Tác giả: Lê Hồng Hiệp/ Nghiên cứu Biển Đông
Trong năm 2014, sự kiện nổi bật nhất của ngành đối ngoại Việt Nam có lẽ chính là cuộc đấu tranh xung quanh sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Việc Trung Quốc cuối cùng phải rút giàn khoan ở một chừng mực nào đó có thể coi là một thành công đối với Việt Nam, nhưng đó cũng là một thách thức còn để ngỏ khi hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: Liệu Trung Quốc có tái diễn vụ giàn khoan, nếu có thì ở đâu, và nếu không thì Trung Quốc sẽ có hành động gì trên Biển Đông? Quan trọng hơn, Việt Nam cần phải xử lý mối quan hệ với Trung Quốc ra sao trong bối cảnh rộng lớn hơn là các sóng ngầm địa chính trị khu vực đang diễn biến ngày càng phức tạp?
Bài phân tích này sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi trên. Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đề chính là quan hệ Việt – Trung, chúng ta cần điểm lại một số nét chính trong tình hình các quốc gia chủ chốt cũng như bối cảnh địa-chính trị khu vực, những yếu tố vốn có tác động quan trọng tới cục diện quan hệ song phương.
Bối cảnh các quốc gia chủ chốt
Trung Quốc
Sau hơn 3 thập niên phát triển liên tục với tốc độ 2 con số, hiện nay tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại ở mức khoảng 7%/năm với nhiều khó khăn chồng chất như mô hình tăng trưởng cũ hết động lực, cơ cấu và xu hướng dân số bất lợi, các rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống tài chính – ngân hàng và thị trường nhà đất… Điều này đặt ra những thách thức lớn cho tính chính danh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một mặt, thực tế này yêu cầu Trung Quốc phải tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế theo hướng từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu sang dựa trên tiêu dùng trong nước và sức sáng tạo của các doanh nghiệp, thể hiện qua các biện pháp đề ra tại Hội nghị TW 3 năm 2013. Mặt khác, Trung Quốc cũng tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ, vừa giúp củng cố quyền lực của tân Chủ tịch Tập Cận Bình, vừa giúp loại bỏ các rào cản, các nhóm lợi ích gây cản trở cải cách kinh tế, đồng thời giúp nâng cao uy tín của Đảng trong bối cảnh trụ cột chính trong tính chính danh của Đảng là thành tích phát triển kinh tế đang gặp khó khăn.
Về đối ngoại, Trung Quốc đã thoát ra ngoài tư thế “giấu mình chờ thời”, bắt đầu công khai và mạnh mẽ cạnh tranh vị thế và ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong khu vực và trên thế giới, thể hiện qua các sáng kiến như “con đường tơ lụa thế kỷ 21”, “con đường tơ lụa trên biển”, ý tưởng “châu Á là của người châu Á”, hay việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới với nhóm BRIC…
Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đề xướng mô hình “quan hệ cường quốc kiểu mới” nhằm thuyết phục Mỹ không “ngăn chặn” Trung Quốc vươn lên, vừa nhằm đạt được vị thế ngang hàng với Mỹ, qua đó phân chia khu vực ảnh hưởng với Washington. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tỏ ra hung hăng và cứng rắn hơn trong các tranh chấp biển và lãnh thổ với láng giềng, mà ví dụ tiêu biểu là vụ giàn khoan 981. Điều này vừa phù hợp với xu thế chung trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tập Cận Bình, vừa có tác dụng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc để củng cố sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh tính chính danh trong nước của ĐCSTQ ngày càng bị thách thức.
Trong năm tới Trung Quốc có thể thực hiện “ngoại giao hòa hoãn” do e dè trước phản ứng của cộng đồng quốc tế sau vụ giàn khoan 981 và lo sợ các nước trong khu vực sẽ nghiêng về phía Mỹ, đi ngược lại mục tiêu lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong dài hạn, với việc Trung Quốc từ bỏ chính sách “giấu mình chờ thời” để theo đuổi tham vọng siêu cường, kết hợp với khó khăn trong nước nhiều khả năng sẽ ngày càng nghiêm trọng, xu thế hung hăng, lấn lướt của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông, nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Nhật Bản
Sau khi quay lại làm thủ tướng năm 2012, ông Shinzo Abe đã tiến hành nhiều cải cách kinh tế và chính trị quan trọng. Về kinh tế ông Abe đã tiến hành chính sách Abenomics, với ba “mũi tên” gồm kích thích tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Tuy nhiên sau khi phát huy hiệu quả vào năm 2013 với việc kinh tế Nhật tăng trưởng 1,5%, thì sang năm 2014 chính sách này đã bị “hụt hơi” khi nền kinh tế bị co lại 2%, trong đó một nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là việc chính quyền Abe tăng thuế tiêu dùng quá sớm (vào tháng 4/2014) từ mức 5% lên 8%,[1] khiến lòng tin của người tiêu dùng sụt giảm, tác động tiêu cực tới phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ông Abe đã tuyên bố giải tán quốc hội vào tháng trước và tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14/12 vừa qua. Kết quả Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã tiếp tục giành thắng lợi áp đảo,[2] qua đó giúp củng cố và kéo dài tuổi đời chính trị của ông Abe, giúp ông có nhiều thời gian hơn để tiếp tục thực hiện chính sách Abenomics cũng như các thay đổi về chính sách đối ngoại.
Về chính sách đối ngoại, điểm tiêu biểu trong thời gian qua là chính quyền Abe đã diễn dịch lại hiến pháp để cho phép quân đội Nhật có vai trò lớn hơn. Cụ thể hiến pháp Nhật sau khi được diễn dịch lại đã cho phép Nhật tham gia phòng thủ tập thể ở những nơi lợi ích của Nhật bị đe dọa, đồng thời mở đường cho quân đội Nhật đóng vai trò quốc tế lớn hơn (nhất là trong sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo).
Ngoài ra, mặc dù Nhật tiếp tục đề cao hợp tác quân sự với Mỹ thông qua liên minh Mỹ – Nhật, nhưng chính quyền Abe muốn tự chủ lớn hơn và bớt phụ thuộc hơn vào Mỹ về quốc phòng. Dưới thời Abe, Nhật cũng thể hiện xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc, như quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, phản đối và tảng lờ Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông… Nhật cũng tích cực hỗ trợ Philippines và Việt Nam về ngoại giao và an ninh, trong đó tiêu biểu là viện trợ các tàu tuần tra cho Hà Nội và Manila. Dù quy mô viện trợ còn hạn chế do bản thân Nhật cũng đang cần các nguồn lực để đối phó với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nhưng nó cho thấy xu thế ngày càng cứng rắn của Nhật đối với Trung Quốc.
Nay với việc Abe tiếp tục khởi đầu một nhiệm kỳ mới, các chính sách đối ngoại và an ninh mạnh mẽ của ông sẽ hầu như chắc chắn được duy trì và thúc đẩy, đưa Nhật tái trỗi dậy thành một cường quốc “bình thường” với sức ảnh hưởng đồng thời cả về kinh tế lẫn quân sự trong khu vực và trên thế giới.
Nga
Sau khi phạm sai lầm vì đã vội vàng sáp nhập Crimea, nước Nga của Putin đã phải vật lộn trong khó khăn để đương đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây, bên cạnh các khó khăn kinh tế chồng chất do giá dầu thế giới giảm và tình trạng rớt giá của đồng Rúp.
Ngoài ra, do bị phương Tây cô lập nên Nga đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, dẫn tới một số lo ngại rằng Trục Bắc Kinh – Moscow sẽ được hình thành nhằm giúp 2 nước đối phó với các áp lực từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, bao gồm cả các quan chức Mỹ, đều cho rằng giữa hai nước vẫn còn những khác biệt lớn về sự quan tâm, mục tiêu, lợi ích… nên sự gần gũi gia tăng giữa hai nước thời gian qua chủ yếu mang tính chiến thuật chứ không phải là một liên minh chiến lược lâu dài.
Trong bối cảnh đó, mối bận tâm chính của chính quyền Putin trong thời gian qua cũng như sắp tới chủ yếu là vấn đề Ukraine và quan hệ với phương Tây chứ không phải khu vực Thái Bình Dương. Cụ thể, trước áp lực của phương Tây, khó khăn kinh tế chồng chất và nhất là địa vị “thân cô thế cô”, Nga nhiều khả năng sẽ phải nhún nhường, tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Đông Ukraine và Crimea để dần dần bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên điều này sẽ không đến sớm nếu Tổng thống Putin tiếp tục cầm quyền. Vì vậy, xu hướng chính sách đối ngoại Nga trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến chính trị trong nước của Nga, đặc biệt là vị thế của Tổng thống Putin.
Hoa Kỳ
Trái với các quan điểm bi quan cho rằng Mỹ đang trượt dài vào thời kỳ suy thoái, sức mạnh kinh tế và quyền lực quốc gia nói chung của Hoa Kỳ vẫn được duy trì và thúc đẩy. Cụ thể, mặc dù một vài ước tính cho rằng GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Trung Quốc đã vượt Mỹ trong năm nay, ưu thế về sức năng động – sáng tạo, trình độ công nghệ, sự áp đảo của các công ty đa quốc gia, sự vượt trội về GDP tính theo đầu người… về cơ bản vẫn giúp cho Hoa Kỳ duy trì được khoảng cách xa về kinh tế so với Trung Quốc.
Trong khi triển vọng kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu ảm đạm, thì kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng 2,3% năm 2012, 2,2% năm 2013, và dự kiến đạt 2,5% năm 2014, trong khi tỉ lệ thất nghiệp tới tháng 10/2014 đã giảm xuống chỉ còn 5,8%, mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước công nghiệp phát triển.
Một đặc điểm nổi bật của kinh tế Mỹ được nhiều người đánh giá cao trong thời gian gần đây là việc ngành sản xuất dầu lửa của nước này đã phát triển mạnh nhờ vào công nghệ khai thác dầu đá phiến (shale). Cụ thể, chỉ trong vòng năm năm, công nghệ này đã đưa sản lượng dầu của Mỹ tăng gần gấp đôi từ mức 5 triệu thùng/ngày năm 2008 lên 9 triệu thùng vào năm nay.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì đến khoảng năm 2020 Mỹ có thể vượt Arab Saudi trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Việc ngành sản xuất dầu phát triển mạnh không chỉ mang lại sự thịnh vượng và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ mà còn mang lại cho Mỹ một vũ khí địa chính trị lợi hại, đặc biệt là giúp Mỹ có thể giảm bớt sự chú ý vào khu vực rốn dầu Trung Đông để tập trung vào các khu vực khác.
Về đối ngoại và quân sự, Hoa Kỳ đang giảm dần sự can dự vào khu vực Trung Đông, một phần do sự “mệt mỏi chiến lược” vì những can dự kéo dài nhưng kém hiệu quả ở khu vực này kể từ sau sự kiện 11/9/2001, một phần do tầm quan trọng chiến lược của khu vực có xu hướng giảm sút trong mắt Washington.
Trong khi vẫn phối hợp với EU và các đồng minh trong các vấn đề như Ukraine hay không kích Nhà nước Hồi giáo, Mỹ sẽ tập trung nhiều sự chú ý hơn vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc, bởi chính Trung Quốc sẽ là vấn đề “sống còn”, là đối thủ duy nhất đủ tầm để có thể lật đổ vị thế siêu cường của Mỹ cũng như trật tự thế giới mà Mỹ dẫn dắt. Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách “tái cân bằng” sang khu vực, đồng thời thúc đẩy việc gắn kết, tăng cường sức mạnh của các nước đồng minh và đối tác, biến họ trở thành các quốc gia giàu mạnh và thực sự độc lập để có thể giúp hạn chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời giúp Mỹ có được vị thế tốt hơn nhằm đối phó với sự trỗi dậy ngày càng không êm ả của Bắc Kinh.
Xu hướng địa chính trị khu vực
Một xu hướng địa chính trị khu vực đang ngày càng trở nên nổi trội, đó chính là việc Mỹ cùng các đồng minh ngày càng bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc nước này công khai thách thức trật tự khu vực, nhất là vị thế siêu cường dẫn đầu của Mỹ. Xu hướng này khiến cho khu vực nhiều khả năng sẽ bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong vòng khoảng 20 năm tới.
Về mặt lý thuyết, nếu Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và thách thức Mỹ, mâu thuẫn và xung đột giữa hai cường quốc là không thể tránh khỏi. Trái với thuyết “cân bằng quyền lực” (balance of power theory) cho rằng hệ thống quốc tế sẽ ổn định và hòa bình khi đạt được sự cân bằng giữa các trung tâm quyền lực chính, thuyết “chuyển giao quyền lực” (power transition theory) cho rằng một khi một cường quốc đang lên tiệm cận sức mạnh của cường quốc thống trị và khao khát giành vị thế bá chủ của cường quốc đó thì xung đột giữa hai bên là không thể tránh khỏi. Chỉ sau khi cường quốc đang lên bị kiềm chế hoặc đánh bại (giữ vững nguyên trạng) hoặc cường quốc bá chủ bị lật đổ (thiết lập nguyên trạng mới) thì hệ thống quốc tế mới lại đạt được thế cân bằng và ổn định. Quy luật này đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử, và sẽ tiếp tục là logic trường tồn của chính trị hiện thực trong quan hệ quốc tế.
Về mặt thực tế, hiện nay cục diện địa chính trị khu vực đang dần đi theo hướng dự báo của thuyết “chuyển giao quyền lực”. Cụ thể, trong khi Trung Quốc (cường quốc đang lên) tìm cách mở rộng ảnh hưởng, tranh giành quyền lực với Mỹ (cường quốc thống trị), thì Mỹ đang âm thầm cố gắng tìm cách kiềm chế Trung Quốc, thông qua các chiến lược tiêu biểu như “tái cân bằng” quân sự sang tây Thái Bình Dương, đàm phán Hiệp định TPP với các nước trong khu vực mà không có sự tham gia của Trung Quốc; cải thiện và thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh và đối tác, nhất là các nước láng giềng Trung Quốc; sử dụng các công cụ như luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế để kiềm chế và điều chỉnh hành vi của Bắc Kinh….
Hiện nay, giới chức Mỹ vẫn đang cố gắng thận trọng, tránh “tư duy Chiến tranh lạnh”, trong khi cố gắng can dự với Trung Quốc để xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng. Tuy nhiên đây không phải là xu hướng lâu dài mà chỉ là ngắn hạn. Trước mắt Mỹ chưa sẵn lòng mạnh tay kiềm chế Trung Quốc như từng kiềm chế Liên Xô trước đây bởi quan hệ tốt với Trung Quốc đang mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích, đồng thời Mỹ cần thêm thời gian để đánh giá xu hướng hành vi của Trung Quốc khi hiện nay Bắc Kinh dù có biểu hiện hung hăng và thách thức lợi ích của Mỹ nhưng sự thách thức đó chưa đủ lớn để đe dọa các lợi ích sống còn, nhất là vị thế bá chủ của Mỹ.
Vì vậy trong tương lai, mức độ kiềm chế của Mỹ và đồng minh đối với Trung Quốc sẽ biến chuyển tùy theo mức độ hung hăng và thách thức mà Trung Quốc theo đuổi trong chính sách đối ngoại của mình. Ngoài ra, về phía Mỹ, nếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 một ứng cử viên Cộng hòa đắc cử thì nhiều khả năng Mỹ sẽ có một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc.
Mặc dù có một khả năng là Trung Quốc do các vấn đề trong nước sẽ bị chững lại, thậm chí rối loại và suy yếu, không thể đủ sức “trỗi dậy” mãi mãi đủ để đe dọa vị thế của Mỹ, nhưng khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ tiếp tục vươn lên, dù chậm dù nhanh, để làm cho Mỹ và đồng minh cảm thấy bất an, lo sợ. Khi đó, một cuộc Chiến tranh lạnh Mới ở khu vực, như đã nói trên, là khó có thể tránh khỏi. Cuộc Chiến tranh lạnh Mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khác với cuộc Chiến tranh lạnh thế kỷ 20 giữa Mỹ và Liên Xô ở 4 điểm chính:
- Chiến lược chứ không phải ý thức hệ: Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào yếu tố lợi ích chiến lược chứ không phải ý thức hệ. Việc tập hợp lực lượng của hai bên sẽ dựa vào điểm đồng về lợi ích chiến lược chứ không phải ý thức hệ. Đây là đặc điểm chi phối 3 đặc điểm còn lại.
- Ở cấp độ khu vực chứ không phải toàn cầu: Cuộc Chiến tranh lạnh này sẽ tập trung chủ yếu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà ít có khả năng lan rộng ra toàn cầu bởi Trung Quốc không có một hệ thống đồng minh rộng lớn và lợi ích của Mỹ và Trung Quốc không mâu thuẫn lớn ở các khu vực khác.
- Không phải giữa 2 khối nước cứng nhắc: Khác với Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô khi hai bên dẫn đầu hai khối nước trải khắp 5 châu thì trong Chiến tranh lạnh mới sự đối đầu tập trung chủ yếu vào quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Nga, như đã nói ở trên, ít có khả năng tham gia cùng Trung Quốc thành một khối chiến lược để đối đầu với Mỹ và đồng minh.
- Vai trò của tương thuộc kinh tế: Khác với Chiến tranh lạnh thế kỷ 20, trong cuộc Chiến tranh lạnh mới, sự tương thuộc kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp kiềm chế bớt hành vi của hai bên, giúp hai bên dễ đối thoại với nhau để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên do lợi ích địa chính trị được coi trọng hơn lợi ích kinh tế nên sự tương thuộc kinh tế sẽ không đủ ngăn cản Chiến tranh lạnh mới diễn ra. Viễn cảnh khả dĩ nhất là “kinh tế nóng, chính trị lạnh” giữa các cường quốc.
Vậy xu hướng địa chính trị khu vực này sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam, và Việt Nam cần phải ứng phó ra sao?
Lựa chọn chiến lược của Việt Nam
“Lời nguyền địa lý” khiến Việt Nam luôn phải đối diện với những thách thức trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Trước một Trung Quốc lớn mạnh hơn nhiều lần, chiến lược Trung Quốc truyền thống của Việt Nam là ngoại giao hòa hiếu, trong đế ngoài vương, nhún nhường với Trung Quốc trong khả năng cho phép để giữ hòa bình và độc lập.
Nếu không có tranh chấp Biển Đông thì Việt Nam hiện nay sẽ có điều kiện thuận lợi hơn nhiều để duy trì một chính sách hòa hiếu cùng mối quan hệ ổn định, tương kính với Trung Quốc. Thế nhưng, với việc Trung Quốc ngày càng thực hiện các chính sách hung hăng và cưỡng ép, mà sự kiện Giàn khoan 981 là ví dụ điển hình, việc duy trì một chính sách ngoại giao hòa hiếu truyền thống như vậy với Trung Quốc đang ngày càng khó khăn, thậm chí phản tác dụng.
Chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc hiện đối mặt với hai lựa chọn căn bản: ưu tiên quan hệ hữu hảo với Trung Quốc hay ưu tiên chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ?
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, lựa chọn này luôn được đặt ra cho các nhà cầm quyền Việt Nam, và câu trả lời luôn rõ ràng: Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích quốc gia tối thượng. Đã có những lúc Việt Nam tỏ ra hòa hiếu, nhún nhường với Trung Quốc, nhưng đó là khi Trung Quốc không trực tiếp đe dọa chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hoặc sau khi Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lược của các đội quân phương Bắc (ví dụ, Lê Lợi cấp thuyền và ngựa cho lính nhà Minh rút quân về nước, Nguyễn Huệ cho chôn cất tử tế lính nhà Thanh tử trận, gửi sứ thần sang nhận sắc phong và “tạ tội” với hoàng đế nhà Thanh…). Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại nhún nhường, mềm yếu trước Trung Quốc khi Trung Quốc tìm cách xâm lược hoặc cưỡng ép, đe dọa… Việt Nam.
Hiện nay, đương nhiên chúng ta vẫn luôn coi chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích tối thượng. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần xác định Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam đến mức nào để quyết định nên hòa hiếu, nhún nhường, hay cứng rắn với Trung Quốc. Nếu mối đe dọa Trung Quốc chưa lớn mà chúng ta quá cứng rắn thì sẽ gây căng thẳng không cần thiết, ngược lại nếu mối đe dọa lớn mà chúng ta nhún nhường, mềm yếu sẽ càng khuyến khích Trung Quốc lấn tới, làm phương hại lợi ích quốc gia.
Trong thời gian qua, xu hướng mối đe dọa từ Trung Quốc đang gia tăng là rõ ràng. Đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, một loạt các hành động của Trung Quốc từ năm 2007 đến nay càng cho thấy rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Các hành động như cắt cáp tàu Bình Minh 02, đưa giàn khoan 981 cùng lực lượng hộ tống hùng hổ vào vùng biển Việt Nam, xây dựng và mở rộng đảo nhân tạo… cho thấy cường độ hung hăng của Trung Quốc ngày càng tăng, và chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Trong tương lai gần, việc Trung Quốc đưa các giàn khoan xuống Trường Sa và bãi Tư Chính, thiết lập ADIZ trên Biển Đông, tăng cường quân sự hóa các điểm chiếm đóng, thậm chí tìm cách khống chế các tuyến đường biển của Việt Nam hay xâm lược các đảo của Việt Nam đang nắm giữ… là những khả năng không thể bị loại bỏ, nếu không muốn nói đó chỉ là vấn đề thời gian.
Trong bối cảnh đó, ngoài việc nâng cao nội lực về kinh tế, quốc phòng, xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong cũng như ngoài nước, Việt Nam cần tranh thủ tận dụng các diễn biến địa chính trị khu vực để nâng cao vị thế chiến lược của mình, góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Đặc biệt việc mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần gia tăng đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh và đối tác của Mỹ, nhất là những nước có chung nhận thức về mối đe dọa và lợi ích trên Biển Đông.
Vì vậy, như tác giả bài viết từng đề xuất, trong khi vẫn duy trì nguyên tắc “ba không” trên danh nghĩa, Việt Nam cần từng bước thắt chặt quan hệ chiến lược – an ninh với các quốc gia chủ chốt trong khu vực dưới dạng các “liên minh” mềm, không chính thức, đặc biệt là với Hoa Kỳ và Nhật Bản, để có thể nâng cao vị thế chiến lược của mình trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là trên hồ sơ Biển Đông.
Như đã lập luận trước đây, tranh chấp Biển Đông hiện tại gồm ba tầng nấc, với tầng nấc ngoài cùng đang trở nên ngày càng quan trọng là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này biến Biển Đông trở thành một trong những “chiến trường” cho sự đối đầu giữa hai cường quốc. Một câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh đó, Việt Nam có nên can dự vào cuộc đối đầu này để rồi trở thành “nạn nhân” của một cuộc đấu đá giữa các cường quốc hay không?
Một điều chúng ta phải chấp nhận đối mặt là với vị trí địa lý của mình, đặc biệt là do sự tham gia của chúng ta vào tranh chấp Biển Đông với các lợi ích đan xen, chồng chéo, chúng ta không thể và không nên đứng ngoài các diễn biến địa chính trị khu vực. Nói cách khác, làm sao để Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi cuộc đối đầu đang tăng cường giữa Mỹ và Trung Quốc là một nhiệm vụ bất khả thi. Điều chúng ta có thể làm chỉ là làm sao hạn chế được tối đa các tác động tiêu cực của cuộc đối đầu này lên chúng ta mà thôi.
Để làm được điều này, không có cách nào khả dĩ hơn việc chúng ta chủ động can dự vào các diễn biến địa chính trị khu vực, góp phần định hình các diễn biến đó (nếu có thể), hoặc ít nhất nắm bắt được các thông tin, diễn biến, can dự vào ý đồ của các cường quốc để không phải trở thành kẻ ngoài lề, bị động đối phó, và rốt cuộc sẽ trở thành “nạn nhân” bị đem ra mặc cả trong ván cờ giữa các nước lớn như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Hiện tại, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có hai vũ khí quan trọng có thể khiến Trung Quốc e sợ, đó là các lựa chọn pháp lý và việc theo đuổi chính trị liên minh. Tuy nhiên, trong khi phát súng pháp lý chưa thật sự sẵn sàng và một khi bắn ra sẽ không thể thu hồi lại, thì theo đuổi chính trị liên minh là một biện pháp linh hoạt và hiệu quả hơn mà Việt Nam có thể thực hiện để răn đe Trung Quốc.
Thứ nhất, biện pháp này đánh vào tâm lý sợ bị bao vây, “ngăn chặn” của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn Việt Nam ngã vào tay một cường quốc đối địch, vì vậy nếu Việt Nam dịch chuyển theo hướng chính trị liên minh thì Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trong hành động để không đẩy Việt Nam ra quá xa.
Thứ hai, chính trị liên minh không phải là một con đường một chiều. Cách dễ nhất để hình dung chính trị liên minh là một đường trục với hai thái cực đối diện, một thái cực (-1) là phù thịnh (bandwagoning), đi theo đối thủ, và thái cực còn lại (+1) là tham gia liên minh quân sự để cân bằng (balancing) lại đối thủ. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lý tưởng nhất là ở vị trí cân bằng (0), tuy nhiên tùy theo diễn biến quan hệ song phương và bối cảnh khu vực, chúng ta có thể điều chỉnh vị trí của mình trong khoảng từ -1 đến +1 cho phù hợp. Ví dụ, nếu Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến, Việt Nam có thể điều chỉnh dần sang vị trí +1, nhưng nếu Trung Quốc ôn hòa, xuống nước, Việt Nam có thể điều chỉnh dần về vị trí số 0. Như vậy chúng ta không nên lo sợ phá vỡ quan hệ với Trung Quốc vì chúng ta có thể điều chỉnh tùy theo tình hình. Điều chúng ta phải lo sợ hơn là mất lãnh thổ, thứ một khi đã rơi vào tay người khác sẽ khó có thể đòi lại được.
Thứ ba, do có sự linh hoạt như trên, nên Việt Nam nếu khéo léo có thể điều chỉnh từng bước đi trong chính trị liên minh để đáp lại các hành động của Trung Quốc. Trước mắt, nếu Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng lại chiến thuật như vừa qua, kiềm chế và kiên nhẫn đấu tranh để Trung Quốc rút, phục hồi nguyên trạng. Tuy nhiên nếu Trung Quốc lặp đi lặp lại hoặc leo thang, ví dụ không rút giàn khoan, đưa giàn khoan xuống khu vực Trường Sa/ Tư Chính, thiết lập ADIZ trên Biển Đông, hay thậm chí xâm lược các vị trí Việt Nam đang nắm giữ, thì Việt Nam cần ứng phó ra sao? Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải có các bước chuẩn bị để khi Trung Quốc đi một nước cờ thì Việt Nam có thể đi được một nước tương ứng để đáp lại, tránh tình trạng Trung Quốc leo thang nhưng Việt Nam chỉ có một bài để đấu tranh. Với các nấc thang khác nhau như đã kể trên, chính trị liên minh giúp Việt Nam dự liệu trước các quân bài khác nhau để đối phó với Trung Quốc, bên cạnh chuyện đấu tranh trên thực địa.
Như vậy, trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành động hung hăng mang tính cưỡng bức trên Biển Đông, Việt Nam cần tận dụng các biến đổi địa chính trị khu vực để giành thế chiến lược có lợi cho mình. Trước mắt, Việt Nam cần thực hiện một số các biện pháp như cảnh báo Trung Quốc về hậu quả chiến lược nếu tiếp tục có cách hành động cưỡng bức hoặc leo thang tranh chấp; làm việc cùng các quốc gia đối tác quan trọng (đặc biệt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Philippines) để lập kế hoạch tăng cường các mối quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, đồng thời lập kế hoạch các bước đi và nấc thang tiếp theo mà Việt Nam cần thực hiện để đáp lại các hành động gây hấn mới hoặc leo thang tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc.
Tóm lại, Việt Nam chỉ có thể hòa hiếu với Trung Quốc nếu Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu Trung Quốc dùng bạo quyền để cưỡng bức thì chúng ta không thể mềm yếu để rồi mãi mãi đánh mất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì một thứ “hữu nghị viễn vông”.
Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tương kính với Trung Quốc, chúng ta cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối quan hệ liên minh với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông. Theo nghĩa đó, liên minh không nên được hiểu là đi với nước này để chống nước kia, mà là đi với nước nào để chúng ta có thể bảo vệ được tốt nhất lợi ích quốc gia của mình.
Lê Hồng Hiệp, vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra, là giảng viên tại Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TPHCM, và là biên tập viên sáng lập và điều hành trang mạng Nghiencuuquocte.net.
Phần nhận xét hiển thị trên trang