Nói một cách hình ảnh thì mỗi khi “Biển Đông dậy sóng” thì văn thơ của ta cũng dậy sóng. Có điều, trong các “phong trào” sáng tác về biển đảo ấy thì chỉ thơ là “áp đảo”, sáng tác văn xuôi quá ít. Với thơ viết về biển đảo sau những đợt biển Đông dậy sóng vừa qua, có cảm giác như không khí thơ thời chống Mỹ cứu nước đã tái hiện, với nét nổi bật là sự cộng hưởng giữa nhà thơ với công chúng, với xã hội, với thời đại. Chỉ khác là cái hào khí của thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã để lại một loạt tên tuổi, một loạt tác phẩm thơ ca đi cùng năm tháng; còn thơ ca viết về biển đảo gần đây, sau những cao trào rầm rộ, lắng đọng trong đời sống văn học không nhiều.
Để có những câu thơ lời văn “neo được trong lòng biển”
MAI NAM THẮNG
Những năm gần đây, thơ văn Việt Nam viết về biển đảo là viết về những người lính hải quân giữ biển, những ngư dân bám biển và lực lượng Kiểm ngư thực thi pháp luật trên biển; là tinh thần “Cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” với những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền và quyết tâm thực hiện chủ quyền thiêng liêng ấy.
Với cảm hứng và tâm thế ấy, những năm gần đây mỗi khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị xâm phạm hoặc bị đe dọa xâm phạm, như những vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Tổng công ty dầu khí Việt-Xô Petro, bắt giữ và đánh đập ngư dân ta, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, v.v… thì cùng với đồng chí đồng bào cả nước, các nhà văn nhà thơ của chúng ta, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, cũng rầm rộ “ra quân” ào ạt trên các phương tiện truyền thông. Nói một cách hình ảnh thì mỗi khi “Biển Đông dậy sóng” thì văn thơ của ta cũng dậy sóng.
Có điều, trong các “phong trào” sáng tác về biển đảo ấy thì chỉ thơ là “áp đảo”, sáng tác văn xuôi quá ít. Với thơ viết về biển đảo sau những đợt biển Đông dậy sóng vừa qua, có cảm giác như không khí thơ thời chống Mỹ cứu nước đã tái hiện, với nét nổi bật là sự cộng hưởng giữa nhà thơ với công chúng, với xã hội, với thời đại. Chỉ khác là cái hào khí của thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã để lại một loạt tên tuổi, một loạt tác phẩm thơ ca đi cùng năm tháng; còn thơ ca viết về biển đảo gần đây, sau những cao trào rầm rộ, lắng đọng trong đời sống văn học không nhiều. Trên các diễn đàn văn học thường chỉ một vài tác phẩm được nhớ, được nhắc nhiều, như các trường ca “Hạ thủy những giấc mơ” của Nguyễn Hữu Quý, “Tổ quốc đường chân trời” của Nguyễn Trọng Văn… cùng một số bài thơ, như: “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc, “Hào phóng thềm lục địa” của Nguyễn Thanh Mừng, “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến, “Tổ quốc gọi tên mình” của Nguyễn Phan Quế Mai, v.v... Và cũng xin nói thật là trong số những bài thơ nổi trội trên đây, vẫn hiếm có những câu thơ ấn tượng, “để đời” như trong một số bài thơ và trường ca viết về chủ quyền biển đảo của một số nhà thơ lớp trước như Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Ngô Xuân Hội… viết cách nay đã hơn ba chục năm.
Thực trạng “thơ nhiều mà vẫn ít” trên đây, theo tôi bởi thơ viết về biển đảo gần đây vẫn mang tính phong trào, nặng về cổ động. Nhiều tác giả viết về biển đảo chủ yếu theo cảm hứng sử thi; dựa vào các sự kiện lịch sử để lập tứ dàn ý khiến người đọc cảm thấy mòn cũ. Cũng có những tác giả có ý thức lao động chữ nghĩa, đổi mới cách viết-cách nói về biển đảo, về Hoàng Sa- Trường Sa, nhưng do thiếu trải nghiệm, thiếu thực tế, thiếu vốn sống về biển đảo lại trở nên sáo và “diễn”.
Tất nhiên, không phải nhà văn muốn viết hay về biển đảo thì phải được ra tận nơi Trường Sa, Hoàng Sa, phải mục sở thị về biển đảo và ngược lại. Nhưng về cơ bản và nhất là trong bối cảnh thời sự hiện nay, việc được chứng kiến cuộc sống, lao động, sẵn sàng chiến đấu… của quân và dân biển đảo; được trải nghiệm thực tế ở Trường Sa, Hoàng Sa, khu vực DK1… là điều kiện hết sức quan trọng. Bởi vậy theo tôi, cần phải thay đổi cách đi thực tế biển đảo và Trường Sa như trong thời gian qua. Hội Nhà văn Việt Nam cần phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Cục Kiểm ngư để tổ chức những chuyến đi thực tế biển đảo dành riêng cho các nhà văn, phù hợp với điều kiện biển đảo và đặc điểm tác nghiệp của nhà văn; không nên tổ chức cho nhà văn đi chung với các đoàn đại biểu đi thăm Trường Sa kiểu “gặp nhau lần nào cũng vội” như lâu nay. Nhà văn phải được nhìn gần, nhìn thật gần biển đảo thì sáng tác của họ mới gần với cuộc sống, tâm tư, tình cảm của bộ đội và ngư dân trên biển đảo. Xin nêu một ví dụ: Trường Sa bây giờ đã được phủ sóng truyền hình và mạng viễn thông Viettel; Trường Sa bây giờ cây cối xanh tốt hơn, có điện mặt trời và điện gió chạy suốt ngày đêm, nhiều đảo có máy lọc nước biển thành nước ngọt tinh khiết… Cho nên những chuyện khát nước, chuyện khát thư, chuyện nắng gió biển khơi… chuyện đi nhặt trứng chim, trứng vích; chuyện nuôi chó, nuôi lợn, trồng rau… của bộ đội Trường Sa bây giờ không giống như trong chùm thơ được giải và và trong tiểu thuyết “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa mấy chục năm trước nữa. Tâm tư, nguyện vọng của bộ đội Trường Sa bây giờ như thế nào khi các chế độ đãi ngộ ở ngoài đó cao gấp 3 lần so với trong đất liền? Trong đêm tối mênh mông, nhất là vào mùa biển động, những người lính trên các nhà giàn chơ vơ ở DK1 suy nghĩ gì? Cảm giác của họ trong những hoàn cảnh ấy ra sao? Sự hiện diện của họ ở đây là tự nguyện hay chấp nhận? Nếu được lựa chọn thì họ sẽ lựa chọn điều gì? Vân vân và vân vân… Miêu tả, diễn đạt, lý giải những điều đó nếu chỉ bằng tài năng bẩm sinh và trí tưởng tượng của nhà văn chắc chắn là không đủ!
Đồng thời, Hội Nhà văn Việt Nam và các hội văn nghệ địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện thời sự, cấp phát tài liệu chuyên đề… để nâng cao nhận thức và kiến thức về biển đảo cho các nhà văn. Biển đảo Việt Nam có vùng chủ quyền hoàn toàn, vùng đặc quyền kinh tế, vùng quyền chủ quyền, vùng quyền tài phán… nếu không phân biệt được những khái niệm đó thì đôi khi sáng tác của nhà văn sẽ gặp nhầm lẫn đáng tiếc.
Với tôi, trên hành trình phấn đấu, trước mắt chỉ mong được như cố nhà thơ Nguyễn Văn Dinh từng mong: Một câu neo được trong lòng biển/ Xin gửi khơi xa chút mặn mòi…