Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Gió đảo chiều chỉ sau "một đêm"?


Xét trong bối cảnh hai nước có các tính toán lợi ích như trên thì kết quả của cuộc Đối thoại Trung-Mỹ vừa qua là hoàn toàn hiểu được và không đến nỗi quá “bất ngờ”.
 >>   Ẩn ý sau những thông điệp khác nhau từ đối thoại Mỹ - Trung
 >>   Đối thoại Mỹ - Trung thành công nhưng vẫn tồn tại bất đồng

Trái với dự đoán của báo giới và khá nhiều chuyên gia về kết quả “bế tắc” hoặc “thất bại” của Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 diễn ra trong hai ngày 23-24/6/2015 tại Washington DC, cả 4 trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc đều cười tươi, tay bắt chặt khi Đối thoại kết thúc và tuyên bố “kết quả vượt quá mong đợi” với 127 kết quả. Phải chăng quan hệ Trung-Mỹ đã thực sự “đảo chiều” chỉ sau “một đêm”?
Cuộc Đối thoại được mong chờ nhất
Kể từ khi được Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng cấp thành Đối thoại Chiến lược và Kinh tế năm 2009, các Đối thoại chiến lược Trung-Mỹ luôn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận lẫn các nhà phân tích thời cuộc bởi quy mô lớn nhất và tính chất cũng quan trọng nhất trong hơn 90 kênh đối thoại thường niên.
Đối thoại năm nay chủ nhà Mỹ có 8 thành viên nội các, trong đó có Ngoại trưởng Kerry, Bộ trưởng tài chính Jack Lew, và đông đảo quan chức cấp cao. Còn phía Trung Quốc có 400 quan khách do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì dẫn đầu. Đây cũng là kênh đối thoại song phương quy mô nhất thế giới. Điều này phản ảnh đúng thực trạng cũng như tầm vóc quan hệ giữa hai quốc gia lớn.
Cuộc Đối thoại năm nay nhận được quan tâm đặc biệt hơn, bởi:
Một, quan hệ Trung-Mỹ đang trải qua thời kỳ sóng gió nhất trong hơn ¼ thế kỷ qua kể từ sau sự kiện Thiên An Môn 6/1989 liên quan đến việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên vùng biển chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, các “thách đố” 2 nước về vùng cấm bay trên đảo nhân tạo và “vùng cấm” 12 hải lý trên biển , và đặc biệt là việc chính quyền Mỹ “nghi” tin tặc Trung Quốc đột nhập, lấy cắp dữ liệu của khoảng 4 triệu người do Cơ quan quản lý nhân lực (OPM) đang cất giữ. Dư luận lo ngại, với hàng tá các bất đồng và khác biệt như vậy liệu hai nước có còn duy trì được quan hệ hợp tác nữa hay không?

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông tại hội đàm.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông tại hội đàm.
Hai, khả năng đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu và Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Chẳng hạn, liên quan đến biến đổi khí hậu, các động thái của Trung Quốc - nước đang phát triển lớn nhất, và Mỹ-nước phát triển lớn nhất thế giới, đồng thời là cả hai nước có lượng khí thải Carbon lớn nhất thế giới, sẽ có tác động sâu sắc đến lập trường của hàng loạt nước tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12/2015.
Ba, việc chuẩn bị của hai nước cho chuyến thăm Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi hết sức quan trọng đối với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung. Nhiều khả năng ông Tập sẽ trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc lần đầu tiên được phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Do đó, Trung Quốc rất muốn mọi chuyện liên quan đến chuyến đi suôn sẻ.
Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là tạm dừng bồi đắp đảo và kết quả của đòn tấn công ngoại giao là “không ngờ”!
Kết quả “không ngờ”
Nội dung của Đối thoại chiến lược khá rộng, bao trùm hàng loạt các chủ đề, từ an ninh hàng hải, an ninh mạng đến biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thương mại, rồi hợp tác kinh tế. Quan trọng nhất, hai bên đã đạt được 127 kết quả cụ thể, giải tỏa các căng thẳng trong quan hệ hai nước để chuẩn bị cho chuyển đi Washington của ông Tập. Các thỏa thuận chính đạt được gồm:
Thứ nhất, hai bên cam kết hợp tác để đem lại kết quả thành công của Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu họp tại Paris vào tháng 12/2015. Riêng trong việc chống biến đổi khí hậu và môi trường, hai nước đã đạt được gần 40 kết quả. Các kết quả này là sự triển khai Tuyên bố chung Trung-Mỹ về thay đổi khí hậu trái đất được ông Obama và Tập ký năm 2014.
Thứ hai, bảo vệ và bảo tồn các đại dương, trong đó có việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, mở rộng các lực lượng cưỡng chế trên biển, thiết lập khu bảo vệ biển ở Nam cực.
Ba là, củng cố an ninh y tế toàn cầu, trong đó có việc Trung Quốc giúp các nước Tây Phi xây dựng lại hệ thống y tế, đối phó chống lại các bệnh dịch truyền  nhiễm.
Thứ tư, các hợp tác khác bao gồm: hai nước Trung-Mỹ ủng hộ một quốc gia Afghanistan hòa bình, ổn định và thống nhất; ủng hộ việc phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và việc sớm đạt được thỏa thuận về Kế hoạch hành động chung toàn diện trên cơ sở thỏa thuận khung được nhóm P5+1, Iran và EU; hợp tác sâu rộng hơn trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Hai nội dung được trông chờ nhiều nhất là căng thẳng trên Biển Đông và an ninh mạng–vốn được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu khá thẳng thắn trong phiên khai mạc–lại hoàn toàn “biến mất” trong Tuyên bố chung sau đó. Chẳng hạn, thay vì nhắc đến vấn đề Biển Đông, thì vấn đề hợp tác dân sự ở các đại dương lại được đưa vào thông cáo chung.    
Phải chăng gió đã “đảo chiều”?
Những ai mong chờ các trận “khẩu chiến” kịch liệt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái cứng rắn từ phía Mỹ hẳn sẽ thất vọng. Các sắc thái đánh giá cũng khá khác nhau. Trước hết là việc cho rằng Trung Quốc đã “cao tay” khi tuyên bố dừng đắp đảo để đổi lấy “yên ổn” tạm thời, rồi sau đó “đâu lại đóng đấy” sau cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung được tổ chức vào tháng 9/2015. Có ý kiến khác lại cho rằng đã đến lúc Trung-Mỹ “bắt tay thỏa hiệp” và Biển Đông không phải là vấn đề lớn mà thực sự hai nước còn có các quan hệ lớn hơn. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng?
Trước hết, diễn đàn Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Mỹ không phải là nơi để giải quyết các khác biệt, các tranh chấp. Đây là nơi mà hai bên chủ yếu bày tỏ quan điểm của mình với mục đích tăng cường lòng tin, thu hẹp các bất đồng. Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều cố gắng gác lại các tranh chấp, các khác biệt, nhấn mạnh đến các điểm đồng làm nền tảng thúc đẩy hợp tác. Họ biết rằng các bất đồng, khác biệt hiện nay là quá lớn và càng tìm cách giải quyết thì lại càng đưa đến đến các tranh cãi không lối thoát. Thực chất đây là sự “thừa nhận các bất đồng, khác biệt” (agree to disagree).
Bên cạnh đó, xét trong bối cảnh hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải dồn sức đối phó cho hàng loạt các vấn đề đối nội, đối ngoại lớn và chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu toàn diện. Đặc biệt, đối với Trung Quốc, nếu đối đầu càng leo thang thì Trung Quốc sẽ càng ở thế bất lợi khi không có chỗ dựa là mạng lưới các đồng minh và hệ thống căn cứ quân sự hải ngoại liên hoàn như Mỹ. Chưa kể sức mạnh và kinh nghiệm tác chiến trên biển của Trung Quốc còn thua xa Mỹ hàng thập kỷ.
Cuối cùng, về phía mình, Trung Quốc thấy giai đoạn đầu “lấn hải” có thể tạm ổn, cần tập trung củng cố các “thành quả” vừa giành được để dồn sức cho các “trận chiến” dài hơi hơn phía sau. Hơn nữa, việc tiếp tục xây đảo nhân tạo có thể phá hỏng chuyến đi Mỹ vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa Trung Quốc vào “tầm ngắm” của tâm điểm chính trị nội bộ Mỹ trong mùa bầu cử Tổng thống năm 2016.
Còn bản thân Mỹ cũng cảm thấy “hài lòng” khi ít nhất các yêu cầu đòi phía Trung Quốc dừng hoạt động bồi đắp, cải tạo đã có kết quả và cần tiếp tục dùng các biện pháp, sức ép khác để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Sau cuộc Đối thoại này, hai nước Trung-Mỹ đã nhất trí sẽ có cuộc họp về an ninh biển vào tuần tới.
Xét trong bối cảnh hai nước có các tính toán lợi ích như trên thì kết quả của cuộc Đối thoại Trung-Mỹ vừa qua là hoàn toàn hiểu được và không đến nỗi quá “bất ngờ”.
Theo Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao)
Vietnamnet

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

- Mục tiêu hoàn hảo của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc

Việt Nam - 

27 Tháng 6 2015 08:24
Logic sự kiện và những hành động mà Trung Quốc tiến hành gần đây cho thấy, nạn nhân đầu tiên của chính sách đối ngoại Đại Hán hiển nhiên sẽ là Việt Nam.


Igor Kabardin.
Hiện nay, Trung Quốc đang đứng trước những vấn đề thường có của siêu cường đang phát triển. Tất cả những gì dễ dàng chiếm đoạt được, siêu cường này đã sát nhập về tay mình. Đó là thu hồi Hồng Kông, Macau, đảo trên sông Amur và sông Ussuri, chiếm đoạt những vùng lãnh thổ Kyrgyzstan, Tajikistan và Kazakhstan.
Nơi nào không thể chiếm đoạt được bằng biện pháp hòa bình, Trung Quốc sử dụng vũ lực và lựa chọn thời cơ thích hợp. Sự kiện đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa 1974, Bắc Kinh lợi dụng sự làm ngơ của chính quyền Washington lúc đó và sự bất lực của chính thể Sài Gòn, 1988 lợi dùng Liên Xô suy yếu và Việt Nam đang bị cô lập với tình hình kinh tế quá khó khăn chiếm các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa. Chưa kể đến việc sát nhập Tây Tạng và tham gia vào các cuộc chiến khác, nếu so sánh số lượng thì các cuộc chiến do Trung Quốc tiến hành chỉ kém Mỹ.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, khi nghiên cứu các cuộc chiến tranh do Trung Quốc tham gia, ngoài số lượng binh lực vượt trội nhiều lần, PLA chiến đấu cũng không tồi trên đất liền và rất có kinh nghiệm tác chiến trên biển, ở châu Á có thể hải quân Trung Quốc chỉ thua sút hơn so với Nhật Bản, nhưng bù lại có số lượng binh khí kỹ thuật vượt hơn gấp nhiều lần. Đến thời điểm này, những cơ hội xâm chiếm mở rộng lãnh thổ và vùng ảnh hưởng bằng cưỡng chế hòa bình đã hết. Bước phát triển tiếp theo sẽ là đe dọa chiến tranh và chiến tranh với những chi phí khổng lồ. Tất nhiên, chính quyền Bắc Kinh hiểu rất rõ điều đó và tạm thời đang giới hạn bằng các hoạt động củng cố quyền lực và tăng cường sức mạnh kiểm soát nội bộ tại các vùng đất chưa được quản lý chặt chẽ, củng cố và siết lại thiết chế, xây dựng các khu dân cư hiện đại, hạ tầng cơ sở công nông nghiệp, chế áp chủ nghĩa ly khai địa phương (trước hết là người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ cũng như phong trào đòi dân chủ). Nhưng những hoạt động ấy không diễn ra mãi mãi. Tình hình phát triển cho thấy thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc phải lựa chọn giữa chiến tranh ngoài biên ải và nội chiến trong đất nước mình. Họ sẽ lựa chọn điều gì cho tinh thần Đại Hán, lịch sử hàng nghìn năm duy trì “Thiên mệnh” Trung Hoa hoàn toàn không quá khó để dự đoán.

Sự ổn định nội bộ là điều cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia khổng lồ như Trung Quốc. Mỗi tỉnh của đại lục trên thực tế có thể trở thành một quốc gia độc lập, giàu mạnh với nền kinh tế phát triển. Chỉ riêng một tỉnh Quảng Đông đã có dân số hơn 100 triệu người với sức mạnh kinh tế không thua kém bất cứ một quốc gia nào ở Đông Nam Á, ở Tân Cương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản vô cùng to lớn. Các khu vực kinh tế hùng mạnh đó cũng tồn tại và phát triển theo một nguyên nhân sâu xa: không ai có lợi gì nếu để xảy ra chia rẽ và hỗn loạn. Khác hơn so với các quốc gia khác, khi cộng đồng xã hội và giới lãnh đạo theo các nhiệm kỳ lang thang với những định hướng khác nhau, giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ và tuyên truyền sâu rộng cho cộng đồng định hướng phát triển của đất nước và những mục tiêu cuối cùng của quốc gia. Có những mục tiêu được công khai rõ ràng cụ thể “giấc mơ Trung Quốc” chẳng hạn và có những mục tiêu được người dân Trung Quốc hiểu rất rõ ràng nhưng không công bố (có thể chưa đến thời gian công bố). Các mục tiêu đó có thể là thống trị vùng nước biển Đông và biển Hoa Đông cùng với những tài nguyên của nó, đặt mục tiêu thống trị chính trị - quân sự trên vùng đất Viễn Đông và Siberia của Nga. Cho đến hiện nay, cả vùng nước biển Đông và biển Hoa Đông cũng như vùng đất Viễn Đông của Nga đang bị ràng buộc về kinh tế với siêu cường “thiên triều” này hơn tất cả các khu vực kinh tế nào khác trên thế giới. Các lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rất rõ các lợi ích hiện có. Không thống trị được Trường Sa, Trung Quốc không bao giờ có thể là một siêu cường hàng đầu thế giới do không thể kiểm soát được con đường vận tải thương mại và quân sự của thế giới, buộc nó phải đi vào các cảng biển đại lục, chưa đề cập đến giá trị kinh tế của những hòn đảo đó.
Từ lịch sử hàng nghìn năm và những bài học gần đây, Việt Nam hiểu rất rõ, đất nước mà số phận có một láng giềng như vậy sẽ là ứng cử viên số một trong số các nạn nhân của chủ nghĩa bành trường bá quyền và chính trị cường quyền trong khu vực châu Á ngày nay.
Những đặc điểm của mục tiêu hoàn hảo đó là:
Thứ nhất: Việt Nam hoàn toàn không ràng buộc với bất cứ nước nào các thỏa thuận về liên minh quân sự. Liên xô đã không tồn tại, Nga trên thực tế không phải là một quốc gia có thể giúp đỡ và ủng hộ hiệu quả do những ràng buộc về kinh tế, những phức tạp nội bộ, cuộc đối đầu gay gắt với NATO và châu Âu. Nếu so với Đài Loan và Philiphine thì ít nhất các nước này còn có danh tiếng là đồng minh của Mỹ và Nhật. Xung đột với Việt Nam, nếu tốc độ tiến hành chiến tranh nhanh chóng, thì tiếng vang trên trường quốc tế không lớn và chỉ có Mỹ, Philiphine, có thể cả Nhật Bản lên tiếng phản đối, những đưa ra những giải pháp quyết liệt thi không một nước nào thực hiện.
Thứ hai: Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam đều có lực lượng hải quân, nhưng lịch sử phát triển hải quân của Đài Loan và Nhật Bản sớm hơn rất nhiều, có thể gây tổn thất nặng nề với Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Việt Nam phát triển khá muộn, phương tiện và trang thiết bị đang ở giai đoạn ban đầu của tiến trình hiện đại hóa, các hoạt động diễn tập hợp đồng tác chiến hiện đại trên biển lớn chưa có nhiều, đặc biệt với các lực lượng nước ngoài. Sức mạnh hải quân của Việt Nam chỉ có thể vượt trội hơn so với Philiphine, nhưng hải quân Philiphine được sự hỗ trợ của Mỹ, ít nhất là về mặt tinh thần và những đe dọa mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Thứ ba: Trong các mục tiêu mà Trung Quốc nhằm đến, thì Đài Loan là đối tượng phải sát nhập bằng giải pháp hòa bình, Đài Bắc trong tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa cũng đồng quan điểm với Bắc Kinh, tấn công đánh chiếm quốc đảo này thực tế không có lợi, không những thế còn có thể khơi mào và thúc đẩy phong trào ly khai nội địa. Do đó, kế hoạch đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực chỉ là “đòn đánh lạc hướng dư luận”. Mục tiêu nghi binh thứ hai gây sóng gió dư luận là Senkaku Nhật Bản, nhưng đây là mục tiêu khó nhằn và có thể dẫn đến sự phong tỏa hoàn toàn đại lục. Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu đẩy Nhật Bản, sau đó là Mỹ vào một cuộc đối đầu thực sự. Mục tiêu các hòn đảo của Việt Nam dễ dàng hơn cả do bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc cũng như Hoa kiều hoạt động rất mạnh trên trường thế giới, đồng loạt đưa ra các luận điệu giống nhau cùng với những hoạt động đầu tư mạnh mẽ trên thế giới khiến cộng động xã hội quốc tế lẫn lộn hoàn toàn về những thực tế đang diễn ra trong chiến lược “Thiên triều” trên biển Thái Bình Dương
Thứ tư : Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử lâu đời về xâm lược và đấu tranh chống xâm lược. Mặc dù các láng giềng khác cũng từng lâm vào hoàn cảnh như vậy, nhưng lịch sử với Việt Nam đã bị Trung Quốc bóp méo hoàn toàn. Người dân Trung Quốc hoàn toàn hiểu biết sai lầm về lịch sử, đặc biệt là lịch sử cận đại và có tâm lý Đại Hán, muốn chinh phục một Việt Nam (phiên thuộc).
Thứ năm: Những diễn biến gần đây cho thấy, Trung Quốc muốn thực hiện một đòn “Crimea” hóa kết hợp với bạo loạn và hỗn độn chính trị nhằm giảm tổn thất tối thiếu cho chiến lược đánh chiếm quần đảo, thống trị biển Đông, làm bàn đạp mở rộng ảnh hưởng sang vùng nước Hoa Đông và vượt ra khỏi eo biển Malacca. Chiến dịch này được cho là có thể củng cố được tình hình nội bộ trong nước, tăng cường tình thần dân tộc “Đại Hán” trong quân đội và đại đa số cộng đồng xã hội, giải thích được khoản ngân sách quốc phòng vượt trội khủng khiếp và đẩy mạnh cuộc thanh lọc nội bộ, tiêu diệt tham quan.
Như vậy, logic sự kiện và những hành động mà Trung Quốc tiến hành gần đây cho thấy, nạn nhân đầu tiên của chính sách đối ngoại Đại Hán hiển nhiên sẽ là Việt Nam. Việt Nam, cũng như tất cả các nước láng giềng khác của đại lục đều hiểu rất rõ điều này, ngoại trừ một trường hợp hết sức mong manh là Bắc Kinh phải đối đầu với nguy cơ đe dọa mới từ trong nước tương tự như “nhà nước Hồi giáo”, rất khó xảy ra do thực tế khủng bố ở Tân Cương xảy ra với cấp độ rất nhỏ, chưa hình thành một tổ chức nguy hiểm có trang bị mạnh, an ninh nội địa và cảnh sát Trung Quốc dễ dàng khống chế và tiêu diệt. Ngay cả nguy cơ khủng bố cũng có thể dẫn đến tình huống Bắc Kinh sẽ nhẩy vào một cuộc phiên lưu quân sự mới nhằm củng cố tình hình nội bộ. Có thể nói, tiến trình thôn tính biển Đông đang được thực hiện ráo riết với tốc độ cao.
Tương quan lực lượng chênh lệch lớn, Việt Nam mua của Nga 4 chiến hạm Gepard 1166.1, hai chiếc đã được biên chế vào lực lượng hải quân, 6 tàu ngầm lớp Kilo 636. Việt Nam cũng đang đặt hàng mua từ Hà Lan 2 chiếc “Sigma” và đóng thêm 2 tàu Sigma nữa. Thực tế Gerpad và Sigma là những frigates hộ vệ tên lửa. Ngoài ra, Việt Nam đang tăng tốc đóng các tầu tàu hộ tống và khinh hạm tên lửa dự án 1241với số lượng khoảng 30 chiếc. Lực lượng dự bị động viên có thể tính đến các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư, khi xảy ra chiến tranh sẽ được trang bị vũ khí. Với những chiến hạm này có thể thấy được sự thiếu hụt của hệ thống phòng không trên biển và số lượng so với hạm đội Nam Hải thực sự mỏng.
Lực lượng không quân Việt Nam có khoảng 30 Su-27/30 và gần 300 máy bay chiến đấu thế hệ cũ như (MiG-21, Su-22). Máy bay trực thăng đa chủng loại khá nhiều, ngoại trừ một số trực thăng chống ngầm Ka - 27, còn lại hầu hết là máy bay vận tải. Lực lượng đông đảo và có sức mạnh chủ yếu nhất là hệ thống tên lửa chống tàu đa chủng loại có từ trước mà sức mạnh chủ công là các tổ hợp tên lửa “Bastions”. Xét từ góc độ chiến dịch chiến thuật, những phương tiện trang thiết bị hiện nay đủ đáp ứng nhu cầu bảo vệ vùng nước ven bờ, nhưng để bảo vệ các đảo xa và tạo sức mạnh bẻ gẫy ý đồ chiến lược của đối phương thì chưa đủ. Do cuộc chiến tranh hiện đại sẽ sử dụng rất nhiều vũ khí chính xác (tên lửa hành trình chống tàu, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn nổ thường, bom có điều khiển) riêng PLA có khoảng gần 2000 tên lửa hành trình các loại, khoảng trống trong hệ thống phòng thủ bảo vệ biển đảo Việt Nam là phòng không trên biển, trong khi đó các phương tiện tấn công đường không của Trung Quốc tương đối nhiều và đa chủng loại đươc sản xuất nội địa.
Việt Nam và Trung Quốc có chung một đường biên giới dài hàng trăm km và những tuyến biên giới khác, Trung Quốc cũng dễ dàng gây áp lực nghiêm trọng. Lực lượng quân đội PLA dọc tuyến biên giới này rất lớn, thông thạo địa hình và có thể gây tổn thất nặng nề nếu cuộc chiến xảy ra từ hai hướng (tấn công xâm lược trên biển và công kích hỏa lực từ vùng đất liền biên giới).
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc đã xâm nhập Việt Nam với số lượng lớn, nắm bắt rất kỹ tình hình kinh tế - chính trị Việt Nam, tình hình dân cư cũng như các mục tiêu cố định quan trọng có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Bắc Kinh chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô lớn nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông và củng cố nội bộ đất nước.
Hiện nay Việt Nam đang làm tất cả để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, nhưng có được lâu hơn nữa hay không và lúc nào Trung Quốc sẽ khởi động cố máy khổng lồ của họ phục vụ cho mục đích bành trướng và tinh thần “Hán tộc”, chỉ phụ thuộc vào tính toán nội bộ của cường quốc gần 1,4 tỷ dân này. Cho đến nay, tính hình hỗn loạn trên thế giới, đặc biệt ở Ukraine, Syria và Iraq hoàn toàn thuận lợi cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, Moscow đang bị phương Tây tấn công dữ dội bằng các đòn trừng phạt, đe dọa khủng bố và cách mạng sắc màu, Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy hậu quả chính sách đối ngoại ở Trung Đông, thế giới đang đứng trước hai nguy cơ lớn - dịch Ebola và “nhà nước Hồi giáo” Caliphate. Đồng thời, chiến dịch tuyền tuyền chống Việt Nam, bóp méo lịch sử và tăng cường tinh thần “giấc mơ Trung Quốc” vị trí “Thiên triều” cũng được đẩy mạnh trong nội bộ xã hội đại lục.
Những hành động xây dựng đảo nhân tạo, triển khai các căn cứ, đường băng quân sự trên các đảo chiếm được là bước chuẩn bị đầu tiên cho chiến lược thống trị biển Đông, bằng tất cả các lực lượng quân - dân sự kết hợp (tàu cá, giàn khoan, chiến hạm, đảo nhân tạo)…Có hai kế hoạch đã được xây dựng đến từng chi tiết nhằm hiện thực hóa âm mưu này. Kế hoạch thứ nhất là từng bước chuẩn bị, đợi thời cơ. Khi đã chuẩn bị xong hạ tầng chiến lược (sân bay, căn cứ), Trung Quốc sẽ tạo cớ để tấn chiếm từng đảo nhỏ một, tiền đề cho một cuộc chinh phạt ít tốn kém và tổn thất hơn nhưng lâu dài theo cách của năm 1988. Kế hoạch thứ hai là khi tình hình thế giới trở lên hỗn loạn hơn với những nguy cơ nóng bỏng, Trung Quốc tạo dựng cơ hội “dàn khoan Hải Dương - 981” tiến hành các hoạt động vu cáo “dạy một bài học” và tung toàn bộ lực lượng PLA để thực hiện trong một cuộc chiến tranh ngắn độc chiếm toàn bộ biển Đông, hiện thực hóa nhanh chóng “đường chín đoạn”. Tổn thất đối với PLA có thể rất lớn, nhưng cũng như năm 1979, đó không phải điều mà Bắc Kinh quan tâm, mà là mục tiêu đạt được. Kinh nghiệm của “Vạn lý trường chinh” đã thể hiện rất rõ tư tưởng này.
TRỊNH THÁI BẰNG (QUOCPHONGANNINH.EDU.VN) / TOPWAR.RU
Theo: Reds

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ được cái đúng!



Nghe giải thích mệt quá! Đã thế hai ga Cát Linh và Hà Đông làm cao hẳn lên như cái sườn đồi ấy. Tàu đến ga cuối cùng sẽ phải nằm trên sườn đồi này. Ở phía ga Cát Linh, khi khách đã lên tàu, anh lái tàu chỉ nhả phanh ra là nó phóng ngược đánh vèo vào tận Hà Đông. Rồi lại như thế, từ Hà Đông nó phóng đánh vèo ra Cát Linh. Tàu chạy theo quán tính thôi! Khỏi phải tốn tiền điện hay nhiên liệu cho nó.
Vì nghe "giải thích" vì sao phải lên dốc xuống dốc mà mình muốn bịt mũi! Làm cứ như ta đây cái gì cũng tính toán tiết kiệm để làm lợi cho dân, cho nước. Tỏ vẻ thế thôi, chứ những gì đã "ăn tươi nuốt sống" và còn ăn tiếp sau khi đưa vào sử dụng sẽ cao hơn nhiều so với số tiền tiết kiệm từ chiêu uốn lượn này.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Ý kiến nhà văn chưa hẳn đúng, đây là mũi tên nhắm hai đích, không riêng cho việc ổn định nội bộ - Nếu thuận lợi nó còn nhắm tới bành trướng lãnh thổ - Chỉ xem như bài tham khảo.

Ý kiến: 'Từ Tam Quốc tới Biển Đông'


Chia sẻ
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình
Trung Quốc gây sự trên biến Hoa Đông và Biển Đông nhằm tạo ra những căng thẳng giả tạo, tạo ra những cuộc chiến tranh ảo để kích hoạt, xốc dậy tinh thần bá quyền đại Hán và có cớ chạy đua vũ trang.
Việc đổ tiền xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông không mang ý nghĩa phòng thủ về quân sự mà chỉ mang ý nghĩa chính trị, doạ nạt những quốc gia nhỏ yếu hơn vì như một viên tướng Mỹ tuyên bố: hòn đảo này không chịu nổi 300 quả tên lửa Mỹ.
Việc chạy đua vũ trang của Trung Quốc không phải để đánh ai, bành trướng lãnh thổ, lãnh hải vì trong lịch sử Trung Quốc thường thua trong các cuộc viễn chinh; hành động tăng cường vũ trang là để đối phó tình trạng suy vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sử dụng sức mạnh quân đội để duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng, khắc chế xu hướng ly tâm và ly khai ( liệt quốc) tức là sự phân rã của đất nước xã hội Trung Quốc thách thức quyền lãnh đạo của Đảng CS Trung Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, để cứu đoàn quân đang chịu khát khi hành quân qua sa mạc Tào Tháo đã dùng mẹo phao tin: phía trước có rừng mơ. Nghe thấy mơ quân sĩ ứa nước miếng ra và quên được cơn khát.

Lôi cuốn dư luận

Những động thái gây sự trên Biển Hoa Đông và Biển Đông có giống chuyện rừng mơ Tào Tháo mà ông Tập Cận Bình muốn cuốn dư luận Trung Quốc vốn đang bức bí bởi thể chế và các vấn đề kinh tế-xã hội-chính trị nảy sinh do phát triển nóng?
Có hai cuộc chiến ảo Trung Quốc có thể tiến hành, tạo chiến tranh ảo trên biển thuận hơn vì gây chiến tranh ảo trên bộ rất dễ xảy ra chiến tranh thật.
Trung Quốc có hàng chục quốc gia láng giềng lân bang và đều có vấn đề biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc và nếu xảy ra chiến tranh thật thì lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc chắc cũng không muốn vì thường thua.
Sử dụng sức mạnh quân đội để bảo vệ sự chuyên quyền do Đảng Cộng sản là chính sách mâu thuẫn, tiềm ẩn thảm hoạ, một chính sách tự nó phát sinh những hố tử thần giống với việc dùng con dao hai lưỡi.
Không ngẫu nhiên với lực lương chính quy trên 2,3 triệu người, với 7 đại quân khu nhưng cấp hàm cao nhất của quân đội Trung Quốc hiện tại chỉ tới hàm thượng tướng.
Không một viên tướng nào sau khi ông Mao Trạch Đông chết đi được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị.

null
Vụ giàn khoan 981 năm 2014 đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam

Do phát triển nóng, lại do những đặc điểm địa lý, lịch sử, sắc tộc, cộng với thể chế cộng sản thối nát đã dẫn tới sự phát triển không đồng đều, công bằng, trong khuôn khổ luật pháp giữa các vùng, miền, khu vực, sắc tộc, làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội.
Những mâu thuẫn này đã kích hoạt tinh thần ly tâm và ly khai. Bởi một tỉnh, một quân khu của Trung Quốc có diện tích và dân cư ngang bằng với một quốc gia tầm trung của thế giới.
Chiến dịch bài trừ tham nhũng khởi đầu nhắm vào lực lượng vũ trang thực chất là chiến dịch thanh lọc nội bộ, thanh lọc những phần tử không ăn cánh, không trung thành với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Tập Cận Bình.
Quân đội là đối tượng ông Tập thấy phải dọn dẹp trước để mỵ dân, làm dịu bớt những bức xúc, những vấn đề nóng do nền chính trị-kinh tế-xã hội cộng sản Trung Quốc mang lại.
Với chiến dịch Đả hổ diệt ruồi này, Tập Cận Bình vô tình đã động vào gót chân Achille của chế độ độc tài đảng trị Trung Quốc, đụng vào niêu cơm của những đảng viên cao cấp.
Nếu ông Tập Cận Bình muốn thực tập chống tham nhũng thì phải giải tán đảng cộng sản Trung Quốc, loại hết thảy mọi đặc quyền đặc lợi của cái loại giá áo túi cơm như có lúc ông Tập tuyên bố đang nấp dưới ngọn cờ cộng sản.
Chiên dịch Đả hổ trở thành gậy ông đập lưng ông, mua thù chuốc oán, làm cho xã hội Trung Quốc bất an và phân tâm thêm.

Trung thành hơn năng lực?

Việc đưa ra toà một uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị phụ tránh chính pháp, từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, người có công xây dựng được một mạng lại an ninh mật vụ hùng mạnh; tạo nên sự tập quyền vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự là một đòn chí mạng đánh vào nền móng của ngôi nhà cộng sản Trung Quốc.

null
Chu Vĩnh Khang bị tòa tuyên án chung thân

Chu Vĩnh Khang là cha đẻ của chủ nghĩa thực dân Trung Hoa kiểu mới, tung toàn lực để đầu tư khai thác (exploitation,) tìm đủ mọi cách để sở hữu chiếm đoạt bao gồm cả dùng thủ đoạn chính trị lẫn đầu tư tung vốn (acquisition) và bành trướng tối đa sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lên những quốc gia Trung Quốc khai phá đầu tư.
Dưới thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, chiến lược phát triển năng lương được phát triển tăng tốc ra cả ngoài biên giới hải đảo Trung Quốc, sang cả tận đất Mỹ.
Công ty dầu hỏa của Trung Quốc CNOOP dưới quyền của Chu Vĩnh Khang đã suýt nữa tóm thâu trọn vẹn thành công ty dầu hỏa Unocal 76 nếu Hạ Viện Hoa Kỳ không can thiệp.
Một con người có công lớn với Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chu Vĩnh Khang; một con người sinh ra từ gia đình có công khai quốc như Bạc Hy Lai, tại sao suýt bị đẩy lên đoạn đầu đài?
Chuyện này làm chúng ta liên tưởng cái xoáy phản chủ khiến Nguỵ Diên bị mất mạng bởi Gia Cát Lượng, mặc dù Gia Cát Lượng rất biết công, tài Nguỵ Diên.
Nguỵ Diên có tài, có công bị giết, trong khi Thục Hán đang cạn kiệt nhân tài và Gia Cát Lượng lại phó thác cho một tướng đàn em, tướng chiêu hồi Khương Duy, tướng của Nguỵ đã đầu hàng Gia Cát Lượng, nắm quân đội Hán?
Điều này cho thấy sách lược chọn người ngoan, người trung thành chứ không chọn người tài, có chính kiến, bản lĩnh riêng của Tập Cận Bình học theo Gia Cát Lượng.
Để an toàn cho việc chọc trời khuấy nước, không cách nào khác Tập Cận Bình phải nắm chắc tay súng, tức củng cố lực lượng quân đội.
Không ngẫu nhiên mà có lúc ông Tập đã có lúc tuyên bố khi lao vào chiến dịch Đả hổ, ông không màng tới vấn đề sống chết của cá nhân.
Tuyên bố này của Tập Cận Bình làm cho chúng ta nhớ tới việc Bàng Đức thời Tam Quốc, khi được Tào Tháo giao cho đi cứu Tào Nhân nguy khốn ở Phàn Thành do bị Quan Vũ bao vây, Bàng Đức đã cho quân chở quan tài ra trận.
Qua động thái này cho thấy xã hội Trung Quốc đang trầm tích những vấn đề sống còn, những xung đột nội tại khốc liệt tới cực độ.
Để tiêu hoá được những tử địa đó, không còn cách nào khác là chạy đua vũ trang, củng cố lực lượng quân đội bằng việc tạo ra những cuộc chiến tranh ảo.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của ông Phạm Viết Đào, hiện sống tại Hà Nội.Xem bài cùng tác giả:

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hãy cảnh giác với hành động phá hoại của "kẻ lạ"!

Nhiều điểm quốc lộ 1A bị phá hoại bởi ‘hóa chất lạ’

Ít nhất có 8 điểm trên quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình bị rải hóa chất khiến bê tông nhựa bị sủi đen, mất kết dính.
a-quoc-lo-1-bi-pha-4618-1435312727.jpg
Bê tông nhựa bị mất kết dính, bong tróc, trơ sỏi sau khi bị rải hóa chất lạ. Ảnh:Dụng Phan
3 ngày qua, Công ty TNHH tập đoàn Sơn Hải phát hiện 8 điểm trên hai gói thầu số 10 và 14 thi công quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Bình có dấu hiệu bị phá hoại. Những điểm này tập trung ở các bùng binh, nơi có nhiều xe cộ.
“Tôi ngửi thấy mùi xăng dầu, cạnh đó có thêm hóa chất chưa xác định là gì. Mặt đường bị tạt hóa chất sủi đen, gặp mưa và xe chạy thì bóc hết nhựa, lớp đá bong ra. Ban đầu tôi nghĩ là bình thường nhưng sau diễn tiến liên tục nên suy đoán có kẻ xấu cố tình phá hoại công trình", ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc công ty, cho hay.
Ở các điểm mới phát hiện, nhà thầu dùng nước rửa trôi hóa chất và khoanh vùng, theo dõi hư hỏng để có giải pháp xử lý tiếp theo. Tuy vậy, một số điểm hóa chất vẫn thấm vào mặt đường, có nguy cơ phá hủy kết cấu.
Vị Phó tổng giám đốc thông tin, việc thi công lại những đoạn bị hư này vô cùng khó khăn, phải vận chuyển xe, máy móc từ công trình khác về, đồng thời phải làm lại tối thiểu 3 mét chiều dài đường mới đảm bảo chất lượng.
a-quoc-lo-1-bi-pha-2-8976-1435312727.jpg
Một vệt hóa chất dài hàng chục mét rải gần bùng bình nhằm tăng tính phá hoại. Ảnh: Dụng Phan
Ông Trần Văn Luận, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình xác nhận, có hiện tượng rải hóa chất khiến mặt quốc lộ 1A vừa thi công đã hư hỏng. Sở đã kiểm tra thực tế, lấy mẫu để xác định loại hóa chất, đồng thời gửi thông báo đến các nhà thầu thi công quốc lộ 1A theo dõi, đề phòng kẻ xấu phá hoại. Tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông, công an tỉnh cũng đã vào cuộc điều tra.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết đã nghe Quảng Bình trao đổi, nhưng phải chờ báo cáo từ địa phương và kiểm tra thực tế mới có thể kết luận.
Ông Sanh đánh giá Tập đoàn Sơn Hải đang gây chú ý bởi là doanh nghiệp đầu tiên của ngành giao thông cam kết bảo hành 5 năm đối với vấn đề hằn lún vệt bánh xe - câu chuyện gây đau đầu đối với cả cơ quan quản lý lẫn nhà thầu dự án mở rộng quốc lộ 1A và 14.
Theo ông Sanh, Sơn Hải là nhà thầu được Bộ Giao thông chọn như là điển hình nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý hằn lún vết bánh xe tại hội thảo khoa học sắp diễn ra. Tập đoàn này hiện thi công 2 gói thầu quốc lộ 1A, gồm gói số 10 qua bắc Quảng Bình, gói 14 qua huyện Lệ Thủy ở phía nam và đều có cam kết bảo hành 5 năm.
Hoàng Táo - Chí Hiếu







Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quốc hội nên ra lời tuyên bố chính thức và kêu gọi toàn dân bảo vệ tổ quốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và độc lập dân tộc!

Chủ tịch Quốc hội: 'Chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng'










Khẳng định việc Trung Quốc xây đắp tại các bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam là đe dọa hòa bình, ổn định, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền. 
"Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 chiều 26/6 khi đề cập việc chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hành động bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.
nguyen-sinh-hung-9977-1435312075.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền. Ảnh: Giang Huy.
Tổng kết hoạt động của cả kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cập việc sau khi thảo luận, cân nhắc thận trọng, Quốc hội đã thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo khả thi, tiến hành các công việc để triển khai dự án và hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.
Sau khi giám sát tối cao chuyên đề tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, Quốc hội đã ban hành nghị quyết, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.
Vấn đề chủ quyền biển Đông tiếp tục được nêu tại họp báo công bố kết quả kỳ họp vào chiều cùng ngày. Trả lời câu hỏi về mong muốn của người dân là Quốc hội sẽ ra nghị quyết trước các hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, biển Đông là vấn đề phức tạp. Trước đề nghị của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Quốc hội đã yêu cầu và Chính phủ giao Bộ Ngoại giao báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông. Nội dung này được trình bày trong phiên họp kín chiều 5/6.
“Việc Trung Quốc xây các bãi ngầm không thay đổi được chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền với các quần đảo trên biển Đông. Quan điểm cá nhân, tôi tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề trên và Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi tình tình, ra nghị quyết nếu thấy cần thiết”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.
Thời gian qua, Trung Quốc liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học, sân bay, bến cảng ở quần đảo Trường Sa, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình từng nhiều lần khẳng định hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại Trường Sa là bất hợp pháp, không thay đổi được thực tế Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở biển Đông", ông Bình nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/6. 
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua 11 dự luật, trong đó có những luật rất quan trọng, như: Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương, Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân... Quốc hội cũng đã thông qua 9 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 15 dự án luật. Lần đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết đề nghị phê chuẩn  bổ nhiệm 15 Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.
Võ Hải










Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hay đồ rồ?

Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn

Đặng Hoàng Giang -
 Người Hmong, người Dao, người Tày, người Giáy sẽ ngồi trên bậc thềm bên ngoài, ngước nhìn lên để thấy ngọn “Hủa Xi Pan" của mình, một biểu tượng của thiên nhiên hùng vĩ, nóc nhà chung của họ từ hàng trăm năm nay, bỗng nhiên trở thành một điểm hành hương Phật giáo mới để cho những người ở đâu tới khấn lậy và nhét tiền vào tay tượng, xa lạ và thô bạo với không gian văn hoá của họ. Có thể dừng lại cỗ máy khổng lồ mang tên “phát triển" này được không? Tôi không chắc. Bởi nó đang được đốt bởi lòng tham. Các doanh nghiệp thì say lợi nhuận. Chính quyền thì say tăng trưởng GDP.
Cảnh phân phát quà cho trẻ em dân tộc thiểu số
Từ sau khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khánh thành, lượng khách tới Sapa tăng đột biến. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ô tô và xe khách biển số 29 và 30 chen chúc nhau nhích từng tí một trên những con phố dốc và hẹp ở trung tâm, rú ga giữ máy, bấm còi inh ỏi.

Buổi tối, ở quảng trường nhà thờ, nhạc disco được mở to hết cỡ, tiếng bass làm vạt áo rung bần bật. Các buổi sáng, du khách chen lấn nhau để xuống thung lũng "thăm quan" các bản, lượng iPad nhiều hơn số lợn con nằm vầy đất ven đường.

Không còn nhìn thấy núi non gì nữa vì hai bên đường đã kín hàng quán bán đồ lưu niệm. Trẻ con Hmong xếp hàng đợi được phát bánh kẹo như là khỉ trong sở thú.

Những đứa bạo dạn hơn thì đi giật lùi trước mặt khách, chúng từ chối kẹo, chỉ nhận tiền, và đồng thanh kêu như những cái máy vô hồn, tiếng Kinh không sõi "cô cho hai nghìn, cô cho hai nghìn". Một cộng đồng và một vùng thiên nhiên đã đánh mất nhân phẩm của mình vì du lịch.

Đi du lịch là một sở thích khá mới của người Việt. Tới tận giữa những năm 1990, Sapa vẫn còn là một thị trấn xanh, yên tĩnh và thanh bình, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Hồi đó, không có một người Kinh nào quan niệm leo lên đỉnh Phan Si Pang là một việc đáng làm, đấy là việc chỉ người Hmong “phải” làm để mưu sinh.

Cũng giống như ở phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ II, phong trào đi du lịch của người Việt dần dần lớn mạnh khi có đủ ba yếu tố hội tụ.

Thứ nhất, thu nhập đã vượt qua những nhu cầu tối thiểu. Thứ hai, quỹ thời gian rộng rãi hơn, người ta không phải đầu tắt mặt tối lo cho cuộc sống nữa. Thứ ba, cơ sở hạ tầng, nghĩa là phương tiện đi lại, dịch vụ khách sạn và ăn uống, đã tốt lên, để cho việc xê dịch không còn vất vả nữa.

Những yếu tố đó làm thay đổi thái độ của người ta với việc di chuyển, chuyển từ quan điểm “xểnh nhà ra thất nghiệp” tới chỗ coi việc ra khỏi nhà như một thú vui, một sự hưởng thụ.

Thậm chí, để thoát khỏi cái buồn chán của cuộc sống công sở hàng ngày ở một thành phố lớn, người ta còn tìm tới cái vất vả như một cuộc chạy trốn ngắn ngủi, tất nhiên bởi người ta biết là cái vất vả này là hữu hạn về mặt thời gian, và các rủi ro nằm trong vùng được kiểm soát. Các phong trào phượt, phong trào đạp xe, phong trào “leo Phan” ra đời.

Lũ lượt đi chơi
Cái đang xảy ra ở Sapa là sự hoành hành phá phách của hiện tượng du lịch đại trà (mass tourism) và chính sách phát triển phục vụ nó.

Giờ đây, tình hình đã khác hẳn. Năm ngoái có gần 4 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, cộng với 40 triệu lượt khách nội địa, tổng lại là bằng một nửa dân số quốc gia. Nhìn xung quanh, ta thấy mỗi gia đình đều lên kế hoạch cho một vài chuyến đi trong năm. Với người Việt trung lưu, du lịch đã trở thành một sinh hoạt cơ bản, như mua sắm hay đi nhà hàng.

Khoảng khắc cho đồ đạc lên ô tô để lên đường bao giờ cũng là một trong những khoảnh khắc phấn khởi nhất của cả gia đình trong năm, và hình ảnh người bố trẻ lái xe trên xa lộ, người mẹ trẻ gọt hoa quả ở ghế bên cạnh, ở đằng sau là hai đứa con chụm đầu chơi iPad, truyền tải một trong những cảm giác sống viên mãn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ 21.
Du lịch là con ngỗng đẻ trứng vàng với nhiều địa phương, họ giàu có lên trông thấy nhờ vào nguồn thu từ du khách, nếu “giàu có" được đo bằng số lượng nhà cao tầng mới xây và số ô tô chạy trên đường.Cái mất mát thì không ai lượng hoá được. Thờ ơ hoặc không ý thức được mặt trái xấu xí của du lịch, phần lớn các chính quyền địa phương tiếp tục cổ suý vô điều kiện cho “ngành công nghiệp không khói” này như một hướng phát triển văn minh và tiến bộ.

Cái đang xảy ra ở Sapa là sự hoành hành phá phách của hiện tượng du lịch đại trà (mass tourism) và chính sách phát triển phục vụ nó. Chính sách này có thể được gói gọn trong một mục tiêu: càng nhiều khách càng tốt. 

Để tiếp tục với ví dụ Sapa: số lượng khách tới đây vào năm 1991 là 2 000.

Năm 2002, con số này là 60 000 người. Nhưng riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2015 vừa rồi số du khách đã là 50.000 người.

Sapa đang bị phá hủy vì cách làm du lịch?

Trong cuốn “Quá tải: kinh doanh du lịch bùng nổ”, tác giả Elizabeth Becker gọi du lịch là một ngành công nghiệp toàn cầu tàn bạo, một con dao hai lưỡi, hứa hẹn thu nhập và việc làm cho bên chủ nhà, và các trải nghiệm để đời cho bên khách, nhưng cùng lúc cũng có sức tàn phá khủng khiếp với môi trường, văn hoá và cộng đồng.

Số phận của các địa điểm du lịch tầm cỡ khác của Việt Nam cũng tương tự như Sapa. Ở vịnh Hạ Long, mỗi ngày 20.000 du khách được đưa đến và chuyển đi như gà con trên băng chuyền, sau khitrực tiếp xả thẳng phế thải của mình xuống dưới biển.

Ở Phú Quốc, mùi nắng gió, mùi nước mắm, các đồn điền tiêu, những làng chài, tâm hồn và cá tính của hòn đảo, đang biến mất dần. Thay vào đó là chi chít hàng quán, biển hiệu rối rắm, như một thị trấn vô hồn bất kỳ nào khác.

Người ta xẻ rừng quốc gia để đặt vào đó các lâu đài nhái kiểu cổ tích châu Âu chóp nhọn loè loẹt xanh đỏ, những cây thông và bãi cỏ ôn đới lạ lẫm với khí hậu địa phương, biến một thiên đường nhiệt đới tự nhiên thành một “thiên đường" bê tông nhân tạo.

Du lịch đại trà là một hiện tượng toàn cầu, nhưng nó gây ra tác hại nhiều nhất ở các nước đang phát triển, vì sức chống cự của những nước này, cả từ nguồn lực tài chính lẫn trình độ quản lý yếu kém hơn. Ở Angkor Wat, gần đây các ngôi đền bắt đầu bị lún vì mực nước ngầm hạ thấp do mức tiêu thụ nước của các khách sạn liên tục tăng lên.

Ám ảnh nhất với tôi là Vang Viêng ở Bắc Lào. Nằm bên bờ sông Nam Song, được vây xung quanh bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp, cái làng nhỏ duyên dáng và xinh xắn này bỗng nhiên trở thành nơi các thanh niên phương Tây tập kết để ăn chơi như không có ngày mai. Họ tụ tập ở các bar trải dài 4 km dọc bờ sông, ăn pizza trộn với cần sa, nốc whisky đựng trong các bát ô tô nhựa, nhảy nhót trong tiếng nhạc rầm rầm, rồi nằm trong xăm ô tô lao mình xuống nước xoáy để tiêu khiển. Sau mấy chục ca tử vong chỉ trong vòng một năm, chính phủ Lào phải ra tay dừng cuộc vui lại.

Mức sống chung cao lên, các đường bay giá rẻ ra đời, càng tạo điều kiện cho du lịch đại trà phát triển. Thậm chí, người ta bắt đầu dùng tới thuật ngữ “du lịch siêu đại trà" (mega-mass tourism) để mô tả hiện tượng này.

Đầu thế kỷ 21, Giáo hoàng John Paul II phê phán du lịch đại trà là một hình thức bóc lột mới, nó “biến văn hoá, các nghi lễ tôn giáo, và các lễ hội dân tộc thành những sản phẩm tiêu dùng” khi khách du lịch tìm tới những cái mới lạ một cách hời hợt và không muốn tiếp xúc thực sự với văn hoá bản địa.



Thật vậy, trong trường hợp Sapa, điều quan trọng nhất với các du khách là câu hỏi ăn lẩu cá hồi ở đâu và mua rượu táo mèo chỗ nào. Không ít người lên đây vì bạn rủ đi để “có người uống cùng cho khỏi buồn.” Văn hoá, thể hiện qua đám người dân tộc ăn mặc sặc sỡ và những cái ruộng bậc thang, sẽ chỉ là cái phông cho các bức selfie.

Chả ai bỏ công ra tìm hiểu về lịch sử, tín ngưỡng, xung đột xã hội, hoàn cảnh kinh tế của người dân ở đây. Có lẽ yếu tố “văn hoá" duy nhất mà khách quan tâm là cái chợ tình như là cái gì man di đáng yêu của “bọn nó”, nhưng đằng nào nó cũng biến mất từ nhiều năm nay rồi - cũng vì du lịch.
Đấy là chưa nói tới chuyện sắp tới sẽ có nhiều hội thảo, tập huấn, tổng kết, liên hoan v.v… được tổ chức ở Sapa, ngạch này gọi là du lịch - công việc (business tourism). Loại du khách này thường không đi cùng gia đình, nên chắc lúc đó sẽ mọc lên nhiều tiệm massage và karaoke thư giãn với các cô gái miền Tây Nam Bộ đổ về cạnh tranh với con gái địa phương.

Chầu rìa trên quê hương?

Nhìn những gì người ta đang tiếp tục làm với Sapa mà thấy đau lòng. Các khách sạn khổng lồ tám, chín tầng vẫn đang xẻ núi mọc lên, nhiều khi chỉ cách cái bên cạnh một con phố nhỏ, xe không quay được đầu.

Đảo qua một vòng trên báo chí, cũng thấy nhắc tới các “thách thức" du lịch ở Sapa, nhưng hoá ra đó chỉ là các vấn đề “cháy” phòng và khan hiếm chỗ đỗ xe. Chính quyền địa phương cam kết sẽ ưu tiên giải quyết để “Sapa ngày một vui hơn.”

Sắp tới, cáp treo sẽ làm hàng trăm người đang khuân vác phục vụ khách leo núi mất việc. Họ sẽ ra nhập đám vợ con họ đang lang thang hàng ngày ở thị trấn.

Cáp treo lên đỉnh Phan Si Pan cũng đang được thi công. Ở độ cao 3000 m, người ta đang phá đá để tạo ra một khu vực rộng gần 8 ha, một diện tích rất lớn ở độ cao chênh vênh đó. Quần thể ga đến sẽ có “khu dịch vụ du lịch, khu tham quan, công viên văn hoá tâm linh và một tượng Phật khổng lồ”.

Cáp treo có công suất 2000 người một giờ, nghĩa là khi đi vào hoạt động sẽ cho phép mười mấy nghìn người lên đỉnh núi mỗi ngày, quanh năm, ngày nào cũng như ngày nào, thay vì con số hiện nay chỉ là mấy chục người một ngày leo đường bộ, và chỉ trong 6 tháng mùa khô.

Còn những người dân tộc, những người thực ra là chủ từ bao đời của vùng núi này, họ được gì từ tất cả những cái này? Hiện nay, mỗi du khách tới Sapa sau khi bỏ ra 1 triệu đồng cho việc đi lại, khách sạn, ăn uống - tất cả chảy vào túi người Kinh, kể cả tiền cho một chai nước trắng - thì mới bỏ ra 10 nghìn mua mấy cái đồ thổ cẩm của người dân tộc. Thậm chí nhiều hướng dẫn viên du lịch còn dẫn khách tới các cửa hàng bán thổ cẩm nhập từ Trung Quốc vì họ được hoa hồng từ đây.

Người thiểu số đang ra rìa ngay trên quê hương họ

Và như vậy, những người Hmong, người Dao, người Tày, người Giáy, sẽ chủ yếu là đứng chầu rìa ở ngay trên quê hương họ. Sắp tới, cáp treo sẽ làm hàng trăm người đang khuân vác phục vụ khách leo núi mất việc. Họ sẽ ra nhập đám vợ con họ đang lang thang hàng ngày ở thị trấn.

Họ sẽ không để cho du khách yên, sẽ táo tợn, sẽ đeo bám quấy rầy cho tới khi khách mua hàng mới thôi, sẽ hét “no money, no photo.”

Buổi trưa, khi các đoàn khách bận rộn với món lợn mán nướng bên trong các quán ăn, họ sẽ ngồi trên bậc thềm bên ngoài, ngước nhìn lên để thấy ngọn “Hủa Xi Pan" của mình, một biểu tượng của thiên nhiên hùng vĩ, nóc nhà chung của họ từ hàng trăm năm nay, bỗng nhiên trở thành một điểm hành hương Phật giáo mới để cho những người ở đâu tới khấn lậy và nhét tiền vào tay tượng, xa lạ và thô bạo với không gian văn hoá của họ.

Có thể dừng lại cỗ máy khổng lồ mang tên “phát triển" này được không? Tôi không chắc. Bởi nó đang được đốt bởi lòng tham. Các doanh nghiệp thì say lợi nhuận. Chính quyền thì say tăng trưởng GDP.
Các du khách thì tham các trải nghiệm mì ăn liền, được tưởng thưởng mà không phải lao động. Họ muốn “chỉ cần 15 phút để lên nóc nhà Đông Dương”, chụp selfie giữa rừng già mà vẫn đi guốc cao gót được, nhẹ nhàng như vào Paris Deli.

Nhưng cũng như với mọi thứ khác trên đời, sự tham lam sẽ phá huỷ hết. Lòng tham sẽ biến con ngỗng vàng mang tên du lịch thành một con quái vật. Các nhà chuyên môn đã nói nhiều về cú nổ bong bóng của các điểm đến sau thời kỳ tăng trưởng nóng vô độ.

Với cách làm du lịch hiện nay, sẽ tới lúc Sapa giống muôn vàn những chỗ khác: vô bản sắc, ô hợp, nhân tạo và rẻ tiền. Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn, một sự thảm hại cho cả người ở đó lẫn người tới thăm.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả từ Hà Nội.

Phần nhận xét hiển thị trên trang