Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

HD-981 và ba mũi giáp công của Trung Quốc....


Trọng Nghĩa
RFI - Ngày 25/06/2015, Bắc Kinh bất ngờ sử dụng trở lại biểu tượng của thái độ quyết đoán của Trung Quốc đối với Việt Nam tại Biển Đông : Giàn khoan nước sâu HD-981. Giàn khoan mà Trung Quốc đã cho hạ đặt trong vùng thềm lục địa của Việt Nam vào tháng Năm năm 2014, lần này cũng được đưa xuống Biển Đông, hướng về phía Việt Nam, nhưng nằm sát khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Đối với giới phân tích, mục tiêu hù dọa Việt Nam của Trung Quốc quả thật đã rõ ràng, vì hành động di chuyển giàn khoan được tiến hành và loan báo đúng vào thời điểm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đi Mỹ, trong một chuyến đi được đánh giá là lịch sử, có khả năng đưa quan hệ Hà Nội - Washington chuyển sang một giai đoạn mới, điều mà Bắc Kinh không hề mặn mà.

Ý nghĩa gây sức ép lại càng mạnh hơn trong bối cảnh Trung Quốc, bất chấp những lời phản đối của quốc tế, vẫn tiếp tục xúc tiến các công trình xây cất trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp lên từ những bãi ngầm hay rạn san hô ở vùng quần đảo Trường Sa, những thực thể mà họ đã đánh chiếm từ tay Việt Nam và Philippines hàng chục năm trước đây. Điểm hệ trọng là Bắc Kinh đang cho xây dựng những cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự trên các đảo nhân tạo đó.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine Hoa Kỳ) đã ghi nhận ý đồ của Trung Quốc muốn hù dọa Việt Nam khi cho di chuyển giàn khoan HD-981 xuống gần Việt Nam, bên cạnh hai mục tiêu khác là : (1) thăm dò phản ứng của Việt Nam ; (2) đánh lạc hướng dư luận thế giới đang chú mục vào việc Trung Quốc xây căn cứ quân sự tại Trường Sa.

Hù dọa để Việt Nam không xích lại gần Mỹ

Điều khiến Bắc Kinh quan ngại là Việt Nam có thể thắt chặt thêm quan hệ với Mỹ nhân chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng, và theo Giáo sư Long, mục tiêu hù dọa đó sẽ thất bại. Thậm chí, như nhận xét của hãng tin Anh Reuters, việc Trung Quốc viện đến giàn khoan HD-981 còn có tác dụng củng cố thêm ý muốn siết chặt quan hệ với Mỹ của Việt Nam.

Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, sự chuyển dịch của giàn khoan HD-981 đã nêu bật tình trạng Việt Nam đang phải chịu đến ba « mũi giáp công của Trung Quốc ; hai mũi trên Biển Đông là các cứ điểm quân sự đã và đang hoàn thành của Trung Quốc trên Biển Đông đặt ở hai vị trí yết hầu là Hoàng Sa và Trường Sa, và mũi thứ ba trên bộ là từ vùng biên giới với Cam Bốt ở phía Tây nam Việt Nam.

Chiến lược chung của Trung Quốc, tuy nhiên, theo giáo sư Long, lại là « giương đông kích tây », gây huyên náo tại vùng biên giới Việt Nam-Cam Bốt, đưa giàn khoan xuống gần Vịnh Bắc Bộ để thu hút sự chú ý của mọi người, trong lúc vẫn im lìm tiến hành xây dựng căn cứ quân sự tại vùng Trường Sa, đặt khu vực và thế giới vào tình thế sự đã rồi khi Trung Quốc hoàn tất công việc của mình.

Để đối phó với mưu toan áp đặt sự đã rồi của Trung Quốc trên Biển Đông, ngoài việc phải vận động công luận trong và ngoài nước, Giáo sư Long cho rằng Việt Nam cần mạnh dạn tham gia các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, cùng với các nước khác như Mỹ, Nhật, Úc ...

HD-981 hiện gần Việt Nam hơn năm 2014

Ngô Vĩnh Long : Theo một số bài báo, tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2015 thì giàn khoan Hải Dương 981 đã được neo ở cách đường ranh giới phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 1 hải lý. Nếu đúng, thì vị trí của giàn khoan kỳ này gần đất liền Việt Nam hơn rất nhiều so với điểm Trung Quốc đã đặt giàn khoan này vào tháng 5 năm 2014.

Tôi nghĩ Trung Quốc họ muốn trêu chọc Việt Nam. Nếu chia từ Hải Nam đến Việt Nam, thì trong vùng Vịnh Bắc Bộ, nó nằm 1 hải lý về phía bên Trung Quốc chứ chưa nằm bên phía Việt Nam.

Ba mục đích : Gài bẫy, đánh lạc hướng, hù dọa

Ngô Vĩnh Long : Theo tôi, Trung Quốc để giàn khoan ở đó để nhử, nếu Việt Nam phản ứng thì họ sẽ nói : « Thấy không ? Mình đang neo cái giàn khoan này ở trong vị trí của đất mình, mà bọn Việt Nam lại la lối um xùm ! ».

Rồi nếu các nước khác ủng hộ Việt Nam, thì Trung Quốc cũng nói là mọi người đều xúm lại bắt nạt Trung Quốc, Trung Quốc là một nạn nhân, Trung Quốc không thể để cho bị bắt nạt mãi, cho nên Trung Quốc phải cứng rắn hơn !

Tôi nghĩ đó cũng là lý do vì sao Trung Quốc mới ra cái đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia, nói rằng Trung Quốc không thể bị bắt nạt mãi, nếu ai bắt nạt họ thì họ sẽ phải cứng rắn hơn, sẽ dùng võ lực đánh các nước khác để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc... Vấn đề đưa giàn khoan vào sát gần Việt Nam là một cái cớ để đưa ra luật đó, và dùng luật đó như là một bước mới để lấn chiếm Biển Đông.

Mục đích thứ hai là đánh lạc hướng dư luận thế giới để Trung Quốc có thể tiếp tục hoàn tất các cơ sở quân sự trên các đạo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Trường Sa.

Và mục đích thứ ba, mà tôi cho là mục đích chính, là để hù dọa Việt Nam trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, ngỏ hầu Việt Nam sẽ không dám siết chặt thêm quan hệ với Mỹ.

Quan hệ Việt Mỹ vẫn sẽ được siết chặt thêm 

Ngô Vĩnh Long : Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ siết chặt thêm một mức mối quan hệ với Mỹ.

(1) Ông ấy là nhân vật chóp bu của đảng cầm quyền ở Việt Nam, cho nên cuộc viếng thăm Mỹ có tính cách biểu tượng rất quan trọng trong thời điểm hiện tại. Mỹ và Việt Nam muốn chứng minh rằng quan hệ giữa hai nước đang được củng cố chủ yếu là vì lợi ích của hai nước và an ninh chung của khu vực.

Đối với Mỹ, việc này gởi thông điệp đến nhiều người “chống Cộng” ở Mỹ là ý thức hệ không còn là rào cản đối với nỗ lực phát triển quan hệ giữa hai nước.

(2) Chuyến đi, dù chỉ có hai ngày, nhưng khẳng định bản Tuyên bố chung về Tầm nhìn Chiến lược mà Bô trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã ký đầu tháng Sáu năm nay (2015) và như thế sẽ giúp đưa quan hệ Việt-Mỹ tiến đến mục tiêu “đối tác chiến lược toàn diện.”

(3) Chuyến đi cũng sẽ giúp cho việc vận động dư luận Mỹ ủng hộ hiệp định “Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Partnership, TPP)... Nếu được thông qua, hiệp định này sẽ có lợi cho Việt Nam và Mỹ trên nhiều mặt, trong đó có việc phát triển kinh tế và củng cố an ninh cho toàn khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đang bị 3 gọng kềm : Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới Cam Bốt  

Ngô Vĩnh Long : Nếu chỉ tính Biển Đông, Việt Nam đang nằm giữa hai gọng kềm. Giàn khoan HD-981 chỉ là công cụ Trung Quốc xê dịch để thách thức, chứ quan trọng nhất là việc Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa, đã xây dựng cơ sở quân sự trên đó, thành lập thành phố Tam Sa trên đó để từ đó chỉ huy toàn bộ khu vực Biển Đông.

Cho nên, dù không có giàn khoan HD-981 được đẩy tới, đẩy lui, thì trên thực tế, Hoàng Sa với những cơ sở quân sự đó, đã là một cái gọng kềm gần Việt Nam nhất. Trong mấy năm qua, chúng ta đã nói nhiều lần là phải chú ý đến Hoàng Sa, một cái yết hầu của toàn Biển Đông...

Hiện nay, ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc lại lập cơ sở quân sự trên 7 đảo ở Trường Sa, và tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ không ngừng ở đó, mà sẽ tiếp tục.

Để có thể tiếp tục, Trung Quốc đã mở một mũi (tấn công) khác : Thúc đẩy gây rối ở vùng biên giới phía Tây nam của Việt Nam, tức là vùng biên giới với Cam Bốt.

Đúng là Việt Nam đang bị “3 mũi giáp công” của Trung Quốc, hai mũi từ biển (Hoàng Sa, Trường Sa) và một mũi từ đất liền, (biên giới Tây nam với Cam Bốt). Đây là chiến lược “giương đông kích tây” của Trung Quốc.

Báo chí gần đây có nói đến sự cố ở cột mốc 203 ở biên giới Tây Nam... Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề ngẫu nhiên. Những nhà nghiên cứu vấn đề dọc biên giới Việt Nam đã thấy là trong mấy tháng gần đây căng thẳng đã có ở hầu như gần hết tuyến biên giới giữa Cam Bốt và Việt Nam trong khi Trung Quốc đang bồi đắp các bãi chìm ở Trường Sa và xây dựng các căn cứ quân sự.

Chiến lược giương đông kích tây

Thành ra Trung Quốc rõ ràng là có chiến lược giương đông kích tây, làm cho nhiều người không hiểu là mục đích chính của Trung Quốc là gì. Theo tôi, đó là tiếp tục xây căn cứ ở Trường Sa,

Các căn cứ này có cảng nước sâu có thể giấu tàu ngầm ở đó, có ăng ten liên lạc vệ tinh, có tháp radar, v.v.

Việc quân sự hóa các đảo nhân tạo này không những là đe dọa đối với Việt Nam và các nước nhỏ khác trong khu vực mà còn là thách thức đối với những nước ngoài khu vực, đặc biệt là đối với Mỹ.

Từ bốn, năm năm nay, Trung Quốc đã cố ý thách thức Mỹ, chĩa mũi dùi vào Mỹ, bởi vì nếu Mỹ im lặng hay nhẹ tay thì Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn lướt. Cho nên, tôi thấy phản ứng (cứng rắn) của Mỹ mấy tháng gần đây là đúng hướng, vì nếu không thì Trung Quốc sẽ cứ tiếp tục khiêu khích, cứ tiếp tục xâm chiếm.

Trung Quốc sẽ tiếp tục "tằm ăn dâu" để áp đặt "sự đã rồi"

Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ sắp tới đây Trung Quốc sẽ tiếp tục những động thái “tầm ngặm dâu” (salami slicing). Họ nghĩ rằng nếu cứ hai bước tiến, một bước lùi nhẹ nhàng, không thách thức mạnh lắm, thì họ sẽ dần dần chiếm được Biển Đông, dần dần tạo ra được tình trạng « sự đã rồi » (fait accompli).

Theo tôi, Mỹ và các đồng minh phải vận động các nước trong khu vực cùng nhau tuần tra trên Biển Đông cũng như xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang xây các căn cứ quân sự. Nếu không thì Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới coi như là Việt Nam, Mỹ, hay là các nước khác đã chấp nhận « sự đã rồi ».

Trong trường hợp đó thì Trung Quốc càng làm tới và Mỹ sẽ mất rất nhiều uy tín. Nếu Mỹ mất uy tín, Trung Quốc sẽ cứ tấn công tới. Thành ra những động thái của Mỹ như trong vài tháng nay, đặc biệt là nâng cấp hợp tác quân sự với Việt Nam, đã đi đúng hướng, và tỏ ra là Mỹ đã có thái độ rõ ràng và cương quyết.

Khi mà Mỹ đã làm việc đó rồi thì Mỹ không thể lùi được, vì lùi sẽ bị xem là con hổ giấy, khiến cho các nước khác trong khu vực, kể cả Việt Nam, nói rằng Mỹ không đáng tin cậy. Và như vậy thì Mỹ, vốn đã tốn rất nhiều công, sẽ không được gì.

Cho nên tôi nghĩ rằng quan hệ Mỹ-Việt sẽ càng ngày càng được siết chặt, việc mời ông Nguyễn Phú Trọng là một biểu tượng, để cho thấy rằng hai bên sẵn sàng bỏ qua vấn đề ý thức hệ, hay tạm gác những vấn đề chưa đồng ý, để có thể cùng nhau bảo vệ lợi ích của nhau, cũng như của những nước khác trong khu vực.

Việt Nam đã bắt đầu có tiếng nói rõ ràng và kiên quyết hơn

Ngô Vĩnh Long : Ba tờ báo Việt Nam như Vnexpress, Vietnamnet, Giáo Dục Việt Nam, dường như mỗi tuần đều có bài nói về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra ; vừa qua có một bộ phim 5 tập, được chiếu ở Việt Nam rồi được đưa lên Youtube và một vài chỗ khác. Rõ ràng là Chính phủ Việt Nam nghĩ rằng bây giờ phải tích cực vận động quần chúng trong nước. Và dư luận thế giới, vì bây giờ cũng có nhiều bài của một số người trong nước, viết bằng tiếng Anh, gởi đăng trên các báo nước ngoài.

Tôi thấy rằng Việt Nam đang có tiếng nói rõ ràng và cương quyết, và điều đó rất quan trọng vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông, nếu Việt Nam không lên tiếng thì khó có thể giúp các nước như Mỹ vận động quần chúng họ để ủng hộ Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi các nước xung quanh Biển Đông.

Nên tuần tra chung với Mỹ, Nhật, Philippines ....

Trước mắt, Việt Nam nên tham gia các hoạt động tuần tra chung với Mỹ, Nhật, Úc, Phillippines, Ấn độ, Hàn Quốc, trên Biển Đông. Nếu một mình Việt Nam thì khó có thể bảo vệ lợi ích của Việt Nam, mà Việt Nam tuần tra một mình, thì Trung Quốc có thể tạo các sự cố, rồi lại bắt nạt Việt Nam.

Nhưng nếu Việt Nam tham gia các hoạt động tuần tra chung với các nước như tôi vừa kể, thì tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phải e dè. Họ có thể đánh một nước như Việt Nam hay Philippines được, nhưng khó có thể đánh những nước lớn khác mà không bị thiệt thòi.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dư luận quốc tế về chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng:

 Carl Thayer
Người dịch: Trần Văn Minh
06-07-2015
Ngoại trưởng John Kerry trong lần gặp TT Nguyễn Tấn Dũng ngày 16-12-2013. Nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Ngoại trưởng John Kerry trong lần gặp TT Nguyễn Tấn Dũng ngày 16-12-2013. Nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Trong một hành động chưa từng có, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thăm Hoa Kỳ.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ đến thăm Washington từ ngày 6-9 tháng 7 để kỷ niệm hai mươi năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của ông Trọng là chưa từng có bởi vì nó đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ chính thức.
Nguồn tin ngoại giao cho biết, Việt Nam đã vận động cho chuyến thăm này và một điểm khúc mắc là thể thức đón tiếp. Phía Việt Nam muốn Tổng Bí thư Trọng được Tổng thống Barack Obama đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc. Điều này nảy ra vấn đề về thể thức đón tiếp vì Tổng Bí thư Trọng không có đối tác tương ứng trong hệ thống chính trị của Mỹ.
Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Tổng Bí thư Trọng sẽ được Phó Tổng thống Joe Biden đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc và Tổng thống Barack Obama sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận. Có tin đồn rằng ông Trọng có thể sẽ gặp bà Hillary Clinton.
Năm 2013, Tổng thống Obama và người đồng cấp của Việt Nam là ông Trương Tấn Sang đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện. Đây là tài liệu khung quan trọng cho quan hệ song phương. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung tại Hà Nội với đối tác là Đại tướng Phùng Quang Thanh, đã đặt ra mười hai lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong tương lai.
Cuộc gặp mặt của 2 ông Obama – Trọng rất quan trọng vì cả hai nhà lãnh đạo sẽ rời nhiệm sở trong năm tới. Bất cứ sự hiểu biết nào đạt được trong chuyến thăm của ông Trọng sẽ đặt nền móng cho quan hệ Mỹ-Việt, trong khi tiến trình thay đổi lãnh đạo đang diễn ra ở cả hai nước.
Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016. Đại hội này sẽ thông qua văn bản chính sách chiến lược quan trọng cho 5 năm tới. Nổi bật kể từ cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu HD 981 từ tháng 5 tới tháng 7 năm ngoái, một số ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản đã đến thăm Mỹ, gồm ông Phạm Quang Nghị (bí thư thành ủy TP Hà Nội) và Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ công an).
Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thực hiện một chuyến thăm bên lề tới Washington sau khi xuất hiện tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng có thể thực hiện một chuyến thăm, theo tin đồn.
Các nhà phân tích nước ngoài, trong một nỗ lực làm cho hệ thống quyết định chính sách mơ hồ của Việt Nam có ý nghĩa, đã thừa nhận sự tồn tại của cánh bảo thủ và cải cách trong Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Trọng thường được mô tả như là một nhà bảo thủ, giáo điều, ủng hộ mối quan hệ thân mật với Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem như một nhà cải cách, đang tìm kiếm quan hệ kinh tế gần gũi hơn và có thể là an ninh với Hoa Kỳ. Ông Dũng được đồn đoán đang mưu tìm vị trí Tổng Bí thư đảng tại Đại hội toàn quốc năm 2016.
Có vẻ như sự sắp xếp giữa các phe phái trong Bộ Chính trị mờ ảo và phức tạp hơn. Bản chất cá nhân đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một đối thủ của ông Dũng, được cho là về phe với ông Trọng. Ông Sang thường được đặt vào phe thân Trung Quốc. Nhưng các nhà ngoại giao phương Tây biết rõ về ông Sang, cho rằng ông có thể rất không ưa Trung Quốc.
Việt Nam không thể chọn láng giềng và một châm ngôn muôn đời của chính sách an ninh quốc gia Việt Nam là tránh có những căng thẳng thường trực trong quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam theo đuổi cách tiếp cận đa phương trong quan hệ với các nước lớn, điều này gồm không chỉ với Trung Quốc và Hoa Kỳ mà còn với Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.
Nhưng với nguyên tắc này, ít nhất hai câu hỏi lớn nảy sinh trong việc phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ: Phản ứng của Trung Quốc sẽ là gì? Và có thể tin đươc Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết của họ? Nỗi sợ hãi lớn nhất của các nhà phân tích an ninh quốc gia Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đến gần với nhau hơn trong sự trả giá của Việt Nam.
Điều này diễn ra như thế nào trong quan hệ với Hoa Kỳ? Việt Nam cần tiếp cận với thị trường Mỹ, nơi mà Việt Nam có thặng dư thương mại khổng lồ. Điều này giúp cân bằng sự thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc. Nhưng những người có quan điểm Việt Nam nên tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ bị chống lại bởi những người cho rằng Hoa Kỳ tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bằng cách sử dụng nhân quyền và tự do tôn giáo như là đòn bẩy để thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, để biến nhà nước độc đảng thành một nước dân chủ đa đảng.
Những đảng viên lo sợ phản ứng của Trung Quốc trước sự gia tăng quan hệ Mỹ-Việt lớn tiếng hỏi các đảng viên phía bên kia, là những người ủng hộ [quan hệ] gần hơn với Mỹ: Mỹ đã làm gì cho Việt Nam? Họ tự trả lời câu hỏi bằng cách chỉ ra sự phân biệt đối xử của Mỹ trong chuyện mua bán vũ khí và những gì họ cảm nhận như là sự thất bại trong việc giải quyết “di sản chiến tranh” – chất độc Da cam (nhiễm độc dioxin) và xử lý bom mìn chưa phát nổ. Hai vấn đề này đã được đề cập nhiều lần trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Việt.
Nói cách khác, Hoa Kỳ phải chứng minh ý định tốt của mình bằng cách loại bỏ tất cả các hạn chế của Quy định về Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR) trong việc bán vũ khí cho Việt Nam. Hiện nay, chính sách của Mỹ là bán vũ khí có tính chất phòng thủ cho Việt Nam – chủ yếu liên quan đến an ninh hàng hải và xây dựng năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam – trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Trong khi Mỹ đang giải quyết các điểm nóng của chất độc Da cam và hỗ trợ trong việc xử lý các vật liệu chưa nổ, một số đảng viên muốn nhìn thấy những nỗ lực này được đẩy mạnh và tài trợ nhiều hơn.
Những vấn đề này nổi lên trong chuyến thăm của ông Carter đến Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi kết thúc tất cả các hạn chế về việc bán vũ khí và tách việc bán vũ khí ra khỏi các vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, Việt Nam đã phóng thích Lê Thanh Tùng, một nhà đấu tranh nổi bật, vào đêm trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Trọng, như một món quà rẻ tiền cho Hoa Kỳ.
Chuyến viếng thăm của Tổng Bí thư Trọng tới Washington và cuộc gặp Tổng thống Obama sẽ được Việt Nam hiểu như công nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Chuyến thăm của ông Trọng sẽ đặt tiền lệ cho những chuyến thăm trong tương lai của các lãnh đạo đảng từ Việt Nam. Với mức độ nhất định, chuyến thăm của ông Trọng sẽ trấn an giới bảo thủ trong đảng – nếu Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam bằng “diễn biến hòa bình” thì tại sao Tổng thống Obama đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam?
Các chuyến thăm của Tổng Bí thư Trọng và các ủy viên Bộ Chính trị khác đến Hoa Kỳ sẽ giúp họ đánh giá lộ trình tương lai của mối quan hệ song phương và quan trọng hơn, sự đánh giá của họ về việc liệu có thể tin tưởng Mỹ là một đối tác đáng tin cậy hay không. Những đánh giá này sẽ được đưa vào văn bản chính sách chiến lược quan trọng, sẽ được soạn thảo và phê duyệt bởi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Hai kết quả chính của cuộc họp giữa ông Trọng và Obama có khả năng định hình con đường tương lai mối quan hệ song phương: cam kết của Việt Nam với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và thỏa thuận hướng về phía trước và dần dần gia tăng thương mại quốc phòng (với việc loại bỏ tất cả các hạn chế còn lại của ITAR). Việt Nam cũng sẽ hài lòng nếu Tổng thống Obama tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện cam kết trong những ngày đầu rằng ông sẽ cố gắng làm hết sức để đến thăm Hà Nội trước khi chấm dứt nhiệm kỳ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

CHÙM THƠ VUI CỦA NHÀ THƠ XUÂN ĐAM

Xuân Đam




Ở Thái Bình Xuân Đam nổi tiếng về tài thơ và đặc biệt về thơ lục bát - cả thơ vui viết ở thể lục bát cũng là một "thi sản" đáng giá của ông. 
Nay Xuân Đam đang lâm trọng bệnh, sự sống chắc chỉ còn tính bằng ngày, bằng tuần. Bạn bè đang lo biên soạn và in Tuyển tập thơ - văn Xuân Đam.
Qua trang TRANNHUONG.COM, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ vui, trong có bài vừa sáng tác nhân cảm hứng về Đại Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 sắp diễn ra, của nhà thơ Xuân Đam.
TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI
Trước thềm đại hội văn nghê
Biết bao nhiêu chuyện khen chê bình nghì
Ông thì tự kỷ ám thì
Ông thì chính trị chỉ vì chính em!
Ông thì hạnh kiểm hơi kem
Suốt ngày chai rượu nắm nem quán xà.
Viết bài cá độ bóng đa
Có ông họa hổ hóa ra con chò
Ông thì đánh trống khua mo
Đại gia văn nghệ đi mò phong bi…
Ông thì đạo mạo anh chi
Trước mặt nói tốt, sau thì nói xâu
Tăng lương còn muốn nhiều lâu
Văn chương nước mắt cá sâu thường tình.

Còn bao cây bút chân chinh
Bắt cóc bỏ đĩa, mở bình uống rươu
Nhân tài nước Việt không thiêu
Cũng nên sáng suốt bầu nhiều thường vu
Xin đừng bình mới rượu cu
Tâm hồn hãy nở những nu hoa đời
Văn chương nào phải trục lơi
Vườn trần đừng để thằng cười nghịch thơ.




HỎI CHUYỆN PHONG BÌ


Hỏi tên: Chủng tộc phong bì
Hỏi quê: Ta với nước gì gần nhau
Hỏi tuổi: Rằng buồn từ lâu
Hỏi nghề: Thư báo, về sau Thư tiền

Đồng Ơ, đồng Tệ, đồng Yên
Nói chung là hội chứng nghiền Đô la
Chuyển trường, khám bệnh, thanh tra
Đấu thầu, kiện tụng, làm nhà, đi thi…

Đầu tiên là cái phong bì
Cái gì cũng phải cái gì…mới xong!
Lối này huyết mạch khai thông
Quan bà nhận giúp quan ông đều nghiền

- Mi làm pháp luật quên nghiêm
Bôi nhọ gương chữ thanh liêm công đường
Làm suy vong vị cương thường
Phong bì há miệng dương dương: Cười khì!


THOÁT NGHÈO


Tôi viết một chuyện buồn cười
Vợ tôi lĩnh nhuận…60 ngàn đồng
Bởi tôi nói khoác như rồng
Bảo "sáu triệu đồng", cả phố đều khen
Rằng cô ấy thật có duyên
Lấy được nhà báo kiếm tiền như chơi!
Nào ngờ lãnh đạo đến nơi
Trao cho quyết định: vợ tôi "thoát nghèo!"?
Bảo hiểm trợ cấp phăng teo
Ba mươi Tết có thơ treo trong nhà
Tôi bèn rao giảng: vợ à
Tinh thần tư tưởng mới là đầu tiên
Bao năm giặc giã liên miên
Bọn anh đã biết tiến lên ào ào…

Con cò đỗ cọc cầu ao
Một anh nói khoác khổ bao nhiêu người!




NHẬT KÝ


Sáng nay em bảo lau nhà
Tình ta nhẵn thín như là gạch men

Đom đóm lấy đít làm đèn
Người ta cúp điện mình quen ngủ mò

"Thằng Bờm có cái quạt mo"
Thấy mình hoàn cảnh nó cho không mình

Em là bác sỹ thần kinh
Để anh điên dại vì tình sao đương

Rủ nhau viếng mộ Tú Xương
Ông rằng: Mày trượt yêu thương còn nhiều!

Chiều ra ngủ trọ xóm liều
Mọi người kính nể tình yêu anh già

Chết đi đừng biến thành ma
Biến thành chai rượu để mà lan man…




CHẾT Ở LÀNG


Qúy ông là một đại gia
Qua Mỹ, đến Nhật, sang Nga, ghé Tầu
Về tới nước đã từ lâu
Vàng đô rủng rỉnh, nhà lầu nguy nga

Hiểu hay chưa hiểu - Làng ta,
Bùn lầy nước đọng gọi là quê hương
Chồn chân gạc đất tứ phương
Hơi tàn ông lại về nương đất làng!

Mấy tập ông "cúng" Thần hoàng
Dù sống hay chết… rõ ràng còn thiêng
Dân làng kẻ cuốc người khiêng
Vai mòn khố rách, xóm giềng có nhau

Đưa ông về với đất sâu
Luân hồi tưởng ngắn ngờ đâu cũng dài!


Tu Tran Nhuong.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc đang đánh mất Đông Nam Á như thế nào?

Tác giả: Ravi Velloor

Người dịch: Trần Văn Minh

Minh họa: MIEL
Minh họa: MIEL
Khu vực này có thể phụ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng, nhưng sự phụ thuộc đó là hỗ tương, điều mà Trung Quốc dường như bỏ quên.
Ông Rafael Alunan, Bộ trưởng Nội vụ của Philippines dưới thời tổng thống Fidel Ramos, nhớ lại ngày người Trung Quốc bước vào bãi đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa, một khu vực ở Biển Đông mà những người đồng hương của ông đã từ lâu xem là của họ. Ba năm trước đó, vào năm 1992, người Mỹ đã rút khỏi vịnh Subic và căn cứ không quân Clark. Không có sự che chắn bảo đảm, ông Ramos là một tướng về hưu, có rất ít lựa chọn.
Ông Alunan nói: “Chúng tôi thức dậy vào một buổi sáng với một vết đâm sau lưng. Khi chúng tôi chất vấn Trung Quốc, họ nói với chúng tôi họ ở đó để xây dựng cấu trúc tạm thời cho ngư dân. Lo ngại của chúng tôi đã chứng minh là đúng. Hôm nay, nó là một căn cứ quân sự đầy đủ”.
“Raffy” là tên người dân gọi ông, gần đây đã đưa một đoạn phim ngắn lên YouTube. Trong đoạn phim đó, ông mô tả Trung Quốc là một nước “lừa đảo” và “thất bại” được đánh dấu bằng tham nhũng tràn lan, nợ nần, suy giảm kinh tế, xuất huyết vốn tư bản và bất mãn xã hội. “Với tốc độ nhanh đến nỗi Trung Quốc đang tạo ra kẻ thù và phá hoại tài sản chung trên thế giới, người ta mong rằng Trung Quốc sẽ tự nổ bùng trước khi gây thiệt hại hơn nữa cho đời sống của hành tinh và sự ổn định tương đối của khu vực”, ông kết luận.
Vào cuối tháng 5, cùng với các nghiên cứu sinh của Jefferson Fellowship từ Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, tôi gặp ông Alunan ở Manila. Khi tôi hỏi tại sao ngôn ngữ của ông quá cay đắng, ông ta cảm thấy ngạc nhiên. Ông nói với tôi, “Đó chỉ là sự thổ lộ những gì mà người Philippines chúng tôi cảm nhận. Tôi ngạc nhiên khi ông xem điều đó là cay độc”.
Philippines đã từng xác định chủ nghĩa dân tộc của mình trên quan điểm chống Mỹ. Hôm nay, mục tiêu là Trung Quốc. Dư luận trong khu vực quần đảo cho thấy Đông Nam Á, đã bắt đầu từ bỏ nỗi sợ hãi cũ đối với Trung Quốc, đang cảm thấy khó chịu về họ. Điều này buộc các nhà lãnh đạo chính phủ xem xét lại ngân sách quốc phòng, tìm kiếm đồng minh an ninh mới và suy nghĩ về tương lai của một khu vực chưa từng thấy xung đột lớn kể từ khi Chiến tranh Đông Dương kết thúc gần ba thập niên trước đây. Làm gì bây giờ?
Trong số các nước Asean ven biển, Philippines đã có một trong những mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, đã sớm công nhận nước Cộng hòa Nhân dân, thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 6 năm 1975, theo bước chân của Malaysia, là nước đầu tiên làm việc này. Sự thực là, năm trước đó, Trung Quốc đã chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa sau khi giết chết khoảng 70 binh sĩ Việt Nam. Nhưng Việt Nam lúc đó không nằm trong Asean, do đó, vấn đề đã được xem như là chuyện của kẻ khác, một tranh chấp huynh đệ giữa hai nước cộng sản. Ngay cả việc chiếm đá Vành Khăn cũng được xem như là một sai lầm.
Bối cảnh mới
Nhưng vừa khi sự kiện đó bắt đầu mờ dần trong tâm trí của các nước Đông Nam Á thì cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough xảy ra vào năm 2012, khi Hải quân Philippines tìm cách bắt tám tàu đánh cá Trung Quốc thì bị các tàu hải giám của Trung Quốc chặn lại. Đột nhiên, sự kiện được khoác lên một tầm mức mới. Mỹ đã can thiệp, làm cho cả hai bên phải đồng ý rút lui.
Manila giữ lời hứa của mình nhưng người Trung Quốc đã thất hứa. Sau đó họ sử dụng chiến thuật bầy đàn để ngăn chặn tàu thuyền Philippines vào lại khu vực. Tháng Giêng năm sau, Philippines khởi động tiến trình tố tụng trọng tài chống lại Trung Quốc, làm cho thế giới ngạc nhiên về hành động và sự sỉ nhục văn hóa ngụ ý trong đó.
Các thành viên Asean thường kín đáo nhìn sự táo bạo của Manila dưới ánh mắt ngờ vực. Nhưng tình hình đang thay đổi ở một vài nơi bất ngờ nhất. Chẳng hạn như Malaysia đang sửa chữa lại kế hoạch an ninh mới và bắt đầu công khai biểu lộ những lo lắng sau nhiều năm ve vãn Trung Quốc. Chỉ mới đầu năm 2013, khi Thủ tướng Najib Razak chuẩn bị tái tranh cử trong bối cảnh sự bất mãn của cử tri đối với đối tác liên minh của ông, Hiệp hội Trung Quốc Malaysia, ông đã thực hiện một điều đặc biệt là tung ra kế hoạch khu công nghiệp Malaysia-Trung Quốc Kuantan trong tiểu bang nhà của ông. Đứng bên cạnh ông ngày hôm đó không ai khác hơn là ông Giả Khánh Lâm, nhân vật được xếp thứ tư trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng tháng tư vừa qua, khi đọc diễn văn với tư cách Chủ tịch ASEAN, Datuk Seri Najib đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với việc bồi đắp đảo đang diễn ra ở Biển Đông. Đáng chú ý, ông đã bay đến Tokyo vài tuần sau đó để nâng cấp mối quan hệ quốc gia với Nhật Bản lên “quan hệ đối tác chiến lược”.
Indonesia, quốc gia lớn nhất của ASEAN, cũng cảnh giác. Indonesia chưa phải là một bên tranh chấp, nhưng tuyên bố đường lưỡi bò của Trung Quốc vòng xuống phía quần đảo Natuna của họ. Trong khi Bắc Kinh chưa từng xác định chính xác tọa độ đường vòng này, các quan chức quân sự cao cấp Trung Quốc nói trong vòng riêng tư rằng Jakarta đang “nằm trên 50.000 km vuông vùng biển của chúng ta”. Trong khi đó, Việt Nam là nước có liên hệ lịch sử và chính trị gần nhất với Trung Quốc trong số các nước ASEAN, đang cấp tốc ve vãn Ấn Độ và Hoa Kỳ, ký kết thỏa thuận quốc phòng mà các chi tiết chưa được công bố.
Tuần này, khi các đại diện của 57 quốc gia tụ họp tại Bắc Kinh để ký kết các điều khoản hiệp hội của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á mới (AIIB), ba trong số bảy nước trì hoãn đến từ ASEAN, đó là Philippines, Malaysia và, đáng ngạc nhiên nhất là Thái Lan. Lời giải thích chính thức là họ đang chờ đợi sự thông qua ở trong nước trước khi ký vào.
CHÍNH SÁCH ‘BẤT AN’
Thỉnh thoảng cũng nên đặt mình vào vị trí của người khác và tôi đã làm chính điều đó vài tuần trước đây khi đến thăm Học viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc ở Hải Khẩu, đảo Hải Nam. Làm thế nào để giải thích chính sách an ninh hay bất an của Trung Quốc, tôi hỏi Tiến sĩ Wu Shicun, vị giám đốc tao nhã của Viện. Tiến sĩ Wu liệt kê ra những vấn đề: Khuôn khổ an ninh là, Mỹ và Nhật đang gây khó khăn hơn cho Trung Quốc tiến vào Tây Thái Bình Dương thông qua biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Do đó, Biển Đông cung cấp một lá chắn tự nhiên chống lại sự can thiệp có thể xảy ra.
Ông nói, phần bất an là Bắc Kinh cảm thấy việc tái cân bằng của Mỹ tất cả là để kiềm chế Trung Quốc và Biển Đông chỉ là một phương tiện cần thiết. “Mỹ đã điều chỉnh vị trí của họ về các tranh chấp”, ông nói với tôi. “Từ sự can thiệp hạn chế, họ đã đi tới can thiệp tích cực và đang chọn phe”.
Nhưng như thế tại sao không nhanh chóng hoàn tất một Quy tắc Ứng xử (COC) ràng buộc với ASEAN, nếu không có gì khác để ngăn cản sự can thiệp từ bên ngoài? Vâng, Tiến sĩ Wu nói, COC phức tạp hơn nhiều so với Tuyên bố Ứng xử của các bên, ký kết vào năm 2002. Thêm nữa, chính các thành viên Asean không thống nhất về những gì họ muốn trong đó: Malaysia nói rằng COC nên chỉ áp dụng cho quần đảo Trường Sa, trong khi Việt Nam nói rằng nên bao gồm quần đảo Hoàng Sa luôn. “Vì vậy, không dễ để Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được đồng thuận về vấn đề này”.
CUỐI CÙNG LÀ CHUYỆN GÌ
Một số nhà phân tích cho rằng vấn đề thực sự là về tàu ngầm tên lửa đạn đạo, hoặc SSBN, phương tiện ngăn chặn hạt nhân tối hậu. Ví dụ, Liên Xô thường giấu các SSBN của họ dưới băng đá Bắc Cực để tránh bị phát hiện. Nhưng, như những người theo dõi câu chuyện chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đều biết, Biển Đông là một ao hồ cạn so với các ao rộng lớn của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Điều này làm cho tàu ngầm của Trung Quốc, thường gây nhiều tiếng động, dễ bị tổn thương. Vì vậy, một số nhìn thấy chính sách “pháo hạm” của Trung Quốc đang chuyển động – một nỗ lực để biến Biển Đông thành một hồ nước tư nhân, cho phép tàu ngầm của họ đủ khoảng trống để lẻn ra các đại dương lớn hơn. Tiến sĩ Tong Zhao, một cộng sự viên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu của Bắc Kinh, ghi nhận biến cố liên quan đến tàu USNS Impeccable – khi tàu này liên tục bị các tàu của Trung Quốc quấy rối trong thời gian bốn ngày hồi tháng 3 năm 2009 – điều này xảy ra bởi vì Impeccable đang cố gắng đồ họa các tuyến đường giao thông dưới biển từ Tam Á ở đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có một căn cứ tàu ngầm lớn.
Kết quả cuối cùng của tất cả mọi chuyện là sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh mới ở trước cửa của ASEAN. Bởi vì điều này, trong lúc Trung Quốc đang tung ra đề án thúc đẩy tăng trưởng khu vực như AIIB, các chính phủ phải gia tăng chi tiêu quốc phòng, mà ngân quỹ thường được lấy từ giáo dục và y tế. Đó là phần thương tâm của vấn đề.
Khía cạnh đáng sợ là, không giống như trong những ngày đối mặt giữa Liên Xô và NATO, hiện không có sẵn cơ chế để ngăn chặn tại nạn, hoặc làm giảm cường độ trong trường hợp xảy ra sự cố.
Trung Quốc cần phải hiểu những thiệt hại uy tín do chính họ tự gây ra, đáng chú ý là sự ngoan cố từ chối để các tuyên bố chủ quyền của họ được thử nghiệm trước pháp luật. Điều đáng tiếc là về các vấn đề như thương mại, ví dụ, Trung Quốc đã học được cách tận dụng hệ thống của Tổ chức Thương mại Thế giới cho lợi thế của họ, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức. Bằng cách nào đó, họ đã không làm điều đó trong các tranh chấp biển. Chắc hẳn Trung Quốc cũng phải xấu hổ khi quân đội nước ngoài nói với các nhà báo về các cuộc diễn tập trong tương lai với Trung Quốc, họ giải thích điều này dưới khía cạnh là nhu cầu để “xã hội hóa” Trung Quốc, như rằng Trung Quốc là một con yêu quái không thể đoán trước cần phải được huấn luyện để ăn với miệng của nó đóng lại.
Bắc Kinh cũng phải biết rằng trong khi họ đã giữ cho câu chuyện về sự trỗi dậy của họ như là một động lực tăng trưởng cho thế giới, sự phụ thuộc này hoàn toàn chỉ là một chiều. Khi nền kinh tế của họ chậm lại, Trung Quốc sắp sửa bớt vênh váo. Hiện tại, theo những nhà quan sát Trung Quốc, khoảng 2% tăng trưởng kinh tế đến từ việc cộng thêm giảm phát vào tỷ lệ tăng trưởng chính thức, là tỷ lệ mà hiện nay đã giảm xuống hơn 4%. Các Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh cho biết tỷ lệ phần trăm lợi nhuận của các công ty nhà nước ở Trung Quốc đang liên tục tuột dốc. Tương tự như vậy, Indonesia và Thái Lan – hai nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – có Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của họ. Nhưng họ mua nhiều từ Trung Quốc hơn con đường ngược lại. Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc trong hai năm qua, một thực tế không thể chối bỏ, cho rằng sự suy thoái của Trung Quốc đa phần xuất phát từ sự sụt giảm đáng kể về đầu tư từ năm 2009.
Bắc Kinh hãy lưu ý. Khu vực này quan trọng đối với quý vị cũng như là quý vị đối với nó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Các mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ:


Tháng 8.1987, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ, Tướng John Vessey lần đầu tiên thăm Việt Nam trao đổi các vấn đề nhân đạo hai bên cùng quan tâm.
Tháng 7.1991, Văn phòng MIA chính thức đi vào hoạt động, trở thành cơ quan chính thức đầu tiên của Hoa Kỳ hoạt động thường trú tại Việt Nam từ năm 1975.
Tháng 12.1991, Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm việc đi lại có tổ chức từ nước này tới Việt Nam. 
Tháng 11.1992, lệnh hạn chế liên lạc điện thoại được bãi bỏ, dịch vụ gọi điện trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được thiết lập.
Tháng 12.1992, Tổng thống Hoa Kỳ George H. Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ.
Tháng 1.1995, Hoa Kỳ và Việt Nam ký Hiệp định thiết lập Văn phòng Liên lạc tại thủ đô mỗi nước.
Ngày 11.7.1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Tháng 7.2000, Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại song phương. 
Tháng 11.2000, ông Bill Clinton trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam.
Tháng 11.2006, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush thăm Việt Nam. 
Tháng 6.2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W. Bush.
Tháng 12.2006, lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.
Tháng 6.2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W. Bush.
Tháng 6.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W. Bush.
Tháng 7.2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, hai bên ra Tuyên bố chung xác lập quan hệ đối tác toàn diện.
Tháng 6.2014, Hoa Kỳ và Việt Nam ký hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự 123.
Tháng 10.2014, Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Năm 2015 hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Tháng 7.2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ.
(TTXVN)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

THẰNG BÉ TRONG HOÀNG HÔN


Truyện ngắn
Dư Hoa
Thân Trọng Sơn dịch theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan
clip_image002Dư Hoa (Yu Hua) 余华 là nhà văn Trung quốc, sinh năm 1960.Dư Hoa quê Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Triết Giang, tây nam Trung Quốc. Lúc khởi đầu cuộc Cách mạng Văn hoá, Dư Hoa mới 6 tuổi, nhưng cũng kịp thấu chịu những hệ luỵ của thời cuộc: cha ông là bác sĩ phải chuyển đến một thị trấn nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, lúc này đang bị dịch bệnh sán máng. Tuổi thơ, do vậy, không để lại cho ông nhiều kỷ niệm êm đẹp lắm. Học xong trung học, Dư Hoa được đào tạo ngắn hạn để trở thành nha sĩ, và tuy chẳng mặn mà gì lắm với cái công việc “ngày nào cũng phải nhìn vào mồm người ta”, ông vẫn phải làm nghề này trong 5 năm. Từ nơi làm việc (một thị trấn nhỏ giữa Thượng Hải và Hàng Châu), hằng ngày ông nhìn thấy các nhân viên cơ quan văn hoá địa phương nhàn nhã qua lại khiến ông muốn bỏ nghề. Theo lời khuyên của những người này, ông thử viết và công bố một truyện ngắn, đủ để ông trở thành đồng nghiệp của họ. Năm 1988, ông đến Bắc Kinh theo học ở Viện Văn học Lỗ Tấn.

Suốt thời kỳ Cách mạng Văn hoá, Dư Hoa chẳng được đọc gì khác ngoài những tờ áp phích chữ to, gọi là Đại tự báo, trên đó ông bỏ qua những khẩu hiệu mà chỉ quan tâm đến những câu chuyện người dân tố cáo láng giềng và thân nhân của mình với đủ tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, như một loại truyện ký ghi chuyện thường ngày. Cuối thập niên 80, một số tác phẩm văn học được xuất bản trở lại, nhất là tác phẩm dịch văn học nước ngoài, giúp ông làm quen với những tác giả phương Tây như Kafka, Borges…, ảnh hưởng đến những trang viết đầu tiên của ông. Ban đầu ông viết truyện ngắn, đăng trên những tạp chí địa phương, không gây được sự chú ý nào. Phải chờ đến lúc ông xuất bản cuốn truyện đầu tiên, “Thập bát tuế xuất môn viễn hành” (Mười tám tuổi ra khỏi nhà đi xa ), ông mới bắt đầu nổi tiếng.
Thành công này tạo đà cho Dư Hoa tiếp tục sáng tác. Năm 1993, ông viết cuốn
“Sống”, khắc hoạ hình ảnh xã hội Trung Quốc thời gian từ thập niên 40 đến lúc khởi đầu chính sách cải cách và mở cửa cuối thập niên 70, qua những bước thăng trầm trong cuộc đời nhân vật Từ Phúc Quý. Vốn con nhà tư sản giàu có, sống trong nhung lụa, vung tiền trong cờ bạc đỏ đen, đến thời Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn hoá, Từ Phúc Quý phải trắng tay, khốn cùng, trở về làm nông dân. Cuối đời, Từ Phúc Quý sống cô quạnh với con trâu già, nhưng vẫn nuôi khát vọng vượt qua nghịch cảnh để sống còn. Tác phẩm trở thành “best- seller”, được dịch sang tiếng Anh và càng nổi tiếng hơn khi được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim với hai diễn viên ngôi sao: Cát Ưu (vai Từ Phúc Quý ) và Củng Lợi (vai người vợ). Cuốn phim đã đạt Giải thưởng Lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan Phim Cannes và Cát Ưu Giải Nam diễn viên chính xuất sắc.
Năm 1995, Dư Hoa xuất bản tiếp cuốn “Hứa Tam Quan mại huyết ký” (Truyện Hứa Tam Quan bán máu). Vẫn là hoàn cảnh bi thảm của người dân (nghèo túng phải bán máu để kiếm sống và … để dành tiền cưới vợ. Và vẫn là ước mơ cháy bỏng muốn vượt qua số phận.
Năm 2003, cuốn truyện dài hai tập “Huynh đệ”, thuật lại cuộc đời của hai anh em Lý Trọc và Tống Cương qua hai thời kỳ, từ Cách mạng Văn hoá đến thời hiện đại, cũng gây được tiếng vang lớn.
Sau thời gian này, Dư Hoa ngừng sáng tác để đi du lịch và diễn thuyết theo lời mời của các nhà xuất bản. Mãi đến năm 2010 ông mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới với nhan đề gợi trí tò mò : “Trung quốc trong 10 chữ”. Có thể xem đây là tác phẩm tổng hợp tất cả quan điểm của Dư Hoa trong các sách ông đã viết từ trước đến nay. Bằng cách tóm tắt trong mười chữ: Nhân dân, Lãnh tụ, Đọc, Viết, Lỗ Tấn, Cách mạng, Chênh lệch, Dân quèn, Bắt chước, Lường gạt, Dư Hoa đã nêu lên nhận định về hiện thực xã hội Trung Quốc qua cách nhìn phê phán, thẳng thắn và có phần châm biếm.
Cuốn sách mới nhất của ông là “Đệ thất thiên” (Ngày thứ bảy), ra mắt vào tháng 6 năm 2013. Với bút pháp huyền ảo, Dư Hoa thuật lại những điều tai nghe mắt thấy của nhân vật Dương Phi, sau khi chết được bảy ngày, tức là từ góc độ của thế giới người chết để miêu tả thế giới hiện thực. Tác phẩm đã làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận, khen chê trái ngược nhau.
Tác phẩm của Dư Hoa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật bản, Hàn quốc…). Cuốn “Sống”được Giải thưởng Grinzane Cavour Prize, một giải thưởng văn học uy tín của Ý, năm 1998. Cuốn “Huynh đệ”, được giải thưởng Prix Courrier international của Pháp năm 2008.
Truyện “Thằng bé trong hoàng hôn” giới thiệu sau đây phần nào cho thấy sự ám ảnh của Dư Hoa về những cảnh tàn bạo ông từng chứng kiến hồi nhỏ, dưới thời Cách mạng văn hoá.
Buổi trưa ngày mùa thu, người đàn ông tên Tôn Phúc đang ngồi cạnh sạp hàng bày đầy trái cây.
Ánh nắng chói chang khiến ông phải nheo mắt, đôi mắt với cả năm mươi năm đàng sau. Ông chống hai bàn tay lên đầu gối, tư thế làm ông chồm về trước, trên đôi cánh tay. Dưới ánh sáng mặt trời, mái tóc hoa râm của ông trông ra màu tro, giống như con đường trước mặt ông. Con đường thăm thẳm, ngút ngàn trải dài đến tận chỗ ông và sau đó còn chạy xa tít tắp. Đã ba năm rồi ông vẫn ngồi ở đấy, cạnh bến cảng nơi các chuyến tàu lửa đường xa chở khách dừng lại, kiếm sống bằng việc bán trái cây. Một chiếc xe chạy qua gần chỗ ông ngồi, tung những cuộn bụi nhấn chìm ông, tưởng chừng như một bầu trời đen nghịt trùm lên người, rồi sau đó cả người lẫn trái cây lại hiện ra, như trong ánh sáng lúc bình minh.
Khi đám mây bụi mờ đã tan , ông nhìn thấy trước mặt mình một đứa bé giương đôi mắt đen sáng ngời nhìn ông chằm chặp. Ông nhìn thẳng đứa bé áo quần dơ dáy, bàn tay đặt lên một trái cây của ông. Ông nhìn bàn tay thằng bé, móng tay đen và dài sờ vào trái táo đỏ bóng, ông đưa tay lên, vẫy ra trước như muốn đuổi ruồi, bảo thằng bé:
“Cút đi!”.
Thằng bé rút bàn tay đen như than lại, thân hình lắc nhẹ, rồi bỏ đi. Nó chậm rãi bước tới, đôi tay đu đưa, cái đầu có vẻ quá to trên thân hình ốm tong teo của nó.
Ngay lúc này có mấy người đến gần sạp hàng, Tôn Phúc quay sang nhìn họ, không quan tâm đến thằng bé đang bỏ đi nữa. Những người này đến trước mặt Tôn Phúc, phía bên ngoài sạp hàng, và hỏi ông:
“Táo bán bao nhiêu đây? Còn chuối, nửa ký bao nhiêu?”.
Tôn Phúc đứng dậy, lấy cái cân, cân táo và chuối, cầm lấy tiền những người khách đưa, rồi lại chống tay lên đầu gối, và ông thấy thằng bé hồi nãy. Nó trở lại.
Lần này nó không đứng trước mặt mà ngay bên cạnh ông, đôi mắt đen ngời sáng nhìn chăm chú mấy trái táo trái chuối của Tôn Phúc, trong khi ông cũng nhìn lại nó. Nhìn trái cây một lát, thằng bé ngẩng đầu lên phía Tôn Phúc và nói:
“Cháu đói lắm”.
Tôn Phúc vẫn nhìn nó mà không trả lời. Thằng bé nhắc lại:
“Cháu đói lắm”.
Nghe giọng nói trong trẻo, Tôn Phúc vẫn không rời mắt khỏi thằng bé dơ dáy, nhíu mày nói:
“Cút đi!”.
Thằng bé khẽ run lên, Tôn Phúc nhắc lại to hơn:
“Cút đi!”.
Thằng bé giật mình, hoảng sợ, nó ngập ngừng, hai chân đong đưa, rồi quyết định nhúc nhích. Tôn Phúc thôi không nhìn nó nữa mà quay sang nhìn ra đường, ông nghe tiếng tàu lửa ngừng lại phía bên kia, trên tàu, có người đứng dậy, qua khung cửa kính, ông thấy một đám người lấn nhau chen ra phía cửa. Một lúc sau cả một làn sóng người đổ ra hai đầu. Đúng lúc đó, Tôn Phúc quay đầu lại và thấy thằng bé hồi nãy chuồn thật lẹ. Thấy nó chạy ông không hiểu tại sao. Ông nhìn đôi bàn tay nó vung vẩy khi chạy, và nhận ra bàn tay phải của nó đang cầm một vật gì đó, một vật hình tròn mà ông biết ngay: nó đang cầm trái táo. Tôn Phúc đứng dậy, chạy đuổi theo thằng bé, miệng hét lớn:
“Ăn cắp! Bắt lấy thằng ăn cắp, kia kìa, đàng trước đó!”.
Lúc này đã sang chiều. Thằng bé chạy làm tung bụi mù. Nó nghe tiếng la phía sau, quay đầu lui nhìn, thấy ông Tôn Phúc đang đuổi theo. Nó chạy đến hụt hơi, thở hổn hển, đôi chân yếu dần, cảm thấy không thể chạy xa được nữa, quay đầu nhìn lui lần nữa, nó thấy Tôn Phúc vung tay lên và hét lớn, biết thế nào ông cũng bắt được. Rồi nó dừng lại, quay lui ngẩng đầu lên, và thấy Tôn Phúc đã đuổi kịp. Trước khi ông bắt được, nó đưa trái táo lên miệng và ra sức ngoặm một miếng to.
Khi Tôn Phúc chạy tới, ông hất rơi trái táo trong tay nó, và tát vào mặt . Trúng đòn, nó lảo đảo té xuống. Nằm dưới đất nó lấy tay che đầu và cương quyết nhai miếng ngậm trong miệng. Nghe tiếng nhai, Tôn Phúc nắm lấy cổ áo nhấc thằng bé lên. Bị chẹt cổ, nó không nhai được, mở to đôi mắt lồi, trái táo làm hai má phồng lên. Tôn Phúc một tay nắm lấy cổ áo, một tay bóp cổ và hét lớn:
“Nhả ra! Nhả ra!”.
Thấy có đám đông tụ họp lại xung quanh, ông nói lớn:
“Nó tưởng còn ăn được nữa! Nó ăn cắp trái táo của tôi, cắn trái táo và tưởng là ăn hết được!”.
Rồi ông dang tay tát thằng bé và thét lên:
“Nhả ra cho tao!”.
Thằng bé vẫn ngậm chặt miệng, Tôn Phúc cứ bóp cổ nó:
“Nhả ra!”.
Miệng thằng bé há ra, Tôn Phúc thấy miếng táo nó đã cắn, ông bóp cổ nó mạnh hơn, thằng bé trợn mắt. Có người nói:
“Tôn Phúc, nhìn mắt thằng nhỏ kìa, chúng sắp lộn ngược ra đó, ông làm nó ngạt thở mất”.
“Đáng đời nó. Tôi làm nó ngạt thở thì nó sẽ không ăn cắp nữa”.
Rồi ông buông lỏng tay đang siết thằng bé ra, và chỉ lên trời mà nói:
“Trên đời này tôi ghét nhất phường ăn cắp… Nhả ra!”.
Thằng bé bắt đầu nhả những miếng táo ngậm trong miệng ra, nhả từng miếng một, như kiểu một kẻ bị kết án chịu nhục hình phải tự thú, và những miếng táo nó nhả rớt xuống áo quần nó. Khi thằng bé ngậm miệng lại, Tôn Phúc lấy hai tay banh miệng nó ra rồi ngồi xổm xuống nhìn vào bên trong:
“Vẫn còn, mày chưa nhả ra hết”.
Vậy là thằng bé lại khạc tiếp, khạc cả nước bọt, lẩn trong đó vài mẩu táo nhỏ.
Thằng bé không khạc ra nữa, tiếng khạc nghe khô khốc, không còn cả nước bọt để khạc. Lúc này Tôn Phúc mới nói:
“Thôi được rồi”.
Tôn Phúc nhìn đám đông vây quanh, nhận ra vài người quen, ông lên tiếng:
“Ngày xưa chẳng ai cần lắp ổ khoá cửa cả. Trong làng này cũng không ai phải khoá cửa , đúng vậy không?”.
Thấy vài người lắc đầu, ông nói tiếp:
“Bây giờ chẳng những phải khoá cửa mà còn lắp thêm ổ khoá nữa. Tại sao vậy? Thì tại mấy thằng ăn cắp này đây. Bởi lẽ đó mà trên đời này tôi ghét nhất là phường ăn cắp”.
Tôn Phúc quay sang thằng bé, nó ngước lên ông, ông thấy thằng bé mặt dính đất, thẫn thờ nhìn ông, ngây dại trước những lời ông vừa nói. Nhìn vẻ mặt đó, ông dằn giọng nói tiếp:
“Theo luật lệ ngày xưa là phải chặt tay, cái tay ăn cắp là phải chặt…”.
Tôn Phúc cúi xuống thằng bé và thét lên: “Tay nào?”.
Thằng bé run lẩy bẩy cả người và thu vội bàn tay phải sau lưng. Tôn Phúc chộp lấy bàn tay phải của nó, chìa ra cho mọi người xem và nói:
“Chính bàn tay này đây, nếu không tại sao nó giấu lẹ thế?”.
Thằng bé bật khóc: ” Không phải tay này”.
“Vậy thì tay kia”. Tôn Phúc vừa nói vừa nắm lấy bàn tay trái.
” Không!”. Thằng bé rút bàn tay lại và la lớn, Tôn Phúc tát nó một cái làm nó lảo đảo, ông tát thêm cái nữa, thằng bé không nhúc nhích được nữa. Tôn Phúc nắm lấy tóc nó, hất đầu nó lên và thét vào mặt:
“Vậy thì tay nào?”.
Thằng bé giương mắt nhìn, một lát sau, chìa bàn tay phải ra. Tôn Phúc nắm lấy cổ tay, rồi lấy tay kia nắm lấy ngón giữa, và tuyên bố với mọi người:
“Luật lệ ngày xưa là phải chặt tay, thời nay không như vậy nữa, mà quan trọng là giáo dục, vậy thì làm thế nào để giáo dục?”.
Nhìn thật lâu thằng bé, ông mới nói: “Đây này, làm thế này đây…”.
Lấy hết sức lực, Tôn Phúc vặn ngón tay giữa của thằng bé, nghe một tiếng rắc khô khốc. Thằng bé đau đớn kêu một tiếng sắc lẻm như lưỡi dao, nhìn ngón tay gãy gập trên lưng bàn tay, đổ sập người xuống đất.
Tôn Phúc nói với mấy người xung quanh: “Phải đối xử với bọn ăn cắp như vậy đó!”.
Nói xong ông đưa tay ra đỡ thằng bé dậy, thằng bé quá đau đớn, nhắm nghiền mắt, ông hét nó:
“Mở mắt ra, mở to mắt ra!”.
Thằng bé cố giương to mắt, nhưng cơn đau làm nó méo miệng. Tôn Phúc đá cho nó mấy cái rồi ra lệnh:
“Đứng dậy!”.
Tôn Phúc nắm lấy cổ áo thằng bé, đẩy nó đến trước sạp hàng. Ông lấy trong chiếc hộp giấy ra một sợi dây thừng và trói thằng bé trước sạp hàng. Thấy có mấy người đi theo, ông bảo thằng bé:
“Bây giờ mày la lên, la to lên: Tôi là thằng ăn cắp”.
Thằng bé nhìn Tôn Phúc nhưng không la lên, Tôn Phúc nắm lấy bàn tay trái của nó, cầm ngón giữa, thằng bé vội vàng la: “Tôi là thằng ăn cắp!”.
Tôn Phúc bảo nó: “Giọng mày yếu quá. La to nữa lên!”.
Thằng bé nhìn ông, ngưỡng cổ ra và cố hết sức la: “Tôi là thằng ăn cắp!”.
Tôn Phúc thấy gân cổ thằng bé nổi lên, ông lắc lắc cái đầu và nói:
“Đấy, phải la to như vậy đó!”.
Chiều hôm đó, tia nắng mặt trời mùa thu soi rõ thằng bé, tay nó quặt ra sau lưng, dây buộc ở cổ thật chặt, không sao cúi đầu xuống được, nó chỉ có thể ngước lên nhìn con đường, cạnh bên nó là những trái cây đã làm nó thèm, nhưng bây giờ nó không thể cúi đầu nhìn được vì dây buộc quá chặt ở cổ.
Khi thấy có người đi ngang qua trước đường, Tôn Phúc lại bắt nó la: “Tôi là thằng ăn cắp”.
Ngồi trên chiếc ghế tựa, đàng sau sạp hàng, Tôn Phúc nhìn thằng bé, có vẻ hài lòng lắm. Cơn giận vì mất trái táo đã nguôi, ông bắt đầu cảm thấy thoả mãn vì đã bắt được thằng bé ăn cắp táo và đã trừng phạt nó, ông còn bằng lòng là sự trừng phạt chưa xong. Ông buộc nó phải la lớn, chỉ cần thấy có người đi ngang là ông bắt nó phải la thật to, ông nhận thấy là tiếng la làm mọi người chú ý, và dòng người trước sạp hàng cứ lần lượt đông mãi không dứt. Nhiều người tò mò nhìn thằng bé bị trói đang la, ra sức la thật to tôi là thằng ăn cắp. Họ thấy lạ lùng quá. Tôn Phúc lại bắt đầu giải thích là thằng bé ăn cắp của ông trái táo, kể chuyện ông rượt bắt nó và trừng phạt nó ra làm sao, rồi kết luận: “Tôi làm thế này là tốt cho nó thôi”.
Ông biện bạch: “Tôi muốn nó hiểu ra, để từ rày về sau không ăn cắp nữa”.
Thuyết giảng đến đây, ông quay sang nói với thằng bé với cái giọng rõ ràng, trong trẻo: “Sau chuyện này mày vẫn ăn cắp hay chừa rồi?”.
Thằng bé ráng hết sức lắc đầu ra dấu. Dây buộc vào cổ chặt quá nên động tác này cũng không rõ, chỉ thoáng nhanh qua thôi. Tôn Phúc kiêu hãnh bảo mọi người: “Các ông bà thấy chưa!”.
Suốt buổi chiều, thằng bé không ngừng la lớn như thế, nắng làm môi nó khô đến nứt ra, giọng khàn đi. Đến gần chiều tối, nó không đủ sức la được nữa, chỉ còn phát ra tiếng lạo xạo của vật gì đang chà xát.
Tuy vậy nó vẫn phải la: “Tôi là thằng ăn cắp”.
Người qua đường không hiểu nó nói gì, Tôn Phúc giải thích:
“Nó nói: Tôi là thằng ăn cắp”.
Sau đó, Tôn Phúc nới lỏng sợi dây. Trời dần tối, ông chất trái cây vào xe chở hàng và tháo sợi dây. Cất dây vào xe, ông nghe đàng sau một tiếng “uỵch”. Quay lui ông thấy thằng bé ngã nhoài xuống đất, ông bảo nó:
“Mày nói đi, mày còn dám ăn cắp nữa không?”.
Nói xong, ông trèo lên xe, bỏ đi theo con đường dài thăm thẳm, bỏ mặc thằng bé nằm dưới đất. Thằng bé đã đói nay lại thêm khát, kiệt sức rồi. Nó đã té khi Tôn Phúc tháo sợi dây ra, và vẫn nằm dài dưới đất khi Tôn Phúc bỏ đi. Nó mở hé mắt, chừng như không nhìn thấy gì trên đường. Nằm bất động như thế một lát, nó cố gượng dậy, đứng tựa vào gốc cây, rồi dò dẫm từng bước trên đường, đi về hướng tây.
Đi về hướng tây, trong ánh hoàng hôn, thân hình nhỏ nhắn mảnh khảnh của nó lắc lư theo bước chân, thằng bé rời bỏ thị trấn nhỏ này. Một vài người nhìn thấy nó bỏ đi biết rằng đây là thằng bé mà Tôn Phúc đã bắt lúc chiều, nhưng không ai biết nó tên gì, từ đâu đến và nhất là không biết nó sẽ đi đâu. Điều làm họ để ý là cái bàn tay phải với ngón giữa bẻ quặp vào lưng bàn tay. Họ nhìn thằng bé đi xa dần trong hoàng hôn và biến mất tăm.
Tối hôm đó, như thường lệ, Tôn Phúc đến cửa hàng nhỏ cạnh nhà, mua nửa lít rượu, làm hai dĩa rau trộn nhỏ, xong đến ngồi nơi chiếc bàn vuông. Vào thời điểm này, những tia nắng chiều còn sót lại len qua cửa sổ, mang lại cảm giác ấm áp dễ chịu ở bên trong gian phòng. Tôn Phúc ngồi đấy, trong ánh hoàng hôn, trước cửa sổ, chậm rãi nhắm nháp rượu.
Nhiều năm trước, cũng trong gian phòng này, còn có một phụ nữ xinh đẹp và một đứa bé lên năm. Thời đó, phòng này lúc nào cũng rộn rã sống động. Vợ chồng ông và đứa con trai thường xuyên chuyện trò với nhau. Ông thường ngồi ở chiếc ghế bên trong, chăm chú nhìn ra ngoài, nơi vợ ông đang nhóm bếp lửa than, đứa con không rời nửa bước, bám vào áo mẹ, vợ ông nói thật nhỏ điều gì đó để ông khỏi nghe.
Thế rồi, một ngày hè, lúc giữa trưa, mấy đứa trẻ con chạy đến gọi Tôn Phúc, báo tin con trai ông chết đuối ngoài ao cạnh nhà. Vậy là, ngay lúc giữa trưa một ngày hè, Tôn Phúc hối hả lao ra như một kẻ điên. Sau lưng ông, người vợ nước mắt đầm đìa gào lên thảm thiết. Cả hai ý thức được rằng thế là mình mãi mãi mất đi đứa con. Đêm về, trong bóng tối ngột ngạt, họ lặng lẽ ngồi nhìn nhau, thổn thức.
Dần dà họ cũng bình tâm trở lại, với cuộc sống tĩnh lặng như trước đây. Năm tháng trôi qua nhanh. Một ngày mùa đông, một anh thợ hớt tóc dạo đi ngang qua nhà, vợ Tôn Phúc bước ra, ngồi lên chiếc ghế anh ta mang đến, dưới ánh nắng, khẽ nhắm mắt khi anh ta cắt tóc, gội đầu, và cả ráy tai, cuối cùng bà còn để anh ta xoa bóp vai và cánh tay. Chưa bao giờ bà cảm thấy sảng khoái đến như thế, tưởng chừng như sắp buông thả. Và thế là, lúc đêm về, bà gói quần áo bỏ Tôn Phúc đi theo anh thợ hớt tóc.
Tôn Phúc còn lại một mình, cả cuộc đời nay gom lại trong tấm ảnh đen trắng đã ngả màu vàng treo trên tường, với chân dung vợ con và chính ông. Ngay giữa là hình đứa con đội chiếc mũ vải bông to quá khổ. Bên trái là vợ ông với hai bím tóc chảy dài trên vai, mỉm cười vẻ mãn nguyện. Còn ông, phía bên phải, khuôn mặt trẻ trung, tràn đầy sức sống.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thang bị gẫy, không riêng gì nhà văn đâu..

Vì sao nhà văn lại không được coi trọng?

Nguyễn Mạnh Hà
.
VHNA: Nhà văn, tất nhiên phải là những nhà văn đích thực, xưa nay, là những người sáng tạo và đem lại cho xã hội những giá trị tinh thần lớn lao. Nhà văn đem lại những giá trị góp phần làm hoàn thiện tính người cho nhân loại.
.
Thế nhưng không phải ở đâu, thời đại nào, thể chế nào các nhà văn cũng được coi trọng và tôn trọng mà họ đáng được bởi các giá trị mà họ có, họ đem lại cho cộng đồng. Có thể có nhiều cách nhìn, nhiều nhận thức khác nhau về vai trò và phẩm giá của nhà văn. Chúng tôi giới thiệu một cách nhìn về nhà văn theo cách riêng của tác giả.

Có một thực tế hiện nay là: nói đến nhà văn là người ta nghĩ ngay đến những con người nhếch nhác, mềm yếu, nửa mùa, là “ốm o” (Nguyễn Huy Thiệp), là “kẻ lạc lõng giữa đời” (Tạ Duy Anh). Họ, trong mắt xã hội, là những kẻ đôi lúc dấm dớ. Họ bị người đời nói chung không coi trọng hoặc “coi trọng nhưng xa lánh” bởi vì họ “nguy hiểm”… Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng?

Theo tôi (đây nói chung cho cả lĩnh vực lí luận – phê bình), điều trước hết thuộc về bản chất của khoa học về văn học. Khác với các ngành khoa học khác (chẳng hạn ngành chế tạo máy, chế tạo các sản phẩm công nghệ, dược phẩm…), khoa học về văn học nghiên cứu những sản phẩm không thấy được.

Kết quả mà nhà văn mang đến cho công chúng bạn đọc là những ưu tư, những trạng thái hoặc tâm tính của con người, qua đó ký thác những nỗi niềm riêng. Nhà văn đã làm nhiệm vụ tự thân ấy thì nhà lí luận – phê bình (cũng là một kiểu nhà văn) cũng không thể thoát ra ngoài sự quy định. Sản phẩm của nhà lí luận – phê bình cũng là những văn bản, chung quy, cũng để trở về câu chuyện “hồn cốt con người”.

Dĩ nhiên đối với nhà lí luận – phê bình thì điều cốt yếu là phương pháp khoa học để tiếp cận đối tượng, nghĩa là phải tư duy lôgíc. Sản phẩm của văn chương do bản chất như vậy nên không đem đến cơm ăn nước uống cho nhân quần, thậm chí bản thân anh ta cũng chỉ đủ một cuộc sống vui vẻ “quân tử thực bất cầu bão”. (Một giải thưởng văn học tầm cỡ, qua nhiều sự thẩm định ghê gớm của các bậc cao tay, cũng chỉ 10 – 15 triệu đồng, tương đương với một cú kích chuột hạng trung bình khá).

Thứ hai, nhà văn làm nhiệm vụ của mình không phải xuất phát từ việc đem lại mưu sinh cho người dân mà cốt tử là xuất phát từ lương tri, từ một thứ trách nhiệm được nhiều người gọi là trách nhiệm tự gắn. Họ thường đi lo cho cái mất mát vô hình. Do vậy, trớ trêu cho nhà văn thay (đặt trong bối cảnh thời hiện đại, con người ý thức được rằng cá nhân mình là trên hơn tất cả), họ phải đi làm cái nhiệm vụ… “lo hộ”.

Họ “lo hộ” cho người ta nhưng họ là những người “không có sức đẩy với cộng đồng”. Họ không quyết định được cho ai điều gì nên làm, phải làm, không ai bắt buộc người ta phải buộc lòng theo họ cả. Con người thời hiện đại, nơi chứng kiến khá rõ ràng sự tự do, tự chủ, sự năng động, thì bất cứ lý luận nào đi ngược lại điều đó cũng đều là những lực cản, những trở ngại đáng ghét.

Trong khi, nhà văn không phải như nh?ng d?i tu?ng khỏc, họ chỉ bảo người ta nên tránh hay nên đi mà không bảo đảm cho người ta ngay cả những quyền, những thứ tối thiểu. Do đó nhà văn cứ phát ngôn, còn người ta thì cứ tảng lờ “tôi không nghe, tôi không thấy” bởi không ai dại gì đeo vào mình những vướng bận.

Thứ ba, nhà văn, do chỗ, mang trách nhiệm tự gắn nêu trên nên trên khuôn mặt họ luôn lộ rõ mình là người ưu tư. Họ luôn cho người ta thấy một mẫu số chung: người gầy gò, có khi ốm yếu, có người lại mang điệu bộ như kẻ chán đời. Điều này trong cuộc sống hiện đại quả là đáng … “quan ngại”, là điểm yếu bất khả khắc phục của nhà văn (tất nhiên phải loại trừ một số).

Thời hiện đại, con người với những yêu cầu của công việc, của khách quan những mối liên hệ, cùng với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động là một khuôn mặt và ngoại hình luôn luôn thể hiện được sự khoẻ mạnh, phấn chấn. Chú ý đến ngoại hình, cách ăn mặc, ngôn ngữ, các cách thức giao tiếp khác đã không còn là chuyện buồn cười, nếu không muốn nói là thiết yếu quan trọng.

Từ đây nói rộng ra về quan niệm có phần cực đoan một thời: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – coi trọng nội dung, xem nhẹ hình thức, trong khi thực tình hình thức cũng là một kiểu nội dung. Thực ra điều đang nói là câu chuyện của thời hiện đại: cuộc sống có vô vàn chân lí vẫy gọi con người, không có chân lí nào là chân lí duy nhất, độc tôn. Điều này bạn đọc có thể dễ dàng tự tìm ra dẫn dụ.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn khuyên bạn đọc rằng, bạn hãy suy nghĩ bằng trí tuệ mẫn tiệp để tìm ra những con đường/ chân lí khác nhau, chứ bạn đừng sa vào thứ lí luận có tính chất phản động (được hiểu là phản lại tất cả những gì tiến bộ, vì con người chân chính).

Thứ tư, khái niệm nhà văn bị thâu gộp một cách quá đáng. Nhà văn được hiểu một cách chung chung là những người làm ra sản phẩm là tác phẩm văn học. Hễ là người sáng tạo thì đều được gọi là nhà văn. Đây chính là nguyên nhân để tất cả những người kể cả người có năng lực lẫn người thiếu năng lực đều được “ngồi chung một chiếu hội văn đàn” (Hồzdếnh).

Điều này cho thấy: thứ nhất, bản chất của sáng tạo văn chương, văn chương là sản phẩm của tinh thần, tuân theo quy luật của cảm xúc và tình cảm, nên đặc điểm của nó là dễ dãi, bao dung; thứ hai, từ đấy nảy sinh mặt trái là không phân biệt được tài năng, tư chất của các nhà văn, không phân biệt được đâu là nhà văn với đâu là dưới nhà văn (lều văn, quán văn…).

Ta hãy thử ghép một số tên tuổi như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Ngô Tất Tố, Nam Cao… bên cạnh những người làm thơ, làm văn chỉ quen với những lằn ranh đã có xem! Việc không phân biệt được tư chất, tài năng của những người cầm bút đã làm cho xã hội nảy sinh tâm lí xem thường nhà văn. Vì thế, dấn đến thực trạng, nhiều người cầm bút đã bị “oan”, không thể sắp ngôi đổi chiếu, nhất là đối với những nhà văn đang sống.

Điều này có căn nguyên sâu xa đó là nhà văn không ai chịu ai cả. Nói cách khác là là nhà văn không “trọng nhau” (chữ “trọng nhau” Thụy Khuê dùng để ca ngợi những thành viên trong nhóm Sáng Tạo ở Miền Nam trước năm 1975). Vậy, điều gì cần đề cao ở nhà văn? Cái tài năng, tư chất thể hiện trong tác phẩm ấy là cái gì?

Theo tôi điều quan trọng nhất đối với nhà văn đó là tư tưởng. Đã là người cầm bút thì phải có tư tưởng, đi kèm với tư tưởng là tài năng trong việc trình bày tư tưởng. Đọc Kafka, J.P. Sartre ta luôn thấy một nỗi buồn ứ đọng về thân phận con người với giọng văn buồn thảm, hay đọc một nhà văn ở ta như Nguyễn Khải – người đã từ giã cuộc đời, ta lại thấy ông lọc lõi, khôn ngoan, dù bị cái nhìn thời đại làm hạn chế nhưng tác phẩm vẫn toát lên được những tư tưởng cần thiết về con người CNXH, con người của khái niệm “người” (những tiểu thuyết cuối đời) là vì vậy.

Thứ năm, việc in ấn xuất bản tràn lan. Việc in ấn xuất bản tràn lan về cơ bản có hai nguyên nhân: do quy luật thương trường chi phối; do quan hệ và tâm tính cả nể. Tệ lậu – có thể dùng từ này một cách nghiêm túc – in ấn là nguyên nhân cho thấy sự dễ dãi của việc viết văn. Mà sự đời cái gì dễ dãi thì làm sao được được chấp nhận và có giá trị lâu bền. Đây là nguyên nhân để người ta dễ xem rằng mọi nhà văn đều như nhau: nhảm nhí, bất tài, vô dụng.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhà văn trong mắt xã hội không được coi trọng. Trong đó có những nguyên nhân thuộc về bản chất quy định, có những nguyên nhân thuộc về thời đại, nhưng cũng có những nguyên nhân thuộc về chủ quan người cầm bút.

Thiết nghĩ ở thời đại nào cũng vậy, dù giữa các thời đại do tính lịch sử – cụ thể là không giống nhau, một sản phẩm tinh thần nếu được làm ra từ sự lao động nghiêm túc, xuất phát từ lương tâm, từ tính tự trọng, từ sự tự ý thức nhân cách thì sản phẩm đó sẽ được người ta trân trọng, từ đó cách nhìn về chủ thể làm ra sẽ tất yếu thay đổi./.
Phần nhận xét hiển thị trên trang