Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Đại cục của Trung Quốc và lựa chọn của Việt Nam

Bình Lê


18-06-2014


“Nếu đại cục của Việt Nam là “quan hệ hữu nghị với Trung Quốc” thì dần dần phải hy sinh Biển Đông, hy sinh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ/hải, và thậm chí độc lập và tự do có được từ ngàn năm xương máu cha ông để lại. Nếu đại cục của Việt Nam là ‘chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối đầu với Trung Quốc vì Trung Quốc cần có Biển Đông để đạt được đại cục của họ“.

Theo Trần Trọng Kim, triết lý của người Trung Quốc là dùng trực giác để nắm bắt tinh thần, rồi từ đó đúc kết các ý tứ vào mấy câu vắn tắt để làm cốt. Chính vì vậy, nếu chỉ đọc văn từ thì không nắm được hết ý. Điều này khác với logic của phương Tây, đó là lời và ý theo sát nhau, phân minh rõ ràng. Nếu không hiểu sự khác biệt này, chúng ta dễ dàng sa vào phân tích văn bản của người Trung Quốc, dẫn đến đoán ý sai, không nắm được tinh thần của sự việc.

Nói cách khác, để hiểu thâm ý của người Trung Quốc, cần phải hiểu cái tinh thần toàn thể. Vượt qua sự tập trung vào các sự vật và hiện tượng riêng lẻ, để dùng trực giác minh mẫn nhìn cái tinh thần xuyên suốt của họ. Tuy nhiên, việc dùng trực giác để mà nắm bắt thì vô cùng khó khăn vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là người đó tâm phải sáng, nghĩa là phải không bị tư dục làm cho trực giác bị mờ. Thứ hai là trong bối cảnh đơn giản và tĩnh thì trực giác phát huy tác dụng, chứ trong không gian động thì rất khó. Thứ ba nếu đối phương cố tình gây hỏa mù thì việc dùng trực giác thường bị gây cản trở. Đây chính là lý do tại sao người phương Tây và người Việt Nam rất khó định đoán được cái tâm và mưu lược của người Trung Quốc. Triết lý này đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để giúp chúng ta hiểu đại cục của người Trung Quốc, phân biệt được đâu là “lợi ích cốt lõi”, đâu là chiến thuật “dương đông kích tây” và đâu là “hoạt động tung hỏa mù” của họ.

Về đại cục, Trung Quốc chắc chắn muốn trở thành bá chủ không những ở châu Á mà trên toàn thế giới. Ngoài việc gây dựng nội lực như kinh tế, quân sự và một tinh thần đại Hán cho dân chúng, chính quyền Trung Quốc đang tạo dựng một thế địa chính trị để thực hiện đại âm mưu này.

Dễ dàng thấy Trung Quốc không có ý định mở rộng về phía Bắc và phía Tây vì họ đã bị chặn bởi Nga và Ấn Độ. Hơn nữa, vùng này là đất liền, phức tạp không có nhiều lợi ích cho việc xâm lấn. Ngược lại, biển và đại dương ở phía Nam và Đông đóng vai trò như cánh cửa cho Trung Quốc kiểm soát thế giới. Chính vì vậy để đạt được giấc mộng bá quyền chắc chắn Trung Quốc cần kiểm soát Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đạt được điều này Trung Quốc có thể đi ra đại dương và kiểm soát Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc dễ dàng hơn.

Hiện tại, việc chiếm Đài Loan là chưa khả thi vì Đài Loan là đồng minh của Mỹ và thực lực của Đài Loan cũng rất mạnh. Nhật và Hàn Quốc cũng là đồng minh của Mỹ, và cũng là hai quốc gia mạnh. Chính vì vậy, Philippines và Việt Nam trở thành mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc. Trong hai quốc gia này, Việt Nam là điểm xung yếu nhất, một phần vì vị trí chiến lược của Việt Nam, một phần vì Việt Nam là quốc gia không có hiệp ước quân sự với quốc gia khác. Đây chính là bước khởi đầu Trung Quốc chọn cho chiến lược lâu dài của họ – kiểm soát biển Đông!

Có hai cách Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Đông của Việt Nam. Một là biến Việt Nam thành đồng minh quân sự “môi hở răng lạnh”. Có nghĩa Trung Quốc xử dụng Việt Nam như căn cứ để kiểm soát Biển Đông và con đường hàng hải huyết mạch, từ đó tăng cơ hội uy hiếp và kiểm soát Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cách Trung Quốc chọn xây dựng quan hệ với Việt Nam không dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi mà muốn Việt Nam bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị, an ninh và văn hóa để phải phục tùng Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc không đạt được điều này vì Việt Nam vẫn cố cân bằng quan hệ, đa dạng đầu tư và ngoại giao, từ chối giao các căn cứ hải quân cho Trung Quốc, chính vì vậy họ quyết định xử dụng cách thứ hai: dùng bạo lực để chiếm biển Đông.

Rõ ràng, chiếm Biển Đông là đại cục của Trung Quốc. Họ sẽ dùng mọi cách để chiếm dễ dàng và tốn ít chi phí nhất. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cần nhận thức rõ điều này để xác lập đại cục của mình. Nếu đại cục của Việt Nam là “quan hệ hữu nghị với Trung Quốc” thì dần dần phải hy sinh Biển Đông, hy sinh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ/hải, và thậm chí độc lập và tự do có được từ ngàn năm xương máu cha ông để lại. Nếu đại cục của Việt Nam là “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối đầu với Trung Quốc vì Trung Quốc cần có Biển Đông để đạt được đại cục của họ. Khi đó, cuộc chiến không chỉ xảy ra trên biển, mà trên cả mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa và ngoại giao.

Liệu có con đường nào khác cho cả Việt Nam và Trung Quốc thoát thế kẹt này?

Rõ ràng, Việt Nam cần phải có một đại cục rõ ràng cho mình và công khai cho người dân cũng như cộng đồng quốc tế biết. Một quốc gia không thể đoàn kết sức mạnh nếu người dân không biết đại cục mà lãnh đạo nhà nước đang theo đuổi là gì. Một quốc gia không thể trở thành “bạn bè của tất cả các nước” nếu không minh bạch và rõ ràng về đường lối ngoại giao. Chính vì vậy, đại cục của Việt Nam cần được công khai càng sớm càng tốt.

Với lịch sử chống ngoại xâm và giá trị dân tộc đề cao độc lập và tự do, rất khó cho Việt Nam hy sinh toàn bộ để theo đuổi “16 chữ vàng và 4 tốt” mà Trung Quốc luôn rao giảng nhưng lại vi phạm trên thực tế. Điều này cũng đã được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở Philippines “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Quan trọng, Việt Nam cần tạo ra đồng thuận cũng như chuẩn bị tâm thể cho đại cục này càng nhanh càng tốt.

Để tạo thế cho mình, Việt Nam cần vạch rõ âm mưu của Trung Quốc để các nước khác biết việc chiếm biển Đông của Việt Nam chỉ là bước đầu trong đại cục của Trung Quốc, và sau Việt Nam chắc chắn sẽ là Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Việc thay đổi cục diện ở biển Đông không chỉ đơn giản là tranh chấp giữa hai nước, mà là sự gạt bỏ toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế được vận hành bởi Liên hợp quốc, Mỹ, Châu Âu, Úc cũng như các nước khác. Nói cách khác, Liên hợp quốc và các nước phải hiểu và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cần chứng tỏ mình là một phần của cộng đồng quốc tế, luôn tuân thủ và bảo vệ Luật pháp quốc tế.

Khi Việt Nam ở trong thế chân kiềng với các nước khác, Trung Quốc hiểu cái giá họ phải trả không chỉ nằm gọn trong cuộc chiến với Việt Nam, mà với cả các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Đây chính là sự răn đe tốt nhất cho Trung Quốc để họ từ bỏ ý định độc chiếm tài nguyên hàng hải và hàng không cho riêng mình, tuân theo pháp luật quốc tế và trả lại nguyên trạng Biển Đông cho Việt Nam.

Chính vì vậy, Việt Nam phải làm rõ đại cục và mục đích của mình với nhân dân và cộng đồng quốc tế. Sự kéo dài hay chần chừ chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TQ NHẰM LIẾM VÀO DỰ TÍNH KÊNH ĐÀO KRA, MIỀN NAM THÁI LAN, ĐÂY LÀ LÝ DO CỦA NHỮNG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP TRONG KHU VỰC NÀY - ĐÓ LÀ ĐIỀU ÔNG LÂM CHƯA TIỆN NÓI:

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Trung Quốc đã hết lối ra biển
Nhìn bản đồ Đông Á có thể thấy rõ các mặt giáp biển của Trung Quốc đều là những nước có nền kinh tế mạnh và quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Trung Quốc như bị vây lại bởi các cánh cung và không có một lối ra biển thực sự.
Lý do Trung Quốc tạm “kiêng” Nhật Bản, Đài Loan
Trong xu thế phát triển tới đây đường biển sẽ tiếp tục giữ vai trò chiến lược, vì thế một “cửa ngõ” thông thoáng ra biển là yêu cầu gần như bắt buộc của các cường quốc. Đó là lý do buộc Trung Quốc phải tìm cách “gây hấn” với các nước có chung đường biển để có được cửa ngõ này, nhưng tại sao Trung Quốc lại chọn cách gia tăng căng thẳng ở Biển Đông thay vì Biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan.
Đường ra biển của Trung Quốc đều bị vây kín bởi các chuỗi đảo của những quốc gia khác: Ảnh: Gmaps
Trả lời Infonet về vấn đề này, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân đã đưa ra những nhận định rất đáng chú ý. Theo ông phía Đông của biển Hoa Đông là Nhật Bản – một quốc gia với tiềm lực kinh tế, nguồn lực khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Ngay cả trong chiến tranh thế giới thứ II và ngày nay Nhật Bản vẫn là một cường quốc biển với sức mạnh tổng hợp có thể đương đầu với bất cứ mối đe dọa nào.
Trên thực tế Trung Quốc còn phải học hỏi người Nhật ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về chiến tranh trên biển. Thêm vào đó, không những có thể tự lực cánh sinh, Nhật Bản còn dễ dàng hình thành một liên minh quân sự với Mỹ, Hàn Quốc, Úc. Do đó Trung Quốc hiểu rõ họ không thể đột phá tại vị trí này.
Trong khi đó xuôi xuống phía Nam là vị trí do Đài Loan án ngữ. Tuy Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình nhưng người Đài Loan chưa bao giờ công nhận ý định này. Trên thực tế trong lịch sử Trung Quốc đã từng tấn công vào hai nhóm đảo Kim Môn và Mã Tổ (Đài Loan quản lý) tuy nhiên sau đó đã phải dừng lại.
Hiện nay, dù không được nhiều quốc gia công nhận là một nhà nước độc lập nhưng Đài Loan vẫn có một tiềm lực riêng biệt không thể xem thường. Bên cạnh đó Hoa Kỳ vẫn luôn “chống lưng” cho Đài Loan bằng việc cung cấp các hợp đồng vũ khí, khí tài quân sự.
Xét về mặt lịch sử, người dân Đài Loan vốn dĩ di cư từ đại lục sau năm 1949, do đó Trung Quốc hy vọng dùng chiêu bài “hòa thống” (hòa bình thống nhất) với Đài Loan theo kiểu “một nước hai chế độ” như đã làm với Hong Kong và Ma Cau. Cuối cùng nếu không được mới dùng đến “vũ thống” (đánh chiếm bằng vũ lực).
Chỉ còn có thể ở Biển Đông
Vị chuẩn đô đốc cho rằng chính vì những lẽ trên mà Trung Quốc đã chọn cách gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông – nơi có khối ASEAN với 10 nước nhưng chỉ có 5 nước (Việt Nam, Philippin, Indonesia, Malaysia, Bruney) liên quan trực tiếp tới vùng biển này.
Ông cho rằng hiện nay 5 nước liên quan đến vùng biển này đều là những nước đang phát triển với tiềm lực kinh tế và quốc phòng hạn chế, thêm vào đó sự liên kết giữa các quốc gia này còn khá lỏng lẻo, thậm chí có cả những tranh chấp về chủ quyền trên biển (dù không lớn).
Từ đó Trung Quốc đã chọn Biển Đông làm nơi “đột phá”, và mục tiêu trọng điểm trước tiên của họ tại đây là các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Để thực hiện điều này Trung Quốc đang áp dụng một tư duy bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, tôn thờ tư duy “mạnh được yếu thua”.
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “bẻ đũa”
Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm thì trước khi Trung Quốc gia tăng gây hấn, nước này đã dùng “quyền lực mềm” để ép các nước thuộc khu vực phải đi theo quỹ đạo và sự điều khiển của họ. Tuy vậy kế hoạch thất bại khiến họ phải chuyển sang chiến lược “bẻ từng chiếc đũa” để phân hóa nội bộ khối ASEAN.

Có thể thấy rõ chiến lược này khi nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm với khối ASEAN trong thời gian vừa qua. Tại Hội nghị Ngoại trưởng được tổ chức năm 2012 tại Campuchia, ASEAN đã không ra được tuyên bố chung về Biển Đông mà nguyên nhân phần lớn đến từ thái độ kiên quyết của nước chủ nhà mà kẻ hậu thuẫn không ai khác ngoài Trung Quốc.
Trong những ngày gần đây sự “ve vãn” của Trung Quốc với những nước không liên quan hoặc liên quan ít tới tranh chấp Biển Đông ngày một rõ. Cụ thể cuối tháng 6 vừa qua Thủ tướng Malaysia đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, và ngay sau đó ông Wang Chungui - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đã tranh thủ “ngọt ngào” với quốc gia này rằng “Trung Quốc và Malaysia có chung một góc nhìn về vấn đề Biển Đông”.
Cũng chỉ mới cách đây ít ngày một đoàn quân sự cấp cao của Thái Lan đã sang Trung Quốc để “tham vấn”. Trong bối cảnh các nước phương Tây đang chỉ trích Thái Lan vì cuộc đảo chính, thì động thái này cho thấy Trung Quốc đã ngay lập tức lợi dụng tình hình để tranh thủ tìm kiếm sự đồng tình.
Để đối phó với những hành động trên của Trung Quốc vị Chuẩn đô đốc cho rằng hơn lúc nào hết các nước cần phải đoàn kết chặt chẽ bởi mục đích duy của Trung Quốc không phải chỉ là Biển Đông.
“Trung Quốc đã chọn biển Đông để gây hấn vì nghĩ rằng mình có thể “làm mưa làm gió” tại đây. Tuy nhiên tôi cho rằng họ đã sai lầm, bởi Việt Nam, Philippin, Malaysia, Indonesia đều là những nước có tinh thần độc lập dân tộc rất cao và tinh thần tự cường dân tộc mạnh mẽ.

Những hành động hiện tại của Trung Quốc chỉ là đòn “diễu võ dương oai”. Chưa cần đến sự góp quân của Mỹ, Nhật, chỉ cần năm nước liên quan đến vùng biển này cố kết lại thì Trung Quốc không thể đột phá. Nội lực của các quốc gia này hoàn toàn có thể đương đầu với Trung Quốc”. – Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƠ CỦA MỘT NGƯỜI GIÀ VIỆT NAM:

ĐẤT NƯỚC TÔI .

M ệt mỏi quá DK đi nghỉ ít ngày ,viết mấy lời tạm biệt những  bạn quan tâm đến chuyện : GIẶC ĐẾN NHÀ ,ĐÀN BÀ CŨNG ĐÁNH, nhưng lãnh đạo sợ mất đoàn kết.......

      Việt nam tôi -mảnh đất dài
Mênh mông biển đảo ,sớm mai sắc hồng
      Bình minh thức giấc biển Đông
HOÀNG SA nắng đẹp ,nối vòng TRƯỜNG SA
       Nhạt dần nắng buổi chiều tà
Hoàng hôn buông xuống là là phía tây
        Trường sơn thăm thẳm trời mây
Lắng nghe tiếng gọi rừng cây ,núi đồi
       "Dàn khoan ,tầu giặc đến rồi
Chúng đang chiếm đóng biển khơi nước mình !"

        Mỗi mét biển ,một bóng hình
Những người ngã xuống vì tình nước non
        Bạch dằng tầu giạc vùi chôn
Đống đa thây giặc cao hơn Trường Thành
        Ngàn năm máu giặc hôi tanh
Còn làm vấy bẩn biển xanh nước nhà
        Kẻ thù truyền kiếp của ta
Từng là " đồng chí ",từng là ANH EM
        Nhớ lời dạy của tổ tiên;
Đuổi giặc thì phải kết liên đồng bào.
       Bỏ ngay đồng chí tào lao
Cùng dân đứng dậy nâng cao ngọn cờ ;
        Độc lập ,dân chủ ,tự do
Tam quyền phân lập, cụ HỒ đã ghi (1)
        Hỡi ai đầu óc mê si
Mau nhanh tỉnh lại ta đi đúng đường !

       (1) Theo hiến pháp VNDCCH năm 1946 .

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chịu đựng đến bao giờ?

Nguyễn Văn Tuấn 


24-06-2014

Mỗi ngày và mọi ngày đọc qua những bản tin tức về tàu của Tàu cộng đâm tàu của VN, tôi có khi không còn xúc động như những lần đầu nữa. Ngày nào cũng có những bản tin tức mà nội dung na ná giống nhau: Tàu cộng cho tàu húc vào tàu VN và gây hư hại. Thỉnh thoảng có vài chữ than vãn là Tàu cộng chúng nó “vô nhân đạo”. Chán nhất là những bài có những tựa đề cảm tính kiểu “Gần lắm Hoàng Sa ơi”, “Thân thương Trường Sa”, “Hoàng Sa ta đó”, v.v. đọc lên đã rùng mình.

Việc Tàu cộng cho tàu đâm vào tàu VN là một hành động của quân cướp biển. Chỉ có quân cướp biển mới hành xử theo kiểu lưu manh như thế trên biển, chứ nếu là chính danh quân tử thì đâu có cần dùng đến những hành động hèn hạ đó. Vậy mà người ta lại kì vọng tính nhân đạo từ quân cướp biển?! Tôi thật không hiểu nỗi.

Tất cả các bản tin đều không cho biết các tàu VN có biện pháp nào chống trả; chỉ thấy nói tàu VN né tránh, trốn chạy, hay có khi chịu trận hứng chịu đòn của kẻ thù – ngay trên vùng biển của mình.

Sáng nay đọc một tin trên TT (1) làm tôi chú ý, không phải vì nội dung, mà vì bức ảnh. Bức ảnh chụp tàu kiểm ngư của VN bị tàu của Tàu cộng húc vào làm biến dạng một phần thân tàu và phần khác thì tan tành như một đống sắt vụn! Nhưng nếu nhìn kĩ bức ảnh này chúng ta sẽ thấy tàu kiểm ngư VN bị rỉ sét rất nhiều chỗ, từ trên xuống dưới. Còn cái khung tàu thì trông có vẻ chẳng chắc chắn gì cả. Nói chung các chi tiết bức ảnh cho thấy tàu của VN có thể “cao tuổi” hay kém chất lượng. Với tàu bè chất lượng như thế nào mà ra biển thì đúng là quá nguy hiểm.

Nhiều người hỏi hải quân VN ở đâu mà không đi theo các tàu kiểm ngư của VN để quan sát. Trong khi Tàu cộng đưa tàu quân sự ra thì VN không/chưa dám. Thật ra, tôi nghĩ chắc cũng có lí do chính đáng, vì phía VN đâu có bao nhiêu tàu hải quân hiện đại. VN đưa ra một chiếc thì Tàu cộng có thể tung ra 10 chiếc một cách dễ dàng. Với sự bất tương quan lực lượng như thế, nếu có chiến tranh hay nhỏ hơn là va chạm thì phía VN chắc chắn thất bại.

Mấy năm nay chúng ta đọc tin nghe thấy VN chi nhiều tiền để hiện đại hóa hải quân và các lực lượng tuần dương. Chẳng biết bao nhiêu tiền đã chi, và bao nhiều tàu đã được mua. Tôi đoán con số tàu mua được chắc không nhiều. Mà, cũng không biết trong số tàu mua bao nhiêu là tàu mới và bao nhiêu là “second hand” đã qua dùng rồi? Nước còn nghèo thì chắc phải chịu khó dùng đổ second-hand thôi. (Viết đến đây cũng giận cho kĩ nghệ VN, đã 40 năm mà không tự mình đóng được tàu để đến khi có chuyện phải xách tiền đi mua. Cả cái nền giáo dục và khoa học chỉ thích tự khen với những cái giải viển vông mà chẳng có đóng góp gì cho kĩ nghệ).

Tàu kiểm ngư của VN thì ít và kém chất lượng, hầu như ngày nào cũng bị bao vây hay bị đâm vào. Còn hải quân thì án binh bất động. Như vậy, những người thủy thủ công tác trên con tàu kiểm ngư phải hứng chịu những đòn thù của giặc. Giống như đem con bỏ chợ. Cả tháng nay chưa thấy các vị lãnh đạo có chiến lược gì để giảm va chạm. Nhưng chẳng lẽ VN cứ chịu nhục hoài hay sao, và chịu nhục đến bao giờ?



Kiện Trung Quốc về Biển Đông : Lợi nhiều hơn hại


Trọng Nghĩa

23-06-2014

Sau khi đưa giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài khơi Biển Đông vào đầu tháng 05/2014, Trung Quốc duy trì thái độ cứng rắn. Ngoài các hành vi đe dọa Việt Nam tại vùng tranh chấp, Bắc Kinh còn cử lãnh đạo ngành ngoại giao đến Hà Nội để đòi Việt Nam không được cản trở hoạt động của giàn khoan và nhất là không được phản đối hành vi đơn phương của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Theo các chuyên gia phân tích, trong thế yếu về mặt quân sự, biện pháp tốt nhất hiện nay mà Việt Nam có thể tiến hành để ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, là kiện Bắc Kinh ra trước các định chế tài phán quốc tế, và đưa vấn đề Trung Quốc đe dọa an ninh khu vực bằng giàn khoan HD-981 ra trước Hội đồng Bảo an cũng như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trong bài phân tích « Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc và Biển Đông : Cứ thử xem ! » (China’s Information Warfare Campaign and the South China Sea : Bring It On !) trên báo The Diplomat ngày 16/06/2014, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã cho rằng cần phải lợi dụng việc Trung Quốc công bố « Tuyên cáo lập trường » về vụ giàn khoan HD-981 tại Liên Hiệp Quốc để yêu cầu Hội đồng Bảo an mở thảo luận về vấn đề này, buộc Bắc Kinh lộ rõ bản chất muốn lợi dụng của mình.

Một dân biểu Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa, thuộc đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 19/06/2014 vừa qua cũng công khai yêu cầu Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết hay tuyên bố về các hành vi « ‘vừa ăn cướp, vừa la làng’ của Trung Quốc », trong đó có việc đề nghị chính phủ Việt Nam « khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế ».

Trên đây chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải tranh thủ thời cơ tốt hiện nay để kiện Trung Quốc ra trước quốc tế về những đòi hỏi chủ quyền quá đáng kèm theo là những động thái hung bạo nhằm áp đặt yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Vấn đề đặt ra là sau khi chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng kiện Trung Quốc trong bài trả lời phỏng vấn báo chí ngoại quốc ngày 31/05/2014, chính phủ Việt Nam như vẫn án binh bất động để cân nhắc lợi hại.

Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang tranh chấp để ép buộc Việt Nam chấp nhận các yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông, vấn đề kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế trước Liên Hiệp Quốc đã trở thành cấp bách. Việt Nam phải tranh thủ thời cơ thuận lợi để xúc tiến các vụ kiện vốn có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long.

RFI : Giáo sư đánh giá sao về kết quả các cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hà Nội hôm thứ Tư 18/06/2014 ?

Ngô Vĩnh Long : Kết quả cuộc hội đàm vừa qua cho thấy rằng Trung Quốc chỉ muốn dùng cơ hội để tuyên truyền rằng Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với Việt Nam, tuy chỉ song phương thôi như lập trường Trung Quốc đã lập đi lập lại từ trước đến nay.

Ngoài ra, Trung Quốc muốn viện cớ là vì Việt Nam vẫn ngoan cố và không chịu phục tùng nên Trung Quốc phải tiếp tục dạy cho Việt Nam một vài bài học, trong đó có việc đưa thêm vài giàn khoan vào Biển Đông như đã công bố trong những ngày vừa qua.

Rõ ràng là Trung Quốc đã mưu tính việc gia tăng áp lực đối với Việt Nam và leo thang trong khu vực Biển Đông.

Sau cuộc hội đàm, các tờ báo của Trung Quốc còn cho biết là phía Trung Quốc nói rằng việc cắm giàn khoan là việc riêng của Trung Quốc và Việt Nam phải ngưng ngay các hành động quấy nhiễu trái phép. Các báo này nói thêm là Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông để những căng thẳng hiện nay không làm tổn hại đến đại cuộc giữa hai nước.

Theo tôi, đây cũng là việc chuẩn bị dư luận để nếu Việt Nam phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc thì Trung Quốc nói là Việt Nam ngoan cố và thất hứa.

RFI : Trong thế yếu về mặt quân sự hiện nay của Việt Nam so với Trung Quốc, Việt Nam phải ưu tiên đấu tranh trên các lãnh vực nào ?

Ngô Vĩnh Long : Việt Nam nên ưu tiên cho việc vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và nhân dân thế giới.

« Cần ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc »

Để được thế giới ủng hộ, thì Việt Nam trước tiên cần ủng hộ Phi Luật Tân trong việc kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo phụ lục 7 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc, tức ITLOS của UNCLOS. Đây là việc dễ làm và nhanh nhất vì Phi Luật Tân đã có nhã ý mời Việt Nam hoặc ủng hộ hoặc kiện chung.

Phi Luật Tân đã nộp hồ sơ luận cứ dài khoảng 4.000 trang, trong đó có các luận chứng phủ nhận đường 9 đoạn, hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã đơn phương dùng để khoanh vùng hơn 80% toàn bộ Biển Đông. Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực cho nên đường lưỡi bò xâm lấn Việt Nam nhiều nhất. Do đó, nếu vụ kiện của Phi Luật Tân thắng thì nước được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam.

« Giải quyết tranh chấp Trường Sa với các nước ASEAN »

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên thương lượng với Phi Luật Tân và các nước khác ở Đông Nam Á như Mã Lai và Brunei để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực Trường Sa để có thể thiết lập một liên minh trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nay đang xây cất trên một số đảo đã chiếm đóng bằng vũ lực ở Trường Sa hòng làm bàn đạp để xâm chiếm thêm và để đe doạ các nước khác. Việt Nam là một nước đang quản lý nhiều đảo nhất trong khu vực Trường Sa. Do đó việc giải quyết các vấn đề tranh chấp với Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei để củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, cũng có lợi cho Việt Nam nhiều nhất.

« Tăng cường quan hệ với Mỹ »

Ngoài ra, Phi Luật Tân là đồng minh của Mỹ và các nước kia cũng gần với Mỹ cho nên liên minh với các nước này cũng giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ.

Mỹ là nước vẫn có sức mạnh hải quân mạnh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không thể để Trung Quốc thao túng trong khu vực quan trọng nhất của Thái Bình Dương – tức là khu vực Biển Đông – vì khoảng 60% lưu thông mậu dịch hàng hải trên thế giới là qua đấy.

Điều kiện là Mỹ cần được sự ủng hộ và trợ giúp của các nước trong khu vực, trong đó sự ủng hộ và trợ giúp của Việt Nam là quan trọng nhất.

« Nên đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế »

Ngoài việc Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, chung với Phi Luật Tân hay riêng rẽ, Việt Nam nên đòi đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế (International Court of Justice – ICJ).

Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị của Việt Nam, nhưng qua đó Việt Nam có thể chứng minh cho thế giới biết được sự chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc và vận động được dư luận trong nước và trên thế giới ủng hộ sự nghiêm túc của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

RFI : Tháng 5/2004, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước quốc tế. Thế nhưng trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn còn thái độ dè dặt. Theo phân tích của Giáo sư, cái lợi và cái hại của việc kiện Trung Quốc ra trước quốc tế là như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Đúng là trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn có thái độ dè dặt, có thể vì sợ Trung Quốc gây rối trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, và xã hội của Việt Nam. Nhưng Việt Nam càng chần chừ thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới.

Trung Quốc đã và đang cố tình phân hoá và cô lập Việt Nam bằng cách tạo một hình ảnh là càng ngày Việt Nam càng tiến sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc. Như thế thì Trung Quốc có thể làm cho chính quyền Việt Nam càng ngày càng mất đi sự tin tưởng của nhân dân trong nước và mất sự ủng hộ của nước ngoài. Đến khi suy yếu và không còn có lựa chọn nữa, thì lúc đó Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam để trao đổi với các nước khác và để chia vùng ảnh hưởng như Trung Quốc đã từng làm.

« Thời điểm thuận lợi nhất để Việt Nam kiện Trung Quốc »

Theo tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ kiện Trung Quốc rồi. Thì bây giờ là thời điểm thuận lợi nhất từ trước đến nay để chính phủ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.

Trong trường hợp chính phủ Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo thì Việt Nam cũng nên khởi kiện rồi hoàn tất hồ sơ như Phi Luật Tân đã làm. Vấn đề quan trọng là trong thời điểm hiện tại Việt Nam phải cấp tốc chứng minh rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình cũng như an ninh của khu vực và của thế giới trước sự đe doạ và bành trướng của Trung Quốc.

« Cái lợi lớn nhất : Được sự ủng hộ trong nước và trên thế giới »

Cái lợi lớn nhất là qua vụ kiện Việt Nam có thể vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và của thế giới để không những ngăn chặn sức ép của Trung Quốc, mà còn có thể được các toà án quốc tế xét xử và phán quyết là việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và các đảo khác ở Trường Sa là sai trái.

Trong khoảng hơn một chục vụ kiện ra trước các toà án quốc tế về tranh chấp trên biển mà tôi đã nghiên cứu, phán quyết của các toà án đều được tuân thủ.

Nếu ra được Toà án Quốc tế việc xấu nhất có thể xảy ra là toà sẽ phán quyết chia quần đảo Hoàng Sa, phần phía bên đảo Phú Lâm cho Trung Quốc và phần phía bên Hoàng Sa cho Việt Nam. Nhưng dù như thế, Trung Quốc không thể đòi là Phú Lâm có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để biện hộ cho việc cắm giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như họ đang làm.

Nếu Trung Quốc ỷ thế nước lớn và không chịu tuân theo phán quyết của toà – mà đấy sẽ là trường hợp chưa từng xẩy ra – thì Trung Quốc sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rõ bộ mặt ngoan cố của mình và tự cô lập mình đối với cộng đồng thế giới.

« Cái hại lớn nhất : Bị Trung Quốc trả thù bằng kinh tế, nhưng … »

Cái hại lớn nhất đối với Việt Nam là Trung Quốc sẽ trả thù bằng cách phá hoại kinh tế Việt Nam như gián đoạn trao đổi hàng hóa, gián đoạn mậu dịch hay gây trì trệ cho các công trình đang đấu thầu trong nước.

Việt Nam có thể bị khó khăn trong một giai đoạn, nhưng Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại về nhiều mặt, trong đó có sự e dè của nhiều nước trong việc làm ăn với Trung Quốc. Do đó có thể các nước đó sẽ rút bớt hoạt động và đầu tư ở Trung Quốc và chuyển về Việt Nam hay các nước khác. Nhưng Việt Nam phải năng động trong vấn đề xây dựng môi trường tốt để thu hút đầu tư và mậu dịch của các nước này khi họ chuyển dịch.

RFI : Việt Nam cũng cần phải thúc đẩy việc đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ?

Ngô Vĩnh Long : Tôi đã đề nghị đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vì Trung Quốc đã gây mất an ninh cho khu vực và cho thế giới qua việc đưa tàu chiến tháp tùng giàn khoan để đe doạ, cũng như việc dùng các tàu hải giám gây tổn hại cho tàu cá và tàu tuần tra của Việt Nam.

« Đưa vụ HD-981 ra Liên Hiệp Quốc : Hiệu quả nhanh nhất »

Theo đánh giá của tôi, đây là việc làm có hiệu quả nhanh nhất trong việc vận động dư luận và sự ủng hộ của các nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức.

Nhưng trong khi Việt Nam chưa thúc đẩy việc trên thì Trung Quốc vào ngày 9 tháng 6 đã gửi « bản tuyên cáo lập trường » của họ lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon về giàn khoan Hải Dương-981 và đòi ông gởi đến tất cả các nước thành viên.

Bản tuyên cáo này khẳng định rằng hoạt động khoan dầu của giàn khoan Hải Dương-981 « là một phần trong quy trình thăm dò và khai thác giếng dầu thường xuyên bên trong vùng chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc ». Trung Quốc còn vu cáo Việt Nam cản trở « trái phép » hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 bằng cách điều động tàu có vũ trang và cho tàu đâm vào tàu Trung Quốc cả hơn nghìn lần.

Tuy Trung Quốc có hành động ngang ngược và vu khống như trên, tôi nghĩ đây là dịp tốt để Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận một cách triệt để vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, và việc đơn phương đưa ra đường lưỡi bò để lấn chiếm hơn 80% khu vực Biển Đông và đe doạ an ninh của khu vực và thế giới.

« Trung Quốc há miệng mắc quai nhưng Việt Nam phải vận động »

Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam thúc đẩy vấn đề này, Trung Quốc không thể ngăn chặn được vì Trung Quốc là người đã đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc và ông Ban Ki Moon đã công bố rằng ông sẵn sàng giúp hòa giải – tất nhiên là đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nhưng để làm được việc này, ông Ban Ki Moon phải có sự ủng hộ của một số nước lớn trên thế giới, cho nên Việt Nam phải vận động… và vận động ! Chứ không thể ngồi chờ.

Và tôi thấy rằng gần đây Mỹ cũng đã có thay đổi trong chính sách của họ. Ví dụ như gần đây, ông Daniel Russel, Trợ lỹ Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng theo ông và Bộ Ngoại giao Mỹ, Hoàng Sa đúng là khu vực có tranh chấp.

Trước đây, Mỹ nói là Mỹ không can thiệp vào chủ quyền Hoàng Sa, những bây giờ Mỹ thấy rằng việc Trung Quốc dùng Hoàng Sa để bào chữa cho việc cắm giàn khoan HD-981 và tiếp tục đưa giàn khoan vào thì đúng là có sự liên hệ giữa tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với an ninh của khu vực và của thế giới.

Thì lúc này là dịp rất tốt cho Việt Nam để vận động thế giới, vận động Mỹ giải quyết cùng một lúc vấn đề đe dọa của Trung Quốc và vấn đề Hoàng Sa.

RFI xin thành thật cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Muộn còn hơn không - Có thể đây là cái khó của VN gần đây khi khởi kiện:

TPO - Với việc ký kết Hiệp định nước chủ nhà với Tòa trọng tài thường trực (PCA), Việt Nam chính thức công nhận tổ chức này có tư cách pháp lý cần thiết để tiến hành các hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua trọng tài tại Việt Nam.
Quang cảnh lễ ký. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)Quang cảnh lễ ký. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hôm nay, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn thay mặt chính phủ Việt Nam ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa trọng tài thường trực (PCA) với Ngài Hugo Hans Siblesz, Tổng thư ký Tòa trọng tài thường trực.
Từ nay, Việt Nam chính thức công nhận PCA có tư cách pháp lý cần thiết để tiến hành các hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua trọng tài, trung gian, hòa giải và ủy ban điều tra, cung cấp các hỗ trợ thích hợp khác liên quan đến hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế do PCA tiến hành tại Việt Nam, cũng như tiến hành các hoạt động hợp tác với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động này của PCA tại Việt Nam, Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao cho biết.
Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ của PCA trong việc đào tạo cán bộ pháp lý. PCA sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam các thông tin chung hoặc tư vấn về các vấn đề thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế do PCA điều hành.
Sau lễ ký, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Ngài Tổng thư ký Tòa trọng tài thường trực. Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài. Phó Thủ tướng cũng hy vọng rằng việc ký kết Hiệp định nước chủ nhà và thư trao đổi về hợp tác giữa VN và PCA sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Bên và bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của PCA trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ pháp lý VN để phục vụ đất nước trong quá trình hội nhập.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐƠN GIẢN :

Ảnh của ヅ ヅ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông ni là nhà thơ mà còn Lo bò trắng răng:


CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ TRÊN VTV1 TỐI NAY VỪA HOAN HỈ ĐƯA TIN "CHIẾN CÔNG" CỦA CẢNH SÁT TQ BẮT GẦN 400 NGƯỜI "KHỦNG BỐ" Ở TÂN CƯƠNG. BÁO TUỔI TRẺ THÌ ĐƯA TIN VỀ BIỂN ĐÔNG THẾ NÀY, MÌNH CHỢT NGHĨ, NẾU TQ CHIẾM XONG BIỂN ĐÔNG THÌ HỌ CÓ TÍNH ĐẾN VIỆC CHIẾM CẢ DẢI ĐẤT HÌNH CHỮ S NÀY KHÔNG NHỈ? VÀ NẾU HỌ CHIẾM LUÔN CẢ ĐẤT VIỆT, THÌ SAU ĐẤY DÂN VIỆT NỔI LÊN CHỐNG ĐỐI, CHẮC CẢNH SÁT , QUÂN ĐỘI TQ SẼ ĐEM QUÂN TRUY SÁT, BẮT BỚ HÀNG TRĂM, HÀNG NGÀN NGÀN NGƯỜI "DÂN TỘC THIỂU SỐ MAN VIỆT" VÀ ĐEM RA SỬ, ĐEM RA PHÁP TRƯỜNG...THÌ VTV1,(NẾU CÒN TỒN TẠI) SẼ ĐƯA TIN THẾ NÀO NHỈ?... ÔI, CÁI GIẢ THIẾT KHÔNG PHẢI KHÔNG THỂ XẨY RA ĐÂU...

Phần nhận xét hiển thị trên trang