Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Trung Quốc âm mưu gì khi xây đảo nhân tạo ở Trường Sa?


(Tham vọng bá quyền) – Trung Quốc đang âm mưu thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và giành thế chủ động kiểm soát bất hợp pháp toàn bộ vùng biển này qua việc xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Hình ảnh do Bộ Ngoại giao Philippines cung cấp về tiến độ xây dựng, cải tạo trái phép ở bãi đá Gạc Ma từ ngày 13/3/2012 đến 11/3/2014
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang nóng lên từng ngày, do vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, việc các tàu Trung Quốc miệt mài chở sắt, thép, cát, xi măng ra vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lại càng làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Ngay từ giữa tháng 5/2014, ngư dân Philippines đánh bắt cá trong vùng đã báo động về việc Trung Quốc vận chuyển cát, gỗ, xi măng và thép đến bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) giống như là để xây nhà trên đảo. Thị trưởng đảo Kalayaan của Philippines, ông Eugenio Nito-onon, ngày 28/5 cũng đã nhận xét là việc xây dựng được tiến hành rất lớn và ồ ạt.
Theo ông Bitano, những nỗ lực của Trung Quốc gọi nhớ đến phong cách cải tạo đất của Dubai. Và chẳng mấy chốc, hiện trạng ở vùng biển quần đảo Trường Sa sẽ thay đổi với sự xuất hiện của những hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc “dày công” xây dựng, với chi phí ước tính lên tới 5 tỷ USD, theo tính toán của trang web Qianzhan.com.
Mô típ quen thuộc mà Bắc Kinh luôn áp dụng trong quá trình xâm lấn ở Biển Đông đầu tiên là lấy cớ xây dựng nơi trú ẩn tạm thời cho ngư dân ở khu vực tranh chấp. Sau đó, biến chúng thành các cấu trúc bê tông và nơi đồn trú của quân đội như những gì Trung Quốc từng làm ở bãi đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trung Quốc cũng có thể phát triển các hòn đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự để kiểm soát trái phép Biển Đông.
Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines – ông Roilo Golez, Trung Quốc có đủ khả năng xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần bãi đá Chữ Thập hoàn chỉnh, với một căn cứ quân sự trên diện tích 5km2. Việc xây dựng này sẽ thay đổi “cục diện cuộc chơi”, không chỉ với Philippines mà còn với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đẩy sự ổn định của các nước Đông Nam Á rơi vào tình thế nguy hiểm.
“Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả bến tàu để họ có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục. Ngoài ra, bạn có thể thấy đường băng có chiều dài hơn 1,6 km. Điều này thực sự nguy hiểm vì đây có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (có phạm vi hoạt động hơn 3.200 km). Bãi đá Gạc Ma là chấm tròn ở giữa, vòng tròn xung quanh bán kính khoảng hơn 1.600 km. Phạm vi này bao gồm toàn bộ Philippines, và thực tế là toàn bộ Việt Nam, một phần lãnh thổ Malaysia, một phần của Borneo. Do vậy tất cả căn cứ của chúng ta đều bị đe dọa”, ông Golez cảnh báo.
Vị chuyên gia quan hệ quốc tế của Philippines thậm chí còn nhấn mạnh: “Trong thời gian 2-3 năm, đảo nhân tạo này sẽ là một hàng không mẫu hạm ảo không thể đánh chìm”.
Theo ông Golez, động thái của Trung Quốc có thể được xem như một cách để củng cố quyền lực của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Golez khẳng định. Trung Quốc muốn thay đổi thế cân bằng quyền lực tại Đông Nam Á qua kế hoạch xây dựng các công trình phi pháp này.
“Trung Quốc muốn củng cố quyền lực trên Biển Đông và biến nơi đây thành ao nhà. Họ thực sự muốn khẳng định tuyên bố chủ quyền trong đường lưỡi bò tự vẽ ra. Họ muốn thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương vì nước Mỹ cho đến giờ vẫn đang giữ vị trí thống trị. Trung Quốc đã bắt đầu thách thức vị trí này”, ông Golez nhận định.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg trích lời Giáo sư Richard Javad Heydarian, thuộc Đại học Anteneo de Manila (Philippines) nhận định rằng, Trung Quốc muốn “tạo sự đã rồi” bằng cách khai hoang, cải tạo các đảo, bãi đá và chiếm đóng trái phép các vùng biển tranh chấp cùng những phần đảo, bãi đá tại đó.
Xây các đảo nhân tạo mà trên đó sẽ có đường băng quân sự cũng có thể là tiền đề để Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, giống như họ đã tuyên bố thiết lập trên vùng biển Hoa Đông. Trung Quốc có thể sẽ sử dụng phi cơ bay trên khu vực này để yểm trợ cho các hạm đội bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa.
Nhưng bất luận thế nào, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự là trái với tinh thần bản Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông 2002 (DOC), ở điểm quy định các bên tranh chấp không được biến các đảo không người ở thành nơi có người ở.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Danny Russel hôm 10/6 cũng tuyên bố những thông tin về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông là “đi quá xa so với việc duy trì nguyên trạng”. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định rằng mọi hành động cưỡng ép và đe dọa dùng vũ lực đều “không thể chấp nhận được”.
Linh Phương
Nguồn: petrotimes.vn
Vkyno (st)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuỗi ngọc trong Ấn Độ Dương

Gwadar nằm ở góc phía Đông của Pakistan. Một thành phố cảng có 50.000 dân, bị cát bao bọc. Một nơi chốn khô cằn nhiều hơn. Thế nhưng người ta nên ghi nhớ tên của thành phố trong sa mạc này. Nó có thể nổi tiếng giống những nơi là sân khấu của lịch sử thế giới như Carthago, Samarkand hay Angkor Wat.

Thế nào đi nữa thì nhà báo và chuyên gia quân sự Mỹ Robert Kaplan cũng tiên đoán như vậy. Ông đã ở Gwadar, điều không đơn giản và còn là nguy hiểm nữa. Ông nhìn thấy người ta xây một cảng biển nước sâu khổng lồ ở đó. Ông nhìn thấy nhiều khu công nghiệp, một cảng hàng không và nhiều tuyến đường tàu hỏa hình thành sau những hàng rào kẽm gai.
Cảng Gwadar do người Trung Quốc điều hành
Cảng Gwadar do người Trung Quốc điều hành
“Gwadar sẽ trở thành một trung tâm sống động của một Con đường Tơ Lụa mới”, Kapplan viết trong quyển sách Monsoon của ông. Và ai ngồi ở ngay trung tâm của thời đại? Người Trung Quốc. Ngay từ năm 2000, tổng thống Pakistan thời đó Pervez Musharraf đã mời người Trung Quốc xây một cảng biển nước sâu ở Gwadar. Trung Quốc rất thích nhận lời và đã cho 200 triệu dollar để xây mở rộng cảng.
Sau đó, người ta cho PSA International, một doanh nghiệp Singapore, thuê cảng này trong vòng 40 năm. Nhưng hiện nay thì người ta cho rằng chính phủ Pakistan đã mời một doanh nghiệp Trung Quốc (China Overseas Post Holdings) thay PSA làm người điều hành cho cảng của Gwadar.
Gwadar là một khởi điểm quan trọng cho người Trung Quốc. Từ đây họ đào đất xây một tuyến đường sắt và đường bộ đi về hướng Bắc Pakistan. Đích đến là Karakorum Highway, nối liền Pakistan và Trung Quốc.
Nếu người Trung Quốc thành công với kết nối xuyên qua sa mạc và núi đồi này, đòi hỏi hết sức cao về công nghệ, thì đó là một thành công chiến lược rất lớn cho Trung Quốc.  Một phần của dầu nhập khẩu từ Cận Đông không cần phải đi trên con đường xa xôi qua Đông Nam Á và qua Eo biển Malakka nguy hiểm nữa, mà có thể đi đường bộ trực tiếp qua Gwadar về Trung Quốc.
Như thế, Gwadar có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Nó nằm ở lối ra của Eo biển Hormuz, cái cổ chai mà nhiều con tàu chở dầu phải đi qua đó. Và Gwadar là một trong số những cảng quan trọng nhất ở Ấn Độ Dương, đại dương sẽ trở thành một trong những sân khấu chính của chính trị thế giới trong những thập niên tới đây.
Ấn Độ Dương là biển có giao thông nhiều nhất thế giới. Tàu chở dầu từ Cận Đông đi qua đại dương này cũng như tàu chở container từ châu Âu, châu Á và ngày càng nhiều hơn từ châu Phi đang bùng nổ kinh tế. Không phải bỗng dưng mà chính ở trên biển này, hải tặc lại trải qua thời kỳ phục hưng không lấy gì làm vẻ vang cho lắm của nó. Vì vậy, để bảo vệ các đội tàu thương mại, ngày càng có nhiều tàu chiến từ châu Mỹ, châu Á và châu Âu đi lại ở Ấn Độ Dương. “Ấn Độ Dương sẽ trở thành một sân khấu chính của xung đột và cạnh tranh”, Kaplan nói.
Tất nhiên là người Mỹ có mặt khắp nơi cũng tham gia ở đây. Cứ điểm quan trọng nhất của họ là hòn đảo Diego Garcia giữa Ấn Độ Dương. Nó thuộc người Anh, nhưng họ đã cho người Mỹ thuê, và những người này sử dụng hòn đảo như là cứ điểm quân sự chính.
Thế nhưng hai đối thủ quan trọng nhất thì lại sẽ là hai cường quốc châu Á Trung Quốc và Ấn Độ. Người Ấn xem Ấn Độ Dương – nomen est omen [tên là dấu chỉ] – là mare nostrum [biển của chúng tôi] và tương ứng với đó xem người Trung Quốc như là những người xâm nhập vào.
Trung Quốc đã khéo léo tạo vị trí cho mình ở vùng này trong những năm vừa qua. Họ đã nắm lấy hết cảng này tới cảng khác. Từ Gwadar ở phía Đông qua Hambantota (Sri Lanka), Chittagong (Bangladesh) cho tới Coco Islands và đảo Ramree thuộc Myanmar. Người Trung Quốc chi trả để xây mới Hambantota trên Sri Lanka (Trung Quốc hiện nay là nhà chi tiền lớn nhất của hòn đảo), cũng như xây mở rộng cảng Chittagong tại Bangladesh.
Các tiền đồn của Trung Quốc
Các tiền đồn của Trung Quốc
Vì những cảng này nằm nối nhau giống như một chuỗi ngọc nên hoạt động của Trung Quốc cũng còn được gọi là “Chiến lược Chuỗi Ngọc”. Người Ấn có một từ xấu hơn cho việc đó: bao vây. Gurmeet Kanwal, cựu giám đốc của Centre for Land Warfare Studies (CLAWS) in Delhi, nói như vậy: “Trung Quốc tiến hành một chính sách ma quỷ, với mục đích bao vây Ấn Độ.”
Vì không chỉ là những cảng châu Á láng giềng này, nơi những người Trung Quốc đang hoạt động, mà cả những cảng châu Phi quan trọng ở Ấn Độ Dương nữa. Có là Lamu ở Kenia, Daressalam ở Tansania hay Beira ở Mozambique đi nữa – người Trung Quốc đã có ở đó rồi.
Nhưng cả trên những hòn đảo du lịch ở Ấn Độ Dương – Maledives và Seychelles cũng như Mauritius – cũng đã có người Trung Quốc rồi. Trên Maledives, Trung Quốc mở một sứ quán, nước duy nhất bên cạnh các quốc gia Nam Á Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh. Ngô Bang Quốc, người thứ ba trong nhà nước của Trung Quốc, thăm thù đô Male ba ngày.
Ấn Độ có thể bực tức về sự bao vây của Trung Quốc trong mare nostrum của họ, nhưng cũng phải chịu đựng lời cáo buộc rằng đã quan tâm quá ít tới các láng giềng của mình. Ấn Độ xung đột liên tục với Pakistan. Với Bangladesh và Sri Lanka thì các quan hệ, chúng ta cứ nói vậy, có khả năng tốt hơn.
Cũng như với láng giềng phía Đông Myanmar. Cả một thời gian dài, Burma trước đây chỉ có một người bạn: Trung Quốc. Người Trung Quốc đã bơm gần 40 tỉ dollar vào đất nước này trong các thập niên vừa qua, trước hết là để xây ống dẫn dầu, đường xá và đường tàu hỏa từ Ấn Độ Dương về Trung Quốc. Họ cũng không hề quan tâm tới lệnh cấm vận của Phương Tây.
Vào lúc ban đầu, Ấn Độ cũng tham gia vào trong lệnh cấm vận này. Thế nhưng khi người Ấn nhìn thấy người Trung Quốc ngày càng vững chân hơn ở Myanmar, nước mà theo truyền thống Ấn Độ có những mối quan hệ tốt và hết sức lâu đời, Ấn Độ đã bước ra khỏi mặt trận cấm vận của Phương Tây trong năm 2001. Và khi chính phủ Myanmar bắt đầu với những cuộc cải cách, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã sang thăm Myanmar láng giềng trong tháng Năm 2012, sếp chính phủ đầu tiên của Ấn Độ sau 25 năm.
Thế nhưng Ấn Độ đến với Myanmar cũng tương đối muộn – cũng như trong toàn bộ vùng Đông Nam Á. Tuy là người Ấn Độ từ đầu những năm 90 có một chính sách Look East mà với nó họ muốn đương đầu với người Trung Quốc, nhưng cho tới nay thì họ không có nhiều thành công cho lắm: Trung Quốc chiếm ưu thế ở Đông Nam Á – ít nhất là về kinh tế.
Wolfgang Hirn
Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ["Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây"]

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có thể bò trắng răng?

Nước Mỹ có thể mất bất cứ lúc nào
america collapse
Phiếm luận của Nguyễn Tường  – 21/6/2014
Hôm đến thăm tòa soạn báo Người Việt ở California, một chị trong Ban biên tập hỏi mình: “Cảm tưởng của anh từ khi sang Mỹ?”, mình trả lời luôn:
-Tôi có cảm giác như nước Mỹ mất bất cứ lúc nào.
Mọi người hoảng sợ và chờ mình giải thích. Không phải mình rủa cho thằng đế quốc này nó chết đi mà nói có cơ sở hẳn hoi nhé.
Nguy cơ của nước Mỹ bắt đầu ngay từ khâu tuyên truyền. Ai đời một quốc gia to tổ bố mà chỉ nhõn cái tên: Mỹ. Ít ra, phải có chữ mỹ miều nào đó đi kèm như “Nhân Dân” trong quốc hiệu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, “Dân chủ” trong Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hoặc “Xã hội chủ nghĩa” trong Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứ.
Không có những chữ ấy đã đành, còn không có cả mục tiêu, kiểu như hướng tới “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” nữa. Sợ à? Thì cứ hô lên, thiên hạ không tin thì cũng có vài thằng tin. Vài thằng còn hơn không. Cứ nói đại, còn dân không giàu, nước không mạnh, cũng chẳng có độc lập, không có tự do hạnh phúc thì đã chết ai. Hình như Mỹ chẳng thuộc câu: “điều gì không đúng, nói mãi rồi người ta cũng tin”
Ở các đường phố Mỹ, người ta không biết trương lên các biểu ngữ như “Nước Mỹ muôn năm”, “đảng (đảng gì nhỉ, hi hi) quang vinh muôn năm” hay “Tổng thống Washington sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Cờ Mỹ chỉ treo ở công sở, cấm có mang phơi bày ra giữa các dải phân cách trên đường giao thông để nhắc nhở đây là nước Mỹ bao giờ.
Thời gian mình ở Mỹ, cả 3 buổi sáng, chiều, tối, không làm việc thì giao tiếp nên thường xuyên long nhong trên đường. Mặc dù trước khi sang đây mình ra sức hình dung nhưng không tránh khỏi những điều lạ, nó chẳng giống như môi trường quen thuộc mình đã sống. Vì thế, mình càng lo cho nước Mỹ.
Đất nước gì mà ngay cả thủ đô cũng chẳng trông thấy mống cảnh sát nào, cứ như là một vùng đất hoang không có ai quản lý vậy. Lúc anh lái xe chở mình từ sân bay về chỗ ở, chỉ thấy xe hơi là xe hơi. Dân cứ thế lái, chẳng có ai chỉ đường, phân luồng hay giám sát giao thông. Mình căng mắt ra nhìn vào lề đường với hy vọng túm được chú cảnh sát nào đó đang núp lùm. Nhưng hỡi ôi, cây thì nhiều nhưng toàn là cây thưa lá, thì núp ở đâu. Nhưng mãi rồi cũng thấy có một chỗ khuất. Mình nhắc anh lái xe:
-Chầm chậm thôi anh, coi chừng lùm cây, chú ý cảnh sát…
Anh quay sang mình 1 giây như không hiểu gì rồi lại chăm chú vào tay lái.
Mãi rồi quen. Đúng là ở Mỹ, họ không cho cảnh sát đứng đường thật. Mà không cho đứng đường thì làm gì có thu nhập thêm.  Không có thu nhập thêm thì làm sao khuyến khích được sự tận tụy của nhân viên cộng lực. Cảnh sát sẽ sinh ra trễ nải với công việc thì bảo vệ chế độ làm sao. Lẽ ra phải có chính sách kích thích họ sao cho ngày nghỉ  cũng tranh nhau đi làm nhiệm vụ, lăm le trực thay đồng nghiệp khi đồng nghiệp mới chỉ nhức đầu, sổ mũi. Chiến sĩ không có thu nhập thêm thì lấy chi cống nạp, sếp tiêu bằng cái gì ngoài lương, chỉ đạo cấp dưới phá án làm sao mà sáng suốt được. Ở .., ấy chết, nói nhầm, ở nước khác á, điều một cảnh sát ra đứng đường sếp thu ít ra cũng dăm nghìn đô. Tiêu hết, sếp lại “luân chuyển cán bộ”, thu thêm. Mới biết Mỹ to xác nên ngờ nghệch, làm sao nghĩ ra được những cái mẹo ấy.
Cảnh sát đã vậy còn tình hình dân phòng cũng không khá hơn. Vào các khu thương mại và ở cả những chỗ hàng quán quây ra vỉa hè nữa, chẳng thấy dân phòng vung vẩy dùi cui đuổi chợ. Mà lực lượng này cần gì phải trả lương vì nó tự trang trải được. Nó đói thì bắt trứng lộn, trái cây mà ăn, khát thì bắt cô ca, pep si mà uống, no rồi thì chia nhau mang về cho vợ tuồn sang chợ khác. Hôm nào dân sợ quá, không dám bày hàng ra, không thu được gì thì cũng giải quyết được khâu oai, tăng cường nỗi sợ hãi từ dân đối với chính phủ. Không nuôi dưỡng lực lượng này, nếu có biến xảy ra thì huy động sao đây. Cái đám lúc nhúc ấy, nếu sử dụng vào việc dẹp biểu tình, giải tán đám đông, cưỡng chế đất cũng được việc đáo để chứ.
Mình nhập cảnh vào Mỹ cũng chẳng ai thèm để ý. Ít ra, mình cũng từ nước cộng sản sang nước đế quốc. Cộng sản với đế quốc là kẻ thù của nhau, một mất một còn. Mặc dù kiểm tra an ninh rất kỹ, không phát hiện ra vũ khí, vật dụng kim loại nhưng làm sao biết đầu óc mình đang nghĩ gì. Lẽ ra, ngay từ sân bay, họ phải cho người theo dõi xem thằng cha Việt cộng ấy hành tung ra sao, ẩn náu ở đâu, móc nối cấu kết với thế lực thù địch nào chứ.
Hai ngày đầu tiên, mình được bố trí ở một nhà ngoại thành. Chủ nhà giành cho mình một phòng riêng, đầy đủ tiện nghi. Mỗi lần ra khỏi phòng, mình chỉ khư khư tấm hộ chiếu như lá bùa hộ mệnh, lại còn kẹp sẵn hai tờ 20 đô la vào nữa, phòng khi công an hay tổ trưởng dân phố đến hỏi thì nhanh nhảu trình ngay để gây thiện cảm.
Chiều tối, mọi người đến chơi đông lắm. Nhưng mình miệng vẫn nói chuyện còn lòng dạ thì không yên. Nhớ hôm nhà mình tụ tập đông người, nhờ có “tai mắt của nhân dân” mà bọn chúng biết Thúy Nga đang ở đây nên mới mai phục đánh cho mẹ con Nga một trận khi mới ra khỏi nhà mình chừng dăm phút. Nghĩ thế, thỉnh thoảng mình ra ngoài nhìn quanh xem có thấy hàng xóm rình rập gì không. Khách đến chơi, ô tô để đầy phía trước tức là rất bất thường sao lại không có người rình cơ chứ. Phát hiện thấy một phần tử người nước ngoài, lại thuộc quốc gia cộng sản đang ẩn náu ở đây mà trình báo, nếu không được thưởng thì cũng tăng thêm uy tín với chính quyền. Nơi mình sống, nhà nào có người làm cán bộ chính quyền, công an, hay dân phòng thì tự hào và yên tâm lắm, khối người nhờ vả. Nếu không có thì tìm cách quen thân. Nhà mình không thân được ai nên đành chịu.
Cuối cùng, mình lén chốt chặt cửa lại nhưng thỉnh thoảng vẫn đánh mắt ra phía ngoài, chỉ sợ công an đến kiểm tra đột xuất. .......Nhỡ ra công an Mỹ lấy lý do kiểm tra hộ khẩu, xông vào bắt mình nện cho một trận rồi tống lên máy bay áp giải về Việt Nam thì hỏng hết việc, chưa ra trận mà đã thành tù binh.
Khách đã về hết, chỉ còn mình với chủ nhà. Lúc này đã 10 giờ nhưng không thấy anh có vẻ gì lo đến việc khai báo lưu trú. Định nhắc, lại sợ anh cho mình là nhà quê. Đành gợi ý khéo bằng cách tỏ ra rằng mình có thể là đối tượng cảnh sát quan tâm để anh đừng quên việc trình báo, mình bảo:
-Ngày xưa tôi có 5 năm ở chiến trường…
Có vẻ như anh chẳng để ý gì, mình tỏ ra nguy hiểm hơn:
-Tôi ra trận, đánh nhau hăng lắm, cũng được mấy danh hiệu dũng sĩ.
Nhưng anh chỉ bảo:
-Từ chiều đến giờ, mải nói chuyện, anh chưa ăn, tôi làm cái gì cho anh ăn nhé.
Mãi rồi mình cũng biết, ở đây không có qui định khai báo tạm trú lưu trú gì ráo trọi. Tóm lại, hộ chiếu của mình chỉ phải chìa ra mấy lần khi xuất, nhập cảnh, ngoài ra chẳng ma nào thèm hỏi đến. Quản lý lỏng lẻo thế này, làm sao tránh khỏi thế lực thù địch trà trộn vào dân phá hoại cơ chứ.
Tuy vậy cái dở nhất của nước Mỹ là làm cho dân nhờn. Quốc hội gì mà ai ra vào tùy thích, sao tránh khỏi mất thiêng. Lại còn rồng rắn mang theo mỗi người cốc cà phê hay nước uống vào Quốc hội nữa chứ. Đi cũng uống, ngồi cũng uống, mỏi tay thì để cả lên bàn toàn tài liệu, chẳng ra cái vẻ uy nghiêm của cơ quan quyền lực cao nhất nước gì cả. Không có hàng rào cảnh sát gườm gườm, đầy sát khí mỗi khi thấy ai có vẻ dân thường mon men đến gần. Mình ra vào nhà Quốc Hội mấy lần, chỉ họ thấy kiếm tra xem những thứ mang theo có gì có thể gây ra nguy hiểm thôi chứ hoàn toàn không kiểm tra giấy tờ xem là ai, quan hay dân thường, có ai là đối tượng theo dõi không, chủ quan đến thế là cùng.
Hôm đầu, mình cứ nem nép đi theo mấy cháu, thấy chúng nó vào đâu, mình mới dám vào. Sau quen dần, mình xông khắp nơi, vào cả phòng tổng thống cầu nguyện, đứng ở nơi tổng thống tuyên thệ nhậm chức chụp ảnh, chụp chán rồi nằm khèo lên đi văng hóng cái không khí thoáng đãng, chẳng thấy ai thèm nhắc nhở
Buổi điều trần ở quốc hội, khi một ông nghị phát biểu, mình thấy bà Sanchez đứng nép sang một bên vui vẻ chờ đến lượt mình. Nghe nói bà có nhiều người giúp việc, thế mà không có đứa nào chạy đi bê ghế xun xoe đặt vào mông bà. Nếu ở ngoài trời chắc cũng chẳng đứa nào chịu cầm ô che. Hình như đám giúp việc chẳng hãi bà tí nào, chẳng sợ bà đuổi việc hay sao ấy.
À, còn ở Hollywood, dân chúng nặn cả tượng tổng thống đương nhiệm bằng sáp mới táo tợn chứ. Obama đứng, cười nhăn nhở, chìa tay ra cho ai muốn bắt thì bắt. Nhạo báng lãnh tụ đến thế là cùng, hỏi sao dân không nhờn. Mình bắt tay chụp hình xong, xoa đầu gã một cái để thử phản ứng nhưng không thấy cảnh sát nào chạy đến xốc nách dong đi.
Tóm lại, ở Mỹ, hệ thống chuyên chính, à quên, chuyên chính… tư sản tê liệt, không thấy hoạt động, quan và dân đều như nhau, thậm chí quan còn khổ hơn. Đó là điểm yếu chết người của Mỹ. Nếu không biết làm cho dân sợ thì sao tránh khỏi chuyện biểu tình không theo định hướng, rồi cứ đà này, dần dần dân chúng nó lật nhào chế độ lúc nào không biết ấy chứ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đường 9 đoạn - Hàng nhái từ học thuyết Monroe của Mỹ


Đừng mua thứ hàng nhái mà Bắc Kinh đang rao bán.
Đường chín đoạn chẳng có tí gì giống như học thuyết Monroe của Hoa Kỳ.
Trong bài nói chuyện hôm thứ ba ở Newport, phóng viên quốc tế lỗi lạc Robert Kaplan đã kể lại một câu chuyện vốn đã trở nên quen thuộc trong những giao thiệp giữa Hoa Kỳ và TQ. Kaplan kể rằng một sĩ quan cao cấp của PLA nhận xét rằng những gì mà TQ muốn đạt được ở biển Đông là "không khác gì" so với những gì Hoa Kỳ đã muốn đạt được trong vùng biển Caribbean và vịnh Mexico trong giai đoạn học thuyết Monroe.


Bắc Kinh muốn nắm quyền quản soát các vùng biển nằm xung quanh TQ, trong khi sẽ sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ, sức mạnh hải quân vô địch hiện tại, ở những nơi khác trên bản đồ.

- Thấy không? Để tránh lòi ra cái đuôi đạo đức giả, Washington nên đứng tránh ra ngoài những tranh chấp trên biển giữa TQ với các nước láng giềng.

- Không. Tôi chẳng thấy điều đó. TQ đang bắt chước những phương cách mà người Mỹ sử dụng, vào lúc nào nhỉ? À, sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ (1861-1865). Trước 1880, Hoa Kỳ đã bắt đầu việc xây dựng một lực lượng hải quân lớn, mạnh hơn hải quân của bất kỳ quốc gia châu Âu nào, trong một vùng biển quan trọng là vùng Greater Caribbean. TQ cũng bắt đầu xây dựng một lực lượng hải quân lớn, được sử dụng trong hợp đồng tác chiến với các loại vũ khí ven bờ, có thể là mạnh hơn hải quân của các nước châu Á hay bên ngoài, trong các vùng biển quan trọng nằm xung quanh TQ.

Nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn về trìnhđộ kỹ chiến thuật chiến tranh của Edward Luttwak, ông đại tá đáng kính của TQ cũng có vài điểm đúng.

Tuy nhiên, như những lời khôn khoan của nhà văn Mark Twain, sự khác biệt giữa một từ gần đúng và một từ đúng cũng giống như sự khác biệt giữa lightning-bug (con đom đóm) và lightning (tia sét). Điều này cũng đúng với các biến cố tương tự trong lịch sử. Các nhà đàm phán TQ sẽ luôn bám vào những phép so sánh khập khiễng với lịch sử Hoa Kỳ, để thuyết phục người Mỹ đơn phương giải trừ vũ khí trí tuệ. Nếu người Mỹ đã làm điều đó ở Caribbean trong quá khứ, họ lấy tư cách gì để phản đối khi giờ đây TQ lặp lại nó ở Đông Nam Á?

Rất hợp lý. Nhưng ta hãy cẩn thận khi nói chuyện lịch sử với những đại diện của chính quyền cộng sản TQ, một chế độ đã thành công trong việc xoá sạch những lỗi lầm ghê gớm như Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa, và Quảng trường Thiên An Môn ra khỏi tiềm thức của xã hội và quần chúng, rồi lại bôi vẽ hình ảnh của nó thành kẻ thừa kế truyền thống Nho giáo mà chính nó đã từng cố công tiêu diệt. Những kẻ này được huấn luyện để làm cho chúng ta tin là con đom đóm và tia sét chỉ là một.

Mặc dù các phương pháp mà TQ sử dụng trong các vùng biển xung quanh nó có một số điểm tương đồng với các phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng vào cuối thế kỷ 19, mục tiêu của hai việc là hoàn toàn khác nhau. Trong khi mục tiêu của Hoa Kỳ là sự tự do hàng hải chung cho các bên, mục tiêu của TQ là sự cai trị của một cường quốc ven biển với vùng biển và vùng trời xung quanh nó. Tuy cả hai đều liên quan đến biển, nhưng sự giống nhau chỉ dừng lại ở đó. Đó là sự giống nhau giữa con đom đóm và tia sét.

Hoặc hãy thử một so sánh khác, sự khác biệt trong quan điểm giữa luật hàng hải của Hoa Kỳ và của TQ có thể tương đồng với sự khác biệt giữa nhà lý luận luật pháp quốc tế thế kỷ 17 của Hà Lan Hugo Grotius và đối thủ người Anh là luật gia John Selden. Grotius khẳng định các vùng biển không phải là đối tượng của chủ quyền quốc gia - tức quyền sở hữu - trong khi Selden tuyên bố chủ quyền của Anh trên các vùng biển nằm xung quanh các hòn đảo thuộc Anh. Một thế kỷ trước, cũng như bây giờ, Grotius là bộ mặt của chính sách bảo vệ quyền lợi chung của Hoa Kỳ. Trong khi Selden có thểđược xem là người khởi xướng cho luật biển của TQ.

Nếu bạn không tin tôi thì hãy nghĩ về điều này: Hoa Kỳ xử sự thế nào trong thời gian đang vươn lên để trở thành một sức mạnh vô địch trên biển? Hoa Kỳ đã sử dụng sức mạnh hải quân của mình vào việc gì? Ít nhất, Hoa Kỳ chưa bao giờ tuyên bố quyền sở hữu với Greater Caribbean, cho dù đã luôn muốn kiểm soát nó. Hoa Kỳ đã hoàn toàn không làm một điều gì tương tự như đường chín đoạn bây giờ của TQ.

Học thuyết Monroe của Mỹ vào thế kỷ 19

Mặc dù thỉnh thoảng cũng ghé mắt vào Cuba và các đảo khác, Washington chưa bao giờ xem những viên ngọc vùng Caribbean này là tài sản hợp pháp của Hoa Kỳ. Cũng không hề có một giới học thuật nào về chính sách đối ngoại ở Hoa Kỳ xem vùng biển phía Nam như một phần lãnh thổ mở rộng hướng ra biển. Hoa Kỳ cũng chưa bao giờ chính thức xem các vùng biển là lãnh thổ có chủ quyền của mình, hay "lãnh thổ xanh của quốc gia" như cách gọi phổ biến của TQ đối với các vùng biển xung quanh nó.

Thay vào đó, học thuyết Monroe chỉ là một mệnh lệnh đơn phương để ngăn các cường quốc châu Âu quay lại xâm lược các nước cộng hòa vừa giành được độc lập ở Mỹ Latinh. Học thuyết này đã được nhiệt liệt ủng hộ ở châu Mỹ Latinh trong nhiều thập kỷ. Ví dụ vào năm 1906, chính phủ Brazil đã xây dựng công trình vĩ đại Palacio Monroe ở Rio de Janeiro, để vinh danh những di sản của James Monroe trong dịp Hội nghị Liên Mỹ lần thứ ba.

Bạn có thể tưởng tượng một ngày nào đó Philippines sẽ xây một Palacio Tập Cận Bình tại Manila để ghi nhớ những hành động hiện nay của TQ ở Đông Nam Á? Tôi không nghĩ như vậy. Chỉ trong thập niên 1910, học thuyết Monroe bị mất uy tín ở Mỹ Latinh. Đó là khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã lạm dụng học thuyết này như là một cái cớ cho những can thiệp ngoại giao và quân sự, chứ không còn ý nghĩa của sự phòng thủ chung châu Mỹ.

Chính khách Hoa Kỳ cũng không bám chặt vào học thuyết Monroe, cho dù nó là một học thuyết rất được yêu thích về chính sách ngoại giao. Trong những năm 1920, Washington đã rút lại phần "phụ lục" Theodore Roosevelt trong học thuyết này; các tổng thống William Howard Taft và Woodrow Wilson phê phán phần "phụ lục" này như một giấy phép cho các can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia vùng Caribbean. Các tổng thống Herbert Hoover và Franklin Roosevelt sau đó đã dựng nên hệ thống phòng thủ liên-Mỹ tồn tại cho đến ngày nay.

Hoover và Roosevelt cũng đã quốc tế hóa học thuyết Monroe, tranh thủ các quốc gia châu Mỹ như những cộng tác viên trong việc bảo vệ an ninh ở Tây Bán Cầu. Bạn có thể tưởng tượng Bắc Kinh sẽ rút lại đường chín đoạn của mình bằng cách tương tự? Cứ hy vọng, nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều vào điều đó.

Vì vậy, đừng mua thứ hàng nhái mà Bắc Kinh đang rao bán. Chỉ khi TQ từ bỏ tuyên bố chủ quyền "không thể tranh cãi" trên biển Đông, thay đổi chính sách lâu nay để quay sang ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển và trên không, và quan trọng nhất, là dành lại được niềm tin từ các nước láng giềng châu Á; chỉ khi đó tôi sẽ vui lòng chấp nhận những sự so sánh giống như cái mà ông đại tá TQ trong câu chuyên của Robert Kaplan đưa ra.

Cho đến lúc đó, hãy quên đi hàng nhái.

James Holmes
Liêm Nguyễn lược dịch theo TheDiplomat
Theo blog Liem Nguyen

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiên sư thằng Chó - Truyện hay nha!


Khu rừng nọ có bốn con Thỏ, Chó, Gấu, Sư-tử chung sống. Thỏ bé nhất nhưng lại là giống cái, lớn lên cũng ngực ưỡn mông cong eo nhỏ, khúc nào ra khúc đó. Chó, Gấu, Sư-tử đều thích Thỏ, tán tỉnh kịch liệt.

Mặc dù nhà ở tận sâu trong rừng, nhưng Sư-tử cậy mình to khỏe, là chúa tể rừng xanh nên chả coi Gấu lẫn Chó ra gì. Cứ ngang nhiên đến nhà Thỏ để tán tỉnh.

Ban đầu Thỏ thích Sư-tử, cũng mong muốn được kết tóc se duyên. Gấu và Chó thấy thế, toàn nhồi nhét vào đầu Thỏ rằng, chúng ta ở quen bìa rừng rồi, vào rừng sâu không cùng chí hướng, sẽ không sống được. Với lại xu hướng là rời rừng đi ra thảo nguyên bao la, thiên đường là ở chỗ đó. Trong rừng sâu bao giờ mới thấy được thiên đường. Thỏ nghe bùi tai, hắt hủi và rời xa Sư-tử.

Thỏ quay sang thích Gấu. Dù Gấu ở xa hơn tý, nhưng lại cao ráo đẹp zai khỏe mạnh. Với lại liên minh bìa rừng do Gấu làm chủ. Thế nhưng Chó lại ở gần, lắm mưu hèn kế bẩn và hay chơi trò ném đá dấu tay. Chó thường sử dụng chiêu trò “nhất cự ly, nhì cường độ” và “đẹp zai không bằng chai mặt” để tán tỉnh Thỏ.

Thỏ cũng dạng chả vừa, chơi trò bắt cá hai tay. Sáng chạy sang nhà Chó học cách săn chuột, nhưng tối lại lẻn lối sau sang nhà Gấu tình tự. Chó biết và cay cú lắm.

Cuộc tình tay ba bằng mặt chả bằng lòng không kéo dài. Phần vì mãi không di chuyển được ra thảo nguyên, phần vì Chó và Gấu thi thoảng lại hục hặc. Đỉnh điểm là hôm Chó thấy Thỏ đi ra từ nhà Gấu vào lúc sáng sớm. Chó tức giận sang nhà Thỏ cắn nát vườn rau đầu hiên.

Thỏ sợ xanh mặt, chạy sang cầu cứu Gấu. Tưởng Gấu sẽ nghĩ đến tình ân ái mà đánh Chó, nào ngờ Gấu cũng chỉ gầm gừ giơ tay lên bảo: “Chó, mày thôi đi. Phá nhà Thỏ thêm lần nữa tao tát chết”. Chó cười khẩy: “Tao dạy nó bài học thôi, chứ tầm nó, tao ngoạm phát chết tươi”.

Được thời gian ngắn, nhà Gấu lục đục, sa sút. Gấu không còn tình tứ và che chở cho Thỏ được nữa. Thỏ trở nên bơ vơ và đói kém. Lâu nay toàn sang hái rau nhà Gấu, giờ không sang được, vườn nhà lâu không cày xới, cỏ dại mọc đầy mà hạt giống trong nhà cũng hết.

Thỏ mon men ra hàng rào, thẻ thọt: “anh Chó anh Chó, em biết lỗi rồi, cho em mượn cái cuốc với vay ít hạt giống”. Chó bảo: “Em cứ chung thủy với anh, anh cho tất”. Mối tình Thỏ - Chó được lại được nảy nở. Tuy vậy, trong tâm tưởng Thỏ vẫn tiếc Sư-tử, tiếc Gấu. Nhưng khổ là phụ thuộc hoàn toàn vào Chó mất rồi. Còn Chó chả yêu gì Thỏ, chỉ thích cưỡng bức và âm mưu chiếm đoạt mảnh vườn ở bìa rừng của Thỏ.

Từ khi chiếm hữu được Thỏ, Chó bắt đầu thể hiện tính gia trưởng và bần tiện vốn có. Thỏ vốn cũng cố nhẫn nhịn cho xong, nhưng càng nhịn, Chó càng lấn tới. Chẳng hạn có lần Thỏ nói: “Anh cưới em đi nhé”, Chó cười khẩy bảo: “Loại lăng nhăng như mày, ai thèm lấy”. Thỏ sụt sịt khóc: “Chúng ta cùng sống ở bìa rừng, cùng mong muốn tìm đến thiên đường thảo nguyên. Sao anh nỡ hắt hủi em thế”. Chó nói: “Mày đi mà tìm thiên đường của mày, tao thèm vào. Từ giờ đất nhà mày là của tao, tao muốn mày làm gì thì phải làm nấy, nghe chửa”. Thỏ khóc tu tu: “Anh mà đuổi em thì em biết đi đâu, đây là đất bố mẹ em để lại, còn lâu em mới đưa sổ đỏ cho anh”.

Biết Thỏ sẽ giấu không đưa sổ đỏ. Chó tìm mọi cách để Thỏ phải bỏ đất mà đi. Nào là đổ chất độc hại vào đất để không trồng cây được, nào là vứt rau thối, rau phun thuốc sâu sang nhà Thỏ. Tệ hại hơn, sáng nào Chó cũng sang ị một bãi ngay đầu hồi, thối um cả nhà.

Thỏ định chạy sang nhờ Gấu, đến gần nơi thì thấy Gấu và Chó đang uống rượu. Cả hai chạm chén tình thương mến thương và hẹn nhau cùng cày xới miếng đất chung để gieo thóc.

Quay về úp mặt vào gối khóc thì thấy Sư-tử qua chơi. Sư-tử bảo: “Ngày xưa theo anh thì không chịu, để giờ ra nông nổi này. Thôi, về với anh, thằng Chó nó sẽ không dám làm gì đâu”. Thỏ hỏi lại: “Anh quay lại với em mà không có điều kiện gì ư”. Sư-tử trả lời: “Dĩ nhiên là phải có. Em phải đi chữa bệnh, phải trị hết bọ chét chó trên người. Em phải đi spa, để loại hết mùi chó trên cơ thể. Phải bỏ ăn thói quen ăn rau phun thuốc sâu. Phải cải tạo lại vườn tược, trồng nhiều cây lưu niên chứ không chỉ trồng rau cỏ rẻ tiền”.

Thỏ than thở: “Khó lắm anh ơi, bọ chét đầy cả người em, giờ muốn hết phải cạo sạch lông, mà cạo lông thì còn gì là thỏ nữa. Với lại cái mùi chó nó bám vào người em lâu quá rồi, khó tẩy sạch lắm. Mà ngày xưa bố mẹ em bảo không được trồng cây to, vì nó che khuất tầm nhìn xuống thảo nguyên, không nhìn thấy thiên đường. Giờ em phải làm thế nào bây giờ?”.

Sư-tử đáp: “Anh chịu, muốn đi cùng anh phải sống theo kiểu sư tử, chứ không thể sống theo kiểu chó. Với lại thiên đường của anh khác của em. Nếu đồng ý theo anh thì em phải thay đổi toàn bộ”.

Thỏ ôm gối ngồi khóc: “Để bà ra nông nỗi này đều tại mày cả Chó ạ. Tiên sư thằng Chó, tiên sư thằng Chó, huhu…”.

(by Baron, 2014) 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu Iraq xảy ra "thảm họa", Trung Quốc mới là nước khốn đốn




(Soha.vn) - Mỹ có lý do để giúp Iraq giải quyết khủng hoảng ở nước mình. Song xét cho cùng, nếu tình hình trở nên căng thẳng hơn thì Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, sẽ chịụ trận.

Mỹ chưa chắc đã chịu nhiều tổn thất
Tàu sân bay USS George H.W. Bush và hai tàu hộ tống đã đi qua eo biển Hormuz và đang neo đậu trong Vịnh Ba Tư. Như lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby, chiếc tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ hiện được đặt trong trạng thái "sẵn sàng nhận nhiệm vụ".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho biết, nước này đã thực hiện "một số bước đi ngay tức thì", bao gồm "tăng cường hỗ trợ giám sát trên không" và "đẩy mạnh các chuyến hàng viện trợ quân sự". Lực lượng đặc biệt của Mỹ cũng có thể tiến hành thu thập thông tin tình báo trên đất liền.
Mỹ có thể có lý do về địa chính trị để ra tay giúp ông Maliki. Nhưng Washington hầu như không nhận được chút lợi ích kinh tế nào trong việc này. Hiển nhiên, vấn đề nằm ở nguồn năng lượng.
Iraq là nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong khối OPEC với sản lượng 3,4 triệu thùng/ngày trong tháng Năm. Cho đến nay, các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu đã gần như tránh được thiệt hại trong các vụ lộn xộn gần đây tại nước này.
Giá dầu tăng trong tháng Sáu này nhưng không đột biến như nhiều người lo ngại, chủ yếu là do khoảng 90% lượng dầu của Iraq nằm ở phía Nam, cách xa vùng chiến sự, đa số phần còn lại thì thuộc khu vực của người Kurd, cũng không bị các chiến binh Sunni đụng tới. Một lý do nữa là bởi Iran, với phần đông là người Shiite, tiếp giáp các mỏ dầu phía Nam Iraq và ủng hộ ông Maliki, nhiều khả năng nhóm khủng bố ISIS sẽ không thể làm ngưng trệ hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu.
Mỹ đang tích cực giúp đỡ Iraq giải quyết khủng hoảng.
Mỹ đang tích cực giúp đỡ Iraq giải quyết khủng hoảng.
Tuy nhiên, đặt ra giả thiết rằng các lực lượng nổi dậy có thể tiến sâu về phía Nam đến cảng Basra ở Vịnh Ba Tư, nơi có một điểm dầu lớn, và ISIS muốn khuấy động thị trường năng lượng toàn cầu thay vì đóng vai một chính phủ mới. ExxonMobil sẽ mất mỏ dầu Tây Qurna, nhưng vẫn còn những thỏa thuận với chính phủ người Kurd ở phía Bắc. Occidental Petroleum sẽ buộc phải rời khỏi một mỏ dầu nhỏ ở miền Nam Iraq. Chevron có vẻ không bị ảnh hưởng bởi hoạt động chủ yếu trong khu vực người Kurd. Các công ty dịch vụ mỏ dầu như Schlumberger và Halliburton, chắc chắn sẽ mất chỗ làm ăn. Tuy nhiên, những công ty này của Mỹ có thể bù đắp cho thiệt hại ở miền nam Iraq bằng cách đẩy mạnh hợp tác kinh doanh với người Kurd đang giành.
Tại sao lại như vậy? Mỹ hiện nay là sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất hành tinh. Từ năm 2012, Mỹ đã vượt qua Nga để trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới về khí đốt tự nhiên và số 3 thế giới về dầu, chỉ sau Ảrập Xêut và Nga. Trong ngắn hạn - và có thể cả dài hạn - sản xuất hydrocarbon ở Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi nhập khẩu năng lượng của Mỹ đã giảm trong vòng năm năm trở lại đây, trong đó khí đốt tự nhiên giảm 32% và dầu giảm 15%. Khi đó, một cuộc khủng hoảng nếu nổ ra sẽ đưa Mỹ lên vị thế cao hơn trên thị trường dầu mỏ và khí đốt.
HO
Trung Quốc mới là nước có nhiều chuyện phải lo
Trung Quốc thì ngược lại. Nước này sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu sản lượng chiếm 3.7% toàn cầu của Iraq đột nhiên bị gián đoạn.
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và hiện là khách hàng quốc tế lớn nhất của Iraq với trung bình 1,5 triệu thùng/ngày, tương đương gần một nửa sản lượng của Iraq. Sau cuộc chiến tại Iraq thập kỷ trước, tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã bất ngờ chuyển hướng sang dầu mỏ nước này bằng cách chấp nhận tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ và các điều kiện ngặt nghèo của Baghdad.
Trung Quốc đã tận dụng cơ hội Iraq tái thiết đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình. Trung Quốc đã phải đầu tư hàng tỷ USD vào Iraq, hàng trăm công nhân Trung Quốc sang làm việc ở quốc gia Trung Đông. Lợi ích kinh tế mà Trung Quốc gặt hái được tại Iraq khiến một số nhà bình luận, như Matt Schiavenza của tờ Atlantic, phải thốt lên rằng chính Trung Quốc mới là bên "giành phần thắng trong cuộc chiến ở Iraq" vì đã ký được nhiều hợp đồng dầu mỏ lớn.
Vào thời điểm đó, các nhà phân tích đưa ra giả thuyết rằng việc gia tăng lợi ích của Trung Quốc ở Iraq sẽ giúp tạo ra một tầm ảnh hưởng ổn định. "Về mặt địa chính trị, những lợi ích này giúp thắt chặt mối liên kết giữa Trung Quốc và Iraq", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ David Goldwyn nói với tờ New York Times năm 2013.
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Iraq.
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Iraq.
Khi vai trò của Trung Quốc không ngừng mở rộng trên toàn cầu thì những cuộc khủng hoảng khu vực sẽ gây ra những tác động trực tiếp hơn đến lợi ích của Trung Quốc. Cuộc xung đột ở Iraq đặt ra thách thức không chỉ tới lợi ích dầu mỏ mà còn cả những chính sách ngoại giao nói chung của Bắc Kinh.
Bắc Kinh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tại Iraq khi ISIS đối đầu với các nhóm người Shiite ở Baghdad. Vì thế, theo Forbes, trong những ngày qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ chính phủ ông Maliki. Thứ Sáu tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh khẳng định: "Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã viện trợ cho Iraq dưới nhiều hình thức với khối lượng lớn và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ việc gì có thể."
Forbes cho rằng, có lẽ Mỹ nên đón nhận những tuyên bố của bà Oánh và cứ để Trung Quốc điều lực lượng hải quân vào điểm nóng. Xét cho cùng, Trung Quốc mới là nước có nhiều chuyện phải lo ở Iraq hơn Mỹ.
Xem thêm Video: Vụ trao đổi tù binh gây chấn động giữa Taliban và Mỹ 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế này thì quá kinh, phe ta lại vỡ thêm một mảnh!

Triều Tiên bất ngờ phê phán thậm tệ "giấc mơ TQ" của Tập Cận Bình




(Soha.vn) - Một nghị quyết của Triều Tiên cáo buộc Trung Quốc “đồng sàng, đồng mộng với những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc”.

Triều Tiên đã thông qua một nghị quyết phê phán gay gắt Tập Cận Bình và “giấc mơ Trung Quốc” của ông Tập, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) dẫn nguồn từ website New Focus International của người Triều Tiên lưu vong cho hay.
Theo các nguồn tin nói trên, Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua một nghị quyết nội bộ yêu cầu các quan chức Triều Tiên “từ bỏ giấc mơ Trung Quốc”
Theo New Focus International, nội dung nghị quyết này có nhiều điểm phê phán cá nhân Tập Cận Bình, đồng thời cho rằng, trong quá khứ, Trung Quốc từng có mối quan hệ đoàn kết cách mạng với Triều Tiên, nhưng Trung Quốc ngày nay, dưới sự lãnh đạo của ông Tập đã “đặt đồng tiền lên trên ý thức hệ”.
Cũng theo nguồn New Focus International được The Diplomat dẫn lại, nghị quyết của Triều Tiên cáo buộc Trung Quốc “đồng sàng, đồng mộng với những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc”, mà một trong những bằng chứng là nước này phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
New Focus International cho biết, kèm theo nghị quyết nói trên là một sắc lệnh của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên yêu cầu các công ty nhà nước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường giao thương với Nga cũng như các nước châu Âu.
The Diplomat cho biết họ chưa thể kiểm tra độc lập độ chính xác của các thông tin nói trên, tuy nhiên, New Focus International có những nguồn tin quan trọng từ nội bộ chế độ Triều Tiên. Trang tin này được vận hành bởi những người Triều Tiên lưu vong thuộc nhiều thành phần, trong khi người sáng lập và lãnh đạo nó là Jang Jin-sung, một cựu sĩ quan phản gián Triều Tiên. Trong hội đồng biên tập của trang tin này còn có 3 cựu quan chức khác của Bình Nhưỡng.
Nội dung thông tin của New Focus International cũng tương đồng với những diễn biến gần đây trong quan hệ Trung - Triều cũng như quan hệ Nga - Triều. Vài tháng trước, nguồn tin của The Diplomat cũng cho biết, một số trường quân sự ở Triều Tiên đã treo biểu ngữ, gọi Trung Quốc là “kẻ phản bội và kẻ thù” của Triều Tiện
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, ông chú dượng quyền lực của Kim Jong Un là Jang Song Thaek đã bị thanh trừng và xử tử. Jang nổi tiếng là người thân với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong số các tội danh khiến ông này bị thanh trừng có nhắc đến các phi vụ làm ăn với Trung Quốc.
Trong khi quan hệ Trung - Triều đang xuống dốc thì ngược lại, quan hệ Nga - Triều lại có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trong đó nổi bật là việc Nga đã đồng ý xóa cho Triều Tiên 90% các khoản nợ từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời ra nhiều điều kiện ưu đãi về thời hạn chi trả cho 10% còn lại.
Nga và Triều Tiên cũng đã tổ chức một phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về Hợp tác Thương mại, Kinh tế, Khoa học - Kỹ thuật giữa hai nước. Kết thúc cuộc họp, hai bên công bố một loạt thỏa thuận mà nếu được thực thi sẽ đánh dấu sự gia tăng đáng kể trong quan hệ thương mại hai nước.
Một điều đặc biệt là chi tiết của thỏa thuận nói trên có ý nhấn mạnh rằng, Nga trên thực tế sẽ thay thế vai trò mà Trung Quốc đang nắm giữ trong nhiều lĩnh vực ở Triều Tiên. “Danh mục các thỏa thuận về phát triển và thương mại (giữa Nga và Triều Tiên) giống với những dạng dự án mà ông Jang Song Thaek đã sắp xếp với các nhà đầu tư Trung Quốc. Ông Kim Jong Un đã quyết định có những thỏa thuận tương tự với người Nga”, trang KGS Night Watch có trụ sở tại Mỹ nhận xét.
Ngay cả Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông Nga, ông Alexander Galushka, khi nói về các thỏa thuận trên cũng phải công nhận rằng: “Chính phủ Triều Tiên đã dành riêng thỏa thuận này cho các doanh nhân Nga, và các nhà đầu tư nước ngoài khác, bao gồm Trung Quốc, cho đến nay vẫn chưa được hưởng những quyền lợi như thế”.
































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang