Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

TỔNG QUAN VỀ HỒI KÝ TÔ HOÀI

Tô Hoài sinh năm 1920 nhưng không biết ngày tháng dương lịch.

Bà cụ bảo sinh vào đêm rằm Trung Thu. 
Chiều Chiều 
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chìu ruột đau
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu
Chiều chiều nhớ lại. Chiều chiều lại nhớ. Lại nhớ chiều chiều. . .
Chiều Chiều, hồi ký văn học viết xong 1997, xuất bản 1999, là tác  phẩm quan trọng của Tô Hoài, sau khoảng 170 đầu sách, gồm có truyện ngắn, truyện dài, truyện cho thiếu nhi, truyện phim, và khoảng mươi tự truyện kể từ Cỏ Dại, 1944, đến Tự Truyện, 1978, Cát Bụi Chân Ai, 1992,  Sổ tay viết văn, 1977, Những Gương Mặt, 1988, Ba ngừời Khác ,2006. Những dư địa ký về Hà Nội và nhiều ký sự, du ký...
Và nói chung, kể cả những truyện hư cấu, truyện lịch sử... Tô Hoài viết cái gì thì cũng ra... tự truyện. Anh nhẩn nha kể hết chuyện này sang chuyện khác nhưng mỗi tác phẩm đều mang đến cho người đọc nhiều kiến thức mới lạ và lý thú. Thậm chí giọng kể mỗi lần mỗi khác. Ví dụ Cát Bụi Chân Ai đã đem lại  nhiều hiểu biết về Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu và một thời đại văn học. Tưởng đến đó là hết chuyện, nhưng Chiều Chiều lại mang lại nhiều ánh sáng mới, rọi chiếu vào một giai đoạn dài và nhiều truân chuyên trong xã hội và văn học từ 1955 đến nay. Ngày nay không thể viết phê bình hay lịch sử văn học mà không đọc đi đọc lại Tô Hoài.
Tô Hoài luôn luôn gửi gấm từng mảng đời  thật của mình vào chữ nghĩa, kể cả trong truyện ngắn, truyện dài, và có thể do đó anh không ưa dùng hai chữ tiểu thuyết. Chính Tô Hoài tự nhận điều đó trong hồi ký Một Quãng Đường viết năm 1972.
«  Sáng tác của tôi đều miêu tả tâm trạng của tôi, gia đình tôi, làng tôi,  mọi cái của mình, quanh mình. Quê Người, Giăng Thề, Xóm Giếng Ngày Xưa, trong đó có những mảnh đời, mảnh tình cỏn con của mình. Còn những chuyện loài vật tưởng như xa lạ kia cũng không ngoài cái rộn ràng hay thầm lặng của khu vườn trước cửa nhà » (Tự Truyện, 1985, tr.272).
Mỗi ký sự của Tô Hoài đều có sắc thái riêng. Ví dụ mảng hồi ký về thủ đô Hà Nội, từ Chuyện Cũ Hà Nội (1986) đến Hà Nội và Hà Nội (1996) đã đem lại những chứng từ sống động về địa dư, lịch sử, phong tục, tiếng nói của thủ đô, và nhà văn Nga Ni-cu-Lin đã tinh tế phát hiện ở nhà văn Tô Hoài một nhà dân tộc học. Viết bao nhiêu về thủ đô Hà Nội Tô Hoài vẫn còn   « tình thương chưa đã, nhớ chưa bưa »  nên thừa mọi cơ hội để tự tình với Hà Nội, từ tiểu thuyết lịch sử Quê Nhà (1970) đến Chiều Chiều.
 Tô Hoài đã viết hàng chục tập du ký. Chú Dế Mèn đã mở những trang phiêu lưu ký đến khắp các miền đất nước, sang láng giềng Lào, Campuchia, sang các nước Âu Mỹ, Á Phi, mà đỉnh cao là núi Kilimangierô, nơi Dế Mèn đã phiêu lưu đến năm 1989 (Chiều Chiều tr. 501). Du ký của Tô Hoài ăm ắp tình người và lúc nào cũng đăm đắm lòng quê.
Tiếp theo là hồi ký văn học, đặc biệt là Những Gương Mặt (1988) ghi lại chân dung đậm nét về các tác gia bạn bè từ Nguyễn Bính đến Trần Huyền Trân, đằm thắm tình nghĩa. Nổi tiếng nhất là Cát Bụi Chân Ai (1992) viết sau thời kỳ đổi mới, đã gây tiếng vang lớn. Một mặt vì nó tiết lộ nhiều sự kiện, như thái độ một số nhà văn thời kỳ đàn áp Nhân văn Giai phẩm, mặt khác vì lối viết mới mẻ, ví dụ như những trang về quan hệ đồng tính với Xuân Diệu (1992, tr. 190), những trang nồng nàn tình bạn với Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân qua bao nhiêu sóng gió. Sách được in đi in lại nhiều lần, trong nước và ngoài nước. Khi tái bản, Tô Hoài chăm chút đọc lại và thêm bớt, tuỳ nhu cầu thông tin hay tình hình cho phép. Ví dụ trong Cát Bụi Chân Ai, lần in 1997 trong Tự Truyện, anh ghi rõ tên Hoàng Huế là người năm 1956 đã mỉa mai Nguyễn Tuân «thắt cà vạt đỏ đi khắp năm châu » trên báo Đất Mới. Cũng trong Tự Truyện, ấn bản 1997, Tô Hoài thêm  một chương dài 15 trang cho Nguyễn Hữu Đang (tr. 360-374). Và nói rõ thêm về các nhà văn theo nhóm Trốt kýt (Đệ tứ), như Lam Kiều bút hiệu của Nguyễn Xuân Huy (tr. 282).
Như vậy, khi đọc Tô Hoài, dù một tác phẩm in lại, nếu đọc kỹ, chúng ta vẫn thu hoạch được những kiến thức mới và hiểu được thời tiết văn nghệ Việt Nam trong khí hậu chính trị Việt Nam: vào thời điểm nào thì có thể viết được chuyện gì, dù là chuyện tình trai, lúc nào có thể nhắc đến tên ai, dù kẻ ấy là công thần của cách mạng.
Điều lý thú khác khi đọc Chiều Chiều là những bí ẩn kia do bản thân Tô Hoài kể ra sau 50 năm sống trong guồng máy... Từ những hồ sơ, người đọc biết những gian nan một thời của Đồ Phồn, Trinh Đường, Phan Kế An... và thêm một số chuyện khác. Như về Thế Lữ, chúng ta cho rằng đả biết đầy đủ qua hồi ký của bà Song Kim; về Quang Dũng cũng vậy, qua những trang giới thiệu của Trần Lê Văn; về Lưu Hữu Phước, hồi ký Mai Văn Bộ tưởng là đã đầy đủ chi tiết về chính trị  nhưng đọc Chiều Chiều của Tô Hoài mới biết thêm nhiều oan khuất không ngờ tới. Và biết thêm về đời sống văn chương của một thời chưa xa vắng. Về những oan khiên đè nặng lên cuộc đời những Đặng Đình Hưng, Trần Đức Thảo, Trần Huyền Trân, và những gian nan của Nguyễn Bính (tr. 228). Về Phan Khôi, chúng ta đã đọc nhiều trang phê phán hay ký sự cực đoan, bên này hay bên kia, với những dụng ý ngoài văn chương. Đọc Tô Hoài sẽ bắt gặp nhiều nét bình thường trong đời sống hàng ngày, bên cạnh những ký hoạ về Hoàng Trung Thông hay Phùng Quán.
Lại thêm việc tập kết từ miền Nam, năm 1955, «  nhiều cán bộ được bố trí ở lại mất tinh thần đã đổ xô xuống tàu, không kiểm soát được, trong khi những người cần đem ra thì bỏ lại. Các trường hợp Lam Giang và Võ Phiến là như vậy » (tr. 209). Võ Phiến công nhận điều này và tỏ vẻ ngạc nhiên: Sao Tô Hoài lại biết đến Lam Giang?
Ngay về Tô Hoài, theo những tư liệu văn học phổ biến, chúng ta vẫn cho rằng truyện đầu tay của anh là Nước lên đăng ở Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan, năm 1940. Đọc Chiều Chiều mới biết thêm rằng trước đó mấy năm anh đã có Những chuyện khó hiểu đăng trên phụ trang  nhật báo Đông Pháp (tr. 496). Nước lên là truyện đầu tiên được trả tiền do đó Tô Hoài đã nhiều lần viết « tôi vào nghề bằng truyện ngắn Nước Lên » (Tự truyện, 1985, tr. 250)  gây ra một sai lầm về thư tịch.
- o O o -
Chiều Chiều là con sông dài, qua bao nhiêu ghềnh thác vẫn tiếp tục xuôi dòng hồi ức 80 năm của Tô Hoài, mà vẫn chưa hò hẹn ngày xuống đồng bằng hay đổ ra biển cả.
Vậy Chiều Chiều đã mang lại cho người đọc những cảm thụ gì mới? So với những tự truyện trước, Chiều Chiều nặng phần phê phán thời đại mà tác giả đã trải qua; ở các tác phẩm trước, Tô Hoài thường bao che, bào chữa, như là một hồi ký bao cấp. Đến Chiều Chiều, giọng kể nghiêm nghị hơn về đời sống chính trị và văn nghệ ngột ngạt những năm 1955-1970, về những sai lầm trong chính sách Cải cách ruộng đất, về những đợt học tập chiếu lệ ở trường Đảng cao cấp là trường Nguyễn Ái Quốc, về đời sống Hà Nội từ những ngày tiếp thu qua những đợt sơ tán, đặc biệt là những ngày nhà văn Tô Hoài, trưởng khu phố (1965-1972) phải đi mai phục «bắt gái điếm» (tr. 294) và «những người giặt xi líp thuê cho gái điếm »  (tr. 288) «bắt những anh Hà Nội, buổi trưa thuê phòng chơi gái» (tr. 290), hay cảnh diệt chuột, bắt mê tín, thậm chí cả việc «trông  nom hơn hai trăm cái hố xí hai ngăn của thành phố »  (tr. 301). Hà Nội thanh lịch của Tô Hoài trong các hồi ký trước, đến Chiều Chiều bỗng sực mùi bẩn thỉu, hôi hám suốt mười trang rất hiện thực mà lần đầu tiên, Tô Hoài đã dành cho «việc ỉa đái của đất Kẻ Chợ »  (tr. 300). Ngôn ngữ  này sẽ làm ngạc nhiên nhiều độc giả vì lạ lẫm ở hành văn Tô Hoài, một tác giả duy mỹ, có cả một chủ trương về chữ nghĩa, mà từ 1959 anh đã gọi là «chủ nghĩa tiếng nói». Mới đây anh có bài báo:
 « Làm sao cho mỗi chữ là một hạt ngọc trên bản thảo, hạt ngọc mới nhất của ta tìm được, do phong cách văn chương của ta mà có được. Trang sách mà không có «ngọc» , trang bản thảo không có chữ thần, không có tinh hoa chữ thì cái hồn tác phẩm, từ tư tưởng đến nhân vật, biết lấy gì mà sống được, không có chữ ngon, chữ bổ nuôi nó, trang viết gầy gùa trống rỗng rồi chết héo » (Tâm sự về chữ nghĩa, Tạp chí Văn Học, 12/1998), nhưng bài này viết đã lâu, in trong Sổ Tay Viết Văn (1959).
Chữ ỉa đái không chứng minh, mà cũng không phản biện, «chủ nghĩa tiếng nói»  của Tô Hoài; theo tôi, nó chỉ chứng tỏ cụ Tô... bực mình; cụ bất bình về chính sách vệ sinh thời đó, mà phải phớt tỉnh, cho đến Chiều Chiều thì nó bật ra. Sự đời, rồi đến tình người, cụ bực nhiều chuyện lắm; thậm chí cụ gắt gỏng ngay với con sông Tô Lịch « tuyệt vời nhất châu Á » (!) (tr. 267) mà một đời cụ chắt chiu trong trí tưởng: cái tên Tô Hoài còn có nghĩa là hoài vọng sông Tô.
Quen giọng Tô Hoài, người đọc biết được lúc ngọt lúc chua:  Ví dụ với Lê Đạt, trong Cát Bụi Chân Ai (1992, tr. 59) kể lại thời Nhân Văn Giai Phẩm và công tác Đảng, anh kể « tôi làm bí thư, Lê Đạt phó bí thư » , là ngọt; đến Chiều Chiều (tr. 106) gọi Lê Đạt là «Ông phó bí thư chi bộ cũ của tôi» là chua.
Nhưng ví dụ đậm đà nhất là Như Phong, bạn nối khố với Tô Hoài từ Mặt trận Dân chủ (1943) Văn hoá Cứu Quốc, cùng vào tù ra khám, cùng làm báo Cứu Quốc v.v... Nhưng đến khi đánh Nhân văn Giai phẩm thì Như Phong đánh Tô Hoài rất kỹ, rất ác và rất hỗn như câu  «cái tật làm ra vẻ mình thông minh của Tô Hoài »  (tr.103) còn gọi Tô Hoài là «thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt »  (CBCA, tr 117). Nhưng trong Những Gương Mặt, Tô Hoài vẫn có một chương rất đằm thắm cho Như Phong (không rõ năm viết). Tôi rất lấy làm lạ và có lần gạ hỏi riêng anh: «Thế không giận à ?» Trả lời: «Giận gì? Gặp vẫn đi uống bia ». Tôi cho Tô Hoài là thánh. Nhưng rồi trong Chiều Chiều, anh kể lại thời kỳ đi thực tế (1958) Thanh Đình tay viết kiếm hiệp ba xu một hôm đến đợi Như Phong tại nhà Xuất bản Văn Học, nói: «Tao vào thằng Thạc, tao với thằng Thạc là bạn nối khố, Thạc là tên cúng cơm của Như Phong » (tr. 28); tôi mới hay Tô Hoài không phải là thánh và cũng biết hờn giận như ai. Vì đã gọi một bạn văn bằng «thằng» dù qua lời người khác, cũng là... không ưa thích.
-     o O o     -
Tiếng Việt ta không có một từ chính xác tương đương với chữ humour trong tiếng Pháp, tiếng Anh. Ta tuỳ tiện dùng những chữ hài hước, hóm hỉnh, dí dỏm... Nhưng trí óc Viêt Nam rất giàu uy mua (hay u mặc). Ca dao, tục ngữ, truyện dân gian chứng tỏ điều đó. Gặp văn học phương Tây, nó phát triển mạnh: truyện Vỡ Đê  từ thời Phạm Duy Tốn là một ví dụ; O Chuột (1943), tập truyện đầu tay của Tô Hoài là một minh chứng về sau.
O Chuột, một hình ảnh,  là phản ngữ của động từ O Mèo, là một sáng tạo ngôn từ của Tô Hoài (o nghĩa là tán tỉnh, như trong từ o bế).  Ngoài Tô Hoài ra, không ai nói: o chuột. Nhưng humour, uy mua, không hợp với văn chương cách mạng. Hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi trào phúng, hài hước chỉ đích danh đối phương; còn uy mua thì không rõ ám chỉ ai, mà nhất định phải là một lối văn linh tinh, không đáng tin cậy, nhất là trước một đề tài trọng đại. Lấy Như Phong làm ví dụ, khi ông ấy phê phán cuốn Mười Năm (1957):  «Tại sao Tô Hoài cứ phải giở giọng pha trò khi nói đến những giờ phút nhiệt tình hay cảm động của quần chúng»  (sđd, tr 132). Khổ thân Tô Hoài, theo cách mạng từ tuổi thiếu niên làm sao dám pha trò, đùa cợt, chế diễu (sđd, tr. 104) với cách mạng? Ấy chỉ là cái uy mua,  u mặc đặc biệt trong giọng văn và trong cách sống, cách nhìn đời. Sáng tác Tô Hoài luân lưu giữa hai bờ phong cách: u hoài và u mặc. Cuộc đời Tô Hoài là Nụ Cười Thương Nhớ: tên một bài thơ Đinh Hùng, cố tri và cố nhân. (Nguyên câu thơ là: Nụ cười thương nhớ nét đan thanh).
Giọng văn dí dỏm khiến người đọc dù nghe chuyện về những nhà văn ít tên tuổi như Sao Mai (sinh 1924) cũng không chán: «Tôi lại khoái ông có máu đa tình mà lại chung thuỷ. Léng téng với ai rồi cũng lấy người ta. Nghe nói ông mới có phòng mới (...)  vừa cai nghiện (...) bằng một liều thuốc dân gian, mạnh và dữ, phi có nghị lực mới cai được (...) Bài thuốc cai của Sao Mai có gia giảm các vị phụ nữ... » (tr. 25-27).
Tô Hoài không nói rõ là gia hay giảm.
Giọng văn có khi đanh lại, như khi nói chuyện quyền thế, cơ hội, tráo trở. Tâm hồn anh thoáng rộng, không cố chấp về luân lý hay chính trị, thậm chí còn bị Như Phong kết tội là hoài nghi chủ nghĩa (!) (Sđd, tr. 132) ; duy có một điều : Tô Hoài tình nghĩa, như đã viết : tình nghĩa cũng trong lẽ sống tự nhiên (tr. 516) và đã tự nhiên thì mãi mãi (tr. 269) ! Và từ đó Tô Hoài không hiểu những thái độ không tình nghĩa ; chẳng nhất thiết phải là phản bội hay tráo trở. Nói là nhược điểm cũng được đi.
Trong Cát Bụi Chân Ai, Tô Hoài có thể xởi lởi với một đại tá Huỳnh Cự trở áo (1992, tr. 116), nhưng đến  hồi ký  Ba Người Khác,  viết cùng thời 1992, công bố 2006, chuyên đề về thời Cải Cách Ruộng Đất, Tô Hoài mô tả kỹ càng viên đội trưởng ác ôn tên Cự, về sau chính là đại tá Huỳnh Cự hồi chánh tại Miền Nam, giọng Quảng Nam oang oang trên đài phát thanh Sài Gòn. (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006, trang 245).
 Trong Chiều Chiều anh đã gay gắt riêng với Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, vì là, hay dù là, chỗ cố tri trước 1945 (tr.20). Phải chăng vì Hiếu Chân tránh gặp lại Tô Hoài sau 1975, vì chút hào khí tuyệt vọng của con người chiến bại, hay tự cho là như thế. Còn phần Tô Hoài, thì không có vấn đề ấy ; như cái lần  đưa đám ma ông Minh Đức, nhà xuất bản, anh đã phải trả lời Nguyễn Tuân : « Trong đầu tôi không có câu hỏi nào về việc như ông hỏi »  (CBCA, 1992, tr. 57). Đây cũng là một câu nói chìa khoá, để tìm hiểu Tô Hoài. Có những câu hỏi Tô Hoài không bao giờ đặt ra. Nguyễn Tuân có vẻ không tin (tr. 57), nhưng mà đúng vậy. Ngược lại, có lúc anh  ấy đặt ra những nghi vấn rất chi là vớ vẩn. Cũng có thể Tô Hoài không biết là Hiếu Chân đã bị bắt và chết trong nhà giam Chí Hoà năm 1985. Tôi dừng lại hơi lâu ở trường hợp Hiếu Chân, vì là một biệt lệ, có thể là duy nhất, nhưng có nguy cơ bị khuếch đại và xuyên tạc.

Nhân tiện, mong Tô Hoài rà lại về cái chết của Nhượng Tống. Phải chăng ông ấy bị ban ám sát  khử (tr. 333) như lời Cụ Thắng, hay bị đồng đảng thanh toán, như nhiều nguồn tư liệu đã ghi lại?
Giọng văn Tô Hoài cũng có lúc cà kê ở phần sau, khi kể những chuyến đi các nước Á Phi, Nga, Đông Âu, ở giai đoạn mà các chính quyền địa phương đang băng hoại. Tô Hoài đi thăm con trai, lao động tại Laixich (tr. 409) mấy năm sau đã tử nạn tại đấy (tr. 521). Một thảm kịch trong đời, nhưng anh chỉ kể sơ lược. Tô Hoài vốn tiết kiệm những chuyện gia đình, riêng tư. Anh chỉ ghi lại những mảng đời tiêu biểu, có liên quan đến xã hội, văn học, và chỉ đề cập đến con người cá nhân khi nó  « mang hình thái trọn vẹn của thân phận làm người »  như lời Montaigne.
-           o O o    -
Tâm sự thoáng qua của một người có khi hồi quang cả một thời đại. Như vài ba ngày ngắn ngủi khi Tô Hoài đi xe ôm về thăm lại Xóm Đồng ở Thái Ninh, Thái Bình, nơi anh đã tham gia Cải cách ruộng đất non bốn mươi năm trước (1958-1996).
 Chuyến đi ngắn ngày chiếm trọn chương cuối với năm mươi trang cực kỳ súc tích và cảm động, như một chuyến hành hương. Những gian nan biến mỗi quá quan thành cố quận. Những ân hận biến mỗi kỳ ngộ thành một cố nhân. Ông Ngãi, nông dân nghèo, có dáng dấp Phan Khôi, người đã cưu mang Tô Hoài, Phùng Quán, thời Cải cách ruộng đất, năm 1958 ngủ giữa bụi tre, bốn mưoi năm sau vẫn ngủ giữa bụi tre, trong khi làng xóm thời kinh tế thị trường   « cứ đua nhau mà nhà tầng nhà gác » . Ông Ngãi bình luận : «Ối người đi vay lãi, bán lúa từ lúc vào đòng để làm nhà. Chỉ khác ngày xưa lý trưởng, phó lý giàu có, bây giờ chủ tịch, bí thư, xã đội, dạo trước còn chân chủ nhiệm, kế toán nữa cũng trộm cắp mà nên giàu có cả »  (tr. 535). Chủ nhiệm Sự giàu sụ, thành nghiện thuốc phiện nặng, hai con trai ở tù, con gái   « ra ngoài tàu ngủ với trăm thằng. Cả mẹ nó ... Bà lão cũng chẳng tha thằng nào. Có thế mới giầu như điên »  (tr. 546). Thái Bình. Lại Thái Bình. Sao Tô Hoài không trở về Xóm Giếng ngày xưa để hạ màn Chiều Chiều, cho bớt não nùng tiếng sương?
Anh lại trở lại nhà hát Bà Ký Đường trong truyện Nguyễn Khắc Mẫn, nửa thế kỷ về trước, gặp lại Cô Thẹn mười ba, mười lăm tuổi, ngày xưa, bây giờ là bà lão : «Nước mắt bà lão chảy ra, không biết cái nước chết lưu niên ở hai con mắt loà lúc nào cũng ràn rụa nhợt nhạt trên mi, hay là nước mắt (...) Cô Thẹn ngày ấy đây. Bà lão vẫn nắm tay tôi cất giọng phều phào, rè rè :
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
Câu Kiều này (câu 2282, ĐT) đầu mùa đông 1959, Nguyễn Đình Thi đã ghi sổ lưu niệm bảo tàng L.Tôn-x-Tôi ở Tu La. Mỗi khi mơ màng lại cái chuyến về Thái Bình này, là thật hay chiêm bao. Hai câu lẫy Kiều tình nghĩa kia đã thấy ở Tu La hay đã nghe cô Thẹn, bà cụ Thẹn nghẹn ngào».
Những dòng cuối Chiều Chiều. Giọng Tô Hoài trầm xuống, nghẹn lại. Chấm dứt cuốn Tự Truyện như vậy là tài tình. Hay ở chữ tài. Quý ở cái tình. Chữ tài vẫn quý nhưng không hiếm. Cái tình vừa quý vừa hiếm, càng ngày càng hiếm, có cơ tuyệt chủng.
                                                             o O o    -
Tên sách Chiều Chiều lấy từ ca dao :     
Chiều Chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai
Tô Hoài trích dẫn ở đầu sách, gọi là ca dao cổ. Thật ra nó không cổ, chỉ mới phổ biến hơn trăm năm nay, vì nguyên là một câu thơ của Tương An Quận Vương, con vua Minh Mệnh, kín đáo khóc Hồng Bảo, con trưởng vua Thiệu Trị, là cháu, học trò và bạn tri âm của mình. Hồng Bảo âm mưu tranh ngôi vua với em là Tư Đức nên bị bắt giam và bức tử trong ngục.
Nguyên gốc là :
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai
Đãy gấm là cái hà bao bằng gấm.  Bao là cái đãy, hà là cây sen, vì đãy gồm có hai phần: đãy lớn hình lá sen đựng trầu cau, đãy nhỏ hình bông sen đựng thuốc. Màu sắc tuỳ thuộc đẳng cấp: vua dùng đãy bằng đoạn màu vàng, hoàng thân, như Hồng Bảo dùng đãy bằng gấm màu đỏ (điều) dân thường dùng lụa màu xanh.
Chi tiết nhỏ không quan trọng gì, nhưng tôi vẫn trình với Tô Hoài vì anh ưa thảo luận về chữ nghĩa, trong cái anh gọi là  “chủ nghĩa tiếng nói” (Có lần anh than với tôi: “Ngày xưa còn cụ Hoàng Đạo Thuý, thỉnh thoảng mình còn có người nói chuyện về chữ nghĩa. Bây giờ ông ấy qua đời thì....” Anh có những câu nhẹ nhàng thế thôi, nhưng nghe... phát ớn).
Chiều Chiều... Tô Hoài dùng chữ theo ý nghĩa, nhưng còn vì âm vang của nó. Chiều Chiều là hồi ký của người cao tuổi, như Nhớ nghĩ chiều hôm của Đào Duy Anh. Nhưng chỉ hiểu như thế thì chưa tri âm. Vì Tô Hoài rất thích âm vang ấy từ hồi còn trẻ, như là lúc 23 tuổi. Tại Sơn Tây, ngày 20 Juillet 1943 anh đã viết :
  «Chiều chiều Ly thẩn thơ ra ngoài bờ giếng. Gã muốn nói mãi, nói mãi về những chiều vô tội ấy. Những buổi chiều hoa mộng không bao giờ có thể quên, bởi nó ngây ngất mà chẳng mang một nghĩa gì rõ ràng (...).  Sao không chỉ có những chiều thơ dại ấy trong tất cả một đời người...»
Tô Hoài là nhà văn không bao giờ già. Vì con người anh chưa bao giờ trẻ. Tô Hoài miên viễn là  «buổi trưa mùa thu» «Mùa thu có những ngày không sáng, mà cũng không chiều »   Nhưng vẫn có những chiều chiều. Những chiều chiều mãi mãi trong chúng ta.
Thỉnh thoảng lại hanh hao lên một âm hao u hoài, xa vắng...
Chiều Chiều...

Orleans, 14/9/1999- 29/9/ 2012.
Đọc lại, cập nhật cho ngày sinh nhật Tô Hoài lên Chín mươi ba,
Rằm Trung Thu, 1920  Nghĩa Đô- 2012 Orléans

Văn Hóa Nghệ An

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đại gia thời CNXH "Kinh tế thị trường định hướng" ở VN:

Trong năm 2010 ông chủ Hòa Phát đã chi 5 triệu đô la để sở hữu chiếc máy bay trực thăng riêng. Vừa qua chiếc trực thăng 6 chỗ này đã được đổi bằng máy bay mới loại 12 chỗ cùng chủng loại, hiện đại hơn rất nhiều.
Chiếc trực thăng VN-D668 của ông Trần Đình Long.Chiếc trực thăng VN-D668 của ông Trần Đình Long.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từ lâu đã luôn được biết đến với danh hiệu là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép. Ông hiện là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán tập trung của Việt Nam. Hiện tại vợ chồng ông đang nắm giữ hơn 31,5% cổ phần của Hòa Phát trong tay, với tổng trị giá hơn 4.600 tỷ đồng.
Sau Bầu Đức thì ông Trần Đình Long là vị đại gia thứ hai tại Việt Nam chơi “vượt tầm” khi vung hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng.
Được biết trong năm 2010 ông Long đã chi 5 triệu đô la để sở hữu chiếc máy bay trực thăng riêng. Không chỉ dừng lại tại đó mỗi tháng ông Long còn phải bỏ ra hàng tỷ đồng để “nuôi” khối tài sản triệu đô này.
Cụ thể, mỗi tháng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát phải bỏ ra 300 triệu đồng chi phí thuê phi công, khoảng vài trăm triệu đồng để thuê bến bãi và còn rất nhiều khoản chi phí khác như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa… Tổng cộng lại mỗi tháng ông Long sẽ mất khoảng 2 tỷ đồng để phục vụ cho chiếc máy bay này hoạt động.
Tuy nhiên dường như chiếc máy bay 6 chỗ trị giá hàng triệu đô này vẫn chưa thỏa mãn được ông. Vừa qua chiếc trực thăng này đã được đổi bằng máy bay mới loại 12 chỗ cùng chủng loại,hiện đại hơn rất nhiều. Ngoài sự tiện nghi về nội thất, số ghế ngồi nhiều hơn, chiếc trực thăng mang mã VN-D668 này có khả năng bay xa hơn giúp ông chủ thép thực hiện chặng Hà Nội - Đà Nẵng mà không cần phải tiếp nhiên liệu. Theo đó, giá tiền cũng sẽ đắt hơn lên tới 7 triệu USD.
Theo thông tin nhận được chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2014 vị đại gia này nghiễm nhiên bỏ túi hàng trăm tỷ đồng nhờ việc tăng giá của cổ phiếu HPG.
Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 4/4 cổ phiếu HPG đã có bước nhảy vọt đáng kể về giá với mức tăng lần lượt là 1,5 và 3,0 điểm, tương đương mức tăng 1.500 đồng và 3.000 đồng/cổ phiếu. Điều này đã làm cho Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long nghiễm nhiên “bỏ túi” hơn 303 tỷ đồng nhờ sở hữu hơn 101 triệu cổ phiếu công ty.
Trong phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu HPG tăng khá mạnh với mức tăng 4,2%, tăng 2.100 đồng/cổ phiếu.Với mức tăng này, phiên giao dịch đã mang lại cho ông thêm hơn 244 tỷ đồng.
Theo KD&PL

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn Tô Hoài, "cha đẻ" Dế Mèn phiêu lưu ký qua đời 06/07/2014 17:40 (GMT + 7) TT - “Cha đẻ” của Dế Mèn phiêu lưu ký – nhà văn Tô Hoài – do tuổi cao sức yếu đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6-7 tại Hà Nội, thọ 94 tuổi.



Thông tin được nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội, chia sẻ.
“Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Tôi nghe thông tin từ gia đình thì biết cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện chứ không muốn ở hẳn trong ấy. Vậy mà, giờ một người đã nằm xuống” - Nhà thơ Bằng Việt nói.
Có lẽ cũng như chú Dế Mèn huyền thoại, nhà văn Tô Hoài đã vừa bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình về cõi khác.
Hành trang của ông có lẽ nặng hơn, với 94 năm cuộc đời ở trần gian, với những đắng cay ngọt bùi cùng thời cuộc.
Trong đó, Dế Mèn phiêu lưu ký (viết năm 1941) là khoảng xanh tươi nhất, trong sáng nhất của ông. Nhưng rất nhiều thế hệ người đọc cũng sẽ không quên những O Chuột, Xóm giếng, Nhà nghèo…
Cũng sẽ không quên đôi mắt cô Mỵ, cái dáng lầm lũi của cô trong Vợ chồng A Phủ. Nhiều tác phẩm của Tô Hoài đã được đưa vào chương trình văn học trong nhà trường.
Và nhắc đến Tô Hoài, lũ trẻ – dù thờ ơ với văn chương đến mấy – cũng đều ồ lên vì biết rằng đó là người đã sinh ra cậu Dế Mèn tinh nghịch, đáng yêu cho tuổi thơ của mình.
Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội). Ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay).



Hai tác phẩm cuối cùng của Tô Hoài: hồi ký Cát bụi chân ai và Ba người khác. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996 cho tác tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O Chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vợ chồng A Phủ, Tuổi Trẻ Hoàng Văn Thụ…
Hà Dương
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con người khám phá và con người thích ứng trong "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh

Chiến tranh nhìn qua số phận cá nhân


     Có một quy phạm thường xuyên chi phối dòng tiểu thuyết Việt Nam viết về chiến tranh vốn đang còn khá lèo tèo. Bất chấp việc chúng được viết ngay trong thời bom đạn hay trong thời bình mấy chục năm về sau, đó thường là những cuốn sách dựng lại cả một bức tranh mở ra theo bề rộng, chiến tranh được ví với một trận cuồng phong, hoặc một cỗ máy khổng lồ có sự vận động cùng lúc của nhiều số phận. Con người trong các tác phẩm đó được miêu tả trong hình thế một nhóm, một tập thể (từ nhỏ đến lớn) có tổ chức, có định hướng rõ ràng, và mỗi cá nhân không hề có ý muốn trở thành độc lập bên cạnh đám đông. Mặc dù vẫn còn những nét riêng tư, nhưng họ không bao giờ tồn tại như những con người tự thân, mà chỉ được xem như người phát ngôn cho một vấn đề của xã hội.

   Chỗ giống nhau giữa Xung kích của Nguyễn Đình Thi và Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu chẳng hạn là cả hai đều bám vào một sự kiện cụ thể (mỗi cuốn sử dụng một chiến dịch “làm nền”) rồi trong đó, một dàn nhân vật đi về lui tới suy nghĩ. Cái mà người ta còn lưu lại trong đầu sau khi đọc là một không khí chiến tranh nói chung, còn vấn đề “con người trong chiến tranh” chỉ là một nhánh phụ. Để hình dung ra con người, bạn đọc phải đi theo lối đường vòng, và chắp nối người này một chút người kia một chút.

   Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ngả sang một cách viết khác. Thực tế là trong cuốn tiểu thuyết này, người ta có dịp bắt gặp toàn bộ chiến tranh - một cuộc chiến tranh với đủ những địa điểm và những khoảnh khắc tiêu biểu từ ngày đầu đến ngày cuối (không khí Hà Nội khi thành phố bắt đầu tiễn con em ra chiến trường; những chặng đường từ hậu phương tới mặt trận; những ngày sau tết Mậu Thân; giải phóng Sài Gòn…). Song tất cả đều thông qua ý thức của nhân vật Kiên chứ không phải miêu tả trực tiếp. Tức là ở đây, chiến tranh chỉ được thể hiện qua một con người, tác phẩm từ đầu đến cuối men theo những ý nghĩ của nhân vật, dày đặc vui buồn, hối hận, trăn trở, bất lực của anh ta. Trùm lên tất cả chỉ có một đường dây là từng trải của Kiên, mạch suy nghĩ của Kiên, và bao quát hơn là số phận của Kiên. Thật khó đẩy tác phẩm vào trong vòng tay của những khái niệm như “bức tranh toàn cảnh”, hoặc “một thiên sử thi hoành tráng” mà chúng ta quen nghĩ.

     Trong khi mọi sự kiện trước sau bị đảo lộn về thời gian thì chúng lại tỏ ra rất mạch lạc, nếu xét theo sự phát triển của ý nghĩ và tình cảm của nhân vật chính. Mỗi sự kiện cụ thể ngoài ý nghĩa tự thân có thêm một tầng khái quát: này là những lúc vui; này là những lúc chết lặng đi vì buồn; những lần hoang mang tuyệt vọng (không lần nào giống lần nào); một phen kinh ngạc vì cách xử sự của người này người kia. Trong suốt cuốn sách, Kiên như chỉ có một mình. Các nhân vật khác chỉ sống trong ý nghĩ cả Kiên, trong đó có một số nhân vật chỉ ngẫu nhiên được nêu ra rồi mất hút. Bù lại, tự thân Kiên đã khá đa dạng. Gần như không có việc nào của lính mà Kiên không trải qua. Trong anh, chất lính được chưng cất và cô kết lại. Lính nghĩa là không có quyền lựa chọn số phận của mình. Lính nghĩa là gặp đâu hay đấy ngẫu nhiên thất thường trôi nổi theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh và không bao giờ dám đặt câu hỏi tại sao mình lại như thế này mà không như thế khác. Lính nhiều khi đồng nghĩa với vô vọng, bất lực.

    Cảm giác của chúng ta về chất lính trong Kiên còn được củng cố, bởi với anh, cái chết luôn luôn trở lại như một ám ảnh. Suy nghĩ về cái chết thường trực khi ăn cũng như khi ngủ, khi Kiên đơn độc một mình, cũng như khi anh vui vầy giữa bạn bè. Với người lính này, cái chết là một bộ phận của chính cuộc sống.

    Một trong những lý do khiến cho nhiều người kiên trì lối viết “tập thể nhân vật” nói trên: người ta cho rằng làm thế mới có khả năng xây dựng được những điển hình khác nhau và cái nào cũng cụ thể sinh động, từ đó gộp cả lại khái quát nên thứ “chân dung nhóm” bao quát các kiểu dạng con người đương thời. Xét về khía cạnh nghề nghiệp, tuy không tuyên bố, nhưng dường như Bảo Ninh muốn nói  thật ra một nhà văn không thể biết nhiều như anh ta vẫn tưởng; may ra anh ta chỉ biết chính mình. Và từng con người mới quan trọng, từng con người chính là “vấn đề của mọi vấn đề”, kể cả khi người ta sống và nghĩ về chiến tranh.

Cuộc sống dưới dạng hồi ức

    Ra khỏi chiến tranh, trong Kiên hàm chứa một mâu thuẫn thường trực. Một mặt anh chai lì đi. Mặt khác, trong anh, dòng ký ức về chiến tranh lại cuồn cuộn chảy và những chuyện nhỡn tiền chỉ là đầu mối để anh nhớ lại chuyện cũ, thúc đẩy con người nhân vật  gắng vươn lên để nhận thức về quá khứ. Thành ra cái vẻ uể oải “chẳng biết dùng đời mình vào chuyện gì” (tr 77 – số trang ghi theo bản của Nhà Xuất bản Hội nhà văn, 1991) chỉ là bề ngoài. Trong cái dạng sống riêng của mình, Kiên cực kỳ nhạy cảm và ngầm chứa một khao khát vươn tới không gì cản nổi.

    Sự chai lì thật ra vốn được hình thành dần trong quãng đời cầm súng của nhân vật. Những năm ấy, Kiên đã cảm thấy, “không phải là mình đang sống mà như đang bị mắc kẹt trong cõi đời này” (87). Những gì tốt đẹp trong ý nghĩ và tình cảm sớm bị mất đi. Người ta tự nguyện gác hết suy nghĩ để hành động. Rồi cái nếp sống bức bối chật hẹp như thế này còn được tô đậm thêm bằng hàng loạt bất lực thời hậu chiến. Kiên không biết lao vào kiếm sống và hưởng thụ như mọi người. Cả đến những chuyện riêng tư cũng không biết lo, có bao nhiêu việc đáng làm thì Kiên lại đã không làm, đến khi cái câu hỏi khó chịu “đi đâu bây giờ, làm gì bây giờ?” ngày ngày vang lên như một ám ảnh, thì quả thật là một cách xác nhận về tình trạng bế tắc thực sự.

    Thời bình cũng như thời chiến, Kiên đều đơn độc. Chung quanh anh là những người vừa ra khỏi chiến tranh đã lập tức quên lãng, lao đầu vào cuộc kiếm sống. Trong con mắt họ, Kiên như một kẻ mộng du.

     Nhưng chỉ cần đứng lùi ra xa một chút, nhìn chặng đường chiến tranh như một phân đoạn lịch sử, chúng ta sẽ thấy ngay rằng kẻ tỉnh táo không phải là cái đám đông hỗn độn kia, mà chính là Kiên. Đám đông lao vào kiếm ăn thực ra đang mê muội. Ngược lại người chiến binh sống vất va vất vưởng và tưởng đời mình như bỏ đi, mới là kẻ sáng suốt.

     Nhà văn Pháp J. Cocteau từng viết về mối quan hệ giữa một thi sĩ với hoàn cảnh: “Ở đây chỉ một mình thi sĩ là người sống giữa những người chết, và chính trong giờ phút ấy thi sĩ đã làm mồi cho chính sự chết - nó đang sống hơn là thi sĩ sống.” Tình cảnh của Kiên cũng có những nét tương tự.

    Hồi ức làm nên lý do để sống. Trong lịch sử văn học nhiều nước, hàng loạt cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh được viết bởi sự thôi thúc phải nói to lên cái lời đề nghị đơn giản: không được quên lãng. Một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga V. Rasputin mang tên Hãy sống và hãy nhớ (bản dịch tiếng Việt đổi đi một chút, gọi là Sống mà nhớ lấy). Còn ở Việt Nam, cuốn truyện vừa của Nguyễn Minh Châu mang tên Cỏ lau cũng có một ý tương tự. Câu chuyện xoay quanh công việc đám lính hậu chiến đi tìm hài cốt những người chết. Sau khi bảo rằng vùng này đất tốt quá chừng, vô khối là đất mà chỗ nào cũng chỉ có giống cỏ lau mọc, tác giả viết, “Với bao nỗi toan tính hối hả trong thời bình, mỗi con người chúng ta có lẽ đôi khi cũng là một cánh rừng cỏ lau giàu sức sống, rất chóng lãng quên những người lính đã ngã xuống”. Bởi lãng quên đe dọa đến chính cuộc sống, người ta phải tiến hành cuộc chiến đấu dai dẳng để chống lại nó. Viết văn với Nguyễn Minh Châu hay Bảo Ninh nói ở đây chính là để chống lại sự lãng quên đó.

Lạ hóa chính mình lạ hóa hoàn cảnh

Những ai đã đọc Thời xa vắng, hẳn nhớ cách của Lê Lựu viết về quá khứ trong đó: quá trình tham gia chiến đấu của Sài không được miêu tả cặn kẽ. Song nhà văn vẫn làm cho người đọc thấy rõ Sài là một sản phẩm của chiến tranh, chỉ chiến tranh mới đẻ ra những con người tương tự.

Có thể nói một đặc trưng của bản thân Sài là thái độ quan liêu. Nghĩa là, Sài cũng ghi xương khắc cốt rằng mình lớn lên, bắt đầu làm người thực sự từ trong chiến tranh. Song thực chất nó là thế nào, Sài không để ý. Ngược lại Sài cứ nhơn nhơn như không, lại còn luôn tự lừa mình rằng chẳng có điều gì mà mình không hiểu, và rộng hơn tự hào rằng ra khỏi chiến tranh mà bản thân cái phần tốt đẹp trong con người mình vẫn còn nguyên vẹn.

    Niềm tự tin được đẩy lên thành một ảo tưởng ấy đã làm nên cả đặc trưng của nhân vật trong Thời xa vắng. Thứ tự tin nông nổi và có vẻ như đáng yêu đó là nguồn gốc của bao thất bại đến với Sài về sau. Con người rút cục trở thành tù nhân của hoàn cảnh và càng lao đầu vào hành động tình thế càng trở nên tuyệt vọng.

     Bề ngoài Kiên của Bảo Ninh không được như Sài. Dường như anh không ra khỏi chiến tranh. Mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, anh không biết. Những trò hưởng lạc, anh không màng. Nhưng vẫn có thể nói so với Sài, Kiên vượt lên một bực ở chỗ toàn bộ sức sống của anh tập trung vào việc nhận diện chiến tranh. Nghĩ về nó. Ngày đêm ăn ngủ lúc nào cũng có nó. Muốn khôi phục lại bộ mặt của chiến tranh như nó vốn vậy. Để làm việc đó, anh sẵn sàng để cho ký ức nổi lên hỗn loạn, với dụng ý rằng sau đó tìm cách kiểm soát nó, lý giải nó một cách chủ động.

     Lúc nào chiến tranh cũng được Kiên nhìn như thuở ban đầu. Anh đến với nó từ một sự vô tư không thành kiến. Luôn luôn thú thực rằng mình chưa hiểu. Luôn luôn sợ quên, sợ nhầm. Nghĩa là Kiên đã dọn lòng một cách thanh thản, đã tạo cho mình khả năng đối diện với một thực tế khó nhằn và có được ý chí ngoan cường trong việc chinh phục nó chiếm lĩnh nó. Nói cho đúng ra, khi tự nhủ rằng với cuộc chiến tranh ấy, mình phải viết, thật ra anh đã bước đầu khách quan hóa nó, tách nó ra khỏi mình, lạ hóa nó để tiêu hóa nó. Có thể nói Kiên đã tìm thấy một đối tác tốt để đồng hành trên suốt quãng đường đời còn lại.

    Có một sự thực là từ lúc chưa xung vào quân ngũ đến lúc trở về, quan niệm của Kiên về vị trí và mối quan hệ của mình với chiến tranh là nhất quán. Một mặt, như Kiên từng xác định, giữa cuộc chiến tranh to lớn, anh “chẳng là gì cả” mà chỉ là một thứ  đinh ốc nhỏ, hoặc như chữ anh dùng “loại con sâu cái kiến” trong cuộc biến động vĩ đại; và anh bằng lòng với số phận đó. Mặt khác, hình như ở Kiên luôn luôn có một con người nữa, tách ra bên ngoài để soi xét mọi chuyện, và đây là khía cạnh tự do bên trong, nó làm nên tầm vóc của nhân vật. Lúc đã suy nghĩ thì nhân vật không còn bị một ràng buộc nào. Không bị bắt vít vào những quan niệm thông thường. Không bị ảnh hưởng của những đồng đội chung quanh. Một cái gì cơ bản hơn, những nguyên tắc của việc làm người - nếu có thể nói như thế - chi phối anh, len lỏi trong những suy nghĩ của anh. Những kiến thức mà tuổi trẻ anh đã tiếp nhận được từ  những người thân và bè bạn của nền giáo dục ở nhà trường thường xuyên trở lại để giúp anh so sánh đối chiếu với thực tế trước mắt.

       Trong cái vẻ ương ương gàn gàn, Kiên vượt lên trên những người thông thường. Có thể nói trong văn học Việt Nam, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi, ở đó con người giữ nguyên được cảm giác ngạc nhiên kỳ lạ về chính cuộc sống mà họ đã sống. Nhờ thế, một cuộc chiến tranh chưa được biết tới lại hiện ra sắc nét và độc đáo, nghĩa là không giống cuộc chiến thông thường mọi người vẫn hiểu.

Nhận thức như một lẽ sống
Trong cảm nghĩ của Kiên, chiến trường có lúc có cái không khí rờn rợn của một cuộc sống không thực. Có những khu vực ở đó, “chim chỉ bay không kêu, măng nhuốm màu đỏ “, và “rất nhiều hồng ma, một loại cây ưa máu” (các tr.7, 13). Mà đời sống sau chiến tranh khi được phản ánh vào tâm trí Kiên cũng vậy, nó có cái không khí “ nửa nhà thương nhà đòn”, như chữ dùng của tác giả.

Sự tỉnh táo trong cái nhìn hiện thực của con người này sớm bị thách thức. Thường xuyên, Kiên cảm thấy mình lạc lõng chơi vơi chẳng biết bấu víu vào đâu.

Như vậy là Kiên đã thất bại đã đầu hàng, như nhiều nhân vật vô tâm khác? (Có lúc anh đã tự nhủ: “mình chả trở lại thành người được đâu!”).

Song đó chỉ là một phía. Trong hoàn cảnh nhiều điều trái ý, khao khát nhận thức của Kiên – một khao khát chẳng những bao giờ cũng âm ỉ mà nhiều lúc lại còn bừng sáng lên đột ngột - đã trở thành cái phao để anh bấu víu. Nó mang lại cho anh lẽ sống. Kiên cảm thấy đời mình không còn ý nghĩa gì khác ngoài việc nghĩ về chiến tranh và khôi phục lại bộ mặt thực của nó. Các hồi ức của Kiên không dừng lại ở mức độ cảm giác mà vươn tới trình độ của một nhận thức. Mối quan hệ của Kiên với chiến tranh được đặc trưng bởi tự ý thức sâu sắc của nhân vật về môi trường mà mình có mặt. Sống vốn đã là để nhận thức. Với chiến tranh cũng vậy. Nơi người ta thường cho rằng mỗi con người phải quên mình đi cho hành động, thực ra lại là mảnh đất tốt cho những suy nghĩ, phản bác, thể nghiệm, kiểm tra, chấp nhận...

Chỉ cần có ít kinh nghiệm về tiểu thuyết viết về chiến tranh ở Việt Nam, người ta đã thấy những nhận thức đã đến với Kiên như vừa phác họa là vượt lên trên sự thông thường, là lạc lõng xa lạ, và đây là điều đã được nhiều nhà phê bình gọi ra. Nó cũng là nguồn cơn của nhiều giận dữ mà các đồng đội hôm qua đã đổ lên đầu tác giả. Tuy nhiên, chỉ cần gạt bỏ thành kiến và lòng tự ái bẩm sinh, những người đã trải qua chiến tranh sẽ thấy con người Kiên là hoàn toàn bình thường. Và nhận thức của anh về chiến tranh không phải là suy nghĩ theo nghĩa thông thường, mà là sự vận động trong đầu óc thực thụ:

- Nó mang màu sắc kinh nghiệm cụ thể, kết quả của một sự tìm tòi cá nhân chứ không phải kinh nghiệm bày đàn, một thứ chân lý do người ta học đòi nói leo, bị áp đặt và không có thẩm tra thể nghiệm.

- Nó là cái gì người ta cố từ chối mà không từ chối nổi, chứ không phải nông nổi bốc đồng, một thứ làm dáng, ra cái điều suy nghĩ, ý  nghĩ vừa đến trong đầu  đã kêu toáng lên dọa mình dọa người.

- Nó (sự suy nghĩ ấy) lung linh tồn tại như một cơ thể sống. Trong khi ở nhiều cuốn tiểu thuyết hậu chiến khác, chiến tranh là đơn giản, chỉ có một nghĩa, dễ hiểu (để rồi dễ quên dễ chán) thì ở đây, mặc dù đã sống với nó hết lòng, con người lại vẫn như là chưa hiểu cái gì đã đến với mình  trong những năm tháng không bình thường ấy.

Nhận thức ở đây đồng nghĩa với khám phá, khám phá không bao giờ ngừng. Trong cái sự chật vật để đi đến nhận thức, con người như đã ở vào trình độ sống hiện đại, chứ không phải loại người “cổ lai hy”, hùng hục hành động và chỉ biết giải thích công việc mình làm theo những công thức có sẵn.

Một đối trọng đầy sức ám ảnh

Bên cạnh Kiên thì trong tác phẩm, Phương là nhân vật nổi lên hơn hết. Trong cảm giác chung về nỗi buồn mênh mông và như một thứ không khí phả vào từng trang tác phẩm, không chỉ có nỗi buồn xé lòng của Kiên mà còn có nỗi buồn dai dẳng, nỗi cay đắng nằm tận đáy lòng của Phương. Khi Kiên đi sâu vào nhận thức để giải mã cuộc đời, cái đối tượng có sức ám ảnh với nhân vật không chỉ là chiến tranh mà còn là Phương nữa.

Trong các bài hát lẫn trong thơ ca Việt Nam đương đại, người phụ nữ những năm chiến tranh thường được hiện ra như những cô gái nhanh nhảu tháo vát, nếu không đi thanh niên xung phong hoặc làm giao liên đưa bộ đội vào chiến trường thì đó cũng là người con gái ở lại hậu phương chung thủy đảm đang, thay thế chồng con cha anh trong những công việc đàn ông thường làm. Họ hết sức năng động trong phạm vi những việc cụ thể, nhưng lại đơn giản sơ lược trong đời sống tinh thần, và thường thiên về những giọt nước mắt sùi sụt, để rồi sau đó lại đột ngột cứng cỏi một cách kỳ lạ đến mức khó hiểu, nếu không nói là giả tạo. Có thể bảo đó là nét đặc biệt của người Việt nói chung, song ở phụ nữ, người ta nhận ra những biểu hiện lý tưởng.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, Phương trước tiên vượt lên mẫu người con gái thông thường đó để trở nên một ngoại lệ. Hãy bắt đầu bằng hình ảnh Phương trước ngày tiếng súng bắt đầu nổ. Đó không phải chỉ là hình ảnh của hòa bình hạnh phúc mà ngay từ lúc ấy, Phương đã là con người của một nhận thức mới. Trong khi Kiên tính chuyện ra đi, lao vào hành động, thì Phương lại có cái nôn nao khó tả, nó là nỗi dự cảm trước một điều lớn lao đang xảy tới. Toàn bộ sự nhạy cảm của Phương được huy động khiến cho người ta cảm thấy Phương như vượt hẳn lên so với người bạn trai cùng tuổi. Phương nói ra những điều lớn lao một cách trực tiếp như là lịch sử đã ứng vào miệng cô. Buổi tối bên bờ biển (trong đợt Phương với Kiên đi nghỉ) có cái không khí huyền bí của một thời điểm mặc khải, khi con người chợt nhận ra điều bí mật. Từ lúc chưa ai cảm thấy, thì hình như Phương đã cảm thấy chiến tranh tới gần. Và nhất là những gì Phương phản ứng trước cái thực tại sắp tới đó thì thật bất ngờ mà suy cho cùng lại thấy rất có lý. Ngay từ lúc này người ta đã thấy Phương sâu sắc hơn Kiên. Phương không chỉ sống với cuộc đời trước mắt mà còn sống với những ký ức từ thuở người Việt viết nên Chinh phụ ngâm và ru con bằng những câu ca dao “Con cò lặn lội bờ sông  Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”.

Nếu sự chừng mực trong tiếp nhận chiến tranh ngay từ khi tiếng súng chưa nổ khiến Phương có cái vẻ tiên cảm đến mức lạc lõng so với con người đương thời, thì cái cách Phương hiểu về thời đại của mình càng sâu sắc lạ thường, một cách hiểu mới mẻ đến mức người ta phải nghi ngờ. Nói chung trong cách xử sự, Phương là con người vượt ra ngoài thông lệ. Đoạn tác giả để cho Phương cảm thấy gần với cha Kiên hơn là Kiên, Phương đứng bên cha Kiên trong cái lần ông họa sĩ này đốt tranh… bị một số người cho là giả tạo. Nhưng lô-gich của Phương là vậy. Phương và cha Kiên tự nhận là những kẻ lạc thời và lạc loài, song sự thật, họ là tinh hoa của thời đại họ, là những con người của nhân văn nhân đạo, của vĩnh cửu.

Ngay từ đầu, với trình độ hiểu biết của mình, Phương dường như đứng ngoài không gian thời gian. Từ chỗ đứng đó Phương tìm ra nguồn sức mạnh tinh thần để hòa hợp với xã hội. Kiểu nghĩ trí tuệ một cách bản năng như thế giúp Phương không cứng nhắc trước cuộc đời. Việc Phương tự biến đổi theo hoàn cảnh mà chúng ta thấy về sau như có thêm bảo đảm rằng con người tưởng như ngoại lệ này vẫn là trường hợp bình thường. Trong Phương có cái phần mà nhiều người khác có, nhưng lại lảng tránh.
     
Thích ứng để tồn tại    
Trong những lần bàn về cuốn sách của Bảo Ninh, một số người có nhắc tới nền văn học xô - viết viết về chiến tranh, và những bộ phim làm theo cảm hứng của những tác phẩm tinh hoa trong nền văn học đó, kiểu như Khi đàn sếu bay qua hoặc Bài ca người lính. Trong những tác phẩm ấy, các nhân vật nữ hiện lên như những con người sẵn lòng để người yêu ra đi, nhưng trong lòng xiết bao đau đớn. Rồi ngay trong lòng hậu phương bản thân họ cũng bị vùi dập. Tình cảnh đáng thương xảy ra theo nghĩa con người trở nên suy đồi mặc dầu họ không muốn. Họ quay ra rượu chè chơi bời, tức chìm dần vào những lầm lạc. Yếu đuối tầm thường tồn tại trong họ ngay bên cạnh cái cao đẹp, cái sang trọng. Song không phải vì thế mà họ đáng trách: họ chỉ là nạn nhân của cuộc chiến.
Phương trong Nỗi buồn chiến tranh có những nét gần với các nhân vật người Nga nói trên.
Ở Phương không có cái kiêu ngạo đầy ảo tưởng “ví đây đổi phận làm trai được - thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (thơ Hồ Xuân Hương).
Phương cũng không phải mẫu người con gái cam chịu hoặc gồng mình hy sinh, lấy sự đau khổ làm số phận.
Thế thì đâu là nhân tố Việt Nam còn lại trong lòng người con gái kỳ lạ này?
Đó là sự thích ứng.
Qua miệng bà mẹ của Phương, tác giả sớm nhận xét  Phương có xu thế vươn tới sự hoàn hảo và mơ ước nhập thân vào cuộc sống (tr 238). Chỉ cần có chút kinh nghiệm trường đời, người ta sẽ hiểu ngay là thật vô phúc cho người đàn bà Việt Nam nào hội trong mình cùng một lúc cả hai phẩm chất trái ngược đó. Bởi sự sống ở đây bao giờ cũng mang trong mình nó sự vô thường, sự dang dở. Muốn hoàn thiện thì người ta trước sau không tránh khỏi gãy nát, sụp đổ.
Cũng may mà ở Phương, sự nhạy cảm vẫn mạnh hơn, và cô biết từ bỏ cái ao ước ban đầu kia để giữ lấy cho mình phẩm chất thứ hai.
Sự thích ứng đến với cô một cách tự nhiên. Thích ứng như sự phá bỏ nguyên tắc bất chấp mọi điều kiện. Thích ứng cao hơn tự do, cao hơn lòng tự trọng. Thích ứng với nghĩa có thể đầu hàng, có thể giả tạo, có thể từ bỏ chính mình, miễn sao được sống.
Có lẽ phải nói tới những gì lưu truyền trong máu huyết  thì mới giải  thích được sự thích ứng của  Phương, một  sự thích ứng ấy không chỉ nhanh nhạy mà còn bền chắc và trở thành yếu tố chủ yếu làm nên sự sống của nhân vật .

Đầu tiên là sự thích ứng với những đổi thay không kiểm soát nổi mà  chiến tranh mang lại. Bước ngoặt này xảy ra ở chỗ nhà ga Thanh Hóa. Phương theo tiễn Kiên. Lúc ấy cả hai từ Hà Nội vào và đã trải qua một hành trình kinh khủng. Giờ họ rơi tõm vào cái ga bị ném bom. Trong lúc lạc Kiên, Phương bị rơi vào tay một  thằng đểu. (Đây là một thứ tình thế phổ biến, chiến tranh ở đâu cũng có, tuy rằng lại ít khi được nói tới trong các tiểu thuyết  Việt Nam -- bởi  đằng sau đó, người ta luôn luôn đọc ra mặt trái của chiến tranh).
So với những xô đẩy mà Kiên phải chịu thì sự mất mát của Phương là lớn hơn nhiều.
Nhưng chúng ta hãy xem họ phản ứng như thế nào?
Sau cơn lê lết đau đớn ê chề, Phương nhanh chóng hồi phục.Trong con mắt người bạn trai, cô vẫn cứ lộng lẫy “mềm mại, mịn màng”, tóm lại là tuyệt mỹ (tr 269).
Nhưng với Kiên, sự thích ứng của Phương là cả một tội lỗi. Phương của anh đã mang cái tội phản bội, cái tội đầu hàng, “quỳ gối trước cái số phận mới mẻ” (tr 264) và chàng thanh niên không bao giờ tha lỗi cho cô gái về cái tội để cho kẻ khác xúc phạm tới cái tuyết sạch giá trong mà lại quên ngay được, và trở về với đời sống bình thường dễ dàng như vậy.
Trong khi Kiên đau đớn, Kiên bực tức, Kiên muốn người bạn gái phải tự xỉ vả, tự xử tội mình, phải muốn chết đi vì xấu hổ, thì ngược trở lại, Phương coi tai họa như một cái gì tự nhiên phải đến và không hề có mặc cảm phạm tội. Cô không bị ràng buộc vào những quan niệm cổ lỗ như phần lớn con người đương thời. Với cô, chung thủy hay phản bội lúc này chẳng có ý nghĩa gì cả.

Một lý do huyền bí nào đó đã mách bảo nhà văn lấy đoạn này làm cao trào của truyện và đưa nó vào phần kết, xem nó như cái chìa khóa để hiểu toàn bộ tâm lý nhân vật. Đây là thời điểm đánh dấu sự vượt cao của Phương so với Kiên, không phải chỉ trong ý nghĩ mà còn trong hành động. Từ đây, Phương như trở thành một con người khác. Phương như vừa tự phát hiện ra một cái gì rất mạnh của mình mà trước đây, mình không thấy hết, và một người như Kiên càng không thấy hết.

Nhớ và quên đều có lý

Sau khi đã có sự thích ứng thứ nhất – thích ứng với chiến tranh – thì sự thích ứng thứ hai ở Phương - thích ứng với hoàn cảnh hậu chiến – sẽ đến một cách tự nhiên, mặc dầu nó xảy ra một thời gian dài và diễn biến với nhiều cung bậc hơn.

Một điều đối lập ai cũng thấy khi so sánh Phương và Kiên sau chiến tranh: trong khi Kiên đào bới vào ký ức và tin tưởng ở sứ mệnh người tiên tri của quá khứ mà mình tự nguyện đảm nhận thì Phương gần như có thái độ ngược lại.

Sơ đồ suy nghĩ của Kiên bao gồm mấy bước. Ra đi trong náo nức; khi nhập cuộc sớm thất vọng và bắt đầu cảm thấy cần tìm hiểu sự thực về chiến tranh; đến thời hòa bình, cái định hướng suy nghĩ này của anh càng trở nên rõ rệt. Trong thâm tâm, Kiên mang máng cảm thấy rằng đẻ mình chìm vào mạch nghĩ như vậy là có lỗi. Giá kể có thể giống như mọi người, buông mình trong lười biếng, lẫn mình đi giữa đám đông, thỏa thiệp với chung quanh thì thật tiện. Nhưng bản chất con người buộc Kiên phải làm khác. Có một cái còn quan trọng hơn sự chung sống hòa hợp với mọi người chung quanh, thậm chí cao hơn hạnh phúc theo nghĩa thông thường, đó là tìm ra sự thực đời sống. Tính chất nhất thiết của quá trình nhận thức khiến cho Kiên có cái chất mà các nhà nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết thường nhấn mạnh: sẵn sàng chống lại hoàn cảnh; đi đến cùng trên con đường đã chọn.

Theo cách hiểu thông thường, thì rượu chỉ làm cho người ta say sưa quên lãng. Đằng này Kiên lúc nào cũng khát rượu, vậy mà anh rất tỉnh, càng rượu càng tỉnh, rượu giúp anh sáng suốt tập trung sức lực vào công việc. “Chỉ có người nào biết bỏ qua những cái lặt vặt thì mới nhận ra được cái chủ yếu của đời sống” — cái nghịch lý ấy ở đây lại được ứng nghiệm.

Nhìn vào những cuộc phiêu lưu trong văn học phương Tây thế kỷ XX, M. Alberes bảo rằng nay là lúc người ta không đòi hỏi nghệ thuật phải đi vào khám phá ý nghĩa bí mật của sự vật mà nó, nghệ thuật, chỉ được dùng như một phương tiện giúp con người tự vấn và thách đố lại mọi ảo tưởng cũng như sự lừa dối. Kiên sẽ phải viết tiểu thuyết là vì như thế.

Còn Phương. Khi nói thẳng khi quanh co, song bao giờ Phương cũng kiên trì một thái độ: mọi chuyện hôm qua không thể giải thích; và cách tốt nhất để sống là hãy quên hết chuyện cũ. Cuối cùng, giống như một kết cục tất yếu, Phương đã bỏ đi trong sự nhớ tiếc khôn nguôi của Kiên. Đi như là một sự lãng quên tuyệt đối.

Chúng ta nên hiểu sự kiện này như thế nào? Trước hết, với Phương đây là bước đi hợp với logic. Nếu Kiên là con người của tình thế trước mắt thì Phương là con người của một cuộc đời dài rộng hơn. Kiên là cái duy lý mà chúng ta vốn thiếu trong khi Phương là cái duy cảm mà người Việt có thừa. Kiên đầy hào hứng trong việc miên man sống với ký ức vì thật ra Kiên vẫn là mình, vẫn giữ được mình trong chiến tranh. Còn Phương, sau cái bề ngoài nhởn nhơ và cái vẻ đẹp nguyên vẹn kia, thật ra cái cô Phương “bậc thày thích ứng” kia đã không còn là mình nữa. Xét ở một phương diện nào đó, nhờ thích ứng mà Phương vẫn tồn tại, nhưng xét trên một phương diện khác, con người Phương hôm qua không còn dấu vết gì nữa, Phương đã thất bại.

 Bề ngoài là một tính cách lạc lõng so với số đông, song Phương là tập đại thành của tính cách cố hữu mà người Việt nào cũng mang sẵn trong máu.

Song hành như những thách thức

 Chỉ cần đứng tách ra một chút để chiêm nghiệm đời sống tinh thần của xã hội những năm chiến tranh, thì người ta phải nhận là qua việc dựng lại diễn biến của nhân vật Phương, Nỗi buồn chiến tranh có thêm một tầng ý nghĩa mới.
Phương với tác giả không phải chỉ là chỉ một cách để ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ như nhiều cây bút phê bình đã viết.
Nhìn lại, trong cả cuốn tiểu thuyết, ta thấy hình ảnh Phương làm nên một cái nền vững chãi cho Kiên. Bên cạnh Kiên, Phương là một kẻ đồng hành để so sánh. Một kẻ đối thoại quyến rũ. Và một cách nhìn đời khác, một thách thức.
 Lúc gần gũi và thông cảm với nhau, Phương là cái phần cao đẹp mà Kiên không vươn tới. Lúc bị cuộc đời hành hạ, Phương là kẻ biết mau mắn chấp nhận để tồn tại, có cách nghĩ thực tế hơn hẳn so với nỗi đau đớn khôn nguôi của Kiên.
Với việc bỏ đi xa để lại cho Kiên niềm nuối tiếc, Phương trở thành tượng trưng cho cuộc đời gần gũi đấy mà bí ẩn đấy, cái cuộc đời vừa  tẻ nhạt chán chường vừa đầy sức quyến rũ mà trong một phút xuất thần, Lưu Quang Vũ đã kêu lên như một lời thú nhận:

Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi
Về cuộc đời ghê gớm ta yêu 

     Tình thế Phương thời hậu chiến không được nói nhiều, song cái lý riêng của tình thế đó thì đã rõ. Nhân vật tồn tại như một biểu hiện của cái mệt mỏi buông xuôi thấm vào đám đông sau chiến tranh. Sau những năm tháng bất thường, nó xoay con người đến nát tươm, nó làm cho con người trở thành méo mó kỳ dị…, người ta vẫn muốn sớm quay về cuộc đời bình thường. Nhất là sau một cuộc chiến quá sức, biết mình không thể hoàn lương trở lại, người ta muốn tạm đắp điếm cho xong, muốn tìm một sự bình yên cần kíp cho cuộc sống trước mắt, dù biết là nó giả tạo. Theo mạch thời gian, thấy càng về sau Phương càng mất hình mất dạng, càng như tan biến đi, trong khi đó Kiên càng kiên trì hơn với những câu hỏi ám ảnh, càng trở thành chính mình.
 Phương là sự bình ổn với bất cứ giá nào, bình ổn để nhắm mắt sống cho qua cái hiện sinh ngoài tầm kiểm soát; ngược lại  Kiên – trong hành động nhận thức của mình - lại nổi bật lên như là yếu tố hư vô mà thách thức và do đó thúc đẩy cuộc đời đi tới.

     Việc miêu tả quá trình song hành giữa hai nhân vật có sự bổ sung cho nhau như Phương và Kiên khiến cho hình ảnh con người trong Nỗi buồn chiến tranh như được gợi mở với nhiều chiều kích rộng rãi. Trong khi ghi nhận hai nhân tố có thực trong đời sống, đồng thời tác phẩm còn tồn tại như lời mời gọi cuộc đối thoại mà lẽ ra xã hội hậu chiến nên đón nhận. Dù những đề xuất ấy không được chính thức hưởng ứng, song trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam hậu chiến, các nhân vật như Kiên như Phương vẫn đã hiện diện với đời, và đấy là cái làm nên lý do trường tồn của tác phẩm. Không mấy khi, nhà văn Việt Nam xây dựng được những nhân vật có ý nghĩa thách thức như thế.
Vương Trí Nhàn
2006 -07
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CẢNH BÁO: ĐỪNG CẦM GIÙM AI BẤT CỨ CÁI GÌ TẠI SÂN BAY

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những hứa hẹn Viễn Đông: Tại sao Washington phải tập trung vào châu Á

Kurt M. Campbell và Ely Ratner, Foreign Affairs, May/June 2014 

Trần Ngọc Cư dịch
Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn đầu của một đề án quốc gia quan trọng: tái định hướng chính sách đối ngoại của mình để dồn thêm quan tâm và nguồn lực vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc trình bày lại một cách có hệ thống các ưu tiên của Mỹ đang diễn ra trong một giai đoạn mà Mỹ khẩn thiết đánh giá lại các vấn đề chiến lược, sau hơn một thập kỷ lún sâu vào khu vực Nam Á và Trung Đông. Việc này đặt cơ sở trên quan niệm cho rằng lịch sử của thế kỷ 21 phần lớn sẽ được viết tại châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực sẵn sàng đón chào sự lãnh đạo của Mỹ và sẽ tưởng thưởng cho sự tham gia của Mỹ bằng một lợi nhuận tích cực trên các đầu tư chính trị, kinh tế, và quân sự.

Do đó, chính quyền Obama đang huy động toàn diện một loạt các nỗ lực ngoại giao, kinh tế, và an ninh mệnh danh là “xoay trục” hay “tái quân bình”, hướng về châu Á. Chính sách này xây dựng trên nền móng của hơn một thế kỷ Hoa Kỳ dính líu vào khu vực này, kể cả những biện pháp quan trọng mà các chính quyền Clinton và George W. Bush đã thực hiện; như Tổng thống Barack Obama đã nhận xét đúng đắn: trên thực tế cũng như trong các tuyên bố, Hoa Kỳ đã là một “cường quốc Thái Bình Dương.” Nhưng chiến lược tái quân bình lực lượng mới thật sự nâng địa vị của châu Á lên một tầm có ý nghĩa trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Những nghi vấn về mục tiêu và phạm vi ảnh hưởng của đường lối mới này đã xuất hiện ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đưa ra những điều mà tới nay vẫn còn là tuyên bố rõ ràng nhất về chiến lược này, và bà là người đầu tiên đã dùng từ “xoay trục” trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy năm 2011. Gần ba năm sau, chính quyền Obama vẫn còn đối diện với cái thách đố dai dẳng trong việc giải thích khái niệm này và trong việc thể hiện hứa hẹn của nó. Nhưng bất chấp những tra hỏi gắt gao và những vấp váp ngắn hạn mà chính sách này gặp phải, ít ai hoài nghi về một chuyển biến lớn đang diễn ra. Và dù Washington có muốn hay không, châu Á chắc chắn sẽ thu hút quan tâm và nguồn lực từ Hoa Kỳ, do sự phồn thịnh và ảnh hưởng của khu vực ngày một gia tăng – và do những thách thức to lớn mà khu vực này đang đặt ra. Do đó, vấn đề cần nêu ra ở đây không phải là liệu Hoa Kỳ sẽ quan tâm hơn về châu Á hay không, mà là liệu Hoa Kỳ có đủ sức làm việc này với quyết tâm, nguồn lực, và trí tuệ cần thiết hay không.

ĐI ĐÔNG RỒI XUÔI NAM

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có một sức thu hút không thể cưỡng lại nổi. Khu vực này là quê hương của hơn một nửa dân số thế giới và có một nước dân chủ đông dân nhất thế giới (Ấn Độ), nền kinh tế thứ nhì và nền kinh tế thứ ba (Trung Quốc và Nhật Bản), quốc gia có đa số Hồi giáo đông đảo nhất (Indonesia), và bảy trong mười quân đội lớn nhất. Ngân hàng Phát triển châu Á tiên đoán rằng trước thời điểm giữa thế kỷ này, khu vực này sẽ cho ra một nửa sản lượng kinh tế thế giới và gồm có bốn trong mười nền kinh tế lớn nhất của thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, và Nhật Bản).

Nhưng chính con đường tiến hóa của châu Á, chứ không chỉ mức phát triển chóng mặt của nó, mới làm cho khu vực này trở nên quan trọng đến thế. Theo Freedom House, trong 5 năm qua, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất trên thế giới đạt tiến độ đều đặn trong việc cải thiện các quyền chính trị và quyền tự do dân sự. Và bất chấp các nghi vấn về khả năng duy trì độ bền vững của mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại những thị trường mới nổi [emerging markets], các quốc gia châu Á vẫn tiêu biểu cho một số cơ hội hứa hẹn nhất trong một nền kinh tế toàn cầu sẽ đình đốn và bất ổn nếu thiếu những thị trường này. Đồng thời, châu Á đang phấn đấu trước những nguyên nhân gây bất ổn kinh niên, do các hành động khiêu khích cao độ của Bắc Hàn, do việc gia tăng ngân sách quốc phòng diễn ra khắp khu vực, do các tranh chấp biển đảo gây nhiều lo ngại, khuấy động các quan hệ quốc tế ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [Biển Đông], và do các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như thiên tai, nạn buôn người, và buôn bán ma túy.

Hoa Kỳ có một lợi ích không thể chối cãi trên con đường mà châu Á sẽ đi trong những năm sắp tới. Thị trường này là điểm đến có ưu tiên cao nhất đối với hàng xuất khẩu Mỹ, vượt quá châu Âu hơn 50 phần trăm, theo Phòng Thống kê Hoa Kỳ. Cả vốn trực tiếp đầu tư của Hoa Kỳ tại châu Á lẫn vốn trực tiếp đầu tư của châu Á tại Hoa Kỳ đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, với Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, và Nam Hàn là bốn trong mười nước có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh nhất tại Hoa Kỳ, theo Phòng Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có năm đồng minh với hiệp ước phòng thủ trong khu vực (Australia, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn, và Thái Lan), cũng như các đối tác quan trọng về mặt chiến lược như Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Singapore, và Đài Loan, cùng với các quan hệ đang triển khai với Myanmar (còn được gọi Miến Điện). Các căn cứ quan trọng của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và Nam Hàn giữ vai trò chủ yếu cho khả năng phóng chiếu quyền lực của Washington tại châu Á và các khu vực lân cận.

Các liên minh quân sự của Hoa Kỳ đã tăng cường an ninh khu vực này qua nhiều thập kỷ, và một trong những mục đích chính của việc xoay trục chiến lược [the pivot] là làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đó. Trong những năm gần đây, Washington đã khuyến khích các quốc gia đối tác của mình tại châu Á tìm cách ngăn ngừa xung đột giữa những cường quốc chính, duy trì sự thông thương trên các hải lộ, chống lại chủ nghĩa cực đoan, và đối phó các đe dọa an ninh phi truyền thống. Nhật Bản và Nam Hàn đã đủ tự tin để nhận lãnh những vai trò ngày càng nổi bật trong các hoạt động quân sự hỗn hợp với Hoa Kỳ, và các lực lượng Mỹ đang làm việc với Australia để phát triển các khả năng chiến đấu thủy lục [amphibious capabilities] của mình và với Philippines để tăng cường lực lượng hải giám của nước này. Kết quả sau cùng là những liên minh hùng mạnh hơn và một khu vực an ninh hơn.

Việc này không hề gợi ý về một nỗ lực bao vây ngăn chặn hay làm suy yếu Trung Quốc. Trái lại, phát triển một quan hệ vững vàng hơn và hiệu quả hơn với Bắc Kinh là một mục tiêu chính của chiến lược tái quân bình lực lượng. Không tìm cách bao vây ngăn ngặn Trung Quốc, trong nhiều năm qua Hoa Kỳ đã tìm cách xây dựng một mối quan hệ song phương chín chắn hơn thông qua các cuộc họp thường xuyên ở các cấp cao nhất chưa hề có trước đây về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến các bộ ngành song hành của hai nước. Thậm chí các quan hệ giữa hai quân đội [military-to-military relations] đã trở lại bình thường, lắm lúc đòi hỏi Lầu Năm Góc phải ráng sức đáp ứng các mức độ sinh hoạt do Bắc Kinh đề xuất.

MỘT CHIẾN LƯỢC XOAY TRỤC HƯỚNG VỀ – VÀ NGAY TRONG – CHÂU Á

Chiến lược tái quân bình lực lượng còn đòi hỏi Hoa Kỳ phải tham gia tích cực vào các định chế đa phương của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dưới chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã trở thành thành viên của Thượng đỉnh Đông Á, cuộc họp chính thức hàng năm của nguyên thủ các quốc gia trong khu vực; ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á, điều này cho thấy cam kết của Mỹ đối với ASEAN sẽ được tăng cường; và cử một đại sứ thường trực tại trụ sở ASEAN ở Jakarta. Mặc dù những định chế trùng lấp lên nhau này có thể gây ra nhiều bức xúc, do tiến độ chậm chạp và các đòi hỏi về đồng thuận của chúng, nhưng chúng có thể thúc đẩy hợp tác khu vực và giúp xây dựng một hệ thống luật lệ và cơ chế để đối phó những thách thức phức tạp xuyên quốc gia. Vào tháng Sáu 2013, chẳng hạn, ASEAN đã đăng cai tổ chức cuộc diễn tập trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai lần đầu tiên, có hơn 3.000 nhân viên từ 18 quốc gia tham dự.

Đồng thời, Mỹ đang đáp lại một thực tế mới mẻ là, khu vực châu Á-Thái Bình Dương càng ngày càng trở thành đầu máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính quyền Obama đã đẩy mạnh các lợi ích kinh tế của Mỹ bằng cách thực thi Hiệp ước Tự do Mậu dịch Mỹ-Hàn năm 2012 và đang thúc đẩy mạnh mẽ để hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương [TTP], một hiệp ước thương mại tự do giữa 12 nước. Một số nước tham dự các cuộc đàm phán TPP hiện là những thị trường sinh động tại Đông Nam Á, như Malaysia và Singapore, vốn phản ánh tầm quan trọng địa chiến lược đang gia tăng của tiểu khu vực [subregion] này. Thật vậy, chiến lược xoay trục chiến lược của Mỹ hướng về châu Á đã được phụ họa bởi một hành động xoay trục diễn ra bên trong châu Á. Washington đang quân bình sự quan tâm truyền thống dành cho các nước Đông Bắc Á bằng sự quan tâm mới mẻ dành cho các nước Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines, và Việt Nam, tìm cách gia tăng thương mại và đầu tư hai chiều với một số nền kinh tế sinh động nhất thế giới. Năm 2010, Washington và Jakarta đã thiết lập một “quan hệ đối tác toàn diện” để củng cố thêm sự hợp tác xuyên qua một loạt vấn đề rộng lớn, gồm y tế, khoa học, công nghệ, và doanh nghiệp.

Một tham vọng tương tự nhằm sắp xếp lại các ưu tiên của Mỹ trong khu vực này giúp giải thích những thay đổi mà Lầu Năm Góc đã thực hiện đối với thế đứng quân sự của mình tại khu vực này. Mặc dù các căn cứ quân sự Mỹ vẫn còn giữ vai trò trung tâm trong khả năng phóng chiếu quyền lực và tham chiến của Washington, nhưng càng ngày chúng càng trở nên dễ bị tấn công làm tê liệt bằng tên lửa, và chúng cũng nằm tương đối xa các vùng có tiềm năng thiên tai và khủng hoảng tại biển Hoa Nam [Biển Đông] và Ấn Độ Dương. Đồng thời, với sự kiện các nước Đông Nam Á đang bày tỏ mong muốn nhận được các chương trình huấn luyện quân sự và trợ giúp chống thiên tai của Mỹ, Hoa Kỳ đã đa dạng hóa sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, bằng cách đồn trú hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin, Australia, và triển khai hai Tàu Tác chiến Gần bờ [Littoral Combat Ships] tại Singapore.

Những thay đổi này trong thế đứng quân sự của Mỹ đã bị chỉ trích hoặc là khiêu khích hoặc là vô bổ. Cả hai cáo buộc đều không chính xác. Những nỗ lực này không cho thấy Mỹ có hành vi hiếu chiến; chúng đóng góp chủ yếu cho những hoạt động trong thời bình, như phản ứng trước các thiên tai, chứ không đóng góp gì cho những khả năng tham chiến của Mỹ. Và con số có vẻ khiêm nhượng về lính thủy đánh bộ và chiến hạm được triển khai đã che giấu những ích lợi đáng kể mà họ cống hiến cho quân đội của các quốc gia đối tác với Mỹ, vốn là những nước hưởng các cơ hội vô song trong việc diễn tập và huấn luyện chung với các lực lượng Mỹ.

Trong việc xoay trục hướng về châu Á, chính quyền Obama không những tìm cách đẩy mạnh các lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ mà lại còn tìm cách làm sâu sắc thêm các quan hệ văn hóa và quan hệ giữa nhân dân với nhân dân. Chính quyền này còn hi vọng rằng chiến lược xoay trục sẽ giúp Mỹ dễ dàng hậu thuẫn nhân quyền và dân chủ trong khu vực. Đường lối mới này đã đóng góp cho những tiến bộ chính trị tại Myanmar, nơi mà chính phủ đã đi được những bước ngoạn mục, như thả tù chính trị, thực thi các cải tổ kinh tế dù chậm trễ, thúc đẩy nhân quyền và nới rộng tự do báo chí. Mặc dù cần có những biện pháp tiến bộ hơn nữa, đặc biệt trong việc bảo vệ các dân tộc thiểu số, nhưng Myanmar đã nêu một tấm gương sáng ngời của một nước từng kinh qua một thời khép kín, độc tài tàn bạo và đang triển khai những bước chuyển hóa qua chế độ dân chủ. Và ngay từ buổi đầu Hoa Kỳ đã là một đối tác thiết yếu trong nỗ lực cải tổ này.

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TRÒ CHƠI BÊN THẮNG BÊN THUA

Những người phản đối việc xoay trục chiến lược đã đưa ra ba lý do phản bác. Thứ nhất, một số người lo ngại rằng việc xoay trục chiến lược sẽ làm Trung Quốc giận dữ một cách không cần thiết. Lý giải này đã không đếm xỉa đến sự kiện là việc tăng cường đối thoại với Bắc Kinh vốn là một đặc điểm trung tâm và không thể chối cãi của chính sách tái quân bình lực lượng [the rebalancing]. Trong những ví dụ điển hình của đường lối mới này, phải kể đến Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung [U.S.-China Strategic and Economic Dialogue] hàng năm, đây là một loạt hội nghị toàn diện được bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng tài chánh Mỹ và các quan chức đồng nhiệm Trung Quốc ngồi ghế chủ tọa, và Đối thoại An ninh Chiến lược [the Strategic Security dialogue], qua đó hai nước đã tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao chưa từng có trước đây về các vấn đề nhạy cảm như an ninh trên biển và an ninh mạng. Các căng thẳng có thể tăng thêm do sự hiện diện quân sự Mỹ đang gia tăng tại châu Á và do việc Washington mạnh dạn bắt tay với các nước láng giềng của Trung Quốc. Nhưng các quan hệ song phương đang phát triển trong một cung cách khiến bất cứ bất đồng nào do việc xoay trục chiến lược gây ra đều có thể giải quyết trong một bối cảnh rộng lớn hơn của một mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định và có tinh thần hợp tác hơn trước.

Phê phán thứ hai đến từ những người tranh luận rằng Washington sẽ thiếu khôn ngoan hay thiếu thực tế khi chuyển trọng tâm chiến lược từ Trung Đông sang châu Á trong khi đang có các xung đột tại Afghanistan và Syria, bất ổn chính trị tại Ai Cập và Iraq, và cuộc đối đầu trường kỳ giữa Iran và các cường quốc phương Tây. Nhưng chỉ trích này chủ yếu là một sự dè bỉu [caricature] đối với chiến lược tái quân bình lực lượng. Theo quan điểm này, Trung Đông và Nam Á đã làm suy yếu quyền lực và uy tín của Mỹ và vì thế việc xoay trục chiến lược thực ra chỉ là một mưu toan tháo chạy bằng cách hướng về những bờ biển hoà bình và dễ sinh lợi hơn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đúng là, chính quyền Obama đã cố gắng giảm bớt sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông. Nhưng mặc dù các nguồn lực có giới hạn, chính sách đối ngoại không phải là một trò chơi bên thắng bên thua [a zero-sum game]. Và vì thế, luận điệu chỉ trích cho rằng việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á trong một cách nào đó chỉ là một thú nhận về thất bại chiến lược tại Trung Đông đã bỏ qua một thực tế rất quan trọng là: trong thập kỷ qua, chính các nước châu Á, mà hiện nay Washington muốn chú trọng hơn, đã lặng lẽ đóng góp phần mình vào việc duy trì hòa bình và ổn định khắp Trung Đông và Nam Á và chính các nước này cũng rất muốn Mỹ duy trì ảnh hưởng tại các khu vực này.

Trước đây không lâu, hầu hết các quốc gia châu Á chỉ biết quan tâm đến việc phát triển trong nước và coi các vấn đề nước ngoài như là trách nhiệm của một ai khác. Một trong những thành công quan trọng nhất của chính sách châu Á của Tổng thống George W. Bush là khuyến khích các cường quốc đang trỗi dậy của khu vực này đóng góp nhiều hơn cho các nơi khác trên thế giới. Để hưởng ứng một phần nào, trong những năm cầm quyền của Bush, lần đầu tiên, nhiều chính phủ Đông Á đã phát triển một tầm nhìn “ra ngoài khu vực” và tham gia tích cực hơn trong các lãnh vực ngoại giao, phát triển, và an ninh tại Trung Đông và Nam Á. Nhật Bản đã trở thành nước hậu thuẫn dẫn đầu trong nỗ lực phát triển xã hội dân sự tại Afghanistan, tài trợ các trường học và các cơ quan dân sự trong chính phủ và huấn luyện người Afghanistan trong các lãnh vực như pháp lý hình sự, giáo dục, y tế, và nông nghiệp. Trong thời kỳ tiếp theo sau Mùa Xuân Á Rập, Nam Hàn bắt đầu yểm trợ các chương trình phát triển khắp Trung Đông. Indonesia, Malaysia, và Thái Lan đã giúp đỡ vật chất cho các chương trình huấn luyện bác sĩ, cảnh sát, và giáo viên tại Afghanistan và Iraq, trong khi Australia và New Zealand gửi lực lượng đặc biệt đến chiến đấu tại Afghanistan. Thậm chí cả Trung Quốc cũng tích cực hơn trong chính sách ngoại giao ở hậu trường nhằm hạn chế các tham vọng hạt nhân của Iran, đối phó nạn cướp biển, và ảnh hưởng lên tương lai của Afghanistan.

Hẳn nhiên, sự động viên của Washington chỉ là một yếu tố ở đằng sau việc các nước châu Á dính líu ngày càng sâu sắc tại Trung Đông; một yếu tố không thể chối cãi khác là sự thèm khát dầu khí từ Vịnh Ba Tư của các nước này ngày càng gia tăng. Châu Á tiêu thụ khoảng 30 triệu thùng dầu một ngày, nhiều hơn gấp đôi lượng dầu mà EU tiêu thụ. Các chính phủ châu Á biết rằng một cuộc rút lui vội vàng của Mỹ ra khỏi Trung Đông sẽ mang lại nhiều rủi ro không thể chấp nhận đối với an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế của nước họ. Do đó, họ đã đầu tư vốn liếng chính trị và tài chính đáng kể vào Trung Đông và trong vài trường hợp đã gửi các lực lượng quân sự đến đây trên một thập kỷ qua để bổ sung, chứ không thay thế, vai trò của Mỹ trong việc làm ổn định khu vực. Nói giản dị là, các đối tác châu Á của Mỹ hậu thuẫn việc xoay trục chiến lược nhưng sẽ không hân hoan chào đón viễn cảnh Mỹ rút khỏi Trung Đông – và điều quan trọng là, hình như họ không hề thấy một chút mâu thuẫn nào giữa hai lập trường này.

Luận cứ thứ ba chống lại việc chuyển trục chiến lược liên quan đến tính bền vững của đường lối này trong một thời điểm mà Mỹ phải cắt giảm ngân sách: trong khi chi tiêu quốc phòng giảm sút, những người hoài nghi tự hỏi làm sao Mỹ có thể đầu tư nguồn lực cần thiết để trấn an các đồng minh châu Á của mình và can ngăn các nước thù địch tiềm năng, đặc biệt trong khi quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Câu trả lời là, chính sách tái quân bình lực lượng hướng về châu Á sẽ không đòi hỏi một ngân sách mới cực kỳ tốn kém; nói đúng ra, Lầu Năm Góc chỉ cần linh động hơn và tìm cách chi tiêu hiệu quả hơn. Chẳng hạn, trong khi giảm bớt kích cỡ tổng thể của quân đội, Mỹ cần phải duy trì sự hiện diện quân sự tại châu Á và phải đầu tư vào các khả năng hải quân và không quân thích hợp hơn đối với môi trường an ninh của khu vực này. Vì chi tiêu quốc phòng của Mỹ không thể gia tăng đáng kể trong một tương lai gần, Washington cần phải làm nhiều hơn để cải thiện khả năng của các quân đội châu Á, bằng cách tiến hành thêm các trao đổi giáo dục và nghiệp vụ, cải tiến các cuộc diễn tập quân sự đa phương, chuyển giao các thiết bị mà quân lực Mỹ không cần đến nữa, và tham gia tích cực hơn vào việc thảo kế hoạch chung.

VIỆC QUÂN BÌNH GIỮA CÁC QUAN TÂM

Mặc dù các luận cứ thông thường nhất để chống lại chính sách tái quân bình lực lượng không thể đứng vững nếu đem ra khảo sát kỹ lưỡng, nhưng chính sách này đang gặp nhiều thử thách to lớn. Có lẽ thử thách lớn nhất là thiếu vốn nhân sự [human capital]. Sau hơn một thập kỷ chiến tranh và chống nổi dậy, Mỹ đã phát triển và thăng thưởng nguyên cả một thế hệ binh sĩ, các nhà ngoại giao, và chuyên viên tình báo am tường về xung đột chủng tộc tại Iraq, về những bất đồng giữa các bộ tộc tại Afghanistan, về các chiến lược tái thiết hậu chiến, và về các chiến thuật của Lực lượng Đặc biệt Mỹ và máy bay con ong [máy bay oanh kích không người lái]. Nhưng Washington chưa có một nỗ lực tương tự nào nhằm phát triển một đội ngũ chuyên viên châu Á vững vàng trong các ban ngành chính phủ — một con số đáng kinh ngạc gồm các quan chức cao cấp trong chính phủ chỉ mới đi thăm châu Á lần đầu sau khi họ nắm giữ các chức vụ quan trọng ở một giai đoạn họ gần thôi việc. Đây đúng là chỗ yếu kém của ngành ngoại giao Mỹ, vì ngay cả một công chức thành đạt nhất cũng thấy khó khăn khi lèo lái công việc qua các vấn đề phức tạp của châu Á nếu chưa có kinh nghiệm trước tại khu vực này. Chính sách xoay trục chiến lược hướng về châu Á vì thế sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của các cơ quan dân sự trong chính phủ, không chỉ riêng cơ quan dân sự của Lầu Năm Góc, khi Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các nỗ lực để đảm bảo rằng các nhà ngoại giao, các nhân viên cứu trợ, các nhà thương thuyết mậu dịch, và các chuyên gia tình báo Mỹ có đầy đủ các kỹ năng ngôn ngữ và kinh nghiệm tại châu Á, mà họ sẽ cần đến để thực hiện tốt công tác của mình.

Chính sách xoay trục hướng về châu Á cũng sẽ vật lộn với một loạt khủng hoảng thường xuyên mà các khu vực khác — đặc biệt là Trung Đông — chắc chắn sẽ tiếp tục cung cấp. Đồng thời, sức ép đòi hỏi phải “trở về với công việc nội bộ” dường như chắc chắn sẽ gia tăng. Tiếp theo sau mỗi cuộc chiến mà Mỹ tham gia trong thời hiện đại, từ Thế chiến I đến Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, công chúng Mỹ gây áp lực lên các nhà chính trị và quan chức chính phủ buộc họ phải tái tập trung vào các vấn đề trong nước. 13 năm chiến tranh vừa qua một lần nữa lại đánh thức bản năng cô lập này, vốn đã được nuôi dưỡng bởi một cuộc phục hồi kinh tế chậm chạp sau khủng hoảng tài chính, khiến nhiều người thất vọng. Mặc dù khuynh hướng quốc tế chủ nghĩa và xu thế đòi hỏi một quốc phòng mạnh vẫn còn tồn tại trong chính trường Mỹ, nhưng có những dấu hiệu tế nhị (và không tế nhị) tại Quốc Hội cho thấy rằng có lẽ Mỹ đang bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó việc Mỹ dấn thân vào những cam kết ở nước ngoài – ngay cả tại những vùng trọng yếu đối với sức mạnh kinh tế Mỹ, như châu Á – cũng khó được chấp nhận hơn trước. Những hạn chế chính trị này sẽ làm cho một dự án vốn đã khó khăn trở thành khó khăn hơn: trước các vấn đề châu Á, danh mục những việc Mỹ cần thực hiện tại đây còn dài, không những cho những năm còn lại của chính quyền Obama mà cả cho chính quyền tiếp theo.

NHỮNG ĐỐI TÁC TRONG CHÍNH SÁCH XOAY TRỤC CHIẾN LƯỢC

Tại châu Á, kinh tế và an ninh khu vực là hai vấn đề kết hợp không thể tách rời nhau, do đó Mỹ không thể duy trì vai trò lãnh đạo của mình chỉ bằng sức mạnh quân sự mà thôi. Đó là lý do tại sao việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) — sẽ đòi hỏi những cuộc đàm phán căng thẳng ở nước ngoài và tại Quốc Hội Mỹ — là một ưu tiên hàng đầu. Hiệp định này sẽ nhanh chóng mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ và sẽ khai sinh một hệ thống thương mại lâu dài tại châu Á, một hệ thống không bị chế độ bảo hộ mậu dịch làm trì trệ. Để Hoa Kỳ có thêm sức mạnh đòn bẩy trong các cuộc thương thuyết, Quốc Hội Mỹ phải nhanh chóng phục hồi quyền thúc đẩy thương mại [TPA] bằng đường lối nhanh nhất. Dưới hệ thống này, sau khi thương thuyết xong TPP và các hiệp ước tự do mậu dịch khác, Nhà Trắng có thể đệ trình chúng trước Quốc Hội để lấy phiếu “thuận hay không thuận” [up-or-down votes], theo đó Quốc Hội không thể sửa đổi [amend] hay tranh luận câu giờ nhằm vô hiệu hóa chúng [filibuster]. Chính quyền Obama còn phải tận dụng sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng Mỹ và tăng tốc việc xuất khẩu khí thiên nhiên ở thể lỏng [liquified natural gas] sang châu Á để cải thiện an ninh năng lượng của các nước đồng minh và đối tác tại đây và để gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết của Mỹ đối với sự phát triển của khu vực này.

Sự hợp tác luôn luôn được củng cố giữa Washington và Bắc Kinh đã mang lại nhiều kết quả khi hai nước ngày càng phối hợp đường lối của mình đối với Iran và Bắc Hàn đồng thời quản lý các khủng hoảng tiềm năng tại biển Hoa Nam [Biển Đông]. Nhưng Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi lèo lái các mối quan hệ với một Trung Quốc đang trỗi dậy mà hiện nay vừa là một “đối tác chiến lược” [a strategic partner], như Tổng thống Bill Clinton mô tả năm 1998, vừa là một “đối thủ chiến lược” [a strategic competitor], như về sau Bush đã gọi.

Những âm mưu của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng lãnh thổ [the territorial status quo] tại biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [Biển Đông] – chẳng hạn, bằng cách thiết lập một “khu nhận diện phòng không” tại biển Hoa Đông trùm lên các đảo do Nhật Bản quản lý hành chánh – đang đặt ra một thách thức trước mắt. Mỹ sẽ phải làm rõ với Trung Quốc rằng hành vi xét lại này là không phù hợp với các quan hệ ổn định Mỹ-Trung, lại càng không phù hợp “với loại quan hệ đại cường” mới nhất mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất với Obama. Gần đây Washington đã đi một bước đúng hướng khi các quan chức cao cấp trong chính quyền công khai chất vấn tính hợp pháp trong những tuyên bố chủ quyền có tính cách bành trướng của Trung Quốc và đưa ra cảnh báo chống lại việc thành lập một khu nhận diện phòng không tại biển Hoa Nam [Biển Đông].

Bên bờ kia của biển Hoa Đông, Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách lèo lái Nhật Bản ra khỏi nhiều thập niên trì trệ kinh tế và gieo vào đầu óc người dân một ý thức mới mẻ về niềm tự hào và thanh thế của Nhật Bản. Washington sẽ phải tiếp tục thúc đẩy Tokyo hành động tự chế và tránh gây tổn thương, đặc biệt liên quan đến các tranh cãi về quá khứ đế quốc của Nhật Bản. Gần đây, Abe đã đến thăm Đền Yasukuni, nơi thờ một số tử sĩ bị kết án về các tội phạm chiến tranh mà họ đã gây ra trong Thế chiến II. Cuộc thăm viếng này có thể đã giúp ông về mặt chính trị trước một số khối cử tri trong nước, nhưng gây ra những tổn thất lớn trên trường quốc tế: nó nêu lên những nghi vấn tại Washington, làm xấu thêm các quan hệ giữa Nhật Bản và Nam Hàn, đồng thời khiến Trung Quốc trở nên kiên quyết hơn trong thái độ không muốn giao hảo trực tiếp với Nhật Bản chừng nào mà Abe còn cầm quyền.

Giữa bối cảnh ngoại giao căng thẳng này, Mỹ sẽ làm việc với Lực lượng Tự vệ Nhật Bản [tương đương Bộ Quốc phòng] với mục đích là Nhật Bản sẽ đóng một vai trò an ninh tích cực hơn trong khu vực và trên thế giới. Trong nỗ lực này có cả việc chống lại tuyên truyền của Trung Quốc khi họ lên án việc Nhật Bản giải thích lại hiến pháp và hiện đại hóa quân đội là phản động và quân phiệt, mặc dù trên thực tế, đây là những biện pháp hoàn toàn hợp lý – đáng lẽ phải thực hiện từ lâu. Mỹ cũng phải tiếp tục dồn một số vốn chính trị đáng kể cho việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Nam Hàn; vì một quan hệ hữu nghị bền vững hơn giữa hai nước này sẽ có lợi cho việc đương đầu với mối đe dọa to lớn và đang gia tăng do Bắc Hàn đặt ra.

Những thách thức tại Đông Nam Á là hoàn toàn khác hẳn với những thách thức tại Đông Bắc Á, nhưng chúng không kém phần quan trọng đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ. Một số nước Đông Nam Á, kể cả Campuchia, Malaysia, Myanmar, và Thái Lan, đang trải qua các mức độ xáo trộn chính trị khác nhau có khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của từng nước. Khi khủng hoảng xảy ra, Washington phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản về dân chủ và nhân quyền nhưng không làm điều này một cách giáo điều hoặc bằng những cung cách có thể làm suy giảm lợi thế và ảnh hưởng của Mỹ. Thay vì đánh cược vào những phe phái có khả năng nắm quyền lực, đường lối hay nhất của Mỹ sẽ là tập trung vào các vấn đề mà người dân bản xứ cho là quan trọng nhất tại khu vực này bất luận ai là kẻ cầm quyền, những vấn đề như giáo dục, xóa đói giảm nghèo, và đối phó thiên tai.

Ngoài việc gia tăng sự tham dự của Mỹ vào các diễn đàn đa phương tại châu Á, Washington phải hậu thuẫn sự phát triển của một trật tự khu vực dựa vào luật lệ bằng cách đặt toàn bộ trọng lượng của mình đằng sau các nỗ lực sử dụng luật pháp và trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Nam [Biển Đông]. Philippines đã đưa yêu sách chủ quyền của mình trong tranh chấp với Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Mặc dù Mỹ (tạm thời) không đưa ra các phán đoán về giá trị của các yêu sách chủ quyền riêng biệt, nhưng Washington cũng phải đóng góp cho việc xây dựng một đồng thuận quốc tế bằng cách kêu gọi mọi quốc gia công khai hậu thuẫn cơ chế này, vì tòa án về luật biển là một phép thử để xem khu vực này có sẵn sàng quản lý các tranh chấp của mình thông qua các phương tiện pháp lý và hòa bình hay không.

Hoa Kỳ không thể một mình tái quân bình lực lượng hướng về châu Á. Điều thiết yếu là phải kéo theo các nước châu Âu, tức những nước có thể đóng góp đáng kể trong các lãnh vực như luật pháp quốc tế và xây dựng các định chế. Nếu phương hướng chung của các mối quan hệ song phương cho phép, Washington còn phải thăm dò các cơ hội để tìm sự hợp tác tích cực hơn nữa với Ấn Độ và Nga về các vấn đề Đông Á. Và hẳn nhiên, còn có một yếu tố cần thiết khác là các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, phải chứng tỏ vai trò lãnh đạo và sáng kiến của mình để bổ túc cho những nỗ lực của Mỹ. Trọng điểm của chính sách xoay trục hướng về châu Á là duy trì một khu vực cởi mở, hòa bình, và thịnh vượng, trong đó các chính phủ phải dựa vào các luật lệ, qui phạm, và định chế để giải quyết các bất đồng, chứ không sử dụng sức ép và vũ lực. Xoay trục chiến lược là một sáng kiến của Mỹ, nhưng sự thành công nhiên hậu của nó sẽ không hoàn toàn tùy thuộc vào Washington.

KURT M. CAMPBELL là Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Asia Group. Từ 2009 đến 2013, ông là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. ELY RATNER là Nhà Nghiên cứu Thâm niên và là Phó Giám đốc của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm vì một Nền An ninh Mới của Mỹ [the Center for a New American Security].

Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=4601

Phần nhận xét hiển thị trên trang