Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Đại bất nhã ba la mật đa tâm kinh


Truyện Bùi Hoằng Vị 
vatc(1)Văn Việt: Bùi Hoằng Vị sinh năm 1955 tại Huế (bố mẹ di cư từ Hà Nội). Bút danh khác: Pierre Bùi.
Cử nhân Nga Văn (Đại học Tổng hợp, TP.HCM), cử nhân Anh Văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM). Thạc sĩ TESOL/TEFL (Victoria University of Technology, Australia).
Hiện sống ở Sài Gòn, dạy học tại VASS (Vietnamese American School System).
Tác phẩm đã xuất bản: Nhật Ký (thơ, NXB Long An,1990), Tầng Trệt Thiên Đường (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 1995), TЭI(tập truyện, NXB Giấy Vụn, 2011)
Trang web cá nhân của Bùi Hoằng Vị: bhvsg.blogspot.com
Bùi Hoằng Vị vốn được biết đến như một nhà thơ. Nhưng việc viết văn của ông hoàn toàn thoát khỏi cái lệ thường của hầu hết người làm thơ viết văn, nhàn nhạt chữ và truyện. Văn ông sắc sảo như gươm giáo, ý tứ thâm hậu, đa tầng. Ông thuộc loại viết kỹ, rất kỹ và nghiêm khắc nhưng vẫn luôn giữ được trong văn mình cái tài hoa của nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Đẹp và đểu. Hiếm và quý. Tôi tin rằng trong số những tên tuổi còn lại với lịch sử văn học Việt Nam sẽ có Bùi Hoằng Vị, với tư cách cả nhà thơ lẫn nhà văn.
Nguyễn Viện
Chú thích: Truyện ngắn nhan đề ĐẠI BẤT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH đã được côngbốtừ28.06.2011(http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16133), tuy nhiên không ít độc giả cho rằng nó rất khó đọc, do “một bộ phận không nhỏ trong quần chúng” hôm nay đã quen với kiểu “tư duy phân mảnh” (vốn định hình từ thói quen tiếp nhận thông tin “ăn liền” đủ loại từ internet), và đã đánh mất khả năng “tư duy logic & liền mạch” mà văn bản truyện yêu cầu; bởi vậy, chúng tôi mạn phép cung cấp dưới đây văn bản “reader-friendly” của truyện ngắn nói trên – với đầy đủ “chấm”, “phẩy”, “chữ in hoa”, “chữ in thường”, để người đọc tiện tham khảo khi đọc truyện.
Thực chỉ bởi bà nhất thiết gửi tôi cho thầy. Tôi không biết thầy, chỉ biết bà vừa nhắm mắt nguyện lớn tiếng hơn mọi khi, thì đà thấy người dừng lại ngoài cửa. Thế mới là lục thông. Bà bảo, cháu tôi phải xuất gia thôi, bà chỉ còn mỗi mình cháu, hãy cứu lấy cái dòng họ thất đức này cháu ơi, bà xin cháu, bao lâu chưa đắc quả A La Hán thì đừng về, bà không nhìn mặt đâu. Tôi bủn rủn, bà ơi, quả Tu Đà Hoàn là quá lắm rồi, bà có biết mỗi quả như thế là hai vạn kiếp không. Bà ngẫm nghĩ, không, ít nhất cũng phải chứng được quả A Na Hàm cháu ạ. Tôi lại cố nài, thôi thì Tư Đà Hàm vậy, bà nhá, bà chẳng chịu, cháu chẳng đi đâu sất. Bà đành ừ, mắt nhoe nhoét ôm tôi rất chặt rồi ẩy ra cho thầy dắt đi. Chỉ sau tôi mới tỏ sư phụ tôi chẳng hệ phái tông môn nào, không đi về tịnh xá già lam, không an cư kiết hạ kiết đông ở đâu; tôi cũng không dám hỏi sẽ phải đếm bao vạn kiếp, cứ đi là đi, thế mới là vô vi. Mỗi ngày tôi đắp y trì bát theo sau lưng thầy, chậm rãi đếm từng bước qua từng ấy con đường, từng ấy giờ giấc. Tôi nay nằm lòng cảnh giới này. Lục căn tôi duyên chặt lấy nó, bát thức nhiễm trược chẳng dứt ra được. Tôi là đứa học trò tồi, thầy quở lúc nào cũng tâm viên ý mã hoảng loạn, từ tuần đầu vỡ lòng Sổ Tức Quán đã thất bại thảm thiết. Tôi bạch thầy thân khẩu ý tam nghiệp tôi đều nặng, chẳng hòng giải trừ ít nhất là trong một a tăng kỳ kiếp nữa; thôi thầy cứ rủ lòng chấp thuận cho tôi đếm theo gót thầy, mỗi ngày chỉ cầu đến giờ Ngọ, bụng réo, tôi mở bát có gì thọ nấy là được, còn lại việc thầy thầy quán, việc con con quán, quán gì thì quán, miễn không sát, đạo, dâm, vọng, tửu thì thôi, thầy nhá. Thầy chẳng gật chẳng lắc gì, thế tôi cứ bước theo. Tôi đồ cảnh giới này trăm phần chẳng phải Nhân hay Thiên hay A Tu La gì gì cả. Cứ mở mắt trông con kênh bao quanh nó khắc biết: Cái khối lỏng đen kịt lừ đừ trườn đi rất ấn tượng, chở theo không dưới tám vạn bốn nghìn chủng loại hữu cơ vô cơ, bồng bềnh nước lớn nước ròng, chẳng cần quán cũng biết, mỗi ngày dễ phải đến hàng vạn cái hậu môn dương vật cùng âm hộ hì hà phì phụt trực tiếp tống xuất các chất thải rắn chất thải lỏng sinh học, hàng chục vạn bàn tay nhanh nhảu quẳng những bọc ni lông rác, chưa kể hàng nghìn những họng cống lớn nhỏ xả thẳng xuống đấy các phế phẩm sinh hoạt phế phẩm công nghiệp phế phẩm y tế chưa qua xử lí vệ sinh môi trường, mới có thể khiến cho nó đặc quẹo lại và ngùn ngụt bốc mùi hăm bốn trên hăm bốn, thối điên cả một cõi Ta Bà như thế. Tôi tưởng đã nghe thầy thở dài tuy chẳng thèm ngoái đầu lại, Sổ Tức ngươi quán còn chưa nên hồn mà đã đòi nhẩy cóc sang quán Bất Tịnh là làm sao, chẳng khéo tẩu hoả nhập ma, nên vội vã bạch thầy vâng, kinh quá, hay thôi con chẳng quán gì nữa vậy. Song còn bà? Tôi những muốn hỏi có nơi nào người ta bán chứng chỉ hay cái gì đấy chứng nhận đã đắc quả Nhất Lai hay không, đắt bao nhiêu tôi cũng cố. À, việc này thì e chẳng ai sành điệu bằng ông. Tôi từng nghe bà hỏi sao ông chả chịu học hành gì cả thế, và ông vặc bà này láo nhỉ, tất cả chúng tôi đều chẳng đã tốt nghiệp xuất sắc trường Đảng là gì. Bà bảo câu ấy ông hãy để dành giả nhời người khác chứ đừng đem ra loè bà, bà cũng chui ở đấy ra, bà biết tỏng nó là gì, có giá trị gì, ý bà bảo học hành là học hành thật cơ, thì ông ối dào, chỉ vẽ, chúng ta là đầy tớ, học hành là thế nào, việc ấy để cho bọn chủ, chúng nó có tham thì cứ đi mà làm, ở các nước người ta cũng thế cả thôi. Bà bảo ông chẳng biết thật hay chỉ vờ chẳng biết, chứ ở nước người bọn đầy tớ học hành đến nơi đến chốn hẳn hoi, mỗi lần xem truyền hình, thấy các đầy tớ láng giềng người ta xuất thân Ha Vớt, Xoọc Bon, hay Căm Bờ Rít gì gì đấy tôi lại không khỏi chạnh lòng, cứ như lươn chạch thấy rồng, quạ diều thấy công thấy phượng. Bố nghiêm mặt, bà giữ mồm chẳng bọn xấu nó lại lợi dụng để diễn biến hoà bình. Mẹ kế tôi nguýt, bố quên bà đã quyết định giả lại thẻ Đảng rồi à, rồi quay sang con xin bà đừng thách, mai ông chỉ cần ra chỉ thị này nghị quyết nọ, là vèo một cái, đám ba triệu đàn em của ông trên suốt cái giải đất hình chữ ét này sẽ tự hô biến ra thành Tiến Sĩ, Phó Tiến Sĩ tất tần tật cả lũ chỉ trong một sát na, vâng, bà có biết hôm nay một miếng giấy long trọng xác nhận bà là Cao Học hay Thạc Sĩ chỉ dăm chục triệu; Phó Tiến Sĩ, xin thưa bẩy mươi, còn Tiến Sĩ, ái chà, một trăm, trăm hai, trăm rưởi, mặc sức bà chọn, nhưng đừng quên tiền nào của nấy, bà có tin không thì tuỳ, chứ chỉ riêng cái hẻm đàng chợ kia kìa, có treo bảng Khu Phố Văn Hoá hẳn hòi, nhá, nhẩm sơ đã mười một Tiến Sĩ, hai hai Phó Tiến Sĩ, ba ba Thạc Sĩ, Cao Học, bốn trăm bốn bốn Cử Nhân Chính Qui, năm nghìn năm trăm năm mươi nhăm Mở Rộng, Tại Chức, Chuyên Tu đủ loại, chưa tính các Giáo Sư, Phó Giáo Sư, văn bằng chứng chỉ chấp chới, hoa văn sặc sỡ, sắm sanh từ tận chốn Thủ Đô Nghìn Năm Văn Vật cả đấy bà ạ. Chẳng lạ, bà bảo, đã thấy các ông nhà này chứng chỉ tiếng Tây tiếng U trình độ A Bê Xê gì gì chả thiếu, vẫn đọc chệch tên tân dược, uống nhầm viên đặt âm đạo vợ thay thuốc viêm họng, may chả sao, nếu không muốn nói lại khoẻ ra, họp hành, phát biểu, đọc diễn văn ngày càng dài, chữ càng ghê, giọng càng sang sảng, vỗ tay tự khen càng lớn, bà suýt ngưỡng mộ. Thiện tai, thiện tai. Thầy dừng bước chắp tay trước già nửa xô nước nâu quạch một con bé mặt chi chít dưa leo dưỡng da, đang chùi nhà, hắt toẹt điêu luyện ra giữa lòng đường; thế mà tôi cứ đinh ninh sắp nghe quở đừng có bảo ngươi đang bận quán nốt Tứ Niệm Xứ với lại Ngũ Đình Tâm. Ấy vậy con Tiểu Bồ Tát nọ vẫn là lời cảnh báo không tồi. Chúng tôi bắt đầu bước cẩn trọng qua một cái chợ dằng dặc thập cẩm chúng sinh tham sân si bát nháo. Tay trái tôi ôm cái bát rỗng. Nhược kiến không bát, đương nguyện chúng sinh cứu cánh thanh tịnh, không vô phiền não. Thầy tôi cao cường vô lậu là thế còn suýt thọ quả báo tam ác đạo nữa là tôi, rất không là gì, làm thế nào giới định huệ? Gánh thịt lợn bên phải tôi đang niềm nở với hai thượng đế gái, cha tiên sư bác nhà chúng mày, thăn cô là thăn Tiên thăn Phật, nõn nà, sờ còn ấm dính cả tay thế này mà dám bảo kém tươi à, này nghe cô dạy, được thì mua không được thì phắn, may đời nhà chúng mày tháng này cô ăn chay chứ không thì đã hai phay này vào giữa hai cái mặt lồn xinh nhà chúng mày rồi, nhá. Tôi nghe kể mẹ sinh thời không mua thịt chợ nào, bảo lắm lúc đã ôi bầm, thương lái gom cả về ngâm thuốc tẩy mầu, tẩm hàn the, tươi hồng, lại hét giá như mới, mua ăn vào, nhẹ nhập viện nặng nhập quan, bẩy bẩy bốn chín ngày sau thân trung ấm còn sặc mùi hoá chất, chả cửa nào người ta cho đầu thai, tội lắm. Quầy thịt bò bên trái tôi đang nhỏ nhẹ, ê bà già, chỗ xương nầy nãy tui cân đủ kí, bà mang đi cho đã, giờ quay lại kiếm chuyện ọ ẹ biểu thiếu ba trăm cờ ram là sao, tính giỡn mặt hả, con cặc tui nè, tui thách bà ngon kêu quản lí chợ tới đây coi, đụ má bà nha. Tôi suýt giẫm vấp phải ngón trỏ ai đang dí vào thau cá bên trái, thôi thôi chị lấy thằng này cơ, chứ thằng í mà tươi đéo gì, chết đứ đừ, vợ đã kịp tái giá mấy phen rồi; ô không, anh đảm bảo với em thằng này vừa câu, nãy còn giãy đành đạch, vợ con nó còn ngỡ đang bận họp hành nơi nao chửa về, đã thèm bẩm báo công an đâu. Tôi nghe bảo mẹ không đụng thuỷ sản sau bận tròn một ngày giời trên thổ dưới tả, chỉ vì ba con tôm ướp đá với thuốc bảo quản hàng tháng trên tàu, rồi lại u rê khi về đến chợ đầu mối. Từ đây ra đến lộ tôi còn phải đếm vài trăm bước vòng vèo qua những quang những gánh muống, cải, lang, dền, bầu, bí, cà, su, ngót, đay, lơ, diếp, những ma trận xanh chỉ ai giồng mới rõ phải bao nhiêu phân hoá học, bao nhiêu thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nhập lậu từ Trung Quốc, bao nhiêu nước tưới tiêu múc trực tiếp từ dòng kênh đen ở đây lẫn nhánh sông lớn ngoài kia, rất đậm đà chất thải sát thủ mấy trăm nhà máy xí nghiệp của hai tỉnh đại công nghiệp án ngữ hai bên đầu nguồn, thì mới béo lá tốt dây được thế. Cẩn thận như mẹ tôi ắt cũng đã nói không cả với khu vực xanh này. Thế bà còn biết ăn gì? Chắc cũng không bao giờ bánh mì, vì e nhồi bột nổi công nghiệp, vong rất khó siêu thăng; cũng không hủ tiếu phở bún miến, do sợ tẩm phoọc môn, xác làm sao phân huỷ; cũng chẳng bánh tiêu dầu cháo quẩy, bởi không rán dầu ăn mà rán dầu máy, thì hồn nào A Di Đà chịu duyệt lên Cực Lạc; lại càng không sữa với tỉ lệ phần trăm prô tê in thực chỉ bảy mặc kệ bao bì đẹp phán ít là hai tám, chưa nói dư lượng kháng sinh, hàm lượng mê la min vượt định mức cho phép hàng chục lần, ma nào được Di Lặc gật cho về Đâu Suất? Ừ, thế chả trách mẹ sinh xong mỗi tôi đã vội qua đời vì không biết ăn gì. Thầy tôi lẳng lặng bước như không bước giữa vạn pháp giai không, tôi lẳng lặng lội theo nghịch dòng vô tận ác niệm, rốt cục cũng ra khỏi đấy, trồi lên mặt đường lớn. Chỗ này hôm qua thầy suýt bị nghiền nát như vi trần bởi một đứa tiểu yêu cấp Hai mất thắng lái lụa, không chỉ leo hẳn một trăm hai nhăm phân khối lên lề mà còn ngoái cổ trừng mắt, địt mẹ chán sống hả bố già trọc, rồi mới hô biến điệu nghệ như một làn khói đen, thầy chửa kịp cả thiện tai. Hôm nay không xuất hiện tiểu yêu. Mà có xuất cũng phải lu mờ, nhờ đã có hẳn một dòng hằng hà sa cả người lẫn xe chằng chéo đến tê liệt giữa bốn bề inh ỏi máy nổ, sặc sụa khói toả. Chả là chính xác giữa lòng đường đang sừng sững rất dài một lô cốt phục vụ công trình thế kỷ khai quật địa đạo cấp thoát nước vệ sinh môi trường vừa mọc qua đêm, đã chẻ dọc xô giạt tất cả vạn chủng di động hữu tình lẫn vô tình sang chặt cứng hai biên, được thì đi không được thì thôi, chả ai tịch diệt vì kẹt xe mà sợ; có chăng bên y tế người ta còn phải cảm ơn, bởi mức tử vong do tai nạn giao thông đang từ trung bình hai nhăm hai sáu mỗi ngày bỗng nhiên đột quị xuống poăng mo thì sao mà chẳng cảm ơn. Chỉ sầu riêng dân tình hai bên đường đang khóc mùi mẫn bởi đã tuyệt đường buôn bán lại phải từ nay ngày hai buổi nhai cơm trộn khói xe lẫn bụi cát đá xi măng xà bần thi công mịt mù thiên la địa võng. Song ấy đã là gì so với tâm trạng bên kia cầu, vừa đào đường dựng lô cốt, vừa song song xới tung vỉa hè hai bên để thay mới gạch lát. Chúng sinh bên ấy ngày đêm nghi ngút nhang đèn, cong lưng xì xụp, khẩn danh Trì Địa Bồ Tát cứu hộ, song nghe đâu ngài cũng đã rằng không; xưa một thân một mình ngài bang đất đắp đường bắc cầu mĩ mãn nhờ không kẻ quấy rầy, còn nay đâu đâu cũng sẵn cả vạn quân hoại pháp thế này, có nghìn hoá thân ngài cũng bằng không, thôi đừng cầu xin. Vậy bên ấy lệ đổ qui mô hơn cả bên này, thi thoảng còn lẫn máu, gọi là huyết lệ, ròng rã rỏ xuống các khe cống dọc ven đường, đưa mùi rất tanh. Ấy nhưng dù sao bà tôi mới là kẻ đầu tiên mất kiên nhẫn, cứ như thể đã bị Bồ Tát quở vậy. Lần rồi tôi đã nghe bà hét lên, các anh đừng có bịp tôi, tôi biết chắc chả có gì trong cái lô cốt dọc bờ kênh ấy hết, ai cũng bảo trong ấy chỉ có một cái xe múc, một cái trộn bê tông, một núi đá dăm, một núi cát, với một thằng áo xanh ngồi ngáp vặt, ruồi bâu không buồn đuổi, hết ngày lại ngày, đã bẩy năm nay rồi; các anh có biết một quãng đường từ cái cầu này đến cái vòng xoay kia ở bên Thái bên Sinh họ chỉ mất có hai đêm không, lại còn không biết nhục. Bác Cả tôi chả thèm nhấc mắt khỏi tờ báo, bà thì biết cái gì. Bác Cả gái tôi vội đỡ lời, ấy là chúng nó làm, sao bà nỡ mắng chúng con. Tôi chưa bảo đến chị, tôi là mẹ đẻ ra các anh ấy mà lại không biết các anh ấy đang làm cái trò gì à; trò bịp, hiểu chưa; chúng nó mà không đủ ngần ấy ngần ấy lễ vật cho nhà các anh chị hàng tháng hàng quí thì các anh có để yên cho chúng nó múa thế không; tôi lại không hiểu chúng nó mà chẳng bôi việc ra như thế thì sao hòng các chú các bác nhà các anh duyệt cho hàng trăm tỉ để có cái mà chia nhau, chứ làm nhanh như người ta thì có cứt mà ăn à; cái trò thay gạch vỉa hè hàng loạt cũng thế, quĩ xoá đói giảm nghèo chỉ dăm chục triệu còn để cho dân họ phải xếp hàng chờ dài cả cổ ra kia, trong khi vỉa hè người ta còn tốt nguyên, có tội tình gì, các anh lại mày trơ trán bóng, làm ngơ cho chúng nó cạy tung cả lên, thay mới cho bằng được; chả là chẳng thế thì làm sao mà giải hết hàng tỉ tiền ngân sách cho kịp thời hạn được; các anh các chị ghê gớm thế nào tôi lại còn chả biết à. Cơ mà bác Hai tôi chỉ cười khẩy để nhường bác gái lên tiếng, ấy kìa bà, chúng con thì bõ bèn gì, sánh sao được với chú Út nhà mình; bà không biết, chứ đàn em chú ấy được lót tay đến cả hàng triệu đô từ nguồn Ô Đê A cho cái đại lộ gì đấy, lại còn khâu miệng chịu khổ nhục kế đỡ cho chú ấy nữa, bà bảo có thần tình không. Thím Út tôi cũng phải nhoẻn cười, kìa các chị, cho chúng em xin với nào, việc nhà chúng em có động gì đến mồ mả nhà các chị mà các chị nỡ vơ hết cả vào đây thế. Ừ, rất có thể bác Hai gái tôi đã lạc đề. Chúng tôi dừng đợi qua đường dễ đến nửa giờ: Thầy – cạnh cột đèn chằng chịt quảng cáo Khoan Cắt Bê Tông, Trĩ Mạch Lươn, Học Anh Văn Luyện Thi Nhanh Nhất Hành Tinh Ở Đâu; tôi – dưới trụ điện Rút Hầm Cầu, Di Tinh Mộng Tinh Bạch Huyết, Cấm Đổ Rác, Cấm Đái Bậy, Hãy Cương Quyết Nói Không Với Mại Dâm Và Ma Tuý, ngay kề một đụn rác, một vũng tiểu, một bãi bao cao su lẫn ống chích hớn hở minh hoạ cáo thị. Lại nửa giờ nữa tình thế y nguyên, chúng tôi đành men lề tiếp bước, từ đầu đến chân lầm bụi hoại sắc, thất khiếu cũng thế, y bát cũng vậy, thế gian luôn rộng lòng bố thí cát bụi hơn là cúng dường thực phẩm. Thế mới là trần lao. Chẳng thầy yêu cầu tôi cũng tự nhẫn trở lại, đếm nhất thành nhị trụ, hít vào trần sa, tam hoại tứ diệt, thở ra sa trần, được tám tám sáu tư lần, cũng là lúc đo hết chiều dài lô cốt để trờ tới đầu khu cấp cứu một bệnh viện đa khoa đồ sộ. Qui hoạch nhân gian sao mà trí huệ: Ai đã qua khúc kênh ấy, quãng chợ ấy, chặng kẹt xe lô cốt ấy mà chẳng phải đến đây mới là phi thường. Nhưng tôi sẽ không dám vào đấy, dù hấp hối. Thái Tử Tất Đạt Đa xưa bốn bận xuất thành ắt đã dạo gót chốn này, ắt đã tận mắt ngắm mỗi giường song song hai bệnh nhân, dưới mỗi gậm giường chen chúc bốn thân nhân nuôi bệnh, dọc mỗi hành lang từ chân cầu thang đến cửa phòng vệ sinh la liệt nằm ngồi bách tính, ngài ắt đã tận mũi ngửi mùi cửu lậu bất tịnh – máu, mủ, phân, tiểu, mồ hôi, bệnh phẩm, thuốc men – tanh lợm, bám chặt tóc tai quần áo, đã tận tai nghe y tá đi lại quát tháo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, như quát con, cùng vòi tiền dõng dạc như ra lệnh. Thay đờ ra lát đưa năm ngàn nha. Khiêng người nhà bà lên băng ca mười nghìn nghe bà già. Kiếm giùm ông xe đẩy lát nhớ đưa hai chục nghen ông già. Còn không tiền cứ nằm đấy, đã chết đâu mà nhắng cả lên. Thái Tử cũng ắt đã tận nơi thấy các lương y như từ mẫu, nhờ được hưởng ít là mười phần trăm hoa hồng mỗi hoá đơn tiêu thụ cả dược phẩm lẫn y cụ, nên cứ phứa phựa chỉ định tân dược giá cắt cổ ra sao, tới tấp đặt thông tim sáu chục triệu một ống thế nào, hay là nháo nhào cắt ruột đưa hậu môn con bệnh ra ngoài mặc ấy chỉ là u lành tính, bèn khi người ta tắt thở lại vội vàng phủi tay, vòng vo lấp liếm, thân nhân có muốn làm rõ thì xin mời, cứ việc viết đơn, ký tên, đóng thêm tiền, rồi đi về, để xác người nhà lại đấy, mai mổ tiếp, tuần sau hẵng quay lại lấy kết quả giám định y khoa, nghe chửa. Vâng, Thái Tử ngày đó ắt đã kịp mục sở thị một trò gì đấy tương tự, thời mới phải quày quả phi mã vào rừng mà truy tầm bồ đề giải thoát bất thối chuyển tâm quyết liệt đến như thế. Còn bên nội tôi hôm nay nhát đởm hơn nhiều. Bà bảo, các ông các bác các chú nhà này chẳng ai điên mà vào đấy, trừ ra là để quay phim phát sóng truyền hình vệ tinh khoe mẽ đệ nhất khổ hạnh đầu đà với các đàn em thật thà tội nghiệp như Miên hay Lào chẳng hạn, chứ cái phận tôi tớ như họ thì chỉ hắt hơi sổ mũi là đã phải chịu khó hi sinh dăm nghìn đô tiền thuế thu được từ bọn chủ, để khiêm tốn nhất cũng là sang Sinh điều trị, còn nói dại có vô phúc nhiễm Hát I Vê thì đương nhiên sẽ phải quyết đua nhau bay sang mà trút hơi thở cuối cùng kèm với hàng triệu đô ở tận những nơi thiên hạ người ta đang còn giãy chết bên bờ vực thẳm như Tây hay Mỹ gì gì đấy thì mới ngậm cười được nơi chín suối cơ cháu ạ. Thiện tai, thiện tai. Ồ vâng, bạch thầy con thử quán Khổ Đế thế có được chăng. Thầy vẫn chẳng được chẳng không cứ như thể đã đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ tận cùng trời Vô Sắc, tôi chửa tiện hỏi thế nào; song hoá chẳng phải, chỉ là bát đầy, thầy phủ nắp, chuyển sang túi quảy bên tay phải. Tôi cũng làm theo. Nhược kiến mãn bát, đương nguyện chúng sinh cụ túc thịnh mãn, nhất kiến vạn pháp. Nói của đáng tội, giá bát tôi chửa mãn thời chỉ nháy mắt rày cũng mãn, bởi thình lình nước từ đâu đã kịp tung tóe vào đầu vào cổ cả thầy lẫn trò. Chả là một toán cứu hỏa ngay đấy đang dở tay nghịch một đám cháy, nhớn thì chưa hẳn, song cũng đủ hực hỡ để khét lẹt hết thượng tầng một căn mặt tiền, còn lại nhăm nhe hóa vàng cả hai căn sát nách. Rằng nghịch là phải, bởi nhẽ rõ ràng chớ vẻ gì là họ đang chữa cháy sất cả, có chăng chỉ vung vẩy lấy lệ cặp vòi rồng rất điệu đà, chẳng bõ Bà Hỏa giải khuây. Ấy vậy trò này khéo hóa ra vô hại, miễn sao quí thân chủ kíp tự giác, kíp bầy tỏ chút lòng thành, thưa quí ân nhân, dãy phố này bao nhiêu căn hộ thời đây đã gom đủ bấy nhiêu phong bì, xin quí ân nhân kiểm lại đặng mạnh dạn ra tay cấp cứu cho ạ. Ái chà, chả thầy nào sẽ khen nhãn thức tôi mãn trần cảnh toán cứu hỏa vừa gườm gườm vừa xoèn xoẹt đếm tiền, chỉ tổ thiện nghiệp tôi vốn bạc càng thêm bạc; song phép đâu tôi đếm bước cho nhanh bao lâu chưa nằm lòng bài học kham nhẫn cảnh giới này. Mô Phật, đã hết giờ Tị tự nảo nào. Từ cổng trường đằng kia, bọn trẻ các cấp tan học đã tràn ra cùng phụ huynh đón đưa tứ bề huyên náo. Ngày nào tôi cũng lẫn bước cùng đám học trò giờ ấy chỗ ấy. Đã có lúc tôi thích biết may hay chẳng may tôi đã không bao giờ đến trường như chúng. Cái nghiệp tôi hẳn rất khác. Bà bảo bố, chị ấy giối nó cho tôi, không giối cho anh, anh đi mà lo cho mấy đứa con của mẹ kế nó, để nó tôi lo, tôi sẽ không cho nó vào trường lớp của các anh, tôi không cho phép cháu tôi từ cấp Một đã béo phì, đeo kính cận, vác ba lô oằn lưng, đến trường ngày sáng chiều hai buổi, chả còn biết tuổi thơ là cái gì, tối lại phải học bài làm bài thêm đến tận khuya, chửa xong cha mẹ lại xúm vào làm giúp cho mà đi ngủ, chứ không sao sáng dậy sớm kịp đi học; tôi không muốn nó phải tập cái thói dối trá ấy từ bé; cả nhà xúm vào ép trẻ dối trá lấy điểm mười với thầy cô, để thầy cô dối trá lấy điểm mười với hiệu trưởng, để hiệu trưởng dối trá lấy điểm mười với Sở với Phòng, cứ thế không ai gọi là giáo dục, mà là đua dạy nhau nói dối lấy thành tích ảo, anh hiểu chưa; ngành Giáo Dục các anh từ bấy đến giờ đã sản ra được bao nhiêu là thế hệ dối trá như thế, cho nên cái xã hội hôm nay nó mới tởm lợm như thế còn chưa đủ à; không, anh cứ để nó đấy tôi, tôi muốn cháu tôi làm người chứ không phải thêm một đứa nô lệ nữa phục vụ cho cái sự nghiệp dối trá của các ông bà bố mẹ chú bác nhà nó. Bố lại nghiêm mặt, bà chỉ nghe rặt luận điệu bọn xấu chúng nó xúi giục. Bố tôi là thế, luôn nhất quán ủng hộ quan điểm chính sách chủ trương lập trường đường lối nhà ta, chỉ có bà là không vừa ý. Ừ, cũng phải thôi, bà tiếp, chính sách đầu tư giáo dục mỗi năm ngốn ngót năm tỉ đô tức hai mươi phần trăm ngân sách, cộng với hàng trăm triệu đô Ngân Hàng Thế Giới cho vay hỗ trợ phát triển hết ngắn hạn đến dài hạn, mà nội dung lẫn chất lượng giáo dục vẫn chả được ma nào nó công nhận cho ngang tầm với khu vực, như thế là rất đúng đắn; chủ trương độc quyền xuất bản cũng như thay mới sách giáo khoa xoành xoạch mà sai sót vẫn vô thiên lủng, miễn sao lợi nhuận chỉ riêng năm ngoái đã non nghìn tỉ, như thế là rất sáng suốt; lập trường cán bộ chỉ giỏi chạy chọt, mua bán bằng cấp, chức tước, phe cánh, thủ đoạn, cấu xé nhau chẳng biết muối mặt như thế là rất kiên định; còn đường lối thi cử trường kỳ ở đâu lúc nào cũng phải lộ đề, thi hộ, gửi gắm, nâng điểm tấp nập như thế là rất sáng tạo; ừ, sao lại không, bởi nhẽ đàng nào hàng tỉ tỉ tiền kia cuối cùng lại chẳng tìm được lối mà chui cho khỏi chệch quan điểm hết sức biện chứng nhà các anh, trẻ con nó cũng biết, hơi đâu phải nghe bọn xấu nào nó xúi với giục. Mẹ kế tôi lại nguýt, sao bố không liệu cho nó sang bên ấy học luôn thể, chẳng bà lại ngờ oan cho nhà mình là con anh con tôi. Cảm ơn chị, bà bảo, tôi không dám, tôi không có cái gan như các anh các chị nhà này, cứ nghiễm nhiên hết con này đến cháu kia đi nước ngoài du học từ cấp Hai, mỗi đứa vừa học hành vừa ăn ở một năm hàng vạn đô thế được; tiền ấy đâu ra, thiên hạ ai người ta lại chả biết, nhà này đã ba đời tự xưng là đầy tớ vô sản cả cơ mà. Tôi được dạy Tập Đế là chủ đề phải quán sau Khổ Đế. Có tập mới có khổ. Bà không cho tôi đến trường cũng là có nhã ý tránh cho tôi mối nguy đại tập. Chẳng thà để tôi ở nhà, bà cháu cùng nhau tìm hiểu đạo pháp thế lại hoá hay. Tôi cảm ơn bà, nhưng quán Tập Đế như tôi dễ chỉ khiến bụng phàm sôi réo trước cả lúc chân kịp bước lên cầu sang bờ kênh bên kia. Lúc này con nước đang ròng, bốc mùi rất lợm, tôi phải bưng mũi; nhưng thầy thì không, giới hạnh thầy chẳng phép háo hức thơm, dè bỉu thối. Từ đỉnh cầu tôi đếm một tá già trẻ lớn bé lầm lũi ven cầu bới rác. Nhớ bà từng bảo xưa kênh xanh lắm, bà cùng chúng bạn xuống tắm mỗi chiều, thế mà nay nó đang chết; bao giờ thấy người ta đối xử với một con sông như thế thì phải hiểu đã đến thời Mạt Pháp, cháu ạ. Ấy chuyện bà kể dưới cầu, còn chuyện trên cầu bà ắt chẳng tường. Thực sao bà hình dung nổi thời Mạt Pháp mỗi tối ở đây lại diễn ra một cảnh tượng trang nghiêm và cảm động thế nào: Dọc thành cầu, dưới hàng đèn cao áp vàng khè, san sát những cặp tiên đồng ngọc nữ cấp Hai cấp Ba (cấp Một thì hiếm hơn) dựng xe ngồi, mắt trừng mắt, mồm ngoạm mồm, tay chân khoá nghiến tay chân, mê man quyết liệt cứ như thể sểnh ra thì một trong hai sẽ rơi tõm, tan biến ngay vào con vực thum thủm tối hù ghê rợn bên dưới kia. Cùng lúc ấy, lặng lẽ và đúng giờ, dọc lòng cầu sẽ xuất hiện song song hai hàng, chân dài có, chân ngắn có, xe tay ga mướn qua đêm lượn lờ vọng phu, váy cũn áo cỡn, trước phanh, sau xẻ gần đến thắt lưng, tóc vàng hoe, móng đỏ hoét, môi tím bầm, mắt đen chành, long sòng sọc, chọc thẳng vào mặt từng chủ nhân các phương tiện giao thông đang ngược xuôi qua lại, miệng liên hồi thỏ thẻ độc một câu “đi không anh” nghe đến não lòng, rất có thể khiến một kẻ đạo đức thật phải sửng sốt đến ngã ngửa vỡ sọ. Vâng, song cảnh giới ấy phải chờ đến tối, không phải lúc này cho tôi thử Bạch Cốt Quán. Ái chà, cuối cùng, bước mỏi tôi cũng đếm xong quãng cuối cầu, nơi trông ngoặt xuống bên phải còn sót một ghế đá, một gốc cây cho thầy trò tôi dừng độ thực giờ giữa Ngọ. Hôm nay bát tôi đầy những thức miệng phàm không thể nuốt: một mẩu tiếp thị Dầu Gội Hai Trong Một kèm gói năm xê xê hàng mẫu Bảo Đảm Tóc Mềm Mượt Sẽ Khiến Người Ấy Không Bao Giờ Rời Xa Bạn, hai trang in mầu la de khuyến mãi hoà mạng cũng như truy cập sáu tháng Ây Đi Ét Eo miễn phí của Tập Đoàn Viễn Thông Luôn Đồng Hành Cùng Mọi Người, ba tờ rơi quảng cáo Luyện Thi Đại Học Cấp Tốc Khối A Bê Xê Đê Cam Kết Sẽ Hoàn Giả Toàn Bộ Học Phí Nếu Bạn Không Đậu Với Điểm Cực Sốc, bốn tuyển tập giới thiệu bốn cường hào ác bá thi văn [*] ngoài lề đương đại tự chế bản vi tính, tự in phô tô cọp pi, tự phát hành, nhổ toẹt vào giấy phép xuất bản, năm mẩu xà bần văng vào từ những thập nhị nhân duyên nảo nào, và vô lượng cát bụi, dĩ nhiên rồi; bát thầy càng nặng hơn, bởi có thêm một nắm cơm cháy đã thiu với già nửa con cá cháy khét vì rán vụng; thầy nhường cả cho tôi giống mọi khi, đàng nào thầy cũng không cần. Bà bảo những ai đắc quả vị từ A Na Hàm giở lên là xem như đã thoát vòng Dục Giới, chẳng còn thực dục, dâm dục gì nữa hết. Biết bao giờ tôi mới theo được một nửa thầy. Tuy vậy thầy vẫn yên lặng xé vụn, từ tốn nhai nuốt lấy thảo hai trang Công An Thành Phố số cũ. Giới hạnh thầy không phép khinh chê vật thí thế gian. Dù sao thầy không chỉ báo cũ, tôi không chỉ cơm cháy thiu, cá rán khét; buổi Ngọ thực chúng tôi còn được gia vị bởi vô lượng thanh trần từ bản tin truyền hình mười hai giờ các hàng quán bên kia đường xối xả khạc thẳng sang bằng vô luym mắc xi mom khiến tôi suýt nghẹn: Sáng nay tiếp tục chuyến thăm làm việc trong hai ngày hôm qua và hôm kia, ông tôi đã về một xã điển hình đi lên nhờ chủ trương lớn nhà nước khai thác khoáng sản tự nhiên Tây Nguyên, ông tỏ vui mừng thấy đời sống của bà con đã thay đổi rõ rệt, ông biểu dương chính quyền địa phương đã định hướng đúng trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất hướng tới công nghiệp hoá hiện đại hoá, ông cũng nhắc nhở các Đảng viên phải thực sự gương mẫu để quần chúng nghe theo làm theo; cũng sáng nay, sau ba ngày làm việc khẩn trương tích cực, thảo luận sôi nổi với tinh thần trách nhiệm dân chủ cao, dưới sự chủ trì của ông Hai, em trai thứ ông tôi, hơn một trăm đại biểu từ các cơ quan tổ chức trung ương thành phố và sáu bốn tỉnh thành đã đóng góp nhiều í kiến thiết thực về nội dung sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến Pháp; ngày hôm qua, nhân cuộc gặp gỡ với các đại diện tập đoàn Than Khoáng Sản quốc gia, ông Ba, em thứ ba ông tôi, đã khen ngợi và đồng thời nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo phải tạo điều kiện giúp tập đoàn ngày càng phát triển, xứng đáng là đơn vị đi đầu một trong những ngành công nghiệp lớn nhất nước; cũng hôm qua, tại ban Tư Tưởng Văn Hoá trung ương, ông Tư, em thứ tư ông tôi, đã biểu dương và đánh giá cao việc toàn thể các trí thức nhà văn nhà báo trong nước đã tự giác triệt để giữ lề bên phải trong mọi lời nói cũng như câu viết, luôn chủ động sáng tạo triển khai quán triệt nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, và nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng toàn dân, tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra; và cuối cùng, cũng hôm qua, nhân kỷ niệm năm mươi năm truyền thống ngành Giao Thông Vận Tải, trụ sở Bộ đã trọng thể tổ chức lễ đón nhận huân chương Lao Động Hạng Một do ông Út, em trai út ông tôi, trao tặng; ngành đã từng được tặng nhiều phần thưởng cao quí như huân chương Thành Đồng, huân chương Giải Phóng, và đặc biệt mười sáu chữ vàng – Cần Cù Dũng Cảm Tự Lực Cánh Sinh Khắc Phục Khó Khăn Hoàn Thành Nhiệm Vụ; ông cũng nhiệt liệt biểu dương khen ngợi những thành tích và sự trưởng thành của ngành đã đạt được trong năm mươi năm qua, mong rằng trong giai đoạn mới của cách mạng các đồng chí lãnh đạo ngành tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống của ngành, ra sức xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, tạo điều kiện để ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng cùng toàn Đảng toàn dân thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tóm lại, rặt tin tức tốt lành. Thường thì bà tôi đã vội vớ cái rì mốt lia đánh xoẹt tắt ngúm cả màn hình, miệng hét, chỉ được cái xoen xoét xoen xoét, láo toét. Chỉ là bà không chịu được tin quá tốt; tăng xông bà vốn đã cao sẵn rồi. Hôm nay ắt bà sẽ lại tiếp, các ông đã ngồi xổm cả lên Hiến Pháp của chính mình, thế lại còn đóng trò: chú Hai nhà này thay vì đại diện dân đề đạt cái thỉnh nguyện chính đáng của người ta xin đình chỉ ngay cái chủ trương tận thu bâu xít ở Tây Nguyên gì gì đấy thì lại ngoảnh mặt lắc đầu mà rằng thì là qui mô cái dự án ấy nó chưa đủ ra đâu vào đâu để bắt Quốc Hội nhà chú ấy phải đem ra duyệt, hay thật đấy; chú Ba nhà này cũng thế, chỉ thị cho cái tập đoàn Than Khoáng Sản ấy nó phải phán bùn đỏ của mình là thuộc loại tốt nhất thế giới, không gây độc hại môi trường gì, để thực hiện cho bằng được cái chủ trương nhớn ấy của các ông; vọng ngữ thế các chú ấy chẳng ngại sau đoạ Địa Ngục Vô Gián quỉ sứ nó rút lưỡi à; lại còn chú Tư nữa, khoá được mồm thiên hạ thì chỉ béo bọn văn nô bồi bút, chúng nó cứ mặc sức lề bên phải mà tung hô các chỉ thị lớn với nghị quyết bé các ông chứ gì, khéo thật đấy; cơ mà chú Út nhà mình cũng có kém cạnh đâu, quanh năm lưỡi gỗ tươi như hoa, hết chúc mừng nơi này đến khen thưởng chỗ kia; chỉ nghe đi nghe lại những bài diễn văn trơn tru đến nổi cả da gà của chú ấy tôi cũng đủ phát điên; mới biết các chú nhà này tài thật đấy; thế còn ông, vừa rồi về thăm làm việc ở đấy đã tỏ vui mừng vì thấy đời sống bà con đã thay đổi rất nhiều phải không, ừ thì không thay đổi mà được à, chỉ e dăm năm nữa chả còn ma nào nó sống nổi đấy nói gì người ta; thôi khoan hẵng kể chuyện ô nhiễm vì bụi đỏ, mưa a xít hay bức xạ gì gì đấy vội, chỉ riêng mỗi năm hàng chục triệu tấn bom bùn đỏ với nước rửa quặng độc hại thế nó cũng đủ giết chết cái lá phổi xanh Tây Nguyên ấy, rồi lại theo các dòng đầu nguồn dọc xương sống Trường Sơn chẩy xuống mà đánh bả toàn bộ sông ngòi huyết mạch cái vùng hạ lưu này; ông có biết nhà này sắp phải đặt mua mỗi ngày bao nhiêu công tê nơ nước sạch đóng thùng đóng lọ từ tận Âu Mỹ về để phục vụ không chỉ ăn uống tắm giặt mà còn cả tưới tiêu cho ba cái trại rau sạch thịt sạch riêng của các ông ở ven đô kia không; thật chả hiểu các ông còn thèm khát ba cái bâu xít ấy làm gì nữa trong khi tôi nghe thiên hạ người ta kháo nhau chỉ riêng độc quyền dầu khí thì anh em nhà ông cũng đã thừa sức lọt vào danh sách Tóp Ten Các Đầy Tớ Giầu Nhất Hành Tinh với tài sản mỗi người không dưới tỉ đô gửi an toàn ở các ngân hàng nước ngoài rồi thôi; các ông khôn thật đấy, chả xem tam đồ ác đạo Địa Ngục Súc Sinh Ngạ Quỉ là cái gì, thế mà trước tôi cứ ngờ đỉnh cao trí tuệ như các ông cùng lắm chỉ là cái màn đóng phim tài liệu Vê Tê Vê Bốn mỗi dịp mừng sinh nhật Cụ Cố nhà này bằng cách ngồi thư phòng ăn mặc chỉnh tề, đeo mục kỉnh, đọc chăm chú những tác phẩm triết học kinh điển, tay cầm bút nhăm nhăm gạch lấy gạch để dưới những dòng tâm đắc nhất, mồm thốt to những câu hỏi như búa bổ Ai Thắng Ai, Vật Chất Có Trước Hay Ý Thức Có Trước; cố nhiên trên màn hình đố ai thấy được những dòng chì đạo diễn đã kẻ cẩn mật khiêm tốn như thì thầm, đây này thưa ông, gạch đè lên chúng tôi đây này, rõ khổ, cũng như đố ai thấy được những ngà voi quốc cấm, trống đồng quốc bảo, hay tượng đồng đen bán thân gia chủ đã được khuân hết sang phòng bên, chỉ để tôn bật mỗi mình diễn viên đêm hôm khuya khoắt trở trăn giữa bốn bề khí quyển học thuật nghiên cứu thuần khiết thanh bần, khán giả nghe nhìn muốn rớt cả nước mắt. Pháp môn hiện thực phê phán kiêm phản biện ba la mật của bà là hữu vi hữu lậu, cõi Diêm Phù Đề này e chỉ một; tôi trì độn trong nỗ lực nhập môn thầy hẳn cũng vì nghiệp lực nó; song bà cháu tôi làm gì được, chúng sinh nào chẳng phải trôi lăn bao ức kiếp rồi mới hòng hồi hướng dự lưu? Trước mắt tôi lúc này chỉ còn non một canh giờ để thầy thiền toạ gốc cây, trò miên ngọa ghế đá. Tôi vẫn ăn ít, ngủ không ít, lo lại càng nhiều. Xưa ngài A Na Luật Đà thủa mới xuất gia cũng thích ngủ nghỉ, bị Như Lai quở, đã khóc suốt bẩy ngày không ngủ, hoại cả nhãn căn, tôi nay sao chẳng lo liệu phải thầy sắp quở, dù chửa bao giờ tôi ngủ trọn được trăm phần: Lục thức có ngủ chăng, thất thức Mạt Na vẫn hoành hành xuất nhập, bằng chứng là đã một khắc mắt nhắm mồm ngáy, tôi vẫn thấy với độ phân giải cực cao một tiểu quỉ lao xe rất điên, một cặp nam nữ vừa hớt hải lao theo vừa lạc cả giọng cướp! cướp! cướp! ngay qua trước mặt trụ sở công an phường cuối dãy hàng quán bên kia đường, nơi lố nhố đồng phục đứng ngồi, nói cười, nhăn nhở như đang xem phim bộ truyền hình phát lại. Trò này chẳng giống trò hôm trước, cũng ở đây, giờ này, những đồng phục này đã phối hợp tài tình với các lực lượng bạn, hào hứng tập kích một đám ông già bà cả phụ nữ lôi thôi lếch thếch thảy đâu dăm chục mạng, chẳng hiểu ai xúi đã cả gan kéo nhau lên tận thành phố này đòi khiếu kiện vượt cấp đông người, thậm chí còn tự vũ trang nào cờ quạt nào băng rôn biểu ngữ nào bảng cầm tay hoan hô Cụ Cố thân sinh ra các ông nhà tôi muôn năm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Cụ Cố nhà tôi vĩ đại, đả đảo cán bộ hiếp dân cướp ruộng đất nông dân nghèo, cứ lòng vòng từ sáng sớm qua các đường lớn, trưa mới đổ về đây thưa người, định dừng nghỉ lát đi tiếp, thì bất đồ bị phục kích. Ừ, cảnh này bọn đồng phục nhiệt tình sôi nổi hơn rất nhiều, chả nể gì mặt Cụ Cố nhà tôi muôn năm lẫn gương đạo đức Cụ Cố nhà tôi vĩ đại, chỉ nháy mắt đã vây chặn, tóm nhanh, vồ gọn trọn bộ đối tượng chẳng sót lấy một mống, sau đấy đem đi đâu chả biết, chỉ biết sẽ chẳng ai đứng ra bênh các mống ấy, bởi đám luật sư dưới trướng bác Ba nhà tôi chỉ thạo làm tiền chứ có thiết giúp gì dân đương đầu với lũ đầy tớ kiêm cướp ngày có biên chế? Với lại có mà điên, cứ trông gương các đồng nghiệp trót có chút lòng trừ gian diệt bạo ở đây khắc biết, con số này vốn chỉ đếm đầu ngón thì từ lâu đã bị bọn lâu la có mặc lẫn không mặc đồng phục của bác Tư nhà tôi thường xuyên rình bám, hăm doạ, sách nhiễu, thậm chí hành hung, cuối cùng là bắt khẩn cấp với những cái mũ – nhẹ là Trốn Thuế, nặng là Cấu Kết Với Các Tổ Chức Phản Động Bên Ngoài hòng âm mưu lật đổ cái chính quyền duy nhất của dân do dân và vì dân này; vâng, chỉ nghe cũng đủ chóng cả mặt, chả ai dại đi dây với hủi. Tôi cũng lại bỗng thấy, với độ phân giải còn cao hơn, bố tôi vẫn đang nghiêm mặt như bao giờ, bà cứ thế cho các thế lực thù địch chúng nó tiêm nhiễm nọc độc. Có vẻ bố không thấy tôi. Bà cũng không có vẻ thấy tôi. Tựa lưng vào tường, nom bà già yếu nhanh so lúc tôi đi. Anh đừng lôi kẻ thù doạ tôi, ở đây chả có kẻ thù nào sất, tôi chả đi đâu gặp ai, chả cần đọc báo, xem đài, vượt tường lửa truy cập ba cái tin bài phản động; tôi chỉ suốt ngày ở nhà, thế mà chuyện gì tôi chẳng biết, anh khỏi phải loè tôi; cơ mà chính các người trong cái nhà này chẳng ai khảo đã tự xưng cả thôi, chẳng tin anh cứ đi mà hỏi có phải thế không; ấy nhé, nếu chả phải chị nhà anh vui miệng mắng vợ anh Sáu nhà này thì làm sao tôi vỡ nhẽ đám thuộc cấp anh Sáu chúng nó đổi đời nhanh thế là nhờ ăn chặn hàng tỉ tiền cứu trợ vừa bão vừa lũ miền Trung cả thảy mười ba trận năm ngoái; lại nếu chẳng nhờ chị Sáu chị ấy cãi lại thì bố tôi cũng chẳng biết được chị nhà anh chỉ mấy năm công tác ngoại giao toà đại sứ tận những đâu đã tham gia buôn lậu hàng tấn ngà voi sừng tê để truyền hình các nước người ta phải lên tiếng, vẻ vang thế nào; lại cũng nếu chẳng nhờ vợ anh Bẩy chị ấy xỉa xói vợ anh Tám nhà này thì sao tôi hiểu được cái bọn I Vê En gì gì đấy chúng nó lập công ty thông đồng sản xuất mua bán lòng vòng điện kế điện tử giả gắn mác ngoại, đội giá bán lên gấp ba, giúp anh Tám anh ấy hoá vàng thành công hàng triệu đô của nhà nước ra sao; rồi lại nếu chẳng phải chị Tám chị ấy vặc lại thì đời nào tôi sáng mắt ra là anh Bẩy anh ấy cũng chả vừa, đã làm ngơ cho họ hàng bên vợ ở quê tác yêu tác quái, cướp ruộng, cướp đất hương hoả của nông dân làm qui hoạch sân gôn, xây vi la, mua li mu din cho ngoại kiều thuê, bỏ túi hàng bao tỉ, dân người ta mới phải bồng bế nhau lên cả đây ăn vật nằm vạ, chờ Bao Thanh Thiên ở trên giời như thế; rồi cuối cùng, lại ví như các chị dâu nó hờn mát nhau xong mà chẳng buồn quay sang cạnh khoé vợ anh Út nhà này thì nào tôi đã sáng dạ được ra là anh ấy cũng đã kịp dung túng cho lũ thủ hạ chúng nó rút ruột công trình cải tạo quốc lộ của người ta đến lòi cả lõi bê tông cốt tre ra, lại còn đánh bạc bằng tiền Pê Em U Mười Tám thua hàng triệu đô, thật là khéo; ấy anh xem, tôi có phải đợi kẻ thù nào của anh nó tiêm với nhiễm; mà này, anh chẳng hỏi tôi cũng có buồn thưa đâu, song đã thưa thì thưa cho trót, giá như các anh các chị chẳng chịu làm cho tốt việc mình đã đành, đàng này lại cấm cả người ta chẳng cho ai làm tốt nữa cơ; thì đấy, tôi đố đứa nào thiện tâm thiện chí vào đây mà bắt tay làm việc được với các anh các chị đấy; cứ đơn cử như năm ngoái có đoàn Hồng Thập Tự nào đấy người ta chở quần áo thuốc men đến cứu trợ nạn nhân bão lụt của mình, đám em út anh Sáu nhà này có cho vào đâu; ý chúng nó là họ phải có cái gì lót tay cho chúng nó cơ, còn không thì cứ việc neo tầu mà nằm chờ đấy, đồ viện trợ nó có lên meo thì đem về mà chôn, đây cóc cần; rồi lại tháng trước có đoàn Môi Trường Xanh nào đấy cũng đem qui trình năng lượng sạch tiên tiến gì gì đến cũng thế, có được bọn tay chân anh Tám nhà này chúng nó rót nước mời ngồi đâu; cái ghế độc quyền của chúng nó mới quan trọng chứ môi trường xanh với lại năng lượng sạch thì là cái gì; tóm lại, việc tốt đến đâu mà chúng nó đánh hơi thấy chẳng có gì để chấm mút bòn rút hay chia chác được là chúng nó vội lắc đầu nói không cái đã; giờ thử nhẩm xem bọn chúng nó cứ thay nhau mỗi ngày chỉ cần một đứa phán một tiếng không ghê gớm như thế, cộng lại ngần ấy năm bảo sao cả cái cộng đồng này chẳng đặc quánh, đen sệt lại, mà bốc mùi kinh hoàng lên như cái kênh ngoài kia cho được; cuối cùng, gì thì gì anh cũng cho tôi xin, đừng có cố mà đổ trăm thứ tội lên đầu kẻ thù nữa được không; ông Phật ông ấy đã dạy kẻ thù lớn nhất đời mình là chính mình, sao chả ai thèm ghi nhớ lấy; tôi hôm nay già rồi, chả còn làm gì được, phải đi thôi; mong bố con anh nghĩ lại; chỉ tiếc Cụ Cố nhà này cả đời tâm huyết cao siêu, rốt cục con cháu xúm nhau giày cho tan nát. Tôi chợt nhận ra bà rất yếu, nom rất lạ; tôi những muốn chạy đến gọi, nhưng lại choàng thức. Thầy cũng đà dứt cơn thiền. Thiện tai, thiện tai. Thầy ắt đã không thể không đọc giấc tôi mơ. Chiều thầy không dạy gì, tôi cũng không lén thử quán gì tiếp, chỉ im bước. Bên trái lô cốt lại san sát, bách tính lại nghẽn mạch, kìn kịt nối nhau hít thở trần sa, bên phải dòng kênh rất dài, nước đang ròng rất sát, phơi thây vạn phẩm bốc mùi rất khắm; tôi vẫn bưng mũi, thầy thì vẫn không. Tôi không biết thầy đang đưa giả tôi về nhà để kịp tối bà đi. Tôi không biết bà sẽ lại ôm tôi rất chặt, rồi nguyện lớn để sáng mai thầy lại đến dắt tôi theo tiếp. Tôi cũng không biết lần này bà sẽ không nhân nhượng cho tôi mặc cả nữa, và tôi sẽ phải hứa chẳng kể bao vạn kiếp vẫn đếm bước theo thầy, xuyên thủng cả ba cõi Dục, Sắc, Vô Sắc Giới, thế mới là bất thối chuyển tâm, để chứng cho bằng được, vâng, thưa bà vâng, chứng cho bằng được ít nhất là Thanh Văn A La Hán Quả.
Saigon, 20 Apr – 02 Jun, 2009
Sửa đến 20 Jun, 2009
Bổ sung 24-27 Mar, 2011
—————————–
[*] Danh ngữ “cường hào ác bá thi văn” trong bài thuộc sở hữu trí tuệ của Lê Thiện Dũng, nhà văn và dịch giả hiện đang sống và làm việc tại Saigon.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo Pháp phác họa chân dung “nhân vật quyền lực nhất thế giới”


THU HẰNG
BizLIVE - Qua lời kể của những người quen biết và đã từng tiếp xúc Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuần báo L’Obs phác họa chân dung của một trong những người kín tiếng nhất và quyền lực nhất thế giới.

Qua lời kể của những người quen biết và đã từng tiếp xúc Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuần báo L’Obs phác họa chân dung của một trong những người kín tiếng nhất và quyền lực nhất thế giới, RFI cho hay.

Tổng thống Putin bị truyền thông ám ảnh, đặc biệt là truyền hình. Tác giả lật lại vụ "mất tích" bất ngờ và đầy bí ẩn của Tổng thống Putin kéo dài 10 ngày (06-16/03/15). 10 ngày chính trường Nga dường như dừng lại. Một nhà báo được điện Kremlin tin tưởng cho biết đây chỉ là một trong những cách điều khiển thông tin của ông Putin.

Nhưng lần đó chiến lược của ông suýt đi quá đà. Ông buộc phải nhanh chóng quay lại chính trường và tận dụng cơ hội Tổng thống Kirghizistan sang thăm con gái theo học trường ở Saint-Petersbourg để tổ chức một cuộc gặp gỡ chính thức.

Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ một buổi truyền hình do chính ông "đạo diễn " và nhận được tài trợ của ngân hàng thuộc thành phố Saint-Petersbourg, nơi một người bạn thân của Putin làm việc. 

Sau này, người bạn thân trên trở thành một trong những tỉ phú và sở hữu ngân hàng Rossia, được coi là ngân hàng bí mật của Putin và những người người bạn tỉ phú của ông. Ngân hàng này bị Hoa Kỳ trừng phạt từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Vào thời điểm đó, ông Putin, 39 tuổi, làm trợ lý cho Thị trưởng thành phố Saint-Petersbourg nhưng vẫn chưa rời KGB.

Trước ông Sobtchak, ông Putin sử dụng biện pháp của KGB, luôn tỏ ra khiêm nhường, lặng lẽ giải quyết khó khăn. Cứ thế, ông càng thêm mạnh, đồng thời cũng dính vào vài vụ tranh giành quyền lực. Thậm chí, ngay sau vụ tai tiếng bán kim loại quý đổi lương thực với Đức và vài triệu đô la biến mất một cách đáng nghi, ông tự kiểm điểm là có thiếu sót. 

Thế nhưng, Thị trưởng Sobtchak vẫn bảo vệ tới cùng và từ chối sa thải nhân viên tận tụy. Một nghị viên nhận định: "Nếu ông ấy (thị trưởng Saint-Petersbourg) nghe chúng tôi, lịch sử thế giới chắc chắn sẽ khác".

Trong cuộc bầu cử năm 1996, Thị trưởng Sobtchak thua cuộc, Putin thất nghiệp. Ông được bạn bè giới thiệu cho Tổng thống Elsine. Vào điện Kremlin qua cánh cửa hẹp, bốn năm sau Putin trở thành Tổng thống Nga. Trong suốt thời gian làm việc dưới thời Tổng thống Elsine, Putin đã gây được lòng tin như một người đáng tin và minh bạch nhất.

Trong nhiệm kì đầu (2000-2004), ông tỏ ra khiêm nhường. Nhưng sau khi tái cử năm 2004, cảm thấy đủ mạnh và dạn dày, ông đổi chiến lược. Ông xem xét lại nền dân chủ, dừng cải cách kinh tế mới. Đối với các nguyên thủ quốc gia, thời gian đầu ông tỏ ra thân thiệt. Sau này, ông giữ khoảng cách ngày càng khó vượt qua và làm mọi việc để "vượt mặt" các đồng nhiệm quốc tế.

Nhiều người đã từng chung bước từ thuở đầu trở nên lo lắng trước cách điều hành hiện nay của Tổng thống Nga. 

Một chuyên gia Pháp từng gặp gỡ Putin nhiều lần nhận xét: "Người Nga biết ơn ông ấy vì đã sáp nhập Crimea, nhưng không thể không nhận ra cách điều hành đất nước. Với họ, thế là quá đủ. Có điều gì đó không ăn nhập giữa Putin và người dân… Vì thế mà tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ không ra tranh cử nhiệm kì thứ tư, vào năm 2018 tới".

Một nhà báo Nga, tường tận mọi việc diễn ra tại Kremlin, được tuần báo L’Obs dẫn nguồn, đánh giá: "Theo thời gian, ông ấy rất tự tin. Từ giờ, ông ấy tin tưởng tuyệt đối vào chính bản thân. Ông ấy một mình điều hành chính phủ. Ông ấy nghĩ rằng nước Nga là mình và mình là nước Nga. Không một ai có thể đưa ra một quyết định quan trọng mà không được ông ấy phê duyệt. Nhóm làm việc thân cận của ông ấy, gồm sáu cựu sĩ quan của KGB, chỉ áp dụng những quyết định của Putin".
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuba sẽ giống Việt Nam?


Bùi Văn Phú
- Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt với sự sụp đổ và tan rã của khối cộng sản, nay chỉ còn lại vài nước cộng sản là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên.

Trong ngoại giao, khi Hoa Kỳ quyết định mở ra quan hệ với một nước cộng sản thì đó là sự kiện lịch sử. Trung Quốc năm 1972 với Tổng thống Richard Nixon đi Bắc Kinh và 1979 kết nối bang giao. Việt Nam 1994 khi Tổng thống Bill Clinton quyết định bỏ cấm vận và một năm sau thì bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

Tháng 12 năm ngoái Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng ý mở ra những thương thảo để tiến tới việc nối lại quan hệ hai nước sau nửa thế kỷ đóng băng. Trong bốn tháng qua Cuba đã trở thành những thông tin hàng đầu đối với truyền thông Mỹ qua nhiều bài tường thuật, phóng sự, quan điểm, bình luận về tương lai quan hệ và những hy vọng phát triển nhiều mặt một khi hai nước có bang giao.

Hiện nay công dân các nước đều có thể du lịch Cuba, trừ công dân Hoa Kỳ bị giới hạn bởi luật Mỹ. Nhưng sao Cuba lại mong được giao thương và đón du khách từ Hoa Kỳ? Vì chính sách cấm vận của Mỹ là cản trở cho Cuba thu hút đầu tư nước ngoài.

Ở sát bên mà người Mỹ không thể dễ dàng đến nên Cuba còn là một đất nước huyền bí. Nơi đó, khi nhắc đến còn gợi nhớ cho họ về những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh với cuộc khủng hoảng suýt  đưa đến chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô, về thất bại của Mỹ trong vụ tấn công ở Vịnh Con Heo dưới thời Tổng thống John F. Kennedy.

Cũng như khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người Mỹ vẫn có những cảm xúc yêu ghét hoặc tò mò vì hệ lụy của chiến tranh. Nhưng nếu muốn du lịch Việt Nam cũng không dễ vì khoảng cách xa xôi vạn dặm, dài cả hai chục giờ bay. Trong khi Cuba ngay sát bên, cách tiểu bang Florida chưa đến một giờ bay mà người Mỹ muốn sang chơi lại cũng không được tự do qua đó.

Trong một chuyến đi Cuba hai năm trước, khi thảo luận câu hỏi vì sao Cuba hấp dẫn đối với người Mỹ, tôi nghe trả lời là vì trong quá khứ, trước khi hai nước trở thành thù nghịch, Havana đã là nơi cuối tuần nhiều người Mỹ qua đánh bạc, uống rượu vì những thứ này ở Mỹ bị giới hạn. Cuba thân thiết với người Mỹ qua nhà văn Ernest Hemingway, qua những điếu xì-gà, những chai rượu rum.

Ngày nay đến Cuba là phải uống rum, hút xì-gà, nhưng không còn chỗ cờ bạc. Nơi đoàn chúng tôi cư ngụ là một khách sạn với tầng dưới cùng là sòng bài, bị bỏ hoang từ sau khi chính quyền cách mạng của Fidel Castro quốc hữu hoá tài sản của công ti Mỹ. Dấu tích của chốn đỏ đen vẫn còn đó, âm u, đóng bụi vì không người ra vào từ nửa thế kỷ qua.

Một khách sạn khác là Tropicana, cũng có sòng bài, múa cột thời thập niên 1950. Trong nhà hàng còn nhiều ảnh trắng đen ghi dấu một thời những nghệ sĩ nổi danh của Mỹ đã đến nghỉ hè, vui chơi, bài bạc. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm của quá khứ dễ dàng qua lại giữa hai nước.

Một người Cuba là hướng dẫn viên cho đoàn nói rằng bộ mặt Havana không thay đổi nhiều trong nửa thế kỷ qua.

Đi quanh Havana, ở khu phố cổ có ít nhiều công trình đang được tái thiết, còn các nơi khác nhà cửa xuống cấp, bạc mầu, tường vỡ mục.

Khách sạn Riviera nơi chúng tôi cư ngụ, cao 20 tầng, được xây từ năm 1957, không có dấu chỉ được sơn sửa gì. Khi mưa bị dột nước ngay khu lễ tân. Một bạn đồng hành kể đêm thấy nước rỏ tóc tách xuống sàn nhà. Còn trong phòng của mình, tôi thấy từ bàn ghế đến đèn giường đều có chữ viết tay ghi mã số trên từng đồ vật. Như sợ bị mất cắp hay sao?

Cũng giống như những thùng đồ người Mỹ gốc Cuba đem về trên cùng chuyến bay mà tôi quan sát khi làm thủ tục ở phi trường Miami. Những gói hàng, kể cả những vali đã được quấn thêm nhiều lớp ni-lông để không bị moi móc khi đến nơi.

Từ vài năm qua, Hoa Kỳ có chính sách mở hơn đối với người Mỹ gốc Cuba, cho phép họ về thăm quê hương, mang tiền về tiêu và hàng hóa cho thân nhân. Đầu thập niên 1990 Hoa Kỳ cũng đã có chính sách như thế đối với người Việt ở Mỹ.

Những năm gần đây, sau nhiều thập niên áp dụng chính sách kinh tế tập trung, nhà nước Cuba đã cho phép tư nhân như kinh doanh như cho thuê phòng, cho mở nhà hàng. Người dân Cuba ngày nay cũng đã được phép ở trong khách sạn. Cách đây dăm bảy năm thì không.

Tạp chí TIME ở Mỹ tuần qua đã có nguyên trang quảng cáo thuê phòng ở Cuba, gọi là B&B (Bed and Breakfast) và công ti dịch vụ Airbnb cho biết hiện có cả nghìn căn phòng cho du khách. Đây là loại nhà nghỉ thường dành cho khách du lịch tây ba lô. Thực ra nếu lúc này du khách Mỹ ào ạt tới, Havana không đủ tiện nghi cao cấp để đón.

Lúc ở Havana, tôi và các bạn có đi ăn tại vài nhà hàng tư nhân, thường là một căn nhà mặt đường nay mở quán ăn ở mặt tiền, phía sau hay trên lầu vẫn là nơi sinh sống.

Trước đây ít có cửa hàng ăn uống vì chính sách chỉ cho phép có 12 ghế ngồi và việc tìm mua rau, thịt bị giới hạn bởi tem phiếu. Ngày nay người dân vẫn mua thực phẩm theo chế độ tem phiếu ở cửa hàng nhà nước, nhưng nhiều nơi đã có “chợ nông dân” được tự do bán nhiều thực phẩm và không do nhà nước quản lí.

Đi ăn uống, tham quan nhiều nơi, gặp người dân khi biết chúng tôi đến từ Hoa Kỳ, họ thường nói dân Cuba chào đón du khách Mỹ, còn chuyện bang giao cấm vận là chuyện chính trị giữa hai chính phủ.

Điều này tôi đã nghe quen. Việt Nam trong những năm tháng còn bị Hoa Kỳ cấm vận, người Việt trong nước cũng thường nói vậy.

Người dân muốn thân với Mỹ, nhưng tư tưởng chống Hoa Kỳ vẫn còn trong những bài viết trên báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba; trong những trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng và những cá nhân thù ghét Hoa Kỳ. Trong lời giới thiệu về một nghệ sĩ điêu khắc có tác phẩm được sưu tầm, trưng bày ở một số nước với các tên quốc gia đều viết hoa, còn “Hoa Kỳ” viết thường. Hỏi người hướng dẫn, anh cho biết đó là cách người nghệ sĩ bày tỏ sự khinh miệt nước Mỹ.

Nhìn lại quan hệ Mỹ-Việt và Mỹ-Cuba thì quan hệ Mỹ-Việt đã có những tiến bộ nhanh hơn rất nhiều.

Hai nước cùng bị Hoa Kỳ cấm vận, Cuba từ 1961, Bắc Việt 1964 và từ 1975 là toàn cõi Việt Nam. Ba mươi năm sau Mỹ gỡ bỏ cấm vận Việt Nam và năm 1995 hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.

Với Cuba, đến nay đã nửa thế kỷ mà hai nước vẫn chưa bang giao và lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn.

Khi ở Havana, các bạn hỏi tôi về cảm nhận và so sánh giữa Cuba với Việt Nam. Tôi nói rằng có nhiều thứ ở Cuba hiện tại giống Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1990. Đó là liên lạc điện thoại, lúc đó gọi từ Mỹ về Việt Nam hay ngược lại, một phút là 2 hay 3 đôla. Ở Cuba bây giờ, gọi về Mỹ là 2 đô 55 xu cho một phút. Khi mới có Internet, gửi và nhận email từ Việt Nam cũng phải trả tiền vì viễn thông chưa phát triển. Hiện nay Internet ở Cuba chưa phổ thông. Khách sạn Riviera chỉ có ba máy tính nối mạng và lệ phí sử dụng là 8 CUC, tức hơn 8 đôla, cho 30 phút. Điện thoại cầm tay coi như không có.

Trong những buổi học về chính sách giáo dục, y tế hay nghệ thuật, các giáo sư, bác sĩ, nhà văn hoá đều trích dẫn hiến pháp và luật pháp với những bảo đảm cho bình quyền, cho các quyền tự do của dân. Các diễn giả cũng thường nhắc đến cột mốc thời gian năm 1959, là khi Cách mạng Cuba do Fidel Castro cầm đầu lật đổ chính quyền Fulgencio Batista thân Mỹ để đưa Cuba theo chủ nghĩa xã hội. Cũng như ở Việt Nam, dấu mốc là năm 1975 với chủ nghĩa xã hội được áp đặt lên toàn đất nước.

Hiến pháp hiện hành của Cuba có Điều 5 dành quyền lãnh đạo tối cao cho Đảng Cộng sản Cuba, tín đồ của tư tưởng Jose Martí và chủ nghĩa Mác-Lênin. Hiến pháp Việt Nam cũng có điều khoản tương tự, là Điều 4, với tư tưởng Hồ Chí Minh thay cho Jose Martí.

Về liên lạc viễn thông bưu điện giữa Cuba và Hoa Kỳ ngày nay còn tệ hơn so với Việt Nam trong thập niên 1980. Khi ở Havana tôi gửi hai bưu thiếp về cho gia đình ở California. Ba tháng sau mới nhận được.

Khác nhau giữa Cuba và Việt Nam, nếu so với Hà Nội hay Sài Gòn thì Havana không nhiều cửa hàng và rất ít xe hai bánh. Đặc biệt đường phố Havana không có bất cứ bảng quảng cáo sản phẩm thương mại nào, chỉ toàn những khẩu hiệu cách mạng.

Hoa Kỳ và Cuba sẽ mở sứ quán trong tương lai không xa. Lệnh cấm vận rồi cũng sẽ được gỡ bỏ. Giao thương hai nước sẽ phát triển.

Nhưng Cuba một hai thập niên nữa có sẽ như Việt Nam ngày nay? Tôi tin sẽ như thế. Với quan hệ hai nước mở ra sẽ giúp phát triển thương mại, đô thị cho Cuba. Đường phố sẽ nhộn nhịp xe cộ, rộn ràng những quảng cáo thương hiệu thay cho khẩu hiệu cách mạng.

Nhưng trong giáo dục và y tế chắc không, vì qua những thăm viếng cơ sở y tế, trường học và qua những bài giảng, với những câu hỏi của thành viên trong đoàn đưa ra thì chính phủ Cuba vẫn coi hệ thống giáo dục và y tế là một điểm son của đất nước xã hội chủ nghĩa, nơi mọi người được đi học và chăm sóc sức khoẻ miễn phí. Hy vọng Cuba sẽ duy trì những chính sách như thế, đặc biệt là y tế với nhiều bác sĩ có khả năng làm việc trong các công tác thiện nguyện quốc tế từ mấy thập niên qua.

Sức đẩy cho quan hệ tốt hơn giữa Hoa Kỳ và Cuba đã bắt đầu có động lực. Hoa Kỳ đang từng bước tiến tới bình thường hoá quan hệ với Cuba, như đã thực hiện với Việt Nam. Chính sách mở ra bang giao, Tổng thống Barack Obama hy vọng những giao tiếp sẽ đem lại tự do, dân chủ cho dân tộc Cuba. Nhưng bài học Việt Nam vẫn còn đó, sau 20 năm bang giao Hà Nội vẫn chưa có những cải cách đem đến cho dân những quyền chính trị. Điều này đã được các dân biểu, nghị sĩ đưa ra để phản bác lại luận điểm của chính quyền Obama.

Cuba và Việt Nam là những quốc gia cộng sản còn lại, nhưng hai nước có hai vị trí địa chính trị rất khác biệt. Cuba không ở sát bên một nước khổng lồ cũng theo chủ nghĩa cộng sản là Trung Quốc mà ở cạnh một nước tư bản lớn đứng đầu thế giới là Mỹ.

Cuba rồi có giống hay khác Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ và những tiến trình cải cách dân chủ trong tương lai sẽ ra sao? Phải chờ xem.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Rồng chầu, hổ phục ở đâu? Mà đây hoang phế, dãi dầu gió sương?

Lăng mộ Vua Lê Đại Hành nằm dưới chân núi Mã Yên, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, nằm trong cảnh hoang vắng thê lương...
Lối vào lăng mộ vua Lê Đại Hành là một đường mòn nhỏ chạy men theo chân núi Mã Yên.
Đi hết lối mòn, khu lăng mộ hiện ra trong vẻ quanh hiu, bị che phủ bởi nhiều loại cây mọc dại.
Nhìn từ mặt chính diện, lăng được bao bọc bởi các dãy núi đá theo thể "rồng chầu, hổ phục" theo quan niệm phong thủy xưa.
Kiến trúc hiện tại của lăng được xây từ năm 1840 dưới thời vua Minh Mạng. Lăng được trùng tu vào năm 1885, dưới thời vua Hàm Nghi.
Mộ phần là một mô đất thấp có tường bao quanh, phía trước có 2 trụ cổng, phía sau là bình phong.
Trước mộ có một hương án và lư hương.
Hình rồng trang trí sau bình phong.
Nhà bia nằm trên một mỏm đá sau lăng.
Văn bia có từ thời Minh Mạng, từng bị vỡ và sau này được nối lại.
Do nằm ở một vị trí hẻo lánh và gần như bị bỏ hoang nên có rất ít người đến thăm viếng lăng mộ vua Lê Đại Hành.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

CẦU KHÔNG LẮC LẺO!




Truyện ngắn HG

Đường về nhà em không có hoa, lối đi qua cánh đồng, qua một cái cầu không giống bất cứ cây cầu nào từng có trên mặt đất này. Cây cầu bằng  bê tông, hai bên có gờ khá cao, chỉ đứng lọt vừa hai bàn chân, bắc từ bên này sang bên kia con suối. Cây cầu duy nhất chỉ dành cho người đi, bất cứ xe cộ hay loại súc vật nào cũng không thể đi qua được. Nó vừa là cây cầu, vừa là con mương dẫn nước từ khe núi Phượng sang cánh đồng Tường. 
Nó là cây cầu cứng ngắc, hẹp hòi như một kẻ quan liêu. 
Nó không lắc lẻo đong đưa như loại cầu bắc bằng những cây tre, chả lãng mạn tẹo nào như trong đồng dao, câu hát ví von. Chỉ nhiều thử thách ái oăm mỗi lần đặt chân để ngang qua. 
Không có nó không sang được bên này, nhưng có nó cũng thêm nhiều bất trắc..

Ngày bé em thường hồi hộp nhìn những người đi từ bên kia cầu sang bên này. Thấy người ta đi như người làm xiếc. Có bữa gặp ông rượu say, loạng chọng qua cầu. Ông ta ra đến đoạn giữa mất thăng bằng ngã rơi xuống suối. May mà hôm đó nước suối đầy, ông ấy  trôi một đoạn mới lóp ngóp bò lên được bờ. 


Lớn lên lại chính em ngày nào cũng hai lượt qua đây để sang trường khu trung tâm của xã. Ngày nắng ráo còn đỡ. Ngày mưa thật đáng sợ. Mưa như màn nước bưng lấy mắt, chả thấy đâu là đường. Hai bên đầu cầu lại trơn như có người đổ mỡ, rải bùn lên. Cái hình ảnh người ngã suối khiến em không ít lần do dự. Sang đến đầu bên này rồi mà trống ngực vẫn đập, tóc mai rịn mồ hôi. Học trò là đám chả coi cái khó, cái khổ là gi, cái gì rồi cũng quen. 
Cái khổ nỗi sợ hãi ấy có là chi so với những điều sau này em gặp phải? 
Làm người có những cách trở, những “cây cầu” vô hình còn gian nan, khó vượt hơn cây cầu bê tông bé nhỏ này nhiều. 
Hôm nay Lựu về làng, cô cảm thấy cây cầu năm xưa hình như ngắn lại, bé nhỏ chả có gì đáng ngại nếu một lần nữa phải đi qua. 
Nhưng không hiểu sao, nó cứ ám ảnh trong tâm trí em. Ai đó nói” Mọi vật đều có tính linh”. Không có gì là vô tình với ta cả. 
Có lẽ đúng. Lớn lao như sông suối, núi non, nhỏ bé và gần gũi như cây cầu này, cây dâu da đầu ngõ kia. 
Mỗi thứ sinh ra ở đời đều có một ý nghĩa nào đó. Hoặc là nó sẽ chứng kiến một hay nhiều sự kiện trong đời, hoặc như một lời tri đoán về số phận. Đôi khi vô tình ta không để tâm. Sự vô tâm ấy khiến ta ân hận. Nhiều cái “giá như thế này”, “giá như thế khác” về sự băn khoăn của chính mình..

Mùa thi năm đó người ta bảo là năm có Enđinô. Nghĩa là thời tiết xấu hơn mọi năm. Một năm khí hậu nóng một cách bất thường. Chính em cũng chưa hiểu rõ En đi nô là gì? 
Làng em cách xa biển. Thú thực em chưa thấy biển bao giờ. Chỉ thấy trên ti vi, biển dào dạt quá và mênh mông vô cùng. Tuổi trẻ, đứa nào chả có một cánh buồm hy vọng, một biển lớn đầy thử thách, một chân trời hứa hẹn, háo hức đợi một lần ra khơi?
En đi nô là dòng hải lưu nóng chảy ngấm ngầm đâu đó dưới đáy đại dương. Năm nào có nó xuất hiện là y như rằng bão lũ và cái nóng kinh người. Đấy là những điều em biết qua sách vở chứ chưa tận mắt nhìn thấy bao giờ.
Cũng là năm  người ta nói nhiều đến “Hai không” trong giáo dục, cải cách hay “xiết lại chất lượng”.. gì gì đó. “Nói không với bệnh thành tích”; “Nói không với thi cử gian lận” thì tốt rồi, nhưng phải chuẩn bị ngay từ đầu, từ nhiều năm trước. Đâu phải đột ngột “không” một cách lạnh lùng, bất ngờ như vậy? Một nền giáo dục đã quá quen với việc thì cử “Đã thi là đỗ”, năm nào cũng gần cả trăm phần trăm, tự dưng bị dội một gáo nước lạnh! 
Người ta đã quen với những buổi họp mặt phụ huynh trước mỗi kỳ thi. Ai nấu cơm? Ai phục vụ? Chống trượt là bao nhiêu?  Khu quanh trường những ngày trước ngày thi cử nhộn nhịp. Hàng quán khu trung tâm  đông hơn hẳn ngày thường.Mùi thịt nướng thơm lừng, từ xa khói đã nghi ngút. Bia rượu chảy tràn, phong bao từng xấp. Thí sinh nào cũng  đinh ninh mình cầm chắc tấm bằng!
Chưa học sinh và cả phụ huynh nào nghĩ tới việc học thực, học thế nào để có kết quả thực, giờ đối mặt với gay gắt, bất ngờ! “Hai không” là cái gì xa lạ, từ trên trời rơi xuống! Chưa nói đến sự học ngày nay còn nhiều khiếm khuyết. Giáo trình vừa cũ kỹ vừa lạc hậu, chả ăn nhập gì với nền khoa học thịnh thời. Nhiều môn học chẳng giúp gì cho học sinh áp dụng cho bước vào đời sắp tới, chương trình ngoại khóa chiếm quá nhiều thời gian khóa học không mấy cần thiết. Sách giáo khoa soạn theo các nước anh em, có từ thời Liên Xô chưa sụp đổ, được các chuyên gia tham khảo, vá víu mang về..  Trung lúc thời đại khoa học, công nghệ  thay đổi từng giây, từng ngày, tránh sao khỏi bất cập? 
Chưa kể đến chuyên môn của thầy cô có vấn đề nếu không nói thẳng thừng ra là rất yếu kém. 
Di họa từ sự chuẩn bị của nền giáo dục bị xem nhẹ từ nhiều năm trước. Chỉ những ai không đậu được trường mình mong muốn mới vào sư phạm. Rồi thì “tuyển thẳng, tuyển ngang giáo viên từ các cấp”. Đã từng một thời có câu “ Nhất y nhì dược, tạm được Bách Khoa..”
Hậu quả có lẽ xảy ra với nhiều người, kéo dài mãi đến sau này, đến số phận của hàng ngàn thí sinh, trong đó có Lựu. 
Cả trường cấp ba của Lựu chỉ có năm người thi đỗ tốt nghiệp đợt đầu! ( Về sau người ta tổ chức thi lại lần nữa, vẫn không thay đổi được gì hơn ). Chưa có năm nào không khí thi cử căng thẳng, bức bối như năm đó. 
Vòng trong vòng ngoài mấy lớp bảo vệ, còn có thêm mấy anh cảnh sát làm trật tự khu vực phòng thi. Có cả cái xe cứu hỏa đỏ chót ngự góc sân trường. ( Về sau nghe nói xe cứu hỏa phòng cháy rừng mọi khi đậu ở sân ủy ban xã, hôm đó tập dân quân, thiếu chỗ người ta mang tạm lên đây. Cũng có thể người ta phòng xa. Nóng bức thế này, chỗ đông người, ai biết trước là không có hỏa hoạn xảy ra? ) 
Các giám thị mặt lạnh như kem, xoi mói như thể canh chừng từng thí sinh như đề phòng tội phạm. Không thí sinh nào mang nổi tờ giấy có chữ nào vào phòng chứ đứng nói mang tài liệu như mọi năm. Không ai dám bén mảng đến khu vực thi cử và chẳng có chuyện ném bài “phao cấp cứu” như vẫn thường xảy ra. Phao phủng bị xét, bị loại vất một đống ở sân trường..
 Giáo dục như con tàu quen rơi tự do, bỗng dừng đột ngột, thiếu sự chuẩn bị chu đáo,  tạo ra hẫng hụt vô cùng lớn.  
Hàng trăm phụ huynh bối rối đứng chờ con em mình ở bên ngoài, mặt mày cũng căng thẳng không kém. Mọi sự tác động với ban giám thị, với người canh, coi thi đều không kết quả. Người ta tụ lại từng đám, lặng lẽ không nói lời nào, mặt xạm nắng, áo xũng mồ hôi.
Trên cao trời đang đổ lửa. Cái nắng như hun đốt tâm trí con người. Những chiếc quạt trần trong phòng thi uể oải quay vì điện ở cuối nguồn, quá yếu. Nó như để trang trí thì đúng hơn dùng quạt gió lấy mát trong phòng. 
Ra khỏi phòng thi, áo Lựu ướt đẫm lưng. Hai bên thái dương mồ hôi ra bết vào tóc mai, chảy dài xuống má. Cái khăn Lựu mang theo ướt như vừa nhúng nước. Em lảo đảo ra khỏi phòng thi, thoát khỏi nơi bí bức, ngột ngạt. Có cảm giác chân không đi trên mặt đất. Em đang bước bồng bênh trên những đám mây. Những đám mây  cuối hè rất đột ngột, chứa nhiều sấm sét,  bão giông!
Mùa thi năm đó Lựu thêm một cái không nữa là “không tốt nghiệp”! Bao nhiêu mơ ước hy vọng tan tành. Giấc mơ vào giảng đường đại học  sẽ chẳng bao giờ có được với em nữa rồi. Người khác có thể học lại, chờ mùa thi năm sau, nhưng Lựu thì không thể.
Bố mẹ em đã cạn hết sức rồi. Lại còn hai đứa em, chúng không thể nghỉ học để nhừơng cho chị học thêm được nữa..
Hôm đó, lúc đi qua cây cầu này, Lựu đã dừng lại rất lâu. 
Một ý nghĩ kinh khủng  nảy ra trong đầu.. 
Sau này nhớ lại, Lựu thấy rất may là đã không làm như thế. 
Người ta có nhiều cách để đi vào đời, đến với thành công bằng nhiều con đường. Vào đại học đâu phải duy nhất và tất cả?  Không nhất thiết phải qua cây cầu bê tông cũ kỹ này. Em có thể lội qua con suối để qua bên kia bờ, dù vất vả hơn một chút. Em biết bơi, chết đuối làm sao được? Hoặc là em sẽ đi vòng xa hơn một chút, thì đã sao?
Ý nghĩ ấy đã giúp em tránh một việc làm dại dột. Việc ấy không khó..Đứng trên cầu, chỉ nửa bước chân, là mãi mãi không buồn, không vui, không ao ước cũng chẳng còn hy vọng, thất vọng..
Nhưng công cha nghĩa mẹ thì sao? Lẽ nào mình cướp công cha mẹ khi mới tưng ấy tuổi đầu? Cả với bản thân mình nữa. Sinh mạng này chỉ có một, không có lần thứ hai. Lẽ nào một vấp váp đầu đời mà đã hủy hoại nó?
 Lựu thấy như vậy là mình có tội với mình, chưa nói đến mẹ sinh, cha dưỡng cho ăn học từng ấy năm trời!
Nắng nóng nhiều ngày, cây cầu sinh rêu nhiều hơn, trơn hơn mọi khi. Thiếu chút tỉnh táo em sẽ rơi xuống, đập đầu vào những tảng đá nham nhở dưới lòng suối kia. Dòng suối đang mùa hạn hán, nước chỉ còn thoi thóp chảy..

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông


Hương Sơn, một vùng quê được biết đến với con Hươu Sao, cây Cam Bù nổi tiếng. Mảnh đất này còn là nơi gắn bó cuộc đời và sự nghiệp y học của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

< Nằm ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, lăng mộ của danh y Hải Thượng Lãn Ông là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của tỉnh Hà Tĩnh. 

Đến Hương Sơn, không thể không nói đến quần thể di tích lịch sử văn hoá - nhà thờ, mộ, tượng đài và chùa Tượng Sơn - nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với Đại Danh Y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một con người rất thông minh, học giỏi nhưng không màng đến danh lợi.

< Được tôn tạo và khánh thành năm 2004, lăng mộ là một quần thể kiến trúc hoành tráng và uy nghi, gồm nhiều công trình khác nhau như trụ biểu, nhà bia, nhà tiền tế, mộ phần... tọa lạc ở một địa thế rất đẹp. 

Ông luôn tìm tòi nghiên cứu, trồng thuốc, chữa bệnh, làm thơ và viết lên những bộ sách lớn như: Hải Thượng Y tông tâm lĩnh; Thượng kinh ký sự… ông đã có công sưu tầm, bổ sung nhiều phương thuốc có giá trị còn lưu truyền trong dân gian và để lại cho muôn đời sau.

< Truyền thuyết kể lại rằng, sinh thời Hải Thượng Lãn Ông thường thả diều trên các đỉnh gần nhà và ông dặn dò con cháu đến lúc diều rơi ở đâu thì khi ông mất an táng ông ở đó. 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 01 năm 1720;  mất ngày Rằm tháng giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1791)  tại quê mẹ xã Tình Diệm xưa, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh...

< Theo lời căn dặn ấy, mộ của ông bây giờ nằm ở chân núi Cánh Diều thuộc dãy núi Minh Tự, lưng tựa núi, mặt hướng ra sông Ngàn Phố. 

Truyền thuyết kể lại rằng, sinh thời ông thường thả diều trên đỉnh Núi Giả, Hồ Sen và ông dặn dò con cháu đến lúc diều rơi ở đâu thì khi ông mất an táng ông ở đó... Dulichgo

< Ngôi mộ nằm trên một triền dốc thoai thoải, được thiết kế theo hình dáng của một ngôi nhà truyền thống, thẳng hướng với đỉnh cao nhất của dãy núi Minh Tự. 

Mộ của ông ngày nay nằm ở dãy núi Cánh Diều dưới chân núi Minh Tự, xã Sơn Trung. Ngôi mộ nằm ở độ dốc 30°, đầu hướng lên đỉnh cao nhất của dãy núi Minh Tự, chân mộ chiếu thẳng vào đỉnh cao của dãy Trường Sơn. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống toàn cảnh nơi đây như một bức tranh thuỷ mặc, bên phải có khe Nước Cắn chảy rì rào, trước mặt có dòng sông Ngàn Phố trong xanh hiền hòa và một vùng đồi núi, làng mạc nên thơ.

< Hải Thượng Lãn Ông (nghĩa là "Ông già lười Hải Thượng" - 'lười' đây ám chỉ lười với quyền cao, chức trọng) là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác. Là một người tinh thông y học, văn chương, ông là một danh nhân tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam, được người đời kính trọng. 

Hướng về phía Tây 7 km là đến với khu Nhà thờ Lê Hữu Trác được gọi là vườn đào Hải Thượng thuộc xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn - một vùng đất nằm sát bên bờ sông Ngàn Phố. Đây là chốn thâm sơn cùng cốc xưa nhưng là nơi phong cảnh hữu tình, nhân dân ở đây sống hoà thuận cùng nhau bên nếp nhà tranh. Đến nhà thờ Lê Hữu Trác - nơi có Núi Giả, Hồ Sen nằm sát nhau ở góc vườn, Hồ Sen hình bán nguyệt ôm lấy chân núi ở phía Tây Bắc. Chính nơi đây  Lê Hữu Trác đã thường xuyên quan sát hướng gió để xem mạch, chữa bệnh và là chốn tri ân, nơi ông thường cùng bạn bè lên đó ngắm trăng, đón gió, uống rượu, đánh cờ, đọc sách và ngâm vịnh thơ ca.

< Trong lĩnh vực y học, ông là vị đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. 

Trên đường từ mộ đến nhà thờ ghé qua chùa Tượng Sơn (còn gọi là chùa Hầm Hầm) - một di tích lịch sử văn hoá nằm sát tả ngạn sông Ngàn Phố. Chùa Tượng Sơn nằm trên một vùng đất bằng phẳng, đẹp đẽ giữa cánh đồng xóm Vĩnh Tuy, xóm Chùa, làng Yên Hạ, làng Quát huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Tượng Sơn là một trong những nơi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dùng làm nơi đọc sách nghiên cứu và chữa bệnh cho nhân dân; chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi thờ liệt tổ nội, ngoại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

< Ông đã để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam. 

Quần thể di tích lịch sử văn hoá Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia được Bộ Văn hoá, Thông tin xếp hạng năm 1990. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, quần thể di tích được các thế hệ nhân dân gìn giữ, ngưỡng mộ. Để tôn vinh những đóng góp to lớn và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Đại Danh Y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngày 31 tháng 10 năm 2003 Bộ trưởng Bộ Y Tế đã quyết định phê chuẩn Dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Công trình được khởi công ngày 21 tháng 11 năm 2004. Đến nay các hạng mục công trình đã hoàn thành, được xây dựng rất khang trang và đưa vào sử dụng để đón các đoàn khách đến tham quan.

< Các tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự của ông không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị cao về văn học, lịch sử, triết học. 

Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là nơi tham quan hấp dẫn, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi giáo dục truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời đây là nơi giao lưu các giá trị văn hoá của mảnh đất, con người Hương Sơn với bạn bè gần xa. Mảnh đất Hương Sơn luôn thân thiện đón chào quý khách đến với vùng quê của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nơi ông đã gắn bó cuộc đời mình và cống hiến cho đời một kho tàng các trị văn hoá tốt đẹp mà muôn đời các thế hệ mai sau ngưỡng mộ.

Theo Lê Nhật Tân (Huongson.gov.vn), ảnh Kiến Thức
Du lịch, GO!

Phần nhận xét hiển thị trên trang