Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Làm quen với lời khó nghe:

NGHỆ SĨ NHÂN LOẠI HAY NGHỆ SĨ XÓ BẾP?


Nguyễn Hoàng Đức
1


Chưa bao giờ hình ảnh con người ở mọi ngành nghề cho đến cả ngành dịch vụ lại đòi hỏi tầm vóc nhân loại như hiện nay. Xưa kia người ta có thể yên ổn bình thản co cụm sống trong lũy tre làng, mặc cho thiên hạ phát triển tiến bộ hay đi về đâu. Nhưng ngày nay, như người ta vẫn nói: thế giới đang là một cái làng. Các phi trường nở rộ khắp nơi, nhiều người đi làm bằng máy bay, nhiều người khác leo lên máy bay chẳng khác gì đi xe buýt, như vậy ở sân bay đầu kia du khách đáp xuống sân bay đầu này, không thể có giá dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ khác hẳn nhau, mà người ta sẽ so sánh tức khắc để thấy mình được dịch vụ thế nào. Rõ ràng ngay đến cả công việc dịch vụ cũng được chuẩn hóa mang tính quốc tế cũng như toàn cầu. Với điện thoại vệ tinh, internet nối mạng toàn cầu người ta liên lạc với nhau trong nháy mắt, điều đó còn nhanh và tiện hơn phạm vi trong một cái làng ngày trước.

Những kỹ nghệ cao như thông tin, máy bay, vệ tinh, xe hơi… càng đòi hỏi tầm vóc nhân loại hơn bao giờ hết, một chiếc ô tô, một máy bay ngày nay cho dù mang bất kể thương hiệu gì thì đều là tổ hợp lắp ráp rất nhiều linh kiện của nhiều công ty thuộc nhiều nước khác nhau. Đến mức người ta nói: ngày nay không thể có công ty nào tồn tại được một mình.
Trong khoa học, nghệ thuật, và văn chương cũng vậy, nếu không vươn lên tầm nhân loại, chỉ mang tầm sau lũy tre làng, thấp hơn là xó bếp thì nói làm gì. Việc này là hiển nhiên, và người ta bước vào hệ thống nhân loại mới có thể mang tầm nhân loại. Đơn giản như một đội bóng đá muốn thi đấu quốc tế, thì không thể chơi theo luật riêng, mà anh phải chơi theo luật quốc tế chung mà bất cứ đội bóng nào muốn tham gia thi đấu đều phải tuân thủ. Có luật thi đấu chung, mới có thể phân ra đội nào quán quân, đội về nhì, và đội về bét.
Nghệ thuật cũng như thi ca, không thể coi đó là một bộ môn riêng, không dám so đọ thì làm sao biết được mình ở tầm nào? Nếu không biết cứ vui vầy với nhau kẻ tung người hứng, à uôm khen tặng hội thảo, nói người này cách tân người kia đổi mới, nhưng lại không hề chỉ ra được chổ nào cách tân, chỗ nào đổi mới, thì khác nào nói à uôm, phiếm chỉ, tùy tiện, thiếu trách nhiệm, được chăng hay chớ. Nghệ thuật một khi đã tùy tiện, thiếu trách nhiệm thì còn gì để nói.
Nghệ thuật của chúng ta, ai nhân loại, ai xó bếp? Nếu không có thước đo nhân loại thì chúng ta chỉ là xó bếp thôi. Một chuyên gia hội họa Nhật Bản sang Việt Nam, thấy nhiều họa sĩ cứ đề vống giá tranh cao ngất ngưởng có nói: “ Chính các bạn còn không mạo hiểm mua tranh của nhau, thì làm sao mong người nước khác bỏ nhiều tiền ra mua tranh của các bạn. Các bạn hiểu nhau nhất mà không đánh giá cao về nhau, làm sao có thể mong người nước ngoài rất tinh khôn lại ù ù cạc cạc nhắm mắt liều mua tranh của các bạn?”
Chúng ta đều biết, vàng mỗi nước có khác nhau, vàng Tây, vàng Ta, rồi vàng Tầu, dẫu vậy người ta đều qui về tuổi vàng, cái nào vàng non, cái nào vàng già, vàng chín hay vàng mười. Cái đó gọi là giá trị chung. Giá trị phổ quát.
Triết gia Hegel nói về giá trị phổ quát chắc chắn như thế này: Giá trị phổ quát như con đường quốc lộ của mỗi dân tộc, người ta không thể đi xa nếu không đi theo đường quốc lộ.
Tất nhiên có hàng triệu người Việt chưa bao giờ ra khỏi tỉnh, khỏi huyện, có cả những chiếc xe cải tiến đi băng qua đường tầu hay quốc lộ số một, nhưng không có nghĩa nó tham gia vào đường quốc lộ để đi xa. Và tất nhiên nếu nó không đi xa thì chỉ loanh quanh trở về nhà, rồi từ trên nhà xuống bếp. Triết gia Hegel còn nói: “Những gì là giá trị cục bộ chỉ là bỉ ổi”. Đúng không? Không có giá trị chung, người Việt bảo chỉ là:
“Thổi kèn khen lấy”,
hoặc là “Ở nhà nhất mẹ nhì con? Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”,
hoặc “chuột trù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm”, hay “mèo khen mèo dài đuôi”
và “mẹ hát con khen hay”…
Như vậy, người Việt cũng muốn nói: không có thước đo chung, tất cả chỉ là ích kỷ và bỉ ổi.
Giờ hãy soi vào ngành thơ Việt Nam. Trời ơi chúng ta khó mà từ chối đó là một vũng tép riu, văng cả cứt đái, cả “đếch” cả gãi háng vào thơ vẫn được giải quán quân. Hầu hết làm thơ là do tức cảnh sinh tình vài câu ngắn tũn. Tức cảnh sinh tình thiếu một ý chí và một ý định từ đầu đó cũng chỉ là tùy tiện. Và ở đời chẳng có gì tùy tiện được chăng hay chớ mà thành vĩ đại. Sau khi chỉ có tùy tiện, lại hà hơi thổi ống gọi là thơ lên đồng của thánh thần, thì quả là một cách bịp bợm, hy vọng nghệ thuật là thứ xổ số, đánh mấy tờ trúng giải cao. Hầu hết nhà thơ của chúng ta là các tổ nhóm ông già hết đát, bà già về hưu, chợ búa mưu sinh, nông dân vết vụ cấy cầy, trẻ em mới lớn hát xướng hò vè nhân tiện thả câu kiếm tí danh, cũng dễ được lắm, chỉ cần vài bài leo lên báo là giấc mơ thành hiện thực liền… Trong đầu mấy nhà thơ này chỉ có mấy khẩu quyết: “làm thơ để chơi cho vui ấy mà!” “Thơ khó lắm không biết thế nào đâu!”
Mới đây, tôi có gặp một nhà thơ thuộc cán bộ trong khung, nghĩa là anh ta vừa duyệt thơ, vừa chấm giải thơ người khác, nhưng thơ của mình thì chẳng có tiếng tăm gì. Thơ mình không hay vẫn có thể chấm người khác nhờ vào trình độ thưởng thức của mình. Nhưng trình độ của anh ta thì sao? Nói về trường ca, anh ta liền đọc ngay phương ngôn “ca ca – cứt cứt” của Xuân Diệu. Phương ngôn này chắc chúng ta học thuộc chưa đến 5 giây. Về thơ, anh ta chẳng đưa ra tiêu chí nào ngoài khen người này biết làm thơ, người kia thì chớ có hy vọng làm thơ. Nếu để so sánh có lẽ anh ta chưa đạt tầm một chiếc xe cải tiến băng qua quốc lộ thơ. Một con người trình độ bằng vài hạt bụi như thế sao có thể vươn đến tầm thơ cao cả?
Người phương Tây có câu “người ta chớ bao giờ nên tranh cãi về sở thích”. Nếu khen thơ người này chê thơ người kia mà không có tiêu chí chỉ dựa trên sở thích thì chẳng khác gì người ta tranh cãi về việc tôi thích ăn món này, tôi không thích ăn món kia. Nếu đem ý thích của thức ăn ra để khen chê văn thơ và nghệ thuật thì đó chỉ là mấy anh đầu bếp nghiệp dư cây nhà lá vườn. Bởi lẽ đầu bếp chuyên nghiệp trong các nhà hàng, họ luôn biết các món được nấu thế nào, đi với rượu gì, ăn trước hay ăn sau…
Dù thơ có hay cỡ nào đi nữa, nhưng với người Hy Lạp, nhà thơ đoản ca coi như không chấp. Còn ở Trung Quốc cả vạn nhà thơ Đường cũng không sánh nổi một cuốn sách trong bộ Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Vậy thì mấy anh thơ xó bếp mậu dịch, không bao giờ dám minh bạch ra gió tranh tài tranh sức, thì đừng có ra vẻ huyền bí úm ba la về mấy vần thơ không tư tưởng của mình, để rồi ỷ thế con dấu cho rằng thơ mình mới là thơ và được lĩnh giải, còn người khác thì không phải là thơ. Đấy chỉ là cách nghĩ bao cấp ưu tiên những hàm răng đường sữa bé nhỏ thôi. Còn trong gió dân sự “muôn hoa đua nở” thì mấy vần thơ đó có khác gì mấy mẩu tem phiếu dùng để mua cá ươn mắm thối?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MUỐN SỐNG ĐẠO ĐỨC DÂN TỘC VIỆT CẦN HIỂU CÔNG LÝ HAY GIÁ TRỊ TINH THẦN



Nguyễn Hoàng Đức
Hai chú vừa uống xong mấy ly kết nghĩa tình Huynh - Đệ
Hai chú vừa uống xong mấy ly kết nghĩa tình Huynh – Đệ

Không có đạo đức chắc chắn không có dân tộc nào phát triển và tiến bộ được. Theo các tư tưởng mới nhất của Liên Hiệp Quốc thì: không có quốc gia nào phát triển hùng cường được nếu xa rời giá trị văn hóa căn bản. Trong giá trị văn hóa căn bản đó: đạo đức luôn luôn đóng vai trò trung tâm. Chỉ một việc như thương mại thôi, nếu kinh doanh hay sản xuất không lấy chữ TÍN làm đầu, thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài được. Còn dối trá, lừa đảo, bất tín thì chỉ là cách người ta ăn lãi chụp giật tức thời, không cách gì đi xa được.

Từ xa xưa, các triết gia chắc chắn xác tín rằng: Sống tốt nghĩa là hạnh phúc. Trái lại không thể sống gian dối, giả trá, bạo lực mà hạnh phúc được. Như người Việt bảo “Có đức mặc sức mà ăn” hay “ở hiền gặp lành”. Trong nhà mà “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa” thì không cách gì hạnh phúc.

Mới đây, giáo sư Hoàng Tụy nói, người Việt đạo đức căn bản còn thiếu nói chi đến vô cảm.

Đạo đức quả thực là một vấn đề đang mắc nghẽn to như dãy núi trong đời sống của người Việt. Hôm nay tôi muốn bàn đến cái gốc cũng như đỉnh cao tuyệt đỉnh của vấn đề này.

Muốn có đạo đức thì con người phải biết sống công lý. Muốn có công lý thì mọi người phải cùng nhìn tới giá trị phổ quát thường xuyên liên tục và mãi mãi. Sống trong giá trị phổ quát là đặc tính yếu ớt của người Việt cũng như Trung Quốc, những dân tộc sống trên lúa nước lội bì bõm, tỉ lệ tôn giáo ở hai nước này đều rất thấp. Ngay trước mắt, khi muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, Trung Quốc chỉ thích hình thức song phương giải quyết tay đôi 2 nước một, chẳng khác gì những cặp đôi kéo nhau vào bóng tối bụi rậm để “xấu xa đậy lại”, cãi cọ, đánh đập, sờ lần, thỏa hiệp lẫn nhau. Chính thế mà nhiều chuyên gia gọi Trung Quốc là “kẻ bắt nạt xấu tính”. Có một phương ngôn mà ai có học đều biết “công lý là kẻ thứ ba”, vậy mà Trung Quốc với tầm vóc quốc gia nước lớn lại ngoảnh mặt coi như không biết điều này, vậy họ có khác gì kẻ đại ca đường phố?!

Trong các truyện Trung Quốc đầy rẫy các cảnh nhận kết nghĩa anh em, bè đảng, rất dễ dãi, dễ đến mức vừa gặp một cái là đòi kết nghĩa anh em luôn, nào: “không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”. Một con chó còn tỉnh táo hơn, khi chúng ta mới gặp muốn nhổ nước bọt hay ném thức ăn cho nó để làm quen, nó còn cảnh giác quay đi. Tại sao lại phải nhận kết nghĩa? Vì không có công lý, nên người ta tìm cách kết cấu bằng cơ bắp để bảo vệ cũng như tìm cách ăn hiếp người khác.

Người Việt cũng vậy, người ta sống tùy tiện, manh mún xé lẻ, cục bộ, kiểu “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, thần thánh còn xé lẻ như vậy, nên người ta khó chấp nhận một giá trị chung, như thế cũng rất khó đạt đến công lý.

Cái gì làm cho con người có một cái nhìn chung? Tiếng Pháp có câu: mọi cái lên cao thì đều hội tụ. Khi có một nhà thờ cao lên mọi người sẽ đều thấy nó. Khi có một cách sống lý tưởng hình thành, mọi người sẽ dễ sẻ chia. Trái lại, dục vọng giống như màn the tủa về mọi ngóc ngách, càng dục vọng thì càng riêng rẽ, xé lẻ, càng muốn hơn người kiểu ăn trên ngồi trốc. Hoàng Đế Napoleon nói “Một dân tộc không có tôn giáo thì chỉ có thể cai trị bằng súng đạn”. Câu này nghĩa là: dân tộc không tôn giáo nghĩa là họ chẳng có chung một giá trị siêu việt nào, nên chỉ có thể cai trị bằng sự đe dọa về cơ bắp.

Các dân tộc phát triển nhất thế giới thì đều có tôn giáo lớn tương xứng với họ. Ấn Độ có Phật giáo, nước Nga có Chính thống giáo, nước Anh có Thanh giáo, nước Ý có Thiên Chúa giáo, nước Đức có Tin Lành giáo, nước Mỹ có cả Thiên Chúa giáo lẫn Tin Lành giáo… Có một chân lý chắc chắn rằng: Văn Minh Âu – Mỹ được xây dựng trên nền tảng Ki-tô giáo.

Khi có tôn giáo, người ta ngước nhìn lên, gặp nhau ở đó và hình thành công lý. Ngay một nước bên cạnh ta như Indonexia chẳng hạn, mỗi hội nghị họ đều nói ba thứ tiếng: Indo, Mã Lai, Anh ngữ. Đối với họ giá trị phổ quát là điều hiển nhiên, không có gì phải bàn cả. Các nước văn minh việc đó càng tất yếu.

Trong  khi đó với người Việt, giá trị phổ quát hay công lý luôn được đưa về làng “phép vua thua lệ làng”, là một cái gì đó luôn phải khởi động lại từ đầu một cách rất khó nhọc. Tại sao? Vì người ta hầu hết không tôn giáo, cũng là vô thần, cũng là vô đạo. Khi người Việt sang lao động ở I-rắc, Đại sứ quán của Việt Nam phải nhắc nhở: nếu được hỏi theo tôn giáo nào, bạn chớ có nói “không tôn giáo” mà bị họ tẩy chay xa lánh như “đồ vô đạo”.

Các chuyên gia nói: mọi việc ở đời sẽ không thể vận hành nếu không có lý thuyết kết hợp với thực hành. Một chiếc ô tô lăn bánh được là bởi nó đang vận hành bằng lý thuyết “đốt trong” cùng với tay lái. Đạo đức của con người cũng không thể vận hành khi không có lý thuyết về đạo đức. Lý thuyết đó chính là kinh sách và hành lễ tôn giáo.

Nói thẳng ra vấn nạn đạo đức xuống cấp, không gốc, không ngọn đại trà của người Việt hiện nay chính là “vô đạo”, “vô thần”. Đây không phải một kết luận xuông, mà là kết luận dựa trên thực tế của cả thế giới và Việt Nam. Văn chương Việt Nam chẳng hạn, tại sao nó cứ cựa quậy mãi trong cái vũng bé và vừa? Vì văn học là nhân học. Kinh nghiệm của nhà văn Việt có là bao? Trải nghiệm đức tin, tức tôn giáo không có – vì vô thần! Trải nghiệm thần học – càng không, vì tôn giáo mới sinh thần học! Trải nghiệm triết học ư? Trải nghiệm hiến pháp ư, không quan tâm đến bình đẳng tự do thì hiến pháp bao giờ xuất hiện? Rút cục nhà văn chỉ có mấy chữ học phổ thông, lên thêm tí đại học, ít tiếng Anh làm dáng, thì viết cái gì ngoài thấy gì kể nấy ở đời?

Một lần, khi tôi nói về tôn giáo, có anh tự ái nổi xung lên khi bị nói “các anh không theo tôn giáo nên khó mà hiểu về tôn giáo”. Anh ta tự ái vì cho rằng đã đọc vài cuốn sách về tôn giáo nên hiểu thấu đáo lắm. Khi chúng ta ăn cơm, cơm để ăn no mỗi ngày chứ không phải ăn vài lần để biết. Tôn giáo là để “sống đạo” chứ không phải để “hiểu đạo”. Có một phương ngôn căn bản là “Đạo đức là thói quen của điều thiện”. Điều thiện phải được lặp lại liên hồi thành thói quen mới là đạo đức, chứ đâu chỉ cần hiểu. Điệu van-xơ, “bùm –chát-chát” chúng ta chỉ cần thuộc trong 5 giây, nhưng để nhảy giỏi vài năm còn thiếu.

Khi tôi bàn về tôn giáo không có nghĩa là bàn về duy tâm hay duy vật, mà bàn về nó như cơ sở lý thuyết cho đạo đức cao nhất. Triết gia Platon cho rằng Đạo Đức là cái cao nhất của con người. Và cái gì là lý thuyết cao nhất của đạo đức ngoài tôn giáo đây? Đồng đô la của Mỹ có ghi “Chúng ta tin cậy nơi Chúa Trời” (In God we Trust). Khi Tổng thống Bush và phu nhân sang thăm Việt Nam, cả hai đã đến dự lễ ở nhà thờ Cửa Bắc Hà Nội. Chẳng phải đức tin của ông cũng như cả nước Mỹ đã làm nên giá trị của họ cũng như nước Mỹ sao?!
NHĐ   11/06/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc khoan trúng "núi lửa", loay hoay trong sự bẽ bàng


Trung Quốc khoan trúng "núi lửa", loay hoay trong sự bẽ bàng
(Quan hệ quốc tế) - Giàn khoan Hải Dương 981 được sử dụng như một hòn đảo di động để giành chủ quyền, nhưng chính giàn khoan này đang lôi TQ vào một vũng lầy khó thoát
Mục đích và thực tế
Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc mang đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một giàn khoan nửa chìm, công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, được người Trung Quốc tung hô là "tượng đài của sức mạnh năng lượng Trung Quốc."
Tuy nhiên, không chỉ sử dụng trong mục đích kinh tế, giàn khoan này còn được Bắc Kinh sử dụng như một hòn đảo di động để áp đặt việc giành giật chủ quyền trên biển. Theo kế hoạch đề ra, Hải Dương 981 sẽ khoan thử nghiệm tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng thực tế, phía Việt Nam cho rằng nơi đây khả năng cao không có dầu. Vậy Trung Quốc muốn khoan cái gì ở đó?
Họ muốn khoan thử nghiệm vào phản ứng của thế giới trước sự ngang ngược, bất chấp của họ. Họ muốn khoan thử vào lòng dân Việt Nam, để xem xem sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, nhiều thế hệ mới ra đời, quen sống trong nhung lụa đầy đủ có còn lòng tự tôn dân tộc như ngày còn chiến tranh, còn nghèo khổ.
Có lẽ, đó mới chính là những mũi khoan mà Trung Quốc muốn thử nghiệm. Tiếc rằng, lần này Trung Quốc đã khoan phải miệng núi lửa chứ không phải mỏ dầu. Giàn khoan Hải Dương 981 đã kích hoạt lòng yêu nước của người dân Việt Nam, và đây cũng là thứ vũ khí mãnh liệt nhất, lợi hại nhất mà dân tộc nhỏ bé này có, từ bao đời nay.
Giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và tàu kéo bảo vệ
Giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và tàu kéo bảo vệ
Đồng thời, giàn khoan Hải Dương 981 đã làm Việt Nam tỉnh táo trước những sự hữu nghị viển vông. Như ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông hôm 23/5, khi phóng viên hỏi về vấn đề mối quan hệ hữu nghị và 16 chữ vàng với Trung Quốc: “Xin khẳng định việc chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc Việt Nam, nên không thể đánh đối được. Vàng rất quý, nhưng chủ quyền quốc gia còn quý hơn vàng.”
Việt Nam cũng nhận thấy rằng cần phải có những sự cẩn trọng hơn với Trung Quốc, từ chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự.... Một giàn khoan Hải Dương 981 như một giọt nước làm tràn ly, Việt Nam đã nhận thấy nhiều điều, cần xem xét nhiều thứ, mà trên hết, chủ quyền đang bị đe doạ.
Còn quốc tế, Bắc Kinh sai lầm lớn hơn trên phương diện này. Họ bày ra những lời biện minh ngây ngô, nào là tàu cá Việt Nam muốn tấn công giàn khoan nên tự chìm, nào là cảnh sát biển Việt Nam đâm lực lượng chấp pháp Trung Quốc 171 lần, nào là tàu kiểm ngư Việt Nam tấn công tàu cá vỏ sắt Trung Quốc...
Bắc Kinh quên rằng thế giới đang ở thế kỷ 21, khi đang ở trong một "thế giới phẳng," bạn sẽ không thể che giấu điều gì. Đây không phải cuộc đấu khẩu giữa Bắc Kinh và Hà Nội, bởi những phóng viên quốc tế đang làm nhiệm vụ tương tự như những quan sát viên Liên Hợp Quốc, và sự thực được phơi bày trước ống kính của họ.
Bà Phó Oánh - thiên tài hùng biện của Trung Quốc đã đến Shangri-la quyết đọ thiệt hơn
Bà Phó Oánh - thiên tài hùng biện của Trung Quốc đã đến Shangri-la quyết đọ thiệt hơn
Tại hội nghị Shangri-La 2014, theo phái đoàn của Trung Quốc có một nhân vật rất đáng chú ý là bà Phó Oánh. Nhân vật này được báo chí phương Tây xưng tụng là người phụ nữ có tài hùng biện nhất Trung Quốc, là "nắm đấm thép bọc nhung," là người có khả năng "thổi tung bất kỳ ai ra ngoài Trái Đất bằng lời nói." Nhân vật này đủ cho thấy Trung Quốc muốn hơn thua ở diễn đàn này.
Nhưng thực tế, dù cho có một Phó Oánh hay mười Phó Oánh thì một sự thực mà Bắc Kinh đang phải thừa nhận, chính họ đã tự thổi mình ra khỏi thế giới khi không nhận được bất kỳ một lời ủng hộ nào cho chiến lược, sách lược chủ quyền của họ.
Đồng thời, Trung Quốc đã tạo ra một cái cớ để Nhật Bản bất chiến tự nhiên thành. Thay vì chạy đua tiền bạc với Trung Quốc trong những gói đầu tư, những nguồn vốn vay ưu đãi, Nhật Bản bỗng dưng trở thành người nói lời chính nghĩa, là bậc quân tử. Nhật Bản tỏ ra cho ASEAN thấy có đại nạn mới tỏ tình bằng hữu, và ASEAN chắc chắn sẽ nắm lấy bàn tay mà Nhật đang chìa ra. Trong cuộc đua ngoại giao, ảnh hưởng này, Trung Quốc thua rồi.
Bị cô lập đã là tồi tệ, nhưng tự cô lập còn nguy hiểm hơn nhiều. Trung Quốc có cả hai hoàn cảnh này. Cái giàn khoan không có lỗi, lỗi là ở những người áp đặt mục đích lên nó, và Bắc Kinh không chỉ muốn khoan thử dầu mà còn muốn nhiều phép thử khác, và thực tế mọi phép thử đều khiến họ bẽ bàng.
Việt Nam có thể làm gì?
Dù biết rằng giàn khoan Hải Dương 981 kéo Trung Quốc vào một bãi lầy, nhưng thói dân tộc chủ nghĩa, quan điểm thiên triều ăn sâu vào tiềm thức những người lãnh đạo Trung Quốc thì khó có thể thay đổi. Họ cho rằng họ đang dư thừa sức mạnh, bãi lầy đang kéo họ xuống kia, họ lại nghĩ rằng đã đặt một chân lên việc hiện thực hoá giấc mơ đẹp về một Đại Trung Hoa.
Việt Nam lên án, thế giới phản đối, cô lập hoàn toàn, nhưng với giàn khoan này, Trung Quốc lâm vào ba trường hợp: hoặc cố đấm ăn xôi, chịu nhiều tốn kém, duy trì đến đúng lộ trình tháng 8 thì rút về. Hoặc rút ngay về nước hay một căn cứ quân sự nào gần đó. Ba là để luôn cái giàn khoan ấy ở lại Hoàng Sa hoặc xa hơn là Trường Sa.
Biện pháp một là thượng sách, hai là trung sách, ba là hạ sách với Trung Quốc. Nhưng nếu Bắc Kinh dùng phương pháp thứ ba, điều này chứng tỏ khát vọng, dã tâm của Trung Quốc là đã không thể kìm chế được nữa.
Trong những hoàn cảnh đó, Việt Nam làm được gì? Điều khả dĩ nhất lúc này là kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Nếu kiện, Việt Nam sẽ thắng. Nếu thắng, thì đó cũng chỉ là chiến thắng trên bàn ngoại giao, trên phương diện thủ tục pháp lý. Trung Quốc không phải một kẻ tôn trọng luật pháp cho lắm.
Ba tàu Trung Quốc vây đánh tàu kiểm ngư của Việt Nam
Ba tàu Trung Quốc vây đánh tàu kiểm ngư của Việt Nam
Bên cạnh đó, cần một sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị ở đây không chỉ là mua sắm khí tài quân sự hay tăng chi tiêu quốc phòng. Việt Nam cần phải có một sự đầu tư hơn về quan hệ quốc tế, chuẩn bị những đường lùi cho mình khi đối tác chính của nền kinh tế là Trung Quốc có trắc trở…
Và biện pháp tốt nhất vào thời điểm này, đó là quốc tế hóa, đưa vấn đề Biển Đông ra thế giới một cách công khai, Việt Nam có thể hoàn toàn mang những lợi ích kinh tế trên vùng đặc quyền của mình để hợp tác với đa dạng các quốc gia.
Làm được điều này, Trung Quốc có muốn nuốt Biển Đông cũng phải bước qua nhiều cường quốc, Việt Nam bất chiến tự nhiên thành.
Đỗ Minh Tú
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Chẳng lẽ thích sao làm vậy cũng là lý ư?

TRUNG QUỐC ĐÃ LÝ GIẢI VỀ LAI LỊCH ĐƯỜNG LƯỠI BÒ



TRUNG QUỐC ĐÃ LÝ GIẢI VỀ LAI LỊCH ĐƯỜNG LƯỠI BÒ

PGS TS Ngô Văn Minh

Từ sự thôi thúc bởi bản năng sở hữu sơ khai của một cá nhân

Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm ra đời của tấm bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra là do một người có tên Lâm Tuân của chính quyền Tưởng Giới Thạch chỉ huy chiến hạm mang tên Thái Bình đi tuần sát ở vùng biển phía nam của Trung Quốc để xem có còn tàn quân Nhật ở trên các đảo hay không, khi trở về căn cứ đã cùng thuộc hạ là mấy chuyên viên quan trắc, hoạ đồ xúm lại vẽ ra một tấm bản đồ gọi là Nam Hải chư đảo vị trí đồ (Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải) rồi chuyển cho Ti Phương vực Bộ Nội Chính của Trung Hoa Dân quốc đem in xuất bản vào tháng 10-1947.

Tuy nhiên, theo một khảo cứu có tên là Tùng vãn Thanh đáo Dân quốc đích địa đồ khang Nam hải quy thuộc (Quá trình quy thuộc Nam hải qua một số bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến thời kỳ Trung Hoa dân quốc) của một tác giả người Trung Quốc có tên và bút danh là Ni Bá Long Căn – Oa Đằng thì vào năm 1940 bản đồ Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh minh tế đồ đã thể hiện đường phân giới nhiều chấm liền nhau vẽ chiếu theo đường bờ biển của các quốc gia ở Biển Đông với hình dáng giống như hiện nay. 

Tác giả Peter Kien-Hong Yu, Giáo sư đại học Ming Chuan, trường Sau Đại học về Ngoại giao ở Đài Loan trong bài viết Đường chữ U (đứt khúc) trên biển Nam Trung Hoa lại cho rằng căn nguyên của đường chữ U, được Hu Jinjie, một người chuyên vẽ bản đồ người Trung Quốc, vẽ lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1914, sau khi nước Cộng hòa Dân Quốc giành lại nhóm đảo Dongsha (hay Pratas) từ đế quốc Nhật vào tháng 10 năm 1909 (theo lịch âm Trung Quốc). Các bản đồ của Trung Quốc xuất bản từ giai đoạn những năm 1920 và 1930 sau đó đều dựa trên bản vẽ của Hu về vùng biển này.

Đến tháng 12/1947 thì đường chữ U trên biển Nam Trung Hoa này được chính thức vẽ bởi Bai Meichu, một viên chức thuộc nhà nước Cộng hòa Dân Quốc vào tháng 12 năm 1947. Các vùng phía bên trong đường này được coi là các vùng nước lịch sử (historic waters). Peter Kien-Hong Yu cũng nói là không rõ khi vẽ nên các vạch như vậy liệu Bai Meichu có đủ kiến thức về luật hàng hải quốc tế trong thời điểm ông vẽ hay không, nhưng chắc “có nhiều khả năng là ông này chủ yếu bị thôi thúc bởi bản năng sở hữu sơ khai (nghĩa là như người ta thường nói quan điểm là 9 phần 10 của luật pháp)”.

Đến lối hành xử bá quyền, bành trướng của Nhà nước Trung Quốc

Chỉ từ tấm bản đồ do một cá nhân vẽ bởi bản năng sở hữu sơ khai như vậy, đến năm 1949 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời lại cho in thành sách và dạy cho trẻ con, khiến cho từ đó “Đường lưỡi bò” thấm vào các thế hệ người Trung Quốc, coi đó là lãnh thổ của người Trung Quốc và đang bị các nước khác gặm nhấm, cướp mất. Và rồi sau một thời gian dài không hề công bố với quốc tế, đến ngày 7/5/2009 chính phủ nước này mới chính thức yêu cầu Liên Hiệp quốc lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên, xem đây là vùng nước lịch sử của Trung Quốc, để yêu sách hơn 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, tức mỗi nước chỉ được trung bình 5%. 

Trong 1 tháng qua Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hóa nó bằng bước đi đầu tiên là hạ đặt giàn khoan nước sâu HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm đó khiến không chỉ Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế kịch liệt phản ứng, bởi nó được vẽ ra không căn cứ một cơ sở pháp lý nào; không có tọa độ rõ ràng; cả một thời gian dài không tuyên bố cho thế giới biết, không duy trì trên cái gọi là “vùng nước lịch sử” đó sự tồn tại của một quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà Trung Quốc đã giành được tôn trọng; lại bất nhất lúc đầu thì 11 vạch, về sau còn 9 vạch, nay lại thêm 1 vạch nữa, thành 10 vạch, mà không hề giải thích vì sao có sự thêm bớt như vậy!

Cái lối tư duy, hành xử đầy tính bá quyền, bành trướng của Chính phủ Trung Quốc như vậy khiến cho không chỉ quốc tế phản ứng mà ngay cả các học giả Trung Quốc có lương tri cũng phải lên tiếng. Giáo sư Hà Quang Hộ giảng dạy tại Học viện Triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phê phán: “Là con người phải biết giữ nhân tình. Chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm. Trong quan hệ giữa người với người, không chỉ biết yêu bản thân mà nhất định phải tính cả đến lợi ích của người khác… Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải (tức Biển Đông) được vẽ thành “biển nhà” của Trung Quốc như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người khác sống chứ”!

Thế giới lên tiếng và Trung Quốc đã trả lời!

Ngay cả Mỹ, mặc dù tuyên bố không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng thời gian gần đây, chỉ trong 3 tháng của năm 2014, Washington đã 2 lần yêu cầu chính phủ Đài Loan làm rõ ý nghĩa của đường 11 đoạn, mà họ vẽ ra năm 1947 và đang được Trung Quốc sử dụng với tên gọi “đường lưỡi bò 9 đoạn” để khẳng định yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ diện tích ở Biển Đông. Tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 5/2/2014 Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel nói rõ: “Việc Trung Quốc sử dụng ‘đường chín đoạn’ nhằm đòi hỏi các quyền lãnh hải mà không dựa trên các cấu trúc trên đất liền được tuyên bố sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh đòi hỏi về ‘đường chín đoạn’ của mình nhằm làm cho nó phù hợp với luật biển quốc tế”.

Thật ra thì Trung Quốc đã lý giải rất rõ ràng về lai lịch của đường lưỡi bò trước đây 2 năm rồi. Ấy là vào lúc 0g46’ ngày 23/3/2012 trên chuyên mục Luận đàm, Thời báo Hoàn Cầu (tên trên phiên bản tiếng Anh là Global Times, được quản lý bởi Nhân dân nhật báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã nói lên sự thật:

Năm 1930, chính vào 10 năm hoàng kim của Chính phủ quốc dân, một nhóm chuyên gia bắt đầu sử dụng thủ thuật tự vẽ “đường lãnh hải như một vòng tròn lớn hoa lệ ở biển Đông” để mở rộng lợi ích dân tộc. Một nhóm các chuyên gia du học từ nước ngoài trở về, trong tay cầm các bản đồ hàng hải của các nước Anh, Pháp, Mỹ. Rồi sau đó họ tìm kiếm các đảo khắp trên bản đồ, chỉ cần có lợi cho Trung Quốc là khoanh vào đấy một đường tròn. Còn một nhóm người trong nước, tuy không đi du học nhưng cũng có cách làm của mình. Họ lật giở hàng đống sách sử để tìm tài liệu. Tìm từ triều Thanh đến triều Minh, triều Minh rồi lại triều Nguyên, rồi lại chuyển sang tận đời Tống, Đường, tìm trong chính sử rồi lại tìm trong dã sử, lần theo con đường hàng hải thái giám Tam bảo” để rồi chỉ cần thấy “lão tổ tông (cha ông) đã đi qua nơi này, thấy rõ bãi cát nầy, nên đã vẽ lên trong sách nét bút nầy”. Thế rồi, Bắc Kinh đã “rất thẳng thắn kế thừa truyền thống của dân quốc, cũng ngay lập tức vẽ đường biên giới đến tận cửa nhà người khác, cho rằng “dải đất này đều là của chúng ta”.

Đường lưỡi bò đại bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông ra đời như vậy đó. Thế nên các nhà nghiên cứu mới gọi đấy là “lãnh hải chủ trương”, nghĩa là lãnh hải tôi chủ trương nó của tôi thì tất nó phải là của tôi! Chính vì vậy nên tại một hội thảo diễn ra ở Washington (Mỹ) do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức với sự tham dự của hơn 150 học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo đến từ nhiều nước, một học giả Trung Quốc tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời rằng: “Nếu bây giờ mà Chính phủ Trung Quốc bỏ đàm phán song phương, chấp nhận đàm phán đa phương về vấn đề chủ quyền biển Đông thì rất khó bởi lẽ chủ quyền tính theo “đường lưỡi bò” đã ăn sâu vào tiềm thức người Trung Quốc. Bây giờ biết làm thế nào?”./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn chương thời thổ tả:

TÌNH BẠN DZĂNG CHƯƠNG.
Một ông nhà văn đại gia ở Saigon và ông nhà thơ nghèo mắc bịnh ung thư ở miền Tây gặp nhau trên fb, ông nhà văn đại gia mừng rở :
- bạn hiền, tôi tìm bạn bấy lâu, nghe nói bạn bị bịnh hả, thôi ráng lên nghen, ghi cho tôi địa chỉ nhé.
Ông nhà thơ mừng trong bụng, ghi ngay địa chỉ và còn cẩn thận kèm theo số điện thoại. Mấy ngày sau, ông nhà văn đại gia nhắn:
- này bạn hiền, tôi vừa gửi cho bạn rồi.
Nhà thơ ung thư dè dặt hỏi với niềm hy vọng:
- gửi gì vậy ông?
- thì gửi tặng bạn cuốn truyện tôi mới in !

ngày 5/6/2014

Nhà văn TH. VI

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Để nguyên cái gì vậy thưa GS?

GS Phan Huy Le: Tra lai su that hinh tuong Le Van Tam

- "Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực" - GS Phan Huy Lê nhấn mạnh sau khi giải thích về hình tượng nhân vật Lê Văn Tám.

GS Trần Huy Liệu căn dặn chúng tôi phải nói lại
Bấy giờ là vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi có nhiều dịp làm việc với GS Trần Huy Liệu trong công trình khoa học do GS chủ trì và tôi được mời tham gia. Lúc đó, GS Trần Huy Liệu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện sử học. Ngoài những buổi họp ban biên soạn ở cơ quan, tôi có một số buổi làm việc với GS tại nhà riêng.
Ngoài công việc biên soạn công trình, GS thường trao đổi một cách thân tình những vấn đề thời sự sử học trong và ngoài nước, kể lại một số chuyện trong đời hoạt động cách mạng của mình. Trong những năm 1954 - 1956, khi tôi đang học ở trường Đại học Sư phạm/văn khoa Hà Nội, GS Trần Huy Liệu có đến giảng một số bài về cách mạng Việt Nam.
Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10 - 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã "dựng" lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.
GS Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.
Tôi nhấn mạnh là GS Trần Huy Liệu không hề “hư cấu” sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ “dựng lên”, theo cách nói của GS, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.
GS giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám.
Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
Cũng xin lưu ý là GS Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28 - 8 - 1945 đến ngày 1 - 1 - 1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1 - 1 - 1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2 - 3 - 1946, nghĩa là trong thời gian xảy ra sự kiện Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy, chứ không phải trong thời gian “1946 - 1948?” sau sự kiện trên.
Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.
GS Trần Huy Liệu là một con người rất trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi lĩnh hội lời dặn của GS như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm túc.
Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.
Ngày nay, từ đầu thế kỷ XXI nhìn lại, trong hoàn cảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ hơn 30 năm, đất nước đã giành lại độc lập, thống nhất, tôi xin đặt ra hai vấn đề sau đây để thế hệ chúng ta cùng bàn luận.
- Xác minh rõ sự kiện Kho xăng địch bị đốt cháy trong tháng 10-1945.
- Thái độ ứng xử đối với biểu tượng Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ nhất là cần cố gắng sưu tầm tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10-1945:
Tôi nói tư liệu đáng tin cậy trong trường hợp này không phải là các sách báo viết về sau này, mà là tư liệu gốc khai thác từ nhân chứng lịch sử hay những thông tin trực tiếp từ sự kiện thời bấy giờ và dĩ nhiên đều phải đối chiếu, xác minh một cách khoa học.
Nhân chứng lịch sử:
Tôi đã có dịp hỏi GS Trần Văn Giàu - lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, thì GS khẳng định có sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta đốt, nhưng không biết ai tổ chức và người nào thực hiện.
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông trong hồi ký viết rằng, người đốt Kho đạn Thị Nghè ngày 1-1-1946 không phải là Lê Văn Tám mà là tổ đánh mìn của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán (tạp chí Xưa & Nay số 154).
Tư liệu báo chí:
Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là “cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân”, tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa; báo Cờ giải phóng là “cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ.
Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ?- 10 - 1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Píetri với nội dung như sau: “Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Píetri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày.
Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17 - 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng”.
Ngày phát hành số báo, in ngày “thứ sáu”, số ngày không rõ và có người viết thêm bút mực con số 7, tiếp theo là tháng “10 - 45”. Theo lịch năm 1945, trong tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày đó và có thể xác định là ngày 19 - 10 - 1945.
Báo Thời mới số 6 ngày 28 - 10 - 1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau: “Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn.
Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho.
Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi.
Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.
Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt”.
Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời “Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm”.
Báo Cờ giải phóng ngày 5-11-1945, trong mục Mặc niệm: "trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam”, có đoạn đưa tin: “Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.
Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.
Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.
Dưới bản tin có ghi chú “Kèn gọi lính, ngày 8 - 10 - 1945”. Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8 - 10 - 1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8 - 10 - 1945, ít ra là ngày 7-10-1945.
Trên đây là một số thông tin lấy từ báo chí ở thời điểm gần nhất với sự kiện liên quan đến chuyện Lê Văn Tám. Tôi hi vọng là những người quan tâm đến chuyện này có thể tìm kiếm và thu thập thêm thông tin báo chí mà tôi chưa được tiếp cận.
Còn sự kiện quân ta phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8-4-1946 mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.
Trong những báo trên, thông tin sớm nhất là "Kèn gọi lính" do báo Cờ giải phóng trích đăng ngày 5-11-1945. Rất tiếc là tôi không tìm thấy báo Kèn gọi lính mà căn cứ theo đoạn trích của Cờ giải phóng. Theo thông tin này thì “một em thiếu nhi 16 tuổi” đốt kho đạn Thị Nghè trước ngày 8-10-1945, chứ không phải kho xăng Thị Nghè.
Báo Quyết Chiến ngày 19? - 10 - 1945 lại đưa tin “kho dầu Simon Píetri” bị “một chiến sĩ ta” đốt cháy vào trước ngày 17 - 10 - 1945. Kho đạn ở Sở thú và kho xăng ở Thị Nghè là hai địa điểm gần nhau. Như vậy theo những thông tin gần thời điểm xảy ra sự kiện thì vẫn còn phải tìm thêm cứ liệu để xác định là kho đạn hay kho xăng và thời điểm là ngày nào, chắc hẳn trước ngày 17 - 10 - 1945.
Rồi người thực hiện là “em thiếu nhi 16 tuổi” (Kèn gọi lính) hay “một chiến sĩ ta” (Quyết chiến) hay “anh dân quân tẩm dầu vào người” (Thời mới). Việc tẩm xăng vào người, lúc đó cũng đã gây ra sự bàn luận.
Thời mới đã bác bỏ chuyện người chiến sĩ tẩm dầu vào người xông vào kho xăng vì “không phải thế, làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho” và cho rằng người chiến sĩ phải “dùng mưu nhiều lắm” để lẻn vào gần kho xăng rồi mới “tẩm dầu vào người”, dùng súng bắn thủng các thùng xăng và châm diêm vào người, nhảy vào đám thùng xăng. Không biết tác giả dựa trên căn cứ nào nhưng về khách quan, cách trình bày này hợp lý hơn.
Với những thông tin đã tập hợp, tuy chưa đủ và còn một số khía cạnh chưa xác minh được (kho xăng hay kho đạn, thời điểm, người đốt) nhưng sự kiện kho xăng (hay đạn) của địch ở Thị Nghè (hay gần Thị Nghè) bị ta đốt cháy là có thật.
Ngay lúc đó, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hi sinh.
Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám”:
Trong bàn luận, cũng có người nghĩ rằng, “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” đã đi vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một “biểu tượng”, một “tượng đài” yêu nước. Tôi quan niệm hoàn toàn khác.
Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học. Dĩ nhiên, với trách nhiệm công dân, có những sự thật trong một bối cảnh cụ thể nào đó liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của dân tộc, nhà sử học chưa được công bố.
Về nguyên lý, mọi kết quả nghiên cứu sử học càng khách quan và trung thực, càng có tác dụng tích cực xây dựng nhận thức lịch sử đúng đắn và không có gì mâu thuẫn với các biểu tượng lịch sử, các tượng đài yêu nước có giá trị được nhân dân tôn vinh.
Ngay đối với những biểu tượng mang tính huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Con Rồng-Cháu Tiên, Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm..., kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng.
Ví dụ những phát hiện khảo cổ học về đồ sắt trong văn hóa Đông Sơn, kho mũi tên đồng ở Cổ Loa và gần đây, hệ thống lò đúc mũi tên đồng ngay trong thành Nội của thành Cổ Loa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt lõi lịch sử của hình ảnh ngựa sắt của Thánh Gióng, vai trò của nỏ thần của An Dương Vương. Chuyện vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm vẫn nguyên giá trị thiêng liêng, không hề bị ảnh hưởng bởi việc nghiên cứu giống rùa và tuổi thọ của rùa Hồ Gươm...
Biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” thực sự đã được quảng bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê Văn Tám. Lời dặn của GS Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám.
Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám.
Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên... mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật này.
Đến đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với lời dặn của cố GS Trần Huy Liệu, kèm thêm một số đề xuất để xử lý câu chuyện Lê Văn Tám. Tôi hoàn toàn không coi đấy là việc làm trái với phẩm chất trung thực hay lương tâm của nhà sử học, cũng không ảnh hưởng đến uy tín của GS Trần Huy Liệu và càng không làm đổ một biểu tượng hay tượng đài yêu nước. Tôi nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.
* Title do Tòa soạn đặt lại
GS Phan Huy Lê (Bài đăng trên Tạp chí Xưa&Nay số ra tháng 10 năm 2009)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Yêu muộn: ĐẠO NỖI ĐAU

Yêu muộn: ĐẠO NỖI ĐAU: Truyện ngắn T ự ngàn xưa, việc gắn giò chả với nghệ thuật, giường chiếu gắn với nhân sinh quan…., là việc không lạ. Những k... Phần nhận xét hiển thị trên trang