Người lang thang cuối cùng
Đây là một đề tài “xương xẩu”, hoàn toàn không dễ viết, bản thân mình cũng chưa dám chắc là nhận thức được về nó liệu có đi được đến hết những bước chân đầu tiên hay không, nhưng thôi vì bạn bè vẫn nhiều người băn khoăn chưa hiểu hết, cũng coi như là viết như cùng chia sẻ băn khoăn vậy.
Phàm là con người là có ham muốn, vì những ham muốn này nó gắn liền với cái “thân ngũ uẩn” – chuyện ham muốn bà con nói mãi rồi, thường thì với người đời chúng ta, chúng ta ham muốn những điều thuộc về cuộc sống vật chất và khi đã đủ đầy rồi, chúng ta ham muốn thêm những cái khác thuộc về cuộc sống tinh thần như danh tiếng.
Còn những ham muốn cao quý như Đức Phật mong muốn hóa độ chúng sinh… thì thuộc về lĩnh vực khác chúng ta không bàn đến.
Cần khẳng định một điều về mặt toán học là “nghiệp lực” của mỗi người, nó là một hàm số vô tận, không giới hạn, do đó không có ai giống ai cả. Điều này giải thích tại sao hai anh chị em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, nhưng vẫn có số phận khác nhau. Về khoa học thì không thể có thời gian chào đời cùng một lúc được – bao giờ cũng có sự khác biệt về thời gian. Theo “khoa học tử vi” thì một ngày chỉ chia có 12 giờ thôi, dẫn đến sự hạn chế của môn “khoa học” này. Còn theo Phật thì ai cũng có thể thay đổi số phận của mình – “tu chuyển nghiệp”, do đó Đức Phật không khuyến khích chúng sinh xem bói xem toán, còn với các đệ tử của mình, Ngài cấm hẳn luôn. Với các đệ tử của mình, dù xuất gia hay tại gia, Ngài yêu cầu “giữ giới” – không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu (mở rộng ra “ma túy” nói chung.) Tất nhiên với chúng sinh nói chung, thì Đạo Phật khuyến khích ăn chay, giảm dần sát sinh đến ăn chay trường, không ăn mặn nữa để giảm nghiệp ác sát sinh của mỗi người.
Khổ cái, cái thân ngũ uẩn của chúng ta thì nó luôn thèm muốn những sự sung sướng phút chốc.
Con người là một giống linh trưởng, gần với khỉ, vượn… thì rõ ràng là ăn hoa quả, thực vật… nhưng sau khi săn bắn phát triển, rồi chăn nuôi, lại tìm ra lửa, con người ăn thịt. Và họ tìm thấy trong ăn uống sự sung sướng. Không còn là “ăn để mà sống” mà đã là “sống để mà ăn.” Hoàn toàn không lạ khi chúng ta thấy những người đứng trước một người ăn chay trường, lại rùng mình: “Ối xời ôi xợ thế, xợ thế… ăn chay ghê thế, iem không có thịt là iem không chịu được…” Chiều chiều các hàng bia, quán nhậu ở Việt Nam cứ là đông nghẹt. Nếu lên Google mà gõ từ khóa “tiêu thụ bia ở Việt Nam” thì thực là “phấn chấn” với “thành tích” 5 triệu con chó và 3 tỷ lít bia. Người ta phát hiện ra tiền uống bia của người Việt Nam lớn hơn vốn đầu tư nước ngoài vào đất nước. Vui cũng nhậu (để mừng, đương nhiên rồi) mà buồn thì cũng nhậu (cho quên đi cái buồn).
Giống như cái bác gì ở ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội tuyên bố “cần bắn pháo hoa để bà con nghèo quên đi cái khó khăn.” Đúng là con người cần ma túy, trước là rượu chè, hút xách; nay có thêm cả… pháo hoa nữa.
Thực chất, con người còn thèm thuồng ăn nhậu, thịt thà cá mú… là do cái nghiệp của người ta còn nặng, nghiệp sát sinh vẫn còn chưa giải hết được. Điều này giống những người đi câu “sát cá,” có những người chẳng bao giờ câu được con cá nào cả, dù là bé tí; có những người cứ hễ quăng cần ra là câu được cá.
Sang chuyện “tình dục luận.”
Chuyện này cũng vậy thôi – thực ra người đời thường mơ hồ việc “tu là phải diệt dục hay không.” Đạo Phật không đi ngược lại với tự nhiên tạo hóa – vì tình dục chính là phương pháp của sự sinh sản tự nhiên. Con người với tư cách là một sinh vật bậc cao, sống thành tập đoàn người gọi là “xã hội” do đó sự ra đời của mô hình “gia đình cặp” là một sự phát triển văn minh của loài người. Tất nhiên trên thế giới vẫn còn những địa phương còn tồn tại những kiểu gia đình khác nữa, như “đa thê”, cá biệt còn có cả “đa phu” hay “quần hôn hạn chế” (vài cặp vợ chồng sống chung.) Nhưng về tổng thể thì con người đã lựa chọn cho mình hình thức ổn thỏa nhất, có sự phát triển về chất. Mẫu “gia đình cặp” còn có yếu tố tình cảm gắn kết – Các Mác đã viết ở đâu đó “Bản thân tình dục không có gì là xấu nếu như nó xuất phát từ tình yêu.” Như thế, tình dục đã biến từ mục đích, từ nhu cầu sinh sản, trở thành phương tiện của nhu cầu thể hiện tình cảm. Có nghĩa là, nó không còn là mục đích cuối cùng của tình yêu nữa, chỉ là một giai đoạn quan trọng mà thôi. Trong phạm vi gia đình, quan hệ vợ chồng là duyên, là tình nghĩa, là bổn phận với con cái… do đó với những gia đình Phật tử, tiến được đến mức cả hai cùng tu học mà bỏ được cái quan hệ xác thịt kia (ví dụ như cùng “thọ Bồ Tát giới”), cùng nhau tinh tấn thì là tuyệt vời nhất.
Cũng như ăn nhậu, nhu cầu tình dục của con người do đó, cũng là một thể hiện của “nghiệp” – nghĩa là người ta còn bị vướng mắc vào cái nhu cầu đó mà chưa dứt ra được, một khi còn vướng thì người thường hay hòa thượng xuất gia, đều có thể vẫn vướng mắc chứ chẳng riêng gì ai.
“Lãnh cảm” với y học có thể cho rằng là một loại bệnh lý, liên quan đến tâm thần. Còn chứng “bất lực” ngoài tâm thần còn có những nguyên nhân vật lý. Tuy nhiên với tùy cá nhân, người nào coi đó là cơ hội để tiêu trừ được cảm xúc ái dục, cũng là điều tốt, coi như “nghiệp xấu” với tình dục, đã giảm dần đến mức chấm dứt. Còn người nào coi đó là sự đau khổ, tìm cách chạy chữa… là còn vấn vương với ham muốn, “nghiệp xấu” chưa chấm dứt.
Chuyện ngoại tình hay “say nắng,” cũng vẫn là “nghiệp xấu,” (trong tử vi có yếu tố này – ví dụ khi xem “hạn”, có thể có kết quả “hạn tốt năm nay lên chức, hạn xấu năm nay có “họa đào hoa”…”) – với tư tưởng Phương Đông cũng đã cho rằng việc có “dính” thêm những mối quan hệ “ngoài luồng” như vậy là “họa”, hoàn toàn không phải là may mắn hay phúc đức gì. Nhưng mà người chưa hiểu ra thì có khi còn thấy khoái chí. Có những người tỉnh ra được quay về với vợ với chồng, theo Phật ở đây có “pháp sám hối” mở đường về cho người biết “quay đầu là bờ.” Nhân đây xin nhắn các bạn có vợ, chồng “say nắng,” khi họ đã biết lỗi, nên mở lòng tha thứ, đừng thả lỏng cho cái nóng giận trong mình mà thỉnh thoảng cứ sực nhớ ra chì chiết chồng/vợ mình, mà gây hại cho cái phúc đức của mình. Người ta đã hối hận và đang sửa chữa, là bắt đầu làm giảm cái nghiệp xấu và quay lại bồi dưỡng phúc đức, còn mình sân hận là hại mình thôi, các anh chị nhé!
Hầu hết những tác phẩm nghệ thuật theo hướng tình yêu… nhưng không xác định được rõ ràng giữa tình cảm chân chính trong “giới” như Đạo Phật đã chỉ; làm cho con người mê đắm, nhất là những cảm xúc dục lạc; thì những người tạo ra nó, truyền bá nó… hầu hết tạo nghiệp xấu, thường đọa địa ngục. Ví dụ như thể loại tranh, ảnh “khỏa thân;” chúng ta có thể coi “vẻ đẹp của cơ thể con người không có cảm xúc tình dục trong đó” (hầu hết là nghe thấy những lời lẽ như vậy). Nhưng con người từ lõa lồ Êva cũng biết kiếm lấy cái lá nho che chỗ kín, cũng là vừa che đậy sự trần truồng của mình, dần dần biết làm đẹp bằng quần áo, lại giữ ấm cơ thể… và con người văn minh mặc quần áo, còn có một lý do nữa là để khỏi phải làm khởi lên trong tâm những suy nghĩ “không bình thường” từ bất kỳ ai. Còn với những cộng đồng cứ trần truồng sống với thiên nhiên mà chẳng có tâm địa gì về tình dục cả, thì đúng là hoặc toàn thánh nhân, hoặc thuộc về một thể loại nào đó… không giải thích được và xin miễn bình luận.
Xin nói tiếp về chuyện “văn học nghệ thuật” – vì những lý do trên đây mà kể cả thi sỹ được đặt tên phố “quân tử có yêu thì cắm cọc” cũng chưa chắc đã thoát khỏi đọa địa ngục; vì kể cả những cái “đố tục giảng thanh” đó, tưởng là trí tuệ, nhưng không phải đưa đến cho người ta những suy nghĩ về tình dục, thì là cái giề chứ? Ấy thế mà có những bác sống đến 90% cuộc đời rồi, vẫn mê đắm nào là thơ, nào là ảnh… mê đắm vào ba cái chuyện chị em, son phấn… cũng thơ “thanh mà tục”, thơ nhạc, ảnh ọt, văn chương chỉ để… gạ tình; mê đắm không biết đến bao giờ mới thoát được ra. Ở đây không phải là “soi lỗi” người khác, mà là nhìn thấy phải biết cái gì là mê đắm chưa thoát được, biết để mà tránh và mong chính các bác ấy thoát ra được, càng sớm càng tốt. Bà con ai quan tâm đọc bài này cũng xin hãy nhìn nhận, đây là những lời từ một người đã từng đầy lỗi lầm, nhận ra được phần nào và thành tâm muốn sửa chữa bằng tu tập, không phải là lên giọng cao ngạo dạy đời.
Cả ham muốn ăn uống lẫn ham muốn xác thịt, đều xuất phát từ “thân ngũ uẩn” – mà thân mình thì có gốc là từ tình dục. Tình dục như trên đã nói, là phương pháp của sinh sản, nhưng vẫn là sự “nhơ uế”; do đó con người đã có “thân xác” là gắn liền với sự khổ, cái đau… cái sung sướng là cái ngắn ngủi mà cái khổ đau mới là cái kéo dài. Tất cả những điều này Đức Phật chỉ ra hết rồi, nhưng hầu hết chúng sinh là mê không nhận ra, thậm chí có những người nghiệp còn nặng hơn, đổ lỗi cho Trời, Phật “bắt họ chịu” những số phận không may mắn. Tất cả là do mình hết. Còn những người tưởng như không thích nhậu nhẹt, ăn chay; “lãnh cảm” hay thậm chí bị người khác cười cợt kiểu “quai bị chạy hậu” hay “xịt”… có khi người ta đã giải quyết được tất cả những vấn đề đó từ kiếp trước rồi, bây giờ đến kiếp này, đó không phải là những vấn đề của họ nữa mà họ đang đi trên con đường riêng của họ. Mỗi người một phúc một phận khác nhau, không dễ cười cợt được đâu; tưởng là họ rủi ro, đen đủi nhưng vấn đề nào chẳng có hai mặt của nó! Cũng do đó mong bà con đừng ai vội giễu cợt người khác, trước mắt là tạo “khẩu nghiệp” cái đã – không có tốt. Bình thường chúng ta hay nhặt nhạnh các lý do “thế lọ thế chai”; ví dụ như “các nhà tu hành ở Tây Tạng vẫn ăn thịt ta ăn thịt được…” hay “đến các Thày hòa thượng còn mê iPhone, ô tô đẹp… lại không thiếu thày vẫn vướng bụi trần những thú vui đào hoa…” Xin báo cáo bà con là ở Tây Tạng lấy đâu ra rau, bắt bà con ở trển ăn chay đã là khó khăn, đương nhiên nghiệp sát sinh vẫn là sát sinh; ai ăn người ấy tạo nghiệp; với bậc tu hành đắc đạo rồi như các Lạt Ma thì chuyện ăn thịt chắc gì đã tạo nghiệp sát sinh… hay chuyện các Thày ai làm người ấy chịu; ta người trần mắt thịt cứ biết cái thân ta đã; không nên vin lý do này nọ để ngụy biện.
Ai ăn cứ ăn, ai say cứ say… Đức Phật chẳng ép ai điều gì cả, nhưng “hồi đầu thị ngạn”, ai cũng có đường quay về, đừng lo. Chỉ sợ mê đắm đến lúc chết mà không kịp quay về mà thôi – mà ai biết ai chêt lúc nào?