, vâng, lúc nầy là lúc giấc say nhất… Nhưng mà khu dân cư điện đường sáng suốt đêm… cha… Cũng hơi ớn à. Đang quăng mà nó bật cửa nhào ra bắt tại trận thì… thì sao hỡi trời?
Ba Cưng lọ mọ thăm dò. Từ nhà Cưng đến tạp phẩm chừng năm trăm mét. Lần thứ nhất tất cả đều yên ắng. Lần thứ hai cũng yên ắng luôn. Lần cuối, thu hết can đảm Cưng xách trái bom vung tay ném mạnh vào cánh cửa sắt rồi quay đầu bỏ chạy. Hồi hộp vì sợ và chạy nước rút nên đến nhà là Cưng hào hển thở. Vừa thở vừa cười, chết mẹ mày nghe thằng khốn, chuyến nầy mày chung với ông một xuồng đi con. Chơi ông thì ông chơi lại. Cưng thú vị khùng khục cười không hay bà xã đang nhìn:
- Ông đi đâu mà sớm vậy.
- Mệt bà quá… thể dục chớ đâu.
- Ông có điên không mà thể dục vào giờ nầy?
      Nhưng bà Cưng hết thắc mắc ngay tức khắc vì ồn ào từ nhà tạp phẩm. Bà xã tạp phẩm đang chu chéo lên và tất nhiên là chả ai ngủ nghê gì được. Vợ chồng Ba Cưng cũng lên coi thử chuyện gì vậy kìa? Lại bom bẩn, thiệt là khốn nạn. Bà Cưng nói:
- Thằng nào ác vầy trời không tru đất cũng diệt nó thôi.
Bà con cô bác cũng kẻ đôi câu người nửa chuyện góp vô mà nguyền rủa thằng ác độc, cả Ba Cưng cũng  góp luôn:
- Mẹ nó… mới nhà tui bây giờ là nhà nầy… thằng nầy tui mà bắt được tui chặt tay.
Tạp phẩm nói với vợ:
- Em yên tâm, qua bên chị Hai đỡ vài hôm để anh lo xong rồi em về.
- Làm sao mà dọn cho sạch đây anh? Bao nhiêu hàng hoá là xem như xong rồi. Đổ bỏ chứ bán buôn chi được nữa hả anh?
- Anh đã nói là yên tâm. Thằng ném trái bom nầy phải đến dọn cho mình, nó phải dọn sạch, làm cho thơm anh mới chịu, bằng không nó chết chuyến nầy.
Nghe lạ. Một khách quan hỏi:
- Bộ anh biết thằng quăng bom hả nhiếp ảnh gia?
- Lúc hai giờ là tui đang ở bên khóm hoa Quỳnh chờ nở để chốp pô ảnh. Thấy thằng khốn đi qua, tôi nghi nên ém mình xem thử nó làm gì. Nó thăm dò hai lần, đến lần thứ ba thì quăng bom. Tôi chộp được ảnh nó rồi. Nó mà không giải quyết là nó chết.
Ba Cưng nghe qua mà lạnh toàn thân.
***
Chao là gian nan, là khốn đốn cho cả nhà Ba Cưng. Nói chi cho hết đoạn trường hỡi trần gian ơi? Nhục nhã hả? Muốn nhục anh cứ tha hồ nhục. Nhưng phải đền bù thiệt hại cho tạp phẩm quán. Chả có cái món gì mà rửa xong mà không còn mùi. Cái mùi mầy nó ám vô óc chớ đâu phải thường mà gió thổi bay. Cứ thế ghi vô sổ mà quy ra tiền. Rồi lau chùi cho sạch… Bà nội mẹ nó cả thiên hạ. Chúng cứ bu vô mà chỉ trỏ mà bàn tán mà hỉ hả cười.
Và Ba Cưng đúng là một ông chồng một người cha vô trách nhiệm, một thằng hèn không hơn không kém. Thứ gì bày ra rồi phủi tay. Cưng giao vụ dọn dẹp và đền bồi cho vợ con, hắn ở nhà lặn sâu trong buồng, cửa kín mít và điện đóm tắt ráo. Bà Cưng phần nhà mình chưa yên thêm nhà người vây hãm, ngày cật lực lau chùi, cái mùi ám ảnh suốt cả đêm. Có ai bình tĩnh được không? Ai dám nói có tui nè cho người đó triệu bạc xài chơi liền. Bà Cưng hết khóc là quay qua chửi. Ba Cưng nín khe. Âm thầm trong bóng tối Cưng  nốc rượu. Thiên hạ chê cười nhục thì chớ, con cái có coi ra chi đâu. Không nhục Cưng đâu có náu mình trong bóng tối. Nhục và đau đớn nữa.
Nhưng mà ai? Thằng nào đã thả bom bẩn vô nhà tao? Thằng tạp phẩm, thàng chó cắn hay anh em thằng Tiến? Thằng nào, ra mặt đi. Dám nhận là tao chơi thằng đó tàn đời liền. Có rượu vô Ba Cưng cứ lẩm bẩm một mình. Bà xã và con cái thôi thì kệ ổng đi bây ơi.
Tất nhiên là cái gì cũng qua. Mùi chi cũng phải bay hết. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Có một kẻ không thường được, đó là Ba Cưng. Cưng cứ ngồi bên cái bàn đá và chai ba xi đế mà nhảm. Cứ nhảm miệt mài, lâu lâu vỗ bàn hét lên bằng tiếng tàu rằng Ngộ Sị Páo Chù.
Lũ con nít đi ngang nghe la hỏi:
- Ê… ổng la gì vậy ta?
- Tao đách biết, để tao hỏi anh Thanh Bụi coi.
Thanh Bụi cười mà rằng:
- Ngộ sị páo chù là tao sẽ trả thù… thù cái cù loi tao. Khùng mà thù với oán.
             NT
Phần nhận xét hiển thị trên trang

WikiLeaks đang dèm pha gì vậy?

(Quốc tế) - Mỹ lại khiến một đồng minh thân thiết hàng đầu nữa của họ rơi vào trạng thái choáng váng, “chết lặng” vì hành động được coi là “phản bội lại niềm tin”.

Mỹ khiến đồng minh chết lặng vì sự phản bội
Ảnh minh họa.
Sau khi phá vỡ ảo tưởng về mối quan hệ với Mỹ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng chung của các nước như Brazil và một loạt đồng minh Châu Âu, Đức và Pháp, WikiLeaks hồi cuối tuần trước lại quay sang phơi bày những hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ ở Châu Á.
Trong một thông cáo báo chí được phát đi hồi cuối tuần trước, website của WikiLeaks đã tiết lộ một thông tin gây sốc về “Mục tiêu Tokyo”. Đó là một bản danh sách gồm 35 mục tiêu “tối mật” của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Danh sách trên bao gồm một loạt quan chức thuộc nội các Nhật Bản, các công ty và ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản cũng như bộ phận khí đốt tự nhiên của Mitsubishi và đơn vị xăng dầu của Mitsui. Thông tin được tiết lộ còn bao gồm cả nội dung Mỹ chặn được từ Nhật Bản về “chiến lược biến đổi khí hậu nhạy cảm” và “nội dung của một cuộc họp mật của Thủ tướng Abe tại nơi ở chính thức của Nhà lãnh đạo Nhật Bản”, WikiLeaks cho hay.
“Bài học cho Nhật Bản là: đừng mong một siêu cường về do thám toàn cầu hành xử với sự tôn trọng hay danh dự. Chỉ có một luật lệ ở đây: đó là chẳng có luật lệ hay nguyên tắc gì cả”, ông Julian Assange – Tổng Biên tập của tờ WikiLeaks, đã thẳng thừng nói như vậy tại cuộc họp báo.
Nhật Bản là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau về thương mại và quốc phòng. Tuy nhiên, theo WikiLeaks, một số thông tin mà Mỹ do thám được từ đồng minh Nhật Bản đã được chuyển sang cho Australia, New Zealand, Canada và Anh – những thành viên của liên minh tình báo “Năm Mắt”.
Nếu những cáo buộc trên của WikiLeaks được xác nhận là chính xác thì Tokyo chắc hẳn sẽ không khỏi cảm thấy choáng váng và bị xúc phạm khi bị chính đồng minh lớn nhất, thân thiết nhất của họ “phản bội lại niềm tin”. Được biết, hoạt động do thám mà Mỹ tiến hành với Nhật Bản kéo dài từ năm 2006, hãng tin Kyodo dẫn lời các nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản cho biết.
Phản ứng đầu tiên của Nhật Bản
Tokyo ngày hôm qua (3/8) đã miêu tả thông tin về việc Washington do thám các chính khách cũng như những công ty lớn của họ là “điều đặc biệt đáng tiếc”. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Nhật Bản trước tiết lộ chấn động từ WikiLeaks.
“Tôi sẽ kiềm chế không bình luận. Nhưng nếu thực sự điều đó là đúng, với tư cách là một đồng minh, đây sẽ là điều vô cùng đáng tiếc”, phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản – ông Yoshihide Suga đã cho biết như vậy tại một cuộc họp báo định kỳ.
Theo lời ông Suga, Tokyo đang xác minh thông tin mà WikiLeaks tiết lộ từ phía Mỹ.
Nhật Bản là một trong những đồng minh then chốt của Washington ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và hai nước thường xuyên tham vấn với nhau về các vấn đề kinh tế, thương mại và quốc phòng.
“Chúng tôi đang yêu cầu giám đốc cơ quan tình báo Mỹ Clapper xác nhận thông tin”, ông Suga nói, ám chỉ đến Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper.
Những cáo buộc về việc Washington do thám các quan chức thương mại của Nhật Bản trong số nhiều giới chức khác được đưa ra đúng thời điểm các phái đoàn đàm phán về một hiệp định thương mại tự do rộng lớn mang tên Đối tác Xuyên Thái Bình Dương không đạt được thỏa thuận cuối cùng sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng ở Hawaii.
Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa 12 quốc gia, nhưng họ lại đang cãi nhau về một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có việc tiếp cận ngành công nghiệp ô tô cũng như việc mở cửa các thị trường nông nghiệp được bảo hộ của Nhật Bản.
WikiLeaks cho hay, Mỹ đã chặn được những “thông tin mật trong những cuộc họp nội bộ của Nhật Bản” về các vấn đề thương mại, chính sách hạt nhân và mối quan hệ ngoại giao giữa Tokyo với Washington.
“Những thông tin nói trên cho thấy được mức độ do thám rất sâu của Mỹ vào chính phủ Nhật Bản. Mỹ đã thu thập và xử lý hàng loạt thông tin mật từ các bộ ngành và văn phòng của chính phủ Nhật Bản”, WikiLeaks cho hay.
Thủ tướng Shinzo Abe dường như không phải là mục tiêu trực tiếp bị Mỹ nghe lén điện thoại nhưng các chính khác cấp cao khác như Bộ trưởng Thương mại Yoichi Miyazawa, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda, đều là nạn nhân của hoạt động tình báo của Mỹ.
Nhật Bản chắc chắn sẽ nổi giận với Mỹ về scandal liên quan đến hoạt động do thám nói trên. Tuy nhiên, vụ việc này “không thể gây ảnh hưởng lớn đến “cốt lõi” của liên minh Mỹ-Nhật Bản”, ông Yoshinobu Yamamoto – một giáo sư chuyên nghiên cứu về chính trị quốc tế ở trường Đại học Niigata đã đưa ra nhận định như vậy.
Thông tin về việc Mỹ do thám Nhật Bản đã làm trầm trọng thêm scandal do thám đồng minh của siêu cường số 1 thế giới. Nhà Trắng năm 2013 đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ của các nhà lãnh đạo Châu Âu khi tờ The Guardian của Anh đưa tin, tờ báo này đã có trong tay một tài liệu mật trong đó tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã giám sát, theo dõi các cuộc liên lạc của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới năm 2006.

Theo VnMedia
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai cũng mong nước mạnh dân giàu..


‘Hoa hậu’ ngàn đô của ông chủ ở xã 50 tỷ phú

Không chỉ nổi tiếng là nơi “khởi thủy” của loài gà Đông Tảo tiến vua từ xa xưa, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay lại được biết đến là mảnh đất có nhiều triệu, tỷ phú nhất, nhì Việt Nam nhờ chỉ nuôi giống gà quý Đông Tảo.
Một xã có 50 tỷ phú
Dưới trời nắng nóng như đổ lửa đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến thăm trang trại của ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu đúng vào lúc ông đang đốc thúc nhân công xây dựng trang trại mới trị giá đầu tư gần 1 tỷ đồng.
gà Đông Tảo, Hưng Yên, Khoái Châu, đặc sản, tiến vua, tỷ phú, gà-Đông-Tảo, Hưng-Yên, Khoái-Châu, đặc-sản, tiến-vua, tỷ-phú,
Vua luyện “hoa hậu” gà Đông Tảo “nghìn đô” Giang Lê Hân đang trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, luyện gà quý với khách tại trang trại của gia đình ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Qua quan sát cách xây dựng, thiết kế trang trại của ông Thắng, nom không giống với các chuồng, trại chăn nuôi gà truyền thống khác mà hiện đại như khu biệt thự nhà vườn mới để cho người ở, hưởng thụ. Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi. Ông Thắng trấn an ngay: “Đúng là nhiều người khi đến đây cũng tưởng tôi xây khu du lịch, biệt thự nhà vườn nhưng thực tình là làm để nuôi gà thôi, bởi gà Đông Tảo không giống như các giống gà khác mà là giống gà quý, nên cũng cần phải có không gian hiện đại, sang trọng thì nuôi, luyện mới thành được”.
Ông Thắng cho biết thêm, khoảng đầu tháng 8 tới, khi đi vào sử dụng, trang trại với quy mô 7 sào này sẽ là mô hình kiểu mẫu để bà con trong vùng đến học tập, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nhằm giúp tạo sự gắn kết, nâng cao trình độ cho các hộ. Hiện, trang trại của ông Thắng đang nuôi khoảng gần 300 gà bố, mẹ Đông Tảo thuần chủng, trung bình mỗi năm trang trại của ông xuất bán khoảng gần 1 vạn con giống, cùng hàng trăm con gà hàng biếu có giá từ 5 đến trên 10 triệu đồng/con phục vụ thị trường những dịp lễ tết, tính ra mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng trên dưới 2 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện toàn xã Đông Tảo đang có khoảng 2.000 hộ nuôi, kinh doanh gà Đông Tảo, trong đó đáng chú ý có khoảng trên 50 hộ có thu nhập “khủng” tiền tỷ trở lên, còn mức thu trên 100 triệu thì có đến hàng trăm hộ. Trong đó, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thấm, chủ trại gà Thấm Mộc thu trên 3 tỷ đồng/năm, hộ Tạ Đình Hiếu thu trên 2 tỷ đồng/năm…
gà Đông Tảo, Hưng Yên, Khoái Châu, đặc sản, tiến vua, tỷ phú, gà-Đông-Tảo, Hưng-Yên, Khoái-Châu, đặc-sản, tiến-vua, tỷ-phú,
Anh Giang Lê Hân với gà quý của mình.
Chia sẻ về thành công, tỷ phú Thấm phấn khởi bảo: “Giờ không phải vất vả ngược xuôi đi xa làm thuê như trước nữa, mà chỉ cần ở nhà chải lông, rửa chân, chăm gà quý cũng thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng rồi”. Trang trại của ông tỷ phú này đang duy trì khoảng 500 gà bố, mẹ, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 2 vạn giống (1 ngày tuổi) và trên 2.000 gà thịt thương phẩm thường và hàng biếu, doanh thu đạt khoảng trên dưới 5 tỷ đồng.
Thăm lò luyện “hoa hậu” nghìn đô
Cũng trong chuyến công tác này, chúng tôi may mắn được ông Thắng giới thiệu, và được đến thăm quan một trang trại đặc biệt. Trang trại luyện “hoa hậu” gà Đông Tảo nghìn đô của tỷ phú trẻ Giang Lê Hân (hơn 30 tuổi), chủ trại chăn nuôi gà Hân Minh ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Dù trẻ tuổi, mới chính thức bước vào nghiệp nuôi gà quý được 2 năm, nhưng nói về thành tích cũng như gia tài gà hiếm của anh hiện tại đã khiến không ít các chủ trang trại lâu năm trong vùng phải ngả mũ thán phục.
gà Đông Tảo, Hưng Yên, Khoái Châu, đặc sản, tiến vua, tỷ phú, gà-Đông-Tảo, Hưng-Yên, Khoái-Châu, đặc-sản, tiến-vua, tỷ-phú,
Vua luyện “hoa hậu” gà Đông Tảo “nghìn đô” Giang Lê Hân đang cho gà quý ăn.
Vừa dẫn khách đi tham quan, anh Hân khoe bảo: “Với việc sở hữu 1 hoa hậu gà (chú gà mái giành giải nhất trong hội thi gà Đông Tảo năm 2015) và hàng chục gà trống loại khủng có giá từ 10 đến 20 triệu đồng/con, nói không quá chứ trang trại của tôi là độc nhất, vô nhị không chỉ trong xã mà cả ở Việt Nam này cũng không có mô hình thứ 2 đâu”.
Bước vào trang trại gà, chúng tôi đã cảm nhận như được vào một thế giới khác, thế giới của tự nhiên với các cây bưởi diễn, nhãn lồng trĩu quả, các ô chuồng nuôi được anh bố trí rất hiện đại, các mái chuồng được thiết kế chống nóng hoàn toàn bằng dây hoa và giàn phun nước. Đây là nét khác biệt hiếm gặp ở các trang trại khác trong vùng mà chúng tôi đã từng đến trước đó.
Mặc dù đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề nuôi gà Đông Tảo, nhưng 2 năm gần đây anh Hân mới phát triển theo hướng luyện, nhân nuôi loại gà hàng biếu quý hiếm này. Theo anh Hân, hiện nay, đa phần các chủ trại gà trong và ngoài xã cho lai tạo pha tạp gà Đông Tảo với các loại gà khác nên cho ra lò phần lớn là các con lai, hay con giống pha tạp, chất lượng kém.
Anh Hân bảo: “Qua quá trình nuôi, dần dần tôi đã đúc rút ra được kinh nghiệm nuôi đó là chọn gà bố, mẹ Đông Tảo thuần chủng, đáp ứng các tiêu chí khỏe mạnh, chân to, mầu mận chín hay màu đen…cho giao phối với nhau thì mới có thể tạo ra được con giống thuần chủng tốt nhất được”.
Gà Đông Tảo đẻ khá ít, khả năng ấp nở kém (do trọng lượng lớn dễ giẫm vỡ trứng). Trung bình mỗi tháng 1 gà mái Đông Tảo chỉ đẻ được 12 đến 15 trứng, việc ấp nở phải nhờ gà ri hoặc ấp qua máy ấp trứng. Trên cơ sở những đặc điểm này, các chủ trại có thể chọn lọc, nhân nuôi duy trì giống gà Đông Tảo gốc cho nhu cầu chăn nuôi của nông trại gia đình.
Sau khi đã nhân giống, khâu chọn giống cũng rất quan trọng. Để chọn được một con giống có phẩm chất cũng cần người chủ phải có con mắt nhìn, phán đoán chuẩn xác.
“Theo kinh nghiệm của tôi, khi gà nuôi đến giai đoạn 3 đến 4 tháng tuổi, tôi sẽ để ý sàng lọc và chọn những con gà có hình dáng thanh thoát, đầu to (hình củ tre), vai rộng, hai gối chân thẳng, đặc biệt là chân gà phải đỏ, bụ bẫm, dọc ống chân có vảy thịt xếp cài gối nhau thẳng hàng, bàn chân tù, dày, ngón chân ngắn, mình nở, lườn trắm, đít thóp, đầu to (dáng gộc tre), ngực nở, mào xít, 2 ráy tai dài, rộng cân đối chảy xệ xuống dưới miệng mỏ màu đỏ tươi…”, anh Hân tiết lộ.
gà Đông Tảo, Hưng Yên, Khoái Châu, đặc sản, tiến vua, tỷ phú, gà-Đông-Tảo, Hưng-Yên, Khoái-Châu, đặc-sản, tiến-vua, tỷ-phú,
Toàn cảnh một trại luyện "hoa hậu" gà của anh Hân.
Hiện, trại gà của anh Hân đang có trên 100 cặp gà bố, mẹ Đông Tảo thuần chủng (trong đó, có trên 10 con gà trống, mái loại quý hiếm, có giá tiền từ 10 đến 20 triệu đồng/con), trung bình mỗi năm cho ra lò hàng chục nghìn gà giống, song tỷ lệ sàng lọc, chọn ra gà trống, mái đẹp, quý đi thi “hoa hậu” chỉ chiếm cá biệt chưa đến 10%.
Theo anh Hân, khi đã chọn được con giống tốt, anh thường tiêm phòng vaccin định kỳ 6 tháng/lần, cùng với đó là cho gà ăn chế độ thóc, ngô… “Đến khi gà được tuổi từ trên 1 năm, các chủ cần chú ý tỉa lông để luôn đảm bảo tính thẩm mỹ, nhất là việc rửa chân cho gà luôn sạch, thường xuyên cho gà được tập luyện (tập thể dục) bằng cách cho ra vườn rộng chơi, chạy nhảy… để tạo cho gà có thân hình vạm vỡ, săn chắc”, anh Hân chia sẻ.
Theo anh Giang Lê Hân, để có được con gà Đông Tảo trống, mái đẹp như ý muốn, các chủ trại nuôi cũng cần phải có bí quyết riêng của mỗi người, song theo anh quan trọng nhất vẫn là khâu chọn, nhân giống, đặc biệt là cần phải có sự may mắn nữa mới có thể thành công.
Mong sớm được công nhận nhãn hiệu tập thể
Ông Lê Quang Thắng cho biết thêm, để quảng bá thương hiệu cũng như vinh danh giống gà quý tiến vua, đầu năm 2013, Sở KHCN Hưng Yên đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Dự án “Bảo tồn nguồn gen gà Đông Tảo” (giai đoạn từ 2013 – 2015). Từ việc hỗ trợ vốn, chính sách cho các hộ nuôi, phát triển đàn gà Đông Tảo thuần chủng, đến nay, sản lượng cũng như chất lượng gà đã tăng lên đáng kể. Năm 2015 này, sản lượng ước đạt gấp 1,5 lần năm 2014.
Cũng theo ông Thắng, đầu năm 2015 vừa qua, tỉnh Hưng Yên đã chính thức giao Sở Khoa học công nghệ tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đưa Hội thi gà Đông Tảo vào tổ chức hàng năm. Ngoài ra, đến theo dự kiến, đến cuối năm 2015 này, gà Đông tảo sẽ được công nhận nhãn hiệu tập thể.
(Theo Trang trại Việt)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có cơ hội nào hoàn toàn tốt, nhiều hay ít một phần do mình!

TPP: VN đã thỏa thuận với Mỹ những gì?

Chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới chuyên gia cho là đã giúp mở đường cho việc chốt lại đàm phán song phương Mỹ-Việt về TPP
Hôm 3/8, báo trong nước đồng loạt dẫn thông báo từ Bộ Công Thương Việt Nam cho biết nước này đã hoàn tất đàm phán song phương với 11 nước trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Hoa Kỳ.
Điều này dẫn đến một số ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng Hà Nội và Washington đã tìm được tiếng nói chung về những vấn đề vướng mắc lâu nay, trong đó có vấn đề nghiệp đoàn và định nghĩa nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Những thỏa thuận giữa Việt Nam và phía Hoa Kỳ không được tiết lộ rộng rãi trong các bản tin trong nước.
Báo New York Times hôm 3/8 cho biết trong vòng đàm phán tại Hawaii, phía Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các lợi ích mà các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phản đối lập trường từ Hoa Kỳ và Nhật Bản rằng không nước nào được phép lấy lý do thiếu nguồn lực để không đảm bảo việc thực thi các quy định chung.
"Tôi tin là sau chuyến đi của Tổng bí thư [Đảng Cộng sản Việt Nam] Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ thì lập trường hai bên đã gần nhau hơn và sẵn sàng đi tới thỏa thuận", Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 4/8.
"Tôi cho rằng phía Việt Nam cũng đã hiểu những yêu cầu cơ bản của Hoa Kỳ, thực sự mong muốn tham gia TPP và sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết".
"Về phía Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng họ hiểu Việt Nam hơn qua chuyến thăm của ông Trọng. Có thể thấy họ đã làm hết mức để tổ chức tốt chuyến đi đó, mở đường cho hai bên trong quan hệ kinh tế và giải tỏa những khúc mắc còn lại trong đàm phán TPP".
Trả lời BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng thông báo hoàn tất đàm phán cho thấy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã "có sự nhất trí" về vấn đề nghiệp đoàn và kinh tế thị trường.
"Theo những thông tin chúng ta được biết thì cuộc đàm phán bốn ngày tại Hawaii đã được tiến bộ đáng kể và thống nhất được 98%. 2% còn lại chưa thống nhất được nên chưa đi đến ký kết được".
"Theo tôi đây là một trong những chứng minh rằng yêu cầu của TPP là rất cao và quá trình đi đến thống nhất đòi hỏi có những sự nhượng bộ và thỏa hiệp với nhau chứ không thể chỉ là các yêu cầu có tính chất đơn phương của một phía nào đó."
Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ, được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama hôm 7/8, cho biết "Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế" cũng như "ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường".
Nền kinh tế Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP
Xuất khẩu giảm sau TPP?
Thông báo về việc Việt Nam hoàn tất đàm phán song phương được đưa ra giữa lúc một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Việt Nam cho rằng việc tham gia TPP có thể giúp nâng GDP của Việt Nam lên trong thời gian tới, nhưng có thể làm xuất khẩu suy giảm.
Báo cáo của VEPR cho rằng sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ có mức tăng đầu tư lớn nhất trong các nước, tương đương mức tăng của Nhật Bản và gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia, Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam có thể sụt giảm do sản xuất trong nước giảm ở một loạt các ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TPP vào TPP.
Bên cạnh đó, các dòng thuế khi giảm về 0% sẽ khiến doanh thu từ thuế giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách, báo cáo nói thêm.
"TPP là cơ hội và môi trường mới, nhưng là tốt hay xấu thì còn phụ thuộc vào phía Việt Nam", ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nói với BBC ngày 4/8.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết báo cáo của VEPR "đã có gây tranh cãi".
"Nhiều người đã đặt câu hỏi và bày tỏ sự nghi ngờ về việc xuất khẩu giảm", ông nói.
"Đấy là xét trên quan điểm tĩnh chứ không phải quan điểm động. Nền kinh tế sau khi hội nhập rồi thì sẽ có thay đổi về cấu trúc kinh tế và có thêm đầu tư từ bên ngoài vào, và rất có thể kết quả xuất khẩu sẽ thay đổi."
"Mặc dù vậy, ý kiến này cũng nên được xem xét ở giác độ là việc tăng xuất khẩu Việt Nam có đáp ứng được quy tắc xuất xứ và các yêu cầu rào cản kỹ thuật về thương mại hay và nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hay không."
"Khả năng tăng xuất khẩu thì có nhưng các doanh nghiệp việt nam có thể tận dụng được đến đâu thì chưa rõ ràng."
@bbc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoan hô chính phủ! Đề nghị bà con vỗ tay!



Phản hồi rất nhanh của Chính phủ

Phần nhận xét hiển thị trên trang