Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Muốn đổi mới thơ cần đổi mới cảm thức của nhà thơ




 

Nhà thơ Từ Quốc Hoài




maivanphan.net: Có hay không một khuynh hướng thơ cách tân sau năm 1975? Câu hỏi ấy tưởng chừng xưa cũ như trái đất, nhưng thực ra nó không dễ trả lời với những người cứ khư khư ôm lấy những quan niệm đã quá cũ càng. Có người còn lớn tiếng tuyên ngôn, thơ không cần cách tân đổi mới, chỉ cần hay. Hay! Khái niệm ấy hồn nhiên như anh có quyền đi và tôi cần ở lại trong cõi “thiên sai vạn biệt” này… Tôi vừa nhận được tiểu luận của Nhà thơ Từ Quốc Hoài bàn về vấn đề này. Ông không biện dẫn lý thuyết các trường phái cách tân, đổi mới, chỉ đưa ra những dẫn chiếu mang tính điểm xuyết quá trình đổi mới thơ Việt từ trước đến nay. Nhà thơ Từ Quốc Hoài sinh 1942, thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng đã quyết liệt làm cuộc “vượt thoát” cho thơ trong mấy năm vừa rồi. Nghị lực và thái độ của ông trong sáng tạo thật đáng trân trọng, là bài học quý báu cho thế hệ tiếp theo. Chúng tôi xin giới thiệu với Quý Bạn đọc tiểu luận mới nhất của ông.
Nhà thơ Từ Quốc Hoài tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 1971, ông đi “B” công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V. Sau 1975, ông chuyển sang hoạt động văn học chuyên nghiệp, làm Biên tập viên, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Báo Tiền Phong. Từ năm 2000 đến nay ông nghỉ hưu, sống và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.




Từ Quốc Hoài

    
Thơ, trong bản chất là sự sáng tạo. Mỗi bài thơ là một kiến trúc ngôn ngữ hoàn hảo, lung linh vẻ đẹp của cảm xúc và trải nghiệm.
        
Đời sống hôm nay đang thay đổi với nhịp độ chóng mặt. Thành tựu về công nghệ trong đó có mạng internet, đã làm mới gương mặt của thế giới mỗi ngày. Nhưng các nhà thơ không thể làm mới con tim mình mỗi ngày. Một nghìn năm trước hay một nghìn năm sau các nhà thơ vẫn mang con tim với nhịp đập sinh học, nó không thể tăng tốc vô giới hạn theo tốc độ chóng mặt của thế giới hôm nay. Cảm xúc của nhà thơ là thứ duy nhất có thể mang được màu sắc tươi mới của đời sống. Nhà thơ không chỉ nhận mặt một lượng vô cùng lớn những thông điệp do thế giới mang lại, mà còn phải “tiêu hóa” để nó thành cảm xúc, tạo ra sức nóng, vẻ đẹp của những câu thơ. Cảm xúc cùng với sự nhận thức mới mẻ sẽ quyết định sự mới mẻ của thơ dù nó được làm ra hôm nay hay từ hàng trăm năm trước.
        
Đại thi hào Nguyễn Du hơn hai trăm năm trước đã viết Truyện Kiều bằng thể thơ lục bátcổ truyền. Với tài năng và cảm thức mới mẻ về nghệ thuật, Nguyễn Du đã tạo nên một kiệt tác văn chương, với những câu thơ cho tới hôm nay vẫn lạ lùng, không dễ có nhà thơ hiện đại nào vượt qua. Tả nàng Kiều hớp hồn Thúc Sinh, thi hào đã hạ hai câu thơ:
                           
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
          
Thông thường người ta chỉ dùng chữ tòa để chỉ tòa nhàtòa tháp… là những thực thể có hình khối cứng và tĩnh tọa. Nhưng tòa thiên nhiên của thi hào Nguyễn Du lại để khắc họa một mỹ nhânTòa thiên nhiên đó toát ra vẻ đẹp trong ngọc trắng ngà, vừa có bản tính trong ngần của ngọc lại có sắc trắng mịn màng quí phái của ngà. Tòa thiên nhiên vóc dáng dày dày ấy vượt ra ngoài mọi khuôn khổ thường tình để tôn tạo hình ảnh một nàng Thúy Kiều mơ hồ, bí ẩn lại vừa lồ lộ đầy quyến rũ. Thi hào đã để cho độc giả với sự từng trải, mỗi người sẽ tự tạo ra nàng Kiều của riêng mình.
           
Thúy Kiều vốn là nhân vật có thật vào thời Gia Tĩnh, nhà Minh. Liên quan tới cuộc đời nàng là các nhân vật lịch sử Từ Hải, Hồ Tôn Hiến… Qua hàng chục cuốn sách, cuộc đời nàng Thúy Kiều được tiểu thuyết hóa, cho đến Thanh Tâm Tài Nhân thì việc tiểu thuyết hóa đạt tới sự định hình cốt truyện. Nhưng phải tới Nguyễn Du, câu chuyện về cuộc đời chìm nổi, oan nghiệt và cảm động của nàng Thúy Kiều mới đạt tới đỉnh siêu tuyệt. Cảm thức mới mẻ, hiện đại đã làm cho câu thơ: rõ ràng trong ngọc trắng ngàdày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên trở thành viên ngọc sáng, quí hiếm.
           
Hơn một thế kỷ sau, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã mang lại cho người đọc biết bao kinh ngạc với câu thơ: Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu. Trăng ở đây là một cô gái với bản tính tự do của thiên nhiên, khao khát chuyện ái ân không cần ý tứ theo khuôn phép người đời. Người đọc còn kinh ngạc hơn với câu thơ như một thứ ánh sáng lạ bùng phát tiếp sau đó: Ô kìa! bóng Nguyệt trần truồng tắm/ lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. Với người phụ nữ ở đầu thế kỷ trước, hai chữ trần truồng gần như bị cấm kỵ. Nhưng đây là trăng. Và trăng là cô gái được gọi là Nguyệt. Chữ trần truồng ở đây gây chấn động thú vị trong người đọc, tuyệt nhiên không một chút dung tục. Cái khuôn vàng lộ dưới đáy khe tỏa thứ ánh sáng thẩm mỹ làm cho cái khe tăm tối trở nên đẹp đẽ gần gũi. Bài thơ ẩn chứa thông điệp khích lệ khát vọng về tự do, về quyền được yêu vẫn hiện diện dưới nhiều cung bậc, màu sắc trong đời sống.
               
Các nhà thơ lớn trên thế giới, với cảm thức mới mẻ, sâu sắc về nghệ thuật và đời sống đã để lại dấu ấn cách tân quan trọng trong thơ hiện đại. Lên án tính phi nghĩa, vô nhân đạo của những cuộc chiến tranh xâm lược, nhà thơ Đức Becton Bret viết : Chúng nó muốn chiến tranhnhưng những người viết nên dòng chữ ấyđã ngã dưới chân thành.Chiến tranh, với những không gian rộng lớn, khốc liệt, đầy chết chóc, đã được Becton Bret bố cục lại. Ấy là bức tường thành mang tính tượng trưng. Nhưng những người lính là thật, họ không hề muốn chiến tranh, bị buộc dùng máu mình, đánh đổi cả mạng sống để viết hai chữ chiến tranh lên bức tường thành ấy. Chúng nó - những kẻ chủ mưu - không hề dây dính máu, lạnh lùng tính toán cách kiếm lợi trên máu của hàng triệu mạng người. Quasimodo, nhà thơ Italia cảm nhận sự hửu hạn, mong manh của kiếp người qua ba câu thơ sâu sắc, độc đáo: Mỗi người đứng cô đơn trên trái tim trái đất/ lòng xuyên qua một tia nắng mặt trờivà chưa chi chiều đã tắt. Ma lực hầu như bất khả kháng của đồng tiền, được Otavio Paz, nhà thơ Mêhicô cô đặc chỉ trong một câu thơ: Đồng tiền liếm khô máu thế gian. Qua cảm thức của nhà thơ, đồng tiền có quyền năng hủy diệt và tạo tác vô biên. Dường như thần Siva và Visnu đều hiện diện trong quyền năng của đồng tiền. Sự kiện khủng bố 11/9 tại nước Mỹ gây chấn động toàn thế giới. Hàng trăm người đã liều mạng nhảy ra khỏi những cánh cửa từ các tầng cao hàng trăm mét để tránh ngọn lửa hủy diệt kinh hoàng, hung hãn thiêu đốt Tòa tháp đôi. Wislava Szymborska, nữ thi sĩ Ba lan đã viết về sự kiện khủng khiếp này trong bài thơ: Tấm ảnh chụp ngày 11 tháng 9. Bà miêu tả chuyến bay định mệnh, hy hửu, từ sự truy đuổi của cái chết này tìm tới một cái kết cục khác bi thảm không kém của các nạn nhân. Cái kết của bài thơ thật đột ngột, làm thay đổi diện mạo bài thơ. Nữ thi sĩ viết: Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họmiêu tả chuyến bayvà không đặt tayghi câu kết cục. Nghĩa là trong bài thơ của Szymborska, các nạn nhân vẫn sống trong chuyến bay hãi hùng. Họ sẽ còn sống qua nhiều thế kỷ, khẩn thiết kêu gọi loài người ra tay loại bỏ chủ nghĩa khủng bố khỏi đời sống.
              
Thơ Việt đương đại đang ở trên nhiều ngã rẽ cách tân. Thành tựu thực sự hãy còn hiếm. Không ít người bị cuốn theo chủ nghĩa hình thức dưới nhãn hiệu “cách tân thi pháp”, làm lạ bằng cách ngắt câu, xuống dòng vô vạ, hoặc tùy tiện chồng lấn các mệnh đề làm câu thơ rối rắm, thậm chí tối nghĩa, người đọc có cảm giác đang tham gia cuộc chơi… đi tìm mật mã. Một số ít có những tìm tòi thể hiện một cách nhìn mới mẻ những vấn đề mang hơi thở ấm nóng của đời sống. Ly Hoàng Ly thể hiện khát vọng tự do trong bài thơ Mở nút áo. Chiếc áo của Ly Hoàng Ly như một biểu tượng của sự trói buộc, chỉ có năm chiếc cúc, không hơn, trở thành lực cản đối với khát vọng tự do của con người. Trần Quang Quý muốn con người hãy luôn là chính mình, không nói bằng cái lưỡi của người khác. Mai Văn Phấn sau những cuộc tìm tòi theo nhiều hướng, đã trở về với sự trong sáng, giản dị trong sáng tạo nghệ thuật. Anh viết về bầy chim sâm cầm vụt bay lên bầu trời, để lại nơi mặt hồ bức tranh còn ướt. Bức tranh vừa huyền ảo vừa sáng tỏ tạo ra những xung động trái chiều rất ấn tượng. Bức tranh sống động ấy rồi sẽ  biến mất, cả cái hồ nước kia, một ngày nào đó biết đâu rồi cũng sẽ khô cạn. Thiên nhiên không những tạo ra sự sống mà còn tạo ra vẻ đẹp vô giá và những vẻ đẹp ấy luôn tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt. Những vịnh Hạ Long, Sơn Đoòng, và cả bức tranh còn ướt mà bầy sâm cầm để lại trên mặt hồ… cần được trân trọng để làm giàu cuộc sống con người. Đứng bên tượng đá Linga Hoàng Vũ Thuật thốt lên: Ôi LingaNgạo nghễ máu dựng đứng giữa bầu trời. Máu tạo nên sức sống huyền nhiệm, Linga được tôn thờ như một vị thần. Nhà thơ nhìn thấy ở Linga sự ngạo nghễ của một đấng siêu nhiên, không những là một linh vật tượng trưng cho sự trường tồn của loài người, mà cùng với trường tồn là sự tạo dựng các nền văn minh, xác lập vị thế người chủ hùng mạnh chế ngự thế giới. Có thể nối dài những dẫn chứng, song cần khách quan nhìn nhận tiến trình cách tân chưa thật sự làm lột xác thơ Việt đương đại. Hãy còn là những bước thử nghiệm, có người tỏa sáng một câu, một tứ, cũng có người đứng được một bài hoặc một vài bài… Chưa có nhiều tác giả, tác phẩmđỉnh cao tiêu biểu, mang thông điệp về tính nhân văn và mỹ học có sức chinh phục dư luận rộng rãi.
               
Nhà thơ Lê Đạt từng nói: Con chữ bầu nên nhà thơ! Đó là chân lý, là một trong những phương hướng đổi mới thơ. Nhưng nó là kết quả cuối cùng, phụ thuộc bản lĩnh, tài năng của mỗi nhà thơ. Nếu hiểu câu nói trên theo hướng thơ là trò chơi chữ nghĩa thì sẽ sa vào chủ nghĩa hình thức, phản thơ. Ngôn ngữ là tài sản vô giá của mỗi dân tộc. Nó là thứ tài sản đặt biệt, không giống vàng bạc hay các thứ tài sản khác. Càng được sử dụng nó không những không cạn kiệt mà trái lại trở nên phong phú, giàu có hơn. Cùng sử dụng một thứ ngôn ngữ nhưng chỉ có một số người trở thành nhà thơ, một số rất ít người trở thành nhà thơ nổi tiếng, càng hiếm người trở thành nhà thơ lớn. 
               
Cuộc sống, số phận Con Người, cụ thể là Con Người và đất nước Việt Nam là điểm đến, tạo ra bản sắc mới mẻ thơ Việt, trước khi nó vươn ra thế giới.

T.Q.H


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

MILAN KUNDERA, VACLAV HAVEL, TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TRUNG QUỐC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIỚI TRÍ THỨC


(K. thuộc lớp nhà văn Trung Quốc ra đời vào giữa những năm 1960, khi manh nha cuộc “đại cách mạng văn hóa vô sản” làm vỡ tung lớp vỏ bọc hào nhoáng che đậy một xã hội được cai trị bởi chủ nghĩa cực quyền. K. bắt đầu sáng tác và viết phê bình từ những năm 1980. Dưới đây là đối thoại giữa Hà Phạm Phú và K. về truyền thống văn hóa và trách nhiệm giới trí thức.)

Hà Phạm Phú: Tôi  đã từng đọc một số bài báo của Cát Hồng Binh (giáo sư, nhà phê bình văn học người Thượng Hải) tranh luận với Dư Thu Vũ, một nhà văn rất nổi tiếng ở Bắc Kinh, về việc tại sao ông Dư không hối hận, ăn năn về những việc đã làm khi tham gia tổ viết bài chuyên luận do Giang Thanh phụ trách thời kì “đại cách mạng văn hóa”, tôi cũng đọc Lâm Hiền Trị (nhà nghiên cứu người Quảng Đông) viết về giới trí thức Trung Quốc. Khoảng cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 tôi có đọc một số bài của nhóm nhà văn trẻ nói về thái độ của giới trí thức trong việc lựa chọn chỗ đứng của mình trước thời cuộc. Có thể nói, khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, các trào lưu tư tưởng trên thế giới ùa vào Trung Quốc, ảnh hưởng không ít tới giới trí thức, nhờ thế bộ mặt giới trí thức Trung Quốc có nhiều thay đổi…

K: Từ thời kì “vận động văn hóa Ngũ Tứ”, các trào lưu tư tưởng tiến bộ đã du nhập vào Trung Quốc, như những đợt sóng biển xô vỡ con đê bảo thủ, phản động mà chế độ cực quyền phong kiến dựng nên, đại biểu cho làn sóng tư tưởng mới có thể kể ra một đại biểu là Lỗ Tấn. Nhưng khi đảng cộng sản làm chủ lục địa này, tư tưởng bị nhất nguyên hóa, văn nghệ sĩ bị biến thành chiếc đinh vít trong guồng máy, văn hóa trở nên xơ cứng.

Hà Phạm Phú: Tôi có thể chia sẻ với anh điều này. Từ một thế giới đóng chuyển sang mở, người ta khao khát tìm hiểu. Tôi nhớ, vào những năm 1980, văn đàn Trung Quốc lên cơn sốt Milan Kundera. Tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Séc này được dịch ra tiếng Hoa và bán chạy như tôm tươi.

K: Cơn sốt Milan Kundera còn kéo dài đến những năm 1990…

Hà Phạm Phú: Năm 1990, cuộc “Cách mạng nhung” do một nhà văn người Séc, cũng nổi tiếng không kém Milan Kundera, lãnh đạo nổ ra ở Tiệp Khắc. Nhà văn đó là Vaclav Havel. Tư tưởng cách mạng của ông tràn ngập trong tác phẩm kịch của ông. Nhưng theo tôi được biết, thì hình như ở Trung Quốc không có tác phẩm nào của ông được dịch. Anh có thể cắt nghĩa thế nào về hiện tượng trái ngược này?

(Milan Kundera sinh ra trong một gia đình trí thức trung lưu. Ông tốt nghiệp trung học tại Brno năm 1948. Sau đó ông theo học văn học và mỹ học tại Khoa Nghệ thuật tại Đại học Karlova ở Praha, nhưng chỉ sau hai học kỳ, ông chuyển sang Khoa Điện ảnh tại Học viện Nghệ thuật biểu diễn Praha, ban đầu ông đăng kí học đạo diễn và viết kịch. Năm 1950 ông bị buộc dừng học vì các lý do chính trị. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1952, ông được bổ nhiệm làm giảng viên văn học thế giới tại Khoa Điện ảnh. Kundera thuộc thế hệ những người Séc mà ý thức hệ của họ bị ảnh hưởng nặng bởiThế chiến thứ hai, đất nước bị quân Đức chiếm đóng. Vì vậy, năm 1948, khi còn rất trẻ, ông tham gia thành lập Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Năm 1950, ông bị khai trừ khỏi đảng vì lí do “chống đảng”. Sau sự kiện Mùa xuân Praha 1968 – giai đoạn cải cách chính trị ngắn ngủi bị đè bẹp bởi cuộc xâm lăng của quân đội Liên xô vào tháng 8 năm 1968, ông rút lui hoàn toàn khỏi đời sống văn hóa Séc. Năm 1975 ông sang Pháp định cư và trở thành công dân Pháp từ năm 1981. Những tác phẩm chính của ông là gồm Žert (Lời đùa cợt - 1967), Kniha smíchu a zapomnění (Sách cười và lãng quên - 1979), Nesnesitelná lehkost bytí (Đời nhẹ không kham- 1984),  Nesmrtelnost (Sự bất tử- 1990)…

Vaclav Havel (1936- 2011), sinh ra ở Praha, trong một gia đình giàu có ở Tiệp Khắc. Dưới chính thể cộng sản, với lí lịch không được trong sạch, ông phải đi học tại trường học ban đêm. Sau đó, ông thi vào đại học bách khoa Praha, tốt nghiệp khoa Kinh tế năm 1957. Sau hai năm quân dịch (1957-1959), giải ngũ, ông trở về làm việc ở một số nhà hát kịch ở Thủ đô, với nhiều vị trí khác nhau và chuyên tâm sáng tác kịch. Năm 1963 ông cho ra đời tác phẩm vào loại quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, vở Tụ hội ở hoa viên. Năm 1965 ông cho công diễn vở Bị vong lục, năm 1968 vở Càng lúc càng khó tập trung tư tưởng. Có thể nói, ông tự học để trở thành một nhà văn, nhà viết kịch. Năm 1968, Havel trở thành Chủ tịch Câu lạc bộ những nhà viết kịch độc lập. Cũng năm đó ông ra nhập Hội văn bút Tiệp Khắc. Năm 1977, do tham gia tổ chức và là người phát ngôn của nhóm Hiến chương 77, Havel đã bị cấm hoạt động nghệ thuật và nhiều lần bị bắt vào tù. Từ năm 1970 đến 1989 ông 3 lần phải vào tù, thời gian dài gần 5 năm. Năm 1983, do bệnh phổi ông được ra tù, lại tiếp tục giữ vị trí người phát ngôn của nhóm hiến chương 77, tiếp tục công bố kịch phẩm và viết bài phê phán, do đó nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ. Tháng 8 năm 1988, ông công bố Tuyên ngôn vận động cho quyền tự do của công dân. Tháng 11 năm 1989, ông sáng lập Diễn đàn công dân, khởi nguồn của Cách mạng nhung ở Tiệp Khắc, một cuộc cách mạng không một tấm kính bị vỡ, không một chiếc xe bị đốt cháy. Tháng 12 năm 1989, Vaclav Havel được bầu làm Tổng thống Cộng hòa liên bang Tiệp Khắc và sau này khi Cộng hòa Liên bang Tiệp Khắc giải thể, Cộng hòa Séc độc lập, năm 1993 ông được bầu là Tổng thống. Ngoài kịch phẩm, ông còn có các tác phẩm như: Quyền lực của người không quyền lực, Thư công khai gửi Husac, Chính trị và lương tri…Chú thích của tác giả)

K: Đó là một hiện tượng thú vị. Vaclav Havel là một trí thức ưu thời mẫn thế, nhưng trước hết ông là một nhà văn, một nhà viết kịch. Tại sao giới trí thức Trung Quốc tiếp nhận Milan Kundera mà không phải Vaclav Havel là có lí do văn hóa. Milan Kundera có một tác phẩm rất quan trọng, tiểu thuyết Cái nhẹ đời không kham nổi xuất bản năm 1984 (bản tiếng Việt dịch là Đời nhẹ không kham- TG). Trong tiểu thuyết có một chi tiết, nhiều người cho là tập trung nhất thể hiện nhân sinh quan của Milan Kundera, cũng là quan niệm về trách nhiệm của người trí thức đối với xã hội. Đó là chi tiết nhân vật chính Tomas, một bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng từ nước ngoài trở về, do những bất mãn với hiện thực đời sống đã viết một bài báo cho tờ báo của Hội nhà văn Tiệp Khắc kể một chuyện ngụ ngôn chỉ trích nhà đương quyền đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đăng trong mục Thư bạn đọc. Nhà cầm quyền cho đó là ngôn luận chống đảng, bị buộc không cho hành nghề mổ xẻ, phải đi làm lao công quét rác. Sau đó, Tomas  được người biên tập của tờ báo trên yêu cầu kí tên vào bản thỉnh nguyện thư phản đối Chính quyền bù nhìn ngược đãi tù chính trị thời kì Liên Xô chiếm đóng Tiệp Khắc. Tomas là một trí thức tự do, đương nhiên anh phản đối chế độ chuyên chế, nhưng không kí tên vào bản tuyên bố đó. Người biên tập nói với anh, điều cốt yếu là phải chỉ ra rằng trong quốc gia này vẫn còn một nhóm người không bị sự đàn áp làm cho sợ hãi. Mọi người cần phải tỏ rõ lập trường, phải tách bạch trắng đen. Trong cuộc gặp gỡ đó còn có mặt con trai của anh. Chàng trai nói với người cha, kí tên là trách nhiệm. Nhưng Tomas lại nghĩ khác. Anh cho rằng tư tưởng không cứu sống được con người. Bài báo anh viết trước đó hình như có thể cứu được người, cũng hình như không. Làm một bác sĩ, đương nhiên anh đã cứu được không ít người. Người biên tập phê phán anh trốn tránh, nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của anh. Đáp lại, Tomas nói, bới đất cứu một con quạ sắp chết còn quan trọng hơn là viết thỉnh nguyện thư cho ngài Chủ tịch. Và Tomas từ chối kí tên vào bức thỉnh nguyện thư. Đó là một sự lựa chọn.

Hà Phạm Phú: Tomas từ chối kí tên biểu trưng cho sự lựa chọn của Milan Kundera, một nhà văn Séc khác là Vaclav Havel đã có một lựa chọn ngược lại. Ông cho rằng cần phải kí tên vào các văn kiện chẳng hạn các văn kiện phản đối hay kêu gọi, dù rằng không biết có hiệu quả hay không. Đối với thỉnh nguyện thư nói trên, ông hiểu rất rõ rằng, Chính phủ sẽ chẳng coi ra gì những đòi hỏi cải thiện điều kiện giam giữ đối với chính trị phạm, nhưng ông cho rằng việc kí tên có hai ý nghĩa. Một, thể hiện dũng khí của phần tử trí thức phải tự mình gánh vác trách nhiệm xã hội trong điều kiện khó khăn. Là một người trí thức thì trong bất kì tình huống nào, ở bất cứ nơi đâu đều phải đem hết sức lực chống lại xu thế phát triển của những lực lượng phi lí tính, phi nhân tính. Hai, kí tên có thể giúp cho những người đang bị giam cầm trong tù ngục được chi viện về mặt tinh thần, giúp họ thấy mình không đơn độc. Vì thế trong rất nhiều văn kiện, Havel đều kí tên. Havel là người tổ chức chính của nhóm Hiến chương 77.

K: Vậy là chúng ta đã bàn đến thái độ của người trí thức trước thời cuộc. Trong tác phẩm Chính trị và lương tri, Havel từng viết: “Một người không có thế lực, không có quyền hành, dám vì chân lí mà lên tiếng, dám đem sinh mệnh của mình bảo vệ tiếng nói đó, cho dù có bị tước mất quyền bầu cử, nhưng sẽ có được hàng ngàn người vô danh bỏ phiếu, sẽ có được một sức mạnh khiến người ta phải kinh ngạc. Vaclav Havel coi “tự nguyện gánh vác” là trách nhiệm của người trí thức, coi tinh thần dũng cảm là “phẩm cách” của họ.

Hà Phạm Phú: Lâm Hiền Trị trong khảo cứu về giới trí thức, có một nhận xét, giới trí thức Trung Quốc từ thời Khổng Tử đã cam chịu phận “ăn theo”…

K: Có lí. Tôi sẽ nói đến truyền thống văn hóa, đến “gien” di truyền trong truyền thống của giới trí thức Trung Quốc. Trở lại Milan Kundera và Vaclav Havel. Đối với giới trí thức Trung Quốc, Milan Kundera là một “trí giả” còn Vaclav Havel là “hành giả” hoặc “thánh nhân”. Tôi sẽ nói tại sao giới trí thức Trung Quốc tiếp thu Milan Kundera nhưng lại né tránh Vaclav Havel.

Milan Kundera là một con người đầy tràn trí tuệ, ông nhìn thế giới bằng con mắt lạnh lùng (tỉnh táo). Sau khi lưu vong tới Pháp, vẫn với con mắt ấy ông quan sát tổ quốc ông từ xa. Ông có một “mỹ cảm khoảng cách”. Tác phẩm của ông chứa đựng sự bức bối dồn nén, chứa đựng sự hài hước châm biếm mạnh mẽ. Nhờ thế ông chinh phục tầng lớp thanh niên Trung Quốc, tầng lớp  trước nay vẫn tư duy theo lối nhất nguyên hóa, đặc biệt là tầng lớp trí thức tình cảm bị đè nén. Milan Kundera nhìn thấu những ngóc ngách lịch sử, những tất yếu lịch sử. Kết luận mà ông rút ra là: Không can dự mới đích thực can dự! Vì thế ông có một thái độ dứt khoát, đứng ngoài trò diễn của các sự kiện. Khác với Milan Kundera, Vaclav Havel thuộc loại trí thức kết hợp cả hiểu biết và hành động. Ông thuộc hàng các thánh nhân. Đối với thế giới bên ngoài, ông dùng hành động để chứng minh chân lí của mình, thực hiện sự kháng cự bằng cảnh báo, suy ngẫm và lôi kéo sự chú ý. Đối với bản thân, ông đi sâu vào cõi tâm linh, khai thác những nhân tố cao cả, loại bỏ những cái thấp hèn. Vaclav Havel kiên trì quan niệm, tâm linh so với trí tuệ quan trọng hơn nhiều. Havel không rời bỏ tổ quốc, ông luôn cùng đồng bào mình gánh chịu những khổ đau do lịch sử mang lại. Ông cho rằng chỉ có ghé vai gánh vác những vấn nạn lịch sử mới có quyền phát ngôn cho tương lai của tổ quốc. Với ông, kí tên vào một tuyên bố phản đối không phải đơn thuần là kí tên mà là sự lựa chọn. Tâm linh hay trí tuệ cũng là một sự lựa chọn. Kundera hay Havel lại càng là một sự lựa chọn.

Việc náo nhiệt chào đón Kundera và lảng tránh Havel trong thái độ của giới trí thức Trung Quốc cho thấy những điểm tối trong chiều sâu đời sống của giới trí thức đất nước này. Để hiểu kĩ hơn, ta phải ngược dòng lịch sử, lần đến ngọn nguồn của vấn đề.

Từ thời Tiên Tần trở lại đây, trong phổ hệ trí thức của Trung Quốc, người ta nhận ra một điều thật khác thường, đó là chỉ quan tâm đến tìm tòi phát triển trí tuệ quyền mưu mà coi nhẹ tâm linh. Trong số các chư tử thời Tiên Tần ngoài Trang Tử ít nhiều có những yếu tố triết học còn lại chỉ nói đến trí tuệ quyền mưu, tranh cãi về trí tuệ, thi thố các mưu lược. Trung Quốc không có các nhà triết học. Sao lại như vậy? Là vì, giới trí thức Trung Quốc, trong một xã hội tràn lan bạo lực, trong một xã hội cá tính bị đè nén, trong một xã hội không có tự do, làm sao để sinh tồn và được hưởng đời sống sung sướng, tất phải phát huy hết cỡ trí tuệ quyền mưu. Dân chúng Trung Quốc, giới trí thức Trung Quốc tập trung mọi tinh lực để chơi trò trí tuệ, thi thố mưu lược, đấu tranh giành quyền lực. Họ không có điều kiện gieo trồng chăm xóc phần hồn, tức tâm linh, trong cuộc đấu tranh khốc liệt triền miên ấy, đối với trí tuệ, tâm linh không phải là đối thủ.

Hà Phạm Phú: Người Trung Quốc thường nói, tâm linh là phi công lợi, trí tuệ là công lợi. Trí tuệ như một chiếc cân thăng bằng, chúng ta nói một câu, làm một việc thì chúng ta được lợi gì, chúng ta gặp khó khăn trở ngại gì. Còn tâm linh là đôi cánh, không tính toán có thể bay đến mục tiêu hay không, quá trình bay quan trọng hơn là mục tiêu bay đến. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài nhận xét, đọc các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc, thấy trí tuệ mưu lược hơi bị thừa thãi, còn tâm linh, thì rất thiếu. Sự phát triển của trí tuệ và sự thiếu vắng tâm linh là một tình cảnh trái ngược tức tưởi.

K: Đó là một nhận định có cơ sở. Các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, từ thời Chiến Quốc đến thời Tam Quốc và sau này đều đề cao quyền mưu. Mô thức nhân cách lý tưởng của giới trí thức Trung Quốc cổ đại là Gia Cát Lượng. Trí tuệ quyền mưu của Gia Cát Lượng phát triển đến tuyệt đỉnh, nhưng tâm linh thì là một hố đen. Chu Du vì hận Gia Cát Lượng, tức thổ huyết mà chết. Gia Cát Lượng khóc Chu Du. Đó là một cái khóc chính trị, kiểu mèo khóc chuột- đó là khóc giả. Nước mắt ông là do trí tuệ quyền mưu thúc đẩy chứ không phải từ sâu thẳm cõi tâm linh. Nhà văn Lỗ Tấn khi bình nhân vật Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa, nói trí tuệ quá nhiều mà gần đến gian, bởi vì phía sau trí tuệ không có sự nâng đỡ của tâm linh. Tôi cho rằng, đề cao Tam quốc chí là sai lầm vì bộ tiểu thuyết này thiếu hẳn hơi ấm của tâm hồn…

Truyền thống trí tuệ quyền mưu đó phát triển suốt chiều dài lịch sử đã ăn vào huyết thống của giới trí thức Trung Quốc, vì thế họ mới tiếp nhận Kundera, tiếp nhận cái “nhẹ mà cuộc đời có thể gánh chịu”, tiếp thu sự phê phán trào lộng không thương tiếc đối với địch cũng như đối với mình. Họ đồng thời chủ động né tránh Havel, xét tận cùng là né tránh cái gánh nặng mà cuộc đời không thể không gánh, né tránh hiện thực không kháng nghị, không phản đối vì “làm việc đó không biết có hiệu quả gì không”?

Hà Phạm Phú: Lâm Hiền Trị cho rằng giới trí thức Trung Quốc thiếu dũng khí như trí thức Âu- Mỹ. Ông nhắc đến nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn do bất đồng quan điểm mà bị nhà đương cục bỏ tù. Nhưng tù đầy không buộc được nhà văn thay đổi quan điểm. Ở trong tù ông vẫn viết Quần đảo Gulac, tác phẩm sau này chính Borit Enxin phải kí quyết định tặng thưởng nhà nước Nga cho ông.

K: Ở trên tôi đã nói, từ thời Tiên Tần giới trí thức đua nhau làm luận thuyết, rồi bôn ba khắp các nước chư hầu mong thuyết phục quân vương chấp nhận luận thuyết trị nước thôn tính lân quốc của mình. Khổng Tử là một điển hình vĩ đại. Từ khi nho học được các vương triều phong kiến Trung Quốc chấp nhận, đưa lên vị trí thống trị, thì sự độc quyền về tư tưởng đã ăn sâu vào đời sống xã hội, mọi sự cấm kị trở thành tù ngục, tầng lớp trí thức đánh mất vị thế độc lập, đặc biệt độc lập về tư tưởng, trở thành thứ tầng lớp ăn theo, gọi là trí thức cơ hữu.

Quay lại hiện tượng Milan Kundera có thể phát hiện ra rằng, tầng lớp trí thức Trung Quốc cộng hưởng rất mạnh mẽ với ông trong việc diễu cợt, trào lộng nhưng không dám đối mặt với những thua thiệt đời sống, không dám nhìn thẳng vào những kháng cự đổ máu. Thực chất là giới trí thức đã từ bỏ tính độc lập, dấn thân… Thêm một dẫn chứng nữa, vào những năm 1990, Trung Quốc cũng ra sức đề cao Tiền Trọng Thư và Vương Tiểu Ba. Học thuật của Tiền Trọng Thư và ý nghĩa văn hóa của Vương Tiểu Ba là không thể phủ nhận, nhưng họ gần với Kundera hơn là Havel. Họ là những người đứng ngoài quan sát chứ không can dự. Thái độ của họ đối với nhân sinh, lịch sử, đối với đau khổ mất mát đều là thái độ lạnh lùng, du hí. Con mắt trí tuệ của họ nhìn thấu xã hội nhân sinh, nhưng văn chương của họ lại lạnh lùng. Văn chương của họ thiếu cái đặc chất “đại bi mẫn” của phật giáo. Đọc văn chương đầy chất trí tuệ của họ người ta có thể thốt lên, sao lại có thể nghĩ ra được như vậy, sao lại có thể viết ra được những câu cú tuyệt vời như thế, nhưng thật khó khiến người ta rơi nước mắt.

Sự tràn ngập Kundera và sự vắng bóng Havel trên văn đàn Trung Quốc là một con dao hai lưỡi. Nó đặt ra cho giới trí thức Trung Quốc một câu hỏi lớn: Lựa chọn cái gì và gánh vác cái gì?

Vaclav Haven bị cầm tù, chấp nhận tai họa ấy, coi tai họa ấy như bữa ăn hàng ngày phải ăn. Ông nói: “Một người không thể tìm thấy sức mạnh từ bản thân mình, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ bản thân mình, lại dựa vào hoàn cảnh bên ngoài, đem gửi thân vào một nơi nào đó bên ngoài để tìm phương hướng- chẳng hạn một hình thái ý thức, một tổ chức đoàn thể hoặc tìm dựa vào xã hội, như vậy nhìn thì có vẻ hành động, nhưng thực sự con người ấy chỉ biết chờ đợi hay dựa dẫm… Một con người kiên định là con người biết dựa vào bản thân mình, chứ không phải dựa vào người khác, con người ấy có sức mạnh để giữ được tinh thần sáng suốt, nghiêm túc, con người ấy giữ được sự tự khắc chế khỏe mạnh và lí tính, giữ được quan điểm nhìn thế giới độc lập, không thỏa hiệp. Dĩ nhiên, chỉ có người giữ vững lâu dài cái nhìn tổng quát riêng biệt, thì anh ta mới có tín ngưỡng đích thực. Thứ tín ngưỡng đó chính là một thứ trạng thái tâm linh, là một thứ “đối diện với tồn tại”, chứ không phải là một sự đồng thuận mù quáng về một cái gì đó đến từ bên ngoài.”

Ở đây Havel nhấn mạnh đến “tâm linh tự túc”, coi đó là điểm khởi đầu của nhân cách. Ông coi tâm linh quan trọng hơn trí tuệ. Từ cõi lòng mình phát sinh tín ngưỡng, thì tín ngưỡng đó vững bền không thể xô ngã.

Trí thức Trung Quốc chính là đang thiếu cái đó. Sinh tồn là tín ngưỡng cao nhất của họ. Vì sự sinh tồn họ vứt bỏ mọi nguyên tắc, mọi trách nhiệm. Vì sinh tồn, cho nên họ sẵn sàng thỏa hiệp, họ không chấp nhận phê phán những lựa chọn sai của họ. Nếu có ai đó phê phán thì họ cho rằng không hiểu thời cuộc, không đặt mình vào vị trí đó.

Hà Phạm Phú: Tôi cũng có chút thể nghiệm thời kì “đại cách mạng văn hóa” của Trung Quốc. Người Trung Quốc khi nói về thời kì cách mạng văn hóa, thường bao giờ cũng gặp trở lực, hỏi sao biết vu cáo là trái với lương tâm, đánh người là phạm pháp mà không từ chối, không chống lại, thì được đáp lại rằng, liệu khi đó có  thể yêu cầu anh ta làm khác như thế chăng? Những người không tham gia đấu tố, đánh chửi đồng loại là đã ghê gớm lắm rồi. Nhưng, thưa nhà văn, im lặng cũng là một loại phạm tội. Một nhà triết học Đức, năm 1945 đã nói, đại ý, tội ác (gây ra chiến tranh thế giới thứ 2) có tính chất toàn dân, toàn dân chúng ta cần phải sám hối.

K: Giới trí thức có thể coi là giới tinh hoa của xã hội. Đối với chúng ta, chúng ta có thể đòi hỏi và cần phải đòi hỏi đối với trí thức khác đối với người dân thường. Người trí thức không thể thoái thác trách nhiệm trước thời cuộc.

Kundera và Havel là hai trí thức người Séc. Sự lựa chọn triết lí sống của họ khác nhau. Còn nhớ, năm 1990, cách mạng nhung ở Tiệp Khắc thành công, gọi là cách mạng nhung vì không một tấm kính bị đập vỡ, không một chiếc xe bị đốt cháy, Vaclav Havel được bầu làm Tổng thống. Trong diễn văn nhậm chức, ông nói: “Tôi đã tự biến thành quen với chế độ cực quyền chủ nghĩa, tiếp nhận nó như một hiện thực mà cá nhân không thể thay đổi, đồng thời bảo đảm cho nó vận hành… Không có ai làm vật hy sinh đơn thuần cho nó, vì tất cả chúng ta cùng sáng tạo ra nó.”

Hiển nhiên trong toàn cảnh tội ác, tội ác của giới trí thức không thể giảm nhẹ.

Hà Phạm Phú: Nói về văn hóa là nói đến giới trí thức, nói đến giới trí thức là nói đến trách nhiệm của họ đối với xã hội, vì lợi ích của muôn vạn chúng sinh miên man như cỏ.

Vaclav Havel là một trí thức hiện đại. Trong bài nói có tựa đề Trách nhiệm của giới trí thức, ông nói: “Theo nhìn nhận của tôi, người trí thức phải là người, nói một cách khái quát, tập trung sức lực nghiên cứu các sự vật của thế giới này và bối cảnh rộng lớn hơn của những sự vật ấy. Đương nhiên người trí thức không chỉ làm duy nhất một công việc ấy, nhưng họ phải làm với một thái độ chuyên nghiệp. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là nghiên cứu, đọc sách, giảng dạy, sáng tác, xuất bản, diễn thuyết trước công chúng. Thông thường- dù rằng không phải là vĩnh viễn, công việc đó khiến họ tiếp nhận được nhiều những vấn đề phổ biến. Thông thường- dù rằng không phải là vĩnh viễn- việc đó dẫn đến họ cảm thấy có trách nhiệm đối với thế giới hiện tại và thế giới tương lai.”

Thưa nhà văn K, tôi đồng ý với anh, đánh mất tinh thần trách nhiệm cũng là đánh mất sự tôn nghiêm. Sự thiếu vắng của tinh thần trách nhiệm có nghĩa là sự vắng mặt của tâm linh. Không có tinh thần trách nhiệm tức là không có sức mạnh nhân cách. Không có tinh thần trách nhiệm cũng là không có sức xuyên thấu của tư tưởng. Phần tử trí thức trở thành một chiếc thùng rỗng./.

Xin cám ơn nhà văn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

mới tóm cổ được Giang Kim Đạt?


Giang Kim Đạt - Ảnh: Công an cung cấp
Quá trình truy bắt Đạt tưởng chừng đi vào ngõ cụt nhưng lại xuất hiện thông tin từ quần chúng về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt.
Ngày 14-7, Tổng cục An ninh (TCAN), Bộ Công an, đã thông báo kết quả điều tra ban đầu hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ án tham nhũng tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD của Nhà nước.
Theo TCAN, sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thông báo kết luận luận ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, TCAN đã lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin.
Quá trình điều tra đến nay, TCAN chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp Cục An ninh điều tra, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương đã khởi tố 12 vụ, 39 bị can, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 đối tượng.
Trong Chuyên án này, Giang Kim Đạt (37 tuổi, trú tại Q.2, TP.HCM), nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) có dấu hiệu sai phạm “cố ý làm trái mua tàu Hoa Sen” nên ngày 23-8-2010, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với Đạt.
TRUY BẮT QUA NHIỀU NƯỚC, TÌM TỪ NHỮNG MANH MỐI NHỎ NHẤT
Tuy nhiên, bị can bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và gửi thông báo đến Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế ra lệnh truy nã quốc tế.
Quá trình truy bắt tưởng chừng đi vào ngõ cụt nhưng lại xuất hiện thông tin từ quần chúng về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt.
Theo xác minh của Cục An ninh kinh tế tổng hợp, gia đình Đạt có tới 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều ôtô đắt tiền. Khối tài sản lớn đứng tên gia đình Đạt đều hình thành từ sau thời điểm đối tượng làm việc tại Vinashinlines, đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh.
Từ manh mối này, TCAN tiếp tục phát hiện nhiều giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Quá trình xác minh này đã làm rõ số tiền trong tài khoản của ông Hiển liên quan đến các hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của công ty Vinashinlines.
Do đó, ngày 31-12-2014, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt về tội “Tham ô tài sản”; khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Giang Văn Hiển về tội danh “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “che giấu tội phạm” và tiến hành phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản trên toàn quốc để thu hồi.
Đồng thời, cơ quan điều tra đã bổ sung lệnh truy nã đỏ về tội “Tham ô tài sản” đối với Giang Kim Đạt.
Quá trình đấu tranh TCAN đã phát hiện nơi nghi vấn Đạt đang lẩn trốn ở nước ngoài. Nhờ việc phối hợp chặt chẽ về tương trợ tư pháp của Interpol, các cơ quan thực thi pháp luật của các nước nên cơ quan An ninh đã bắt được Giang Kim Đạt, di lý về Việt Nam để điều tra.
Quá trình truy bắt bị can này kéo dài 1.825 ngày đêm.
CHUYỂN TIỀN VÀO TÀI KHOẢN NGƯỜI THÂN, MUA BIỆT THỰ TẠISINGAPORE
Tại cơ quan điều tra, Giang Kim Đạt đã khai nhận hành vi phạm tội của mình trong việc gửi giá, nâng khống hợp đồng mua tàu và khai thác tàu, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Cụ thể, trong thời gian làm việc ở công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Đạt là Quyền Trưởng phòng Kinh doanh, chuyên tham mưu cho Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Từ đó, bị can này đã cấu kết với nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng, cụ thể hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch so với giá trị.
Điển hình trong thương vụ mua 7 tàu từ nước ngoài, Đạt trực tiếp tham gia đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen). Đạt thỏa thuận với các công ty bán tàu hưởng hoa hồng 1%, tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Thương vụ này Đạt hưởng bất chính 1 triệu USD.
Trong quá trình khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Lợi dụng quyền hạn này, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch. Theo đó, tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 17,6 triệu USD.
Để nhận số tiền này, Giang Kim Đạt đã bàn bạc với bố là ông Giang Văn Hiển lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau như ACB, Eximbank, Vietcombank, Sacombank... Sau đó, số tiền chênh lệch được đối tác nước ngoài chuyển thẳng vào tài khoản của ông Hiển. Khi nhận được tiền, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân.
Trong tổng số 18,6 triệu USD chiếm hưởng bất chính, ông Hiển đã đưa cho Đạt chi tiêu cá nhân, số tiền còn lại được sử dụng mua bất động sản và 5-6 xe ô tô đứng tên người thân.
Ngoài ra, tại Singapore Đạt đứng tên mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu đô la Singapore. Trước đó, Đạt mua căn hộ khác tại đảo SentosaSingapore nhưng đã bán.
            Theo đánh giá của TCAN, đây là vụ án tham ô, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát số tiền lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư.
Hiện, TCAN đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án, sớm đưa đối tượng ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Minh Quang-Cầm Văn Kình/TTO

Phần nhận xét hiển thị trên trang