Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Bài này tuy cũ nhưng mới tình hình:



VĂN HÓA DUA

Mình đã định về. Ông anh ở huyện Con Dê lại bảo đi cùng với ông ấy một lúc. Ông ấy cần gặp một vài người, đi một mình “nó tơ hơ thế nào ấy”. Kinh nghiệm rồi, đã định không đi, nhưng khi ấy nể quá nên đành phải theo. Phàm là người dính chuyện bút nghiên, kinh doanh, ngoại giao.. khi độ cồn trong người quá mức đều không nên gặp ai.
Gặp người khi ấy chuyện nọ xọ chuyện kia, rất dễ sinh họa.
Nhớ năm du hành phương nam, ngày ba bữa bia rượu, chẳng mấy lúc tỉnh táo. Gọi là “đi thực tế để lấy tư liệu sáng tác” nhưng chả tích lũy được gì ngoài cái kinh nghiệm: - Khi say nói càng ít càng tốt. Mà tốt nhất đừng nói gì!
Buổi tối ở Quang Trị, nửa đêm phởn lên, ông “chánh đoàn” rủ mình với hai ông nữa đi chơi phố. Đến quãng đường vắng vẻ chỗ cây cầu gãy hồi chiến tranh lão ý dừng lại, có vẻ bồi hồi xúc động lắm. Ngắm ngía một thôi một hồi, mình cứ tưởng lão tìm nhà quen. Không hiếm ông cán binh hồi đó có “cơ sở” cũ trong này. Ông anh họ mình cũng có một nơi như thế. Ông ấy thường vẫn nhờ mình làm chân liên lạc cho sự bí mật của mình. Vợ ông từ ngoài bắc vào lúc nào cũng cháo ám kè kè, có muốn tắc tế cho người ta cũng khó. Không lẽ để người ta ôm con đỏ bơ vơ trong lúc đời sống khó khăn?
 Cám cái cảnh ấy mình đành nhận lời, thực lòng mình không đồng tình với lối ăn ở hai mang như thế này của ông ấy. Sau này bà vợ phát hiện ra, giận mình lắm, thỉnh thoảng còn trách lóc mình mãi đến tận bây giờ. Mãi đến ngày bà ấy dứt quyết buộc chồng về quê, nếu không làm dữ đến tổ chức đảng, chuyện mới chấm dứt. Nghĩ cũng tội cho ông anh mình. Vì cái lon thiếu tá hồi bấy giờ đành dứt áo ra đi, ngậm cay, nuốt đắng trong lòng rời bỏ nơi có giọt máu của mình để lại...Năm ngoái ông ấy trước lúc nhắm mắt cứ nhìn mình chằm chằm như nhắn nhủ điều gì, nước mắt ứa hai bên khóe mắt. Tắt thở đã lâu rồi, người nhà mãi mới vuốt được mắt cho ông ấy.
Thấy thái độ chùng trình của chánh đoàn lúc ấy làm mình chợt nhớ câu chuyện đó.

Nhưng thực ra không phải. Chẳng qua lão làm bộ làm tịch, “diễn” với bọn mình lúc đó về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của lão thời bấy giờ.
Lão chỉ chỗ nọ, chỗ kia lão bắn chết được mấy thằng. Chỗ lão suýt bị bọn chúng bắn chết ra sao. Mình chỉ biết nghe, không tham gia câu chuyện. Chợt lão phó kéo áo mình lui lại nói nhỏ vào tai: “Lại phét đấy. Đừng có nghe. Ngày xưa lão ở 559 mãi bên Lào, đâu có ở đây ngày nào mà bắn với chả giết?” Mình ngạc nhiên, không biết lão ấy nói vậy để làm gì?
Cả bọn đi thêm một quãng, có một quán rượu ngoài trời, lão lúc ấy đang cao hứng bảo cả bọn dừng lại: “ Làm chầu nữa rồi về ngủ cho ngon giấc”. Lão phó có vẻ không bằng lòng, hai bên từ lâu chỉ bằng mặt không bằng lòng nhau. Phó ta cố nhịn chờ vài tháng nữa lão về mẹ đĩ mình lên thay. Ngồi uống rượu mà đầu óc cứ để đâu đâu. Rượu ngoại hẳn hoi mà chả thú vị gì.
Người ta ăn khi đói, rượu cũng vậy phải là lúc thèm nó mới thấy rượu là rượu ngon. Đủ chén, hay quá chén rồi còn biết gì hay dở, ngon hay không ngon?
Lão lên giọng thày đời dạy người ta nên như này, nên như khác. Rồi khoe cuốn TT mới ra đang được dựng thành phim như thế nào? 
Mình quen lão cũng đã lâu, trình văn vẻ, học vấn của lão đâu có lạ?
 Chẳng qua người ta cơ cấu cả trong việc in ấn, phát hành, thổi thơm vì cương vị chứ đâu phải tài năng sáng tạo gì? Đang lúc giá trị văn chương nghệ thuật đang bị méo mó về các lối pờ rồ, lăng xê, bốc thơm bốc thối nhau nhặng xị thế này, giá trị thực rất khó xác định, chủ yếu là văn hóa a dua, a tòng theo “bề trên”. Chẳng nhớ lúc đó mình nói câu gì, đại thể ý như thế, lão vằn mắt rủa xả mình không còn câu nào để nói. Nhà văn gì mà nói chua, nói bẩn không thể tưởng tượng được. May mà lúc ấy chút“sĩ” giang hồ của mình đã nguội được vài năm, không thì  lão lỗ mũi ăn trầu là cái chắc!
Sau đó lão giận, thù mình đến mấy năm trời, làm mình có lúc điêu đứng. Rồi những câu chuyện nhăng nhít lão nhặt ở đâu về gán cho mình. Miệng kẻ sang như lão nói đương nhiên có nhiều người tin. Mãi sau này về vườn rồi lão mới thôi, trở lại bình thương với mình, mọi người mới ngã ngũ ra là lão nói xằng. Nhưng cái tội cao ngạo, dạy đời của lão vẫn chưa bỏ hẳn, nên bàn bè dần dần thưa thớt chẳng còn ai.
Bây giờ lại cái ông ở huyện Con Dê này rủ vào nhà lão chơi, mình đâm lưỡng lự..

Ông HK thì bảo: “Tao chịu chú mày, như nước mới lửa mà vẫn chơi được với nhau, Anh thì chào thua. Các chú có công việc đến thì cứ đến. Tay khôn lỏi đó, anh không vào đâu”.
Mình không nài thêm.
Chơi hay không chơi với ai là quyền của mỗi người. Mấy bác có tuổi thường hay cực đoan việc này, không thích ai muốn người khác không thích theo. Mình khác. Mình có “Độc lập, tự do” riêng của mình, nhưng vẫn từ tốn bảo bác ấy:
- Bạn văn nghệ đâu có nhiều? Ai cũng chê trách cả thì bỏ tất hay sao? Buồn lắm bác ạ. Với lại em cũng học cái anh “tàng hình”, đã là ti vi phải có nhiều kênh, ai em cũng chơi, miễn là biết được tốt xấu để học hỏi, hay nên tránh, không đơn điệu lắm. Kính bác về nghỉ trước!”
Mình vào. Đã thấy ông “NÓI HAY” ở đấy. Ông này mình không nhớ tên, Ổi hay Na gì đấy. Cứ tạm gọi là ông Ổi cho dễ nhớ. Ông Ổi bắt tay mình rất nhanh, cái bắt tay xã giao chẳng lấy gì làm mặn mà lại có phần quan cách. Nhà văn nhớn giới thiệu người đến trước kẻ đến sau để đôi bên làm quen. Ông Ổi cười cười:
- Thì ra đây là tác giả, tôi vẫn thường đọc của anh. Độc đáo và táo bạo, viết có gan lắm!
Mình chưa hiểu đấy là ông ấy khen hay ông ấy chê? Nên chưa biết nên nói như thế nào. Nhờ có rượu, men nói hộ:
- Nhà em viết VKG thôi, cảm ơn bác quá khen!
Nhà văn chủ nhà trừng mắt nhìn mình:
- Cậu biết đây là ai không? Nói vớ nói vẩn, trên người ta đánh giá..
Rồi lão làm luôn một chặp:
- Tay này ruột để ngoài da. Tính nó lôm côm thế nên đời nó khổ.Chả giữ được cái gì trong miệng, thông thốc như ống nứa..Đừng để ý, đừng để ý..
Mình bực. Mình nào có nói gì sai đâu? Lão í cứ làm như mình“phạm húy”
 không bằng! Mà có sai thì mình chịu chứ bận đếch gì đến lão phải cải chính hộ?
Hình như, về hưu rồi lão vẫn còn sợ ông NÓI HAY thì phải? Một cái sợ mơ hồ ám ảnh, len sâu vào tiềm thức..
 Nhiều ông về hưu rồi chả ý tứ gì nữa, nói vung tý mẹt. Nói cả những câu, những điều tại vị không dám nói. Như là một cách cải chính lại, sám hối lại quá trình lầm lạc đã qua, hoặc cố tỏ ra như thế.
Nói thật, mấy ông này mình không phục lắm. Có gan, nói mẹ lúc đương chức đương quyền. Sau này nói vuốt đuôi thì ăn thua gì? Chẳng qua cách của mấy anh hèn học oai, chơi sang, việc qua rồi mới ra cái điều..!
Nhưng kiểu giữ ý mãi như lão này mình không dám khinh, nhưng cũng không trọng. Đó là “Văn hóa a dua”, lựa theo người trên mà làm. May mà chỉ viết lách, văn nghệ văn gừng chả ảnh hưởng đến ai. Hoặc có ảnh hưởng cũng không có hậu quả cụ thể. Nó mơ hồ như sương khói thế gian chả làm ai chết ngạt, hay nhức đầu sổ mũi. Chỉ làm người ta không thích hoặc không dễ chịu. Lão là con người máy móc khó thay đổi. Kết tinh ngàn đời của “nền văn minh lúa nước”, ít có táo bạo, tìm tòi, thay đổi, chỉ theo thói quen gọi là “tập quán”!
Lão vốn tinh quái, hình như đoán được mình đang nghĩ gì, nói luôn:
- Tớ phải mất ba ngày mới đọc xong bản thảo của cậu. Phải viết lại, viết thế hỏng chưa phải là TT.
- Bác nói cụ thể hơn xem nào:
- Này nhá, TT phải có chương có hồi. Có bố cục chặt chẽ, có tuyến nhân vật chính diện, phản diện, có “câu chuyện”.. Đọc cậu tớ chẳng biết cậu nói cái gì?
- Nghĩa là em không theo cách truyền thống của bác? Thế bác đọc “Linh Sơn” của CHK, đọc “Xe lên xe xuống” của NBP chưa?
Lão cáu:
- Tao đọc đéo gì mấy thứ đấy. Đó là văn chương phản động, không phải HTXHCN. Học theo để toi à?
Tôi thực sự ngạc nhiên. Người khác “thẩm văn” thế nào tôi không nói. Nhà văn nhớn như lão mà nghĩ vậy, chả trách văn đàn luôn luôn có tranh cãi, luôn luôn có “vấn đề”
Khốn nỗi bản thảo của mình đang nằm trong tay lão. NXB không hiểu kiểu gì lại nhờ lão đọc của mình. Lão mà phán vài câu văng mảnh là số phận của TP đi đời. Có khí mình còn bị làm khó cũng nên.
Mình đành bảo:
- Hội luôn khuyến khích anh em tìm tòi sáng tạo. Em cũng cố tìm một cách thể hiện mới. Cấu trúc của TT có chút thay đổi không theo lối thông thường. Kể cả trình tự cũng không theo thời gian. Nếu người đọc không chú ý, hoặc đọc một cách hời hợt đúng là không nắm được cốt lõi của câu chuyện. Nó vẫn có bố cục kín đáo, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, dẫn dắt mờ và sâu bên trong.. Bây giờ bác nói em mới vỡ ra nhiều điều. Có thể em làm chưa đạt, nhưng bác đọc lại lần nữa xem..
Lão cũng đang “xỉn” chả kém gì mình, nên chả ý tứ gì:
- Có cái chó gì mà phải đọc đi đọc lại? Tớ bảo hỏng là hỏng, còn nghe hay không là quyền của cậu!
Người ta bảo “Văn mình vợ người”. Ai chả cho rằng văn của mình hay? Nhưng trường hợp này hoàn toàn không phải. Mình không bảo thủ ý kiến cho mình viết như thế đã là được. Văn chương muôn đời là cái chỉ đến gần chứ chưa ai qua được bao giờ. Nhưng cách lão chê phũ phàng như tát nước vào trước mặt người khác, ai mà chịu nổi?
Không phải mình sĩ với ông HÁT HAY tên là ổi, hay với ông nhà thơ xứ CON DÊ mà mình phản ứng đâu.
Đau là ở chỗ, dù sao tác phẩm cũng là đứa con tinh thần của mình bị vùi dập, coi như không có, không đáng gì!
Chẳng may bạn có đứa con sứt môi, chả lẽ bạn không yêu thương nó sao? Bạn không phát khùng lên khi có người khác chế nhạo, chê cười nó trước mặt bạn và đông đảo mọi người?
Có thể lúc khác lão ấy góp ý riêng với mình, nói sao cũng được. Cần lắm được người ta chê, để biết chỗ khuyết của mình để sửa chữa, bổ sung vào.
Toàn khen nhau, khen lấy được chưa chắc đã hay. Điều này mình biết.
Nhưng lão chê lần này là có dụng ý khác. Va với lão vài lần, biết cách thù dai của lão nên mình hiểu. Người này dù có say, cũng luôn có chủ ý. Lão đã rèn được cái bản lĩnh ấy từ bao năm tháng rồi. Không phải ngẫu nhiên lão ấy thành công. Lại là thành công quá mức thực ra đáng được ghi nhận..
Biết khen biết chê theo ý người khác là lối văn hóa a dua, a tòng. Nhưng làm được thế đâu phải dễ?
Nhất là dạng vẫn ương ương dở dở như mình!
**
Có những cuốn sách nằm lăn lóc ở thư viện hàng chục năm trời chả ai để ý. Người ta không quan tâm vì nó chẳng có gì hay để đọc. Văn chương không có tư tưởng, không có tính triết lí nhân sinh, không có chính kiến riêng của tác giả đó là thứ văn chương vô hồn, người ta không để mắt đến là chuyện đương nhiên. Chữ nghĩa lại thực thà ngô nghê kiểu bà già nhà quê kể chuyện, vừa ngô nghê vừa lủng củng, ai đọc làm gì?
Nhưng bỗng một ngày mát giời nào đó, một ông “quan trọng”, hay một bà “chức năng” nào đấy, vì một lẽ nào đấy nhấc nó lên, khen vài câu..Thế là cả đám ào vào khen thêm. Thi nhau phát hiện cái hay tiềm năng vốn không có gì, bỗng chốc sáng lòe! Thật là kì lạ, nực cười hết chỗ nói.
Rồi.. một thằng cha căng chú kiết vô danh tiểu tốt, đang làm ăn mờ ám ở đâu đấy đang muốn dùng chữ nghĩa, văn chương và chút danh hờ của nó làm cái thuẫn đỡ tên. Nó bỏ ra dăm ba chục triệu thuê người chuyển tác phẩm giống giống người khác ấy thành kịch bản, dựng phim. Thế là có tác phẩm lừng lững, “trên cả tuyệt vời”!
Cả nước mới ớ ra là lâu nay mình vô tình. Văn tài xuất hiện từ lâu rồi mà mình không biết!
Rồi thi nhau thổi hơi. Hết đăng đàn trên báo, lại đến các em làm luận văn tốt nghiệp đại học. Có chị còn làm luận văn tiến xí tiến xiếc! Hiệu ứng đô mi nô đổ theo ầm ầm..
Đúng là thời kinh tế thị trường có định hướng, có khác. Công nghệ quảng cáo, pờ rồ phát huy tác dụng của nó lên đến đỉnh điểm luôn.
Lúc đầu các bác  ấy còn có vẻ e thẹn. nói năng rất khiêm tốn thận trọng. (Thực lòng các bác ấy cũng biết mình “chả đi đến đâu”, e thẹn là phải ). Xong lâu rồi thành quen, cũng tưởng mình hay thật. Bắt đầu ngoa ngôn, loạn ngữ chả coi ai ra gì. Thấy thiên hạ toàn thứ cỏ giả, chỉ mình mới thực tài. Thật thương và buồn lắm thay.
Mình biết có những cuốn sách hay chịu thiệt thòi vì không có cái may mắn ấy. Hoặc có cái không may lỡ một vị quan trọng nào đấy đọc qua loa, chưa biết hay dở đã chê. Số phận của các tác giả tác phẩm này thật là thiệt thòi.
Ừ thì cũng phải. Thời nào chả quên, chả sót, vẫn có người áo gấm đi đêm. Vẫn có kẻ ăn may, có anh thô thiển vừa đi vừa xì hơi mà vẫn ngất ngú, ngồi chỗ cao, được thiên hạ khen sái quai hàm!
Cái gọi là công bằng, công tâm, đúng đắn tuyệt đối chả bao giờ có. Chưa nói đến tiêu cực, nhũng nhiễu do thiếu công khai minh bạch cộng với lòng đố kị hẹp hòi hay thù vặt!
Có bàn đến rằm tây đen cũng chẳng hết chuyện.
Đang lúc nước sôi lửa bỏng này bàn mãi chuyện cực chẳng đã không nên bàn, e không phải đạo làm người. Mấy cái tàu “nước lạ” đang rình mò ngoài khơi. Có cái đã liều mạng vào cắt cáp tàu của mình, tin kinh tế tiếp tục suy trào vào năm tới.. Toàn những tin quan trọng chết người cả.
Chuyện văn, chuyện đời bàn vào lúc này như câu chuyện thừa, chưa đúng lúc. Thế nên chuyện hay dở của mấy bác nhà nọ nhà kia tốt nhất là miễn bàn.
Ai hay thì ấm thân mình. Chẳng qua xả bớt một chút cho đỡ troét mà thôi! Đầu óc cần tỉnh táo quan tâm nhiều thứ khác thiết thực, gay go hơn vào lúc này..
Có điều gì không phải các bác bỏ qua và góp ý cho  nhá!
========


Hiện tượng lạ, ngày "bỗng thành" đêm ở TP Hạ Long


Từ 9h05’ đến 9h15’, ngày 3-4, tại khu vực Hòn Gai, TP Hạ Long xảy ra hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, trời đột nhiên tối sầm như ban đêm. Trên các tuyến phố, phương tiện tham gia giao thông, nhà dân đã phải bật đèn, mọi người đổ xô ra cửa nhà chứng kiến hiện tượng lạ.

Trời bỗng nhiên tối sầm vào lúc  9h05'.
Trời bỗng nhiên tối sầm vào lúc 9h05'.

Ngày bống
Ngày bỗng "biến thành" đêm.
Các phương tiện tham gia giao thông bật đèn giữa
Các phương tiện tham gia giao thông trên đường Nguyễn Văn Cừ bật đèn giữa "ban ngày".
Khu vực chợ Cột 5 cũ.
Khu vực chợ Cột 5 cũ.
Nhà dân bật đèn
Nhà dân bật đèn sáng trưng vào lúc 9h08'.
Mọi người ra xem hiện tượng thiên nhiên lạ.
Mọi người ra xem hiện tượng lạ của thiên nhiên.
Sau 10 phút
Sau 10 phút, TP Hạ Long bừng sáng trở lại.

Thái Bình


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Có một cơ hội bị bỏ lỡ - Tư liệu lịch sử quý giá

Sai Gon Online:Thứ tư, 02/04/2014, 23:31 (GMT+7)
Với độ dài 60 phút và được thực hiện trong hơn 2 năm, bộ phim tài liệu Có một cơ hội bị bỏ lỡ (kịch bản: Nguyễn Mộng Long, đạo diễn: Nguyễn Mộng Long - Uông Thị Hạnh), là phim tài liệu khá tốn kém về thời gian cũng như công sức thực hiện. Bộ phim giúp thế hệ hôm nay hiểu một cách thấu đáo hơn về cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập, về ước vọng hòa bình của cả dân tộc. 

Đề cập đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhưng Có một cơ hội bị bỏ lỡ cho người xem thấy một khía cạnh khác, rất con người, rất nhân văn, về những mất mát, đau thương cho cả hai phía. Người xem sẽ thật sự bất ngờ với những chi tiết lịch sử được công bố trong phim, như: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman vào ngày 16-2-1946; những tiếp xúc của Bác Hồ với lực lượng Mỹ được thiết lập từ tháng 3-1945, sau sự kiện trung úy R. Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng và đưa trở lại Côn Minh; Bác Hồ gặp tướng C. Chenault tư lệnh không đoàn 14 (Mỹ) tại Côn Minh và hai người đã có những mối thiện cảm; những bức điện, thư của Bác gửi Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ; về biệt đội Con Nai với 7 người đã nhảy dù xuống Tân Trào sống cùng Việt Minh huấn luyện các kỹ năng quân sự cho quân du kích…
Đạo diễn Nguyễn Mộng Long (bìa phải) và đạo diễn Uông Thị Hạnh với ông Henry Prumier (thứ hai từ phải qua) tại nhà ông Henry.
Đoàn phim đã cất công sang Mỹ, tìm gặp và trò chuyện với ông Henry Prumier, người lính Mỹ duy nhất còn sống, trong số 7 người của biệt đội Con Nai năm xưa, nghe ông kể những kỷ niệm khi sống cùng Việt Minh và ấn tượng ông nhớ mãi là những cuộc gặp gỡ giữa đội Con Nai và Chủ tịch Hồ Chí Minh - người theo trí nhớ của ông là “tuy gầy gò vì lúc ấy ông Hồ Chí Minh đang ốm, nhưng đó là một người có đôi mắt rất sáng, rất đặc biệt”. Được nhìn lại một số hình ảnh mà ông Henry Prumier còn giữ được cho đến tận hôm nay, đó quả là những bức hình thật sự quý giá, về một giai đoạn lịch sử ít người biết tới. 

Vì là bộ phim tài liệu độc lập (không do kinh phí và hãng phim nhà nước thực hiện), nên ngay khi tiến hành làm phim, đạo diễn Nguyễn Mộng Long đã có chút băn khoăn lo lắng, vì những vấn đề nhạy cảm mà phim sẽ đề cập tới. Nhưng với sự đóng góp tích cực từ Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Mỹ, cả hai đạo diễn có thêm tự tin và quyết tâm thực hiện bộ phim này, dù lúc ấy vẫn chưa biết phim sẽ đến với công chúng rộng rãi bằng cách nào? Giờ đây, khi phim vừa giành được nhiều giải thưởng: Giải Bông sen Vàng cho phim tài liệu xuất sắc nhất; Bông sen Vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất (Tại LHP Việt Nam lần thứ 18); Giải Cánh diều Vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất; Cánh diều Bạc (không có vàng) cho phim tài liệu xuất sắc nhất, Có một cơ hội bị bỏ lỡ sẽ được phát sóng trên một số đài truyền hình.

NHƯ HOA


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tổng thống bị lật đổ của Ukraine Viktor Yanukovych nói rằng:


‘Tôi đã sai khi mời quân Nga vào Crimea’


Các lực lượng thân Nga đã kiểm soát hoàn toàn Crimea sau khi ông Yanukovych bỏ chạy
Tổng thống bị lật đổ của Ukraine Viktor Yanukovych nói rằng ông đã ‘sai’ khi kêu gọi Nga đưa quân vào Crimea và hứa sẽ thuyết phục Nga trả lại khu tự trị này cho Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ ông tháo chạy sang Nga hồi cuối tháng Hai, ông Yanukovych nói với hãng tin Mỹ AP và kênh truyền hình NTV của Nga rằng ông vẫn hy vọng sẽ đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để trả lại vùng đất này cho Ukraine.

‘Thảm họa’


Tuy nhiên ông cũng cho rằng ‘thảm họa’ lẽ ra đã không xảy ra nếu ông không bị lật đổ. Ông đã bỏ chạy sang Nga sau ba tháng diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ của ông.“Crimea là một thảm họa, một thảm họa lớn,” ông Yanukovych nói với AP.
Ông cho biết ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi đến Nga và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội gặp các nhà lãnh đạo để đàm phán về việc trả lại Crimea.
“Chúng tôi phải đặt ra nhiệm vụ và tìm cách trả Crimea về Ukraine với bất cứ điều kiện nào để Crimea có mức độc độc lập cao nhất có thể... nhưng vẫn là một phần lãnh thổ của Ukraine,” ông nói.
"Nguyên tắc của tôi mà tôi luôn tuân thủ là không có quyền lực nào phải trả giá dù chỉ bằng một giọt máu."
Viktor Yanukovych, tổng thống bị lật đổ của Ukraine
Yanukovych nói ông và Putin đã có cuộc nói chuyện ‘điềm tĩnh’ nhưng ‘khó khăn’.
Ông nói cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc sáp nhập vào Nga diễn ra chỉ hai tuần sau khi các lực lượng thân Nga kiểm soát bán đảo này là ‘sự đáp trả đối với đe dọa từ những kẻ dân tộc cực đoan ở Ukraine’.
Khi còn là Tổng thống Ukraine, ông Yanukovych đã thúc đẩy các cuộc trưng cầu dân ý ở địa phương để cho phép một số nơi của Ukraine được quyết định mô hình chính quyền địa phương của mình.
Khi được hỏi về dinh thự xa hoa của ông ở ngoại ô Kiev – vốn đã làm cho người dân Ukraine phẫn nộ với sự giàu có tráng lệ trong lúc đất nước đang kiệt quệ về tài chính – ông Yanukovych bác bỏ cáo buộc ông tham nhũng.
Ông tự hào kể về bộ sưu tập xe hơi cổ nhưng nói ông chưa bao giờ nhìn thấy những ổ bánh mì bằng vàng mà người ta tìm thấy trong dinh thự.
Nga vẫn xem Yanukovych là tổng thống của Ukraine
Ông cũng khẳng định không hề ưu ái hay cho con trai những ân huệ. Người con trai này, vốn trở thành tỷ phú từ một nha sỹ, đã có được những tài sản sinh lợi nhiều nhất ở Ukraine.
Ông nói những người thân cận ông còn nói ông quá nhẹ tay với những người biểu tình và rằng ông không hề muốn sử dụng bạo lực trấn áp.
Hơn 100 người chết trong các cuộc biểu tình trên đường phố Kiev hồi tháng 1/2014 và tháng 2/2014, nhiều người trong số này bị bắn tỉa.
Ông Yanukovych cho rằng những nạn nhân này là do phe đối lập, chứ không phải cảnh sát chống bạo động, bắn.
“Cá nhân tôi không ra lệnh nổ súng,” ông nói.
“Theo như tôi biết thì loại vũ khí này không hề được giao cho lực lượng đặc biệt bảo vệ các cơ quan nhà nước.”
“Nguyên tắc của tôi mà tôi luôn tuân thủ là không có quyền lực nào phải trả giá dù chỉ bằng một giọt máu,” ông nói thêm.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn chương và đỉnh cao



Chúng ta vẫn thường than thở, tại sao không có tác phẩm văn chương đỉnh cao (hay tác phẩm văn chương lớn, tầm cỡ). Ngay trong giai đoạn này, khi Hội Nhà văn Việt Nam đang tiến hành một cuộc tổng kết quy mô lớn những thành tựu văn học của giai đoạn chống Mỹ, bằng một cuộc hội thảo lớn và ra mắt hai tuyển tập thơ và văn xuôi; cũng có thể nhận thấy tầm vóc của thơ nhỉnh hơn văn xuôi. 
Thẳng thắn nhìn nhận, nền văn học hiện đại Việt Nam vẫn chưa thấy xuất hiện những tác phẩm văn chương đỉnh cao. Không riêng văn học, nhiều ngành nghệ thuật khác của chúng ta cũng vậy. Đi tìm căn nguyên là một việc không đơn giản. Trong Tạp chí Lý luận Phê bình số 17 (tháng 1-2014), nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đề cập vấn đề này với bài viết: 8 lý do chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao. Đó là: Hiện nay chưa xuất hiện thiên tài văn chương. Thiếu vắng nhà văn có tư tưởng lớn. Chưa đam mê quyết liệt, không dấn thân tận cùng. Nhà văn Việt Nam đang bị tán tài. Nhà văn thiếu sự liên tài. Nhà văn thiếu những bi kịch lớn. Nhà văn bị biên tập dữ dội, rồi cuối cùng nhà văn sợ hãi tự biên tập mình. Một nền phê bình yếu và thiếu cũng không kích thích sáng tạo văn chương. 

Giải thích một trong nhiều nguyên nhân, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, nhà văn Việt Nam hiện nay hầu hết là công chức, làm việc ăn lương ở một cơ quan nhà nước và viết văn bằng tay trái. Một bộ phận không ít nhà văn đang cùng lúc đảm nhiệm nhiều công việc. Vậy thì, giải thích thế nào nhiều trường hợp các nhà văn lớn với những tác phẩm lớn của thế giới, họ cũng là công chức, họ cũng làm cùng lúc nhiều công việc chẳng liên quan gì đến văn chương. Còn cứ phải đi nhiều, biết lắm mới có tư tưởng lớn; thế gian này biết bao người đi rất nhiều, biết rất lắm hơn gấp bội nhà văn sao họ không trở thành nhà văn. Và ngược lại nhiều nhà văn cũng đi nhiều biết lắm, sao họ không có những tác phẩm lớn để đời? Trường hợp nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc (Giải Nobel văn học 2012) là một ví dụ. Mạc Ngôn không đi nhiều, ông chỉ quanh quẩn ở vùng quê ông là Cao Mật và nhiều tác phẩm lừng danh của Mạc Ngôn đều lấy Cao Mật làm bối cảnh. Đời sống và hoạt động viết văn của Mạc Ngôn cũng không khác cuộc sống của nhiều nhà văn Việt Nam. Vậy mà Hội đồng giải Nobel vẫn trao giải cho các tác phẩm của Mạc Ngôn, bởi tầm cao của tác phẩm. Mạc Ngôn cho ta biết một điều: “Tôi mang cả thế giới về Cao Mật”. 

Không có tác phẩm đỉnh cao đó là chúng ta đang thiếu những nhân cách lớn. Tư tưởng lớn sẽ vượt lên thời đại. Nhân cách lớn sẽ vượt lên hoàn cảnh sống, bối cảnh sống. Việt Nam có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An chính bởi các cụ là những nhân cách lớn mà người đời mãi mãi kính trọng, ngưỡng mộ. Nhân cách không phải là thứ gì cao siêu, đấy là những phẩm chất cao đẹp của con người được hấp thụ rồi thể hiện ra bằng những ứng xử trong đời. 

Tất cả những lo toan mưu sinh hay công này việc kia là lẽ thường cuộc sống con người. Làm nhà văn phải tự biết cân đối mọi việc và phục vụ cho việc viết văn, đừng thở than, trách cứ hay đổ lỗi cho hoàn cảnh… 

Nhân cách lớn chỉ có khi trong mỗi con người không có sự đố kỵ, ghen ghét, bon chen, trục lợi, háo danh, hư danh… Và, cao hơn hết thảy là sự nhân ái, bao dung, đức độ. 

Tài năng văn chương là trời phú, nhưng không lao động nghiêm túc thì cái tài ấy cũng mai một. Có tài năng văn chương, có tư tưởng lớn, có nhân cách lớn, chắc chắn những giá trị văn chương lớn sẽ được sáng tạo.
CAO MINH


Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỨC TẶNG TRUNG QUỐC BẢN ĐỒ KHÔNG CÓ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA


(Tin Nóng) Trong chuyến thăm Đức vừa qua, ngày 28.3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ Trung Quốc in năm 1735, trên đó biên giới Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, theo tạp chí Foreign Policyngày 1.4.


Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc xem bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ 18 do Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville (Pháp) vẽ, tại Phủ Thủ tướng Đức ở Berlin tối 28.3 - Ảnh: Cơ quan báo chí chính phủ Đức (BPA)

Tấm bản đồ này do nhà bản đồ học người Pháp, ông  Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được một nhà xuất bản Đức in năm 1735. Thủ tướng Đức tặng bản đồ cổ này cho Chủ tịch Trung Quốc trong buổi chiêu đãi tối, trong phần trao đổi quà tặng.
Bản đồ của d'Anville dựa trên những khảo sát địa lý của các đoàn truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc và được xem là "tổng kết hiểu biết của châu Âu về Trung Quốc thế kỷ 18".
Tấm bản đồ này, theo chú thích tiếng Latinh trên đó, chỉ ra một "Trung Quốc đích thực", trong đó khu trung tâm Trung Quốc chủ yếu là người Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, hay Mãn Châu. Còn hai đảo Đài Loan và Hải Nam được thể hiện bằng biên giới khác màu với biên giới Trung Quốc đích thực.
Dĩ nhiên là hoàn toàn không có Hoàng Sa, Trường Sa trong tấm bản đồ thế kỷ 18 này.
Báo chí Trung Quốc đã không công bố bản đồ d'Anville, mà lại đưa ra bản đồ khác và nói đó là bản đồ bà Merkel tặng (!). Bản đồ này của nhà bản đồ học người Anh tên John Dower, được nhà xuất bản Henry Teesdale & Co. in ở London năm 1844, trong đó bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và một phần lớn Siberia.


Tấm bản đồ Trung Quốc cổ, của nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được một nhà xuất bản Đức in năm 1735 - Ảnh: FP

Tuy nhiên trên các mạng xã hội Trung Quốc lại có thông tin về cả hai bản đồ này. Với bản đồ d'Anville, cư dân mạng Trung Quốc giận dữ với món quà bà Merkel tặng, cho rằng đó là "món quà vụng về", hoặc "Đức chắc có động cơ thầm kín", hay đi xa hơn là cáo buộc bà Merkel muốn hợp pháp hóa các phong trào đòi độc lập của Tây Tạng, Tân Cương v.v.
Còn bản đồ Dower trái lại được đón chào hơn, và có người còn tự hào về lãnh thổ cũng như quyền lực to lớn của đế quốc Trung Hoa trước đây.
Anh Sơn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc Chiến tranh lạnh kế tiếp: Biển Đông yên lặng dối lừa …

Khách cao cấp từ lục địa Trung Quốc cách đó trên 600 kilômét đã bay đến để dự lễ. Họ đến với một chiếc Boeing 737 mà đường băng trên hòn đảo nhỏ 13 kilômét vuông chỉ vừa đủ cho nó.

Lý do của chuyến viếng thăm: một ngôi làng nhỏ có tên là Tam Sa được nâng cấp lên thành một huyện Trung Quốc. Ở đó có một bệnh viện, một thư viện, một bưu điện, hai chi nhánh ngân hàng, nhưng cũng có một cảng cho tàu 5000 tấn và một phi trường.
Tại sao lại có những sự ồn ào này quanh một thành phố nhỏ trên một hòn đảo nhỏ cách xa bờ biển Trung Quốc? Tam Sa là một biểu tượng. Tam Sa nằm trên đảo Phú Lâm, cái lại thuộc về quần đảo Hoàng Sa. Và quần đảo Hoàng Sa nằm ngay giữa biển Đông.
Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và con tàu HQ-10 Nhật Tảo nằm lại giữa biển khơi trong Hải chiến Hoàng Sa
Ở ví dụ của Tam Sa, người Trung Quốc muốn phô diễn: Hoàng Sa là của chúng tôi, vâng, thật ra là toàn bộ biển Đông. Vì vậy mà họ mở rộng Tam Sa. Dự định ở đó sẽ thành hình một thiên đường thuế và du lịch và một sòng bạc, nhưng quân đội cũng cần đóng quân ở đó.
Cả một thời gian dài, biển Đông là một biển yên bình. Hay có xung đột nhỏ giữa các quốc gia nằm gần đó, nhưng thường thì những ngọn sóng của sự phẫn nộ lại nhanh chóng dịu xuống.
Nhưng từ một vài năm nay sóng đã dâng cao hơn và chúng cũng không dịu xuống. Biển Đông đã trở thành một vùng căng thẳng có nguy cơ dễ bùng nổ mà trong đó Hoa Kỳ và hầu như tất cả các thế lực châu Á đều tham gia.
Những cuộc tranh cãi xoay quanh trước hết là ba vùng: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như bãi cạn Scarborough. Các bên tham dự trong những xung đột là khác nhau, nhưng Trung Quốc luôn luôn có mặt.
Bãi cạn Scarborough: Ở đây, Trung Quốc và Philippines cãi nhau. Người Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ với một tấm bản đồ từ năm 1279, người Philippines phản công với một tấm bản đồ từ thế kỷ 18. Chính phủ Manila bây giờ muốn mang Trung Quốc ra một tòa án Liên Hiệp Quốc.
Quần đảo Hoàng Sa (tiếng Hoa: Tây Sa): Người Trung Quốc chiếm tất cả các đảo của nhóm này. Họ cũng đóng quân ở đó, cứ điểm lớn nhất là trên đảo Phú Lâm với một đường băng cất cánh và hạ cánh. Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp nhau về những hòn đảo này. Chúng nằm rất gần Việt Nam. Ví dụ như Lý Sơn cách bờ biển 30 kilômét.
Quần đảo Trường Sa (Nam Sa quần đảo): Chúng bao gồm tròn 750 hòn đảo và rạn san hô. Chúng cách Việt Nam 475 km và cách Trung Quốc 1000 km. Chúng được đặt theo tên người đánh cá voi Richard Spratly, người đã thăm dò vùng này năm 1840. Ở đây, tình hình phức tạp hơn tại quần đảo Hoàng Sa rất nhiều. Nhiều quốc gia đã chiếm giữ đảo và rạn san hô ở đó. Hoạt động tích cực nhất là Việt Nam, xem các hòn đảo này là tỉnh của Việt Nam từ năm 1973. Việt Nam chiếm 29 đảo và rạn san hô. Có quân nhân đóng ở đó. Bên cạnh người Việt còn có người Philippines (10 đảo), Trung Quốc (9), Malaysia (7) và Đài Loan (1).
Những hòn đảo nhỏ này được ham muốn đến như vậy vì trong vùng biển quanh chúng có những nguồn lương thực và năng lượng mà con người cần để sống và sống còn.
Biển Đông – cũng như toàn bộ Tây Thái Bình Dương – được cho là một vùng rất giàu cá. Một phần mười cá được chào bán trên khắp thế giới là xuất phát từ vùng này, theo thông tin của United Nations Environment Programme (UNEP). Cá đối với người dân của hầu hết các quốc gia nằm cạnh là nguồn thực phẩm quan trọng nhất. Tròn 700 triệu người sống trong vùng này nhờ vào cá. Tròn 1,9 triệu tàu đánh cá đi lại trong vùng này hàng ngày vì họ.
Nhưng đặc biệt là vì dầu và khí đốt. Tất cả các quốc gia nằm quanh biển Đông đều thèm muốn dầu và khí đốt này, vì tất cả họ – ngoại trừ Brunei nhỏ bé – phải nhập khẩu một phần lớn năng lượng của họ. Nhưng điều điên rồ ở tình hình này lại là: tất cả đều nói về những trữ lượng khổng lồ, nhưng không ai biết thật sự có bao nhiêu dầu và khí đốt nằm ở dưới những độ sâu của biển Đông.
Ước tính trữ lượng khác nhau rất xa. Các ước tính mới nhất của Hoa Kỳ là 15,6 tỉ thùng. Người Trung Quốc ngược lại lạc quan hơn rất nhiều và ước lượng chúng từ 105 tới 213 tỉ thùng. Vì vậy mà họ gọi vùng trước cửa nhà này của họ là “vịnh Ba Tư thứ nhì”.
Việc các ước tính khác biệt nhau xa như thế có một lý do thật đơn giản. Cho tới nay chưa có quốc gia nào khoan tìm dầu ở biển Đông. Vì người ta phải khoan thật sâu mới tới được với dầu và khí đốt. Điều đó đòi hỏi cao về công nghệ và cũng đắt tiền tương ứng.
Nhưng bây giờ thì người Trung Quốc đã bắt đầu. Trong mùa Hè 2012, tập đoàn dầu nhà nước Cnooc đã thiết lập dàn khoan 981 ở phía Nam của Hồng Kông. Nó có thể khoan sâu cho tới 10.000 mét và được cho là có thể chống cự lại được với những cơn bão nguy hiểm nhất, thường hay ầm ào quét qua vùng này. Đối với giới chuyên môn thì lần sử dụng dàn 981 là một sự ngạc nhiên, vì không ai nghĩ rằng các tập đoàn năng lượng Trung Quốc đã có khả năng về công nghệ cho tới mức đó. “Đó là một dấu hiệu, rằng Trung Quốc bắt đầu thu ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp dẫn đầu trong khoan dầu ở biển sâu”, Eugene Y. Lee, giáo sư kinh tế tại University of Maryland nói.
Nếu như 981 thành công thì chắc chắn là sẽ có những lần khoan khác của Trung Quốc trên biển Đông. Câu hỏi chỉ là: ở đâu? Lần khoan hiện nay còn diễn ra trong vùng biển của Trung Quốc và vì vậy mà đã không gây phê phán từ các quốc gia láng giềng.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Trung Quốc bắt đầu khoan trong vùng biển tranh chấp? Thế thì sẽ dẫn tới xung đột.
Các xung đột đầu tiên đã bắt đầu rồi.
Wolfgang Hirn
Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ["Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây"]

Phần nhận xét hiển thị trên trang