Theo thống kê của tạp chí Forbes của Mỹ công bố về danh sách những tỷ phú của thế giới, có tên một người Việt Nam – ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 – đã trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam trong vài năm qua. Ông Phạm Nhật Vượng được giới thiệu là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tập đoàn Vingroup (VIC) với tài sản trị giá 1,6 tỷ Mỹ Kim.
So với hàng tỷ phú thế giới thì tài sản này không thấm bao nhiêu, nhưng đó cũng là điều đáng mừng cho ông Vượng. Tuy tỷ phú không có nhiều, nhưng so với nhiều thập niên trước, số người Việt Nam làm ăn trở thành Triệu phú (tính theo đồng Mỹ Kim) không phải là ít ở trong và ngoài nước. Đa số thành công là nhờ vào hai nguồn lực chính.
Một là nhờ vào đầu tư thành công ngành địa ốc và từ đó đổi qua thị trường chứng khoán.
Hai là nhờ vào khả năng kinh doanh sản xuất của một số ngành nghề điện tử, công nghiệp chế biến.
Tuy nhiên nhìn trên tổng thể thì phải nói là tỷ lệ người giàu có tại Việt Nam tính trên dân số còn quá thấp so với Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan.
Tìm hiểu về lý do tại sao người Việt Nam chưa giàu như các dân tộc khác, người ta đã chỉ ra 4 lý do:
Thứ nhất là bản chất người Việt Nam vẫn còn mang đậm văn hóa nông thôn, tích luỹ đủ ăn chưa có ý chí làm giàu. Khi chỉ nghĩ làm đủ ăn thì người ta thường có khuynh hướng buôn bán quanh quẩn trong thành phố, cùng lắm là trên cả nước, ít có ý muốn khuyếch trương sang những quốc gia khác.
Thứ hai là xã hội Việt Nam chưa đưa lãnh vực kinh doanh thương mại thành một bộ môn giảng dạy và nghiên cứu phổ cập trong các trường. Do quan niệm cổ hũ đặt ngành Thương sau Công, Nông và Sĩ nên vì thế mà dân ta không coi trọng những người đi vào các ngành thương nghiệp. Trong khi đó, các nước Âu Tây, Nhật và Nam Hàn đã coi thương nghiệp là lãnh vực làm giàu cho quốc gia.
Thứ ba là xã hội Việt Nam từ năm 1945 tại miền Bắc và từ năm 1975 tại miền Nam đã hủy diệt tiềm năng làm giàu của người Việt Nam theo chính sách “hồng hơn chuyên” nên tiêu hủy ý chí làm giàu của nhiều người. Ngày nay lại sản sinh ra một loại làm giàu dựa vào gia thế lãnh đạo, dựa vào ô dù để rút ruột công trình…
Thứ bốn là người Việt Nam không mấy tin nhau trong những hợp tác làm ăn. Người Nhật, người Hoa sở dĩ thành công lớn là họ biết nương tựa và giúp nhau vì đặt chữ “tín” lên hàng đầu. Trong khi người Việt Nam tuy hợp tác làm ăn nhưng không muốn ai hơn mình và luôn luôn sợ người ta qua mặt mình. Có thể là do chiến tranh triền miên, con người ta có xu hướng ăn xổi ở thì và không tin tưởng vào những gì lâu bền.
Bốn lý do nêu trên, có những lý do thuộc về bản chất của con người phải cần thời gian thay đổi qua học tập, và qua giao tiếp làm ăn với người bên ngoài. Còn những lý do tự thân của xã hội thì phải để cho chính xã hội giải quyết bằng những đợt canh tân của lớp người mới lớn lên mà thôi.
Các bạn nghĩ sao?