|
Nguyễn Huy Thiệp. Nguồn Phụ nữ |
Posted on Tháng Mười Hai 11, 2014 by chumonglong
Chu Mộng Long – Nguyễn Huy Thiệp vừa tuyên bố gác bút. Đơn giản vì cuộc đời đâu chỉ có văn chương. Sau khi thức, người ta còn phải ngủ. Và chờ đến khi ngủ vĩnh viễn…
Chết là phương cách hủy – tạo cuối cùng, nó gỡ bỏ mọi thứ để sinh ra mọi thứ, dù sự sống chỉ là trò hề của những tranh chấp. “Cái chết như là hủy tạo tất cả mọi thứ đã không còn ý nghĩa nữa khi cuộc sống được tiết lộ là một chuỗi ngu xuẩn những lời nói trống không, tiếng kêu rỗng tuếch của chiếc mũ và những cái chuông của anh hề.” (Death as the destruction of all things no longer had meaning when life was revealed to be a fatuous sequence of empty words, the hollow jingle of a jester’s cap and bells.― Michel Foucault, Madness and Civilization).
Nguyễn Huy Thiệp đã lao vào một cuộc chơi mà ngay từ đầu, Hoàng Ngọc Hiến buông lời chúc, có lẽ chỉ dành cho nghiệp văn: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Trong một bài viết về ông, cách đây 10 năm, tôi nói: “Công việc viết văn của anh không đơn giản chỉ là phơi bày sự thật, nó còn vừa đau đớn vừa lý thú, vừa thấp hèn vừa hướng thượng, vừa cô độc lại vừa gần gũi, hứa hẹn mà cũng mong manh đầy bất trắc. Nó gần như trò chơi thả diều của bố Lâm trong Những bài học nông thôn: “Cuộn dây song thả dần ra, chiếc diều lên được độ cao tuyệt đích, ở đấy không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc nữa: ở đấy là thứ gió khác tử tế, cao thượng, độ lượng, bao dung mà bình ổn. Nó nghiêng một cái như để khinh bỉ mặt đất, hay chào mặt đất, rồi đứng yên thổi sáo một mình… Cứ hát ca đi. Cho thoả lòng. Bởi số phận đã định rồi. Diều nào mà chẳng đứt dây một lần.” (Cuộc tìm kiếm hình thức đa thanh mới trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
)Ông đã từng vật lộn với gió và vượt lên trên bầu khí quyển của giông bão. Và tâm hồn ông cũng lồng lộng theo cánh diều giữa tầng không. Ông bay theo cánh diều văn chương và úp mặt ngạo nghễ nhìn đời. Đời chỉ là bể cứt. Thật chứ không phải chửi. Đúng nghĩa triết học của nó. Khốn nạn nhưng mà đáng yêu. Khổ lắm. Nhục lắm. Nhưng thương lắm…
Vì thương mà bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ phải dấn thân và chấp nhận hy sinh. Như Prometheus hay Sisyphe đã làm… Huyền thoại của cuộc đời khổ nhục này cao hơn mọi huyền thoại về thần thánh.
Chảy đi sông ơi, biển không có thủy thần, đời không có vua. Cuộc hủy – tạo xoay vần của tạo hóa và nhân loại không có điểm dừng. Quyền lực chỉ là trò chơi huyễn tưởng. Chỉ còn lại huyền thoại về tình thương. Chúa nhân từ không nằm trên trời cao mà nằm trong trái tim người.
Cốt lõi của tình thương là sự chân thật. Chân thật đến đáy lòng. Các nhân vật của ông không quy về tốt xấu, thiện ác mà thật, thật như lẽ tự nhiên. Không phải từ bài học nào trong sách vở mà từ những bài học nông thôn. Bài học về lẽ sống chân thật, tự nhiên. Sống chân thật giữa cuộc đời đầy man trá này đã là huyền thoại. Sự man trá chỉ tạo ra huyền thoại đồng bóng, bịp bợm. Và sự man trá sẽ phải trả giá bằng sự man trá.
Hãy cứu lấy con người. Đó là tình thương. Thần thánh không cứu được con người. Quyền lực cũng không che chở được cho ai. Con người tự cứu lấy nhau, dẫu biết rằng, có lúc ta chết đuối giữa cuộc đời này không ai cứu. Như chị Thắm trong Chảy đi sông ơi ấy!
Năm vừa rồi, từ tư tưởng của bài viết cách đây 10 năm, tôi đã hướng dẫn cho học viên Phương Ngọc Thủy làm luận văn thạc sĩ, phát triển đề tài theo hướng giải cấu trúc với kết quả xuất sắc. Với Nguyễn Huy Thiệp, cần phải giải cấu trúc, hủy – tạo toàn diện cái Thực tại ảo mà con người đang sống, trong đó, phải giải quyền lực, giải trung tâm, giải huyền, giải cấm kị… mới có thể tìm thấy một Nguyễn Huy Thiệp đích thực.
Lịch sử và cả cuộc sống của chúng ta chỉ là trò chơi kiến tạo. Mọi thứ được kiến tạo rồi mọi thứ tự hủy. Cuộc hủy – tạo xoay vần liên tục. Phá hủy toàn bộ thứ kiến trúc đạo đức, văn hóa, thẩm mĩ… giả danh, bịp bợm để phơi trần sự thật, những sự thật phi lí bên trong lớp vỏ tưởng chừng hợp lí kia. Cái Thiệp đang muốn kiến tạo không gì hơn là tình thương, sự bao dung ngay trong tận cùng của nỗi nhục.
Đó là một bản lĩnh Nguyễn Huy Thiệp trên ván cờ ngôn ngữ.
Ông đã dùng thứ ngôn ngữ thuần khiết, không bị uốn cong bởi trọng lực của quyền lực. Ông phá tan thứ diễn ngôn đạo đức, văn hóa, thẩm mĩ đang biến con người thành công cụ. Ông muốn tạo ra phản đề đối với luận đề: Cái chết của con người (Michel Foucault) bằng sự khẳng định sức sống toàn vẹn của các chủ thể phát ngôn.
Ông đã tạo ra một cuộc đối thoại thật sự sinh động, đa thanh trong một thế giới mà mọi cấm kị của quyền lực không còn đủ mạnh để bóp nghẹt các phát ngôn. Trong thời đại văn minh, không còn có thể duy trì một tiếng nói thay cho mọi tiếng nói. Con người nô dịch, con người không tiếng nói (M.Bakhtin) thực ra đã chấm dứt từ Prometheus trong cơn nổi loạn chống lại Zeus để cứu lấy con người.
Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng ở ngôi vị một nhà văn lớn nhất từ sau đổi mới. Ông là niềm vinh dự của một nền văn học.
Tôi dự định sẽ hoàn thành một chuyên luận dài về ông. Ông là cảm hứng để tôi làm tất cả những gì tôi đang nghĩ.
Bây giờ ông tuyên bố gác bút, có nghĩa là cuộc chơi nào rồi cũng đến lúc tàn cuộc. Thu dây diều lại đi thôi. Ném trả lại cả con diều văn chương lẫn người làm ra nó cho bể đời. Và đến lúc vùi mình ngủ một giấc thật ngon, thật dài trong cái bể đời khốn nạn và đáng yêu này.
Tàn cuộc, không có nghĩa là chấm dứt. Văn của ông vẫn dư vang. Sức sống của văn chương không phụ thuộc vào chuyện đúng sai, đẹp xấu mơ hồ mà ở độ dài và rộng của dư vang. Ông sẽ còn là cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Trường văn trận bút bây giờ nhường cho lớp trẻ đang sinh sôi. Nhưng ai sẽ thay ông trong cuộc đời đầy vinh nhục này?
—————
NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP
- “Tôi ăn đòn số phận cũng đã nhiều”
PN – Quyết định dừng bút ở tuổi 65, Nguyễn Huy Thiệp vừa bán bản quyền toàn bộ tác phẩm của mình cho Nhà xuất bản Trẻ trong vòng 5 năm. Bên lề cuộc tọa đàm “Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt văn xuôi Việt Nam sau 1975″ được tổ chức chiều 6/12 tại Hà Nội, tác giả của Tướng về hưu đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên báo Phụ nữ.
* Nguyễn Huy Thiệp không viết nữa là điều bất ngờ với nhiều người. Điều gì đã khiến nhà văn lẫy lừng một thời không còn hứng thú với việc viết lách, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Già rồi thì phải nghỉ thôi, vì cuộc đời đâu phải chỉ có văn học, còn bao nhiêu niềm vui hay công việc khác.
Mặc dầu tôi cũng có rất nhiều vinh quang, hạnh phúc, nhưng xét cho cùng cũng bình thường như mọi người. Với lại mỗi người có một thế hệ độc giả, khó nói là những người trẻ sẽ cần tôi, họ cần một típ nhà văn khác. Mỗi thời có một ngôn ngữ riêng.
* Và đến tận lúc này, khi dừng lại, nói một cách thật lòng, ông còn điều gì nuối tiếc với văn chương?
- Tôi chả còn gì. Văn học là cuộc chơi khắc nghiệt, cuộc chơi sinh tử, nhưng cũng rất tuyệt vời vì nó hướng về chân thiện mỹ. Khi tôi đến với văn học, tôi thấy cuộc sống của mình ngân nga và vợ con tôn trọng tôi hơn, tôi có nhiều bạn bè hơn. Không có văn học với những điều hay dở thì tôi chẳng có gì, chẳng ai chú ý đến tôi. Ba mươi năm viết lách không phải dễ dàng, và tôi bằng lòng với những gì mình viết ra.
Tiếng nói của văn học là tiếng nói của lương tâm, của tâm linh. Tôi vẫn nói với các bạn trẻ, văn học là cuộc chơi khó khăn, muốn theo đuổi nó thì phải “chân chân chân, thật thật thật” chứ không phải chân thật. Cuộc chiến ấy không hề dễ dàng.
* Ông nói văn học là cuộc chơi khắc nghiệt, có thể cụ thể hơn?
- Đó là phải làm việc một mình. Nó biến những ý nghĩ từ vô hình thành câu chữ, thành sách, ra mắt được độc giả trong nước và ngoài nước, rồi đến khi tiền vào túi mình nữa, nó là một quá trình gần như không có hy vọng gì về phía trước. Nghề của mình là biến không thành có, mà lại phải có thế nào, chứ nếu không sẽ làm tan hoang cuộc đời mình và những người thân của mình. Văn học nó kinh khủng thế. Mà văn chương chữ nghĩa là sống trong bể thị phi. Chữ nghĩa nó hóc hiểm vô cùng, nhiều khi người ta nói thế này mà lại là thế kia, mình phải vượt lên chuyện đấy với tất cả sự nhẫn nại, đau đớn. Không phải mình không biết, nhưng mình vẫn phải ghìm lại để đi tiếp, không phải vì điều gì, chỉ để sống thôi.
Cuộc đời của tôi hay ai cũng thế, có một quy luật: có phúc thì có họa. Luật nhân quả là có thật, không phải tự nhiên người xưa hay nhắc về những bài học cuộc sống. Những tác phẩm tôi viết phần lớn là sau mỗi lần đau buồn. Văn học nhiều khi phải trả giá bằng những con đường mù mờ mà khi kể ra cụ thể thì rất khó.
* Sau này, khi ông thử nghiệm ở nhiều thể loại khác nhau, người ta dường như không còn thấy một Nguyễn Huy Thiệp xuất sắc như thời Tướng về hưu. Có bao giờ ông có cảm giác không vượt qua chính mình?
- Luôn luôn như thế. Về sau này tôi còn có lúc tệ nữa. Có những lúc không đi được, tôi phải bò. Con người ta nó là thế, làm sao trẻ khỏe mãi được, rồi đủ mọi thứ đến với mình mà mình vẫn phải sống…
* Nhìn lại quá khứ, khi sống giữa những khen chê dữ dội, ông thấy như thế nào?
- Tôi không quan tâm nhiều lắm đến những khen chê. Khen tôi cũng không sung sướng gì hơn, mà chê tôi cũng không ảnh hưởng gì. Trong cuộc đời, tôi đã đối mặt với rất nhiều vinh nhục rồi.
* Không quan tâm đến vinh nhục, là người viết, ông quan tâm đến điều gì?
- Tôi nghĩ sống phải biết thế nào là phải, thế nào là trái, cái gì mình cần theo. Con người phải thế, nếu không ta chẳng có giá trị gì. Cuộc đời nó tàn nhẫn thế. Như tôi đã nói, nghề văn luôn luôn đứng giữa bể thị phi, giữa lựa chọn đúng sai, thiện ác, hay dở. Nhiều khi có những người chết rồi mới được công nhận.
* Dừng lại cuộc chơi khắc nghiệt với văn chương, cuộc sống của ông có nhẹ nhõm như mong ước?
- Khi bạn sống đến tuổi 60, bạn sẽ biết cuộc sống kinh khủng lắm. Khi ấy các cơ hội ít đi, không còn nhiều bạn bè nữa, con bỏ nhà đi, tiền nong cũng không có… Đau lắm! Quãng đời về sau mới kinh khủng, không phải là ngẫu nhiên mà 60 tuổi người ta phải về hưu, khi ấy người ta phải đấu tranh với cái chân đau, cái răng đau, mình thành công sẽ không có ai chơi vì người không bằng mình sẽ đố kỵ hoặc tủi thân; nhưng mình kém người ta cũng không chơi với mình. Ở đời cứ sắc sắc không không như thế, giàu quá cũng khổ, nghèo quá cũng khổ.
Cuộc sống này là thế, anh tệ quá không ai chơi với anh, nhưng anh tốt quá cũng không ai chơi với anh, giàu quá không ai chơi, nghèo quá không ai chơi, anh hùng quá hay kiêu ngạo quá đều không có người chơi, khiêm tốn quá người ta cũng đọc ra vị của anh. Tôi ăn đòn của số phận cũng nhiều, nhưng rồi vẫn phải sống. Cuối đời cứ sống thanh thản là sung sướng rồi.
* Ông vừa bán toàn bộ tác phẩm của mình cho NXB Trẻ với số tiền bản quyền khá cao…
- Không ăn thua, tôi tiêu hết tiền rồi. Tôi tiêu cũng hoang lắm.
* Dừng viết văn nhưng Nguyễn Huy Thiệp chuyển sang vẽ tranh gốm, phải chăng đã đến lúc ông chuyển nghề kiếm tiền?
- Tôi không sống nhiều năm nữa đâu mà phải lo việc ấy, con cái đã lớn, chúng đã kiếm tiền được rồi (cười). Tuy nhiên, nếu có cơ hội thì tôi cũng “lợi dụng” tên tuổi của mình để kiếm tiền. Già phải có việc gì làm, nếu không sẽ sinh ra nhàn cư vi bất thiện. Có việc làm cũng vui, tôi đi vẽ giết được khối thì giờ. Tiền bán tranh cũng được.
* Nghe nói cuối năm nay ông sẽ có một cuộc triển lãm riêng?
- Tôi chưa biết. Nếu người ta trả tôi một số tiền xứng đáng thì tôi sẽ làm, nếu không thì tôi để chơi, vui mà!
DUNG NHI thực hiện
Gặp Nguyễn Huy Thiệp một ngày chớm lạnh của mùa đông Hà Nội, trong quán cà phê rất Hà Nội, ngồi cùng ông ôn lại nhiều chuyện cũ và biết rằng, trong con người đầy lạc quan và (dường như) đầy sự tỉnh táo Nguyễn Huy Thiệp, là một tâm hồn cô đơn không có gì khoả lấp nổi, như số phận rất nhiều nhân vật, nhiều con người trong tác phẩm của ông…
Bất kể mưa hay nắng, đã bao nhiêu năm nay, chiều nào cũng như chiều nào, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và người bạn vong niên thân thiết Nguyễn Bảo Sinh thường hội ngộ ở quán cà phê Nhân gần Hồ Gươm. Họ ngồi đó, đốt hết cả buổi chiều với đủ câu chuyện trên trời dưới bể, chuyện văn chương, chuyện cuộc đời, chuyện làm ăn, thậm chí là chuyện về những cô gái đẹp. Cũng có lúc, những cô gái mê văn chương ở một trường đại học nào đó đến gặp các tác giả để xin phỏng vấn cho luận văn, luận án của mình. Những cô mê văn chương đến gặp Nguyễn Huy Thiệp thì ít mà phần lớn họ “hâm mộ” nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, nghe ông bàn chuyện “chó mèo” và tếu táo chuyện bát phố với nhiều chi tiết hài hước, li kỳ…
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường ngồi lặng lẽ ở một góc, lắng nghe và mỉm cười. Hỏi đến chuyện mình ông trả lời bâng quơ, trả lời mà như không trả lời, rồi ông lặng lẽ nhâm nhi li cà phê đặc quánh và quan sát, có khi chẳng biết nghĩ ngợi gì ông ngồi nhìn ra mông lung, gương mặt ông cũ kỹ, đen nhẻm đã hằn những dấu chân chim tuổi tác. Ông vẫn thế, luôn giản dị và có phần “lập dị” bởi vì ông dường như vẫn là con người nằm ngoài những quy cách, những sáo rỗng, những phồn hoa, ngay cả lúc ông có nhiều tiền hay ở đỉnh cao của danh vọng. Ngay cả thời điểm này, ở một quãng thời gian không dành cho sáng tạo, thì Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn nở nụ cười trên môi, chấp nhận thực tại với một nỗi mong cầu: cứ bình an và khỏe mạnh, chiều chiều đưa cháu nội đi học, rồi ngồi cà phê với ông Bảo Sinh, nếu rảnh thì ngồi đến tối rồi cả hai lại bách bộ bát phố cùng nhau. Nếu các con ông bận thì ông lại tiếp tục đón cháu nội về nhà để quây quần bên mâm cơm gia đình. Một tháng đôi lần, ông sang lò gốm quen ở Bát Tràng vẽ trên gốm, rồi nung, rồi lạch cạch thuê chở về Hà Nội bán tác phẩm của mình kiếm thêm đồng ra đồng vào đưa vợ.
Một đời văn, Nguyễn Huy Thiệp được coi là thành công vì đã đóng đinh tên tuổi trở thành một “hiện tượng” trên văn đàn Việt Nam. Thời điểm Nguyễn Huy Thiệp đang là một cái tên được nhắc đến ở nhiều cuộc trò chuyện, nhiều cuộc bàn luận, trở thành tâm điểm của báo chí, truyền thông, nhà ông lúc nào cũng có khách, bạn văn xa gần đến chật chỗ để sẻ chia, các phóng viên báo đài cũng tìm đến ngọn nguồn gia cảnh của nhà văn kỳ tài. Tôi vẫn nhớ có lần đến xin được phỏng vấn, đã gặp rất nhiều nhà văn nổi tiếng ở nhà ông. Nhưng dường như mọi thứ trong căn nhà ông chẳng có gì xáo trộn. Ông không tô thêm phấn son màu mè cho cuộc sống của mình. Thậm chí, mỗi lần khách khứa đến chơi, người vợ lam lũ tảo tần của ông bận rộn hơn khi cứ thêm việc nước nôi, cơm cháo thết đãi bạn văn của chồng.
Trong căn nhà ở Khương Hạ rộng rãi, đầy thiên nhiên, tuồng như mọi thứ đều cũ kỹ, kể cả những chiếc bát ăn cơm sứt sẹo, những đôi đũa tre đã mòn theo thời gian, những chiếc nồi bằng nhôm vung đã méo xẹo… Nhưng bữa cơm đạm bạc, cà pháo, con cá mà ngon đến lạ lùng. Ngon vì người vợ đảm đang của ông nấu bằng cả tấm lòng, ngon vì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường không cầu kỳ trong ăn uống đã ăn ngon lành vài bát cơm thơm thảo. Và ngon bởi vì chúng tôi vừa ăn vừa được ông kể cho nghe những câu chuyện “ngoài lề” văn chương đầy thú vị. Nguyễn Huy Thiệp có tài nhớ và tài kể chuyện, có lẽ vì thế mà ông đã nhặt nhạnh đủ những câu chuyện ở đời sống để khéo léo đưa nó vào đấy. Chuyện nào cũng có một chút thật, một chút hư cấu, một chút ma mị, một chút tếu táo… Bởi vậy mà trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện rất nhiều nghịch lý: Ở hiền chưa chắc đã gặp lành, đi tìm cái tốt đẹp thì gặp toàn những cái xấu xa, bỉ ổi, tìm thiện thì gặp ác… Nguyễn Huy Thiệp thường khai thác con người bằng cách khám phá nội tâm nhiều chiều, chằng chịt và đi vào cái cốt lõi chân - thiện - mĩ.
|
Nhiều người thích truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và cũng nhiều học giả nhận định rằng, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên một thứ văn học không phải để đáp ứng thói quen thưởng thức văn chương theo lối “thánh thư” mà cái nhìn dân chủ hóa của người kể chuyện ở đây chính là ở chỗ: người kể chuyện tin rằng, mình không phải mách nước cho ai, lên lớp cho ai, thậm chí ở nhiều chỗ đứng thấp hơn nhân vật và bạn đọc.
Tuy nhiên, kết thúc kỳ khởi sắc của truyện ngắn, sau tiểu thuyết Vong bướm, một thể nghiệm với chèo cổ, Nguyễn Huy Thiệp đã quyết định dừng hẳn nghiệp sáng tác ở tuổi 65. Tôi hỏi Nguyễn Huy Thiệp, liệu ông có “nuối tiếc” vì “phát ngôn” trên của mình, ông cười chia sẻ: không phải ông chán viết hay cạn ý tưởng bởi vì cuộc sống vẫn còn tiếp diễn với rất nhiều biến động, ông ngừng viết vì mọi cố gắng cách tân, đổi mới cuối cùng cũng chỉ đến được thế. Có lần ông cũng đã từng chia sẻ rằng: ông không có gì ân hận về đời văn của mình. Ông cũng đi được từ đầu đến cuối trong suốt 25 năm đổi mới, từ một tay không tên tuổi gì dần được coi là một trong những nhà văn gọi là có thành tựu trong nước và nước ngoài. Nhờ viết văn mà ông đi được bao nhiêu nước, được huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008).
Mới đây, để sự nghiệp văn học của mình được “êm ấm”, ông đã quyết định ký hợp đồng chuyển giao toàn bộ tác phẩm cho Nhà xuất bản Trẻ sử dụng trong vòng 5 năm trị giá 500 triệu đồng. Các tác phẩm được ký tác quyền gồm 44 truyện ngắn và tuyển tập truyện nổi tiếng của nhà văn như: Tướng về hưu, Không có vua, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát, tiểu luận Giăng lưới bắt chim và 10 vở kịch trong đó có các tác phẩm như: Còn lại tình yêu, Nhà Osin, Nhà tiên tri... Trong thời hạn hợp đồng, ngoài khai thác hình thức sách giấy, Nhà xuất bản Trẻ còn được quyền khai thác tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp dưới các dạng sách nói, sách điện tử...Bây giờ, cuộc sống của Nguyễn Huy Thiệp thực sự nhẹ nhõm, ông cảm thấy không phải phiền lòng, nỗ lực, trăn trở vì những trang văn. Dù chưa bao giờ, nói thì nói vậy, nhưng ông khó có thể bỏ bút hẳn để an tâm với tuổi già. Ông vẫn sáng tạo trong những thứ mình đang có, trên gốm, bằng hội họa. Đó là một cách sáng tạo khác đầy khó khăn mà ông vẫn phải mày mò để tìm cho mình một lối sáng tạo riêng. Hàng ngày, niềm vui của ông là đưa đón cháu nội. Người con trai cả của ông là họa sĩ Nguyễn Phan Bách có được gen “trội” của bố, nên đam mê nghệ thuật và đã tìm được một con đường đi của mình, dù chắc chắn anh sẽ phải chật vật và khó khăn nhiều trong thời buổi công nghệ này.
Tôi hỏi một câu cũ rích về dự định sắp tới của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ông trả lời tôi bằng câu chuyện khá dài dòng: Tôi là một nhà văn sinh ra ở nông thôn. Hồi còn bé, khi mới tập viết văn, ông ngoại tôi (vốn là nhà Nho) có kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Câu chuyện như sau: Ở nơi kia cây cối xum xuê, con người thuần phác, có một đạo sĩ rất thánh thiện. Ông ta ngồi viết văn, dạy trẻ con học và tự mình gieo trồng để lấy cái ăn. Mọi người đều quý mến ông, luôn đến hỏi ý kiến ông về mọi việc và ông thường cho họ những lời khuyên rất chí thánh.
Cuộc sống của ông nghèo túng, ông chỉ trùm một cái chăn để che thân người. Khi ngồi làm việc, những con chuột hôi hám, quái ác vẫn thường chạy đến cắn rách cái chăn, chúng làm ông rất khổ sở bực mình. Thấy vậy, có một người đi qua thương tình bèn biếu cho ông đạo sĩ một con mèo để nó bắt chuột. Dân làng vốn thương ông nên thương luôn con mèo, họ vẫn thường mang sữa đến cho con mèo uống. Một ngày kia, có một bà hành hương giàu có nghe tiếng thơm nhân đức của ông đạo sĩ bèn mang đến tặng cho ông đạo sĩ một con bò sữa để nuôi con mèo. Dân làng thấy vậy mới làm cho con bò một cái chuồng để nó có chỗ ở khi mưa khi nắng.
Nhưng bò có nhà mà đạo sĩ lại không có nhà! Để thế sao được?”- Dân làng nói với nhau như thế và họ xúm lại làm cho ông đạo sĩ một cái am nhỏ để ở. Từ ngày ấy, ông đạo sĩ không còn nhiều thời giờ để tu niệm và viết văn nữa, ông phải bận rộn để nuôi con bò, con bò lấy sữa nuôi con mèo, còn con mèo đi đuổi lũ chuột. Thấy ông đạo sĩ bận rộn không có thời giờ tu niệm và viết văn như trước, dân làng tốt bụng lại gửi đến cho ông đạo sĩ một người đàn bà để nuôi con bò. Thế là vị đạo sĩ đã có tấm vải che thân, đã có con mèo bắt chuột, đã có con bò cho sữa, lại có cả người đàn bà săn sóc cho cuộc đời mình.
Vị đạo sĩ không còn giữ được sự yên ổn ở trong lòng mình. Ông ta có hết cả rồi, ông ta trở nên đầy đủ như một phú ông. Ông ta lấy người đàn bà làm vợ. Ít lâu sau, ông ta bắt đầu hay cáu gắt, hay văng tục và nói nhảm nhí, ông ta còn uống rượu, đánh người và đuổi theo các cô gái bằng tuổi con mình. Con đường hạnh tu của ông đạo sĩ đến đây chấm dứt. Tôi không hi vọng viết lại được câu chuyện của ông ngoại tôi theo một kết thúc khác nhưng quả thật tôi cũng thích có những vị đạo sĩ vừa viết văn được, vừa có chăn ấm, vừa có mèo, vừa có bò, lại vừa có người đàn bà hạnh phúc của mình. Thượng đế anh minh vẫn ban cho cuộc sống rất nhiều phép màu không ai biết được!
Trần Hoàng Thiên Kim