Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Tàu Trung Quốc hành xử như cướp biển, đâm vỡ tàu Kiểm ngư Việt Nam

TT - 13g50 ngày 23-6, khi theo tàu CSB 8003 đến hỗ trợ tàu kiểm ngư 951, phóng viên Tuổi Trẻ nhìn thấy một vật thể tròn to, màu đỏ trôi dập dềnh ở phía xa, về hướng các tàu Trung Quốc.

Phần lan can mạn trái tàu kiểm ngư 951 bị đâm sập - Ảnh: My Lăng


Các sĩ quan cho biết đó là phao bè cứu sinh tự thổi của tàu kiểm ngư 951. Đó là hậu quả cú đâm trí mạng của tàu Trung Quốc làm chiếc phao này dù được chằng buộc rất chắc chắn đã bị hất tung xuống biển.
Hai cú đâm tàn độc
14g18. Khi nhìn thấy tàu kiểm ngư 951 bị bẹp dúm toàn bộ phần mạn tàu, đuôi tàu bị biến dạng hoàn toàn, tôi thấy tim mình như bị bóp nghẹt, đau nhói. Nỗi xót xa dâng ngập trong lồng ngực. 12 phút sau, phóng viên đã được tạo điều kiện tiếp cận trực tiếp tàu kiểm ngư 951.
Các kiểm ngư viên kể lại lúc 9g30, khi tàu kiểm ngư 951 đang cách giàn khoan 11,5 hải lý về phía tây bắc thì bị bảy tàu Trung Quốc các loại dàn hàng ngang lao ra vây ép tàu CSB 4033 và tàu kiểm ngư 951.
Với sự áp đảo hẳn về số lượng và kích cỡ, các tàu Trung Quốc đã bao vây và điên cuồng nhắm thẳng đến tàu kiểm ngư 951.
Lợi dụng sự hỗn loạn, tàu Hữu Liên 09 đã lao đến đâm vào mạn phải, khu vực cầu thang tàu kiểm ngư 951. Con tàu kéo hung hãn như trâu điên này đã ghìm chặt không cho tàu kiểm ngư 951 xoay trở để cho tàu khác lao vào đâm.
Quyết bám trụ đến cùng
Sau hai cú đâm va trên, hai kiểm ngư viên đã bị thương nhẹ. Một người bị rách tay trái do mảnh sắt văng vào. Một người bị chảy máu chân. Hai kiểm ngư viên này đã được băng bó, sơ cứu ngay sau đó. Tuy nhiên khi được hỏi, các kiểm ngư viên đều khẳng định xin được ở lại, quyết bám trụ thực hiện nhiệm vụ đến cùng.
Chỉ hai phút sau, tàu hải tuần 11 tiếp cận sau lái tàu kiểm ngư 951 sử dụng vòi rồng phun nước với âm mưu tấn công tới tấp nhằm triệt tiêu sức sống của tàu kiểm ngư 951 và uy hiếp đến cùng tinh thần của các kiểm ngư viên Việt Nam.
Tàu kiểm ngư 951 đã vòng tránh thoát khỏi sự tấn công của tàu hải tuần 11 nhưng ngay sau đó tàu kéo Tân Hải 285 to lớn đã chạy tốc độ cao đâm thẳng vào chính giữa mạn trái.
Chỉ trong một phút rưỡi, tàu kiểm ngư Việt Nam 951 bị liên tiếp hai cú đâm cực mạnh của tàu Trung Quốc.
Trước diễn biến quá bất ngờ này, tàu CSB 4033 đã phối hợp với các tàu thực thi pháp luật Việt Nam khác cơ động cắt mũi, cắt lái thành công các tàu Trung Quốc để hỗ trợ giải vây tàu kiểm ngư 951.
Các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư đã dàn đội hình tạo thành bức tường bảo vệ tàu 951 tránh những cú đâm va tiếp của các tàu Trung Quốc. Những con trâu điên của Trung Quốc tiếp tục bám theo nhóm tàu của ta ra xa đến 15 hải lý so với giàn khoan.
Thiệt hại nặng
Tàu kiểm ngư 951 là một trong những tàu Việt Nam có thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa lâu nhất (từ ngày 3-5).
Sau thời gian dài kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ, tàu kiểm ngư 951 đã bị các tàu Trung Quốc đâm va, uy hiếp nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tàu 951 bị thiệt hại nặng nhất. Hậu quả của hai cú đâm hung hãn này làm toàn bộ lan can mạn trái bị sập, biến dạng.
Phần lan can tàu kiểm ngư 951 bị biến dạng - Ảnh: My Lăng

Nguồn: Kiểm Ngư Việt Nam - VTV
Những mảnh sắt bị gãy cong vênh chĩa ra sắc nhọn. Một phần của xuồng bên mạn trái cũng bị thủng. Tất cả giá xuồng bị hỏng. Một phao bè cứu sinh tự thổi bị văng mất. Từ phần cabin trở về sau lái dài khoảng 10m bị biến dạng hoàn toàn.
Nguy hiểm nhất là cú đâm đã gây ra những lỗ thủng ở ngay khoang máy chính mạn trái khiến nước biển tràn vào. Các kiểm ngư viên phải gấp rút lấy mền, vải và gỗ gia cố, chèn vào những vết nứt để chống chìm. Một nhà vệ sinh bị vỡ gạch ốp và bồn vệ sinh, phần tường bị lõm vào.
Ở bên mạn phải, buồng y tế, một phòng ngủ bị đâm sập, lõm cả vào trong. Ánh sáng tràn vào ngập phòng. Căn phòng tan hoang như vừa bị bão quét qua.
Vây ép liên tục
Trước đó lúc 8g30, các tàu thực thi pháp luật Việt Nam đã tiến vào giàn khoan tiếp tục tuyên truyền. Khi phát hiện các tàu Việt Nam cách giàn khoan 10,5 hải lý, các tàu Trung Quốc đã dàn sẵn đội hình từ xa.
Đến 9g, bảy tàu Trung Quốc các loại đồng loạt lao ra ngăn cản tàu Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tàu hải cảnh 3210 chạy với vận tốc cao (17 hải lý/giờ) áp sát mạn trái tàu CSB 8003.
Có lúc tàu hải cảnh 3210 chỉ cách tàu CSB 8003 khoảng 270m, còn tàu hải cảnh 2401 chỉ cách 600m. Hai tàu này liên tục dùng tốc độ cao bám theo nhằm áp sát và tạo thế gọng kìm ép chặt tàu CSB 8003.
Tàu hải cảnh 3210 rồi đến tàu hải cảnh 2401 thay nhau liên tục hú còi để uy hiếp tàu Việt Nam. Trong khi đó, ở phía sau luôn luôn là tàu hải cảnh 31 cũng chạy với tốc độ cao theo tàu CSB 8003.
Sau khoảng 20 phút, một nhóm gồm bốn tàu Trung Quốc đã áp sát các tàu kiểm ngư Việt Nam lúc này đang ở bên mạn trái phía xa tàu CSB 8003.
Đặc biệt, tàu hải cảnh 13101 chạy với tốc độ rất nhanh, sóng tung che gần hết tàu, lao hết tốc độ thẳng đến nhóm tàu kiểm ngư Việt Nam. Tàu này có lúc chạy xuyên qua đội hình tàu Trung Quốc.
Tàu hải cảnh 3210 sau nhiều lần tăng tốc, hú còi uy hiếp tàu CSB 8003 đã chuyển hướng và cùng với bốn tàu hải cảnh khác ráo riết cản phá các tàu kiểm ngư của chúng ta.
10g15. Tàu CSB 8003 nhận lệnh đi về hướng tây bắc tiếp cận tàu kiểm ngư 951 vừa bị tàu Trung Quốc đâm. Lúc này, tàu CSB 8003 đang cách tàu kiểm ngư 951 khoảng 12 hải lý.
Khi đang di chuyển ra xa cách giàn khoan 13,5 hải lý thì tàu CSB 8003 phát hiện ở phía sau lái có đến năm tàu Trung Quốc gồm một tàu kéo và bốn tàu hải cảnh tăng tốc bám theo, đồng thời vừa dàn đội hình bao vây tàu CSB 8003 theo thế gọng kìm.
Có lẽ đoán biết được tàu CSB 8003 được lệnh cơ động đến hỗ trợ tàu kiểm ngư 951 nên các tàu Trung Quốc đã điên cuồng chạy theo ngăn cản.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng của tàu CSB 8003 đã bình tĩnh và khôn khéo điều khiển tàu cơ động tránh bị nằm trong thế gọng kìm của các tàu Trung Quốc.
Tàu hải cảnh 3210 đã điên cuồng tăng vận tốc lên 21 hải lý/giờ và luôn đổi hướng, chạy zích zắc phía sau tàu CSB 8003.
Ở tốc độ cao như thế này và với việc đổi hướng liên tục như thế, rõ ràng mục đích của tàu hải cảnh 3210 là muốn lấy hướng tiếp cận, tạo ra góc đâm ở vận tốc cao nhằm tạo ra nguy cơ đâm va gây thiệt hại lớn cho tàu CSB 8003. Ý đồ đâm va cực mạnh của tàu Trung Quốc đã lộ quá rõ.
Tuy nhiên, đại úy Nguyễn Văn Hưng đã tìm cách đẩy tất cả tàu Trung Quốc phải cơ động về bên mạn trái tàu CSB 8003.
10g45. Nhận thấy tình hình căng thẳng, chỉ huy đã lệnh cho tàu CSB 8003 không tiếp tục di chuyển về hướng tây bắc nữa mà quay về vị trí cũ cùng với tốp các tàu của Việt Nam ở phía nam tây nam giàn khoan để kéo giãn đội hình tàu Trung Quốc.
Lúc 12g30. Tàu CSB 8003 tiếp tục nhận lệnh cơ động về phía bắc giàn khoan, thực hiện nhiệm vụ tiếp cận tàu kiểm ngư 951. Tàu 8003 phải di chuyển với tốc độ chậm, hướng đi hẹp và khéo léo dịch chuyển nhẹ khi thì qua trái, lúc lại qua phải để tránh tầm quan sát của các tàu Trung Quốc.
Trong quá trình tàu CSB 8003 di chuyển, nhiều tàu Trung Quốc luôn chĩa mũi thẳng hướng về phía tàu CSB 8003.
Clip do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện
Tàu Hữu Liên 09 chồm tới đâm vào mạn phải, ghìm chặt tàu kiểm ngư 951
Tàu Tân Hải 285 đâm vào mạn trái tàu kiểm ngư 951 - Ảnh cắt từ video clip
Các phòng bị đâm, hư hại hoàn toàn
Các kiểm ngư viên tàu 951 gia cố những vết thủng ở ngay khoang máy chính mạn trái tàu - Ảnh: My Lăng
Toàn bộ phần lan can mạn trái và lan can tầng 1 sau lái bị biến dạng hoàn toàn. Xuồng chuyển tải bên mạn trái cũng bị đâm thủng
MY LĂNG (từ Hoàng Sa, Việt Nam)




























































































































































































































































































nhận xét hiển thị trên trang

Nói cho vui vậy thôi chứ bao giờ mới đi kiện?

Kiện Trung Quốc, Việt Nam được gì ngay cả khi thua?
Câu chuyện có nên kiện Trung Quốc hay không khi nước này ngày một lấn chân sâu hơn vào chủ quyển biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là việc giàn khoan HD 981. Mặc Lâm trình bày lại những ý kiến mà các chuyên gia về Biển Đông cũng như công pháp quốc tế phát biểu về vấn đề này.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với VN ở Biển Đông hôm 14 tháng 5 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH NAM
Uy tín quốc gia

Vấn đề Việt Nam có nên kiện Trung Quốc hay không vẫn chưa có câu trả lời tuyệt đối vì khi một vụ kiện xảy ra khả năng thắng hay thua mỗi bên không ai biết trước được vì còn tùy theo các yếu tố có chứng minh là thỏa đáng và thuyết phục tới mức nào.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế cũng như về Biển Đông vừa qua cho rằng Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng biển mà theo công ước luật biển 1982 của UNCLOS quy định thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc đã liều lĩnh với con bài chủ quyền lỏng lẻo khi chủ quan cho rằng Tòa án quốc tế không thể can dự vào vấn đề này vì Bắc Kinh có quyền chọn lựa chấp nhận tham dự vào vụ kiện hay không.

Yếu tố không tham gia đã khiến nhiều người lo ngại đem Trung Quốc ra tòa là tốn công sức và làm vấn đề nặng nề hơn. Tuy nhiên khi nhìn vào Philippines, nước đã mạnh mẽ đưa hành động xâm lăng của Trung Quốc ra tòa quốc tế thì Việt Nam có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm nếu nghiêm túc tiến hành những bước cần thiết cho vụ kiện.
Nếu Việt Nam nhận thấy được, về mặt nhà nước, đây là một khúc quanh, một bước ngoặt thì nhà nước hoàn toàn có thể chủ động với đội ngũ luật sư, luật gia của Việt Nam.  - TS Đinh Hoàng Thắng
Khi Philippines chấp nhận mang Trung Quốc ra tòa quốc tế có nghĩa là Manila chấp nhận việc Trung Quốc từ chối. Tuy nhiên Phi cũng hiểu rằng sự từ chối sẽ làm Trung Quốc mất nhiều thứ trong khi Phillipines không hề mất điều gì.
Cái mất nặng nhất thuộc về Trung Quốc đó là uy tín quốc gia. Trong khi nỗ lực và hết sức tốn kém để kiến tạo quyền lực mềm trên khắp thế giới bao gồm tiền bạc và các Viện Không Tử, Bắc Kinh đang khó khăn lắm để đặt nền tảng văn hóa Trung Quốc nhằm chinh phục thế giới với triết lý Đông phương, vốn theo đuổi quan niệm hòa nhã, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Nếu không tham gia vụ kiện của một nước nhỏ hơn, Trung Quốc phải đối diện với mất mát to lớn về uy tín đối với các nước khác, đặc biệt là những nước nhỏ, đang dựa dẫm vào kinh tế Trung Quốc để phát triển. Sự tin cậy cần thiết của các nước sẽ không còn khi biết rằng người bạn khổng lồ rất khó để mà đặt lòng tin vào, ngay cả lòng tin của một hợp đồng mua bán.

Các nước lớn hơn như Hoa Kỳ hay liên minh EU, Nhật Bản sẽ đưa ra những ràng buộc có tính kỹ thuật để hàng hóa Trung Quốc gặp trở ngại với lý do trả đũa vì Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong lúc Nhật đã thấy và có biện pháp mạnh với Trung Quốc, hành động bất tuân luật pháp của Bắc Kinh trong các vụ kiện sẽ giúp cho Tokyo cóthêm lý do thuyết phục người dân nước họ thay đổi quan niệm về một Trung Quốc hiền hòa vô hại như trước đây họ từng nghĩ.

1_copy-305.jpg
Hội thảo quốc tế về Hoàng Sa-Trường Sa tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 21/6, hội tụ được nhiều học giả, chuyên gia quốc tế về Biển Đông.
Đối với Việt Nam, khi Trung Quốc trưng ra những bằng chứng bất lợi về công hàm Phạm Văn Đồng, bản đồ và sách giáo khoa công nhận Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc có thể là một trở ngại lớn mà nhiều viên chức chính phủ cho là sẽ khó vượt qua. TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan cho biết ý kiến của ông về vấn đề này:

“Do hoàn cảnh khách quan đặc biệt do hai cuộc kháng chiến mà có thể giữa hai nhà nước, hai đảng có những thỏa hiệp, những tactic, gọi là thỏa hiệp mang tính chiến thuật. Những thỏa hiệp ấy có liên quan đến vấn đề biển đảo và do đó bây giờ về phía Việt Nam cũng có những điều khó ăn khó nói.

Tuy nhiên nếu Việt Nam nhận thấy được, về mặt nhà nước, đây là một khúc quanh, một bước ngoặt thì nhà nước hoàn toàn có thể chủ động với đội ngũ luật sư, luật gia của Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài kể cả những người yêu chuộng Việt Nam, yêu chuộng hòa bình công lý, hoàn toàn có thể xây dựng bằng được hồ sơ để đưa Trung Quốc ra tòa về hai phương diện thủ tục và nội dung pháp lý.”

Chắc chắn sẽ thắng?

Nhìn chung hoàn cảnh lịch sử và tình trạng về công hàm ấy Giáo sư Luật Erik Franckx, trong Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, với tư cách là một thành viên của Tòa trọng tài thường trực ông cho rằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đề cập đến việc mở rộng lãnh hải của Trung Quốc chứ không hề nhắc đến Hoàng Sa hay Trường Sa.

Giáo sư Erik Franckx cho biết vào năm 1958 khi công hàm được đưa ra cũng có nhiều nước ra tuyên bố mở rộng lãnh hải 12 hải lý và ông cho rằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “ủng hộ cho việc mở rộng đó của Trung Quốc” mà không hề đề cập cụ thể đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” vì vậy không thể cho rằng Việt Nam xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa hay Trường Sa.
Nếu kiện vụ giàn khoan thì hầu như chắc chắn sẽ thắng, còn nếu kiện chủ quyền của Hoàng Sa-Trường Sa rất là khó nói.  - GS Phạm Quang Tuấn
Dù sao đây là một ý kiến đáng ghi nhận và phần việc còn lại Việt Nam phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi mang vấn đề này ra tòa quốc tế.

Tuy nhiên 
nếu xét về luật biển UNCLOS 1982, ngay cả Hoàng Sa-Trường Sa đang tranh chấp đi nữa thì việc đem giàn khoan vào vùng biển ấy cũng khiến Trung Quốc thua kiện trước tòa án quốc tế. Giáo sư Phạm Quang Tuấn, người theo dõi và có nhiều bài viết phản biện về Biển Đông cho biết nhận định của ông:

“Nếu kiện vụ giàn khoan thì hầu như chắc chắn sẽ thắng, còn nếu kiện chủ quyền của Hoàng Sa-Trường Sa rất là khó nói. 

Kiện giàn khoan chắc chắn là thắng vì theo luật biển thì luật này có nói rõ ràng khi mà có một vùng biển đang tranh chấp giữa hai quốc gia thì hai bên phải tránh làm bất cứ điều gì có vẻ khiêu khích hay đơn phương hành động mà phải thương lượng với nhau trước đã. Vụ này rõ ràng rằng nước Tàu nó không thương lượng với Việt Nam trước khi nó đem giàn khoan vô vùng đó mà đó là vùng đang tranh cãi giữa hai quốc gia thành ra Tàu nó làm như vậy là chắc chắn trái với luật quốc tế rồi. Đã có những vụ án trong quá khứ xảy ra tương tự như vậy và cũng được tòa xét xử.

Hầu như ai cũng thấy là Tàu nó làm trái luật vì vậy đem vụ này ra kiện vì nó mang giàn khoan vào mà không thương lượng trước với Việt Nam trong vùng tranh cãi là nó đã trái luật.”

GS. Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu hai khóa của Quốc hội cho rằng quốc hội phải yêu cầu chính phủ đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế và đồng thời ra nghị quyết về việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam:

“Quốc hội cần phải ra nghị quyết về vấn đề này. Trong nghị quyết đó thì Quốc hội cũng nên yêu cầu chính phủ phải đưa vụ này ra tòa án quốc tế, còn cụ thể chúng ta kiện như thế nào thì việc ấy giao cho chính phủ để tính toán đầy đủ những cái lý lẽ làm sao cho có lợi nhất trong việc bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc.”

Kiện Trung Quốc để giành phần thắng có thể Việt Nam phải gian nan vì những chứng lý mà Trung Quốc đưa ra, tuy nhiên nếu Trung Quốc biết rằng các chứng lý ấy khó thuyết phục tòa án và từ chối tham dự phiên tòa thì Việt Nam đương nhiên hưởng lợi. Thế giới sẽ thấy được hai mặt của vấn đề mà mặt tích cực sẽ được Việt Nam chiếm lấy.

Ngay cả nếu Trung Quốc ra tòa và vụ kiện kéo dài thì cái lợi của Việt Nam còn lớn hơn: Cơ hội để cả nước nhìn lại những gì mà Trung Quốc đã và đang mang tới cho dân tộc.
 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nga đang ngầm giúp Việt Nam, Trung Quốc ra tay chớp nhoáng


Biển Đông: Nga đang ngầm giúp Việt Nam, Trung Quốc ra tay chớp nhoáng



(GDVN) - Nga không thể bỏ qua Biển Đông đã thể hiện trong việc ký kết hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam đúng thời điểm Dương Khiết Trì sang làm việc.
 
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Nga đang trở thành đề tài xoi mói của truyền thông Trung Quốc để bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, lấp liếm cho các hoạt động mưu đồ bá quyền bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông. Ảnh: Tuoitrenews.
Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 23/6 tiếp tục luận điệu tuyên truyền "Việt Nam dùng cảng Cam Ranh lôi kéo Nga quay trở lại Biển Đông, Moscow sẽ không bỏ lỡ cơ hội dùng Biển Đông để khống chế Trung Quốc" với những suy diễn hết sức chủ quan, méo mó và nhai lại mà chúng tôi đã đề cập TẠI ĐÂY.
Đa Chiều cho rằng, phản ứng của Nga gần đây về vấn đề Biển Đông đã khác trước. Trong cuộc khủng hoảng Scarborough tháng 4/2012, Nga công khai ủng hộ Trung Quốc và chỉ trích các nước khác "can thiệp vào Biển Đông". Bản thân Moscow cũng nhiều lần tuyên bố rõ lập trường chính thức rằng người Nga sẽ không can thiệp vào Biển Đông. Phản ứng như vậy theo Đa Chiều là vì Kremlin còn phải "nhìn mặt" Trung Nam Hải.

Tướng Bắc Kinh đe dọa, Trung Quốc bộc lộ âm mưu "chủ động ra đòn"

(GDVN) - China Daily cho rằng phát biểu của Tôn Kiến Quốc là một trong những phản ứng từ giới tướng lĩnh cấp cao quân đội nước này về căng thẳng Việt - Trung.
Trong vấn đề Syria, Ukraine hay các sự vụ quốc tế khác Moscow cần có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, do đó người Nga không dám lên tiếng rõ ràng như Mỹ ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là Biển Đông không phải vấn đề người Nga muốn "lợi dụng". Không có bạn bè vĩnh viễn, cũng chẳng có lợi ích vĩnh hằng, một khi quan hệ Trung - Nga đổ vỡ, Biển Đông sẽ trở thành vấn đề Moscow có thể lợi dụng để đối phó với Bắc Kinh. 
Khác với Obama đã chùn tay khi nhắc tới vũ lực sau những tổn thất nặng nề ở Afghanistan và Iraq, Putin vẫn không loại trừ, thậm chí cảm thấy tâm đắc với khả năng sử dụng vũ lực, vì vậy Đa Chiều suy diễn rằng không thể loại trừ "Trung Quốc - Việt Nam lại tái diễn chiến tranh vì người Nga" lần nữa?!
Tờ báo này cho rằng, Biển Đông hiện đã khó có thể tránh khỏi cảnh binh đao, trong lúc quan hệ chiến lược Trung - Nga còn chưa đổ vỡ, tốt nhất Bắc Kinh nên "ra tay chớp nhoáng"?!
Đa Chiều thừa nhận, về mặt pháp lý, Mỹ, Việt Nam, Philippines đang liên tục tấn công vào đường lưỡi bò (phi pháp) mà tờ báo này cho là "có nhiều khiếm khuyết", trong khi trên thực tế Nga đang không ngừng gia tăng sự tồn tại ảnh hưởng ngầm của mình, đó là lý do vì sao Bắc Kinh sớm phải "ra tay dứt khoát" ở Biển Đông.
Về mặt chiến lược lâu dài, sự đổ vỡ lợi ích chung trong quan hệ Trung - Nga sẽ là thách thức lớn đối với nền ngoại giao Trung Quốc. Trước khi xảy ra điều này, Bắc Kinh cần tìm cách thoát khỏi những lệ thuộc chiến lược vào Moscow trong các vấn đề quốc tế, đó là việc chuẩn bị Trung Quốc bắt buộc phải làm, Đa Chiều nhận định.
Đa Chiều cho rằng, một khi Trung Quốc tiến gần hơn cái gọi là "giấc mộng Trung Hoa, phục hưng Trung Quốc" của Tập Cận Bình (bằng con đường bành trướng lãnh thổ?) cũng sẽ là lúc quan hệ chiến lược Trung - Nga đổ vỡ.
Từ năm 1949 đến 1970 là thời kì đồng minh giữa Liên Xô và Trung Quốc do cùng một phe xã hội chủ nghĩa; Từ 1970 đến 1990, quan hệ Trung - Xô đổ vỡ, Trung - Mỹ thiết lập ngoại giao; Từ 1990 đến nay, mâu thuẫn Trung - Mỹ ngày càng lớn, đồng thời mức độ thân mật Trung - Nga cũng đã đạt đỉnh điểm.
Tờ báo lập luận, trong nửa thế kỷ quan hệ Trung Xô từ đồng minh biến thành thù địch, rồi nay lại trở thành "đồng minh" của người Nga còn quan hệ với Mỹ từ tuần trăng mật lại rơi vào thế đối đầu. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, vật cực tắc phản, mâu thuẫn tới mức cùng cực sẽ xuất hiện thay đổi bước ngoặt. Quan hệ thân mật tới mức đỉnh điểm cũng là lúc xuất hiện nguy cơ đổ vỡ. Không có chuyện quan hệ nước lớn sẽ ổn định vĩnh hằng, Trung - Nga cũng không ngoại lệ.

Trung Quốc: Các tập đoàn dồn sức đóng thêm giàn khoan xuống Biển Đông

(GDVN) - Trung Quốc dồn sức đóng giàn khoan diễn ra đồng thời với đóng mới tàu chiến, Bắc Kinh liên tục cho hạ thủy chiến hạm "nhiều như há cảo thả nồi".
Đa Chiều bình luận, bất luận đối với vấn đề Syria Nga công khai "chống lưng" cho Bashar al-Assad, hay trong khủng hoảng Ukraine đã "thôn tính" Crimea, cách hành xử của Moscow vẫn theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Tờ báo này cho rằng Nga làm như vậy không phải là để vượt qua Mỹ, mà để có được địa vị nước lớn. Mục đích của Putin là tái lập "đế chế Liên Xô".
Do đó, Việt Nam từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở Biển Đông chắc chắn người Nga sẽ không thể xem nhẹ. Mặc dù quan hệ Trung - Nga đang "tốt đẹp chưa từng có", nhưng với đà thực hiện (cái gọi là) "giấc mộng Trung Hoa, phục hưng Trung Quốc" của Tập Cận Bình để "vượt qua nước Mỹ", đến lúc đó lợi ích an ninh chiến lược Trung - Nga cùng đối phó Mỹ không còn, ngược lại, Mỹ - Nga lại hợp sức để đối phó với Bắc Kinh.
Tờ báo cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Nga vẫn là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu, lợi ích quốc gia của Nga và Mỹ về năng lượng là cơ bản thống nhất, muốn giá dầu tăng chứ không muốn giảm. Nga không thể bỏ qua Biển Đông đã thể hiện trong việc ký kết hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam đúng thời điểm Dương Khiết Trì sang làm việc, cho nên Nga không thể là đồng minh của Trung Quốc ở Biển Đông, Đa Chiều kết luận. 

Vãn ca:




Biển đông băng cứng mất rồi; Trưa hè nắng gắt lại ngồi với nhau; Giữa trưa mà thắp đèn dầu; Nhôm nhoam nét mặt nhìn nhau ngỡ ngàng. Đâu rồi "Đoàn kết sắt gang"? Gần nhau mà mấy dặm ngàn cách xa; Tôi buồn Đại Việt dân ta? Còn không .."Đại" nữa hay là.. còn không? Mai sau con Lạc cháu Hồng; Có còn đứng vững biển đông oai hùng?




Cảnh này ai có muốn không?
Nhà tan nước mất long đong phận người!
Biển Đông của bạn, của tôi..
Đừng xa xôi quá.. cho trôi tháng ngày..

Xa như ngực, gần như mây..
Vãn ca tôi hát cho ai đỡ buồn !



Phần nhận xét hiển thị trên trang

ngominh.vnweblogs.com:

UPR của Việt Nam và Bắc Triều Tiên: có sự tương đồng

ngominh.vnweblogs.com
Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ở chu kỳ II năm 2014, Việt Nam kiểm điểm vào ngày 5/2 trong phiên họp thứ 18, Bắc Triều Tiên kiểm điểm vào ngày 1/5 trong phiên họp thứ 19.
Trong phiên kiểm điểm, Việt Nam nhận được 257 khuyến nghị, vì sự trùng lắp được phái đoàn Việt Nam vận động “nhóm troika” rút xuống còn 227 khuyến nghị, cao nhất trong 14 nước kiểm điểm định kỳ tại phiên họp 18. Bắc Triều Tiên nhận được 268 khuyến nghị, cũng cao nhất trong 14 nước kiểm điểm định kỳ trong phiên họp thứ 19.
Mở đầu phiên họp, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hợp Quốc So Se-pyong phát biểu rằng “Bắc Triều Tiên luôn tôn trọng các công ước về nhân quyền của Liên hợp quốc”.  Thứ trưởng Bộ Ngoại Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu rằng: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy tất cả các quyền con người và tự do căn bản.”
Được khen
Tại hai phiên kiểm điểm này, điểm thú vị là các quốc gia khen Việt Nam ở kỳ họp thứ 18, thì tiếp tục khen Bắc Triều Tiên ở kỳ họp thứ 19.
- Cộng hòa Hồi giáo Iran: “Chúng tôi hoan nghênh việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền từ kỳ UPR đầu tiên của Việt Nam, bao gồm các chính sách về giáo dục và quyền của trẻ em và người khuyết tật”. Sau đó thì: “Chúng tôi xin hoan nghênh sự tham gia rất có tính xây dựng của Bắc Triều Tiên vào tiến trình UPR”.
- Syria bày tỏ với Việt Nam: “Hoan nghênh quá trình tham vấn rộng rãi đã được tổ chức trong quá trình chuẩn bị báo cáo quốc gia thông qua đối thoại thẳng thắn giữa các bên liên quan.” Rồi sau đó biểu dương Bắc Triều Tiên: “Chúng tôi chúc mừng Bắc Triều Tiên vì đã thực hiện quyền giáo dục và quyền y tế”.
- Lào đánh giá Việt Nam: “Có những thành tựu đạt được trong thực thi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và giảm nghèo”. Và đối với Bắc Triều Tiên là: “Bày tỏ sự vui mừng được biết Bắc Triều Tiên đã phê chuẩn một số công ước nhân quyền”.
- Trung Quốc hoan nghênh Việt Nam: “Chúng tôi hoan nghênh việc thực hiện các khuyến nghị trước, thúc đẩy luật về người khuyết tật, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới, và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em”. Sau đó cũng hoan nghênh Bắc Triều Tiên: “Chúng tôi hoan nghênh Bắc Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp / thủ tục lập pháp và hành chính”.
- Venezuela: “Chúng tôi khen ngợi những tiến bộ Việt Nam đạt được, đặc biệt trong việc đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”. Và sau đó khen ngợi Bắc Triều Tiên: “Bất chấp lệnh cấm vận áp đặt lên đất nước mình, Bắc Triều Tiên vẫn có một nền y tế tự do và phổ cập, và đã hiện đại hóa một số trung tâm y tế và sản xuất nhất định”.
Lên án
Hai quốc gia Việt Nam và Bắc Triều Tiên dù kiểm điểm ở hai phiên họp khác nhau, nhưng bản Báo cáo của Nhóm làm việc UPR của Hội đồng nhân quyền đã cho thấy có một sự giống nhau đến ngạc nhiên về các quan ngại và các khuyến nghị đưa ra từ các quốc gia thành viên tham dự.
- Yêu cầu Bắc Triều Tiên đóng cửa các trại tù chính trị, thả tất cả tù nhân chính trị dừng ngay việc hành quyết công khai tử tù. Đối với Việt Nam thì thả các tù nhân chính trị, xem xét việc hủy bỏ áp dụng án tử hình.
- Đề nghị Bắc Triều Tiên mở cửa đón đặc phái viên của LHQ để điều tra về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên. Đối với Việt Nam thì đưa ra lời mời ngỏ đến với tất cả các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền, báo cáo viên/ chuyên gia độc lập của LHQ về những lĩnh tự do ngôn luận, mất tích cưỡng bức, tự do báo chí vào Việt Nam theo cơ chế “thăm viếng quốc gia” (Country Visit).
- Lên án chính quyền Bắc Triều Tiên thường xuyên hành quyết công khai, và yêu cầu chấm dứt việc tra tấn tù nhân, và khuyến nghị ký kết Công ước Chống tra tấn. Đối với Việt Nam thì bày tỏ quan ngại về việc công an tăng cường vũ lực, sách nhiễu và bắt giam đối với những người chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận và lạm dụng các điều luật mơ hồ để trấn áp, đề nghị nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống tra tấn.
- Khuyến nghị người dân Bắc Triều Tiên có được quyền tự do tiếp cận mạng internet. Đối với Việt Nam thì bày tỏ lo ngại về sự hạn chế các quyền về tự do Internet ở Việt Nam.
- Đề nghị Bắc Triều Tiên tuân thủ Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị đã tham gia ký kết. Còn Việt Nam thì đề nghị gỡ bỏ các điều khoản hạn chế quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận tự do thông tin, tự do ngôn luận phù hợp với Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị.
- Đề nghị Bắc Triều Tiên chấm dứt cưỡng ép lao động khổ sai, không cưỡng bức trẻ em lao động, khuyến nghị Bắc Triều Tiên gia nhập Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Còn đối với Việt Nam thì bày tỏ lo ngại về hạn chế công đoàn độc lập, và quyền của người lao động, khuyến nghị Việt Nam phê chuẩn các công ước ILO như Công ước ILO số 189 về lao động gia đình, hài hòa pháp luật, quy định và chính sách với Công ước LIO số 29 về lao động cưỡng bức, và công ước số 138 về lao động trẻ em.
Phản bác
Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã phủ nhận toàn bộ các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở UPR, còn chính quyền Việt Nam thì cố gắng giải thích rằng Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền.
Đối đáp lại những chỉ trích về việc giam giữ tù nhân chính trị, phái đoàn Bắc Triều Tiên cho hay “ở Bắc Triều Tiên không có tù nhân chính trị trong vốn từ vựng của chúng tôi”. Trong khi đó, phái đoàn Việt Nam (đại diện Bộ Công an) thì cho biết: “Việt Nam không có tù nhân chính trị, chỉ bắt giữ những người vi phạm luật pháp, xâm phạm tới an ninh quốc gia.”
Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc So Se-pyong phát biểu rằng “một số nội dung của báo cáo đã hiểu sai về Bắc Triều Tiên”, và nước này sẽ “không chấp nhận những ý kiến phiến diện”. Còn Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị thì nói rằng: “có một số ít nước đưa ra những nhận xét bình luận dựa trên những thông tin thiếu chính xác, không phản ánh thực tế khách quan về tình hình quyền con người tại Việt Nam”.
Được biết, Bắc Triều Tiên sẽ phải đưa ra câu trả lời các khuyến nghị này trước kỳ họp 27 của Hội đồng Nhân Quyền LHQ vào tháng 9 tới. Bắc Triều Tiên cho hay, họ chỉ trả lời đối với 185 khuyến nghị nhưng dứt khoát từ chối 83 khuyến nghị. Đại sứ Liên Hợp Quốc của Bắc Triều Tiên, Se-Pyong nói thêm, các khuyến nghị này bị dứt khoát từ chối vì đó là “những thành kiến chống lại chế độ Bắc Triều Tiên”, bao gồm các khuyến nghị như: đóng cửa các trại tù chính trị, trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, xóa bỏ phân biệt đối xử về nền tảng “lý lịch chính trị gia đình”, và hợp tác với Tòa án Hình sự Quốc tế…
Trong khi đó, Việt nam sẽ phải trả lời đối với các khuyến nghị vào ngày 20/6/2014 trong kỳ họp 26 của Hội đồng Nhân Quyền LHQ đang diễn ra. Nhưng trước đó, ông Hoàng Chí Trung, vụ trưởng Vụ Các Tổ Chức Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao cho biết: Sơ bộ nhận thấy khoảng 75-80% khuyến nghị có nội dung tích cực và ta có thể xem xét chấp nhận được. Khoảng 40 khuyến nghị ta cần cân nhắc thận trọng hoặc không thể chấp nhận. Các khuyến nghị này tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như yêu cầu ta huỷ bỏ việc áp dụng án tử hình; thả các đối tượng “bất đồng chính kiến” và ”người bảo vệ nhân quyền”; phê chuẩn Quy chế Rome về Toà án Hình sự quốc tế…
Thật là một sự tương đồng đến lạ kỳ!
@VietnamUP
Nguồn: vietnamupr.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THỰC HƯ CÂU CHUYỆN “ĐỪNG ĐỐT NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM”

 Phùng Hoài Ngọc

Tôi vừa đọc cuốn hồi ký tự truyện “Chuyện nghề của Thủy” của hai tác giả: Lê Thanh Dũng và đạo diễn Trần Văn Thủy do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, tái bản lần 1 năm 2013.
 Rất nhiều thú vị khi đọc cuốn sách tuyệt vời của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng (chủ yếu với hai bộ phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế). Có thể nói, đạo diễn Trần Văn Thủy là nhà đạo diễn đầu tiên đổi mới nghệ thuật trước khi Đảng đành phải đổi mới.
 Ở đây, tôi chỉ muốn bàn về một chi tiết nhỏ trong cuốn sách đó: đoạn viết về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, trong phần Bốn. Trên đường cuốc bộ gian khổ vượt Trường Sơn, ông Thủy có dịp cùng đi một đoạn đường với bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm. Đạo diễn kể tới tám trang về người đồng đội đặc biệt này và những suy ngẫm khi biết tin cuốn Nhật ký của bà Trâm được một cựu sĩ quan Mỹ trả lại và xuất bản.
 Tôi giật mình đọc đoạn ông Trần Văn Thủy nêu ra nghi ngờ về câu nói nổi tiếng được cho là của viên trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu “Đừng đốt, trong ấy đã có lửa”, ông viết:
 “Không biết ai là người đầu tiên nói rằng khi những người lính phía bên kia giết chị Đặng Thùy Trâm và lấy cuốn Nhật ký của chị, một người lính Mỹ định đốt cuốn nhật ký, viên hạ sĩ quan quân đội VNCH Nguyễn Trung Hiếu đã nói “Đừng đốt, trong ấy đã có lửa” . Có thật anh ấy nói câu ấy không? Hơi khó tin, cái câu chữ sặc mùi chính trị…. Viên trung sĩ một người rất kiệm lời mà có một câu mỹ miều đầy tính sân khấu ấy chăng, nhất là giữa chiến trường ác liệt?… Nếu có lửa thì là do ai đó, có thể là một người mê cải lương, đưa vào mà thôi (trang 67, 68 – Chuyện nghề của Thủy).
 Trần Văn Thủy còn dẫn lại ý kiến nhà thơ Thanh Thảo “Nếu chị Trâm còn sống ngày hôm nay, tôi chắc chắn chị không cho in cuốn Nhật ký”.
 Tôi kiểm tra thêm lần nữa qua Wikipedia, nhân tiện ôn lại câu chuyện. Wiki ghi sơ lược về tác giả Nhật ký như sau:
 Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 tại Huế trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa, mẹ là dược sĩ, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội.
 Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam với tư cách là một bác sĩ quân y và được điều vào công tác ở Đức Phổ, chiến trường Quảng Ngãi trong chiến tranh Việt Nam.
 Vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.
 Đặng Thùy Trâm hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970. Hài cốt bà được mai táng tại nơi hy sinh, sau thống nhất được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, được gia đình đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Xuân Phương,Từ Liêm, Hà Nội.
 Hai tập nhật ký còn lại được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi tác giả phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, hai ngày trước khi hy sinh.
 Nội dung quyển sách là những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả về gia đình, xã hội và cuộc chiến, khi trực diện với sự sống, cái chết đang diễn ra.
 Hai tập nhật ký do Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005. Ông này đã giữ lại quyển nhật ký mà không đốt đi, vì theo lời của thông dịch viên, thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Trung Hiếu, trong cùng đơn vị: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa.”
Quyển sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho ra mắt nhân dịp kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27 tháng 7) năm 2005 của Việt Nam. Đến tháng 3 năm 2006, quyển sách này đã bán được hơn 400.000 bản – được xem là một hiện tượng văn học. Hiện tại cuốn Nhật ký được lưu giữ tại Viện lưu trữ về Việt Nam ở Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.
 **
“Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” là quyển sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập, giới thiệu từ hai tập nhật ký viết tay của bác sĩ liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.
 Người biên tập cuốn Nhật ký, ông Vương Trí Nhàn không nói rõ ai nói câu đó, chính xác như thế nào, trong hoàn cảnh nào. Hẳn là Frederic Whitehurst người giữ cuốn nhật ký đã nói, nhưng nói với ai, viết ở đâu ? Câu nói độc đáo của ông Nguyễn Trung Hiếu khiến bao người xưa nay thấy dạt dào cảm xúc, hởi lòng hởi dạ, cảm động đến mức không nhận thấy sự phi lý của lời nói ấy.
 Chúng tôi thử tưởng tượng hoàn cảnh phát sinh lời nói của ông Hiếu như sau:
 Sau trận càn quét vào khu bệnh xá Đức Phổ nơi BS Trâm phụ trách, quân Mỹ thu dọn chiến trường. Họ thu nhặt tất cả giấy tờ, sổ sách và những thứ gọi là tài liệu của đối phương. Những tài liệu nào bằng tiếng Việt đều được giao cho trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu (làm nhiệm vụ thông dịch viên cho quân đội Mỹ) xem xét báo cáo cho sĩ quan quân báo Mỹ phụ trách lúc ấy là Frederic Whitehurst. Những tài liệu có giá trị giúp quân Mỹ tìm hiểu đối phương, phục vụ cho các trận càn quét thì được giữ lại để khai thác. Tài liệu nào không cần thiết thì đốt bỏ. Hẳn là sau khi đọc sơ qua hai tập Nhật ký của BS Trâm, một kẻ thù đã bị giết, ông Hiếu không khỏi ngạc nhiên và có những cảm xúc mạnh. Khi báo cáo sơ bộ lần lượt từng tài liệu thu gom được với sĩ quan Frederic Whitehurst (gọi thân mật là Fred), giở đến hai tập nhật ký, ông Hiếu nói:
-          Đây chỉ là nhật ký riêng tư của nữ bác sĩ Trâm, người phụ trách bệnh viện đã tử trận. Hai cuốn tập này không có thông tin gì về bí mật quân sự.
Frederic Whitehurst  nói:
-          Thế thì đốt bỏ đi.
Ông Hiếu nói tiếp:
-          Đừng đốt, cuốn nhật ký này cũng lạ lắm. Nếu Fred muốn biết thêm về cuộc đời và tâm trạng của một nữ Việt cộng trẻ tuổi người Hà Nội thì giữ lại đọc sau, cũng không vô ích đâu.
Tôi không nghĩ rằng hai người lính Mỹ Việt đồng tình giữ lại nhật ký với mục đích sau này trao lại cho gia đình người xấu số. Bởi lẽ đơn giản: bản thân họ cũng không tin chắc sống sót được qua cuộc chiến tranh khốc liệt chưa có dấu hiệu nào sắp chấm dứt. Lúc ấy mới là tháng 6 năm 1970.
 Tin lời của thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu, viên sĩ quan quân báo kia đã giữ lại tập nhật ký. Khi trở về Mỹ, anh ta mang 2 tập vở viết tay đó về quê, nhờ người dịch ra tiếng Anh. Đọc nhật ký qua tiếng Anh, anh cũng rất cảm động, thỏa mãn chí tò mò và về sau tặng cho một Trung  tâm nghiên cứu Việt Nam của một trường đại học ở Texas. Rồi anh lại công phu sang Việt Nam tìm lại gia đình Đặng Thùy Trâm.
 Bây giờ chúng ta thử gắn câu nói “Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa” như loan truyền, vào cuộc đối thoại trên và đọc lại xem sao.
 “…ông Hiếu nói:
-          Đây chỉ là nhật ký riêng tư của nữ bác sĩ Trâm, người phụ trách bệnh viện đã tử trận. Hai cuốn tập này không có thông tin gì về bí mật quân sự.
Frederic Whitehurst  nói:
-          Thế thì đốt bỏ đi.
Ông Hiếu nói tiếp:
-          Đừng đốt, bản thân nó đã có lửa rồi”.
 Bạn đọc thử so sánh hai đối thoại xem cái nào hiện thực, cái nào hư cấu?
 Một cuộc đối thoại bình thường sẽ theo quy luật nhân quả. Câu trước tạo điều kiện, lý do phát sinh ra câu sau – câu ứng đáp, cứ tiếp tục như thế đến khi chấm dứt đối thoại. Hai người lính, Mỹ và Việt, đang làm công việc xem xét tài liệu thu lượm của đối phương. Đó là một công việc nghiêm túc, không thể nói giỡn chơi hoặc bỗng nhiên cao hứng lạc đề được. Câu nói của thông dịch viên (như được loan truyền) như thế là trật ra ngoài mạch đối thoại. Nghe như câu nói của một người mộng du, hay một thi nhân làm thơ ngẫu hứng…Trong nghệ thuật văn chương, Hemingway nhà văn Mỹ đạt giải Nobel ưa viết những “đối thoại khập khễnh” được gọi là “nghệ thuật đối thoại tảng băng trôi”. Đối thoại kiếu này rất công phu, thường bỏ qua các quy tắc đối thoại thông thường. Người đọc phải bận tâm cố suy ngẫm mới hiểu được….Giới phê bình văn học từng ca ngợi lối viết đối thoại độc đáo của nhà văn Hemingway. Nhưng đó là chuyện văn chương.
 Lại tưởng tượng một chút, sau khi cuộc chiến tranh bi thảm trôi qua khá lâu, anh cựu binh Mỹ nghiền ngẫm kỹ và cảm thấy “có lửa” trong cuốn sách này. Đó là ngọn lửa tâm hồn của một nữ bác sĩ quân y trẻ giữa cuộc chiến, lửa yêu đời, lửa nhớ quê hương người thân, lửa tình yêu nam nữ, lửa tình cảm đồng đội, lửa yêu nước, lửa căm thù giặc…. Khi báo chí Mỹ bùng nổ thông tin về cuốn Nhật ký, có thể anh đại tá cựu binh Frederic Whitehurst đã nói cảm nghĩ ấy với ai đó trên báo chí. Lúc này anh cựu binh mang tâm trạng một nhà thơ, không còn là sĩ quan quân báo Mỹ thời chiến tranh nữa. Một câu nói ngẫu hứng lúc nào đó, rồi tam sao thất bản loan truyền. Có thể, Frederic đã có cảm hứng thi sĩ khi gán câu nói cho thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu, hoặc ai đó đã gán vào Nguyễn Trung Hiếu (Tôi không nghĩ như đạo diễn Trần Văn Thủy “cái câu chữ sặc mùi chính trị”, và có thể là một người mê cải lương đưa câu nói ấy vào”).
 Nói vậy, nhưng tôi không có ý phàn nàn gì về ông Frederic Whitehurst. Trái lại chúng ta ai nấy đều ghi nhận tinh thần quý trọng đối phương của ông sĩ quan Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký hiếm hoi quý giá của người Việt, ông là một người cựu chiến binh nhưng chẳng phải một kẻ võ biền, ông còn biết thương hoa tiếc ngọc (đồng đội Nguyễn Trung Hiếu cũng là người như vậy). Người sĩ quan Mỹ kia còn  nhờ người dịch sang tiếng Anh, lại tốn nhiều công phu đi tìm gia đình bác sĩ Trâm để trả lại di vật người con gái đáng thương của họ.
 Nói vậy, tôi chỉ phàn nàn ông Vương Trí Nhàn người tổ chức biên soạn Nhật ký, viết Lời giới thiệu cho sách mà không dẫn chính xác nguồn câu nói đầy chất thơ, thiếu chất thực được cho là của trung sĩ thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu. Tôi cũng phàn nàn báo chí nước ta từ hồi năm 2005 thường truyền lại “câu nói bất hủ” ấy mà chẳng có nhà báo nào tìm được nguồn chính xác. Chỉ có hai người biết rõ: Nguyễn Trung Hiếu và Frederic. Bây giờ muộn quá rồi, khó mà xác minh. Mà cũng chẳng còn cần thiết nữa.
 Qua báo chí được biết gia đình chị Trâm được mời sang Mỹ nhận lại di vật của chị Trâm, hai người em gái đã cùng với phóng viên Uyên Ly cố gắng tìm bằng được cựu trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu lúc ấy đang sống ở Mỹ, trong một căn hộ chung cư. Ông Hiếu cố ý tránh gặp nhưng cuối cùng ông chẳng đặng đừng… Sau đó chị Trâm em không kể lại đầy đủ cuộc gặp gỡ và không đả động “câu nói nổi tiếng” được cho là của ông Hiếu.
***
 Để hiểu rõ hơn về ông Nguyễn Trung Hiếu, xin tham khảo thêm hai bài báo của nhà báo Uyên Ly về cuộc tìm gặp ông Hiếu ở Hoa Kỳ:
 Những cuộc trò chuyện lúc 0 giờ
Hành trình đi tìm Nguyễn Trung Hiếu – kỳ 1 
 Nguyễn Trung Hiếu (California)  
Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Trung Hiếu, cái tên ấy lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi cả ngày lẫn đêm kể từ khi Fred phác họa chân dung của ông cho tôi nghe. Một tình cảm kỳ lạ luôn thôi thúc chúng tôi tìm gặp được ông để nói về việc ông đã làm cách đây 35 năm, và điều đó không bị quên lãng.
“Tôi là Hiếu đây!”
Đêm 4-9, cầm số điện thoại của Mỹ, mã vùng California trong tay, tim đập mạnh. Tôi nhấn cẩn thận từng con số mà mình đã thuộc lòng. Không liên lạc được vì số không đúng, lo quá. Nhìn kỹ bàn phím, nhấn lại lần hai. Tiếng chuông reo phía đầu dây bên kia. Thêm một hồi chuông reo nữa. “Alô?” – giọng một người đàn ông miền Nam. Linh cảm mách bảo đó đúng là người cần tìm. Tôi dùng cách xưng hô thân mật nhất có thể:
- Xin lỗi, có phải chú Hiếu không ạ?
- Phải, tôi là Hiếu đây…
Ôi trời, hình như tôi đang ngồi trên máy bay và bị đột ngột rớt độ cao.
- Có phải chú Nguyễn Trung Hiếu không ạ?
- Vâng, tôi đây!
Tôi không thở nổi, tai lùng bùng.
Giọng nói của ông trầm và ấm, chậm rãi nhưng đầy cảnh giác. Nhớ lại lời mô tả của Fred về thân phận của những người phiên dịch trong chiến tranh, tôi hình dung ra một người đàn ông thấp, đậm, khuôn mặt hằn những nếp suy tư che giấu ký ức.
Trong cuộc điện thoại đầu tiên ấy, tôi tự giới thiệu mình là phóng viên trẻ của báo TS và với tất cả tình cảm của mình, tôi kể về hành trình của cuốn nhật ký của một người nữ bác sĩ mà có lẽ ông còn nhớ.
Ông Hiếu xưng hô rất lịch sự, nhưng đáp lại với vẻ đề phòng, rằng ông có đọc cuốn nhật ký rất hay từ cách đây mấy chục năm. “35 năm rồi phải không?” – ông Hiếu nói một cách chính xác, rồi như sực nhớ điều gì, ông lại bảo: “Tôi không nhớ rõ vì đã lâu quá rồi”.
Tôi bộc lộ rằng gia đình người viết cuốn nhật ký rất biết ơn ông, người sĩ quan Mỹ từng làm việc bên ông cũng đã khóc khi kể về ông và những kỷ niệm chiến tranh. Tôi nhắc đến tên Frederic.
Ông Hiếu nghĩ một thoáng rồi nói: “Tôi không nhớ tên anh ta”. Tôi nhắc lại: “Ông ta tên là Frederic Whitehurst”. Ông Hiếu nói: “À, tôi nhớ đó là tay Whitehurst”.
\
Tôi bảo: “Chú đã bảo ông ấy giữ lại cuốn nhật ký, đó là một hành động dũng cảm và có thể chú sẽ gặp nguy hiểm phải không?”
Ông Hiếu lạnh lùng: “Chuyện chiến tranh súng đạn, tôi không muốn nhắc tới”.
Tôi thay đổi cách tiếp cận, bày tỏ tình cảm và niềm vui của mình khi tìm được ông và ngỏ ý muốn gửi cho ông những thư từ, tài liệu ở VN như cuốn nhật ký, những bài báo viết về ông. Nguyễn Trung Hiếu rất quan tâm và đồng ý cho địa chỉ khu nhà (nhưng không cho số nhà).
Tôi đột ngột hỏi: “Chú có nhớ nhà không?”. Ông Hiếu im lặng một lát, rồi nói: “Gia đình tôi không còn ai ở VN. Những chuyện quá khứ tạm thời tôi không muốn nghĩ tới nữa. Tôi đang bận!”. Cúp máy.
Phóng viên Uyên Ly (báo TS)  
Vừng ơi, mở ra
 Cảm giác cô đơn của ông Hiếu lên đến cùng cực vào đêm 7-9. Qua điện thoại, ông Hiếu nói: “Với tôi bây giờ, cuộc đời không có gì là đáng tin nữa. Mấy chuyện chính trị tôi không quan tâm. Đến cả tình người, không có gì là đáng tin hết. Tôi nói chuyện đó với cô, xin lỗi, như một con người trần truồng ra mà nói với nhau đây. Tôi đọc cho cô nghe hai câu thơ này: Hôm qua tôi chết một lần. Hôm nay tôi chết thêm lần nữa”.
Những lời ấy làm nhói tim tôi. Đêm đó về nhà, tôi không ngủ được, nỗi buồn và những câu hỏi về thân phận chiến tranh cứ day dứt trong tôi. Không thể như vậy được.
Nguyễn Trung Hiếu cần được chia sẻ. Tình cảm của ông về quê hương và gia đình vẫn luôn tràn đầy. Niềm tin đó dẫn đường cho tôi trong những cuộc điện thoại lần sau cho dù có lúc ông tỏ ra xa lạ và bất cần.
Mở đầu câu chuyện lúc 0g, ông thường hỏi: “Thật ra ở VN muốn gì?”. Tôi trấn an ông bằng những giọt nước mắt và nụ cười trong chuyến trở về VN của Fred, bằng sự quan tâm của người VN đối với ông, bằng lòng mong muốn được nói lời cảm ơn của người mẹ vừa tìm lại được con gái đã mất.
Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm đã trở thành thói quen. Chúng tôi chia sẻ những gì về cuộc sống hiện tại ở Mỹ, ở VN, chuyện công việc, gia đình. Tôi thu thập từng bài thơ, bài báo mà tôi cho rằng ông quan tâm và đọc cho ông nghe qua điện thoại, gợi lại dần dần những câu chuyện quá khứ để tránh tổn thương cho ông.
Cho đến một ngày, ông bảo: “Tôi ở đây 20 năm rồi mà không có bạn bè. Có cô như một người bạn ở VN gọi tới, tôi rất cảm kích. Dần dần tôi sẽ kể cho cô nghe những câu chuyện buồn”.
Tôi lái xe về nhà với một niềm lạc quan mới được nhen nhóm, bắt tay vào viết cho ông lá thư đầu tiên bày tỏ niềm tin trước sức sống mãnh liệt của tình người và kết thúc có hậu sẽ đến với những tấm lòng thiện. Sau đó tôi gửi lá thư ấy tới địa chỉ đầy đủ mà ông vừa cho tôi.
Tôi biết mình sắp bắt đầu cuộc hành trình mới…
UYÊN LY
Ban biên tập TS quyết định cử nữ phóng viên Uyên Ly sang Mỹ. Nhưng một ngày trước khi Uyên Ly lên máy bay, Nguyễn Trung Hiếu từ chối: “Tôi không muốn gặp cô. Tôi mến cô, nhưng tôi sợ người ta sẽ “bụp” cô…”.
Nữ phóng viên Uyên Ly vẫn lên máy bay và bắt đầu bước đi trên “cây cầu bắc qua dòng sông cay đắng” (lời Fred).
Hai chị Hiền Trâm và Phương Trâm trao cho ông Nguyễn Trung Hiếu cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm tại nhà ông Hiếu ở California - Ảnh Uyên Ly
Hai chị Hiền Trâm và Phương Trâm trao cho ông Nguyễn Trung Hiếu cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm tại nhà ông Hiếu ở California – Ảnh Uyên Ly
Hành trình đi tìm Nguyễn Trung Hiếu – Kỳ 2:
Lịch trình chuyến đi Mỹ của gia đình chị Đặng Thùy Trâm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nguyện vọng cao nhất của người mẹ là được ôm cuốn nhật ký của con gái vào lòng, nguyện vọng thứ hai là tìm gặp người phiên dịch năm xưa. Còn với tôi, địa chỉ và số điện thoại của ông Nguyễn Trung Hiếu tôi đã nằm lòng.
Lời mời không được đáp lại
Đã đến lúc cần phải cho Fred và gia đình biết rằng tôi đã liên lạc được với ông Hiếu. Tôi hỏi ông có đồng ý vậy không? Ông Hiếu nhận lời nhưng vẫn dè chừng: “Để coi họ nói sao!”.
Ngày 21-9, ông Hiếu kể rằng Fred và chị Kim Trâm đã gọi cho ông. Hai cuộc điện thoại ấy đã gợi cho ông rất nhiều tình cảm về quê hương. Tôi ngỏ ý rằng báo TS và rất nhiều người bạn khác nữa sẵn lòng mời ông về VN. Ông Hiếu từ chối với lý do đơn giản là không muốn về, ẩn chứa đằng sau đó là những băn khoăn mà ông chưa tiện bày tỏ. Tôi cũng kể với ông rằng gia đình chị Thùy Trâm đang sửa soạn đi Mỹ và hi vọng sẽ được gặp ông để tỏ lòng cảm tạ, ông nói sẽ suy nghĩ về việc đó.
Những ngày này hình như ông đang gặp phải những phản ứng tiêu cực, ông dè dặt: “Hóa ra chuyện về cuốn nhật ký lớn lắm. Tôi biết sách bán được mấy trăm ngàn bản rồi. Bây giờ chuyện gia đình cô Kim và cuốn nhật ký ở bên này ai cũng biết hết. Cô Kim có gọi điện cho tôi. Tôi nói chuyện xưa tôi đã quên. Mấy chục năm rồi. Gia đình muốn đến gặp thì tôi cũng welcome (chào đón – PV) thôi, nhưng khi gia đình cô Kim ra khỏi nhà là tôi có chuyện liền”.
Gần kề ngày đến Mỹ, giữa những cuộc trò chuyện tôi luôn nhắc lại những lời mời và nguyện vọng được gặp ông Hiếu. Ngày 27-9, ông thổ lộ nỗi lo và những suy nghĩ có phần day dứt: “Tôi sẽ về VN không biết chừng, nhưng về VN rồi trở lại Mỹ sao đây?… Không nên gặp tôi ở đây vì tôi còn có gia đình, tôi sợ bị người ta gây phiền nhiễu”.
Đêm 2-10, một ngày trước khi tôi bay đến Mỹ, ông Hiếu nói: “Tôi không muốn gặp cô. Tôi mến cô và muốn giúp cô, nhưng nếu cô đến, tôi sợ người ta sẽ “bụp” cô”. “Bụp” ư? Dù chưa biết thực hư sẽ ra sao, cảm giác bất lực bỗng xâm chiếm tâm trí tôi. Tôi viết cho người bạn mới một bức thư buồn bã: “Cháu sẽ không làm những gì mà cháu không yên tâm, đặc biệt là khi việc làm của mình có thể ảnh hưởng đến người khác… Qua các cuộc trò chuyện từ điện thoại, chắc hẳn chú nhận ra sự chân thành của cháu. Nhưng sự chân thành ấy đã vướng những rào cản quá khứ….Câu trả lời nằm ở những người như chú. Sức mạnh tinh thần vượt qua năm tháng chính là tình người, mà sao người đến với nhau khó quá. Cháu chẳng trách được ai cả…!”.
Khi đặt dấu chấm than, tôi nghĩ: “Ừ nhỉ, vì sao người lại không được gặp người? Chiến tranh đã lùi xa rồi. Robert (anh trai của Fred) nói lời của chị Thùy là cây cầu bắc qua dòng sông cay đắng. Nhưng làm sao để bắc những cây cầu…”.
Uyên Ly, tôi đang hỏi một cô gái nhỏ bé, rằng khi nào tôi sẽ ngừng xao động đây? Được tin về Hiếu, những giọt nước mắt tưởng như đã khô nay lại rơi. Bóng tối lại vây quanh và bám chặt. Dù cho ta có quên được chúng trong một thời gian, chúng vẫn quay trở lại và mang theo nước mắt. Đó không phải là ám ảnh, mà chính là những kỷ niệm nay đã trở thành một phần của tâm hồn không thể lãng quên.
Hiếu cũng có những kỷ niệm ấy. Tôi hiểu. Liệu có ổn không khi tôi gọi cho anh ta? Tôi không muốn làm Hiếu tổn thương nhưng tôi rất muốn nói chuyện với anh. Anh là một người rất tốt và can đảm, một người lính trung thực. Hãy cho tôi biết ý cô về chuyện tôi gọi điện cho Hiếu. Nếu cô thấy được, tôi sẽ gọi.
Fred
Những giọt nước mắt
Tin tức và hình ảnh về chuyến đi của gia đình chị Thùy Trâm được truyền đi khắp thế giới. Nhà ông Hiếu không có Internet nhưng tin tức đổ tới qua tivi, báo chí địa phương và qua câu chuyện của những người xung quanh. Gia đình chị Thùy Trâm và chúng tôi cùng thống nhất giải pháp mời ông Hiếu tới Washington DC, như vậy sẽ tránh được những mối lo mà ông Hiếu từng nhắc tới, đồng thời cũng tránh sự quan tâm của báo chí lúc nào cũng bao vây lấy gia đình trong thời gian ở Texas và Bethel, North Carolina.
Đầu giờ chiều thứ năm, ngày 6-10, lòng tôi như tan ra khi nghe người đàn ông này khóc qua điện thoại. Chuyến đi của gia đình đã có tác động mạnh tới ông. Ông Hiếu nói mấy hôm nay ông không ngủ được vì day dứt trước tấm lòng của gia đình chị Thùy Trâm đối với mình mà mình lại không thể đáp lại.
Ông nói như một người có lỗi cần được thể tất. Ông Hiếu hứa sẽ ghi nhớ tấm lòng của gia đình Thùy Trâm, của Fred, của báo TS,của phía VN suốt đời và nói xa xôi về những khó khăn mà mình gặp phải… Ông Hiếu đã khóc, những tình cảm đang giày vò ông.
Đến North Carolina, Fred, chị Hiền Trâm và tôi thay nhau gọi điện cho ông Hiếu nhiều lần để khơi gợi tình cảm sẵn có trong ông. Sáng thứ bảy (8-10), Fred động viên ông Hiếu: “Hiếu à, ông nên gặp mẹ và các em gái tôi. Đó là gia đình thật sự của tôi với những con người có tâm hồn đẹp đẽ. Ông hãy suy nghĩ và sau đó gọi cho tôi biết nhé”.
Chiều thứ bảy (8-10), ông Hiếu nói với tôi bằng một giọng rất lạ: “Cô Uyên Ly, 10g sáng mai tôi sẽ gọi vào số điện thoại của Fred để nói chuyện với cô”. Cả buổi sáng trôi qua, tôi quanh quẩn bên Fred, tai căng ra đón tiếng điện thoại. Không có tín hiệu.
Thứ hai (10-10), chúng tôi khởi hành đi Washington DC bằng ôtô. Gọi cho ông nhưng ông không có nhà. Tôi bắt đầu lên kế hoạch: “Ở đó có đường bay thẳng đến Cali…”. Bỗng trong bữa ăn trưa dọc đường, chị Hiền Trâm thông báo với mọi người: đêm qua ông Hiếu đã ngỏ ý muốn mời gia đình tới nhà riêng của ông. Như vậy, nỗi lo không an toàn cho ông và cho cả chúng tôi khi đến gặp ông đã được giải tỏa phần nào.
Gia đình nhất trí cử chị Hiền Trâm và chị Phương Trâm đi tới Cali cùng tôi. Chị Kim Trâm và bác Doãn Ngọc Trâm tiếp tục đi thẳng tới New York theo lịch trình đã sắp sẵn.
Chuyến bay nội địa dài nhất nước Mỹ đưa chúng tôi đến với người phiên dịch năm xưa.
Phương án cuối cùng
Sáng 11-10, tôi phấn khởi gọi cho ông Hiếu từ sân bay Cali: “Cháu và gia đình đã tới nơi”. Ông Hiếu trả lời, giọng đầy hoảng hốt: “Ba giờ sáng nay có người gọi đến nhà tôi chửi bới, dọa dẫm. Người đó nói biết hết việc tôi đang làm. Trên Internet hình như người ta cũng đang chửi tôi. Việc gặp cô và gia đình chắc phải coi lại xem sao đã”. Chiếc balô trên vai tôi bỗng trở nên nặng trĩu… Nỗi mệt nhọc về tinh thần đè nặng lên các cơ bắp nhão ra sau chuyến bay dài.
Chị Hiền Trâm gọi lại cho ông Hiếu. Mười lăm rồi 20 phút trôi qua, chị thuyết phục và nhắc lại với ông về lời mời hôm trước, nhưng ông Hiếu vẫn khẳng định chưa thể gặp được. Rồi ông nói ông bận đi đón con và nhắn chị gọi lại vào đầu giờ chiều, sau khi lũ trẻ đi học về.
Trên taxi từ sân bay về khách sạn, chúng tôi mải suy nghĩ và thất vọng đến nỗi không nói với nhau lời nào.
Buổi trưa nặng nề trôi qua. Một giờ chiều, 2 giờ chiều… 2 giờ 30 chiều… Chị Hiền Trâm, chị Phương Trâm và tôi thay nhau bấm số. Những tiếng chuông điện thoại réo lên vô vọng.
Tôi biết mình phải làm gì: đến thẳng nhà ông với tất cả trái tim mình!
Để tránh những rắc rối có thể xảy đến như lời ông Hiếu đã nói, hai chị Hiền Trâm và Phương Trâm sẽ chờ tôi ở khách sạn.
Lúc đó là 3 giờ chiều 11-10, tôi kiểm tra phương tiện nghề nghiệp, để lại chiếc túi có logo TS tại phòng khách sạn, thuê taxi thẳng tới địa chỉ cần tìm. Con đường 30 dặm nối hai thành phố hun hút dài, người lái xe đưa tôi đi qua những dãy trúc đào và tường vi thắm đỏ, qua những dãy núi hùng vĩ…
Băng qua con đường dài hun hút, cô phóng viên trẻ đang hướng tới một địa chỉ duy nhất, tìm gặp một người đã trở nên quen thuộc với chính cô, kể từ cuộc trò chuyện đầu tiên ngày 4-9…Cuộc gặp mặt đã được chuẩn bị nhưng vẫn đầy những bất ngờ.
UYÊN LY

Phần nhận xét hiển thị trên trang