Đã 60 ngày trôi qua kể từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển của Việt Nam, dường như ý đồ của Trung Quốc đã rất rõ, đó là biến dần những vùng biển không có tranh chấp thành có thành chấp, và bước tiếp theo là chiếm toàn bộ những vùng biển ấy, kể cả phải dùng vũ lực?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trước tình hình này, theo tôi cần giữ vững ba nguyên tắc ứng xử với Trung Quốc:
Thứ nhất, phải giữ vững được sự đoàn kết của 90 triệu dân Việt Nam. Dù rằng dân số của chúng ta so với cả nước Trung Quốc là con số nhỏ, nhưng nhìn lại cả tiến trình lịch sử thì chưa bao giờ chúng ta chịu khuất phục. Trung Quốc rất sợ sự đoàn kết của toàn dân Việt Nam, mà minh chứng rõ nét nhất là trải qua tất cả các triều đại phong kiến, rốt cuộc quốc gia phương Bắc luôn phải phải hứng chịu thất bại. Ngày nay, tình đoàn kết không chỉ nói tới nhân dân Việt Nam ở trong nước, mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng chính là nguồn động viên vô cùng to lớn trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền.
Thứ hai, Trung Quốc sợ phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam. Cách tốt nhất trong cuộc đấu tranh này là Việt Nam phải tuyên truyền để thế giới và cả người dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật lịch sử. Thêm nữa, chúng ta cần liên minh chặt chẽ với các nước trong khu vực có chung quyền lợi ở biển đông, đặc biệt là Nhật Bản và Philippin, hai nước ủng hộ chúng ta mạnh mẽ nhất.
Thông qua đấu tranh bằng con đường ngoại giao, Việt Nam sẽ làm cho quốc tế hiểu rõ bộ mặt thật đầy gian xảo của Trung Quốc. Khi tất cả các nước đều biết rõ Trung Quốc là kẻ lưu manh tự khắc họ phải có sự đề phòng và rất có thể Trung Quốc sẽ bị cô lập chính trị. Chính một số học giả của Trung Quốc cũng nhận định, hành vi của Trung Quốc như một tên cướp biển và sẽ mất nhiều hơn được.
Thứ ba, Trung Quốc rất sợ Việt Nam đưa vấn đề này ra các tổ chức quốc tế, bởi họ không có bất kỳ một căn cứ nào để chứng minh chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, trong khi cả thế giới giờ đã rõ về hành vi ăn cướp của họ. Tôi rất mừng vì ngày càng có nhiều các bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, từ chính tấm bản đồ thời nhà Thanh in vào năm 1904 đã thể hiện rất rõ quốc gia này không có Trường Sa và Hoàng Sa. Gần đây, chúng ta cũng đã đón nhận bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – 1827 khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được vẽ bởi nhà địa lý người Pháp và được xuất bản từ năm 1827.
Phát huy được ba yếu tố đó là sức mạnh vô cùng lớn để đánh bại ý đồ bành trướng, xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, để phát huy được ba yếu tố ấy thì vai trò của thông tin tuyên truyền là rất quan trọng. Phải tuyên truyền để dân ta hiểu rõ về chủ quyền cũng như âm mưu xâm lược của Trung Quốc, từ đó hun đúc tinh thần yêu nước của các thế hệ trẻ, tạo sự đoàn kết vững chắc chống quân xâm lược.
Tôi rất tiếc vì bấy lâu nay chúng ta nói quá ít về vấn đề này, thậm chí ngay cả trong giảng dạy cho học sinh thì các cuộc chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc hầu như không được đề cập, mà thường chúng ta né tránh. Vì sao như vậy? Cho nên tôi rất đồng ý với phát biểu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, chúng ta không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông.
Ông có cho rằng, tuyên truyền để người dân Trung Quốc hiểu được chính nghĩa là một biện pháp quan trọng ngăn chặn âm mưu của các nhà cầm quyền nước này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trung Quốc hành động đúng như một tên ăn cướp, nhưng lại đổ vấy mọi chuyện cho Việt Nam. Hiện nay, nhân dân Trung Quốc đang bị bưng bít thông tin nên chưa hiểu được sự thật. Chúng ta cần phải có các biện pháp để người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình thấy được chính nghĩa ở phía Việt Nam và như vậy chính họ sẽ lên tiếng phản đối hành vi của nhà cầm quyền nước này.
(GDVN) - Trung Quốc từng giúp Việt Nam, nhưng cũng từng bán đứng và xâm lược Việt Nam... Đến nay, chủ quyền lãnh thổ, có nên xem xét dưới góc "đồng chí, anh em"?
Chúng ta thấy rằng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam đã góp phần không nhỏ để chúng ta đánh đuổi hai kẻ xâm lược xừng sỏ của thế giới. Đặc biệt, nhân dân Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành, biểu tình phản đối nhà cầm quyền ngay trên đất nước Mỹ, đã góp phần giúp Việt Nam sớm giành lại độc lập.
Vì vậy, tôi tin rằng khi chúng ta tổ chức tuyên truyền được cho người Trung Quốc hiểu ra sự thật thì chính họ sẽ phản đối các hành vi đe dọa quân sự vô lý ấy, chắc chắn họ không muốn xương máu của con em mình phải đổ xuống một cách vô nghĩa như vậy, trong khi dân tộc Việt Nam chỉ muốn sống trong hòa bình. Có người nói rằng tuyên tuyền vào Trung Quốc rất khó nhưng tôi không cho là như vậy, mà vấn đề là chúng ta có đủ quyết tâm hay không mà thôi.
Sinh tồn của quốc gia là biển
Từ những kinh nghiệm xương máu qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, theo ông, những bước tiếp theo Việt Nam cần có hành động thế nào?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị tốt cho những bước đi tiếp theo, sẵn sàng chủ động đối phó với những hành vi xấu xa của Trung Quốc, chứ không để rơi vào thế bị động cuốn theo họ như thời gian vừa rồi.
Chúng ta nhớ lại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào năm 1965, Bác Hồ đã dự đoán trước tình hình rằng Mỹ sẽ đánh ra Hà Nội bằng B52. Bác cũng dự đoán cuộc kháng chiến có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng chúng ta sẽ chiến thắng và khi thắng lợi sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
(GDVN) - “Đảng ta nói “của dân, do dân và vì dân” là khẩu hiệu nhưng phải tiến lên thực tế hơn nữa. Dân đồng thuận là được còn dân không đồng thuận sẽ là nguy cơ…”.
Bác cũng dự đoán chúng ta sẽ giành toàn thắng vào giai đoạn năm 1975… Như vậy cho thấy Bác đã tổng hợp được các nguồn thông tin, phân tích được thế cuộc và kết luận thế cục chắc chắn sẽ diễn ra theo hướng như vậy.
Đã là lãnh đạo quốc gia thì tầm nhìn chiến lược phải là số một, tài năng của một lãnh đạo tầm cỡ quốc gia là phải nhìn thấy trước được cục diện, biết và tránh được những âm mưu của kẻ thù, tránh được những xung đột không cần thiết gây tổn tại tới đất nước.
Tuy nhiên tình hình xảy ra thời gian qua đã cho thấy Việt Nam chưa có được sự chuẩn bị thật tốt cho chiến lược trên biển. Rõ ràng Trung Quốc đang thực hiện âm mưu đẩy Việt Nam vào thế chính trị, chứ không đơn thuần là kinh tế. Tôi rất tiếc là chúng ta bị động chứ không nắm thế chủ động ngay từ đầu. Vì sao tôi nói thế? Từ bao đời này Trung Quốc luôn muốn xâm chiếm đất đai của dân tộc ta, nhưng chúng ta lại không có sự đề phòng đủ rộng. Mấy chục năm nay chuẩn bị toàn diện cho biển thế nào? Bây giờ, chúng ta đã thấy được những thiếu sót ấy thì phải có những bước đi tiếp theo hợp lý, không để mắc mưu Trung Quốc.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định, sinh tồn của quốc gia chính là biển, do đó không thể nhân nhượng với Trung Quốc. |
Từ những bài học kinh nghiệm trong quá khứ vào các năm 1974, 1979, 1988... cho thấy Việt Nam không thể nhượng bộ với Trung Quốc, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Sinh tồn của quốc gia này là biển, trước đây đã thế, bây giờ và hàng nghìn năm sau cũng vậy. Chúng ta đều biết, tài nguyên khoáng sản trên đất liền ngày càng cạn kiệt, chỉ có lúa gạo thôi thì không thể đủ được, và tài nguyên trên biển thì còn rất nhiều tiềm năng, nhiều vùng chưa có điều kiện để khai thác.
Bên cạnh đó, giao lưu trên biển cũng rất lớn. Quân sự phát triển trong tương lai cũng phải di chuyển bằng đường biển. Tôi nhớ lại thời gian quân đoàn 3 sang giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đuổi quân pôn pốt sau đó trở về nước, chỉ có ô tô đi đường bộ, còn lại xe tăng và pháo binh đều di chuyển bằng đường biển. Những nơi nào khó khăn nhất không đi được trên bộ thì đều phải di chuyển bằng đường biển… Với rất cả những yếu tố ấy, có thể khẳng định biển là môi trường sinh tồn của một quốc gia.
Việt Nam có trên 3 nghìn km đường bờ biển và có trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, đó là tiềm năng vô cùng to lớn, là lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Những lợi thế rất lớn của Việt Nam luôn bị Trung Quốc nhòm ngó, và họ biết rất rõ là muốn trở thành cường quốc của thế giới thì con đường duy nhất là tiến ra biển. Khi tung ra đường 9 đoạn, Trung Quốc đã cho thấy rất rõ dã tâm này. Nếu chúng ta tiếp tục nhân nhượng thì Trung Quốc không những chỉ chiếm đóng Hoàng Sa mà còn nuốt luôn cả Trường Sa.
Chúng ta chỉ có thể dựa vào thực lực của chính mình, chứ không thể chờ đợi sự giúp đỡ của nước khác. Những tuyên bố của Mỹ, Nga hay một số quốc gia cho thấy đó chỉ đơn thuần là những ứng xử ngoại giao.
Trân trọng cảm ơn ông!