Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

"Triết học đường phố":

Alexander Solzhenitsyn, Live Not By Lies ( ĐỪNG SỐNG BẰNG SỰ DỐI TRÁ )

25 Tháng 6 2014 lúc 12:47
Đừng sống bằng sự dối trá

Sau đây là toàn văn của bài tiểu luận của Alexander Solzhenitsyn “Đừng sống bằng dối trá” có lẽ là cái cuối cùng ông viết trên đất quê hương mình – trước khi Liên Xô sụp đổ – đã và lưu hành trong giới trí thức của Moscow tại thời điểm đó. Bài tiểu luận ghi ngày 12 Tháng Hai, cái ngày mà mật vụ đột nhập vào căn hộ để bắt ông. Ngày hôm sau, ông bị lưu đày sang Tây Đức.

Đã có thời thậm chí rỉ tai nhau chúng ta cũng không dám! Bây giờ thì chúng ta viết và đọc sách báo chui, và thỉnh thoảng có tới Viện Khoa Học hút thuốc gặp nhau thì cũng thành thật mà phàn nàn với nhau rằng: Chúng đang giở trò gì đây? Chúng còn xỏ mũi ta tới đâu nữa? Quê hương vừa nghèo vừa điêu tàn mà chúng cứ huyênh hoang khoe nhau những thành tựu trên vũ trụ. Chúng ôm mấy cái chế độ cai trị lạc hậu và dã man, rồi thổi cho lửa nội chiến bùng lên. Chúng rút ruột để nuôi Mao Trạch Đông một cách vô tội vạ – rồi tống cổ chúng ta ra chiến trường đánh nhau với hắn, mà chúng ta phải đi. Trốn sao cho thoát? Chúng thích đưa ai ra tòa thì đưa, chúng nhốt người tỉnh táo vào nhà thương điên – chúng nó luôn giở những trò đó, còn chúng ta thì bất lực.
Mọi thứ sắp rớt xuống đáy cùng. Tinh thần chúng ta đã chết hết, còn thân xác chúng ta và cả con cái chúng ta nữa, cũng sắp bị ném vào lửa cháy rụi. Thế mà chúng ta vẫn bình chân như vại, cứ nhếch mép cười một cách tiểu nhân, và lưỡi không bị ngọng mà vẫn lúng búng trong miệng. Nhưng chúng ta biết làm gì mà ngăn nó cho được? Hay là chúng ta không đủ sức?
Chúng ta bị tước đoạt nhân tính một cách tàn bạo tới mức chỉ vì miếng cơm manh áo qua ngày thôi mà chúng ta sẵn sàng vứt bỏ mọi nguyên tắc và linh hồn của mình, mọi nỗ lực của tiền nhân và mọi cơ hội của hậu thế – miễn sao đừng đụng tới sự tồn tại mong manh của mình là được. Chúng ta không có khí phách, không có tự trọng, không có nhiệt tình. Vũ khí hạch tâm, thế chiến thứ ba chúng ta không sợ. Chúng ta đã nấp kĩ trong hang rồi. Chúng ta chỉ sợ làm người công dân có dũng khí.
Chúng ta chỉ sợ tụt lại phía sau đàn và phải bước đi một mình và đột nhiên thấy mình không có bánh mì ăn, không có lò sưởi ấm và không có một đăng ký hộ khẩu Moscow. Chúng ta đã được tuyên truyền trong các khóa học chính trị, và theo cùng một cách giống hệt nhau, đã được bồi dưỡng các ý tưởng sống yên thân, và mọi thứ sẽ tốt đẹp trong phần còn lại của cuộc đời. Bạn không thể thoát khỏi môi trường và điều kiện xã hội. Cuộc sống hàng ngày định hình ý thức. Cái đó có liên quan gì với chúng ta? Chúng ta có thể làm gì với nó?
Được chứ, được tất cả là đàng khác. Nhưng chúng ta dối lòng mình để an thân. Đừng trách bọn chúng, có trách thì trách chúng ta đi. Có người vặn hỏi: Thì ông muốn nghĩ gì mà chẳng được. Chúng đã dém miệng chúng ta. Có ai chịu nghe chúng ta, có ai thèm đoái hoài chúng ta. Làm sao mà bắt chúng nghe chúng ta nói được? Không thể nào thay đổi được não trạng của chúng.
Tất nhiên là có thể đầu phiếu để loại bọn chúng, nhưng mà đất nước này làm gì có tuyển cử. Ở phương Tây người ta có bãi công và biểu tình phản đối, còn chúng ta thì bị đàn áp thẳng tay, có những cảnh mới nghĩ tới đã thấy rùng mình: Ai dám thình lình bỏ việc mà xuống đường? Song le, những con đường chết chóc mà dân tộc Nga đã mò mẫm trong đau khổ suốt thế kỉ qua không phải dành cho chúng ta, mà quả thật chúng ta không cần đi lại những con đường như vậy.
Bây giờ cái rìu đã làm xong việc, hạt giống gieo xuống đã nảy mầm, chúng ta có thể thấy là những kẻ còn trẻ tuổi mà cuồng vọng, cho là có thể dùng khủng bố, cách mạng đẫm máu và nội chiến để mang lại bình đẳng và hạnh phúc cho đất nước chúng ta, chính họ là những kẻ lạc lối. Thế đủ rồi, xin cảm ơn các vị giác ngộ cách mạng tiên phong! Bây giờ chúng ta mới biết phương pháp xú uế tất sinh kết quả xú uế. Hãy để cho tay của chúCái vòng trói buộc này đã đóng chặt rồi sao? Không còn lối thoát? Và chúng ta chỉ còn một đường duy nhất thôi, là khoanh tay đợi? Đợi cho tới khi có biến? Chừng nào mỗi ngày chúng ta đều thừa nhận, ca ngợi, và nuôi dưỡng – chứ không tự mình chém phăng đi một điều không ai không thấy, là sự dối trá – thì đừng mong có chuyện gì xảy ra.
Bạo động len lỏi vào cuộc sống an bình, cái mặt nó toát ra vẻ ngạo mạn, y như đang khoác một ngọn cờ và hô to: “Bạo động đây. Tránh ra, nhường đường cho tao, không tao nghiến nát tụi bay.” Nhưng mà bạo động mau già. Rồi nó mất hết tự tín, và để giữ cho cái mặt ra vẻ khả kính nó rước thằng dối tra về làm đồng minh – vì không phải ngày nào nó cũng thò bàn tay thô bạo của nó ra được, mà thò ra được cũng bất tất chụp hết mọi người. Nó chỉ cần chúng ta ngoan ngoãn phục tùng dối trá và hàng ngày thực hành dối trá – đây chính là yếu huyệt của mọi sự trung thành. Cái chìa khóa đơn giản nhất và dễ làm nhất mở ra cánh cửa tự do, tự do mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên, là: Mỗi người cùng tẩy chay dối trá. Mặc dù dối trá che giấu tất cả, mặc dù dối trá phủ lấy tất cả, nhưng tôi tuyệt không nhúng tay.
Làm vậy tức là mở một lối thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hoang tưởng do chúng ta khoanh tay đứng nhìn mà ra. Cách đó vừa dễ làm nhất vừa tiêu diệt dối trá mau nhất. Vì rũ bỏ dối trá, tức là cắt đứt đường sống của nó. Dối trá giống như bệnh dịch, chỉ có thể sống bám vào một sinh vật.Chúng ta không cần phải ám thị mình. Chúng ta chưa đủ già dặn để tiến vào các quảng trường mà gào lên sự thật hay biểu hiện tư tưởng của mình. Chưa tới lúc phải làm thế. Nguy hiểm nữa. Chỉ cần điều gì mình không nghĩ thì chúng ta từ chối đừng nói là được.
Đó là con đường của chúng ta, con đường dễ nhất ai cũng làm được, con đường đã chiếu cố sự hèn nhát thâm căn cố đế của chúng ta. Nó dễ hơn phương pháp công dân bất phục tùng của Gandhi xiển dương – dễ tới mức viết những lời này còn nguy hiểm hơn.
Con đường của chúng ta là tránh xa chỗ thối nát. Nếu chúng ta đừng ghép đống xương tàn và lớp vảy khô của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng ta đừng mất công vá lại mớ giẻ rách, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy là sự dối trá sẽ hóa ra bất lực và tiêu ma nhanh chóng. Lúc đó, cái gì cần lột trần mới thực phơi ra trước cả và thiên hạ.
Vì thế, dù có dè dặt, mỗi chúng ta hãy lựa cho mình: hoặc là, cam tâm làm nô lệ cho hư ngụy – tất nhiên chúng ta nuôi dưỡng con cái mình trong tinh thần dối trá không phải vì đó là bản tính của chúng ta, mà chẳng qua là để kiếm ăn nuôi gia đình – hoặc là rũ sạch mọi sự dối trá làm một người lương thiện xứng đáng được con cái và người đồng thời kính trọng.
Con đường của chúng ta là không tự nguyện ủng hộ bất kì sự dối trá nào. Khi chúng ta đã biết bản chất của hư ngụy ở đâu, thì chúng ta mỗi người sẽ biết cách nhìn ra đâu là dối, đâu là thật.
Và từ đó trở đi chúng ta sẽ:
  • Bằng mọi cách không viết, kí, hay in một lời nào chúng ta cho là bóp méo sự thật;
  • Không nói những lời như thế, dù là nói chuyện riêng hay nói trước đông người, tự ý mình hay theo ý người khác, dù làm công tác cỗ vũ, dạy học, giáo dục hay đóng trò trên sân khấu;
  • Không mô tả, cổ vũ, hay truyền đi một ý tưởng nào chúng ta thấy rõ ràng là sai hay bóp méo sự thật, dù bằng hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc;
  • Không trích lời người khác nói hoặc viết mà không đặt lời trích vào ngữ cảnh, để lấy lòng ai đó, hay để lót đường cho mình, hay để thành công trong công việc nếu mình không hoàn toàn đồng ý với ý tưởng trích dẫn, hoặc nếu ý trích dẫn đó không phản ánh chân thực bản chất vấn đề;
  • Không để cho mình bị ép phải dự những cuộc biểu dương hay hội họp nào trái với sở thích hay ý nguyện mình, không cầm hoặc giương lên những tiêu ngữ hay biểu ngữ nào mình không hoàn toàn chấp nhận;
  • Không giơ tay biểu đồng tình cho một đề xuất mà ta không thành thật tán đồng, không bầu cho người mình cho không xứng đáng hay đáng ngờ về tài năng, dù bầu công khai hay bí mật;
  • Không để cho mình bị lôi tới những cuộc họp mà mình đoán người ta sẽ bức mình thảo luận hoặc bóp méo một vấn đề;
  • Lập tức bước ra khỏi những cuộc họp, hội nghị, thuyết trình, biểu diễn, chiếu phim nếu nghe thấy diễn giả nói láo, rêu rao những rác rưởi ý thức hệ, hoặc những lời tuyên truyền lố bịch;
  • Không đóng góp hoặc mua những báo chí bóp méo thông tin hoặc giấu giếm những sự thật hiển nhiên.
  •  Tất nhiên là chúng ta chưa liệt kê hết mọi biến thái hư ngụy cần phải liệt kê. Nhưng người nào thanh luyện mình sẽ nhờ lương tâm trong sạch mà phân biệt được chân ngụy.
Những người chọn con đường này ban đầu cuộc sống sẽ rất thay đổi. Có người bị mất việc. Những người trẻ muốn sống chân thật, thì những việc như thế này sẽ làm cho đời thanh xuân của họ ra phức tạp, vì khóa học bắt buộc nào cũng nhét toàn dối trá, không thể không chọn lọc.
Nhưng không có lối đi nào dễ dãi hơn cho người muốn làm người lương thiện. Ngày nào chúng ta cũng có người phải đối diện ít nhất là một trong những tình huống trên, cho dù là trong những ngành khoa học kĩ thuật vô thưởng vô phạt dễ tìm được chỗ nương náu nhất. Hoặc là chân thật, hoặc là hư ngụy: một đường đi tới tự do tinh thần, một đường đi tới nô lệ tinh thần.
Còn những kẻ không đủ dũng khí bảo vệ linh hồn mình– các người chớ vin vào mấy quan điểm ‘tiến bộ’ của mình mà kiêu ngạo, chớ huyênh hoang mình là hàn lâm học sĩ, là nghệ sĩ nhân dân, là yếu nhân có nhiều công trạng, hay là đại tướng – các người hãy tự nói với mình: Mình thà ở lại đàn làm một thằng hèn. Sao cũng được, miễn no bụng ấm lưng thì thôi.
Lối phản kháng này tuy nhu nhược nhất trong mọi lối phản kháng cũng không phải là dễ. Tất nhiên là dễ hơn tự thiêu hay tuyệt thực: lửa sẽ không dìm thân anh, mắt anh không bị nung cho nổ ra, và gia đình anh sẽ không lúc nào thiếu cơm ăn nước uống.
Một dân tộc vĩ đại ở châu Âu, dân Tiệp Khắc, họ bị chúng ta phản bội và lừa dối, chẳng là họ đã cho chúng ta thấy nếu trong lồng ngực có một trái tim cao thượng thì tấm ngực mỏng manh kia có thể đứng lên chống lại xe thiết giáp đấy sao?
Anh bảo làm thế không dễ? Nhưng trong mọi cách thì cách đó là dễ nhất. Cách đó có thể nguy tới tánh mạng, nhưng muốn cứu linh hồn thì không còn cách nào khác. Phải, con đường đó không phải là con đường dễ đi. Nhưng mà có nhiều người, rất nhiều nữa là khác, năm này qua năm nọ đã theo đuổi lí tưởng ấy, chỉ vì họ lấy chân thật làm lẽ sống.
Cho nên anh không phải là người đầu tiên chọn đi đường này, anh chỉ gia nhập dòng người đã dấn thân vào đó. Nếu chúng ta nâng đỡ nhau và sát cánh nhau thì con đường này sẽ dễ đi và ngắn bớt lại. Nếu chúng ta đông tới hàng ngàn người thì bọn chúng sẽ không làm gì được chúng ta. Nếu chúng ta lên tới hàng vạn người thì đất nước này sẽ khoác bộ mặt mới đến mức chúng ta không còn nhận ra nữa. Nếu chúng ta khiếp nhược quá, thì đừng trách người ta đàn áp mình mãi.
Chính chúng ta đang tự mình đàn áp mình đấy. Lúc đó thì hãy khom lưng xuống nữa, hãy rên xiết nữa, và đợi tới ngày những người anh em của chúng ta, các nhà sinh học, tìm ra cách đọc được tư tưởng của chúng ta, một thứ tư tưởng vô giá trị và tuyệt vọng.Và nếu thậm chí đã chọn con đường yên thân mà chúng ta vẫn rơi vào chỗ cùng khốn, thì chúng ta đúng là đồ bỏ đi, không còn cách gì cứu vớt được. Lúc đó, chúng ta đáng dành cho những lời khinh bỉ này của Pushkin:
“Đồ súc sinh thì làm gì có tự do. Muôn đời di sản của nó chỉ là ách nặng và roi vọt.”

Alexander Solzhenitsyn, Live Not By Lies
Dịch: Thái Phục Nhĩ  Triết Học Đường Phố
Nơi hội tụ của những ngòi viết tự do


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

Ng. Văn Tuấn


Càng nghĩ về câu này tôi càng thấy nó có vẻ hợp tình cảnh với những người có cuộc sống xa xỉ (như bỏ ra hàng trăm ngàn USD cho một bộ túi xách hay cho một cái giường, hàng triệu USD cho một chiếc xe, biệt thự, v.v.) Trong một đất nước còn rất nghèo và phải đi “ăn xin” thế giới, mà có người tiêu dùng như thế thì quả là điều đáng suy nghĩ và đáng bàn.

Câu chuyện ông cựu Tổng thanh tra sở hữu một căn biệt thự hoành tráng làm xôn xao dư luận. Có người lí giải rằng chẳng có gì phải bàn ra tán vào vì trong cơ chế kinh tế thị trường người ta khuyến khích làm giàu, và người giàu có tiền sống cuộc sống sang trọng là chuyện bình thường. Tôi cũng nghĩ vậy, nếu người ta làm ra tiền một cách chính đáng, và người ta chọn lối sống [hãy tạm gọi là] sang trọng thì đó là quyết định cá nhân của họ. Nhưng dù nghĩ vậy, tôi lại nghĩ đã là thành viên trong xã hội, trong cộng đồng, thì người giàu cũng nên nghĩ đến một khía cạnh khác: đạo đức sống.
Khi nói đến “đạo đức” ở đây, tôi muốn đề cập đến những mã văn hoá (cultural codes) của một xã hội mà chúng ta là thành viên. Đạo đức sống thể hiện sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Có lẽ câu “ở rộng người cười, ở hẹp người chê” là một trong những cảnh báo về đạo đức sống của người Việt. Thử tưởng tượng chúng ta uống một li cà phê giá 80 ngàn đồng, hay ăn một tô phở giá 800 ngàn đồng, và bên cạnh ta là những người bán vé số lam lủ với thu nhập một ngày chưa đến 30 ngàn đồng. Tiêu tiền xa xỉ như thế chẳng khác gì chà xát vào nỗi đau khổ của người nghèo khó. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Tôi nghĩ một người có văn hoá không bao giờ hành xử một cách “dã man” với đồng bào của mình dù chỉ là gián tiếp. Những giá trị đạo đức sống là những qui định mang tính cá nhân về cái đúng và cái sai trong lương tâm. Do đó, người ta có thể chọn một lối sống vương giả chẳng có vi phạm gì luật pháp, nhưng có thể “vi phạm” đạo đức sống.

Hình ảnh được cho là dinh thự của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: báo Người cao tuổi)
Hình ảnh được cho là dinh thự của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: báo Người cao tuổi)

Nếu những căn biệt thự đó ở Úc hay Mĩ thì chắc chẳng ai chú ý và quan tâm. Ở những nước có thu nhập cao, những thương gia có tiếng sở hữu những căn nhà giá hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD, là chuyện tương đối bình thường. Bình thường vì thu nhập của người sở hữu và thu nhập trung bình của người dân. Ông Bill Gates sở hữu một biệt thự trang bị bằng công nghệ cao lên đến 100 triệu USD, nhưng chẳng ai thắc mắc vì tài sản cá nhân của ông chủ Microsoft lên đến 53 tỉ USD (sau khi đã cho các quĩ tự thiện và khuyến học gần 30 tỉ USD). Một vị tổng giám đốc ngân hàng với mức lương vài chục triệu (hay có nơi cả trăm triệu USD) mỗi năm cộng với hàng triệu cổ phiếu thì chuyện họ có “nhà cao cửa rộng” và cuộc sống xa xỉ là chuyện không ngạc nhiên. Vả lại, đối với người dân với thu nhập trung bình 50.000 USD mỗi năm, nếu ai đó mua một cái ví giá 5,000 USD thì họ sẽ thấy không đến nỗi quá xa xỉ. Tuy nhiên, cần phải nói thêm là không phải ai giàu cũng có cuộc sống như thế. Trong thực tế có những triệu phú Úc sống cuộc sống rất đạm bạc và có thể nói là bình dân. Còn chính khách Úc thì phần lớn xuất thân từ “thường dân” nên đại đa số họ không có những căn biệt thự đắt tiền hay có khả năng sống cuộc sống xa hoa như giới thương gia.
Nhưng thực tế là những căn biệt thự đó ở Việt Nam, nơi được xem là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi mà thu nhập trung bình đầu người chỉ 1500 USD/năm. Ngay cả chính khách cũng có đồng lương khiêm tốn. Khiêm tốn đến độ một thứ trưởng Bộ Xây dựng từng nói: "Trông vào lương thì không thể mua được nhà." Do đó, khi quan chức nghỉ hưu mà sở hữu những mảnh đất bạc tỉ, những căn biệt thự giá vài chục tỉ đồng thì người dân dị nghị là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Lối vào căn biệt thự là chiếc cầu và cổng sắt được thiết kế độc đáo
Lối vào căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền là chiếc cầu và cổng sắt được thiết kế độc đáo (Ảnh: soha.vn) 

Tôi nghĩ cuộc sống xa hoa là một lựa chọn cá nhân, nhưng lựa chọn đó nên dựa trên cơ sở đạo đức sống. Thử tưởng tượng trong một xóm nghèo, với những căn nhà tranh vách lá nhỏ tí tẹo, mà bạn xây một dinh thự nguy nga tráng lệ. Tôi nghĩ bức tranh đồng quê chẳng những không hài hòa mà có khi còn phản cảm. Chính cái tính phản cảm đó nói lên cái "đạo đức sống".
Trong một đất nước mà gần 20% người dân được xếp vào nhóm “nghèo” (số liệu năm 2013 (2)) và có 11% hộ thuộc vào diện “đói” (số liệu 2002) thì người ta phải đặt câu hỏi chủ những căn biệt thự khổng lồ đó đã đóng góp gì cho người nghèo. Một bài báo hôm nay trên soha.vn có một chi tiết rất đáng chú ý. Xã có dự án xây nhà văn hóa, và khi cán bộ xã đến xin ủng hộ của ông chủ căn biệt thự bạc tỉ, ông chỉ ủng hộ được 1 triệu đồng, trong khi đó một cán bộ hưu trí khác (chắc không có biệt thự khủng) vui vẻ đóng góp 50 triệu đồng. Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố tổng thống J. F. Kennedy đại khái rằng nếu một xã hội không thể giúp gì cho đa số người nghèo thì xã hội đó cũng chẳng giúp gì cho thiểu số những người giàu có.
Đạo đức sống còn có ý nghĩa một bình diện lớn hơn. Việt Nam là một nước nghèo, một đất nước mà hàng năm phải đi vay và nhận được rất nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài. Đã có quan chức than phiền rằng trong vài cuộc họp với các nước tài trợ họ nói thẳng rằng “Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả... Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không?” (1) Ấy thế mà đất nước đó lại có những quan chức xây dựng những dinh thự như là lâu đài, những dinh thự mà chính những quan chức ở nước đi giúp đỡ kia không thể nào có được. Nếu tôi là chủ những căn biệt thự sang trọng trong một đất nước phải xin tài trợ, thú thật tôi khó mà lấy làm tự hào, nếu không muốn nói là xấu hổ.
Tiêu tiền cũng cần quan tâm đến đạo lí. Mới đây, Đức giáo hàng Francis đã bải nhiệm một giám mục người Đức vì ông này có một cuộc sống được xem là xa hoa. Ông giám mục cho xây một lâu đài lên đến 42 triệu USD, kể cả một cái vườn giá 1 triệu USD! Ông đi vé máy bay hạng nhất để đi thăm các cộng đồng nghèo khổ bên Ấn Độ! Dĩ nhiên, người ủng hộ ông thì nói đó là lựa chọn cá nhân của ông, nhưng Giáo hoàng Francis thì nghĩ khác: Ông giám mục đã vi phạm luật lương tâm của một tu sĩ (đó là sống có đạo đức và giản dị). Ông giám mục không vi phạm pháp luật, nhưng ông có vấn đề về đạo đức sống.
Sống một cách xa xỉ và sở hữu những biệt thự hoành tráng là lựa chọn cá nhân. Lựa chọn đó có thể không có vấn đề gì nếu nó không lệch pha với nền kinh tế nước nhà và tình hình xã hội. Nhưng lựa chọn đó sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức sống trong một cộng đồng nghèo khó và một đất nước thuộc vào hàng nghèo nhất thế giới.
Ghi chú: 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nên tạo điều kiện cho lòng yêu nước của ông Cường được thực hiện, hơn là bày ra các thủ tục nhiêu khê:

Người được mệnh danh là “vua đồ cổ” tại TPHCM vừa tuyên bố với báo chí sẽ hiến tặng kho đồ cổ để góp vào quỹ ủng hộ biển đảo quê hương.

Ngày 2/5, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, như nhiều người dân khác, ông Hoàng Văn Cường (trú tại số 64 đường Đông Du, quận 1, TPHCM, một người sưu tầm đồ cổ có tiếng ở Sài Gòn rất quan tâm. Khi nghe Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát động chương trình vì biển đảo quê hương, ông quyết định sẽ bán đấu giá số cổ vật để ủng hộ.

Ông Cường bên những món đồ cổ
Ông Cường bên những món đồ cổ

“Thiên hạ vô đối”

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trong những món đồ cổ có giá trị của ông Cường đầu tiên phải kể đến chiếc sập ba thành dùng để hút thuốc của một viên quan triều Huế. Chiếc sập có tuổi đời hơn 300 năm và nguồn gốc từ Trung Quốc, được một viên quan triều đình Huế mua về sử dụng.

Chiếc sập này được làm nguyên miếng bằng gỗ Lệ Chi, được chạm khắc rất tinh xảo với hình con rồng đang ôm quả địa cầu. Hiện chiếc sập được giới chơi đồ cổ đánh giá là “Thiên hạ vô đối” (không có chiếc thứ hai). Ông nói rằng, có người đã trả ông 2 triệu USD nhưng ông không bán.

Ngoài ra, ông còn chín chiếc long sàng (giường của vua) như chiếc long sàng vua Chiêm Thành tặng vua Gia Long, chiếc vua Dục Đức ngự chỉ sau ba ngày đã bị truất ngôi, chiếc của bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ... Trong bộ sưu tập của ông có rất nhiều đồ của triều đình nhà Nguyễn mà ông gọi là đồ ngự dùng.

Từ những món đồ sứ có men màu lam, những chỉ dụ của vua hay những cây đèn được chạm khắc cầu kỳ. Ông Cường còn sở hữu bộ sưu tập 25 cây súng Nhật được chế tạo từ năm 1600, báng súng làm bằng ngà voi…

Một phần bản di chúc của ông Cường.
Một phần bản di chúc của ông Cường.

Theo lời ông Cường, ông mong muốn được phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá các món đồ cổ của ông mà theo dự kiến giá trị có thể lên tới hàng chục triệu USD. Di chúc ông tự tay viết có đoạn “Toàn bộ tài sản bán ra, 70% hiến cho biển đảo, đồng bào ngư dân nghèo có tâm huyết vì biển đảo; hằng tháng, hằng năm bám biển nếu có sự cố hoặc tai nạn biển sẽ có số tiền ứng phó tiếp sức cho đồng bào ngư dân. 30% cho con cái và dòng họ, nội ngoại hai bên còn nghèo lắm, để xây từ đường hai bên nội ngoại. Đây là thông điệp thay lời di chúc”.

Thông qua báo chí, ông Cường mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, định giá số đồ cổ và thực hiện các bước tiếp theo.

Cần có ý kiến từ cơ quan chức năng

Trao đổi với phóng viên về nguyện vọng của ông Hoàng Văn Cường, ông Nguyễn Đình Sáng - Trưởng ban Phong trào thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nói: “Chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận tinh thần yêu nước, vì biển đảo quê hương của ông Hoàng Văn Cường.

Theo chúng tôi, vì tài sản là cổ vật nên ông Cường cần liên hệ với ngành chức năng có chuyên môn để có thể giám định, đưa ra đấu giá. Với trách nhiệm của MTTQ, chúng tôi sẽ giúp đỡ về mặt thủ tục để tài sản của ông Cường sớm được đưa ra đấu giá theo nguyện vọng của ông”.  

Còn ông Phạm Thành Nam- Trưởng phòng Di sản văn hóa thuộc Sở VHTT&DL TPHCM cho hay, theo quy định, để đấu giá tài sản là di vật - cổ vật, người sở hữu tài sản đó phải làm thủ tục đăng ký di vật - cổ vật và thông báo danh mục tới Sở VHTT&DL để thực hiện.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn- Giám đốc bảo tàng Lịch sử TPHCM, hiện nay tại Việt Nam chưa tổ chức đấu giá cổ vật, những phiên đấu giá cổ vật trước đây cho những cổ vật được khai quật ở Việt Nam như ở Hòn Cau, Cù lao Chàm... đều được tổ chức ở nước ngoài.

Với những cổ vật của ông Hoàng Văn Cường để đấu giá được, ông Cường sẽ phải làm các thủ tục với những ngành có liên quan như văn hóa, tài chính, thuế… và cần phải có ý kiến từ Cục Di sản Văn hóa.

- Ông Lý Kiệt - Chủ cửa hàng đồ cổ số 17 Lê Công Kiều, TPHCM: “Ở Sài Gòn có lẽ giá trị nhất là bộ sưu tập của ông Cường ở đường Đông Du. Ông ấy có nhiều món đồ mà ai cũng thèm muốn. Nhiều khách sưu tập đồ cổ cũng nhờ chúng tôi hỏi mua giùm nhưng ông Cường không bán bao giờ”.

- Tạp chí Asia Life đánh giá trị giá kho đồ cổ của ông Cường lên tới 70 triệu USD.

- Cuối năm 2000, khi đến TPHCM, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới thăm kho đồ cổ của ông Cường và tỏ ý khá thích thú nhiều món đồ ở đây.

Theo Trọng Thịnh
Tiền phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đánh giá một nhà khoa học qua những thước đo nào?

Nguyễn văn Tuấn


Việc đánh giá uy tín của nhà khoa học đang dần trở thành một đề tài báo chí. Có quá nhiều người hoặc báo chí phong tặng, hoặc tự xưng là "chuyên gia hàng đầu", là "tầm cỡ quốc tế", nhưng trong thực tế thì không phải như thế. Bài này trình bày một số thước đo để bạn đọc có thể "đề kháng" trước những lời tâng bốc quá đáng.


Đối với người ngoài khoa học, đây là vấn đề hơi khó, vì không am hiểu “luật chơi” trong khoa học. Không chỉ người ngoài cuộc, mà ngay cả không ít người trong giới khoa học ở VN người ta cũng không hiểu luật chơi. Vấn đề này trở nên thời sự khi có nhiều nhà khoa học được báo chí ca tụng như là những bậc thầy tầm cỡ quốc tế, và làm cho công chúng tưởng rằng các nhà khoa học VN thật sự là những chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Nhưng rất tiếc đại đa số những ca tụng của báo chí VN không đúng với thực tế. 

Giới báo chí thường hay bị những danh xưng như PGS, GS, TS, TSKH, và những chức danh chủ tịch hội này, hội kia, v.v. làm lu mờ phán xét. Từ đó, báo chí có những cách ca tụng rất phản cảm và có khi lố bịch mà chúng ta hay thấy. Vậy cách đánh giá nhà khoa học chính xác là gì? Chắc chắn không phải dựa vào những văn bằng tiến sĩ (vì tiến sĩ ở VN nhiều quá và rất nhiều không đúng với thực lực). Càng không thể dựa vào chức danh vì qui trình và tiêu chuẩn phong cũng còn nhiều vấn đề cần bàn (nói như ông cựu chủ tịch chức danh giáo sư nhà nước, đa số giáo sư VN không xứng tầm quốc tế). Càng khó dựa vào chức danh trong các hiệp hội vì những chức danh đó có yếu tố chính trị, mà chính trị thì không công bằng và không khách quan. 

Trong bài này tôi trình bày vài “thước đo” để các bạn phóng viên có thể sử dụng trong thực tế. Đây là những thước đo mà giới khoa học thường sử dụng, nhất là trong các ngành khoa học thực nghiệm và khoa học tự nhiên. Những thước đo này chủ yếu liên quan đến nghiên cứu, hội nghị, và phục vụ cho chuyên ngành.  

Trước hết là phải xem qua những công trình nghiên cứu. Nhà khoa học làm nghiên cứu, và thành tựu của họ thường được thể hiện qua những công trình nghiên cứu. Nhà khoa học thật sự thường công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế có bình duyệt, và đó chính là thành quả của họ, và họ được đồng nghiệp đánh giá qua đó. Dĩ nhiên, ở VN thì cần phải xem xét đến tên tác giả nằm ở đâu trong bài báo. Nên nhớ rằng rất nhiều (có thể 80%) bài báo y khoa từ VN các tác giả VN chỉ là "foot soldier" (lính đánh bộ) cho một nhóm ngoại quốc. 

Tình hình ở VN đòi hỏi người đánh giá phải cẩn thận để phân biệt tập san có uy tín và tập san “dỏm”. Ngày nay, có rất nhiều tập san đều mang danh là “International Journal” hay “World Journal” nhưng thật ra là những ổ thương mại làm tiền. Những tập san này thường xuất hiện dưới danh nghĩa tập san Mở (Open Access), và nhà khoa học [ngây thơ] nộp bài cho họ, chỉ cần 1-2 ngày sau họ báo là được chấp nhận và nhà khoa học trả 500-1000 USD. Nhưng các bài trên những tập san này không bao giờ được đồng nghiệp công nhận. 

Cần phải nhấn mạnh rằng không phải tập san Mở nào cũng dỏm. Có nhiều tập san Mở (như nhóm PLoS và BMC) có uy tín cao trong chuyên ngành, không hề kém chút nào so với những tập san truyền thống. Cũng cần phải bác bỏ những ý kiến cho rằng tập san lấy ấn phí là tập san không có uy tín. Nhiều tập san Mở có uy tín đều lấy ấn phí (nhưng miễn phí cho các nước nghèo).  
Ở VN còn có vấn đề nhập nhằng do người ta không am hiểu qui ước trong khoa học. Nhiều bác sĩ nghĩ rằng những báo cáo trong hội nghị quốc tế là “công bố quốc tế”. Thực tế không phải vậy, vì các báo cáo trong hội nghị y khoa thường không qua bình duyệt (peer review) và do đó chẳng có giá trị khoa học; chỉ khi nào những dữ liệu đó được công bố trên một tập san thì mới được xem là “công bố quốc tế”. Tuy nhiên, trong ngành khoa học máy tính, bài báo cáo trong các hội nghị lớn và có uy tín có thể xem là bài báo khoa học. 

Nhưng cũng như bất cứ lĩnh vực nào, người ta phân biệt giữa số lượng và chất lượng. Cách đánh giá chất lượng tốt nhất là đọc bài báo và đánh giá. Nhưng không ai ngoài ngành có thì giờ để đọc tất cả những bài báo, nên người ta phải dùng các chỉ số khác. Những chỉ số quan trọng là chỉ số tác động (impact factor - IF) của tập san, số lần bài báo được trích dẫn sau khi công bố (citation), và có lẽ quan trọng nhất là chỉ số H. 

Trong mỗi chuyên ngành, tập san có IF càng cao thì bài báo trong đó thường là được chọn lọc gắt gao và có chất lượng cao. Tập san trong chuyên ngành phẫu thuật các tập san như Annals of Surgery (IF 7.9), Endoscopy (5.5), British Journal of Surgery (4.1), v.v. có thể xem là “hàng đầu”. Nhưng công bố trên những tập san đó cũng chỉ mới là chuyên ngành. Một nhà khoa học tầm cỡ phải vượt ra khỏi chuyên ngành và ra “biển lớn”. Các tập san biển lớn phải kể đến New England Journal of Medicine (IF 51), Lancet (36), JAMA (30). Rất rất rất rất ít bác sĩ VN một cách độc lập có khả năng công bố trên các tập san hàng đầu trong ngành surgery và tập san “biển lớn”. 

Nhưng IF chỉ phản ảnh uy tín của tập san, chứ không phản ảnh chất lượng bài báo / công trình nghiên cứu. Cách đánh giá chính xác hơn là số lần trích dẫn. Đúng là những công trình công bố trên những tập san có IF cao thường có trích dẫn cao. Nhưng cũng có những công trình công bố trên các tập san có IF thấp mà có nhiều người trích dẫn thì vẫn được xem là có tác động & ảnh hưởng. (Dĩ nhiên, cũng có trường hợp người ta trích dẫn nhiều vì bài báo sai, nhưng trường hợp này rất rất hiếm). 

Chỉ số H của một nhà khoa học được tính từ số công trình công bố và số lần trích dẫn. Ví dụ nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 8 có nghĩa là người có ít nhất là 8 công trình và mỗi công trình được trích dẫn 8 lần trở lên. Một nhà khoa học có thể có 100 bài, nhưng nếu chỉ số H = 5 thì có nghĩa là người đó chỉ có 5 bài được trích dẫn 5 lần trở lên, còn 95 bài kia được trích dẫn ít hơn 5 lần. Chỉ số H phụ thuộc vào chuyên ngành. Những ngành thực nghiệm thường có chỉ số H cao hơn ngành lí thuyết hay xã hội học. Một giáo sư y khoa ở Thái Lan thường có H index khoảng 15-20, nhưng ở Mĩ hay Úc thì phải cỡ 30 mới được hội đồng đề bạt xem xét. 

Một tín hiệu về uy danh của nhà khoa học là được mời viết tổng quan (review). Review hay những chương sách là những bài được tập san mời viết. Những người được mời thường là chuyên gia sâu về một lĩnh vực hẹp nào đó, hay có những công trình gốc được đăng trên các tập san quan trọng. Do đó, được mời viết review là một tín hiệu của “recognition”. Ngược lại, một người có thể công bố hàng chục công trình nghiên cứu, nhưng nếu chưa được tập san nào mời viết review, thì đó là tín hiệu cho thấy người đó còn đang tập sự (có lẽ là postdoc), hoặc là công trình của người đó chẳng có gì mới, chẳng có ảnh hưởng nào đáng kể. 

Nhà khoa học phải phục vụ cho chuyên ngành. Do đó, được mời phục vụ trong ban biên tập tập san khoa học và phục vụ trong các hiệp hội chuyên môn là một tín hiệu có thể tích cực. Tôi nói “có thể” vì khi dính dáng đến hội đoàn là dính dáng đến chính trị và phe phái. Có khi nhà khoa học rất giỏi nhưng vì cá tính hay vì khó khăn quá hay không theo phe nhóm nào, nên chẳng bao giờ được mời phục vụ. Tuy nhiên, được mời phục vụ trong ban biên tập của tập san là một tín hiệu rất tốt vì đó là do uy danh chứ không có yếu tố chính trị trong đó. 

Một “tín hiệu” về tầm cỡ của một nhà khoa học là được mời giảng trong các hội nghị khoa học quốc tế. Nhưng hội nghị khoa học cũng có nhiều loại và dạng. Có loại chỉ vài mươi người, có loại vài trăm, và có loại vài ngàn, thậm chí vài vạn người. Trong ngành ngoại khoa, các hiệp hội ngoại khoa lớn trên thế giới là American Surgical Association, European Surgical Association, European Association for Endoscopic Surgery and other interventional techniques, Society of American Gastrointestinal and Endoscopic Surgeons, v.v. thường có hội nghị khoa học thường nên với 1000-2000 bác sĩ khắp thế giới đến tham dự. Nhưng hội nghị ngành di truyền học thường có 40-45 ngàn người tham dự. Được mời giảng hay chủ tọa trong các hội nghị như thế là một vinh dự, một hình thức công nhận. Được mời giảng trong các phiên họp khoáng đại (plenary lecture) là một vinh dự lớn, chứ các hiệp hội địa phương mời thì chưa thể xem là một vinh dự được. Theo tôi biết, chưa có bác sĩ Việt Nam nào được mời giảng trong các phiên họp khoáng đại của các hội nghị lớn như thế. 

Ngày nay có tình trạng một số hội nghị do các công ti dược khuynh đảo. Họ tung tiền cho một tổ chức y khoa hay hiệp hội nào đó tổ chức hội nghị, nhưng họ chèn những bài nói chuyện của họ và người của họ vào hội nghị. Dĩ nhiên, những bài đó có nội dung nói tốt cho thuốc của họ. Người của họ có thể là các chuyên gia hay giáo sư do họ mua chuộc với một cái giá nào đó. Tất cả bài giảng đều do họ soạn, và người đó chỉ cần đứng lên nói. Những người này dân trong nghề gọi là [xin lỗi] “prostitute”. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là phải phân biệt prostitute với những chuyên gia được mời nói trong một session mà công ti tài trợ. Các chuyên gia này thường dùng dữ liệu của họ để giảng, và bài giảng của họ thường nghiêm chỉnh, không chịu tác động của công ti. Người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua nội dung bài giảng và cách trả lời trong thảo luận là có thể đánh giá chuyện gia thật hay dỏm. 

Trên đây là những cách đánh giá một nhà khoa học mà cộng đồng khoa học hay sử dụng trong thực tế. Một vài thước đo mô tả trong bài này có thể không áp dụng cho những người trong ngành khoa học xã hội và nhân văn. Các đại học và viện nghiên cứu cũng căn cứ vào các tiêu chí trên để đánh giá và đề bạc các chức danh học thuật. Những chuẩn mực đó có thể rất khác với cách mà giới khoa học VN đánh giá, nhưng nếu VN muốn hội nhập quốc tế thì nên theo những luật chơi của quốc tế chứ không nên cứ tự đặt chuẩn riêng cho mình và tự xưng là “hàng đầu thế giới” mà không có chứng cứ. Trong thời đại internet, các nhà báo có thể dễ dàng kiểm chứng thành quả của các nhà khoa học qua các thước đo trên.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Pà con chú ý: Các vụ tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc gia tăng!


Vân Ly

 

 

 

 

Một nửa số vụ tấn công mạng trong tháng 5 xuất phát từ Trung Quốc. Ảnh: Vân Ly
(TBKTSG Online) - Số liệu từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy số vụ tấn công mạng tăng nhiều trong tháng 5, và có tới hơn một nửa xuất phát từ Trung Quốc.
Tại một cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 5-6, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết trong tháng 5 vừa qua có gần 1.000 vụ hacker (những kẻ tấn công mạng) nước ngoài tấn công vào website Việt Nam, tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó. Trong đó, gần 550 vụ được thực hiện bởi các hacker Trung Quốc.
Ông Khánh cho biết có nhiều website bị tấn công là của các cơ quan nhà nước. Trung tâm này đã và đang phối hợp với một số cơ quan nhà nước bóc gỡ mã độc bị hacker cài vào hệ thống mạng sau khi tấn công.
Ông Khánh cũng cho biết thêm sau khi xảy ra vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tình hình tấn công mạng từ hacker Trung Quốc tăng lên. Vì vậy, trung tâm này đã theo dõi thường xuyên tình hình để thông báo tới các đơn vị đầu mối nhằm xử lý nhanh nhất các sự cố.
Hơn lúc nào hết, các đơn vị trong nước cần rà soát và tăng cường hệ thống an toàn bảo mật cho hệ thống website và hệ thống mạng của cơ quan mình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Formosa Hà Tĩnh đòi lập đặc khu Vũng Áng

Không biết CP sẽ giải quyết như thế nào? Riêng mình nhận thấy đây là âm mưu nham hiểm, không khác gì cho sói gửi chân, lại gửi chỗ "nhạy cảm" nhất. Hãy cảnh giác! 

Bộ đội gái của bắc Triều Tiên trung bình thấp hơn nữ binh Hàn Quốc 13cm nên đi giày cao gót cho xứng tầm. Chắc chỉ đi dạo, chứ oánh nhâu ngã gãy cổ là cái chắc!
========================

Nguyễn Vũ









Một góc công trường của Formosa. Nguồn ảnh: Hải quan Online

(TBKTSG Online) - Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) vừa có những yêu cầu gởi lên Chính phủ vượt quá khuôn khổ luật pháp và chính sách ưu đãi hiện hành mà bình thường có lẽ không doanh nghiệp nào nghĩ tới.
Đó là đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng và trong đặc khu thành lập ban quản lí, trực thuộc Văn phòng Chính phủ, theo tin từ báo Hải quan. Trong công văn số 1406022/CV-FHS gởi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Formosa đưa ra đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng nhằm xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện....
Với đặc khu này, Formosa đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...
Cũng theo báo Hải quan, một trong những đề xuất mang tính ưu đãi như thế là “đề nghị được cắt đất để bán lâu dài cho nhân viên” mà Formosa dự kiến số lượng nhân viên cao nhất đạt 15.000 người, nếu tính cả thân nhân của họ là khoảng 60.000 người như một thị trấn gần đặc khu.
Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa đang được triển khai xây dựng và dự kiến bắt đầu vận hành giai đoạn 1 vào năm 2015 với tổng công suất khoảng 22,5 triệu tấn thép/năm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bản đồ dọc Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền VN

Trong mấy ngày qua, nhiều báo đài Trung Quốc (TQ) như Hoàn Cầu thời báo, Hồ Nam nhật báo, Tân Hoa xã, Tân văn xã, Đài Phượng Hoàng ra sức tuyên truyền về việc một nhà xuất bản ở tỉnh Hồ Nam phát hành bản đồ dọc chính thức khổ lớn đầu tiên của nước này, khác với thông lệ xưa nay bản đồ TQ thường có hình ngang.

Bản đồ dọc Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền VN
Tấm bản đồ dọc phi pháp của Trung Quốc - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo
Trong đó, tấm bản đồ ngang nhiên thể hiện cả đường lưỡi bò phi lý liếm gần trọn biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN và bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Nếu chiểu theo bản đồ này thì chiều rộng của TQ là 5.200 km, còn chiều dài lên tới 5.500 km vì được cộng thêm phần nằm trong đường lưỡi bò, một điều hết sức vô lý và ngang ngược.
Các bản đồ ngang hiện nay của TQ cũng thể hiện đường lưỡi bò, Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng nằm trong một ô vuông phía dưới bên phải với tỷ lệ nhỏ hơn. Vì thế, tấm bản đồ dọc trắng trợn nói trên là một bước đi mới của TQ nhằm đẩy mạnh hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên biển Đông, xâm phạm trắng trợn chủ quyền VN.
Vài thập niên gần đây, hệ thống giáo dục TQ đã cấy vào đầu người dân niềm tin là biển Đông thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này
Tiến sĩ Christopher Roberts (ĐH New South Wales, Úc)
Nguy hiểm hơn là theo truyền thông TQ, bản đồ này sẽ được phân phối cho các trường tiểu học và trung học nước này. Điều này cho thấy Bắc Kinh tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục thông tin sai lệch cho người dân và thế hệ trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Nhận định với PV Thanh Niên, tiến sĩ Christopher Roberts (ĐH New South Wales, Úc) nói: “Vài thập niên gần đây, hệ thống giáo dục TQ đã cấy vào đầu người dân niềm tin là biển Đông thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này” còn chuyên gia Richard Bitzinger thuộc ĐH Nanyang (Singapore) lo ngại: “Một bộ phận không nhỏ người dân TQ tin rằng họ đang bị chèn ép trong tranh chấp tại biển Đông và hệ lụy nguy hiểm là Bắc Kinh sẽ tiếp tục không chịu thỏa hiệp”.
Trong diễn biến khác, hôm qua Bộ Ngoại giao Lào gửi công hàm trả lời công hàm của Đại sứ quán VN tại Lào về tình hình biển Đông kể từ khi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN. Trong công hàm, Lào khẳng định biển Đông là khu vực quan trọng và nhạy cảm nên đang theo dõi chặt chẽ và tỏ ra lo ngại về diễn biến tình hình ở biển Đông. Nước này đề nghị các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Lào cũng cho rằng cần được duy trì và tăng cường hơn nữa các cuộc tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Trước đó, theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 20.6, tại trụ sở Quốc hội (QH) Na Uy, Đại sứ VN tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai đã làm việc với bà Anniken Huitfeldt, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của QH Na Uy, thông báo về việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng VN; đồng thời trao thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH VN Trần Văn Hằng gửi bà Anniken Huitfeldt, đề nghị bà chuyển tới các nghị sĩ QH Na Uy thông cáo của QH VN về việc làm sai trái nêu trên của phía TQ; đề nghị QH Na Uy cùng QH các nước trên thế giới, với tinh thần công tâm, khách quan, đồng hành cùng QH và nhân dân VN lên tiếng bảo vệ chính nghĩa và lẽ phải của VN, tôn trọng và bảo vệ giá trị của luật pháp quốc tế, yêu cầu TQ đình chỉ những việc làm sai phạm, rút ngay giàn khoan và lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển VN.
Bà Anniken Huitfeldt bày tỏ quan tâm về tình hình vụ việc nêu trên và khẳng định luật pháp quốc tế phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp quốc tế hiện nay. Bà Huitfeldt hứa sẽ chuyển đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng tới các nghị sĩ QH Na Uy.
Tự thiêu ở Mỹ để phản đối giàn khoan Trung Quốc
Tờ Bradenton Herald dẫn lời giới chức Mỹ cho hay một cụ ông 71 tuổi đã tẩm xăng lên người rồi châm lửa tự thiêu trước cổng Trung tâm cộng đồng Silver Lake ở quận Manatee Tampa, bang Florida vào lúc 11 giờ 15 phút sáng 20.6 (giờ địa phương).
Bản đồ dọc Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền VN
Tấm giấy thu được tại hiện trường vụ tự thiêu - Ảnh: Bradenton Herald
Lúc đó một cặp vợ chồng đi ngang qua lập tức dập lửa để cứu ông cụ dù người này hét lớn rằng: “Tôi muốn chết, hãy để tôi chết”. Hiện nay, nạn nhân đang được điều trị trong tình trạng nguy kịch. Đến hôm qua, cảnh sát vẫn chưa chính thức công bố chi tiết về nhân thân của ông cụ hoặc động cơ tự thiêu. Tuy nhiên, một số nguồn tin từ cộng đồng gốc Việt ở Florida khẳng định ông là người Mỹ gốc Việt và tự thiêu để phản đối TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển VN.
Đáng chú ý, theo Bradenton Herald, tại hiện trường cảnh sát tìm thấy một tấm giấy ghi rõ bằng tiếng Việt: “Hai yang 981 phải rời khỏi V-N hải phận. Anh hùng tử, chí hùng nào tử. Thu Hùng” kèm chữ ký.
Minh Trung
Văn Khoa - Trường Sơn - TTXVN
Phần nhận xét hiển thị trên trang