Bài đăng trên blog của bác Bùi Văn Bồng. Đọc xong thấy nghẹn trong cổ họng.
* MINH TÂM
Hơn ba chục năm tôi mới gặp Trạch. Trận đánh thị xã Phước Long tháng 01-75, lão hứng trọn trái M79 nát tươm hai chân. Ai cũng tưởng lão ngoẻo rồi. Vậy mà bây giờ lão từ Thái Bình tìm đến nhà tôi tận Sài Gòn trên chiếc xe lăn.
- Có việc cần lắm tao mới phải đến. Chứ lết nửa cái thân tàn này hơn nghìn cây số nhếch nhác lắm!
Trạch vẫn nói bằng giọng bỗ bã, rồi cười móm mém, hai hàm răng chỉ còn vài chiếc, khuôn mặt nhăn nheo, đen đúa tương phản với mái tóc bạc. Trạch gần bằng tuổi tôi, ngoại lục tuần mà nhìn lão hom hem hơn ông cụ ngoài bảy mươi. Tôi hỏi có việc gì? Trạch chậm rãi mở ba-lô con cóc nhàu nát lôi ra một bọc giấy ở đáy ba-lô. Tôi nói:
- Nhờ xác minh quá trình công tác trong quân đội chớ gì? Đang có đợt làm chính cho người có công đấy. Ông thì xứng đáng quá đi chứ! Trận Phước Long đã được thưởng huân chương chiến công hạng nhất cơ mà...
Trạch nói:
- Đời mình một nửa đã chôn ở Phước Long rồi, còn một nửa nay mai chôn nốt ở Thái Bình, cần huân chương huân chước làm gì? Vào đây là vì thằng con cần phải nhờ đồng đội giúp đỡ...
Hình như khó khăn lắm Trạch mới thốt ra được mấy câu cuối. Giọng lão nghẹn ứ. Hơn ba chục năm trước Trạch đã từng bắn liền ba phát B40 trúng 3 xe tăng, bị thương nát cả hai chân mặt lão vẫn rắn đanh chứ có yếu đuối như vậy đâu. Cà đơn vị gọi là Trạch lì. Lão cũng hơi gàn, lại bướng, nói năng bỗ bã, nhưng tính thẳng băng và đối với đồng đội chí cốt.Tôi hỏi :
- Con cái thế nào mà phải nhờ đồng đội?
Trạch uống nước, hút thuôc rồi kể. Hôm đánh Phước Long lão bị thương , tưởng ngẻo , nhưng nhờ đồng đội nhiệt tình đưa vào quân y gấp , được truyền máu nên sống sót. Sài Gòn giải phóng lão vẫn nằm chết dí trong bệnh viện, chả biết hòn ngọc viễn đông nó như thế nào. Rồi lão được đưa ra Bắc, an dưỡng ở trại thương binh Thái Bình. Cứ nghĩ gửi nửa tấm thân tàn ở đây đến chết. Nào ngờ một cô thương binh cụt tay, mất một mắt cũng vào an dưỡng. Cùng cảnh ngộ thế là thương nhau, nên vợ chồng. Địa phương ưu tiên cho vợ chồng Trạch làm nhân viên thu lệ phí chợ. Vợ chồng ăn ở với nhau, ba lần đẻ chỉ nuôi được một. Trạch đặt tên con là Phước. Thì có phước mới có vợ và có đứa con nối dõi, chứ không thì nửa cái thân tàn chết không có người chống gậy. Trạch nói thế. Và lão bảo:
- Tớ đặt tên con là Phước cũng là để kỷ niệm trận đánh cuối cùng đời lính!
Vợ chồng lão Trạch kiếm được đồng nào dồn cho con ăn học hết . Nhờ trời, thằng Phước hay ăn chóng lớn, và chăm ngoan, học giỏi. Thấm thoát đã lên đại học, tốt nghiệp kỹ sư cầu đường loại ưu. Nhưng ra trường xin việc không chỗ nào nhận. Phải có chức, có quyền , hoặc có nhiều tiền. Vợ chồng Trạch đào đâu ra? Có thằng cò đòi 10 triệu chạy cho một chỗ , vợ chồng Trạch thế chấp hai quyển sổ thương binh lấy 10 triệu đưa cho nó. Nó cầm tiền xong là biến. Thằng Phước đành ra chợ thu lệ phí với bố mẹ. Nhìn con thất vọng , Trạch đau như đứt từng khúc ruột. Đêm nào Trạch cũng sang hàng xóm xem nhờ tivi, mong nơi nào đăng tin cần kỹ sư cầu đường . Cách đây một tuần, Trạch tình cờ nhận ra tôi và Mạnh xuất hiện trên TV. Lão biết Mạnh đang làm Tồng giám đốc một công ty xây dựng, và đang cần tuyển kỹ sư , nên vào xin việc cho con.
Trạch nói với tôi:
- Mừng quá suốt đêm không chợp mắt , mong trời sáng đi gặp chúng mày!
Tôi nói vui:
- Nếu không chắc quên béng tụi tôi rồi?
Trạch cười khầng khậc, nói như kẻ mắc lỗi:
- Cái thân tôi, tôi còn quên nữa là. Ông biết không? Nhiều đêm nằm mơ cứ tưởng mình còn chân, vùng dậy chạy, thế là té nhào , đổ máu đầu. Mới gần sáu chục , nhưng cực quá đâm đãng trí mất rồi!
Tôi cảm thấy thương người bạn đã từng sống chết với mình. Còn nhớ mùa mưa năm 1968, đơn vị hành quân vào B2. Đói, sốt rét tả tơi. Càng vào sâu anh em rơi rớt càng nhiều. Một chiều, đến bãi khách thấy thiếu Mạnh, Trạch vứt ba-lô, xách AK quay lại đường cũ. Đêm ấy Trạch không về. Sáng hôm sau đơn vị hành quân tiếp, bỏ Trạch và Mạnh lại. Ai cũng nghĩ hai đứa “rụng” rồi. Nhưng ba hôm sau, đơn vị đang nghỉ ở bờ sông Xe-băng-Hiêng, thì Trạch cõng Mạnh về. Mạnh chỉ còn là một cái xác thoi thóp, xám ngoét. Trạch đã mò mẫm ba ngày đêm mới tìm thấy Mạnh trong rừng sâu. Trên đường Trường Sơn ngày ấy biết bao người lính như Mạnh, bỏ xác âm thầm vì đồng đội không quay lại tìm…
Tôi sốt sắng điện thoại báo tin cho Mạnh. Tôi tưởng Mạnh mừng lắm , nhưng Mạnh lại tỏ ra lạnh nhạt. Mạnh hỏi tôi:
- Lão Trạch còn sống à?
Tôi nói cho Mạnh biết nguyện vọng của Trạch, và ngỏ ý đưa Trạch đến nhà Mạnh chơi. Mạnh nói mai đưa Trạch đến văn phòng công ty.
Trạch vuốt ve cẩn thận tờ đơn xin việc và cái bằng kỹ sư của con. Nhà tôi chỉ cách Văn phòng công ty Mạnh hơn cây số. Tôi đặt nửa tấm thân người bạn lính quắt queo nhẹ bỗng lên cái xe lăn, rồi đẩy đi gặp đồng đội cũ . Đường phố Sài Gòn nhộn nhịp, người xe như nêm, Trạch chả thèm để ý, cứ luôn mồm hỏi :
- Sắp đến chưa?
- Đừng sốt ruột, thế nào thằng Mạnh cũng nhận con ông!
Tôi trấn an Trạch nhưng trong lòng cảm thấy hơi băn khoăn. Vì Mạnh tỏ ra lạnh nhạt . Lẽ ra Mạnh phải vui mừng vì gặp lại người đã cứu sống mình . Chính Mạnh đã từng xúc động phát biểu trên TV về đền ơn đáp nghĩa cơ mà...
Mạnh ra tận cửa, ôm choàng lấy Trạch, đón chúng tôi vào phòng khách. Tôi cảm thấy mối nghi ngại trong lòng mình dịu đi.
Chuyện trò thăm hỏi vồn vã xong, Mạnh mời chúng tôi sang phòng bên. Một bàn tiệc thịnh soạn đã dọn sẵn. Ngoài Mạnh và chúng tôi còn có cán bộ công ty của Mạnh va phóng viên đài truyền hình. Mạnh giới thiệu Trạch , không quên nhắc lại những chiến công của người đồng đội cũ. Rồi ôm hôn Trạch thắm thiết trước ống kính Camera. Nước mắt Trạch ràn rụa chảy xuống hai gò má nhăn nheo. Phóng viên quay xong cảnh cảm động đó, nhận phong bì rồi tếch thẳng. Chúng tôi cụng ly , rôm rả chuyện trò. Bỗng Mạnh ghé tai tôi hỏi:
- Cậu còn nhớ chuyện lão Trạch ngửi súng không?
Tôi giật mình khi nghe Mạnh nhắc chuyện đó , mặt lạnh như tiền. Số là vào mùa hè năm 70, đơn vị làm nhiệm vụ chốt chặn đoạn quốc lộ Lộc Ninh đi Snun. Chiều chiều từng tiểu đội cắt rừng ra mặt lộ chôn mìn rồi mai phục. Xe tải, xe bọc thép của quân đội Việt Nam cộng hòa thường qua lại đoạn đường đó. Đơn vị chôn mìn rồi phục kích, khi xe đối phương trúng mìn, bắn bồi tiếp mấy phát B40. Thời kỳ đầu hiệu suất chiến đấu rất cao. Nhưng sau đối phương cảnh giác, cho biệt kích lùng sục, và công binh rà mìn rất kỹ trước các cuộc hành quân. Các tiểu đội đi phục mấy đêm liền đều trắng tay, gùi mìn đi lại gùi về. Riêng tiểu đội Mạnh đi lần nào thắng lần đó. Mạnh báo công: Đã cho nổ mìn lật nhào 10 xe bọc thép và bắn cháy 15 xe khác. Tiểu đội trưởng Mạnh được đề nghị tặng danh hiệu dũng sĩ diệt xe tăng. Trạch nghi ngờ thành tích của Mạnh, đã phát biểu công khai trong sinh hoạt đại đội. Nhưng Mạnh cho rằng Trạch “ghen ăn”. Đại đội trưởng, chính trị viên vừa không tin, vừa ghét Trạch, bởi Trạch nói bậy làm giảm ý thành tích của đơn vị...
Buổi sáng hôm ấy, tiểu đội Mạnh đi phục về, báo cáo đã bắn ba xe bọc thép bằng súng B40. Chính trị viên đại đội đang định biểu dương thì Trạch nhảy xổ ra. Trạch giật khẩu B40 trong tay Mạnh, hỏi:
- Bắn bằng khẩu B40 này à?
- Đúng! Mạnh đáp.
Trạch liền kề mũi vào nòng súng hít mạnh. Rồi lão dí nòng súng đó vào mũi đại đội trưởng, chính trị viên đại đội nói:
- Các ông ngửi đi!
Đại đội trưởng, chính trị viên không hiểu Trạch giở trò gì, nhưng cũng ngửi nòng súng. Chờ hai người ngửi xong Trạch hỏi:
- Các thủ trưởng có thấy thối không?
- Không! Hai người cùng đáp.
Trạch thò ngóng tay ngoáy vào nòng khầu súng B40,rồi giơ lên cho mọi người nhìn thấy bụi bám đen xì, và hỏi:
- Khẩu súng này chưa lau! Đúng không?
- Đúng!
Trạch mới chỉ mặt Mạnh hỏi :
- Mày bảo đã bắn ba phát đúng không?
- Đúng!
Bấy giờ Trạch mới nói rành rọt :
- Những thằng bắn B40 đều biết, chỉ bắn một phát, nòng súng đã thối hoắc. Không tin cứ bắn thử. Đồng chí Mạnh bắn ba phát , chưa lau chùi , mà nòng súng không thối.
Nói xong, Trạch ra gốc cây, xách ba quả đạn B40 vào để trước mặt chính trị viên
- Đây là ba quả đạn tiểu đội đồng chí Mạnh vứt đi rồi báo cáo đã bắn cháy ba xe bọc thép!
Thì ra suốt đêm qua Trạch đã bám theo tiểu đội Mạnh để điều tra việc làm gian dối của Mạnh. Trước bằng chứng không thể chối cãi, Mạnh phải thú thực đã nhiều lần báo cáo láo thành tích. Mạnh cảnh cáo, bị bị gạch tên trong danh sách đề nghị khen thưởng...
Đã hơn ba mươi năm mà Mạnh còn nhớ và thù Trạch. Tôi nói với Mạnh:
- Quên chuyện cũ đi. Đó cũng là bài học Trạch dạy ông để có được ngày hôm nay. Tôi nghĩ điều ông cần phải nhớ là Trạch đã cứu ông , không chì một mà hai lần. Không có Trạch thì ông bỏ xác ở Trường Sơn rồi. Và trong trận Phước Long , Trạch đã lấy thân che cho ông . Nó hứng trọn trái M79, mất nừa thân thể...
Mạnh cười nhạt:
- Ông khỏi nhắc. Tôi sẽ trả ơn hắn!
Nói rồi Mạnh móc túi lấy chiếc phong bao đã chuẩn bị sẵn bước tới bên Trạch. Một tay Mạnh ôm vai Trạch , một tay cầm cái phong bao giơ lên. Mạnh nói giọng xúc động:
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây! Tôi có ngày hôm nay là nhờ nhân dân đùm bọc, đặc biệt là những người đồng đội như anh Trạch đậy. Tôi có một chút quà xin đến đáp lại anh Trạch.
Mạnh trao cái phong bao cho Trạch. Trạch cầm đặt xuống bàn. Và nói:
- Tôi xin cảm ơn đồng chí Mạnh! - Trạch không bỗ bã theo thói quen, mà nói rất nghiêm túc, giọng rưng rưng xúc động - Tôi từ quê vào đây tìm đồng đội cũ chì có một việc nhờ đồng đội giúp. Vợ chồng có mỗi cháu Phước. Cháu tốt nghiệp đại học giao thông, nhưng hơn hai năm nay chưa xin được việc làm. Tôi mong đồng chí Mạnh và các đồng chí cưu mang cháu cháu vào làm ở công ty...
Lão Trạch run run đưa cái đơn xin việc và cái bằng tốt nghiệp của con mình cho Mạnh. Tôi nhìn Mạnh như cầu khẩn Mạnh cầm lấy. Nhưng Mạnh không cầm . Mạnh nhếch mép cười từ chối khéo:
- Anh Trạch thông cảm! Công ty đang cổ phần hóa nên không nhận thêm người. Anh chịu khó xin việc nơi khác cho cháu vậy.
Rồi Mạnh vỗ mạnh vào vai Trạch, phá lên cười, nói bỗ bã:
- Vả lại nhựa đường còn thối hơn nòng súng B40 anh Trạch ạ!
Những cán bộ dưới quyền Mạnh cất tiếng cười tán thưởng câu nói đùa vừa ác ý vừa vô duyên của sếp. Những khuôn mặt no nê, nhầy nhụa phả ra toàn hơi rượu, nhìn bẩn thỉu như những đống phân. Trạch nhìn Mạnh, nhìn những khuôn mặt đó. Anh chợt hiểu ra tất cả. Chúng nó thù dai như đỉa nhưng nhanh chóng quên ơn . Bất đắc dĩ chúng nó phải bớt xén tiền ăn cắp của dân để bố thí cho mình gọi là đền ơn đáp nghĩa, làm mầu làm mè với thiên hạ, để xuê xoa che giấu tội lỗi, để tục lừa dối, chứ không hề nghĩ đến trách nhiệm đối với con mình. Mình đã đổ máu để cứu bọn lưu manh.
Trạch cầm chiếc phong bao ném thẳng vào mặt Mạnh. Những tờ đô la bay tứ tung, dính vào khuôn mặt nhờn mỡ của Mạnh và đồng bọn. Rồi Trạch lết ra chiếc xe lăn. Anh không nhờ tôi bế lên xe, cũng không chờ tôi cùng về. Anh dùng hai bàn tay gầy quắt queo vần bánh xe lăn . Tôi cảm thấy tim mình buốt nhói.
M T (Tác giả gửi BVB)
Ảnh trên facebook
|
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=881606261851299&set=a.564150830263512.133024.100000058013347&type=1&theater |