Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Những đứa trẻ của ngày 30/4/1975



Ngày 30/4/1975 tôi có 3 đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác. Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.

Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt. Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi từ 50 trở xuống (tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12 tuổi), chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.

Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân. Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy (có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi – con trai một ủy viên BCT – còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số). 
Nói theo kiểu dân gian: họ là những người “tân gia ba” tức là mới tham gia cách mạng sau ngày ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố: “Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác”.

Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà – tiếc thay – họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện “đổ xương máu”.

Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.

Thật vậy sao? Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.

Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75 bởi vì điều đó thật vô lý. Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: “chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”… đã trở nên quá nhàm chán.

Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khư mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.

*

Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù. Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ. Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời!

Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.

Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.

ĐÀO HIẾU

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hacker Trung Quốc ào ạt tấn công modem FPT

Thứ Tư, 16:50 | 15/04/2015

Công nghệ ) - Hacker đã tấn công nhiều modem wifi khách hàng của FPT khiến họ không truy cập được internet. Thậm chí, hacker còn có thể đổi tên wifi của khách hàng thành “china hacker”...
> Hacker Trung Quốc do thám chính phủ ĐNA suốt 10 năm qua
hacker trung quoc ao at tan cong modem fpt
Chỉ một số loại modem wifi bị, trong đó có loại modem do FPT cung cấp cho khách hàng được sản xuất tại Trung Quốc.
 
Tới 16g ngày 14-11, hàng chục khách hàng vẫn tiếp tục mang modem hoặc gọi điện tới chi nhánh Bình Dương của Công ty cổ phần viễn thông FPT yêu cầu sửa chữa.
 
Theo các khách hàng này, dù không nợ cước nhưng bỗng dưng họ không vào mạng internet được. Khi kiểm tra, nhiều khách hàng mới tá hỏa khi thấy modem internet của nhà mình đã bị thay đổi cấu hình, còn tên mạng wifi cũng bị đổi thành các dòng chữ như trên.
 
Hiện tượng này đã xuất hiện hai tuần nay, nhưng trong ngày 14-11 số lượng khách hàng của FPT Bình Dương bị sự cố trên nhiều nhất. Có khách hàng trong tuần vừa rồi bị lặp đi lặp lại tới ba lần.
 
Ghi nhận chiều 14-11 tại trụ sở của FPT Bình Dương, có rất nhiều khách hàng mang modem tới sửa. Do thiếu nhân viên kỹ thuật nên nhiều khách hàng bị hẹn giữ lại modem, hôm sau mới được nhận lại.
 
Trong khi đó, nhiều nhân viên kỹ thuật của công ty cũng phải tới trực tiếp nhà nhiều khách hàng để chỉnh modem. Tổng đài của FPT Bình Dương trong chiều cùng ngày cũng thường xuyên trong trạng thái bận do nhiều khách hàng gọi tới.
 
 
Ông Trần Văn Ân (P.Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một) cho biết ông lắp mạng của FPT khoảng 7 tháng nay, chi phí lắp đặt hơn 1 triệu đồng, đã bao gồm một modem có chức năng phát wifi và có bốn cổng kết nối.
 
“Khoảng 10g ngày 14-11, thấy không truy cập mạng được, tôi kiểm tra modem thì mới tá hỏa phát hiện tên wifi đã bị đổi thành tên khác nên vội vàng mang tới đây kiểm tra. Trên modem của tôi in logo FPT, phía sau ghi nơi sản xuất là “made in China” - ông Ân cho biết.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lâm Khánh Phương - phó giám đốc chi nhánh Bình Dương Công ty cổ phần viễn thông FPT - cho biết sự cố trên có thể do một loại virut gây ra.
 
Theo đó, các modem bị tấn công và thay đổi mật khẩu, cấu hình, tên wifi nên khách hàng không truy cập mạng được. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân và ai gây ra sự cố này.
 
Các thiết bị modem được FPT nhập về từ nước ngoài. Hiện FPT chi nhánh Bình Dương chưa thống kê cụ thể số lượng khách hàng bị sự cố.
Rất nhiều khách hàng mang modem tới trụ sở của FPT chi nhánh Bình Dương, các modem chất đống trên bàn - Ảnh: Bá Sơn
 
Để khắc phục, nếu khách hàng nào rành về kỹ thuật sẽ được nhân viên tổng đài hướng dẫn cách đặt lại cấu hình modem là có thể truy cập mạng được.
 
Với các khách hàng mang modem tới chi nhánh công ty thì thao tác khắc phục chỉ mất khoảng 3-5 phút, tuy nhiên có thể do lượng khách tới một lúc nhiều nên một số khách hàng phải chờ.
 
Về giải pháp lâu dài, ông Phương cho biết công ty FPT sẽ chặn chức năng “log in” (đăng nhập) vào modem từ mạng ngoài, như vậy sẽ không ai thay đổi được cấu hình, mật khẩu của modem của khách hàng, ngoại trừ chính khách hàng đó.
 
Được biết, trước khi xảy ra tại Bình Dương, sự cố nói trên đã xuất hiện đối với khách hàng của FPT tại tỉnh, TP khác. Tại Bình Dương, sự cố này xuất hiện rải rác tại TP Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, Thuận An… Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được làm rõ.
 
Nguồn Tuổi Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHONG THỦY KINH ĐÔ – CÂY XANH VÀ VẬN NƯỚC NĂM ẤT MÙI

chú tễu blog
Tản mạn câu chuyện Phong Thủy
nhân vụ chính quyền thành phố Hà Nội
đốn chặt cây xanh cổ thụ
*******************************
Phạm Gia Minh  – Đặng Thế Tĩnh
Độc giả có thể không tin và cho rằng những gì viết ra ở đây là mê tín, là viển vông nhưng đối với những ai chỉ cần có chút hiểu biết về Thuyết Âm- Dương , Ngũ hành và Kinh Dịch thì câu chuyện chính quyền thủ đô Hà nội vừa qua cho phép đốn chặt tới gần 7000 cây xanh cổ thụ lại chứa đựng những điều hệ trọng hơn nhiều những bức xúc rất đời thường như bóng mát , cảnh quan môi trường và ký ức lịch sử .

Điều hệ trọng đó chính là vấn đề Phong Thủy của Thủ đô và do vậy nó hẳn sẽ ảnh hưởng tới trung tâm đầu não quốc gia và vận mệnh đất nước.
Theo triết lý ngũ hành tương sinh, tương khắc thì Việt Nam (nước Việt ở Phương Nam) thuộc Hỏa. Mộc dưỡng Hỏa ví như củi tiếp nhiên liệu cho bếp lửa hồng và Hỏa thì khắc Thủy như dân gian vẫn nói “ đối chọi nhau như lửa với nước”.
Năm nay 2015 theo Âm lịch là năm Ất Mùi, Ất thuộc Mộc (âm) và Mùi thuộc Thổ (âm ) cho nên yếu tố Hỏa của cả năm nay sẽ suy do thiếu tính dương ở cả Thiên can và Địa chi. Do Mộc (âm) vừa phải trực tiếp sinh ra Hỏa và gián tiếp sinh ra Thổ ( vì Hỏa tiếp tục sinh Thổ ) nên tính chất Mộc của năm nay cũng không mạnh , tương tự như bà mẹ đẻ dầy nên đuối sức.
Mùa Xuân là thời điểm vượng nhất của cây cỏ (Mộc) so với các mùa còn lại trong năm (cho nên mới có câu mùa Xuân là Tết trồng cây !) mà tiến hành đốn , chặt hàng loạt cây xanh cổ thụ thì tới mùa Hè , thời điểm của Hỏa sẽ không có Mộc để sinh năng lượng, có thể ví vừa qua Hà nội đã thực hiện binh pháp Tôn Tử đó là “ rút củi đáy nồi” khiến vận nước thêm suy.
Cũng vì do năm nay yếu tố Mộc không mạnh cho nên việc đốn chặt cây sau Tết Nguyên đán ắt diễn ra thuận lợi hơn năm ngoái Bính Ngọ. Không phải ngẫu nhiên trong tháng 2 lịch Âm Ất Mùi người ta mới ra quân rầm rộ đốn cây ngày đêm theo lối chiến dịch như vậy.
Xét về Phong Thủy tên gọi Hà nội ( trong sông ) đã thể hiện tính chất Thủy của Thủ đô và cái tên này hẳn là tương khắc với tên gọi mang tính Hỏa là Việt Nam. Phải chăng vì sự tương khắc đó mà từ năm 1831 khi Minh Mạng cho đổi tên vùng đất vốn là Thăng Long ( Rồng bay lên – thuộc Thổ ) thành Hà nội thì trong suốt 184 năm qua hơn 2/3 thời gian ( 80 năm Pháp đô hộ, khởi nghĩa , kháng chiến chống Pháp rồi sau đó gần 30 năm Mỹ can thiệp, hai miền chia cắt , chiến tranh cục bộ và chiến tranh biên giới Tây nam, biên giới Phía Bắc, xung đột ở Hoàng Sa 1974, Lão Sơn , Hà Giang rồi Gạc Ma năm 1988 , căng thẳng trên Biển Đông hiện nay ) đất nước này luôn luôn bị cảnh binh đao ám ảnh. Việc sáp nhập Hà Tây ( nơi có Sơn Tinh ngụ tại núi Tản ) vào Hà nội hẳn càng giúp củng cố hơn cái thế thượng phong của yếu tố Thủy trong tương quan với Hỏa vốn là căn mệnh của đất Việt (1).
Nói tóm lại, việc đốn chặt cây xanh cổ thụ một cách hàng loạt như vừa qua tại Hà nội đã tạo thêmmột sự suy giảm yếu tố Hỏa ( rút củi đáy nồi ) và góp phần củng cốcho yếu tố Thủy thêm mạnh mẽ, lấn lướt . Do Phương Bắc thuộc Thủy nên nếu nhìn rộng ra và suy ngẫm một chút sẽ thấy rất rõ việc đặt tên Hà nội từ thời Minh Mạng sau đó lại sáp nhập Hà Tây vào Hà nội và hiện nay cho đốn chặt hàng loạt cây xanh cổ thụ là cả một quá trình làm suy yếu vận nước và góp phần củng cố thế mạnh cho các thế lực Phương Bắc.
Trong bối cảnh đang diễn ra những căng thẳng trên Biển Đông thì sự suy yếu của Mộc ngay tại nơi đầu não của đất nước còn mang một nguy cơ tiềm ẩn. Số là Phương Đông (trong đó có Biển Đông ) thuộc Mộc nên khi mà Mộc tại trung tâm yếu sẽ liên hoàn kéo theo Mộc ở ngoại vi ( thế phòng thủ ngoài Biển Đông- Hoàng Sa, Trường Sa…) suy yếu theo.
Thời điểm có thể diễn ra những căng thẳng, phức tạp do Mộc suy yếu có thể sẽ trùng vào mùa Thu ( thuộc Kim ) và / hoặc mùa Đông ( thuộc Thủy ) năm Ất Mùi.
Những việc tày Trời đó đã diễn ra do người Việt nam không nhận thức được ý nghĩa sâu xa của Phong Thủy- Kinh Dịch và Ngũ hành hay vì những món lợi ngồn ngộn trước mắt đã làm mờ lý trí ?
Hình như Minh Mạng đã xuất phát từ sự ngưỡng mộ văn hóa Trung Hoa và phần nào cũng muốn hạ thấp tầm ảnh hưởng của tầng lớp sĩ phu Bắc hà.
Còn việc sáp nhập Hà Tây vào Hà nội thì nghe nói nhiều đại gia bất động sản đã kiếm bộn từ chênh lệch giá bán nhờ việc gắn mác thủ đô lên những khu đất mà ngày hôm qua vẫn là đất tỉnh lẻ nên giá mua vào rất bèo.
Dư luận còn chưa rõ câu trả lời từ phía những người có trách nhiệm trong việc đốn chặt cây ở Hà nội về số tiền bán gỗ và thực thi chặt cây hàng loạt với kinh phí tới 35 triệu /cây có phạm Luật hay không ?
Nhưng một điều rất rõ nếu xét về phương diện Phong Thủy đó là lãnh đạo Hà nội có thể đã vô tình ra một quyết định vội vàng gây tổn hại cho vận nước đồng thời củng cố thêm vị thế cho các thế lực bên ngoài !.
Đáng tiếc là việc đốn , chặt hàng loạt cây xanh cổ thụ ở ngay giữa đất Thủ đô đã gây nên chấn động dư luận gấp nhiều lần những vụ việc đáng tiếc do người dân còn thiếu thông tin và gặp hoàn cảnh túng thiếu như nuôi đỉa , cắt dây điện thoại , phá đường tàu , gom móng trâu, bò và rễ cây quế, lá cây điều…để bán cho thương lái nước ngoài.
Xin kết thúc mấy lời tản mạn (và có thể là viển vông này) bằng một nhận định mà tác giả đã đưa ra cách đây mấy năm khi người ta đang bừng bừng khí thế dời hài cốt các liệt sĩ đã nằm xuống tại khu chợ tạm 19/12 để xây đè lên đó một trung tâm thương mại hoành tráng 17 tầng . Đó là , nếu như quả thực có diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch thì hãy cảnh giác với chiến tranh Phong Thủy ( 2 ).
Thăng Long- Hà nội 28/ 3/2015 
Phạm Gia Minh  – Đặng Thế Tĩnh 
___________

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ru con

- Truyện ngắn NHẬT TUẤN

Nhân vụ đường dây mãi dâm người mẫu diễn viên do một đạo diễn thời trang tổ chức bị khám phá, xin đăng lại truyện ngắn "RU CON" cùng chủ đề này .

        

                      
                     
Anh sáng ngọn đèn đường đổ xuống mái tóc em một mảng vàng mờ.Mưa lưa thưa trên phố,vưà đủ  làm mát đôi má ,chỉ bực nỗi phấn bị loen,lâu lâu phải chấm lại.Không sao,tối thế này chẳng ai nhìn rõ,em nắn lại mái tóc ,đưa đẩy đôi chân trần bên dưới chiếc váy ngắn và nhìn người đàn ông chạy xe sát viả hè.
”Này...bốn mắt nhìn nhau tìm ai đấy ?”
Tiếng gọi cuả em tan trong mưa ,thằng cha chắc điếc ,lại cả mù nưã,nếu không, hẳn nó đã xin chết.”Chợ” hôm nay đông thật,người đâu ra như kiến cánh ,áo dài,robe,váy mini hoặcmaxi ,đúng là một cuộc trình diễn thời trang.Các em đều đẹp như người mẫu,chỉ tiếc “ban giám khảo “ toàn những thằng mắt thịt ,mắt mũi cứ hau háu chiã vào những chỗ kín,ở đó có cái gì,chẳng có cái gì ngoài những cố gắng đáng thương cuả bọn đàn ông tranh nhau chứng tỏ mình là  con đực.Ôi,những chú bé tội nghiệp.Em thường nghĩ về đàn ông như thế sau mỗi lần tạo cho họ ảo tưởng chiến thắng.Người ta thường nói khách hàng là Thượng đế,riêng em còn coi họ như những đưá con yếu đuối cần vuốt ve,bảo bọc.Tại sao thế ư ? Chẳng biết ,tin hay không thì tuỳ,nhưng em là vậy,cứ như hoa lạ trong vườn ,hỏi tại sao có màu khác vậy,sao trả lời được.
Mưa nặng hạt .Em rời cột đèn chạy vào  mái hiên.Cũng được,vào đây khỏi choàng áo mưa khách vẫn có thể nhận ra em nhờ vào bộ váy áo ngắn ngủn.Kia,một “vị giám khảo” ghé tới,dừng chiếc xe Dream bên hè.Gã lẳng lặng nhìn em từ đầu tới chân, hạ một câu chắc nịch :
“ Ba trăm một dù ba người,đi không?”                   .
Thằng khỉ đột này xem ra có vẻ tay chơi chuyên nghiệp.Nó chích cho “phê” rồi mới quần thảo thì chết em.Em thoái thác :
“ Một người thôi.”
“ Bộ em là hoa hậu hả ?”
Gã xì một câu rồi lạng xe sang bên kia,ở đó hai cô đã chờ sẵn.Em quay lại mái hiên,lắc lắc tóc ướt,lo lắng nhìn giờ.Hôm nay sui ,từ tối chưa được “dù” nào,mọi ngày,bằng giờ này ít nhất cũng lượm được ba “gã” đủ  góp hụi,ăn uống ba ngày,thậm chí có thể sắm thêm  được cục son hoặc góp vào vốn,phòng ế ẩm.
Em rút hộp quẹt,bật lưả châm vào tờ giấy hơ khắp người .Em đã nghiệm nhiều ,xả xui rồi thế nào cũng có khách ,dường như có một đấng thần linh nhìn thấy hết và thu xếp hết.Ngài dẫn dụ khách tới cho em,ngài bảo vệ em khỏi  tay  bọn côn đồ ,ngài như ông bụt trong truyện cổ tích hiện ra mỗi khi em cầu khấn.Này hãy nhìn,mắt em mở lớn,gương mặt đắm chìm trong niềm tôn kính,miệng em mấp máy những lời cầu xin.Em trẻ thơ và em thánh thiện như bất cứ con chiên nào dọn mình trưóc chuá.Em không mong Ngài mang đến cho em một chàng Hoàng tử với xe tuấn mã sẽ đưa em về miền hạnh phúc.Em không mong Ngài mang đến cho em con chim thần với túi ba gang đi nhặt vàng bên kia bờ đại dương.Em chỉ mong Ngài mang đến cho em một khách làng chơi để em có  chút tiền trang trải.Còn đầm đià nước mắt vì niềm tôn kính thần thánh,em đã phải vội mỉm cười khi khách ghé tới.
“ Anh Hai,đi em đi,em lấy rẻ thôi...”
“Thượng đế” cuả em là một ông già tóc trắng,trạc ngoài sáu mươi.Ông nhìn em với ánh mắt buồn bã,chẳng có vẻ săm soi thèm khát như những gã khác khiến em giật mình lo sợ.Không khéo ông già là người cuả “Đội phòng chống tệ nạn xã hội “? Đã vài lần em bị mấy cha đó gài độ.Ngã giá leo lên xe thế là bị chở tuốt về đồn.Hoặc là đi trại phục hồi nhân phẩm ,hoặc là gặp kẻ xấu,qua một đêm cãi nhau với muỗi,sáng hôm sau nộp tiền càphê gã cho em về.Có lần chính cái thằng đi bắt em lại đòi ngủ với em.Nưả đêm nó mò vào.Em tởm nó còn hơn quỷ sứ,suýt nưã thì em móc mắt nó ra.
Ong già vẫn đứng đó với bộ mặt rầu rĩ,chẳng có vẻ gì muốn hại em.Thôi được,em leo lên sau xe máy ôm lấy cái bụng cóc cuả ông.Ở nhà ba em cũng có cái bụng to  thế này.Mỗi lần ba chở em tới trường,em cứ ôm lấy bụng ba kêu má ơi ba mang bầu thay má nè.Ba cười ngất phóng xe đi trên phố,má đứng nhìn theo cho tới khi khuất.Những ngày đó đã xa lắm rồi.Cứ như trong truyện cổ tích vậy.Bây giờ ba đã yên nghỉ dưới  đất,còn má héo hon vì bệnh nghiện rượu cuả dượng.Em biết phần lớn tiền em gửi về cho má đều biến thành rượu chui qua cổ họng dượng.Má cứ mếu máo : “ông uống máu con tôi.” Nhưng còn biết làm sao ? Chuá nhìn thấy hết và sắp xếp hết.Bởi thế em thương má,thương cả dượng.Kiếm được đồng nào chăm chăm gửi về nhà.Em mơ một ngày nào đó có một ông Đài Loan hỏi cưới em làm vợ,em sẽ có thật nhiều tiền gửi về cho má sắm đồ,sưả sang nhà cưả.
Chiếc xe vẫn đưa em đi qua các con đường vắng.Hàng phố ngủ  rồi.Em sợ rúm  người nhìn con chuột to xụ chạy dọc cống bên ngọn đèn đỏ đọc báo hiệu đoạn đường bị đào.Ông già vẫn im lìm tăng ga cho xe chạy nhanh không hé răng nói nưả lời khiến em bắt đầu lo lắng.Lẽ ra k..hông nên nhận lời đi xa thế này...lẽ ra báo anh Bảy xe ôm chở cô đi chắc ăn...Mọi nghĩ ngợi cuả em tan nhanh khi xe rẽ vào một ngôi nhà vườn sáng đèn.Những bóng cây xoè tán trong đêm.Mùi dạ lan thoang thoảng.Không khí dịu mát làm em yên lòng theo chân ông già bước vào phòng khách bày biện khá tiện nghi.Ông rót cho em ly nước lạnh nhìn ngắm em với vẻ tò mò .
“ Cô làm nghề này lâu chưa ?’
“ Dạ mới...”
“ Cô bao nhiêu tuổi ?”
“ Dạ...hai mươi...”
“ Quê cô ở đâu ? Tên cô là gì ?...”
Những câu hỏi muôn thuả cuả khách nếu như không muốn bị đánh lưà thì đừng có hỏi.Sau cùng ông già trầm giọng :
“ Nói thực với cô,không phải tôi gọi cô cho tôi đâu,tôi gọi cho con tôi đấy,nó hơi bị tâm thần mà tôi...đoán rằng nó bị ức chế sinh lý ...”
“Không được,em kêu to,cháu không chịu đâu,cháu sợ lắm.”
“Không sao ,nó hiền khô ấy mà,rồi cô sẽ thấy,xong việc tôi sẽ trả cô thật nhiều tiển cô giúp tôi,tôi xin cô ...”
Không phải số tiền mà ông hưá hẹn,chính là vẻ khổ sở,nài xin cuả người cha mà em chịu bước vào phòng gã đó.Gã trạc ngoài bốn mươi ,nằm dài trên giường trong bộ đồ ngủ.Gương mặt  già khằng nhưng đôi mắt ngơ ngác như trẻ con và cái thân hình kềnh càng cuả gã trông giống như cuả một thằng bé  đang nhõng nhẽo.Khi em tới gần,gã nhỏm dậy,miệng đưa ra một tràng u âm chẳng có nghiã gì.Em ngồi cạnh nắm lấy tay gã,lần luợt cởi quần áo rồi leo lên giường nằm cạnh
Không giống các “Thượng đế” khác,thường cố chứng tỏ mình là con đực khoẻ mạnh,gã rúm người như con tôm,nưả như sợ hãi,nưả như bị kích thích khiến  gã run bần bật,úp mặt vào cánh tay.Em vuốt ve,an ủi ,giúp gã cởi quần áo,lấy khăn lau nước mắt khi  bầt thần gã khóc rưng rức.Dần dà gã bình tĩnh lại,chịu nằm im cho em  xoa lưng ,vỗ nhè nhẹ vào vai ,chúi đầu vào bầu vú em trắng ngần .
Thế rồi trong đêm vắng vẻ,xót xa ôm gã đàn ông trong lòng,em thong thả cất tiếng hát nhè nhẹ “:Gió muà thu...mẹ ru mà con ngủ...”...


                                                                                                
                                                      N.T.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cơ hội đầu tư ở VN trong mắt các nhà đầu tư Thái lan


VN đã trở thành địa điểm đầu tư ưa chuộng của các nhà đầu tư Thái Lan. Theo dự báo, trong 5 năm tới, các tập đoàn công ty lớn của Thái Lan sẽ biến VN thành một trung tâm sản xuất các sản phẩm nhãn hiệu Thái Lan, để xuất khẩu ra các nước khác. Các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư Thái lan nói gì về cơ hội đầu tư của họ ở VN?
Sabeco có sản lượng bia lớn nhất tại Việt Nam hiện nay

Việt Nam một thị trường hấp dẫn
Kể từ năm 1986, khi nhà nước VN tiến hành cải cách kinh tế để chuyển nền kinh tế từ nền kinh tế Kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường đã thu hút một số lượng lớn các nhà đầu tư từ các nước. Điều đó đã giúp nền kinh tế VN khởi sắc, đưa VN từ một nước thiếu đói triền miên sang một nước có thu nhập vào hạng trung bình và là quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 của thế giới.

Theo HSBC, với vị trí chiến lược của mình cùng dân số trẻ và chi phí thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư từ các nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Thái Lan xếp hạng 10 trong các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, tính cho tới tháng Ba năm 2015, với tổng cộng 374 dự án đã được cấp giấy phép, vớ tổng số vốn lên tới 6,7 tỷ đôla. Hiện nay, thị trường Việt Nam đã trở thành địa điểm đầu tư ưa chuộng của các nhà đầu tư Thái Lan,
VNN dẫn lời của Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải, nói rằng ông tin rằng trong 5 năm tới, các tập đoàn công ty lớn của Thái Lan sẽ biến VN thành một trung tâm  sản xuất  các sản phẩm nhãn hiệu Thái Lan, để xuất khẩu ra các nước khác.
Đánh giá tiềm năng của kinh tế VN hiện nay, TS. Rakdao Phorthisark  thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế AEC của Thái lan cho biết:
“Trong khối Asian VN đứng hàng thứ 7 với thu nhập bình quân đầu người chưa nhiều. Một thế mạnh của họ đó là sức mua rất lớn với lực lượng lao động trẻ với khoảng 62 triệu lao động, tuy vậy trình độ của lao động hiện có thiếu tính lành nghề. Chính sách đầu tư của nhà nước VN khá cởi mở và thông thoáng, song việc triển khai còn chậm và còn có một số trở ngại không đáng có. Tuy vậy, tôi nghĩ về lâu dài VN là một môi trường đầu tư có tiềm năng”
Triển vọng VN tham gia TPP là rất cao, thì đây là một thị trường 800 triệu người. Do vậy đây là cơ hội cho các nhà đầu tư Thái lan có ý định biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất các sản phẩm nhãn hiệu Thái Lan, để xuất khẩu ra các nước Peru, Mexico, Chile hay Bắc Mỹ
Ông RachKe Singh
Nói về lý do vì sao vào lúc này các nhà đầu tư Thái lan quan tâm đến việc đầu tư vào VN?
Ông RachKe Singh – Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh Thái-Việt cho biết:
’Triển vọng VN tham gia TPP là rất cao, thì đây là một thị trường 800 triệu người. Do vậy đây là cơ hội cho các nhà đầu tư Thái lan có ý định biến Việt Nam thành một trung tâm  sản xuất  các sản phẩm nhãn hiệu Thái Lan, để xuất khẩu ra các nước Peru, Mexico, Chile hay Bắc Mỹ.”
Theo VnEconomy cho biết, tập đoàn ThaiBev, một công ty sản xuất nước uống của Thái Lan, đã đề nghị mua lại 40% cổ phần của công ty Sabeco, công ty sản xuất bia lớn nhất Việt Nam. Dự kiến ThaiBev sẽ chi ra 1 tỷ đôla để thực hiện ý định của mình.
Hệ thống sản xuất bia của Sabeco
Hệ thống sản xuất bia của Sabeco
Trong khi đó, tập đoàn Amata đã xây dựng các khu công nghiệp tại Việt Nam trong 20 năm qua, vừa loan báo kế hoạch đầu tư 5 tỷ đôla vào một dự án xây dựng một thành phố mới ở tỉnh Quảng Ninh. Dự án này dự kiến sẽ sử dụng một diện tích rộng 6.400 ha, và thuê mướn 300.000 công nhân. Thành phố mới này sẽ gồm nhiều khu công nghiệp, một trung tâm hậu cần, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo và các khu triển lãm quốc tế.
Ông Suchat Rasthawong, một nhà đầu tư Thái lan cho rằng, các nhà đầu tư nên đầu tư 100% vốn của mình, không nên đầu tư chung vì quan điểm kinh doanh của các nước không giống nhau là nguyên nhân của sự bất đồng. Nói về lý do vì sao lựa chọn VN là nơi đầu tư, ông nói với chúng tôi:
“Tôi quyết định chọn VN là nơi đầu tư vì đây là một thị trường mới, nhu cầu của thị trường đối với lọai hàng hóa của chúng tôi rất cao. VN hiện nay có một cơ sở hạ tầng và chính sách đầu tương đối tốt, giá nhân công rẻ. Con người VN chịu khó làm việc và đặc biệt là đời sống của người dân ở đây có nhiều nét tương đồng với xã hội Thái lan”
Trở ngại
Khi được hỏi, những gì là trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư Thái lan khi đầu tư vào VN hiện nay?
Môi trường và chính sách đầu tư của VN khá thông thoáng nếu so với các nước khác trong khu vực. TS. Rakdao Prothisark  nhận định:
“Gía trị của đồng bạc VND là một trở ngại đáng kể, khi đồng VND yếu sẽ gây nên lạm phát, vì sự mất giá của VNĐ dẫn tới việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đắt lên. Đây là một thách thức và là vấn đề lặp đi lặp lại mà phía nhà nước VN cần phải giải quyết bằng các chính sách vĩ mô để tránh sự thiệt hại cho các nhà đầu tư về lâu dài. Nếu họ giải quyết được vấn đề này thì tôi tin rằng khả năng thu hút các nhà đầu tư Thái lan sẽ tăng lên rất cao so với hiện nay.”
Gía trị của đồng bạc VND là một trở ngại đáng kể, khi đồng VND yếu sẽ gây nên lạm phát, vì sự mất giá của VNĐ dẫn tới việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đắt lên. Đây là một thách thức và là vấn đề lặp đi lặp lại mà phía nhà nước VN cần phải giải quyết bằng các chính sách vĩ mô
TS. Rakdao Prothisark
Chính sách đầu tư của VN không nhất quán và thay đổi quá nhanh, nếu không cập nhật thường xuyên sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư. Ông RachKe Singh cho biết:
“Có nhiều nhà đầu tư từ nhiều công ty kể với tôi rằng, ví dụ một công ty mua một khu đất lớn và xây dựng nhà máy trên ½ diện tích và được hưởng ưu đãi không phải chịu thuế trong 5 năm. Khi tiến hành sản xuất được 4 năm, chủ nhà máy muốn mở rộng sản xuất bằng cách mở rộng nhà máy trên mảnh đất còn lại thì các quan chức chính quyền không cho. Họ bảo muốn mở rộng kinh doanh thì phải đầu tư mới ở một tỉnh khác, mới được hưởng ưu đãi như vậy. Cuối cùng miếng đất thừa đành bỏ không.”
Nói về bí quyết thành công của công ty CP-Vietnam, ông Suchsanchiem Chayswang – Tổng Giám đốc CP-Vietnam, có lời nhắn nhủ tới các nhà đầu tư Thái lan đang có ý định đầu tư vào thị trường VN. Ông nói:
“CP-Vietnam phát triển nhanh chóng bởi có sự ủng hộ của người tiêu dùng, bởi vì chúng tôi kính trọng họ, những người chủ nhân của đất nước này. Cũng giống như tất cả cán bộ công nhân viên trong công ty CP-Vietnam của chúng tôi, đều được đối xử bình đẳng, được chăm sóc đầy đủ đến nơi đến chốn và chúng tôi luôn tạo điều kiện cho họ. Tôi nghĩ rằng, các bạn là người kinh doanh giỏi dù từ bất kỳ ở đâu đến, nhưng nếu bạn lãnh đạo con người không được, thì chắc chắn cơ hội  thành công của bạn sẽ không có.”
Mỗi một quốc gia đều có những chính sách và ưu đãi đầu tư khác nhau, tuy vậy thông qua ý kiến của các nhà đầu tư Thái lan hy vọng chính quyền VN coi đó là những cơ sở để cải thiện môi trường đầu tư ở VN thông thoáng hơn, nhắm thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một giải pháp mà VN đã khá thành công trong gần 30 năm đổi mới kinh tế, để đưa kinh tế VN đi lên.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/invest-to-vn-fr-thai-04162015131249.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Rất nên quan tâm tới… lưu manh


Vương Trí Nhàn
1. Trong bài Đường đi và người đi — Những khám phá thú vị về xã hội người Việt xưa in trên TT&VH số ra 18-12-2011 nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết :

“ Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu”.

Tôi muốn bàn thêm với anh Thượng riêng về hai chữ lưu manh.

Chữ manh ở đây không phải người mù.

Trong chữ Hán cũng có một chữ manh viết bằng cách kết hợp chữ vong với bộ mục, Đào Duy Anh dịch nghĩa là mắt không có con ngươi, tối tăm.

Nhưng trong từ ghép lưu manh thì sách vở xưa nay đều viết chữ manh khác, gồm chữ vong như trên và bộ thị thay cho bộ mục. Chữ manh nói về sau này thời cổ là chỉ chung là dân. Trong Bình Ngô đại cáo có câu:

Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập

Đào Duy Anh dịch là

Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp

Là dùng chữ manh ấy.

Từ chỗ ban đầu chỉ dân nói chung ( Hiện đại Hán ngữ từ điển giảng “cổ đại xưng bách tính”), sau chữ manh này chỉ dân không có nghề nghiệp. Nó cũng không mấy khi được dùng riêng mà thường dùng như một thành phần trong từ ghép lưu manh.

Anh Phan Cẩm Thượng cho rằng đểu cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ hàng nên có nghĩa xấu. Nghĩa xấu đó là gì? Từ điển Khai trí tiến đức 1931 ghi đểu cáng là hạng người hèn mạt vô hạnh. Như vậy là từ một thói xấu đã biến thành một bản chất. Nay đểu cáng thường dùng như một tính từ chỉ phẩm chất.

Hạng lưu manh cũng vậy. Các từ điển Hán — Hán hiện đại thường ghi lưu manh ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa.

Tra các từ điển Hán Anh, tôi thấy người ta thường dịch lưu manh thành rogue, gangster, hooligan, sau đó chuyển sang nghĩa rộng hơn, nó dùng để chỉ những quan niệm hành động phi đạo đức, liều lĩnh, bậy bạ, rộng hơn là những triết lý “vô thiên vô pháp”, cho phép người ta dùng mọi thủ đoạn cốt đạt được mục đích.

2. Hồi cuốn Văn minh vật chất của người Việt mới ra, tôi đã thấy cái tên sách hình như to quá so với thực chất. Lẽ ra nên gọi gọn lại, đại khái như Các đồ vật của người Việt thì mới đúng. Chứ còn vật chất là một khái niệm khái quát hơn nhiều. Ví dụ một dạng vật chất là năng lượng, hoặc các loại vật liệu — ở đây đâu có nói tới.

Người Việt là một khái niệm có nghĩa rộng. Việc ở đây tác giả chỉ nói về người Việt ở đồng bằng Bắc bộ cần được xác định rõ ngay từ tên gọi tập sách.

Ngoài ra tôi còn băn khoăn về một chuyện khác. Trong một lần trả lời phỏng vấn, tác giả bảo muốn viết về những đồ vật xưa nếp sống xưa để các bạn trẻ có dịp trở về với cái hồn của dân tộc mà khỏi phải đọc sách vở kinh phật lão.

Tôi thì tôi nghĩ khác. Không gì thay thế sách vở được. Người nghiên cứu hôm nay không thể thỏa mãn với những hồi tưởng hồi ức xưa rồi dừng lại ở cái nếp sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng mà phải đi tới toàn bộ đời sống tinh thần của người xưa. Trong việc này, nhất thiết phải vận dụng tới sách vở từng có từ bao đời nay, kể cả sách của ông cha ta cũng như sách của nước ngoài. Đó là con đường mà các bạn trẻ không thể lảng tránh.

3. Dẫu sao tôi cũng cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Từ chỗ nghiên cứu nghệ thuật thuần túy, anh chuyển sang nghiên cứu cơ sở của nghệ thuật là xã hội.

Khi nghiên cứu về giao thông VN trong xã hội cũ, anh không chỉ nói tới đường đi mà còn nói tới người đi, vì thế mới có câu chuyện chúng ta trao đổi ở đây.

Tôi lại rất tán thành cái hướng mà anh theo là phân chia xã hội không theo thang bậc giai cấp chung chung nông dân—địa chủ phong kiến mà theo các tầng lớp hình thành trong xã hội như kẻ sĩ, nhà buôn, kẻ hạ lưu trộm cướp lưu manh.

Xin phép nói thực, tôi cũng đang muốn làm như vậy.

Phần góp chuyện của tôi:

Ngày nay chúng ta thường hay lý tưởng hóa chữ dân. Nhưng ở trang 87 của Từ điển từ nguyên tiếng Trung ( Nxb Hồng Đức H. 2008 ), tác giả Nguyễn Mạnh Linh ghi:

Để áp bức nô lệ làm việc và tránh tạo phản, bọn chủ nô thường bắt họ đeo gông tay gông chân hoặc dùng mũi khoan chọc mù mắt họ. Chữ dân trong Giáp cốt văn và Kim văn nghĩa gốc là chỉ nô lệ, nghĩa rộng chỉ kẻ bị thống trị trong đó bao gồm nô lệ và dân thường. Sau này phiếm chỉ bách tính quần chúng nhân dân.

Phải đi vào từ nguyên học lôi thôi như vậy vì nói tới người dân xưa là nói tới tình trạng lang thang vô nghệ nghiệp. Mà đó cũng là nguồn gốc tạo nên cách sống của họ. Họ chẳng coi cái gì là quan trọng. Họ dám làm những việc động trời bất chấp pháp luật. Nhờ thế, trong lịch sử các nước như Trung Quốc Việt Nam họ là nguồn gốc của những hỗn lọan mà ngày nay ta hay gộp vào và gọi chung là những cuộc nông dân khởi nghĩa.

Lưu manh du đãng… ở ta đóng vai trò lớn trong các cuộc chiến tranh kể cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Nhiều bộ sách cũ tôi đọc được có ghi những người theo Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận là du đãng, mà sau này Quang Trung mạnh cũng là nhờ tập hợp và phát huy sức mạnh đám người này.

Trong lịch sử Trung quốc, những Lưu Bang Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổ cũng mang đậm trong mình chất vô lại, du đãng, lưu manh. Đã có câu tổng kết trí thức chỉ làm đến tể tướng chỉ có lưu manh mới có thể làm vua.

Nhận xét ấy trong thời hiện đại được chứng nghiệm qua bộ đôi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Lịch sử cả Đông lẫn Tây vận động theo hướng xã hội khép kín trong các làng xóm thôn lạc thời cổ điển bị phá vỡ, con người tràn ra thành thị. Trong khi các tầng lớp nhà buôn và quan lại dùng tri thức tổ chức lại đời sống thì tầng lớp lưu manh cũng xuất hiện, và phát triển mạnh theo hướng thâm nhập vào các tầng lớp khác.

Trong xã hội hiện đại, xu thế này chi phối sự hình thành nhân cách từ người lao động đến người có học, làm họ cũng trở nên lười biếng tầm thường tàn ác vô cảm …tức là lưu manh hóa họ. Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng nhưng trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung. Ở tầng lớp lưu manh khóac áo trí thức, cái lõi là vô học, bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm.

Nguồn: Blog Vương Trí Nhàn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ta Về

Nhà thơ Đỗ Trung Quân giới thiệu bài thơ này, tác giả viết sau 15 năm cải tạo. Một lòng nhân, sự bao dung và  thương quý cuộc đời. Mời bạn đọc:

Tác giả: Tô Thùy Yên

Ta về một bóng trên đường lớn 
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai 
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ 
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay 

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp 
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu 
Mười năm mặt sạm soi khe nước 
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ 

Ta về qua những truông cùng phá 
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may 
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ 
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay 

Chỉ có thế. Trời câm đất nín 
Đời im lìm đóng váng xanh xao 
Mười năm, thế giới già trông thấy 
Đất bạc màu đi, đất bạc màu 

Ta về như bóng chim qua trễ 
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa 
Ai đứng trông vời mây nước đó 
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ 

Một đời được mấy điều mong ước 
Núi lở sông bồi đã mấy khi 
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động 
Mười năm, cổ lục đã ai ghi 

Ta về cúi mái đầu sương điểm 
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời 
Cảm ơn hoa đã vì ta nở 
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi 

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa 
Làng ta ngựa đá đã qua sông 
Người đi như cá theo con nước 
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng 

Ta về như lá rơi về cội 
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay 
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống 
Giải oan cho cuộc biển dâu này 

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy 
Ruột mềm như đá dưới chân ta 
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó 
Người thức mong buồn tận cõi xa 

Ta về như hạt sương trên cỏ 
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời 
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt 
Tội tình chi lắm nữa người ơi 

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ 
Mười năm người tỏ mặt nhau đây 
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi 
Đành uống lưng thôi bát nước mời 

Ta về như sợi tơ trời trắng 
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh 
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng 
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can 

Lời thề buổi ấy còn mang nặng 
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra 
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ 
Mười năm ta vẫn cứ là ta 

Ta về như tứ thơ xiêu tán 
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên 
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách 
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền 

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ 
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ 
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ 
Khách cũ không còn, khách mới thưa 

Ta về khai giải bùa thiêng yểm 
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi 
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ 
Một lần kể lại để rồi thôi 

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn 
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà 
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở? 
Mười năm, cây có nhớ người xa? 

Ta về như đứa con phung phá 
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu 
Mười năm, con đã già trông thấy 
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu 

Con gẫm lại đời con thất bát 
Hứa trăm điều một chẳng làm nên 
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn 
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên 

Ta về như tiếng kêu đồng vọng 
Rau mác lên bờ đã trổ bông 
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng 
Chờ anh như biển vẫn chờ sông 

Ta gọi thời gian sau cánh cửa 
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu 
Ta nghe như máu ân tình chảy 
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau 

Ta về dẫu phải đi chân đất 
Khắp thế gian này để gặp em 
Đau khổ riêng gì nơi gió cát 
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm 

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa 
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà 
Tình xưa như tuổi già không ngủ 
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa 

Ta về như giấc mơ thần bí 
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui 
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng 
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi 

Bé ơi, này những vui buồn cũ 
Hãy sống, đương đầu với lãng quên 
Con dế vẫn là con dế ấy 
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen 

Ta về như nước Tào Khê chảy 
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ 
Thân thích những ai giờ đã khuất 
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa 

Người chết đưa ta cùng xuống mộ 
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao 
Khóc người ta khóc ta rơi rụng 
Tuổi hạc ôi ngày một một hao 

Ta về như bóng ma hờn tủi 
Lục lại thời gian kiếm chính mình 
Ta nhặt mà thương từng phế liệu 
Như từng hài cốt sắp vô danh 

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa 
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời 
Ai đó trong hồn ta thổn thức 
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi 

Ta về như hạc vàng thương nhớ 
Một thủa trần gian bay lướt qua 
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn 
Đành không trải hết được lòng ta

Phần nhận xét hiển thị trên trang