Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Khi văn chương bị thiến, và nhà văn là tội phạm ngôn từ


  Nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn-Ảnh của Shiho Fukada / The New York Times

Khi văn chương bị thiến, và nhà văn là tội phạm ngôn từ

 Diễn từ nhận Giải Văn học Nhân dân 2010 của nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Lời người dịch: Mấy năm gần đây Mộ Dung Tuyết Thôn (慕容雪村, Murong Xuecun), sinh năm 1974, là một hiện tượng văn học Trung Quốc nổi lên nhờ lưu truyền tác phẩm đầy đủ trên mạng song song với bản in bị kiểm duyệt. Trong năm qua, anh trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ phê phán kiểm duyệt ở Trung Quốc. Hôm nay (7/11), tờ New York Times có bài dài giới thiệu về anh và vấn đề này (khi nào rảnh sẽ dịch bài đó). Dưới đây là diễn từ lẽ ra anh đọc tại Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái khi nhận giải Giải Văn học Nhân dân 2010, nhưng bị ban tổ chức cấm đọc. Anh đọc bài này tại Hong Kong hồi tháng 2/2011. Tựa đề entry này do ND đặt.

Nếu tôi không lầm, “giải thưởng hành động đặc biệt” của tạp chí Văn học Nhân dân được trao không phải cho thành tựu văn chương của tôi, mà cho lòng can đảm của tôi. Tôi ngượng vì mình không phải là người can đảm.
Lòng dũng cảm thực thụ đối với một nhà văn không phải là đấu tranh với một băng đảng lừa đảo kinh doanh đa cấp. Mà là bình tĩnh nói sự thật khi mọi người khác bị bịt miệng, khi sự thật không thể được biểu lộ. Mà là phát biểu với một tiếng nói khác, chấp nhận rủi ro lãnh cơn thịnh nộ của nhà nước và làm mất lòng mọi người, vì mục đích nói lên sự thật, và vì lương tâm của nhà văn. 
Khi tôi lật tẩy một âm mưu kinh doanh đa cấp, tôi chỉ làm điều mà bất cứ công dân nào cũng nên làm: tôi trình báo một tội ác. Việc này chẳng hề là một hành động can đảm thực sự, và tôi thiển nghĩ cũng chẳng hề xứng đáng nhận giải gì. Thực ra, tôi là kẻ hèn nhát. Tôi chỉ nói những gì nói ra thì an toàn, và tôi chỉ phê phán những gì có thể được phép phê phán.
Có cuốn sách nọ tôi đã viết xong cách đây ít lâu, và lý do quan trọng nhất khiến chậm xuất bản là tôi đụng phải một biên tập viên khá kỳ khôi. Trong hai tháng trời, ông ta và tôi đã vài lần đấu khẩu rất kịch liệt. Tôi quẳng tách xuống nền nhà vỡ tan tành, tôi nói nặng lời với ông ta. Tôi điên tiết đấm vào tường ở nhà, nhưng cuối cùng tôi đành chịu thua.
Biên tập viên này là người rất cẩn trọng. Bất luận ra sao, điều đầu tiên ông ta nghĩ đến là an toàn. Theo ông ta, lẽ ra tốt hơn là dẹp luôn không xuất bản cuốn sách của tôi; đó là cách an toàn nhất. Ngay cả khi ông ta buộc phải cho xuất bản, ông ta bảo tôi rằng tốt nhất là tránh đụng đến bất cứ điều gì thực tế, vì những điều thực tế dính đến rủi ro. Nếu tôi không thể tránh đụng đến một vài sự thật, thì tôi nên nhớ đừng bày tỏ ý kiến gì về những điều đó. Ngay lúc tôi bày tỏ ý kiến, tôi đã trở thành mối nguy hiểm. Tôi không đồng ý với ông ta, nhưng tôi biết ông ta không phải là người duy nhất nghĩ như vậy.
Cuốn sách mới của tôi kể về thời gian tôi cải trang tham gia một tổ chức kinh doanh đa cấp phi pháp. Băng đảng thực hiện trò lừa đảo này có câu: “Nếu bạn đầu tư 3.800 tệ trong vòng hai năm bạn sẽ kiếm được năm triệu tệ”. Để đáp lại, tôi viết như sau:
Tôi tính nhẩm rằng mạng lưới địa phương chúng tôi có gần 200 người. Nếu mỗi người kiếm năm triệu tệ, như vậy là gần mười tỉ tệ, hóa ra doanh thu gần bằng với mức của một chi nhánh cấp tỉnh của công ty China Mobile. Nếu toàn bộ bảy triệu người tham gia ngành kinh doanh đa cấp của Trung Quốc đều có thể kiếm được chừng đó, số tiền sẽ lên đến ba mươi lăm ngàn tỉ tệ, vượt xa GDP của Trung Quốc trong năm 2008. Cứ tiếp tục cái đà này, thì sẽ chóng đến ngày mà kinh tế Trung Quốc qua mặt Mỹ, chẳng mấy chốc Trung Quốc sẽ thống trị thế giới, hệt như Mạnh Tử đã nói, bằng cách ‘dùng gậy đánh bại quân Tần quân Sở lợi hại’. Chúng ta chỉ cần huy động bảy triệu nông dân Trung Quốc đang đói trang bị gậy gỗ là đủ hạ gục những máy bay chiến đấu tàng hình đế quốc. Chúng ta đâu cần phát triển công nghiệp, hay nông nghiệp, hay ngành dịch vụ; thậm chí chúng ta chẳng cần đến quân đội.
Biên tập viên cắt nguyên cả đoạn từ chỗ ‘qua mặt Mỹ’ trở đi, và tôi hỏi ông ta tại sao. Quá nhạy cảm, tôi được trả lời thế. Tôi nói rằng ngay cả một kẻ đần cũng hiểu đoạn văn này có ý châm biếm. Vậy có gì nhạy cảm nào? ‘Dù châm biếm cũng không chấp nhận được. Phải bỏ.’ Tôi đề nghị: ‘Thôi được. Nếu châm biếm quá cay nghiệt không được phép, thì ta thử châm biếm nhẹ nhàng vậy.’ Rồi ông nói cụm từ ‘Trung Quốc sẽ thống trị thế giới’ nhạy cảm. Tôi chấp nhận. ‘Được, cắt đi’. Rồi đến ‘nông dân Trung Quốc’ cũng bị xem là nhạy cảm, nhưng lần này tôi ngớ ra không hiểu. Chắn chắn đó là từ trung dung, có gì nhạy cảm đâu? Biên tập viên nói từ ‘nông dân’ chứa đựng yếu tố thành kiến. ‘Được,’ tôi đáp, giả vờ linh động, và đổi từ đó thành ‘người kinh doanh đa cấp’.
‘Hạ gục những máy bay tàng hình đế quốc’ cũng nhạy cảm. Tôi bảo biên tập viên là tôi hiểu ý ông và đề nghị đổi thành ‘những máy bay tàng hình không người lái’. Biên tập viên nói như vậy cũng chưa ổn, và ‘máy bay tàng hình’ cũng nhạy cảm vì nó đụng đến một đề tài quân sự. Tôi bảo ông thử suy ngẫm một chút: các tiệm sách Trung Quốc có biết bao sách về các đề tài quân sự. Nếu những cuốn sách đều được xuất bản, tại sao tôi thậm chí không thể đụng đến đề tài quân sự? Ông đáp rằng đề tài này không phải để bàn luận, và những từ đó nhất định phải được chỉnh lý. Nhưng vì những từ đó là chủ đề cốt lõi của đoạn văn, không có cách nào chỉnh lý chúng được, nên tôi đành phải viết lại toàn bộ.
Cuốn sách cũng có cụm từ này: ‘Nhóm này chủ yếu gồm dân Hà Nam, ông gọi họ là “mạng lưới Hà Nam” ’. Sách cũng nói đến ‘mạng lưới Quảng Tây’, ‘mạng lưới Sơn Đông’, ‘mạng lưới Tứ Xuyên’, vân vân. Tất thảy đều là những ám chỉ vô hại, nhưng với biên tập viên này, ngay cả kiểu diễn đạt thường nhật này cũng làm nảy sinh vấn đề an toàn vì cụm từ ‘dân Hà Nam’ nghe có vẻ kỳ thị địa phương. Ông đề nghị chúng tôi viết lại là ‘Họ là những nông dân Hà Nam, vì thế mạng lưới này được gọi là mạng lưới Hà Nam, và chủ yếu gồm dân Hà Nam’. Tôi vẫn cự lại và bảo ông đọc lại câu chữ gốc của tôi rồi cho tôi biết có chỗ nào kỳ thị dân Hà Nam hay không. Một vấn đề nữa là tôi không thể nào nhận ra sự khác biệt giữa ngôn từ gốc của tôi và gợi ý của ông. Tại sao chúng tôi phải thay đổi như vậy? Ông đáp rằng bằng cách thay đổi từ ‘dân Hà Nam’ sang ‘nông dân Hà Nam’, những người Hà Nam có trình độ hơn hơn không cảm thấy bị coi thường. Tôi cố mặc cả với ông: “Bản gốc của tôi có hai câu, nếu thành ba câu thì dài dòng quá. Sao ta không cắt câu đầu tiên?” Ông ta suy nghĩ một hồi lâu thật lâu rồi đồng ý, và chúng tôi gút được bản cuối. Bản gốc tôi viết thế này: ‘Nhóm này chủ yếu gồm dân Hà Nam, và nó được gọi là ‘mạng lưới Hà Nam’ ’. Sau khi thay đổi, bản mới trở thành: ‘Nhóm này được gọi là ‘mạng lưới Hà Nam’, nó chủ yếu gồm dân Hà Nam’.
Ở một đoạn khác tôi viết rằng rắm của một kẻ nào đó có ‘hương vị Ấn Độ’. Tôi phải công nhận rằng chỗ này có thể bị xem là hơi dung tục, nhưng hẳn nhiên có gì quan trọng lắm đâu? Nhưng biên tập viên cương quyết bắt tôi thay đổi vì ám chỉ đến Ấn Độ. Về điểm này, ông không chịu nhượng bộ: cái trung tiện mang hương vị Ấn Độ là không được phép. Tôi thông cảm với ông, vì hẳn là ông thực tình sợ gây ra một biến cố ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng tôi cũng tự hỏi liệu Trung Quốc và Ấn Độ có thực sự khai chiến với nhau chỉ vì một cái rắm.
Trong một trong những cuốn sách trước của tôi, xuất bản lần đầu vào năm 2005 và đã tái bản nhiều lần, tôi dùng một thuật ngữ địa lý: Nam Hoa. Tôi ngạc nhiên khi biết cụm từ này giờ đây hóa ra nhạy cảm và biên tập viên nhất quyết đòi đổi. Lý do ông nêu ra là ta không bao giờ thấy cụm từ này trong những ấn phẩm chính thức. Tôi không thể không thắc mắc tại sao những từ dùng được hồi năm 2005 thì không còn được phép dùng vào năm 2010. Sau đó tôi tra tìm trên mạng và phát hiện không chỉ có một khách sạn Nam Hoa, mà còn có một tạp chí Nam Hoa, và một bộ phim tên Nam Hoa (1994) giành được giải Kim Kê. Những cơ quan ngôn luận có thẩm quyền nhất của Trung Quốc cũng dùng đi dùng lại cụm từ ‘Nam Hoa’. Tôi có tin vui để báo: về điểm này, tôi đã thắng.
Như quý vị chắc cũng đã đoán được, biên tập viên này không chỉ bỏ vài từ như ‘dân Hà Nam’, ‘nông dân’, ‘chủ nghĩa đế quốc’ và cái rắm đê tiện, mà còn cắt xén nhiều câu, nhiều đoạn, và thậm chí cả phần và cả chương. Qua nhiều năm kinh nghiệm viết lách và xuất bản, tôi có thể viết ra một ‘từ điển những từ nhạy cảm’, trong đó chắc chắn có những từ như ‘cơ chế’, ‘luật’, ‘chính phủ’, cũng như rất nhiều danh từ khác, một số động từ, không ít tính từ, và thậm chí cả một vài con số đặc biệt. Trong từ điển này, những từ bị cấm dùng cũng bao gồm tất cả các tên tôn giáo, tất cả tên của những người quan trọng, tất cả các quốc gia, đương nhiên gồm cả Trung Quốc, và cả cụm từ ‘người Trung Quốc’. Ở nhiều chỗ trong cuốn sách mới của tôi, ‘người Trung Quốc’ bị đổi thành ‘một số người’, hay thậm chí ‘một số ít người’. Nếu tôi phê bình một số phần của văn hóa Trung Quốc cổ truyền, biên tập viên sẽ đổi nó thành ‘văn hóa quan liêu của Trung Quốc cổ đại’. Nếu tôi nêu ra bất cứ chuyện đương đại nào, ông sẽ yêu cầu tôi nói về Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) hay Võ Tắc Thiên (nữ hoàng khét tiếng nhà Đường) hay Châu Âu hay Thời Trung Cổ. Sau khi cuốn sách này được xuất bản, độc giả có thể nghĩ rằng tác giả bị điên: rõ ràng anh ta viết chuyện đương đại, vậy sao cứ cần phải phê phán Võ Tắc Thiên mãi thế? Phải thôi, độc giả chẳng sai đâu, bởi vì vào thời đại này, ở chốn này, văn chương Trung Quốc bộc lộ những triệu chứng của một căn bệnh tâm thần. Tôi không giống một nhà văn Trung Quốc, mà giống một kẻ mắc bệnh tâm thần hơn.
Có người sẽ nói rằng đừng nên dùng trường hợp của một biên tập viên kỳ khôi để chê trách cả cơ chế. Tôi đồng ý, nhưng vẫn muốn hỏi: Điều gì tạo ra một biên tập viên luôn hoang tưởng sợ sệt như vậy? Tôi thú nhận là nỗi sợ của ông ta đã nhiễm qua tôi, và tôi cũng muốn hỏi cơ chế kiểu gì mà lại khiến tôi, một công dân tuân thủ luật pháp, một nhà văn, phải sống trong nỗi sợ không mô tả được.

Ở đây có nhiều nhà báo và có lẽ nhiều nhà khác nữa, sau này họ có lẽ tường thuật rằng tôi đã có một bài phát biểu khá giận dữ. Tôi đâu có giận; tôi chỉ đang mô tả tình cảnh của mình, vì tôi tin rằng chắc chắn đây không chỉ là tình cảnh của tôi, mà còn là tình cảnh toàn thể giới văn sĩ Trung Quốc đang lâm vào. Và nỗi sợ tôi đang cảm nhận không chỉ là nỗi sợ theo cảm nhận của một nhà văn, mà của tất cả những nhà văn chúng ta. Đáng buồn thay, tôi đã dành nhiều công sức cho việc biên soạn ‘từ điển những từ nhạy cảm’ này, và tôi đã trau giồi nhuần nhuyễn những kỹ năng lọc văn của mình. Tôi biết những từ, những câu nào phải bị cắt, và tôi đã chấp nhận việc cắt xén như thể đó là cách nên làm. Quả thực, tôi thường tự mình cắt bỏ vài từ để tiết kiệm thời gian. Cái này tôi gọi là ‘văn chương bị thiến’ – tôi là một thái giám chủ động, tôi đã tự thiến mình trước khi bác sĩ giải phẫu cầm dao mổ.

Chẳng có gì mới mẻ khi biết rằng trong thế giới này có điều viết được và có điều không được viết; có điều nói ra được, nhưng có điều chỉ có thể nằm trong suy nghĩ. Tiếng mẹ đẻ của chúng ta đã bị cắt thành hai phần: một an toàn, và một đầy rủi ro. Có từ hợp lòng cách mạng, có từ lại là phản động; có từ dùng được, nhưng có từ lại thuộc về kẻ thù. Điều tai hại nhất là dù kinh nghiệm đến thế, tôi vẫn không luôn luôn biết từ nào hợp pháp, từ nào phi pháp, nên tôi thường vô tình phạm ‘tội ác ngôn từ’. Tối hôm qua tôi xem một quảng cáo ở Bắc Kinh hỏi rằng: ‘Bạn sẽ nói gì nếu bạn trở thành vô địch thế giới? Câu trả lời của tôi thế này: tôi là một nhà văn. Thật khó gọi tôi là nhà văn, ngay cả khi tôi đứng trên bục nhận giải thưởng, tôi cảm thấy khó chịu khi gọi mình là nhà văn – tôi chỉ là một tội phạm ngôn từ.
Có người sẽ nói rằng thực tế đành phải vậy thôi. Tôi có cảm giác mình đã sắp bị bóp nghẹt. Tôi đánh vật chọn những từ an toàn trong một bãi mìn ngôn ngữ. Dường như từng từ từng ngữ trong tiếng Trung đều có vẻ đáng ngờ. Tôi muốn nói rằng điều này không chỉ gây hại cho tác phẩm của tôi, mà còn gây hại cho ngôn ngữ chúng ta. Đây là tiếng mẹ đẻ của chúng ta, ngôn ngữ vĩ đại của chúng ta, ngôn ngữ của triết gia Trang Tử, các nhà thơ Lý Bạch và Tô Đông Pha, và đại sử gia Tư Mã Thiên. Có thể cháu chắt của chúng ta sẽ tái khám phá nhiều từ ngữ đẹp mà nay không còn tồn tại. Nhưng đáng buồn thay, ngay cả bây giờ, chúng ta tiếp tục ngạo mạn tuyên bố rằng ngôn ngữ của chúng ta đang thịnh.

Sự thật duy nhất là chúng ta không thể nói sự thật
Quan điểm duy nhất có thể chấp nhận được là chúng ta không thể bày tỏ quan điểm. Chúng ta không thể chỉ trích cơ chế, chúng ta không thể bàn các vấn đề thời sự, thậm chí chúng ta không thể nhắc tới nước Ethiopia xa xôi.

Đôi khi tôi không thể không tự hỏi: Cách Mạng Văn Hóa thực sự đã chấm dứt chưa?

Tại sao Trung Quốc đương đại thiếu tác phẩm phát biểu trực tiếp? Vì những nhà văn chúng ta không thể phát biểu trực tiếp, hay nói đúng hơn, chúng ta chỉ có thể phát biểu một cách gián tiếp.
Tại sao Trung Quốc đương đại thiếu tác phẩm hay phê phán tình cảnh hiện tại của chúng ta? Vì không được phép phê phán tình cảnh hiện tại của chúng ta. Chúng ta không chỉ mất quyền được phê phán, mà mất luôn cả lòng dũng cảm để phê phán.
Tại sao Trung Quốc hiện đại thiếu những nhà văn vĩ đại? Vì tất cả những nhà văn vĩ đại đều bị thiến khi vẫn ươm mầm sáng tác.

Người ta hỏi tôi tại sao tôi viết, và tôi thường trả lời: cho một thế giới rộng lớn hơn. Đó là giấc mơ của tôi. Vì giấc mơ này, tôi có thể chịu đựng một thế giới đầy những búp bê Barbie, nhưng tôi không thể chịu nổi một thế giới bắt buộc những búp bê Barbie phải mang đai trinh tiết.
Tôi biết những lời này không phù hợp cho thời đại này và chốn này. Những lời này có thể bị xem là ngây thơ. Nhưng ở thời đại này và chốn này, tôi vẫn trung thành với kiểu lập luận ngây ngô này: khi chất lượng không khí giảm đi, tôi cảm thấy ta nên làm gì đó, chứ không chỉ ngậm miệng và ngưng thở. Thay vì thế, chúng ta phải hành động, để bảo vệ ngôn ngữ của chúng ta, để làm sạch môi trường của chúng ta. Trên hết thảy, đây là điều một nhà văn nên làm. Chỉ cần phát biểu quan điểm kiểu này là tôi xứng đáng nhận giải thưởng văn học.
Tôi hy vọng chúng ta có thể đồng ý với nhau vài điều:
Văn học không thể phục vụ chính quyền; ngược lại, chính quyền nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để tạo ra môi trường thuận lợi cho văn học.
Nếu chúng ta không thể loại bỏ được kiểm duyệt, thì tôi hy vọng chúng ta có thể nới lỏng hơn một chút về kiểm duyệt; nếu chúng ta không thể nới lỏng được, thì ít nhất hãy để cho chúng ta thông minh hơn một chút.
Nếu thực sự có một ‘từ điển những từ nhạy cảm’, tôi hy vọng rằng nó sẽ được xuất bản; như vậy ít ra chúng ta đều có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và giảm khả năng vô ý phạm những ‘tội ác ngôn từ’.
Nhà văn không nên là con vẹt, không nên là cái loa biết đi, và nhất định đừng nên là những con thú nuôi kiểng suốt ngày nhặng xị; họ nên có một đầu óc trong sạch và phát biểu bằng tiếng nói trung thực. Khi cầm bút, họ không là nô lệ của ai, họ có quyền không thề trung thành với bất cứ ai; và phát biểu sự thật và chân thật với chính lương tâm của họ.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi không phải là một kẻ thù giai cấp, tôi không phải là kẻ phá rối hay kẻ lật đổ chính quyền. Tôi chỉ là một công dân đề xuất ý kiến. Ngôn từ của tôi có thể gay gắt, nhưng xin hãy tin những hảo ý của tôi. Giống như hầu hết mọi người, tôi mơ sống trong một thế giới hoàn hảo, nhưng tôi vẫn sẵn lòng hiến dâng tất cả cho một thế giới không hoàn hảo.
Đọc tại Hội quán Phóng viên Ngoại quốc Hong Kong vào tháng 2/2011. 
Bản tiếng Anh do Harvey Thomlinson, Jane Weizhen Pan và Martin Merz dịch từ tiếng Trung. Nguồn: The New York Times, 6/11/2011.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam chi 1 tỷ đồng đưa xe kéo tay của vua Thành Thái về nước


  Chiếc xe kéo tay vua Thành Thái tặng mẹ

Việt Nam chi 1 tỷ đồng đưa xe kéo tay của vua Thành Thái về nước

Đại Dương

Dân trí Ngày 4/4, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết chiếc xe kéo tay của vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh- cổ vật quý giá của triều Nguyễn đấu giá thành công tại Pháp sẽ được đưa về Việt Nam vào ngày 14/4.

“Theo thông tin mới nhất của đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, chiếc xe kéo tay trên mà ta đấu giá thành công ngày 23/6/2014 sẽ được chuyển về Việt Nam vào ngày 14/3. Như vậy ta hoàn toàn kịp tổ chức triển lãm xe vào đợt 28/4 nhân kỷ niệm 40 giải phóng miền Nam và khai mạc Festival nghề truyền thống Huế” – TS Hải cho hay.
Phía Vietnam Airlines cũng đã đồng ý hỗ trợ 50% kinh phí vận chuyển bằng máy bay và phí bảo hiểm cũng được hỗ trợ 50%. Theo kế hoạch, phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ triển khai để kịp tổ chức đúng thời gian trên.
Địa điểm dự kiến sẽ đặt cổ vật xe kéo là ở tòa nhà Tả Trà thuộc cung Diên Thọ, Đại Nội Huế. Đây cũng là nơi ở của các Thái hậu, Hoàng Thái hậu của triều Nguyễn tại Huế xưa. Thái hậu Từ Minh – mẹ vua Thành Thái đã từng ở đây, nên không gian trưng bày này hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, nhằm tăng thêm phần đa dạng, Trung tâm cũng sẽ triển lãm kết hợp cùng một số xe kiệu vốn có của Di tích.

  Như Dân trí đã thông tin, vào ngày 23/6/2014, phía Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo tay với giá 55.800 euro. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa vì lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công, đưa được cổ vật đã từng là của đất nước ta về lại quê hương. Tuy nhiên, để có được cổ vật có đóng góp và công sức không nhỏ của nhiều phía. Cụ thể UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chi 42.800 euro- tương đương với khoảng 1 tỷ đồng (trước đây tỉnh chỉ duyệt chi 33.000 euro), còn lại 13.000 euro do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vận động bà con kiều bào và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vận động các tổ chức, cá nhân trong nước.  
Chiếc xe kéo tay này được chế tác công phu, rất đẹp. Xe cao 136 cm, dài 230 cm (kể cả phần tay kéo), rộng 102cm được làm chủ yếu bằng kim loại và gỗ. Phần gỗ được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài, khảm xà cừ, một loại hình phổ biến ở các vật dụng bằng gỗ ở hoàng cung xưa. Đặc biệt, các loại hoa văn chạm khảm xà cừ cho thấy đây là các hoa văn thuần Việt và phổ biến dưới thời Nguyễn.
Chiếc ghế trên xe kéo được bọc nỉ với phong cách kiểu dáng Luis (như nhiều ghế khác cùng thời- thường gọi là phong cách Tân cổ điển, hiện còn ở Hoàng cung Huế). Ngoài ra trên xe kéo còn ghi các chữ Hán 東 京 河 內 廣興 造: Đông Kinh, Hà Nội, Quảng Hưng tạo nghĩa là hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội, Bắc Kỳ chế tạo.
  Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện có hàng trăm nghìn cổ vật của Việt Nam và Huế đang lưu lạc ở nước ngoài, trong đó ở Pháp là nhiều nhất – gắn liền với sự kiện thất thủ kinh đô Huế ngày 5/7/1885 (nhằm ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu) khi Pháp tấn công vào kinh đô Huế và lấy đi nhiều cổ vật có giá trị. 
Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự kiện thảm khốc này, đã ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc... Khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5.7.1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ... Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng, hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp”.
Và phần lớn những cổ vật đó, hiện nay đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng tại Pháp.
Theo TS. Phan Thanh Hải cho biết thêm một tin vui là Bộ Ngoại giao hiện đang đàm phán để Việt Nam tham gia công ước quốc tế về trao trả cổ vật. Sau khi Việt Nam tham gia vào công ước này nước ta sẽ có cơ chế đàm phán với các nước thành viên khác để tìm giải pháp đưa cổ vật Việt về quê hương.
 (Nguồn: Dân Trí)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Khi ta biết, ít bị lừa:

THÔNG TIN NHẢM VỀ GIẾT NGƯỜI LẤY TẠNG BÁN!



Gần đây trên báo chí và thế giới mạng đưa tin nhiều phụ nự và bé gái Việt bị bắt cóc đem đi lấy tạng vời hình ảnh rất không đúng. Nên tôi viết ghi ncvhu1 này để các bạn hiểu một chút về ghép tạng.

Ghép tạng là một kỹ thuật phẫu thuật tinh vi và cao nhất hiện nay của y học toàn cầu. Tôi xin tóm tắt đơn giản nhất để mọi người hiểu, mà không bị lừa.

Một đội ngũ ghép tạng gồm 2 ê kíp phải đồng bộ với nhau, được làm việc trong điều kiện vô trùng tuyệt đối và chạy đua với thời gian một cách nghiêm ngặt bằng cách bấm giờ đồng hồ. Hai ê kíp này gồm:

1. Ê kíp lấy tạng và bảo quản tạng từ người cho.

2. Ê kíp ghép tạng từ người cho sang người nhận.

Lấy tạng từ người cho để có thể ghép được vào cơ thể người nhận thì khó hơn là ghép tạng vào cơ thể bệnh nhân. Vì nó đòi hỏi tạng lấy phải giữ nguyên vẹn được tạng, mạch máu, và các bộ phận kèm theo phục vụ cho việc nuôi tạng thật tốt để có thể ghép thành công.

Đội ngũ lấy tạng được đào tạo lâu hơn đội ngũ ghép tạng từ ít nhất là 6 tháng, và dĩ nhiên phải giỏi hơn đội ngũ ghép tạng cho người nhận về mặt kỹ thuật ghép tạng. Trong đội ngũ lấy tạng gồm 3 ê kíp nhỏ:

1. Đội ngũ gây mê.

2. Đội ngũ phẫu thuật.

3. Đội ngũ tẩy sạch tế bào máu và lưu trữ tạng.

Tạng lấy ra xong phải rửa sạch những tế bào máu còn sót bên trong mạch máu để khi ghép giảm thiểu tai biến loại ghép đến tối đa. Sau đó đưa vào dung dịch nuôi dưỡng và điều kiện nhiệt độ tối ưu để tạng có thể sống chỉ trong từ 2-6h đồng hồ là thời gian vàng để ghép lại cho người nhận được.

Vì thế khi tiếng hành ghép tạng là luôn luôn có 2 ê kíp song hành lấy và ghép tạng phải khớp nhau thời gian thì khả năng tạng sống sau ghép đạt hiệu quả cao nhất. Nếu không thì tạng sẽ chết hoặc bị tai biến loại ghép sau ghép.

Những trường hợp ghép tạng theo chương trình đã chuẩn bị kỹ thì đã khó. Nhưng ghép cấp kỳ trong trường hợp những người hiến tạng tử vong do tại nạn không báo trước thì rất khó khăn, và đòi hỏi sự đồng bộ và cấp kỳ. 

Lịch sử ghép tạng có những giai đoạn rất đáng ghi nhớ. Giai đoạn đầu là sự bùng nổ và hưng phấn tích cực vì lòng nhiệt thành cứu sống người bệnh. Sau đó, bây giờ là sự điềm tỉnh và có chuẩn của nó. Ví dụ như câu chuyện tôi ví dụ sau đây:

Ở các quốc gia phương Tây và Bắc Mỹ do điều kiện thời tiết mùa Đông bão tuyết, các người hiến tạng nhiều khi chết bất đắc nghì tử, thì phải lấy tạng cấp kỳ. Trong khi đó, người đăng ký ghép tạng thì rất đông đang chờ đợi. Tình huống này xảy ra khi người hiến thì ở 1 tiểu bang hay 1 tỉnh cách xa nhiều ngàn km. Cho nên, các trung tâm ghép tạng liên lạc nhau về thông tin người nhận tạng, để khi có trường hợp có tạng bất ngờ thì báo nhau, rồi 2 bên cùng thực hiện lấy và chuẩn bị ghép tạng. Có những trường hợp mà cả ê kíp lấy tạng chết vì rơi máy bay do bão tuyết, vì sau khi lấy tạng ở Wasington state hay California,  rồi phải mang tạng đó sang Machachusetts để ghép tạng vào người nhận trong bão tuyết. Nếu quá trình vận chuyển tạng này mà chậm trễ thì tạng sẽ khó lòng ghép vào cho người nhận thành công.

Sau những cái chết oan uổng của đội ngũ lấy và ghép tạng vì trên đường đem tạng nđi ghép. Giờ đây các trung bta6m ghép tạng gần nhau liên kết với nhau làm sao cho việc chuyển tạng lâu nhất không được quá 3h đồng hồ và phải an toàn tuyệt đối cho đội ngũ chuyển tạng.

Sau ghép là quá trình phục hồi, và cả một thời kỳ còn lại người nhận phải dùng thuốc chống loại ghép rất tốn kém. Nên ghép tạng là một phẫu thuật chỉ dành cho người giàu. Người nghèo chỉ có thể ghép được khi và chỉ khi có sự tài trợ của các hãng dược đa quốc gia, hoặc các tổ chức lớn có kinh tế giàu mạnh, thì mới lo nổi cả một thời gian dài về thuốc men cho người được ghép.

Hơn nữa, không có bệnh viện nào trên thế giới này chấp nhận giết người lấy tạng bán cho người khác ghép vào. Nên chuyện mua tạng từ các tổ chức giết người lấy tạng là một tội ác, không chỉ là vi phạm đạo đức ngành y, mà còn là tội ác của nhân loại. 

Tạm thời là thế để mọi người đừng dễ tin khi thấy một tấm hình chỉnh sửa kiểu lấy tạng như ở các lò mổ thịt súc vật bán ngoài chợ, như hình đã đưa trong bài viết này.

Asia Clinic, 7:53' Chúa Nhật, 05/4/2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gom đầy túi tiền, đại gia ngàn tỷ rút êm cùng vợ con


Nhiều đại gia có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã biến mất với túi tiền đầy ắp. “Nô nức” rời sàn
Dù kinh doanh hiệu quả hay phải đối mặt với những khoản lỗ khủng, một số doanh nghiệp vẫn chọn cách hủy niêm yết hoặc buộc phải hủy niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vì những mục đích riêng của mình.
Cuối 2014, đầu 2015 là khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp “nô nức” rời sàn. Cổ phiếu ALP của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam là một trong những cổ phiếu gây được nhiều chú ý nhất khi tự chấm dứt cuộc chơi trên sàn Tp.HCM.
Theo đó, 30/12/2014 là phiên giao dịch cuối cùng của ALP, cổ phiếu lừng lẫy một thời trên thị trường OTC. ALP hủy niêm yết tự nguyện khi liên tục công bố những khoản lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm kể từ 2012.
đại-gia, Nguyễn-Tuấn-Hải, Alphanam, Nguyễn-Ngọc-Mỹ, ái-nữ, nghìn-tỷ, con-gái, ông-chủ
Nguyễn Ngọc Mỹ, con gái Chủ tịch Alphanam
Cổ đông ALP thấu hiểu được nguyên nhân Alphanam liên tục đạt lợi nhuận âm. Đó là Alphanam có xu hướng đầu tư theo Warrant Buffet, rót vốn vào hàng loạt công ty thua lỗ với giá rẻ. Vì vậy, trong báo cáo hợp nhất, Alphanam phải hạch toán những khoản lỗ khủng của công ty con.
Dù thấu hiểu nhưng cổ đông không thông cảm. Chính vì vậy, thị giá của ALP tuột dốc và dừng ở mức 3.400 đồng/CP trong phiên giao dịch cuối cùng. Có thể thấy, thị giá ALP thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá (10.000 đồng/CP).
Trong khi đó, MPC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú rời sàn trong tư thế “ngẩng cao đầu” hơn. MPC hủy niêm yết dù lợi nhuận sau thuế 2014 là con số cao ngất ngưởng 755 tỷ đồng. MPC dừng cuộc chơi vì kế hoạch tăng vốn trên thị trường chứng khoán không thành.
MPC là trường hợp hi hữu rời sàn trong tư thế “ngẩng cao đầu”. Đầu năm 2015, nhiều cổ phiếu khác cũng dừng cuộc chơi trên thị trường chứng khoán nhưng chủ yếu là bị bắt buộc sau chuỗi năm kinh doanh bết bát.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, bên cạnh MPC, có tới 6 mã phải dừng cuộc chơi. Đó là VNI (Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam), HSI (Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa sinh), NHW (Công ty Cổ phần Ngô Han), HLA (Công ty Cổ phần Hữu Liên Á Châu), SBC (Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn), DBF (Công ty Cổ phần Lương thực Đông Bắc).
Biến mất với túi tiền đầy ắp
Đa số các cổ phiếu bị hủy niêm yết đều có điểm chung là công ty kinh doanh bết bát, các chủ sở hữu không còn nhiều tiền khi thị giá cổ phiếu xuống quá thấp. Tuy nhiên, MPC và ALP là những trường hợp cá biệt.
Dù tạm biệt thị trường chứng khoán ở mức giá rất thấp, chỉ 3.400 đồng/CP nhưng ALP vẫn đủ sức giúp các chủ sở hữu giữ được khối tài sản không hề nhỏ.
Cụ thể, với việc nắm giữ hơn 116 triệu cổ phiếu ALP, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam có khối tài sản trị giá hơn 395 tỷ đồng. Với số tiền này, ông Hải có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng hai con của ông Hải là Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ cũng là triệu phú khi mỗi người sở hữu lượng cổ phiếu ALP trị giá 32,6 tỷ đồng.
Trong đó, ái nữ 9X Nguyễn Ngọc Mỹ của ông Hải thậm chí còn nổi tiếng hơn bố khi liên tục được báo chí nhắc tới. Cô được tôn vinh là tiểu thư vừa giàu có, giỏi giang và xinh đẹp.
Trong khi đó, MPC rời sàn trong tư thế “ngẩng cao đầu”. Sau khi thông tin MPC hủy niêm yết được công bố chi tiết, MPC giảm giá mạnh, xuống “đáy” 82.000 đồng/CP vào ngày 18/3. Thế nhưng, MPC đã có cú đảo chiều ngoạn mục khi công ty thủy sản Minh Phú công bố sẽ trả cổ tức 50% cho nửa năm 2014. Điều đó có nghĩa, cổ tức cả năm 2014 của công ty là 100%, tỷ lệ rất cao.
Đóng cửa phiên cuối cùng trong ngày 30/3/2015, MPC vọt lên 122.000 đồng/CP, tăng 40.000 đồng/CP, tương ứng gần 50% so với “đáy”. Đà tăng ngoạn mục này giúp tài sản của các cổ đông lớn của MPC cải thiện rất nhiều.
Cụ tới, tính theo thị giá MPC ngày 30/3, giá trị tài sản của bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là 2.132 tỷ đồng. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú sở hữu khối tài sản lên tới 1.947 tỷ đồng. Cả hai vợ chồng ông Quang, bà Bình đều có mặt trong Top 10 người giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ có vậy, người thân của hai vị đại gia thủy sản này cũng “biến mất” với túi tiền đầy ắp. Lê Thị Dịu Minh, con gái ông Quang đang nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu MPC với giá trị 385 tỷ đồng. Ông Lê Văn Điệp, em trai ông Quang là triệu phú với 240 tỷ đồng. Ông Chu Văn An, anh bà Bình cũng giàu có với 135 tỷ đồng.
(Theo VTC News)
 http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/230157/gom-day-tui-tien--dai-gia-ngan-ty-rut-em-cung-vo-con.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một cái nhìn khác về quan hệ Việt-Mỹ

ngoai-truong-kerry-moi-ptt-pham-binh-minh-tham-my
Tác giả: Đinh Hoàng Thắng
Quốc gia đang bị xếp vào loại kém phát triển như Việt Nam, chưa hẳn đã là hay khi thường xuyên phải xuất hiện trên các trang nhất báo chí và truyền thông quốc tế. Đặc biệt là xuất hiện trong tương quan giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nước lớn được cho là sẽ quyết định vận mệnh tương lai của khu vực và thế giới trong thế kỷ 21.
Dù sao mặc lòng, sau 40 năm cấm vận, tin Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí để giúp Việt Nam bảo vệ biển đảo, vẫn đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Quyết định lịch sử này đã được Ngoại trưởng John Kerry thông báo với đồng nhiệm Phạm Bình Minh trong những ngày đầu tháng Mười vừa qua tại Washington DC. Nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ bán máy bay tuần tra trên biển loại P3 Orion từng được quân đội nước này sử dụng.
Cân bằng địa-chính trị
Tuy nhiên, P3 chưa hẳn là vũ khí vạn năng. Vấn đề mấu chốt hơn là đừng để sau khi mua máy bay do thám về, thần Kim Quy lại tái hiện và kêu lên rằng, giặc đang ở sau lưng nhà vua đấy! Bởi lẽ giữa ngoại xâm và nội xâm, hai thách thức ấy đều gay gắt như nhau. Tham nhũng, mất dân chủ, đời sống văn hóa-giáo dục-kinh tế xuống cấp… những đe dọa này ai dám nói ít nguy hiểm hơn các hành động ngang ngược và hiểm hóc của Trung Quốc trên biển đảo hiện nay? Quốc dân đồng bào trong, ngoài nước ngày càng bức xúc trước việc Bắc Kinh mở rộng đảo Gạc Ma lên 100 ngàn m2. Cùng với cái gọi là “khai hoang” các bãi đá Chữ Thập, Tư Nghĩa, Châu Viên, Gaven và Subi (thuộc quần đảo Trường Sa), Trung Quốc đã làm biến dạng các thực thể địa lý đáng ra là những đảo tiền tiêu của Việt Nam trên Biển Đông thành dãy hành lang trổ ra đại dương, tựa như một cụm các hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm của họ.
Trong bối cảnh ấy, tư duy và hành động một cách thấu đáo hơn để kiến tạo nên một sức mạnh mềm nhằm quy tụ các lực lượng cân bằng và đối trọng trong khu vực là điều cấp bách. Trước sự cạnh tranh gay gắt, hợp tác cầm chừng hay mở rộng bang giao trong quan hệ Trung-Mỹ vào thập niên tới, Việt Nam làm thế nào để giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo, vẫn là bài toán lưỡng nan, cho dù chúng ta có trong tay bất cứ vũ khí hiện đại nào. Về mặt này, hẳn nhiên một mình yếu tố địa-chính trị của Việt Nam chưa đủ. Sự vênh nhau về thể chế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ còn là lực cản. Sức ép của Trung Quốc nhằm giảm thiểu xung lực trong quan hệ Việt-Mỹ cũng là yếu tố không thể coi thường. Mặt khác, hiện vẫn còn thiếu vắng một cộng đồng ASEAN thống nhất theo đúng nghĩa. Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc chưa hoàn thành xong quá trình định chế hóa chương trình hành động để đối phó với các thách thức liên khu vực.
Đa phần giới quan sát quốc tế dịp này đều công nhận, tuyên bố nới lỏng cấm vận đánh dấu một bước tiến lớn trong liên hệ quốc phòng hai nước theo thỏa thuận “đối tác toàn diện” ký kết năm 2013. Dấu hiệu tích cực này cho thấy sự tin cậy lẫn nhau mang tầm chiến lược giữa Washington và Hà Nội đang ngày càng gia tăng. Sự kiện này không chỉ giúp tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng, mà cả quan hệ chính trị giữa hai đối tác đặc biệt. Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, dỡ bỏ “nhẹ” lệnh cấm bán vũ khí là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng, giúp thúc đẩy các quan hệ hợp tác khác trong tương lai. Quan chức này cũng tiết lộ, Mỹ đã tăng ngân sách cho chương trình bán thiết bị quân sự nước ngoài (FMS). Chương trình này sẽ hỗ trợ Việt Nam mua sắm các thiết bị quốc phòng cần thiết.
Tuy nhiên, sự cân bằng giữa Việt Nam với các nước lớn chỉ có thể trở thành sức nặng trên bàn cờ địa-chính trị nếu “lòng tin chiến lược” của các bên từ nay vượt được lên trên làn ranh “ý thức hệ”. Sự vênh nhau về thể chế giữa hai nước vẫn còn là lực cản. Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ “lòng tin chiến lược”, vừa hô hoán chống “diễn biến hòa bình”. Thay đổi não trạng, vì vậy, là vấn đề mấu chốt từ nay nếu cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ thực sự cho rằng một kỷ nguyên mới đang đón đợi tương lai mối quan hệ song phương đầy duyên nợ này. Hoa Kỳ, hơn một lần đã tuyên bố ở mức cao nhất (các đời Tổng thống Mỹ gần đây đều cam kết trực tiếp), tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trục chống phát xít Xô-Mỹ-Anh trước đây, mặt trận toàn cầu chống ISIS hiện nay (có tin Mỹ cũng đang vận động Trung Quốc tham gia) đã và đang là những giá trị làm nên mảng sáng trong lịch sử nhân loại.
Thỏa thuận Mỹ-Việt vừa công bố thật ra vượt ra ngoài khá xa câu chuyện vũ khí. Đây là câu chuyện vật đổi sao dời trong bang giao quốc tế ở khu vực và cả trên cấp độ toàn cầu. Cái dàn khoan 981 của Trung Quốc cắm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như cách hành xử bất chấp đạo lý và bất tuân luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong, trước và cả sau “thời gian giàn khoan” làm thế giới phải giật mình. Các nhà chiến lược đang tập trung tìm câu trả lời: Trung Quốc muốn gì? Cái vạc dầu châu Á bị “hun” thêm như báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên Thái Bình Dương yên tĩnh. Thế nhưng chính vào lúc “dầu sôi lửa bỏng” này, từ EU đến Nhật Bản, từ Ấn Độ đến Hàn Quốc và Úc châu đều lại chìa bàn tay tin cậy cho Việt Nam. Câu hỏi “Tại sao Việt Nam” một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của nhân loại? (“Why Vietnam?” là hồi ký về chiến tranh Việt Nam).
Di sản như một minh triết
Cách đây hơn 150 năm, chủ yếu bằng ngoại giao, vua Tự Đức cũng đã kiên trì nổ lực nhằm cứu vãn chủ quyền đất nước, nhưng không thành công. Trong Luận văn tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi, giảng viên Đại học Tokyo đã đúc kết bốn nguyên nhân khiến Việt Nam lúc bấy giờ không đương đầu nổi với các áp đảo hung hãn từ bên ngoài. Lý do đầu tiên là lòng dân, yếu tố quan trọng nhất quy tụ mọi lực lượng quốc gia, bị ly tán. Những lý do kế tiếp là sự yếu kém về kinh tế, sự tụt hậu về chính trị và cuối cùng là gánh nặng về di sản. Cả bốn yếu tố này đã hủy hoại sức đề kháng của đất nước, khiến cho thế quân bình với hai cường quốc lúc bầy giờ là Pháp và Trung Hoa bị sụp đổ. Thay vì vượt qua được cơn nguy khốn, hoạt động ngoại giao của chính quyền (vừa cầu hòa với Pháp, vừa triều cống Trung Hoa) đã dẫn đến các xung đột mà chiến trường lại diễn ra ngay trên đất nước Việt Nam.
Dường như có một số điều nào đó từ các nguyên nhân “gốc rễ” kể trên mà tận cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn vướng bận chưa giã từ được dĩ vãng. Giờ đây, nếu nhìn Việt Nam không như một thực thể chính trị, mà xét từ một góc độ khác – mổ sẻ sâu hơn vào cái bản thể xã hội – nhìn thấu cái “tạng” của quốc gia-dân tộc mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự thành bại trong việc đối phó với các thách thức “định mệnh” tới đây vẫn nằm sâu trong bản sắc văn hóa. Vua Tự Đức và các lão tướng thời ấy đã bị đánh gục không phương cứu chữa là do tất cả đều bị cầm tù bởi cái ý thức hệ và nền văn hóa chính trị quá lạc lõng. Và kết cục là Việt Nam đã tụt hậu hơn đối thủ cả một thời đại. Không thua mới là chuyện lạ và có thể coi các bậc tiên tổ từng chiến bại ấy chính là “những anh hùng lạc thời đại”(từ của Nguyên Ngọc).
Từ di sản quá khứ, cái “minh triết bảo thân” đang thúc đẩy chúng ta phải gấp rút tiến lên cùng thời đại. Thật là quá bất cập nếu quản trị đất nước bằng tư duy của các thế kỷ trước. Khó có thể phát huy hiệu quả các loại quan hệ, dù là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” với cộng đồng quốc tế nếu bản thân quốc gia lại theo đuổi một pe-rơ-đam lạc lõng. Thật khó thuyết phục, khi trong bang giao, chúng ta kêu gọi áp dụng các quy chuẩn của pháp quyền như viện dẫn Hiến chương LHQ, Luật UNCLOS hay COC… nhưng lại chưa thật sự chú ý ưu tiên các giá trị phổ quát ấy trong nội trị hay trong đàm phán các hiệp định quốc tế như WTO hay TPP. Thế kỷ 21 này là thế kỷ của tự do và sáng tạo. Mọi lý thuyết và mô hình, kể cả những thứ đã làm nên phép lạ ở các nước Nhật Bản, Tây Âu hay Hoa Kỳ cũng đều đang được điều chỉnh lại và tái cấu trúc.
Ngoại trưởng John Kerry trong buổi gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đã ca ngợi Việt Nam ngày nay là một đất nước hiện đại. Tuy nhiên, là người trong cuộc, chúng ta hiểu hơn ai hết, khoảng cách giữa một Việt Nam còn phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức kép và một Việt Nam đàng hoàng, thịnh vượng trong tương lai. Trước đây phần tư thế kỷ, nhà thơ Nguyễn Duy từng cảm thán, sau lưng chúng ta là những kỷ niệm bi tráng, trước mặt chúng ta là con đường gập ghềnh. Vậy mà bao nhiêu trái tim ấy vẫn nhiễm bệnh “đập cầm chừng”? Bao nhiêu khối óc ấy vẫn mắc chứng “khối u tự mãn”? Chúng ta hãy mau chóng hành động khẩn trương, đừng ngồi yên ca mãi khúc nguyện cầu “đánh thức tiềm lực!”
Đừng lặp lại lịch sử để rồi bị coi là “những anh hùng lạc thời đại”, càng không thể để láng giềng phương Bắc gọi chúng ta là “những đứa con hoang đàng”.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.
Nguồn:
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/10/08/mot-cai-nhin-khac-ve-quan-he-viet-my/#sthash.X
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khoảnh khắc không gì là không thể

Hanoi,_The_uprising_on_August_19,_1945

Nguồn: David G. Marr, “A moment when everything seemed possible”, Inside Story, 10/10/2013.
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
David G. Marr mô tả sự ra đời tác phẩm mới của mình, một cái nhìn chi tiết về bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Tôi bắt đầu tiếp xúc với Việt Nam vào những năm 1960, tự hỏi vì sao có quá nhiều người kể về nơi họ đã ở và những việc họ làm trong giai đoạn 1945-46 với một vẻ hào hứng đến vậy. Nhưng những tài liệu của Việt Nam về thời kỳ này quả thật rất khó tìm kiếm. Những thư viện hay tiệm sách ở Sài Gòn hầu như chẳng có gì. Tôi tìm được một hiệu sách thiên tả tại Hồng Kông có bán những ấn phẩm xuất bản định kì từ Hà Nội, đáng chú ý là Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Năm 1964, một ngày nọ, hai đặc vụ FBI tới ký túc xá sinh viên sau đại học trường Berkeley của chúng tôi và hỏi lý do tôi đặt nhận những ấn phẩm tuyên truyền của kẻ thù qua đường bưu điện.
Vào năm sau đó, khi đang nghiên cứu về phong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên ở Sài Gòn, tôi được Đại tá Phạm Ngọc Liễu (chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa) giao cho một số lượng lớn các ấn phẩm bị tịch thu từ Hà Nội. Đây đúng là thứ khơi gợi cảm hứng cho tôi, tuy vậy chúng khó có thể được sử dụng cho một luận án tiến sĩ.
Luận án và cũng là cuốn sách đầu tiên của tôi, với tựa đề “Người Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân, giai đoạn 1885-1925” (Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925), tập trung vào thiểu số người Việt phản kháng sự chiếm đóng và thuộc địa hóa của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ để lại một di sản toàn những thất bại nhuốm màu chủ nghĩa anh hùng, đồng thời là một thách thức trực tiếp đặt ra cho thế hệ mới gồm những người trẻ tuổi được hưởng nền giáo dục của Pháp: làm sao để học được từ sai lầm của người đi trước.
Cuốn sách thứ hai của tôi, “Truyền thống Việt Nam trong thời kì thử thách, 1920-1945” (Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945), nói về giới trí thức của thế hệ này khi họ tranh luận các vấn đề về đạo lý và chính trị, ngôn ngữ và văn học, địa vị của phụ nữ, những bài học từ quá khứ, sự hài hòa và tranh đấu, sức mạnh tri thức và tập quán chính trị. Những cuộc thảo luận sôi nổi này diễn ra giữa những thay đổi nhanh chóng về kinh tế-xã hội, những thay đổi liên tục trong chính sách thực dân của người Pháp, và cuối cùng là tình trạng rối loạn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Không chỉ những trí thức, mà những người Việt Nam khác cũng trở nên tin tưởng rằng cuộc đời không phải được định trước, rằng tất cả mọi người trên thế giới đều có thể chạm tới tự do và hiện đại, và rằng một cá nhân có thể hợp sức cùng với những người khác để tạo ra sự thay đổi.
Trong cuốn sách thứ ba, “Việt Nam 1945: trong cuộc cạnh tranh giành quyền lực (Vietnam 1945: The Quest for Power), tôi cố gắng thể hiện một cách sống động các sự kiện và giải thích ý nghĩa quan trọng của cột mốc mà người Việt vẫn gọi là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trước tiên tôi nghiên cứu tỉ mỉ giai đoạn năm năm trước đó, khi người Pháp của chính phủ Vichy,[1] người Nhật, người Trung Quốc, người Mỹ, người Anh, người Pháp Tự do,[2] những người cộng sản và những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc, tất cả đều cố gắng kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến các diễn biến ở Đông Dương.
Vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Quân đội Nhật Bản lật đổ chính quyền thực dân Pháp, điều này có nghĩa Pháp đã bị loại khỏi cuộc chơi trong sáu tháng quyết định sau đó. Người Việt Nam nhanh chóng nhận ra rằng họ có thể xuất bản tài liệu, tổ chức và biểu tình đòi độc lập dân tộc, miễn là không gây trở ngại đến sự chuẩn bị phòng vệ của quân Nhật. Lực lượng kháng Nhật Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, hay còn gọi là Việt Minh, tiếp tục tán dương những thắng lợi của phe Đồng minh và lên án “giặc lùn” [nguyên văn dwarf bandits, ý chỉ quân Nhật – ND], nhưng phần lớn tránh các cuộc đối đầu nhằm giành thời gian cho việc tuyển quân và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa cuối cùng. Ở một số địa phương, nông dân đột kích các kho thóc, tịch thu tài sản của địa chủ, bắt giam các lý trưởng và buộc các quan huyện phải bỏ trốn để giữ lấy tính mạng.
Tin tức về Tokyo đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 15/8 nhanh chóng lan truyền khắp Việt Nam, châm ngòi cho sự bùng nổ các cuộc biểu tình tuần hành, chiếm đóng các cơ quan chính phủ, đốt hủy tài liệu và hình thành các ủy ban cách mạng. Thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) nắm được quyền kiểm soát Hà Nội, Huế, Sài Gòn và một số tỉnh thành dưới danh nghĩa Việt Minh, trong khi ở các nơi khác, các nhóm thanh niên cũng tự mình đạt được những thành công tương tự.
Đó là một khoảnh khắc mà mọi thứ dường như đều khả thi, khi mọi người cảm thấy họ đang làm nên lịch sử, chứ không chỉ chứng kiến nó. Một vài sĩ quan chỉ huy Nhật đã giao nộp lại những kho vũ khí và đạn dược chiếm được từ quân Pháp. Lực lượng nòng cốt Việt Minh, vốn đã xác nhận đứng cùng phe với quân Đồng Minh, hiện nắm giữ một lợi thế tuyên truyền lớn hơn hẳn những nhóm hội trước kia bắt tay với Nhật. Kết quả là phần lớn các nhóm thanh niên sớm đầu hàng Việt Minh và lặp đi lặp lại những khẩu hiệu của tổ chức này, mặc dù họ chưa hề tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Minh và chẳng có khái niệm gì về cương lĩnh của Việt Minh nói chung.
Cuốn Việt Nam 1945 kết thúc ở ngày 2/9, khi những đám đông lớn tập trung tại Hà Nội và Sài Gòn để đón mừng độc lập dân tộc. Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Chủ tịch lâm thời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới, đã đọc một bản tuyên ngôn độc lập ngắn để tuyên bố với thế giới cũng như người dân trong nước. Những chiếc loa phóng thanh đảm bảo rằng khán thính giả không chỉ nghe được những gì ông Hồ và người khác nói, mà còn phản hồi một cách vang dội và hân hoan vô số lần. Sau khi Hồ Chí Minh kết thúc buổi mít-tinh, quân đội Việt Minh xuống phố tuần hành, tản ra và hòa chung vào với không khí tưng bừng cho tới giờ giới nghiêm.
Tuy nhiên, tại Sài Gòn, khi thành viên của Ủy ban Hành chính Nam Bộ vừa kết thúc bài phát biểu thì tiếng súng nổ ra ở vùng ngoại thành, dân chúng hoảng loạn. Đám đông bắt đầu tiến hành lùng bắt người Pháp, giết một số người, đánh đập những người khác, và khủng bố phần còn lại. Hai cái kết – một trật tự, một hỗn loạn – đã cho thấy những cuộc nổi dậy Tháng Tám của quần chúng có thể lái Việt Nam theo những hướng đi hoàn toàn khác nhau. Người dân nhận thấy cuộc sống của họ đã thay đổi mãi mãi, nhưng không ai có thể nhìn trước được tuần sau mọi thứ sẽ thế nào, nói gì đến những tháng năm về sau.
Cuốn sách mới của tôi, có tên Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng” (Vietnam: State, War and Revolution), tập trung vào các sự kiện diễn ra trong 16 tháng tiếp theo, khi đường hướng tương lai của Việt Nam đã được xác định. Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa bắt đầu hoạt động, lực lượng quân đội quốc gia được hình thành. Nhật Bản, Anh, Mỹ và Trung Quốc mờ nhạt dần trong cán cân quyền lực tại Đông Dương, trong khi Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nỗ lực tìm cách đạt được lợi thế. Một nạn đói nữa hầu như đã được ngăn chặn, tài sản của người Pháp bị sung công và những chiến dịch gây quỹ không chính thức được tiến hành song song với hoạt động thu thuế chính thức. ĐCSĐD dần dần mở rộng sự kiểm soát đối với các lực lượng Việt Minh địa phương, rồi tạo áp lực buộc các đảng khác phải chấp nhận quyền lãnh đạo của đảng này, nếu không sẽ bị coi là phe phản bội. Hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em tham gia các đoàn thể ở địa phương để bảo vệ và phát triển đất nước. Mùa hè năm 1946, tại Paris, Hồ Chí Minh cố gắng thương thảo một dàn xếp, nhưng căng thẳng lại gia tăng ở Việt Nam. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Pháp chiếm Hải Phòng vào tháng 11, và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động tấn công tại Hà Nội và nhiều nơi khác vào ngày 19 tháng 12. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã kéo dài thêm 7 năm rưỡi.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tiếp tục tồn tại và ngày càng chiếm ưu thế rộng rãi nhờ sự tham gia rộng lớn chưa từng thấy của quần chúng nhân dân, mà phần lớn trong số họ chưa bao giờ bắn một phát đạn nào trong cơn giận dữ. Người dân tham gia vì lý do gì và bằng cách nào là những câu hỏi mà tôi tiếp cận từ nhiều góc độ. Rõ ràng bên cạnh việc đánh bại kẻ thù, cá nhân mỗi người đều có những khát vọng khác. Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đảm nhiệm nhiều chức năng không liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh vũ trang, mặc dù chính quyền thường gán mục đích kháng chiến cho những việc này. ĐCSĐD cũng dùng cuộc chiến để hợp thức hóa việc nắm quyền của mình. Trong quá trình nỗ lực để kiểm soát nội bộ, chiến tranh và cách mạng, đã xuất hiện những hậu quả không tiên liệu được trước mà người Việt chấp nhận phải sống cùng hàng thập niên sau này.
Tôi thường tự hỏi mình câu hỏi tương tự câu hỏi Thomas Carlyle đặt ra khi ông bắt tay vào viết về lịch sử của cuộc Cách mạng Pháp: “Mọi thứ ở đó như thế nào?”. Không có được tài năng kịch nghệ như Carlyle, tôi không thể dựng lên được một Mirabeau hay Robespierre[3] của Việt Nam. Các nhân vật nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh luôn ở trên sân khấu, nhưng tôi cũng có cùng niềm hứng thú với những câu chuyện về các nhà hoạt động trẻ tuổi trong Việt Minh, về những dân oan đang bất bình ở làng quê, về những vị chủ tịch ủy ban tỉnh, về các cựu viên chức (fonctionnaire) của chính quyền thuộc địa, về những anh phóng viên đầy phấn khởi, và về các em học sinh trung học Nam tiến để chiến đấu với người Pháp, với hành trang độc một con dao rựa.
Các tài liệu, tạp chí và sách xuất bản trong thời kỳ 1945-46 là nguồn động lực cho tôi trong suốt hàng năm trời, để mỗi buổi sáng tôi thức giấc, tìm cách giải quyết các bằng chứng rời rạc, tìm ra các mẫu hình và cả các mâu thuẫn nữa, và sau đó cố gắng dựng lên một câu chuyện lịch sử về cách con người phản ứng và tạo nên sự kiện tại một địa điểm và thời gian cụ thể. Thú vị nhất là bộ sưu tập tư liệu gouvernement de fait (chính phủ lâm thời) tại Viện lưu trữ Quốc gia về nước ngoài ở Aix-en-Provence: bảy mươi tám thùng carton chứa tài liệu về nhà nước Dân chủ Cộng hòa do Quân đội Pháp đóng tại Hà Nội chiếm được vào cuối năm 1946. Đó là một bằng chứng cho thấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cực kì hoang mang vào đêm 19/12/1946, đến nỗi hai tiếng trước khi cuộc tấn công bắt đầu, các thư ký chính phủ vẫn ngồi tại bàn làm việc ở Hà Nội, và sau đó họ không kịp hủy hàng ngàn tập tài liệu đặt ở tầng hầm Văn phòng miền Bắc trước khi rời đi.
Nếu như cuốn sách này được viết hai mươi năm trước đây, những người quan sát Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra những luận điệu chính trị, các giả định chính sách và thái độ của người dân những năm cuối thập niên 1940. Ở hiện tại, quá nhiều thứ đã thay đổi. Giữa những câu chuyện ngày nay về điện thoại di động, các thị trường năng động, các nhà đầu tư nước ngoài, nhà máy giầy Nike và những gia đình thượng lưu mới, những chuyện kể về chiến tranh và cách mạng có vẻ đã cổ lỗ, không hợp thời. Những người Việt trẻ vẫn cần phải học về cuộc kháng chiến chống Pháp đủ để vượt qua các bài kiểm tra và kì thi ở trường học, nhưng ngoài ra thì thời kì này dường như trở nên xa cách và chẳng quan trọng nữa. Những người Việt trẻ theo học ở phương Tây cho rằng chẳng thể tìm hiểu được điều gì quan trọng về nhà nước Dân chủ Cộng hòa, Việt Minh hay cuộc kháng chiến trong tất cả những chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản.
Tuy vậy còn nhiều thể chế nhà nước được hình thành cuối thập niên 1940s vẫn tồn tại không suy chuyển ở Việt Nam ngày nay, cũng như niềm tin của nhân dân vào tính hiện đại, hay sự hiệu quả của quy mô và sự tập trung quyền lực. Ngay dưới lớp bề mặt này, nỗi sợ hãi trước sự can thiệp hay lôi kéo từ bên ngoài cũng vẫn còn tồn tại dai dẳng. Đảng sẽ tiếp tục dựa vào những thành tựu của Cách mạng tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp để biện minh cho nền chuyên chính của mình. Những người chỉ trích đảng đôi khi nhắc lại thời kì báo chí tương đối tự do năm 1945-46, cuộc tổng tuyển cử toàn quốc tháng 1/1946, Đảng Dân chủ, và Hiến pháp tháng 11/1946, nhưng họ lại thiếu kiến thức chi tiết về từng sự kiện.
Năm 1995, khi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức một hội thảo ở Hà Nội để luận bàn về cuốn “Việt Nam 1945” của tôi, một số người tham gia đã phản đối quan điểm: “sự thật duy nhất trong lịch sử là chẳng có sự thật lịch sử nào cả, mà đó chỉ là vô vàn những trải nghiệm.” Trái lại, chỉ duy nhất một người chỉ trích tôi vì đã coi nhẹ vai trò của ĐCSĐD trong lịch sử, trong khi một vài người khác chọn cách kể lại những trải nghiệm cá nhân trong năm 1945 để ngầm ủng hộ luận điểm của tôi. Ngày nay, thế hệ trẻ ở Việt Nam có vẻ ít bị trói buộc bởi các sự thật lịch sử, và sẵn sàng phản biện lại những lời giáo điều. Tôi thực sự trông chờ những cuộc tranh luận sôi nổi và sinh động như vậy.
David G. Marr là Giáo sư hưu trí bộ môn Lịch sử tại Đại học Quốc gia Australia. Bài viết là một phần trích đã được biên tập từ tác phẩm Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng (Vietnam: State, War and Revolution, University of California Press).
—————
[1] Chính phủ Vichy hay Vichy là thuật ngữ thường được dùng để miêu tả chính phủ Pháp hợp tác với phe Trục từ tháng 7/1940 đến tháng 8/1944 trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chính phủ này chính thức gọi mình là Quốc gia Pháp (État Français) và do Thống chế Philippe Pétain đứng đầu, ông thành lập chính phủ này sau thất bại quân sự của Pháp trước Phát xít Đức. [ND]
[2] Pháp quốc Tự do (tiếng Anh: Free France, tiếng Pháp: France libre) là một tổ chức chính trị lưu vong người Pháp chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã đối với Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, được thành lập tại London bởi tướng de Gaulle sau khi phát lời kêu gọi ngày 18/6/1940. Tổ chức này cũng tập hợp các binh sĩ quân lực Pháp tham gia Lực lượng Pháp quốc Tự do tiếp tục chống lại phe Trục. [ND]
[3] Honoré Mirabeau và Maximilien Robespierre là các nhà lãnh đạo Cách mạng Pháp. [ND]
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/04/05/viet-nam-1945/#sthash.IlBe4ytR.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang