Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Giấc mơ tỉnh thức

Nguyễn Đình Chính

 ( truyện ngắn )



Đã hơn chục năm nay, mỗi lần hắn vác cái mặt đến là tôi vừa mừng lại vừa lo. 

Mừng vì gặp lại thằng bạn cũ đã nhiều năm sống chết bên nhau. Lo vì lần nào hắn cũng đòi vay tiền. Lúc tôi có tiền thì không sao, nhưng khi mà túi tôi rỗng thì hắn ngồi thần mặt ra, uống trà, chép chép miệng nhìn tôi khinh khỉnh, nửa tin nửa ngờ, rồi thủng thẳng đi ra cửa cũng chả thèm vứt lại một lời chào.


Đời tôi chịu ơn hai nguời cứu mạng. Nguời thứ nhất là Bắc đen, tiểu đội trưởng  ở mặt trận Trị Thiên Huế năm 1968. Nguời thứ hai chính là hắn. 

Bắc đen cứu tôi trong một trận đánh. Nói gọn, tôi bị thương nặng, không nhờ anh Bắc lôi ra khỏi cái hàng rào dây thép gai kéo lê hơn 100 mét rồi đẩy tôi xuống hào thì, tôi không chết vì đạn lạc cũng chết vì mất máu. 

Người thứ hai chính là hắn. Hắn cứu mạng tôi trong một truờng hợp rất kỳ quặc. Năm 1972, trong một chuyến đi lấy gạo ở trong rừng sâu gần Bù Gia Mập. Lớ vớ thế nào trên đường về, tôi bị một con rắn Hổ mang chúa đớp vào đít. Chỉ mấy phút sau, tôi chóang váng, ngã lăn ra đất, mặt tím ngắt, mồm sùi bọt mép rồi ngất đi. . Nọc rắn hổ mang chúa có thể giết chết cả voi. Vậy mà tôi không chết .Khi hoàn hồn tỉnh dậy thì lại thấy đến lượt hắn nằm quay ra cạnh tôi, co quắp, mặt cũng tím ngắt, mồm sùi đầy bọt mép. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi lôi hắn xuống bờ suối gần đấy rồi múc nước dội lên nguời hắn. Hồi lâu hắn tỉnh dậy. Câu đầu tiên hắn văng vào mặt tôi 

- E mé mày. Thối thế. 

  Nếu ai đi rừng bị rắn độc cắn không có thuốc men gì thì chỉ còn mỗi cách là ghé miệng vào vết rắn cắn mà hút máu ra. Sau lần đi lấy gạo đó, anh em trong tiểu đội gọi hắn là thằng “Bỉm Hổ mang”. Lâu ngày, cái tên Bỉm xấu xí đó mất đi, anh em chỉ quen gọi hắn là “ Hổ mang”. 

  Chuyện chỉ có vậy. 

  Chỉ trong có hơn một tuần trước và sau chiến dịch tổng tấn công tết Mậu thân 1968 mà, tiểu đội 9 của tôi là tiểu đội hỏa lực tăng cường rất mạnh có tới mười tám  anh em đã  “bay” mất chín thằng. Sau cái tết khốc liệt ấy, tiểu đoàn rút ra tới bờ Bắc sông Bên Hải thì tan tác mỗi thằng mỗi đơn vị. Mấy năm liền sau đó trận mạc liên miên cứ lần lượt theo nhau rơi rụng dần. Thằng bỏ xác ở bên Căm Phu Chía. Thàng chết ở Nam Lào Đường 9. Tính đến hè năm 1975 được giải ngũ trở về nhà, một dịp gặp lại nhau ở trạm 66, điểm mặt thì chỉ còn 5 mống. Thàng nào cũng mặt mũi  võ vàng, môi thâm xì như con đỉa, ốm đau, thương tật. Khốn nạn nhất là cả 5 thàng đều đã ngoài ba mươi cái lá vàng rơi rồi mà chảng nghề nghỗng gì cả. Các cụ ngày xưa nói trai ba mươi tuổi thì đã phải lập nghiệp xong rồi. Vậy mà ... Đeo cái ba lô hành trang cuộc đời như vậy, rời quân ngũ lăn vào đời sống dân sự để kiếm ăn khốn nạn còn hơn kẻ đi buôn chỉ có hai bàn tay trắng không một xu vốn dính túi. 

Tháng năm chảy cuồn cuồn như dòng nước lũ. Sang mấy năm đầu thế kỉ 21 này, giad khú cả rồi năm anh em mới lục tục bày ra cái trò tìm kiếm, liên lạc với nhau. Trong cái chuyện này thàng Hổ Mang hăng hái nhất. Một buổi trưa hè nóng như đổ lửa , tôi cởi trần đang ngồi hút thuốc lào vặt ở hiên nhà thì thàng hổ Mang đột ngột hiện ra trước mặt y như vừa đội đất chui lên. Tôi kêu ố một tiếng. Còn nó thì trợn mắt cười khà khà rồi quát :

-  Tiên sư thằng lại cái. Ông tóm được mày rồi.

Chiều hôm đó tôi lôi thằng Hổ Mang lên Nhật Tân làm một chầu đuôi chó , chân chó. Khoái khẩu ngày xửa ngày xưa của nó tôi vẫn nhớ. Tôi hỏi làm sao tìm được  tao thì nó nhún vai :

-  Đao mèo.  Cũng lâu rồi . Đêm mồng bốn tết năm ngoái, tao ngồi ở ga Yên Bái đón hàng, tình cờ vớ được tờ báo gì đó xanh xanh đỏ đỏ  đăng bài thơ tả cảnh nhí nhố véo von bên dưới có cả ảnh, cả tên của mày. Vì vậy mới hay mày vẫn còn sống mà lại trở thành nhà thơ mới bỏ mẹ chứ. Giỏi.

Tôi lắc đầu . Hổ mang cười hô hố:

- Vẫn biết thời buổi chó đánh ghi ta, gà ca vọng cổ này thàng đếch nào mà chẳng làm thơ được. Ê hê, ở cái xóm Đụi vắng vẻ như bãi tha ma của tao mà cũng tòi ra một cái câu lạc bộ thơ con cóc của mấy cụ già móm mém gàn dở  

Rồi Hổ mang thật thà :

- Vậy mà, khốn nạn tao lại tịt ngóm dốt đặc cán mai cán thuổng cái khoản thơ ca hò vè đó.
- Mày chưa thèm động bút thôi.

Tôi nói vậy rồi hỏi nó sao đến tận bây giờ mới tìm tôi thì Hổ Mang lắc đầu.

- Đếch có việc gì mà tìm này cả. Chả là tháng trước mày còn nhớ tiểu đội trưởng Bắc đen không. Thằng Bắc quê Nam Hà ấy. Không hiểu sao nó bỗng mò lên nhà tao. Hai thằng tán phét suốt một đêm rồi nó lệnh cho tao phải tìm lại bằng được mày và thàng Bình vẩu vì nó cũng tìm ra thằng Đang ghẻ rồi . Tiên sư cậu Bắc. Phó thường dân cả như nhau mà cứ ra lệnh ra lọt, oai như con cóc cụ.

    Sau khi tìm lại địa chỉ của nhau,  nhưng cũng chỉ lăng nhăng như vậy thôi. Chưa lần nào tập trung đủ mặt 5 anh em. Nhiều lý do lắm. Nhưng lý do chính vì bây giờ mỗi thằng mỗi cảnh, lại ở quá xa nhau. Bắc đen là ông chủ cửa hàng bán đồ gỗ khá lớn ở một tỉnh ven biển đồng bằng Bắc bộ. Đang ghẻ là trạm trưởng trạm kiểm lâm trong một cánh rừng nguyên sinh có rất nhiều gỗ Trắc sát biên giới Việt Lào thuộc một tỉnh nghèo nhất ở miền Trung gió Lào cát trắng. Bình Vâu chạy manh mối cho một công ty địa ốc mãi tận cuối đồng bằng sông Cửu Long.Trong năm anh em, ba thàng kia còn đang bị đồng tiền nó lôi đi xềnh xệch bận tối ngày chưa ngẩng mặt lên được .Tôi nghỉ một cục từ lâu rồi, lại độc thân. Thàng Bỉm thì gia cảnh nhà nó như vậy. Hai thàng tuy ở hai tỉnh nhưng cách nhau cũng không xa lắm, vì thế thỉnh thoảng cũng hay đi lại.
    
 Trong số anh em cùng tiểu đoàn giải ngũ về, thằng Hổ mang là long đong hơn cả. Hắn bị nhiễm chất độc dioxin, lấy vợ, đẻ ra 2 đứa con đều quái thai dị dạng. Đứa con trai đầu lòng đẻ ra lành lặn đủ chân, đủ tay, nhưng không có lỗ đít. Nuôi được hơn tháng thì chết . Đứa con thứ hai là gái, tôi đặt tên cho cháu là Ngọc Bích. Năm nay cháu Bích đã 13 tuổi rồi, đầu to như cái rổ, mắt mũi méo mó, chân tay mềm oặt, lòng thòng như mấy cái vòi bạch tuộc,  suốt ngày lê lết trên giường.  Vợ hắn mắt một mí, xếch ngược, rất ít nói, khi nói thì ngọng nghịu, lơ lớ, không rõ là người dân tộc gì. Hổ mang chưa bao giờ hé răng kể về vợ, cho nên tôi cũng chẳng hỏi. Gia cảnh nhà hắn éo le, xúi xẻo như vậy. Hắn cũng xoay xở làm đủ mọi nghề, mọi việc, nhưng không hiểu sao vẫn không ngóc đầu lên được. 

Cuộc đời thật lỳ lạ.

**
- Tao đang cần một khoản tiền. 

Sáng nay Hổ mang xồng xộc mò tận vào nhà tôi. Vừa đặt đít xuống ghế, chẳng trà chẳng thuốc,hắn trợn mắt nói luôn. 

- Mày có tiền không ?

- Cần bao nhiêu ?

- Mười triệu. 

- Tao chỉ có sáu triệu thôi. 

- Sáu triệu cũng được. Tao vay đúng một năm sau sẽ trả đủ. 

Tôi đưa cho hắn sáu triệu. Thấy mặt tôi thần ra, hắn nhếch mép cười.

- Yên tâm đi. Lần này tao không quịt đâu. Đúng một năm nữa tao sẽ trả mày. Cả lãi nữa đấy. Lãi hai mươi phân.

Tôi chỉ cười nhạt. Mấy lần trước đến vay tiền tôi. Khi ra khỏi cửa, hắn đều nói đúng một câu như thế. 

Hai tháng sau, một ngày nắng đẹp, Hổ mang nhào lên nhà tôi. Vừa bước vào cửa, hắn đã khoác tay, oang oang:

- Mặc quần áo vào. Đi .

- Cà phê à ?

- Phê phéo đếch gì. Cứ theo tao. 

Hổ mang đèo tôi một mạch về nhà hắn ở một cái xóm nhỏ giữa đồi núi Trung du cách Hà Nội hơn sáu chục cây số. Tôi cũng đã lên nhà hắn mấy lần. Cái xóm miền Trung du này tên rất kỳ quặc : Xóm Đụi. Cả xóm có độ hơn chục gia đình, nhà cửa lụp xụp, nhà này cách nhà kia cả trăm mét. Đứng ở bên nhà này gào vỡ cổ họng may ra  nhà bên kia mới nghe thấy. Xóm lúc nào cũng vắng ngăn ngắt. chỉ có hơn chục gia đình, mà cũng đủ cả loại người. Mường, Mán,Thổ, Kinh... Dân ở đây không làm ruộng, chỉ trồng ngô, trồng sắn, và vào rừng hái thuốc, đẵn trộm gỗ, kiếm củi mang về chợ huyện cách đó hơn chục cây số để bán. 

Nhà thằng Hổ mang ở dưới một cây gạo rất to. Quanh năm hoa gạo bay tơi bời. Lạ thế. Trước nhà là bãi rộng trồng sắn quanh năm. Lần này tôi lên thì  bãi sắn đã biến mất. Tôi phải đứng một lúc cho khỏi ngạc nhiên bởi cái bãi rộng tới hơn sào đó đã được lưới thép B40 quây kín . Giữa  bãi loằng ngoằng chằng  chịt trồi lên những hầm hố, hang hốc nom như sa bàn cho một trận công đồn.  Hổ mang dẫn tôi đi vào giữa bãi, chỉ trỏ loạn xạ

Tôi nói 
:- Mày bày cái trò gì thế này ?

-  Đoán xem

-  chịu.

Hổ mang nhếch mép :
- Tao sẽ nuôi rắn Hổ mang. Cái trò này đang trúng lắm. Có lẽ lần này tao sẽ lên đời mày ạ

Trưa hôm , Hổ mang và tôi ngồi uống rượu men lá trộn đất đèn. Đồ nhắm là một đĩa tú hụ lưỡi lợn luộc. Luỡi lợn rất ngon nhưng rượu đắng ngắt. Nhà trống trơn. Hơn năm nay, nhờ tôi viết đơn, chạy manh mối cửa trước cửa sau, nên cháu Ngọc Bích đã được nhận vào một trại SOS ở miền Trung do một tổ chức từ thiện Đan Mạch tài trợ. Mẹ cháu đã theo vào ở trong trại để phụ thêm chăm nuôi, thuốc men cho cháu. 

Rượu vào lời ra, Hổ mang lè nhè:
  -  Tao vừa nằm mơ hóa thành con rắn Hổ mang chúa mà mấy chục năm trước tao chặt đầu nó ở Bù gia Mập. Quái đản lắm.

-   Kể  nghe cho vui.

- Đêm qua, sau khi sang tán phét, chửi bới lung tung ở nhà lão hàng xóm Cần râu quặp về. Không ngủ được. Ngồi hóng gió ở hiên. Buồn quá, tao ra vườn hái một bông cỏ về hút.  Mới chơi được vài hơi đã thấy phê phê. Tao nằm vật ra nền nhà, và thấy thân mình chầm chậm tan ra như đám bụi màu đỏ. Hồn tao từ từ thoát khỏi xác và bay lên. Rồi cứ thế bay lơ lửng, lơ lửng.  Mày chưa chơi cỏ bao giờ nên không thể biết được cái cảm giác bay. Kỳ quăc. Quái dị. Lạ lùng. Khó nói nên lời cho mày hiểu. Tao bay trong cánh rừng Bù Gia Mập những năm nảo năm nào. Tao nhận ra thác nước cũ xưa tao với mày đã từng ngồi uống rượu sắn đổi lương khô ở mấy cái bản Vân Kiều. Rồi bỗng nhiên tao nhìn thấy con Hổ mang chúa mà tao đã chặt đầu nó để cứu mày. Con hổ mang chúa bành cổ ra trừng trừng nhìn lại tao. Nó thôi miên tao chứ không phải nhìn. .Rồi tao chìm vào trong một giấc mộng nữa, một giấc mộng trong giấc mộng. Trong giấc mộng đó, hồn tao nhập vào con hổ mang chúa đang cuộn mình dưới gốc cây Trám già nồng nặc hôi thối tanh tưởi. 

 Rừng đại ngàn âm u hoang dã thức giấc sau một đêm chìm lăn trong giấc ngủ mê mệt hoảng loạn tối đen gầm thét.

Nắng từ trời cao tuôn chảy vỡ òa trên thảm lá cây xanh biếc như ngọc 

Thác nước gầm vang tung bọt trắng lóa trên vách đá dựng đứng

   Tao là hổ mang chúa. Hổ mang chúa là tao. Ha ha…Tao vặn mình phun phì phì rồi từ từ trườn ra khỏi hốc cây Trám già ẩm ướt, nồng nặc hôi thối, khăm khẳm, tanh tưởi đến lộn mửa . Một thứ mùi đếch thể nào chịu nổi ….

   Lãnh địa của Hổ mang chúa tao là khoảnh đất rừng chằng chịt vô vàn những bụi gai rậm rạp . hàng trăm câyTrám cổ thụ tưng bừng vươn lrr\ên tung cành lá canh cái thác nước đêm ngày gầm thét hò reo. Trong cánh rừng già bạt ngàn đầy chết chóc quen thuộc này tao là chúa tể. Tao không ưa nhìn lên trời cao. Tao không ưa nhìn những vòm cây xanh biếc. Tao vô cảm với những trận mưa lá vàng rơi lả tả. Ngày cũng như đêm đối với tao không phân biệt. Tao không ngán bất cứ một con thú nào sống trong cánh rừng này. Tao trơ trọi trống rỗng không có cảm giác đồng loại. Một con vật nào động đậy trước mặt tao đều là một bữa đại tiệc trời đất ban cho tao. 

Mặt trời lên cao, bụng đói cồn cào, tao bắt đầu trườn đi để tìm mồi. Bò tới một bãi đất lổn nhổn mùn lá, tao dừng lại, từ từ ngóc đầu lên, phóng đôi mắt về phía trước. Một con chuột xanh lét đang bò dần vào lãnh địa của tao. Tao cuộn mình, từ từ ngóc đầu lên cao, mang bành ra, mắt không rời gã chuột. Hình như linh cảm mách bảo cho biết nguy hiểm đang rình mò, gã rắn chuột co mình lại, lơ láo nhìn quanh. Bất chợt cặp mắt gã bị hút vào cặp mắt của tao. Như bị thôi miên, gã chuột tê cứng cả thân mình, đờ ra. Gã muốn trườn đi nhưng không tài nào đi nổi. Hổ mang chúa tao trườn tới, đôi mắt sáng quắc, phóng ra tia nhìn rất dữ dội, ghìm chặt gã chuột xuống đất, và chỉ trong chớp mắt tao quăng mình lao tới. Hấp ! Đầu gã chuột  đã lọt thỏm trong mồm đỏ lòm rớt rãi của tao. Và cứ thế, cứ thế vừa nuốt dần gã chuột xấu số, tao vừa vặn mình bẻ gãy từng đốt, từng đốt sống lưng của gã chuột. 

  Mặt trời vẫn tuôn nắng xuống. Đất rừng ẩm ướt bốc hơi ngùn ngụt nồng nặc, khăn khẳn . Muôn ngàn loài côn trùng rên rỉ. Hổ mang chúa tao phơi mình trên một tảng đá, lim dim mắt. Tao vô cảm với cảnh vật xung quanh, vô cảm với ánh nắng, vô cảm với tiếng gầm thét thác nước đang đổ xuống. Tao từ từ chìm vào giấc ngủ ngày.

Trong giấc ngủ tối đen trống rỗng, tao không hề biết một tai họa trời giáng đang đến gần. Một lão cáo đuôi xù đói khát đã mò vào lãnh địa của tao. Tai họa trời đầy ập đến. Dù đang ngủ say nhưng linh tính bén nhậy của loài rắn đã mách bảo.  Hổ mang chúa tao mở bừng mắt. Một tiếng sét nổ ngang đầu. Lão Cáo đuôi xù lao tới. Tuy vậy tao vẫn còn kịp quăng mạnh tấm thân dài loằng ngoằng lên một cành Trám rất cao nhanh như khi tao đớp gã chuột. Chỉ chậm một chớp mắt là đầu tao đã nằm lọt thỏm trong cái miện đỏ lòm rớt giãi lởm chởm răng nhọn hoắt của một lão cáo đuôi xù. Vồ trượt con mồi , lão Cáo đuôi xù lồng lộn rít lên chạy quanh gốc Trám cổ thụ . Cuộn chặt thân vào cành Trám trên cao, Hổ mang chúa tao phun phì phì, trợn mắt nhìn xuống như thách đố lão Cáo. Đang lồng lộn gào rít, bỗng nhiên lão Cáo đuôi xù ngồi thu mình lại, vểnh ria, cúp đuôi, vươn cổ nhìn về phía một bụi Mây cách không xa . Lão đang rình một con mồi nào vậy. Tao trườn lên một cành Trám cao hơn rồi nhìn về phía bụi Mây. Thì ra ở đó có mấy chú chuột con đỏ hon hỏn đang cắn đuôi nhau chui lên khỏi hang. Chuột mẹ đi vắng. Chắc là đi kiếm mồi chưa kịp về. Lũ chuột con này đói bụng bò lên hóng mẹ về.  Thật là dại quá. Lũ chuột con không hề biết chúng sắp là một bữa đại tiệc cho lão Cáo đuôi xù.

Trời ơi lúc đó tao bỗng chợt nghĩ có lẽ tao vừa giết chết  mẹ của lũ chuột con này. Khốn nank quá. Lúc đó không hiểu sao nhìn nhìn lũ chuột con nghơ nagos dại khờ, tao lại nổi máu yêng hùng của loài rắn. Tao cuộn thân mình lại lấy đà, đợi đúng lúc lão Cáo đuôi xù nhẩy chồm tới bụi Mây thì, Hổ mang chúa tao cũng văng xuống quật một nhát đuôi chí tử vào đầu lão. Đó là miếng đánh dữ dội nhất của loài Hổ mang chúa. Trúng đòn, đó lão Cáo đuôi xù rú lên lăn lông lốc. Tuy vậy, khi nhận ra tao thì lão cáo đuôi xù chồm dậy , lao ngay tới . Không chạy kịp nữa, tao đành ngóc đầu lên rồi mổ một cú thật mạnh vào đầu lão cáo. Trượt. Trong cánh rừng già bạt ngàn này chỉ có duy nhất loài Cáo đuôi xù là khắc tinh của dòng họ rắn Hổ mang. Vì vậy, khi gập bọn Cáo đuôi xù là chúng tao chuồn ngay. Lần này phải đánh nhau đối đầu với lão Cáo cũng vì tao không còn đường chạy nữa. Quần nhau một lúc thì lão Cáo vồ được cổ tao. . Xương cổ gẫy tao gẫy rắc. Tao choáng váng cỗ rẫy ra nhưng không kịp nữa. Một tiếng sét nổ. Đầu tao lìa khỏi cổ. Đầu lâu tao văng vào một tảng đá ngay cạnh cái hang mẹ con nhà chuột  Trước khi trời đất tối xầm, tao còn kịp trợn mắt nhìn thấy chú chuột con đỏ hỏn cuối cùng cũng vừa kịp chui tụt xuống hang.

-  Kì quặc nhỉ ?
Tôi trầm trồ  vậy, nhưng thầm nghĩ chắc là nó  nói phét

-  Đeo mèo. Hình như kiếp trước tao là rắn mày ạ. 

Tôi lẳng lặng nhìn thằng bạn cũ. Bên ngoài nhà, gió buổi trưa cuộn rào rào nghi hoặc. Có tiếng chó sủa ở đâu đó. Nắng tháng mười uể oải rớt xuống ngoài thềm đất. Một con chồn đuôi xù lao vút qua cửa. Thằng Hổ mang không trợn mắt nhìn tôi nữa, mã gã trợn mắt nhìn cái vỏ chai rượu lăn lóc trên manh chiếu rách. Tôi không thể hiểu trong đầu hắn lúc này đang nghĩ gì. Có thực là hắn mơ gặp lại con rắn hổ mang chúa đã bị hắn chặt đứt đầu trong cánh rừng Bù Gia Mập năm xưa. Và bây giờ, sau mấy chục năm mọi chuyện tưởng đã bị chôn vùi vào quên lãng thì bỗng nhiên đêm qua,  đến lượt hắn bị chặt đầu trong giấc mơ quái dị đó. Hắn đang ngồi trước mặt tôi, trợn mắt nhìn vỏ chai rượu. Hắn đang nghĩ gì. Nghĩ về giấc mơ của hắn. Hay là đang nghĩ tới thằng con trai đầu lòng đẻ ra không có lỗ đít, sống được có hơn tháng rồi chết. Hay là hắn đang nghĩ tới đứa con gái mà tôi đặt tên là Ngọc Bích, đầu to như cải rổ, mặt mũi méo mó, chân tay mềm oặt, loằng ngoằng như vòi bạch tuộc, đang nằm trong một cái trại S.O.S mãi tận khu Bốn. Hay là hắn đang nghĩ tới người vợ mắt xếch ngược, suốt ngày chỉ luẩn quẩn ngoài vườn, rất ít nói. Mỗi khi nói lại ngọng líu lịu. 

  Tôi ngồi im, chống đôi đũa tre lem luốc xuống chiếu. Cuộc đời thật kỳ lạ. Có những lúc đầu óc ta tai tái, ong ong cố hiểu một điều gì đó mà chẳng thể hiểu được, cố nghĩ tới một cái gì đó mà chẳng thể nghĩ được, cố tin một điều gì đó mà chẳng thể tin được.

Cuộc đời thật kỳ lạ  ?.
*

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHẬT TUẤN



“ NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT” 



KỲ 1



Còn nhớ mãi hồi năm 2003 , từ trên giường bệnh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát biểu với báo giới một câu nghe rất “có lý” :

“Thời đại nào cũng cần sự thật. Nhà văn càng cần phải nói lên sự thật. “. 

Nhưng “trăm năm ông Phủ…Ngọc Tường ơi”, sự thật đó là sự thật nào ? Sự thật của đời sống trong dạng nguyên sơ hay sự thật ghi nhận qua đôi mắt “cán bộ” của nhà văn và được xào xáo qua “bút Trường Sơn viết mực Cửu Long” một thời vốn là văn phòng phẩm quốc doanh không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn viết nên chữ nghĩa ?

Về chuyện này, kịch tác gia Shakespeare đã phải thốt lên qua miệng một nhân vật :

” Sự thực luôn luôn giống như một con chó bị đuổi ra khỏi nhà ?” .

Bằng vào tập ký “Rất nhiều ánh lửa”, “trình diện” sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau đó được Giải thưởng Hội nhà văn VN, bằng vào hàng loạt những ký sự đăng trang nhất báo Văn Nghệ…thử hỏi đã có bao nhiêu “con chó” bị đuổi ra khỏi căn nhà của ông Phủ Ngọc Tường ? 

Người Việt Nam ta có biệt tài “nói ngoa”, “ nói phóng “– chẳng hạn về người con gái, các cụ ta “tả” : “lỗ mũi thì…tám gánh lông”, còn “chỗ kín” thì…”rũ một cái ra cả rổ c…”. Phát huy truyền thống cha ông, các nhà văn ta cũng chẳng chịu kém “một tấc đến trời” . 

Còn nhớ thời Nhân văn Giai phẩm, nhà thơ Phùng Quán viết một câu nghe rất “hình sự” :

“ Yêu cứ bảo là yêu, ghét bảo là ghét

Dù ai cầm doạ doạ giết …

Cũng không nói ghét thành yêu…”

(Lời mẹ dặn)



Thề thốt vậy, những tưởng trong ‘căn nhà” của Phùng Quán sẽ nuôi toàn những con chó ngao thôi, ngờ đâu “Vượt Côn đảo”,” Tuổi thơ dữ dội”….lại cũng vẫn là một thứ văn chương “phải đạo” cả.

Vậy còn các cụ “tiên chỉ” chễm chệ trên chiếu làng văn thì sao ? Đi thực tế thâm nhập cải cách ruộng đất, chẳng hiểu “ba cùng” với cán bộ hay với nông dân, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết “ Truyện anh Lục”, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết “ Mẹ con đồng chí Chanh”, Nguyễn Tuân viết “Làng hoa” …. đọc lại cứ thấy như các cụ lấy “sự thật” từ… phim “ Bạch Mao nữ” , trong đó nông dân đều là các cô gái bị đàn áp, ức hiếp đến trắng cả tóc, còn địa chủ đều là tên Hoàng Chí Nhân khét tiếng độc ác chứ chẳng phải cái “sự thật” tàn khốc, nghiệt ngã của một thời cải cách ruộng đất tại các làng Vũ Đại. Oi chao ôi, nếu hồi đó, mỗi cụ chỉ đón một “con chó nho nhỏ, xinh xinh” vào căn nhà của mình thôi , thì biết đâu, bao nhiêu người đã khỏi bị chết oan, bao nhiêu gia đình đã tránh được ly tán ? 

Sang thời “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”, các nhà văn ta viết lách lại càng hăng hái lắm. “Xuống” nông thôn thì có Nguyễn thị Ngọc Tú với “Đất làng”, Đào Vũ với “Vụ lúa chiếm”. “Cái sân gạch”, Nguyễn Khải với “ Mùa lạc”, “Hãy đi xa hơn nữa” , Nguyễn Kiên với “Anh Keng”…vân vân và vân vân…Tiếc thay, việc “thẩm định giá trị văn học” lại rơi vào tay mấy anh phê bình gia “tát nước theo mưa” cỡ như Vương Trí Nhàn, Phan Cự Đệ, Vũ Đức Phúc….chứ không tuốt luốt những “ tác phẩm viết về “đề tài nông thôn” hồi đó cứ giao hết cho cụ…Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú, người đi đầu trong việc xoá bỏ “bình công chấm điểm”, đề xướng “khoán sản phẩm, trả ruộng cho dân” thì các nhà văn ta sớm tỉnh ngộ ra nhiều lắm lắm. 

Ở thành phố, văn học ta cũng sôi nổi chẳng kém gì . Lê Phương với “Tổ đá nhỏ ca A”,”Con chim đầu đàn”, Huy Phương với “ Khói trắng”…rồi thì vô số khác viết về than Quảng Ninh, thép Thái Nguyên, ximăng Hải Phòng…mà “sự thật” được “nói lên” trong đó chính là …”nguyên tắc quản lý xí nghiệp” với tinh thần cốt lõi của thời đại là “ Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, công đoàn động viên, thanh niên nòng cốt” thông qua các phong trào thi đua “năng suất tăng, giá thành hạ, tiết kiệm nhiều”… 

Ngày nay đọc lại những “thành tựu văn học này” , ta thật sự lấy làm tiếc rằng giá như hồi đó, Hội nhà văn thay vì đưa “các cây bút trẻ” đi học “trường viết văn Nguyễn Du “thì nên cho “bổ túc” tại “Hội phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật” chắc chắn viết lách sẽ khá hơn nhiều. 

May mắn cho các nhà văn viết về đề tài chống Mỹ cứu nước, khỏi cần đi thực tế gặp gỡ công nhân với kỹ sư, khỏi cần biết “cờ lanh ke” là cái quỷ gì mà ở nhà máy xi măng người ta cần đến thế hoặc giả “phốt phát” là cái chi chi mà lại lấy đặt tên cho Nhà máy Lâm Thao ? 

Cứ ngồi ở phố Đấu Xảo, rung đùi uống rượu tây , cụ Nguyễn Tuân cũng viết được “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, cứ “con một bên, vợ một bên” ở bãi Phúc Xá như Nguyễn Khải cũng viết được “ Họ sống và chiến đấu ở Cồn Cỏ”, “Đường trong mây”, cứ hết hội lại đến họp ở “đất thánh” Hà Nội, Nguyễn Đình Thi cũng viết được “Mặt trận trên cao”…mà “sự thật” chẳng ở đâu xa, cứ sáng sáng vừa uống trà tàu vừa tìm trên … báo “Nhân Dân” là…thấy khối “sự thật”. 

Bởi thế nhìn lại một giai đoạn cầm bút, nhà văn Nguyễn Khải đã có lần vỗ bụng thở dài :” Tung toé mẹ nó hết rồi…”. Oi thôi, giá như mấy anh thợ thổi bên Viện Văn Học, báo Văn Nghệ như Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo…nghe được câu than này thì “cảm hứng phê bình” chắc sẽ bớt đi nhiều lắm.

Hành trình đi tìm “sự thật’ và “nói lên sự thật” của các nhà văn “vượt Trường Sơn đi cứu nước” quả có gian nan, vất vả hơn nhiều lắm. Ngoại trừ một vài anh như ông nguyên Bí thư chi bộ báo Văn Nghệ Xuân Vũ, mới qua một trận “trèo rừng, lội suối” đã la lối “Xương trắng Trường Sơn”, bỏ của chạy lấy người, còn đa số các nhà văn đều “đường đi đã đến” . Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Khâm (Nguyễn Thi)…người thì tạt ngang sang Khu 5 Trung bộ, người vào trung ương cục ở Nam bộ… và hầu hết đều toả đi sống và sáng tác tại các “an toàn khu”, ngày ngày học chính trị, trồng rau, nuôi gà và chờ đón … “tin chiến thắng” ở khắp các chiến trường bay về để…múa bút. 

May mắn nhất là ông Anh Đức, chỉ dự Đại hội mừng công ở mãi trên rú, cách “Hòn Đất” cả trăm cây số, qua vài buổi hỏi han về gương hy sinh của chị Lê thị Ràng, đã bắt tay vào viết ngay được cuốn tiểu thuyết “Hòn Đất” lẫy lừng cả nước. Mặc dù sau này khi hoà bình, vào tận nơi để nhìn “sự thật”, ông nhà văn té ngửa khi thấy cái hang Hòn mà ông cho cả tiểu đội du kích vào “trốn Mỹ” ở trong đó chỉ to ngang cái …hốc đá, con suối Lươn thơ mộng chẳng qua cũng chỉ là cái lạch nước, ông vẫn cứ tự hào về đứa con tinh thần của mình đã nói lên được “sự thật “ ở chiến trường. Cái “sự thật “ đó là “người đằng nguỵ” như Thiếu tá Sành thì ác thiệt ác, “người đằng mình” như chị Sứ thì anh hùng thiệt là anh hùng. Cái căn bệnh “giản lược hoá” con người và cái sứ mạng “phục vụ chính trị” đã làm nhà văn ta đuổi cổ biết cao “con chó của sự thật” ra khỏi tác phẩm của mình. 

Rồi thì “ Người mẹ cầm súng “ của Nguyễn Thi, “Quán rượu người câm” của Nguyễn Quang Sáng, vài chương mở đầu “Ở xã Trung Nghĩa” của Nguyễn Thi …Rồi thì Lê Anh Xuân, Phan Tứ, Nguyễn văn Bổng, Hoài Vũ, Hoàng văn Bổn…Có ông bà nào dám “buông một tiếng thở dài” trước thảm cảnh máu chảy, đầu rơi , xương chất đống ? Không, không có một ai cả. Vậy thì làm sao mở được đôi cánh cửa tâm hồn mà “đón nhận” và “nói lên” sự thật ở chiến trường ? 

Nói như ông Lênin “cách mạng là ngày hội của quần chúng”, chiến tranh chống Mỹ là cách mạng, là ngày hội, vậy cớ sao buồn ? Bởi thế cái ‘cảm hứng chủ đạo” xuyên suốt các trang viết là “ Oi Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng ?” ( Xuân Sách), “Đánh Mỹ là niềm vui bất tận” (Chế Lan Viên) “ Mùa xuân này ta hát khắp Trường Sơn”….đã đẩy xa “sự thật” ra khỏi các trang viết chẳng khác nào những con chó bị đánh đuổi ra khỏi nhà.

(còn tiếp)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

“TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI” CỦA TRUNG QUỐC

Tô Văn Trường


Đọc Tam Quốc Chí, trong lịch sử trận đồ bát quái do Khổng Minh sáng tạo ra chỉ có hai người có thể phá nổi. Người thứ nhất là Hoàng Thừa Ngạn (Bố vợ Khổng Minh ) và người thứ hai là Khương Duy ( Học trò và là người kế tục sự nghiệp của Khổng Minh ). Tướng Ngô là Lục Tốn nếu không có Hoàng Thừa Ngạn chỉ đường chắc chắn sẽ chết tại trận đồ Bát Quái này của Khổng Minh.

Từ lâu, các thế hệ cầm quyền bành trướng Trung Hoa đã bày trận Bát quái này với người “đồng chí” Việt Nam. Ai sẽ là người Việt Nam có đủ tài năng, trí tuệ và bản lãnh phá trận này đây?

Người ta, thường vẫn hay dùng hình ảnh của tảng băng nổi trên mặt biển để nói về phần NỔI (ý là phần lộ diện : nhỏ) và phần CHÌM (ý là phần tiềm tàng : lớn) –đó là theo lý thông thường, nhưng ở ta thì cái tảng băng (cũng hình chóp) đó lại … lộn ngược lềnh bềnh nên rất khó đảo lại nhưng lại rất dễ tan, mau tan chảy! Cái hệ thống “lộn tùng phèo” này có vô số thứ để bàn theo kiểu … “hội đồng chuột” (bàn cách treo chuông vào cổ mèo) nếu chưa đảo ngược lại được!

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng nhau điểm lại việc Trung Quốc dã tâm tấn công một cách có hệ thống như trận đồ bát quái “tám hướng ” vào nước ta .

Hướng thứ nhất

Sáu tỉnh biên giới phía bắc của nước ta bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt “gặm nhấm”. Ngày nay, các địa danh Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc vv…chỉ còn là hoài niệm trong sách giáo khoa và những câu ca dao của dân Việt. Chúng ta phải mất 6 năm điều đình, nhún nhường, phân định để xây được hơn 1500 cọc mốc bê tông biên giới Việt Trung cao 10-15 m, sâu trung bình 20 m nhưng vẫn chưa phải là bình yên vì Trung Nam Hải thường đổ lỗi cho dân tại chỗ nếu có “quậy phá” chỉ vì họ cho rằng mồ mả của người dân Trung Quốc vẫn còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam!?

Hướng thứ hai

Dùng các thủ đoạn mua chuộc các quan chức, lợi dụng “kẽ hở” của chủ trương đầu tư để thuê dài hạn đến 50 năm các khu vực trọng yếu về kinh tế và quốc phòng từ rừng núi, đến vùng ven biển của đất nước. Hậu họa đã nhãn tiền chẳng cần phải chờ đến 50 năm sau để con cháu lên án cha ông chết vì tham và ngu dại!

Hướng thứ ba

Phía Tây- Nam, ‘phiên dậu” của nước ta ở Campuchia và Lào nhiều vùng đất rộng lớn đã được Trung Quốc đầu tư, mua bán. Trước đây, các du học sinh người Lào còn thích sang Việt Nam học tập nhưng ngày nay địa điểm đến của họ là Trung Quốc vì học bổng cao gấp hơn 30 lần so với Việt Nam, lại còn được cho về phép vv…Sau tầng lớp cán bộ trung kiên gắn bó với Việt Nam già yếu, mất đi dễ hiểu “đòn xoay trục” của Tầu như thế nào với tầng lớp kế cận ở các nước phía Tây Nam của nước ta.

Hướng thứ tư

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu nhiều tác động bởi thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và hoang mạc hóa (gần 100% là liên quan đến nước). Hằng năm, nước ta chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, làm thiệt hại về người và của vô cùng to lớn. Đặc biệt trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 20 năm gần đây (1994 – 2013) ở nước ta,thiên tai (chỉ tính riêng bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét) đã làm chết và mất tích gần 13.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm (đó là chưa nói đến thiệt hại kinh tế, môi trường do ngập úng thường xuyên ở các thành phố).

Hai nguồn nước chính tác động đến Việt Nam cả trong mùa lũ và mùa kiệt là hệ thống sông Hồng và sông Mekong đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Quản lý nước là phải quản lý lưu vực sông nhưng Trung Quốc xây dựng tràn lan các đập thủy điện ở thượng nguồn bất chấp đến các hậu qủa phải hứng chịu của Việt Nam ở hạ lưu. Tệ hơn, họ còn không cho ta biết quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện phía thượng lưu, đây là nguy cơ không nhỏ về “chiến tranh nguồn nước” trong tương lai.

Hướng thứ năm

Hàng hóa từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam qua các con đường từ nhập khẩu, tiểu ngạch đến buôn lậu. Chất lượng các sản phẩm qua những hàng hóa đã kiểm nghiệm hầu hết đều vượt mức báo động cho phép, gây tổn hại sức khỏe của nhân dân ta. Thương lái Trung Quốc đi khắp nơi thu mua các sản phẩm không giống ai như lá điều khô, đỉa, móng trâu, hoa thanh Long, lá khoai non, thảo quả, cây culi, cây long khỉ vv…giá cao bất thường rồi đồng loạt rút bỏ gây điêu đứng cho bà con nông dân thiếu thông tin, nhẹ dạ , gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.

Phần lớn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kể cả năng lượng, giao thông đều rơi vào tay Trung Quốc do bỏ giá thầu rẻ, và giỏi “đi đêm”, nhưng lúc thực thi lại đưa công nghệ lạc hậu, thi công kéo dài, dùng đủ phép để đội giá đầu tư so với hồ sơ lúc đầu đã được duyệt để lại hậu quả “tiền mất – tật mang” cho Việt Nam.

Hướng thứ sáu

Xâm chiếm Hoàng sa của Việt Nam, tự vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. Sự kiện giàn khoan HD 981 càng lột tả bộ mặt thật về thủ đoạn trắng trợn, dã tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Kế hoạch tiếp tục đưa thêm các giàn khoan khác đến Biển Đông chứng tỏ Việt Nam không còn đường lùi, phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Nhà nước Việt Nam cần làm ngay bây giờ là gửi một công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc. Danh chính thì ngôn thuận, nên nhớ rằng năm 1979 khi ta có sách trắng thì năm 1980 Trung Quốc cũng ra sách trắng gồm tất cả lập luận về công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng rồi. Tiếp đó, ta đã đáp trả bằng sách trắng 1982, 1988. Bây giờ đây, có gì đâu mà sợ. Nếu ai ngăn cản, thì chắc chắn không chỉ vì thiển cận, lú lẫn mà còn là ăn “phải bả” của Tàu!

Hướng thứ bảy

Vịnh Hạ Long đã có đường ranh giới Việt – Trung từ thời người Pháp ông Mac Mohon ký kết với nhà Mãn Thanh. Nhưng thực tế, Trung Quốc cũng tìm cách lấn lướt sang ta đến khoảng 50 km2 và thường xuyên gây khó cho hoạt động của ngư dân Việt Nam vì họ đông người lại có tầu to.

Hướng thứ tám

Đất nước muốn phát triển cần có những người lãnh đạo có phẩm hạnh, trí tuệ và tài năng. Từ lâu, Trung Quốc đã can thiệp vào công tác nhân sự của ta. Thủ đoạn truyền thống của Trung Quốc là “cấy mối thân tình”, mua chuộc bằng mọi cách kể cả hù dọa người yếu bóng vía, tạo nên ân tình từ cấp trung ương đến địa phương. Đối với nhân dân ta không thể mua chuộc được thì họ tuyên truyền thất thiệt gây chia rẽ giữa lãnh đạo Nhà nước và nhân dân. Ngày nay, có thể nói “tai mắt” của Trung Quốc len lỏi khắp nơi, tác động khôn lường đến cả chính trị và kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ngẫm suy

Kể từ nhà Hán chiếm nước Âu Lạc thì bản chất xấu của Đại Hán chẳng những không thay đổi mà còn tăng lên tính tham lam, độc ác và nham hiểm. Kể cả khi là “đồng chí” độ thâm, ác và sự mê hoặc của nó càng tàn độc hơn, lan tỏa cả Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác. Nó hoàn toàn đối lập với Đại Việt ta mà nay là Việt Nam, từ chỗ Tổ tiên ta lấy giống nòi (Dân tộc) làm bất biến nên không bị đồng hóa; lấy độc lập tự chủ làm lẽ sống để khôi phục giang sơn sau hơn 1.100 năm là quận, huyện của Hán, Đường; biết lấy lòng dân làm sức mạnh vô địch; biết tin dân mà cảnh giác kẻ thù; biết vì dân mà dẹp tư thù và lòng tham ích kỷ cá nhân, dòng họ (Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn) …nhưng rồi vì “đồng chí” mà Việt Nam ta ngày càng tệ hại dưới con mắt của Tàu.

Không minh bạch sòng phẳng với dân

Trong bối cảnh mù mờ, Nhà nước chỉ cho cán bộ và nhân dân biết một phần về những việc làm với tư cách đại diện cho cả một dân tộc, đây là một sự bất công đã kéo dài từ nhiều năm nay. Thủ tướng Phạm văn Đồng đã viết những gì cho ông Chu Ân Lai về biển đảo, lãnh hải của Việt Nam năm 1958, một điều mà chỉ những ai chú ý tìm hiểu lắm mới biết! Hội nghị Thành Đô năm 1990 có những nội dung gì, ngoài những điều mà báo chí đã đưa? Nội dung của việc trao khu khai thác bauxite cho Trung Quốc ở Tây Nguyên là gì, trong bao nhiêu năm, nội dung của việc cho thuê rừng phòng hộ ở biên giới Việt-Trung là thế nào? Rất nhiều người Việt Nam không được biết rõ, và khi đọc từng đoạn trong tin tức từ báo chí “lề trái”, người ta không còn biết tin vào đâu nữa!

Tại sao trước kia công an giải tán các đoàn biểu tình chống Trung Quốc bành trướng tại các biển đảo của Việt Nam, bắt, giết ngư dân, thậm chí còn theo dõi, bắt người Việt Nam vô tội chỉ vì đã có những biểu cảm của lòng yêu nước, và gần đây lúc lại nới lỏng, lúc thắt chặt? Vậy thì phải đợi Trung Quốc hung dữ hơn thì dân ta mới được phép phản đối chăng? Tại sao nhiều vị ,, Việt Nam hầu như không nói gì trước những sự việc trọng đại như Trung Quốc hạ dàn khoan trái phép HD 981, hay những vụ lộn xộn ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Thái Bình, Cần Thơ vv…?

Vĩ Thanh

Trong “trận đồ bát quái” của Trung Quốc thì hướng thứ tám, can thiệp vào nhân sự mới là hướng chính, quan trọng nhất đánh ta của Trung Quốc để giành thắng lợi cuối cùng.

Đến lúc này, mà người ta vẫn còn gọi nhau là đồng chí. Thực chất chỉ còn là đồng chí “bán phần”, hay là “bán phần đồng chí” như văn phạm Tàu vì chỉ có nửa phần “vận mệnh tương quan” trong 16 chữ vàng là đồng. (......................)

Phương ngôn có câu: “Im hơi, lặng tiếng là một đức hay. Nếu danh dự bắt buộc phải lên tiếng mà lặng im thì là một sự hèn nhát “. (La Cordaire). :”Ta căm ghét thái độ dửng dưng chỉ cần thêm một bước là dẫn tới phản bội và một bước nữa đã là tội ác trước lương tâm” (I.V. Bodarev).

Viết đến đây, tôi nhớ lại câu chuyện một lần Byron, thi hào Anh sau khi đứng làm mẫu cho người bạn là nhà điêu khắc Torvansen tạc tượng chân dung của mình, bỗng nhiên ông kêu lên : “không, bạn không tạc hình tôi mà là hình hài của một anh chàng yên ổn nào đó! Tôi hoàn toàn không giống bức tượng này !”. Torvansen hỏi lại : “thế, có gì là xấu nếu ta sung sướng ?”.

Khuôn mặt Byron vụt tái đi vì tức giận và ông la lớn : “Torvansen! hạnh phúc và sự yên ổn cũng khác nhau như đá hoa cương và đất sét vậy. Chỉ có những kẻ ngu và những người tâm hồn thấp kém mới tìm kiếm sự yên ổn trong thế kỷ chúng ta . Chẳng nhẽ trên mặt tôi không có nét nào nói lên sự cay đắng, lòng can đảm và nỗi đau khổ của suy tư ?”…

Ngày nay, dù cho kẻ bán nước nào có “thẻ xanh” nhưng dân nước Việt không bao giờ quên lời dạy của Tiền nhân – Vua Lê Thánh Tông (1473) :

”Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện nhà nọ, nước kia:



..
Một anh đi làm về thấy hàng xóm bắt quả tang ông sếp lẻn vào hiếp dâm vợ anh ta. Để giữ hòa khí, anh ta không làm ầm ĩ mà yêu cầu hàng xóm … trật tự lại như vốn đã trật tự bao năm nay rồi. 
Hôm sau, khi có đại hội công đoàn cơ quan, anh em bảo anh ta nên đưa vấn đề ra cuộc họp thì anh ta lẩn tránh và lúc giải lao ngoài hành lang , người ta bắt gặp anh ta đang giảng giải về luật hôn nhân gia đình, về trách nhiệm phải bảo vệ hạnh phúc cá nhân, bảo vệ tring tiết cho vợ chồng v.v……
Cái khó của anh ta là vấp phải sếp nên nhiều người tỏ ra thông cảm, thà anh cứ im đi hoặc nói ra quyết liệt, bất quá xin nghỉ việc,… chứ chỗ nói không nói, chỗ đ… cần nói thì nói, lúc cần nói không nói, lúc đ… cần nói thì lại bô bô ,…. Cô vợ vì thế cũng chán, nghe nói muốn li dị anh ta và chờ đợi người đàn ông đích thực của mình !

------------------- 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƠ BẮC GIANG VỚI CÂY VẢI QUÊ MÌNH



CÂY CÓ TỘI GÌ ĐÂU
Em ơi !
Vải rẻ khôn lường
Đường chợ búa chở về đâu cho xuể
Công vun xới đành thả sông nuôi bể
Đất với người héo ruột vì cây
Em có hay giời vẫn ở trên mây
Vườn thượng uyển mùa này đang háo nước
Thôi em ạ đừng mong, đừng ước
Thần tiên xa...không cứu rỗi mình đâu
Cây vải thiều giờ đến lượt lo âu
Em đừng chặt đất ở trần sao được
Không bóng lá đất cỗi cằn gầy guộc
Cánh chim khuya không có chốn bay về
Dẫu ở đời thua thiệt chỉ nhà quê
Kề vai gánh bốn mùa qua sương gió
Không có tiền làm gì cũng khó
Không có tiền nói thật chẳng ai tin
Thôi đừng buồn như thế ơi em
Bùn đất sẽ cười ta không bằng cỏ
Không bằng trái vải thiều nghìn năm còn biết đỏ
Đắt - rẻ tại người
Cây có tội gì đâu !

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Hướng về biển Đông":

Dã tâm ăn cướp dưới chiêu bài hữu nghị của Trung Quốc

1.000 người Việt các thế hệ ngày 16/5 đã tham gia cuộc biểu tình hòa bình tại quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris, Pháp(Tham vọng bá quyền) – Đối đầu với Trung Quốc về quân sự Việt Nam không và chưa bao giờ ngán, nhưng trên mặt trận kinh tế, nếu mất cảnh giác là rất nguy hiểm.
Mỹ tấn công Iraq, Afghanistan… rồi gần đây Pháp, Ý tấn công Libya không phải là để chiếm đất đai, mở rộng lãnh thổ mà cái họ cần đạt được là dựng lên một chính phủ mới “thân” họ, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu chiến lược kinh tế, quân sự của họ hiện tại và tương lai.
Đối với những quốc gia có năng lực quốc phòng mạnh thì dùng đòn kinh tế để làm tan rã quốc gia, thực hiện các “cuộc cách mạng màu” như thời gian gần đây tỏ ra vô cùng hiệu quả.
“Diễn biến hòa bình” Made in China!
Sau 1975 thực tế rõ ràng là có rất nhiều lực lượng thù địch hoạt động chống phá Việt Nam và chúng ta gọi đó là “Chiến lược diễn biến hòa bình”.
Với sự đổi mới tư duy, đa phương hóa trong các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam đã từng bước hòa nhập vào thế giới. Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới khiến áp lực “diễn biến hòa bình” giảm hẳn, nhưng có một sức ép, khác-sức ép này nằm trong chiến lược thôn tính Việt Nam vô cùng thâm hiểm mà nhà cầm quyền Bắc Kinh từ xưa đến nay đã triển khai thực hiện từng giờ, từng phút không bao giờ ngơi nghỉ.
Nếu như “chiến lược diễn biến hòa bình” dễ nhận ra bởi mục đích chống phá, phá hoại Việt Nam, dựng nên một chính phủ khác để chi phối, lũng đoạn thì chiến lược thôn tính Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc thâm và hiểm ở chỗ nó thực hiện dưới chiêu bài anh em đồng chí, hữu nghị… có mục tiêu chính trị “giống nhau”.
Cài thế chiến lược thôn tính Việt Nam
Một điều khẳng định được ngay là nếu Trung Quốc không đạt được mục tiêu chi phối Việt Nam là có chuyện ngay. Tùy theo tình hình mạnh yếu khác nhau, họ luôn gây căng thẳng, đe dọa và tiến hành chiến tranh. Xuyên suốt lịch sử Việt Nam và Trung Quốc bao đời nay là vậy.
Gần đây nhất là năm 1979, Khơ me đỏ dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc dùng hàng chục sư đoàn quân hiếu chiến tấn công Việt Nam ở biên giới Tây Nam. Thế 2 gọng kìm phía Nam và Tây áp sát Việt Nam là nước cờ rất hiểm, cho nên, từ thời Đặng Tiểu Bình cho đến nay, giới cầm quyền Trung Quốc bám riết lấy để chơi nước cờ này mà không bao giờ từ bỏ.
1.000 người Việt các thế hệ ngày 16/5 đã tham gia cuộc biểu tình hòa bình tại quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris, Pháp1.000 người Việt các thế hệ ngày 16/5 đã tham gia cuộc biểu tình hòa bình tại quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris, Pháp
Sau 1979, các nhà đầu tư Trung Quốc đã sang thuê đất “trồng rừng” ở nhiều nơi như biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại Nghệ An, họ thuê đất gần với đường 7, đường 8 sang Lào. Tại Quảng Nam họ thuê gần khu vực có đường thuận tiện lên Tây Nguyên và sang Campuchia… Lưu ý là những khu vực mà họ thuê thì người Việt không được bén mảng vào đó.
Người Trung Quốc cũng thuê nuôi cá bè tại Nha Trang gần cảng Cam Ranh.
Vị trí Tây Nguyên, nơi mà các nhà quân sự cho rằng ai chiếm được nó là làm chủ toàn Đông Dương hay Vũng Áng-Hà Tĩnh, điểm cắt ngắn nhất sang đảo Hải Nam cũng đã có người Trung Quốc làm các dự án kinh tế.
Trên thực tế, đối đầu với Trung Quốc về quân sự thì Việt Nam không và chưa bao giờ ngán. Nhưng làm ăn kinh tế với Trung Quốc như trong thời gian qua, ngẫm lại thấy lo. Nếu Việt Nam cảnh giác với Trung Quốc như đã từng cảnh giác với phương Tây trong chiến lược diễn biến hòa bình thì không hề gì, đằng này Trung Quốc lợi dụng tình hữu nghị anh em để che đây dã tâm thôn tính của họ.
Tính đến năm 2011 đã có tới 90% các công trình khai khoáng, luyện kim, dầu khí, hóa chất đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét về điện đã có nhiều dự án tỷ đô la rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD; điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD; điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD.
Vấn đề cần đặt ra là: Tại sao và Trung Quốc muốn gì?.
Trước hết phải hiểu vì sao các doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu, vì họ bỏ giá rẻ. Bỏ giá rẻ là lỗ, chẳng có doanh nghiệp nào điên khùng như thế, nhưng các doanh nghiệp của Trung Quốc thì không. Miễn sao trúng thầu, trúng thầu rồi, sau một thời gian thì họ báo đội giá (vậy thì đấu thầu có ý nghĩa gì?) rồi làm đến đâu là quyền của họ, họ luôn luôn lạm dùng tình hữu nghị Trung-Việt!
Thứ nhất là hầu như các dự án đó có tiến độ rất ì ạch, khi hoàn thành thì vận hành gặp rất nhiều trục trặc, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Trung Quốc.
Thứ hai là họ không thuê lao động là người Việt Nam mà họ đem người Trung Quốc sang làm.Nguyên ngoại trưởng Mỹ, bà H.Clinton chẳng đã từng vạch mặt gọi Trung Quốc là thực dân ở châu Phi đó sao!.
Trung Quốc đã, đang, tạo nên một sức ép rất lớn lên Việt Nam. Và, có thể nói, Việt Nam phải đối phó với rất nhiều mũi nhọn mà Trung Quốc chĩa vào chứ không phải chỉ riêng ở Biển Đông.
 Rung chấn từ giàn khoan Hải Dương 981
Nếu như sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản thay đổi Hiến pháp hòa bình thì sự hung hăng, ngang ngược, bất chấp của Trung Quốc gần đây nhất trong vụ hạ đặt giàn khoan trái pháp trong thềm lục địa Việt Nam đã  như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Việt Nam không còn một chút lòng tin nào vào Trung Quốc mà thay vào đó là sự cảnh giác, cảnh giác đến cao độ.
Thủ tướng Việt Nam tuyên bố: “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng bằng thứ hữu nghị viễn vông hay hòa bình lệ thuộc nào đó”.
Đây là một tuyên bố có ý nghĩa đánh dấu lịch sử quan trọng, tuyên bố dứt khoát thoát ra khỏi lệ thuộc Trung Quốc, một láng giềng đầy dã tâm.
Khó khăn về kinh tế sẽ đến với chúng ta, thậm chí chiến tranh có thể xảy ra, nhưng muốn tự do, muốn độc lập dân tộc, muốn có sự thay đổi, phát triển thì phải dứt khoát thay đổi tư duy. Khi đã xác định rõ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” thì sẵn sàng chấp nhận mọi giá để có được và giữ được độc lập, tự do.
  • Lê Ngọc Thống
Nguồn: baodatviet.vn
Vkyno (st)

Phần nhận xét hiển thị trên trang