Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Nếu ông Duẩn còn sống thì sao nhở? Điều gì sẽ xảy ra?

LÊ DUẨN (1979): VỀ BỌN BÀNH TRƯỚNG BẮC KINH


TBT Lê Duẩn
TBT Lê Duẩn
Nguồn: Thư viện Quân đội Nhân dân, Hà Nội (Tài liệu do Christopher Goscha có được và dịch cho CWIHP)
NGỌC THU, dịch từ: Wilson Center
Nói chung, sau khi chúng ta đánh bại Mỹ, không đế quốc nào dám đánh chúng ta nữa. Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta là những kẻ phản động Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa. Tuy nhiên, miễn là họ tồn tại, thì họ sẽ tấn công chúng ta như họ vừa thực hiện (nghĩa là đầu năm 1979). 
Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc, thì các tỉnh [Bắc Trung Bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành cơ sở cho toàn bộ đất nước. Các tỉnh này tốt nhất, là các căn cứ mạnh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất. Vì nếu vùng đồng bằng [Bắc Bộ] tiếp tục là vùng liên tục căng thẳng, thì tình hình sẽ rất phức tạp. Vấn đề không đơn giản chút nào. Nếu không phải là người Việt Nam, thì sẽ không có người nào đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, cả thế giới còn lại đều sợ Mỹ …
Mặc dù Trung Quốc đã giúp [Bắc] Triều Tiên chỉ với mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ. Sau khi cuộc chiến kết thúc [ở Triều Tiên] và khi áp lực lên Việt Nam, ông ta (chỗ này hình như nói đến Chu Ân Lai khi đoạn văn sau đó cho thấy vậy) nói rằng, nếu Việt Nam tiếp tục chiến đấu, thì sẽ phải tự lo liệu. Ông ta sẽ không giúp thêm nữa và gây áp lực với chúng ta để ngừng chiến đấu.
Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneva, rõ ràng là Chu Ân Lai đã chia đất nước ta làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Nam – Bắc như thế, một lần nữa ông ta gây sức ép lên chúng ta, không được làm gì đối với miền Nam Việt Nam. Họ ngăn cấm chúng ta đứng lên [chống lại Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hậu thuẫn]. [Nhưng] họ, [người Trung Quốc,] không thể làm gì để ngăn cản chúng ta.
Khi chúng ta ở miền Nam và chuẩn bị chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Geneva, Mao Trạch Đông đã nói với Đại hội Đảng của chúng ta rằng, ngay lập tức, chúng ta phải buộc Lào chuyển hai tỉnh đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu không, người Mỹ sẽ tiêu diệt hai tỉnh này, một tình huống rất nguy hiểm [theo cái nhìn của Trung Quốc]! Ngay lập tức, Việt Nam đã phải làm việc với người Mỹ [liên quan đến vấn đề này]. Mao đã bức hiếp chúng ta bằng cách này và chúng ta đã phải làm điều đó.
Sau đó, khi hai tỉnh này đã được chuyển cho Viêng Chăn, những tên phản động [Lào] ngay lập tức bắt giữ Souphanouvong (Chủ tịch Lào từ năm 1975-1986). Lào có hai tiểu đoàn bị bao vây lúc đó. Hơn nữa, họ vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, một tiểu đoàn đã có thể thoát khỏi sự [bao vây]. Lúc đó, tôi đưa ra quan điểm của tôi là, Lào phải được phép tiến hành chiến tranh du kích. Tôi mời Trung Quốc đến và thảo luận về vấn đề này với chúng ta. Tôi nói với họ: “Các đồng chí, nếu các đồng chí tiếp tục gây áp lực với Lào bằng cách này, thì lực lượng của họ sẽ hoàn toàn tan rã. Bây giờ họ phải được phép tiến hành chiến tranh du kích“.
Trương Văn Thiên (Zhang Wentian), người trước đó là Tổng Thư ký [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và sử dụng bút danh Lạc Phú, trả lời tôi: “Vâng, các đồng chí, điều các đồng chí nói đúng. Hãy để chúng tôi cho phép tiểu đoàn đó của Lào đảm nhiệm chiến tranh du kích“.
Ngay lập tức, tôi hỏi Trương Văn Thiên: “Các đồng chí, nếu các đồng chí cho phép Lào gánh vác chiến tranh du kích, thì không có gì phải sợ việc phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Điều gì làm cho các đồng chí sợ đến nỗi các đồng chí ngăn cản hành động như thế?”
Ông ta [Trương Văn Thiên] đã nói: “Không có gì phải sợ!”
Trương Văn Thiên đã nói thế. Tuy nhiên, Ho Wei, Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam lúc đó, đã ngồi ở đó và nghe điều đã nói. Ngay lập tức, ông ta điện cho Trung Quốc (báo cáo điều Lê Duẩn và Trương Văn Thiên đã nói). Ngay lập tức, Mao trả lời: “Việt Nam không thể phát động chiến tranh du kích ở miền Nam. Việt Nam phải nằm chờ trong một thời gian dài!” Chúng ta rất nghèo. Làm sao chúng ta có thể đánh Mỹ nếu không có Trung Quốc làm căn cứ hậu tập? Nên chúng ta phải nghe theo họ, đúng không?
Tuy nhiên, chúng ta đã không đồng ý. Chúng ta đã bí mật tiếp tục phát triển lực lượng. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam, chúng ta đã ban hành lệnh thành lập lực lượng quần chúng để chống lại lệnh đã được lập và nắm quyền [từ chính phủ Diệm]. Chúng ta đã không chú ý [đến Trung Quốc].
Khi cuộc nổi dậy giành chính quyền bắt đầu, chúng tôi đi Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đã nói với tôi: “Đồng chí, bây giờ sai lầm của đồng chí đã xảy ra rồi, đồng chí chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống“. Đó là áp lực mà họ đã áp đặt lên chúng ta.
Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! tôi sẽ làm điều đó. Tôi sẽ chỉ chiến đấu ở mức một trung đội trở xuống“.
Sau khi chúng ta chiến đấu và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta có thể chiến đấu hiệu quả, đột nhiên Mao có suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng, vì Mỹ đánh chúng ta, ông ta sẽ đưa quân đội [Trung Quốc] đến giúp chúng ta xây dựng đường xá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực Đông Nam Á. Không có lý do nào khác.
Chúng tôi biết rõ ý đồ này, nhưng phải cho phép họ (sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc). Thôi thì cũng được. Nhưng họ quyết định đưa quân vào. Tôi yêu cầu họ chỉ gửi người, nhưng quân lính của họ đã đến cùng với súng đạn. Tôi cũng phải chịu điều này.
Sau đó, ông ta (Mao Trạch Đông) bắt chúng ta phải nhận 20.000 quân của ông ta đến xây một con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ (thuật ngữ tiếng Việt chỉ miền Nam Việt Nam). Tôi từ chối. Họ tiếp tục yêu cầu nhưng tôi không nhượng bộ. Họ gây áp lực với tôi cho quân của họ vào nhưng tôi đã không chấp thuận. Họ tiếp tục gây sức ép nhưng tôi vẫn không chịu.
Tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy họ có âm mưu cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc như thế nào.
- Sau khi Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta đã phát động cuộc tổng tấn công vào năm 1968 để buộc họ giảm leo thang. Để đánh bại Hoa Kỳ, một điều cần phải biết là làm thế nào để họ từ từ giảm leo thang. Đó là chiến lược của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống một kẻ thù lớn, kẻ thù với dân số 200 triệu người và thống trị thế giới. Nếu chúng ta không thể làm cho họ giảm leo thang từng bước, thì chúng ta sẽ thất bại và không thể tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta phải đấu tranh để làm nhụt ý chí họ để buộc họ phải đi đến bàn đàm phán với chúng ta mà không cho phép họ đưa thêm quân.
Đến lúc họ muốn thương lượng với chúng ta, Ho Wei đã viết một bức thư cho chúng tôi, nói rằng: “Các ông không thể ngồi xuống đàm phán với Hoa Kỳ. Các ông phải đưa quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam để đánh với họ“. Ông ta gây áp lực với chúng tôi cách này, làm cho chúng tôi bối rối vô cùng. Đây không phải là vấn đề hoàn toàn đơn giản. Rất là mệt mỏi mỗi khi tình huống như thế phát sinh [với Trung Quốc].
Chúng tôi quyết định không thực hiện cách đó (nói đến lời khuyên của Hồ Wei không đàm phán với Hoa Kỳ). Chúng tôi phải ngồi xuống ở Paris. Chúng tôi phải làm cho họ (Mỹ) giảm leo thang để đánh bại họ. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo [với Mỹ]: “Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Nhưng rất nhiều quân lính mà các ông muốn đưa vào Việt Nam, tùy các ông“. Trung Quốc nhất trí điều này và đã gây áp lực với chúng tôi bằng cách đó.
Họ (Trung Quốc) đã trao đổi nhiều với Mỹ và ép buộc chúng ta phục vụ như là một con bài để mặc cả theo cách này. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua trận, ngay lập tức, họ sử dụng Trung Quốc để [tạo điều kiện] rút quân [ở miền Nam Việt Nam]. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này.
- Trước khi Nixon đi Trung Quốc, [mục đích chuyến đi của ông ta là] giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách đó, để phục vụ lợi ích của Mỹ và giảm bớt thất bại của Mỹ, cũng như cùng lúc cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc về phía Mỹ. Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Chu Ân Lai nói với tôi: “Lúc này, Nixon đến gặp tôi chủ yếu là thảo luận về vấn đề Việt Nam, do vậy tôi phải đến gặp đồng chí để thảo luận điều đó với đồng chí“.
Tôi trả lời: “Đồng chí, đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi không nghe theo đồng chí. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt. Việt Nam là của tôi (đất nước của tôi), hoàn toàn không phải của các đồng chí. Các đồng chí không có quyền nói [về vấn đề Việt Nam] và các đồng chí không có quyền thảo luận [các vấn đề đó với Mỹ]. Hôm nay, các đồng chí, chính tôi sẽ nói với các đồng chí điều mà thậm chí tôi chưa hề nói với Bộ Chính trị, rằng đồng chí đã nêu ra vấn đề nghiêm trọng và vì thế tôi phải nói:
- Năm 1954, khi chúng tôi giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ, tôi đã ở [tỉnh] Hậu Nghĩa. Bác Hồ đã điện nói với tôi rằng, tôi phải vào miền Nam để tập hợp [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về vấn đề này]. Tôi đi bằng xe tải vào miền Nam. Trên đường đi, đồng bào ra chào đón tôi vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã giành chiến thắng. Đau đớn vô cùng! Nhìn đồng bào miền Nam, tôi đã khóc. Vì sau đó, Hoa Kỳ sẽ đến và tàn sát [người dân] một cách khủng khiếp.
Khi vừa tới miền Nam, ngay lập tức, tôi đã điện cho Bác Hồ để xin ở lại [miền Nam] và không trở lại miền Bắc để tôi có thể đánh thêm mười năm nữa hoặc hơn. Đồng chí đã gây khó khăn cho tôi như thế này (muốn nói đến vai trò của Chu Ân Lai trong việc chia cắt Việt Nam tại Geneva năm 1954), đồng chí có biết không“?
Chu Ân Lai nói: “Tôi xin lỗi đồng chí. Tôi đã sai. Điều đó tôi sai” (muốn nói đến sự chia cắt Việt Nam tại Geneva). Sau khi Nixon rời khỏi Trung Quốc, một lần nữa, ông ta (Chu Ân Lai) đến Việt Nam để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay lập tức, tôi nói với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí rồi. Chẳng bao lâu nữa, họ (Hoa Kỳ) sẽ tấn công chúng tôi thậm chí còn mạnh hơn“.
Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai (Mỹ và Trung Quốc) đã thương lượng với nhau để đánh tôi mạnh hơn. Ông ta (Chu Ân Lai) đã không bác bỏ quan điểm này là vô căn cứ và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng đạn cho các đồng chí“.
Sau đó ông ta (Chu Ân Lai) nói (về mối lo ngại âm mưu bí mật Trung – Mỹ): “Không có điều đó“. Tuy nhiên, hai bên đã thảo luận làm thế nào để đánh chúng ta mạnh hơn, gồm các cuộc tấn công bằng bom B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Rõ ràng là như thế.
– Nếu Liên Xô và Trung Quốc đã không mâu thuẫn với nhau, thì Hoa Kỳ không thể tấn công chúng ta quyết liệt như họ đã tấn công. Khi hai [cường quốc Trung Quốc và Liên Xô] xung đột, người Mỹ đã không bị [phe đối lập là khối xã hội chủ nghĩa] cản trở. Mặc dù Việt Nam có thể thống nhất và đoàn kết với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô, để đạt được điều này rất phức tạp, lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc nhiều thứ. Lúc đó, hàng năm Trung Quốc cung cấp viện trợ 500.000 tấn thực phẩm, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa kể đến viện trợ đô la. Liên Xô cũng đã giúp bằng cách này. Nếu chúng ta không thể làm điều đó (đoàn kết và thống nhất với Trung Quốc và Liên Xô), mọi thứ sẽ rất nguy hiểm.
Mỗi năm tôi đã phải đi Trung Quốc hai lần để nói chuyện với họ (lãnh đạo Trung Quốc) về [các sự kiện] ở miền Nam Việt Nam. Về phía Liên Xô, tôi không phải nói gì cả (về tình hình ở miền Nam Việt Nam). Tôi chỉ nói một cách chung chung. Khi giao thiệp với Trung Quốc, tôi đã phải nói rằng cả hai [nước] đang đánh Mỹ. Tôi đã đi một mình. Tôi phải có mặt về vấn đề này. Tôi đã đến đó và nói chuyện với họ nhiều lần bằng cách này, mục đích chính là để xây dựng quan hệ gần gũi hơn giữa hai bên (nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam). Chính xác là vào thời điểm đó Trung Quốc gây áp lực với chúng ta để xa lánh Liên Xô, cấm chúng ta không được đi với Liên Xô.
Họ đã làm rất căng. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh đã đến và nói với tôi: “Đồng chí, tôi sẽ giúp đồng chí vài tỷ [có lẽ là nhân dân tệ] mỗi năm. Đồng chí không thể nhận bất cứ thứ gì từ Liên Xô“.
Tôi không đồng ý điều này. Tôi nói: “Không, chúng ta phải đoàn kết và thống nhất với toàn bộ phe [xã hội chủ nghĩa]“.
Năm 1963, khi Khrushchev phạm sai lầm, ngay lập tức [Trung Quốc] ban hành một tuyên bố 25 điểm và mời đảng chúng ta đến cho ý kiến . Anh Trường Chinh và tôi đã đi cùng với một số anh em khác. Trong cuộc thảo luận, họ (Trung Quốc) lắng nghe chúng tôi đến, hình như là điểm thứ 10, nhưng khi đến điểm “không từ bỏ phe xã hội chủ nghĩa”, họ đã không nghe… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về tài liệu của chính tôi, tôi muốn nghe ý kiến ​​của các đồng chí, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm này của các đồng chí“.
Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á“. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”
Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi“. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!
Tôi sẽ nói với các đồng chí nhiều hơn để các đồng chí có thể thấy thêm về tầm quan trọng quân sự trong vấn đề này.
Mao hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?
Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?
Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!
Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!
Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?
Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Có bao nhiêu người?
Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!
Mao nói: Lạy Chúa! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!
Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?“
Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có!” Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó. Quan điểm đó thật là phức tạp.
Trong quá khứ (nói đến vấn đề có thể xuất phát từ mối đe dọa của Trung Quốc trong thời gian này), chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều, không phải là chúng ta không chuẩn bị. Nếu chúng ta không chuẩn bị, tình hình gần đây sẽ rất nguy hiểm. Không phải là vấn đề đơn giản.
Mười năm trước, tôi đã triệu tập các anh em trong quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ mâu thuẫn với nhau. Đối với Trung Quốc, họ đã bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng này, các đồng chí phải nghiên cứu vấn đề này ngay lập tức. Tôi sợ rằng quân đội không hiểu ý tôi, nên tôi nói với họ rằng, không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ vẫn thấy khó hiểu. Hoàn toàn không dễ. Nhưng tôi không thể nói bằng cách nào khác. Và tôi đã không cho phép những kẻ khác túm lấy tôi.
Khi tôi đến Liên Xô, Liên Xô cũng làm khó tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một cuộc họp gồm 80 đảng [cộng sản] để hỗ trợ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [buổi hợp này] không chỉ đơn giản chỉ nhằm giúp Việt Nam, mà còn có mục đích lên án Trung Quốc. Nên Việt Nam đã không đi.
Liên Xô nói: “Bây giờ các đồng chí bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế [hay] là cái gì? Tại sao các đồng chí làm điều này?” Tôi nói: “Tôi hoàn toàn không bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế. Tôi không bao giờ làm điều này. Tuy nhiên, để là người quốc tế, trước tiên phải đánh bại Mỹ. Và nếu một nước muốn đánh bại Mỹ, thì phải có sự thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đến hội nghị này, thì Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn lớn với chúng tôi. Các đồng chí, hãy hiểu cho tôi“.
Tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến và tranh luận ​​khác nhau. Chu Ân Lai đồng ý việc hình thành một mặt trận với Liên Xô để chống Mỹ. Một lần, khi tôi đi Liên Xô để dự lễ kỷ niệm quốc gia, tôi có đọc một bức điện Trung Quốc gửi sang Liên Xô, nói rằng: “Bất cứ khi nào có ai đó tấn công Liên Xô, thì Trung Quốc sẽ đứng bên cạnh các bạn“. Đó là vì đã có một hiệp ước hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc từ thời trước đó (tháng 2 năm 1950).
Ngồi cạnh Chu Ân Lai, tôi hỏi ông ta: “Trong bức điện gửi đến Liên Xô gần đây, đồng chí đồng ý thành lập một mặt trận với Liên Xô, nhưng tại sao các đồng chí không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi có thể thành lập mặt trận chống Mỹ. Tôi chia sẻ quan điểm đó. Các đồng chí, tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [Việt Nam]“. Bành Chân cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Quan điểm này cực kỳ chính xác!” Nhưng khi vấn đề được thảo luận tại Thượng Hải, Mao nói là không thể và hủy bỏ nó. Các đồng chí thấy nó phức tạp như thế nào.
Mặc dù Chu Ân Lai giữ vững một số quan điểm này, ông ta dù sao cũng đồng ý xây dựng một mặt trận và [ông ta] đã giúp Việt Nam rất nhiều. Cám ơn ông ta rằng tôi có thể hiểu [nhiều về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm. Có lần, ông ta nói với tôi: “Tôi đang làm hết sức mình để tồn tại ở đây, sử dụng Li Chiang tích lũy và hỗ trợ cho các đồng chí“. Thì ra vậy (tức là Chu Ân Lai đã sử dụng Li Chiang, để giúp người Việt Nam). Có nghĩa là, không có Chu Ân Lai, điều này sẽ hoàn toàn không thể xảy ra. Tôi đang mắc nợ ông ta.
Tuy nhiên, không đúng để nói rằng các lãnh đạo khác của Trung Quốc hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Chu Ân Lai. Họ khác nhau nhiều thứ. Phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông. Tất cả các chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay ông ta.
Điều tương tự cũng áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, [sự thật của vấn đề là] họ đã tấn công chúng ta. Trong quá khứ, Đặng Tiểu Bình đã làm hai điều mà hiện đang bị đảo lộn. Đó là, khi chúng ta giành chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, nhiều [lãnh đạo] Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, dù sao Đặng Tiểu Bình cũng chúc mừng chúng ta. Vì lý do này, ngay lập tức ông ta đã bị những người khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.
Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối, tôi dẫn đầu phái đoàn, và tôi đã gặp phái đoàn Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đứng đầu. Khi nói về vấn đề lãnh thổ, gồm cả việc thảo luận về một số hòn đảo, tôi nói: “Hai đất nước chúng ta ở gần nhau, Có một số vùng lãnh thổ của chúng ta vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hai bên nên thành lập các cơ quan để xem xét vấn đề này. Các đồng chí, làm ơn đồng ý với tôi [về vấn đề này]”. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) đồng ý, nhưng sau khi làm như vậy, ngay lập tức ông ta bị nhóm lãnh đạo khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.
Nhưng bây giờ ông ta (Đặng Tiểu Bình) điên rồi. Bởi vì ông ta muốn cho mọi người thấy rằng ông ta không phải là người theo chủ nghĩa xét lại, cho nên ông ta đã tấn công Việt Nam mạnh hơn. Ông ta để cho họ tiếp tục tấn công Việt Nam.
Sau khi đánh bại Mỹ, chúng ta giữ lại hơn một triệu quân, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hỏi chúng tôi: “Các đồng chí định đánh với ai mà giữ lại một đội quân thường trực lớn như vậy?” Tôi nói: “Sau này, các đồng chí sẽ hiểu“. Lý do duy nhất chúng ta giữ quân đội thường trực như thế là vì mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nếu không có [một mối đe dọa như thế], thì điều này (quân đội thường trực lớn) sẽ không cần. Gần đây, bị tấn công trên hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rằng] rất nguy hiểm nếu chúng ta đã không được duy trì một đội quân lớn.
(B) (Ý nghĩa của chữ “B” này trong văn bản gốc không rõ ràng) – Sau Đệ nhị Thế chiến, tất cả mọi người tin rằng tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ. Họ có thể tiếp quản và bắt nạt cả thế giới. Tất cả các nước, gồm các nước lớn đều sợ Mỹ. Chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ.
Tôi hiểu vấn đề này vì công việc đã dạy tôi. Người đầu tiên sợ [Mỹ] là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, đó là, Việt Nam và Lào, rằng: “Ngay lập tức, các ông phải chuyển giao hai tỉnh của Lào đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu các ông không làm như vậy, thì Mỹ sẽ sử dụng điều đó làm lý do tấn công. Đó là mối nguy lớn”. Về phía Việt Nam, chúng tôi đã nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam“. Ông ta (Mao) nói: “Các ông không thể làm điều đó. Miền Nam Việt Nam phải nằm đợi trong một thời gian dài, đợi một đời, 5-10 đời hoặc thậm chí 20 đời kể từ bây giờ. Các ông không thể đánh Mỹ. Đánh Mỹ là nguy hiểm“. Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến mức độ đó…
Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiếp tục chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ không được giải phóng. Một đất nước chưa được giải phóng sẽ vẫn là một đất nước lệ thuộc. Không ai có được độc lập nếu chỉ có một nửa đất nước được tự do. Không có được độc lập cho đến năm 1975, đất nước chúng ta cuối cùng có được độc lập hoàn toàn. Có độc lập, tự do sẽ đến. Tự do phải là tự do cho cả nước Việt Nam …
Engels đã nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó, Liên Xô, Trung Quốc và chính chúng ta cũng đã nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước rất khác về nội dung [chiến tranh nhân dân]. Không đúng là chỉ vì các bạn có hàng triệu người, thì các bạn có thể làm bất cứ điều gì các bạn muốn. Trung Quốc cũng nói đến chiến tranh nhân dân, tuy nhiên, [họ cho rằng] “khi kẻ thù tiến lên, thì chúng ta phải rút lui“. Nói cách khác, phòng thủ là chính, và chiến tranh được chia thành ba giai đoạn, vùng nông thôn được sử dụng để bao vây thành thị, trong khi [các lực lượng chính] chỉ ở lại trong rừng núi… Người Trung Quốc ở thế phòng thủ và rất yếu [trong Đệ nhị Thế chiến]. Ngay cả với 400 triệu người đọ sức với quân đội Nhật Bản có 300.000 – 400.000 quân, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại họ.
Tôi phải lặp lại điều này như thế, vì trước khi Trung Quốc gửi cố vấn cho chúng ta, một số anh em Việt Nam chúng ta không hiểu. Họ nghĩ rằng [Trung Quốc] rất có khả năng. Nhưng họ không có kỹ năng và do đó chúng ta đã không làm theo [những lời khuyên của Trung Quốc].
Năm 1952, tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc vì tôi bị bệnh và cần điều trị. Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài. Tôi đặt câu hỏi cho họ (Trung Quốc) và thấy nhiều điều rất lạ. Có những khu vực [đã bị] quân Nhật chiếm đóng, mỗi khu có dân số khoảng 50 triệu người, nhưng không có lấy một chiến binh du kích…
Khi tôi từ Trung Quốc trở về, tôi đã gặp Bác [Hồ]. Bác hỏi tôi:
- Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài, phải không?
Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài.
- Chú đã thấy gì?
Tôi thấy hai điều: Việt Nam rất dũng cảm và họ (Trung Quốc) không dũng cảm chút nào.
Tôi hiểu điều này kể từ ngày đó. Chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn khác với họ. Lòng can đảm vốn có trong con người Việt Nam và do đó chúng ta chưa bao giờ có một chiến lược phòng thủ (ý nói ở thế thủ). Mọi người dân chiến đấu.
Gần đây, họ (Trung Quốc) đã mang hàng trăm ngàn quân vào xâm chiếm nước ta. Hầu hết, chúng ta đã sử dụng lực lượng dân quân và quân đội trong vùng để tấn công họ. Chúng ta không ở thế thủ và do đó họ phải lùi bước. Họ không thể quét sạch dù một trung đội Việt Nam, trong khi chúng ta đã xóa sổ vài trung đoàn và hàng chục tiểu đoàn của họ. Có được như vậy là vì chiến lược tấn công của chúng ta.
Đế quốc Mỹ đã đánh với chúng ta trong một cuộc chiến kéo dài. Họ rất mạnh, nhưng họ đã thua. Nhưng có một yếu tố đặc biệt, đó là những mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. [Vì điều này,] họ đã tấn công chúng ta mạnh như thế này.
… Việt Nam đã chiến đấu chống Mỹ, và đã chiến đấu rất quyết liệt, nhưng chúng ta biết rằng Hoa Kỳ là một nước rất lớn, khả năng tích lũy hơn 10 triệu quân và đưa tất cả các loại vũ khí được xem là mạnh của họ vào để đánh chúng ta. Vì vậy, chúng ta đã phải chiến đấu trong một thời gian dài để làm cho cho họ giảm leo thang. Chúng ta là những người có thể làm được điều đó, Trung Quốc thì không thể. Khi quân đội Mỹ tấn công Quong Tre (Quảng Trị?), ngay lập tức Bộ Chính trị ra lệnh đưa quân đội vào chiến đấu. Chúng ta không sợ.
Sau đó tôi đi Trung Quốc gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Điều đó (cuộc tấn công vào Quảng Trị) có lẽ là chưa từng có, có một không hai. Chỉ có một [cơ hội] trên đời này, không có cơ hội thứ hai. Không ai dám làm những điều các đồng chí đã làm“.
… Chu Ân Lai là người đứng đầu Bộ Tham mưu. Ông ta dám nói, ông ta thẳng thắn hơn. Ông ta nói với tôi: “Nếu tôi biết trước cái cách mà các đồng chí sử dụng, chúng tôi không cần Vạn lý Trường chinh“.
Vạn lý Trường chinh là gì? Vào đầu cuộc hành quân có 300.000 quân, đến cuối Vạn lý Trường chinh chỉ còn 30.000 quân. 270.000 người đã chết. Thực sự ngu ngốc khi thực hiện cách này. Nói như vậy để các đồng chí biết chúng ta đang đi trước họ như thế nào. Trong tương lai không xa, nếu chúng ta chiến đấu chống lại Trung Quốc, chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng … Tuy nhiên, sự thật là nếu một nước khác [không phải Việt Nam] chiến đấu chống lại Trung Quốc, không rõ họ có giành được chiến thắng như thế này không (như Việt Nam).
… Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta hay không. Nếu hai nước thống nhất và liên kết với nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta cái cách mà họ đã đánh. Họ sẽ do dự ngay từ đầu. Họ sẽ do dự như thời Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tất cả đã giúp Lào và ngay lập tức Mỹ ký một hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân Mỹ sang Lào, họ để cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.
Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] xung đột với nhau, Mỹ được [Trung Quốc] thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ. Đừng sợ [sự trả đũa của Trung Quốc]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đã nói với Mỹ: “Nếu các ông không tấn công tôi, thì tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông có thể đưa nhiều quân vào miền Nam Việt Nam mà các ông muốn. Tùy các ông“.
… Hiện tại, chúng ta có biên giới với một nước rất mạnh, một nước với ý đồ bành trướng mà nếu muốn được thực hiện, phải bắt đầu với một cuộc xâm lược Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải chung vai gánh vác, vai trò lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm lịch sử. Trước đây, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ của mình, và lần này Việt Nam xác định không cho phép họ bành trướng. Việt Nam giữ độc lập riêng mình và làm như vậy cũng là để bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam kiên quyết không để Trung Quốc thực hiện âm mưu bành trướng. Trận đánh gần đây [với Trung Quốc] chỉ là vòng một. Hiện họ vẫn còn chuẩn bị nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bất kể họ chuẩn bị đến mức độ nào, Việt Nam cũng sẽ thắng …
Tiến hành chiến tranh không phải là đi bộ thong thả trong rừng. Gửi một triệu quân vào cuộc chiến chống lại một nước ở bên ngoài liên quan đến vô số khó khăn. Gần đây họ đưa 500.000 – 600.000 binh lính để đánh chúng ta, nhưng họ đã không có thiết bị vận tải đầy đủ để cung cấp lương thực cho quân đội của họ. Trung Quốc hiện đang chuẩn bị 3,5 triệu quân, nhưng họ phải để lại một nửa số quân đó ở biên giới [Trung-Xô] để ngăn chặn Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ đưa 1 hoặc 2 triệu quân vào để đánh chúng ta, chúng ta sẽ không sợ bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có 600.000 quân tham gia, và trong tương lai gần, nếu chúng ta phải đánh với 2 triệu quân, sẽ không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ.
Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta biết cách đánh. Nếu họ đưa 1 triệu quân, họ sẽ chỉ giành được một chỗ đứng ở miền Bắc. Đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng và Hà Nội và thậm chí xuống dưới sẽ khó khăn hơn nữa.
Các đồng chí, như các đồng chí biết, bọn Hitler tấn công quyết liệt theo cách này, nhưng khi họ (Đức Quốc xã) đến Leningrad, họ không thể vào được. Với thành phố, người dân và các công trình phòng thủ, không thể nào thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả chống lại mỗi người và mọi người. Thậm chí đánh trong hai, ba hoặc bốn năm, họ vẫn không thể vào. Mỗi làng ở đó (ở miền Bắc) thì giống như thế. Đường lối của chúng ta là: mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và họ sẽ không thể nào vào được cả.
Tuy nhiên, không bao giờ đủ khi chỉ đánh kẻ thù ở tiền tuyến. Phải có một đội quân hậu tập trực tiếp mạnh mẽ. Sau trận đánh gần đây kết thúc, chúng tôi đánh giá rằng, trong tương lai không xa, chúng ta phải đưa thêm vài triệu người đến mặt trận phía Bắc. Nhưng kẻ thù đến từ phía bắc, hậu phương trực tiếp cho cả nước phải là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh … Hậu phương trực tiếp bảo vệ thủ đô phải là Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Chúng ta có thể đánh chúng bằng nhiều cách … Chúng ta có thể sử dụng 2-3 quân đoàn để giánh một cú mạnh vào chúng, sẽ làm cho chúng lảo đảo, trong khi chúng ta tiếp tục giữ đất của chúng ta. Để đạt được mục đích này, mỗi người lính phải là một người lính thực và mỗi đội phải là một đội hình thực sự.
- Bây giờ đã đánh xong một trận rồi, chúng ta không nên chủ quan. Chủ quan và đánh giá thấp kẻ thù là sai lầm, nhưng thiếu tự tin cũng sai. Chúng ta không chủ quan, chúng ta không đánh giá thấp kẻ thù. Nhưng chúng ta cũng tự tin và vững tin vào chiến thắng của chúng ta. Chúng ta cần phải có cả hai điều này.
- Bây giờ Trung Quốc có âm mưu đánh [chúng ta] để mở rộng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay họ không thể đánh và dọn dẹp một cách dễ dàng. Trung Quốc chỉ đánh Việt Nam có vài ngày mà cả thế giới đã hét lên: “Không được đụng đến Việt Nam“! Thời đại hiện nay không giống như thời xưa. Trong những ngày này, không chỉ có chúng ta và họ (muốn nói Trung Quốc). Bây giờ cả thế giới đang gắn chặt với nhau. Loài người vẫn chưa hoàn toàn đi vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa, nhưng đây là lúc mọi người đều muốn độc lập và tự do. [Ngay cả] trên các đảo nhỏ, người dân cũng muốn độc lập, tự do.
Cả nhân loại hiện nay như thế. Điều đó là rất khác với thời xưa. Thời đó, người dân chưa nhận thức rõ những điều này. Do đó, câu của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là một ý tưởng của thời đại hiện nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm độc lập, tự do … Việt Nam là một quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.
- Khi phải chiến đấu chống Mỹ, anh em chúng ta trong Bộ Chính trị đã thảo luận với nhau về vấn đề này, cân nhắc liệu chúng ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã bày tỏ quyết tâm: để chiến đấu chống Mỹ, chúng ta không sợ Mỹ. Tất cả đều đồng tâm. Khi tất cả đã đồng ý đánh Mỹ, không sợ Mỹ, chúng ta cũng không sợ Liên Xô. Tất cả đều đồng ý. Chúng ta cũng không sợ Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý. Nếu chúng ta không sợ ba điều này, chúng ta có thể đánh Mỹ. Đó là cách chúng tôi đã thực hiện trong Bộ Chính trị hồi đó.
Mặc dù Bộ Chính trị đã gặp và tổ chức các buổi thảo luận như thế và mọi người đồng lòng, sau này có một người đã nói với một đồng chí điều mà tôi đã nói. Đồng chí đó đặt câu hỏi cho Bộ Chính trị, hỏi lý do gì mà Anh Ba một lần nữa lại nói rằng, nếu chúng ta muốn đánh Mỹ, thì chúng ta không nên sợ Trung Quốc? Tại sao anh ấy phải nói như vậy nữa?
Lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh, người đã bị nghi là có cảm tình với Trung Quốc, đứng lên và nói: “Kính thưa Bộ Chính trị và kính thưa Bác Hồ, lời phát biểu của Anh Ba là đúng. Phải nói như thế (ý nói không cần phải sợ Trung Quốc), vì họ (Trung Quốc) gây rắc rối cho chúng ta nhiều điều. Họ chặn chúng ta ở chỗ này, rồi họ trói tay chúng ta ở chỗ kia. Họ không cho chúng ta đánh…“
Trong khi chúng ta đánh ở miền Nam Việt Nam, Đặng Tiểu Bình quy định rằng tôi chỉ có thể đánh ở mức trung đội trở xuống và không được đánh ở mức cao hơn. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) nói: “Ở miền Nam, do các ông phạm sai lầm về việc đã khởi động đánh trước, các ông chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống, không được đánh ở mức cao hơn“. Họ gây áp lực lên chúng ta như thế.
- Chúng ta không sợ ai cả. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta có lẽ phải. Chúng ta không sợ ngay cả anh trai của chúng ta. Chúng ta cũng không sợ bạn bè của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không sợ kẻ thù của chúng ta. Chúng ta đã đánh họ rồi. Chúng ta là con người, chúng ta không sợ bất cứ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết chúng ta độc lập.
Chúng ta phải có một quân đội mạnh mẽ, bởi vì đất nước chúng ta đang bị đe dọa và bị bắt nạt … Không thể khác được. Nếu không, thì sẽ nguy hiểm vô cùng, nhưng đất nước chúng ta nghèo.
- Chúng ta có một quân đội mạnh, điều đó không có cách nào làm nhụt chí chúng ta. Có một số chính sách của Trung Quốc đối với chúng ta: xâm lược và chiếm đóng nước ta, tìm cách làm suy yếu chúng ta về kinh tế và làm cho điều kiện sống của chúng ta khó khăn. Vì những lý do này, để chống lại Trung Quốc, trước hết, chúng ta phải, không những chiến đấu, mà còn làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục đích này, theo tôi, quân đội của chúng ta không nên là một lực lượng lãng phí nguồn lực của nhà nước, mà nên là một lực lượng sản xuất mạnh mẽ. Khi kẻ thù đến, họ (những người lính) cầm súng ngay lập tức. Khi không có kẻ thù, thì họ sẽ sản xuất đàng hoàng. Họ sẽ là biểu tượng tốt nhất và cao nhất trong sản xuất, sản xuất nhiều hơn bất cứ người nào khác. Dĩ nhiên, đó không phải là một câu chuyện mới …
- Hiện nay, trên vai quân đội của chúng ta đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của chúng ta, trong khi cùng lúc bảo vệ hòa bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản động Trung Quốc không thể thực hiện được nữa, sẽ là lợi ích của cả thế giới. Việt Nam có thể làm điều này. Việt Nam có 50 triệu người rồi. Việt Nam có những người bạn Lào và Campuchia và có địa thế vững chắc. Việt Nam có phe [XHCN] và tất cả nhân loại đứng về phía ta. Rõ ràng là chúng ta có thể làm điều này.
… Các đồng chí có biết người nào trong đảng chúng ta, trong nhân dân của chúng ta, nghi chúng ta sẽ thua Trung Quốc? Dĩ nhiên là không có ai cả. Nhưng chúng ta phải duy trì các mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta.
Hôm nay tôi cũng muốn các đồng chí biết rằng trong thế giới này, người đã bảo vệ Trung Quốc là chính tôi! Đó là sự thật. Tại sao vậy? Bởi vì trong hội nghị tháng 6 năm 1960 tại Bucharest, 60 đảng đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng chỉ có mình tôi là người bảo vệ Trung Quốc. Việt Nam chúng ta là thế. Tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều này: Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta không cảm thấy xấu hổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu của một số lãnh đạo (Trung Quốc) là một vấn đề khác. Chúng ta coi họ chỉ là một bè lũ. Chúng ta không nói tới đất nước họ. Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói bè lũ phản động Bắc Kinh. Tôi nói lại điều này một lần nữa một cách nghiêm túc như thế.
Vì vậy, chúng ta hãy kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc cũng vậy. Tôi tin rằng trong 50 năm, hoặc thậm chí trong 100 năm, chủ nghĩa xã hội có thể thành công, và lúc đó chúng ta sẽ không bị vấn đề này nữa. Nhưng sẽ mất một thời gian [dài] như thế. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.
Hiện nay, chắc chắn không ai còn nghi ngờ nữa. Nhưng cách đây năm năm, tôi dám chắc rằng [không có] đồng chí nào nghi ngờ Trung Quốc có thể đánh chúng ta. Nhưng có. Đó là vì các đồng chí [này] không có kiến ​​thức về vấn đề này. Nhưng đó không phải là trường hợp của chúng tôi (Lê Duẩn và ban lãnh đạo). Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã và đang tấn công chúng ta [cách đây] mười năm hoặc hơn. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên [về cuộc tấn công của Trung Quốc vào tháng 1 năm 1979].

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thời mạt pháp, hay là cái ác lên ngôi?

Kinh Tài Của Khủng Bố


Xuân Nghĩa  

Tiềm năng của lực lượng IS trong thế giới Hồi giáo

 * Lực lượng võ trang của quỷ - mà có tiền *

Cuối Tháng Sáu vừa qua, lực lượng khủng bố xưng danh "Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Syria" (ISIS) hay "Quốc gia Hồi giáo tại Irad và Đông phương" (Islamic State in Iraq and the Levant – ISIL) đã tự cải tên thành Đế quốc Hồi giáo – một Khilàfat hay Caliphate, dưới quyền lãnh đạo của một Giáo chủ có vị thế như Thánh đế Caliph của mọi thần dân Hồi giáo trên thế giới.

Nhiều hệ phái tôn giáo đã từng có giấc mơ thuộc loại vĩ cuồng như thế. Nhưng trường hợp IS lại gây chấn động vì họ bành trướng rất mạnh trong khu vực vắt ngang từ miền Đông của Syria qua vùng Tây Bắc của Iraq, rồi vì hành động man rợ là trong hai tuần đã cắt đầu hai nhà báo Hoa Kỳ trước máy thu hình để quảng bá uy thế của khủng bố.

Câu hỏi đặt ra là quân khủng bố lấy phương tiện ở đâu để tung hoành ngang ngược như vậy?


***

Lực lượng xưng danh Thánh đế Hồi giáo này là một tổ chức khủng bố trong ý nghĩa là gây hãi sợ qua hành động giết người vô can để tuyên dương "chính nghĩa" của một chủ trương chính trị.

Khác với các tổ chức khủng bố trước đây, kể cả al-Qaeda của Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri, lực lượng khủng bố Hồi giáo này nắm trong tay nhiều phương tiện lớn lao chưa từng thấy. Họ có một nền kinh tế gần như tự túc, với một hệ thống kinh tài khá tinh vi, và thành công một phần là nhờ lòng tham và sự sợ hãi của nhiều người.

Trước đây, nhiều vương quốc trong vùng Vịnh và các đại gia dầu hỏa Á Rập đã kín đáo tài trợ các tổ chức cuồng tín của hệ phái Sunni với tinh thần cầu hòa, là đút lót quân khủng bố để xin họ đừng tung hoành trong khu vực trị nhậm và làm ăn của mình. Nhưng loại tiền gọi là "quyên góp" ấy là một nguồn tài trợ ngoại nhập không bền và giảm dần vì bị các nước kiểm soát sau vụ khủng bố 9-11 của al-Qaeda tại Hoa Kỳ. Cũng thuộc loại tặng dữ thất thường ấy có cả tiền ủng hộ của những người Hồi giáo si mê ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả Âu Châu và Đông Nam Á.

Nhưng lực lượng khủng bố IS đã vượt qua giai đoạn bổ lẻ và làm ăn cò con như vậy.

Sau khi thôn tính một khu vực rộng lớn từ Syria qua Iraq, quân khủng bố đã có "vùng giải phóng", bên trong là tám triệu dân và nền kinh tế có khả năng tự túc và thanh toán bằng vàng hay bạc mặt. Nền kinh tế đó dựa trên sự cướp bóc tài sản, võ khí, chi nhánh ngân hàng trung ương hay ngân khố, rồi bắc cóc con tin để tống tiền chuộc mạng, trưng thu thuế khóa và "lệ phí sinh hoạt" của dân cư sở tại. Và sau đó là buôn lậu, kể cả buôn dầu, buôn gạo hay đồ cổ từ những nơi họ cướp được.

Sinh hoạt ma quỷ xưng danh Thánh chiến này thịnh đạt đến độ họ phải có người điều hợp, tương tự một "Bộ trưởng Tài chánh".

Về chi tiết thì như một "nhà nước cách mạng" thời trước, Nhà nước Hồi giáo này cũng thu địa tô, tiền thuế trên mảnh đất sinh hoạt của người dân, mà đánh thuế bằng vàng và quý kim theo diện tích chứ không theo thu hoạch mùa màng. Các nước khó tính ra số liệu hay kích thước của nền kinh tế bóc lột ấy. Và càng khó ngăn ngừa qua biện pháp cấm vận hay phong tỏa vì thường dân sẽ là nạn nhân, trong số này có nhiều người theo Thiên chúa giáo và bị bách hại trước tiên. Họ cũng chỉ là con tin.

Sau khi chiếm được tám giếng dầu trong các tỉnh Raqqa và Deir Ezzor tại Syria rồi nhiều giếng khác tại Iraq, quân khủng bố có thêm một nguồn thu nhập mới là dầu thô, với nhật lượng - sản lượng một ngày – được ước tính từ ba vạn tới bảy vạn thùng.

Từ dầu thô qua xăng nhớt, họ phải giải quyết bài toán trao đổi, vận chuyển và chế biến. Họ giải quyết được nhờ con buôn, từ giới tiểu thương đển tổ chức buôn lậu hay doanh gia dầu khí người Lebanon, Turkey hay Iraq. Ở đầu mua – và trả tiền – có các thương nhân Iran, Kurd,  Syria, Thổ và nhiều khi đám con buôn này mua về cho các chính quyền đang muốn truy lùng khủng bố!

Mọi kế hoạch mang tính chất pháp lý của Liên hiệp quốc hay các nước Âu-Mỹ lẫn các chế độ Hồi giáo đang bị tổ chức khủng bố này đe dọa đều gặp trở ngại vì lòng tham của bọn trung gian và sự sợ hãi của người trong cuộc. Ở vòng ngoài là những kẻ u mê về tín ngưỡng đã nộp tiền hay tuyển mộ nhân sự cho quân khủng bố.

Cho tới nay, giới chức hữu trách quốc tế ước tính rằng hạt mầm Thánh đế Hồi giáo này đang có trong tay những phương tiện trị giá từ 800 triệu tới hay tỷ đô la. Họ sẽ tiến tới đâu?


***


Nhìn lại thì lực lượng khủng bố này xuất hiện trước tiên từ lòng thù hận giữa các hệ phái của đạo Hồi, giữa hai giáo phái Sunni và Shia cùng các chi nhánh ở bên trong. Tiếp theo là sự kỳ thị và xung đột giữa các sắc tộc hay thị tộc, từ Ả Rập đến Ba Tư, Thổ hay người Kurd. Kẻ đề xướng nguyên thủy, Abu Musab al-Zaqawi, chỉ là tên du đãng hiếu sát gốc Jordan, chứ không thuộc thành phần trí thức và triệu phú như những kẻ đã sáng lập tổ chức al-Qaeda.

Nằm dưới trướng al-Qaeda, al-Zarqawi chỉ thành danh nhờ chiến trường Iraq, từ sau năm 2003.

Sau đó, nội chiến và xung đột tại Iraq rồi khủng hoảng tại Syria từ năm 2011 mới giúp lực lượng lớn mạnh đến độ xưng danh Thánh đế và đòi lãnh đạo cả thế giới Hồi giáo. Trong mười năm đó, al-Zarqawi đã bị hạ sát vào năm 2006 nhưng tổ chức lại kết nạp được nhiều kẻ cuồng sát và lập thành tích khủng bố ghê rợn đến nỗi bị các lãnh tụ al-Qaeda phê bình, đả kích và chối bỏ. Những lực lượng al-Qaeda nội hóa hay tự phát tại nhiều nơi khác, như vùng Maghreb Hồi giáo (AQIM) hay Bán đảo Á Rập (AQAP) cũng dần dần xa lánh đám khủng bố mới nổi này.

Hậu quả là giữa các lực lượng cùng áp dụng phương pháp khủng bố dưới lá cờ Thánh chiến Jihad đã có mâu thuẫn và xung đột. Nhưng trong thế giới ma quỷ đó, quân khủng bố xưng danh Thánh đế lại còn ác hơn cả và ra tay tiêu diệu nhiều nhóm Thánh chiến khác tại Syria và Iraq, kể cả những người trong hệ phái Sunni.

Về lý luận thì từ lớp trước là al-Qaeda qua lớp sau là lực lượng Thánh đế ngày nay, người ta thấy ra một mục tiêu tương đồng.

Đó là sự hình thành của một Đế quốc Hồi giáo qua từng bước: 1) đuổi Hoa Kỳ ra khỏi Iraq rồi Trung Đông bằng một cuộc chiến tiêu hao nhắm vào tâm lý chán chường của dân Mỹ, 2) thành lâp một tiểu vương quốc Hồi giáo trong khu vực, 3) để tiến tới một Vương quốc rộng lớn hơn, 4) rồi tấn công và thôn tính các chế độ Hồi giáo chung quanh Iraq như Syria, Kuweit, Saudi Arabia và Jordan để 5) từ một Đế quốc Hồi giáo thống nhất này tiêu diệt luôn quốc gia Israel của dân Do Thái.

Nhưng ngày nay, khi al-Qaeda đề ra chiến lược ấy bị tê liệt và hậm hực oán than, lực lượng xưng danh Thánh đế thoát thai từ al-Qaeda lại có một "tiểu vương quốc" với tám triệu dân và một két bạc lên tới hàng tỷ.

Sau khi dựng lá cờ đen trên một vùng hỗn loạn bát ngát, quân khủng bố IS này đã đốt lên một ngọn hải đăng của quỷ dữ, thành trung tâm thu hút những nhóm Thánh chiến lẻ tẻ trong cộng đồng Hồi giáo toàn cầu. Từ Bắc Phi, Trung Đông, Âu Châu, Đông Nam Á, như Nam Dương và Mã Lai Á cho tới Hoa Kỳ, nhiều cơ sở "Thánh chiến" tự động thành hình để quyên tiền, gom súng và kết nạp đặc công cho quân khủng bố.

Tương lai của lực lượng này tùy vào phản ứng và khả năng huy động của các nhóm Thánh chiến nằm rải rác trên toàn cầu.

Khi đó, ta trở về chuyện Hoa Kỳ.


***

Đầu năm nay, Tổng thống Barack Obama đánh giá lực lượng này như một đội bóng tay mơ, một "junior varsity team" không đáng kể. Obama không ngây ngô mà thật ra gian trá vì từ cả năm nay đã được các cơ quan tình báo tường trình về sự lớn mạnh của lực lượnh ISIL. 

Tháng Tám vừa qua, Obama mới ngây ngô thật khi nói với quốc dân và thế giới trong một cuộc họp báo, rằng Chính quyền của ông chưa có một chiến lược đối phó với một mối nguy ông so sánh với bệnh ung thư. Lời tuyên bố khiến ban tham mưu về an ninh và quân sự bàng hoàng vị họ đã đề nghị nhiều chiến lược chưa được Tổng thống cứu xét.

Tuần này, qua tới Âu Châu dự thượng đỉnh của Minh ước NATO, trong cùng một bài diễn văn, ông nói ra dăm ba mâu thuẫn, rằng phải tiêu diệt quân khủng bố ISIL, nhưng sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế, để khoanh vùng và thu gọn thành vấn đề có thể giải quyết được.

Đôi lúc xuất thần, người ngu đến mấy cũng có thể thốt ra điều sáng. Những mâu thuẫn nói trên có thể là một chiến lược tiệm tiến. Việc diệt trừ quân khủng bố phải là mục tiêu của Hoa Kỳ. Muốn vậy, nước Mỹ sẽ hợp tác với các nước đang bị đe dọa để giới hạn rồi đẩy lui sự bành trướng của quân khủng bố vào từng vùng nhỏ. Cho tới ngày có thể tiêu diệt hệ thống đầu não....

Nhưng, khi nhìn vào các cơ sở Thánh chiến tự phát, tiềm năng phát triển của Thánh đế Hồi giáo. ai cũng có thể thấy một nhu cầu căn bản, là tư tưởng hay ý thức hệ. Thế giới Hồi giáo và những người theo đạo Hồi không thể tiếp tục nín thinh để một thiểu số cuồng tín trở thành lực lượng cuồng sát.

Muốn như vây thì phải từ bỏ lập luận mị dân và xưng tội mà Obama đã đưa ra từ năm năm trước qua các bài diễn văn đọc tại Cairo và Ankara. Nghĩa là Hoa Kỳ phải chờ một Tổng thống khác. 

Và các nhà báo Mỹ phải giữ lấy cái đầu mà đừng tung hô nhảm nhí về một Tổng thống có thể đứng ngang tầm Thượng đế.   

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Công thức thịnh vượng nào cho Việt Nam?

Động lực phát triển của một dân tộc có thể gói gọn trong ba chữ EEC - emotion (cảm xúc); enlightenment (sự khai sáng) và coordination (tính phối thuộc) - Ts. Vũ Minh Khương, ĐHQG Singapore phân tích động lực phát triển của một dân tộc. VietNamNet trân trọng giới thiệu cuộc đối thoại trực tuyến với Ts. Vũ Minh Khương quanh chủ đề: Việt Nam và cơ hội trỗi dậy từ thách thức.
thịnh vượng, phát triển, giàu có
TS Vũ Minh Khương (trái) và nhà báo Việt Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Giấc mơ Việt Nam
Nhà báo Việt Lâm: Xin chào quý độc giả Vietnamnet. Vươn lên thịnh vượng có lẽ là khát vọng chung của mọi dân tộc. Lâu nay các nhà chính trị, kinh tế trên toàn thế giới vẫn đi tìm câu trả lời: Vì sao có quốc gia thành công nhưng cũng có không ít nước thất bại mặc dù họ có cùng xuất phát điểm thậm chí chia sẻ những tương đồng về văn hóa và chính trị? Liệu có công thức chính sách nào cho mọi quốc gia trên đường đi đến phồn vinh hay không?

Câu hỏi đó có lẽ càng trở nên đau đáu với mọi người dân Việt Nam. Để góp phần đi tìm câu trả lời cho câu hỏi rất quan trọng này, VietNamNet tổ chức thảo luận trực tuyến với ông Vũ Minh Khương, Tiến sỹ về kinh tế học phát triển tại Đại học Harvard và hiện là Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore. Ông cũng là nhân vật quen thuộc với bạn đọc hơn 10 năm qua với các bài viết sắc sảo và tâm huyết về các vấn đề phát triển của Việt Nam.

Trước hết, xin được bắt đầu cuộc thảo luận ngày hôm nay của chúng ta với những chia sẻ của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cách đây chưa lâu trên báo Tuổi Trẻ. "Cách đây bốn, năm mươi năm thì Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương, sau mấy mươi năm tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam hiện có 90.000 người sống tại Hàn Quốc chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc ở Việt Nam làm ông chủ còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì làm ôsin, nghe mà xót lòng!". Ông nghĩ sao về suy tư trên?

TS Vũ Minh Khương: Tôi rất đồng cảm với ý kiến sâu sắc và đầy xúc cảm của anh Vũ Ngọc Hoàng. Tôi cũng đã gặp anh Vũ Ngọc Hoàng và ấn tượng với con người đầy tâm huyết này. Chúng ta cùng chia sẻ sự trăn trở về vận mệnh của đất nước. Nhìn lại câu chuyện của Hàn Quốc, đây cũng là mối quan tâm chung của toàn thế giới. Bởi năm 1960, Hàn Quốc và Philippines tương đồng về mọi mặt. Thậm chí, Philippines lợi thế hơn rất nhiều như sự hỗ trợ của quốc tế, dân trí khá tốt, tiếng Anh thông thạo. Lúc đó mọi người dự báo rằng, một ngày nào đó Hàn Quốc sẽ kém xa Philippines và Philippines đã sẵn sàng cho sự phát triển thịnh vượng. Thế nhưng ba mươi năm sau, nhìn lại Hàn Quốc đã tổ chức được Olympic thế giới và khẳng định được vị thế một dân tộc đang trỗi dậy rất mạnh mẽ.

Vì sao dân tộc họ đi được nhanh như thế? Việc trì trệ có thể nhiều lý giải, nhưng để cất cánh thì rõ ràng có bài học rất lớn mà các nước muốn trỗi dậy phải học hỏi. Robert Lucas, một giáo sư Mỹ nổi tiếng, kinh tế gia đoạt giải Nobel có nói rằng: "nếu ta hiểu được thấu đáo con đường đi đến phồn vinh của một dân tộc thì chắc chắn ta sẽ làm ra được một cái thần kỳ khác tương tự như thế".

Hơn 10 năm nay sau khi rời công việc của Chính phủ (TS. Vũ Minh Khương từng là Chánh văn phòng Thành uỷ Hải Phòng - xem thêm Chuyện về một TS Harvard người Việt), tôi cũng đã tìm hiểu với một lòng đau đáu như Việt Lâm vừa nói, rằng có một ngày nào đó không xa đâu, kỉ niệm 100 năm độc lập của Việt Nam ta, dân tộc mình sẽ ngẩng đầu hùng cường và có thể đi khắp thế giới để chia sẻ kinh nghiệm thành công. Chúng ta thoát khỏi chiến tranh và chấp nhận muôn vàn hi sinh để một ngày nào đó chúng ta có thể tự hào rằng chúng ta không chỉ vươn tới phồn vinh mà còn chia sẻ kinh nghiệm với thế giới làm sao để bồi đắp hòa bình, xây dựng tình hữu nghị và thịnh vượng chung.

Bí kíp EEC

Nhà báo Việt Lâm:Được biết ông cũng là tác giả của cuốn sách gây chú ý trong giới làm chính sách và nghiên cứu kinh tế với tựa đề "The Dynamics of Economic growth: Policy insights from comparative and analyses in Asia (tạm dịch: Những động lực của tăng trưởng kinh tế: Góc nhìn chính sách từ các phân tích so sánh ở châu Á). Qua phân tích mô hình phát triển của 16 quốc gia Châu Á, ông thấy có thể đúc kết những bài học nào?

TS. Vũ Minh Khương: Quá trình phát triển của các dân tộc tổng kết lại bằng tiếng Anh chỉ có 3 chữ "EEC". E thứ nhất là emotion, trong tiếng Anh người ta còn chơi chữ tốt hơn: "E stands for Energy" nghĩa là năng lượng, motion là chuyển động. Đây là cội nguồn và động lực trung tâm của mọi quá trình cải biến. Bởi vì phát triển kinh tế không phải chỉ là quá trình đầu tư đơn thuần mà đây là công cuộc cải biến vĩ đại đòi hỏi sự chuyển động rất lớn, nói cách khác con người phải có xúc cảm rất cao. Emotion có hai trạng thái quan trọng. Trạng thái thấp của emotion chỉ đơn thuần là cảm xúc, thường là nghi kỵ, bi quan, ức chế. Nếu chỉ đơn thuần giải phóng năng lượng xúc cảm ở trạng thái thấp như thế sẽ gây ra những rối loạn, thậm chí phức tạp và bất ổn. Chẳng hạn chúng ta thấy ở cấp độ quốc gia, công ty thì đơn từ kiện tụng triền miên.

Tuy nhiên, nếu nâng được xúc cảm lên cấp độ cao hơn, "aspiration", là khát vọng, là sự lo lắng cho vận mệnh dân tộc và ý thức trách nhiệm với tương lai. Khi xúc cảm ở dạng này được giải phóng ra thì năng lượng vô cùng lớn. Tổng thống Park Chun Hee khi khởi xướng cuộc cải cách cho Hàn Quốc, đã tuyên bố rõ: "Tôi mong muốn từng ngày làm cho Hàn Quốc đuổi kịp Nhật Bản". Đó là lời thề thiêng liêng, lời tuyên thệ về phồn vinh của dân tộc. Động lực xúc cảm này truyền tải rất mạnh mẽ đến giới tinh hoa. Cái hay là trước đó, dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn, các tập đoàn, công ty tham nhũng triền miên nhưng ông Park Chun Hee không bắt tù họ, mà mời họ cùng ngồi với Chính phủ để bàn bạc làm gì để dân tộc Hàn Quốc tiến lên, đối phó được với sự đe doạ của bên ngoài và tình thế thế giới đang khắc nghiệt như thế. Họ đã chụm đầu với nhau và đi những bước thần kỳ.

Phải nói rằng dân tộc Hàn Quốc ngày đấy còn đói khát, khổ sở hơn nước ta rất nhiều. Đầu tư nước ngoài không đáng kể, chỉ có một số trợ giúp nhất định của Mỹ và bồi thường chiến tranh của Nhật Bản. Nhưng dân tộc họ tràn đầy xúc cảm, khát vọng vươn lên, từ người lãnh đạo đến doanh nghiệp và người dân.

Chữ E thứ 2 là Enlightenment, nghĩa là độ khai sáng, mà độ khai sáng phải luôn luôn trau dồi, phải nhận thức rõ bối cảnh thế giới, tri thức về thế giới của mình phải thông suốt. Tư duy của mình phải học hỏi, mở mang, quý trọng đồng bào mình, quý trọng các cộng đồng xung quanh, phải liên tục học hỏi. Chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của sự khai sáng từ cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản đến các cải cách của các nước sau này như Hàn Quốc, Singapore, thậm chí Trung Quốc với cải cách của Đặng Tiểu Bình. Điều quan trọng nhất là người lãnh đạo phải khai sáng, nếu không sẽ bị sa lầy vào những khủng hoảng không cần thiết như Nga hoặc Trung Quốc hiện nay. Những biểu hiện có thể thấy là họ hà khắc với dân tộc thiểu số, không coi trọng láng giềng, coi thường quy luật phát triển của lịch sử. Ngay cả trong chống tham nhũng, lẽ ra phải xây dựng những cơ chế khiến người ta không tham nhũng được, thay vì phát động đại chiến dịch "đả hổ diệt ruồi". Khi độ khai sáng có dấu hiệu đi xuống, chắc chắn đất nước ấy sẽ gặp khó khăn trên con đường phát triển trong thời gian tới.

Tôi muốn lưu ý rằng, enlightenment là yếu tố luôn luôn tự khai sáng chính mình chứ không phải anh có khai sáng rồi là yên tâm. Đây là quá trình học hỏi không ngừng, luôn luôn xem lại mình và nhìn lại người khác, nhìn sang người khác để thấy cái hay của người khác để học hỏi, cái dở của người khác để tránh. Đấy là trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm của tri thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của từng người dân.

Chữ C - chân kiềng thứ ba là Coordination - tính phối thuộc, đòi hỏi đội ngũ có năng lực. Động lực phát triển của một dân tộc phải được hiện thực hoá thành những chương trình hành động cụ thể, dưới sự dẫn dắt, điều hành và phối hợp của những con người cụ thể.

Nhà báo Việt Lâm:Vậy ông nhìn nhận ra sao về ba yếu tố này ở Việt Nam hiện  nay?

Ts. Vũ Minh Khương: Tôi thấy tương đối vui vì xúc cảm và khai sáng của người Việt Nam mình trong vài chục năm đổi mới vừa qua có sự vượt bậc. Tôi có thể cảm nhận được điều này khi nói chuyện với những người dân bình thường, trí thức, doanh nghiệp và cả lãnh đạo Chính phủ. Tôi cho rằng đây là bước tiến rất quan trọng để làm tiền đề cho sự trỗi dậy của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, tính phối thuộc sẽ là trở ngại, thách thức lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tính phối thuộc thế nào cho chặt chẽ phải dựa vào chiến lược phát triển. Chiến lược phát triển tức là mình đi đến đâu trong vòng 30 năm tới bởi thời gian gấp rút lắm rồi. Nếu một dân tộc hi sinh hàng triệu con người, mất mát hàng thập kỷ vì chiến tranh mà năm 2045 lại tỏa đi các nơi làm thuê, tôi cho rằng chưa xứng đáng là đã sản sinh ra những con người vĩ đại như Trần Hưng Đạo, Bác Hồ (Hồ Chí Minh), Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thấy chúng ta phải xứng đáng hơn với thế hệ đi trước.

Xét những trùng hợp thú vị về những dấu mốc thời gian quan trọng của Việt Nam, 1945, 1975 thì nếu năm 2015 chúng ta khởi đầu bằng công cuộc cải cách vĩ đại như thế, để ba thập kỷ tới, vào năm 2045 tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ thực sự cất cánh. Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được điều thần kỳ đó. Tôi đã các cuộc nói chuyện với một số nhà lãnh đạo Chính phủ về những vấn đề mà chúng ta đang trao đổi và càng thấy tự tin hơn. Bởi tôi thấy chúng ta có những con người sẵn sàng đảm đương và làm hết lòng với những công việc được phân công. Điều đó rất đáng quý.

thịnh vượng, phát triển, giàu có
TS Vũ Minh Khương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xoay lợi ích nhóm thành lợi ích dân tộc

Nhà báo Việt Lâm:Đúng là như ông nói, các yếu tố về cảm xúc và khai sáng đã hiện diện đây đó. Ở nhiều nước khác, có khi các nhà lãnh đạo phải lo lắng trước tình trạng thờ ơ của dân chúng với chính trị nhưng ở Việt Nam, người dân rất quan tâm và trăn trở trước thời cuộc. Chúng ta đã từng chứng kiến hàng triệu ý kiến góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng hay đường lối phát triển của đất nước. Mới đây thôi, cũng có hàng chục triệu ý kiến tham gia thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp. Chúng ta cũng được chứng kiến không ít nhà lãnh đạo đã chia sẻ suy tư về khoảng cách phát triển giữa VN với thế giới. Rõ ràng đang có một nguồn cảm xúc rất cháy bỏng cho sự trỗi dậy của đất nước. Nhưng mặt trái của nó lại là nếu như năng lượng cảm xúc không hoá giải thành hành động cụ thể thì có thể dẫn tới sự mệt mỏi, hoài nghi, thậm chí một ngày nào đó sẽ biến thành sự vô cảm. Ông nghĩ sao về nguy cơ này?
  Tôi cảm nhận được nguy cơ này đang cận kề. Đây là lúc cần nhất đến vai trò người lãnh đạo. Tất nhiên giới trí thức, giới doanh nhân cũng như tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều phải có trách nhiệm trong công cuộc đổi thay này của đất nước. Nhưng rõ ràng người lãnh đạo phải là người khởi xướng. Vai trò của người lãnh đạo khởi đầu từ đâu tôi sẽ bàn sau nhưng trước khi đi vào bước cụ thể chúng ta phải thống nhất với nhau về nguyên lý hành động đã.

Về nguyên lý, chúng ta hoàn toàn có thể biến những hạn chế hiện nay thành sức mạnh. Chẳng hạn như ba vấn đề mà người ta cứ hay than phiền ở VN hiện nay, như "bệnh thành tích", lợi ích nhóm hay chủ nghĩa bảo thủ. Nếu có một chiến lược tốt, hoàn toàn có thể xoay chuyển chúng theo hướng tích cực.

Ví dụ như bệnh thành tích. Ở nước ngoài người ta nói bệnh thành tích là tốt chứ, bởi vì người ta cố gắng làm để đạt được chỉ số tốt. Vậy thay vì chạy theo điểm số, tại sao không chọn thành tích đem lại sự đổi thay cho đất nước, tôn trọng nhân dân, dân chủ hóa như là thành tích tối thượng mà lãnh đạo các cấp cũng như nhân dân được hưởng.

Nhóm lợi ích xét ở mặt nào đó cũng có ý nghĩa tích cực, bởi lẽ con người ai cũng có lợi ích riêng. Vậy nhà lãnh đạo làm sao xoay lợi ích riêng, lợi ích nhóm thành lợi ích quốc gia, giống như để cho Huyndai, Samsung, LG không chỉ phồn vinh thịnh vượng mà còn đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước. Cái đấy thực ra chỉ cần một cú click để xoay trục nếu có sự phối thuộc tốt.

Thứ ba, chúng ta hay than phiền nhóm này, nhóm kia bảo thủ. Thế nhưng chính Đảng Bảo thủ của bà Thatcher lại là người khởi xướng cuộc cải cách nước Anh một cách kỳ vĩ bởi họ có nguyên lý bảo thủ đảm bảo sự tồn vong của dân tộc họ. Chúng ta cũng có những nguyên lý bảo thủ, chứ không phải nói cứ học Tây hết đi là không được. Vấn đề là xoay những nguyên lý đó theo hướng phục vụ lợi ích dân tộc, vì một mục tiêu cháy bỏng đưa đất nước tới hùng cường.

(còn tiếp)
(Tuần Việt Nam)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

" Trời mang lại tập quán cho ta thay hạnh phúc - Nhưng anh thì anh nói khác: Thà cháy lên như địa ngục còn hơn" H.N

Sống dưới bóng "quyền lực vô hình"
Từ lâu đã thành thông lệ, sau màn đọc "kính thưa", "kính gửi" của vài quan chức, diễn đàn trao đổi ngay lập tức được dựng lên và vận hành bởi số ít nhà khoa học "lão làng"tóc đã muối tiêu.
Nhiều nghiên cứu đã ca ngợi tập quán "trọng xỉ" như nét đẹp văn hóa của người Việt. Ấy là việc dành kính trọng, ưu tiên cho người già. Điều này thể hiện qua nhiều thế ứng xử như dành chỗ ngồi trang trọng nhất, lễ mừng thọ hay tiếng nói của họ luôn có trọng lượng... Tập quán này phổ biến ở nhiều cộng đồng khác ở nước ta cũng như trên thế giới và đây được coi là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến ở xã hội nông nghiệp.

Đây là một giá trị văn hóa nhân văn, cần được lưu giữ. Điều cần bàn ở đây là việc làm sao để nét đẹp ứng xử này không bị lạm dụng, thành vật cản cho phát triển bởi trong nhiều trường hợp, tâm lí trọng tuổi tác đã bị biến tướng

"Ma cũ" và "ma mới"


Như một thứ thông lệ ở nhiều nơi, kẻ vào sau luôn phải "nhún nhường" với người trước. Ở chừng mực nào đó, thâm niên công tác như một thứ quyền lực vô hình, mặc nhiên gắn với đâu đó đặc quyền nhất định dù cho trong khá nhiều trường hợp, người có ít thâm niên hơn lại có năng lực, những đóng góp cụ thể và hiệu quả hơn.

Ở nhiều cơ quan, việc xét lên lương trước hạn hay đi nước ngoài từ lâu ngầm định ưu tiên cán bộ có thâm niên hay sắp về hưu. Nghịch lí ở chỗ việc này cứ "tự nhiên" được quyết định mà không gặp bất cứ ý kiến phản biện nào. Nhiều trường hợp người được xét lên lương không có thành tích gì nổi bật; người được cử đi nước ngoài không có chuyên môn phù hợp, không có đủ trình độ ngoại ngữ. Tiền thuế của dân hồn nhiên được sử dụng mà hiệu quả đem lại cứ thầm lặng đến vô cùng...

Việc thi nâng ngạch ở nhiều cơ quan khoa học cũng vậy. Hệ số lương được coi như một trong yêu cầu bắt buộc, quyết định đến việc ai đó có đủ tiêu chuẩn thi hay không. Mà hệ số lương thì đa phần đồng nghĩa với số năm công tác. Dẫn đến không ít cán bộ trẻ có năng lực, có thành tích nhưng vẫn phải "sống mòn" đếm thời gian đến ngày lên lương và do đó, đồng lương của họ thấp hơn so với đâu đó nhiều đồng nghiệp có thâm niên hơn dẫu cho cống hiến cả vô hình và hữu hình của người "đứng sau" lại vượt trội so với của kẻ "ngồi trước". Thời gian thì trôi chậm và lòng người cứ phân ưu.

Rồi nữa, trong nhiều hội thảo khoa học, từ lâu đã thành thông lệ, sau màn "kính thưa" của vài vị quan chức, diễn đàn trao đổi ngay lập tức được dựng lên và vận hành bởi số ít nhà khoa học "lão làng". Đa phần những trao đi đổi lại này chỉ diễn ra giữa một nhóm nhà khoa học chí ít thì tóc cũng đã muối tiêu và càng đáng tiếc hơn khi đa phần người nghe cứ mệt nhoài đến độ lạc lối nếu muốn tìm kiếm những điều mới mẻ từ các thảo luận đó. Cán bộ trẻ nên ngoan ngoãn ngồi tít phía sau, tốt nhất là im lặng mà nghe hay làm gì khác thì tùy miễn là đừng có ý kiến này, ý kiến nọ. Chân lí chưa bao giờ sẵn sàng nhìn về phía tương lai mà dường như vẫn còn mải chìm đắm đâu đó trong hào quang quá khứ?

Để măng mọc khi tre chưa già
Cổ nhân đã từng dạy “con hơn cha là nhà có phúc” và vị GS lừng danh Trần Quốc Vượng đã “chua” thêm một câu là “trò hơn thầy, đức nước càng dày”.

Thông điệp gửi gắm quá rõ: một xã hội chỉ phát triển khi thế hệ sau tiến xa hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn. Điều này đúng ra phải là hiển nhiên bởi lớp đi sau được kế thừa từ người đi trước, có nền móng nhất định để tiếp bước, phát triển hơn.

Lí thuyết là vậy nhưng trên thực tế, để “măng mọc” trước khi “tre già”, một trong những việc cần làm là thay đổi quan niệm “sống lâu lên lão làng” hay tránh đồng nhất tuổi tác với các giá trị khác. “Manh áo” chẳng bao giờ làm nên “thầy tu”, tuổi tác không nhất thiết phải là sự bảo đảm cho chân lí. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong phạm vi các cơ quan khoa học.

Sẽ là một cú hích quan trọng cho hoạt động nghiên cứu khoa học nước nhà nếu có những chính sách đặc thù, khuyến khích, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển. Cứ nhìn quy định thi nghiên cứu viên, giảng viên chính hay cao cấp hiện nay sẽ thấy sự bất cập của nó đã hạn chế các nhà khoa học trẻ thế nào.

Muốn thi từ nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính, ứng viên phải có 9 năm công tác liên tục, với hệ số lương tối thiểu là 3,66. Yêu cầu này là 6 năm ở ngạch nghiên cứu viên chính đối với ứng viên muốn thi lên bậc cao cấp. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại cứ phải là 9 năm ở bậc này và 6 năm với bậc khác?

Ai cũng biết rằng cùng trong khoảng thời gian ấy, mỗi nhà khoa học, do nhiều lí do có thể sức cống hiến khác nhau. Thành tựu khoa học của một người 25 tuổi vì thế không nhất thiết phải ít hơn so với đồng nghiệp 35 tuổi.

Gần đây, một dự thảo mới được xây dựng, đề xuất cứ ai có bằng tiến sĩ sẽ được mặc định chuyển lên bậc “chính” hay từ phó giáo sư trở lên sẽ tự động được coi là bậc “cao cấp”. Và thế là tấm áo tuổi tác được thay bằng tấm áo học vị. Thay vì “sống lâu lên lão làng”, người ta rồi đây sẽ đua nhau “làm” tiến sĩ, phó giáo sư để được nâng ngạch, vừa oai, vừa tự động được tăng lương…

Một thực tế buồn là chúng ta có quá ít quỹ tài trợ nghiên cứu dành cho các nhà khoa học trẻ trong khi điều này khá phổ biến ở nhiều nước. Hầu hết các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu do chính phủ tài trợ hiện nay quy định học hàm, học vị, ngạch nghiên cứu nhất định. Nghiên cứu viên thì đương nhiên không được giao chủ nhiệm đề tài cấp bộ là một ví dụ. Điều này dẫn đến một hệ quả nguy hại là nhiều nhà khoa học trẻ không có cơ hội, nguồn lực cần thiết để tổ chức nghiên cứu theo hướng mình say mê. Sức trẻ, sự nhiệt huyết, tính sáng tạo, tất cả nội lực của họ phần lớn chỉ dùng vào việc “điếu đóm” trong các đề tài do người khác chủ nhiệm. Nhiều khi nằm ngoài hướng quan tâm của họ.

“Măng” chưa mọc, làm sao có “tre”?

Một nền khoa học phát triển cần có các chính sách cụ thể khuyến khích sự phát triển của giới trẻ. Điều đó đảm bảo không chỉ tính kế thừa, liên tục mà còn sức sáng tạo, lan tỏa, phát triển cho không chỉ nền khoa học mà cả xã hội.

Đã và đang có nhiều đề nghị tăng thời gian làm việc cho các nhà khoa học có học hàm, học vị, còn khả năng, sức lực cống hiến. Nếu chính sách này bị lợi dụng không đúng đối tượng sẽ vô tình kìm hãm cơ hội phát triển của người trẻ.

Tấm áo tuổi tác, giống như học hàm, học vị vì thế không và đừng bao giờ trở thành vật trang trí. Lịch sử nhân loại đã minh chứng đấy thôi. Bao phát kiến vĩ đại được viết nên bởi những mái đầu xanh. Nhiều trong số họ còn chưa kịp có bất cứ học hàm, học vị gì để lưu danh hậu thế.

Nguyễn Công Thảo
(Tuần Việt Nam)

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/195670/song-duoi-bong--quyen-luc-vo-hinh-.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có nhẽ cụ Vĩnh là người hiểu TQ nhất!

Nguyễn Trọng Vĩnh: TRƯỜNG SA CỦA CHÚNG TA SẼ BỊ UY HIẾP


 .

Trường Sa của chúng ta sẽ bị uy hiếp

Nguyễn Trọng Vĩnh

08-09-2014

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, nhân dân ta phẫn nộ đấu tranh quyết liệt, báo chí dư luận thế giới phê phán như tát nước vào mặt Trung Quốc, tiếc rằng lãnh đạo Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội kiện Trung Quốc. Rát mặt quá, giới cầm quyền Trung Quốc tạm rút giàn khoan đi nơi khác để tình hình lắng dịu xuống. Nhưng âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông không thay đổi, họ vẫn dựa vào cái “lưỡi bò” phi lý, phi pháp của họ để tuyên bố chủ quyền biển, đảo của họ trong đó và họ vẫn từng bước lặng lẽ tiếp tục hành động…

Trung Quốc là kẻ cướp đất, cướp biển, Việt Nam là nạn nhân, Trung Quốc là kẻ mạnh, đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng đi cầu hòa là ở thế yếu. Thông thường thì trong đàm phán, kẻ mạnh thường áp đặt điều kiện cho kẻ yếu. Ví dụ như trong đàm phán về lập lại quan hệ bình thường ở Thành Đô, do Việt Nam ở thế yếu nên sau khi đoàn về, phía lãnh đạo ta không còn đả động gì đến cuộc xâm lược của Trung Quốc vào các tỉnh biên giới của ta năm 1979, đến cuộc đánh chiếm điểm 1509 trong huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Không truy tặng liệt sĩ cho bộ đội chiến đấu hy sinh năm ấy và 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh năm 1988 ở Gacma. Không ai chăm sóc mồ mả và hương khói cho các liệt sĩ, sau đó là Bộ Trưởng Ngoại giao đầy tài năng Nguyễn Cơ Thạch đã sớm biết rõ dã tâm của Trung Quốc, mất chức.

Đối với “đặc phái viên” Lê Hồng Anh, phía Trung Quốc có nêu điều kiện gì không thì không biết. Trong hội đàm với Lưu Vân Sơn, đặc phái viên Lê Hồng Anh cầm giấy đọc, nội dung những gì thì không được biết. Sau đó Lưu Vân Sơn phát biểu, khi hội kiến TBT Tập Cận Bình thì Tập Cận Bình cũng phát biểu.

Qua báo chí công khai của cả ở Việt Nam và Trung Quốc, tổng hợp lại phát biểu của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc cơ bản không có gì mới, chủ yếu vẫn là những câu phỉnh phờ, mê hoặc, “ăn người’ lâu nay họ từng nói, nào là: Trung Quốc rất tôn trọng Việt Nam, là hai nước láng giềng không tránh khỏi “va chạm” (!), vấn đề chính là xử lý như thế nào…, mâu thuẫn ở Nam Hải (Biển Đông) song phương đàm phán tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, hợp tác cùng khai thác, cùng là Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng có mục đích xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cần thường xuyên giao lưu trao đổi ý kiến, lấy đại cục quan hệ Trung – Việt làm trọng, giữ gìn truyền thống hữu nghị giữa hai nước, kiên trì phương châm 16 chữ và 4 tốt, hai bên quan tâm định hướng dư luận nhân dân hai nước…

Thử phân tích xem những nhà lãnh đạo Trung Quốc nói như trên có thật không và có ý gì? 

-Trung Quốc rất tôn trọng Việt NamCó thật vậy không? Vài năm trước báo chí Trung Quốc không ngớt thóa mạ và đe dọa Việt Nam, nào là Việt Nam là lang sói, là quân ăn cháo đá bát, phải dạy cho Việt Nam bài học thứ hai, gần đây trong chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì, báo Trung Quốc còn đăng câu: “Hãy đưa đứa con hoang đãng trở về” (ám chỉ Việt Nam). Lần này họ nói với Việt Nam như thế để buộc chặt Việt Nam vào cỗ xe của họ. Đừng gần gũi quá với họ.

- Hai nước láng giềng có “va chạm” nhau là điều không tránh khỏi, quan trọng là xử lý thế nào… Trung Quốc lấn, cướp của Việt Nam chứ đâu phải là va chạm, họ muốn ta không đấu tranh, không làm ồn ào, các mâu thuẫn họ gây ra ở Biển Đông, họ muốn ta đàm phán “song phương” để dễ bắt nạt, đồng thời chia rẽ ta với các nước Đông Nam Á. 

Hợp tác cùng khai thác:Trước đây Đặng Tiểu Bình đã từng nêu “Chủ quyền về ta” (Trung Quốc), gác tranh chấp cùng khai thác”. Nay họ tạm giấu đi mấy chữ “chủ quyền về ta” để dỗ ta cho khai thác trong phạm vi thuộc chủ quyền của ta.

-Gìn giữ truyền thống hữu nghị giữa hai nướcLàm gì có truyền thống hữu nghị mà giữ gìn? Ai cũng biết từ các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến thời Đặng Tiểu Bình đều đem quân xâm chiếm nước ta, giết hại nhân dân ta, Đặng còn cướp Hoàng Sa của ta, lấn thác, lấn đất biên giới, lấn Vịnh Bắc Bộ của ta. Ngay trong hai cuộc kháng chiến, Trung Quốc có giúp ta nhưng cũng có lợi ích của họ đồng thời cũng nhằm thu phục ta vào vòng tay của họ. Khi ta thắng lợi, họ lại phản bội ta. Giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ có xâm lược và chống xâm lược mới là truyền thống.

Hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều có chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm:Từ khi Đặng Tiểu Bình phát biểu: “Mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt” thì thực tế Trung Quốc đã từ bỏ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin, rẽ theo con đường khác rồi, nên ba thập niên qua, họ đã tiến những bước khổng lồ. Họ vẫn nêu “xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc nhưng họ đương thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình để trở thành một thứ Đế chế hùng cường. Còn Việt Nam thì đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trên mây. Họ cứ nói bừa cùng chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội để buộc ta với họ, không  ngả về Mỹ.

Kiên trì phương châm “16 chữ, 4 tốt”, định hướng dư luận nhân dân:Từ khi nêu ra chiêu ấy, chỉ có lãnh đạo Việt Nam thực hiện, Trung Quốc có thực hiện đâu? Toàn làm ngược lại, còn yêu cầu Việt Nam tuyên truyền cho thứ “hữu nghị giả dối” ấy, ngăn chặn tuyên truyền và biểu tình chống Trung Quốc.

Đoạn trình bày trên đây cho thấy giới cầm quyền Trung Quốc có tài lừa phỉnh, có tài đổi trắng thay đen, đem 60 vạn quân xâm lược nước ta, lại nói là “phản kích tự vệ”, đánh cướp đảo của Việt Nam lại nói là “thu hồi”, đưa hàng trăm tàu có cả tàu chiến, đâm hỏng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta lại nói là “tàu Việt Nam khiêu khích”. Giới cầm quyền Trung Quốc, chuyên nói một đàng làm một nẻo, mồm nói “hữu nghị”, nhưng đương chuẩn bị căn cứ để “đánh chiếm đảo”, cụ thể là: Gần đây máy bay do thám của nước ngoài cho biết trên bãi đá Gacma không người ở trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của chúng ta năm 1988, Trung Quốc đương đổ cát đá để xây dựng Gacma và các bãi đá xung quanh thành các đảo nhân tạo nhằm khẳng định chủ quyền của họ đồng thời sẽ xây dựng thành căn cứ chiến đấu có đường cho máy bay cất, hạ cánh. Sự kiện nguy hiểm này lẽ nào lãnh đạo và Bộ Quốc phòng Việt Nam lại không biết. Bộ máy truyền thông không đả động, lãnh đạo vẫn im lặng.

Nếu giới cầm quyền nước ta không sớm tố cáo, đấu tranh, lại bưng bít thông tin, không để cho nhân dân đấu  tranh… để đến khi căn cứ quân sự của Trung Quốc hoàn thành sẽ trở thành sự uy hiếp nặng nề đối với quần đảo Trường Sa của chúng ta. Không hành động, không chuẩn bị là có tội với Tổ quốc./. 

N. T. V.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang