Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Tư liệu về Trần Đức Thảo:

GS Trần Đức Thảo: Chuyến đi đổi đời

Lời dẫn: Sau vụ Nhân văn Giai Phẩm, GS Trần Đức Thảo bị quản chế tại gia ở Hà Nội. Ông không được dạy học, không được phép nghiên cứu gì cả. Ông li dị vợ (hay vợ li dị ông?), cuộc sống rất khó khăn, suốt ngày lẩm bẩm chuyện đâu đâu. Người ngoài nhìn vào tưởng ông điên, nhưng sau này ông nói ông chỉ đóng kịch thôi! Một hôm GS Trần Văn Giàu và ông Trần Bạch Đằng từ Nam ra thăm ông, thấy hoàn cảnh bi đát như thế nên đề nghị ông chuyển vào Sài Gòn sống. Họ nói dù sao thì Sài Gòn với cá tính Nam Bộ ông sẽ dễ thở hơn. Phải qua can thiệp vài nơi ông mới được phép chuyển vào Sài Gòn. Bài dưới đây là một trích dẫn từ cuốn "Những lời trăn trối" về cảm nhận của ông khi mới đặt chân đến Sài Gòn.
NVT 

====  

Đang trong tình trạng mắc kẹt trong vòng cương toả của các cục "bảo vệ", "tuyên huấn", các ban "văn hoá, tư tưởng, khoa giáo trung ương" như vậy, thì Trần Văn Giàu, rồi Trần Bạch Đằng từ trong Nam ra thăm Hà Nội. Cả hai người miền Nam này đã kinh ngạc khi khám phá ra những ý tưởng mới mẻ của Tảo. Và nhất là họ thấy những điều kiện sống và làm việc quá tồi tệ như thế. Họ tính đề cập với các cấp lãnh đạo về vấn đề nên đối xử nhân đạo với Thảo. Nhưng sau khi giải phóng miền Nam, nay hầu hết các giới chức cách mạng cấp cao ở Hà Nội đều đổ vào Nam, nói là đi "công tác", nhưng thực ra là vào sống ở đó, để hưởng chiến lợi phẩm của chiến thắng. Hà Nội lúc đó chỉ là những trụ sở và chức vụ tượng trưng không có thực quyền hành động.

Cánh trí thức Nam bộ này khuyên Thảo nên tìm cách vào Sài Gòn sinh sống, vì trong đó khí hậu ấm áp hơn, đời sống cũng sung túc hơn, nên dễ có điều kiện cho phép làm việc thoải mái, cởi mở hơn. Nhưng Thảo hỏi lại:

- Các đồng chí tưởng là tôi là kẻ được tự do chọn lựa, muốn đi đâu thì đi, muốn sống ở đâu cũng được sao? Tôi đã nhiều lần xin đi dạy học trở lại, họ không cho, viện dẫn lí do là đã có lệnh cấm tôi dạy học từ thời "bác" Hồ còn sống, từ đó đến nay, tôi sống như người bị giam lỏng ở Hà Nội này. Thỉnh thoảng họ chỉ bố trí tôi được tham dự những sinh hoạt có tính tuyên truyền, cũng có lần tham gia phái đoàn đi tham quan nước ngoài. Sự có mặt của tôi trong các sinh hoạt ấy đều bị kiểm soát chặt chẽ và chỉ để đánh bóng chế độ!

[…]

Mới đặt chấn xuống cái thủ đô của miền Nam này, mọi sự đã làm tôi kinh ngạc. Qua bao nhiêu năm chiến tranh gian khổ mà sao Sài Gòn nó lại khang trang hiện đại như vậy? Tôi cứ ngỡ cả miền Nam bị đói khổ vì bị Mĩ ngụy bóc lột đến nỗi miền Bắc đã phải "cắn hạt gạo làm tư" để cứu giúp miền Nam cơ mà. Vả lại, mọi người ở đây sao mà nói năng cởi mở thoải mái quá vậy? Ngay cả những cán bộ của đảng ở đây cũng có thái độ tự do quá. Họ đãi đằng tôi, họ giễu cợt tôi, coi tôi như anh mán, anh mường ở rừng mới được về thành phố.

Trịnh Công Sơn

Phải nói thẳng ra là có một điều của Sài Gòn đã làm tôi bàng hoàng đến cùng cực. Đó là những bài hát của một anh chàng nhạc sĩ trẻ của miền Nam, nói đúng hơn là của "Mĩ Nguỵ" chứ không phải của đảng. Tên anh ta là Trịnh Công Sơn, Các bài hát của anh ta mang nỗi niềm day dứt, oán trách chiến tranh. Cứ như anh ta khóc than thay cho cả chế độ ở cả hai miền Nam Bắc. Giữa những năm tháng chiến tranh một mất một còn ác liệt như thế mà sao anh ta dám cất lên tiếng kêu than như vậy. Những lời ca của những bài hát ấy đã lay động tâm hồn tôi.

Phải công nhận là trong đời tôi có hai lần bị thúc đẩy và thoát ra khỏi thái độ sợ hãi đến hèn nhát đã ngự trị trong đầu óc của bao trí thức, văn nghệ sĩ của Hà Nội. Lần thứ nhất là do nhà thơ trẻ Trần Dần, khi anh ta tới mời tôi tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm. Lần thứ nhì là khi tôi nghe mấy bài hát thấm thía của Trịnh Công Sơn!  Đấy là thứ âm nhạc phát ra từ trái tim dân tộc.

[…]

Chế độ không tồi

Không hiểu sao chính quyền miền Na lại để cho anh ta tự do sáng tác những bài ca làm mất tinh thần chiến đấu như thế? Điều này khiến tôi phải suy nghĩ trình độ dân chủ rất khác nhau giữa hai miền Nam, Bắc. Một chế độ để cho nghệ sĩ được tự do cất tiếng hát lên những nỗi niềm như thế không phải là một chế độ tồi tệ. Xét chung thì miền Nam đã có mức độ dân chủ rõ rệt. Cả giới trí thức lẫn dân chúng miền Nam đều bàn chuyện chính trị cởi mở, phê phán lãnh đạo và đảng rất tự nhiên. Ở miền Bắc thì không thể. Miền Bắc là cái lò của giáo điều, của chiến tranh. Không có chỗ cho một Trịnh Công Sơn, điều đó dễ hiểu.

Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi nghe tin Dương Văn Minh đã ra lệnh buông súng, và đã được nghe theo. Vì có lẽ dân đã thấm mệt với bao nỗi khổ, chết chóc. Tôi cám ơn miền Nam đã sinh sản được một Dương Văn Minh, một Trịnh Công Sơn. Người nhạc sĩ trẻ ấy đã góp phần vào cái giờ phút thiêng liêng buông súng, thôi bắn giết nhau. Đấy thực sự là một anh hùng của hoà bình, chính anh ta đã nêu gương cho Trần Đức Thảo này! Tôi thú thật rất cảm ơn cái lệnh buông súng ấy, vì nó đã giải thoát hàng vạn thanh niên miền Bắc ra khỏi rừng núi đầy bom và muỗi, mòng. Vì nó đã cứu hàng vạn thanh niên với số phận "sinh Bắc tử Nam". 

Chỉ tiếc rằng người cán bộ sĩ quan của "bộ đội cụ Hồ", khi tiến vào Dinh Độc Lập gặp Dương Văn Minh, thì đã tỏ thái độ thô bỉ quá kém cỏi với một lãnh đạo chính quyền miền Nam. […] Việc ứng xử thô bỉ như vậy đúng vào giây phút chiến tranh chấm dứt như thế đã làm cho sự tuyên truyền chính sách đại nhân, đại nghĩa "hoà giải, hoà hợp dân tộc" bỗng nhiên tự nó tố cáo nó là một quỉ kế để đánh lừa kẻ thù buông súng, chứ không phải là một sự giàn xếp cao thượng giữa anh em trong một nhà. Mấy anh em cách mạng miền Nam còn than phiền với tôi là có những người bộ đội miền Bắc khi tiếp quản Sài Gòn đã nhục mạ dân chúng về tội "ăn mặc lố lăng, bắt họ phải cạo sơn móng tay, bắt cắt quần ống loa". Rồi còn cảnh trả thù cả người chết bằng cách đập phá nghĩa trang của chế độ "Nguỵ" nữa! Thái độ ấy thật là thô lỗ quá trớn.

GS Trần Đức Thảo và những ngày tháng ở Sài Gòn

Lời dẫn: Nhắc lại câu chuyện: GS Trần Văn Giàu và ông Trần Bạch Đằng trong Nam thuyết phục GS Trần Đức Thảo nên vào Sài Gòn sinh sống vì không khí ngoài Hà Nội ngột ngạt quá. Sau vài tháng can thiệp, ông được phép vào Sài Gòn, dưới sự "quản lí" của thành uỷ. Trong thời gian ở đây, nhiều trí thức tới lui hàn huyên, và ông xuất bản được một quyển sách nhỏ. Mới phát hành sách một đợt thì có lệnh thu hồi. Đến khi "trung ương" mất kiên nhẫn với ông, vì thấy giới trí thức Nam Bộ và những người kháng chiến cũ lui tới thường xuyên, mà họ nghi là có "âm mưu" đen tối. Thế là đảng quyết định trục xuất ông khỏi Việt Nam. Như vậy ông đi từ Paris về Hà Nội, từ Hà Nội vào Sài Gòn, và từ Sài Gòn quay về Paris và chết ở Paris. Một cõi đi về.

=====

[Trích]
Tháng 3/1987, Thảo được phép vào thăm Sài Gòn và được thành uỷ cho trú ngụ tại khách sạn Bến Nghé, là một khách sạn loại bình dân dành cho cán bộ cấp thấp. Tuy vậy, giới trí thức cũng như thành uỷ Sài Gòn đã dành cho Thảo một sự tiếp đón thân tình.

- Đồng chí cứ sinh hoạt thoải mái, ở đây không có sự kiểm soát gắt gao như ở Hà Nội đâu. Còn về mặt vật chất thì thành uỷ sẽ cấp dưỡng chu đáo! Mong rằng từ đây đồng chí sẽ có cống hiến đóng góp vào sinh hoạt tư tưởng với anh em trí thức trong này.

Sự khuyến khích và giúp đỡ ấy là một thúc bách đối với Thảo: phải làm một cái gì đó để đáp lại tấm lòng tốt của anh em miền Nam, phải đáp ứng khát vọng của trí thức Sài Gòn, phải đề ra một phương hướng lí luận mới, không giáo điều, không nguỵ biện.

Được gợi hứng bởi môi trường phóng khoáng của miền Nam, Thảo viết một hơi, chỉ trong vòng 10 ngày một tập sách nhỏ ra đời. Đây là một thứ trích đoạn từ những phác thảo của cuốn sách lớn đã có sẵn trong đầu. Đoạn này phù hợp với nhu cầu của tình hình. Vì nó nêu ra sai lầm cơ bản của cách mạng là lối sùng bái lãnh tụ và lối lí luận nguỵ biện sơ cứng, không chịu nhìn nhận những giá trị sẵn có trong bản sắc, bản năng con người nói chung, không chịu coi con người là trọng tâm, là cứu cánh của mọi lí luận, mọi chính sách. Chính lối lí luận sơ cứng giáo điều, coi con người chỉ là dụng cụ này đã đưa đến bế tắc tư tưởng. Vì đã bỏ quên con người là cứu cánh. Đấy là nguyên nhân sâu xa khiến khối Liên Xô cho tới chế độ Khmer Đỏ đã bị phê phán nặng nề, đến phải lung lay, và đã sụp đỗ …

Kết quả của sự ra mắt tập sách nhỏ với nhan đề "Con người và chủ nghĩa lí luận không có con người" thật là một bất ngờ. Đây là một mốc sinh hoạt tư tưởng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu triết học của Thảo từ khi về nước. Đây là lần đầu tiên một tập sách mang tính lí luận triết học không chịu sự chi phối .. đã được công khai bán tại VN. Mà, tác giả của nó lại là Trần Đức Thảo, một nạn nhân, một tội đồ trong vụ "Nhân văn Giai phẩm"! Tập sách nhỏ này ra đời đúng vào lúc mọi người đang náo nức bàn luận về một xu hướng đòi hỏi phải thay đổi cả về tư duy lẫn đường lối chính sách. Cuốn sách được trí thức miền Nam đánh giá là một văn bản bác giáo điều, chống tệ nạn sùng bái cá nhân của thời  bao cấp..

[…]
Cuốn sách được xuất bản dễ dàng và đạt kết quả tốt. Chỉ trong 3 tháng, người ta đã phải cho tái bản vì độc giả tìm mua quá đông, mà sách không còn để bán.

Vì có những lời bình bàn vui mừng quá trớn, coi tập sách này như là một bùng phát của một tâm thức bị dồn nén đang muốn vùng dậy. Dư luận coi đó là lời tố cáo, gần như công khai, nguồn gốc của một chế độ đã có quá nhiều thủ đoạn kìm kẹp, bắt ép con người phải sùng bái một lí thuyết, sùng bái lãnh đạo … và cứ phải bưng bít sự thật, phải dối trá nguỵ biện trong lí luận để củng cố địa vị và để chạy tội.

Trước những lời bình bốc đồng như thế, Thảo lo ngại vì thấy có thể gặp phản ứng nguy hiểm, nên đã cố ý sửa lại cuốn sách trước khi cho tái bản, bằng cách đưa chương mở đầu nói về tệ nạn qui oan, tệ nạn sùng bái, vào bên trong, thành chương 8 ở cuối sách, cho nó bớt va chạm vào sự kiêu căng, tự ái của mấy ông "bảo hoàng hơn vua", của mấy ông "quan cách mạng" trong ban cục "tuyên giáo", "bảo vệ", và "tuyên huấn", "tư tưởng trung ương"... Rồi ở phần cuối thì tăng thêm vài trang nói về hiện tượng giáo điều cực đoan của chế độ … Pol Pot.

Nhưng kẹt cho thành uỷ Sài Gòn là có lệnh từ Hà Nội yêu cầu thu hồi cuốn sách và từ nay cấm phổ biến nó! Chờ cho vài tuần đi qua, thành uỷ báo cáo ra Hà Nội rằng "Rất tiếc, không thi hành lệnh thu hồi được, vì cuốn sách, cả ở lần tái bản, nay đã bán hết ra ngoài"!
Nhờ lần tái bản này với số lượng in ra nhiều hơn nên dễ mua hơn. Hậu quả là số trí thức lui tới khách sạn Bến Nghé tiếp xúc với Thảo tấp nập. Công an khu vực khách sạn được lệnh vào cuộc bằng cách lập danh sách những ai hay tới ghé thăm Thảo. Nhưng số người ghé thăm cứ tăng vọt lên khi có tin cuốn sách đã bị cấm bán. Để chấm dứt sự chiếu cố quá lộ liễu của giới trí thức và giới cựu kháng chiến của miền Nam, thành uỷ ra lệnh thay đổi chỗ ở của Thảo.

Những người bạn mới của Thảo thường ưa tới bàn chuyện chính trị đã bị cụt hứng khi tới khách sạn Bến Nghé và được nhân viên khách sạn trả lời:
- Đồng chí ấy đã trở về Hà Nội rồi!

Sự thật là Thảo đã được cấp cho một căn nhà nhỏ ở đường Đề Thám chứ không phải là đã bị đưa về Hà Nội. Nhưng người ta cũng khám phá ra địa chỉ mới của Thảo. Lần này thì có nhiều trí thức của chế độ cũ tới làm quen với Thảo.

[…]
Tới với Thảo giờ đây là cánh kháng chiến cũ của miền Nam, từng bị gạt ra bên lề chính trường ngay sau ngày chiến thắng. Giới này bao gồm hai thành phần: thành phần có uy thế văn hoá, văn chương, có bằng cấp, đã được dùng như đồ trang trí trong Phong trào hoà bình, hoà giải dân tộc trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Nay thì họ phê bình đảng một cách cay đắng vì bị lâm vào cảnh "vắt chanh bỏ vỏ". Còn thành phần đảng viên gốc miền Nam chính cống, thuộc lực lượng vũ trang, từng trực tiếp đóng góp xương máu cho sự nghiệp thống nhất, thì nay phẫn nộ ra mặt, để phản kháng chính sách phản bội anh em, đồng chí miền Nam ..
[…]
Công an phường Cô Bắc đã được lệnh phải theo dõi chặt chẽ hơn, phải lập hồ sơ lí lịch những ai lui tới với Thảo. Cuối cùng thành uỷ Sài Gòn đành phải báo cáo lên trung ương về một "nguy cơ chính trị đang hình thành" do số người phức tạp đến gặp Thảo ngày càng đông. Có lúc họ ngủ lại trong nhà Thảo. Bản báo cáo này đi vòng vo rồi cũng tới tay … Sông Trường, với lời báo động của Ban tư tưởng văn hoá.

Rồi một hôm, trời tuy nắng nhưng do cuối năm nên không nóng mấy, Sông Trường tới thăm. Thảo ngạc nhiên!

- Đã lâu quá không gặp anh, nên hôm nay rảnh rỗi, tới thăm anh. Sức khoẻ anh độ này thế nào? Sao trông anh có vẻ hơi vàng vọt, bệnh gan của anh sao rồi, có thuốc men đầy đủ không? Anh có cần gì không?

- Cám ơn anh đã có lòng tới thăm tôi. Mà sao hôm nay anh lại chú ý đến sức khoẻ của tôi vậy? Sự thật là tôi chưa bao giờ cảm thấy khoẻ như lúc này. Nhưng anh tới là chuyện gì vậy anh? Giữa anh và tôi ta nên cứ thẳng thắn với nhau đi. Có phải là tại vì có nhiều người lạ đến thăm tôi? Tôi cũng thấy bị mất thời giờ với họ. Nhưng họ là những người tâm huyết của miền Nam, thấy họ tỏ ra rất trăn trở về tình hình đất nước như tôi, nên tôi không thể xua đuổi họ.
- Họ trăn trở về điều gì? Có phải họ than thở với anh về tình trạng các cán bộ miền Bắc vào đây quá đông nên đã chiếm chỗ làm của họ?

- Không phải vậy. Đấy là điều lần đầu tiên tôi được anh cho biết có tình trạng đó. Họ tới với tôi là để bàn về hiện tượng hủ hoá tràn lan của các cấp cán bộ cách mạng của ta ở trong này. Đại khái họ nêu ra những cách thức làm giàu, vơ vét của cải quá lộ liễu của các cán bộ.. ở mọi nơi … Họ dùng quyền lực xin nhà, cấp nhà đất cho họ hàng, gia đình, thậm chí cho cả bạn bè hay người bên ngoài đảng nữa, để cấu kết với nhau kinh doanh bất hợp pháp đất đai rất trắng trợn. Xin nhà rồi thì đòi hợp thức hoá. Hợp thức hoá xong là bán cho tư nhân, rồi xin đổi đi tỉnh khác, lại xin trợ cấp vì lí do chưa có. Cứ như vậy, con cháu họ bị thuyên chuyển đi nhiều tỉnh làm việc là cuối cùng họ giàu lên quá nhanh.

Còn xin đất để phát triển công nghiệp, nhưng vừa được cấp xong là bị xẻ nhỏ ra để nhượng lại cho dân xây nhà ở. Có nơi vùng ven biển thì nhắm mắt cho phép kẻ gian lập bãi đáp cho dân đi chui di tản ra nước ngoài, chúng thu mỗi đầu người ra đi như vậy từ năm đến mười mấy "cây" vàng! Anh thử tính coi, từ bao nhiêu năm nay, có cả mấy trăm ngàn người đã bằng lòng mua bãi để được đi chui an toàn, và chúng đã thu được hằng mấy tỉ đô la Mĩ. Tôi nghe họ tính toán kinh hãi quá.

Hôm nọ, hai anh Trần Bạch Đằng và Trần Văn Giàu tới thăm tôi, hai anh ấy than là đảng và chế độ ta bị tai tiếng nhiều là do cánh tư tưởng văn hoá và cánh công an........... Hai anh ấy hỏi tôi làm sao chấm dứt tình trạng này. Anh có biết gì về những tệ nạn ấy không?

- Tôi biết chứ! Đui mù cũng phải thấy chứ! Nhưng nay tệ nạn cán bộ "biến chất" tràn lan ra đều khắp, dẹp hết không nổi, mà dẹp hết thì sẽ không còn cán bộ mà sai khiến. Khó khăn, nan giải lắm, chứ không dễ thanh toán đâu.

- Thế anh có biết tại sao hiện nay cánh văn hoá tư tưởng, cánh công an cứ tự do thao túng và tệ nạn làm giàu bất hợp pháp lại trắng trợn và tràn lan như vậy không? Theo tôi là do chính quyền cứ bưng bít, không dám công khai hoá những vụ việc bất lương ấy ra trước ánh sáng dư luận. Nên bọn chúng cứ hoành hành như là vẫn được bóng tối che dấu, ít ai biết đến tội lỗi của chúng. Nhưng nhân dân đã thấy hết. Nếu cho báo chí của ta tự do khui các vụ ấy ra, thì tham nhũng sẽ phải chùn tay. Trước sau gì, muốn thắng tụi nó là phải có tự do báo chí! Tự do báo chí là để ánh sáng soi rọi vào những nơi có sai trái, tội lỗi!

- Không được! Không được đâu! Vì tự do báo chí là sẽ loạn ngay. Tụi thù địch sẽ nhảy vào lợi dụng. Chúng sẽ quậy nát chế độ ta. Vì chỗ nào mà chẳng có tham nhũng. Chúng nó sẽ dùng tự do báo chí để đẩy mạnh diễn biến hoà bình là ta sẽ sụp đổ y như Liên Xô trước đây thôi. Cái gì chứ tự do báo chí là tuyệt đối không được đâu.

- Tôi thấy sự sụp đổ ở Liên Xô là không phải do có tự do báo chí. Vì lúc đó phần lớn báo chí ở khắp nơi vẫn ở trong tay đảng kia mà! Sự sụp đổ ấy có nguyên nhân nội tại, nó đã tới từ nội bộ hoang mang, rối loạn trong đảng. Từ những sai lầm đã tích luỹ từ lâu …

- Thôi, anh đừng bận tâm về những chuyện chính trị phức tạp ấy. Nó khó giải thích lắm! Và, có lẽ là không thể giải thích được, ta nên tạm gạt nó qua một bên.

- Vậy thực sự là anh tới thăm tôi hôm nay có mục đích gì?

- Đúng như anh dự đoán, tôi tới anh với một mục đích rõ rệt đã được suy nghĩ rất kĩ. Tôi tới là để đề nghị với anh một giải pháp có lợi cho anh về mọi mặt. Tôi yêu cầu anh không trả lời ngay, mà cứ để suy nghĩ cho thật kĩ rồi hãy trả lời.

- Đề nghị gì mà ghê gớm thế?

- Tôi đề nghị anh nên trở qua Pháp nghỉ ngơi, tìm thuốc men chữa bệnh cho thật khoẻ rồi sau lại về đây. Lúc đó chúng ta sẽ tính với nhau một công tác triệt để và lâu dài. Vì tới đây, đất nước ta sẽ lột xác thành một con rồng Á châu, ít ra cũng có thể sánh với Đài Loan và Hàn Quốc. Anh cứ suy nghĩ cho thật kĩ đi, tôi biết rồi thế nào anh cũng hiểu ý tôi, để chấp thuận đề nghị này. Bởi vì nếu anh ở lại Sài Gòn hay trở lại Hà Nội, thì rồi cũng chỉ phí phạm thời gian của anh thôi. Nếu anh ra đi sẽ như đại bàng bay trở lại vùng trời cao, nó sẽ có thể thấy và làm được nhiều chuyện phi thường, khác với lúc nó bị nhốt trong chuồng, cho dù cái chuồng ấy tốt đẹp đến đâu, nhưng vẫn phải sống chung với đàn gà.
- Thật là một đề nghị quá bất ngờ đối với tôi. Như anh đã biết, trong thời gian kể từ khi về nước đến nay, đã có vài lần tôi được mời cùng phái đoàn của ta đi tham quan nước ngoài, và đã có lần chính người trong đoàn đề nghị để tôi cứ âm thầm ở lại nước ngoài để mà tiếp tục nghiên cứu y như hồi còn sinh hoạt ở Paris, nhưng tôi đã dứt khoát từ chối. Vì tôi nghĩ Thảo ngày nay y như một cây tùng đất Việt, nó chỉ có thể mọc và phát triển cho đúng là cây tùng khi nó được trồng ở đất Việt mà thôi. Ở nơi khác, nó sẽ không còn được vóc dáng của một cây tùng nước Việt! Bây giờ anh tính bứng nó đi để trồng ở một nơi khác.

- Không, tôi nghĩ bây giờ cây tùng ấy đã tăng trưởng đủ để, dù trồng ở đâu, vẫn có bản chất, vóc dáng, bóng mát của cây tùng. Anh cứ nghĩ cho thật kĩ đi rồi hay trả lời tôi. Anh chưa chán cảnh phượng hoàng phải sống chung với đàn gà à? Thôi, tôi về và chờ câu trả lời có suy nghĩ của anh.

- Anh không cần phải chờ! Tôi trả lời thẳng với anh rằng tôi không cần đi đâu cả. Anh phải biết rằng khi trở về đất nước này là tôi đã bồng bột mang theo một giấc mơ huy hoàng, một kì vọng vĩ đại là để mang con tim khối óc ra xây dựng một mô hình cách mạng mà loài người mong đợi! Nhưng khi trở về quê hương rồi, thì giấc mơ ấy, kì vọng ấy đã bị thực tại chỗ đạp cho tan tành. Rồi mãi sau, qua những trải nghiệm vất vả, tôi mới đứng dậy được, nhờ đã định ra cho mình một nghĩa vụ thiết thực hơn, nhờ đã tìm ra một kì vọng chắc chắn sẽ thành tựu, là sẽ góp ý làm cho cuộc cách mạng này có tính nhân bản, nhân đạo hơn, cho bớt tính chuyên chính độc đoán, tính hiếu chiến gây tai hoạ, để trở thành một nhà nước hoà bình, dân chủ hợp lòng dân, thực sự do dân và vì dân để mà sống còn với thời đại và thời gian. Anh không thấy, không hiểu thành tâm thiện chí và quyết tâm của tôi sao?

- Tôi rất hiểu lòng nhiệt thành của anh. Chính vì thế mà tôi muốn anh ra đi. Chúng tôi đã bố trí, đã chuẩn bị cho anh một lối thoát vừa danh dự, vừa lí tưởng, Vì anh chưa suy nghĩ thấu đáo đó thôi. Mai tôi sẽ trở lại, xin anh đừng thoái thác vội vã. Anh cứ suy nghĩ và suy nghĩ thêm đi, mai sẽ trả lời tôi. Vì tất cả đã sẵn sàng rồi, nhất định anh không thể lưu lại cái đất Sài Gòn này như vậy nữa đâu. Đảng đã quyết định, nhất định là anh phải ra đi thôi, không cưỡng lại được đâu, mà sự thật là không nên cưỡng lại, vì ra đi sẽ có lợi cho anh … Anh cứ suy nghĩ thấu đáo để thấy rõ đề nghị thực tiễn của tôi.

Sau khi Sông Trường ra về, Thảo suy nghĩ đến đau đầu. Tại sao lại có đề nghị này? Đây lại thêm một thủ đoạn để cô lập ta với những trí thức và cánh kháng chiến miền Nam. Lỗi ở ta đã không cảnh giác, cứ tưởng vào Nam là thoát cảnh bị kìm kẹp. Bây giờ họ muốn đẩy ta đi, mà ta từ chối thì chuyện gì sẽ xảy ra. Họ thì thiếu gì thủ đoạn. Chính Sông Trường đã nói thẳng ra mọi sự đã được bố trí sẵn sàng rồi là gì! Ta làm sao cưỡng lại được. Mà ra đi hay ở lại, lợi cho ai, hại cho ai? Tuổi ta đã gần đất xa trời, còn chống trả với quyền lực và thời gian được bao lâu nữa? Mà chống trả làm gì khi ta vẫn còn bị kìm kẹp và phong toả? Ta đi sẽ tới chân trời rộng mở. Ở lại là vẫn bị bao vây bởi bức tường cảnh giác và nghi kị. Vài năm nữa ta chết đi, mang vào cõi im lặng cả một khối lượng tư duy và bao công trình trải nghiệm … thế là rảnh nợ cho họ. Thôi cũng đành mang thân xác này ra gửi xứ người. Biết đâu ở bên ngoài ta lại có đủ thời gian và cơ hội để dàn trải trí óc ta lên trang giấy, trong một cuốn sách hầu lưu lại một cái gì cho hậu thế. Thôi thì nay chỉ còn một giấc mộng nhỏ, một kì vọng thật mong manh trong một cuốn sách, trước khi ta trở về với cát bụi.

[Hết trích]


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xin nói luôn rằng: Đó là cách hiểu khốn nạn, đéo biết gì về Việt Nam cả!

Việt Nam là nơi tốt nhất để sống: Một cách hiểu khác



Đến hôm nay mới đọc bài báo "Sốc vì Việt Nam vào tốp 20 nơi đáng sống nhất thế giới!" Nếu chỉ xem qua cái kết quả bình bầu và đối chiếu tình trạng môi trường xuống dốc thê thảm hiện nay thì đúng là sốc thật. Nhưng thật ra, nếu xem kĩ nguồn thông tin (2) thì cũng không đến nổi sốc đâu.


Nguồn thông tin là " The 20 Best Places To Live Overseas" (Hai mươi nơi tốt nhất để sống ở nước ngoài" trên BusinessInsider (2). Tại sao "nước ngoài"? Tại vì đây là một cuộc điều tra xã hội mà đối tượng tham gia là những thương gia làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. Những người này được công ti gửi đi khắp thế giới để làm ăn, nên họ có cơ hội trải nghiệm và so sánh. Nhóm thực hiện là ngân hàng HSBC. Họ hỏi đối tượng tham gia về trải nghiệm cuộc sống, tình hình kinh tế, nuôi con cái ở nước ngoài. Dựa vào các tiêu chí này, Việt Nam được bình bầu là một trong 20 nước tốt nhất để sống ở nước ngoài.

Đọc xong bản tin này tôi thử tưởng tượng mình là một doanh nhân (hạng "executive") đang sống ở Sài Gòn. Và, tôi sẽ bầu VN vào một trong 10 nước tốt nhất để sống như là một doanh nhân nước ngoài. Lương của tôi là khoảng 200K USD một năm, và tôi sống trong một nước mà thu nhập bình quân ~2K một năm thì dĩ nhiên là tôi thấy thoải mái quá đi chứ.

Này nhé, tôi đâu có sống ở những nơi chật chội trong nội thành như đám dân đen kia; tôi sống ở Phú Mĩ Hưng hay những khu đô thị mới, thoáng mát và có nhiều cây xanh. Tôi đi làm đâu phải bằng xe Honda để phải chật vật với "triều cường" như đám dân địa phương; tôi đi làm bằng xe hơi, "four-wheel car" cao ngông nghênh trên đường phố được thiết kế cho xe ngựa là chính. Tôi không cần lái xe như bọn Việt Nam; công ti mướn tài xế lo cho tôi từng bước đi, thậm chí đi ăn trưa và uống cà phê! Đến văn phòng thì máy lanh đã bậc xong, tôi không biết cái nóng hừng hực bên ngoài là gì. Thật ra, sống ở VN chứ tôi có biết cái nóng nhiệt đới là gì đâu, vì dù ở nhà hay office tôi đều có máy lạnh.

Vợ tôi không bận bịu với con cái như đám nữ nhân viên của tôi; tôi có đã oshin người Việt lo đưa đón con tôi đi học. Con tôi cũng cảm thấy thích đất nước này, vì chúng không chung đụng với đám học trò Việt Nam đầy cạnh tranh kia. Oshin Việt Nam thì rẻ bèo, chỉ 200 USD/tháng là có một cô gốc miền Tây phục vụ cực kì tốt, kể cả nấu ăn ngon. Chúng tôi chẳng cần sợ bọn Tàu đầu độc với những thực phẩm độc hại, vì oshin chúng tôi toàn mua cá sống, gạo hảo hạng, bánh mì nhập từ Singapore, bơ sữa nhâp từ Pháp, Úc, Mĩ. Chúng tôi không cần nấu ăn, vì oshin lo. Chúng tôi không biết đến mấy quán nhậu bầy hầy mà đám dân địa phương lui tới, vì chúng tôi đã quen với buffet ở Caravelle, New World, Pullman, InterContinental, Sheraton, Sofitel, Nikko. Rex? Ồ, đó là khách sạn của Nhà nước, tồi lắm. Chúng tôi không phải lo chuyện lau nhà hàng tuần, bởi vì hàng ngày đã có oshin làm việc đó. Vui vui, chúng tôi đi ăn ở ngoài quán, và dĩ nhiên, chúng tôi đâu có dám léo hánh đến mấy chỗ vớ vẩn và mất vệ sinh ở trong hẽm. Xe four-wheel của tôi làm sao vào được mấy cái hẽm đó?! Lương 200K USD/năm thì việc đi ăn tối ở hàng quán up-market ở VN chỉ là chuyện nhỏ. Mà, món ăn VN lại cực kì ngon, chắc chắn ngon hơn tất cả những nước như Mĩ, Úc, Canada, Ý, Saudi Arabia, v.v.

Tôi cũng chẳng quan tâm gì đến mấy chuyện quyền con người này nọ; chuyện đó chẳng dính dáng gì đến tôi, vì đó là chuyện của đám oshin và anh tài xế của tôi. Tôi đâu có lo VN sẽ lệ thuộc hay mất vào tay của Tàu ở phương Bắc, vì đối với tôi, chỗ nào cũng là kinh doanh, kiếm lời. Tôi đâu có hiểu mấy chương trình văn nghệ và những bản tin tức tuyên truyền vớ vẩn đó; tôi xem đài BBC, NBC, CNN. Trong khi đám dân đen đó chẳng biết gì tình hình đằng sau chính trường VN, tôi biết khá tốt! Vì thế, chẳng ai làm phiền tôi, và tôi thấy thoải mái về tinh thần. Ngày cuối tuần, chúng tôi bay ra Đà Nẵng chơi, xuống Hội An tắm biển, bay về Hà Tiên làm một chuyến du ngoạn sang Kampuchea, bay ra Hà Nội thưởng thức tô phở 800 ngàn đồng (chuyện nhỏ), và bay về sân golf ở Tân Sơn Nhất đánh một phát với mấy đồng nghiệp nước ngoài đang chờ. Buồn buồn, tôi đổi không khí bằng cách bay qua Singapore mua đồ điện tử, và dĩ nhiên tôi đời nào để ý đến cái Sim Lim Square chết tiệt đó. Tôi cũng chẳng cần chen lấn, vì tôi đi máy bay hạng 1 của Singapore Airlines, chứ Vietnam Airlines, thì xin lỗi, tồi quá. Nhìn như thế, tôi đang sống một cuộc sống vương giả, một cuộc sống mà nếu tôi ở Mĩ có mơ cũng không có được.

Ôi, tôi yêu cái đất nước Việt Nam này quá. Tôi thấy mình như anh thực dân Tây ngày xưa ở Sài Gòn. Thật ra, tôi còn hơn mấy anh Tây ngày xưa, vì ngày nay tôi có tất cả tiện nghi mà mấy ảnh không có trước kia. Mấy anh ấy thời đó còn bị xua đuổi liên miên, còn chúng tôi thời nay thì được chào đón nồng nhiệt. Môi trường làm ăn ở VN có phần khó khăn vì nạn tham nhũng ư? Ồ, chúng tôi chỉ cần áp dụng triết lí dùng tiền của Năm Cam, một người vĩ đại trong nhóm những triết gia vĩ đại. Có tiền là cái gì cũng có ở VN, và hàng rào nào cũng sẽ vượt qua dễ dàng. Bọn Bio-Rad còn chỉ 2.5 triệu USD, thì việc các tập đoàn Nhật chi 10 lần con số đó cũng chỉ là "bỏ con tôm bắt con cá" thôi. VN có câu "nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế", và tất cả 4 yếu tố đều có thể mua bằng tiền. Chúng tôi cũng áy náy khi dùng tiền cho mục tiêu như thế, nhưng thử hỏi, ở cái nơi này mà người ta có câu "rừng nào cọp nấy" thì chúng tôi cũng phải chơi theo luật chơi địa phương thôi.

Ngày xưa, Graham Greene ngồi uống cà phê ở Tự Do viết "Người Mĩ trầm lặng", ngày nay tôi viết những chương sách huy hoàng cho Samsung, LG, Hyundai, Kumho, Mercedes-Benz, BMW, Ford, Volvo, Toyota, Mitsubishi, Novartis, Merck, Pfizer, sanofi, novo nordisk, HSBC, Deutsche Bank, Huawei, IBM, v.v. Vinh quang thay, đội doanh nhân nước ngoài ở VN. Chúng tôi xứng đáng có một bài tráng ca! Có lẽ phải mướn một tay nhạc sĩ nghèo VN sáng tác thôi.

OK, tôi đã đóng vai doanh nhân nước ngoài ở VN, bây giờ tôi quay về tôi: một người Việt Nam. Tôi nghĩ với quan điểm của những doanh nhân nước ngoài sống ở VN, thì VN đúng là một trong những nơi sống rất thoải mái nhất. Do đó, cái kết quả survey của BusinessInsider không hề sốc chút nào. Tuy nhiên, thay vì kết quả đó nói Việt Nam là nơi tốt nhất để sống, tôi đề nghị nên hiểu một cách khác: Việt Nam là một trong những môi trường lí tưởng nhất cho doanh nhân nước ngoài, vì họ có thể khai thác con người Việt Nam hữu hiệu nhất.

====




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Số liệu về người Việt ở Mĩ


Hôm nọ tôi đọc được một báo cáo về người Việt ở Mĩ có nhiều con số thống kê rất đáng lưu lại làm tham khảo. Số liệu này thật ra là trích từ kết quả điều tra dân số bên Mĩ. Qua điều tra dân số, chúng ta có thể có cái nhìn khái quát về đồng hương ở xứ đang "giãy chết". Tôi tóm lược vài nét chính dưới đây. Điều làm tôi ngạc nhiên là mỗi năm đồng hương bên Mĩ gửi về quê hương 11 tỉ USD, chiếm gần 6% tổng GDP Việt Nam.


 =====

Tính đến năm 1980, chỉ có 231,000 người Việt định cư ở Mĩ. Mười năm sau, con số này tăng gần gấp đôi (543 ngàn), đến 2012 thì có 1.26 triệu người Việt định cư ở Mĩ. Khoảng 40% người Việt định cư ở bang California, và tập trung ở 3 quận: Cam, Santa Clara và Los Angeles. Sau California là Texas cũng có nhiều người Việt định cư, với tỉ trọng 12%. Các tiểu bang khác có khá đông người Việt là Washington (4%), Florida (4%), và Virginia (3%). Cho đến nay, cộng đồng người Việt ở Mĩ đứng hàng thứ 4 về dân số (sau Ấn Độ, Phi Luật Tân, và Tàu).

Tiếng Anh: Năm 2012, khoảng 68% người Việt ở Mĩ (5 tuổi trở lên) có trình độ tiếng Anh xếp vào nhóm "Limited English Proficient" (LEP). Tỉ lệ này ở các sắc tộc Đông Nam Á là 47%. (Cần nói thêm rằng LEP bao gồm những người không nói viết được tiếng Anh, hay nói viết chưa tốt). Khoảng 7% người nói tiếng Anh trong nhà, và tỉ lệ này ở cộng đồng Đông Á là 15%. ("Đông Á" ở đây bao gồm Brunei, Miến Điện, Kampuchea, Nam Dương, Lào, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).

Việc làm: Ở những người 16 tuổi trở lên, 69% người Việt có việc làm (số liệu 2012), và tỉ lệ này có vẻ cao hơn các cộng đồng Đông Á (68%) và cộng đồng di dân nói chung (67%) và người Mĩ bản xứ (63%). Gần 1/3 người Việt làm trong lĩnh vực dịch vụ, và tỉ lệ này trong cộng đồng Đông Nam Á là 26%, người Mĩ bản xứ là 17%.

Thu nhập: Số liệu năm 2012 cho thấy thu nhập trung bình của người Việt là 55736 USD. Mức thu nhập này thấp hơn cộng đồng Đông Nam Á (65488 USD), nhưng cao hơn các cộng đồng di dân nói chung (46983) và cao hơn thu nhập bình quân của người Mĩ bản xứ (51975).

Khoảng 15% người Việt di dân được xếp vào nhóm "nghèo". Tỉ lệ này hơi cao hơn cộng đồng Đông Nam Á (12%) nhưng thấp hơn các cộng đồng di dân nói chung (19%) và tương đương với người bản xứ (15%).

Giúp quê nhà: Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2013, cộng đồng người Việt ở Mĩ gửi về VN 11 tỉ USD. Con số này chiếm gần 6% GDP của VN.

Nhận xét

Tính chung, ở Mĩ hiện nay có gần 2 triệu người sinh đẻ ở Việt Nam hay sinh đẻ ở Mĩ với cha mẹ từ Việt Nam. So sánh với các cộng đồng người Đông Nam Á ở Mĩ, người Việt nói chung có khả năng tiếng Anh kém hơn, thu nhập thấp hơn do trình độ học vấn thấp hơn. Nhưng so với cộng đồng người di dân nói chung và người Mĩ bản xứ thì người cộng đồng người Việt có thu nhập bình quân cao hơn do tỉ lệ có công ăn việc làm cao hơn. Cần phải lưu ý rằng đại đa số người Việt định cư ở Mĩ là người tị nạn, nên thời gian để ổn định cuộc sống có phần lâu hơn các cộng đồng khác. Tuy nhiên, có thể nói trong 30 năm qua, cộng đồng người Việt ở Mĩ đã ổn định, và với xu hướng hiện nay, trong vòng một thập niên nữa cộng đồng người Việt sẽ tương đương với các cộng đồng người Đông Nam Á khác.

Nguồn:


Một cái note cá nhân: Lịch sử người Việt ở Mĩ tôi nghĩ chủ yếu là từ thời dân tị nạn. Hồi đó, thời còn trong các trại tị nạn Thái Lan, người Việt mình ai cũng đòi đi Mĩ, nên phái đoàn sứ quán Mĩ là hùng hậu nhất trong trại. Họ làm việc quần quật suốt ngày, phỏng vấn hết người này đến người khác để chọn người định cư ở Mĩ. Có nhiều chuyện hài hước về mấy nhân viên sứ quán, trong đó có tay đại tá (?) Ba Gà Đá là vui nhất, nhận và từ chối thuyền nhân rất cảm tính. Tôi cũng thích cái xứ giãy chết này lắm, nên suýt tí nữa tôi cũng đi Mĩ lúc đó, nhưng số phận chọn Úc cho tôi. Sau này tôi cũng đi làm bên Mĩ và ý định là sẽ không về Úc, nhưng số phận lại bảo về! Bây giờ, nhìn đồng hương bên Mĩ thành công bước đầu mà mừng cho họ.

Những người Việt Nam ngày nay, nhất là người từ miền Bắc, có dịp đi du lịch bên Mĩ hay Úc thường hay bỉu môi nói sao người Việt mình ở bên này nghèo quá vậy. Đúng là so với đời sống dư dã và cách kiếm tiền dễ dàng của họ bên VN thì người Việt bên này còn nghèo. Họ không qua thời gian khổ cực ở các trại tị nạn và cũng đâu biết việc làm lại cuộc đời trên xứ người khó khăn ra sao. Người Việt ở Mĩ làm ra đồng tiền một cách chân chính, từ mồ hôi nước mắt của họ, chứ không tham ô hối lộ như ở VN hay vài nhóm người bên Đông Âu. Cộng đồng người Việt được như ngày nay là hay lắm rồi.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nói ít thôi!

Nói dối và khỏa thân


FB Nguyendinh Bon


























Có hai cô gái đẹp đang bị các cơ quan “truyền thông chính thống”, và một số “cư dân mạng” bề hội đồng. Một cô mang tội “nói dối” và một cô vì “khỏa thân” chụp ảnh với một con ngựa. Thiệt nực cười khi những kẻ mạnh miệng kêu gọi “đạo đức” kia lại là những kẻ nói dối leo lẻo, hằng giờ, hằng ngày, năm này qua năm khác mà không hề biết xấu hỗ.

Nói dối? Không ai cổ vũ chuyện này nhưng ai trong chúng ta không nói dối? Cô hoa hậu có nói dối rằng “tôi chưa chồng” để đi thi hoa hậu thì ảnh hưởng đến bao nhiêu phần trăm “đạo đức” của một đất nước hiện đang nói dối hằng ngày, từ dưới lên trên.

Các thầy cô giáo, ví dụ môn Sử, có phải đang nói dối với học sinh mình hay không khi, ví dụ nhỏ thôi, Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu lại được dạy như một anh hùng? Người tham gia giao thông “tự té”, tự va vào gậy cảnh sát, nghi can tự thắt cổ, tự đập đầu vô tường cho đến chết. Ngành nào đang nói dối? “Lương tôi 7 triệu tháng nhưng tôi xây nhà hằng chục tỷ là do… em gái nuôi tặng! Ai nói vậy? Nước chúng ta có dân chủ triệu lần hơn Pháp, Nhật, Mỹ? Câu “nói thật” này ai nói? Còn trên truyền hình trung ương, hằng ngày nếu có mở tivi, ta sẽ thấy một cô vừa ăn cắp siêu thị nước ngoài vừa nói dối leo lẻo về văn hóa xã hội là cô Kiều Trinh. Sao không dùng đạo đức của quí vị ném đá cô ta?

Chuyện khỏa thân thì sao? Cô người mẫu chụp hình kia có khỏa thân thì cô ta cũng đưa hình lên trang cá nhân của mình, ảnh tuy chưa đẹp lắm (so với tiêu chuẩn Angelina Jolie) thì cô ta cũng đâu gửi đến nhà ai trong một đất nước mà từ sex được tìm kiếm hàng đầu trên google! Ảnh chụp của cô có ảnh hưởng gì đến nồi cơm nhà bạn? Suy đồi đạo đức ư? Nỗi cùng khổ, oan ức của người dân vô tội, họa xâm lăng rập rình trước cửa mà không dám nói một lời thật mới phô bày cái suy đồi tột cùng của những cái gọi là “giá trị đạo đức” ngày hôm nay.

Hãy thôi làm nhà đạo đức giả đi nếu bạn không nằm trong cái guồng máy vô luân sản sinh hằng ngày những kẻ cỡi truồng lương tâm và nói dối đã trở thành tiêu chuẩn bình chọn sự thăng tiến. Nếu bạn là người cho rằng mình tự do, đừng đứng vào cái bầy đàn hôi thối của nền truyền thông dối trá!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nói ngay: Mình không phải nhà báo, cũng không đồng tình với cách làm báo ngày nay. Nhưng vì sao báo chí ta ra nông nỗi này? Đường quang lối chính không đi, lại muốn chui bụi rậm? Có phải khó viết, khó nói nên viết nói nhì nhằng để thiên hạ chửi? Nghe bẩu sắp có cái "quy hoạch" gì đó, chừng muốn dẹp tiệm một số không nhỏ thời phải?

Đề tài sớm cho ngày 21/6: BÁO CHÍ GIẺ RÁCH



Thủy Cúc (*)

Chưa khi nào báo chí xuống tới mức mạt hạng như hiện nay, chắc không cần nhắc lại ở đây. Những bài “nổi bật” mà tôi nhớ được là Người mẫu bán dâm hiện giờ ra sao, Hoa hậu lừa đảo đã từng gõ cửa phòng Giám khảo, bác sĩ từ chối mổ cấp cứu vì biết bệnh nhân là nhà báo, loạt bài về bà Trần Lệ Xuân,…

Hôm thứ Bảy, 28/3/2015, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA - nơi tôi làm việc ) tổ chức buổi nói chuyện đề tài “Giải quyết khiếu nại của khách hàng : Sao cho hợp luật hợp tình”. Trong buổi nói chuyện, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự sợ hãi báo chí.

Một số luật sư cũng cho biết trong quá trình Giải quyết khiếu nại khách hàng tại Hội bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, chuyện nhà báo xuất hiện, “đứng về phía” người khiếu nại để hăm dọa, tống tiền doanh nghiệp… là chuyện thường gặp. Thậm chí , có cả chuyện “tống tiền tập thể” , cả BBT cùng tham gia.

Trong những buổi làm việc khác với doanh nghiệp, tôi cũng được nghe nhiều về sự nhũng nhiễu của những nhà báo, đến từ những tờ báo có cái tên rất kêu nhưng quanh năm suốt tháng chẳng thấy có bài viết nào cho ra hồn. Có giám đốc phải “đánh dấu” tên của những nhà báo loại này; có giám đốc truyền đạt kinh nghiệm, thủ thuật né tránh nhà báo hội thảo,; có giám đốc nói một tháng nhận hàng trăm cuộc gọi xin quảng cáo, nhà báo tới gặp xấc xuợc, hù dọa, khoe khoang quen anh Ba, chị Tư, chú Bảy, cô Tám ...

Từ lâu tôi đã nhận ra, từ vị trí được người dân tin tưởng – đến mức quá đáng, báo chí nói chung đã đi đến chỗ bị coi thường, khinh bỉ. “Bị coi thường”, có khi không hẳn lỗi 100% do báo chí nhưng “bị khinh bỉ” thì không chạy tội đâu cho được. Nhà báo, tờ báo có thể không được viết, được đăng những điều nên viết và phải viết (và có thể được thông cảm), nhưng tự nguyện viết/ cho đăng những điều mà chính bản thân mình thấy không đúng, không ngữi được thì phân trần vào đâu?

Tôi cũng nhận ra bây giờ người ta sợ báo chí là sợ bị dây với đám kền kền, với kẻ tiểu nhân , chớ không phải là nổi sợ bị phanh phui tiêu cực như đã từng có một thời ngày trước

Việc những nhà báo, tờ báo đàng hoàng lên tiếng về tình trạng báo chí như giẻ rách này không chỉ là nghĩa vụ với xã hội mà còn vì sự sống còn của các bạn. Các bạn làm sen giữa bùn? Được thôi, nhưng nếu vũng bùn quá ngập ngụa, hôi thúi và đầy độc chất, ai thuởng lãm được sen? Các bạn đừng chờ tới lúc đi đâu cũng nghe thiên hạ nói câu “Anh chị xyz đó là nhà báo nhưng tử tế”
------------
TB: Sực nhớ ông bà xưa có câu “Giẻ rách cũng đỡ móng tay” nên viết thêm phần “TB” này . Đúng là giẻ rách cũng có lúc hữu dụng nhưng bốc mùi và dơ lắm lắm

-----------------------

* Thủy Cúc là nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM, có thời gian công tác trên 20 năm tại báo Tuổi Trẻ. Từng là Biên tập viên phụ trách trang Pháp luật báo Tuổi Trẻ nhiều năm gần đây.


Phần nhận xét hiển thị trên trang