Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

CHUYỆN MỘT NGÀY RẤT THƯỜNG


Truyện ngắn HG

Phố Phủ không có nhiều chuyện. Tuy không đến nỗi hẻo lánh, nhưng  xa trung tâm, thông tin chả có nhiều như mọi nơi. Cư dân lại chín người, mười tỉnh, người ta thường ý tứ, gìn giữ với nhau, không phải bạ chuyện gì cũng đem ra để nói.
Lối sống “chủ trọng trước mắt, chủ yếu lo cho ngày hôm nay” như một thỏa thuận ngầm đối với nhiều người.
Ngoài sông nước vẫn trôi, trên trời mây vẫn bay và trên đường ô tô vẫn chạy.
Lâu lâu tăng giá xăng, giá điện, phạt phiếc ở đâu đó, cũng chỉ là chuyện bình thường, như đã và đang xảy ra hàng ngày, đâu chết thằng tây nào?
Nhu cầu dốc bầu tâm sự, sống tâm hồn, chuộng kiến thức.. có vẻ như là lối sống xa xỉ, chưa cần thiết  đối với nhiều người ở nơi đầu mom, cuối bãi này. 
Chả thế mà năm nào dân hàng phố cũng được  trên ban tặng “Nơi có thành tích trật tự,an toàn xã hội ”.
Những người lo trọng trách điều hành công việc chung của địa phương khá là nhàn, không phải đôn đáo, ngược xuôi lo những cái u “nổi cộm” như nhiều nơi khác.
Trừ một dạo xuất hiện cái giàn khoan bỏ mẹ của nước láng giềng làm dậy sóng ngoài biển Đông, người ta có bàn tán xôn xao một tí.
Có người lo xung đột kiểu “cá lớn nuốt cá bé” cơ hồ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.. Âm mưu âm miếc của “kẻ thù thâm hiểm ngàn năm” vài vị cũng có thậm thị với nhau. Cũng chỉ nói be bé chứ không ai dám nói to, nói công nhiên ở chỗ đông người. Người ta nghe không biết ở đâu rằng chuyện này có vẻ “tế vi”, “tế nhị”, “nhạy cảm” sao đó.  Ai dại gì nhúng D. vào nồi nước sôi, họa có ngày.
Việc lớn, hẳn là dành cho các người lớn lo, mình dân quê biết gì mà nói. Có lo cũng chẳng làm được gì. “Gái góa lo việc triều đình”, phỏng ích chi?
Thôi thì lo làm lo ăn, dân có giàu, nước mới mạnh. Mà khi nước mạnh rồi, có cho kẹo cũng đêk thằng, con nào dám dòm ngó, có phỏng?
Lo việc bao đồng là chuyện không hay, thiệt vào thân chưa biết chừng..

Lão Ngạnh là người điển hình có cách nghĩ như thế, dù lão được tiếng hay nói ngược, nói ngang, khiến cho vài người ở hàng phố này không mấy ưa thích lão.  Lão cũng biết đó là yếu điểm của mình, nó là hạn chế, nghịch tai, ngăn trở lão vô khối chuyện làm ăn, dẫn đến thiệt thân.
Nhưng đã là tính cách khó bề thay đổi. Chỉ có thời gian, tuổi tác tăng lên, sức khỏe giảm đi, lão mới bớt bồng bột, bớt làm mất lòng người ta.
Đến tuổi này, lão nghiệm ra rằng: “Xưa nay nhịn ăn mới chết, chứ nhịn nói chưa thấy ai chết bao giờ”.
 Thấm thêm câu “Một điều nhịn, thêm chín điều lành”. Thời gian gần đây lão Ngạnh như thành con người khác. 
Cù mì, ít nói như bà vợ lão đã có lúc phải ngạc nhiên, phát cáu lên: “ Sao ông bây giờ quan nhất cũng ừ, quan tư cũng gật thế nhỉ ?” khi người ta đền bù đất đai, có chút vướng mắc đến gia đình lão. Mặc. Vợ nói hai ba lần lão mới nhẹ nhàng, khe khẽ:
- Đã có quy định chung của nhà nước. Chả nhẽ tôi lăn ra ăn vạ để đòi cao hơn người khác à?
Bà vợ sinh nghi. Sao tự nhiên lão thay tính đổi nết lạ kỳ như vậy? Liệu có phải tại đứa cháu họ công tác bên Lào về cho lạng cao trăn, lão ngâm rượu uống vào, tính nết đổi khác? Bà nghe người ta nói cao trăn khác với cao khỉ, cao hổ. Nó đỡ đau mỏi mình mẩy, nhưng lại làm cho “âm vượng dương suy”?

Có lẽ thế thật. Kể từ độ lão dùng thứ cao ấy, cái khoản “ta” kia kém hẳn. Đêm nằm vợ có vô ý đụng vào là lão hất văng tay ra, miệng làu bàu, gắt bẳn. Gần đây ôm gối ra hẳn nhà ngoài nằm riêng. Chả bù dạo trước.. Cả ngày vợ đi làm ngoài xưởng gỗ về mệt muốn chết, lão chả buông tha, cứ hùng hục như trâu húc mả.
Bây giờ, lão thế đâm lại hóa may. Đêm càng no giấc. Ngày đỡ lôi thôi khúc mắc với mọi người vì tính nói ngang, hay bàn ngược của lão.Thôi thì “lành hơn giữ, ngủ hơn thức”, chả ảnh hưởng đến ai, dù không lợi lộc gì, mình cũng không thiệt. Vợ lão nghĩ thế và cảm thấy an tâm.

Tự dưng mấy hôm nay không hiểu do đâu, lão đổi tính khác?

Cái gì xảy ra cũng có nguyên cớ của nó. Cái nguyên cớ ấy xuất hiện vào một buổi chiều, vào lúc xâm xẩm tối. Một gã đàn ông áng chứng kém lão dăm ba tuổi bước vào nhà, hỏi thăm đường.
Sự hỏi thăm này thường khi chả có gì đáng nói ở hàng phố này.
Người ta tìm đường hỏi mua trâu, mua nông sản hay bán vài thứ vớ vẩn vốn thường xuyên xảy ra, ít được chú ý.
Lão Ngạnh thường thoái thác, ngại tốn thời giờ. Nhà ở gần đường gần chợ mà suốt ngày tiếp các loại khách bá vơ như thế, còn đâu thời gian làm việc khác cho kịp thời “định hướng kinh tế thị trường”? Theo cách hiểu rất nôm của lão cái câu người ta hay nói trên tàng hình!
Nên khách vừa bước chân vào, ngồi chưa ấm chỗ, lão đã hỏi luôn:
- Chẳng hay nhà bác tìm hỏi tôi có việc gì?
- I..em có chuyện quan trọng muốn xin ý kiến bác. Nếu bác có việc đang bận thì thôi để khi khác..
Ra gã không phải người qua đường. Có lẽ gã ở quanh đâu đây, chưa có việc tiếp xúc mình chưa được biết chăng? 
Cặp mắt hơi lé của lão Ngạnh nhìn kỹ người đang đối diện. Đây là con người nhìn bề ngoài khô khan, nước da tai tái, đôi mắt giàu lòng trắng nổi bật cặp môi thâm. Không hẳn nét mặt ác, nhưng nom khó giấu vẻ buồn bã, chán chường nơi hai khóe miệng hằn sâu. Không phải người phú quý hay thanh nhàn. Dù có cố gượng làm ra vẻ vui, cũng là cái vui gượng. Có chút gì đó hậu đậu, vất vả nơi dáng dấp, thể hiện trên khuôn mặt.
- Tôi thì cán bộ chẳng phải, thày bà các loại cũng không, giúp được gì cho ông mà hỏi?
Khách gãi đầu gãi tai. Người đâu lạ, càng làm ra vẻ cười nom vẻ càng khó nhìn:
- Dạ có bác ạ. Vì bác là chỗ người nhà nên em mới mạo muội đánh bạo đến hỏi ý bác.. Đúng ra phải đến đây tự lâu rồi mới phải. Nhưng mà chúng em mãi đến hôm nay mới nhất trí được với nhau..
Còn ai nữa vào đây mà “chúng em” nhỉ?
Lão nhớ ra rồi. Tháng trước lão có nghe nói chuyện có tay cha căng chú kiết nào đó ôm cả mớ tiền to về ghá nghĩa chỗ đứa em dâu. Con này chồng nó chết đã lâu, con giai con gái có cả. Cháu nội cháu ngoại hàng đàn. Nếu là người ta, chuyện này có thể không tin được. Nhưng con này, thượng vàng hạn cám nào có thiếu ai? Cả phố này không ai lạ tính trăng hoa của nó. 
Nhưng được cái kéo lại, nó giỏi bán buôn, nhờ cái giọng mía ép của nó, nuôi được đàn con trưởng thành. Ngọc còn có vết, huống chi người? “Mía sâu có đốt”, không ăn được thì vất con mẹ nó đi, chả ảnh hưởng gì đến mình là được. Lão không đồng tình, cũng không phản đối.
Chồng nó chết cũng đã lâu lâu. Đàn bà thời này chứ có phải thời trước đâu. Cái sự “ tứ đức tam tòng”, cổ lỗ mấy ai còn giữ được? 
Có bà có cô mả chồng chưa xanh cỏ đã vội tái giá. Có đứng lại cũng đưa ma cửa trước, rước giai cửa sau.
Cái việc các ông “nhà nọ nhà kia” cảnh báo tình trạng xã hội  trên “tàng hình” trên đài, trên báo về sự “xuống cấp, đánh mất thuần phong mĩ tục, văn hóa chạm ngưỡng” là việc của các ông. Còn nhu cầu tình cảm khác giới là việc riêng của họ, đâu có thiệt gì đến ai. Biết tin em dâu có “bồ”, lão Ngạnh không quan tâm là vì những lý do như thế. Thì ra chính gã này là thằng “bồ” của đứa em dâu ấy đây?
Ta đã không khó dễ thì thôi, lại còn nhiễu sự đến đây làm gi?  Lão Ngạnh đã thấy bừng bực.  Chắc là vướng mắc tiền nong thế nào, tính đòi lại, muốn đến cầu cứu mình can thiệp chứ gì? Ngu thì chết xưa nay tiền cho gái có ai đòi được bao giờ? Nói bắc thang lên hỏi ông trời, biết ông trời ở mãi đâu mà vác thang để bắc lên hỏi?
Có cả đống tiền kiếm chỗ nào không được, vớ phải ngay con mẹ nạ dòng. Ai ở đâu không nói, chứ người em dâu này, lão Ngạnh không có lạ..
Cũng một buổi chiều như thế này, Thuận ba tai, em trai lão lúc còn sống đến. Nó là đứa chịu thương chịu khó, thương vợ thương con hết mực. Suốt ngày chạy thuyền, khuân khuân vác vác chở thuê cho người ta. Chiều nào xẩm xẩm cũng ra sông đánh cá mìn, hụp hụp lặn lặn, mò vớt được con cá nào đều để dành cho vợ sáng sớm mai đem bán.
Nó hà tiện đến nỗi chả dám ăn dám mặc dù trong túi lúc nào cũng sẵn tiền. Rất là sát cá nhưng nó luôn thèm cá. Chỉ trừ những con cá bị thủng ruột, nát đầu mới để lại. Cũng chả dám ăn, cá nát thì cá nát, nhường vợ nhường con tất. Nó chỉ gảy gảy tí vi, tý vây, cái mang cá.
Ăn dè hà tiện như vậy nhưng chả hiểu nhờ đâu nó vẫn chắc như con cá nục, bắp chân, bắp tay nổi cuồn cuộn.  Lão Ngạnh thường ghen ngầm sức vóc như trâu của nó. Chả biết nguyên do tại sao nó mang bệnh hiểm?
Một hôm nó đến, phô đã bán con trâu mụng, sớm mai đi Hà Nội cắt khối u dạ dày. Bác sĩ bảo “Khối u lành, mổ xong, chỉ dăm bữa nửa tháng là lại khỏe như thường”. Lão Ngạnh bấy giờ hết sức ngạc nhiên. Đang khỏe như voi thế kia làm sao lại có bệnh?  Thì  ra lâu nay thằng em trai đau ngấm đau ngầm.
Nó âm thầm chịu không nói với ai. Phần sợ tốn tiền đi viện, phần sợ người nhà lo lắng.
Đúng là đồ ngu, bệnh tật chứ tội lỗi gì mà phải che dấu?
Lão toan mắng cho nó mấy câu. Nhưng nghĩ em trai đau, chả nhẽ mình không bằng con ngựa, biét “..Cả tàu chê cỏ” hay sao?. Mình đã không giúp được việc gì, cũng không nên nói gì trái tai vào lúc này.
Thuận bảo:” Mai em đi sớm, ở nhà có gì nhờ bác trông nom bảo ban nhà em và các cháu giúp em”. Lão gật đầu: “ Đảm như thím ấy không cần phải ai giúp đâu. Nhưng chú cứ yên tâm. Có gì tôi sẽ để ý. Cốt chú mau khỏi để về nhà..”.
Hôm ấy lão đinh ninh là sáng hôm sau, Thuận em lão đi chữa bệnh. Cả đêm còn áy náy,  gì thì gì, mổ xẻ cũng không phải chuyện chơi, phải có người đi theo  trông nom chứ? Mình lại quên không hỏi chú ấy chuyện này.
Lão không ngờ trưa hôm sau lão sang nhà thấy chú em vẫn đang ngồi vót nan đan rọ tôm như chẳng có chuyện gì. Lão hỏi nó lại nói:
- Em quyết rồi, để thong thả cuối năm hãy đi. Lúc đấy đỡ khổ cái nóng nực nằm viện, ít bị viêm nhiễm mà công việc cũng đã thư thả. Nghe nói mùa nực bệnh viện nào cũng quá tải. Hôm trước em đi khám thấy ở viện người ta nằm trở đầu đuôi, có người nằm cả dưới gầm bàn. Ngoài hành lang chật không có cả lối đi vì người nằm la liệt..
Nó viện thêm vài lí do khác nữa, đại thể là chưa thể đi ngay được bây giờ. Lão Ngạnh lúc đấy không đồng tình.Theo lão chữa bệnh như cứu hỏa, càng sớm càng tốt. Để lâu bao giờ cũng bất lợi.
Ông em cười hề hề chả nói gì.
Nó ở nhà nửa tháng sau, khối u vỡ. Rồi nó đi..
Y học hồi đó chưa đủ “trình” như bây giờ, chở về đến bệnh viện thì không kịp nữa..
 Sau này người ta kể lại rằng: Sáng sớm hôm đó Thuận đã ra nhà bè chờ thuyền máy xuôi về bến xe. Không biết  vợ nó ra theo nói ngon ngọt, dỗ dành thế nào, nó lại quay về, không đi nữa.
Chắc không ai đặt điều, tự lão Ngạnh cũng nghĩ là như vậy.
Từ đó trở đi, lão có ý ghét, không ưa người em dâu.
Theo lão, nó là đứa quý tiền hơn mạng sống của chồng, thế nào cũng sẽ gặp quả báo. Trừ có công việc đặc biệt như các cháu cưới hỏi lão mới đến, chả tự dưng đến chơi nhà bao giờ. Vừa để tránh tiếng anh chồng em dâu, miệng lưỡi thiên hạ không thể đàm tiếu. Vừa vì tính nết vợ người em khiến lão chả muốn nhìn mặt.
Làm người phải có chừng có mực. Sắp xuống lỗ cả rồi mà vẫn bướm nọ, ong kia. Còn nụ cà hoa mướp gì cho cam?
Thủa xưa ối người chồng mất sớm đứng vậy nuôi con, trọng một đời không tai tiếng gì. Thời nay ăn ngon, mặc đẹp hơn mà tư chất không bằng. Liệu có phải “No cơm ấm cật, dậm dật mọi nơi” như đời vẫn có câu ca?
Nói gì thì nói, tính nết ấy không thể nào lão chấp nhận được. Nếu không thương các cháu nhất định lão không để cho con mụ này yên. Nhà nó bung bét đám con khổ,nhục với thiên hạ là cái chắc.
Chả biết trời có mắt hay không? Từ ngày chồng chết, em dâu  người cứ mơ mỡ ra, hơn hớn lên, hơn cả hồi con gái. Ngay cả cách ăn mặc đi đứng cũng khác hẳn ngày xưa, đỏm lắm. Có cái bề ngoài như thế phụ thêm cho giọng nói ngọt, em dâu được nhiều ánh mắt thèm thuồng dòm ngó. Nhưng đó là ánh mắt của những kẻ ham vui, vô trách nhiệm, hoặc là hai bên lợi dụng lẫn nhau.
Trường hợp của gã đến chiều hôm nay là một trường hợp khác hẳn. Gã muốn gắn kết công khai, ở hẳn đây không biết vì lý do gì?
Cho đến lúc này Lão Ngạnh cũng chưa biết chắc chắn hắn từ đâu đến? Chỉ biết hắn người đâu tỉnh đàng xuôi lên làm thuê cho con gái người đàn bà lẳng lơ này.  Kẻ lại bảo: “ Chính đứa con gái thấy lão có tiền quyến rũ lão. Làm thuê là cách hợp lý hóa quan hệ của nó với lão. 
Quên thì thôi, nghĩ đến đứa cháu gái này lão chín ruột chín gan. Nó là bản sao y hệt mẹ nó. Từ mái tóc loăn xoăn xòa trước trán, đuôi mắt sắc lẻm đong đưa đến cặp môi mọng gợi tình chả khác tị nào. Tính nết thì mẹ nó năm nó cũng chín mười chứ không có kém. Đã từ lâu lão cấm cửa không cho nó bước chân vào nhà mình. Có thể như thế là lão sai. Con cháu càng hắt hủi, xua đuổi nó càng sinh hư, có phải thế chăng?
Lão còn được người ta rỉ tai cho một chuyện, nghe xong muốn nổ con mắt, tắc cần cổ hong: Vì chồng nó không có con, chúng nó bàn nhau cho nó đi kiếm ngoài. Lão kia về nhà nó đã cả năm nay. Được đứa con trai rồi, nhà chồng nó kiếm cớ đuổi lão già này đi. Thời buổi bây giờ muốn có đứa con thiếu gì cách? Cần gì phải cặp với lão già bằng tuổi bố mình? Hẳn là số tiền của lão già mang theo quá lớn khiến nó tối mắt làm càn. Khi không giữ được lão, con bé đưa xuống mẹ nó?
Từ ngày sinh ra làm người lão chưa bao giờ thấy chuyện bại hoại, loạn ẩu, hư hỏng đến thế. Chúng có còn là con người nữa không, hay lại giống, thành súc vật cả rồi. Thời nay người ta bảo:”Con người tiến hóa từ con vật mà thành”, lẽ nào là chuyện có thực, và việc này là sự tiến hóa ngược về nguồn cội dơ dáy của súc vật chăng?
Lão chỉ nghe và nghĩ như thế thôi, chưa giáp mặt  thằng cha “tiến hóa ngược” này bao giờ, mặc dù gã xuất hiện ở vùng này cũng đã khá thời gian.
Những chuyện tồi tệ như thế, người nóng nảy không muốn nhìn cho bẩn mắt, chẳng muốn nghe cho ngứa lỗ tai.
Tự dưng hôm nay gã lù lù mang cái thớt thịt đến nhà, bao nhiêu chuyện cũ mới làm lão Nghạnh không trấn tĩnh được như mọi khi. Đánh chửi gã thì lão không làm, bởi lão chả có quyền hành gì. Chả nhẽ ghen thay cho thằng em chết từ lâu rồi. Gã cũng chả xâm phạm gì đến các cháu của lão. Có người nói với lão rằng cái xe tải thằng cháu vừa mua là tiền gã này cho, ngôi nhà mẹ con nó vừa dọn về quá nửa là tiền của gã, mẹ nó chỉ có cái tên đứng lên xây. Mà đánh chửi người là phạm luật. Ở đất này không thiếu kẻ bề thế vốn không ưa tính thẳng băng của lão, va chạm tự lâu rồi. Bây giờ có sự chúng mượn có “lại quả” cho lão ngay.
Lão Ngạnh vừa rót nước vào ấm pha trà vừa ngẫm nghĩ. Phải có cách gì làm cho gã không đánh mà đau, hoặc đánh có lý để nó không thể kêu lên được. Ngẫm nghĩ một hồi, rót nước mời gã xong, lão bảo:
- Chuyện chú định nói, tớ biết rồi. Nhưng phải có ba mặt một nhời, có cả thím ấy ở đây mới nói được. Một mình đằng ấy nó vô lí lắm. Nói thực cho đến giờ tớ vẫn không tin đằng ấy lại thực lòng đến gắn bó với đất này. Sẵn tiền như đằng ấy muốn chỗ nào chẳng được? Gái trẻ cũng có chứ kiếm làm chi nạ dòng?
Gã hơi tái mặt, trán râm rấp mồ hôi, một lúc mới cất tiếng:
- Em là Sơn, ở quê bọn ghét em gọi là “Sơn ba tong”. Đằng nào rồi bác cũng biết nên chả dám giấu, xin tự giới thiệu cho dễ nói chuyện.. Bác dạy cũng phải. Ai cũng cho rằng thế, nhưng có ở hoàn cảnh em mới biết..
Rồi gã kể. Gã từng có vợ có con, trai gái đủ cả. Cháu nội cháu ngoại đủ cả. Nhưng gần về già vợ chồng không ăn ở được với nhau. Con cái nó về hùa với mẹ nó. Vu cho gã sơ mó con dâu khi chồng nó vắng nhà..
Nghe đến đây Lão Nghạnh nổi da gà. Đúng là của dữ rồi, mình đoán không có sai! Người ta ở tuổi này đâu có còn lang bạt nay đây mai đó nếu gia cảnh không có chuyện éo le, cắc cớ? Khong sơ múi vụng trộm con dâu thì cũng trai gái, rượu chè bê tha. Không chừng còn làm chuyện gì ghê gớm ám muội vợ con nó mới phải tống khứ ra khỏi nhà. Thời người lẫn ma bây giờ chuyện gì cũng có thể  xảy ra. Trốn nợ, tránh truy nã chưa biết chừng? Lão mang theo nhiều tiền như thế nhưng chịu chưa dám chắc gã thuộc hạng người nào. Dù hạng nào chăng nữa, mình cũng nên làm cho gã sợ hoặc bẽ mặt bỏ đi. Gã còn ở đây ngày nào chả khác nào con bọ rọm chui vào áo, ngứa ngáy chịu sao nổi?
Đang lúc lão Ngạnh suy nghĩ như thế thì “Sơn ba tong” đứng dậy lễ phép chào về. Gã bảo:” Bác đã nói như thế để em về bảo cô ấy hôm khác sang”.
- Cứ ngồi nguyên đấy. Tớ đang dở chưa hết câu chuyện. Thấy bảo đằng ấy trước ở 112,võ nghệ cao cường lắm phải không?  ( Cái này là lão Ngạnh tự đặt ra. Chính lão cũng chả biết cái anh 112 là cái ma toi gì).
Sơn ba toong mặt nghệt ra, chuyển màu trắng bợt:
- Đâu có. Em nào dám “đánh trống qua cửa nhà sấm”? Ai chứ bác đây chuyện võ vẽ với bác chỉ là muỗi. Tuy mới về đây, em tìm hiểu cũng biết chứ. Chẳng qua khi mới về trên Đồng Dài, gặp phải bọn thanh niên gấu quá, em bắn tin thế cho chúng nó sợ. Đánh giặc miệng ấy mà bác, chứ có biết võ vẽ gì đâu?
- Chú cứ giấu. Đây bỏ đã lâu ngày, cũng nhơ nhớ. Nhân thể muốn luyện lại chút chơi. Hôm nay cũng thong thả, anh em mình văn nghệ tí, gọi là lễ ra mắt làm quen, kiểu như “chào đài” ấy mà..
- Em xin. Bác dạy thế em chả biết nói sao. Kỳ thực em chả có chút “nghệ” nào đâu. Bác có đánh thì em chịu, chứ em không dám..
- Nói nhiều làm gì, đã ai đánh chết đâu mà lo? 
Miệng nói, tay lão Ngạnh kéo áo đẩy Sơn ra sân. Gã lúng túng, sợ hãi nhưng theo bản năng, hai tay cứ giơ lên che chắn trước ngực. Lão Ngạnh cười bí hiểm:
- Cái thế đinh tấn của chú cũng lợi hại ra phết nhẩy!
Lại dứ thêm mấy cú đấm đòn gió, Sơn tránh được.
Người ta đồn thằng này có thời ở công an, bị kỷ luật đuổi về có khi đúng. Người không biết vũ thuật “nội” ngành mấy cú vừa rồi chắc dính rồi. Ban đầu lão Ngạnh chỉ cố ý làm nhục cho thằng ất ơ này mất mặt . Thấy nó đỡ, sàng, có vẻ bài bản lão điên tiết.
 Những năm lão ở đặc công nước, ba cái vụ sàng xê này lão chỉ thấy buồn cười. Thứ vũ thuật tập cốt thay tập thể dục cho khỏe người chứ chiến thế quái nào được.  Đã không làm thì thôi, đã thách đấu phải cho nó nhớ đời, nếu không dễ bị coi thường, dỡn mặt. Nghĩ thế, nhoằng một cái, nhanh hơn cả lời nói, lão xuất cước trúng vùng hạ bộ..
Chỉ nghe thấy tiếng đổ đánh huỵch một cái ngay trước mặt. Sơn ba toong ngã xoài trên mặt đất, thoi thóp thở, kêu không ra tiếng. Lão Ngạnh chột dạ, mình quá tay mất rồi, làm thế nào bây giờ..? 
Vừa lúc thằng con lớn của lão đã ra ở riêng đến có việc gì, lão bảo ngay nó:
- Mày hộ bố đưa ngay chú Sơn lên trạm
- Chú ấy bị làm sao?
- Trúng gió chứ bị làm sao, cứu người như cứu hỏa hỏi làm gì lắm thế.
Anh con cả vội quay xe máy, lão Ngạnh bế thốc Sơn lên ngồi phía sau.
Công nhận lão vẫn khỏe, trai tráng khó bì. Xe chở nạn dân vù đi..

***
Sơn ba toong không chết. Hai “hòn ngọc viễn dương” có bị thương tổn nhưng chưa nguy đến tính mạng. Kể từ nay trở đi nó chả còn tác dụng gì. Cũng nhờ thời y học tân tiến, khoa học văn minh, chứ ngày xưa kiểu này thì đã đi ..đứt rồi!
Lão Ngạnh thở phào thoát nạn.
Bất luận nó là ai, nó chết mình đi tù là cái chắc. Pháp luật vô tình, không phân biệt sang hèn. Có xấu xa chăng nữa cũng là một mạng người. Vợ lão nói như thế.

Mụ còn sài sẻ đến nửa đêm mới thôi. Nào là:”Ông có biết thiên hạ bàn tán gì không? Người ta bảo ông ghen thay cho em trai chết tự tám hoánh, hay là giữ phần cho mình cũng chưa biết chừng..” Nào là: “Giữ của nát ấy của nó làm gì? Nó có nó giữ, việc gì đến nhà ông?” Nào là: “ May mà nó không chết, nếu không thì..thì..”
- Đủ rồi!
Lão Ngạnh đập bàn quát to. Đây có lẽ là lần nổi nóng sau cùng của lão. Chợt thấy sự vô lí, bất lợi của mình lão hạ giọng:
- Con người chứ có phải cục gỗ đâu mà không tỏ thái độ yêu ghét, hay dở cho nó rõ ràng? Nó chình ình ra trước mũi mình như thế, làm sao nhịn được? Tôi cũng chỉ  định đánh cảnh cáo cho nó sợ, rồi cuốn xéo, ai ngờ nặng chân.. Giờ xin bà cũng im đi cho tôi nhờ.

- Chồng nó chết rồi, nó tìm người khác cho “thuyền có lái”, nói cho cùng cũng chẳng xấu gì. Nó đã có ý sợ, mới phải bảo thằng ấy đến đây trình diện, ông lại làm ngay ra cái sự này. Nó không kiện thì thôi, chứ nó làm đơn lên phường là mệt với nó đấy..
- Nó dám? Có mà con kiến đi kiện củ khoai, ai mà rỗi hơi đi giải quyết. Mà có giải quyết thì bằng chứng đâu, làm gì có biên bản tại chỗ làm căn cớ chứ?
- Đấy là cái lý của ông.  Có người bằng gỗ cũng biết là ông đánh nó ra nỗi này, chả thể đổ cho ai khác. Lý với chả sự. Tốt nhất, mình nên đến an ủi nó một tý. “Bật đèn xanh” cho nó ăn ở với nhau chắc nó cũng không dám vác đơn đi kiện đâu.

Ai bảo đàn bà “sâu sắc như cơi đựng trầu”? Bà vợ nghĩ được như thế lão thấy thật đáng nể.
Mà giả dụ lão có cố tình ngăn trở, nó cố thiết cũng chẳng được. Hay dở tốt xấu, luân lý cương thường có xảy ra điều bất ưng cũng đã xảy ra rồi. Có giữ nữa cũng chả hết tro trấu bôi trát của miệng lưỡi thế gian mà mình có cơ gặp điều ngang ngược, chưa biết chừng.
Lão Ngạnh thủng thẳng:
- Bà tính thế cũng phải. Nhưng nhứt khoát là tôi không đến nhà nó đâu. Bà đi hay sai đứa nào đến thăm nó thì tùy. Cho nó vài đồng, bảo nó biết phận ở yên, đừng giở rói ra. Bới cứt lên mà ngửi chả hay hớm gì đâu!
Lúc ấy vào khoảng giữa trưa, chính ngọ, giờ không vong theo kinh nghiệm dân gian, sau cú đánh của lão Ngạnh hai ngày.
Một ngày rất thường lại không bình thường như mọi ngày, đã xảy ra ở phố Phủ Này. 
Mây trời như nhão ra, uể oải mưa bay, rải vung vẩy , liêu xiêu những hạt mưa  mỏng dọc hàng cây trước cửa  những ngôi nhà ống cao lêu đêu của lão Ngạnh và nhiều nhà khác..

============





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua…

Lần đầu tiên tôi nghe tên ông, là lúc nhà văn Nguyễn Mộng Giác về thăm quê nhà, ông hỏi tôi có biết địa chỉ nhà văn Mang Viên Long, nghe nói bây giờ đang sống ở An Nhơn, Bình Định. Tôi là kẻ hậu sinh, ngày ông thành danh tôi chỉ là một đứa bé, khi tôi lớn lên ông đang sống trong im lặng, làm sao tôi biết được. Cái duyên gặp tình cờ khi tôi và ông cùng viết cho tạp chí Quán Văn Sài Gòn. Và thân tình từ đó.
Mang Viên Long là một người viết sớm, từ những năm còn đi học đã có bài đăng trên tạp chí Văn, Bách Khoa, Khởi hành, Ý thức… Chỉ trong vòng 4 năm từ 1969 đến 1972 ông xuất bản 5 đầu sách gồm 4 tập truyện ngắn, 1 tập tùy bút. Cuốn truyện đầu tiên “Trên đỉnh sa mù” ra mắt năm 1969. Là một cây bút đang lên, ông đột ngột ngưng viết khi thời cuộc thay đổi, và hơn 20 năm sau mới viết lại với độ sung sức đáng kinh ngạc. Bắt đầu năm 2003 ông xuất hiện với tập truyện “Biển của hai người”, và trong vòng 10 năm, ông cho ra đời 16 tập truyện ngắn, phê bình, tạp bút. Những năm gần đây, trung bình hàng năm ông xuất bản 2 đến 3 đầu sách. Có lẽ hơn 20 năm im lặng, chiêm nghiệm cuộc đời, những ẩn ức dấu kín được dịp tuôn trào, ông viết không ngưng nghỉ. Theo tôi, đó cũng là cái ưu và nhược, vì việc viết nhanh đôi khi trở thành con dao hai lưỡi.
Mang Viên Long là nhà văn trung thành với lối viết cổ điển, thiên về hiện thực. Thời gian trong truyện của ông thường là thời gian tuyến tính, không gian là những miền quê nghèo khó trên dãi đất miền Trung. Với giọng văn mộc mạc bình dị nhà văn kể về những cuộc đời bé mọn của kiếp người. Đặc biệt hệ lụy của chiến tranh bàng bạc trong từng phận người, chúng ta có thể tìm thấy trong Nỗi khổ không rời, Hai trường hợp một cuộc tình, Trên đỉnh tháp chuông, Mấy ngày trước giáng sinh…hoặc những chuyện tình luôn có kết thúc tan vỡ trong Bóng mây ngày cũ, Quán café Tulip, hay tìm lại một thời đã qua trong Ngôi nhà mùa hè.
Đọc truyện của Mang Viên Long, điều đọng lại trong tôi là một chữ tình, mặc dù nhân vật chính của ông lúc nào cũng là kẻ thất thế, người thua cuộc, mang nặng nỗi buồn, với một cuộc đời cô độc, nghèo khó, không gia đình, mồ côi cha mẹ…tuy nhiên, không phải vì vậy mà ông nhìn đời với lòng thù hận, trái lại là một tấm lòng “thàng hậu” của người dân xứ Nẫu.
Trong “Hai trường hợp, một cuộc tình” Ngạn là sinh viên năm 3 tại Trường Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn, đang học thì phải nhập ngũ bởi lệnh tổng động viên năm 1972. Năm 1973 huấn luyện xong ra trường, Ngạn làm lính với cấp bậc chuẩn úy, hai năm sau chiến tranh kết thúc anh bị bắt làm tù binh và đi học tập cải tạo. Ra tù, không gia đình, không biết nương tựa vào đâu, Ngạn xin đi học làm thợ sửa máy may kiếm sống. Cuộc sống tưởng chừng êm ấp khi Ngạn lấy Kiều và có con, chồng sửa máy may, vợ may vá cũng đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi nghề sửa máy may ế khách, cô vợ có điều kiện bằng cấp và lý lịch hơn, được ông chú làm ở phòng giáo dục gợi ý theo học lớp sư phạm, chỉ cần ly hôn với anh chồng (lính ngụy) thì cô vợ sẽ đổi đời…chuyện gì đến rồi phải đến và cả hai ra tòa ly hôn.
Hay trong truyện ngắn “Quán bên sông” nhân vật Đệ có người cha bị bắt đi lính rồi mất tích, mẹ và đứa em gái chết vì bom nổ, Đệ được dì nuôi ăn học, người dì cũng ở giá vì người tình đi lính chết trận. Sau năm 1975, Đệ lớn lên học giỏi, thi đỗ vào Đại học Y khoa nhưng không được đi học vì lý lịch gia đình lính ngụy. Không nản chí, Đệ kiếm việc đi làm rồi vừa làm vừa học, cuối cùng ra trường cưới vợ ở thành phố. Những tưởng cuộc đời sẽ hạnh phúc về sau không ngờ cô vợ đòi ly dị. “Người con trai chán nản, về lại quê nhà, hàng ngày ngồi bên quán ven song thấy cuộc đời trống rỗng. Gần ba năm – hơn một ngàn ngày đêm nhìn thời gian lờ lửng trôi qua đời mình. Đệ càng nhận ra nỗi cô đơn vô vị tẻ lạnh của cuộc sống phù du ngắn ngủi. Những khổ đau đã quấn vào đời anh ngay từ ngày anh vừa mới bước đi chập chững… Đệ trở về nơi đây – quanh quẩn trong ngôi nhà dì Cát như một sự cùng đường – một bến bờ phải neo lại cho đám rong bèo bồng bềnh truân chuyên” …
Với lời kể bình thản của tác giả, bạn đọc cũng thấy lòng mình trống trải như nhân vật trong truyện. Chiến tranh kết thúc nhưng những phận người của bên chiến bại, vẫn không thoát khỏi vòng kim cô “lý lich”, hệ lụy của chiến tranh vẫn là nỗi đau, nỗi ám ảnh đè nặng trên từng con người, không những là nỗi khổ cho người tham chiến, mà kể cả những đứa trẻ không hề liên quan cũng bị “lý lịch” đè nặng. Chính cách hành xử thiếu nhân bản này đã đẻ ra bao vết thương không lành miệng cho đến ngày hôm nay.
Phải chăng vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc sống riêng cũng nhiều đỗ vỡ nên nhà văn Mang Viên Long luôn khao khát tình yêu gia đình. Tình nghĩa vợ chồng được ông chăm chút trong truyện ngắn “Sáu Bẹo”. “Sáu Bẹo” kể chuyện một người đàn ông đi lính, có vợ ở nhà sinh 6 đứa con. Mặc dù biết những đứa con sau chưa chắc là con mình khi ông đi lính xa nhà, và rồi đi học tập cải tạo, nhưng ông vẫn một mực yêu thương, bỏ qua những lời đàm tiếu của lối xóm. “Điều làm cho cả xóm Thượng Tây thường xầm xì bàn tán là nét mặt mỗi đứa, đều rất giống những người đàn ông trong xóm Thượng Tây này! Giống đến nỗi như khuôn đúc vậy. Từ khuôn mặt, chân tay, dáng vóc như “ cắt để” vào, không lẫn vào đâu được. Có lẽ Sáu Bẹo cũng nhận ra điều lạ thường ấy trước tiên, nhưng ông không hề mở miệng. Vẫn yêu thương, chăm sóc – lo lắng từng miếng ăn, tấm áo, ốm đau – cho đến chuyện học hành của các con, như nhau. Ra khỏi nhà, đi làm – Sáu Bẹo thường nghe bạn bè chặn hỏi, chọc quê: “ Tao thấy mấy đứa nhỏ sau này đâu phải là con của mầy? Mầy không có con mắt hay sao vậy? “. Sáu Bẹo phớt lờ – chỉ cười: “ Nghé ai vào chuồng nhà mình là của mình thôi!”. Nhờ vậy vợ Sáu Bẹo cũng vững tâm chung lưng gánh vác công việc cùng chồng. Ông hy sinh, giữ mọi khốn khó về phần mình, nuôi con ăn học, lần lượt dựng vợ gả chồng cho sáu người con tới nơi tới chốn. Đại gia đình của ông tuy không dư gỉa, nhưng sống với nhau trong yêu thương đùm bọc. Chính vì vậy các con ông đều yêu quý và bênh vực cha mình, khi có người tò mò:” “ Đó là chuyện của người lớn, anh không biết! Anh chỉ biết anh được sinh ra ở nhà này, cha đã lo lắng, chăm sóc, thương yêu anh hết lòng. Anh không cần biết “ cha” nào khác!”.
Truyện ngắn “Sáu Bẹo” chưa phải là một truyện hay nhưng là mẫu nhân vật mà tôi thích, dám nghĩ dám làm, cao thượng, vị tha, mẫu đàn ông xưa – nay đều hiếm. Một người lính bại trận, trở về quê nhà, vợ con bị dèm pha. Nhưng vượt qua số phận, mạnh mẽ gây dựng lại cuộc sống gia đình từ con số không, nuôi dạy con cái nên người, gây dựng một nếp nhà hòa thuận, trách nhiệm chu toàn. Phải là người bản lĩnh, dám sống theo suy nghĩ của riêng mình mới vượt qua sự ích kỷ thường tình của người đàn ông, phải có một tình yêu cao cả mới bỏ qua những lời đàm tiếu của xã hội để bảo vệ người đàn bà mà ông thương yêu. Trong một xã hội, khi đồng tiền lên ngôi mọi luân thường đạo lý dường như đảo lộn: “Công cha thua chiếc Honda/ nghĩa mẹ khó sánh vợ ta bây giờ/ Có tiền – có của, chúng thờ/ Nghèo khô – cháy túi, chúng lơ thôi mà!”(*) thì nhân vật Sáu Bẹo của nhà văn Mang Viên Long trở thành một nét son. Thông qua “Sáu Bẹo”, tác giả muốn nói lên quan niệm của mình về cuộc sống mà tình yêu thương đối với ông là cứu cánh. Nhà văn cũng gởi vào đó triết lý sống biết chấp nhận cuộc đời, biết hài lòng với chính mình, đấu tranh vượt lên mọi nghịch cảnh để tìm đến hạnh phúc
Mang Viên Long lớn lên trong một đất nước chiến tranh, nên ông thấu hiểu nỗi khổ của người thanh niên thời chinh chiến. Người thanh niên không có sự lựa chọn cho riêng mình, họ không có quyền yêu, không có quyền sống theo ý mình, họ như một con tốt trên bàn cờ chiến tranh, sống mà không biết ngày mai. Vào những năm 70, trong truyện ngắn “Dì Lucia”, nhân vật người lính Miền Nam đã bao lần trăn trở, họ đã hy vọng sẽ có hòa bình sau hiệp định Pari, hai miền Nam – Bắc ngưng chiến: “Tôi chợt nghĩ là từ khi vào lính, mặc vào người bộ áo quần dầy cộm nầy, tôi chưa có được một dịp nào, để nhìn một chút nắng êm đềm như vậy, mà mơ tưởng tới một ước mơ nhỏ nhắn tầm thường cho đời sống mình. Tôi bận rộn, tôi ngơ ngác. Tôi bồn chồn. Bấy nhiêu tình cảm đó cũng đủ khiến tôi mệt đừ trong hai mươi bốn giờ của một ngày.
Tôi không ngờ tôi đã gặp một người nữ tu trẻ, và đẹp như dì Lucia. Chắc là tôi khó có thể tả lại được một vẻ đẹp như vẻ đẹp của dì Lucia, nhưng tôi có thể nói chắc một điều, xưa nay tôi chưa hề được gặp một người nữ nào có một vẻ đẹp, vừa quyến rũ, vừa thánh thiện như thế.Có lẽ nét hồn hậu, điềm tĩnh của dì, khiến tôi về sau này, thấy nhớ dì hơn.
Tôi cũng đã cầu nguyện hòa bình, yên ổn như họ. Tôi chỉ biết cùng họ ước mong rằng thù hận, và máu lửa, thôi không còn kéo dài, tiếp diễn trên quê hương này nữa mà thôi. Hình ảnh kham khổ của họ đã cho tôi nhìn thấy rõ chiến tranh, thù hận, là một điều đáng ghê tởm, và đáng nguyền rủa nhất. Có bao giờ, những người chủ chiến nhìn thấy được những nét mặt, những đời sống cùng khổ này không?
Tôi không thích chiến tranh. Tôi không là cán bộ tuyên truyền. Nhưng là một người trẻ biết trách nhiệm với quê hương, còn tin tưởng và hy vọng để xây dựng. Chính chúng ta phải xây dựng xứ sở của chúng ta chớ không ai khác, sau ngày ngưng bắn và hòa bình”.
Nhưng ước mơ của người lính Miền Nam được sống yên lành, góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh của họ vỡ tan sau ngày hòa bình.
Theo tôi, “Dì Lucia” là một truyện ngắn hay, viết về chiến tranh nhưng không có những cảnh chết chóc bạo liệt, ngôn ngữ nhẹ nhàng, đầy cảm xúc, không gian thi vị, gấp sách lại tôi vẫn mường tượng hình ảnh u buồn của người lính và vị nữ tu dịu dàng vẫn còn bảng lảng dưới vạt nắng chiều. Truyện kể về mối tình thoáng qua của người lính, trong một lần dừng chân đóng quân gần cô nhi viện, gặp vị nữ tu thánh thiện. Nói về chuyện tình nhưng không một lời yêu, không một nụ hôn, không dám cả một cái nắm tay…giống như tác giả sợ chạm vào, chuyện tình sẽ tan như sương, như khói. Tâm thức đầy bất ổn của người lính bàng bạc trong câu chuyện, nỗi khát khao hòa bình, thân phận tình yêu trong thời chiến để lại dư âm buồn trong lòng người đọc
Mang Viên Long, sinh ra và lớn lên ở An Nhơn, Bình Định thuộc miền Nam trung bộ, cũng như bao người con trai khác trong thời loạn ly, khi đang đứng trên bục giảng, ông cũng bị xung vào lính chiến trong thời kỳ tổng động viên. Sau năm 1975, những giáo viên “biệt phái” dạy Văn và Anh văn như ông đi học tập cải tạo, rồi không được lưu dụng, thất nghiệp ông về quê làm đủ mọi nghề, cuối cùng ông làm thợ sửa ống khóa, chìa khóa. Dù cơ cực Mang Viên Long luôn giữ phẩm cách của một nhà giáo, trong sạch, hiền lương. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã từng chua xót khi nói đến tình cảnh những trí thức Miền nam sau thời hậu chiến: “Những anh trí thức càng hiền lành, tự trọng, thì càng thê thảm: "…Giống như phần lớn bạn bè, tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa. Vốn liếng không! Mưu chước bán buôn không! Những gì tôi có như lòng thành thực, tính yêu mến trẻ con, khát vọng được sống lương thiện… trở nên lẩm cẩm cồng kềnh vào buổi giao thời. Những kẽ hở của thứ luật pháp mù mờ trong lúc tranh tối tranh sáng, không phải ai cũng chui qua được. Ông biết đấy, phải khinh bỉ con người đến cùng cực (con người nói chung trong đó có cả mình) người ta mới dám mở miệng đề nghị hối lộ để khoan thai lọt qua các ngõ ngách. Thật vậy, phải biết đích xác không lầm lẫn kẻ ngồi đó là cái túi tham mới dám bắn tiếng. Tôi thì có thói quen xem mọi người đều đáng trọng. Thành thử đi đâu tôi cũng gặp những bộ mặt nghiêm nghị, xin làm gì cũng va đầu vào các bức tường nguyên tắc. Tôi thành thật nhận rằng mình không hợp với thời loạn, nên mỗi ngày mỗi thêm lúng túng. Vài người bạn có hảo tâm chỉ vẽ cho tôi một số nghề hái ra tiền. Tôi thử một vài lần, lần nào cũng thất bại. Những nghề quái ác ấy đòi hỏi cái lưng thật mềm, cái lưỡi lém lỉnh lật lọng và đôi chân dẻo chạy không biết mệt.Nghề gì bây giờ? Tôi có những điều thừa thãi và thiếu điều cần thiết, nên tìm mãi không ra được nghề gì sống lương thiện được! Chỉ còn có nghề bán bong bóng cho trẻ con" (“Lẽ sống” – Thuyền viễn xứ)
Trong bài tạp bút “Nhớ lại một câu hỏi” Mang Viên Long từng viết: “Bạn bè thấy tôi hành nghề sửa khóa làm chìa ở góc phố chợ lấy làm ái ngại cho tôi. Họ không thể ngờ một nhà giáo, nhà văn như tôi lại rơi vào một hoàn cảnh như vậy. Thật ra, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình “khổ” như lời chia sẻ của các bạn, mà vẫn nghĩ điều gì rồi cũng có thể xảy đến cho chúng ta. Cứ an vui và kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi của cõi tạm để có niềm hy vọng mà sống tiếp”.
Thế hệ của Mang Viên Long là một thế hệ buồn, đi qua mọi thăng trầm của lịch sử, ông thấm thía nỗi đau nhân tình:
“Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất 
Cuộc sống bon chen 
Tay trần níu chặt 
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang. 
Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang 
Ðâu là tự do, đâu là lý tưởng? 
Ðâu là vì mình, và đâu là vì nước 
… 
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt: 
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua… 
(“Thế hệ tôi – thế hệ buồn” Gia Hiền)
Sống một cuộc đời nhiều đau khổ, gian truân nhưng nhà văn Mang Viên Long không hận đời, hận người. Trái lại, ông là một người luôn yêu đời, yêu người. Ông hiểu rõ cuộc đời là một “bào ảnh/ huyễn mộng” và để chế ngự được sự “vô thường” bất hạnh kia, ông luôn vui sống chấp nhận, với tình yêu thương. Gặp ông là thấy nụ cười hiền hậu nở trên môi, với một thái độ khiêm cung của một người hiểu đời, hiểu mình. Nhà văn luôn sống với tâm thức:
“ Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Cho ta thêm ngày nữa để Yêu Thương”(**)
dù thế hệ ông là một thế hệ buồn.

Quy Nhơn, ngày 12.3.2015

Ghi chú: 
(*) “Công cha thua chiếc Honda/ nghĩa mẹ khó sánh vợ ta bây giờ/ Có tiền – có của, chúng thờ/ Nghèo khô – cháy túi, chúng lơ thôi mà!” Thơ NKT trong truyện ngắn “Lộn ngược” của Mang Viên Long.
(**) Hai câu thơ “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho ta thêm ngày nữa để Yêu Thương”. 
của thi sĩ người Liban-Kahlil Gibran, được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch sang tiếng Việt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có thể ông Hải Trắng nhầm. Số phận của nước này là do sự can thiệp co kéo của các cường quốc xô đẩy thì đúng hơn. Lỗi đâu phải do dân chủ, nhân quyền, đa đảng? Nói như thế không lẽ các nước có mô hình tương tự cũng loạn, cũng chiến cả sao?

SỐ PHẬN CỦA DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN Ở U-CRAI-NA



Có lẽ trong từ điển chính trị ít có từ ngữ nào đẹp đẽ và đáng trân trọng hơn từ “Dân chủ, Nhân quyền.” Chế độ dân chủ ra đời rất sớm và đã từng tồn tại trong nhiều thời đại, từ hình thái nô lệ cho đến thời đại văn minh ngày nay. Trong tất cả các thời đại, dân chủ với nội hàm của nó cho dù còn hạn chế những luôn là giá trị cao quý của nhân loại.
Những sự kiện đã và đang diễn ra ở U-crai-na khiến người ta cảm nhận những khái niệm này chẳng khác nào số phận của người con gái trong ca dao Việt Nam: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”! Ở U-crai-na người ta sử dụng “Dân chủ, Nhân quyền” để giành giật lợi thế lợi ích kinh tế, địa chính trị. Ở đây “Dân chủ, Nhân quyền” được sử dụng như một con bài, một công cụ, một thủ đoạn mị dân vì những lợi ích hẹp hòi vị kỷ của nhóm lợi ích quốc gia và quốc tế, bất chấp lợi ích quốc gia của U-crai-na và của chính người dân ở đây.
Chiến sự leo thang ở U-crai-na
 Còn nhớ, sau sự kiện Liên bang Xô -Viết tan rã, chế độ xã hộiXHCN sụp đổ ở Đông Âu, U-crai-na đã tuyên bố độc lập (ngày 24/8/1991) và chuyển sang mô hình Cộng hòa tổng thống - được xem như mô hình Dân chủ và Nhân quyền tiêu chuẩn-(standard), với Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp, pháp luật tối thượng; đặc biệt là sự tồn tại của nhiều đảng chính trị đối lập. Ít nhất trên chính trường “đa nguyên chính trị, đa đảng đảng đối lập” hiện nay quốc gia này có 4 chính đảng lớn: ĐảngUDAR do võ sỹ quyền anh Vitli Klitschko thân phương Tây lãnh đạo; Đảng Svoboda (Đảng tự do) do Oleh Tyahnybok theo khuynh hướng phát xít làm chủ tịch; Đảng Các khu vực (PR) của Tổng thống bị phế truấtViktor Yanukovych với tư dinh “khủng” (cũng ra đời của các cuộc cách mạng “cam”) và Đảng “Tổ quốc” của cựu Thủ tướng tỷ phú, xinh đẹpTimoshenko mới được phóng thích…
 Nếu lấy số lượng các đảng chính trị và quyền tự do ngôn luận báo chí làm tiêu chí thì có lẽ U-crai-na là “nhiều dân chủ, nhân quyền ” vào loại nhất thế giới. Theo thống kê, cho đến nay ở quốc gia với trên 46 triệu dân này có tới 180 đảng chính trị. Hệ thống truyền thông U-crai-na theo chế độ đa sở hữu, vừa sở hữu Nhà nước vừa sở hữu tư nhân. Tóm lại, U-crai-na là một mô hình “chuẩn” về dân chủ và nhân quyền mà phương Tây đang rao giảng.
Thế nhưng số phận của Dân chủ, Nhân quyền ở đây đã bị chà đạp một cách không thương tiếc. Cuộc đấu tranh này diễn ra từ khi U-crai-na tuyên bố độc lập đến nay dường như chưa bao giờ ngưng nghỉ, không chỉ ở tần xuất của các sự kiện mà còn có khuynh hướng ngày càng quyết liệt hơn. Còn nhớ, Bà Yulia Tymoshenko, tỉ phú khí đốt là người giàu có số một ở quốc gia này và nổi danh là “nữ thần cách mạng màu da cam”, cũng “ba chìm bẩy nổi” không phải vì “hồng nhan bạc mệnh”, Bà này đã 2 lần làm thủ tướng Ukraine nhưng cách đây 3 năm đã bị tòa án quốc gia kết án tù 7 năm.
Cuộc khủng hoảng ở U-crai-na gần đây, mở đầu từ sự kiện hàng ngàn người biểu tình sau khi chính phủ Tổng thống Viktor Yanukovych thông báo từ bỏ một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu do nước này đang có quan hệ kinh tế quan trọng với nước Nga (ngày 21/11/2014). Theo một thông tin, nhiều cuộc biểu tình được bảo trợ với giá cụ thể: 300 UAH (rúp Ukraine) cho một ngày ngồi biểu tình ở quảng trường Maidan ( Độc lập) và 2.000 UAH cho những “chiến sỹ dũng cảm đấu tranh cho “Dân chủ Nhân quyền”. Đỉnh cao của “đấu tranh bất bạo động” là cuộc biểu tình (Ngày 1/12/2014) thu hút khoảng 300.000 người ở thủ đô. Người biểu tình đã chiếm Tòa thị chính ở Kiev tại thủ đô Kiev. Nhiếp ảnh gia Jamieson đã len lỏi chụp được những khí giới thô sơ nhưng vô cùng nguy hiểm mà người biểu tình “bất bạo động” đã sử dụng. Đó là rừu, búa có cán dài hàng mét, gậy gỗ có đóng đinh nhọn, lựu đạn, bom xăng… Đáng chú ý cuộc biểu tình ngày 6/3/2014 còn có tổ chức nữ quyền (Femen), với các cô gái ngực trần tham gia biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại thủ phủ của Crimea. Theo số liệu thống kê chưa chính thức, cho biết đã có từ 70-100 người biểu tình tại Kiev đã bị giết chết và hàng trăm người khác bị thương trong cuộc xung đột nội bộ kể từ khi U-crai- na tách khỏi Liên Xô. (theo Một Thế Giới - http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/tam-mau-nguoi-bieu-tinh-ukraine-cho-cam-van-47292.html).
Rút cuộc những giá trị đích thực của “Dân chủ và Nhân quyền” đã bị chà đạp không thương tiếc.
Thứ nhất, về chế độ “Dân chủ.” Nền dân chủ đa nguyên với chế độ hòa tổng thống đã rơi vào tình trạng không có tổng thống. Tị nạn ở nước ngoài, Viktor Yanukovych vẫn đang tuyên bố mình là tổng thống hợp pháp của U-crai-na.
Sau sự kiện này nhiều thành phố như Odessa, Donetsk, Kharcop, Mariupol, Lugansk... người dân đổ xuống đường giương cao quốc kỳ Nga và những khẩu hiệu phản đối chính quyền hiện nay ở Kiep, đồng thời đòi trưng cầu dân ý... theo kịch bản Crimea.
Hiện nay người dân U-crai-na đang lo lắng vì cho rằng chế độ phát xít và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang hình thành chi phối Nhà nước U-crai-na. Ông Oleh Tyahnybok lãnh đạo đảng Svoboda (Đảng tự do) đã từng nói: "Hãy cầm lấy vũ khí, hãy chống lại những con lợn Nga, Đức cùng những con lợn Do thái và những loài hạ đẳng khác”.
Thứ hai, về “Nhân quyền.” Rút cuộc các cuộc biểu tình được gọi là hoạt động chính trị “ôn hòa” đã trở thành những cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu, với hàng trăm người bị chết, hàng ngàn người bị thương.
Nhân phẩm của con người cũng đã trở thành vũ khí, khi phụ nữ đã phải để ngực trần tham gia đấu tranh…
Quyền bình đẳng không bị phận biệt đối xử đối với mọi người theo các công ước về Nhân quyền bị chà đạp. Những nhóm sắc tộc thiểu số ở U-crai-na, như người Nga, Tác-ta, Do- thái, Đức bị xua đuổi hoặc kỳ thị,…
Dời sống của người dân U-crai-na vốn đã gặp không ít khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi các quyền về kinh tế xã hội dựa vào sự cam kết giúp đỡ của nước ngoài cho U-crai-na không được thực hiện, chỉ thục hiện nhỏ giọt, hoặc chỉ giúp đỡ cho một bên, thậm chí còn gây tổn thất cho bên kia bởi các lý do chính trị.
Thế là Dân chủ, Nhân quyền hai giá trị cao quý của nhân loại rút cuộc ở đây đã trở thành độc tài của nhóm lợi ích quốc gia và quốc tế. Đây có thể là lý do vì sao mà vẫn còn không ít người kỳ thị với “Dân chủ, Nhân quyền” phương Tây.
Hải Trang
Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Bạc đức nghe bạc nhạc", ý rất hay!


“NHẠC” CỦA NƯỚC VIỆT
(Trích Luận ngữ Tân thư – Phần tiếp theo)
Ai cũng biết “Đức” là cái vô hình, thế mà có dày, có mỏng. Lại có hậu, có bạc. Thì ra “Đức” không chỉ đơn giản là sự tử tế, ăn hiền ở lành hay xử việc đúng đắn,v.v… Thậm chí không chỉ được tạo nên ở đời này, mà còn được tạo nên từ những đời trước đó. “Đức” là một thứ “của cải” thuộc về “mệnh” vậy.
Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn diệt được nước Ngô, trở về nói với người nhà: “Đức ta tuy hậu, song không thể vì thế mà tiêu xài hoang phí trong một vài đời được.” Nói rồi bèn không nhận quan tước, đem vợ con trốn vào ngũ hồ. Trước khi đi còn đến bảo Văn Chủng: “Tôi tự biết mình đức hậu, song cũng không dám lạm dụng điều đó mà làm quan, sợ thiệt mất đức của con cháu. Vì thế mới phải trốn đi. Một khi tôi đã đi rồi, thì triều đình còn ai tài hơn ông nữa. Đã thế đức của ông lại bạc. Trộm nghĩ điều đó nguy cho ông lắm. Hay là ông trốn đi còn hơn”. Văn Chủng không nghe, rốt cuộc ở lại bị Câu Tiễn giết.
Trương Lương sau khi giúp Hán Cao Tổ lấy được thiên hạ, bảo với Trần Bình: “Trộm nghĩ đức của tôi dày gấp mười lần ông, công của tôi cũng không kém ông. Vậy mà tôi vẫn không dám nhận quan tước của nhà Hán, sợ đức bị hao tổn, con cháu ngày sau phải làm lại từ đầu. Còn ông, tài thì vượt lên trên kẻ khác, song tiếc rằng đức lại mỏng. Thiết tưởng đó là điều vô cùng bất trắc, cho dù có trọn vẹn được đời mình, thì đến đời sau, con cháu cũng chẳng ra gì. Sao ông không bỏ quan mà đi?” Trần Bình không nghe, rốt cuộc đến ngay đời con đã trở về hạng khố rách áo ôm.
Trọng sinh con nhà khá giả, bố làm quan to. Thế mà sống rất giản dị, chan hòa với mọi người, thường giao du rộng rãi, đàn hát rất hay. Mạnh Tử yêu lắm, muốn kết làm bạn. Mạnh mẫu (mẹ Mạnh Tử) thấy vậy can: “Ta xem thằng bé ấy bề ngoài tuy giản dị song ánh mắt tham lam. Tiếng đàn tuy réo rắt mà những âm phụ vào thường hay bị nghẹn tiếng. Người như thế là đức bạc, không đáng kết bạn.” Trọng sinh về sau quả nhiên càng ngày càng trở nên một kẻ tham lam bất tín, kết giao toàn những hạng bèo bọt. Rốt cuộc phá tán hết cơ nghiệp của bố để lại.
Xem thế thì biết, “Đức” không phải là thứ có thể đem ra để khen, chê. Càng không phải là thứ đem ra để ca ngợi, hay mắng nhau (là đồ thất đức) như xưa nay vẫn nghĩ được. “Đức” tuy vô hình. Song đó là thứ không những có thể cân đong, đo đếm, mà quan trọng là chỉ có thể “tích”, chứ không nên “tiêu”…
Những chuyện trên chưa thấy chép trong Sử kí… Nay xin lạm chép ra đây để thay cho “Lời tựa” trong Luận ngữ Tân thư kì này. Đoạn trích kì này như sau:
Người nước Việt xưng là Mạt Tử, làm nghề mò trai mò hến trên sông. Một hôm đang chổng mông lặn ngụp, chợt bắt gặp một thằng bé ở đâu trôi đến. Thằng bé khoảng 10 tuổi, sắc mặt nhợt nhạt, người lạnh toát, bụng căng đầy nước, mười phần đã chết đến chín rưỡi. Mạt Tử vội vàng vớt lên bờ, nắm hai chân nó dốc ngược lên cho ộc hết nước trong bụng ra rồi xoa bóp, thổi hơi vào mồm nó. Khoảng nửa giờ thì thân thể thằng bé dần dần ấm lại, mũi nó đã bắt đầu thở nhẹ tuy người vẫn còn mềm nhũn. Mạt Tử bèn bỏ giỏ hến lại đấy, vác nó lên vai mang về nhà. Gần đến nhà, bỗng có một ông lão ở đâu đi đến. Ông lão trỏ thằng bé bảo:
“Nom tướng thằng này thuộc hạng người bạc đức, sau này thể nào cũng phải nếm cứt người khác. Cứu nó làm gì cho phí công.”
Mạt Tử nghe nói, lưỡng lự một lát rồi chép miệng vác quay trở lại, định ném trả quách thằng bé xuống sông cho trôi đâu thì trôi. Đến chỗ lúc nãy, Mạt Tử đang chuẩn bị ném thì ông lão kia lại hớt hải chạy đến bảo:
“Khoan đã! Nó tuy phải nếm cứt người khác nhưng làm vua nước Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói bèn thôi ý định. Lại vác thằng bé quay trở về... Gần đến nhà, ông lão kia lại vội vã chạy tới, xua tay bảo:
“Xin hãy cân nhắc cho kĩ đã! Nó tuy làm vua nước Việt, song bụng dạ hẹp hòi, đầu óc tăm tối. Vừa ưa nịnh, vừa bịp bợm, lại tham quyền cố vị, ác hơn thú dữ, suốt đời chỉ lo bức hại kẻ trung thần…”
Mạt Tử nghe nói tức thì nổi giận, lập tức vác quay trở lại, phen này quyết quẳng thằng bé xuống sông. Tới bờ sông, Mạt Tử đang lấy đà định quẳng thì ông lão kia lại hồng hộc chạy đến, vừa thở vừa nói:
“Khoan đã, khoan đã! Nó tuy ác hơn thú dữ, nhưng sau này diệt nước Ngô, làm nên cái oai danh cho nước Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói lại bỏ ý định ném thằng bé xuống sông mà vác nó quay về nhà. Người vợ trông thấy hỏi:
“Ở đâu ra cái thằng chết trôi này?”
Mạt Tử bèn kể lại đầu đuôi. Người vợ bảo:
“Nó sau này dẫu có phải nếm cứt, thì hiện giờ cũng vẫn là một ông vua con. Tôi nghe nói nuôi vua khó lắm. Chỗ của nó phải ở bàn thờ chứ không thể bạ đâu đặt đấy được. Đã thế nó lại là cái giống bạc đức, sau này tất không ra gì. Nuôi một kẻ như thế trong nhà nguy như trứng để đầu gậy, không khéo lợi bất cập hại.”
Mạt Tử nghe vợ nói, lại tính ném quách thằng bé xuống sông. Song nghĩ lại thấy không nỡ, bèn chép miệng bảo vợ:
“Thôi thì ta cũng vì cái oai danh của nước Việt sau này mà cứu nó một phen vậy. Nay hãy chịu khó để nó lên bàn thờ, nuôi mấy hôm cho nó hoàn hồn, cứng cáp như trước đã rồi đem bỏ ra giữa chợ, mặc ai nhặt thì nhặt, mình cũng đỡ phải tội.”
Số là Mạt Tử không biết. Thằng bé đó chính là tiểu công tử của nước Việt. Hôm ấy mải chơi đùa trên sông, chẳng may trượt chân té xuống nước. Nước sông đang chảy mạnh lập tức cuốn nó đi. Lúc bọn hầu cận phát hiện ra thì đã trôi đến mấy dặm. Mọi người hốt hoảng mò khắp một đoạn sông song không thấy. Mấy hôm sau, bọn hầu cận được phái đi tìm bắt gặp thằng bé đang lê la đói khát ở giữa chợ, vội vàng đem kiệu tới rước về cung. Thằng bé về sau quả nhiên được truyền ngôi, trở thành vua nước Việt. Bấy giờ đã 21 tuổi, bèn tự phong vương, tỏ ra là một ông vua có chí lớn.
Vua mới lên ngôi, có cây sung cổ thụ bỗng dưng trổ hoa, thơm ngào ngạt ba ngày liền, thiên hạ tấm tắc khen là điềm lạ. Cả nước nổi cơn điên vì sướng. Có điều trong cái mùi thơm ấy, thỉnh thoảng vẫn thấy lẫn vào một thứ mùi gì đó ngửi rất khó chịu. Vài ngày sau rõ dần. Đích thị là mùi thối. Cuối cùng chỉ còn toàn mùi thối, kéo dài mấy tháng chưa hết. Quạ ở đâu ùn ùn bay về, đậu kín các cành. Thiên hạ càng cho là điềm lạ.
Mạt Tử nghe tin vua mới của nước Việt chính là thằng bé mình cứu ngày trước thì hãnh diện lắm, đi đâu cũng khoe. Mọi người bảo sao không nhân đó mà vào cung, xin đức vua ban cho ít ruộng hoặc một phẩm tước nào đó, khỏi phải làm nghề mò trai mò hến nữa... Mạt Tử lấy làm phải bèn xin vào cung ra mắt vua. Chưa kịp nhắc lại ơn cũ thì Việt Vương đã ngửa mặt cười lớn mấy tiếng rồi vỗ bàn quát:
“Nhà ngươi tưởng cuộc đời này giống chuyện cổ tích lắm hay sao? Nhà ngươi dẫu cứu ta thoát khỏi chết đuối, song đã mấy lần định quẳng ta trở lại xuống sông. May mà mạng ta còn lớn khiến ngươi không làm nổi việc đó. Nay lại còn vác mặt đến đòi ta trả ơn? Ta không thèm tìm ngươi hỏi tội là phúc cho ngươi lắm rồi. Chính ngươi mới là kẻ phải biết ơn ta về điều đó đấy.”
Nói xong quát tả hữu đuổi Mạt Tử ra ngoài. Mạt Tử nhục quá lủi thủi ôm đầu chuồn khỏi cung. Rốt cuộc lại trở về bến sông làm nghề mò trai mò hến như cũ.
Xin không kể tiếp những việc sau đó của vị tân vương ấy, vì mọi chuyện đều đã được chép trong Sử kí. Chỉ biết rằng sự nghiệp của ngài diễn ra đúng như những gì mà ông lão ngày xưa đã nói. Đại khái cũng nếm cứt, cũng diệt nước Ngô, cũng bức hại trung thần... Ở đây chỉ xin kể một chuyện xảy ra vào lúc cuối đời ngài.
Bấy giờ nước Việt vô sự. Kẻ sĩ chân chính người thì bỏ đi ở ẩn, người thì đã trở thành thiên cổ. Trong triều, lũ cơ hội, nịnh thần tha hồ làm mưa làm gió, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc ăn cướp của dân cho thật nhiều. Ngoài đời, đám kẻ sĩ vì bản chất tham lam, hèn hạ, nên vốn đã cam tâm làm tôi tớ từ lâu. Bọn họ luôn nghĩ cách làm vui lòng Việt vương để cầu tước vị, bổng lộc. Hăng hái nhất trong đám này là 2 gã quan văn tên Hư Tỉ và Lê Lết. Năm đó nhân sắp đến tiết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Hư Tỉ bàn với Lê Lết:
“Đại vương ta rất thích nghe âm nhạc. Lâu nay việc nước bề bộn. Đám con cháu, tay chân Ngài nhiều người ăn cắp lộ liễu quá. Thành ra trong dân gian, khối kẻ chửi thầm chửi vụng, làm đại vương ta cũng có chút phiền lòng. Nay nhân dịp tiết Nguyên tiêu, âu là ta tổ chức một đêm nhạc thật hoành tráng ở sân nhà Thái miếu, mời đại vương tới nghe cho Ngài khuây khoả. Chẳng hay ý ông thế nào?”
Lê Lết tuy nghề văn, song vốn có máu con buôn, bèn hưởng ứng:
“Tuyệt đấy. Nhân đó ta chọn lấy 99 điệu nhạc thật hay. Sao cho trên thì khoái tai đại vương, dưới thì vừa bụng dân chúng để dâng lên cho Ngài ngự bút ban thưởng, rồi khắc in bán ra thiên hạ, chắc cũng kiếm được khối tiền.”
Hư Tỉ nghe Lê Lết nói liền vỗ tay khen:
“Diệu kế. Ông thật không hổ là vị quan không ngai của triều đình, là bậc đứng đầu đám văn hoá con buôn của cả nước. Pháp khẩu (giọng lưỡi) của ông xưa nay được thiên hạ tôn là thần thông quảng đại. Vậy xin nhường việc đọc diễn văn khai mạc cho ông. Chúng ta sẽ bắt chước cái chuyện nghe nhạc của vua nước Tấn ngày trước, có cả chim hạc đến vỗ cánh thì công trạng của ta hẳn sẽ càng to lắm...”
Đúng đêm Nguyên tiêu, sân nhà Thái Miếu được trang trí lộng lẫy, khắp nơi kết đèn hoa sáng rực. Tài tử giai nhân khắp kinh thành ăn mặc lòe loẹt kéo tới đông như trảy hội. Các phường nhạc hay nhất nước được tuyển chọn đến để hầu thánh nhĩ (tai vua). Lê Lết đích thân đứng ra đọc diễn văn khai mạc. Đại khái tập trung ca ngợi sự nghiệp vẻ vang của Việt vương. Bài diễn văn có đoạn viết (những chỗ trong ngoặc đều do Lê Lết dẫn tư tưởng Khổng Tử):
“Đại vương ta, khởi sự từ Lễ (“lập ư lễ”), đã làm nên những chiến công vô cùng hiển hách, từ xưa tới nay chưa có bao giờ... Tiếp theo, Ngài chấn hưng văn hoá, vỗ về muôn dân, làm cho nước ta trở thành một nước văn hiến (“hưng ư thi”). Nay chính là lúc mà các thành tựu của Ngài đã đạt đến mĩ mãn (“thành ư nhạc”), cũng là lúc chúng ta thay mặt cả nước tổ chức đêm quốc nhạc này để tỏ lòng đời đời biết ơn...”
Thế rồi hết điệu nhạc này đến điệu nhạc khác được đem ra trình diễn. Cứ mỗi điệu nhạc lại có mười sáu thiếu nữ đẹp như tiên sa, trang phục bay bướm như những cánh hạc ở đâu xuất hiện. Có khi từ hai bên cánh gà, có khi dòng dây thả từ trên trời xuống... Những “nàng” chim hạc này vừa xuất hiện, lập tức sắp thành hai hàng, múa lượn theo điệu nhạc cực kì điêu luyện, kết hợp với ánh đèn mờ ảo làm cho không khí đêm nhạc đượm vẻ Bồng Lai, cung Quảng, khiến người xem vỗ tay không ngớt. Nhiều kẻ phải lắc đầu lè lưỡi. Tất nhiên Việt vương vô cùng hài lòng. Ngài luôn tay ban rượu thưởng cho các quan đứng hầu hai bên, đặc biệt là Hư Tỉ và Lê Lết.
Tiếp đến danh sách 99 điệu nhạc hay do Lê Lết và Hư Tỉ đích thân chủ trì việc chọn lựa được đọc trước công chúng. Đọc xong đem dâng lên Việt vương. Việt vương không chần chừ cầm bút phượng phê ngay mấy lời vàng ngọc. Khán giả và các quan vỗ tay rầm rĩ. Riêng Hư Tỉ và Lê Lết thì vừa mừng thầm trong bụng, vừa không giấu nổi vẻ hãnh diện trên nét mặt.
Ngày hôm sau, Việt vương ra thiết triều, các quan tiến lên dâng biểu chúc mừng. Người nào cũng hết lời ca ngợi những điệu nhạc mà Việt vương nghe tối hôm qua. Rằng những điệu ấy còn hay hơn điệu nhạc mà vua nước Tấn được nghe ngày trước. Ngay cả 16 con chim hạc cũng lộng lẫy chẳng kém gì... Bỗng ở cuối hàng bên tả có một người bước ra, phủ phục xuống đất. Việt vương nhìn xem ai thì ra một vị quan thuộc hàng bét phẩm họ Thân tên Cô. Thân Cô dập đầu tâu:
“Thần càng nghe các quan ca ngợi thì càng lấy làm nguy cho đại vương lắm. Họ chỉ nhắc lại việc vua nước Tấn ngày trước sướng tai vì nghe nhạc, mà giấu nhẹm cái việc vua nước Tấn chết vì nghe nhạc. Nước Tấn chẳng bao lâu sau đó cũng mất, khởi sự cũng từ cái việc nghe nhạc ấy. Nay thần xin liều chết kể lại toàn bộ câu chuyện ấy ra đây. Cúi xin đại vương minh xét...” Tiếp đó, Thân Cô liền kể lại câu chuyện của vua nước Tấn ngày trước (chuyện này về sau có chép trong sách Đông Chu của Phùng Mộng Long tiên sinh. Nhân tiện xin phép trích những chỗ cần thiết ra đây để thay cho lời kể của Thân Cô, tuy cũng có sửa chữa chút đỉnh, mong tiên sinh thứ lỗi – chú thích của người viết). Nội dung câu chuyện như sau:
“Vua nước Tấn là Tấn Bình công thích nghe âm nhạc. Thấy Sư Khoáng - một nhạc sư được coi là bậc “thánh nhạc” đời bấy giờ nói đến điệu “Thanh chuỷ”, đòi nghe. Sư Khoáng nói:
“Không nên. Ông vua có đức mới được nghe điệu ấy. Nay chúa công bạc đức, nếu nghe tất có tai họa.”
Tấn Bình công cứ nằng nặc đòi nghe cho bằng được. Sư Khoáng bất đắc dĩ phải cầm lấy đàn mà gảy. Gảy được một khúc, có một đàn chim hạc ở phương nam bay đến, đậu trước cung môn, đếm cả thảy được tám đôi. Gảy khúc nữa thì chim hạc bay xuống, đứng sắp hàng ở dưới thềm, mỗi bên tám con. Gảy thêm khúc nữa thì chim hạc vỗ cánh mà múa, vươn cổ mà kêu, theo vần cung thương, tiếng vang đến tận trời. Tấn Bình công vỗ tay mà khen. Các người đứng xem ai cũng lắc đầu lè lưỡi.
Tấn Bình công nức nở:
”Âm nhạc mà đến như điệu Thanh chuỷ thì chắc không còn gì hơn nữa!”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh chuỷ tuy cũng thuộc hàng “thánh nhạc”. Song còn chưa bằng điệu Thanh dốc.”
Tấn Bình công ngạc nhiên hỏi:
“Trên đời lại còn có điệu hay hơn điệu Thanh chuỷ nữa ư? Sao nhà ngươi không cho ta nghe nốt?”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh dốc không như điệu Thanh chuỷ, tôi không dám gảy. Ngày xưa vua Hoàng Đế đến hội các thần ở núi Thái Sơn, rồi làm ra điệu Thanh dốc. Các vua sau này càng đời sau càng bạc đức, không sai khiến được các thần, vậy nên thần và người cách biệt nhau. Nếu bây giờ gảy khúc ấy, ngộ nhỡ các thần lại hiện xuống cả thì làm thế nào?
Tấn Bình công bảo:
“Các thần hiện xuống thì càng vinh dự cho nước Tấn ta chứ sao?”
Sư Khoáng nói:
“Kẻ ngu này không cho là thế. Nội nghe một điệu “Thanh chuỷ” kia cũng đã đủ gây tai vạ cho chúa công rồi. Nay chúa công lại còn đòi nghe điệu “Thanh dốc” nữa thì nguy đến cả nước Tấn chứ chả phải chuyện chơi...”
Tấn Bình công không tin, cứ cố ép mãi. Sư Khoáng bất đắc dĩ lại phải ôm đàn mà gảy. Mới gảy được một khúc, có đám mây đen ở phương tây hiện lên. Gảy khúc nữa, bỗng nổi một cơn dông, ngói trên nóc điện bay tung lên, cột hiên gãy hết, lại thấy có tiếng sét dậy trời, rồi thì mưa như trút nước... Tấn Bình công sợ hãi, nằm phục vào một nơi. Mãi đến khi mưa gió tạm yên, nội thị mới dám chạy lên vực Tấn Bình công từ trên đài xuống...
Sau hôm ấy, Tấn Bình công quả nhiên lâm bệnh nặng. Vài tháng thì chết. Nước Tấn từ đó càng ngày càng nát, chẳng bao lâu cũng mất...”
Việt vương nghe Thân Cô kể đến đây thì hoảng hốt rụng rời, ngồi chết lặng đi hồi lâu. Sực nhớ lại câu chuyện suýt chết đuối ngày trước, Việt vương biết mình cũng thuộc hạng bạc đức. Nay trót tin lời lũ nịnh hót mà say sưa đi nghe âm nhạc như thế. Không khéo cũng gặp phải tai vạ như Tấn Bình công thì uổng cả công gây dựng sự nghiệp. Càng nghĩ, Việt vương càng lo sợ, đến nỗi tâm thần bấn loạn, luống cuống không biết nên phải làm thế nào bây giờ? Vừa lúc ấy, cuối hàng bên hữu lại có một người khác bước ra. Mọi người nhìn xem thì là một viên quan cũng thuộc hàng bét phẩm tên là Thế Cô. Thế Cô tâu:
“Câu chuyện mà ngài Thân Cô đây vừa kể quả không sai. Thần cũng đã từng được nghe việc ấy. Song trên đời còn có một bậc Thánh nhân là Khổng Tử, hiện đang ở nước Lỗ. Sao đại vương không sai người sang cầu khẩn Ngài, để Ngài chỉ cho cách về mà tạ lỗi các thần. May ra thì tránh được tai vạ.”
Việt vương nghe nói, tức thì mừng rỡ như bắt được của, bao nhiêu lo sợ tạm thời lui qua một bên. Lập tức sai ngay Thế Cô tìm đường đi gấp sang nước Lỗ, đem theo lễ vật đến cầu kiến Khổng Tử.
Thế Cô tới nước Lỗ, tìm đến xin ra mắt Khổng Tử. Gặp lúc Khổng Tử đang đóng cửa san định kinh sách. Ngài dặn các học trò không tiếp bất cứ người nào. Thế Cô thấy vậy giật mình hoảng hốt, nghĩ lo cho vua Việt quá. Sợ chờ lâu sẽ không kịp. Bèn học theo cách của Thân Bao Tư nước Sở ngày trước, cứ đứng ngoài cửa Khổng gào khóc suốt đêm. Quả nhiên Khổng Tử phải sai học trò ra mở cổng cho vào. Thế Cô đem lễ vật trình lên rồi quỳ xuống tâu:
“Đại vương tôi biết mình bạc đức. Song tiết Nguyên tiêu vừa rồi, trót theo lời bọn lưu manh cơ hội, cùng với lũ con buôn xu nịnh mà đi nghe nhạc ở sân nhà Thái miếu. Khi trở về mới sực nhớ lại câu chuyện của Tấn Bình công ngày trước. Từ đó rất lấy làm lo sợ. Vậy nên sai tôi đến đây hỏi Phu Tử xem có cách gì để tạ lỗi các thần?”
Khổng Tử nghe Thế Cô nói xong, quay sang bảo các học trò:
“Các ngươi đã từng nghe nói ở nước Việt bây giờ, có điệu nhạc nào bằng điệu “Thanh dốc” ngày xưa hay không?”
Rồi quay lại phía Thế Cô, Ngài điềm nhiên trả lời:
“Kẻ bạc đức chỉ không nên nghe “thánh nhạc” mà thôi. Nay vua nước Việt tuy cũng thuộc hạng bạc đức, song những thứ nhạc ấy đều do bọn “bạc nhạc” làm ra cả. “Bạc đức” mà nghe “bạc nhạc” thì có gì phải lo ngại. Về bảo vua nước Việt chả cần phải sợ hãi, cứ việc gối cao đầu mà hưởng phú quý.”
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hai tàu khu trục USS Fitzgerald và tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth sẽ cập cảng Đà Nẵng vào ngày 6/4.



7997754269-a984de7bfb-c-8473-1428120388
Tàu USS Fort Worth. Ảnh: public.navy.mil.
Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/3 cho biết hai tàu chiến hiện đại của Hải quân Mỹ, gồm tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62) và tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth (LCS-3), sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào ngày 6/4. Chuyến thăm nằm trong chương trình giao lưu thường niên nhân dịp kỉ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.
USS Fort Worth là loại tàu chiến đấu ven biển (LCS) có kích cỡ nhỏ, lớp Freedom, có thể hoạt động ở tốc độ thấp phù hợp với các chiến dịch ven biển hoặc di chuyển nhanh để tránh hoặc truy đuổi tàu nhỏ, tàu ngầm. Tàu do Lockheed-Martin phát triển và được bàn giao cho Hải quân Mỹ tháng 9/2012.
USS Fort Worth sử dụng động cơ phản lực nước thay chân vịt, giúp tàu có thể di chuyển về một phía, xoay vòng và tiến vào những không gian chật hẹp. Tàu dài 119 m, mớn nước 4 m, tốc độ tối đa khoảng 74 km/h. Tàu được sử dụng để rà phá mìn, dò tàu ngầm và chiến đấu trên mặt biển.
Tháng 9 năm ngoái, chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ tuyên bố Fort Worth được triển khai tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng các sứ mệnh mà tàu lớp Freedom chưa từng thực hiện trước đó trong khu vực, đặc biệt là trong công tác rà phá mìn. Tháng 11 năm ngoái tàu đã được triển khai tới Singapore trong nhiệm vụ triển khai luân phiên, nhằm củng cố chính sách "xoay trục" chiến lược của Hải quân Mỹ tới Thái Bình Dương. Ngày 31/12/2014 tàu được phái từ Singapore tới Biển Java để tham gia tìm kiếm máy bay mang số hiệu 8501 của AirAsia Indonesia, rơi trước đó ba ngày, khiến toàn bộ những người trên khoang thiệt mạng.
Đại úy Randy Garner, chỉ huy phi đội trên USS Fort Worth, cho biết tàu được tự động hóa chuyển động, có nghĩa là có khả năng vẫn hoạt động tốt mà không cần nhiều thủy thủ vận hành.
 Tàu có thể chứa nhiều loại thiết bị chiến đấu phục vụ cho các nhiệm vụ khác nhau, được trang bị hai khẩu pháo cỡ nòng 30 mm, hai trực thăng Seahawk, một khẩu pháo cỡ nòng 57 mm với tầm bắn lên đến gần 17 km giúp chống lại các mối đe dọạ từ tàu nhỏ, các súng máy 12,7 mm và tên lửa.
"Một điểm thuận lợi của con tàu này là thiết kế theo dạng module cho phép thủy thủ thay đổi các nhiệm vụ nhanh chóng", Mark Haney, sĩ quan điều hành USS Fort Worth, nói.
USS Fort Worth được 54 thủy thủ và 19 nhân viên sử dụng các thiết bị chiến đấu vận hành. Phi đội phòng không trên tàu gồm 24 người, sử dụng hai trực thăng MH-60 Seahawk và trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.
ddg62-23-1465-1428120388
Tàu khu trục USS Fitzgerald. Ảnh: US Navy.
 Trong khi đó trục, USS Fitzgerald (DDG-62) được triển khai hoạt động từ tháng 10/1995. Năm 2004, tàu được công bố là một trong 15 tàu khu trục có khả năng đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo toàn cầu. Cũng năm này, Fitzgerald gia nhập Hạm đội 7 của Mỹ đóng ở căn cứ hải quân Yokosukam, Nhật Bản.
USS Fitzgerald thuộc lớp Arleigh Burke. Tàu có thể phóng tên lửa SM-3, vũ khí phòng vệ của hải quân Mỹ do công ty Raytheon sản xuất, để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung. USS Fitzgerald được thiết kế với mục đích phòng vệ. Toàn bộ tàu được làm bằng thép và sử dụng động cơ tua-bin khí.
Tàu dài 154 m, rộng 20 m, mớn nước 9,4 m, tốc độ lên đến 56 km/h và tầm hoạt động hơn 8.000 km. USS Fitzgerald được trang bị nhiều loại radar, thiết bị phục vụ chiến tranh điện tử, các bệ phóng tên lửa, hai ống phóng ngư lôi, 4 súng caliber 50 cỡ nòng 12,7 mm, 2 pháo phòng thủ gần Phalanx CIWS 20 mm.
 Sự kết hợp của các hệ thống phòng thủ Aegis, một hệ thống tác chiến chống ngầm tiên tiến cùng máy bay trực thăng SH-60 Seahawk, tên lửa phòng không tối tân, tên lửa chống hạm Tomahawk và tên lửa hạm đối đất đã biến chiếc tàu chiến lớp Arleigh Burke trở thành một chiến binh quyền lực nhất trên mặt biển.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thực hư về tục “nuôi thuốc độc” giết người ở vùng cao


Hơn hai thập kỷ nay, người xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị ám ánh lớn bởi cái tên “ma độc”.

Nghe những người già trong vùng kể, “ma độc” mỗi năm phải giết chết được số lượng người nhất định vì nếu không thực hiện được thì lời nguyền sẽ phản chủ lên những người nuôi ma độc. Nhẹ thì trâu bò, lợn, gà bịchết, còn nặng thì một trong những thành viên trong gia đình sẽ bị mất mạng.
Chúng tôi thực hiện cuộc hành trình để “giải mã” những thực hư tục bỏ độc ở miền biên viễn này.
Những cái chết bất thường
Xã Đức Hồng nằm ven Tỉnh lộ 206, cách Thành phố Cao Bằng gần 60km về phía đông. Những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, khắp vùng sơn cước của huyện Trùng Khánh rộ lên tin đồn về loài độc dược gây chết người (người dân bản địa hay gọi với cái tên “ma độc”). Và đã không ít chuyện đau lòng xảy ra gắn với thứ độc dược ghê rợn này.

Đường vào hai bản Nà Ngườm, Nà Khiêu (xã Đức Hồng).
Hơn hai thập kỷ trôi qua, từng ấy chuyện tưởng như đã đi vào quên lãng. Tuy nhiên, thời gian gần đây tin đồn “ma độc” lại rộ lên, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên dải đất Cao Bằng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Ngân Văn Tiến, một già bản có tuổi đời ngoại lục tuần ở Nà Khiêu, xã Đức Hồng, ánh mắt mờ đục vẫn không giấu được vẻ sợ sệt mỗi khi nhắc đến “ma độc”.
Ông Tiến kể: Cách đây ít năm, trong vùng này bống dưng xuất hiện một trường hợp chết một cách lạ lùng. Đó là chuyện một cậu thanh niên tên Nghiên quê ở làng Nà Ngườm làm ăn ở ngoài thị xã Cao Bằng vào làng Sộc Khăm dự đám cưới của người bạn. Ngay tối hôm đó, khi anh quay ra thị xã thì đột nhiên lăn đùng ra chết mà không rõ nguyên nhân.
Theo kinh nghiệm được đúc kết từ xa xưa, những biểu hiện như cơ thể tím tái, môi và móng chân, tay của nạn nhân, người dân cho rằng thủ phạm chỉ có thể là “mađộc”. Thực hư thế nào chưa rõ, câu chuyện người thanh niên kia cứ người này truyền tai người khác rồi lan nhanh ra các bản làng trong xã.
Không những thế, sự việc còn bị nhiều người thêu dệt, hoặc “dị bản” theo hướng nghiêm trọng hóa.
Lại có một câu chuyện gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài. Cụ Lưu Văn Sú (75 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, Trùng Khánh không khỏi rùng mình khi nhắc lại.
Chuyện xảy ra tại làng Cổ Phương, xã Đức Hồng. Hôm đó, có một người đàn ông từnơi khác đến chơi với người bạn ở làng Cổ Phương, tuy nhiên, sau khi trở về nhà thì người khách này đột nhiên lăn đùng ra ốm.
Các thầy lang dùng hết cách chữa trị vẫn không hề thuyên giảm. Khoảng vài ngày sau, người đàn ông tắt thở. Cái chết bất thường làm mọi người đều cảm thấy có gìđó khuất tất, lạ lùng. Và do tai tiếng của làng Cổ Phương về tục bỏ độc dược có từ trước nên người dân nghi ngờ, suy đoán người đàn ông chết do bị hạ độc.
Sau cái chết của hai trường hợp trên và nhiều trường hợp xảy ra một cách bí ẩn, không có kết luận rõ ràng càng khiến người dân trong vùng hoang mang, kinh hãi và càng tin vào sự hiện diện của “ma độc”.
Bí ẩn độc dược vô phương cứu chữa
Tin đồn về cách bỏ độc giết chết người ở xã Đức Hồng còn kinh hoàng, khủng khiếp hơn nhiều. Những kẻ bỏ độc ở đây có thể giết chết bất cứ ai nếu muốn, bằng cách dùng ngón tay đã tẩm độc sẵn rồi mời nước hoặc rượu.
Để không bị nghi ngờ họ sẽ uống rượu trước rồi mới mời lại khách. Nhưng không ai ngờ rằng, trước khi người khách đón lấy chén rượu thì kẻ bỏ độc đã dùng ngón trỏbôi độc lên mép chén.
Kinh khủng hơn nữa, kẻ bỏ độc có thể dùng độc bôi vào các loại cây ăn quả mọc dại ven đường để bẫy người không may ăn phải. Bằng cách này, họ không bị phát hiện và không phải áy náy khi giết người. Đồng thời, con “ma độc” cũng thực hiệnđược lời nguyền man rợ mỗi năm phải giết chết được số lượng người đã quy định. Ngược lại, nếu không thực hiện được thì lời nguyền sẽ phản chủ như đã nói.
Theo một số già làng ở xã Đức Hồng thì loài thuốc độc đã ám ảnh người dân vùng sơn cước này từ hàng chục năm nay có nguồn gốc từ hai loại cây là cây màu đỏ và trắng.
Hai cây này được những kẻ bỏ độc trồng ở nơi kín đáo, ẩm thấp, chỗ nào càng bẩn thì độc tính càng cao. Tùy theo từng trường hợp, người hạ độc sẽ dùng một trong hai cây đó để giết người.
Trong đám đông, họ không bao giờ dùng loại cây thuốc độc màu đỏ bởi vì loài này gây chết người ngay tức khắc, không thể cứu chữa kịp thời và dễ bị phát hiện. Với cây thuốc độc màu trắng, nạn nhân sau vài ngày bị dính độc mới bắt đầu phát tác, sau đó toàn thân mất hết sức lực, khản giọng, cơ thể run rẩy… Vì vậy, nạn nhân có thể cứu chữa được nếu gặp được thầy lang “cao tay” nắm giữ cách trị độc.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là cây thuốc “Riu” (theo cách gọi của Tày, Nùng), một loại độc dược phá hủy nội tạng con người. Những ai xấu số dính phải chất kịchđộc này không hề biết mình đang dần đối mặt với cái chết.
Ruột gan nạn nhân sẽ có biến chứng, thối rữa trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, loại cây độc này có khả năng biến hóa khôn lường. Nếu người trúng độc đã từng dùng phương thuốc của thầy lang y này chữa khỏi, và lần tiếp theo lại bị “ma thuốc độc” tấn công thì nạn nhân phải tìm đến một thầy thuốc khác mới có thể cứu sống.
Chính vì những tin đồn kinh hoàng như vậy, nhiều người luôn có cảm giác nơm nớp lo sợ, đề cao cảnh giác khi đến một số bản ở Đức Hồng. Và càng không có chuyện người lạ dám uống nước, thưởng rượu cùng người trong xã khi có đám hiểu hỷ.
Còn nữa
(Theo PLVN)


Xem chi tiết: http://xuangiao.com/thuc-hu-ve-tuc-nuoi-thuoc-doc-giet-nguoi-o-vung-cao.html#ixzz3WQBPUCgx


Phần nhận xét hiển thị trên trang