Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

BÀI DIỄN THUYẾT CỦA CỤ PHAN CHU TRINH


“Sự gì gây dựng ra không theo tính tự nhiên của loài người thì dẫu có quyền chuyên chế mạnh đến đâu cũng không buộc người ta theo được”.  - Lời cụ Phan Châu Trinh

“Sự gì gây dựng ra không theo tính tự nhiên của loài người thì dẫu có quyền chuyên chế mạnh đến đâu cũng không buộc người ta theo được”. – Lời cụ Phan Chu Trinh
Đây là bài diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh tại nhà hội Việt Nam ở Sài Gòn vào tối  19.11.1925. Lúc này cụ Phan bị lao phổi nặng, người Pháp đưa cụ về Sài Gòn để chờ chết. Cận kề cái chết nhưng cụ Phan vẫn đau đáu về tương lai của Việt Nam.
Đã 90 năm trôi qua, bài diễn thuyết này vẫn nguyên vẹn tính thời sự, nhất là trong cái nhìn so sánh giữa Việt Nam với lân bang và các nước phương Tây. – TĐAS
Thưa các anh em, chị em, đồng bào !
Từ khi tôi biết cái học mới đến bây giờ, thì trong trí tôi bực tức, ngẫm nghĩ lấy làm lạ quá. Lạ vì trong xứ Á Đông này có bốn nước đồng văn, mà đều sùng bái cái chính thể quân chủ, đều sùng thượng Nho Giáo. Vậy làm sao mà từ hồi cái văn minh bên Châu Âu tràn sang cõi Á Đông đến nay thì chỉ có người Nhật Bản bỏ ngay cái học cũ mà theo lối mới, thì sự giàu mạnh trông thấy liền trước mắt, chừng trong bốn năm mươi năm mà đã sánh vai với liệt cường? Còn nước Xiêm [Thái Lan] ở gần bên ta, thì nó chẳng có đạo Nho gì hết, nó chỉ có đạo Phật mà thôi, mà nay nó cũng đứng vào hàng Vạn quốc bình đẳng. Tại làm sao mà được như thế?
Chẳng có sự gì thế, hễ người Anh lại nó cũng cho vào, người Pháp lại nó cũng cho vào, người Mỹ, người Đức lại nó cũng đãi tử tế, để nó theo học cái hay của mấy nước đó. Chỉ chừa ra có ba nước là nước Tàu, nước Cao Ly [Triều Tiên] và nước ta, dân thì nghèo, nước thì yếu, cái phần người dốt nát thì chiếm đến 80%. Còn gọi là thượng lưu, chẳng qua là trong bọn “bát cổ” đã chiếm hai phần ba trong nước; thật chẳng biết biết cái Nho Học là gì, mà cũng nhắm mắt lại chê càn cái văn minh mới là mọi rợ! (đây tôi nói Cao Ly và Tàu, còn Việt Nam ta để tôi nói lại sau).
Nhưng mà nay cái phong trào trong thế giới nó mãnh liệt lắm: ai thuận theo nó mà đi thì thuận buồm xuôi gió, ai không thuận theo nó thì cũng bị xô đẩy mà đổ lướt đi như cỏ rác.
Vậy cho nên bọn thiếu niên Cao Ly họ đã tỉnh dậy, mới có cái hồi vận động năm 1919, làm cho Nhật Bản phải bỏ lòng hổ lang đi, mà trả cái tự do lại cho họ; nước Tàu thì có sự vận động bọn thanh niên năm 1925, làm cho liệt cường thể nào cũng phải lấy sự công bình mà đối xử lại với họ.
Khốn nạn thay cho cái dân tộc nước Việt Nam ta, đến bây giờ trong dân tộc mà gọi là các ông Nho học tức là các ông có học được ít chữ Tàu, mà nhất là các ông đã đậu được Cử Nhân Tiến Sĩ; các ông đó tôi dám chắc rằng không hiểu Nho Giáo là gì hết; vậy mà mở miệng ra là cứ đem Nho Giáo ra để làm chỗ dựa, để bài bát cái văn minh kim thời, tức là cái văn minh mà các ông tuyệt nhiên không hiểu được một chút nào cả.
Còn nói về các anh thiếu niên tân học, trừ ra có đôi anh tự cái sức thông minh của mình mà tìm kiếm ra thấy được nhiều ít, kỳ dư thì chỉ theo cách học cũ; mong kiếm lấy cái chức phẩm gì, hay là coi cho rộng để viết lách khoe khoang mà thôi. Không có ông nào chịu đem cái sự học của Âu Tây để so sánh lại với cái cũ của ta, xem điều gì hay, điều gì dở cho người ta xét đoán mà tìm lấy đường tiến tới về sau này.
Tôi xin lỗi các anh chị em đồng bào, cái đề mà tôi lựa diễn thuyết bữa nay, Quân Trị Chủ Nghĩa (tức nhân trị chủ nghĩa), Dân Trị Chủ Nghĩa (tức là pháp trị chủ nghĩa), cái đề mục đó thật là lớn lao quá, không phải là sức tôi có giải quyết ra cho minh bạch được. Muốn giải quyết ra cho minh bạch thì phải tìm về Âu Á lịch sử chính học và chính trị triết học, mới có thể nói ra cho tinh tường được.
Các anh em chị em có lạ gì tôi: cái học về đường lịch sử chính trị Tàu thì tôi cũng hiểu được ít nhiều, còn về đường Tây học thì thật là kém lắm. Nhưng mà tôi cũng ráng hết sức, đem cái việc mà tôi đã biết xin nói ra cho anh em nghe, còn cái việc gì cao xa không thấu, thì để phần ông nào hiểu hơn tôi diễn giải ra cho anh chị em rõ.
NÓI VỀ CÁI LỊCH SỬ QUÂN TRỊ CHỦ NGHĨA
Cuộc quân chủ đến ngày nay thì cũng như một cái hoa tàn lá héo phất phơ trong đời bây giờ.
Xem như trong một cõi Á Đông này, không kể những ông vua mất nước rồi mà những nước mạnh họ chỉ để làm con nộm, con bồ nhìn để đè dân bổn xứ, thì chỉ có Vua Xiêm và Vua Nhật đủ quyền phép đáng xưng là Ông Vua mà thôi. Âu Châu bây giờ dân chủ đã đến 14 nước mà quân chủ chỉ sót lại có 12 nước. Còn bên Mỹ Châu thì chẳng có một nước nào quân chủ. Vậy thì ta có thể nói rằng: trong trái đất này chỉ có 8.000 triệu người, mà số dân có vua thì không được một phần trong số mười.
Vẻ vang thay cái oai quyền dân chủ! Gớm ghê thay cái dục vọng của quân chủ! Đang hồi Thượng cổ, Trung cổ, dân chúng còn hèn yếu ngu dốt, cho nên bất câu loài dân nào cũng phải có cái quyền quân chủ để bao bọc cho dân, dạy dỗ cho dân, che chở cho dân; đang cái thời đó thì quân chủ thật là một vị thuốc hay cho loài người hồi đó.
Khốn nạn thay cái tính loài người; thấy người ta tôn trọng mình bao nhiêu thì mình lại thêm kiêu hãnh bấy nhiêu; thấy người ta kính nể mình bao nhiêu thì mình lại càng tự thần tự thánh bấy nhiêu; thấy người ta chiều chuộng mình thì mình lại muốn ngồi lên đầu người ta! Không những thế lại muốn truyền cho con cháu từ đời này qua đời khác, như cái gia tài riêng của mình. Đất muốn cho ai thì cho như là bán ruộng, còn dân thì làm như bọn mọi vậy.
Ta thử xem từ xưa đến nay, bất cứ vua nào, hễ cướp được nước lên làm vua thì tìm đủ cách để truyền cho con cháu cho lâu dài, mà rốt cuộc lại họ nào lâu lắm là ba trăm năm, còn mấy họ vắn thì năm mười năm thôi. Cái cuộc đó thì ở Á ở Âu gì cũng như thế cả. Nhưng mà ở Âu Châu thì đến thế kỷ mười bảy, mười tám, các bậc hiền triết ra xướng lên cái chủ nghĩa dân quyền. Mấy ông vua nào hung dữ chuyên chế, phản đối lại cái phong trào dân chủ thì bị nhào cả; còn anh nào điều hòa với dân thì còn ngoắc ngoải đến bây giờ.
Về cái vấn đề này thì tôi cốt chỉ cho rõ cái quân trị chủ nghĩa bên Á Đông này thật không phải là gốc tự Nho Giáo. Tôi xin chỉ vẽ rõ ràng cái tư tưởng sai lầm từ xưa đến nay cho anh chị em đều hiểu.
Cứ theo các ông triết học Âu Châu bàn về lịch sử nhân loại: kể từ loài người mới sinh, rồi làm sao mà có tù trưởng, làm sao rồi thành vua thành chúa; cứ nói như thế thì mất hết thì giờ, mà các Ngài nghe cũng vô ích. Vậy nên tôi cứ sử Tàu mà cắt nghĩa để các Ngài dễ hiểu hơn.
Tàu thì tôi cứ nói từ vua Hoàng Đế là một ông vua mạnh nhất ở nước Tàu. Từ ở núi Côn Lôn (phía Tây nước Tàu) tràn xuống phía Bắc Tàu, rồi đánh với dân bản xứ Tàu là dân Hữu Miêu ở miền Dương Tử Giang, giết được tướng nó là Xuy Vưu; ông ta thật là một ông vua lớn của nước Tàu. Nhưng vậy mà đến khi ông Khổng Tử làm sách, Ngài không muốn để tên ông Hoàng Đế đầu, vì ông thấy thượng binh thượng võ lắm. Ngài chỉ chép từ vua Nghiêu vua thuấn mà thôi. Vì hai ông vua ấy không có lòng gì muốn làm vua hết, chỉ bị các nước chư hầu bắt buộc, họ bầu cử lên mà thôi, cũng nối nghiệp ông Hoàng Đế đi đánh Hữu Miêu, nhưng trong một tháng không được thì rút binh về để lo sửa việc học hành, dạy dỗ dân mà thôi.
Đời đó thì bày ra những là dạy dân có ngũ luân, làm ra lịch có ngày tháng thì giờ, cho tiện người làm ruộng, đặt ra cân ra thước, ra lường để cho tiện dân buôn bán, bày ra có áo xiêm, có lễ phục v.v… còn nhiều nữa tôi không có kể ra đây cho hết được. Đây các Ngài nghe cho rõ: cái dân tộc Á Đông mà có Nho Giáo ra là từ hai ông. Nên ông Khổng xưng là “tổ thuật Nghiêu Thuấn”. Thầy Mạnh nói cũng chỉ khuyên Nghiêu Thuấn. Mà bây giờ ở nước ta những ông có học được một hai chữ Tàu, hễ mở miệng ra là nói đạo Nho cũng vì cái lịch sử lờ mờ đó.
Đây tôi xin nhắc lại cái đời Nghiêu Thuấn, lúc đó thế nào? Cái đời đó vua Nghiêu vua Thuấn chẳng qua là một anh thủ lĩnh của đám tù trưởng ở trong dân tộc Trung Hoa hồi đó mà thôi.
Cứ theo cái dấu tích lịch sử mà suy, thì lúc đó chư hầu nước Tàu có ít cũng là đến mười lăm ngàn nước; về sau trong hai trăm năm rồi vua Võ hội chư hầu ở Đồ Sơn còn lại một vạn nước, tính theo số đó, thời đó thì không sai sút mấy. Vậy thì cái nghi vệ và cái quyền lợi của Thiên Tử hồi đó ra thế nào? Thiên Tử cũng ở trong một nước nhỏ như các nước chư hầu vậy thôi, chỉ có lập ra triều nghi để cho các chư hầu triều cống. Cái quyền to nhất là cái quyền được tế trời đất, còn chư hầu chỉ được tế những núi những sông ở xứ mình mà thôi. Thiên Tử có đi xem xét ở các nước chư hầu thì chư hầu phải đón rước, Thiên Tử được cử lên làm quan, có tội thì phạt, có công thì cũng được phong làm chư hầu.
Vậy thì nói lược qua đó, anh em chị em đủ biết ông Thiên Tử cũng như ông Tổng Lý Hội Vạn Quốc đời nay. Chỉ có được lễ triều cống, được cầm quyền chinh phạt, là theo cái số nhiều chư hầu mà phạt nước này mà thưởng nước kia.
Thương hại thay các ông học chữ Tàu, nghe nói cái tên Nghiêu Thuấn thì các ông tưởng là nhà Ngũ Phụng Lâu, cỡi xe lục long xa, tưởng là cũng ra vào hò hét như các vua ta bây giờ. Nhưng mà ai có độc địa dư hay là có đi du lịch đến chốn Bình Dương Bồ Bản, thì mới biết rằng cái kinh đô của hai Ngài bằng hai cái thành con bây giờ, nghĩa là không đầy hai ba dặm vuông.
Từ đó vua Võ nối vua Thuấn, truyền ngôi cho con trị những nước chư hầu lớn mà cứng đầu nhất, nghĩa là nó muốn giành ngôi Thiên Tử: như là đời ông Võ thì giết ông Phòng Phong, đời ông Khải thì giết Hữu Hộ, đời ông Thiếu Khang thì giết Hậu Nghệ ở nước Hữu Cùng. Ấy tôi tạm đặt đó là cái thời kỳ thứ hai của Thiên Tử.
Từ đó về sau đến 400 năm, đến đời ông Kiệt. Ông Kiệt thì tôi không cần nói những cái lỗi của ông ấy ra, các Ngài cũng đã hiểu rồi. Đến khi đó thì các nước chư hầu nhỏ nhất làm đầu, mà đánh đuổi ông Kiệt đi, rồi thay vào ngôi Thiên Tử. Cái việc đã mấy nghìn năm rồi, có thật hay không, không biết, nhưng mà tôi cũng thuật lại cho mà nghe. Khi ông Thang đã được chư hầu cử lên làm Thiên Tử, thì ông cáo với dân và các nước chư hầu rằng: “Ông lấy cái sự đuổi vua Kiệt đó làm thẹn, nhưng vì ông muốn cứu dân nên phải ra làm”. Tuy ông nói thế nhưng chư hàu vẫn cứ tôn ông lên ngôi Thiên Tử. Ấy là cái oai quyền Thiên Tử tấn tới về nước thứ ba.
Từ đó con cháu ông đến sáu bảy vua giỏi nối nhau làm vua, truyền đến 600 trăm năm. Đến đời ông Trụ, dân không phục nữa mới mất nước. Hồi ấy dân ông Trụ ba phần thì đã hai phần phục theo ông Văn Vương rồi, thế mà ông Văn Vương cũng không chịu đuổi Trụ, đến đời con ông Văn Vương là ông Võ Vương mới giết ông Trụ mà lên làm vua. Đến hồi đó thì trong sự đánh dẹp, thấy luyện tập cũng đã ghê lắm rồi, thấy quân lệnh cũng nghiêm trang, binh giáp cũng dữ dội, cũng lấy giết người chảy máu làm nhiều danh giá, giết được tướng giặc thì cũng chặt đầu bêu lên, cũng đã làm cách dã man như lối bây giờ vậy. Cho nên ông Khổng Tử khen ông Văn Vương là chí đức, chê ông Võ Vương là vị tận thiện là thế.
Từ ông Võ đến đây là hơn một nghìn năm, ông tức là vua đầu nhà Hạ. Khi ông lên làm vua thì dưới quyền ông còn hơn một vạn nước; đến hồi vua Thang nhà Thương đuổi vua Kiệt, thì còn mấy nước chư hầu sử không thấy nói. Đến đời ông Võ Vương nhà Chu đánh ông Trụ thì thấy chư hầu không hẹn mà tới hội được 800 nước. Vậy thì trong độ một nghìn năm mà tuyệt mất hơn 9000 nước . Đời ông Võ Vương nhà Chu thì oai quyền lắm, nên có thể nói rằng đến đời này thì cái oai quyền Thiên Tử tấn tới bước thứ tư.
Bây giờ tôi xin nói tóm lại: Khổng, Mạnh, và Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ tức là những ông đã làm ra cái gương để cho các vua đời sau gọi là Nho Giáo đó. Ta phải xem xét cái thời thế phong tục của các vua đời sau so lại với Nho Giáo thì có giống chút nào không?
Từ sau Võ Vương giết vua Trụ, dân đã không phục, duy có đời vua Văn, vua Võ, vua Thành, vua Khang thì dân phục mà chư hầu cũng phục. Đến đời vua U vua Lệ thì dân nó nổi lên giết các vua ấy, rồi ngôi Thiên Tử của nhà Chu từ đó mà mất theo. Một đoạn lịch sử tốt đẹp như Tàu từ Nghiêu Thuấn cho đến Văn, Võ, thật như là cái khí mùa xuân, như là cái ánh sáng mặt trời êm ái, ai thấy không khen ngợi. Ai thấy mà không ước ao. Vậy cho nên Đức Khổng, Thầy Mạnh nhân đó mà lập ra cái đạo để bình trị thiên hạ thì cũng phải lắm.
Lạ thay cho đến đời Xuân Thu là nữa đời Chu thì năm nước Bá ra, chẳng cần gì đạo đức nhân nghĩa như trước cả, chỉ lấy cái giả dối thay nhau, còn Thiên Tử chỉ để lấy cái huy hiệu mà thôi. Từ lúc đó thì còn được 300 nước; hơn một trăm năm nữa rồi chỉ còn bảy nước; không đầy một trăm năm nửa thì rút cuộc lại thống nhất về nhà Tần.
VỀ CÁI THỜI NÀY TÔI MỚI CẮT NGHĨA CÁI QUÂN TRỊ CHỦ NGHĨA TỨC LÀ NHÂN TRỊ CHỦ NGHĨA
Ông Tần Thủy Hoàng khi mới lên làm vua thì ông làm cái gì? Ông đặt ông là ông vua đầu; ông truyền cho đến muôn nghìn đời về sau; ông sợ dân khôn nên ông đốt sách; ông sợ học trò chống cãi lại nên ông chôn sống học trò; sợ để gươm giáo trong dân gian nhiều thì dân nó nổi giặc; nên ông phá ra đúc làm tượng để chơi! Phá mấy cái thành cao, lấp mấy cái ao sâu, không cho dân dựa đó mà chống lại nhà nước. Lại tin cái câu sấm “Vong Tần dã Hồ” mà bắt cả dân già trẻ đi đắp Vạn Lý Trường Thành, khổ não biết bao nhiêu. Cái mối loạn phát ra từ đó.
Ông làm như thế thì ông tưởng có cái gì mà sợ nữa. Ông làm ra cái cung điện A Phòng, bỏ vài ba nghìn con gái đẹp vào để chơi. Ông làm ra cái lăng Ly Sơn dài ba bốn dặm, có đàng cách đạo, trùng thành; còn nhiều cái sang đẹp nữa. Ông lấy chữ “Trẫm” để cho mình ông Hoàng Đế xưng mà thôi.
Đời xưng hễ xưng “hoàng” là “hoàng”, xưng “đế” là “đế”, khi trước đạo Nho lấy “vương” là quý, ông chỉ phong cho đầy tớ mình mà thôi.
Sung sướng đặng bao nhiêu, chưa đầy 13 năm đã bị thằng Triệu Cao nó giết, rồi thiên hạ lại vào tay nhà Hán, quân chủ lại vào tay nhà chuyên chế khác nữa.
Đó! Xin các ngài nghe rõ một khúc này nữa. Nay những ông Nho học ở nước ta, các ông yêu mến đạo Nho mà các ông ghét nhà Tần biết bao nhiêu; vì các ông thấy nhà Tần bội đạo Nho. Nhưng mà ông vua của các ông có xấu thế nào các ông cũng cứ vì với Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ chớ không khi nào các ông ví với vua Tần. Như mà các anh em thử nghĩ xem, vua mà xưng “Trẫm” là theo đạo Nho hay là theo Tần? Vua mà xưng là “Hoàng Đế” thì theo đâu! Vua mà có luật giết ba họ người thì có phải theo họ Tần không? Vậy mà ông vua nói mình theo đạo Nho; tự ông nói vậy là phải; các quan nịnh theo vua thì họ nói theo cũng phải đi, bọn đó không kể; còn các ông đồ già cũng rán gân cổ lên mà cãi rằng:
Vua mình theo đạo Nho!
Triều đình mình sùng đạo Nho!
Nước nhà mình theo đạo Nho!
Dân mình theo đạo Nho!
Vậy thì đạo Nho ở đâu?
Do nhà Hán đến nhà Đường, do nhà Đường đến nhà Tống, do nhà Tống đến nhà Nguyên, do nhà Nguyên đến nhà Minh, do nhà Minh đến nhà Thanh, nghĩa là trong độ 2.200 năm đó, cách chính trị của Hán cũng không có gì rộng rãi công bình; nhưng Hán cũng còn hơn Đường, Đường cũng còn hơn Tống,Tống cũng còn hơn Nguyên, Nguyên cũng còn hơn Minh, Minh cũng còn hơn Thanh. Xét cái lịch sử quân chủ ở Á Đông này thì chúng ta biết rằng từ Tần Thủy Hoàng về sau, các nước nói theo đạo Nho đó kỳ thật trong nước không có thi hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn xót lại một hai điều ở trong gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mấy ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén Dân.
CÁCH CHUYÊN CHẾ Á ĐÔNG KHÉO HƠN ÂU CHÂU THẾ NÀO?
Vua Âu Châu ở xứ thượng võ, cho nên làm cái gì cũng hung hăng mà ngay thật, cho đến sự độc ác cũng vậy. LÚC TRƯỚC MUỐN ĐÈ NÉN DÂN THÌ PHẢI THÔNG ĐỒNG VỚI GIÁO HỘI, bày đặt ra nói ông vua là ông Thần Trời, thay mặt cho Thần Trời, hay Thần Trời hóa thành ra; nghĩa là ông vua không phải một loài với dân thì dân phải tôn kính ông vua. Nhưng mà những cái đó là cạn cùng giả dối, chỉ có phỉnh dân ngu được một lúc mà thôi, cho nên sau rồi ở Âu Châu cái dân quyền càng mạnh chừng nào thì quân quyền càng xếp lại chừng nấy.
Vua Á Đông thì họ không làm như thế. Họ lựa ở trong các lời nói của ông Khổng ông Mạnh, hoặc ở trong sách cổ có những câu nói có nhiều ý nghĩa để họ dựa vào đó; họ lập ra pháp luật để bó buộc cai trị dân; cái ngôi vua thì gọi là con Trời, nhưng họ cũng cứ xưng họ là người, chẳng những họ không đứng ra cái ngoài hàng bà con của dân mà họ lại đứng ra vào cái hàng thân thiết của dân, như là ta nói “quân, sư, phụ”, lại thường nói “Vua, Cha, Chồng”. Dù ở chốn hương thơm rách nát không biết ông vua thế nào, nhưng mà họ thấy đứng vào hàng cha, thầy, chồng thì họ cũng đứng vào đám thân thiết. Dân ngu thì họ cứ kính cứ yêu, chứ họ có biết đâu đến hồi giận của ông vua thì ông giết cả ba họ người ta, chớ có khi nào làm hại làm ác như thế. Còn khi cha mẹ đẻ ta ra, thì, đói, no, sống, chết, thế nào cũng ở trong tay mẹ ta, nào ông vua có biết đến đâu. Thế mà đến hồi tuổi ta lồng lộng lớn lên thì đánh một tiếng là “Tôi trời con vua”. Ông vua muốn cho sống thì được sống, ông vua muốn cho chết thì phải chết, ta không có thể chối cãi lại được, là nghĩa lý gì?
Dân bên Âu Châu thượng võ, cho nên dòng quý tộc chư hầu phải có võ công mới lên được, mà đã lên được thì khó mất lắm. Còn bên Á Đông này, cái cách quí tộc lại chuộng thi văn, mà trong thi văn đó ai đậu mới được làm quan, ai không đậu thì thôi, bên quan võ thì chỉ hồi có giặc hay là hồi khai quốc mới có người tài thật, kỳ dư thì võ chức chỉ là để thưởng cho những người dốt nát. Thí dụ như một người đi lính từ 20 tuổi đến 50 tuổi,thì thế nào cũng lên được chức Lãnh binh, Đề đốc hưởng được cái mùi phú quý ít năm, nghĩa là mình ăn ở miễn sao cho người ta đừng ghét là được. Ấy là cái mưu quân chủ rèn tập cái trí dân ở Á Đông là cho khờ khĩnh. Ta thí dụ nước ta đã mất nước mấy mươi năm rồi, mà đến kỳ thi ai cũng khí khủm lo cho đậu được một chút mới thôi. Hễ đậu được thì cho là mồ mả ông cha có phúc. Còn người có thế hay là có tiền thì cũng vác đi lo làm quan, cũng kiếm một cái hư hàm. Chừng chúng ta đi ra Hà Nội, ra Huế, ta thấy những bọn mang thẻ bài ngà nó đi đụng đầu với nhau, còn một bọn thì đang vác tiền đi lo, thì ta cho là bọn điên cuồng ngu dại, ta không biết cái óc chúng nó ra thế nào, nhưng mà ta biết rằng cái giống đó là giống đã gieo mầm từ các đời vua trước đã mấy nghìn năm rồi.
Nói tóm lại cách chuyên chế ở Á Đông này tôn lên mấy lời tà thuyết, như là câu “lọt lòng mẹ ra đã phải chịu cái nghĩa vua tôi”. Nhưng mà ta có biết rằng “quân thần dĩ nghĩa hiệp” là nghĩa làm sao? Vậy cho nên có người họ chán, họ bỏ đi ẩn thì bọn chuyên chế nó lại lập ra cái luật “hữu tài bất di quân dụng” nghĩa là có tài mà không cho vua dùng, nó lập ra cái luật “yêu quân”, nghĩa là nũng vua, để mà phạt bọn người ấy. Nó sợ rằng dân biết chính trị nhiều thì dân nổi lên cách mạng, cho nên nó cấm học trò và dân không được nói đến chính trị. Hết thảy những cách chuyên chế đó, nghĩa là họ bảo dặn rằng: “Mày muốn làm gì làm, nhưng đừng động đến cái ngôi vua của con cháu tao” .
Có hay đâu giữ khéo thì dân trong nước không động đến ngôi vua của con cháu họ thật, nhưng mà ngoại quốc đến lấy thì dễ như chơi, bởi vì dân nó ngu! Nó không biết nước là cái gì cả. Ta thử xem cái gương nhà Tống trước thì mất với Liêu, rồi sau mất với Kim, rồi sau mất với Mông Cổ. Còn nhà Minh thì mất với Mãn Châu, Cao Ly thì mất với Nhật, Việt Nam thì mất với Tây.
Thương hại thay trong hai nghìn năm các nhà vua chẳng ngó chi đến lợi hại dân tộc, chỉ lo tính toán để đè nén cái trí dân, để mà giữ chặt cái chìa khóa tủ sắt ngôi Thiên Tử cho con cháu mình. Nhưng mà có hay đâu, dân đã ngu thì nước phải yếu, vua quan lại nghênh ngang tham nhũng nữa, như thế tất loạn, loạn thì ngôi vua mất. Nếu dân ngu quá, yếu quá không đủ dấy loạn được, thì các nước khác nó tràn vào, ấy là cái lẽ tự nhiên, làm gì thế nào cũng không khỏi mất. Cho nên xưa nay cái ngôi vua thay đổi luôn, cũng như cái ghế hạng nhất ở rạp hát vậy.
CÁI QUÂN CHỦ LỢI HẠI THẾ NÀO?
Vậy bây giờ ta tóm lại để coi cái lợi hại về quân chủ như thế nào, thì ta thấy bất kể là Á là Âu, ở xứ nào, dân tộc nào mà lập thành nước để đến bây giờ, đều là nhờ những anh hùng hào kiệt đời xưa, họ ra cầm đầu cho dân, ngoài thì đối phó với các dân tộc khác, trong thì sửa sang lại việc hoà bình ở trong nước. Những cái công đức của các ông đó ta cũng nên khen ngợi, đáng nghi nhớ, chớ không phải không. Còn cũng có dòng dân, trước còn đứng được, sau lại không có anh hùng hào kiệt đứng ra chống chỏi, thì lại bị nước khác nuốt mất. Xem vậy thì cái lợi của quân chủ ở đời thượng cổ quý không gì bằng. Tuy các ông cũng có mưu về lợi riêng, nhưng chúng ta cũng có thể tha thứ được. Còn cũng có một cái dịp dùng cái quyền quân chủ rất tốt, như nước Nhật nước Xiêm, khi người Âu Châu mới qua thì dân còn ngơ ngác không biết gì, thế mà nhờ trên có vua anh hùng, dưới có các quan tài trí, đem đường chỉ lối cho dân tấn tới lại càng mau. Vậy thì cũng là một sự hay. Còn từ đó sắp sau, chỗ nào dân không thể nhờ được dịp đó thì cái quân chủ là một đồ vô dụng.
Ta xem bên Tàu 30 năm trước, vua Quang Tự đã hạ chiếu duy tân, vì có một người thiếp của cha, mê trai, tham của, không chịu thay đổi chính trị, chẳng những làm cho dòng vua Mãn Châu mất, mà làm cho Tàu đến nay hãy còn khốn đốn. Vua Cao Ly, bên vợ thì duy tân, bên cha thì thủ cựu, đánh nhau mãi, giết nhau mãi, rút cuộc lại cha mẹ thì bị ở tù,vợ thì bị giết, mình thì hai tay bưng nước đưa cho Nhật, rồi bị cách chức.
Nhắc đến ông vua nước ta là ông Tự Đức mà đến bây giờ mấy ông quan già và mấy ông đồ già còn ca tụng là “Thánh Quân”, khi người Tây mới qua, quan binh thì cũng có như ông Nguyễn Tri Phương, như ông Võ Trọng Bình xin đánh, mà nói có muốn đánh thì phải xuất tiền đi ngoại quốc mua súng ống về mới có thể đánh được. Nhưng mà ông vua ấy có tính thương tiền tiếc bạc, cứ muốn chôn dưới đất, chẳng muốn đem mua cái gì cả, ông trả lời với các quan binh rằng: “Các anh muốn đánh thì đánh, nhưng mà nếu các anh đánh không hơn thì các anh mới để mẹ con trẫm vào đâu?” Làm ép cho mấy quan võ như Võ Trọng Bình bỏ về, còn ông Nguyễn Tri Phương để cho Tây bắt, rồi không ăn mà chết. Cũng có người học thức như ông Nguyễn Trường Tộ, khuyên vua dạo qua bên Tây, xem xét cái văn minh của họ rồi cho người qua học, các quan văn cũng có nhiều người xin thế, mà ông vua trả lời rằng: “Nhật nó là dòng Mọi, Xiêm nó là dòng Mọi; Mọi thì nó học với Mọi được, chớ như ta là Con thần cháu Thánh, lẽ nào ta lại đi học với Mọi hay sao?”
Thôi! Tôi không đoán cái hay cái dở của ông vua đó, để các Ngài nghe rồi các Ngài sẽ đoán xét các ông vua đó là ông vua gì. Mẹ con ông chết thì có chỗ chôn, còn mẹ con hai mươi triệu bơ vơ đến bây giờ đó thì sao? Bọn mà ông cho là mọi rợ thì bây giờ nó đã tấn tới hết cả. Hai mươi triệu khi xưa không đến mọi rợ mà bây giờ chẳng những hóa ra mọi rợ, mà lại hóa ra tôi đòi hèn hạ nữa!
QUÂN TRỊ TỨC LÀ NHÂN TRỊ (Người trị người)
Đây hãy nói tóm lại quân trị tức là nhân trị. Quân trị chủ nghĩa, tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng pháp luật cứ tự tay ông vua lập ra, chứ còn dân thì không hay biết gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông minh anh hùng, hiểu được cái sự quan hệ giữa dân với nước là thế nào, mà trừng trị lũ quan tham lại nhũng, để cho dân được yên lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì giờ của vua sống được bao nhiêu thì nước còn được thái bình bấy nhiêu.
Còn mấy ông vua hôn ám thì ông sống với đàn bà con gái, với bọn hoạn quan, còn biết gì đến nước trao chính quyền vào trong tay mấy đứa nịnh thần, người đã hư thì nước cũng đổ thôi. Cho nên ông Khổng Tử có nói rằng: “Văn võ chi chính bố tại phương sách, kỳ nhân tồn tắc kỳ chánh cử, kỳ nhân vong tắc kỳ chính tức”, nghĩa là cái chính trị vua Văn vua Võ còn chép ở trong sách, có người chính trị giỏi thì cái chính trị trong sách đó mới thi hành ra, nếu không có người giỏi thì cái chính trị ấy mất. Tuân Tử thì nói rằng: “Hữu trị nhân, vô trị pháp” nghĩa là có người hay làm hay chứ không có cái pháp luật nào hay được. Ông Mạnh thì kiêm cả hai ông mà nói rằng: “Đồ thiện bất túc dĩ vi chính,đồ pháp năng dĩ tự hành”, nghĩa là có người giỏi mà không có pháp luật thì cũng không làm chính trị được; có pháp luật mà không có người giỏi thì pháp luật cũng không tự làm lấy được.
Mấy nghìn năm nay, mấy ông vua giỏi, tướng giỏi hết sức mà tránh cho khỏi cái chữ quân trị là nhân trị, nhưng mà không được, vì là lập phép này phép kia cũng tự tay vua, đến khi đạp đổ đi cũng tự tay vua.
Ấy tôi nói những ông vua biết lo mà chữa cho khỏi chữ nhân trị là từ đời Tống, đời Đường sắp lên, những ông vua hiền minh thì thế. Còn từ đó sắp xuống thì chuyên chế quá lắm. Xem như ông Minh Thái Tổ đặt ra cái luật “hữu tài bất vi quân dụng”. Nghĩa là đặt ra cái luật hễ ai mà không ra cho vua dùng thì có tội. Ấy là để bắt người ta phải ra cho mình áp chế hết cả, chớ không cho ai ở ẩn nữa. Về đời Càn Long lại đặt ra luật “yêu quân” nghĩa là có tài mà buộc vua cầu cạnh mình thì có tội. Những cái luật đó thì còn có ích gì cho dân tộc, cho nhà nước đâu, chỉ làm sướng cái óc kiêu ngạo, làm cho sướng cái xác thịt của ông “Hoàng Đế” đó thôi. Vua đời xưa thì còn cầu hạ sĩ, chứ còn vua đời sau thì cứ nằm ngửa đó, thằng nào có tài mà không cho ra cho tao dùng thì tao bỏ tù, thì còn gì sang trọng hơn nữa.
Từ nãy đến giờ tôi nói về cái lịch sử và triết học quân trị là nhân trị. Đây tôi xin kể thêm vài cái chứng thật cho anh em dễ hiểu. Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tuỳ theo lòng vui, buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.
Thí dụ như ông Gia Long lấy cái luật của đời Càn Long nước Tàu để trị dân Việt Nam; trong cái luật đó nói rằng: “phí công quân bất hầu”, nghĩa là không có công đánh được giặc thì không phong tước hầu. Vậy thì ông Nguyễn Văn Thành phong tước hầu, và làm đến trung quân, chẳng qua là ông Gia Long có tấm lòng công bình mà xét cho cái công trạng của ông ấy theo đánh giặc từ nhỏ đến lớn. Sao tôi dám nói vậy? Bởi vì sau đó con ông Thành có làm một bài thơ chơi, nghĩ cũng chẳng tội lỗi gì, mà ông Gia Long giết tới ba họ. Như vậy chẳng qua là khi cơn giận ông lên thì ông giết, chớ có pháp luật gì đâu.
Tôi nhắc qua một cái tích của ông Tự Đức mà tôi đã nói trên kia. Năm ông Tự Đức thứ 25, dân Trung phần chết đói, nhà nước đã lo phát chẩn được một ít rồi, các quan lại xin trích tiền thuế trong các tỉnh, các chủ huyện để trữ lại trong xã thương các làng, phòng năm các dân có đói chăng, thì ông ta cho phép dân được đem tiền đem lúa ra nạp quyên mà lấy chức Bá Hộ, Bát phẩm, Cửu phẩm. Nhưng mà ông nói đói quá có lúa có tiền đâu mà quyên. Ông xuống dụ các quan cho đàn quyên chịu đã, chừng nào đóng đủ số tiền đó thì sẽ phong sắc cho. Còn tiền đóng thì cứ để lại cho đàn ấy. Cái dụ xuống nói rõ ràng như thế. Cách một năm thì thấy cái dụ khác kể hết tiền chưa đóng và đã đóng rồi, bắt phải đem hết ra tỉnh để cấp cho lính đánh giặc. Tỉnh sức xuống phủ huyện, phủ huyện sức xuống các làng. Dân trả lời rằng vua cho quyên chịu, chớ không bắt đóng ngay, năm này mất mùa dân không chịu đóng, mà gì nó cũng không có mà đóng. Quan tỉnh tư Bộ, bộ tâu Vua, Vua phải phải làm tội hết những quan ấy. Nhưng mà trong luật Việt Nam những cái luật tiền bạc thuộc về dân qua qua lại với nhà nước thì ít thấy lắm các quan không biết theo mặt luật gì mà làm án, phải tâu lên vua hỏi phải làm án gì, nhà vua bắt làm theo luật “thượng thư bất dĩ thiệt” nghĩa là chiếu theo luật các quan dâng thư cho vua nói về chính trị mà không thật. Quan Bộ cứ đó mà làm tộï. Đến khi tư về các tỉnh, người thì sáu năm, người thì tám năm, người thì mười hai năm tù. Gia dĩ đang khi đói khát, cha xa con, vợ bỏ chồng, tưởng quyên cái Bát, Cửu Phẩm để lấy làm vui, hay đâu không được vui mà lại phải ở tù. Thế nên cả nhà, cả họ ai cũng lấy làm đau lòng xót ruột. May đâu cái án đó đi đến Quảng Ngãi, gặp một ông Ấn Sát, ông ấy thì giỏi luật lệ mà có lòng thương dân, lo việc nước (Ông ấy là người Bến Tre về tỉnh Vĩnh Long tên là Nguyễn Thông hiệu Kỳ Xuyên, sau lục tỉnh mất thì ông chạy ra Phan Thiết. Ông ấy cứ từ câu mà bẻ hết cái án, rồi ông gởi trả lại cho Bộ, ông nói rằng: “cái vụ này là chỉ có vua và quan nói dối dân, chứ dân không nói dối ai chút nào cả”. Còn chiếu theo luật “thượng thư bất dĩ thật” thì không đúng vào đâu cả. Ông Tự Đức biết mình lỗi, nhưng mà mắc cở xui cho người khác kiện ông Nguyễn Thông rồi cách chức ông đi, muốn trị tội nặng. Nhưng dân Quảng Ngãi và dân các tỉnh hết sức bênh vực cho ông ta, cho nên cũng chẳng làm hại cho ông được, chỉ đuổi ông ta đi mà thôi. Đây nói lược qua một hai điều cho các Ngài nghe, chứ tôi kể hết cái sử Tàu và Việt Nam thì mấy ngày cũng không hết .
NÓI QUA DÂN TRỊ CHỦ NGHĨA
Nay khắp cả thế giới những nước nào đã theo kịp được một ít văn minh Châu Âu, hay là hiểu được một ít tư tưởng tự do, thì ai cũng hiểu được cái tiếng dân chủ là thế nào, hay là dân trị là thế nào.
Bên Âu châu có mấy nước quân chủ mặc lòng, nhưng nước nào cũng có đảng Dân chủ ở trong thượng, hạ nghị viện cả. Duy có nước ta thì như trong lục tỉnh này thuộc với Tây đã hơn sáu mươi năm, cái chữ “République” thì nói luôn trên miệng, nhưng mà chẳng tìm kiếm nghĩa lý như thế nào, so sánh với dân trị chính thể cũ của nước ta ra thế nào! Aáy là nói những người có ăn học, ý tôi xem hình như các Ngài đoán trước rằng có quân chủ là hơn. Còn nhất là dân nhà quê chẳng những là không biết dân chủ là gì, mà đối với vua thì thờ trên đầu như thờ Thần thờ Thánh; chẳng những không nghĩ đến sự “phải có hay là không” mà hình như có ai nghĩ đến việc đó thì phải bị sét đánh, đá dằn, voi chà, ngựa xé. Khi nào nghe nói bất luận là ông vua nào, nghe qua thì trong lòng đã vui mừng hớn hở, nghĩa là ông ấy chắc là mình trông cậy được, rất dở là mới đây việc Phan Xích Long còn xảy ra trong xứ này. Vậy mới biết rằng cái độc quân chủ vào óc dân ta sâu quá, mà cái trình độ của dân ta cũng thấp quá, chỉ có một người mà nói: “Mầy phải trung với người này phải kính với người này”, thì nó mới hiểu. Mà nếu cứ nói ra cái tên nước Việt Nam mà rằng: “Ấy là nước ông cha mầy, mầy phải thương”, thì tay nó không rờ được, mắt nó không trông thấy được thì nó không thể làm thế nào mà thương được. Vậy thì cứ trừ ra một cái nhà, một cái vườn, vài mẫu đất nội chỗ con mắt nó thấy đó thì nó thương được mà thôi. Đã mấy năm nay tôi thường thấy nhà báo hay nhà diễn thuyết, hễ mở miệng ra thì nói nước có hai mươi triệu quốc dân, trong cái giọng nói thì hình như có cái danh giá, có sự khoe khoang, có sự tin cậy. Nhưng mà tôi nghĩ trong hai mươi triệu ai cũng biết có nhà mà không biết có nước; như thấy trong cái nhà nào trong lúc rủi ro có ba, năm người con trai bị chết tuyệt tự, hay nhà nào ruộng đất mà bị kiện thưa, hay là bị con ham cờ bạc thì xúm lại nói ồn ào khắp dân gian, cho là việc quan hệ nhất ở trong xứ này. Còn đến việc “mất nước” thì chẳng ai mơ màng vào đâu. Một dân tộc mà đối với nước lơ láo lạt lẽo như thế cũng khốn nạn thật! Dân như vậy mà muốn bỏ vua đi mà lập ra dân quốc, chắc trong các Ngài có ông cũng lấy làm lạ. Nhưng mà tôi nghĩ rằng vì cái độc quân chủ giết hẳn cái lòng ái quốc của dân Việt Nam ta, bây giờ muốn cho dân Việt Nam ta biết nước là của chúng nó, thì phải đem cái tụi bù nhìn đó vất hết cả đi, thì nó mới có thể tìm kiếm cái nước đó là nước của ai? Mà nòi giống ta thông minh, có lẽ một ngày kia sẽ gặp thấy rằng ở trong cái miếng đất mấy nghìn năm lưu truyền lại đây, cái quyền lợi của nó hãy còn nhiều. Cái quyền phép của nó cũng có nhiều, rồi nó sẽ hiểu rằng xưa nay người mà gọi rằng vua quan đó, chẳng qua là người thay mặt làm việc cho nó, nếu làm không xong thì nó đuổi đi cũng không có lỗi gì.
Khi nào dân đã hiểu như thế thì nó mới biết thương nước. Mà nó có biết thương nước thì một ngày kia mới mong tự do độc lập được, chứ không thế thì cứ đời đời làm tôi mọi mãi.
SAO GỌI LÀ DÂN CHỦ?
Câu này ở Châu Âu thì không cần phải cắt nghĩa cho nhiều, nhưng mà ở trong xứ mình thì tôi cắt nghĩa mau mau để cho người ta hiểu cái đại lược.
Lịch sử – bất cứ là dân nước nào số người học thức cũng là phần ít cả, thường thường nhờ cái đảng thượng lưu, trung lưu dìu dắt nó đi ấy lẽ thường. Nhưng mà duy có dân châu Âu khác với dân ta có một việc; là từ khi bắt đầu mới khởi ra thì họ cũng sùng trọng quân chủ. Nhưng không biết thế nào hồi nước Hy Lạp họ lại có cái hộ gọi là Trưởng giả hội nghị, thì do ông vua nhóm họp lại những bậc quí tộc mà lập pháp luật ban cho dân. Lại có một cái hội tên là Quốc dân hôị nghị, phàm những luật lệ mà ông vua cùng những người quí tộc đã đặt ra thì phải giao cho hội ấy xem có bằng lòng thì mới được làm. Sau đến nước La Mã thì có hội nghị “một trăm người” thì lấy trong quân lính mà sắp đặt ra hội ấy, phàm xứ ấy có việc gì lôi thôi thì hội ấy bàn. Còn sau đến hồi dòng vua La Mã đã mất, thì có một cái hội “La Mã nguyên lão viện”, lại một hội “La Mã bình dân viện”. Cho nên sau khi La Mã đổi làm đế quốc chuyên chế mà cái phép La Mã cũng phát đạt luôn luôn. Bây giờ các nước đâu đâu cũng bắt chước La Mã cả.
Trong một lối từ khi mọi Nhật Nhĩ Man tràn xuống phá La Mã đế quốc, các nước châu Âu được độc lập hết cả, thì cái chính thể hội nghị ấy đã mất đi đến mấy trăm năm.
Lạ lùng thay người nước anh còn giữ lại được gọi rằng “Nhân dân hội nghị”, “Hiền giả hội nghị”, hai hội ấy đều là vua nhóm những kẻ tài trí trong dân gian để giao cho cái quyền “lập pháp”. Đến nay thành ra cái Hạ Nghị Viện của Anh bây giờ, mà đến thế kỷ 17-18 lại truyền bá ra cả lục địa châu Âu. Ấy là nói lược qua cả lịch sử dân quyền châu Âu.
ĐÂY TÔI XIN NÓI QUA CHÍNH THỂ DÂN CHỦ LÀ THẾ NÀO?
Bây giờ bên châu Âu trừ nước nào dân còn ngu dại, còn thì theo chính thể dân chủ. Đây tôi nói về cái chính thể bên Pháp – ở trong nước có một Hạ Nghị Viện quan hệ nhất. Số nghị viện thì trên dưới sáu trăm, dân đúng hai mươi mốt tuổi trở lên thì ra bầu cử. Dân hai mươi lăm tuổi trở lên thì được ra ứng cử. Được cử rồi thì gọi là Hạ Nghị Viện. Số phận của nước Pháp cầm ở trong tay cái hội ấy, hội ấy thì chủ quyền để lập pháp luật. Thứ nữa có một Nguyên Lão Nghị Viện. Cái viện ấy lại không phải dân cử. Các hội đồng ở các tỉnh các hội nào mà nhà nước đã nhận có cái nhân cách, và những người làm việc nhà nước thì lại ra ứng cử. Hội ấy thì để coi về việc tiền bạc.
Khi nào bắt đầu đặt Tổng Thống, hay là thiếu mà đặt lại, thì hợp số người trong hai viện ấy lại làm bỏ thăm. Người ta ứng cử cũng là ở trong hai viện ấy. Ai được nhiều thăm thì làm Tổng thống. Khi Tổng thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước mặt hai viện ấy rằng: “Cứ giữ theo hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân cứ trục xuất ngay”. Trước thì có Mac Mahon, sau thì có Millerand bị cách chức, cũng vi phạm hiến pháp.
Còn chính phủ thì cũng bởi trong hai viện ấy mà ra. Nhưng mà giao quyền cho đảng nào chiếm số nhiều ở trong hai viện ấy thì được tổ chức Quốc vụ viện (tức là chính phủ, toà nội các). Theo Quốc vụ viện bây giờ chừng đâu cũng đến vài chục bộ, nhưng không phải ăn rồi ngồi không, vênh râu lên đó như mấy ông Thượng thư ta đâu. Ông nào cũng có trách nhiệm ông ấy cả. Nếu cái gì mà làm không bằng lòng dân, thế nào cũng có người chỉ trích. Bởi vì ở trong hạ nghị viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả một đảng hữu; nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước thì đảng hữu xem xét chỉ trích; cho nên có muốn làm bậy cũng khó lắm.
Trong nước đã hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp. Cái quyền chính phủ cũng bởi hiến pháp qui định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng Thống cho đến một người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau.
Các quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử đoán thì giao cho các quan án là những người đã học giỏi luật lệ, có bằng cấp. Các quan ấy thì chỉ coi về việc xử đoán, có độc quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân. Các quan án ở về một viện riêng gọi là Viện Tư Pháp.
Quyền tư pháp cũng như quyền hành chính của chính phủ, và quyền lập pháp của nghị viện, đều đứng riêng ra không họp lại trong tay một người nào. Đây là nói sơ lược mà thôi, muốn hiễu kỹ cái chính thể dân trị thì phải chuyên môn mới được.
Xem vậy thì biết dân trị tức là pháp trị (lấy phép mà trị người). Vì quyền lợi và bổn phận của mọi người trong nước đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự do. Muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn trở, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền lợi của người khác thì không được. Vì đối với pháp luật thì mọi người đếu bình đẳng không có ai là quan, ai là dân cả.
So sánh hai chính phủ quân trị và dân trị, ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được ấm no vui vẻ là phải đói rét khổ sở chỉ tuỳ theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải đè đầu khốn nạn làm tôi mọi một người, một nhà, một họ nào.
Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân nào ngu dại cứ ngồi yên mà nhờ trời mà mong đợi mà trông cậy ở vua, ở quan, giao phó tất cả những quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay là một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường.
Anh em chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước, mới mong có ngày cất đầu lên nổi!
Thưa anh em đồng bào!
Anh em đồng bào thấy tôi là người tuổi tác, ở lâu năm bên Pháp mới về, anh em đồng bào có lòng quá yêu, nhường cho tôi bước đầu lên diễn đàn nhà hội “Việt Nam” ta đây, để tỏ ý kiến là hy vọng của tôi đối với xã hội Việt Nam ta từ ấy đến giờ, thì tôi rất lấy làm cảm tạ vô cùng.
Không nói, tưởng anh em đồng bào cũng đã biết tôi vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam mà phải lăn lóc đến mười tám năm nay. Trong khoảng 18 năm đó (hơn 14 năm ở Pháp) thường mong mỏi được gặp mặt anh em đồng bào nơi cố hương, đặng tỏ chút ý kiến về những sự đã được nghe thấy trong khi tôi trôi nổi nơi đất khách quê người. Không ngờ giấc mộng được thành, trở về nơi chôn nhau cắt rốn, giáp mặt anh em đông đủ thế này. Tôi mừng quá!
Thưa anh em đồng bào, nay tôi đã được gặp anh em đông đủ ở đây, tôi xin anh em cho phép tôi được giải bày đôi chút ý kiến về “Đạo đức luân lý Đông Tây” mà mong rằng anh em để ý hiểu cho. Đáng lẽ theo thời nay, không thiếu chi vấn đề rất quan trọng làm rung động các dân tộc trên toàn cầu, tôi có thể nói chuyện cùng anh em được, thế mà tôi lại không lựa đến mấy vấn đề mới mẻ ấy, chỉ bọn lấy cái vấn đề “Đạo đức là luân lý” rất tầm thường mà rất cũ kỹ thế này.
Tôi chọn vấn đề này, là vì tôi tưởng rằng từ xưa đến nay bấy cứ dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu vàng, dầu trắng, dầu yếu, dầu mạnh đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc trên thế giới thì chẳng những thuần nhờ cái sức mạnh mà thôi, mà phải nhờ cái đạo đức làm gốc nữa; nhất là dân tộc nào bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khỏi bị người đè lên trên thì lại cần có một đạo đức vững chặt hơn dân tộc đang giàu mạnh hơn mình.
Câu chuyện đạo đức tôi sẽ giải ra sau này không cao xa gì, mà cũng không như câu chuyện đạo đức các ông thuộc về phái thủ cựu thường đã nói. Đạo đức đây chỉ là: “Phàm đã là một dân tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một cái lịch sử chính đáng, thì phải giữ gìn những sự vẻ vang trong lịch sử của dân tộc mình”, nghĩa là gìn giữ lấy những đức hay tính tốt mấy trăm nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nước nào dân tộc nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại là một cái tính chất của một dân tộc đã trải lâu năm kết tinh lại như hòn ngọc mài không mòn, như sắt nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo đức được.
Thưa anh em đồng bào!
Tôi lâu nay lưu lạc, bây giờ trở về mới liếc mắt trông qua cái hiện trạng của nước nhà ta, tôi rất lấy làm buồn lắm. Than ôi! Cái đạo đức cũ đã mất từ bao giờ không khác gì trái cây khô, mà cái đạo đức mới cũng chưa thành hình gì cả. Thử xem các ông cựu học thì bo bo nói rằng phải buộc bọn thiếu niên tân tiến theo đạo đức cũ. Nhưng chán thay, các ông ấy chỉ nói thế thôi, xét ra thì chẳng những lễ, nghĩa, liêm, sỉ các ông đã bỏ mất không biết gì đến rồi, mà đạo đức cũ của ông cha ta ngày xưa để lại cũng theo dòng nước chảy xuôi. Đó là nói các ông không biết giữ gìn đó thôi, chớ như đem ngay cái luân lý cũ kỹ mấy nghìn năm trước mà so sánh với cái luân lý của thế giới ngày nay thì cũng trái ngược lắm rồi. Còn các bạn thiếu niên thấy ông già lù khù như thế lại càng giàu thêm cái tính nết, thành ra cách ăn ở Tây không ra Tây, mà Nam cũng chẳng ra Nam. Điều này không chỉ tôi nói ra đây mà thôi, chính người Pháp ở thuộc địa lâu ngày viết sách chê đến đã nhiều.
Anh em ta đây tất cũng đã thấy người ta thường nhóm năm nhóm bảy với nhau rằng cái tính của người Tây kiêu ngạo hay khinh người, nhưng ta hãy tự hỏi ta điều đó, ta xem cách ta ăn ở có đáng cho người kính trọng không? Sự đó không thiếu gì là gương cũ ta có thể kể ra được. Đã mất mươi năm nay, nhờ cái phong trào của thế giới xô đẩy mà trong nước ta cũng có đảng thủ cựu, đảng Duy tân, đảng Hoà bình, đảng Kịch liệt làm ồn ào cả lên mà rút cục lại chằng thành hiệu quả gì… Đến khi đổ vỡ ra thì thấy toàn những đầu trâu mặt ngựa cả, chỉ bêu xấu cho cái danh giá của dân tộc mình, khiến cho người ta trông vào thấy thế càng khinh dễ thêm, càng vày đạp thêm.
Ông Khổng nói rằng: “Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi” nghĩa là mình tốt thì trời đất giúp thêm cho, mà mình đã nghiêng đổ thì trời đất lại xô đạp thêm. Ông Mạnh cũng nói rằng: “Nhân tất tự vũ nhi hậu nhân vũ chi” nghĩa là mình có tự khinh mình thì người ta mới khinh mình. Vậy thì không trách mình thì còn trách ai! Bữa nay tôi chọn cái vấn đề này mà nói chuyện cùng anh em đồng bào đây, chính là vì cái chính ý đó.
Xưa nay ta học chỉ đọc ngoài miệng thôi, ít khi chiụ tách bạch cho phân minh từng nghĩa nên nhiều khi hiểu lầm. Như chữ đạo đức và luân lý ta thường cho là một nghĩa chớ không biết rằng đạo đức là đạo đức, luân lý là luân lý. Đạo đức gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần trong đạo đức mà thôi. Đã gọi là người thì phải có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần, kiệm. Nhân là có lòng thương người, Nghĩa là làm việc phải, Lễ là ăn ở cho có lễ độ, Trí để làm việc cho đúng, Tín là nói với ai cũng giữ lời cho người ta tin mình mới làm được việc, Cần là làm việc siêng năng, Kiệm là ăn ở dành dụm trong lúc no để phòng lúc đói, lúc có để phòng lúc không v.v… Người có đạo đức tức là người ở trong đạo làm người vậy. Đạo đức đã như thế thì không có mới có cũ, có Đông có Tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng giữ được đạo đức ấy mới là trọn vẹn. Dầu nhà bác học xường ra học thuyết nào khác nữa, dầu các chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hoặc cộng sản đi nữa, cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức, nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được.
Luân lý thì không thế. Luân lý có thể thay đổi được luôn. Luân lý thì mỗi người mà khác. Thí dụ như nước ta về thời nhà Đinh lập được năm bà Hoàng hậu mà đến các đời sau như Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, Nguyễn, thì chỉ lập có một Hoàng hậu mà thôi; như đời nhà Trần thì người trong họ được lấy nhau mà tục ấy đời sau lại cấm. Đời nhà Trần khi nào trong nước có giặc thì vua triệu những bậc phụ lão trong nước vào điện để bàn bạc, mà đến đời sau thì chỉ một lũ vua tôi làm chuyên chế với nhau mà thôi.
Lại thí dụ như xứ này hễ cha mẹ chết thì đem ăn thịt hoặc đốt đi, mới gọi là hiếu, mà xứ kia thì phải làm đám táng có kèn trống linh đình mới là phải đạo làm con. Xem những cớ đó thì đủ biết rằng luân lý có phải là thứ thiên niên bất dịch đâu, mà kỳ thật có thể tuỳ thời mà thay đổi vậy. Người ta có thể thay đổi luân lý mà không thể thay đổi được đạo đức. Ấy luân lý và đạo đức khác nhau là thế. Nói cho rõ hơn là luân lý như cái áo tuỳ người lớn nhỏ mà thay đổi, nhưng cũng không mất hình cái aó đi, chí như đạo đức là như cơm, như nước, như đồ bổ dưỡng, cần cho mọi người dẫu muốn thay đổi cũng không thay đổi được, nếu thay đổi được là đạo đức gia.
Tôi giải rõ nghĩa hai chữ luân lý và đạo đức khác xa như thế là cốt ý sẽ bàn về sự thay đổi luân lý của nước ta và đề phòng khi anh em đồng bào nghe đến câu “thay đổi luân lý” khỏi lấy làm giật mình. Trước khi tôi chưa giải rõ nghĩa hai chữ luân lý đạo đức, nếu tôi nói: “Ngày nay ta phải bỏ quân chủ lập dân chủ mới hợp thời” thì chắc cũng có mấy ông hiểu lầm hai chữ luân lý là đạo đức đều ứng lên mà la rằng: “Bỏ quân chủ thì nền đạo đức cũ của nhà Nam ta cũng đổ nát theo còn gì!” Nhưng bây giờ thì anh em cũng không đến nỗi hiểu lầm như thế nữa.
Vậy tôi xin bàn qua hai chữ luân lý Đông Tây:
Luân lý của người Âu Tây dạy cho con trẻ phải thờ cha kính mẹ, thương yêu bà con họ hàng, tưởng cũng còn hơn cái luân lý của ta dạy bằng “Tam Tự Kinh và Tam Thiên Tự”. Luân lý của họ cũng không khác gì mình, duy theo pháp luật thì con trai con gái họ đến 21 tuổi là tuổi trưởng thành, thì có thể lìa cha mẹ mà độc lập được, nghĩa là “đến tuổi có nghĩa vụ mà trách nhiệm đối với quốc gia luân lý tất nhiên phải nhẹ cái gánh trong gia đình đi” . Người mình thấy luân lý của người khác ta khác mình và có lẽ lại sơ lược hơn mình thì cho là mọi rợ, chớ biết đâu khi xưa họ cũng như mình. Song từ khi cái tư tưởng quốc gia của họ đã tiến lên thì cái tư tưởng gia đình lần lần nhẹ bớt đi, ấy cũng là lẽ tiến hóa tự nhiên… Cũng như ngày nay cái phong trào xã hội bên Âu mạnh quá, khiến cho lắm nhà triết học đã nghĩ đến cách làm thế nào phá tan cái vòng gia đình chật hẹp kia, cho mọi người trong nước được bình đẳng, nghĩa là kẻ giàu người nghèo đều được giáo dục và sinh hoạt như nhau, không đến nỗi như ngày nay xa nhau một trời một vực, phá cái thành “phân cách” chặn ngang các hạng người như thế, là cốt giữ gìn trật tự trong xã hội và ai ai cũng được bình đẳng như nhau.
NÓI VỀ QUỐC GIA LUÂN LÝ CHÂU ÂU
Quốc gia luân lý Châu Âu phát đạt từ hồi Trung Cổ nghĩa là từ thế kỷ thứ XVI nền quân chủ đang thịnh. Vua của họ hồi ấy cũng như vua của ta, nghĩa là tự thánh tự thần làm chuyên chế quá cho nên mới nảy ra nhiều nhà đại triết học thuyết minh vua là gì, nước là gì, nói ra có giới hạn, rất phân minh, khiến cho ai nấy đều hiểu quốc gia có quan hệ mà nhẹ bớt gia đình.
Thứ hai là từ thời có dân tộc ở Châu Âu đều có tính háo chiến cho nên thường lấy sự thắng trận làm vinh, thua trận mà làm nhục đánh nhau lung tung. Ví tính háo chiến đó, cho nên dân các nước bên Châu Âu về thời đó, đều có một nền quốc gia luân lý rất bền chặt vững vàng.
Ấy, quốc gia luân lý của họ mà thành là vì hai cớ đó.
Đến bây giờ thì thời cuộc thịnh như đã suy, từ khi bốn năm đại chiến như vừa rồi, nước thua dân bị lầm than thì đã đành, mà nước được dân cũng lắm nỗi khốn thành ra trăm việc đếu như hư nát mà nào có ích cho ai! Vì thế nên mấy nhà đại chính trị, đại quốc gia đã qua, không thể duy trì lại được nữa đành phải bỏ mà tiến lên thời đại xã hội vậy. Tuy nước nào cũng có một đảng thử cựu phản đối, kịch liệt, nhưng cái phong trào xã hội bây giờ cuồn cuộn như nước nguồn đang đổ, thì làm sao ngăn lại được nữa. Cuộc đại thắng của xã hội luân lý sau này cũng là một việc dĩ nhiên.
Ấy là bước tiến lên, bỏ quốc gia luân lý mà bước lên xã hội luân lý, cũng như khi trước bỏ gia đình luân lý mà tiến lên quốc gia luân lý vậy.
Xã hội không phải là cái luân lý cường quyền của chính phủ đối với dân, cũng không phải là sức mạnh của nước nọ đối với nước kia, mà chính là trong nước thì lấy người này đối với người kia, suy rộng ra thế giới thì lấy loài người đối với loài người.
Trong buổi quốc gia luân lý bên Âu Châu đang thịnh, có câu nói rằng: Một người đối với một người thì có công lý, còn một dân tộc đối với một dân tộc thì không có luân lý, ngày nay lòng người xu hướng về xã hội luân lý thì lại có câu nói trái lại rằng: Một người đối với một người đã có công lý thì mấy trăm nghìn, mấy ức triệu người nhập lại thành một nước, tài nào lại không có công công lý.
Đó là tôi chỉ tỏ ra rằng chủ nghĩa xã hội luân lý hiện nay bên châu Âu đã mở mang như thế. Muốn cho dễ hiểu câu “trong nước người này đối với người kia” nghĩa là: người có giúp cho người không, người mạnh giúp cho người yếu như là: bên nước họ mấy nhà giàu bỏ tiền lập nhà thương, trường học cho con nhà nghèo; những kẻ đi đường thấy người yếu bị đè nén thì hết sức bênh vực v.v… Nói tóm lại xã hội luân lý là suy tự lòng công đức mà công đức lại là suy ở tư đức mà ra.
Vì sinh kế, vì lợi quyền, người bên Âu châu họ cũng tranh giành nhau dữ dội lắm, song giành nhau cũng ở trong vòng pháp luật mà thôi. Chí như công đức là giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng quyền lợi cho nhau thì họ vẫn không bỏ. Tôi nói như thế chắc anh em nghĩ cho tôi ở bên Tây lâu rồi nên tán tụng như thế chăng. Xin thưa rằng dân bên Âu châu họ cũng xấu chán, dân đức của họ cũng chưa đến cõi hoàn toàn, song dân nào họ có 30% hoặc 50% biết giữ luân lý thì tưởng cũng đủ gọi là họ có rồi. Phong tục họ có chỗ xấu mặc lòng, nhưng trong nước họ còn có đảng Thượng lưu biết lo đời, như mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại văn hào, đại giáo dục, đứng lên hô hào nào làm sách, nào viết kịch, nào làm báo, nào diễn thuyết. Cốt phá bỏ những chứng hư tật xấu của người đời, rồi bọn thiếu niên xã hội, bọn thiếu niên dân chủ cũng tán thành réo theo để lo cứu chữa những đồi phong ác tục trong nước. Chẳng những họ lo ở trong nước họ mà thôi, họ còn lo đến cả thế giới nữa.
Lấy một việc đó mà so với người mình quanh năm trọn tháng chỉ lo cho cái xác thịt, cái tuổi già mà vẫn không xong thì cũng đủ xấu hổ rồi; huống là nói đến việc xã hội nhân quần, họ hơn ta xa như thế thì làm sao ta không kính trọng họ cho được?
Bây giờ tôi xin đem cái luân lý của ta so sánh với luân lý của Âu – Tây.
Trên tôi đã nói luân lý của ta có năm mà thuộc về gia đình hết ba, nghĩa là cha con, anh em, vợ chồng. Nếu nói theo trí tưởng luân lý từ xưa để lại mà làm cho đúng thì tư tưởng cũng không còn chỗ nào trích được. Như ông Khổng nói: “Cha con có thân, vợ chồng có biệt, anh em có thứ lớp” nếu ta theo thế mà diễn kịch ra, dẫu gia đình luân lý của ta hẹp hòi, không được rộng rãi chăng nữa, thì đáng lẽ phải tốt lắm mới là phải, chớ có đâu tồi bại thế này! CÁI NỀN LUÂN LÝ Ở Á ĐÔNG, NHẤT LÀ Ở NƯỚC TA NGÀY NAY ĐỔ NÁT NHƯ THẾ LÀ BỞI CÁC NHÀ VUA CHUYÊN CHẾ LÀM SAI HẾT CẢ ĐẠO KHỔNG MẠNH MÀ RA.
Chẳng những vua quan chuyên chế mà thôi, họ còn lập mưu kéo cả kẻ làm cha, kẻ làm chồng vào cái cạm độc ác ấy nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ. Một bọn hủ nho mắc cạn còn vẽ rắn thêm chân vào, đem những tư tưởng rất nông nỗi truyền bá ra để trói buộc dân gian. Như là: “Quân thần chí nghĩa bất khả đào ư thiện địa chi gian”, nghĩa là mình sinh ra xứ này phải đội ông vua lên đầu. Tư cách ông vua thế nào, chính sách ông vua thế nào, các ông không cần biết đến. Hễ có cái huy hiệu là ông vua thì các ông đội lên thôi! Các ông đã tôn ông vua lên, tất nhiên các ông tôn cha lên mà nói: “Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu” nghĩa là trong trời đất không có cha mẹ nào quấy. Ôi Hủ nho! Hủ nho! Cũng vì mấy câu tà thuyết của các ngươi mà gia đình luân lý của nước nhà ta ngày nay trụy lạc đến thế này.
Tôi xin kể ra đây một chuyện rất tầm thường, mắt ta thường thấy, nhưng tưởng ít ai chủ ý đến. Chuyện ấy là chuyện bài ca và mấy bức tranh Nhị Thập Tứ Hiếu loè loẹt trên nốc nhà người Nam ta ngày nay, những bức tranh gai mắt ấy, những câu ca rườm rà tai ấy tả ra câu chuyện rất vô lý dị đoan bày rõ một cái án tội nhân của đạo đức Khổng Mạnh. Kẻ tốt quá, người xấu quá đã không nhằm vào đâu, mà những việc tả ra đó y như là quỷ thuật, không phải là sự ăn ở thật của loài người. Các anh em nghĩ thử bụi tre muà đông lá đã rụng khô hết, khóc thế nào mà mọc được măng; nằm trên giá làm thế nào mà cá nhảy lên được? Những chuyện hoang đàng ấy tự là Quách Thủ Chính đời nhà Minh làm ra chớ không phải đã lâu. Nhiều người mắc mưu của Thủ Chính đem cái bức tranh ấy treo vào vách thay mặt cho đạo Nho, thế mà không ai dám chê bai đến. Luân lý gia đình như thế thì làm sao mà không càng ngày càng lụn bại cho được. Ta thử xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng của mình đã sinh ra, mình muốn thế nào thì phải thế. Đại khái cha mẹ không muốn lo việc đời, thì cũng không muốn cho con đi xa, cha mẹ muốn lòn cúi các cửa ông lớn này, ông lớn nọ để con làm các sở cho vẻ vang thì cũng bắt con như thế, thật không còn gì là cho con một chút tự do. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo thì dạy con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.
Trong luật ta cho cha mẹ và chồng có quyền nhiều. Đạo cha con xem ra thì chỉ còn thấy những kẻ tay lấm chân bùn còn biết cắm cúi lo làm để nuôi cha nuôi mẹ, chí như bọn thượng lưu trung lưu thì ta không còn thấy đến chữ hiếu nữa.
Bọn ấy thường nhiều mượn những lốt lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho mang vào che miệng thế gian, chớ không có một chút gì gọi là hiếu là thuận cả. Nào là nằm đường, nào là chống gậy, nào là khóc mả, nào là ở dơ, nhưng kỳ trung có thương xót, có yếu đuối gì đâu, chỉ đem một trò giả dối diễn ra trước mặt mọi người mà thôi vậy. Chẳng những bọn ấy giả dối trong khi cha mẹ họ tử hậu mà trong lúc sinh tiền họ cũng không ăn ở thật lòng. Về đạo vợ chồng thì ta vẫn nói là “Phu xướng phụ tuỳ” là “Thiếp phụ dĩ thuận vi chính” hoặc “xuất giá tòng phu” song ta coi thì rút cuộc lại nhà nào thuận hòa tức là vợ chồng nhà ấy có đạo đức có tính cách ngang nhau mới được thế. Nếu nhà nào vợ khôn hơn chồng thì vợ làm chủ. XEM ĐÓ THÌ CŨNG ĐỦ BIẾT RẰNG SỰ GÌ GÂY DỰNG RA KHÔNG THEO TÍNH TỰ NHIÊN CỦA LOÀI NGƯỜI THÌ DẪU CÓ QUYỀN CHUYÊN CHẾ MẠNH ĐẾN ĐÂU CŨNG KHÔNG BUỘC NGƯỜI TA THEO ĐƯỢC.
Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có. Tôi xin nói tạm rằng quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến “dân và nước” vì dân không được bàn đến việc nước!
Vua là gì ? Vua là người cầm quyền chính trong nước, là người đầu sỏ trong một bộ lạc hoặc là người anh hùng thấy dân đồ thán ra đánh đổ cường quyền, khôi phục lấy đất nước của ông cha để lại rồi tự đặt lên làm chúa tể cả muôn người; hoặc là người gian hùng nhân thời ly loạn dùng mưu quỷ chước thần đánh đổ con cháu một dòng vua nào rồi tự đặt mình lên cái địa vị ấy; hoặc người cùng một nước đánh nhau đặng cầm quyền chuyên chế; hoặc người nước ngoài lấy sức mạnh đến đánh đặng cấm lấy chìa khóa quyền lợi. Nói tóm lại vua là người lấy quyền ngưới làm quyền mình, lấy quyền công làm quyền tư, lấy đất người làm đất mình, lấy đất công làm đất tư vậy.
Tôi là gì? Tôi là người tùng phục vua (vua chư hầu) hoặc là người làm nô lệ cho vua, hoặc là người làm công cho vua. Đem mình ra đầu tên mũi đạn đổi lấy một mảnh giấy vàng, một dấu ấn đỏ; đang đầu ra giữa trận mưa dầu nắng lửa để đổi lấy chung rượu lạt, tiếng ban khen. Nói tóm lại, tôi là người tôi mọi, đã bán rẻ vừa hồn lẫn xác cho vua vậy.
Quốc dân luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ gồm có thế, cho nên dân trong nước không biết quyền dân là gì, nghĩa vụ là gì. Vua của ta ngày xưa là thế, tôi của ta ngày xưa là thế, sử sách của ta gọi nước là như thế! Cho nên dân không biết vua và nước có cái giới hạn gì khác nhau không. Vì thế, cho nên dân chỉ biết nghĩa tôn quân mà không biết nghĩa ái quốc, gặp vua tử tế làm nhiều công bình thì dân thương, dám liều chết ra đánh giặc giúp vua; gặp vua tàn bạo, làm nhiều điều độc ác thì dân ghét, muốn rửa hờn, mở của thành cho giặc vào. Thí dụ như hồi nước Pháp đánh Bắc Kỳ chỉ có 90 mươi tên lính Nam không ai bắn trả lại một phát súng. Hồi ông Nguyễn Chính có quân đóng ở đó, song chưa đánh đã thua, khiến vua Chiêu Thống phải chạy đi đường, bị dân bóc lột. Ông Mạnh có nói rằng: “Vua coi dân như cỏ rác, thì dân coi vua như người đi đường”, đã coi như người đi đường thì còn luân lý gì. Việc gì mà chẳng bóc lột.
Xem như thế thì xưa nay nước ta không có quốc gia luân lý, chỉ có một cái luật vua tôi bắt buộc dân phải theo. Vua với dân không có luân lý gì dính nhau, chẳng qua vua và tôi tớ của vua hiệp nhau lấy sức mạnh để đè nén dân mà thôi vậy.
Trừ ra đời nhà Trần thì vua với dân gần nhau lắm. Con vua cũng đi chơi với con dân, những kẻ phụ lão đều dự bàn việc nước, và những khi vua đã truyền ngôi cho Hoàng Thái Tử rồi thì thường đi khắp dân gian xem xét phong tục, chính trị để sửa sang cho hiệp với lòng ước vọng của dân; cho nên dân mến đức mà cảm phục, mấy lần tử chiến với giặc Mông Cổ, mấy phen hiệp sức để giúp vua mới được thắng trận một cách vẻ vang như thế.
Ngày nay ta đọc một đoạn vinh dự sử của nhà Trần đều lấy làm vui; ta đọc đến khúc bi thảm sử của nhà Lê, nhà Nguyễn thì đều lấy làm buồn, nhưng có mấy khi ta chịu xét đến cái gốc rễ của lẽ thắng bại đâu.
Người nào có học chữ Pháp một chút thì cũng biết rằng trong sách ấu học hoặc sách tiểu học, bắt đầu đều dạy: phải thương nhà thương người đồng loại; thế mà ngày nay không có ai dám mở miệng ra nói một tiếng: “thương nước” thì nghĩa có đáng chán không! Hơn sáu mười năm nay ở dưới quyền một nước bảo hộ rất văn minh, rất tự do mà cái mầm tự do không nẩy ra được là bởi tự đâu?
Không phải cái độc chuyên chế từ xưa đã thâm căn cố đế trong óc người nước ta rồi đấy à? Tiếng thương nước đã có luật Gia Long cấm. Những kẻ học trò và dân gian không được nói đến việc nước, lo đến việc nước.
Thương nước thì phải tù tội! Cho nên những nhà thế phiệt giữ mình cho đến nỗi uốn nắn con từ trong nhà, lấy sự lo việc đời, sự thương nước làm sợ. Sợ quá! Hình như nói đến sự đó thì phải bị khinh, bị nhục như kẻ cắp kẻ trộm vậy. Rất đỗi bây giờ người Nam đã ở dưới chính trị Pháp là giống người cho sự thương nước làm tính tự nhiên của loài người mà cũng không ai dám nói tới; xem chừng như còn lo sợ hơn khi còn ở dưới quyền chuyên chế nữa. Có người cho lời tôi nói là chuyện chiêm bao, cãi lại rằng: ở bên Pháp người ta dạy thương nước như thế, chớ bên này thì không dạy như thế đâu. Hễ ai nói đến thương nước thì trong sổ kín của sở mật thám đã ghi tên vào rồi; họ cho là phản Tây làm loạn, như thế bảo người Nam không sợ sao được?
Việc đó tôi cũng biết chán, tôi xin thưa rằng cái lỗi ấy bởi ông cha ta để lại. Cái “dây xiềng sắt” ấy chính tay ông cha ta đã làm ra để buộc ta. Người ta nhân lấy đó mà cột mình, chớ nào có phải người ta bày đặt ra hay là mang ở bên Pháp qua mà cột mình đâu! Họ làm như thế là vì họ thấy mình không biết trả lời. Nay mình trả lời như thế này thì họ cấm sao được: “Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha nó đã đổ máu, đổ mồ hôi, đổ nước mắt để vở vạt ra, thành ra một nước lưu truyền từ bốn nghìn năm đến giờ, thì cho phép hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống ở đó, chết chôn đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm không ai cấm đoán được. Loài dân ấy không đến nỗi như dân Do Thái ở Âu châu, đi đâu cũng bị ngược đãi, không đến nỗi như bọn Hắc Nô ở Mỹ châu đi tới đâu cũng bị chết chóc, thì cũng không khi nào chịu quên ơn miếng đất mà chúng nó thường gọi là “Tổ Quốc” của chúng nó bao giờ. Một loài như thế nay bảo nó đừng thương “Tổ Quốc” thì bảo nó thương ai?”. Nếu ta trả lời hẳn hoi như thế thì dầu gặp kẻ tàn bạo thế nào cũng không thể bỏ ta được. Thế thì sao ta không dám nói thương nước?
Cái “thương nước” tôi nói đây không phải là xúi dân “tay không” nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác để phá loạn trong nước đâu! Tôi xin thưa: Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau. Hễ người ta làm việc gì bất công thì mình phải hiệp sức nhau lại mà chống, còn làm việc gì phải chăng thì mình cũng phải nhìn nhận, chớ có thấy chính quyền mình mất rồi mà đem lòng căm tức không kể đến việc hay của người ta. Thế thì lòng thương nước của dân Việt Nam có làm gì hại đến quyền lợi người Pháp không? Tôi xin thưa rằng: không! Dân Việt Nam thấy người nào làm hại cho nước nó thì nó ghét, ấy là lẽ tự nhiên.
Theo ý tôi tưởng, chẳng qua dân Việt Nam mình hèn hạ nên người ta mới đè nén, nếu dân Việt Nam biết thương nước Việt Nam, biết học khôn cho nước Việt Nam nhờ thì người mình càng biết thương nước hơn, vì có biết thương nước mới biết chọn nước nào làm lợi, nước nào làm hại cho nó. Thương nước cho phải đường mới gọi là thương nước, nếu thương không phải đường thì đã không giúp gì cho ai mà lại còn làm hại sinh linh nữa. Nay ta nói rằng thương nước, nhưng chỉ thương bằng lỗ miệng, nằm ỳ ra đó kêu người đến thì có khác gì đem đầu đi làm đầy tớ với anh khác. Tôi dám tưởng nếu người Pháp họ không cho ta thương nước, để ta nằm ỳ mã ra đó thì đã không lợi gì cho họ mà lại khiến cho ta chán nản, không tội gì trung thành một cách vô ích với họ nữa, thế thì sự thương nước cũng có lợi cho người Pháp.
Tôi nói đây thật chưa hết nhưng đã dài lắm rồi, vậy xin anh em cho phép tôi tóm lại đoạn đã nói ở trên.
“Từ nay dân Việt Nam ta phải biết thương nước là tính tự nhiên trời đã phú cho, không thù nghịch gì với người Pháp. Phải có quốc gia luân lý in sâu vào óc thì sự ước ao tự do độc lập của dân tộc ta sau này mới thành tựu được. Tôi ở Pháp về mà nói như thế chắc anh em lấy làm lạ, vì nay người bên Âu châu đã đào sâu ôm chặt cái ái quốc chủ nghĩa rồi, nay tôi lại đem về tuyên bố trong dân gian chẳng hoá ra trái ngược với phong trào bên ấy lắm ru? Xin thưa rằng không phải.
Chúng ta phải biết rằng: “Một loài dân trong một nước cũng như bọn học trò trong trường học, phải có thứ lớp, phải tuần tự mà tiến tới, phải qua lớp dưới mới lên lớp trên, không bao giờ nhảy lớp được, nghĩa là phải do gia đình luân lý tiến lên quốc gia luân lý, rồi do quốc gia mà tiến lên xã hội vậy”. Thế thì chúng ta cũng phải bước qua cái nền quốc gia luân lý trong đôi ba mươi năm đã, rồi mới có thể mong tiến lên xã hội luân lý được.
Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lý thì người mình còn dốt nát hơn nhiều. Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lý được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì.
Tuy trong sách nho có câu: “Sửa nhà trị nước mới yên thiên hạ”. Hai chữ “thiên hạ” đó tức là xã hội. Ngày nay những kẻ học ra làm quan cũng võ vẽ nhắc đến hai chữ đó nhưng chỉ làm trò cười cho kẻ thức giả đấy thôi. Cái chủ ý bình thiên hạ mất đi từ lâu rồi.
Cái chủ nghĩa xã hội bên Âu châu rất thịnh hành như thế, thế mà người bên ta điền nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì. Thương hại thay! Ngưới nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn với loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Bên Pháp mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bình mới nghe.
Vì sao mà người ta làm được như thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy. Họ nghĩ rằng nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học biết xét kỹ thấy xa như thế, còn người nước mình thì sao? Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không can thiệp gì đến mình.
“Đã biết sống thì phải bênh vực nhau” ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến. Cho nên mới có câu: “Không ai bẻ đũa cả nắm” và “Nhiều tay làm nên bột”. Thế thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi lơ láo, sợ sệt, ù lỳ như ngày nay.
Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị mình được vững mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân.
Dầu trôi nổi, dầu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưỡng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong! Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi! Dân lợi mà chi! Dân hại mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những thế mà thôi, “một người làm quan một nhà có phước”, dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút rỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được. Quan đời xưa đời nay của ta là thế đấy! Luân lý của bọn thượng lưu – tôi không gọi bọn ấy là thượng lưu, tôi chỉ mượn hai chữ thượng lưu nói cho anh em dễ hiểu mà thôi – ở nước ta là thế đấy!
Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học đã đỗ được bằng cử nhân, tiến sĩ, ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được cái chức ký lục thông ngôn; có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm quan nữa. Những bọn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy.
Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược, nào chạy xuôi, dầu có ruộng, dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cầu được lấy chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà vẫn không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một nắm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lý cả. Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư ký ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được!
Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng vì thế.
Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này.
NÓI VỀ ĐẠO ĐỨC ÂU CHÂU VÀ ĐẠO ĐỨC Á ĐÔNG
Mới xem ngoài mặt thì ta đều cho dân tộc Âu Châu là một dân tộc háo thắng, độc ác, dữ tợn; nhưng không, ta lầm đấy, ta ở lâu mới biết họ có một nền đạo đức cao hơn ta nhiều. Nền đạo đức luân lý của họ cao hơn ta là nhờ họ đã thâm nhiễm những tư tưởng tự do truyền bá từ đời Hy Lạp, La Mã trở xuống. Họ cũng đã qua một hồi chuyên chế nhưng dân khí họ rất phấn phát, người của họ rất anh hùng. Càng chuyên chế bao nhiêu càng nẩy ra những nhà hiền triết oanh liệt làm ra sách, làm ca để truyền bá tư tưởng tự trọng dân bấy nhiêu. Dẫu hành hình khổ sở cũng không đủ làm cho họ khiếp sợ, cho nên tên tuổi họ mới còn sống tượng đồng bia đá đến ngày nay. Anh em đây ai đã đi qua Paris một lần tất cũng đã xem thấy những cái hình đồng mấy nhà triết học đã chống lại với đạo Gia Tô vậy.
Nói đại khái thì về thế kỷ thứ XVII như ông Jean Jacques Rousseau làm ra “Dân ước” (Contrat social), ông La Fontaine làm ra “Ngụ ngôn” (Fables), ông Montesquieu làm ra “Pháp ý” (Eprit des lois), ông Pascal, ông Voltaire .v.v… đều là những tay kiếm hết cách mở cái chìa khóa chuyên chế để giúp đồng bào ra chỗ tự do. Tôi kể bấy nhiêu ông đó là chỉ tỏ ra rằng trong đời chuyên chế mà vẫn còn có người ra lo việc đời như thế, chí như đời bây giờ được tự do ngôn luận, được tự do xuất bản, được tự do diễn thuyết thì những người ra lo việc nước, việc đời bên họ biết là bao nhiêu.
Đem so với Á Đông đời xưa duy có mấy ông trong đời Xuân Thu, Chiến Quốc bên nước Tàu như là ông Khổng, ông Mạnh, ông Mặc, ông Lão, ông Trang có thể ngang được với mấy ông kia, còn từ đời Trần trở về sau thì cả Á Đông cũng không có người như thế nữa, chớ đừng nói đến nước Việt Nam ta. Trong nước ta bây giờ có ông nào gọi là nhà đạo đức được không? Nói xa hơn nữa thì trong triều nhà Lê có ông nào gọi là nhà đạo đức như mấy ông tôi đã kể trên không? Thế mà đời nào cũng có người được triều đình khen, được làm miếu thờ.
Rút lại, những tôi tớ nhà vua đã tôn lên thì không ai dám đè xuống, mà những kẻ vua đã đè xuống thì không ai dám tôn lên. Làm như thế thì trách nào những nhà đạo đức nước ta không chóng mất sao được? Người có tư tưởng tự do chẳng những ai cũng cho làm lạ, mà như vua thấy thế cũng sợ hại đến quyền chuyên chế của mình nên lập mưu đập chết đi. Ở trong một dân tộc như thế thì những đứa nịnh hót không càng ngày càng nhiều làm sao được?
Ông Montesquieu có nói: “Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức”.
Ấy, chúng ta muốn bước ta có nhà chân đạo đức thì nên nhân dịp này phá tan dây xích chuyên chế đã ràng buộc ta hơn nghìn năm nay và thu nhập những tư tưởng tự do của Âu châu để làm một phương thuốc cho người nước ta vậy. Được như thế thì nhà đạo đức mới có thể xuất hiện trong đất nước này. Tôi không muốn thí dụ nhiều, tôi chỉ xin kể chuyện ông Trần Quý Cáp trong năm 1908 thì anh em sẽ biết chế độ quân chủ ở nước ta có hại cho nhà có luân lý đạo đức là thế nào.
Ông Trần là người rất thảo thuận, học hành rộng, tính nết tốt, làm giáo thọ ở Nha Trang, chỉ theo việc bổn phận mình là một ông thầy, khuyên dân mở thêm trường học mà bị tên Phạm Ngọc Quát bố chính ở tỉnh ấy, nhân loạn bắt ông, trong 24 giờ thì chặt đầu. Cái thảm trạng ấy há không phải ở quyền chuyên mà ra sao?
Đạo đức lớn ta không có đã đành, nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng: Không! Một xứ đã bị chuyên chế thì tính chất gì thuộc về đạo đức cũng không thể nào sinh sản được.
Tôi thường thấy người mình, kẻ nào khôn hơn chút đỉnh, giao thiệp với người kém hơn chút đỉnh thuần chỉ nói dối. Đứa “ăn cắp có giấy” làm minh bạch đã xong mà đứa ăn cắp chưa có cấp bằng cũng đều một mực như thế cả. Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai, học thức không hơn ai, nhắm mắt lại mình chưa khỏi hai chữ “đầy tớ người” mà khi ra đối với người đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo ta là thầy đây! Ta là ông đây! Chớ không có tự nghĩa cho rằng: Thầy đây! Ông đây đã làm được điều gì ích lợi cho bọn “dân Việt Nam” tay lấm chân bùn kia chưa? Tôi cũng đã từng thấy nhiều người viết báo than thở rằng đạo đức luân lý nước nhà trụy lạc, nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu quả gì. Vì sao vậy ? Là vì các ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta không dám theo các ông cũng là phải. Huống chi luân lý các ông giảng đó tự tệ tục của chính thể chuyên chế tạo thành ra, không chính đáng, không hợp thời thì người ta không thèm nghe cũng không lấy gì làm lạ vậy.
BÂY GIỜ TA ĐEM ĐẠO ĐỨC LUÂN LÝ ÂU CHÂU VỀ CÓ GÌ CHỐNG VỚI ĐẠO KHỔNG MẠNH CHĂNG?
Từ nãy đến giờ tôi chỉ trích luân lý của ta, khen ngợi luân lý của Âu Tây, chắc anh em nghe lạ tai, cho tôi là người bội đạo Khổng Mạnh chăng? Xin thưa rằng từ khi tôi hiểu được chút ít đạo đức của Khổng Mạnh thì tôi rất sùng bái lắm. Vẫn biết đạo Khổng Mạnh hay thật nhưng bây giờ ta biết kiếm nơi đâu? Qua Tàu đem về chăng? Kiếm trong các sử sách Việt Nam này chăng? Tưởng thắp đuốc tìm cũng không thấy nữa, là vì nước Nam, nước Tàu bỏ mất đạo ấy đã lâu rồi.
Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của các nhà vua mà anh em đã mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy quân dân tịnh trọng (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần có đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng suy lòng đó mà yêu dấu dân như con đỏ vậy.
Trong sách Đại Học thầy Tăng Sâm dẫn lời đức Khổng rằng: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai sĩ tu thân vi bổn”: Từ vua cho đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua đều phải như thế, chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy bên Âu châu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến vậy.
Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng giảm bớt nhưng dân cũng thương vua mà vua cũng vẫn yêu dân. Nước Nhật thì có kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy.
Đến đời ông Mạnh, các vua chư hầu chuyên chế thái quá thì ông lại xướng lên cái chủ nghĩa dân chủ. Như ông nói rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nghĩa là dân quý hơn hết, đất cát thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng cũng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả. Thế thì cái văn minh Âu châu bây giờ có trái gì với đạo Khổng mạnh đâu. Đức Khổng đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải thương vua, song nếu vua không thương dân, dân phải làm sao? Tiếc thay! Ngài không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói rằng: Dân quý mà vua khinh, nhưng ngày nay dân hỏi vua, vua bảo rằng vua quý mà dân khinh thì dân phải làm sao? Ông cũng không hề nói đến. Vậy cho nên từ khi Khổng Mạnh đã qua rồi thì dân Tàu cũng thế mà dân ta cũng thế, hễ họ vua nào thua thì mất nước; vua công bình thì dân theo, vua tàn bạo thì dân giết, thành ra đời nào bền lắm là mấy chục năm, thay đổi tranh giành gây ra lắm cuộc trị loạn làm cho giết hại lẫn nhau; cha giết con, con giết cha, anh giết em, em giết anh, vua giết tôi, tôi giết vua không còn gì là đạo lý luân thường nữa.
Đạo Khổng Mạnh đã mất rồi, nay ta muốn nước ta có một nền đạo đức luân lý vững vàng, thì có gì hay bằng ta hết sức đem cái chủ nghĩa dân chủ Âu Châu về. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc rất thần diệu để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về tức là đem đạo Khổng Mạnh về. Đạo Khổng Mạnh là đạo trung dung thường dùng như cơm nước thường ngày; như kính trọng cha mẹ; như thương người đồng loại, chớ không phải mê tín như các đạo khác. Thế thì đem văn minh Âu châu về đã không hại gì mà lại còn làm cho rõ ràng thêm đạo Khổng Mạnh ra. Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng: “Đem văn minh đây là đem cái chân minh ở Âu Tây hòa hợp với chân Nho giáo ở Á Đông”, chớ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi ở mấy anh Tây học lem nhem mà cũng không phải là quốc hồn quốc tuý ngoài môi của các bác Hán học dở mùa đâu.
Cứ theo lời tôi đã nói thì anh em đồng bào cũng hiều rằng: vì học đạo Khổng Mạnh một cách lầm lạc như thế cho nên hơn nghìn năm nay hết thảy những nước theo đạo tà nho đều yếu hèn và phải mất một cách rất nhục nhã. Như nước Cao Ly, hễ Mãn Châu tới thì theo Mãn Châu, Mông Cổ tới thì theo Mông Cổ, đến khi Nhật Bản tới thì Nhật Bản lấy. Như nước Tàu thì nhà Tống mất bởi nhà Nguyên (Mông Cổ), nhà Minh mất bởi nhà Thanh (Mãn Châu).Chao ôi! Nước Tàu bị Mãn Thanh, Mông Cổ lấy nước, Cao Ly bị Nhật Bản lấy, há không phải là tội nơi những kẻ vua quan chuyên chế, những kẻ tà nho hũ bại của nước Tàu, nước Cao Ly đấy ư?
Một nước bao nhiêu triệu dân mà chỉ giao phó quyền chính cho một ông vua thì chẳng là ngu xuẩn lắm ư? Gặp được ông vua thông minh còn e lo chưa hết bổn phận thay, huống là gặp phải anh vua u mê làm ròng những sự độc ác, cấm dân có ăn học không được lo việc nước, thì dân có ăn học không được lo việc nước, thì dân khốn khổ biết bao, và còn có ai dám ra mà gánh vác. Một nhà không ai lo chủ trương, một nước không ai lo chủ trương, thì nhà nước ấy làm sao không tan không mất được.
Nước Tàu mà mất ấy, nước Cao Ly mà mất ấy cũng là lẽ rất tự nhiên. Nói đến nước ta lại càng đau đớn lắm nữa. Vua Lê Thánh Tông đem luật nhà Minh về chưa đầy 50 năm thì bị nhà Mạc đánh đổ. Nhà Trịnh lên khôi phục cũng chỉ có tiếng khôi phục đấy thôi, vua nhà Lê cũng vẫn bị giết lên giết xuống, còn quân thần gì đâu, còn luân lý gì đâu! Đến vua Gia Long nhà Nguyễn thỉnh luật Càn Long về lạ càng chuyên chế hơn nữa. Chưa đầy 80 năm đã bị mất nước một cách rất hèn hạ.
Mất nước một cách hèn hạ nhục nhã như thế há không phải tại vua tôi nhà Lê, nhà Nguyễn Đấy ư?
Mới đây Cao Ly đã thâu nạp được văn minh Âu Mỹ nên năm 1919 mới có cuộc độc lập vận động. Nước Tàu cũng thế, xướng ra việc bài ngoại vận động làm cho Anh Pháp đều phải nể mặt không dám hung hăng như ngày xưa. Xem thế thì đủ biết rằng cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra trong đầu người Tàu, người Cao Ly rồi vậy.
Người nước ta thì sao? Người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ nghìn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác.
Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa tay tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuyếch lợi, trừ hại, tự cường, tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng ước mơ nước ngoài tràn vào mà thôi.
DÂN TỘC NHẬT BẢN ĐƯỢC GIÀU MẠNH NHƯ NGÀY NAY LÀ CHỈ THEO CÁI VĂN MINH HÌNH THỨC CỦA ÂU CHÂU HAY CÓ SỬA ĐỔI GÌ LUÂN LÝ KHÔNG?
Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản; thấy họ tiến thì nức nở khen chớ không khi nào chịu xét vì sao mà họ tiến tới như thế? Họ chỉ đóng tàu súng mà được giàu mạnh hay là họ còn trao dồi đạo đức, sửa đổi luân lý mới được như ngày nay? Ai có đọc đến lịch sử Nhật Bản mới biết Nhật Bản họ cũng bồi đắp nền đạo đức của họ lắm. Từ lúc Minh Trị duy tân cho đến 24 năm sau hạ chiếu lập hiến trong nước Nhật biết bao nhiêu người lo khuynh Mạc Phủ lo lập hiến pháp, biết bao nhiêu kẻ đổ máu rát cổ mới gây dựng nên một nước tân tiến rất giàu mạnh như bây giờ. Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật bản về! Không biết họ qua bển làm gì? Người ta có câu: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Sao những kẻ sang Nhật sao không đem cái tốt về cho dân Việt Nam nhờ, mà chỉ làm giàu thêm tính nô lệ như thế? Rất đỗi những việc hèn hạ một người dân tầm thường không làm, mà những kẻ ấy cũng làm được hết thảy! Hay là đạo đức luân lý đã chết mất ở trong lương tâm của người mình rồi, cho nên không hấp thụ được đạo đức luân lý của người chăng? Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng? Lấy lịch sử mà nói thì dân Việt Nam không phải là một dân tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân tộc không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay mà vẫn còn mê mê muội muội, bít mắt vinh tay không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người?
Có người nói rằng tại Pháp họ đè nén mình không cho mình học làm súng ống, làm máy bay, tàu ngầm, nên dân mình mới ngô nghê như thế! Những người nói câu ấy là những người không học lịch sử Pháp hoặc có tính yêu mình thái qúa, nên chỉ biết trách người mà không biết tự trách mình. Sao không nhớ khi người Pháp sang, sợ mình theo Tàu, cho người mình sang Pháp học mà người mình vẫn khư khư không chịu sang bên đấy ư? Người Pháp cho mình 2.000 khẩu súng, 5 chiếc chiến thuyền mà người mình không dám thuê lấy một người Pháp trông nom, để lính mình làm xằng làm bậy mà hư hỏng hết đấy ư ? Tôi nói thế không phải là khen người Pháp có lòng tốt, nhưng chỉ lối ngoại giao của người ta khôn khéo là thế, mà mình dở dang là thế, cho anh em đồng bào ta biết đấy thôi. Phải chi lúc đó ta biết nhân dịp sang nước ngoài học tập lấy cái khéo của người ta, thì bây giờ so sánh tuy không kịp nước nhật nhưng so với Phi Luật Tân, với Xiêm La cũng không đến nỗi xa lắc như thế này.
Ngày xưa ta nhắm mắt lại, một là văn minh Tàu, hai là văn minh Tàu, bị độc khoa cử làm mờ ám trí khôn đã đành, đến ngày nay đã hé mắt ra thấy người Tàu vận động nhiều việc rất to tát như gưỉ du học sinh khắp hoàn cầu, như bỏ quân chủ, lập dân chủ, mà cũng an nhiên bất động, nhất thiết chẳng biết gì là gì. Chẳng những thế mà thôi, lại còn mấy anh sang Tàu về nói láo, nói linh, chê người nọ, hạch người kia mà tự mình xem ra cũng không có bản lĩnh gì cho người ta đủ kính đủ phục. Có anh bạo gan chê cả Tôn Văn là người đại biểu văn minh cho nước Tàu đời nay, mà không biết rằng anh ta đem cái sự nghiệp của anh ta, cái tài năng của anh ta mà so sánh có bằng mảy may của Tôn Văn không? Những tính chất của người Tàu các anh không hề học đến, mà các anh khéo đem về một cái láu lĩnh và một cái bao tử trống mà thôi. Thế mà biết hồn luân lý đạo đức của người mình đã bị độc khoa cử giết chết, chỉ còn để nguyên lại một cái tính nô lệ mà thôi . Đạo đức mất trước mất sau thật cũng không phải là lời nói ngoa vậy.
Có một vài người anh hùng không chịu đi xem xét, mê tín lịch sử đời xưa, trọng chủ nghĩa trung quân, chủ nghĩa phục thù, tìm mưu kiếm kế phĩnh phờ cho dân dậy lên, nhưng than ôi ! Một con dao, một đoạn tre thì có làm gì. Cái nỗi thảm hại, đưa đầu ra cho ngưới bắn, đem thịt ra cho người bầm nghĩ cũng đáng thương, nhưng công việc làm nào có ích gì ! Chẳng qua làm cho dân đức của ta trụy lạc, khiến những bọn nô lệ kia, bọn vô sỉ kia lấy đó mà dọa nạt, mà hà hiếp dân lành thôi.
LUÂN LÝ CỦA TA MẤT THÌ TA ĐEM LUÂN LÝ ÂU CHÂU VỀ DÙNG HẲN CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Có người hỏi luân lý ta mất thì ta có đem luân lý của Aâu châu về ta dùng hẳn có được không? Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?
Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được . Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy.
LUÂN LÝ CỦA ÂU CHÂU CÓ TỐT TRỌN KHÔNG? TA MUỐN THEO THÌ PHẢI LÀM THẾ NÀO?
Nói rằng luân lý Âu châu tốt hơn ta thì tốt nhiều. Nói rằng luân lý Âu châu trọn tốt thì không dám nói rằng trọn được. Là vì : Dân tộc nào cũng không thế, cắt nghĩa theo luân lý đạo đức thì dễ, nhưng làm theo luân lý đạo đức thì khó, không sao trọn vẹn được. Bên Âu châu họ cũng có nhiều cái dở, như nam nữ tự do thái quá, ly ly, hợp hợp, rất thường, thành ra đường sinh sản kém lần mà dân số không thêm; như giàu nghèo cách biệt thái quá, người ngồi không, kẻ cắm đầu làm, thành ra kẻ lao động, người tư bản xung đột nhau mà trong nước không yên. Mê tín quốc gia chủ nghĩa về đời trung cổ thái quá yêu nước mình, ghét nước người, cho nên phải mang họa chiến tranh mãi mãi. Trọng trí dục hơn đức dục, chuộng ngoại giao hơn thành thật, cho nên thường sinh ra xâu xé nhau mà mất sự thái bình. Ấy là kẻ sơ lược, chớ kể hết tưởng cũng còn nhiều lắm.
Bệnh họ tuy nhiều nhưng họ đã có thầy có thuốc để chữa ngay, nghĩa là có những nhà triết học, những nhà giáo dục lo ra trừ tệ, canh cải sửa sang cho nền đạo đức luân lý mỗi cao lớn, tốt đẹp thêm, chớ không phải như ở nước ta tốt khoe, xấu che làm cho một ngày thêm một xấu. Vậy nay ta qua thâu cái luân lý của Âu Tây để đem về truyền bá cho dân Việt Nam, thì ta phải nên chủ ý lắm, lừa lọc lắm mới được những điều gì đáng đem về thì ta hãy đem.
Thưa các anh em đồng bào !
Tôi nói từ nảy đến giờ thật cũng nhiều rồi. Vậy xin anh em cho tôi nói tắt lại rằng: Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.
Anh em ta hãy gắng mà làm đi.
(Cử tọa đều vỗ tay. Cụ Phan uống hết tách nước, đứng nói thêm mấy câu):
Thưa anh em,
Tôi cũng đã biết rằng muốn khôi phục lại nền đạo đức của một nước mà trăm việc đều đổ nát như thế này, không phải là việc dễ. Nhưng nay ta bảo rằng khó, không khôi phục lại nền đạo đức cũ thì biết bao giờ mới mở mặt được với người. Tôi nói đạo đức cũ không phải nói con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây, như tôi đã nói đó vậy. Đạo ấy ở trong những câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (Giết người học trò được, mà làm nhục thì không được), phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu (Giàu sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu)…
Nếu ta giữ được một ít đạo đức của ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu châu đem điều hòa lại, rồi khếch trương luân lý ta ra cho có quốc gia luân lý, nghĩa là khiến dân Việt Nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những được nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà còn trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dễ ta như ngày nay nữa.
PHAN CHU TRINH


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhìn ngang:

Singapore
Có một hình ảnh mà tôi thấy không thể tách rời khỏi mọi suy nghĩ của tôi về Singapore.

Ở khu Geylang, tức là đi sâu hẳn vào khu đèn đỏ, chỗ có những nhà thổ đúng nghĩa, và có một "Dispensary" (nhà lục xì ở Hà Nội thời Đông Dương, chuyên khám bệnh cho gái điếm, là Dispensaire, hay còn được gọi là "Líp-păng-xe"). Đứng đó nhìn, tôi thấy ba thanh niên Singapore, trắng trẻo, ăn mặc lịch sự, mặt mũi nhẵn nhụi, lưng đeo ba lô, vừa đi vừa nói chuyện, có thể là nói về bài học ở trường đại học lúc ban ngày. Ba người ấy cùng đi vào một nhà thổ, khoảng hơn mười phút sau thì đi ra, tất nhiên vẫn ăn mặc như thế, và vẫn đeo ba lô, vẫn vừa đi vừa nói chuyện, chắc vẫn về trường đại học.

Lý Quang Diệu qua đời là thời điểm để Singapore trở thành một đề tài nóng hổi. Nhưng câu hỏi đáng đặt ra hình như không phải "Lý Quang Diệu đã làm gì cho Singapore", mà là "Lý Quang Diệu đã làm gì với Singapore". Đến đây thì mọi hiện tượng, sự kiện, mọi rành rẽ (hoặc thấu đáo hoặc ranh mãnh) về lịch sử, chính trị, kinh tế, địa chính trị, kinh tế nông nghiệp vân vân và vân vân đều chẳng còn làm được gì nữa. Đây đã là lĩnh vực mà chỉ văn chương mới giải quyết được. Ta có thể biết bức tường Berlin sụp đổ một cách chính xác như thế nào, nhưng vậy không đủ; chỉ khi nào xuất hiện một cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về giai đoạn này thì hiểu biết của ta mới tiến thêm được một bước đáng kể. Đâu cần biết những cuộc chiến tranh Napoléon xảy ra đã bao nhiêu năm, mãi đến khi Tolstoy viết tiểu thuyết thì mọi chuyện mới thực sự trở nên rõ ràng. Câu trả lời, lời giải thích của văn chương có thể xuất hiện rất muộn, nhưng lại cũng có thể có từ rất sớm.

Ở trường hợp Singapore, câu trả lời sớm đến đáng ngạc nhiên: cuối thập niên 60 Goh Poh Seng đã viết, và 1972 thì in cuốn tiểu thuyết If We Dream Too Long, cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng hết sức vĩ đại, càng ngày nó càng lớn hơn, song song với tầm vóc và danh tiếng của đất nước Singapore. Cuốn tiểu thuyết này lớn vì nó nói chính xác điều ngược lại với tầm vóc và danh tiếng của đất nước Singapore.

If We Dream Too Long có nhân vật chính là Kwang Meng, 18 tuổi, sống ở Singapore của công sở, đi bơi ngoài biển và những buổi đi bar ngủ với gái. Câu chuyện chỉ loanh quanh như vậy thôi. Nhưng Goh Poh Seng đã thực sự hiểu hết mọi chuyện, nhìn thấy từ trước những điều sẽ xảy ra.

Sách sắp có bản tiếng Việt.

Đến giờ tôi vẫn không hiểu được tại sao người ta lại có thể đi vào nhà thổ như thế. Không phải chuyện vào đó hơn mười phút rồi đi ra. Mà là tại sao lại có thể đeo ba lô đi vào nhà thổ được.

Posted by 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Số 0 đến vô tận


image
Rất nhiều bản tin hôm nay, đặc biệt là tin giải trí, hay nói tới tiền. Dù là mang tính chê bai hay ca ngợi, tiền đang được đề cập đến như một khát vọng cháy bỏng khác thường trong xã hội.. hôm nay.
Ông bạn giáo viên lâu ngày gặp lại, nói được đôi câu đã bắt sang thời sự. “Sao chuyện như vầy mà người ta có thể viết thành một bài báo?”, ông bạn chìa cho tôi xem một bản tin về người đẹp nào đó đang xách chiếc túi hàng hiệu trị giá vài ngàn USD, nội dung của một bài viết dài, cũng chỉ quanh chuyện chiếc túi đắt tiền và người đẹp sang trọng đó đã bỏ tiền mua.
Đâu chỉ có riêng bài báo đó, mà dường như cả thế giới thông tin hôm nay đang nóng bỏng nhìn ngó xem ai có nhà tiền tỷ, ai là đại gia, ai đang thất thế, ai dám tung tiền gây chú ý… những câu chuyện vô bổ, không biết để làm gì đang dẫy đầy trên báo chí, truyền hình. Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin, thậm chí trở thành nhân vật lên bìa của một tờ báo, mà nội dung thì nhạt nhẽo.
Có tiền, những kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm. Không tiền, thì bị đẩy xuống tận bùn sâu. Mới đây chẳng bao lâu, một người kinh doanh trẻ tuổi được báo chí ca ngợi, giới thiệu dàn xe hơi đắt tiền nhất nhì Việt Nam của anh, thế rồi lúc anh kinh doanh khó khăn, lại thấy những tin tức diễu cợt không mục đích, nói rằng anh đang cùng cực vì ngồi trên món nợ 3000 tỷ.
Mới đây, một “đại gia” đeo vàng xuất hiện ở Hà Nội – cũng là đề tài báo chí giật lên, xôn xao, rồi có hẳn một tờ báo đi tận Tuyên Quang để tìm ra nhà của người giàu có đó. Bài viết giới thiệu, kính cẩn gọi nhân vật đó, nhắc đi nhắc lại là “vị đại gia”. Ngay trong từng câu chữ, người ta cũng đọc được sự thèm khát của tác giả trước cảnh giàu có một người khác.
Những điều đó, có thể chỉ là chuyện lá cải tầm phào, không đáng quan tâm, nhưng giờ đây, khi đầy dẫy trên các trang tin tức, cũng là một góc nhìn cho thấy một xu thế mê đắm vật chất. Một hiện trạng tôn thờ đồng tiền và chạy theo nó một cách vô nghĩa. Nó phản ánh cháu giết bà chỉ vì cần vài chục ngàn chơi game, con giết mẹ chỉ vì nuôi ăn tốn kém. Thậm chí với thần thánh cũng chỉ cần nhét tiền lên bàn thờ, vào tượng là sẽ mua được may mắn, phước đức.
Thế nhưng cần một lời nói đúng, chia sẻ cho hoàn cảnh của 90.000 công nhân của công ty PouYuen đang đình công thì thật khó tìm lúc này. 90.000 con người lao động chân chính hốt hoảng khi nghe tin chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi, đã kinh hoàng ngừng việc và yêu cầu công bằng cho họ. Thế nhưng chuyện 90.000 con người tranh đấu với yêu cầu đúng của mình, vẫn bị chìm ngập và cố tình cho lãng quên trong những dòng thông tin hưởng thụ và giải trí xa rời thực tế.
Theo chính sách mới, điều luật 60 BHXH, người lao động khi không được nhận tiền bảo hiểm, ngoại trừ khi họ đến tuổi hưu. Giả như một công ty thuê công nhân chỉ trong 5 năm, sau đó đóng cửa. Những công nhân này phải đợi đến tuổi hưu của họ mới được nhận tiền BHXH, dù lúc đó, có thể họ chỉ mới 21 tuổi. Mức bảo hiểm xã hội ấy dù chỉ ở mức 300-400 ngàn, lại phải đợi đến tuổi hưu mới được nhận.
Những câu chuyện về tiền quẩn quanh đất nước này. Và như có liên đới với nhau. Khi chính sách mới về không phát tiền BHXH cho người lao động như thường lệ, cũng là lúc mà người dân nhận được tin Quỷ bảo hiểm xã hội tự nhiên không cánh mà bay 1.052 tỷ đồng. Phiên họp của quốc hội năm ngoái công bố như vậy. Thậm chí sau khi thanh tra, hồ sơ gốc chỉ thấy có 700 tỉ, còn bao nhiêu biệt dạng. Đã vậy, chỉ tính đến năm 2013, báo cáo về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội lại cao ngất trời: 3.718 tỉ đồng.
Tiền thật lạ. Tiền quyến rũ dân đen phạm pháp, hấp dẫn quan chức tham nhũng, và tiền cũng tự biến mất, mà không lời hồi đáp. Tiền có thể biến một người công nhân cùng khổ thành người tranh đấu, và biến những công chức thành kẻ cắp.
Tiền thật thú vị.. Dường ít có ai phải chịu trách nhiệm về nó trong hệ thống công quyền. Chỉ có nhân dân kiệt sức đóng thuế là người ngẫm nghĩ về nó, và giống như ông bạn thầy giáo của tôi, chìa tờ báo ra, với câu hỏi không bao giờ được giải đáp, như một số 0 đi vào vô tận.
Tuấn Khanh blg'
————————-
(Tựa đề, lấy từ tên sách của Arthur Koestler)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tham khảo : Đáp án cho bài toán nhân quyền


Việt Nam đang tự hại mình bởi các quy chế bảo vệ nhân quyền còn quá yếu. Ở trong nước, nó bào mòn hiệu năng của nền kinh tế và làm suy yếu tính chính danh của Đảng cầm quyền. Chà đạp lên dân quyền cũng làm xấu hình ảnh của Việt Nam trên thế giới và làm tổn hại uy tín của nhà nước, ngay lúc Việt Nam đang hết sức cần sự trợ giúp của quốc tế.
Dẫu biết thổi phồng những thành tựu cũng chẳng ích gì, nhưng phải công nhận trong những năm gần đây quyền tự do chính trị và dân sự ở Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể. Sự cải tiến này đến từ những quyết định và tính toán của thành phần cao cấp trong Đảng, cộng với các nỗ lực đầy quyết tâm của tập hợp đa dạng nhiều người trong cũng như ngoài Đảng để thay đổi tình hình. Hiện nay, Đảng đang quản lý một mảnh đất nơi các quyền tự do chính trị và dân sự đang được bàn thảo và tranh luận công khai, tuy rằng các cuộc thảo luận này thường vẫn còn diễn ra trên mạng chứ chưa phải ở nơi công cộng. Dù gì chăng nữa, phải công nhận đời sống chính trị của Việt Nam ngày càng đa nguyên và cởi mở hơn: rõ ràng có một sức mạnh đáng kể đang trỗi dậy và rất khác với chế độ toàn trị kiểu Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam hiện có một cơ hội lịch sử để vừa gia tăng hiệu quả kinh tế của đất nước, vừa củng cố tính chính danh của họ đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng muốn làm được điều này họ phải thiết lập những quy chế mới để cân bằng hai điều kiện mà nhà nước nào cũng phải bảo đảm: quyền công dân và trật tự xã hội. Có ba lĩnh vực cần phải đặc biệt quan tâm.
Tự do ngôn luận. Người Việt Nam, cả trong lẫn ngoài Đảng, đã tìm được tiếng nói chính trị của mình và không ai muốn đánh mất nó. Internet đã trở thành một diễn đàn sống động cho việc công khai phân tích các nguồn tin chính thống, khôi phục những truyền thống phong phú của người Việt như tranh luận, phê phán xã hội và khảo sát trí tuệ. Mặc dù giới chóp bu không ưa gì những kẻ lợi dụng Internet để vạch trần các tệ nạn trong nội bộ Đảng và căm ghét các thành phần chống Đảng, nhưng thực tế cho thấy Internet là một phương tiện cực tốt cho phép người dân góp tiếng nói trong một môi trường mở. Những biện pháp thất nhân tâm – như bắt bớ và giam cầm các bloggers hoặc những người bất đồng chính kiến – sẽ không giúp Việt Nam gầy dựng một xã hội văn minh đặt trên nền tảng trí năng như các nhà lãnh đạo mong muốn, và dĩ nhiên sẽ không được cộng đồng thế giới tôn trọng. Để đạt được mục đích đó nhà nước cần phải thả các tù nhân chính trị cũng như đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của người dân.
Tự do lập hội. Bản thân Đảng ra đời dưới hình thức một tổ chức bất hợp pháp gắn liền với mục tiêu công bằng xã hội và độc lập dân tộc. Vì vậy không nên xem việc bảo vệ quyền tự do lập hội là một mối đe dọa đối với sự sống còn của Đảng. Hình thành từ những nỗ lực như công cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột tàn bạo ở những đồn điền cao su của Pháp chắc chắn Đảng hiểu rằng việc tin cậy vào những công đoàn do chủ nhân lao động điều khiển sẽ đặt lợi ích của các chủ nhân ông và nhà đầu tư lên trên quyền lợi của người lao động. Dân lao động chân tay không phải là những nhà cách mạng. Họ chỉ muốn một mức lương đủ sống và những quyền cơ bản của mình được tôn trọng mà thôi.
Nếu thỏa thuận giữa 12 quốc gia về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công thì cả người lao động lẫn người sử dụng lao động Việt Nam sẽ được lợi. Bằng cách tăng cường và bảo vệ quyền lợi cho công nhân, Việt Nam có thể thu hút những khoản đầu tư mới, tạo uy tín về trách nhiệm xã hội, và tách biệt mình với các đối thủ cạnh tranh. Vấn đề quyền tự do cho các công đoàn có thể sẽ được đặt ra trước Quốc hội Mỹ khi họ phê chuẩn hiệp định TPP mà trong đó bao gồm cả Việt Nam. Nhưng lý do chính đáng hơn để Việt Nam gia tăng quyền lợi cho công nhân là để nâng cao mức sống của người lao động, đồng thời tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài khi khách hàng của họ không còn muốn mua sản phẩm của những công nhân bị bóc lột.
Bên ngoài công xưởng, chính phủ cần phải khuyến khích thay vì đàn áp các tổ chức nghiên cứu độc lập. Cấm người khác chỉ trích hay bất đồng ý kiến với mình là tự chuốc lấy thất bại. Tương tự như vậy, thay vì đe doạ hay bắt bớ bằng vũ lực, chính phủ phải cho người dân quyền biểu tình ôn hòa. Hệ thống công an phải được cải tổ để trở nên trong sach và trong sáng hơn, và những hành vi phạm pháp phải được xét xử nghiêm nhặt. Các nhóm cực đoan hay quá khích sẽ không đủ sức hấp dẫn để bành trướng khi người dân có các quyền tự do căn bản như biểu tình trong ôn hoà, hoặc đưa kiến nghị lên chính phủ mà không sợ bị trù ếm.
Quyền tự do báo chí. Không có một nền báo chí thực sự độc lập thì trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của chính phủ sẽ bị mai một. Chẳng hạn như khi một tờ báo nọ (có lượng phát hành rất nhỏ) đăng tin một nhân vật trong Ủy Ban Phòng Chống Tham Nhũng của Đảng đã thu gom tài sản bằng những phương cách bất hợp pháp, tổng biên tập bị ép phải từ chức. Lẽ ra điều cần hơn hết trong lúc này là một ngành báo chí độc lập, nếu Việt Nam thật sự muốn phòng chống tệ nạn tham nhũng cũng như cải thiện tinh thần trách nhiệm của nhà nước. Cần phải có những chính sách để thúc đẩy thay vì ngăn chặn quyền tự do báo chí. Những người có tinh thần cải cách trong bộ máy lãnh đạo chính trị ở Việt Nam phải tìm mọi cách thuyết phục những đồng nghiệp bảo thủ của mình dẹp bỏ những đề xuất độc hại nhằm hạn chế quyền độc lập của nhà báo.
Năm 2015 đánh dấu 20 năm sự kiện bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt, và 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh bi thảm của hai nước. 2015 còn là kỷ niệm 70 năm bản Tuyên-Ngôn Độc-Lập của Việt Nam, trong đó Hồ Chí Minh đã hùng hồn tuyên bố sự ra đời của một nước Việt Nam “Tự do và độc lập”. Không lâu sau đó Hiến pháp 1946 đã hứa hẹn “tự do ngôn luận”, “tự do lập hội” và “tự do báo chí”. Kể từ năm 1945 đến nay Việt Nam đã trải qua một đoạn đường chông gai đầy khó khăn. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam thành tâm cam kết thực hiện và đảm bảo nhân quyền cho người dân thì một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập và phú cường sẽ không còn xa tầm tay với.
Dr. Jonathan D. London  là một giáo sư khoa Nghiên cứu châu Á và quốc tế và là thành viên quan trọng của Trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học Hồng Công (City University of Hong Kong). Ông đã xuất bản một số tác phẩm, trong đó có Politics in Contemporary Vietnam (2014 Palgrave Macmillan) và một cuốn sắp xuất bản có tựa đề Routledge Handbook of Contemporary Vietnam. Bài gốc nguyên được viết cho Học Viện Chiến Lược và Quốc tế học (Hoa Kỳ).

Phần nhận xét hiển thị trên trang