Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Đằng sau việc ông Nghiên thuê biệt thự hoành tráng với giá ...10 tô phở


Kiến Giang

MTG - Đằng sau việc ông Nghiên thuê biệt thự hoành tráng với giá ... 10 tô phở

Cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên được thành phố cho thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa trên thửa đất rộng 411 m2 với giá chỉ gần 460 nghìn đồng/tháng. Con số này rẻ hơn rất nhiều số tiền công nhân và người nhập cư phải bỏ ra hàng tháng để thuê phòng trọ chật hẹp. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của vấn đề. 

Thực chất, nếu xuôi chèo mát mái, căn biệt thự này có thể đã thuộc sở hữu của gia đình ông Nghiên. Từ vụ ông Trần Văn Truyền đến ông Hoàng Văn Nghiên phơi lộ một thực tế gây bức xúc: Nhà đất công lấy rất dễ!

Hợp đồng ban đầu trong thời hạn 3 năm (từ ngày 20.7.2001 đến 20.7.2004) thể hiện rõ diện tích nhà được thuê là 185,6 m2 nhà trên tổng cộng 410,9m2 đất. Cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ phải trả tiền thuê nhà, không phải trả tiền thuê đất, với giá thuê ưu đãi là: 2.476 đ/m2/tháng.

Như vậy tổng số tiền ông Nghiên phải trả để thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chỉ có 459.688 đồng/tháng. Con số này chỉ bằng khoảng ¼ số tiền công nhân hoặc người nhập cư chi trả hàng tháng để có chỗ ở trong phòng trọ rộng chừng 12m2.

Không bức xúc sao được khi phần đông người Hà Nội chen chúc trong những căn nhà hộp diêm với chi phí đắt đỏ thì gia đình ông Nghiên sử dụng biệt thự hoành tráng mà chỉ cần bỏ ra không đến…10 tô phở!

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hợp đồng của Công ty kinh doanh nhà số 2 (nay là Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) với ông Hoàng Văn Nghiên, đã hết hạn từ ngày 20.7.2004 nhưng gia đình ông Nghiên vẫn sử dụng từ đó đến nay.

Và điều khó hiểu hơn là năm 2006 dù đã có quyết định thu hồi nhưng năm 2013 Sở Xây dựng Hà Nội đã bút phê đề xuất cho ông Nghiên tiếp tục thuê (!). Thực tế, người đứng tên thuê là ông Nghiên nhưng ông ở nơi khác và căn biệt thự này gia đình con trai ông sử dụng.

Vì sao hết hợp đồng nhưng ông Nghiên vẫn tìm cách sử dụng ngôi biệt thự này? Điều này khiến nhiều người không thể nghĩ khác rằng mục đích chính của ông Nghiên có thể là “tìm cách” hóa giá để sở hữu căn biệt thự!

Cần biết rằng, khi đã rời chức Chủ tịch UBND TP, ông Nghiên có đơn xin hóa giá căn biệt thự theo Nghị định 61/CP và đã được một số cơ quan chức năng của thành phố đồng tình.

Tuy nhiên, sau đó, việc hóa giá không thành, do báo chí thông tin, khẳng định căn biệt thự này không thuộc diện được hóa giá. Nếu không có sự phanh phui vào cuộc của báo chí, có lẽ căn biệt thự đã nghiễm nhiên thuộc về ông Nghiên.

Có điều sau khi “nuốt không trôi”, việc gia đình ông cố làm mọi cách sử dụng căn biệt thự không có cách giải thích nào khác ngoài việc… câu giờ chờ cơ hội?.

Từ vụ việc ông Trần Văn Truyền đến ông Hoàng Văn Nghiên cho thấy một công thức chung. Đó là cố thuê nhà công trong một thời gian dài sau đó xin hóa giá. Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thuê căn nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM và sau đó xin hóa giá cho con gái mình. Ông Nghiên thuê căn biệt thự nhưng thực chất là con trai ông sử dụng.

Cả hai vụ việc đều cho thấy rõ các cơ quan quản lý rất dễ dàng xét duyệt việc cho thuê hoặc hóa giá nhà đất công mặc dù hoàn toàn sai đối tượng và điều kiện.

Lại phải nhắc rằng, quy định về hóa giá nhà đất công theo Nghị định 61/CP là rất chặt chẽ, thậm chí nghiêm ngặt. Việc cơ quan quản lý “xé luật” để cho thuê hoặc hóa giá bừa bãi chỉ có thể giải thích là do cả nể hoặc quan hệ lợi ích.

Nó cho thấy một tư duy nguy hiểm, xem nhà đất công như "của chùa", vô tư lấy, vô tư dùng như món quà biếu xén. Việc quản lý nhà đất công và các chế tài vi phạm, trách nhiệm cá nhân gần như đang bị thả nổi.

Từ đây, một câu hỏi nóng bỏng của công luận cần được trả lời: Số tài sản công diện này trên cả nước là bao nhiêu? Và có bao nhiêu ông Nghiên và ông Truyền khác chưa bị phơi lộ?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mong sao đừng tái diễn!

LIÊN BANG XÔ VIẾT TRƯỚC GIỜ SỤP ĐỔ

Tôi đã sống ở Liên xô trong những năm tháng cuối cùng của nhà nước này. Tôi tới LX vào cuối tháng 8 năm 1987. Năm đó mùa hè nhiều mưa và lạnh. Đến hôm trước, hôm sau tôi ra cửa hàng bán đồ cũ trên đại lộ Comxomolskaya mua mộ chiếc áo khoác mặc cho đỡ lạnh. Trên đường về tôi ghé vào một cửa hàng bán thức ăn mua sũa, trứng và bánh mì cho bữa ăn trưa được nấu ngay trong phòng  ngủ. Ấn tượng ngày đầu tiên tới LX hôm ấy là rất thoải mái. Các nhu yếu phẩm hàng ngày trong các cửa hàng ( ở Moscow ) này vẫn khá đầy đủ. So với ở VN đói khổ thiếu thốn mọi thứ thì ở đây vẫn là thiên đường. Chỉ một ngày sau một cô bạn của anh bạn cùng sang Moscow với tôi, người cùng học ở học viện báo chí ở VN với anh bạn này đi xuất khẩu lao động đã bay từ Krasnodar lên để kịp thời'ăn hàng' từ VN sang : quần bò, áo phông cá sấu của Thái, pin điện tử, đồng hồ Seiko của Nhật...Tôi nhớ khoảng 12 giờ đêm anh bạn và tôi đưa cô này về nhà một anh vụ phó học ở trường Đảng để cất món hàng vừa mua. Đây là nơi tá túc của cô những lần lên 'Mat' mua hàng. Khoảng 1 giờ đêm tôi và anh bạn ra về lòng phơi phới về một thế giới no đủ, an toàn, hoàn toàn khác với Hà nội nơi  mình vừa ra đi vài ngày trước....
   Nhưng chỉ vài tháng sau Moscow đã hoàn toàn khác. Một đêm tôi sang chơi nhà anh bạn công tác bên khối SEV gửi anh mang về nhà một ít hàng cứu tế. Tôi ra về lúc 12 giờ đêm lòng không bợn một chút lo ngại nào về sự an toàn. Nhưng , Moscow đã không an toàn như vài thang trước, khi về tới ga metro Park Cultury tôi đã bị một nhóm 3 tên hooligan vây chặn. Chúng đòi tiền, tôi không cho, rồi một thằng kẹp lấy cố tôi nhấc bổng lên, hai thằng còn lại giật túi xách của tôi rồi đi thẳng. Nghĩ lại tôi thấy vẫn còn may. Trong túi xáh chẳng có gì, sự không chống trả bọn hooligan đã cứu mạng tôi. Nếu sự việc trên xảy xa muộn hơn vài tháng nữa có thể tôi đã bị chúng xỉa vài nhát dao vào bụng. Thế giới hooligan phát triển như măng mọc rau mưa rào và độ tàn bạo của chúng cũng tăng nhanh khủng khiếp. 
    Những chiếc mắc ào trong cửa hàng quần áo cũ trên phố Comxomolskaya bây giờ chẳng còn áo mà treo. Các cửa hàng khác, nhất là các cửa hàng thức phẩm chỉ còn lèo tèo vài món hàng và chúng nhanh chóng hết nhẵn sau vài giờ mở cửa. Tất cả những điều tôi vừa kể được thể hiện qua thiên phóng sự ảnh dưới đây của prophotos-ru :
Phóng sự buồn về ngày tận thế của Liên bang Xô Viết. 1990-1991. Photo của George Steinmentz, Peter Turnley.


Peter Turnley
Nạn đầu cơ sinh sôi: có những kho thực phẩm đầy ắp hàng.

 Corbis-AABT001845
trong khi các cửa hàng thực phẩm trống rỗng.

 Corbis-TL019934

 Corbis-TL019967
và những dòng người xếp hàng dài dằng dặc
 Corbis-TL019966

 Corbis-TL019964
Chỉ còn vài mẩu bánh mì mà người xếp hàng thì vẫn còn nhiều.

Corbis-42-24352842

 Corbis-TL019949

 Corbis-TL020016

 Corbis-TL019944
Thịt đã hết, chỉ còn rặt xương. Gương mặt gầy guộc và đau khổ của bà cụ cho ta thấy nhiều điều.

 Corbis-TL005248
Cửa hàng chẳng còn gì để bán.

Và người ta bắt đầu rời bỏ đất nước ra đi. Những đám đông chen chúc trước cổng ĐSQ nước ngoài xin thị thực nhập cảnh.  

 Corbis-TL005146

Những cửa hiệu phương Tây xuất hiện. Nơi đây người ta chen chúc xô đẩy nhau, bát nháo như như trong bảo tàng Luvre xung quanh bức tranh"Jhoconda".

 Corbis-TL019817

 Bắt đầu xuất hiện những hợp tác xã đầu tiên.

 Corbis-GJ004210

Khắp nơi trên đường phố, trong các chợ người ta bắt đầu bán hàng trao tay mặc dù việc bán hàng như vậy bị đặt ngoài vòng pháp luật. Đó là những thứ người ta xoáy được từ đâu đó. Những chi tiết máy được tháo gỡ từ những cỗ máy trong nhà máy, từ những thứ xoáy được của những tên móc túi, từ những món đồ kỉ niệm của gia đình.... Tôi đã mua được một chiếc đồng hồ để bàn cũ của một bà cụ trong một chợ ở Ođetxa đén nay vẫn chạy tốt..Chỉ thị "Về buôn bán tự do" xuất hiện vào năm 1992. 

 Corbis-AABT001838

 Corbis-TL005243

Lĩnh vực dịch vụ mới xuất hiện- dịch vụ sex. 


катя


 Corbis-TL019793


 Corbis-TL019940

 Corbis-0000230854-015

Các cô gái Nga chạy sang phương Tây, châu Á, và châu Phi.

Corbis-TL035509

 Perestroika đã ở lại phía sau.

Corbis-JW001113

Xuất hiện những nhà lãnh đạo mới, những trào lưu mới.
 
Corbis-TL020191

 Những mặt nạ bị vất bỏ, những chiếc túi bị vất bỏ. Người phụ nữ trong ảnh đeo khẩu hiệu " Chúng tôi tin tưởng vào nghị viện của nước Nga. Đó là niềm hi vọng của chúng tôi"


Corbis-TL019680

Và không ai biết điều gì đang chờ họ ở phía trước.

Corbis-TL019284


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Mỹ khẳng định bảo vệ đồng minh, đối tác châu Á

(Thời sự) - Ông Evan Medeiros, quan chức cấp cao Nhà Trắng phụ trách chính sách châu Á đã bác bỏ chỉ trích của Trung Quốc về nỗ lực của Mỹ hiện đại hóa, củng cố các liên minh, xây dựng quan hệ đối tác mới với Việt Nam, Myanmar. Và khẳng định nếu Mỹ không có các đối tác và đồng minh, châu Á sẽ hỗn loạn.

Mỹ khẳng định bảo vệ đồng minh, đối tác ở châu Á 1
Tại cuộc gặp hai Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh (Việt Nam) và John Kerry (Mỹ) ở Washington ngày 2.10.2014, Mỹ thông báo chính thức dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nước đối tác của Mỹ ở châu Á - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Ông Medeiros phát biểu như trên tại tổ chức tư vấn độc lập Cơ quan quốc gia nghiên cứu châu Á (NBAR) ở Washington hôm 2.12, theo hãng tin AP.
Trung Quốc lâu nay chỉ trích chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama là nhằm bao vây và khống chế Trung Quốc, thông qua việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ cùng việc thiết lập mạng lưới các nước đồng minh và đối tác trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn vào tháng trước đã kêu gọi các nước từ bỏ kiểu “suy nghĩ thời Chiến tranh Lạnh”. Ngoài ra, cuối tuần qua, trong cuộc gặp các nhà hoạch định chính sách đối ngoại cấp cao ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về “xu hướng đang phát triển hướng tới một thế giới đa cực”.
Theo AP, những ý kiến này được xem là những cú đấm nhắm vào Mỹ trong vai trò siêu cường toàn cầu duy nhất.
Mỹ khẳng định bảo vệ đồng minh, đối tác ở châu Á 3
Một máy bay cảnh giới E-2C Hawkeye cất cánh từ tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) ngoài khơi biển Philippines (bắc Biển Đông) ngày 26.10.2014. Tàu sân bay George Washington được bố trí ở châu Á (Nhật Bản) để bảo vệ lợi ich của Mỹ và của các đồng minh cùng đối tác Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, theo Hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
Mỹ đã hưởng ưu thế thống trị về quân sự ở Thái Bình Dương kể từ khi kết thúc Thế chiến II – một khu vực mà sức mạnh quân sự của Trung Quốc bị khống chế. Mỹ vẫn duy trì hàng chục ngàn quân tại các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, có các hiệp ước liên minh với các nước như Úc và Philippines.
Ông Evan Medeiros nói tại cuộc họp của NBAR ngày 2.12 rằng Mỹ đang nỗ lực để hiện đại hóa và tăng cường quan hệ với các đồng minh như là một phần của chính sách xoauy trục về châu Á, xây dựng quan hệ đối tác mới với những nước như Việt Nam, Myanmar. Ông cho biết Mỹ không áp đặt ý chí của mình, nhưng đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực.
“Môi trường an ninh khu vực ở châu Á sẽ như thế nào nếu Mỹ bỏ rơi đồng minh và ngừng hợp tác với các đối tác của mình? Tôi cho rằng khu vực này sẽ không ổn định và dễ hỗn loạn. Và tác động toàn cầu đó đối với Mỹ, nước có đồng minh ở tất cả các nơi trên thế giới, sẽ rất nghiêm trọng”, ông Medeiros nói.
Mỹ khẳng định bảo vệ đồng minh, đối tác ở châu Á 2
Tàu tác chiến cận bờ (LCS), chiếc USS Fort Worth (LCS 3) ngoài khơi Hawaii ngày 25.11.2014. Tàu này đang trên đường đến đồn trú 16 tháng ở Singapore, trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Ảnh: Hải quân Mỹ
Trung Quốc vẫn xem chính sách xoay trục châu Á của Mỹ là nỗ lực ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế và đang thúc đẩy việc hợp tác an ninh giữa các quốc gia châu Á, mặc dù nhiều nước cảm thấy bị đe dọa bởi sự gia tăng sức mạnh quân sự lẫn các hành động gia tăng yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc
Tuy vậy, trong khi chiến lược đôi bên là xung khắc nhau, cả Mỹ và Trung Quốc cùng lúc nỗ lực để làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Ông Medeiros nhấn mạnh rằng Mỹ muốn các đồng minh của mình có các quan hệ hợp tác với Trung Quốc, kể cả lĩnh vực quân sự của Trung Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những chuyển động và trì trệ - Nghệ thuật Việt Nam những năm 1990 - đầu 2000*

Nguyễn Quân

1.Chuyển động
Nghệ thuật giai đoạn này mang tính đổi mới căn bản vì nó khắc phục hay khác rất nhiều so với 2 giai đoạn quan trọng nhất trước đó là nghệ thuật chiến tranh, cách mạng (1945-85) và nghệ thuật Đông Dương (1925-45). Đặt các tác phẩm đối sánh nhau không khó để ta nhìn thấy ngay những khác biệt.
1.1 Hội họa Đông Dương là hình thức nghệ thuật mới tinh của lớp tinh hoa thị dân nhỏ của một thuộc địa lớn nơi giao thoa văn hóa Pháp-Việt là sâu rộng, nền tảng. Phong cách nghệ thuật ấn tượng, art nouveau, tả thực với các chủ đề nhân vật khá thống nhất nên được gọi chung là Phong cách-Trường phái Đông Dương. Các họa sĩ Pháp giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương hoặc tới Việt Nam sáng tác cũng như các họa sinh người bản địa tìm nhiều cách thể hiện khác nhau như tả thực tượng trung, ấn tượng thậm chí là biểu hiện chủ nghĩa hoặc với những cảm hứng từ nghệ thuật tranh dát vàng và khắc gỗ màu Nhật Bản. Song nhìn chung, với các tác giả người Việt trường phái mỹ thuật Đông Dương để lại vẻ đẹp nhất quán, đặc trưng Việt Nam tựa như impressionism với người Pháp vậy. Hình tượng đáng yêu, dễ nhớ nhất là người đán bà trẻ mặc áo dài tân thời bên hoa, trong vườn đẹp với tâm tư nhẹ nhõm thanhh bình hoặc phảng phất một nỗi u hoài vô cớ.
Tranh Lê Phổ (Trường Mỹ thuật Đông Dương)
1.2 Hội họa giai đoạn Kháng chiến ở miền Nam và nhất là ở miền Bắc (hiện thực XHCN) là nghệ thuật dấn thân cách mạng, tuyên truyền và thấm đẫm chủ nghĩa dân tộc, về hình thức nó tiếp nối phong cách của trường Đông Dương cộng thêm tính minh họa tư tưởng, đại chúng dễ hiểu và cổ vũ động viên của Liên Xô, Trung Hoa. Từ 1945 đến 1975 nước Việt Nam bị chia cắt thành các vùng khác nhau: Đến năm 1954 là sự phân biệt giữa ‘vùng tự do’ căn cứ cách mạng chống Pháp và ‘vùng tạm chiếm’ do Pháp quản lý. Ở vùng thứ nhất phát triển mạnh xu hướng hiện thực với việc mở trường Mỹ thuật kháng chiến bởi Tô Ngọc Vân và cuộc sống ba cùng - cùng ăn cùng ở cùng làm việc - với các tầng lớp công, nông, binh. Xu hướng hiện thực bình dân này trở thành nòng cốt để phát triển nghệ thuật ‘hiện thực XHCN’ ở miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa) sau 1954. Ở vùng tạm chiếm cho đến 1954 và ở miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) đến 1975 không có chủ trương đường lối rõ ràng như nghệ thuật cách mạng hội họa vẫn chủ yếu tiếp nối phong cách mỹ thuật Đông Dương. Đồng thời khuynh hướng tả chân đề cập đến đời sống và thân phận những con người bình dị cũng thấm đẫm tinh thần dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa yêu nước. Trong khi ở miến Bắc chỉ có giao lưu nghệ thuật với khối XHCN và du nhập phương pháp sáng tác ‘hiện thực XHCN’ thì các nghệ sĩ ở miền Nam có nhiều cơ hội tiếp cận nghệ thuật hiện đại phương Tây hơn. Năm 1962 từng có một Triển lãm nghệ thuật quốc tế lớn ở Sài Gòn và đầu những năm 1970 có một Hội họa sĩ trẻ năng nổ tìm những con đường để thoát ra khỏi cái bóng của mỹ thuật Đông Dương. Cùng lúc cũng có các thể nghiệm hiện đại chủ nghĩa ở miền Bắc chỉ khác là những tác phẩm đó không được trưng bày như ở miền Nam. Những điều này lý giải vì sao sau khi thống nhất đất nước năm 1975 các họa sĩ hai miền Nam Bắc dễ nhanh chóng hòa hợp hầu như không có mâu thuẫn hay đối đầu về tư tưởng hoặc thẩm mỹ (như trong văn học chẳng hạn).
Song nhìn chung thì dòng chính chịu sự lãnh đạo của Đảng, được nhà nước tài trợ, công nhận và số đông nghệ sĩ tham gia là rất đồng nhất về phong cách, chủ đề (cánh mạng), nhân vật (công, nông, binh và lãnh tụ). Nó thậm chí được gọi chính thức là phương pháp sáng tác và phong cách hiện thực XHCN.
Tranh cổ động miền Bắc trước 1975
1.3 Từ đầu những năm 1980 sự thống nhất (cũng là đơn điệu và giáo điều) về phương pháp-làm nghệ thuật, nội dung và hình thức ấy không còn nữa để đến cuối những năm 1980, nhất là những năm 1990 bùng nổ thứ hội họa được gọi là ‘hội hoa đổi mới’ ở Việt Nam. Hội họa như một thân cây đột nhiên phần tần cấp, đâm vô số cành nhánh về mọi phía khiến cho việc vạch một tuyến tính không thể mô tả được sự tiến triển,trù phú và đa dạng của nó nữa. Các triển lãm lớn giới thiệu hội họa được gọi là ‘Doimoi Paintingp - Hội họa đổi mới được tổ chức dồn dập ở nước ngoài từ Hongkong, Sydney, Singapore tới Paris, Brussel, Amsterdam rồi Washington D.C, Boston và California cũng như sự ‘đổ bộ’ ồ ạt các nhà sưu tầm, nhà buôn tranh nước ngoài vào Việt Nam đã làm cho việc ‘phát hiện ra hội họa doimoi’ đầu những năm 1990 thành một hiện tượng sôi động nhất trong khu vực. Điều đó cũng kích thích sự xuất hiện ồ ạt của hàng trăm galleries (mà chủ nhân là người Việt hoặc người nước ngoài) ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Huế. Lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam tham gia các biennale, art fair và các cuộc đấu giá lớn nhỏ. Hội họa Việt Nam ghi tên mình vào bản đồ nghệ thuật quốc tế từ đây. Nếu việc gọi tên các đặc điểm nào làm nên cái gọi là bản sắc Việt Nam của hội họa giai đoạn mới mở cửa này khiến nó được chào đón và kỳ vọng như vậy là khó khăn thì việc nhận ra những khác biệt rõ ràng giữa hội họa Việt Nam với hội họa Trung Quốc (cũng mới mở cửa và bùng nổ ở một nước cộng sản như Việt Nam), với nghệ thuật ở các nước ASEAN như Thái Lan, Philippien, Malaysia hay Indonesia là quá dễ dàng. (Tiếc rằng sau năm 2000 thì không còn dễ như thế nữa!) Thế hệ họa sĩ trên dưới 40 tuổi khi đó đã làm thay đổi hoàn toàn khung cảnh và diện mạo hội họa.Hai thế hệ nữa sẽ tiếp nói họ tới khoảng đầu thiên niên kỷ mới.
Một vài đặc điểm chính hội họa đổi mới là:
- Cửa mở hai chiều: Các nghệ sĩ mở ra tiếp nhận và tiêu hoá các thành tựu của toàn bộ modernism Tây Âu từ Picasso tới Warhol. Giao lưu quốc tế và thông tin đa chiều cởi mở giúp họ tiếp xúc với nghệ thuật bên ngoài và nhận ra rằng có vô vàn cách thể hiện nghệ thuật miễn giúp mỗi nghệ sĩ tìm ra tiếng nói của riêng mình. Chiều thứ hai là trở về với nghệ thuật tiền thực dân, nghệ thuật của các dân tộc Việt Nam từ TK19 về trước: nghệ thuật Làng của người Kinh, nghệ thuật Chăm, Kh’mer và Tây Nguyên giầu… tính Đông Nam Á. Một số sách lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các công trình nghiên cứu nghệ thuật, khảo cổ được công bố. Khoa lý luận và lịch sử nghệ thuật được thành lập. Sinh viên được học lịch sử nghệ thuật dân tộc nhiều hơn. Các nghệ sĩ trẻ hứng khởi nhận ra rằng nghệ thuật dân tộc rất phong phú, đáng tự hào và cũng rất gần gũi với modernism mà họ ngưỡng vọng. Những điều đó đưa các họa sĩ doimoi tới chỗ dứt khoát chia tay với hai phong cách Mỹ thuật Đông Dương và Hiện thực XHCN.
- Chuyển sang các chủ đề về tự do cá nhân, thân phận con người, đô thị hóa, gia đình, tình yêu, tính dục và giới cũng như vấn đề hội nhập quốc tế, dân chủ, nhân quyền… Vì thế phong cách cá nhân đa dạng. Có nhà báo nghệ thuật châm biếm rằng công, nông, binh và lãnh tụ được thay bằng ‘chim, hoa, cá, gái’ song những thứ phi chủ đề như vậy là sự giải tỏa cá nhân. Các cấm kị được dỡ bỏ. Khỏa thân, trừu tượng lần đầu được trưng bày, tự họa bùng nổ thay cho tranh cổ động. Hội họa Việt Nam lần đầu có đủ mọi thứ trong menu của hội họa thế giới từ hiện thực, siêu thực, biểu hiện đến pop và minimalism. Phi chính trị và gột bỏ mọi giá trị tuyên truyền là điều khác hẳn với hội họa Post-Tiananmen đầy phản kháng và dân tộc ‘đại Hán’ ở Trung Hoa cùng thời. Có vẻ như đã quá nhàm chán và mệt mỏi với các chủ đề tuyên truyền, dấn thân chính trị hội họa doimoi tìm đền những giá trị nhân văn bao quát hơn đồng thời cá nhân hơn.
- Xuất hiện loại tranh giấy Dó, một loại gấy thủ công truyền thống phổ biến ở Việt Nam và thư pháp. Điều ngạc nhiên là đây là lần đầu tiên hội họa Việt Nam có chút liên hệ với truyền thống quốc họa Trung Hoa cũng với thuật viết chữ đẹp bằng bút lông tròn và mực tầu. Hiện nay tranh giấy dó thường xuyên xuất hiện trong các triển lãm bên cạnh lụa và sơn mài như một đặc sản Việt Nam. Còn thư pháp chữ cái latin trở thành một môn nghệ thuật đại chúng rất đước ưa thích trong nhân dân mọi tầng lớp.
- Hình thành lớp nghệ sĩ độc lập, không làm công chức, cán bộ Đảng, không sáng tác theo đường lối của đảng phái nào. Sự bùng nổ các galleries đầu những năm 1990’, hoạt động triển lãm sôi nổi, việc công chúng bên ngoài ‘phát hiện’ ra hội họa Việt Nam đã manh nha một thị trường nghệ thuật nhỏ khiến một số nghệ sĩ có thể sống bằng tiền bán tác phẩm. Đảng và nhà nước công nhận tự do sáng tạo và thị trường đã giúp một bộ phận nghệ sĩ thực sự được ‘cởi trói’. Những năm đầu của kinh tế thị trường hội họa đổi mới là cửa sổ tự do của Việt Nam mở cửa .
- Tính dân tộc chủ nghĩa và cổ động cách mạng mờ nhạt đi lại làm cho hội họa có bản sắc độc đáo. Mỗi họa sĩ đổi mới đều quyết chí tìm một tiếng nói riêng, cách biểu hiện riêng. Thứ ‘chủ nghĩa cá nhân’ hối hả này như là đối trọng, bù lại thứ ‘chủ nghĩa tập thể’ thống trị suốt mấy chục năm trước. Bởi trước đổi mới nghệ sĩ buộc phải vẽ giống nhau về những thứ giống nhau, cho các công chúng giống nhau nên giờ đây họ chán ghét những thứ đồng phục trói buộc đó. Sự tôn thờ tự do cá nhân, tôn vinh phong cách cá nhân độc đáo, đòi quyền được chỉ là riêng mình không theo chỉ đạo mệnh lệnh của ai cả mà các họa sĩ doimoi giành được và thực hiện được trong sáng tạo của họ vào cuối những năm 1980 đầu 1990 (là bình thường ở các xã hội dân chủ) là đột phá mới lạ trong trong giới trí thức xã hội chủ nghĩa, vì vậy nó có tác động lan truyền cảm hứng tự do về văn hóa, tư tưởng tới toàn xã hội.
Gs Văn học Phạm Vĩnh Cư trong một hội thảo quốc tế của Viện Văn học đã nêu quan điểm: Thành tựu văn hóa lớn nhất nửa đầu TK 20 ở Việt Nam là văn xuôi-báo chí và tiểu thuyết, ở nửa cuối thế kỷ là là hội họa với ba bậc thầy Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm và hội họa đổi mới (kèm theo một danh sách dài). Lạ là văn xuôi và hội họa là hai thứ hầu như chưa có ở Việt Nam suốt 19 thế kỷ trước. Các nhà văn nổi tiếng như Lê Đạt, Nguyên Ngọc … cũng đều khẳng định vai trò tiên phong và tác động kích thích đổi mới văn hóa nghệ thuật của hội họa những năm 1990. Đó cũng là lần đầu tiên trong thế kỷ này mỹ thuật đó vai trò đi đầu trong sáng tạo văn nghệ.
Tranh Nguyễn Quân
Hội họa đổi mới kéo dài khoảng 15 năm, tới khoảng 2000 thì nó lụi tàn. Ít nhất có ba thế hệ hội họa doimoi. Thế hệ thứ nhất có Đặng Thị Khuê, Nguyễn Trung,Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Đỗ Thị Ninh, Nguyễn Quân, Lương Xuân Đoàn, Ca lê Thắng, Đào Minh Tri, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Bé, Vũ Dân Tân, Nguyễn Bảo Toàn, Thành Chương, Lý Sơn, Lê Huy Tiếp… Thế hệ thứ hai: Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Trần Lương, Trần văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Minh Tâm, Lê Anh Vân, Lê Thiết Cương, Hà Trí Hiếu, Lê Quảng Hà, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình,Hứa Thanh Bình, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Xuân Tiệp, Quách Đông Phương, Vũ Thăng, Trương Tân… và thế hệ thứ ba với Nguyễn Minh Thành, Lê Hồng Thái, Bùi Hữu Hùng, Đinh Ý Nhi, Thắm Poong, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Phạm Ngọc Dương, Hà Mạnh Thắng… Các nhà phê bình nghệ thuật còn có thể kéo dài danh mục này tùy theo cách nhìn riêng.
1.4 Điêu khắc là chủ đạo trong mỹ thuật Việt Nam suốt 2000 năm với thành tựu tầm quốc tế nhưng TK 20 lại hoàn toàn trống vắng. Những thập niên 1970-80 đã có vài nghệ sĩ làm điêu khắc hiện đại song chỉ với TL New Space ở BT Mỹ Thuật Việt Nam ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 1999 ta mới thấy thực sự có điêu khắc hiện đại với nhiều điểm tương đồng với hội họa 15 năm trước đó. Nhiều Symposium mang điêu khắc quốc tế vào Việt Nam, tạo ra nhiều vườn tượng ở các địa phương khá đa dạng nhưng chất lượng chưa cao do hạn chế của các curator và khả năng chọn lựa , bày đặt tác phẩm của nhà tổ chức. Cuối cùng chúng được coi như những dự án nghệ thuật du lịch vô hại!
1.5. Từ 1995 - 2005 xuất hiện và phát triển Contemporary Arts khá nhanh với sự hỗ trợ của các đại sứ quán (embassy), Việt kiều, các quỹ phi chính phủ… Mặc dù TL Toàn Quốc chưa bày và Bảo tàng quốc gia chưa mua các tác phẩm video, installation, performance, multimedia-arts… hiện có cả trăm người làm contemporary arts ở các trung tâm nghệ thuật tư nhân nhỏ, thường có yếu tố nước ngoài (tài trợ,nghệ sĩ lưu trú, workshops) tạo nên phần sôi động nhất của nghệ thuật hiện nay, có tiếng vang trong khu vực, và giao lưu nhộn nhịp với nước ngoài.
Installation của Văn Thạo
2.Trì trệ:
2.1 Đảng và Chính quyền vẫn quản lý chặt nghệ thuật theo quan điểm hiện thực XHCN những năm 1970-80 nặng tính quan liêu, chính trị và tuyên truyền. Tuy nhiên trong khi Hội Mỹ thuật Việt Nam (hội chính trị xã hội nghề nghiệp duy nhất do nhà nước quản lý) chỉ nhận được kinh phí 2 tỷVND/năm thì người ta chi tới 400 tỷ cho một tượng đài. Hiện có gần 400 cụm tượng chất lượng kém đã được xây dựng. Việc sản xuất hàng loạt thứ kitsch-chính trị này là một lãng phí lớn bởi giới quản lý không biết dùng tiền cho nghệ thuật vào đâu khác. Thực chất các ngành văn nghệ ở Việt Nam vẫn tồn tại 3 thành phần rời rạc: Nghệ thuật do nhà nước tài trợ, Đảng lãnh đạo, nghệ thuật của các nghệ sĩ độc lập và nghệ thuật ‘có yếu tố nước ngoài’ - còn được gọi châm biếm là Embassy Art.
2.2. Không hình thành được một thị trường nghệ thuật nội địa tương thích với nền kinh tế thị trường trong khi giới sưu tầm nước ngoài dần xa lánh. Các galleries bùng nổ đầu những năm 1990 nhanh chóng lụi tàn và biến thành các cửa hàng lưu niệm du lịch bệ rạc .Hoàn toàn không có các quỹ văn hóa của Việt Nam tài trợ cho nghệ thuật. Không có giới sưu tầm nội địa. Có thể tới 99% người mua tranh là người nước ngoài! Tình hình thị trường nghệ thuật Việt Nam so với Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan hay Philipin… một sự tụt hậu rất xa. Từ kinh nghiệm Indonesia, một nhà sưu tập Hà Lan của tôi nói họa sĩ Việt Nam sẽ còn phải đợi 3 thế hệ nữa vì thế hệ 1 làm cách mạng, thế hệ 2 củng cố quyền lực, thế hệ 3 lo làm giầu cho con đi học rồi thế hệ 4 mới sưu tầm!
2.3. Các nghệ sĩ tự du lịch hóa, chép lại chính mình, sao chép tác phẩm của người khác. Chủ gallery bày bán tranh giả, tranh nhái. Các tài năng vẫn xuất hiện đều đều, kinh tế thị trường và xã hội thông tin mang lại nhiều điều thuận lợi nhưng cũng nhiều áp lực với nghệ sĩ trẻ. Chu kỳ biến mất của những cái tên đáng nhớ cứ ngắn dần từ 20-15 xuống 5 thậm chí chỉ 2 năm sau khi họ ‘nổi tiếng’ và ‘bán chạy’.
2.4 Các embassy, foundations, Việt kiều, các tổ chức giao lưu văn hóa tiếp nhiều động lực cho nghệ thuật. Song do những định kiến và sự thiếu tự tin của các nghệ sĩ ta cũng thấy những hạn chế đáng tiếc. Một Việt kiều sống ở Sài Gòn 16 năm không sõi tiếng Việt, không bày triển lãm ở Việt Nam dù anh làm toàn đề tài Việt Nam và bán tốt, được nhiều giải thưởng của nước ngoài. Anh nói tác phẩm của anh ở documenta gần đây giúp anh và khán giả phát hiện ra rằng: Tranh Việt Nam vẽ về chiến tranh không hề có bạo lực, đau khổ mà rất lạc quan, điều ai cũng biết và đã được dạy trong giáo trình lịch sử Mỹ thuật từ 30 năm nay! Phát hiện này giống như người Pháp phát hiện ra Phở và người Việt phát hiện ra Champagne. Hội nhập ở tầm đại chúng nhất nhiều khi giống như các thảo luận của những người vỡ lòng về ngoại ngữ. Và ở sân chơi này nếu bạn là nhà nữ quyền, đồng tính, Việt kiều, người dân tộc thiểu số… bạn sẽ có nhiều lợi thế. Nếu bạn phản đối chính phủ, đòi nhân quyền, bị công an bắt hay dọa bắt bạn sẽ có thêm cơ hội được đề cao thậm chí tặng huân chương! Ở khía cạnh nào đó thứ nghệ thuật phi lợi nhuận, phi chính phủ, phi chính trị này cũng bị chính trị hóa!
Bài học chung cho sự trì trệ từ nghệ sĩ là không có nhân cách, năng lực của con người tự do thì tự do người ta ban cho mình cũng không để làm gì!
3. Tóm lại thể trạng và đời sống nghệ thuật 15 năm này là rất thú vị với các làn sóng lên xuống ngoạn mục, nhiều đổi thay rất căn bản chứa đựng những thứ mà trong tương lai xa giới sưu tầm, am hiểu nghệ thuật cùng giới nghiên cứu nghệ thuật và Việt Nam học còn thích thú quan tâm. Tôi không có ghi chú gì về đời sống mỹ thuật 10 năm gần đây. Một chân tôi đã ở trong quá khứ, khó theo kịp bước thời nay nên không tránh khỏi những phát biểu hồ đồ xin được thông cảm.
HCMC Tháng 7 năm 2014
*Tham luận đọc tại Hội thảo quốc tế Tại Paris-Sorbonne tháng 9/ 2014 Arts Du Vietnam Nouvelles Approches. Colloque scientifique international du 4 au 6 Septembre 2014. Organisé par le Centre de Recherche sur l’Extrême-Orient de Paris Sorbonne au Musée des arts Asiatique Guimet, à l’Institut National d’Histoire de l’Art (INHA), et au muse du quai Branly, Paris

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ly kỳ chuyện Cao Biền trấn yểm long mạch đế vương ở Việt Nam

(Văn hóa) - Vâng lời vua Đường, Cao Biền đến nước ta bỏ công đi khắp nơi, xem xét núi non, rừng biển, sông hồ, chỗ nào địa thế tốt, có khí địa linh, thì đều yểm cả.
    Phép phong thủy phân biệt hình thế của đất làm năm loại: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tùy theo thế đất và hình dáng của cuộc đất (giống con vật gì) để theo đó đặt tên, tiên đoán lành dữ cho những ai sử dụng cuộc đất ấy, như: lục long tranh châu, phượng hoàng ẩm thủy, hổ trục quần dương, hoặc quần tiên hội ẩm (được xem là những cuộc đất quý).
Thực hư Cao Biền trấn yểm thành Đại La
Theo tư liệu lịch sử và phong thủy, Cao Biền khi sang xâm lấn nước ta đã tiến chiếm thành Đại La và cho đắp lớn thành này cao đến 2 trượng 6 thước, chu vi hơn 1982 trượng, trên thành xây 55 vọng gác, với nhiều điểm phòng vệ quân sự. Để làm rào chắn cho thành Đại La, Cao Biền đã tập trung các hộ ở vây quanh với bốn vạn căn nhà. Là người giỏi về thuật phong thủy, xem địa lý, đoán cát hung, nên Cao Biền đã dò xét rất kỹ vị trí để xây thành Đại La (mà sau này vua Lý Thái Tổ khi dời đô về Thăng Long đã cho xây mới lại) và dò tìm đầu mối long mạch nước ta.
Nhắc đến vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn), nhắc đến thành Đại La và kinh đô Thăng Long, vì đều liên quan đến việc Cao Biền sử dụng những thuật lạ của phong thủy để trấn yểm và tiêu hủy khí tượng đế vương ở nước ta thời ấy theo lệnh của vua Đường Ý tông (860 – 873). Tài liệu ghi, khi Đường Ý tông quyết định cử Cao Biền sang nước ta, đã ngầm bảo: “Trẫm nghe An Nam có nhiều ngôi đất thiên tử, ngươi tinh thâm về địa lý, nên hết sức yểm đi và vẽ hình thế đất ấy đem về cho trẫm xem”.
Vâng lời vua Đường, Cao Biền đến nước ta bỏ công đi khắp nơi, xem xét núi non, rừng biển, sông hồ, chỗ nào địa thế tốt, có khí địa linh, thì đều yểm cả. Riêng núi Tản Viên là Cao Biền không dám đụng tới vì cho rằng đó là chỗ thiêng liêng của chư thần thường ngự, không thể yểm được.
Trong những nơi mà Biền nhắm đến có một điểm khá quan trọng, đó là làng Cổ Pháp – nơi sẽ sinh ra bậc đế vương của trời Nam. Vì thế, sau nhiều ngày chú tâm xem xét về cuộc đất toàn vùng, Cao Biền cùng các thầy pháp và thầy địa lý của Trung Quốc đã ra tay “cắt đứt long mạch” bằng cách đục đứt sông Điềm và 19 điểm ở Phù Chấn để yểm.
La Quý nối chỗ đứt long mạch
Nhưng mưu thâm độc của vua Đường và Cao Biền trong việc phá hủy thế phong thủy và làm tan khí tượng đế vương ở nước ta đã bị một thiền sư thời ấy là ngài La Quý phá tan.
Ngài La Quý là trưởng lão tu ở chùa Song Lâm, thuở nhỏ du phương tham vấn khắp nơi, sau đến gặp pháp hội của thiền sư Thông Thiện liền khai ngộ. Khi đắc pháp, ngài La Quý tùy phương diễn hóa, nói ra lời nào đều là lời sấm truyền. Ngài rất thông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai.
Trước khi mất, vào năm 85 tuổi (năm 936), ngài gọi đệ tử truyền pháp là Thiền Ông đến căn dặn: “Ngày trước, Cao Biền đã xây thành bên sông Tô Lịch, dùng phép phong thủy, biết vùng đất Cổ Pháp của ta có khí tượng đế vương, nên đã nhẫn tâm đào đứt sông Điềm và khuấy động 19 chỗ trấn yểm ở Phù Chẩn. Nay ta đã chủ trì lắp lại những chỗ bị đào đứt được lành lặn như xưa”.
“Trước khi ta mất, ta có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo. Cây bông gạo này không phải là cây bông gạo bình thường, mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch, mục đích để đời sau sẽ có một vị hoàng đế ra đời và vị này sẽ phò dựng chính pháp của chư Phật”.
Vị hoàng đế mà ngài La Quý báo trước là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn mồ côi từ nhỏ, được sư Khánh Vân đem về chùa nuôi, lớn lên Lý Công Uẩn được thiền sư Vạn Hạnh nuôi dạy và sau này lên ngôi tức vua Lý Thái Tổ, mở ra thời đại hộ pháp hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam… Như vậy, thuật phong thủy với khí tượng đế vương của các vùng đất đã liên quan nhiều đến lịch sử Việt Nam từ xa xưa.
Đến đời Lê, có ngài Nguyễn Đức Huyên sinh tại làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh, là người lặn lội học khoa địa lý phong thủy tận nơi khai sáng của khoa này trên đất Trung Hoa và cũng là người Việt Nam đầu tiên viết sách địa lý lưu truyền đến nay. Ngài là danh nhân có tên gọi quen thuộc không những trong dân gian mà cả giới nghiên cứu nữa: Tả Ao.
Tả Ao đã phân tích, nêu rõ hình các cuộc đất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, cũng như việc tìm long mạch ra sao. Xin nêu ra đây đoạn nhỏ trong sách “Tả Ao địa lý toàn thư” do Cao Trung biên dịch, đại ý nêu hai mạch: Mạch dương cơ và Mạch âm phần. Mạch dương cơ nếu nhỏ thì dùng làm nhà, nếu lớn hơn làm doanh trại, hoặc rộng và tốt có thể dùng làm thị trấn, xây kinh đô. Còn Mạch âm phần dùng chôn cất.
Đại cương là vậy, về chi tiết còn có nhiều loại mạch khác, như Mạch mã tích tức mạch chạy như vết chân ngựa, lúc cạn lúc sâu; Mạch hạc tất tức mạch ở giữa nhỏ, hai đầu to ra dần, như gối của con hạc; Mạch phong yếu tức mạch nhỏ nhắn, phình ra to dần như lưng con ong; Mạch qua đằng tức mạch không chạy thẳng mà ngoằn ngoèo như các thân cây bí cây bầu, có khả năng kết được bên trái hoặc bên phải đường đi của mạch nên được xem là loại mạch quý. Đất kết có hai loại: một loại dùng chôn xương người chết và một loại để người sống ở đều tốt.
Riêng đất để người sống ở, sách Tả Ao địa lý toàn thư đã đề cập đến đất dương cơ liên quan tới lịch sử nước ta: Trừ nhà Hùng Vương được đất quá lớn ra, thì sau đó, nhà Đinh và tiền Lê trở về trước, những triều đại thịnh trị thật ngắn ngủi, không được tới ba đời, nên quốc sư Vạn Hạnh phải tìm một đại địa khác làm kinh đô. Đó là Thăng Long hay Hà Nội. Lý Công Uẩn nghe theo, dời kinh đô về Thăng Long nên nhà Lý làm vua được tám đời; và sau đó nhà Trần và hậu Lê (Lê Lợi) cũng nhờ có đại địa đó làm kinh đô, nên bền vững lâu dài hơn”.
Hôn nhân và Pháp luật

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc sẽ châm ngòi cho khủng hoảng toàn cầu tiếp theo


"Sự kết hợp tồi tệ" giữa tăng trưởng chậm và khối nợ khổng lồ của Trung Quốc cùng nhóm nước mới nổi được giới chuyên gia nhận định là nguy cơ lớn với kinh tế thế giới.

  Quang cảnh Phố Đông, Thượng Hải nhìn từ trên cao. Ảnh: SCMP
Quang cảnh Phố Đông, Thượng Hải nhìn từ trên cao. Ảnh: SCMP
Thông điệp này đã được đưa ra trong báo cáo mới công bố - Geneva Report của Trung tâm Nghiên cứu Tiền tệ và Ngân hàng quốc tế (ICMB). Họ cho biết mức nợ trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở những nước đang phát triển.
"Trái với suy nghĩ của nhiều người, thế giới vẫn chưa vơi gánh nặng nợ nần. Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu vẫn đang tăng và lập nhiều đỉnh mới. Bên cạnh đó, vì sự kết hợp chết chóc này, tăng trưởng và lạm phát toàn cầu đều đang thấp hơn kỳ vọng", Vincent Reinhart - một trong các tác giả của báo cáo, từng cựu nhân viên Cục Dự trữ liên bang  Mỹ (FED) cho biết.
Báo cáo thường niên Geneva Report lần thứ 16 ước tính trừ lĩnh vực tài chính, nợ toàn cầu chiếm 212% nền kinh tế năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2008 chỉ là 174%. Geneva Report cũng chỉ ra trước năm 2008, nợ tích lũy chủ yếu tới từ các nước phát triển, nhưng sau đó lại chuyển hướng sang các quốc gia đang phát triển.
"Vòng luẩn quẩn của việc dùng đòn bẩy tài chính, rồi lại tung chính sách giảm đòn bẩy, kết hợp với tăng trưởng GDP danh nghĩa giảm dần, một là có thể châm ngòi cho giai đoạn thoái nợ khó khăn và chậm chạp. Hai là gây ra một cuộc khủng hoảng khác, xuất phát từ các nước mới nổi, mà nguy cơ cao nhất là Trung Quốc. Theo quan điểm của chúng tôi, việc này đã khiến kinh tế thế giới chưa thể ổn định sau nhiều cuộc khủng hoảng tài chính suốt 2 thập kỷ qua", báo cáo nhận xét.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc hiện ở mức 217%, theo Geneva Report. Con số này cao hơn hầu hết các nước mới nổi, song vẫn ở mức thấp so với những nước phát triển như Anh, Mỹ và Nhật.
Mức nợ đang tăng lên ở nhóm 8 nước dễ tổn thương (Fragile Eight), gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Argentina, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Đây là những thị trường mới nổi lớn đang xảy ra bong bóng tín dụng và thâm hụt vãng lai tăng sau thời kỳ nới lỏng định lượng của FED.
Năm ngoái, tất cả các nước Argentina, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đều có khối nợ lớn hơn GDP (đã trừ khối tài chính). "Nhóm nước này đang là mối lo chính của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là những quốc gia nhiều khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", báo cáo cho biết.


Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=983511#ixzz3KvajY5G6
doc tin tuc www.xaluan.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

‘Thế giới đón đợi thảm họa chính trị khi giá dầu xuống quá thấp’


Theo Đài Tiếng nói nước Nga, các chuyên viên không loại trừ khả năng giá dầu sẽ ở mức dưới 40 USD/thùng, và thế giới sẽ thấy tái diễn những sự kiện của 30 năm trước đây từng dẫn đến mặc định sụp đổ của Mexico và đặt dấu chấm hết sự tồn tại của Liên bang Xô Viết.

‘Thế giới đón đợi thảm họa chính trị khi giá dầu xuống quá thấp’
ảnh minh họa
Theo Bloomberg, trong những điều kiện như vậy, nguồn thu từ dầu mỏ sẽ không thể bảo vệ Nga - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - trước đòn trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Một quốc gia khác cũng phải đương đầu với trừng phạt quốc tế là Iran sẽ buộc phải cắt giảm các khoản trợ cấp mà trước đó phần nào bảo vệ được cư dân trước sức ép ngày càng tăng từ các biện pháp của Phương Tây.

Trong số những nước sẽ chịu thiệt hại tối đa do sụt giảm giá dầu còn có Nigeria - quốc gia đang chống chọi không mấy thành công với các chiến binh Hồi giáo, và Venezuela - quốc gia có nền kinh tế suy yếu vì những quyết định chính trị không thích hợp.

Trên thực tế, các nhà sản xuất dầu đã quen với thực tế mức giá khoảng 100 USD/thùng nên đã không đa dạng hóa kinh tế, hoặc thực hiện động thái này quá chậm chạp.

Chuyên viên Paul Stevens thuộc Hãng Chatham House (Anh) tuyên bố rằng trong trường hợp duy trì giá thấp với dầu mỏ, những nước này và sau đó là cả thế giới sẽ phải đón đợi thảm họa chính trị và xã hội nghiêm trọng


Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1036569#ixzz3KvYg3lI7 
doc tin tuc www.xaluan.com


Phần nhận xét hiển thị trên trang