Vương Trí Nhàn
Một tài xế taxi ở Sài Gòn có lần nói thẳng với tôi:
- Bây giờ thì chẳng ai nhường đường cho ai nữa, ai cũng cố chen lên bằng được, thành thử đường càng thêm kẹt. Mà con người sao đối xử với nhau quá tệ. Con người bây giờ ác quá!
Nhận xét ngẫu nhiên của người tài xế đã chạm tới mối quan hệ giữa người với người trong đời sống hàng ngày, mà giao thông chỉ là một khía cạnh.
Lẽ ra chúng ta phải nhìn những người đang ngồi trên chiếc xe bên cạnh xe mình với cặp mắt thiện cảm.
Cùng dân thành phố với nhau, cùng lo làm ăn công chuyện, lẽ ra phải giúp đỡ và chia sẻ với nhau.
Đằng này hình như mỗi người cùng đi với ta trên đường là đối tượng cạnh tranh với ta, là kẻ ngăn cản ta trong cuộc mưu sinh quyết liệt, kẻ làm hỏng mất dự định tốt đẹp mà ta đang theo đuổi. Giữa những người cùng đi đường tự lúc nào đã nảy sinh cái quan hệ giữa các đối thủ.
Có ai muốn đâu nhưng sao lại có cuộc biến hình khốn khổ vậy!
Chú ý tới một khá cạnh tâm lý nữa: sau khi phải vượt qua một chặng đường chen chúc khó chịu, nhiều người cảm thấy mệt nhoài. Sinh ra nản lòng. Sinh ra ngán ngẩm. Cảm thấy mình không được tôn trọng. Tự thấy mình như bị đọa đày, lại thấy mình có quyền hư hỏng cho đỡ bực…
Có thể tôi đã phóng đại một chút nhưng đó chính là một phần những chấn thương tâm lý mà tình trạng giao thông căng thẳng đã mang lại cho xã hội.
Tôi lại nhớ tới những chấn thương khác.
Năm 18 tuổi, từ Hà Nội tôi vào thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, học trường Đại học Sư phạm. Đi cắt hộ khẩu, một việc bình thường mà tôi phải chầu chực, rồi bị vặn vẹo tới mức phải ra ngoài khóc mới đủ sức vào làm tiếp. Gần nửa thế kỷ đã qua, đến nay trong lòng tôi câu chuyện vẫn còn in hằn như vết sẹo.
Con của anh bạn dạy tiếng Anh ở một trường trung học cơ sở mới đây đã xin nghỉ việc để đi làm cho một công ty nước ngoài. Anh bạn cho rằng chỉ vì thu nhập?! Không hẳn. Ở Hà Nội hiện nay chỉ cần biết chút tiếng Anh cũng sống được.
“Khổ nhất với cháu bây giờ là không yêu được học sinh. Chẳng những dốt, lười mà còn… láo với mình nữa chứ. Bài làm mình vừa trả, nó nhìn qua rồi liệng ngay xuống đất. Chỉ vào lớp năm phút nhiều khi cháu đã muốn bỏ lớp để đi. Thế thì làm sao tiếp tục công việc mà người ta bảo là thiêng liêng này được nữa”. Tôi không còn biết khuyên bảo gì nữa khi nghe cháu nói vậy.
Trong các gia đình, các bậc cha mẹ đang phải chứng kiến một lớp trẻ chán chường.
Trẻ không thiết học.
Trẻ không tìm thấy niềm vui sống.
Trẻ nhìn người lớn bằng con mắt nghi ngại, căm ghét.
Thế có nên đổ hết lỗi cho lớp trẻ? Không đúng!
Mặc dầu chúng ta đã tìm hết cách để hạn chế việc đưa tin gọi là tiêu cực trên mặt báo, song ai cũng hiểu là làm sao ngăn chặn hết được cuộc đời ùa vào tai con em chúng ta.
Chỉ cần ra phố, chỉ cần ngồi với một đám bạn bè, chỉ cần nhìn cảnh một phiên tòa trên truyền hình hay lắng nghe câu chuyện qua lại giữa bố mẹ bên mâm cơm… bọn trẻ đã hiểu hết tất cả.
“Cá nhân cảm thấy không thể ảnh hưởng tới hoàn cảnh xã hội đang sống, không tìm được chuẩn mực đúng đắn cho mọi hành vi của bản thân và tự nhiên cuộc đời mất đi khá nhiều ý nghĩa đáng lẽ phải có. Khi nhận ra mọi giá trị đảo lộn, họ cảm thấy chỉ có thể đạt tới mục đích của mình bằng những con đường bất hợp pháp.
Trong khi trở nên càn rỡ hư hỏng, họ vẫn cảm thấy cô đơn và không ai hiểu hết cho mình…”.
Đó là nội dung của khái niệm tha hóa được các nhà xã hội học hiện đại miêu tả, và được ghi lại trong cuốn “Từ điển xã hội học” do nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện chủ biên.
Không còn phân biệt đúng sai, mất lòng tin ở chung quanh và chính mình, không còn cảm thấy cái gì là thiêng liêng, nghe mấy chữ “tình người“ giống như một lời đùa cợt, thấy ai giàu… lập tức nghĩ ngay rằng người ấy không làm ăn bất hợp pháp thì cũng tham nhũng, ăn cắp…
Bằng kinh nghiệm của mình và những người xung quanh, tôi cảm thấy lúc nào cũng có thể bổ sung những chi tiết tương tự để vẽ nên tâm lý con người hiện đại.
Người xưa có câu “cái vạ chết lòng” là chỉ cái ý này.
Trong các sách sinh học, người ta nói rằng trước khi chết thực sự, thật ra “cái chết bộ phận” diễn ra thường xuyên trong mỗi sinh vật.
Cái sự “chết lòng” nói ở đây cũng dùng theo nghĩa đó. Tôi không nói tất cả, nhưng quả thật tình trạng “một cái chết dần mòn của những gì tốt đẹp” không xa lạ với nhiều người.
Với lớp lớn tuổi thì còn đỡ.
Ta tìm cách chống lại.
Rồi ta có vẻ khỏi bệnh.
Rồi ta lại mắc tiếp.
Đến như lớp trẻ thì bệnh trạng phát triển rất nhanh và nhiều trẻ đang nhoài ra khỏi tầm tay chúng ta để sống với niềm tin của những kẻ sống để trả thù đời, bất cần, phá phách. Khi người ta trẻ thì các chấn thương càng nặng.
Nguồn: FB Vương Trí Nhàn
Phần nhận xét hiển thị trên trang